Thứ Bảy sau Chúa Nhật 32 Quanh Năm
"Hãy cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng"(Lc 18,1) |
Bài Ðọc I: (Năm
II) 3 Ga 5-8
"Vậy chúng ta phải tiếp
đãi những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt
động cho chân lý".
Trích thư thứ ba của Thánh
Gioan Tông đồ.
Ông Gai-ô thân mến, xin ông
cứ trung tín làm những gì ông đã thi hành cho các anh em, mặc dầu họ là ngoại
kiều. Họ đã chứng minh lòng bác ái của ông trước mặt cộng đoàn; ông nên rộng
rãi tiễn họ lên đường sao cho xứng đáng với Chúa. Vả chăng, chính vì danh Chúa,
họ đã lên đường mà không nhận lãnh gì của dân ngoại. Vậy chúng ta phải tiếp đãi
những người như thế, để chúng ta cũng được cộng tác với những người hoạt động
cho Chân lý.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 111, 1-2. 3-4.
5-6
Ðáp: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).
Xướng: 1) Phúc đức thay người
tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu người sẽ hùng
cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Ðáp.
2) Trong nhà người có tài sản
phú quỳ, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện
như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công minh. - Ðáp.
3) Phúc đức cho người biết
xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. Cho tới
đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. -
Ðáp.
*
* *
Alleluia: 2 Tm 1, 10b
Alleluia, alleluia! - Ðấng Cứu
Chuộc chúng ta là Ðức Giêsu Kitô đã dùng Tin Mừng mà tiêu diệt sự chết, và
chiếu soi sự sống. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 18, 1-8
"Thiên Chúa sẽ minh
xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà
rằng:
"Trong thành kia, có một
vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong
thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông minh oan cho tôi
khỏi tay kẻ thù". Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau
đó ông nghĩ rằng: "Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính
nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy,
kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc".
Rồi Chúa phán: "Các con
hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử
cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn
với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con
Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Nhờ sự kiên nhẫn, bà góa đã
được điều thỉnh cầu. Con người với nhau mà còn biết xử như vậy phương chi là
Thiên Chúa - Thiên Chúa đầy yêu thương, Ngài không vì sợ ta quấy rầy như vị
quan tòa kia. Nhưng Ngài luôn thích lắng nghe những lời cầu xin của chúng ta.
Chúng ta có tin tưởng, kiên nhẫn đến với Ngài không?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng
con luôn biết chạy đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh: dù hạnh phúc hay đau khổ.
Chúng con luôn có một thái độ tín thác và kiên nhẫn. Xin soi sáng cho chúng
con, để chúng con luôn xác tín rằng Chúa luôn lắng nghe và làm những điều tốt
nhất cho chúng con. Xin cho chúng con luôn vui vẻ đón nhận tất cả từ Chúa trong
bình an và tin tưởng phó thác. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Tín Thác Vào Thiên Chúa
(Lc 18,1-8)
Suy Niệm:
Tín Thác Vào Thiên Chúa
Tuần báo Công Giáo Dân Tộc số
ra ngày 15/10/1995 ở Mục Trong Tuần, có ghi một sự kiện như sau: Trong 4 năm
thực hiện pháp lệnh tối cao của công dân được Hội Ðồng nhà nước ban hành ngày
7/5/1991, riêng tại Thành phố Sàigòn có 36 đơn vị chức năng đã nhận được 11,635
đơn từ, trong đó có tới 81.5% đơn từ tố cáo khiếu nại về nhà cửa, đất đai. Theo
số liệu chưa đầy đủ, đơn từ tố cáo khiếu nại còn tồn đọng chưa giải quyết là
6,520 đơn. Bài báo đưa ra đề nghị: "Ðể có thể giải quyết rốt ráo những
tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của mọi người dân khi quyền lợi chính đáng của
mình bị xâm phạm, quyết định cuối cùng của Ủy ban nhân dân các cấp chưa đủ
thuyết phục, cần có một tòa án xét xử công minh".
"Cần có một tòa án xét
xử công minh", lời kêu gọi trên đây không biết có nhắm đến những trường
hợp quan trọng hơn, trong đó không chỉ có cái nhà mảnh đất, mà chính sự sống
còn của biết bao người bị trù dập mà chẳng hề được đem ra xét xử hay không? Cần
có một tòa án xét xử công minh, thiết tưởng đó là tiếng kêu cầu bình thường của
người dân mỗi khi quyền lợi của họ bị vi phạm. Quả thật, công lý vẫn tiếp tục
kêu la cho tới khi nào được thực thi. Nhưng đối với biết bao nạn nhân, nhiều
khi người ta chỉ còn biết kêu Trời, mà Trời thì có thấu chăng? Nhiều khi chúng
ta cảm thấy mệt mỏi vì những tiếng kêu cầu của chúng ta: Thiên Chúa dường như
vẫn câm lặng trước những bất công mà những kẻ vô tội trên khắp thế giới đang
phải gánh chịu.
Chúa Giêsu thấu hiểu được tâm
trạng ấy của chúng ta, cho nên trong Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi chúng ta
hãy tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Lý luận của Ngài trong dụ ngôn về một
quan tòa bất công thật đơn giản: nếu quan tòa bất lương đến độ không kính sợ
Thiên Chúa cũng chẳng kính nể người ta, mà còn phải chịu thua trước lời van vỉ
của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa, Ðấng trọn hảo và yêu thương con
người. Chúng ta tưởng Thiên Chúa câm lặng và vô cảm trước nỗi khổ đau và lời
kêu cầu của con người; thật ra, công lý của Thiên Chúa không phải là công lý
của loài người, lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là lẽ khôn ngoan mà
chúng ta có thể thẩm định được theo tiêu chuẩn của loài người. Tư tưởng của
Thiên Chúa không phải là tư tưởng của loài người. Quyền năng và tác động của
Ngài vượt trên mọi tính toán, cân lường, suy tưởng và chờ đợi của chúng ta.
Ðó là ý tưởng chúng ta cần
nhận ra trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm
tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu mà con
người không thể hiểu thấu được, do đó, không có tâm tình và thái độ nào phải
đạo hơn là phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là
biết đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả và nhất là khi phải trải qua
nghịch cảnh, thất bại, khổ đau; phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là luôn
tin rằng từ những mất mát, đổ vỡ và ngay cả từ tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa
vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt đẹp cho con người.
Nguyện xin Chúa đừng để chúng
ta phải rơi vào thất vọng.
(Veritas Asia)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ
Bảy Tuần 32 TN2
Bài đọc: 3 Jn 5-8; Lk 18:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Trung thành trong việc
cầu nguyện và làm việc bác ái
Con người thời nay làm
việc gì cũng mong có kết quả tức khắc: học nghành gì để có việc ngay và kiếm
được nhiều tiền dẫu mình không có khả năng về nghành đó, đầu tư vào những gì sẽ
sinh lời ngay dẫu có nhiều nguy hiểm mất cả vốn. Thái độ này cũng lan tràn vào
các mối liên hệ của con người với nhau và với Thiên Chúa. Con người không còn
đủ kiên nhẫn để sửa sai cho mình và cho người khác, họ quyết định ly dị nhanh
chóng sau vài ba lần khác biệt ý kiến. Tương tự như thế trong mối liên hệ giữa
con người với Thiên Chúa: sau vài lần cầu xin mà không được như ý hay qua một
vài đau khổ thử thách, họ mất niềm tin và chấm dứt mối liên hệ với Ngài. Nói
tóm, họ không có đủ kiên nhẫn chờ đợi để nhìn thấy kết quả trong tương lai.
Nhưng họ quên đi rằng việc gì cũng phải có thời gian của nó, và người thành
công là người biết kiên trì chờ đợi và biết vượt mọi khó khăn để đạt đích. Các
Bài đọc hôm nay cho chúng ta 2 lời khuyên về việc trung thành. Trong Bài đọc I,
Thánh Gioan khuyên các tín hữu phải trung thành trong việc giúp đỡ các nhà
truyền giáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải trung thành trong
việc cầu nguyện qua câu truyện bà góa và ông quan tòa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Trung
thành làm việc bác ái.
1.1/ Bổn phận phải giúp
đỡ mọi người:
Yêu thương Thiên Chúa không chỉ bằng môi miệng, nhưng phải cụ thể hóa bằng
những việc bác ái làm cho tha nhân; vì điều gì con người làm cho tha nhân là họ
làm cho chính Thiên Chúa (Mt 25). Vì thế, các tín hữu có bổn phận phải giúp đỡ
tất cả mọi người, nhất là những người cô thế cô thân. Thánh Gioan khuyên Gaio,
cộng sự viên của ngài: “Anh thân mến, anh hành động theo đức tin trong mọi việc
anh làm cho các người anh em, dù họ là những người xa lạ.”
Việc bác ái còn giúp con
người nhận biết tình thương Thiên Chúa và tin vào Ngài, như Chúa Giêsu đã nói:
“Sự sáng của các con cũng phải tỏ hiện để họ nhìn thấy các việc chúng con làm
và ngợi khen Cha trên trời.” Mẹ Têrexa thành Calcutta đã đưa không biết bao
nhiêu người trở lại với Thiên Chúa qua các việc bác ái Mẹ làm cho các người
nghèo khổ khắp nơi trên thế giới, cách riêng tại Ấn-Độ. Thánh Gioan cũng thuật
lại lời của một nhân chứng đã nhận sự giúp đỡ từ Gaio: “Họ đã làm chứng về đức
bác ái của anh trước mặt Hội Thánh. Anh sẽ làm một việc nghĩa, nếu anh giúp đỡ
cho chuyến đi của họ cách xứng đáng trước mặt Thiên Chúa.”
1.2/ Bổn phận phải giúp
đỡ các nhà truyền giáo: Chính vì muốn cho mọi người nhận biết Chúa, các nhà truyền gíao
đã hy sinh lên đường đi rao giảng Tin Mừng. Làm thế nào để các nhà truyền gíao
đi lại và sinh sống nơi đất khách quê người? Họ không thể làm việc để kiếm tiền
sinh sống vì nếu muốn có tiền sinh sống, họ có thể ở nơi quê hương của họ để
làm việc kiếm tiền. Bổn phận truyền giáo không chỉ là bổn phận của họ, mà là
bổn phận của mọi tín hữu. Vì thế, kẻ góp công người góp của, Thánh Gioan khuyên
các tín hữu: “chúng ta phải tiếp đón những con người như thế, để cộng tác vào
việc truyền bá sự thật.”
2/
Phúc Âm: Trung
thành trong việc cầu nguyện
2.1/ Ông quan tòa vô đạo
và bà góa quấy rầy: Mục đích tại sao Chúa Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn này là để
dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.
(1) Ông quan toà: chẳng kính sợ Thiên
Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, huống hồ một bà góa nghèo. Một thời gian khá
lâu, ông không chịu nghe lời kêu xin của bà góa; nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ
bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì,
nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài,
làm ta nhức đầu nhức óc."
(2) Bà góa: Bà là người cô thân cô
thế, chẳng có chồng để nương nhờ; vì thế, trở thành mồi ngon cho người khác hãm
hại. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông quan tòa: "Đối phương tôi hại
tôi, xin ngài minh xét cho.” Bị ông quan tòa từ chối nhiều lần, nhưng Bà không
nản chí và nhất định kiên trì xin cho tới khi được.
2.2/ Thiên Chúa yêu
thương các con của Ngài: Chúa Giêsu so sánh ông quan tòa vô đạo đó với Cha của Ngài, và
bảo đảm sự đáp trả: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ
Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng
kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em
biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.”
Tuy nhiên, điều này
không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ ban cho con người tất cả những gì họ xin, vì:
- con người có thể xin
những gì có hại cho mình: Con người không nhìn được trước tương lai nên không biết hậu quả
của những gì mình xin; ví dụ: việc xin cho trúng số có thể đưa tới tan nát gia
đình, hay xin cho được quyền hành có thể đưa con người đến chỗ thiệt mạng.
- con người có thể xin
những gì làm hại người khác: chẳng hạn, xin tiêu diệt kẻ thù. Họ quên đi kẻ thù cũng là
con của Chúa.
Cách xin tốt nhất là hãy
để cho Chúa chọn những gì có lợi cho mình và mọi người. Có một câu truyện kể về
một vị vua kia muốn để gia tài lại cho các con của mình. Để dạy cho các con một
bài học, Vua cho để những món quà quí giá trong những hộp xấu xí và để những
món quà xòang trong những hộp đẹp. Các hòang tử được nhà Vua cho tự ý chọn lựa,
và hầu hết chọn những hộp đẹp. Khi đến lượt chàng hòang tử út, anh tần ngần một
lúc rồi nói với Vua Cha: “Con không biết chọn, xin cha chọn cho con.” Vua Cha
đã chọn phần quà tốt nhất cho con, vì chỉ Vua biết đâu là món quà giá trị nhất.
Sau đó Chúa nói:
"Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất
nữa chăng?" Đức tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô là món quà vô giá Thiên
Chúa ban cho con người, nhưng để bảo vệ đức tin và làm cho đức tin ngày một
tăng trưởng là bổn phận của con người. Để đức tin được tăng trưởng, đau khổ thử
thách là điều không thể thiếu. Nếu xin chưa được, con người không được nản chí
thất vọng, nhưng càng phải kiên trì xin cho tới khi được.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải học kiên
nhẫn chờ đợi và vuợt mọi khó khăn thử thách thì mới có thể thành công trong
cuộc đời.
- Chúng ta phải trung
thành làm việc lành cho tất cả mọi người, nhất là giúp đỡ các nhà truyền giáo
trong việc mở mang Nước Thiên Chúa.
- Chúng ta phải kiên trì
trong việc cầu nguyện và xin ơn. Thiên Chúa có thể thử thách không ban ngay để
chúng ta có thời giờ nhìn ra giá trị của điều đang xin, hay Ngài có thể ban cho
chúng ta điều khác tốt hơn nếu Ngài thấy điều chúng ta xin không có lợi sau
này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Bảy tuần 32 thường
niên
Sứ điệp: Khi cầu nguyện, con người phải kiên trì. Thời
gian sẽ giúp con người luyện đức cậy trông, bởi vì có hết lòng cậy trông, con
người mới đáng Chúa ban ơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con không có cảm tình với vị thẩm phán trong bài
Tin Mừng. Lòng ông ta như gỗ đá mà lại còn ngạo mạn chẳng biết kính sợ ai. Chúa
kể một nhân vật như vậy để cho con thấy sức mạnh của sự kiên trì.
Chúa là Cha yêu thương con vô vàn. Chúa thấu
hiểu những khó khăn của con hơn chính bản thân con. Chúa chẳng vui gì khi thấy
con cái Chúa khổ đau và thiếu thốn. Chúa dạy con kiên trì cầu nguyện để con hết
lòng hướng về Chúa và chỉ hướng về Chúa mà thôi. Chúa muốn con xác tín rằng:
chỉ có Chúa là chốn con tựa nương. Con hết lòng cậy trông vào Chúa để con đáng
được Chúa ban ơn.
Lạy Chúa, Chúa luôn đề cao thái độ trẻ thơ. Trẻ
thơ phó thác đáng được Chúa thương. Kiên tâm cầu nguyện là con đang trở thành
con thơ trong tay Chúa, Chúa sẽ săn sóc gìn giữ con như người Cha che chở con
cái mình.
Lạy Chúa, tuy thế, có nhiều lần con đã nản chí
vì xin hoài xin mãi mà dường như Chúa chẳng nghe lời con cầu xin. Nhưng ơn Chúa
cho con hiểu rằng có nhiều điều con muốn nhưng lại không tốt cho con. Chúa nhân
lành sẽ ban cho con điều tốt nhất mà con không ngờ. Xin Chúa nâng đỡ đức tin
yếu kém của con. Xin cho con đừng mất lòng trông cậy nơi Chúa mà vội tin nhảm
nhí nơi những thần tượng do trí khôn con người nắn đúc ra.
Con nguyện sẽ là con thơ trong tay Chúa và hết
lòng cậy trông tín thác nơi Chúa. Amen.
Ghi nhớ :"Thiên Chúa sẽ minh xử
cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".
www.phatdiem.org
17/11/12 THỨ BẢY TUẦN 32 TN
Th. Êlisabét Hungari
Lc 18,1-8
Th. Êlisabét Hungari
Lc 18,1-8
KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN
“Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực
những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người?” (Lc 18,7)
Suy niệm: Đọc kỹ dụ ngôn “quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy”, dễ
thấy rõ hai từ “chẳng lẽ”trên kia đóng một vai trò rất là...
chìa khóa! Ông quan tòa không biết nể sợ ai ấy mà còn phải “chịu thua” và đáp
ứng lời yêu cầu của bà góa nọ, thì chẳng lẽ Thiên Chúa
(vốn đầy yêu thương và quan tâm) lại không bênh vực những kẻ ngày đêm hằng kêu
cứu với Người? Rõ ràng Chúa Giêsu đang năn nỉ các môn đệ Người
phải biết kiên trì cầu nguyện. Tại sao?
-Vì mọi người đều thiếu thốn và bất lực,
không thể tự mình đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần của mình, nhất là
không thể tự mình lấp đầy những khát vọng tâm linh sâu thẳm nhất.
-Vì Thiên Chúa là Cha toàn năng và giàu
lòng thương xót; Ngài luôn sẵn lòng cứu giúp bất cứ ai thành tâm kêu cầu Ngài.
Mời Bạn: Đâu là trở ngại làm cho bạn không
thể cầu nguyện hoặc khong thể kiên trì cầu nguyện? Nhìn nhận mình thiếu thốn và
bất lực thì dễ. Nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha toàn năng và giàu lòng
thương xót, điều này xem ra không dễ gì. Bằng chứng là chúng ta thường ký thác
hầu như 100% niềm trông cậy vào những phương tiện kỹ thuật, con người,... và
còn phần trăm nào cho Thiên Chúa, Chủ Tể của tất cả những phương tiện trên ?
Sống Lời Chúa: Bạn mới được điều tốt lành nào? Chúa
ban cho bạn đó! Hãy tạ ơn Ngài. Bạn đang rất cần điều gì cụ thể? Hãy thưa
chuyện với Chúa.
Cầu nguyện: Bạn thầm thĩ hướng lòng về Chúa, và cầu xin Ngài về những
điều bạn mong một cách chân thành cởi mở, như một người con thưa chuyện với
cha.
www.5phutloichua.net
Không được nản chí
Cuộc chiến với những bất công
trên thế giới còn kéo dài. Người Kitô hữu được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa
cho sứ vụ ấy.
Suy niệm:
Một trong những lý do khiến
người ta bỏ cầu nguyện,
đó là sự thinh lặng của Thiên
Chúa.
Con người bị áp bức, khổ đau,
nên kêu gào lên Chúa,
nhưng tiếng kêu thảm thiết của
họ dường như chẳng được nghe.
Thiên Chúa có hiện hữu không?
Nếu Ngài có mặt, sao Ngài
không cứu giúp ta ra khỏi nỗi quẫn bách?
Đã có bao lời cầu nguyện từ
sáu triệu người Do thái
trước khi họ bị quân Đức quốc
xã giết hại dã man.
Họ kêu lên cùng Chúa là Đấng
đã giải thoát tổ tiên họ khỏi cảnh nô lệ.
Nhưng tại sao bây giờ Ngài lại
lặng yên, để sự dữ lộng hành?
“Phải cầu nguyện luôn luôn và
không được nản chí” (c. 1).
Không nên thấy Thiên Chúa lặng
thinh mà vội bỏ cuộc.
Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về sự
kiên trì của một bà góa.
Bà chẳng còn chỗ dựa tinh thần
và vật chất nơi người chồng.
Thiếu sự chở che của chồng, bà
dễ bị người khác đối xử bất công.
Chính vì thế bà đã nhiều lần
đến vị quan tòa để đòi hỏi công lý.
Tiếc thay vị quan tòa lại
không phải là người tốt.
“Ông chẳng kính sợ Thiên Chúa,
mà cũng chẳng coi ai ra gì” (c. 2).
Thế nên vụ kiện cứ bị ngâm
trong một thời gian khá lâu.
Nhưng bà góa này quyết không
nản lòng, cứ quấy rầy vị quan tòa.
Cuối cùng, ông ta đành giải
quyết, chỉ vì muốn yên chuyện (c. 5).
Thiên Chúa dĩ nhiên khác hẳn
viên quan tòa bất chính trên đây.
Ngài không trì hoãn việc xét
xử, nhưng sẽ mau chóng trả lại công lý
cho những kẻ ngày đêm kêu lên
Ngài (cc. 7- 8).
Thiên Chúa không nhậm lời
chúng ta để tránh bị quấy rầy hay rắc rối,
nhưng vì Ngài là Đấng Công
Chính biết lắng nghe tiếng kêu than.
Trong thế giới hôm nay, sự dữ
vẫn làm mưa làm gió.
Bóng tối như nuốt chửng ánh
sáng, sự ác có vẻ mạnh mẽ hơn sự thiện.
Vẫn có những bà góa neo đơn
phải chịu cảnh bất công.
Vẫn có những phụ nữ và trẻ em
bị bóc lột và lạm dụng.
Đức tin người Kitô hữu có thể
bị xao động khi nhìn vào thế giới.
Nhiều khi con người cảm thấy
mình yếu đuối và bất lực.
Hãy cầu nguyện luôn, hãy kêu
lên Chúa đêm ngày!
Đừng mất niềm tin vào Thiên
Chúa (c. 8),
dù tiếng kêu của những người
thấp cổ bé miệng vọng lên trời cao
vẫn chưa có tiếng trả lời ngay
lập tức.
Cuộc chiến với những bất công
trên thế giới còn kéo dài.
Người Kitô hữu được mời gọi
cộng tác với Thiên Chúa cho sứ vụ ấy.
Chúng ta cần có sự hỗ trợ từ
trời,
để hoán cải lòng người từ bên
trong, để xây dựng một thế giới mới.
Kiến tạo một trái đất công
bằng và bác ái,
đó là ước mơ của Thiên Chúa và
cũng là ước mơ của chúng ta.
Xin Ngài ra tay hành động mạnh
mẽ,
nhưng xin cho chúng con trở
nên khí cụ hữu hiệu để tay Ngài dùng.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan
Chúa.
Khi bị xao động bởi những
bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản
ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê
dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Thiên
Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".
Ơn
huệ Chúa ban
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiên trì trong sự cầu nguyện.
Trong một lớp học nọ, một học sinh trung học không bao giờ để
cho cô giáo của cậu được yên, lúc nào cậu cũng tìm cách quấy phá cho cô tức
giận. Một buổi sáng nọ, trước giờ lớp cô giáo đang ngồi loay hoay viết thì cậu
học sinh xuất hiện. Không một chút kính nể, cậu hỏi cô:
- Cô đang làm gì đó?
Cô giáo trả lời:
- Tôi đang cầu nguyện với Chúa.
Liếc mắt thấy những dòng chữ bằng tốc ký, cậu học sinh tấn
công:
- Chúa mà cũng biết đọc được tốc ký à?
Cô giáo vừa xếp tờ giấy cho vào cuốn Kinh Thánh vừa trả lời:
- Chúa có thể làm được mọi sự, ngay cả nhậm lời cầu xin của
tôi.
Thừa lúc cô giáo chuẩn bị để bắt đầu lớp học, cậu học trò
lanh tay rút tờ giấy từ quyển Kinh Thánh và cho vào cuốn sách của mình.
Hai mươi năm sau, người học trò ngổ ngáo ngày xưa nay đã là
giám đốc của một công ty. Một hôm, anh tình cờ xem lại cuốn sách của thời trung
học, mẫu giấy của cô giáo mà anh đã đánh cắp và cho vào cuốn sách của mình giờ
đây đã nhạt màu, anh cho mẩu giấy vào trong ví của mình. Trở lại văn phòng, anh
xin cô thư ký đọc giùm mẩu giấy được viết bằng tốc ký, mẩu giấy có chứa đựng
một lời cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, với sự chọc phá của Bill, chắc con
không thể nào tiếp tục dạy ở lớp này nữa. Xin Chúa hãy biến đổi tâm hồn em, em
có thể là một người rất tốt mà cũng có thể là một người rất xấu".
Vài tuần lễ sau đó, Bill truy tìm chỗ ở của cô giáo ngày xưa,
anh cám ơn cô vì đã cầu nguyện cho anh.Lời cầu nguyện đã được Chúa nhậm lời ngoài
sự mong đợi của cô: "Hãy xin thì sẽ được. Khi các con cầu nguyện và xin
bất cứ điều gì, hãy tin rằng mình sẽ nhận được thì các con sẽ được ban cho điều
các con cầu xin".
Với
tất cả những ai tin tưởng cầu xin, lời hứa của Chúa Giêsu luôn được thực hiện.
Triết gia Pascal của Pháp đã nói: "Lời cầu nguyện là một trong những cách
thế mà Chúa đã chọn để chia sẻ quyền năng vô biên của Ngài cho chúng ta, cũng
như Ngài chia sẻ quyền năng của Ngài cho chúng ta bằng cách làm cho chúng ta
trở thành những con người biết suy tư. Cũng thế Ngài chia sẻ quyền năng của
Ngài cho chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở thành những con người cầu nguyện.
Không phải tất cả mọi người đều có thể dùng tư tưởng của mình để tạo ảnh hưởng
trên người khác, nhưng ai cũng có thể tạo ảnh hưởng trên người khác bằng lời
cầu nguyện của mình. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không phải như những kẻ
bàng quan trước quyền năng sáng tạo của Ngài, mà như những kẻ chia sẻ quyền
năng của Ngài. Ðây chính là ý nghĩa của kiểu nói "được tạo thành giống như
hình ảnh của Thiên Chúa". Bác sĩ Alexis Carell, người đã từng được trao
giải thưởng Nobel y khoa hồi năm 1912 đã tóm tắt về sức mạnh của sự cầu nguyện
như sau: "Cầu nguyện là một năng lực mãnh liệt nhất mà con người có thể
làm phát sinh được". Ảnh hưởng của lời cầu nguyện trên tâm trí và thân xác
con người là điều có thể chứng minh được qua các hạch nội tiết trong cơ thể.
Cầu
nguyện là một sức mạnh cũng có thực như chính sức hút của trái đất, đó là sức
mạnh mà Chúa Giêsu nói đến qua hình ảnh của người đàn bà góa kiên trì trong Tin
Mừng hôm nay. Ông quan tòa đứng ra xử án không phải vì lòng công bình hay vì
lòng tốt mà chỉ vì không chịu đựng nổi sự quấy rầy của bà góa. Thiên Chúa nhậm
lời con người không phải vì sợ con người quấy rầy mà chỉ vì lòng tốt đối với
con người mà thôi. Nói đến sức mạnh của lời cầu nguyện là tuyên xưng lòng nhân
từ của Thiên Chúa vậy. Kiên trì trong lời cầu nguyện cũng là ân huệ của Chúa.
Nguyện
xin Chúa cho chúng ta luôn được kiên trì trong sự cầu nguyện và cảm nhận được
những điều chúng ta cầu xin.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Bà góa quấy
rầy quan tòa
Đức Giêsu kể cho
các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản
chí. (Lc. 18, 1)
Ngày Con Người trở
lại cần chờ đợi, cần sẵn sàng. Trong thời gian đó, môn đệ phải đương đầu với
thế gian thù ghét, lòng tin và lòng trông cậy liều mình suy sụp. Vậy để kiên
trì cho đến cùng, Đức Giêsu khuyên các ông cầu nguyện không ngừng, không mệt
mỏi.
Với kẻ bất
lương: phải quấy rầy.
Những quan tòa bất
lương và tham tiền, họ không kính sợ Thiên Chúa, chẳng nể người ta. Có đầy rẫy
trong Kinh thánh, nhất là đối với các bà góa và cô nhi càng bị họ bỏ rơi và
cũng chẳng có thể được luật nào bảo vệ, Đức Giêsu đưa ra một trường hợp cổ điển
về một quan tòa gian ác từ chối trả lại công lý cho một bà góa. Chắc bà có một
số tài sản, còn quan tòa không muốn xử vì không nhận được quà cáp, rượu chè
theo thường lệ, người ta thấy bà góa chắc được kiện, nên bà đến kêu quan tòa
mọi ngày để gián đoạn những vụ xử khác ở pháp đình, bà khăng khăng kêu nài công
lý xử cho bằng được. Sau cùng, quan tòa thấy bà bướng bỉnh cố chấp, để yên
chuyện và khỏi bị quấy rầy, quan phải trả lại công lý cho bà.
Với Thiên
Chúa: phải cầu nguyện không ngừng.
Ở đây, Đức Giêsu
muốn, không chỉ nêu gương cần thiết phải kiên trì cầu nguyện, mà còn cho thấy
cuối cùng lời cầu nguyện chắc chắn sẽ được nhận lời. Nếu quan tòa chẳng sợ Thiên
Chúa, chẳng coi ai ra gì và chỉ vì lý do ích kỷ bị quấy rầy, còn lo xử cho bà
góa, thì Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng, lại không rung cảm trước những
tiếng kêu thống thiết của những kẻ Ngài đã tuyển chọn sao! Vậy phải liên tục
cầu nguyện ngày đêm không dứt, vì lời cầu nguyện kiên trì của kẻ được tuyển
chọn, của chi thể Hội thánh, luôn luôn được thương xót. “Chính Ngài sẽ mau
chóng bênh vực những kẻ Ngài đã chọn”, nên sẽ rút ngắn những ngày khốn khó cho
họ.
Nếu Thiên Chúa hình
như để kẻ được tuyển chọn phải chờ đợi, chính là để thử thách đức tin và sự
kiên trì của họ trước những xô đẩy bỏ đạo xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. “Khi
Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Thiên
Chúa luôn trung tín, nhưng con người dù gặp thử thách còn vững tin cho đến cùng
không? Đó là sự thách đố mà Đức Giêsu tung ra cho các môn đệ để nhắc nhở các
ông về sự nguy hiểm, đồng thời kích thích các ông phải quyết tâm giữ vững đức
tin cho đến cùng.
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
17 THÁNG MƯỜI MỘT
Ân Sủng - Thánh Hóa Tình Cảm
Nhân Loại
Sự đồng ý đón nhận nhau giữa một người nam và một người nữ khi
họ cử hành hôn nhân Kitô giáo không chỉ là một diễn tả tình cảm nhân loại mà
hai người cam kết trọn đời. Họ nói ‘vâng’ với nhau trong đức tin, một đức tin
mà họ dứt khoát chọn lựa cho cả đời mình. Mầu nhiệm này của cuộc hôn nhân giữa
họ là một phản ảnh của sự kết hợp thần nhiệm và của tình yêu phu phụ giữa Đức
Kitô và Giáo Hội.
Vì thế, hôn nhân giữa hai Kitôhữu trước hết là một hành vi của
đức tin. Tình cảm nhân loại của họ được chuyển hóa và được làm cho nên thánh
thiện nhờ ân sủng. Vì họ đã ký thác tình yêu và cuộc hôn nhân của họ cho Thiên
Chúa, nên Ngài nhất định sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng nó bằng ân phúc của Ngài.
Chính Đức Kitô cho biết rằng ở đây không chủ yếu là tự họ ràng buộc với nhau,
mà đúng hơn chính Cha trên trời đang ràng buộc họ với nhau. Và công việc quan
trọng đệ nhất của họ là liệu sao để không phá vỡ sự kết hợp thánh thiện này.
Một đôi vợ chồng sẽ thành công trong việc bảo vệ cuộc hôn nhân
của mình nếu họ nhớ rằng chính Thiên Chúa đã trở thành người bảo vệ sự kết hợp
giữa họ. Và khi họ trải qua những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, họ sẽ chạy
đến với Thiên Chúa trong lòng tin tưởng vững vàng vào sự quan phòng và vào tình
yêu thương của Ngài.
+++++++++++++++++
Lời
Chúa Trong Gia Đình
Thánh Nữ Elisabeth Hunggari; (3Ga 5-8; Lc 18, 1-9.)
LỜI SUY NIỆM: Trong dụ ngôn ông quan tòa bất chính và bà góa quấy
rầy. Chúng ta được thấy hình ảnh của ông quan tòa: trên ông, ông chẳng nể sợ
ai, dưới ông, ông chẳng coi ai ra gì, ông ta thuộc loại người không tốt. Thế mà
với một bà góa nghèo, nhưng kiên trì kêu cứu ông bênh vực cho bà, thế mà cuối
cùng bà góa đã được toại nguyện, chỉ vì một lý do đơn giản đó là: ông quan tòa
này sợ bà ta cứ cầu xin mãi. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu sánh ví một cách cụ
thể, ông quan tòa đó là Thiên Chúa, và bà góa đó là chúng ta. Ngài cố nâng cao
sự liên lỉ trong sự cầu nguyện của chúng ta. Những lời cầu xin của chúng ta có
khi chưa được như ý, là bởi Thiên Chúa đang thử thách niềm tin và sự trung tín
của chúng ta đối với Ngài; Chúng ta có thật tin vào quyền năng và tình yêu của
Ngài đối với chúng ta hay không. Sau khi đã được thử thách lòng trung tín, mà
chúng ta đã thật lòng trung tín; thì hồng ân của Ngài sẽ trở nên dư tràn đối
với chúng ta. Trong mọi ân sủng đều có thử thách lòng trung tín. Ai bền đổ đến
cùng sẽ được vui hưởng hạnh phúc và bình an.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương
Thánh Nhân
Ngày 17-11
Thánh ELISABETH Nước Hungaria
Nữ Tu (1207 - -1231)
Em bé 4 tuổi mặc ái nhung đeo vàng, người ta dẫn tới Thuringia,
là con vua Hungaria. Tên Ngài là Elisabeth và vừa được đính hôn với hoàng tử
Luy (Louis) mười một tuổi con của Landgrave miền Thuringia, và theo thói thường
Ngài lớn lên tại cung điện Thuringia.
Elisabeth xem ra đã được tiền định với niềm vui, được cầu nguyện
hãm mình và mỗi ngày hy sinh một điều thích thú. Nếu trong cuộc chơi mà thành
công rực rỡ, Ngài không quá vui và ngừng lại. Một phần những cái người ta cho
Ngài thường là tới tay người nghèo. Nhưng Ngài sớm thấy một đau khổ khác, không
phải mọi người đều vui lòng khi thấy Ngài lớn lên trong đạo đức, tốt lành và
quảng đại như vậy. Công chúa Sophia, mẹ của Luy tức giận vì sự hoàn thiện này.
Khi bà dẫn Elisabeth với cô con gái mình tới nhà thờ, cả hai
trang điểm như công chúa thì Elisabeth lại cởi vương miện bằng đá ra mà nói
không muốn mang nó đến trước Thiên Chúa phải đội mão gai. Thế là công chúa và
con mình khinh bỉ và tuyên bố rằng: Ngài bất xứng để làm vợ của bá tước. Nhưng
khi Luy đã trở lại triều đình chàng ngây ngất vì vị hôn thê trẻ của mình. Chàng
chọn làm châm ngôn những đức tính : đạo đức, trong sạch và công bình. Chàng đã
cử hành hôn phối sớm hết sức có thể, lúc chàng 20 và nàng 14.
Năm sau họ có con đầu lòng và 2 năm sau nữa sinh con thứ. Các đày
tớ của thánh nữ nói về Ngài: "Bà kêu đến Chúa trong mọi hành vi, bà sống
khiêm tốn, rất bác ái và say mê cầu nguyện". Ngày sống của nữ bá tước được
phân phối cho công việc cầu nguyện, làm việc bác ái, cùng với các phụ nữ dệt
len cho người nghèo. Rảo quanh các làng quê phân phát các đồ cứu trợ. Luy, một
hiệp sĩ hào hùng, rất lịch thiệp, là bạn trung thành nâng đỡ Elisabeth trong
đường thánh thiện Ngài đeo đuổi. Ông yêu vợ có khuôn mặt và tâm hồn dịu hiền
của mình. Người ta thích kể lại một huyền thoại làm đẹp cuộc đời thánh nữ như
sau:
Vào một ngày mùa đông. Luy đi săn về gặp vợ cong mình xuống dưới
sức nặng các đồ ăn giấu trong vạt áo. Ông hỏi : - Em mang gì đó ?
Vạch áo ra ông chỉ thấy những bó hoa hồng trắng rất đẹp không
mùa xuân nào có được. Vị bá tước xúc động vì phép lạ, Ngài ưu ái người vợ lý
tưởng của mình hơn nữa.
Còn chính thánh nữ thì tăng gấp việc bác ái. Ngài săn sóc các
bệnh nhân nghèo, cấp đồ ăn cho họ, băng bó các vết thương. Vào một ngày thứ năm
tuần thánh, Ngài đã hôn chân các người cùi Ngài tập hợp lại. Dưới những chiếc
áo sang trọng, Ngài dấu một chiếc áo nhặm. Không ai nghi ngờ sự khắc khổ của
Ngài. Isentrude, người đày tớ theo Ngài và có nhiệm vụ đánh thức Ngài ban đêm
để cầu nguyện làm chứng : "Ngài hoàn thành những công trình bác ái trong
tâm hồn vui tươi và không đổi nét mặt".
Chính Elisabeth đã nói về những người nhân đức mà mặt mày ủ dột
: "Họ có vẻ muốn làm khiếp đảm Thiên Chúa nhân lành. Trong khi Ngài yêu
thích những kẻ cho một cách vui tươi".
Luy phải ra trận. Đây là lúc nữ bá tước đau đớn nhất và tăng gấp
lời cầu nguyện và đánh tội. Thánh nữ vẫn thường bối rối lo sợ có những bất công
mà lãnh chúa thường gặp phải. Gặp buổi đói ăn, thánh nữ nhiệt thành nâng đỡ
người nghèo. Phân phát hết lúa gạo dự trữ, Ngài hy sinh cả nữ trang và đá quí,
Ngài thiết lập những nhà thương. Dân chúng gọi Ngài là "mẹ". Khi
chồng trở về, thánh nữ thường cười nói: - Em đã dâng cho Thiên Chúa cái thuộc
về Ngài bảo vệ của cải của chúng ta,
Nhưng đã đến lúc những thử thách lớn lao đưa Elisabeth tới đỉnh
cao thánh thiện. Luy tham gia đoàn quân thánh giá và vong mạng năm 1227. Vài
ngày sau thánh nữ sinh hạ người con thứ ba. Ngài như điên lên vì đau đớn, nhưng
đã chứng tỏ lòng đại độ từ bỏ thánh nữ đã có từ buổi thiếu thời. Hình ảnh cổ
truyền còn diễn tả thánh nữ, bị người em bất xứng của Luy xua đuổi và cấm dân
chúng không được cho trú ngụ, khóc lóc ôm con nhỏ đi vào đường mòn sỏi đá giữa
mùa đông lạnh lẽo với hai người con níu bên tay...
Thực tế là người em rể đã một thời không cho Ngài được thừa
hưởng của cải của chồng Ngài. Elisabeth từ chối mọi thỏa hiệp với ông ta và
không muốn nhận được cấp dưỡng bằng cái Ngài coi là của cắp của dân nghèo. Ngài
thích được rẫy bỏ hơn và tự kiếm kế sinh nhai. Như thế với lương tâm Kitô giáo
Ngài đã chọn được nên nghèo khó. Thực vậy, Ngài đã phải trú ngụ trong một
chuồng heo cũ và đã biết khốn cực là gì. Người đày tớ theo Ngài kể rằng: -
"Bị bắt bớ bởi những chư hầu của chồng, thiếu mọi thứ của cải và vì thiếu
thốn, Ngài đã phải gửi con đến những miền xa để chúng được nuôi dưỡng ở đó.
Dầu vậy, Ngài vẫn cảm tạ Chúa và đã bóc lột Ngài như thế, và
trong một nguyện đường các anh em hèn mọn Ngài đã đặt tay lên bàn thờ thề hứa
từ bỏ tất cả.
Cậu của Ngài là giám mục miền Bamberg rất muốn Ngài tái giá và
còn gọi Ngài tới lâu đài Haute Francoine nơi đặt các xương cốt của chồng Ngài.
Nhận xương cốt, Ngài nguyện vâng phục và tạ ơn Thiên Chúa.
"Lạy Chúa, con yêu biết bao. Nhưng Chúa biết con không hối
tiếc việc hy sinh người yêu của con cho Chúa. Anh đã tự hiến mình cho Chúa, con
cũng hiến dâng anh con cho Chúa để yểm trợ thánh địa. Nếu được con cho cả thế
giới để đổi lấy anh, rồi chúng con cùng đi ăn xin với nhau. Nhưng con xin chứng
tỏ rằng: nếu trái với ý Chúa, con sẽ không muốn chuộc lại sự sống của anh, cả
đến sợi tóc đi nữa... Nguyện ý Chúa thành sự trong chúng con".
Người góa phụ trẻ không muốn có phần gì đối với vinh hoa trần
thế nữa, đã mặc áo dòng ba Phanxicô và dùng tiền của chồng để lại để điều hành
một nhà thương là nơi bà ngồi ăn chung với các bệnh nhân nghèo khó. Sau cùng
Ngài ở trong một ngôi nhà bằng cây vách đất. Ngài dệt vải để nuôi thân và chịu
những hy sinh cực khổ hơn nữa.
Cha giải tội của Ngài là Conrad thấy sự diụ hiền của Ngài có vẻ
tạo nên cảm tình của hai người bạn từ hồi trẻ và nay theo Ngài, nên không cho
Ngài giữ họ gần mình nữa. Thay vào đó là một đứa trẻ vô giáo dục và một bà điếc
lác khó chịu. Elisabeth đối xử với họ cách âu yếm như với bạn bè và dành lấy
những công việc gớm ghiếc nhất. Một đứa trẻ bất toại Ngài săn sóc bắt Ngài thức
dậy mỗi đêm sáu lần và chính Ngài giặt giũ áo quần hôi hám của nó. Khi đứa trẻ
chết, Ngài thayvào đó một dứa trẻ phong cùi và nói: - Tôi không đang cởi giây
giầy cho em. Đối với tôi Chúa Giêsu đang ở vào địa vị của em.
Đứa trẻ chết, lại một người bị bịnh trứng tóc sống bên Ngài. Vị
hướng dẫn còn dùng đến những cư xử nghiệt ngã lạ lùng. Nhà chép sử nói rằng:
"ông ta có thể đánh vào mặt Ngài, nhưng thánh nữ đủ mạnh để chịu đựng như
một người đang chiêm niệm. Ngài qua những giờ ngây ngất và nét mặt trở bên rực
sáng.
Nhưng Elisabeth yếu dần và qua đời lúc mới 24 tuổi, vào ngày 19
tháng 10 năm 1231. Từng đoàn người lũ lượt hành hương kính viếng mộ Ngài và đã
có rất nhiều phép lạ xảy ra tại đó. Bốn năm sau Đức giáo hoàng Gregoriô IX đã
tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
17
Tháng Mười Một
Trong Mọi Sự, Hãy Nghĩ
Ðến Cùng Ðích
Một ngày nọ, triết gia
Diogene của Hy Lạp đã đến giữa chợ Athène và dựng lên một căn lều có ghi đậm
hàng chữ như sau: "Ở đây có bán sự khôn ngoan".
Một bậc khoa cử tình
cờ đi qua căn lều đọc được lời rao báo, mới cười thầm trong bụng... Muốn biết
đằng sau căn lều ấy có những gì, ông mới sai người đầy tớ cầm tiền để dò la và
mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.
Người đầy tớ cầm tiền
ra đi làm theo lời căn dặn của chủ... Anh đưa cho Diogene 3 hào và nói rằng chủ
của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy 3 hào bỏ vào túi, triết gia Diogene nói
với người đầy tớ một cách trang trọng như sau: "Anh hãy về đọc lại cho chủ
anh nghe câu này: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích".
Vị khoa cử thành
Athène vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà
như khuôn vàng thước ngọc để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai đi
qua trước nhà ông đều có thể đọc thấy...
"Trong tất cả mọi
sự, hãy nghĩ đến cùng đích".
Có lẽ đó cũng là khuôn vàng thước ngọc mà Giáo Hội muốn ngỏ với
mọi người chúng ta trong những ngày tháng cuối cùng của năm Phụng Vụ này. Mỗi
năm qua đi: đó là hình bóng của đời người và lịch sử của thế giới này.
"Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích". Người
lực sĩ nghĩ đến phần thưởng đang chờ đợi mình. Người học sinh nghĩ đến ngày đỗ
đạt thành tài... Ðiểm đến thúc đẩy con người hăng say làm việc.
Thời Noe, mọi người ăn uống, vui chơi và cười nhạo khi ông cho
đóng tàu để phòng nạn Hồng Thủy. Ðối với họ, chuẩn bị để đương đầu với tai nạn,
chuẩn bị để làm một cuộc hành trình dài là một chuyện viển vông, là điều ngu
xuẩn...
Hãy vui hưởng cuộc sống, hãy sống như thể con người sẽ không bao
giờ chết: đó là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Sống như thế là sống
không định hướng, sống như thế là sống không mục đích. Thánh Phaolô đã gọi
những người đó là những người chỉ biết thờ cái bụng của mình...
Cái chết là cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Và cuộc sống mai
hậu ấy tùy thuộc vào những tích chứa, những xây dựng của chúng ta trong cuộc
sống tại thế này. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta hướng tất cả mọi hoạt động
của chúng ta vào cùng đích ấy, nếu chúng ta hành động, suy nghĩ như thể chúng
ta sẽ ra đi tức khắc, thì chắc chắn khi bước qua ngưỡng cửa ấy, chúng ta sẽ
không ngỡ ngàng, thất vọng...
Nhưng dĩ nhiên, không phải từ sức mình, chúng ta có thể xây dựng
cho mình tương lai vĩnh cửu ấy. Sự sống trường sinh là ân ban nhưng không của
Chúa. Thiên Chúa chỉ chờ đợi nơi chúng ta sự ưng thuận và đáp trả tích cực mà
thôi... Ước gì từng suy nghĩ, từng hành động, từng gặp gỡ, từng hơi thở của
chúng ta đều là một đáp trả tích cực của chúng ta đối với lời mời gọi vào sự
sống bất diệt của Chúa. Ước gì trong tất cả mọi sự, sự khôn ngoan hướng dẫn
chúng ta chính là cõi phúc trường sinh mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Ước gì
trong từng bước lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta có thể nếm được niềm vui và
hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này...
(Lẽ Sống)
Ngày 17
Thánh nữ Elisabét Hunggari
Khuôn mặt đầu tiên mà đứa trẻ nhìn thấy là khuôn mặt của mẹ nó, và cái nhìn này quyết định về môi liên quan của nó với cuộc sống, với chính nó, với những người khác, vói Thiên Chúa; cũng quyết định để nó có thể trở thành một người "con của bình an" (Lc 10,6).
Trong nhiều loại tranh tượng thánh (icônes)
về Đức Trinh Nữ Maria, có một bức tranh, trong truyền thống bi-zăng-tin(byzantine), được đặt tên là "tình ưu ái diễn tả bé Giêsu áp má vào mặt Mẹ mình. Bé Giêsu nhìn Mẹ, và Mẹ nhìn chúng ta,
như muốn phản chiếu cho người đang nhìn kỹ và đang cầu nguyện, tình ưu ái của
Thiên Chúa từ trời xuống nơi Mẹ và được nhập thể trong người Con
mà Mẹ ẵm trên tay. Trong tranh tượng thánh này về Đức Maria, chúng ta có thể
chiêm ngắm về chính Thiên Chúa: một dấu chỉ của tình yêu khôn
tả "đến nỗi đã ban Con Một của Người" (Ga 3,16). Nhưng bức tranh
tượng thánh này cũng tỏ cho chúng ta thấy, nơi Đức Maria, khuôn
mặt của Giáo Hội, phản chiếu trên chúng ta và trên toàn thế giới ánh sáng của
Đức Kitô. Qua Giáo Hội, tin vui đến với từng người, như chúng ta đọc trong thư
thánh Phaolô gửi giáo đoàn Galát 4,7: "Anh em không phải là nô lệ nữa,
nhưng là con".
ĐGH Bênêđitô XVI
www.tinmung.net
Thứ Bẩy 17-11
Thánh Elizabeth ở Hung Gia Lợi
(1207-1231)
T
|
uy cuộc đời của Thánh
Elizabeth thật ngắn ngủi, nhưng lòng thương yêu ngài dành cho người nghèo và
người đau khổ thật lớn lao đến nỗi ngài được Giáo Hội đặt làm quan thầy của các
tổ chức bác ái Công Giáo và của Dòng Ba Phanxicô. Là con gái của vua Hung Gia
Lợi, thay vì chọn một đời sống xa hoa nhàn hạ, Thánh Elizabeth đã đi theo con
đường khổ hạnh và hãm mình. Quyết định đó đã để lại trong tâm khảm của bao
người dân Âu Châu niềm cảm mến sâu xa.
Khi lên 14 tuổi, ngài kết hôn
với ông Louis ở Thuringia (một quận chúa của Ðức), là người mà ngài rất yêu
mến, và có được ba mặt con. Dưới sự linh hướng của các tu sĩ Phanxicô, ngài
sống đời cầu nguyện, hy sinh và phục vụ người nghèo cũng như người đau yếu.
Không những thế, ngài còn muốn trở nên một người nghèo thực sự qua cách ăn mặc thật
đơn sơ. Mỗi ngày, ngài phân phát thực phẩm cho hàng trăm người nghèo trong vùng
mà lúc nào cũng đầy nghẹt trước cửa nhà.
Sau sáu năm thành hôn, ngài
thật đau khổ khi nghe tin chồng tử trận trong cuộc Thập Tự Chinh. Buồn hơn nữa,
gia đình nhà chồng lại coi ngài là người hoang phí tiền bạc của hoàng gia nên
đã đối xử với ngài thật thậm tệ, và sau cùng họ đã tống ngài ra khỏi hoàng
cung. Nhưng sau cuộc thập tự chinh, những người thân thuộc bên chồng trở về đã
phục hồi quyền lợi cho ngài, vì con trai của ngài là người thừa kế chính thức.
Vào năm 1229, ngài gia nhập
dòng Ba Phanxicô, và dùng quãng đời còn lại để chăm sóc người nghèo trong một
bệnh viện mà ngài đã thiết lập để vinh danh Thánh Phanxicô. Sức khỏe của ngài
ngày càng sa sút, và sau cùng ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày sinh nhật
thứ 24, năm 1231. Vì sự nổi tiếng về nhân đức của ngài nên chỉ bốn năm sau ngài
đã được phong thánh.
Lời Bàn
Thánh Elizabeth hiểu rất rõ
bài học của Ðức Kitô khi Người rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: người
Kitô phải là người phục vụ những nhu cầu cần thiết của tha nhân, dù người phục
vụ có địa vị cao trọng. Là một người trong hoàng tộc, Thánh Elizabeth đã có thể
sai khiến người dân, nhưng ngài đã phục vụ họ với một tâm hồn thật đại lượng
đến nỗi trong cuộc đời ngắn ngủi ấy ngài đã được sự quý mến của rất nhiều
người. Thánh Elizabeth còn là gương mẫu cho chúng ta về sự tuân phục vị linh
hướng. Thăng tiến đời sống tâm linh là một tiến trình thật khó khăn. Chúng ta
rất dễ tương nhượng nếu không có ai khích lệ hay chia sẻ những kinh nghiệm để
giúp chúng ta tránh được các cạm bẫy.
Lời Trích
"Trong thời đại ngày
nay, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt là trở nên người thân cận đối với mọi
người, và tích cực giúp đỡ họ khi chúng ta gặp trên đường đời, dù đó là người
già cả bị hắt hủi, người lao công ngoại quốc bị khinh miệt, người tị nạn, trẻ
sơ sinh của một mối tình vụng trộm mà bất đắc dĩ em phải chịu đau khổ, hay một
người đói ăn; những người ấy đã làm lương tâm chúng ta phải bối rối khi nhớ lời
Ðức Kitô: 'Khi anh em giúp đỡ một người bé mọn này là giúp đỡ chính Thầy' (Mt.
15:40)" (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 27).
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét