Trang

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

PAKISTAN VÀ NỀN THẦN HỌC NGỮ CẢNH

Pakistan và nền thần học ngữ cảnh

Hôm 19 tháng 11, Mark Riedemann của chương trình Where God Weeps đã phỏng vấn linh mục Emmanuel Asi, hiện là thư ký điều hành Ủy Ban Thánh Kinh Công Giáo tại Lahore, Pakistan. Cha Asi là một học giả Thánh Kinh trong 20 năm qua, từng giảng dạy thần học cho những người bình dân của nước này, một nước mà Kitô hữu chỉ chiếm 2 phần trăm dân số. 

Thần học gia đình
Cha Emmanuel Asi


Nói về bối cảnh gia đình, Cha Asi cho hay ngài có diễm phúc xuất thân không phải chỉ từ một gia đình Công Giáo, mà từ một gia đình Công Giáo có truyền thống. Lúc lên 12, cha ngài trở lại Công Giáo nhờ một vị truyền giáo Dòng Phanxicô người Bỉ. Lúc trở lại đạo, cụ là người vô học, không biết đọc biết viết. Sau nhờ tập đọc, tập viết, cụ đã có thể học thuộc lòng trọn bộ Sách Thánh. Cụ có thể cho biết chỗ của mỗi đoạn Sách Thánh ở đâu. Chính nhờ thế, cụ trở thành một người lãnh đạo thiêng liêng cho cả cộng đoàn, gồm 18 gia đình, trong một ngôi làng lớn phần đông theo Hồi Giáo. Cụ làm nghề thợ may. Và trong khi ngồi may như thế, nhiều người đến với cụ, có cả người Hồi Giáo nữa. Họ cùng ngồi dưới đất với cụ để nghe cụ đọc Lời Chúa. Cứ thế, vừa may, cụ vừa giải thích và chú giải Sách Thánh. Cả làng và những làng bên cạnh nữa, ai cũng coi cụ là bậc thánh, tiếng Pakistan là sadhu. Họ nô nức tới để cụ chúc lành. Khi có con vật hay đứa trẻ nào mắc bệnh, họ cũng đến với cụ để cụ chúc phúc. Ngay cả trong các quyết định khó khăn, họ cũng tới vấn kế cụ và đôi khi cụ còn đóng cả vai hòa giải các làng kế bên nữa.

Cha Asi thừa hưởng được lòng mộ mến Thánh Kinh từ thân phụ. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, cha đều được thân phụ kể cho nghe nhiều truyện trong Thánh Kinh, nhiều trình thuật và tình tiết. Thành thử con cái cụ, ai cũng thuộc các câu, các truyện và các tình tiết trong Thánh Kinh từ hồi còn rất nhỏ. Cụ làm việc sáu ngày một tuần lễ, còn Chúa Nhật, cụ đem vợ con tới các làng bên cạnh. Đến đâu, cụ cũng trình diễn các vở kịch Thánh Kinh, hát thánh ca và giảng giải. Các buổi kinh sáng và kinh tối không phải chỉ được tổ chức trong gia đình cụ, cụ còn tụ tập cả cộng đoàn Kitô Giáo để cùng nhau cầu nguyện nữa. 

Thần học ngữ cảnh

Phản ứng của người Hồi Giáo ra sao? Cha Asi cho hay: Người Hồi Giáo rất kính trọng Lời Chúa và họ công khai nói về tôn giáo. Người Hồi Giáo chỉ kháng cự khi bạn chống lại tôn giáo của họ hay khi bạn nói về một vài tín điều nào đó, như Chúa Ba Ngôi hay Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa chẳng hạn. Chứ còn chỉ nói về Lời Chúa hay nói về đức tin của mình, thì không có vấn đề gì cả.

Tuy chỉ có 40% dân Pakistan biết đọc biết viết, nhưng khi giảng dạy, cha Asi sử dụng hai ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Urdu, nên có học hay không có học, không thành vấn đề bao nhiêu. Người nghe rất chăm chú, bị lôi cuốn và được linh hứng, không bao giờ mệt mỏi cả. Người giảng hay người tổ chức có khi mệt mỏi, chứ người nghe thì không bao giờ mệt mỏi trong việc lắng nghe Lời Chúa. 

Nhưng thần học há không phải là đề tài khó trình bày sao? Làm thế nào để người bình dân hiểu được? Cha Asi cho hay: có hai thứ thần học với các khởi điểm rất khác nhau. Trong nền thần học truyền thống, là nền thần học hiện rất nổi bật trong Giáo Hội Công Giáo, khởi điểm là Thiên Chúa, triết lý, luận lý hay thần học hoặc một số tín điều. Trái lại, trong nền thần học ngữ cảnh (contextual theology), khởi điểm là thực tại trong cuộc sống. Bởi thế, khi bạn nói về các thực tại của cuộc sống này và sự hiện diện của Thiên Chúa trong đó, thì toàn bộ thần học trở nên khác hẳn. Không phải ta làm thứ thần học ngữ cảnh này, Thiên Chúa mới là người đầu tiên làm thứ thần học ấy. Trong cuốn đầu tiên của Bộ Thánh Kinh, tức cuốn Sáng Thế, Thiên Chúa muốn con người nhân bản là Imago Dei (hình ảnh Chúa) và tham dự vào chính sự sống Thiên Chúa. Trong chương 3 Sách Xuất Hành, ở đoạn ngay trước tình tiết bụi gai bốc lửa, chính Thiên Chúa đã quyết định bước vào trần gian vì Người nhìn thấy cảnh đói kém, bóc lột người, tra tấn, nô lệ, và Người muốn cứu thoát, muốn cứu chuộc và muốn giải phóng con người. Như thế, rõ ràng Thiên Chúa đang thực hiện nền thần học ngữ cảnh. Người là Đấng Thiên Chúa không chịu đứng bên ngoài hay bên trên lịch sử, mà là một Thiên Chúa đứng trong ngữ cảnh, đứng trong lịch sử, đứng trong cuộc sống hàng ngày của con người. 

Khởi đi từ cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, của mỗi người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, thần học sẽ trở nên duyên dáng, lôi cuốn hơn, chứ không phải là điều trừu tượng, lý thuyết. Nó có điều gì đó liên hệ đến đời bạn, một điều gì đó dính dáng đến thực tại, một Thiên Chúa trong ngữ cảnh, một con người nhân bản trong ngữ cảnh. 


Thần học kiểu trên đem lại cho cha Asi bình diện thoả mãn đầu tiên liên quan tới cái hiểu bản thân và sâu xa hơn về chính con người mình. Đối với ngài, Thiên Chúa cũng ra khác: Người là Thiên Chúa ở trong cha, trong ngữ cảnh của cha; Thiên Chúa lưu tâm tới cha và như lời Thánh Gioan, Thiên Chúa trở thành rờ mó được, một Thiên Chúa bạn có thể đối thoại với. Người không còn là Đấng Thiên Chúa trừu tượng sống mãi ở cõi trời cao, bên ngoài lịch sử đời tôi, Đấng mà có lẽ tôi chỉ với tới khi tôi cầu nguyện hay khi tôi làm việc lành việc thánh. Thiên Chúa sờ sờ có thực. Thiên Chúa thuộc cảm nghiệm. Thiên Chúa có thể rờ mó được. Điều ấy đem lại cho tôi hy vọng và hân hoan, vì tôi thấy quả Người yêu tôi. Và tôi chia sẻ tình yêu ấy, chuyển giao tình yêu ấy cho người khác.

Bình diện thỏa mãn thứ hai là khi người ta lắng nghe và cho hay “chúng tôi hiểu”. Không phải hiểu theo nghĩa học thuật, khoa bảng mà là hiểu bằng con tim. Người đơn thành bắt đầu lên tiếng, bắt đầu suy niệm và bắt đầu diễn tả bằng lời các suy niệm riêng của họ về Thiên Chúa. Niềm thoả mãn này thật hết sức lớn lao. 

Đọc Lời Chúa hàng ngày, từ đầu, liên tục

Về dự án Một Trăm Nghìn Bằng Hữu Cho Thánh Kinh, Cha Asi cho hay: Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, trong tông huấn hậu thượng hội đồng “Verbum Dei” (Lời Chúa), từng nhấn mạnh tới tính trung tâm của Lời Chúa trong đời sống, sứ vụ và mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Nên dự án này có 7 điểm chính. Thứ nhất bạn có Sách Thánh riêng. Thứ hai, bạn đọc nó hàng ngày. Thứ ba, bạn đọc nó liên tục, bắt đầu từ chỗ bạn dừng lại. Bạn sẽ không mở Sách Thánh một cách cầu may rồi đọc bất cứ đoạn nào, mà phải bắt đầu từ đầu rồi đều đặn đọc tiếp theo, nhờ thế, sau 2 hay 3 năm, nếu mỗi ngày đọc 10 phút, bạn sẽ đọc hết cả bộ Sách Thánh. Bạn không nghiên cứu Thánh Kinh, mà là đọc Thánh Kinh. Thứ bốn, thỉnh thoảng, chia sẻ với gia đình và bạn bè những gì bạn thấy là linh hứng và thích thú. Thứ năm, trong khoảng 2 hay 3 năm tặng người khác một cuốn Thánh Kinh. Thứ sáu, trong vòng một năm, vận động 5 hay 7 người bạn cũng làm như trên và tham gia phong trào Một Trăm Nghìn Bằng Hữu Cho Thánh Kinh này. Cuối cùng, chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa đã cho bạn trở thành hay tham gia (việc đọc Sách Thánh) phong trào này. Bạn không cần làm thêm bất cứ việc nào khác. Chỉ cần say mê Lời Chúa như lúc bạn trở thành bằng hữu của ai và muốn gặp gỡ họ, chuyện vãn và ở bên cạnh người ấy vậy; vâng chỉ cần say mê Lời Chúa và làm những điều tối thiểu bạn có thể làm được nhưng làm thường xuyên và liên tục trong hân hoan. Điều ấy sẽ đem lại nhiều hiệu quả tốt và tích cực. Năm nay, cha Asi dự tính in 70,000 cuốn Thánh Kinh bằng tiếng Urdu. Cha hy vọng sẽ bán hết số sách này và đó sẽ là một phép lạ do Lời Chúa thực hiện. 
Vũ Văn An11/25/2012 (vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét