Trang

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

19-11-2012 : THỨ HAI TUẦN XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Hai sau Chúa Nhật 33 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 1, 1-4; 2, 1-5a
"Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ mức nào và hãy hối cải".
Khởi đầu sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Mạc khải của Ðức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người các điều sắp xảy ra. Vậy Người đã sai thiên thần loan báo cho tôi tớ người là Gioan, và Gioan làm chứng rằng tất cả những gì ông đã thấy là lời của Thiên Chúa và lời chứng của Ðức Giêsu Kitô. Phúc cho ai đọc và nghe các lời tiên tri này, cùng tuân giữ những điều đã chép trong đó, vì thời giờ đã gần.
Gioan kính gởi bảy Giáo đoàn ở Tiểu Á. Nguyện chúc ân sủng và bình an cho anh em do từ Ðấng đang có, đã có và sẽ đến và do từ bảy thần linh đứng trước ngai của Người.
Tôi nghe Chúa phán bảo tôi: "Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Êphêxô rằng: 'Ðây là lời của Ðấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi giữa bảy chân đèn bằng vàng. Ta biết việc làm của ngươi nổi bật và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể dung kẻ bất lương; ngươi đã thử thách những kẻ tự cho mình là tông đồ, mà kỳ thực thì không phải, nhưng ngươi đã thấu rõ họ là hạng gian dối. Ngươi có lòng kiên nhẫn, ngươi đã chịu đựng vì danh Ta mà không sờn lòng. Nhưng Ta trách ngươi điều này, là ngươi đã bỏ lòng yêu mến thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã sa sút từ mức nào, hãy ăn năn hối cải và làm lại những việc thuở ban đầu' ".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Ta sẽ cho kẻ thắng trận ăn trái cây sự sống (Kh 2, 7b).
Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa: lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy: họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Lc 16, 31
Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 18, 35-43
"Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? - Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!" Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?" Anh thưa: "Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy". Chúa Giêsu bảo anh: "Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu chữa cho anh mù được sáng mắt. Sự mù lòa ở đây không chỉ là mù về thể xác, mà còn có ý nghĩa là tội lỗi, là tối tăm trong tâm hồn.
Sứ mệnh của Ðức Giêsu đến trần gian là giải thoát con người khỏi khổ đau, khỏi nô lệ tội lỗi. Ngài luôn sẵn sàng chữa lành cho chúng ta, nhưng chúng ta chỉ được lành khi chúng ta tin vào Ngài. Như vậy niềm tin chính là điều kiện để Chúa đổ ơn cho chúng ta, để chúng ta được ơn tha thứ.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con và sẵn sàng chữa mọi bệnh hoạn do tội lỗi gây ra nơi chúng con. Ðó chính là ơn tha thứ và ơn thánh hóa mà chúng con được lãnh nhận qua các bí tích. Xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa, để chúng con được thoát khỏi mọi bệnh tật, mọi sự nô lệ, mọi ràng buộc và mù tối của tội lỗi. Và chúng con sẽ được sống trong ánh sáng và bình an của Chúa. Amen.
 (Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Sự Mù Lòa Thiêng Liêng
(Lc 18,35-43)
Suy Niệm:
Sự Mù Lòa Thiêng Liêng
Con người đã được Thiên Chúa sáng tạo đặt vào trong hiện hữu và cuối cùng sẽ trở về cùng Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Trong thời gian chờ đợi ngày trở về này, mỗi người chúng ta phải sống như thế nào? Chúng ta hãy đối chiếu cuộc sống chúng ta với Lời Chúa, nhưng không phải chỉ đối chiếu, mà còn cần phải sửa chữa, vứt bỏ những gì không phù hợp với lời dạy của Chúa.
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người mù thành Giêricô. Ðây không phải là dụ ngôn, mà là biến cố có thật. Chúng ta có thể quan sát hai thái độ thực hành. Trước hết là thái độ của những người cản trở không cho anh mù gặp gỡ Chúa, những người này cho rằng chỉ có họ mới được quyền đi bên cạnh Chúa. Thật ra, trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, trên bình diện thông ban ân sủng, cứu rỗi, con người không thể cậy dựa vào quyền lợi của mình mà đòi hỏi Thiên Chúa. Tất cả đều là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, không ai có quyền dành lại ân sủng đó cho riêng mình.
Thái độ thứ hai chúng ta có thể nhận thấy nơi anh mù. Ý thức thân phận của mình, anh không có gì để khoe khoang hay đòi hỏi, nhất là đòi hỏi Thiên Chúa, mà anh chỉ khiêm tốn cầu xin: "Lạy ông Giêsu, con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi". Sự mù lòa thể xác và nghèo nàn vật chất không phải là một ngăn trở con người gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn lành của Ngài. Từ ơn lành cho thể xác mù lòa: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được", anh mù đã tiến thêm một bước quan trọng, như tác giả Luca ghi lại: "Tức khắc anh thấy được và theo Chúa, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa". Anh mù đã sống trọn ơn gọi Kitô của mình; anh đã thực hiện lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ Ngài: "Ánh sáng của các con phải chiếu soi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc lành các con làm, mà tôn vinh Cha các con Ðấng ngự trên trời".
Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh và giải thoát chúng ta khỏi sự mù lòa thiêng liêng, để chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng của Chúa và chiếu tỏa ánh sáng ấy trước mặt mọi người.
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 33 TN2
                                                Bài đọc: Rev 1:1-4, 2:1-5; Lk 18:35-43.

  GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hãy năng làm sống lại tình yêu ban đầu!

Tình yêu là yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống, vì nó là động lực thúc đẩy con người ham sống và làm việc. Nếu đánh mất tình yêu, con người sẽ đâm ra chán nản và mất hết nghị lực để làm việc. Kẻ thù của tình yêu là thời gian và những thay đổi của cuộc sống. Ví dụ: tình yêu vợ chồng. Rất nhiều người trong chúng ta có kinh nghiệm hay đã được chứng kiến cảnh gia đình tan rã sau biến cố tháng 4/1975. Chồng đi vượt biên, vợ và các con ở lại; mấy năm sau nghe tin chồng đã có vợ khác. Tại sao những chuyện như thế xảy ra? Thời gian và hòan cảnh là 2 yêu tố chính: xa mặt cách lòng và có mới nới cũ. Chuyện như thế cũng xảy ra trong tình yêu của con người với Thiên Chúa: bỏ nhà thờ hay cầu nguyện để chạy theo những cám dỗ vật chất là 2 lý do chính làm con người xa Chúa. Vì thế, để có thể gìn giữ tình yêu, điều cần thiết là phải năng làm sống lại tình yêu ban đầu: “tương quí như tương tân,” hãy luôn biết quí trọng nhau như thuở ban đầu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mặc khải của Đức Giêsu Kitô, mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người.
Sách Khải Huyền: không chú trọng đến những gì sẽ xảy ra trong Ngày Tận Thế như nhiều người lầm tưởng, nhưng chú trọng đến việc nhận ra những lầm lỗi để sửa sai và sống tốt đẹp hơn trước khi Ngày Tận Thế đến như tác giả trình bày hôm nay: “Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những sấm ngôn đó và tuân giữ các điều chép trong đó, vì thời giờ đã gần đến!”
(1) Mặc khải của Đức Giêsu Kitô, mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến. Người đã sai thiên thần của Người đến báo cho ông Gioan là tôi tớ của Người biết mặc khải đó. Ông Gioan đã làm chứng về lời của Thiên Chúa và về lời chứng của Đức Giêsu Kitô, về những gì ông đã thấy.
(2) Ý nghĩa con số 7 trong Sách Khải Huyền: Số 7 xảy ra tất cả 54 lần trong Sách Khải Huyền; đây là con số được dùng để biểu tỏ sự tròn đầy, tòan hảo. Ví dụ: việc Đức Kitô gởi Lời cho 7 Giáo Phận có nghĩa gởi cho tất cả Giáo Hội trên tòan cầu.
(3) Thị kiến đầu tiên: Lời của Đức Kitô cho 7 Giáo Phận ở Asia Minor (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay): “Tôi là Gioan kính gửi 7 Giáo Phận Asia. Xin Đấng hiện có, đã có và đang đến, xin bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người.”
(4) Lời cho Hội Thánh Êphêxô: Đây là thành phố thương mại rất sầm uất của Tiểu Á thời đó, là trung tâm của các Tòa Đại Sứ, là trung tâm của văn hóa và tôn giáo. Vị thế của Thành Êphêsô mở đường cho rất nhiều mê tín dị đoan và thờ các tà thần; thần phổ thông nhất của Thành là Artemis (Tđcv 19:8, 10). Thánh Phaolô thành lập Giáo Phận Êphêsô vào khỏang 53-56 AD (Tdcv 19:8-10). “Hãy viết cho thiên thần của Giáo Phận Êphêxô: Đây là lời của Đấng cầm trong tay hữu bảy vì sao, Đấng đi giữa bảy cây đèn vàng.” 7 vì sao tượng trưng cho 7 thiên thần coi giữ 7 Giáo Phận, và 7 cây đèn tượng trưng cho 7 Giáo Phận (Kh 1:20). Đấng đi giữa 7 cây đèn là Đức Kitô, như Ngài đã hứa “sẽ ở cùng Giáo Hội cho đến Ngày Tận Thế” (Mt 18:20, 28:20).

1.1/ Lời khen: Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Một việc cụ thể được liệt kê: “Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác. Ngươi đã thử thách những kẻ xưng mình là tông đồ, mà thực ra không phải, và ngươi đã thấy rằng chúng là những kẻ nói dối.” Việc này có lẽ liên quan tới Nicolaitans (Kh 2:6, 15).
1.2/ Lời chê trách: “Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu.” Đánh mất tình huynh đệ ban đầu là cũng đánh mất tình yêu với Thiên Chúa; vì mến Chúa đòi phải yêu người. Lời khuyên nhủ: “Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu.” Ba việc cần làm trong tiến trình hối cải đựợc đề ra: xét mình (nhớ lại) – ăn năn (hối cải) – đền tội (làm việc). Lời đe dọa: “Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải.” Cây đèn tượng trưng cho Giáo Phận; đem cây đèn ra khỏi chỗ có thể nói tới sự tiêu hủy của GP Êphêsô.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chữa người mù thành Jericho.
2.1/ Lời cầu xin khẩn thiết của người mù: Việt-Nam có câu tục ngữ: “Có đau mắt thì mới biết thương người mù.” Vì không thấy đường nên tất cả thế giới đẹp đẽ đối với anh là một bóng đen, và công việc duy nhất anh có thể làm được là ngồi ăn xin lòng thương xót của người qua đường. Anh mù chứ không điếc nên khi nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giêsu Nazareth đang đi qua đó. Chắc chắn anh đã nghe về Đức Kitô chuyên chữa lành bệnh nhân, nên anh không bỏ lỡ cơ hội, anh liền kêu lên (boa,w) rằng: "Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!"
Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi. Không ai có thể hiểu nỗi đau khổ của anh; tất cả đều bận tâm với những toan tính riêng tư của họ. Những người quát nạt này có lẽ bực mình vì tiếng kêu cứu của anh làm họ không nghe rõ những gì Chúa Giêsu đang giảng giải. Nhưng anh mù không sờn lòng và càng kêu lớn tiếng hơn (krazo): "Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi!"
Việc anh kêu lớn tiếng hơn có thể anh sợ Chúa Giêsu chưa nghe thấy tiếng kêu nài của anh; nhưng cũng để biểu tỏ tấm lòng kiên trì kêu cầu của anh, không một sức mạnh nào có thể ngăn ngừa anh đừng trông cậy vào Thiên Chúa. Với bệnh tật của anh, anh nghĩ có lẽ đây là cơ hội ngàn năm một thuở anh có cơ hội được Chúa Giêsu chữa lành.

2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu, người mù, và đám đông: Làm sao Thiên Chúa của lòng thương xót không động lòng trước tiếng kêu bi thương của con cái mình? Ngài dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh ta đáp: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được." Người mù không xin tiền, không xin bất cứ sự gì khác, nhưng xin cho được thấy, vì anh biết sự sáng quan trọng thế nào đối với anh. Đức Giêsu nói: "Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Lập tức, anh ta nhìn thấy và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Anh biết Chúa Giêsu có lòng thương xót, anh biết Chúa Giêsu là người duy nhất có thể chữa anh, và chính anh đã được Chúa Giêsu thương xót chữa lành; nên chuyện anh đi theo Ngài để ngợi khen Thiên Chúa là chuyện tự nhiên phải làm. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Cuộc sống với quá nhiều quyến dũ vật chất và hưởng thụ làm cho trái tim con người ra chai đá, khiến chúng ta không còn nhạy cảm với tình thương Thiên Chúa và tình thương của tha nhân. Chúng ta hãy làm sống lại tình yêu ban đầu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, bằng cách năng nhớ lại những gì Ngài đã làm cho chúng ta, để biết ơn, để ca tụng, và biết sống xứng đáng với tình yêu của Ngài.
- Chúng ta hãy làm sống lại tình yêu ban đầu của chúng ta dành cho nhau; để luôn biết quí trọng và dễ tha thứ cho nhau.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Hai tuần 33 thường niên
Sứ điệp: Nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu, anh mù thành Giêricô được Chúa cho sáng mắt. Cậy nhờ Danh Chúa Giêsu mở rộng con mắt của linh hồn ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy vui mừng và hạnh phúc biết bao khi có đôi mắt sáng, để thấy được điều kỳ diệu trong thiên nhiên, để nhận biết những gì đang xảy ra chung quanh, cũng như để nhận ra khuôn mặt người thân yêu. Đôi mắt sáng, đó là một kho báu, một hồng ân lớn lao mà Chúa đã tặng ban. Thế nên con luôn chăm sóc, bảo vệ và đề phòng khỏi rơi vào cảnh mù tối.
Nhưng nghĩ kỹ lại, con thấy nhiều lúc con đang sống cảnh đui mù một cách nào đó. Nhiều lúc con mắt thân xác nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên, nhưng mắt linh hồn lại không thấy được tình thương và sự quan phòng của Chúa qua những vẻ đẹp ấy. Lắm lúc con nhìn ra khuôn mặt của người thân, nhưng ít khi con thấy được người hành khất bên vệ đường hay kẻ con đang thù ghét, là chính Chúa và là anh em của con. Con thấy được khuôn mặt mình qua tấm gương, nhưng chẳng mấy khi thấy được tình trạng linh hồn mình. Những lúc ấy là lúc con đang mù lòa, khốn khổ và đáng thương hơn anh mù thành Giêricô.
Lạy Chúa, xin thương mở mắt linh hồn con, để con thấy được tình thương Chúa đang hiện diện khắp nơi. Xin cho mắt linh hồn con sáng suốt, để con nhận ra đâu là điều đẹp ý Chúa, và nhận ra mọi người là anh em con. Xin Chúa cho con, ngay từ bây giờ được bước đi trong ánh sáng Chúa, để mai sau con được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa muôn đời. Amen.
Ghi nhớ :"Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? - Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy"
www.phatdiem.org
19/11/12 THỨ HAI TUẦN 33 TN
Lc 18,35-43 
ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ MUỐN
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Lc 18,41)

Suy niệm: Trong quyển Thức Tỉnh,  cha Antony de Mello chia sẻ một suy nghĩ đại ý thế này: Con người đi tìm hạnh phúc, nhưng không muốn sống hạnh phúc. Cũng giống như chúng ta đi tìm sự thật, nhưng chúng ta không muốn sống chân thật. Như thế, “muốn” rất quan trọng, là điểm bắt đầu của sự biến đổi. Cũng vậy, Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên đáng yeu hơn, đời sống chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta đáp lại: Con muốn. “Anh muốn tôi làm gì cho anh? - Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” Và phép lạ đã xảy ra. “Anh  hãy thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Phép lạ xảy ra nhờ sự thành tâm, lòng khao khát muốn được chữa lành của anh. Đám đông không dập tắt được tiếng kêu van của anh, cuộc sống tự lập của ngày mai không làm anh chùn bước, vì quả thật, anh muốn được chữa lành.
Mời Bạn: Bạn có một thói xấu thâm căn cố đế, bạn còn khao khát muốn sửa đổi không? Mong muốn Chúa thay đổi tấm lòng của mỗi thành viên để gia đình được thuận hòa, bạn có còn tha thiết nài xin, và cầu nguyên liên lỉ chưa? Chúa nói: “Lòng tin của con cứu chữa con.” Ước mong tất cả chúng ta hết lòng tin Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tha thiết cầu nguyện để cầu xin Chúa ban ơn lành cho  cho Giáo Hội, thế giới, gia đình, hay cho một người nhờ tôi cầu nguyện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Rất nhiều lần con đã sai lỗi nhưng lại chấp nê không muốn được Chúa chữa lành. Vì thế con cứ ở lỳ trong tội và không được hạnh phúc. Xin cho con một lần dám mạnh dạn thưa: “Con muốn,” để con được Chúa chữa lành. Amen.
www.5phutloichua.net

Xin cho tôi nhìn thấy
Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”, tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì? Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn.
Suy nim:
Trong những năm hành đạo, Đức Giêsu đã chữa một số người mù.
Vào những ngày cuối đời, khi trên đường lên Giêrusalem lần cuối,
Ngài đã chữa cho anh mù ở Giêricô.
Giêricô được coi là thành phố cổ xưa nhất, không xa Giêrusalem,
nằm ở hạ lưu sông Giođan, thấp hơn mực nước biển 300 mét.
Anh mù ở Giêricô kiếm sống bằng cách ngồi bên vệ đường ăn xin.
Anh vừa bị tách biệt với người khác, vừa bị lệ thuộc vào người khác.
Mất khả năng nhìn, nhưng anh vẫn còn khả năng nghe và nói.
Để gặp được Đức Giêsu, anh đã tận dụng mọi khả năng còn lại.
Anh nghe tiếng đám đông đi qua, tiếng chân người rộn ràng (c. 36).
Anh tò mò hỏi xem chuyện gì vậy.
Khi biết là Đức Giêsu Nadarét đang đi ngang qua,
anh thấy ngay điều mình chờ đợi từ lâu, nay đã đến.
Vị ngôn sứ nổi tiếng này anh nghe đồn đã làm bao phép lạ lẫy lừng.
Ngay cả người mù bẩm sinh cũng được Ngài làm cho sáng mắt.
Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến rồi.
Anh tự nhủ mình không thể nào để vuột mất.
Nhưng làm thế nào để Đức Giêsu lưu tâm đến anh?
Làm thế nào để cho Ngài dừng lại?
Vũ khí mạnh nhất và gần như duy nhất của anh, là tiếng kêu.
Chỉ tiếng kêu của anh mới lôi kéo được sự chú ý của Ngài,
và báo hiệu cho Ngài về sự hiện diện của anh.
Anh kêu thật to tên Ngài dù không biết Ngài ở đâu.
“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi” (c. 38).
Hãy nghe tiếng kêu của anh giữa tiếng đám đông ồn ào cười nói.
Anh kêu tiếng kêu của trái tim, đầy tin tưởng, hy vọng, tha thiết.
Nhưng tiếng kêu ấy lại bị bắt phải im đi, có thể vì sợ gây phiền hà.
Anh mù chẳng những đã không vâng lời, lại còn kêu to hơn nữa.
Rồi tiếng kêu của anh cũng đến tai Đức Giêsu, khiến Ngài dừng chân.
Đức Giêsu muốn gặp người đã gọi tên mình để xin thương xót (c. 40).
Cuộc hạnh ngộ bắt đầu bằng câu hỏi anh mong từ lâu:
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 41).
Câu trả lời quá hiển nhiên: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.”
Khi được sáng mắt, anh không phải ngồi bên vệ đường như trước đây.
Anh đã nhập vào đám đông những người theo Chúa và đi trên đường.
Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”,
tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì?
Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn.
Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù.
Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14).
Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi.
Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3).
Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù,
đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác.
Xin Chúa giúp chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi,
và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga  16, 13).
Ước gì chúng ta khiêm tốn đến với Chúa Giêsu
mà “mua thuốc xức mắt để thấy được” (Kh 3, 18).
Cầu nguyn:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu giãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? - Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy".
Người mù thành Giêrikhô
Giáo Hội sắp kết thúc năm phụng vụ với lễ Chúa Giêsu Kitô Vua để nhắc nhở mỗi người chúng ta về sự thật căn bản là Thiên Chúa là khởi đầu và cùng đích của mọi sự, là Alpha và Ômêga. Con người và vũ trụ đã được Thiên Chúa sáng tạo, đặt vào trong hiện hữu và cuối cùng sẽ trở về cùng Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Trong thời gian chờ đợi ngày trở về cuối cùng này, mỗi người chúng ta phải sống như thế nào? Trong tuần lễ này, chúng ta hãy đối chiếu cuộc sống cụ thể của mình với lời dạy của Chúa trong Phúc Âm, và không phải chỉ đối chiếu suông mà thôi, mỗi người chúng ta cần sửa chữa, cần dứt bỏ đi những gì không phù hợp với lời dạy của Chúa.
Bài Phúc Âm hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ hồng phúc giữa Chúa Giêsu và người mù thành Giêrikhô. Thái độ của anh mù này có thể nêu gương cho mỗi người chúng ta. Ðây không phải là dụ ngôn mà là một biến cố thật sự đã xảy ra, trong đó ta có thể quan sát hai thái độ thực hành.
Thái độ của những người cản trở không cho anh mù đến với Chúa Giêsu, dường như thể chỉ có họ mới có quyền hay đặc quyền theo bên Chúa. Còn người mù ăn xin kia không có phẩm giá, không được kính trọng và không có quyền làm phiền Chúa, không có quyền đi theo Chúa. Ðây là những người độc quyền và muốn giới hạn hành động của Thiên Chúa theo những tiêu chuẩn phàm trần do chính con người đặt ra. Trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa trên bình diện của sự thông ban ân sủng cứu rỗi, con người không thể cậy dựa vào quyền lợi của mình mà đòi buộc Thiên Chúa phải làm như thế này hay như thế nọ. Tất cả là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, không ai có quyền giới hạn ân sủng đó cho riêng mình hay trong phạm vi mà mình muốn mà thôi.
Và thái độ thứ hai là thái độ chúng ta quan sát thấy nơi anh mù ngồi ăn xin bên vệ đường gần thành Giêrikhô. Ý thức thân phận của mình, không có gì để khoe khoang hay đòi hỏi, nhất là đòi hỏi Thiên Chúa, anh mù chỉ khiêm tốn kêu xin: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Người ta càng ngăn cản thì anh càng la to hơn: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Sự mù lòa thể xác và nghèo hèn vật chất không phải là một ngăn trở không cho con người gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn lành của Ngài, và từ ơn lành cho thể xác mù lòa: "Lạy Ngài, xin cho con được nhìn thấy". Anh mù đã tiến thêm một bước quan trọng thứ hai là theo Chúa và ca tụng Thiên Chúa, đến độ những kẻ chung quanh cũng được khuyến khích làm theo như vậy. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca đã chú ý ghi lại chi tiết: "Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Chúa và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa". Ðược Thiên Chúa chữa lành, anh mù được sáng mắt kia đi theo Chúa. Trong Phúc Âm cũng có trường hợp con người được Thiên Chúa làm phép lạ, ban cho ơn lành nhưng rất ít người có phản ứng như anh mù này: "Anh đi theo Chúa và ca tụng Thiên Chúa". Anh làm cho nhiều người bị lôi cuốn ca tụng Thiên Chúa như anh vậy. Anh đã sống trọn vẹn điều mà chúng ta có thể diễn tả qua từ ngữ "Sống trọn vẹn ơn gọi Kitô". Theo Chúa, ca tụng Chúa và làm cho anh chị em chung quanh ca tụng Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại lời căn dặn của Chúa Giêsu với các đồ đệ của Ngài như được ghi lại nơi Phúc Âm thánh Mátthêu chương 5,16 như sau: "Ánh sáng của anh em phải chiếu dọi cho mọi người để họ xem thấy việc lành của anh em mà ngợi khen Cha của anh em ở trên trời".
Lạy Chúa,
Người mù thành Giêrikhô thức tỉnh chúng con, những kẻ đã lãnh nhận nhiều ơn lành của Chúa mà lại không biết theo Chúa và ca tụng Thiên Chúa, đó là sự mù lòa thiêng liêng có thể làm cho con người càng ngày càng sống bội bạc với Chúa.
Lạy Chúa, xin thương giải thoát chúng con khỏi sự mù lòa nguy hiểm này.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Người mù được thấy
Đức Giêsu nói: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài xin cho tôi được thấy.”Đức Giêsu nói: “Anh hãy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc. 18, 41-42)
Cuối chặng đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu còn loan báo cho các môn đệ về số phận đang chờ đợi Người, nhưng các ông không hiểu gì, mắt các ông còn bị che phủ. Trong số những kẻ ăn xin ở cửa thành Giê-ri-cô, có một người mù, chờ xin đoàn hành hương về dự lễ Vượt qua. Nghe thấy tiếng ồn ào, càng lúc càng gần, người mù biết có gì lạ: “Cái gì vậy?”.
Đôi mắt đức tin
Người ta trả lời cho anh biết đó là Đức Giêsu Na-gia-rét. Đám đông thấy Đức Giêsu làm nhiều việc của Thiên Chúa, nhưng họ vẫn mù về lý lịch của Người. Còn anh mù lại thấy xa hơn họ, Thánh Thần Thiên Chúa đã đem chân lý vào con tim anh và anh tin. “Đức Giêsu, con vua Đa-vít”. Anh biết đó là Giêsu, Đấng Thiên sai Cứu thế, Người phải đến và anh la lớn kêu Người: “Xin thương xót tôi”. Người ta bảo anh câm đi: Anh càng la lớn. Không phải bao giờ cũng gặp được dịp may như thế này: Người được Thiên Chúa sai đến đã viếng thăm dân Ngài!
Đức Giêsu luôn luôn ý thức được hành động của Thánh Thần, Người đã nghe thấy tiếng van xin át cả tiếng ồn ào của đám đông. Người không từ chối biểu lộ là Đấng Thiên sai Cứu thế nữa. Trái lại, Người hành xử vai trò Cứu thế: Người truyền lệnh cho người ta dắt anh mù đến với Người.
Họ thấy quyền phép của Thiên Chúa
Đức Giêsu hỏi anh như thường lệ để trắc nghiệm lòng tin của anh. Người không áp đặt ý muốn của Người bao giờ, nhưng để kẻ khác khởi xướng hỏi xin: “Anh muốn Tôi làm gì cho anh?”, anh đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy”. Anh mù kêu Người là Đức Kitô, như các Kitô hữu thời sơ khai đã hát: “Mọi miệng lưỡi tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa trong vinh quang Thiên Chúa Cha”.
Câu trả lời của Đức Giêsu tất nhiên cũng như mọi khi: “Anh hãy thấy đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Người đến cho những mù thấy được, người què đi được, người câm nói được, người điếc nghe được và người chết sống lại.
Lập tức anh thấy được và đi theo Người để cảm tạ Thiên Chúa đã tỏ bày quyền năng của Ngài, và đám đông cùng hòa đồng với anh hát Thánh vịnh ca ngợi Thiên Chúa. Đó là một dấu chỉ về Giáo hội tiến bước theo Đức Kitô để tôn vinh Thiên Chúa Cha.
RC.

 Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11

19 THÁNG MƯỜI MỘT
Tiếng Gọi Chung Thủy
Được sinh ra từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, hôn nhân tìm thấy luật nền tảng và giá trị luân lý của nó trong một tình yêu đích thực giữa hai người. Cả vợ và chồng đều hoàn toàn dấn thân để nâng đỡ nhau. Và xuất phát từ khát vọng chung của hai người muốn sống trung thành với tình yêu của Thiên Chúa – là Đấng Sáng Tạo và là Cha của mình – họ sinh ra sự sống mới. Sứ mạng mà họ lãnh nhận từ Thiên Chúa này đòi hỏi họ phải có một sự dấn thân triệt để hơn nữa và một ý thức cao vượt hơn nữa về những trách nhiệm của họ trong tư cách là con người và là Kitôhữu.
Họ phải không ngừng tìm cách tận dụng các ân sủng tuôn chảy từ Bí Tích Hôn Nhân. Ân sủng bí tích này thật cần thiết để giúp họ đương đầu với những thách đố của bao khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Các đôi vợ chồng Kitôhữu tìm thấy ánh sáng và sức mạnh để giải quyết những vấn đề riêng của họ nhờ ân sủng này. Họ có thể sống triệt để một tình yêu đích thực và phổ quát – trước hết đó là tình yêu hướng về Thiên Chúa, vì họ phải khao khát vinh quang của Ngài và nhiệt tình mở rộng Nước Ngài; thứ hai, đó là tình yêu hướng về con cái họ trong ánh sáng của nguyên tắc Thánh Phao-lô: “Tình yêu không tìm ích lợi cho riêng mình” (1Cr 13,5); và cuối cùng, đó là tình yêu hướng về nhau trong đó người này tìm cách phục vụ người kia và hiểu được những tâm tư nguyện vọng tốt lành của người kia. Ở đây không có sự độc đoán hay ích kỷ chen vào trong ý hướng. Không, ở đây chỉ có một tình yêu trọn vẹn và phổ quát.
Điều này giải thích tại sao linh đạo vợ chồng đòi hỏi một nỗ lực triệt để về luân lý và sự thánh thiện suốt đời. Nó phải được nuôi dưỡng bởi những niềm vui và những hy sinh trong đời sống hằng ngày.
Những người vợ và chồng, anh chị em đừng cảm thấy cô đơn trong sự dấn thân của anh chị em cho các mục đích nói trên. Thật vậy, Công Đồng nhắc anh chị em rằng “Hôn Phu của Giáo Hội đến gặp gỡ các đôi vợ chồng Kitôhữu qua Bí Tích Hôn Phối. Ngài vẫn ở với họ để – như Ngài đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội – họ cũng yêu thương nhau bằng một tình yêu chung thủy” (MV 48). Anh chị em hãy sống tình yêu chung thủy ấy, sự chung thủy được nâng đỡ bởi chính tình yêu của Chúa Kitô.
+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình
Kh 1, 1-4; 2,1-5a; Lc 18, 35-43.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu nói: “Anh hãy thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 18,42).
 Anh Mù tại Giê-ri-khô, tuy mắt anh mù, nhưng tấm lòng anh không mù, lòng anh ao ước, mong được gặp Chúa Giêsu; anh chỉ nghe người ta nói về một ông Giêsu thành Nadarét, Trí óc suy nghĩ của anh đã cho anh sự xác tín về Đấng mà anh ao ước được gặp một lần trong đời, và khi gặp, anh đã tuyên xưng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương xót tôi.” Anh mù tin Chúa Giêsu là Đấng Ki-tô. Bởi anh đang trông đợi Đấng mà toàn thể dân tộc Do-Thái mong chờ như lời Tiên tri Isaia đã loan báo: “người điếc được nghe, người mù được thấy” Anh tin vào quyền năng của Ngài, Ngài sẽ chữa lành cho anh được thấy. Chính nhờ vậy. Chúa Giêsu thấu hiểu tất cả về anh, và Ngài đã nói một cách quả quyết: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Ước mong sao câu này Chúa Giêsu cũng đang nói với mỗi chúng ta lúc này và mãi mãi.
Mạnh Phương
19 Tháng Mười Một
Một Lỗ Nhỏ Trên Vách Tường
 Tại một trung tâm bài phung nọ, đa số các nạn nhân đều buồn chán vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ.
Vị nữ tu coi sóc trung tâm muốn tìm hiểu đâu là nguyên nhân của phép lạ này. Sau nhiều ngày theo dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng, xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và mỉm cười rất trìu mến. Ðó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. Mỗi ngày, ông chờ đợi nụ cười ấy. Khuôn mặt của người đàn bà chỉ chợt xuất hiện, mỉm cười và biến mất. Người đàn ông duy nhất còn biết cười trong trung tâm bài phung đó đã giải thích cho vị nữ tu như sau:
"Người đàn bà ấy chính là vợ tôi. Trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy tôi. Mỗi ngày, nàng lau sạch một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một cái hôn... Nhưng cuối cùng, nàng không thể giữ tôi lâu hơn. Người ta đã đến đưa tôi vào trung tâm này.
Nhưng vợ tôi đã không bỏ tôi. Mỗi ngày, nàng đến nhìn qua lỗ hỏng của vách tường và mỉm cười với tôi. Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống. Nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống...".
Tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu đã làm cho người vợ không nhìn người chồng xấu số như một con người đáng xa lánh. Tình yêu của người vợ đã đem lại sức mạnh và niềm vui sống cho người chồng... Nhu cầu căn bản nhất của con người là yêu và được yêu. Bất cứ ai cũng cần đến tình yêu và muốn thể hiện tình yêu... Bạn có biết rằng có bao người đang cần một nghĩa cử, một nụ cười, một ánh mắt cảm thông của bạn không?
(Lẽ Sống)

Ngày 19
 
"Lạy Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin dủ lòng thương con!" Các đan sĩ đầu tiên đã lặp lại và suy niệm những lời này sut cả ngày, mỗi lần thở hơi, mỗi lần tim đập, đến độ cuì cùng các lời này trở thành "thịt và máu", hoá thân trong họ, và để lại dấu vết sâu trong tâm hn và thân xác họ.
 
Lạy Đức Giêsu Kitô, chính Chúa sẽ xung trong con, qua các lời này. Chúa chỉ cho con, con đường đi tới không gian thanh bình, nơi Chúa đã chọn để ở lại trong con và cho tràn đầy nhiệt tình và nhiệt tâm của Chúa. Trong nơi yên tĩnh tuyệt đì này, xin cho con được an bình trong Chúa và trước mặt Chúa. Xin cho con tìm được sự nghỉ ngơi và được dựa vào lòng Chúa, như Gioan, trong bữa Tiệc ly. Lúc đó, trong vương quc hoà bình nội tâm, con sẽ tìm được một nơi ẩn náu an toàn và yên tĩnh, bởi vì Chúa là mầu nhiệm đặc biệt, Chúa cư ngụ trong con.
 
Xin hãy thấm nhuần con bằng Thần Khí Chúa, và các lời nói và hành động của con sẽ loan truyền sự hiện diện của Chúa. Con sẽ không gây nghi ngờ về hiệu lực của tình yêu Chúa trên thế giới, khi nhạy cảm với ánh sáng của Chúa. Tất cả những ai để cho Thần Khí cư ngụ, và cả con nữa, chúng ta sẽ in vào thế giới này sức mạnh của Thần Khí Chúa.
Anselm Grủn

www.tinmung.net
Ngày 19 tháng 11
 THÁNH GRÊGÔRIÔ GIÁM MỤC THÀNH NÊÔCÊSARÊ
Chúng ta biết được tiểu sử thánh Grêgôriô là nhờ những tài liệu của thánh Grêgôriô Nyssê, của Êsêbiô trong cuốn lịch sử Hội thánh và trong chính những bút ký của thánh nhân để lại.
Thánh nhân sinh vào khoảng năm 200, là con một gia đình giầu có ngoại giáo. Cha mẹ ngài rất chú ý đến việc giáo dục con cái nơi gia đình và học đường. Chính tên ngài là Thêđôrê, mãi sau này mới cải là Grêgôriô. Năm lên 14 tuổi, cha ngài qua đời, và cũng trong năm đó ngài được biết Kitô giáo. Sau một thời gian do dự, Grêgôriô đã theo đạo, nhưng người ta không biết rõ ngài lĩnh chịu phép rửa vào thời kỳ nào.
Sau khi nhập đạo, ngài vẫn tiếp tục công cuộc học vấn và theo lời yêu cầu của thân mẫu ngài chuyên về luật, ngài cũng học tiếng La tinh để có thể đọc những tác phẩm của các luật Rôma. Sau đó ngài dự định đến một học đường ở Bêrút một thời gian để trau dồi thêm về văn hóa và kiến thức.
Grêgôriô đi theo chị và một người em trai tới Bêrút. Nhưng đến Césarê xứ Palestina, Grêgôriô gặp Ôrigênê, vừa bị trục xuất khỏi Alexanđria và đang dự định đặt trụ sở tại đây. Ôrigênê nhận thức được tài nghệ của Grêgôriô và người em trai. Đối lại, hai anh em Grêgôriô cũng cảm mến Ôrigênê nên cũng ở lại Cêsarê để xin thụ huấn với ông. Phải chăng đây là một sự quan phòng đặc biệt của Chúa đã an bài, vì chính ở nơi đây trong vòng tám năm trời, Ôrigênê đã huấn luyện hai anh em Grêgôriô để sau này cả hai cùng có khả năng lãnh nhận chức vụ Giám mục chăn dắt đoàn chiên Chúa và đưa anh em dân ngoại trở về cùng Chúa.
Ôrigênê dạy Grêgôriô về luân lý cùng nhiều môn khác. Song song với công việc đó, Ôrigênê còn tìm cách sửa đổi những tật xấu nhỏ của Grêgôriô. Đôi khi Ôrigênê cũng dùng đến những cách quở phạt nghiêm nhặt. Grêgôriô đọc tất cả những triết gia thời cổ, trừ những tác phẩm có khuynh hướng vô thần; trong khi đó, Ôrigênê giảng nghĩa cho Grêgôriô hiểu những chủ trương nào là lành mạnh và những chủ trương nào nguy hiểm.
Chỉ sau một thời gian học tập dọn đường dài như vậy, Ôrigênê mới giới thiệu với Grêgôriô bộ Kinh Thánh. Chính trong lãnh vực này, Ôrigênê càng tỏ ra nhiều kiến thức và có một tinh thần đạo đức thật sâu xa. Vì thế, sau thời gian thụ huấn với Ôrigênê, Grêgôriô cảm thấy như đã thu lượm được đầy đủ mọi kiến thức về những khoa học thánh cũng như những khoa học đời, Grêgôriô đã viết và ca tụng việc giáo dục của Ôrigênê như sau: “Nhờ vậy chúng tôi đã đạt được mọi kiến thức, không còn gì là không thể diễn tả nổi, không còn gì là bí ẩn đối với chúng tôi. Chúng tôi được nghe mọi thứ tiếng: tiếng của người man rợ cũng như tiếng của người Hy lạp, những tiếng huyền bí cũng như những tiếng công cộng, tiếng của Thiên Chúa cũng như tiếng của loài người; chúng tôi đã có thể tự do rảo khắp mọi nơi, thăm dò mọi sự, được thoả mãn và vui hưởng mọi lợi ích tinh thần...”
Nhưng Ôrigênê là một người khôn ngoan, ông hiểu rằng công cuộc giáo dục của ông không bao giờ có thể trọn hảo, ông đã viết một lá thư để trả lời những câu tán tụng nồng nhiệt của Grêgôriô, trong đó ông căn dặn môn đệ phải đề phòng những nguy hiểm thực sự nơi các tác giả ngoại giáo, và ông cũng nhắc cho Grêgôriô biết rằng: lời cầu nguyện luôn luôn rất cần thiết để giúp ta có thể thông hiểu Kinh Thánh. Biết rằng lời khuyên của Ôrigênê rất mực chính đáng, môn đệ Grêgôriô đã đem ra thực hành suốt đời và nhờ vậy, đã trở nên một tông đồ nhiệt thành và sốt sắng.
Sau một thời gian thụ huấn với Ôrigênê, Grêgôriô đã trở về quê hương với ý định sống một cuộc đời ẩn dật tu thân, tránh xa mọi hoạt động huyên náo của trần tục. Nhưng Đức Giám mục thành Amasê là Phêđimê được Thiên Chúa soi sáng cho biết Grêgôriô có thể trở nên một Giám mục nhiệt thành, nên ngài đã cố gắng thuyết phục Grêgôriô nhận chức Giám mục. Grêgôriô hết sức từ chối và lánh mình vào các vùng sa mạc. Nhưng sau những ngày đường dài trong sa mạc, Grêgôriô được thị kiến soi cho biết ngài phải vâng lời Đức Giám mục Phêđimê để nhận chức Giám mục tại Nêô-Cêsarê.
Sau khi vâng theo thánh ý Chúa lãnh nhận chức vụ khó khăn nặng nề đó, Đức Giám mục Grêgôriô đem mọi tài đức sẵn có để chăn dắt đoàn chiên và đưa anh em dân ngoại về. Nhờ những hoạt động rất tận tụy của ngài, nhiều người đã trở lại Kitô giáo, đến nỗi khi ngài mới đến, địa phận của ngài chỉ có 17 người có đạo, nhưng khi ngài qua đời thì trong cả một vùng rộng lớn bao la ấy chỉ còn 17 người chưa trở lại đạo. Vì công nghiệp và nhân đức đặc biệt của ngài, Chúa đã cho phép Giám mục Grêgôriô ngay khi sinh thời đã làm rất nhiều phép lạ. Vì vậy, người ta gọi ngài là: “Grêgôriô hay làm phép lạ”.
Thật vậy, lần kia khi đến Nêô-Cêsarê, ngài gặp một trận mưa rất lớn, ngài liền vào trú trong một ngôi đền ngoại giáo. Sau khi làm dấu Thánh giá, ngài thức suốt đêm để cầu nguyện. Sáng hôm sau, khi đến dâng lễ vật cúng thần, viên chủ tế đền thờ không được thần chấp nhận lễ vật như mọi khi. Sự có mặt của Đức Giám mục Grêgôriô đã làm cho ma quỷ chạy trốn cả rồi! Hết sức tức giận, viên chủ tế dọa đem tố cáo ngài nơi các quan toà. Nhưng ngài liền viết trên mảnh giấy nhỏ với mấy chữ: “Grêgôriô truyền Satan hãy trở lại đền thờ” và đưa cho viên chủ tế đặt trên bàn thờ; ngay lập tức những của lễ kia lại được quỷ thần chiếu cố. Nhận thấy uy quyền lạ lùng của ngài, viên chủ tế xin ngài dạy cho ông những điều trong đạo; nhưng sau cùng ông không chịu tin mầu nhiệm lạ lùng “Thiên Chúa làm Người”; ông xin Đức Giám mục làm một phép lạ khác tỏ tường thì ông mới tin. Ngài truyền cho một tảng đá lớn chuyển chỗ mà không cần phải đụng tay tới. Sau phép lạ này, viên chủ tế bỏ hết mọi sự, kể cả vợ con, để theo ngài, và ngài đã truyền chức phó tế cho ông.
Lần khác, hai anh em một gia đình công giáo tranh nhau một cái ao, ai cũng muốn nhận là phần của mình, và dù Đức Giám mục đã đích thân đến dàn hòa, nhưng họ cứ nhất định giải quyết cuộc tranh chấp bằng một cuộc đấu gươm, ngài liền thức suốt một đêm trên bờ ao để cầu nguyện. Sáng hôm sau ao không còn là ao nữa, mà đã trở nên một mảnh đất khô cạn.
Thánh Grêgôriô còn có một đức tin chuyển núi rời non thực sự. Trong một làng công giáo kia, dân làng muốn xây cất một nhà thờ trên một khu đất thuận tiện. Nhưng khu đất đó bị một núi đá chắn chỗ. Người ta chạy đến Đức Giám mục Grêgôriô; ngài đích thân đến nơi đó thức suốt đêm cầu nguyện vì ngài tin tưởng vào lời Chúa đã phán xưa. Quả thực, sáng hôm sau quả núi đã chuyển chỗ để lại cho dân làng một khu đất xây thánh đường như lòng mong ước. Do phép lạ này, trong ngày lễ kính thánh nhân, Giáo hội nhắc lại đoạn Phúc âm thánh Marcô 11, 22-24, trong đó có lời Chúa phán với các môn đệ: “Các con hãy tin tưởng ở Thiên Chúa, Ta nói thật: Ai truyền cho núi này hãy xê khỏi và lao mình xuống biển mà trong lòng không do dự, nhưng tin lời mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được”.
Đức Giám mục Grêgôriô cũng có công rất nhiều trong việc bảo vệ đoàn chiên Chúa trải qua thời kỳ cấm đạo của Hoàng đế Đêciô và thời kỳ quân mandi Gốt và Đôrát tràn lan vào nhiều vùng trong đế quốc Rôma, kể cả trong địa phận của ngài (khoảng năm 250). Ngài cũng tham dự công đồng Antiôkia để lên án Phaolô Samôsa, nhưng không thấy ngài có mặt trong công đồng Antiôkia II, có lẽ vì đã quá già yếu. Ngài qua đời ít lâu sau Công đồng này. Trước khi chết, ngài đi thăm toàn thể địa phận của ngài và lấy làm tiếc vì còn 17 anh em ngoại giáo chưa chịu trở lại. Tuy nhiên, ngài cũng hết lòng cảm tạ Thiên Chúa vì nhớ lại rằng lúc ngài mới đến nhận chức thì chỉ có 17 người có đạo.

Thi hài thánh Grêgôriô được chôn cất tại thánh đường do chính ngài đã xây tại Nêôcêsarê. Lòng tôn sùng ngài lan tràn đi khắp nơi rất nhanh chóng. Cho đến nay, ngày lễ kính ngài đều được cả hai Giáo hội Tây phương và Đông phương kính nhớ. Hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời ngài bầu cử, ban cho chúng ta được lòng nhiệt thành truyền giáo cho các anh em dân ngoại, và một lòng tin mạnh mẽ vào sự Quan phòng của Chúa.
www.tinmung.net
Thứ Hai 19-11

Thánh Agnes ở Assisi

(1197-1253)

T
hánh Agnes là em ruột và là người đầu tiên theo Thánh Clara. Sau khi Clara bỏ nhà đi tu thì hai tuần sau, Agnes cũng bỏ nhà đi theo chị mình. Gia đình các ngài tìm cách ép buộc đưa Agnes về. Họ cố lôi ngài ra khỏi tu viện, nhưng thật lạ lùng thân thể của ngài bỗng dưng nặng chĩu khiến vài người đàn ông cũng không thể nhấc nổi. Người chú của ngài là Monaldo định đánh ngài nhưng bỗng dưng ông bị tê liệt. Sau đó họ phải để cho các ngài yên.
Agnes không thua gì người chị của mình trong việc cầu nguyện và hy sinh hãm mình trong thời gian ở San Damiano. Năm 1221, một nhóm nữ tu dòng Biển Ðức ở Monticelli (gần Florence) xin được trở thành các nữ tu Clara Nghèo Hèn. Thánh Phanxicô gửi Agnes đến làm tu viện trưởng của tu viện này. Sau khi thiết lập các tu viện Clara Nghèo Hèn ở vùng bắc nước Ý, Agnes được gọi về San Damiano năm 1253, khi Clara sắp sửa từ trần.
Ba tháng sau khi Clara từ trần, Agnes cũng đi theo chị mình. 
Thánh Agnes được phong thánh năm 1753.
Lời Bàn
Thiên Chúa chắc hẳn phải ưa thích cảnh trớ trêu, vì thế giới đầy dẫy những điều ngược đời. Vào năm 1212, ở Assisi chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng Thánh Clara và Agnes đã uổng phí cuộc đời khi các ngài quay lưng lại thế gian. Trên thực tế, cuộc đời của các ngài thực sự đã đem lại sức sống dồi dào, và thế giới được phong phú hơn nhờ gương mẫu của các vị tu sĩ nghèo hèn ấy.
Lời Trích
Charles de Foucald, sáng lập tu hội Tiểu Ðệ và Tiểu Muội của Chúa Giêsu, có viết: "Người ta phải trải qua sự cô độc và thực sự sống ở đó để nhận được ơn sủng của Thiên Chúa. Chính ở đó mà họ từ bỏ tất cả, gạt bỏ tất cả những gì không thuộc về Thiên Chúa, có như thế họ mới dọn được căn nhà linh hồn chỉ để một mình Chúa ngự. Khi làm như vậy, đừng sợ phản bội loài người. Ngược lại, đó là phương cách duy nhất mà bạn có thể phục vụ họ cách hữu hiệu" (Raphaen Brown, Franciscan Mystic, t. 126).

www.nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét