Chúa Nhật 33 Quanh Năm Năm B
Bài Ðọc I: Ðn 12, 1-3
"Khi ấy dân ngươi sẽ
được cứu thoát".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Khi ấy, tổng lãnh sứ thần
Micae sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi, đó sẽ là thời kỳ khốn khổ
chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ. Trong thời kỳ ấy dân
ngươi, hễ ai đã có ghi tên trong sách, sẽ được cứu thoát.
Nhiều kẻ an giấc trong bụi
đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục
muôn đời.
Những người thông minh sẽ
sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều
người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 15, 5 và 8.
9-10. 11
Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c.
1).
Xướng: 1) Chúa là phần gia
nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn
luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.
- Ðáp.
2) Bởi thế lòng con vui mừng
và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì
Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Người
thấy điều hư nát. - Ðáp.
3) Chúa sẽ chỉ cho con biết
đường lối trường sinh: sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên
tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 10, 11-14.
18
"Người đã làm cho
những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời".
Trích thư gửi tín hữu
Do-thái.
Trong khi mọi tư tế hằng ngày
đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của lễ nhiều
lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy
nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi
cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người. Vì chưng, nhờ việc hiến
dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn
đời. Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội
nữa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Kh 2, 10c
Alleluia, alleluia! - Chúa
phán: "Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho
ngươi triều thiên sự sống". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 13, 24-32
"Người sẽ quy tụ
những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra
tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức
mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến
trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các
thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương,
từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu
dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy,
khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là
Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua
đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng
qua đi.
"Còn về ngày đó hay giờ
đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng
chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Trong ngày sau hết, ngày Con
Người đến trong vinh quang đầy quyền năng. Ngày Ðức Giêsu trở lại để đưa nhân
loại chúng ta về cùng Thiên Chúa. Ngài đến triệu tập những người được tuyển
chọn từ khắp muôn nơi. Ðể cho họ được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn bên Ngài.
Những ai là người được tuyển
chọn? Ai sẽ được cứu? Tin Mừng Ga 3,16 quả quyết: "Thiên Chúa yêu thế gian
đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng
được sống muôn đời". Vì thế, tất cả chúng ta đều được cứu, nếu chúng ta
muốn. Nếu muốn thì hãy tin vào Ðức Giêsu Con của Thiên Chúa.
Cầu Nguyện:
Lạy Cha, chúng con thường sợ
hãi khi nghĩ đến ngày phán xét. Chúng con hay sợ bị phạt trong hỏa ngục. Một
hình ảnh lệch lạc khi nghĩ đến Cha uy nghi, nghiêm khắc làm chúng con khiếp sợ.
Thế nhưng Kinh Thánh đã mạc khải cho chúng con biết: Còn gì quý hơn Con Một của
Cha? Thế mà Cha đã ban cho chúng con, thì Cha còn tiếc gì với chúng con nữa?
Cha yêu thương chúng con, không phải Cha phạt chúng con. Nhưng đúng hơn, chúng
con đã lạm dụng tự do để chọn cho mình nỗi bất hạnh.
(Veritas)
Thời kỳ cuối cùng
(Sách tiên tri Daniel 12,1-3; Hipri 10,11-18; Marcô
13,24-32)
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXXIII Thường
Niên Năm B
Sách tiên tri Daniel
12,1-3; Hipri 10,11-18; Marcô 13,24-32
Hai tuần lễ tới đây là những
ngày cuối cùng của năm phụng vụ này. Thế nên không có gì ngạc nhiên, khi thấy
Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về thời gian sau hết cũng gọi là cánh chung.
Chúng ta thường nôm na gọi đó là thời tận thế.
Ước gì từ nay chúng ta bỏ hết
mọi suy đoán của loài người, mọi điều thường được gọi là bí mật bà thánh này
ông thánh kia, hoặc của nơi hành hương này chỗ thánh điện khác, để chỉ giữ lấy
Lời Chúa và các mạc khải của Người. Khi ấy chúng ta sẽ thấy bình tĩnh hơn, sáng
suốt hơn và sống chân thật hơn. Chúng ta sẽ sống bằng đức tin của Hội Thánh,
chứ không nghe những chuyện nhảm nhí. Và chúng ta sẽ làm cho người khác kính
trọng niềm tin của chúng ta hơn.
Vậy, phụng vụ hôm nay cho
chúng ta biết những gì về cánh chung, hay là tận thế? Bài tiên tri Daniel, bài
Tin Mừng Marcô, bài thư Hipri, tuy không bao gồm hết mọi lời trong Kinh Thánh
về vấn đề, nhưng có thể nói đã nói lên hầu hết. Chúng ta hãy lần lượt đọc lại.
1. Bài Sách Daniel
Daniel là một trong bốn sách
tiên tri lớn, tức là dài, và là tác phẩm khó. Người ta cứ tưởng nó giống như
các sách Ysaia, Yêrêmia, Êzekiel, được viết vào thời lưu đày Babylonia và về
hoàn cảnh đó. Nhưng ngày nay người ta đã thấy nó ra đời muộn hơn nhiều. Có lẽ
nó được viết vào khoảng năm 164 trước kỷ nguyên. Phần đầu tác giả nói đến những
biến cố xảy ra ở Cận Ðộng và trong Dân Chúa sau thời gian lưu đày. Một số người
đã được hồi hương, cố gắng dựng lại giang sơn tổ quốc cũ. Nhưng hết bị Batư cai
trị, lại bị Hylạp thôn tính, Dân Chúa gặp một cơn bắt đạo khủng khiếp dưới thời
Antiôchô. Ðền thờ bị biến thành nơi thờ thần dân ngoại. Truyền thống Dothái bị
ngăn cấm. Nhiều người bị bắt. Tiếng các Tử đạo vang lên tới Chúa.
Người mạc khải ý định của
Người trong phần hai của sách Daniel. Ðó là một viễn tượng đầy trông cậy. Nhưng
đọc kỹ người ta dễ nhận ra ngay đó chỉ là niềm tin rất cổ điển: sự dữ còn gia
tăng... cho đến lúc chín mùi. Lúc ấy Thiên Chúa sẽ can thiệp. Sứ thần của Người
sẽ được sai đến giao tranh với thần dữ, cứu vớt những người lành, phục hồi các
thánh nhân.
Ðọc Daniel hôm nay nằm trong
phần thứ hai này. Nhà tiên tri được báo cho biết: đến thời cứu độ, Mikael vị
tướng cả của Thiên Chúa sẽ được sai đến biểu lộ sức mạnh của Người để gìn giữ
con cái của Chúa. Vì lúc ấy sẽ là thời quẫn bách, thời thử thách xưa nay chưa
từng thấy xảy ra. Chỉ những kẻ nào đã được tiền định mới thoát nguy. Họ đã có
tên ghi trong cuốn sách hằng sống ở trên trời. Và điều an ủi nhất cho Daniel và
trả lời trực tiếp cho thắc mắc của dân Chúa thời bấy giờ, là sẽ có sự sống lại.
Người thánh sẽ được sống đời đời, bậc lãnh đạo dân Chúa sẽ chói sáng; và kẻ
truyền đạo, đưa người khác trở về đàng công chính, sẽ như tinh sao muôn kiếp.
Với những lời lẽ này, Daniel
đã an ủi Dân Chúa không ít. Họ đang trong cơn bắt đạo, thấy máu của nhiều người
lành chảy ra. Họ tự hỏi về định mệnh của các thánh nhân; và đồng thời cũng nêu
lên nghi vấn: có bõ công tiếp tục đi trong đàng ngay chính để có ngày bị bắt và
bị giết hay không? Daniel chẳng có lời tiên tri nào nói với họ cả, theo nghĩa
hứa hẹn cho người ta một tương lai sáng sủa nào ở trần gian này hết. Ông tuyên
xưng niềm tin "chính thống" và cổ điển của mình: Thiên Chúa mới có
tiếng nói cuối cùng; Người sẽ can thiệp, lúc đó người lành được gìn giữ, còn kẻ
dữ sẽ bị tiêu diệt. Rồi sẽ có sự sống lại cho người thánh đã chết; còn kẻ dữ cứ
tiếp tục bị trừng phạt.
Như vậy Daniel cũng đã có góp
thêm một phần mới mẻ vào kho tàng mạc khải. Trước ông, như trong Êzêkiel chẳng
hạn, người ta đã được biết sẽ có sự sống lại. Nhưng dường như đó chỉ là việc
phục sinh phục hồi của dân đang bị tiêu diệt và nghiền nát. Cánh đồng xương khô
lấy lại gân cốt và da thịt để sống lại trong Êzêkiel là một hình ảnh về cuộc
phục hưng dân Chúa sau thời gian tiêu điều, hơn là một phát biểu niềm tin về sự
sống lại trong ngày sau hết.
Ở đây, Daniel rõ ràng nói đến
sự sống lại không phải của hết thảy mọi người, nhưng riêng chỉ có những người
lành. Cũng như ông đã khẳng định khi ngày của Chúa đến, chỉ những người thánh
mới được gìn giữ, còn bao nhiêu kẻ dữ sẽ bị tiêu diệt. Nói đúng ra theo Daniel,
kẻ lành sẽ được sống muôn đời, còn kẻ dữ sẽ phải chết. Trong ngày của Chúa, ai
lành thánh sẽ không phải chết, và cho dù đã chết, cũng sẽ sống lại; còn kẻ tội
lỗi cho dù đang sống cũng sẽ chết, huống nữa là khi những kẻ ấy đã chết rồi.
Niềm tin của Daniel xác định công trạng của mỗi người, nhưng chưa nghĩ đến sự
xác thịt sống lại như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính. Ông cũng đã chú ý riêng
đến những người có công với dân và so sánh vinh quang bất diệt của họ sau này
như những tinh sao muôn đời muôn kiếp.
Ý kiến của Daniel nhất định
đã thổi một luồng gió tin tưởng mạnh mẽ vào trong tâm hồn nhiều người. Họ sẽ
cương quyết trung thành với đức tin hơn và hoàn toàn phó thác định mệnh cuối
cùng của mình trong tay Chúa. Sách của ông được các thế hệ sau dùng rất nhiều,
như bài Tin Mừng hôm nay sẽ cho chúng ta thấy; nhưng chẳng ai có thể lợi dụng
tư tưởng của ông để thêu dệt những chuyện nhảm nhí về thời cánh chung.
2. Bài Tin Mừng Ðức Yêsu
Trong đoạn sách Marcô hôm
nay, cũng nói với chúng ta về thời kỳ cuối cùng này. Dường như Người đề cập tới
sau khi nói về thời Yêrusalem bị tàn phá. Chúng ta biết hôm các môn đồ trỏ cho
Người thấy cảnh huy hoàng của Ðền thờ. Mà rực rỡ thật khi thánh điện Yêrusalem
được ánh mặt trời chiếu vào! Nhưng cảnh ấy có ngày sẽ không còn nữa và sẽ không
còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào của Ðền thờ hiện nay, vì Yêrusalem không
biết đón nhận ngày Thiên Chúa đến viếng thăm mình.
Ðức Yêsu đã nhìn thấy trước
ngày tàn phá đó. Người dùng những hình ảnh về thời kỳ chiến tranh, cũng như các
công thức về thời cánh chung trong các sách tiên tri, để mô tả cảnh tàn phá của
Yêrusalem. Rồi từ đó, Người nói sang thời kỳ cùng tận.
Nhưng lời của Người lại được
các tác giả thánh diễn lại sau khi đã được chứng kiến ngày Ðền thờ sụp đổ và đã
từng sống những ngày thánh Hội Thánh bị bắt bớ vì danh Chúa. Do đó, bài sách
Marcô hôm nay chẳng hạn, thu góp tất cả mọi nhân tố trên làm cho việc đọc trở
nên phức tạp và khó hiểu. Ở đây chúng ta chỉ nói đến những tư tưởng trong bài
đọc hôm nay.
Trước hết có những câu nói về
sự suy sụp thay đổi trong trời đất: mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh
tú sa xuống và các thiên thể lay chuyển. Có lẽ chính ý tưởng cuối cùng này lại
phải để ý đến trước hết. Là vì theo các tác giả thánh, mỗi khi có hiển linh là
trời đất rung chuyển. Vậy hiện tượng các thiên thể lay chuyển là điềm báo Chúa
đến, là dấu hiệu của ngày cuối cùng. Còn việc mặt trời tối sầm, mặt trăng mất
sáng, tinh tú sa xuống, chẳng qua muốn nói rằng vũ trụ này sẽ qua đi và biến
mất. Tất cả như lại trở về lúc khởi nguyên, lúc còn hỗn mang và chưa có ánh
sáng gì cả. Và như thế, với nhiều hình ảnh mượn lại trong các sách tiên tri, ở
đây thời sau hết được xác định như là thời thay đổi vũ trụ này, để rồi sẽ có
một cảnh mới với trời mới và đất mới. Và người ta không phải chờ lâu. Sách
Marcô đã viết ngay: bấy giờ người ta sẽ thấy Con Người đến trong mây... Rõ ràng
tác giả mượn lại chương 7 sách Daniel, câu 13. Nhưng ông đã đem vào một nội
dung mới.
Trong tiên tri Daniel, Con
Người chỉ đến sau, khi triều đình thiên quốc đã bày biện xong. Thiên Chúa đã
ngự trên ngai rồi, thì bấy giờ Con Người mới tiến lại. Người là ai? Theo Daniel
đó là dân thánh của Thiên Chúa đến lãnh phần thưởng đời đời của mình. Về sau
nhiều người đã đồng hóa Người với Ðấng Cứu thế Con Một Thiên Chúa. Ở đây, trong
sách Marcô, Người là chính Ðức Yêsu Kitô Cứu thế.
Như vậy, "ngày của
Chúa" không còn phải là ngày của Thiên Chúa nữa sao? Vì ở đây, người ta
không thấy Thiên Chúa hiện đến, mà chỉ có Ðức Yêsu được mệnh danh là Con Người.
Thật ra, khi nói Người đến trong mây, tác giả không có ý tưởng trong mây như là
xa giá đưa Con Người đến. Nhưng cùng với công thức viết sau nói rằng: Người đến
trong quyền năng cao cả và vinh quang, hình ảnh mây trời ở đây chỉ có ý nhấn
mạnh đến tính cách "hiển linh" của việc Người đến. Và như vậy Con
Người sẽ đến với Thần Tính và như là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa"
khiến "ngày của Chúa" bây giờ trở thành "ngày của Thiên Chúa đến
trong Con Người và nhờ Con Người".
Rồi khác với nhiều tác giả,
thánh Marcô không nhắc đến việc phán xét và trừng phạt kẻ dữ. Người chỉ mô tả
diện tích cực của ngày Chúa đến. Người sai các Thiên Thần đi khắp cùng mặt đất
thâu họp những kẻ được chọn lại, dĩ nhiên là để đưa họ vào vinh quang của
Người.
Và như vậy cái nhìn của Marcô
về cánh chung rất bình an và đẹp đẽ. Nó đem tin tưởng lại cho lòng người ngay
và tạo nên một cảm giác hạnh phúc.
Nhưng khi nào điều ấy xảy ra?
Ðó là thắc mắc của mọi thế hệ loài người. Theo thánh Marcô, thì Ðức Yêsu trỏ
tay bảo các môn đệ cứ xem cảnh vật thiên nhiên. Cây vả khi trổ lá thì báo tin
mùa hè sắp đến sao? Cũng vậy, khi các điều kia xảy ra, thì phải biết Con Người
đã gần bên cửa.
Trước hết, Người đã khéo léo
gợi đến danh từ mùa hè. Ðó là mùa gặt hái. Và hình ảnh mùa gặt hái vẫn được
Kinh Thánh dùng để nói đến thời cánh chung và chung thẩm. Còn khi Người nói
"các điều kia" thì phải hiểu như thế nào?
Trên đây, Người đã nói đến
việc Ðền thờ bị phá, chiến tranh nổi lên, Kitô giả xuất hiện, niềm tin trở nên
lạnh lẽo... và các tầng trời bị lay chuyển v.v... Do đó mỗi khi thấy các điều
trên xảy ra, người ta đã tưởng tận thế đến rồi. Hơn nữa sau đó, Ðức Yêsu còn
nói: "Thế hệ này sẽ không qua đi cho đến khi mọi điều ấy xảy đến".
Người ta càng tin những ngày tận cùng không còn xa�
Nhưng có lẽ người ta không để
ý đủ đến lời cuối cùng của Người: "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai
biết được... cả Con Người nữa, trừ phi là Chúa Cha".
Dĩ nhiên có vấn đề: có phải
chính Ðức Yêsu đã nói tất cả những điều trên đây không và trong cùng một văn
mạch không? Hay đó là những lời nói ở những hoàn cảnh khác nhau và đã được xếp
gần lại để diễn tả ý kiến về một vấn đề? Nếu thế thì ở đây chúng ta có thể thấy
tác giả vừa muốn khẳng định thời kỳ cánh chung đã gần, vừa không gần vì hiện
nay đã có những dấu hiệu như cảnh chiến tranh tàn phá, lòng tin ra nguội lạnh,
nhiều sự dữ lộng hành, nhiều người lành khổ sở... nhưng chưa chắc đã là điềm
báo cuối cùng, vì dù sao cũng chẳng ai biết được giờ nào, ngày nào, vì đó là bí
mật Chúa Cha không muốn tiết lộ cho ai... Vì thế thái độ chân thực là luôn luôn
phải sẵn sàng và tỉnh thức.
Thánh Marcô đã kết luận như
vậy. Và chúng ta, không nên thêm gì vào ý kiến của người. Chúng ta chỉ cần nhớ:
vũ trụ này sẽ được biến đổi khi Con Người đến trong vinh quang. Người sẽ tập
họp các kẻ được chọn lại. Người không muốn cho ai biết ngày nào giờ nào. Nhưng
Người mong muốn ai nấy cũng hãy sẵn sàng và bền vững cho đến cùng.
Bài thư Hipri có thêm gì cho
chúng ta không?
3. Ðức Kitô Ðang Chờ Ðợi
Tác giả còn so sánh vị Thượng
tế đạo mới với các tư tế đạo cũ. Những người này, như người ta thấy hằng ngày
vẫn đứng nơi bàn thờ để dâng những của lễ không hoàn toàn. Họ tỏ ra rộn ràng;
vì thế "đứng" là cung cách làm việc vất vả. Và công việc của họ không
kết quả vì cứ phải làm mãi, không xóa bỏ được tội lỗi là điều họ mong muốn.
Trong khi đó, Ðức Kitô chỉ
dâng lễ một lần trong mầu nhiệm Vượt qua, và đã lên ngồi ngự bên hữu Thiên
Chúa. Chứng tỏ lễ dâng của Người đã hoàn toàn và tẩy xóa được tội lỗi. Người
không còn vất vả nữa và chỉ còn ngồi chờ đợi mọi người hàng phục để kết nạp họ
vào sự thánh thiện của Người.
Tác giả không suy đoán. Thánh
Kinh cũng nói rõ như vậy vì trong Thánh vịnh 110, Thiên Chúa đã đặt vị Kitô của
Người làm Vua và làm Thượng tế theo kiểu Melkisedek, đợi ngày quân thù của
Người quy phục dưới chân. Chúng ta chẳng nên hiểu quân thù nói đây là ai khác
những sức mạnh tội lỗi mà Người đang muốn dẹp bỏ ở nơi mỗi người để tất cả chỉ
còn ở trong sự thánh thiện của Người.
Như vậy, lời thư Hipri có thể
bổ túc cho những điều chúng ta đa biết về thời cánh chung qua các bài sách
Daniel và Tin Mừng theo thánh Marcô. Thời sau hết thực ra đã khởi sự từ khi Ðức
Yêsu tiến vào cung lòng Thiên Chúa. Sức mạnh của Thiên Chúa đã biểu lộ nơi sự
phục sinh của Người. Ơn Thánh Thần mà Người gửi xuống cho môn đệ không thực tế
hơn hình ảnh Ðức Mikael đến bảo vệ những người được Chúa chọn sao? Các người
thánh đang được thâu họp lại từ khắp mặt đất để được tham dự vào sự thánh thiện
của thân thể mầu nhiệm Ðức Kitô. Họ được lấy ra từ bao thử thách và gian khổ,
khỏi những sự mê hoặc của các Kitô giả khác. Và cùng với Ðức Kitô, họ đang chờ
đợi ngày Nước Cha trị đến... Và như vậy quả thực thời cánh chung đã đến và chưa
đến. Thế hệ nào cũng sẽ không qua đi trước khi những điều này xảy tới, kể cả
thế hệ chúng ta.
Mầu nhiệm cánh chung giờ đây
không những cũng được chúng ta tuyên xưng trong bản kinh Tin Kính. Nhất là nó
sẽ được nổi lên trong mầu nhiệm Thánh Thể, trong đó chúng ta tuyên xưng Ðức
Yêsu đã chết và đã sống lại để rồi sẽ lại đến. Và trong khi chờ Người đến trong
vinh quang, chúng ta tin Người đang đến trong Thánh Thể để thâu nạp chúng ta
vào sự thánh thiện của Người. Một cảnh sống mới, làm ra một trời mới và một đất
mới, tức là xây dựng một quê hương mới và một dân tộc mới, có theo sau thánh lễ
này hay không? Ðiều đó còn tùy ở cố gắng của chúng ta hết thảy.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 33 Thường
Niên,
Năm B
Bài đọc: Dan
12:1-3; Heb 10:11-14, 18; Mk 13:24-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Ngày Đức Kitô đến lần
thứ hai
Trong những ngày cuối
năm, chúng ta được nghe Phụng Vụ Lời Chúa nhắc nhở rất nhiều về Ngày Đức Kitô
đến lần thứ hai để xét xử con người. Khi nghe những báo trước về Ngày Tận Thế,
con người có thể có ba thái độ: Thứ nhất, có người tin Lời Chúa và bắt đầu
chuẩn bị cho Ngày ấy tới như Thiên Chúa nói, bằng cách khử trừ tội lỗi và luyện
tập để sống thánh thiện. Thứ hai, có người cho là Ngày ấy còn xa, cứ việc ăn
chơi cho thỏa chí; khi nào Ngày ấy gần xảy ra sẽ ăn năn cũng không muộn. Sau
cùng, có những người cho đó là chuyện hoang đường bầy ra để dọa nạt trẻ con.
Đối với họ, chết là hết; bao lâu còn sống cần phải thụ hưởng tối đa những gì
thế gian dâng tặng.
Các Bài Đọc hôm nay nêu
bật những báo hiệu về Ngày Tận Thế và những gì con người cần làm để chuẩn bị
cho Ngày ấy. Trong Bài Đọc I, tiên tri Daniel báo hiệu đó là Ngày khốn khổ chưa
từng thấy trong lịch sử nhân loại. Ngày ấy, Tổng Lãnh Thiên Thần Michael sẽ bảo
vệ những người được Thiên Chúa chọn, và mọi người sẽ sống dạy để chịu phán xét
và lãnh nhận thưởng phạt tùy theo công việc họ làm khi còn sống. Trong Bài Đọc
II, tác giả Thư Do-thái nhắc nhở cho con người về hiệu quả Hiến Lễ của Đức Kitô.
Tuy chỉ xảy ra một lần, nhưng có sức mạnh tẩy trừ mọi tội của con người, và làm
cho con người được trở nên tinh tuyền thánh thiện mỗi ngày một hơn. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu cũng báo trước cho các môn đệ hai điều: về những điềm trời xảy
ra trước Ngày Tận Thế: các hành tinh của Thái Dương Hệ sẽ thôi chiếu sáng và
đêm tối sẽ bao trùm mặt đất; và ngày ấy chắc chắn sẽ đến; nhưng không ai biết
được ngày và giờ nào; vì thế, con người phải luôn biết chuẩn bị.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Đó
sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có nhân loại cho đến bây giờ.
1.1/ Những điều sẽ xảy ra
khi Ngày Tận Thế đến: Sách tiên-tri Daniel được viết rất lâu sau Thời Lưu Đày, khoảng
165 BC, sau cái chết của Antiochus IV Epiphanes, người Hy-lạp. Đây là thời kỳ
mà con cái Israel bị đe dọa bởi áp lực quân sự và văn hóa Hy-lạp. Mục đích của
Sách là để khuyến khích con cái Israel đứng vững trước những tai tọa sắp xảy ra
và trung thành với Lề Luật của Thiên Chúa. Sách Maccabees và Khôn Ngoan cũng
được viết trong thời kỳ này. Tuy nhiên, như truyền thống của Giáo Hội tin
tưởng, Sách có thể áp dụng cho thế hệ thời tiên-tri Daniel, nhưng cũng có thể
áp dụng cho những thời đại sau này. Trình thuật của Marcô trong Phúc Âm và đặc
biệt Sách Khải Huyền chịu ảnh hưởng thể văn khải huyền của Sách Tiên-tri
Daniel.
Tác giả liệt kê những
điều sau đây sẽ xảy ra: Thứ nhất là sự xuất hiện của Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, người
được Thiên Chúa sai đến để che chở cho dân trong thời kỳ khốn khổ sau hết.
Trong Sách Khải Huyền, TLTT Michael cũng xuất hiện để chiến đấu chống lại con
rồng, tượng trưng cho quyền lực của Satan (x/c Rev 12:7). Thứ hai là thời kỳ
khốn khổ chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ. Sau cùng, những ai
có tên trong Cuốn Sách của Thiên Chúa sẽ được thoát nạn. Truyền thống Do-thái
tin tưởng Thiên Chúa có một Cuốn Sách ghi tên tất cả những ai được Thiên Chúa
coi là bạn hữu hay công chính (Cf. Exo 32:32-33, Psa 69:28). Sách Khải Huyền đề
cập rất nhiều lần đến "Cuốn Sách" hay "Sổ Trường Sinh," trong
đó ghi tên tất cả những người sẽ được cứu thoát (Rev 3:5, 13:8, 17:8, 20:12,
15; 22:7, 9, 10, 18, 19). Sách này chỉ có Con Chiên, đã bị giết nhưng vẫn đang
sống, mới có thẩm quyền để mở mà thôi.
1.2/ Ai nấy sẽ chỗi dậy
và phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Cựu Ước
mặc khải về thân xác loài người sẽ sống lại. Trước đó, truyền thống Do-thái tin
hạnh phúc Thiên Chúa ban chỉ giới hạn ở đời này qua việc sống lâu, có sức khỏe,
đông con cháu, và của cải vật chất. Quan niệm về thân xác sống lại cũng được đề
cập đến trong các Sách viết vào thời gian này như (x/c II Mac 7:9, 12:43 và Wis
2-5). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu và các thánh ký cắt nghĩa rõ ràng hơn về sự
sống lại này (x/c Mk 12:18, Jn 11:23-24, Acts 7:59-60, I Thes 4:13, I Cor
15:12-20). Thân xác loài người sống lại là để chịu phán xét và thưởng phạt.
(1) Người công chính sẽ
được ban thưởng từ Thiên Chúa: Hai điều Thiên Chúa ân thưởng cho những người trung thành
là: hưởng phúc trường sinh (x/c Jn 6:39-40) và các người khôn ngoan sẽ trở nên
rực rỡ. Những ai giúp cho người khác nên công chính cũng sẽ "chiếu sáng
muôn đời như những vì sao."
(2) Kẻ tội lỗi sẽ
"chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời." Tân Ước đề cập nhiều lần tới chốn tối
tăm và lửa muôn đời không hề tắt. Sách Khải Huyền cũng đề cập tới một Sách khác
bên cạnh Sách Trường Sinh. Sách này ghi chép các việc làm của kẻ dữ, và họ sẽ
bị phán xét theo những điều ghi chép này (Rev 20:12).
2/
Bài đọc II: Nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần
lễ đền tội nữa.
Mục đích của tác giả
trong trình thuật hôm nay là nêu bật hiệu quả Hiến Lễ của Đức Kitô trong việc
thanh tẩy tội lỗi và thánh hóa con người, qua việc so sánh với hy lễ của các tư
tế trong Cựu Ước.
2.1/ Hy lễ của các tư tế: "Vị tư tế nào cũng
phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần
ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi." Hy lễ
của các tư tế không thể so sánh với Hiến Lễ của Đức Kitô vì chỉ có thể tha
những tội nhẹ hay vô tình, và phải lặp đi lặp lại mỗi khi con người phạm tội.
Hy lễ để đền tội trong Đền Thờ của Cựu Ước chấm dứt với Hiến Lễ của Chúa Giêsu
trên đồi Golgotha. Một lý do nữa là sau khi Chúa Giêsu chịu chết ít lâu, Đền
Thờ Jerusalem cũng bị tiêu hủy bởi quân đội Rôma, và không bao giờ được tái
thiết nữa. Câu hỏi có thể được đặt ra cho người Do-thái không tin Đức Kitô: làm
sao tội họ có thể được tha thứ nếu không còn chỗ để dâng hy lễ đền tội?
2.2/ Hiến lễ của Đức
Kitô:
"Còn Đức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người
đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày
các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân. Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần,
mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo. Mà nơi nào
đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa."
Nhờ hiệu quả của Hiến Lễ
của Chúa Giêsu trên đồi Golgotha, Ngài lập ra Bí-tích Rửa Tội để tẩy sạch tội
lỗi con người. Sau đó, nếu còn phạm tội, con người có thể chạy đến với Bí-tích
Giao Hòa để xưng thú và nhận ơn tha thứ. Đây là món quà vô giá cho con người:
Nếu Bí-tích Hòa Giải có sức mạnh tha mọi tội, ngay cả tội trọng cho con người;
tại sao con người không biết lợi dụng khử trừ tội lỗi, để không phải trả lời
Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét? Người xưa phải mua lễ hy sinh để đền tội và
phải hành hương lên Đền Thờ Jerusalem, chúng ta ngày nay chỉ cần một bước vào
Tòa Cáo Giải của giáo-xứ để xưng tội là được Thiên Chúa xóa sạch mọi tội.
Hơn nữa, Hiến Lễ của Đức
Kitô còn được tái diễn trên bàn thờ mỗi ngày để tha mọi tội nhẹ và ban ơn thánh
cho con người trong giai đoạn hiện tại. Tại sao con người không biết dùng để
thanh tẩy mỗi ngày và lãnh nhận ơn thánh để trở nên hoàn hảo hơn?
3/
Phúc Âm: Thế
hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.
3.1/ Những gì sẽ xảy ra
trước Ngày Tận Thế: Trình thuật hôm nay tiếp liền trình thuật chiến tranh sẽ xảy ra
và các tai ương dồn dập tới. Chúa Giêsu nói với dân chúng: "Nhưng trong
những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không
còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị
lay chuyển." Các hành tinh của thái dương hệ sẽ không còn chiếu sáng
thường được đề cập tới trong sách Tiên-tri như (Amo 8:9, Joel 2:10, 3:15, Eze
32:7, 8, Isa 13:10, 34:4).
Sau những sự kiện này,
là sự xuất hiện của Con Người, như Chúa Giêsu tiên báo với dân chúng: ''Bấy giờ
thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà
đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được
Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời."
3.2/ Con người phải biết
đọc điềm trời đất để biết Ngày Tận Thế tới: "Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi.
Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến
gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã
đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua
đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.''
Trong cuộc đời, ngoài
những điềm trong vũ trụ, con người còn được Thiên Chúa cho chứng kiến sự ra đi
của những người thân trong gia đình, bạn bè, và những người chung quanh. Những
sự ra đi này nhắc nhở cho con người biết sẽ đến ngày ra đi của mình, và con
người không biết lúc nào vì trong những người đã ra đi không phải chỉ có những
người lớn tuổi, mà còn đủ mọi hạng tuổi. Sự giả định mình chỉ chết khi lớn tuổi
không có gì vững chắc cả; vì thế, cách tốt nhất là luôn chuẩn bị như ngày hôm
nay là ngày tận thế của đời mình và sống làm sao để khỏi ân hận.
3.3/ Không ai biết được
khi nào Ngày Tận Thế sẽ xảy ra: "Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay
cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà
thôi." Chúa Giêsu muốn dạy con người hai điều:
(1) Ngày Tận Thế chắc
chắn sẽ xảy ra, vì Ngài xác tín: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy
nói sẽ chẳng qua đâu." Khi nào xảy ra, không ai biết được, ngoại trừ Chúa
Cha.
(2) Nếu những sự huy
hoàng của thế gian sẽ qua, con người đừng bấu víu hay dựa vào phù du của thế gian;
nhưng hãy biết tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu trên trời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phân biệt
hai ngày tận thế: của cuộc đời chúng ta và của toàn thể vũ trụ. Khi chúng ta
xuôi tay nằm xuống, đó là ngày tận thế của cuộc đời chúng ta. Ngày này cũng
nghiêm trọng như Ngày Tận Thế của vũ trụ vậy, vì đó là ngày chấm dứt việc thay
đổi lập trường hay lập công đền tội.
- Khi Thiên Chúa phán
điều gì, mọi việc đều xảy ra như thế. Chúng ta đừng đánh bạc cuộc đời chúng ta,
kẻo khi bừng tỉnh đã quá muộn màng và phải hư đi cả đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Chúa Nhật tuần 33 thường niên, năm B
|
Suy niệm: Trong ngày sau hết, ngày Con Người đến trong
vinh quang đầy quyền năng. Ngày Ðức Giêsu trở lại để đưa nhân loại chúng ta về
cùng Thiên Chúa. Ngài đến triệu tập những người được tuyển chọn từ khắp muôn
nơi. Ðể cho họ được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn bên Ngài.
Những ai là người được tuyển chọn? Ai sẽ được
cứu? Tin Mừng Ga 3,16 quả quyết: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban
Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn
đời". Vì thế, tất cả chúng ta đều được cứu, nếu chúng ta muốn. Nếu muốn
thì hãy tin vào Ðức Giêsu Con của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Cha, chúng con thường sợ hãi khi nghĩ đến ngày phán xét.
Chúng con hay sợ bị phạt trong hỏa ngục. Một hình ảnh lệch lạc khi nghĩ đến Cha
uy nghi, nghiêm khắc làm chúng con khiếp sợ. Thế nhưng Kinh Thánh đã mạc khải
cho chúng con biết: Còn gì quý hơn Con Một của Cha? Thế mà Cha đã ban cho chúng
con, thì Cha còn tiếc gì với chúng con nữa? Cha yêu thương chúng con, không
phải Cha phạt chúng con. Nhưng đúng hơn, chúng con đã lạm dụng tự do để chọn
cho mình nỗi bất hạnh.
Ghi nhớ :"Người sẽ quy tụ những
người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời".
www.phatdiem.org
18/11/12 CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – B
Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam
Mc 13,24-32
Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam
Mc 13,24-32
CHỜ NGÀY CHÚA ĐẾN
“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy
nói sẽ chẳng qua đâu.” (Mc 13,31)
Suy niệm: Đức Giê-su đã đến lần thứ nhất trong thân phận của “một
trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Tuy nhiên, thật đáng buồn
vì “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga
1,11)! Rồi Ngài sẽ đến lần thứ hai “đầy quyền năng và vinh quang” (Mc
13,26), “để phán xét kẻ sống và kẻ chết” (Kinh Tin Kính). Nhưng trước
đó, mọi sự tối tăm bao trùm mặt đất, cùng với những thử thách, đau khổ, bách
hại, gian nan cho các môn đệ của Ngài (cc.5-23). Đỉnh cao của cuộc Quang Lâm là
ơn cứu độ của các tín hữu: Đức Giê-su “sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ
tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về…” (13,27).
Mời Bạn: “Những lời Khải huyền của Đức Giêsu… chỉ muốn giải thoát chúng
ta khỏi những thứ tò mò để nhận ra những thực tại hữu hình (x. Lc 17,20) và dẫn
chúng ta đến điều chính yếu: đó làcuộc sống dựa vào Lời Chúa mà Đức
Giêsu đã ban tặng cho chúng ta; đó là cuộc gặp gỡ với Người, Ngôi
Lời sống động; để mang trách nhiệm trước vị thẩm phán của kẻ sống và kẻ chết.”
(Đức Bênêđitô XVI, Đức Giêsu thành Nadarét).
Sống Lời Chúa: Thái độ đúng đắn để đón chờ ngày Chúa đến là
TỈNH THỨC, nghĩa là nhận thức mình đang sống và hoạt động dưới ánh mắt của
Thiên Chúa (Đức Bênêđitô XVI).
Cầu nguyện: “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên
Ngài, con đang ẩn náu. Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm
trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên,
chẳng nao núng bao giờ.”
(Tv 15)
www.5phutloichua.net
Phần
cuối chu kì phụng vụ mời gọi chúng ta suy tư về lúc tận cùng của Lịch sử, nơi
đến cuối cùng của cuộc đời chúng ta. Chúng ta biết rằng tiếng nói cuối cùng của
Lịch sử thuộc về một mình Thiên Chúa. Qua Đức Giê su Ki tô, Thiên Chúa đã tha
thứ và đã giải thoát chúng ta khỏi ách tội lỗi khốn cùng. Đến lượt mình, chúng
ta cũng được mời gọi hãy tha thứ và giúp đỡ tha nhân.
Sách Tiên tri Đa ni ên:
Tin vào một Thiên Chúa tốt lành và công chính là khẳng
định rằng sự bất công không phải là tiếng nói cuối cùng của Lịch sử. Đó là cách
tuyên xưng rằng Án xử của Thiên Chúa, sự Công chính của Người và Lòng Tốt của
Người thắng vượt tội lỗi mà con người đã phạm trong Lịch sử.
Thánh vịnh 15 :
Tác giả Thánh vịnh đã lựa chọn: Ông nói KHÔNG với các bụt
thần thế gian và nói CÓ với Thiên Chúa. Sự lựa chọn ấy giúp cuộc sống của ông
trở nên phong phú. Ông không lo lắng cho tương lai nữa vì tâm hồn đã được bình
an.
Thư Do thái :
Trước Chúa Giê su, người ta cần phải lặp đi lặp lại các
hi tế thanh tẩy mỗi ngày để lãnh nhận lòng từ ái tha thứ của Thiên Chúa. Còn
Chúa Giê su, chỉ bày tỏ Lòng Thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta một lần là
đủ và đã vĩnh viễn thiết lập địa vị ưu tiên của TÌNH YÊU. Ngài không cần phải
lặp lại ơn cứu độ qua nhiều hi tế. Hi tế thập giá là ơn Cứu độ cho tất cả mọi
người. Việc còn lại của chúng ta là đi vào trong vũ trụ của sự thánh thiện mở
ra cho chúng ta.
Tin mừng: Mc 13,24-32
NGỮ CẢNH
Đoạn Tin Mừng nầy thuộc thành phần diễn từ Cánh Chung
khởi sự từ câu hỏi của các Môn đồ (13,4). Họ hỏi Chúa Giê su về thời điểm nào
thì sự tàn phá sẽ xảy ra và đâu là điềm báo trước. Bài diễn từ dài của Chúa Giê
su xem ra không phải là câu trả lời cho câu hỏi ấy. Các câu 5-13 nói về các dấu
hiệu nguy hiểm đi trước và kết luận bằng lời khuyên hãy kiên nhẫn đến cùng. Các
câu 14-23 mô tả cơn thử thách khủng khiếp xảy đến cho các tín hữu: quyền lực
Satan sẽ nắm ưu thế khiến Thiên Chúa phải ra tay. Trong bối cảnh đầy tối tăm và
tuyệt vọng ấy, đoạn tin mừng chúng ta (24-32) diễn tả cuộc chiến thắng cuối
cùng và trở lại câu hỏi đã đặt ra ở câu 4: Bao giờ điều đó xảy ra?
Như các học giả Do thái thời đó, dường như Chúa Giê su đã
dùng lối văn Khải Huyền trong CƯ, đặc biệt trong sách Đa niên, để triển khai
giáo huấn của Ngài về Cánh Chung.
TÌM HIỂU
Mặt trời: đây là một trong các yếu tố của diễn từ cánh chung: sự
đảo lộn của các mãnh lực trên trời. Ở đây tác giả dùng lối diễn tả biểu tượng
giống như đoạn mô tả các tai hoạ lịch sử ở các câu 14-23. Các dấu chỉ nói đến ở
đây xảy ra sau các biến cố trên mặt đất, dẫn ta vào một giai đoạn mới, lần nầy
siêu vượt lịch sử. Ta có thể tìm thấy nét tương đồng trong sách tiên tri Giô ên
mà Phêrô đã trích dẫn trong ngày lễ Hiện Xuống (Cv 2.19-21).
Con Người: Xem câu Mc 2,10. Việc gợi lại quang cảnh huy hoàng ấy
(như Con Người, đám mây, quyền năng và vinh quang, các thiên sứ) lấy hứng từ
thị kiến của tiên tri Đa niên (7,13-14). Theo đó, trong một ngữ cảnh bách hại,
tiên tri chỉ cho thấy một nhân vật ở trên trời là Con Người xuất hiện trên đám
mây, nơi mà Thiên Chúa vừa ẩn mặt vừa mạc khải cho loài người. Đám mây nầy được
dùng như cỗ xe đưa Ngài từ trời xuống, tạo thành một dấu chỉ nối liền trời và
đất. Nhân vật Con Người ấy là chính Đức Giê su Ki tô vinh hiển, ngự bên hữu
Thiên Chúa Cha trên trời, hướng về lúc cuối thời gian.
Lời xác quyết ấy của chính Chúa Giê su sẽ được lặp lại
một lần nữa khi đứng trước toà (14,62): sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê su
có liên hệ mật thiết đến sự tận cùng của thời gian: ở trong hoàn cảnh nầy hay ở
trong hoàn cảnh đó Chúa Giê su tỏ hiện với quyền năng của Thiên Chúa.
Tập họp: sách Đệ Nhị Luật ghi lại Lời Thiên Chúa hứa cho con cái Israel qua ông Mô
sê: “Đức Chúa Thiên Chúa của anh em, sẽ đổi vận mạng anh em, sẽ chạnh lòng
thương và sẽ lại tập trung anh em
về từ mọi dân, từ nơi mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã phân tán anh em. Dù
anh em có bị đuổi xa đến tận chân trời, thì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em
cũng sẽ tập trung anh em
từ đó về, và từ đó Người sẽ đón anh em” (Đnl 30,3-4).
Cây vả: Chúa Giê su dùng một hình ảnh khác: như cây vả đâm chồi báo cho biết mùa
Hè sắp đến, thì cũng thế, tất cả các dấu chỉ kể trên đây là điềm báo trước Đức
Ki tô đã gần đến. Vậy cần phải sắp sẵn chờ Ngài trở lại.
Thầy bảo thật: bản văn dùng từ Híp pri: Amen nhằm nói lên tính cách long trọng của lời tuyên bố theo
sau. X 8,12.
Thế hệ nầy: truyền thống Mác cô đã trung thành gìn giữ câu nói khó
hiểu nầy. Nó gây không ít khó khăn lúng túng cho những người đương thời với
ông, thuộc về dòng dõi đã qua đi mà thấy chẳng có gì xảy ra cả. Đây là dấu vết
cho thấy người Do Thái và các Ki tô hữu đầu tiên chờ đợi một tận cùng gần kề
của thế gian. (x. thêm 9.1).
Khi thấy những điều đó:
dường như Chúa Giê su cũng tưởng rằng ngày cuối cùng sắp đến? Chúng ta phải
hiểu như thế nào đây? Câu trả lời tuỳ thuộc vào ý nghĩa mà chúng ta gán cho cụm
từ: “những điều đó”. Chúa Giê su muốn nói gì với cụm từ đó ? Về việc Giêrusalem
điêu tàn chăng? Về các tai ương giáng xuống nhân loại trong các thế kỉ chăng?
Hay về hình ảnh mô tả việc đảo lộn lớn lao trong vũ trụ vào lúc cuối thời gian?
Khó mà xác định một cách chắc chắn. Nhất là trong văn mạch câu 32 theo sau xác
định về việc không thể biết chính xác ngày giờ nào sẽ xảy ra. Có lẽ Mác cô muốn
gửi đến các tín hữu đầu tiên thông điệp ấy nhằm trấn an sự khắc khoải tò mò
muốn biết thời khắc Thiên Chúa thiết lập vương quốc vĩnh viễn của Người. Thái
độ tò mò ấy vừa vô ích lại vừa nguy hiểm, chỉ có một thái độ duy nhất đúng là
thức tỉnh chờ đợi (x.13,33.35.37).
Trời đất: chương trình của Thiên Chúa vượt quá lịch sử và thời
gian. Các “Lời” Chúa Giê su nói mạc khải cho chúng ta biết điều ấy. Trong CƯ
Thiên Chúa nói qua các tiên tri. Nhưng giờ đây chính Chúa Giê su là Lời mà ngay
từ nguyên thuỷ Người đã dùng để tạo dựng trời và đất. Thế nên trời đất nầy
không là gì cả so với Lời ấy. Vững bền hơn, vô cùng bền vững hơn trời và đất.
Lời ấy “không qua đi”.
Về ngày đó: Tin Mừng Luca cũng chia sẻ giáo lý nầy: “Anh em không
cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt..” (Cv 1,7).
Người Con: ở đây, Chúa Giê su tự cho mình là “Người Con”, tước
hiệu dùng một cách tuyệt đối, không có xác định gì thêm. Lời xác quyết nầy chắc
hẳn là của chính Ngài, vì ngoài Ngài, không ai biết được chân lí ấy. Chính Con
cũng không biết ngày giờ. Điều ấy có thể gây khó khăn cho việc chú giải, nhưng
lại là một dấu chỉ chắc chắn cho chúng ta biết câu nói ấy là do chính Ngài nói
ra (ipsissima vox Jesu). Khi thuật lại lời nầy, Mác cô muốn cho thấy
rằng Con hoàn toàn phó thác cho Cha, cả cuộc sống trần gian, cả giờ quyết định
cho vinh hiển của Ngài. Một phần nào bí mật tương quan giữa Cha và Con được tỏ
lộ.
SỨ ĐIỆP
Chu kì phụng vụ gần kết thúc. Các bài đọc Kinh Thánh chủ
nhật nầy muốn lôi kéo sự chú ý của chúng ta về Ngày Đức Ki tô trở lại vào lúc
cuối thời gian. Các bản văn ấy đã dùng một ngôn ngữ đặc biệt thông dụng thời đó
mà ngày nay không còn ai sử dụng nữa. Đó là loại văn Khải huyền. Khi nghe hai
tiếng Khải huyền, tự nhiên, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến hai chữ tai ương.
Tuy nhiên, khải huyền không phải là một quyển sách tai
ương, nhưng là một quyển sách viết trong thời tai ương. Dù có vẻ giống nhau
nhưng hai điều ấy không đồng nghĩa với nhau. Khi Mác cô việc sách Tin mừng vào
khoảng năm 70, các đạo quân La mã bao vây Thành Giê ru sa lem. Đền thờ sắp bị
phá hủy. Ở Rô ma, hoàng đế Nê ron ra tay bách hại người ki tô hữu. Thánh Phê rô
sắp chịu tử đạo cùng với nhiều người khác. Các cộng đoàn Ki tô hữu bị rúng
động, và tự hỏi có phải Thiên Chúa đã bỏ họ rồi không.
Bài Tin mừng hôm nay là một sứ điệp mang lại niềm hi vọng
an ủi những người trong cơn thử thách khi khẳng định rằng Thiên Chúa không bỏ
và sẽ không bao giờ bỏ rơi dân Người. Đức Ki tô đã
sống lại và mãnh lực sự dữ không còn quyền lực nào trên Ngài nữa. Điều quan
trọng nhất là hãy đề phòng và thật tỉnh thức. Nhờ thế, khi Chúa trở lại, chúng
ta sẽ không bị bất ngờ. Lời Chúa còn trấn an bằng cách tỏ cho chúng ta biết là
sẽ có một thế giới mới xuất hiện, vì Thiên Chúa không ngừng làm phát sinh sự
sống, tạo dựng điều Mới. Tạo thành mới nầy, thế giới mới nầy, là mục tiêu mà
Thiên Chúa đã nhắm đến từ muôn đời: tất cả mọi người sẽ qui tụ lại và mọi dân
tộc sẽ được giao hòa trong Chúa Giê su Ki tô, trong sự sự sống sung mãn của
Thiên Chúa.
Bản văn khải huyền đến với chúng ta trong tình huống đặc
biệt của hôm nay. Hầu như hằng ngày, những gì xảy đến đã thực sự làm rúng động
mọi người. Chúng ta nghĩ đến những cơn bão dữ dội gieo kinh hoàng và tàn phá
khắp thế giới trong năm nay, các cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt ở Trung
Đông, hằng triệu người đang phải di cư lánh nạn, nạn đói triền miên ở Phi Châu,
vv. Vì thế, các bài đọc hôm nay không nhằm chuẩn bị cho chúng ta đón ngày tận
thế, nhưng là thời khắc tận cùng của những “thế giới nhỏ” mà chúng ta đang tạo
ra cho mình. Chúng ta đang sống trong ảo tưởng cho rằng mọi sự đều đã được
quyết định rồi. Thật ra chúng ta đang sống trong thế giới tạm thời. Một vài
biến cố nhỏ cũng đủ làm cho tất cả xáo trộn trong đời sống chúng ta: cái chết
của một người thân, mất việc làm, một tai nạn, một căn bệnh hiểm nghèo, một
thất bại. Và cũng không có gì chắc chắn cho ngày mai. Do vậy, lời mời gọi tỉnh
thức của Chúa phải được nghiêm chỉnh tiếp nhận
Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là vùi đầu trong bi quan
và chịu đựng. Bài tin mừng mời gọi chúng ta phải lạc quan chờ đợi. Một vài ngày
trước cuộc Khổ nạn, Chúa Giê su đã loan báo mùa hè phục sinh cho Ngài và cho
thế gian. “Khi những cành cây vả đổi màu, khi những chồi non bắt đầu ló
hiện, anh em biết mùa hè gần đến. Cũng thế, ngày Nước Thiên Chúa tỏ hiện huy
hoàng sắp đến”.
Nếu Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, thì không phải chỉ
để chúng ta sống một vài chục năm trên thế gian mong manh và đầy xáo trộn, đầy
những giới hạn và quay cuồng, trong khi ước muốn của chúng ta đều hướng về vô
hạn. Nếu Thiên Chúa để cho chúng ta sống trong thế giới nầy, chính là để chúng
ta cộng tác với Ngài để chuẩn bị cho thế giới mới. Thế giới tình yêu, trong đó
mỗi người tìm được niềm vui trong hạnh phúc của người khác. Thế giới công bằng,
nơi mà tất cả mọi người đều được dự phần hưởng hạnh phúc sự sống. Thế giới hòa
bình, nơi mà tất cả mọi người có những tương quan thực sự huynh đệ, trong sự
cảm thông và hiểu biết đối với những người khác biệt về văn hóa, tôn giáo và
niềm tin. Thế giới nơi mà chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa, theo cách nói của ông
Gióp, là Đấng mà nhiều người tìm kiếm nhưng không biết. Sách Khải huyền nói với
chúng ta: “Thiên Chúa sẽ ở với con người, Ngài sẽ lau sách nước mắt họ, sẽ
không còn sự chết nữa, không còn đau khổ nữa, vì thế giới cũ đã biến mất rồi”.
Dù sự thật khó tin, chúng ta tin vào Lời hứa ấy, vì Thiên
Chúa đã không tạo dựng chúng ta để chết muôn đời, nhưng không ngừng làm nẩy
sinh sự sống cho dù điều gì sẽ xảy ra. Tôi tin vào Chúa Giê su lặp lại với
chúng ta: “Ta là Sự Sống lại và là sự sống”. Khi
Chúa Giê su nói với chúng ta về sự sống lại và là sự sống, không chỉ sau cái
chết. Chính trong ngày hôm nay mà mỗi người được kêu gọi vào một sự sống đổi
mới.
Thế thì, chúng ta hãy cùng thức tỉnh. Chồi non báo hiệu
mùa hè đã xuất hiện. Sứ điệp tin mừng không ngừng nẩy mầm: “Một cây ngã xuống
gây nhiều tiếng động hơn cả khu rừng đang lớn lên”. Chúng ta hãy cùng nhau dồn
mọi nỗ lực chuẩn bị Vương quốc tình yêu, công chính và bình an, nơi mà Thiên
Chúa muốn qui tụ tất cả mọi người trong sự hòa giải nơi Chúa Giê su Ki tô.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Bài đọc 1 nói đến điều gì?
THƯA: Bài
đọc 1 trích từ sách tiên tri Đaniel gồm một lời khuyên củng cố đức tin gửi đến
những người tín hữu đang phải trải qua cơn bách hại, và một lời tuyên xưng đức
tin vào việc kẻ chết sẽ sống lại.
2. HỎI: Bài tin mừng thuộc loại văn gì?
THƯA: Bài
tin mừng thuộc loại văn Khải Huyền. Đó là kiểu thức văn chương nói đến mầu
nhiệm của Thiên Chúa nhằm củng cố niềm hi vọng của họ trước những thay đổi to
lớn kinh hoàng trong vũ trụ.
3. HỎI: Những hình ảnh trong đoạn tin mừng muốn
nói đến điều gì?
THƯA: Ngôn ngữ và hình ảnh được
sử dụng bởi tác giả Tin Mừng gợi nhớ lại các đoạn Kinh Thánh khải huyền và tiên
tri, mô tả sự can thiệp trừng phạt của Thiên Chúa chống lại các quốc gia (x. Is
13:10; 24,18 tt, Ed 32,7). Các biến chuyển kinh hoàng trong vũ trụ được mô tả
trong đoạn tin mừng cho thấy sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu
dùng những hình ảnh ấy để mời gọi mọi người hãy tỉnh thức chờ đợi Ngài trở lại trong
vinh quang
4. HỎI: Đoạn tin
mừng ám chỉ đến ngày tận thế?
THƯA: Người ta thường tin rằng
đoạn tin mừng đề cập đến sự xuất hiện của Con Người vào lúc tận cùng thế giới.
Và theo nhiều nhà chú giải Kinh Thánh, đoạn này cũng nói đến sự sụp đổ của
Giê-ru-sa-lem, bởi vì mối liên kết giữa các câu 19-23 và 24-27 cho thấy dường
như có một sự đồng thời giữa cơn đại nạn và việc Chúa Kitô đến.
5. HỎI: Đoạn văn
này có ám chỉ đến Đn 7,13 – 14 không?
THƯA: Có, và điều này khẳng định
những gì đã nói ở trên. Trong Đn 7,13-14, một đấng ngự đến giống như Con Người,
trên đám mây cho thấy Vương quốc của Thiên Chúa được thiết lập trên trái đất.
Cùng với việc thành và đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, Thời đại cũ đã chấm
dứt và thời đại mới bắt đầu. Trong thực tế, thời đại cứu độ được mở rộng cho
tất cả các dân tộc. Thời gian của Vương quốc Đấng Mê-si-a sẽ lan rộng trên toàn
thế giới.
6. HỎI: Chúa
Giêsu có ý gì khi nói rằng Ngài sẽ gửi các thiên thần đến để qui tụ các người
được tuyển chọn “từ bốn phương”?
THƯA: Với những lời này, có lẽ
Chúa Giêsu muốn nói rằng, “Số Sót còn lại” của dân ưu tuyển sẽ sám hối và sẽ
tập hợp chung quanh Đức Kitô-Đấng Mê-si-a và trở nên thành phần trong Giáo Hội
Ngài.
7. HỎI: Chúa
Giêsu có ý gì khi sử dụng từ “tập họp”?
THƯA: Ngài đề cập đến sứ mạng
cứu độ vĩnh cửu của Ngài cho tất cả nhân loại. Thật vậy, trong một vài đoạn Tân
Ước, từ “tập họp” được dùng để chỉ sứ mạng cứu độ của Đấng Mêsia (x. Ga 6,12 =
... thu lượm những miếng bành còn dư ..., Ga 6,50 51)
8. HỎI: Chúa
Giêsu có ám chỉ đến sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem không khi khẳng định rằng thế
hệ của Ngài sẽ chứng kiến những gì Ngài nói?
THƯA: Có, Chúa Giêsu đề cập đến
biến cố Giê ru sa lem bị tàn phá bằng kiểu nói trách cứ và lên án vì thuật ngữ
“thế hệ” thường được sử dụng trong ý miệt thị. Sự hủy diệt của Giê-ru-sa-lem,
xảy ra gần 40 năm sau lời tiên tri nghiêm khắc này phải được coi như là một sự
trừng phạt giáng xuống “thế hệ” mù quáng và cứng lòng đã chối bỏ Đấng Mê-si-a
(x. Mt 23,35-36).
9. HỎI: Chúa
Giêsu nói rằng những lời nói của Ngài sẽ không qua đi. Có thể coi đó là lời
tiên tri về việc Lời Thiên Chúa luôn có tính hiện thực và về sự kiện là sau gần
2000 năm, lời Ngài vẫn được đọc và không ngừng được trích dẫn?
THƯA: Đúng
là như vậy, nhưng không chỉ có thế. Chúa Giêsu đưa ra lời khẳng định mạnh mẽ về
chân lý trường cửu và sự không thể sai lầm trong lời nói của Ngài.
10. HỎI: Tại
sao Chúa Giê su nói rằng chỉ có Chúa Cha mới biết? Và lời tuyên bố như thế có
trái ngược với lời tuyên bố ở trên trong câu 30 không?
THƯA: Chúa Giê su nói như thế vì Ngài không có nhiệm
vụ tiết lộ cho ai biết ngày mà Chúa Cha đã quyết định để Thành Thánh Giê ru sa
lem bị phá hủy.
Ngoài ra, lời tuyên bố của Ngài cũng không mâu
thuẫn với những gì Ngài đã nói. Thật vậy, trong câu 30, Chúa Giêsu đã nói một
cách tổng quát khoảng thời gian xảy ra việc Thánh Thánh bị triệt hạ, và dân
Ngài bị phân tán khắp nơi. Còn trong câu nầy, Ngài khẳng định rằng không ai
biết chính xác ngày xảy ra biến cố khủng khiếp đó.
Lm. Phao-lô Nguyễn văn Đông (tinvuixuanloc.vn)
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên Tháng 11
18 THÁNG MƯỜI MỘT
Bản Chất Siêu Việt Của
Hôn Nhân Và Gia Đình
Những người vợ và
chồng phải nhận ra rằng đời sống hôn nhân và gia đình không chỉ đơn thuần là
công việc của con người mà thôi. Không, chúng nằm trong kế hoạch đời đời của Thiên
Chúa, kế hoạch ấy vượt trên những tình trạng dao động của thời đại chúng ta và
bất biến qua những thăng trầm của lịch sử. Với cơ chế của một sự kết hợp bất
khả phân ly giữa người chồng và người vợ, Thiên Chúa muốn làm cho con người
tham dự vào những mục tiêu cao nhất của Ngài, đó là thông truyền tình yêu và
năng lực sáng tạo cho con người và cho mọi tạo vật.
Đó là lý do tại sao
hôn nhân và gia đình cung ứng cho chúng ta một mối tương quan đặc biệt với
Thiên Chúa. Đời sống hôn nhân và gia đình là những thực tại phát xuất từ Ngài
và được tổ chức bởi Ngài. Gia đình bắt đầu và có đời sống của nó từ trên mặt
đất này, nhưng nó được định liệu để được biến đổi trên trời. Bất cứ nỗ lực nào
không dành đủ quan tâm đến bản chất siêu việt và cốt yếu này của đời sống hôn
nhân và gia đình sẽ rơi vào nguy cơ không nhận hiểu thực tại sâu xa của tình
yêu vợ chồng.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Chúa Nhật XXXIII Thường
Niên; (Đn 12, 1-3; Dt 10, 11-14.18; Mc 13, 24-32.)
LỜI SUY NIỆM: Trong
cả chương mười ba của Mác-cô. Chúa Giêsu nói về ngày Đền Thờ Giêrusalem bị tàn
phá và ngày tận thế. Đền Thờ Giêrusalem bị tàn phá thì tất cả chúng ta đều đã
được biết rồi. Nhưng với ngày Tận Thế, tất cả mọi con người khi sống trên trần
gian này luôn tự hỏi đến bao giờ, vào lúc nào. Điều này đối với người Ki-tô hữu
đều biết đến lời nói của Chúa Giêsu: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết
được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha
biết mà thôi.” (Mc 13,32). Đây là những ngày cuối năm phụng vụ Giáo Hội muốn
hướng dẫn chúng ta dọn mình sẵn sàng đón chờ Chúa đến, Khi mời gọi chúng ta
nhìn những cảnh vật bên ngoài ít nhiều đang gợi nhớ cho mỗi người biết để chuẩn
bị cho ngày Chúa đên với mỗi người trong chúng ta. Tuy ngày giờ đó đến một cách
bất ngờ, nhưng nhờ Giáo hội gợi nhớ cho chúng ta, để chúng ta biết quan tâm mà
chuẩn bị. Chính Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải
tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.”
Mạnh Phương
18 Tháng Mười Một
Tôi Ðã Gặp Ngài
André Frossard, một ký giả người Pháp đã cho
xuất bản cuộc phỏng vấn Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cách đây vài năm, là con
của một người theo chủ nghĩa Marxit. Chính ông đã từng là một người cộng sản
đầy xác tín...
Ngày nọ, ông phải đưa
một người bạn đến một tu viện. Trong lúc chờ đợi người bạn, ông tò mò bước vào
một nhà nguyện có đặt Mình Thánh Chúa. Ông không bao giờ nghĩ rằng Chúa đang
chờ ông. Trong một phút chốc, ông bỗng nhận ra một ánh sáng thiêng liêng trong
tâm hồn. Bừng dậy sau một cơn mê tăm tối, ông bước ra khỏi nhà nguyện chạy tức
tốc đến người bạn và hô lớn: "Thiên Chúa hiện hữu. Ðó là một chân
lý".
Ông đã ghi lại kinh
nghiệm thiêng liêng ấy trong một quyển sách với tựa đề: "Thiên Chúa hiện
hữu. Tôi đã gặp Người". Quyển sách đã được liệt kê vào danh sách của những
tác phẩm bán chạy nhất...
Dù cho ta có chối bỏ
Thiên Chúa, Người vẫn luôn luôn chờ đợi ta. Tại một góc đường nào đó, trước một
ánh nến lung linh nào đó, trong một biến cố đau thương nào đó, Người đang chờ
ta. Phải, Thiên Chúa như một người tình chung thủy lúc nào cũng chờ đợi ta...
Chỉ có sự thất vọng, chán nản mới có thể hủy bỏ mọi hẹn hò của Thiên Chúa. Bao
lâu ta còn tìm kiếm, bao lâu ta còn phấn đấu, bao lâu ta còn hy vọng, thì bấy
lâu Thiên Chúa vẫn còn chờ đợi ta...
(Lẽ Sống)
Ngày
18 tháng Mười Một
Kỷ niệm cung hiến Ðền Thờ Thánh Phêrô và thánh Phaolô Tông Ðồ.
Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành. |
Vua Constantin Cả (270-337) đã chiến thắng
quân Maxence dưới tường thành Rôma năm 312, nhờ sự xuất hiện lạ lùng của cây
Thánh Giá lơ lửng giữa không trung với hàng chữ: “In hoc signo vinces” (Tin vào
dấu này, ông sẽ thắng). Năm 313, ngài đã ban hành chiếu chỉ (Edit de Milan)
chấm dứt cuộc bách hại người Công Giáo và cho tự do tôn giáo. Sau đó, năm 323,
nhà vua mới thật sự trở lại Công giáo. Ðể tỏ lòng biết ơn về chiến thắng Maxence,
ngài đã xây cất nhiều đại thánh đường nguy nga, trong số đó phải kể Vương cung
thánh đường thánh Phêrô và thánh Phaolô.
Ðền thờ
thánh Phêrô được xây cất năm 326 và được nới rộng ra năm 1506 với sự cộng tác
đắc lực của nhiều kỹ sư và nghệ sĩ có tiếng: Rosellinô. Bramante, Raphael,
Michel Ange, Carlô Modernô và Silvestrê. Riêng cái tháp cao 138m, rộng 42m.
Thánh Silvestrê và Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã thánh hiến ngày 18-11-1626.
Ðền thờ
thánh Phaolô được xây cất trên đường Ostie, bên “ngoài thành” Vatican, và
được thánh hiến cũng cùng một ngày với đền thánh Phêrô. Năm 1823, một cuộc hỏa
tai đã thiêu hủy gần hết và Ðức Grêgoriô XVI và Ðức Piô IX đã chọn ngày định
tín “Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” để thánh hiến lại, với sự chứng kiến đông
đảo của các giám mục.
Vương Cung Thánh Đường Phê-rô |
Châu-Kiên-Long
Ngày 18
CHÚA NHẬT
XXXIII THƯỜNG NIÊN
KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Cung hiến
thánh đường thánh Phêrô
Và thánh đường thánh Phaolô
Đây là vấn đề về những gì sẽ xảy ra sau "cơn
gian nan khủng khiếp". Những yếu tố gây ấn tượng mạnh, như: không còn mặt
trời, không còn mặt trăng, cũng không còn các ngôi sao. Có phải tiếp nhận các
sự kiện này theo đúng từng chữ không? Theo tâm trạng của thời đại, thì đó là
nền văn học thông thường của các khải huyền loan báo sự chiến thắng của Thiên
Chúa trên sự dữ, sự thành công của Người trên các tín ngưỡng ngoại giáo. Qua sự
chuyển động này, "Con Người" sẽ can thiệp: đây là từ ngữ khó hiểu để
chỉ người sẽ đến đổi mới và
qui tụ thế giới. Qua sự chỉ định vinh quang này, Đức Giêsu loan báo việc Người
trở lại và hoạt động cứu độ của Người. Đó là thực hiện lời đã hứa với dân
ítraen. Thời kỳ đã gần đến!
Khi hoàn toàn cho đi và tự nộp trong nhân
loại, Đức Giêsu vẫn làm điều trái ngược với điều chúng ta làm, hoặc đi về phía
trước khi chúng ta bắt đầu đặt mình trong những xác tín làm chúng ta vững lòng.
Người đang ở đây, rất gần, và lại ra đi rồi. Trong
các khải huyền hôm qua và hôm nay, trong những điểm kết thúc thế giới hay những
điểm cuối cùng của thế
giới chúng ta, Đức Giêsu hiện diện trong sự xa vắng. Đó là bí quyết của sự tự
do của Người và cũng là của chúng ta...
Frédéric Sabourin
Lectio: Chúa Nhật XXXIII Thường Niên (B)
húa Nhật, 18 Tháng 11,
2012
Bài Giảng Cuối Cùng
Mc 13:24-32
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Thiên Chúa toàn
năng,
Chúa đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.
Xin hãy hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,
để cho nước có thể chảy ra hầu làm dịu cơn khát của chúng con.
Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình minh,
Xin hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên thần thánh
Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh, hương vị của kỷ niệm thánh.
2. Bài Đọc
a) Tin Mừng:
24 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, 25 ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. 26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. 27 Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất.
28 Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm
hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến.29 Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con
hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. 30 Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. 31 Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.
32 "Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên
thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi".
b) Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.
3. Suy Gẫm
a) Một vài câu hỏi gợi ý:
- Sau cảnh khốn cực. Đời sống mang những dấu hiệu của sự lao động, dấu ấn của cái chết cưu mang một đời sống mới. Chúng ta có thể nào được kể trong số những người được tụ tập lại từ bốn phương không?
- Con Người ngự đến trên đám mây: Liệu chúng ta sẽ có khả năng ngước mắt mình khỏi những điều khốn khổ của chúng ta để nhìn thấy Người xuất hiện nơi chân trời câu chuyện của chúng ta không?
- Học hỏi từ cây vả: Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi và chúng ta
không cần phải tìm kiếm đâu xa. Thiên nhiên là quyển sách đầu tiên của Thiên Chúa. Liệu chúng ta có sẵn sàng đọc hết tất cả các trang của nó hay là chúng sẽ xé bỏ chúng vì nghĩ rằng chúng ta sở hữu chúng?
- Trời đất sẽ qua đi, chỉ có Lời Chúa là tồn tại muôn đời. Bao nhiêu là những lời vô ích, những giấc mơ và thú vui vô vị lãng phí thời gian mang đi tất cả mọi thứ mà rồi cũng kết thúc! Liệu tảng đá mà chúng ta
xây dựng đời sống của mình có phải là tảng đá của Lời Chúa hằng sống không?
- Còn về ngày đó hay giờ đó, thì
không một ai biết được: chúng ta
không được biết. Chỉ có mình Chúa Cha
biết thôi. Chúng ta có mở lòng để tín thác niềm tin tưởng của mình vào Ngài không?
b) Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng:
Sự thay đổi tuyệt vời của vũ trụ được mô tả bởi Máccô nằm giữa ẩn dụ và thực tế và lời công bố về thời điểm tận thế sắp xảy ra như là lời giới thiệu về một thế giới vô cùng mới mẻ. Con Người ngự đến trên đám mây mở ra cho nhân loại một chiều kích thiên đàng. Người không phải là một vị phán quan không
nhân nhượng, mà là một Đấng Cứu Thế uy quyền xuất hiện trong sự vinh quang Thiên Chúa để quy tụnhững kẻ đã được tuyển chọn, để họ được chia sẻ cuộc sống đời đời trong ân sủng nước trời. Máccô
không đề cập đến sự phán xét, lời đe dọa hay bản án… để mang lại hy vọng và làm tăng lòng kỳ vọng, ông công bố về chiến thắng sau cùng.
Các câu 24-25: Sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ tối tăm… một thực tế mới tương phản với cảnh đại nạn. Thánh sử nghĩ rằng việc Chúa tái giáng
lâm thì rất gần, dù rằng giờ khắc của giờ Chúa đến thì không chắc chắn. Việc xáo trộn vũ trụ được mô tả trong những từ ngữ đặc trưng của ngôn ngữ khải huyền, trong một hình thức ước lệ và chính xác: bốn nguyên tố được sắp thành từng đôi một song song. Tham khảo đến sách tiên tri Isaia chương 13:10 thì thật rõ ràng khi Người nói về mặt trời và mặt trăng bị tối tăm và chương 34:4 khi Người nói về các sức mạnh trên trời bị lay chuyển.
Câu 26: Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Đây là tột đỉnh của luận đề cánh chung của Máccô. Thời gian mong đợi đã mãn, đây là thời gian để khôi phục lại tất cả mọi thứ trong Đức Kitô. Sự kết thúc của thế gian thì không có gì hơn là lời hứa về sự tái giáng lâm của Con Người được thấy trước trong sách Đanien 7:13. Đám mây
chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa Đấng trong tất cả các lần mặc khải của Người đều dùng đám mây để đi xuống thế gian. Các đặc tính của Thiên Chúa tối cao, quyền năng và vinh quang, được đề cập đến bởi Chúa Giêsu trước Công Nghị (14:62), không phải là mối đe dọa cho nhân loại, mà là lời tuyên bố long trọng của phẩm giá Đấng Mêssia vượt qua nhân tính của Đức Kitô.
Câu 27: Và bấy giờ Người sẽ sai các
thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho tới tận cùng
trái đất. Bằng vào hành động đầu tiên này của Con Người, ý nghĩa của việc tái giáng lâm thực sự đã được làm cho rõ
ràng: ơn cứu độ cánh chung của dân Thiên Chúa lan rộng khắp tận cùng thế giới. Tất cả những kẻ được tuyển chọn sẽ được quy tụ. Không một ai bị lãng quên. Không có lời đề cập đến sự trừng phạt các kẻ thù nghịch, cũng không nói đến những thảm họa trừng phạt, mà chỉ nói về sự thống nhất. Đó sẽ là nơi duy nhất bởi vì từ tận cùng trái đất đến tận cùng thiên đàng
các thiên thần sẽ quy tụ mọi người chung quanh Đức Kitô. Điều này, thực sự là một cuộc gặp gỡ vinh quang.
Câu 28: Nhìn
vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này: Khi nó
đâm chồi nảy lộc, các con
biết rằng mùa hè gần đến. Dụ ngôn cây vả cho thấy sự chắc chắn và gần kề của các sự kiện được công bố, đặc biệt là sự xuất hiện của Con Người, được miêu tả trước trong cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại sắp xảy ra. Điều bắt buộc được nói cho những người lắng nghe: Hãy tìm hiểu! Cho thấy ý nghĩa tiềm ẩn trong sự so sánh: đó là lời mời gọi để thấm nhập sâu xa vào ý nghĩa Lời của Chúa Giêsu để hiểu được chương trình của Thiên Chúa dành cho thế gian. Khi cây vả rụng lá vào cuối mùa thu, chậm trễ hơn so với các cây khác, thậm chí qua khỏi mùa xuân, nó lại loan báo sự xuất hiện của mùa hè.
Câu 29: Cũng
vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì
các con biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Loài người có thể biết kế hoạch của Thiên Chúa từ các sự kiện xảy ra. Những điều mà phải xảy ra là gì? Máccô đã
nói về sự tàn phá đáng tởm kinh hồn trong câu 14. Đó là dấu hiệu, dấu hiệu của sự kết thúc là việc tái giáng lâm, sự xuất hiện của Con Người. Những điều đó là sự khởi đầu các tai ương sẽ đem đến cho nhân loại một sự ra đời mới, bởi vì Người rất gần, ở ngoài cửa rồi.
Câu 30: Thầy bảo thật các con: thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra liên quan đến ý nghĩa của thế hệ này. Đó là lời diễn đạt Kitô giáo hơn là lời khẳng định về trình tự thời gian. Giáo Hội sơ khai tiếp tục khẳng định sự không chắc chắn về thời điểm chính xác, dù rằng nó nắm chặt vào niềm hy vọng rằng Chúa sẽ đến nay mai. Mọi tín hữu, bất kỳ tuổi tác, khi đọc đến đoạn Tin Mừng này, có thể nghĩ rằng mình là một phần tử của thế hệ này.
Câu 31: Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi. Chắc chắn rằng những lời của Chúa sẽ không bao giờ qua đi, thêm lòng tự tin cho những ai suy niệm về sự suy tàn của thế gian và những việc về thế gian. Xây dựng trên Lời Chúa có nghĩa là sự tàn phá đáng tởm kinh hồn sẽ không kéo dài và
mặt trời, mặt trăng và các tinh tú sẽ không mất đi vẻ huy hoàng của chúng. Thời khắc hiện tại của Thiên Chúa trở thành cách duy nhất cho loài người tiến tới bản thể riêng của họ, bởi vì nếu trong lời nói của họ hiện tại không bao giờ trở thành quá khứ, thì họ không cần phải sợ cái chết.
Câu 32: Nhưng về ngày đó
hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con
Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi. Tận thế thì chắc chắn, nhưng sự hiểu biết khi nào nó sẽ xảy đến thì được dành riêng cho Chúa Cha. Chúa Giêsu không bao giờ nói chính xác về vấn đề này. Vì vậy, bất cứ ai giả vờ có một số lời giảng dạy giả định của mình, người ấy đang nói dối. Tận thế là một trong những bí mật không thể thăm dò được thuộc về Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Con là thiết lập nước trời, không phải là mặc khải về sự ứng nghiệm lịch sử nhân loại. Do đó, Chúa Giêsu chia sẻ sâu xa trong tình trạng loài người chúng ta. Thông qua việc tự nguyện hiến thân của mình, Người thậm chí còn vâng phục với khả năng không biết về ngày nào hoặc giờ nào của việc tận thế.
c) Suy niệm:
Khổ đau gian truân
giống như lương thực hằng ngày trong đời sống con người và nó là dấu hiệu của sự xuất hiện của Con Thiên Chúa. Một cuộc sống cưu mang với một khuôn mặt mới, không thể không biết đến sự đau đớn của việc sinh nở. Con cái của Đấng Tối Cao, phân tán đến tận cùng trái đất, cách xa nhau, sẽ được tề tựu từ khắp bốn phương trời bởi thần khí Thiên Chúa
thổi trên trái đất. Con Người ngự đến tên đám mây khi
mà mắt chúng ta nhìn chăm chăm trên đất, trên những công trình bé bỏng của chúng ta, lẫn lộn giữa những giọt nước mắt của ảo tưởng và của thất bại. Nếu chúng ta có thể ngước mắt khỏi những điều khốn khổ của chúng ta để nhìn thấy Người ngự đến từ chân trời của lịch sử chúng ta, thì cuộc sống chúng ta sẽ được tràn đầy ánh sáng và chúng ta sẽ tìm hiểu để đọc tác phẩm của Người trong cát về những suy tưởng và ý muốn của chúng ta, về những thất bại và ước mơ, về các thái độ và sự học hỏi của chúng ta. Nếu chúng ta có can đảm để lật qua các trang của đời sống thường nhật và ở đó nhặt nhạnh những hạt giống vương vãi trong các
luống cày của con người chúng ta, thì tâm hồn chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an. Sau đó,
những lời hão huyền, thú vui phù phiếm hoang phí thời gian, sẽ chỉ là quên lãng bởi vì tảng đá mà trên đó chúng ta sẽ xây dựng sẽ là tảng đá Lời của Thiên Chúa hằng sống. Nếu không ai biết ngày nào hoặc giờ nào, thì đó không phải là việc để cho chúng ta suy
đoán. Chúa
Cha biết và chúng ta tin cậy nơi Người.
4. Cầu Nguyện
Sách Khôn Ngoan
9:1-6, 9-11
Lạy Thượng Đế của bậc tổ tiên,
lạy Đức Chúa từ bi lân tuất,
Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật,
dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người,
để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên,
và sống sao cho thánh thiện công chính
mà chỉ huy cả vũ trụ này,
cùng được một tâm hồn ngay thẳng
mà phân biệt phải trái.
Xin rộng ban cho con
Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên toà Chúa.
Xin đừng đuổi con đi mà chẳng nhận làm con.
Vì thân này là tôi tớ, con của nữ tỳ Ngài,
số phận mỏng manh, cuộc đời vắn vỏi,
việc pháp đình lề luật, con bé bỏng hiểu chi!
Quả thế, con người ta dẫu thập toàn đi nữa
mà chẳng có Đức Khôn Ngoan của Ngài,
thì cũng kể bằng không không vậy.
Đức Khôn Ngoan ở kề bên Chúa,
biết những việc Chúa làm,
hiện diện khi Ngài tạo thành vũ trụ,
biết rõ những gì đẹp mắt Chúa
và phù hợp với huấn lệnh của Ngài.
Tự cõi trời thánh thiêng Chúa ngự,
xin gửi Đức Khôn Ngoan Ngài tới,
xin phái đến từ toà cao vinh hiển,
để phù trì và đồng lao cộng khổ với con,
cho con biết điều đẹp ý Chúa.
Vì Đức Khôn Ngoan hiểu biết tất cả,
sẽ khôn khéo hướng dẫn con trong việc con làm,
lấy quyền năng vinh hiển mà gìn giữ con.
5. Chiêm Niệm
lạy Đức Chúa từ bi lân tuất,
Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật,
dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người,
để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên,
và sống sao cho thánh thiện công chính
mà chỉ huy cả vũ trụ này,
cùng được một tâm hồn ngay thẳng
mà phân biệt phải trái.
Xin rộng ban cho con
Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên toà Chúa.
Xin đừng đuổi con đi mà chẳng nhận làm con.
Vì thân này là tôi tớ, con của nữ tỳ Ngài,
số phận mỏng manh, cuộc đời vắn vỏi,
việc pháp đình lề luật, con bé bỏng hiểu chi!
Quả thế, con người ta dẫu thập toàn đi nữa
mà chẳng có Đức Khôn Ngoan của Ngài,
thì cũng kể bằng không không vậy.
Đức Khôn Ngoan ở kề bên Chúa,
biết những việc Chúa làm,
hiện diện khi Ngài tạo thành vũ trụ,
biết rõ những gì đẹp mắt Chúa
và phù hợp với huấn lệnh của Ngài.
Tự cõi trời thánh thiêng Chúa ngự,
xin gửi Đức Khôn Ngoan Ngài tới,
xin phái đến từ toà cao vinh hiển,
để phù trì và đồng lao cộng khổ với con,
cho con biết điều đẹp ý Chúa.
Vì Đức Khôn Ngoan hiểu biết tất cả,
sẽ khôn khéo hướng dẫn con trong việc con làm,
lấy quyền năng vinh hiển mà gìn giữ con.
5. Chiêm Niệm
Lạy Chúa, con nhìn lên nhánh cây mong manh của cây vả đó là đời sống của con và con chờ đợi. Như bóng tối của ban đêm kéo dài
dọc theo lối con đi, con nghĩ lại về những lời của Chúa. Tâm hồn con tràn ngập sự bình an xiết bao khi ý nghĩ của con ở trong Chúa! Trong thời gian của Chúa, sự mong đợi của con về Chúa sẽ được viên mãn. Trong thời gian của con, những kỳ vọng của Chúa về con sẽ được hoàn thành. Thời gian mầu nhiệm thay, quá khứ, tương lai và hiện tại muôn đời! Những con sóng của hôm nay vượt trên kinh nghiệm đốt cháy của sự hiện diện của Chúa và nhắc nhở con về trò chơi trên cát rằng luôn bị xóa sạch đi bởi sóng biển. Thế nhưng, con lại hạnh phúc. Hạnh phúc vì con chẳng là gì, hạnh phúc với cát biển sẽ không tồn tại, bởi vì một lần nữa Lời Chúa tiếp tục được viết. Chúng con muốn thời gian ngưng đọng, viết và nói, đạt được các công trình của tình yêu có hương thơm của con linh dương ngoan ngoãn đứng yên, có âm thanh của những tiếng nói không có hình dáng rõ rệt là căn bản cho đời sống hằng ngày, hương vị của sự trả thù đẫm máu về một cái ôm trả lại… các công trình không bền vững ngoại trừ ở trong tim của Thiên Chúa và trong tưởng nhớ về người sống là những người nhạy cảm với sự bay bổng của chim bồ câu trong thiên đàng về sự tồn tại của họ. Tình yêu dịu dàng của linh hồn con, xin cho con mỗi ngày có thể ngước nhìn đám mây và được đốt cháy bởi nỗi mong chờ sự trở lại của Chúa. Amen.
www.dongcatminh.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét