Thứ Năm sau Chúa Nhật 31 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Pl 3, 3-8
"Những điều xưa kia
được kể là lợi ích cho tôi, thì nay tôi coi là bất lợi vì Ðức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, chính chúng
ta là những người chịu cắt bì, chúng ta phụng thờ Thiên Chúa theo thần trí, và
khoe mình trong Ðức Giêsu Kitô, chứ không tin tưởng vào xác thịt, mặc dầu chính
tôi cũng có thể ỷ lại vào xác thịt. Nếu có ai khác nghĩ mình có lý để ỷ lại vào
xác thịt, thì tôi còn có lý hơn: tôi đã chịu cắt bì từ ngày thứ tám, là người
chủng tộc Israel, thuộc chi họ Bengiamin, là người Do-thái sinh bởi người
Do-thái, là người biệt phái chiếu theo lề luật. Bởi lòng đạo đức nhiệt thành,
tôi đã bách hại Hội Thánh Thiên Chúa, chiếu theo đức công chính do lề luật công
bố, tôi được coi là người không có gì đáng trách.
Nhưng những điều xưa kia được
kể là ích lợi cho tôi, thì nay vì Ðức Kitô tôi coi là bất lợi. Vả lại tôi coi
tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu
Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi
được Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 104, 2-3. 4-5.
6-7
Ðáp: Tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui (c. 3b).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa,
hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca,
đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. - Ðáp.
2) Hãy coi trọng Chúa và
quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những
điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết. - Ðáp.
3) Hỡi miêu duệ Abraham là
tôi tớ của Người, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Người kén chọn, chính Chúa
là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Người bao trùm khắp cả địa cầu. -
Ðáp.
*
* *
Alleluia: 2 Cr 5, 19
Alleluia, alleluia! - Thiên
Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian, để chúng ta nghe lời của Con Chúa.
- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 15, 1-10
"Trên trời sẽ vui
mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, những người thâu thuế
và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những
người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội
lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:
"Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để
chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi
tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về
nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui
với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên
trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người
công chính không cần hối cải.
"Hay là người đàn bà nào
có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ
lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và
những người láng giềng đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi
đã tìm được đồng bạc tôi đã mất". Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên
thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Tha thứ là biểu hiện của lòng
yêu thương. Nơi bài Tin Mừng này, chúng ta nhận ra chân dung của Ðức Giêsu:
hiện thân của Chúa Cha. Ngài đầy lòng yêu thương nhân hậu, luôn kiếm tìm chúng
ta. Ngài đầy lòng yêu thương nhân hậu, luôn kiếm tìm chúng ta. Ngài sẵn sàng
đón nhận chúng ta đang khi chúng ta còn là tội nhân. Và Ngài sẽ vô cùng sung
sướng khi chúng ta biết mở lòng đón nhận sự tha thứ và tình yêu thương của
Ngài.
Cầu Nguyện:
Lạy Cha, cuộc sống của chúng
con đầy dẫy những bất hòa, những lầm lỗi. Vì chúng con đã quên đi vai trò làm
chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con và làm người thân cận của nhau. Nhiều
lúc chúng con đã xử với nhau như những phường gian ác, những kẻ thù.
Xin Cha cho chúng con biết
nhận ra rằng Cha đã yêu thương và chấp nhận những lầm lỗi, yếu đuối của chúng
con. Ðể trong tình yêu của Cha, chúng con cũng biết đối xử như thế với anh chị
em con. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong
giờ kinh gia đình)
Con Chiên Lạc
(Lc 15,1-10)
Suy Niệm:
Con Chiên Lạc
Có một câu chuyện về cuộc đời
của một thiếu nữ tên Liker với nội dung như sau: Liker phục vụ trong quân đội
Anh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cô trở thành gái mãi dâm. Lúc thành phố Paris được
giải phóng sau thế chiến thứ hai, không lâu sau đó, Liker phục vụ những khách hạng
sang tại một trong những nơi ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris do Patric làm
chủ. Trong lúc tận tình giúp đỡ một thiếu nữ khác để khỏi rơi vào hoàn cảnh éo
le của mình, Liker đã bắn chết Patric. Cô bị tống giam, nhưng trong cảnh ngục
tù, Liker đã gặp các Nữ tu có tên gọi là các chị Bêtania, là Dòng chuyên nâng
đỡ những cô gái sa cơ lỡ bước, những người nghiện ngập, những người sống đầu
đường xó chợ. Vài nữ tu này trước kia cũng là nạn nhân của xã hội như những
người họ đang phục vụ. Mãn hạn tù, Liker xin gia nhập dòng và trở thành một
trong các chị Bêtania.
Nữ tu Liker trong câu truyện
trên đây là tiêu biểu cho con chiên lạc mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Nàng đã
sa cơ lỡ bước, nhưng Thiên Chúa qua cử chỉ của các chị Bêtania đã đi tìm gặp
chị và mời gọi chị trở nên bạn chí thiết của Ngài trong đời sống hiến dâng.
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng
hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là người chăn chiên và
người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì
họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận, và vì phải luôn sống
với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ luật ngày Hưu lễ cũng như không
thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn các phụ nữ là những công nhân
hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: "Nhất nam viết hữu, thập nữ
viết vô", nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính
Thiên Chúa.
Giá trị của những vật bị mất:
một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế
so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ
ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế,
dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc
biệt trước mặt Thiên Chúa.
Công khó đi tìm: không quản
khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc;
người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã
mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Niềm vui tìm được những vật
đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng
cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.
Một Thiên Chúa sung sướng khi
chúng ta sống đúng theo thánh ý Ngài. Một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, vì tình
thương vô biên của Ngài. Nữ tu Liker trong câu truyện trên đã cảm nghiệm về
tình yêu Thiên Chúa, còn chúng ta, cho đến bao giờ mới có một kinh nghiệm như
thế?
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã
cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta
mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của
Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 31 TN2
Bài đọc: Phil
3:3-8; Lk 15:1-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lòng thương xót của Thiên Chúa
Nhiều người trong chúng ta có khuynh
hướng tự hào về lịch sử huy hòang của mình: giòng họ phú quí, bằng cấp, chức
quyền …, nhưng rất nhiều khi những điều họ tự hào này chẳng giúp ích gì mà còn
làm hại chúng ta nữa. Vì thế, chúng ta cần cẩn thận suy xét để tìm ra những gì
thực sự giúp ích cho cuộc đời mình. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô nhận ra cái
“lịch sử huy hòang” mà ngài đã từng tự hào, làm ngài súyt chết trong biến cố
ngã ngựa trên đường đi Damascus; nhưng lòng thương xót của Người mà các Kitô
hữu tin tưởng, mới thực sự là Người sinh ích cho cuộc đời của ngài. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu mở mắt cho các Kinh-sư và Biệt-phái nhìn thấy lòng thương xót
của Thiên Chúa là lý do tại sao con người được cứu độ, chứ không phải thái độ
“tự cho mình là công chính” của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cậy
vào “xác thịt”hay cậy trông nơi Thiên Chúa?
1.1/ Phaolô xét mình: Phaolô nhìn lại cái
“lịch sử huy hòang” mà ông đã từng tự hào về nó: “Nếu ai có lý do để cậy vào
xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng
dõi Israel, giòng họ Bengiamin, là người Do-Thái, con của người Do-Thái; giữ
luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh;
còn sống công chính theo Lề Luật thì chẳng ai trách được tôi.”
Nhưng những gì xảy ra từ khi biến cố ngã
ngựa trên đường đi Damascus đã làm ông xét lại niềm tự hào này: Nếu việc ngược
đãi những Kitô hữu đẹp lòng Thiên Chúa thì ông đã không bị té ngựa. Thiên Chúa
có thể giết chết ông nhưng Ngài vẫn để cho sống. Thiên Chúa có thể để cho ông
mù lòa nhưng Ngài đã chữa cho sáng mắt. Thiên Chúa có thể để ông lầm lạc trong
niềm tự hào về lịch sử huy hòang của ông, nhưng Ngài đã mặc khải cho ông hiểu
đâu là Sự Thật. Thiên Chúa có thể để ông sống như bao tín hữu, nhưng Ngài trao
ban cho ông sứ vụ Rao Giảng Tin Mừng.
1.2/ Phaolô được soi sáng và nhận ra lòng
thương xót Chúa: Sau khi Thánh Phaolô so sánh cái “lịch sử huy hòang” của mình với
tất cả những “ơn thánh” nhận được từ biến cố Damascus đến giờ, Thánh Phaolô khiêm
nhường thú nhận: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi
cho là thiệt thòi.”
- Cái lợi đầu tiên và quan trọng nhất
là biết sự thật, và Sự Thật trên hết mọi sư thật là chính Đức Kitô. Thánh Phaolô
xác nhận: “Mối lợi tuyệt vời nhất là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi.”
Kinh nghiệm quá khứ mở mắt cho người nhìn thấy tai hại to lớn của việc không
biết Sự Thật.
- Cái lợi thứ hai như chúng ta đã thấy
trong đạo lý của ngài trước đây: con người không thể nên công chính bằng việc giữ cẩn thận
Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô. Vì Thiên Chúa thương xót con người,
nên đã cho Đức Kitô xuống trần để gánh tội thay cho con người. Chính vì Đức
Kitô, con người có thể nên công chính trước Thiên Chúa.
1.3/ Phaolô rút ra kết luận cho tương lai:
Ngài đưa ra 2 ví dụ cụ thể hôm nay:
(1) Cắt bì theo xác thịt mà đối phương
đòi các tín hữu phải làm không có gía trị vì “phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong
tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật”
(Rom 2:29). Ngài củng cố các tín hữu: “Chúng ta mới thật là những người được
cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thánh Thần của Người, những người
hiên ngang hãnh diện vì Đức Kitô Giêsu, chứ không cậy vào xác thịt.”
(2) Từ bỏ mọi sự để chiếm hữu Đức Kitô: “Vì Người, tôi đành mất
hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.”
2/ Phúc Âm: Lòng
thương xót của Thiên Chúa
2.1/ Xét đóan tha nhân thay vì xét mình
cẩn thận:
Một trong những xung đột chính giữa Chúa Giêsu với các Kinh-sư và Biệt-phái là
lối sống giả hình. Họ luôn tìm cách bắt bẻ Chúa về việc không giữ luật lệ bên
ngòai: rửa tay trước khi ăn, chữa bệnh trong ngày Sabbath; và hôm nay, ăn uống
với tội nhân. Trong trình thuật của Luca hôm nay, các người Biệt-phái và các
Kinh-sư xét đóan:
- tha nhân: các người thu thuế và gái điếm là những
người tội lỗi trước mắt họ; và họ tin những hạng người này không bao giờ được
chung hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu: "Ông này đón tiếp
phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Giao tiếp với những hạng người như
thế làm cho con người ra nhơ bẩn tội lỗi.
Trong những trình thuật khác, Chúa Giêsu
đã trách mắng họ là những mồ mả tô vôi: bên ngòai có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong
đầy những giòi bọ rúc rỉa. Hãy xét mình và làm cho sạch bên trong trước rồi mới
có đủ sáng suốt để xét đóan tha nhân. Trong trình thuật hôm nay, Chúa hướng
lòng họ về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân.
2.2/ Chúa dạy con người 2 ví dụ về lòng
thương xót của Thiên Chúa:
(1) Tìm được con chiên lạc: Con chiên đi lạc là vì
lỗi của nó, đã không chịu nghe theo chủ; nhưng ông chủ chẳng những không xét
lỗi nó, mà còn đi tìm cho kỳ được. Ông đi tìm vì nó là của ông, cho dẫu vẫn còn 99
chiên khác. Khi tìm thấy, ông không kết tội, không đánh đập, nhưng mừng rỡ vác
chiên trên vai trở về và mở tiệc ăn mừng!
(2) Đồng tiền bị mất: Đồng tiền bị mất là vì
chẳng may, cũng như bao con người sa ngã vì hòan cảnh chẳng may đưa tới. Người
phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được vì nó là của bà, cho dẫu bà
vẫn còn 9 quan khác. Khi tìm thấy Bà mở tiệc ăn mừng! Có người đặt câu hỏi Bà
có thể phải dùng cả 9 đồng kia để mua thức ăn đãi khách để ăn mừng đồng tiền
kiếm thấy!
Cả 2 ví dụ đều kết thúc bằng câu kết luận
của Chúa Giêsu: “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa,
ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi
chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Chúng ta phải năng xét mình cẩn thận để
nhận ra chúng ta và mọi người đều là tội nhân trước Thiên Chúa.
- Thiên Chúa yêu thương tội nhân và sẵn
sàng đi tìm họ như Đức Kitô đi tìm Phaolô trên đường đi Damascus, như người mục
tử đi tìm con chiên lạc, và như người đàn bà đi tìm đồng bạc đánh mất.
- Vì Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ cho
chúng ta, chúng ta không được quyền kết tội tha nhân như các Kinh-sư và
Biệt-phái, nhưng phải sẵn sàng tha thứ cho họ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Năm tuần 31 thường niên
Sứ điệp: Dụ ngôn tìm chiên lạc và tìm đồng bạc bị đánh
mất nói lên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với mọi tội nhân. Qua đó
Chúa mời gọi ta trở về với Chúa để nhận ơn tha thứ và để ta cũng biết tha thứ
cho anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, qua dụ ngôn tìm chiên lạc và tìm
đồng bạc bị đánh mất, con cảm thấy lòng thương xót của Chúa đối với tội nhân
thật bao la vô ngần. Cái nhìn yêu thương cảm thông của Chúa thật khác xa với
cái nhìn hằn học ghen tị của những người biệt phái và luật sĩ.
Lạy Chúa, Chúa không bao giờ bỏ rơi con, cho dù
con là một kẻ đốn mạt tội lỗi. Người chăn chiên quên đi chín mươi chín con
chiên đang ở với mình để đi tìm một con chiên lạc, hình ảnh ấy diễn tả tình yêu
của Thiên Chúa đối với tội nhân thật lạ thường biết bao. Chúa vẫn luôn nghĩ đến
con cho dù trong trái tim con không hề có hình ảnh Chúa. Chúa vẫn yêu thương
con cho dù bao lần con đã xúc phạm đến Chúa. Và Chúa sẵn sàng ra đi tìm kiếm
con cho dù con luôn tìm cách trốn chạy, muốn xa lìa Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tin tưởng vào
lòng thương xót của Chúa để con quyết tâm trở về với Chúa. Xin cho con xác tín
rằng: Chúa sẽ vui mừng biết bao khi thấy con thật lòng ăn năn thống hối tội
lỗi, vì chính tình yêu thương tha thứ của Chúa sẽ mang đến cho con niềm hạnh
phúc bình an. Và xin Chúa ban cho con trái tim nhân ái của Chúa, để con cũng biết
yêu thương tha thứ cho những anh em lầm lỡ và giúp đỡ họ trở về với Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi
hối cải
www.phatdiem.org
08/11/12 THỨ NĂM TUẦN 21 TN
Lc 15,1-10
Lc 15,1-10
PHÚC CỦA KẺ CÓ TỘI
“Tôi nói cho các ông
hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn
sám hối.” (Lc 15,10)
Suy niệm: Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, được thể hiện nơi
chính con người Chúa Giêsu. Đi tìm những con chiên lạc đàn đã trở thành “sở
trường” của Ngài. Trong suốt những năm công khai rao giảng Tin Mừng về Nước
Thiên Chúa, rất nhiều lần Chúa đã lên tiếng bênh vực người tội lỗi trước sự dèm
pha, nghi kỵ, khinh chê rẻ rúng của các kinh sư, biệt phái và Pharisêu. Người
đã cho họ thấy được sự khác biệt giữa cái nhìn bao dung của Thiên Chúa và cái
nhìn thiển cận của con người; giữa lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và sự
hẹp hòi của lòng người. Qua đó, Chúa muốn họ hiểu rằng vì để cứu loài người tội
lỗi mà Thiên Chúa đã xuống thế. Nơi khác, Chúa nói: “Tôi không đến để kêu gọi người
công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc
2,17b).
Mời Bạn: Chúng ta là kẻ có tội nhưng là những tội nhân có phúc,
không phải vì chúng ta có gì đáng tự hào mà vì mình tội lỗi như thế mà đã được
Chúa thứ tha. Chúng ta cần phải nhận ra mình yếu đuối bất toàn, để mỗi ngày
biết quay về với Chúa. Đó là điều làm Chúa vui hơn cả. Bạn có nhận ra điều đó
không? Hay bạn chỉ thấy lỗi lầm của người khác mà không thấy được mình để trở
lại với lòng thương xót Chúa?
Sống Lời Chúa: Đọc lại và suy gẫm sâu xa: “Giữa triều thần Thiên Chúa,
ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng hay thương xót. Xin cho con biết khiêm tốn
trước mặt Chúa luôn và quay về bên tình yêu Chúa. Xin cũng mở lòng con ra để con
biết yêu thương như Chúa. Amen.
www.5phutloichua.net
XIN CHUNG VUI VỚI TÔI
Thiên Chúa mừng vui vì Ngài đã từng lo âu, đau khổ, tìm kiếm.
Mỗi tội nhân hoán cải là một thành tựu của Thiên Chúa. Ngài quý từng con người
được dựng nên theo hình ảnh Ngài.
Suy niệm:
Nhiều người nghĩ rằng Thiên
Chúa là Đấng cao cả,
nhưng lại xa lạ và lạnh lùng
với con người,
vì con người có là gì đâu
trước mặt Thiên Chúa.
Thật ra con người là mối bận
tâm lớn của Ba Ngôi,
đến độ ta dám nói rằng con
người chiếm chỗ trong tâm trí Thiên Chúa.
Trước khi con người hướng về
Thiên Chúa
thì Thiên Chúa đã đưa tay ra,
hướng về con người.
“Vì loài người chúng tôi và để
cứu rỗi chúng tôi.”
Đó là điều chúng ta tuyên xưng
trong Kinh Tin Kính.
Thiên Chúa Ba Ngôi sống cho
nhau,
nhưng cũng sống vì con người
và cho con người.
Hai dụ ngôn hôm nay cho thấy Thiên Chúa quý con người.
Mà con người ở đây lại không
phải là những người thánh thiện.
Có những động từ được nhắc đến
trong cả hai dụ ngôn:
có, mất, tìm, tìm được, chung
vui, vui mừng.
Những động từ này nói lên tất
cả tình cảm của Thiên Chúa.
Dụ ngôn về người đàn ông hay
người phụ nữ
có một trăm con chiên hay mười
đồng quan.
Vì lý do nào đó, một con chiên
hay một đồng quan bị mất.
Sự mất mát này lớn lao đến nỗi
người ta muốn tìm cho kỳ được.
Tìm cho kỳ được là tìm đến khi
thấy mới thôi (cc. 4. 8).
Việc tìm kiếm này đòi phải
hành động quyết liệt.
Người chăn chiên để chín mươi
chín con ngoài đồng hoang,
người phụ nữ thắp đèn, quét
nhà, moi móc mọi ngõ ngách.
Trong lo âu, người tìm kiếm
chỉ nghĩ đến chuyện làm sao tìm lại được.
Chính vì thế niềm vui bùng lên
khi tìm thấy điều đã mất.
Niềm vui không giữ lại cho
riêng mình trong lòng.
Niềm vui đòi chia sẻ với bạn
bè, với bà con lối xóm.
“Xin ông bà anh chị chung vui
với tôi, vì tôi tìm thấy rồi” (cc. 5. 9).
Thiên đàng không cắt đứt với trần thế.
Các thiên thần của Thiên Chúa
vui vì một người tội lỗi hối cải (c. 10).
Thiên Chúa mừng vui vì Ngài đã
từng lo âu, đau khổ, tìm kiếm.
Mỗi tội nhân hoán cải là một
thành tựu của Thiên Chúa.
Ngài quý từng con người được
dựng nên theo hình ảnh Ngài.
Thái độ của Đức Giêsu đối với
tội nhân cho thấy trái tim Thiên Chúa.
Trái tim ấy nghiêng chiều về
những con người đã lạc đường.
Đồng quan không thể tự ý trốn
đi, nhưng con người có tự do quay lưng.
Thiên Chúa đi tìm con người quay
lưng ấy.
Với sự khiêm hạ, Ngài chinh
phục trái tim con người.
Hãy để Ngài đi tìm bạn, và cho Ngài niềm vui khi tìm thấy người đã mất.
Nói cho cùng, Thiên Chúa đi
tìm ta suốt đời,
trong một cuộc chơi năm mười
kéo dài mà ta chủ yếu là người đi trốn.
Hãy cảm được sự tế nhị của
Ngài khi cố tìm ta mà vẫn tôn trọng tự do.
Nếu ta chịu để Ngài tìm thấy,
ta sẽ nếm được ngay niềm vui thiên đàng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin đánh thức con.
Xin đưa con ra khỏi cơn mê
mà tự sức con không sao thoát ra được.
Xin đừng ngại đánh thức con
bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,
nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ
đang cắt tỉa con vì yêu con.
Ước gì con được tỉnh táo
để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,
những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.
Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,
xin cho con thức luôn và sáng luôn,
trước nhan Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối
cải".
Khía Cạnh Sâu Xa Của Tình Yêu
Trọng
tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay nêu bật khía cạnh sâu xa nhất của tình yêu đó là
sự tha thứ, một sự tha thứ được gói trọn trong tình yêu khoan dung vì tình yêu
này không đóng khung kẻ mình yêu trong những ngục tù của lỗi lầm, của quá khứ.
Tình yêu này cũng không giới hạn kẻ làm ơn trong hiện tại đen tối của người ấy
mà còn phóng tầm mắt nhìn về những điều họ có thể trở nên tốt hơn trong tương
lai.
Trong
cách hành xử của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài sẵn sàng tha thứ để biểu lộ một
tình yêu chân thành qua việc Ngài tiếp xúc với những người thu thuế, làm bạn
với những người bị xã hội thời bấy giờ gán cho là kẻ tội lỗi. Ngài không ngăn
cấm họ năng lui tới nơi Ngài giảng dạy, hơn nữa Ngài còn cùng ăn uống đồng bàn
với họ. Những cuộc gặp gỡ giao tế này minh chứng rằng Chúa Giêsu nhìn những kẻ
thu thuế và những người tội lỗi trong hai trạng thái: trạng thái hiện tại của
họ và trạng thái họ có thể trở nên tốt lành hơn trong tương lai. Trong hiện
tại, mặc dù đang sống trong tình trạng tội lỗi nhưng họ biết lắng nghe lời Chúa
để khởi sự tiến những bước đầu tiên trên con đường hoán cải, và những điều họ
có thể trở nên minh chứng qua những hành động cụ thể sau đó. Thí dụ như hành
động dứt khoát với quá khứ tội lỗi để đi theo Chúa của ông Mátthêu. Là một
người thu thuế, khi được Chúa gọi, ông đã bỏ bàn thu thuế đứng dậy và đi theo làm
môn đệ Chúa. Hay qua sự hoán cải của một người thu thuế khác sau khi gặp gỡ
Chúa và nghe Ngài dự định tới trọ nhà mình, ông Zakêu đã hứa là sẽ lấy nửa gia
tài của mình mà phân phát cho những người nghèo và bồi thường gấp bốn cho những
ai ông đã làm thiệt hại.
Chúa
Giêsu ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một Chúa Giêsu duy nhất không bao
giờ thay đổi. Lòng nhân hậu vẫn khiến Ngài rảo bước đi tìm những con chiên lạc
và khi gặp thấy thì mừng rỡ đặt nó lên vai mang về nhà và bảo người láng giềng:
"Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc". Như thế,
đối với Chúa Giêsu, Ðấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, không ai dại gì mà để
cho con người phải chịu đóng dấu vào những vòng tội lỗi và rồi bị xếp loại vào
những người bị kết án muôn đời.
Vậy,
chúng ta đây còn chần chờ gì nữa. Hãy chỗi dậy kíp hoán cải để thống hối ăn năn
thực lòng, để được Ngài âu yếm vỗ về và để cho các thánh trên trời đều reo vui
như lời kết thúc của câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu: "Thật vậy, Ta bảo
cho các ngươi rõ, các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội
lỗi ăn năn trở lại".
Lạy
Chúa
Xin
cho con được ý thức tình thương của Chúa trong đời sống con và luôn luôn quay
trở về mỗi lần lầm lỗi.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Thiên Chúa lo cứu kẻ lạc
“Người
nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín
mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm
được rồi, người ấy mừng rỡ vác chiên lên vai.” Cũng thế tôi nói cho các ông
hay: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai lấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn
năn sám hối” (Lc. 15, 4-5.10)
Trong
đám đông dân chúng có nhiều người thu thuế và tội lỗi. Họ đã thấy việc Đức
Giêsu làm và mau mắn đến nghe lời Người. Biệt phái và luật sĩ cậy mình là người
công chính, họ rình xét Người và lẩm bẩm kêu: Ôi gương mù quá! Người nói nhân
danh Thiên Chúa, lại đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với bọn ô uế.
Sáng kiến tìm chiên lạc:
Luôn
luôn Thiên Chúa được giới thiệu như mục tử yêu mọi con chiên. Nếu lạc mất một
con, mục tử để lại cả đoàn và đi tìm con chiên lạc với bất cứ giá nào và vác
lên vai đưa về. Anh vui mừng biết bao và chia sẻ vui mừng với tất cả mọi người.
Cũng vậy, một bà đánh mất một đồng bạc và hết sức quét nhà tìm cho được.
Đức
Giêsu muốn chỉ cho thấy Thiên Chúa sáng kiến tìm đưa người tội lỗi về với Ngài
trước, khi tìm được, Ngài tỏ lòng rất dịu dàng và thương xót an ủi họ. Trái
lại, biệt phái loại họ khỏi cộng đồng hội thánh của Ít-ra-en, còn Thiên Chúa
rất cảm động trước sự thống hối và tha thứ cho tội nhân, dẫn đưa họ về gia đình
trong vui mừng.
Vui mừng tìm được chiên lạc
Niềm
vui này, Thiên Chúa chia sẻ với mọi người, để họ nhận ra lòng thương xót vô
cùng của Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Ô-sê: “Tim Ta rạo rực
trong Ta, cùng với lòng từ bi rung động … Vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải
là người, Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi; Ta không đến với ngươi trong cơn thịnh
nộ”. Chính vì Thiên Chúa không vứt bỏ những tội nhân, nhưng còn cảm thấy vui
mừng lớn lao khi tha thứ cho họ, nên Đức Giêsu chăm lo cho họ và đồng bàn với
họ. Những kẻ giả hình công chính phải lo ăn năn trở về, thay vì lẩm bẩm kêu
trách. Như thế, họ sẽ không được chia sẻ sự vui mừng do lòng thương xót Chúa
ban.
Dù
ăn uống với những người tội lỗi, Người luôn luôn kêu gọi phải từ bỏ tội lỗi, ăn
năn sám hối trở về, Người chỉ cho thấy ai đáp lại lời kêu gọi này thì không bị
cơn giận của Thiên Chúa đổ xuống, nhưng được vui mừng hưởng lòng thương xót và
ân phúc cứu độ của Ngài.
RC.
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên Tháng 11
8 THÁNG MƯỜI MỘT
Giáo Xứ, Một Môi Trường Ưu Tiên
Thế giới ngày nay có xu
hướng lãng xa Thiên Chúa. Thế giới chỉ muốn các dữ kiện thực tế và không sẵn
lòng để lắng nghe. Nhưng Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta mở rộng tấm lòng mình ra:
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng
yêu thương nhau” (Ga 13,35). Giáo xứ là môi trường ưu tiên để trình bày chứng
tá ấy. Chúng ta cần thể hiện lại trong thời đại hôm nay điều kỳ diệu đã xảy ra
trong các cộng đoàn Kitôhữu đầu tiên: điều kỳ diệu của một sự sống mới, không
chỉ về mặt thiêng liêng nhưng cả về mặt xã hội và lịch sử nữa.
“Để tất cả nên một, như
Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21).
Công Đồng Vatican II chú giải rằng qua những lời ấy, Chúa Giêsu đề nghị chúng
ta “bắt chước sự kết hợp của Ba Ngôi thần linh để kết hợp các con cái Thiên
Chúa trong tình yêu và chân lý” (MV 24). Thiên Chúa Ba Ngôi chính là kiểu mẫu
của mọi mối tương quan con người và của đời sống chung giữa con người với nhau!
Từ mẫu thức tối thượng
ấy, chúng ta có thể rút ra vô số hàm ý cho giáo xứ. Thực vậy, ơn gọi cao cả của
một cộng đoàn giáo xứ là phấn đấu để một cách nào đó trở thành một minh họa về
Thiên Chúa Ba Ngôi, “hòa hợp mọi sự khác biệt của con người” (AA 10): người già
và người trẻ, nam và nữ, trí thức và lao động, giàu và nghèo …
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày 08-11 : Pl 3, 3-8a; Lc 15.
1-10.
LỜI SUY NIỆM: Tất cả
những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giêsu mà nghe
Người. Còn những người thuộc phái Phrrisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: Ông này
đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng’ (Lc 15,1-2).
Thường thường những người thuộc đạo đức giả,
người ta thích hạ bệ những người khác xuống, xuống càng sâu càng tốt, bởi vì họ
quan niệm hạ người khác xuống càng sâu thì chính họ được nâng cao hơn. Họ không
có sự đồng cảm, họ không thể buồn với người đang khóc, họ không thể vui cười
khi thấy người khác đang được hạnh phúc. Trước sự đón tiếp của Chúa Giêsu đối
với những hạng người trên đây đáng được trân trọng và vui mừng. Bởi vì những
con người này họ đang cần phải nghe, những lời phải nghe; thấy được những công
việc tốt lành, cần phải được thấy, để nhờ những công việc lành thánh; những lời
dạy bảo đạo đức này có thể cải hóa được họ, làm cho họ trở nên những người đáng
sống với mình. Đây là một là một hồng ân lớn cho mỗi một người là được Chúa
Giêsu đón tiếp , Ngài không loại bỏ bất kỳ mội ai. Thật hạnh phúc cho chúng ta,
khi chúng ta đến với Ngài trong sự bất toàn, nhưng Ngài vẫn đón nhận những bất
toàn của chúng ta để Ngài thánh hóa, biến đổi chúng ta trở thành tốt đẹp hơn.
Mạnh Phương
08 Tháng Mười Một
Tôi Là Người Hạnh Phúc Nhất Trần Gian
Một ông vua
giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà ông có đều
do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những người
hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người khác,
còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.
Ngày nọ, ông vua giàu có
đã quyết định làm một việc táo bạo: đó là cải trang thành người hành khất để cảm
nghiệm được những đồng tiền bố thí... Thế là mỗi ngày Chúa Nhật, ông biến mình
thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường. Ông cho tất cả những tiền
ăn xin được vào một chiếc hộp nhỏ. Tuy không là bao so với cả kho tàng của ông,
nhưng có lẽ nó vẫn có giá trị hơn... Ông tự nghĩ: bây giờ ta nới thực sự là
người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận được là do lòng thương xót
của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào.
Khi đã gom góp được một
số tiền khá lớn sau những năm tháng ăn xin trước cửa các giáo đường, ông đã xin
từ chức khỏi ngai vàng và đi đến một phương xa, nơi không ai có thể nhận ra
ông. Ông mua một mảnh đất, và tự tay cất được một ngôi nhà tranh đơn sơ. Không
mấy chốc, do sự hòa nhã, vui tươi của ông, mọi người trong lối xóm đều mến
thương ông, nhất là các em bé. Ông kể chuyện cho chúng nghe, ông đem chúng đi
câu cá, ông dạy chúng ca hát.
Trong đám trẻ nhỏ, có
một cậu bé gia đình còn nghèo hơn cả ông nữa. Cậu bé chỉ có vỏn vẹn một con
chim họa mi. Nghe tin ông đau nặng, cậu bé đã vội vàng mang con chim đến tặng
ông, với hy vọng rằng con chim sẽ hót cho ông được khuây khỏa.
Ðón nhận món quà, con
người đã từng là vua của một nước mới thốt lên: "Từ trước đến nay, tất cả
những gì tôi có, tôi đều lãnh nhận do lòng thương xót của người khác. Người ta
cho tôi, nhưng không phải là cho tôi mà là cho một người hành khất. Giờ đây,
với món quà tặng là con chim này, người ta tặng cho tôi với tất cả tấm lòng yêu
thương... Chắc chắn, tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian".
Một thời gian sau đó,
trong vùng, có một người táđiền nghèo bị người chủ đe dọa lấy nhà và trục xuất
ra khỏi mảnh vườn đang canh tác. Nghĩ đến cảnh hai vợ chồng và 7 đứa con dại bị
đuổi ra khỏi nhà, ông vua không thể nào ăn ngủ được... Cuối cùng, ông quyết
định tặng chính mảnh vườn và ngôi nhà của mình cho gia đình người tá điền
nghèo... Và một lần nữa, không một đồng xu dính túi, ông lên đường trẩy đi một
nơi khác.
Bùi ngùi vì phải chia
tay với những người quen biết trong vùng, nhưng ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng,
bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban tặng. Ông hiểu được
rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh... Lần này, ông thốt lên với tất cả xác
tín: "Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian này".
Câu chuyện của ông vua
đi tìm hạnh phúc trên đây có thể gợi lên cho chúng ta về hình ảnh của chuyến đi
cuộc đời của chúng ta... Người Kitô là một người lữ hành đi tìm hạnh phúc. Và
hạnh phúc đích thực của chúng ta là gì nếu không phải là trao tặng, trao tặng
cho đến lúc trống rỗng, nhưng bù lại, chúng ta được lấp đầy bằng chính Chúa.
(Lẽ Sống)
Ngày 08
"Thưa anh em,
vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân
mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng
Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người" (Rm 12,1)
Lời khuyên
nhủ này của Thánh Phaolô tông đồ nói lên, trong vài câu, bí quyết làm cho cuộc đời thành
nghi lễ, và nghi lễ thành cuộc đời.
"Hãy
hiến dâng thân mình". Để chúng ta cảm nhận ý nghĩa trọn vẹn của từ
"thân mình" trong Tân Ước, Phụng vụ dịch là: "thân xác và cuộc
đời". Đó là "tất cả cái tôi", như khi Đức Giêsu
nói: "Đây là Mình Thầy". Là tất cả Giáo hội. Một ngày kia sẽ là tất cả vũ trụ:
"Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ
quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người, và như vậy, Thiên Chúa có toàn
quyền trên muôn loài (lCr 15,28). "Hiến dâng" là sự gợi nhớ, gần như
là một cử chỉ; đó
là hành động đặt, để, có nghĩa
là gần kề, là xích lại. Điều đó tương ứng với những gì mà các tác giả về tâm
linh dạy chúng ta về sự phó thác. Thánh Phaolô nói: đây là thờ phượng "đối với anh em"; chúng ta có thế
hiểu: đó là phần của anh em trong nghi lễ.
Marthe
Robin nói: "Mọi cuộc đời là một
thánh lễ, và mọi tâm hồn là một
bánh thánh".
Alain
Bandelier
Hạnh Các Thánh
Ngày 08 tháng 11
KÍNH NĂM THÁNH:
CLAUĐIÔ, NICÔTATÔ,SIMPRÔNIANÔ, CATTÔRIÔ VÀ SIMPLIXIÔ TỬ ĐẠO
Ngay từ thế kỷ thứ
IV, năm vị thánh thời danh này đã được toàn thể giáo dân Rôma hết lòng sùng
kính. Các ngài đều là những nhà điêu khắc kỳ tài, và cũng chính nhờ tài hiếm có
đó mà các ngài đã may mắn chiếm được triều thiên vinh quang Nước Trời.
Nhân dịp kinh lý miền
Pannonia, Hoàng đế Điôclêtianô được nhìn tận mắt nhiều tác phẩm điêu khắc trứ
danh của các nghệ sĩ địa phương; đặc biệt là của bốn nhà điêu khắc kỳ tài
Clauđiô, Simprônianô, Cattôriôâ và Nicotatô. Tất cả bốn vị này đều bí mật tôn
thờ Chúa Kitô, thực hành thập giới và đặc biệt, trước khi tạc một tác phẩm nào,
các ngài đều tạc nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Một hôm Hoàng đế Điôclêtianô truyền
cho tất cả kỹ sư cũng như thợ các miền Pannonia tạc cho ngài một tượng thần Mặt
Trời bao gồm cả chiếc xe bốn bánh và với đôi long mã, tất cả phải chung một
khối đá liền. Sau khi đã gom sức kiếm được một khối cẩm thạch khổng lồ trong hầm
đá, 620 tay thợ lại bất đồng ý kiến với năm viên kỹ sư về các đường gân của đá.
Giữa lúc đôi bên tranh luận gay go thì Simprônianô đã lên tiếng dàn xếp: “Xin
quí đồng nghiệp hãy bớt nóng, nếu các bạn đồng ý, tôi và các bạn Clauđiô,
Simplixiô, Nicôtatô và Cattôriô của tôi đây sẽ bảo lãnh tất cả”. Nghe thế mọi
người như thấy trút một trách nhiệm nặng nề, liền trao việc tạc tượng thần Mặt
Trời đó cho Simprônianô và các bạn ông. Sau khi tìm thấy đường gân của đá, các
ông liền khởi công tạc nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Công việc cứ mỗi ngày một
tiến, cuối cùng tượng thần Mặt Trời khổng lồ cao hơn bảy thước được hoàn thành
đúng kỳ hạn nhà vua đã ấn định.
Hết sức vui mừng
trước kiệt tác vĩ đại ấy, Hoàng đế Điôclêtianô, một mặt truyền xây cất ngôi đền
thờ rộng lớn, đoạn đem đặt tượng đã khảm bạc mạ vàng vào đó để nhân dân sùng
bái, mặt khác vua ban thưởng bội hậu cho các nghệ nhân đã thực hiện pho tượng,
đồng thời triệu Clauđiô, Simprônianô, Nicôtatô, Cattôriô và Simplixiô vào triều
yết. Trong buổi triều yết, nhà vua không tiếc lời ca tụng tài nghệ các vị và
xin các vị dốc hết sở trường chạm cho nhà vua một số cột đền lộng lẫy nữa.
Tuân lệnh Hoàng đế,
các vị cùng một số thợ lên núi đá cẩm thạch và khởi công đẽo một tảng đá dài
tới 12 thước, Clauđiô đã nhân danh Chúa Giêsu mà làm nên kết quả rất hoàn hảo
trái hẳn với Simplixiô, một bạn thân nhưng hãy còn ngoại giáo. Ngày kia,
Nicôtatô hỏi Simplixiô: “Sao đồ làm của anh cứ sứt mẻ hoài thế?”. Simplixiô đáp
với giọng năn nỉ: “Xin anh luyện nó giúp tôi với, anh mà giúp thì chắc chắn nó
sẽ hết gãy”. Clauđiô xen vào: “Vậy anh đưa đồ nghề đây cho tôi”. Và khi
Simplixiô đưa đồ nghề ra thì Clauđiô chỉ nói: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, xin
cho đồ nghề này được bền bỉ”. Kể từ đó, những đồ nghề của Simplixiô không còn
bể gãy nữa. Simplixiô vô cùng thắc mắc trước sự kiện lạ lùng ấy. Anh muốn biết
sức mạnh nào đã khiến cho đồ nghề của anh bền bỉ như thế. Không để bạn thắc mắc
lâu, Clauđiô bảo: “Bạn không hiểu cách tôi luyện đồ nghề ư? Chính Đấng Tạo Hóa
đã cho nó sức mạnh bền dai đấy”.
- Cảm tạ ơn Ngài,
Simplixiô nói, nhưng Đấng Tạo Hóa đây có phải là thần Jupiter không?
- Trời, Clauđiô đáp,
anh hãy hối lỗi đi vì đã nói phạm thượng, Đấng Tạo Hóa đây là Thiên Chúa Cha và
Con của Ngài, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và Ngôi Ba Thánh Thần. Còn
Jupiter mà anh xưng tụng là thần thì anh há lại không biết là chính chúng ta đã
tạo nên ư? Anh không biết rằng thần Mặt trời mà chúng ta đã tạo nên đó lại
không chỉ là một tảng đá sao?
- Xin anh cho tôi
biết Đấng Tạo Hóa anh tôn thờ, để tôi cũng được tôn thờ Ngài, và để trở thành
bạn thiết với các anh.
- Nếu anh tin Ngài,
chắc chắn Ngài sẽ cho anh rất khéo tay và hơn nữa, sẽ cho anh được hạnh phúc
muôn đời.
- Vâng, xin anh kíp
lo liệu cho tôi mau trở nên như các anh cả hai phương diện làm việc và tín
ngưỡng.
Thế rồi họ đi tìm một
vị linh mục để giúp đỡ Simplixiô, và may mắn họ đã tìm gặp Đức cha Cyrillô,
Giám mục Antiôkia đang bị cầm tù vì Chúa trong ngục thất. Sau khi nghe Clauđiô
trình bày câu truyện, Đức Giám mục hết sức vui mừng bảo Simplixiô:
- Hỡi con, nếu con
thật lòng tin, Chúa sẽ ban cho con tất cả những gì con muốn. Cảm động đến rơi
lệ Simplixiô đáp:
- Thưa Đức cha, con
phải biểu lộ đức tin của con thế nào?
- Con có tin Đức Chúa
Giêsu là Đấng tác tạo mọi sự và con có từ bỏ mọi ngẫu tượng do tay loài người
tạc nên không?
- Vâng, con tin Chúa
Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, và con sẵn sàng bỏ mọi ngẫu tượng.
Thế là trong ngục
thất, Đức Giám mục Cyrillô làm phép Thánh Tẩy cho Simplixiô nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Sau đó Simplixiô cùng các bạn lại trở về với công
việc thường xuyên.
Vì quá tín nhiệm ở
tài nghệ các ông, Hoàng đế Điôlêxianô đã đặt các ông đứng điều khiển nhóm kỹ sư
và số thợ đông đúc trong miền, đồng thời lại truyền cho các ông tạc những tượng
thần thắng trận, thần ái ân, nhất là thần Esculapa. Kể từ ngày đó, danh tiếng
các ông nổi như cồn, nhưng cũng bắt đầu từ đó tất cả các kỹ sư đều đem lòng căm
giận các ông. Tuy nhiên, mặc cho ai ghét ghen, các ông cứ tiếp tục công việc,
và chẳng bao lâu đã hoàn thành nào là tượng chiến thắng, nào là tượng ái ân,
nào là sư tử phun lửa, nào là chim phượng hoàng v.v… Nhưng hỏi đến tượng thần
Esculapa thì được biết hình như các ông không muốn làm. Ngay lúc đó, mấy kỹ sư
vốn sẵn lòng ghen ghét các ông liền lên tiếng: “Muôn tâu Hoàng đế cao cả, cúi
xin Hoàng đế hãy biết những người Hoàng đế yêu chuộng kia đều là kitô hữu cả,
bất cứ việc gì họ cũng làm nhân danh Ông Giêsu Kitô”. Hoàng đế phán: “Nếu vì
danh Giêsu Kitô mà họ tạo được các tuyệt phẩm như thế thì có gì là xấu, càng vẻ
vang hơn chứ gì” – “Vâng, nhưng tâu Hoàng đế, chính vì cái danh Kitô ấy, mà họ
đã trái lệnh Hoàng đế, nhất định không chịu tạc tượng thần Esculapa.
- Thế thì các khanh
hãy mời họ đến yết kiến trẫm.
Khi Clauđiô,
Simprônianô, Cattôriô, Nicôtatô và Simplixiô vào trước bệ rồng, Hoàng đế liền
phán:
- Các khanh đều biết,
trẫm yêu thương và ưu đãi các khanh rất hậu, tại sao các khanh lại không tuân
lệnh trẫm mà tạc tượng thần Esculapa? Clauđiô tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, các
thần luôn luôn tuân lệnh bệ hạ, nhưng các thần sẽ không bao giờ tạc tượng một
con người xấu xa vì có lời rằng: các kẻ tạc tượng nó và tin tưởng nó sẽ xấu như
nó. Các kỹ sư liền lên tiếng tố cáo:
- Muôn tâu bệ hạ đã
nghe nói những lời gian tà và kiêu căng đến mức nào! Điôclêtianô phán:
- Không được nguyền
rủa các nghệ nhân tài ba như thế, trái lại phải tôn kính họ.
- Các thần sẵn sàng
tôn kính họ nếu họ tuân lệnh bệ hạ, đàng này họ đã kiêu căng, bất tuân thánh
lệnh. Vả lại, còn có nhiều người tài giỏi khác chứ đâu phải chỉ có mình họ.
- Nếu các khanh tìm ra
người tài giỏi tạc được tượng thần Esculapa thì họ sẽ phải chịu tội bất tuân
thánh lệnh.
Bọn kỹ sư liền đi
tuyển một số thợ tạc tượng Esculapa, và sau hơn một tháng họ hoàn tất pho tượng
ấy. Các kỹ sư liền tâu trình Hoàng đế ngự lãm. Vua trông thấy pho tượng, nhà
vua liền hỏi:
- Có phải mấy người
thợ mà trẫm vẫn ngưỡng mộ nhân tài đã tạc pho tượng này không? Các kỹ sư liền
đáp:
- Muôn tâu bệ hạ, các
tên thợ mà trước kia bệ hạ ngưỡng mộ đều là những hạng theo đạo gian tà, họ đã
nhiều lần bất tuân thánh lệnh. Nhà vua phán:
- Nếu quả thật như
lời các khanh nói, thì chúng phải chịu phạt vì tội phạm thánh.
Sau đó nhà vua truyền
cho thượng quan Lampađiô cứu xét việc này. Lampađiô truyền thiết lập toà án
ngay trước đền thờ thần Mặt Trời, đoạn đòi các ông Simprônianô, Clauđiô,
Nicôtatô, Cattôriô và Simplixiô đến hầu toà, đồng thời vời các viên kỹ sư
nguyên cáo. Khi mọi người đã an vị, thượng quan Lampađiô tuyên bố:
- Chiếu lệnh Hoàng
đế, nay ta tuyên bố khai mạc phiên toà để xét xử vụ tranh tụng giữa nguyên cáo
là các viên kỹ sư, và bị cáo là các nghệ sĩ Clauđiô, Simprônianô, Catôriô,
Nicôtatô và Simplixiô.
Lời tuyên bố vừa dứt,
dưới hàng ghế thính giả liền vang lên những tiếng reo hò: nhân danh Hoàng đế
Cêsarê hãy xử tử bọn phạm thượng, hãy thủ tiêu bọn phù chú… Đoán biết sự kiện
ấy xảy ra chỉ là do xui giục vì lòng ghen ghét của các viên kỹ sư, viên thượng
quan nói:
- Công việc chưa xét
xử, làm sao ta có thể lên án được? Các kỹ sư liền bẩm:
- Nếu chúng không
phải là hạng bùa chú thì chúng hãy lạy vua Cêsarê coi.
Thượng quan liền
truyền cho các nghệ sĩ thờ lạy thần Mặt Trời. Các ông liền đáp:
- Không bao giờ chúng
tôi lại cúi mình thờ lạy cái tượng chính tay chúng tôi đã tạc nên, chúng tôi
chỉ thờ lạy Đấng Thượng Đế tạo dựng trời đất.
Nghe thế, các kỹ sư
cùng những kẻ a dua liền reo lên:
- Thật là phạm
thượng, hẳn thượng quan không còn nghi ngờ gì nữa.
Thế là Lampađiô liền
tống các ngài vào ngục thất. Chín ngày sau, nhân một buổi triều yết, Lampađiô
liền đem vụ kiện tâu lên Hoàng đế. Và ngay hôm đó các kỹ sư cũng nhắc lại lời
tố cáo trước:
- Nếu tha những người
này thì đạo thờ Mặt Trời sẽ bị tiêu diệt.
Giận dữ, Hoàng đế
Điôclêtianô phán:
- Nếu chúng không
nghe lời khuyên nhủ mà tôn thờ thần Mặt trời theo lề lối xưa, thì chúng sẽ phải
chịu gia hình cực độ.
Hôm sau thương quan
Lampađiô truyền điệu các nghệ nhân ra hầu toà cũng tại địa điểm trước. Mở đầu
ông hỏi ngay:
- Các anh có biết
Hoàng đế truyền cho các anh làm gì không? Ngài truyền cho các anh phải thờ lạy
thần Mặt Trời. Clauđiô thay mặt anh em đáp:
- Chúng tôi chỉ tôn
thờ một Thiên Chúa quyền phép và Con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng chúng tôi
hằng trông cậy và tin tưởng sẽ đến đem ánh sáng huy hoàng vào nơi tối tăm.
- Ánh sáng anh nói
đây huy hoàng hơn ánh sáng mặt trời sao? Vị thượng quan hỏi.
- Dạ, thưa thượng quan,
Đức Giêsu Kitô sinh ra bởi Chúa Thánh Thần và Trinh Nữ Maria, Ngài là Đấng soi
sáng mặt trời, mặt trăng cùng mọi người nơi trần gian, chỉ mình Ngài là ánh
sáng chân thật mà thôi.
- Ta khuyên các anh
không nên làm phiền lòng Hoàng đế, Hoàng đế quí mến tất cả những ai vâng lệnh
ngài mà tôn thờ thần Mặt trời.
Simprônianô cùng các
bạn thành thực:
- Hoàng đế chỉ nên lo
việc cai trị dân nước, chứ đừng xúc phạm đến Thượng đế là Đấng tạo dựng mọi sự.
Chúng tôi phải tuân lệnh Thiên Chúa kẻo phải phạt nơi biển lửa chẳng hề tắt.
Thấy các ngài chẳng
tuân lệnh Hoàng đế, Lampađiô truyền đem các hình cụ ra đoạn bảo:
- Các anh hãy nghe
lời, kẻo phải bị gia hình cực khổ, bây giờ không phải lúc để các anh lý luận
khéo léo.
Lòng đầy tin tưởng,
Clauđiô lên tiếng cùng với các bạn:
- Chúng tôi không sợ
hình khổ trần gian, chúng tôi chỉ sợ hình khổ đời đời thôi. Hoàng đế đã biết
chúng tôi là Kitô hữu thì cũng nên biết rằng: không bao giờ chúng tôi bỏ tôn
giáo của chúng tôi đâu.
Tức giận, Lampađiô
truyền lột áo và đánh đòn các ngài. Nhưng một biến cố ghê sợ xảy ra: đang khi
các thánh bị đánh đòn dã man, thì Satan nhập vào Lampađiô khiến ông xé áo quần
và lăn ra chết ngay tại công đường. Nghe hung tin đó, bà vợ cùng gia đình
Lampađiô liền chạy đến kêu khóc, chửi rủa, yêu cầu các kỹ sư báo cáo tự sự ngay
lên Hoàng đế Điôclêtianô.
Nhận được báo cáo,
nhà vua giận dữ gầm lên:
- Lấy áo quan bằng
chì chôn sống chúng vào đó, đoạn đem liệng xuống sông.
Niciô, một vị quan
khác, phụng mệnh nhà vua truyền đúc ngay những áo quan bằng chì, bỏ các ngài
vào đó, rồi ném xuống sông. Hôm đó, là ngày mồng 08 tháng 11. Hay tin đó, thánh
Cyrillô tuy đau khổ, nhưng lại hết sức vui mừng vì chắc chắn thiên đàng đã thêm
được một số vị thánh, sau đó ngài cũng nối gót các thánh tử đạo bay về hưởng
nhan Chúa.
Kính xin các thánh tử
đạo, cầu cùng Chúa cho chúng con được lòng vững vàng và can đảm tuyên xưng danh
Chúa ra trước mặt muôn dân, dầu phải hy sinh tính mệnh, hầu cho nhiều người trở
về nhận biết, thờ phượng Thiên Chúa, Đấng đáng tôn thờ và yêu mến vô cùng. Amen.
Gioan Baotixita Cỏn (1805 – 1840)
Gioan Baotixita Cỏn,
Sinh năm 1805 tại Kẻ Bàng, Nam Ðịnh, Giáo dân, Lý Trưởng, bị xử trảm ngày
8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dướiđời vua Minh Mạng, Đức Lêo XIII suy tôn hai ông
Martinô Thọ và Gioan Baotixita Cỏn lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính
vào ngày 8/11.
Đối với ông Gioan
Cỏn, việc tử đạo là biến cố ông hân hoan hằng mong đợi. Trên đường ra pháp
trường, ông vẫn tười cười chào giã biệt mọi người dù quen hay không. Khi thấy
một người đang khóc thương mình, ông dừng lại nói : "Sao anh lại khóc, lẽ
ra phải mừng cho tôi chứ ?" Có lẽ ông đã thấy cửa Thiên Đàng đang rộng mở
đón tiếp mình.
Gioan Cỏn sinh năm
1805 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và có họ hàng với ông
Martinô Thọ. Ông sống bằng nghề nông, cầy sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn, gia
đình tuy nghéo nhưng luôn thuận hòa ấm êm, là một tín hữu sáng suốt và nhiệt
thành, ông Cỏn ý thức phải đem Tin Mừng thánh hóa mội trường mình đang sống.
Ông đã thành công trong vụ kiện một người Lý trưởng cậy thế chiếm đoạt tiền của
dân chúng.
Từ sau vụ kiện đó, uy
tín ông càng ngày càng gia tăng cho đến khi ông được dân tín nhiiệm đề cử làm
Lý trưởng. trong chức vụ ấy, ông hết lòng tận tụy với việc chung. Tuy nhiên do
bạn bè lôi kéo, ông thường bê trễ trong các sinh hoạt tôn giáo. Bù vào đó, ông
rất sẵn lòng phục vụ anh em vì đạo. Có lần ngay giữa đêm khuya, ông lặn lội mưa
gió mời linh mục đến giúp một bệnh nhân hấp hối.
Khi vua Minh Mạng ra
lệnh truy nã các thưà sai và linh mục, ông Cỏn bố trí xếp đặt cho các vị đến ẩn
trong làng. Ông bị bắt vì tội chứa chấp các đạo trưởng : Cha già Thịnh ở Kẻ
Trình bị bệnh nặng và không có chỗ chữa trị, ông Cỏn đón về để cha ở trong nhà
cháu mình, để dễ dàng chăm sóc thuốc thang, và thế là hai cha con bị bắt ở đây.
Thánh Martinô THỌ - Viên thuế - (1787 – 1840)
Tiểu sử thánh Martinô
Thọ được ghi nhớ cách đặc biệt qua những lời trăn trối với các con vào thăm
trong tù. Di ngôn của ông đáng trở thành bản mẫu cho những người cha Kitô hữu
trong giờ phút cuối của cuộc đời : Vừa thực tế, vừa dạt dào tình cảm, mà cũng
đầy tin tưởng:
"Các con thân
mến, cha không còn làm gì giúp các chúng con ở thế gian này được nữa, cha chỉ
còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha
xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố vâng lời mẹ. Các con
lớn hãy nhớ quan tâm em mình. các con nhỏ phải biết kính trọng và vâng lơi anh
chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng
và lần chuỗi Mân Côi hàng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá riêng,
hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo".
Martinô Thọ sinh
khoảng năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tên thật là
Nho, còn Thọ là tên người con thứ chín. Tuy gia đình đông con, nhưng ông đã
khéo léo giáo dục chúng bằng đời sống gương mẫu của chính mình.
Dân trong làng biết
ông ngay thẳng, nên cử ông phụ trách việc thu thuế đinh. Ông sống rất thanh
liêm, không nhận hối lộ, không ăn chận của ai, cũng không qùy lụy cấp trên, cứ
theo lẽ công mà làm nên rất có uy tín. Ngoài ra, ông Thọ còn thức khuya dậy sớm
lao động như mọi người, vừa làm ruộng, vừa ươm tơ nuôi tăm.
Ông thường khuyên các
con: "Sống công bằng thôi chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi
bác ái phải có điều kiện". Dành dụm được chút nào, ông giúp đỡ người
nghèo, hoặc góp phần vào việc chung, trong làng, trong giáo xứ. Nhà ông luôn mở
rộng cửa tiếp đón các linh mục đến giáo xứ làm việc. Ông không sợ chết, lại còn
tỏ ra muốn được chết vì đạo nữa.
Năm 1838, khi nghe
tin hai ông Trùm Đích và ông Lý Mỹ bị xử trảm tại pháp trường Bẩy Mẫu, ông thu
xếp công việc đến viếng xác, và về nhà dặn dó con cái :"Các con yêu dấu,
nếu Chúa cho cha theo chân hai đấng ấy, các con hãy vui lòng. Phần các con, nếu
bị bắt, hãy can đảm giữ vững đức tin".
Ngày 30.5.1840, nghe
báo tin ở làng Kẻ Báng có linh mục, quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đưa hàng
ngàn lính về bao vây làng. Ông chia lính thành những tốp 10 người đi sục sạo
hết các xó xỉnh, các bụi rậm. Sau hai ngày lục soát họ bắt được ba linh mục:
cha Nghi, cha Ngân và cha Thịnh. Ông Thọ và ông Cỏn cũng bị bắt vì tội chứa
chấp đạo trưởng. quan lệnh đóng gông và giải tất cả về tỉnh Nam Định.
Một tháng đầu quan bỏ
lơ không nói gì đến. Sau đó, cho gọi ra bắt bước qua Thập Giá, các ông không
chịu, quan truyền đánh mỗi người 50 roi, rồi bắt phơi nắng cho đến tối không
được ăn uống gì cả. Lần khác, quan lại gọi ra và dụ dỗ : "Cứ đạp đi rồi
xưng tội là khỏi tội thôi mà". Hai ông vẫn từ chối. Trịnh Quang Khanh liền
cho lính nắm gông khiêng các ngài qua ảnh chuộc tội. Hai ông co chân lên và
khẳng khái tuyên bố : "Đạo tại tâm. Quan lớn cưỡng bách mà lòng chúng tôi
không thuận thì chẳng mắc tội gì".
Thế là quan nổi giận,
nảy ra một sáng kiến kinh dị : Khi ba vị linh mục cùng bị bắt vừa chịu tra tấn,
máu me loang lổ khắp mình, quan bắt hai ông hoặc liếm máu nơi các vết thương
ấy, hoặc bỏ đạo. Hai ông liền quỳ xuống thực hiện điều quan yêu cầu một cách
cung kính. Trịnh Quang Khanh vừa rùng mình, vừa kinh ngạc nói với các quan :
"Xem kìa ! Bọn chúng kính trọng các đạo trưởng biết bao ! Chẳng lẽ chúng
bị bỏ bùa mê sao. Rồi ông truyền đem trói hai ông lại, bắt quỳ trên cát giữa
trời nắng gắt suốt ngày.
Một lần quan tra hỏi
về các thừa sai, ông Thọ trả lời : "Thưa quan, tôi có biết Đức cha
Giacôbê, nhưng ngài đã qua đời, còn các thừa sai khác vua bắt hết rồi, còn đâu
? Hơn nữa chúng tôi ở trong tù làm sao biết các vị ấy ở đâu được ?". Tức
giận, quan cho lính hôm đó tự do đánh đập tùy thích. Ông Cỏn chịu được 61 roi
thì kiệt sức, máu miệng trào ra, được quân lính khiêng về trại. Còn ông Thọ bị
đánh đúng 150 roi. Về sau ông nói với con cái rằng : "50 roi đầu đau đớn
khôn tả, còn 100 roi sau, nhờ ơn Chúa, cha thấy nhẹ nhàng như gió thoảng qua
vậy".
Quan thấy hình khổ
không làm cho các ông xiêu lòng, nên cho lệnh bắt vợ con để áp lực, buộc các
ông bỏ đạo. May măn hai ông biết trước, vội nhắn tin cho gia đình lẩn tránh nơi
khác. Tuy thế, quan vẫn nói với các ông: "Nếu ta đưa vợ con các ngươi đến
đây để giết thì các ngươi có chịu bỏ đạo không?".
Ông Cỏn đáp:
"Thưa quan, cửa nhà vợ con đều do Chúa ban, chúng tôi chẳng có gì tiếc xót
cả. nếu vợ con tử đạo, chúng tôi càng mong ước về Thiên Đàng". Ông Thọ nói
thêm: "Gông cùm và roi vọt của quan là hai cánh đưa chúng tôi bay về Thiên
Quốc".
Nghe thế, quan càng
giận dữ hành hạ ác liệt hơn nữa : Ban ngày phơi nắng, ban đêm bắt nằm ngoài
cống rãnh nước thải của trại tù, và bớt phần ăn suốt tuần lễ. Đến ngày thứ bày,
cô Thuyên con gái ông Thọ tìm cách vào thăm cha. Thấy cha nằm dài bất tỉnh, cô
lấy nước rót vào miệng, nhưng phải khá lâu ông mới hồi tỉnh nhận ra con mình.
Lần khác, khi gặp lại con cái, ông nói với chúng những lời dặn dò sau hết.
Bản án trảm quyết gởi
vào kinh đô và được vua Minh Mạng ký duyệt. Ngày 06.11, các ông biết tin, tìm
cách gặp các cha cũng bị bắt để xưng tội và chuẩn bị tâm hồn. Ngày 08.11.1840,
cùng với ba vị linh mục, hai ông bị điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu. Dọc đường hai
vị vẫn tươi cười chào hỏi mọi người. đến nơi, hai ông quỳ cầu nguyện một lát,
rồi đưa tay cho quân lính trói vào cọc.
Theo lệnh quan, lý
hình vung gươm, đưa các ngài về Quê Hương mong ước. Một vị 35 tuổi, một vị 53
tuổi, từ nay mãi mãi bên nhau trong vinh quang bất diệt. Thi hài hai đấng tử
đạo được đưa về an táng ở xứ Kẻ Báng.
Đức Lêo XIII suy tôn
hai ông Martinô Thọ và Gioan Baotixita Cỏn lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900.
Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.
Giuse Nguyễn Ðình Nghi (1771-1840)
Giuse Nguyễn Ðình
Nghi, Sinh năm 1771 tại Kẻ Với, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại
Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII suy tôn ba linh mục Giuse Nguyễn
Đình Nghi, Phaolô Nguyễn Ngân và Martinô Tạ Đức Thịnh lên bậc Chân Phước ngày
27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên hàng Hiển
thánh. Lễ kính vào ngày 8/11.
Thánh Phaolô NGUYỄN NGÂN - Linh mục - (1790 – 1840)
Điều bận tâm nhất
trong đời linh mục của thánh Phaolô Ngân là theo gương Đức Giêsu, vị mục tử
nhân hiền. Trong thời bách hại, cha thường than với mọi người rằng: "chủ
chăn khó đi tìm chiên lạc, khó biết tin từng con một quá…". Cha thường tỏ
ra tiếc vì hoàn cảnh không săn sóc kỹ lưỡng từngn tín hữu của mình được. Phaolô
Nguyễn Ngân sinh năm 1790 tại họ Cự Khanh, tỉnh Thanh Hóa. Cậu đi tu từ nhỏ,
đến khi vào chủng viện thì học cùng lớp với cha Nghi. Sau khi thụ phong linh
mục, cha về giúp xứ Phúc Nhạc, phu6 trách luôn họ Duyên Mậu và các họ lẻ chung
quanh. Được ít lâu cha bị sốt rét nên phải nghỉ và dạy học ở chủng viện Vĩnh
Trị được bẩy năm. Khi khỏi bệnh, cha phụ trách xứ Trình Xuyên ba năm nữa. Cuối
cùng về làm phó xứ Kẻ Báng giúp cha Nghi mới được khoảng một năm thì bị bắt.
Thánh Giuse NGUYỄN ĐÌNH NGHI - Linh mục - (1793 – 1840)
Đọc lại cuộc tử nạn
của Chúa Giêsu theo thánh Gioan, ta thấy : khi thuộc hạ các thượng tế đến bắt
Đức chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, ngài nói với họ : "Tôi đã bảo với các
anh là chính tôi đây. Vậy nếu các anh tìm bắt tôi thì hãy để cho những người
này đi".
Thế là ứng nghiệm lời
Ngài đã nói : "Những người cha đã trao phó cho con, con không để thất lạc
một ai"(Ga. 18, 8-9). Đó là điều cha Giuse Nguyễn Đình Nghi hằng suy niệm
trong thời bách hại. Lúc nào trong người cha cũng mang sẵn một vài nén bạc, để
nếu bị bắt ở nhà người khác thì có tiền chuộc chủ nhà. Cha sẵn sàng hy sinh tử
đạo nhưng không muốn liên lụy đến ai.
Giuse Nguyễn Đình
Nghi sinh năm 1793 tại xứ Kẻ Vồi, huyện Thượng Phúc, nay thuộc Hà Nội, trong
một gia đình trung lưu. Ngay từ nhỏ, cậu Nghi đã dâng mình cho Chúa, sống với
cha Liêm ở xứ Kẻ Vồi. Học xong trường thày giảng, thày lại trở về giúp xứ nhà.
Các cha thấy thày thông minh hiền hậu, nên cho theo thần học, và năm 30 tuổi,
thày Nghi thụ phong linh mục. Đức cha Havard Du bổ nhiệm cha làm phó xứ Sơn
Miêng một năm, phó xứ Kẻ Vạc bốn năm, rồi phụ giúp cha Khoan ở xứ Phúc Nhạc. Do
khả năng quản trị, ngài được về làm cha sở xứ Đa Phạn khoảng mười năm. Cuối
cùng đang làm cha xứ Kẻ Báng thì bị bắt.
Cha Nghi có nếp sống
rất đạo hạnh, chuyên chăm việc giảng dạy và siêng năng ngồi tòa giải tội. Cha
có biệt tài giúp tội nhân thống hối, hoán cải. Cha ăn chay nhiều ngày cách
nghiêm ngặt, cha thày giảng lo cho sức khỏe, phải can gián cha nhiều lần. Tính
tình cha hòa nhã vui vẻ, nhanh nhẹn hoạt bát, nhất là thông thạo luật đạo đời,
nên trong giao tế, cha được mọi người kính trọng mến yêu. Lương dân chung quanh
thường đồn đãi với nhau là: Nếu ông này không đi tu chắc làm quan lớn lắm…
Trong những năm vua
Minh Mạng cấm đạo, cha biểu lộ niềm mong ước tử đạo, nhưng ngài nói: "Tôi
mong sẽ bị bắt ở đồng vắng, để không hại đến anh chị em tín hữu". Khi đi
làm mục vụ, cha cẩn thận mang theo ít tiền để chuộc chủ nhà, nếu không may bị
bắt.
Thánh Martinô TẠ ĐỨC THỊNH - Linh mục - (1760 – 1840)
Sau 80 năm phụng sự
Chúa, tóc đã bạc, chân mỏi, sức hầu cạn, cộng với cơn bệnh đang dằn vặt trong
mình, cha Martinô Thịnh vẫn cảm thấy phải dâng hiến cho Chúa phần còn lại là
chính mạng sống để làm chứng cho Người. tuy có thể thoát thân trong cuộc truy
lùng, cha đã trả lời cho người lính hỏi: "Ông có phải là đạo trưởng
không", bằng lời xác nhận "Phải tôi đây". Lời xác nhận đó đưa
cha đến chỗ chết, nhưng cũng đưa cha lên đài vinh quang cho muôn đời noi gương.
Martinô Tạ Đức Thịnh
sinh năm 1760 tại làng Kẻ Sét, huyện Thanh Trì, nay thuộc khu vực Hà Nội, trong
một gia đình nề nếp. Năm 18 tuổi, gia đình định cho anh kết duyên với một thiếu
nữ thùy mỵ, duyên dáng và đạo hạnh, nhưng anh xin hãn lại để suy nghĩ, và cuối
cùng quyết định xin đi tu dâng mình cho Chúa.
Thày Thịnh thụ phong
linh mục trong thời Cảnh Thịnh cấm đạo. Cha làm bí thư cho Đức cha Giacôbê
Longer Gia một thời gian, đã tháp tùng Đức cha đến yết kiến vua Gia Long về
đăng quang tại Thăng Long năm 1803.
Theo sự bổ nhiệm của
Đức Giám mục, cha phục vụ tại nhiều giáo xứ: trước tiên là Cửa Bạng rồi Đồng
Chuối, sau về xứ Nam Sang phục vụ hai mươi năm liền. cuối cùng, làm cha sở xứ
Kẻ Trình khi đó cha đã 80 tuổi. ngài là một người cha già, đạo đức, hiền lành,
được tất cả các tín hữu kính nể và yêu mến.
Một hôm cha bị nhọt ở
má, rồi lở miệng, nửa hàm răng bị mưng mủ và đau nhức khôn tả. Ông Cỏn lên
thăm, thấy tình cảnh cha như vậy liền rước cha về nhà cháu ở xứ Kẻ Báng để chăm
sóc chữa trị. Được độ tám tháng, cha bị bắt cùng hai cha Nghi và Ngân.
Tai họa cho làng Kẻ Báng.
Tổng đốc Trịnh Quang
Khanh là một công tác viên đắc lực nhất của vua Minh Mạng trong việc bách hại
đạo Công Giáo. Trong vòng ba năm, ông phá hủy hơn 400 nhà thờ, tu viện và chủng
viện. Ông cho phóng thích một tội nhân phạm tội hình sự đang bị giam ở Nam
Định, để anh ta đến làng Kẻ Báng do thám, lập công chuộc tội. Anh này tuy không
trong đạo, nhưng quen biết nhiều, nên ra vào và gặp gỡ các giáo hữu dễ dàng.
Khi biết chắc trong làng có ba linh mục, anh liền đi tố giác với quan.
Ngày 30.5.1840, theo
tin mật báo, quan Tổng đốc liền đem 1000 quân đến vây làng Kẻ Báng. Rồi ông cho
phát loa kêu gọi dân ra đình điển danh. Tất cả đàn ông, thanh niên trên 15 tuổi
đều bị trói lại và tập trung ở một chỗ, quân lính canh gác cẩn thận. Họ bắt cứ
phải ngồi vậy phơi nắng, phơi sương suốt hai ngày. Anh chị em phụ nữ lo cơm
nước tiếp tế cho lính và thân nhân. đồng thời quan sai lính đi lục soát tất cải
"hang cùng ngõ hẻm". Ngày đầu tiên không tìm thấy linh mục nào, ông
nản lòng định rút quân, nhưng người tố giác cứ nhất quyết, lấy đầu ra mà thề,
nên ông lại cho lục soát tiếp.
Ngày thứ ba, quan ra
lệnh phá các vách dầy trong làng thì quả thật bắt được cha Nghi đang ẩn giữa
hai lớp vách nhà bà Duyên. Quan cho gọi bà ra bước qua Thánh Giá, nhưng may mắn
quân lính nghe lộn ra bà Doãn, bà này ngoại giáo nên sẵn sàng bớc qua, nhờ đó
bà Duyên thoát mạng. Khoảng giữa trưa thì quân lính bắt được cha Ngân đang ẩn ở
nhà ông Thọ và cha bị bắt trói, điệu ra chỗ cha Nghi ngoài đình.
Về cha Thịnh thì giả
điếc nằm ngay võng nhà ông Chiền là cháu ông Cỏn, quân lính đi ngang thấy cụ
già nhà quê bệnh tật, nên chẳng nghi ngờ gì. Nếu có hỏi thì co Thanh, một nữ tu
họ Kẻ Trình đi theo phục vụ cha khai là : "Bố tôi đấy, ông bị bệnh nặng
nên không ra điểm danh được". Đến khi nghe tin cha Nghi và Ngân bị bắt,
cha Thịnh khôngh muốn im lặng nữa. Nhân một cai đội họi cụ : "Ông có phải
là đạo trưởng không ?" Cha liền đáp: "Phải tôi đây". Thế là cha
Thịnh đồng số phận bị bắt với hai cha bạn cùng chí hướng. Lợi dụng cơ hội này,
quân lính ùa vào làng cướp tiền của, thóc lúa, trâu bò… Họ vừa đập phá, vừa reo
hò chiến thắng vang dậy cả làng. Sau đó quan cho đóng gông và áp giải ba linh
mục, ông Thọ, ông Cỏn và 20 tín hữu Kẻ Báng về nhà lao Nam Định.
Vững vàng tuyên tín…
Suốt một tháng đầu,
ba cha, ngày mang gông xiềng, tối bị cùm chân, nhưng chưa phải ra tòa. Đến đầu
thàng bẩy, quan gọi ra công đường, bắt bước qua Thập Giá, các cha đều can đảm
từ chối. Cha Thịnh lên tiếng: "Tôi đã bằng này tuổi đầu mà còn sợ chết nữa
sao ? Tôi không thể làm theo lời quan được". Quan lại hỏi về tên và chỗ ở
của các thừa sai, nhưng các cha đều chối không biết. Quan liền truyền trói ba vị
bắt quỳ giang nắng suốt ngày không cho ăn uống nước.
Ba ngày sau (06.7),
Tổng đốc Trịnh Quang Khanh lại cho gọi ba cha và nói : "Nếu các ông không
đạp lên Thập Tự, các ông sẽ phải chết". Cha Nghi trả lời: "Thưa quan,
nếu quan thương chúng tôi nhờ; nếu không thương chúng tôi cũng xanh rì nấm mộ,
còn bước qua Thập Giá, chúng tôi không dám". Quan liền cho đánh mỗi người
50 roi. Thấy không hiệu quả, ông cho đánh cha già Thịnh thêm 10 roi nữa, vì
nghĩ tuổi già sức yếu, cha sẽ chịu khuất phục. Nhưng ông không ngờ cha Thịnh
mạnh mẽ can đảm chịu đòn cách vui vẻ. Tức giận, quan lại bắt ba vị ra phơi nắng
một ngày nữa.
Hạnh phúc thiên thu.
Thấm thoát ba cha ở
trong ngục được năm tháng. Với nhiều trận đòn chí tử, nhiều ngày giang nắng
ngoài trời…, các vị vẫn không nản lòng, cứ một mực tuyên xưng niềm tin vào Đấng
chịu khổ nạn. Các quan thấy các ngài cương quyết giữ vững lập trường, liền làm
án gửi về kinh đô. Vua Minh Mạng phê chuẩn và ra lệnh thi hành. Được tin ấy, ba
cha hớn hở vui mừng, giải tội cho nhau và chuẩn bị tâm hồn sốt sắng lãnh nhận
triều thiên tử đạo.
Ngày 08.11.1840, cha
Thịnh, cha Ngân, cha Nghi, ông Thọ, ông Cỏn bị đoàn lính 500 người điệu ra pháp
trường Bẩy Mẫu. Đến nơi, tất cả các ngài quỳ xuống cầu nguyện một lát, rồi ra
hiệu đã sẵn sàng. Theo lệnh quan, lý hình chém rơi đầu năm chiến sĩ đức tin,
kết thức cuộc đời dương thế và khai mở cuộc sống vĩnh hằng trên Thiên Quốc.
Thi thể hai cha Nghi
và Ngân được đưa về Kẻ Báng. Còn cha Thịnh được mai táng ở xứ Vũ Điện, sau đưa
về quê hương ngài là Kẻ Sét, Hà Nội.
Đức Lêo XIII suy tôn
ba linh mục Giuse Nguyễn Đình Nghi, Phaolô Nguyễn Ngân và Martinô Tạ Đức Thịnh
lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy
tôn các ngài lên hàng Hiển thánh.
Nguồn từ thư viện Đa Minh
Thứ Năm 8-11
Chân Phước John Duns Scotus
(1266-1308)
C
|
hân Phước John Duns Scotus là
một tu sĩ Phanxicô khiêm tốn, mà tư tưởng của ngài có ảnh hưởng trong nhiều thế
kỷ.
Sinh ở Duns trong quận
Berwick, Tô Cách Lan, John thuộc dòng dõi một gia đình giầu có. Trong những năm
về sau, ngài được gọi là John Duns Scotus để ghi dấu nơi sinh trưởng.
("Scotus" là chữ Latinh thay cho "Scotland" [Tô Cách Lan]).
John mặc áo dòng Phanxicô ở
Dumfries, mà bác của ngài là Cha Elias Duns làm bề trên. Sau thời kỳ tập viện,
John theo học ở Oxford và Paris và thụ phong linh mục năm 1291. Sau đó ngài
tiếp tục theo học ở Paris cho đến năm 1297, ngài trở về làm giáo sư ở Oxford và
Cambridge. Bốn năm sau, ngài trở lại Paris để dạy học và hoàn tất luận án tiến
sĩ.
Vào thời đại mà nhiều người
chấp nhận các hệ tư tưởng không có giá trị, thì John đã vạch ra sự phong phú
của truyền thống Phanxicô-Augustinô, quý trọng sự uyên thâm của Thánh Aquinas,
của Aristotle và các triết gia Hồi Giáo -- nhưng ngài vẫn duy trì là một nhà tư
tưởng độc lập. Ðiều đó được chứng tỏ khi Hoàng Ðế Philip, trong một tranh chấp
với Ðức Giáo Hoàng Boniface VIII năm 1303, đã cố chiếm lấy Ðại Học Paris về
phía mình. John Duns Scotus bất đồng ý và được lệnh phải rời Pháp trong vòng ba
ngày.
Trong thời đại của John Duns
Scotus, một số triết gia chủ trương rằng con người bị định đoạt bởi các động
lực ở bên ngoài cá thể. Họ cho rằng sự tự do của ý muốn là một ảo tưởng. Là một
người rất thực tế, John lý luận rằng nếu tôi đánh một người nào đó mà họ khước
từ sự tự do của ý muốn, thì ngay lập tức người ấy bảo tôi ngừng tay. Nhưng nếu
tôi thực sự không có tự do ý muốn, làm sao tôi có thể ngừng tay? John đã khéo
léo đưa ra một thí dụ mà ai ai cũng dễ nhớ!
Sau một thời gian ở Oxford,
ngài trở về Paris, là nơi ngài lấy bằng tiến sĩ năm 1305. Ngài tiếp tục dạy ở
đây và vào năm 1307 ngài đã bảo vệ đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria
mà sau cùng đại học đã chính thức công nhận lập trường của ngài. Cùng năm đó,
bề trên tổng quyền bổ nhiệm ngài về trông coi trường của dòng Phanxicô ở Cologne
mà ngài đã từ trần ở đây năm 1308.
Dựa vào lý luận của John Duns
Scotus, vào năm 1854 Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Ðức
Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. John Duns Scotus, vị "Tiến Sĩ Khôn Ngoan",
được phong chân phước năm 1993.
Lời Bàn
Cha Charles Balic, O.F.M.,
người có uy tín nhất của thế kỷ 20 về Chân Phước Scotus, đã viết: "Toàn
bộ thần học của Scotus đều quy hướng về đức ái. Ðặc tính nổi bật của đức ái là
sự tự do tuyệt đối. Khi đức ái ngày càng trở nên tuyệt hảo và sâu đậm, sự tự do
trở nên cao quý và trọn vẹn hơn trong con người" (New Catholic
Encyclopedia, Bộ. 4, tr. 1105).
Lời Trích
Sự thông thái ít khi đảm bảo
sự thánh thiện. Nhưng John Duns Scotus không chỉ là một người tài giỏi mà ngài
còn là một người khiêm tốn và siêng năng cầu nguyện -- đó chính là sự tổng hợp
mà Thánh Phanxicô muốn nơi bất cứ tu sĩ nào có học thức. Vào lúc phong trào dân
tộc chủ nghĩa ở Pháp đe dọa quyền lợi của đức giáo hoàng, John Duns Scotus đã
đứng về phía giáo hội và phải gánh chịu mọi hậu quả. Ngài cũng bảo vệ sự tự do
của con người đối với những ai thỏa hiệp sự tự do ấy với chủ thuyết tất định
(determinism).
Tư tưởng thì quan trọng. John
Duns Scotus đã dùng tư tưởng hay nhất của ngài để phục vụ gia đình nhân loại và
Giáo Hội.
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét