Trang

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

26-11-2015 : THỨ NĂM TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN

26/11/2015
Thứ Năm sau Chúa Nhật 34 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 6, 11-27
"Thiên Chúa đã sai thiên sứ đến bịt miệng sư tử lại".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, có những người tọc mạch dò xét, họ bắt gặp Ðaniel đang cầu nguyện kêu xin cùng Chúa mình. Họ liền đến tâu vua về điều lệ rằng: "Tâu đức vua, chớ thì đức vua đã chẳng quy định rằng: trong ba mươi ngày, hễ ai cầu xin cùng thần minh nào hay người nào ngoài đức vua, thì, lạy đức vua, nó sẽ bị ném vào hang sư tử đó sao?" Vua trả lời rằng: "Ðúng, cứ như sắc chỉ Mêđia và Batư, thì không được sai lỗi". Bấy giờ họ lại tâu vua rằng: "Ðaniel thuộc con cái Giuđa phải lưu đày, đã chẳng xem sao lề luật và chiếu chỉ vua đã quy định: mỗi ngày nó đọc kinh cầu nguyện ba lần". Khi nghe biết điều đó, nhà vua rất đỗi buồn rầu. Vua quyết tâm cứu chữa Ðaniel, và cố gắng cứu người cho đến khi mặt trời lặn. Những người ấy hiểu ý vua, liền tâu vua rằng: "Tâu đức vua, xin đức vua biết cho rằng dân Mêđia và Batư có lề luật này là bất cứ sắc chỉ nào đức vua ra, thì không được thay đổi". Bấy giờ vua truyền dẫn Ðaniel ra, và họ ném người xuống hang sư tử. Vua bảo Ðaniel rằng: "Xin Thiên Chúa ngươi hằng thờ lạy sẽ cứu thoát ngươi". Người ta liền lấy hòn đá chận cửa hang, vua lấy nhẫn mình và nhẫn các quan triều thần mà đóng ấn niêm phong, để bảo đảm vụ Ðaniel.
Vua trở về hoàng cung liền đi ngủ, không chịu ăn uống lương thực dâng trước mặt vua, nhưng vua không sao ngủ được. Trời vừa rạng đông, vua liền chỗi dậy, vội vã chạy ra hang sư tử. Khi đến gần cửa hang, vua liền lớn tiếng khóc thương Ðaniel rằng: "Hỡi Ðaniel tôi tớ Thiên Chúa hằng sống, không biết Thiên Chúa ngươi hằng thờ lạy có cứu chữa được ngươi thoát khỏi sư tử chăng?" Ðaniel trả lời rằng: "Tâu đức vua muôn tuổi, Thiên Chúa của thần đã sai thiên sứ đến bịt miệng sư tử lại, nên chúng không làm hại được thần; vì trước mặt Thiên Chúa, thần là người công chính; vả lại tâu đức vua, trước mặt đức vua, thần cũng chẳng làm điều gì sai lỗi. Bấy giờ vua mừng rỡ, truyền kéo Ðaniel ra khỏi hang. Khi Ðaniel ra khỏi hang, người ta thấy người không bị hề hấn gì, vì người đã tin cậy vào Thiên Chúa của người. Vua liền truyền đem các người tố cáo Ðaniel, cùng vợ con của chúng, ném vào hang sư tử, chúng chưa kịp rơi xuống tới đáy hang, thì đã bị sư tử cắn xé nát thịt tan xương.
Bấy giờ vua Ðariô ra chiếu chỉ cho toàn dân, các chi họ, các thổ ngữ, những người đang cư ngụ trong toàn quốc rằng: "Nguyện cho các ngươi được thêm sự bình an. Ta đã ra chiếu chỉ cho các địa phương trong nước ta, ai nấy đều phải kính sợ Thiên Chúa của Ðaniel. Vì chính Người mới là Thiên Chúa hằng sống, và hằng có đời đời; nước Người không hề tan rã, và quyền bính Người tồn tại đến muôn đời. Chính Người là Ðấng Giải thoát và Cứu độ, Người làm những dấu lạ và những việc kỳ diệu trên trời dưới đất: Người đã cứu chữa Ðaniel khỏi hang sư tử".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 68. 69. 70. 71. 72. 73. 74
Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời (c. 57b).
Xướng: 1) Chúc tụng Chúa đi, mưa đổ với sương rơi. - Ðáp.
2) Chúc tụng Chúa đi, nước đông và băng giá. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa đi, nước đọng với tuyết sa. - Ðáp.
4) Chúc tụng Chúa đi, ngày quang và đêm tối. - Ðáp.
5) Chúc tụng Chúa đi, sáng sủa với thâm u. - Ðáp.
6) Chúc tụng Chúa đi, mây trôi và chớp giật. - Ðáp.
7) Hãy chúc tụng Chúa đi, hỡi địa cầu, hãy ngợi khen tán tạ Chúa tới muôn thuở. - Ðáp.

Alleluia: Lc 21, 28
Alleluia, alleluia! - Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 20-28
"Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.
"Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.
"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Giờ Cứu Rỗi Gần Ðến

Từ năm 44 TCN đến năm 66 SCN, các quan toàn quyền Rôma cai trị xứ Giuđê một cách độc ác, dã man, đến nỗi dân Do thái đã nổi dậy, mặc dù họ biết sẽ bị nghiền nát dưới gót giầy của Ðế quốc xâm lăng. Năm 66, tướng Julianô chỉ huy ba đạo quân sang đánh dẹp những cuộc nổi dậy. Năm 70, Julianô lên ngôi Hoàng đế tại Rôma, ông sai con cả là Titô tiếp tục cuộc bình địa Giuđê. Nghe tin Titô kéo quân về Giêrusalem, 25,000 người Do thái thuộc các phe kháng chiến đang tranh giành ảnh hưởng đã hợp lực tổ chức chống cự. Tuy nhiên, lực lượng của Rôma quá hùng hậu: 80,000 quân với đầy đủ quân trang đã bao vây Giêrusalem suốt 6 tháng trời. Ðầu tháng 7 năm 70, Titô lập một tường thành chiến lược vây hãm Giêrusalem. Ngày 6/8 việc tế tự trong Ðền thờ bị đình chỉ. Ngày 28/8 quân Rôma đánh phá và đốt Ðền thờ. Hai ngày sau, tức ngày 30/8 năm 70 thành Giêrusalem bị thất thủ và bị đốt phá bình địa. 90,000 người Do thái bị bắt làm nô lệ. Tất cả đã xảy ra đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, lời của Chúa không chỉ ứng nghiệm với thành thánh bị phá hủy vào năm 70, mà còn tiên báo về ngày tận cùng của thế giới. Khi Ngài đến trong vinh quang để xét xử, có các tai biến làm cho con người lo âu sợ hãi: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh tượng biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các tinh tú bầu trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ Con Người sẽ xuất hiện uy nghi trên đám mây... Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi đã đến gần".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về ngày sau cùng của mỗi người chúng ta. Trước khi từ giã cõi đời, con người cũng thường bị vây hãm: bởi những lo âu run sợ trước cái chết, bởi những tiếc nuối cho những ngày đã qua, bởi những hành hạ của căn bệnh, bởi sức tấn công của lực lượng sự dữ. Trong những giây phút ấy, Lời của Chúa Giêsu sẽ là kim chỉ nam: "Bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê thì chớ vào thành". Ðành rằng, bấy lâu nay thân xác đã cho con người có được niềm vui, sự hãnh diện, tình yêu thương; thế nhưng, giờ đây thân xác sắp bị hủy hoại, con người không còn lý do gì để cứ bám lấy thân xác, nhưng hãy biết thoát ly những ràng buộc của thân xác, để đi vào ơn cứu độ của Chúa.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình một thái độ thích hợp trong ngày Chúa đến.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 34 TN1
Bài đọc: Dan 6:12-28; Lk 21:20-28.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa sẽ giải thoát những ai trung thành làm chứng cho Ngài
Một ông chủ tịch của cộng đoàn nọ dọa hai cha trẻ mới về nhận xứ: "Con có cảm tưởng như hai cha giống như Daniel đang đi vào trong hang sư tử!" Cha xứ giật mình, nhưng cũng bình tĩnh nói: "Nếu chết mà chúng tôi không sợ, chúng tôi cũng không sợ vào trong hang sư tử. Chúng tôi tin Thiên Chúa sẽ giúp chúng tôi vượt thoát sự ghen tị của những người ganh ghét, và nanh vuốt của họ."
Các Bài Đọc hôm nay muốn dẫn chứng sự bảo vệ của Thiên Chúa dành cho những ai biết kính sợ Ngài. Trong Bài Đọc I, Daniel bị một bọn người ghen tị âm mưu và rình rập khi ông cầu nguyện với Thiên Chúa để có bằng chứng tố cáo tội của ông với vua Darius, là không chịu tuân hành lệnh thờ thần của nhà vua. Khi họ nhận thấy nhà vua tìm cách hoãn binh để cứu Daniel, họ tăng áp lực để nhà vua phải thi hành luật của Medes và Ba-tư. Sau cùng nhà vua phải nhượng bộ và tống giam Daniel vào hang sư tử. Đêm đó, Thiên Chúa sai thiên sứ của Ngài đến khóa hàm sư tử để cứu Daniel. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ phải biết bình tĩnh và khôn ngoan để biết cách đối phó với mọi nguy hiểm sắp xảy ra, vì Thiên Chúa luôn quan tâm để giải thoát và ban ơn cứu độ cho những ai trung thành làm chứng cho Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Uy quyền Thiên Chúa thắng vượt lệnh truyền nhà vua và sự ghen tị của dân bản xứ.
1.1/ Sự ghen tị của đám người ghen ghét Daniel: Mang thân phận dân lưu đày mà được Đức Vua trọng dụng hơn cả những người bản xứ, là nguyên do của sự ghen ghét Daniel. Họ họp nhau lại và bày mưu tìm cách hại ông. Họ biết người Do-thái không thờ bất cứ một thần nào ngoài Thiên Chúa; mà lệnh của Vua Darius ban ra là mọi người phải thờ phượng thần đúc bằng vàng của Vua, nên họ rình rập và tìm ra Daniel cầu nguyện với Thiên Chúa trong phòng ngày ba lần. Họ tới yết kiến vua và nhắc đến lệnh cấm của vua: "Đức Vua đã chẳng châu phê lệnh cấm đó sao? Theo lệnh cấm này, trong ba mươi ngày sắp tới, bất cứ ai cầu xin thần nào hay người nào ngoài Đức Vua thì sẽ bị quăng vào hầm sư tử." Vua đáp lại rằng: "Đúng vậy, chiếu theo luật không thể huỷ bỏ của dân Medes và Ba-tư thì đúng như vậy."
Vua Darius rất quí trọng Daniel và tin Thiên Chúa phải phù hộ Daniel thì ông mới có thể làm được những việc diệu kỳ như thế. Khi biết âm mưu của họ, Vua rất đau lòng và để tâm tìm cách cứu ông Daniel. Vua cố sức giải cứu ông Daniel mãi cho đến lúc mặt trời lặn. Khi những người muốn hại Daniel biết ý định nhà vua muốn cứu ông, họ gia tăng áp lực bằng cách nhắc lại sự bất di bất dịch của chiếu chỉ đã ban hành. Sau cùng, nhà vua phải nhượng bộ và hạ lệnh đưa ông Daniel đi quăng vào hầm sư tử.
1.2/ Daniel được Thiên Chúa giải thoát khỏi nanh vuốt sư tử: Trong kế hoạch của Thiên Chúa, Ngài muốn các vua Ba-tư phóng thích con cái Israel, để họ trở về quê hương xây dựng lại xứ sở và Đền Thờ. Phép lạ Ngài làm hôm nay gia tăng niềm tin của các vua Ba-tư vào Thiên Chúa.
- Sáng sớm tinh sương, vua đã trỗi dậy, vội vã đi ra hầm sư tử. Vừa tới gần, vua cất giọng đau đớn gọi vọng xuống ông Daniel. Vua lên tiếng nói với ông rằng: "Hỡi Daniel, người tôi tớ của Thần hằng sống, vị Thần mà ngươi bền lòng phụng sự, có cứu được ngươi thoát hàm sư tử không?"
- Bấy giờ ông Daniel đáp lại: "Hoàng thượng, vạn vạn tuế! Thiên Chúa của thần đã sai thiên sứ đến khoá hàm sư tử khiến chúng không hại được thần, bởi vì trước mặt Người, thần đã được nhìn nhận là vô tội, và, tâu Đức Vua, ngay trước nhan ngài, thần cũng chẳng làm điều gì ác."
Vua rất vui mừng, truyền kéo ông Daniel lên khỏi hầm. Và ông được kéo lên, không một vết thương trên mình, bởi vì ông đã tin cậy vào Thiên Chúa của ông. Vua liền truyền điệu những người kia đến, họ là những kẻ đã vu khống cho ông Daniel; rồi vua ra lệnh quăng họ cùng với vợ con vào hầm sư tử. Những người này chưa đụng tới nền hầm, thì sư tử đã vồ lấy chúng mà nghiền nát xương.
Bấy giờ vua Darius viết cho tất cả những người thuộc các dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ trên khắp cõi đất: "Đây là lệnh ta truyền: trên toàn lãnh thổ vương quốc ta, mọi người phải run rẩy kính sợ trước mặt vị Thần của Daniel: Bởi vì Người là vị Thần hằng sống và tồn tại muôn đời; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, quyền thống trị của Người vô cùng vô tận. Người giải thoát, giữ gìn, Người làm những dấu lạ điềm thiêng trên trời cùng dưới đất. Người đã giải cứu Daniel khỏi móng vuốt sư tử."
2/ Phúc Âm: Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.
Thánh sử Lucas phân biệt hai biến cố lịch sử: sự sụp đổ của thành thánh Jerusalem, và biến cố Chúa trở lại lần thứ hai để phán xét.
2.1/ Sự xụp đổ của Đền Thờ Jerusalem: Năm 70 AD, quân đội của đế-quốc Rôma đã đem quân vây hãm thành Jerusalem một thời gian dài trước khi san bình địa. Điều này chứng thực những gì Chúa Giêsu đã tiên đóan 37 năm trước đó, như trình thuật hôm nay nói: “Khi anh em thấy thành Jerusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Judah, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm.”
Điều này chứng minh sự phá hủy của Jerusalem nằm trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Vì dân Do-Thái từ chối không tin Đức Kitô là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa gởi tới, nên Tin Mừng được loan báo cho Dân Ngọai; nhưng sau cùng như Thánh Phaolô loan báo, Thiên Chúa sẽ cứu dân tộc Israel. Điều này cũng phù hợp với trình thuật hôm nay: “Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Jerusalem sẽ bị Dân Ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của Dân Ngoại.”
2.2/ Ngày Đức Kitô đến lần thứ hai: Chúa Giêsu cho các môn đệ biết những gì sẽ xảy ra trong ngày này:
- Các điềm lạ trên trời: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.”
- Con Người xuất hiện: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa phù hộ và che chở những kẻ biết kính sợ Ngài. Điều này không có nghĩa lúc nào Thiên Chúa cũng ra tay hành động như cứu Daniel; nhưng có khi Ngài để chúng ta chọn cái chết để làm chứng nhân cho Ngài.
- Các quyền lực của thế gian chỉ có quyền trên chúng ta khi còn sống trong thế gian này, nhưng những quyền lực này không tồn tại muôn đời. Mọi quyền lực sẽ phải nhường bước trước quyền lực của Thiên Chúa khi triều đại của Ngài đến.
- Chúng ta đừng lui buớc hay chạy theo những quyền lực của thế gian, nhưng phải can đảm sống và làm chứng cho triều đại của Thiên Chúa, để xứng đáng được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa muôn đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

26/11/15 THỨ NĂM TUẦN 34 TN
Lc 21,20-28

Suy niệm: Những người Do Thái nghe lời Chúa cảnh báo hôm nay có lẽ không bận tâm chút nào như chúng ta ngày nay nghe nói về ngày cuối cùng của thế giới này. Chúng ta không dám nhìn nhận sự thật. Thế nhưng, những lời Thiên Chúa báo trước qua các ngôn sứ và việc Chúa Giê-su cảnh báo về ngày Giê-ru-sa-lem bị tàn phá bình địa đã thực sự ứng nghiệm khi người Rô-ma san bằng Giê-ru-sa-lem vào năm 70. Lý do đưa đến sự điêu tàn này, Chúa Giê-su nói rõ, đó là vì con người “không biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,44). Phủ nhận sự hiện diện của Chúa, từ chối đón nhận Chúa, khước từ nghe lời Chúa, là nguyên cớ mọi thứ sụp đổ, kể cả sự sụp đổ tâm hồn. Nếu chúng ta không kết thúc sự lì lợm trong tội lỗi nơi chúng ta, thì sự lì lợm đó sẽ kết thúc chúng ta. Vì vậy, Chúa cho chúng ta một vận hội mới, đó là “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên”: đứng thẳng để vượt khỏi sự lì lợm trong tội lỗi; ngẩng đầu lên tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất.
Mời Bạn: Trong những ngày cuối năm phụng vụ này, chúng ta được khích lệ dành thì giờ gặp Chúa và chỉnh đốn lại đời sống đức tin. Mong bạn tận dụng vận hội mới này để vượt thoát sự hoang tàn của linh hồn và cuộc đời bạn.
Sống Lời Chúa: Dành thì giờ để kiểm điểm đời sống đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Đấng ban sự sống, luôn cho chúng con một vận hội mới trong mọi hoàn cảnh. Xin cho chúng con luôn biết tận dụng ơn Chúa để làm mới lại cuộc đời con và hưởng được ơn cứu độ.



Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG MƯỜI MỘT
Mỗi Đứa Trẻ Đều Mang Một Sứ Điệp Về Lòng Tín Thác
Mỗi khi một đôi bạn đến trước bàn thờ để cử hành Bí Tích Hôn Phối, Giáo Hội kêu cầu Chúa Thánh Thần để Ngài biến đổi tâm hồn họ – một sự biến đổi trở thành một nền tảng vững chắc cho giao ước hôn nhân của họ.
Sự biến đổi thâm sâu này cũng là một sự thánh hiến đặc biệt của hôn nhân (Humanae vitae 25). Khi người nam và người nữ cam kết dấn thân cho nhau, họ thánh hiến linh hồn và thân xác họ cho Thiên Chúa bằng một cách thế mà một đời sống gia đình trọn vẹn có thể nảy sinh từ sự kết hợp đó: một sự hiệp thông của tình yêu và sự sống được diễn tả trong một cộng đồng nhân vị.
Những người vợ và chồng nhận sự hiệp thông này từ Thiên Chúa như một món quà. Đây là một quà tặng mà họ phải ân cần chăm sóc và đào sâu qua tháng năm. Cùng với nhau, họ đem lại sự sống từ mối hiệp thông yêu thương thâm sâu này. Con cái họ trở thành một dấu hiệu và một hoa trái của tình yêu vốn là quà tặng của Thiên Chúa ấy. Với sự chào đời của đứa con, một điều vốn cần đến tình yêu dâng hiến, họ khám phá rằng sự kết hợp của họ trong tình yêu đã đào sâu tới mức bao gồm một con người khác. Họ nhận ra sự thực trong những lời sau đây của nhà hiền triết Ấn Độ R. Tagore: “Mỗi đứa trẻ được sinh ra mang theo với nó sứ điệp rằng Thiên Chúa không mất lòng tín thác vào con người”.
Công Đồng Vatican II dạy rằng những cha mẹ có trách nhiệm phải cân nhắc đến “thiện ích của mình và thiện ích của con cái mà mình đã sinh ra hoặc chưa sinh ra, phải biết đọc những dấu chỉ của thời đại và của hoàn cảnh riêng mình trên phương diện vật chất và tinh thần, và cuối cùng phải biết đánh giá về thiện ích của gia đình, của xã hội và của Giáo Hội” (MV 51).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 26-11
Đn 6, 12-28; Lc 21, 20-28.


LỜI SUY NIỆM: “Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành.” (Lc 21,20).
Những ngày gần cuối năm phụng vụ. Giáo Hội dùng Lời Chúa để nhắc nhở tất cả mọi tín hữu, phải tỉnh thức, sám hối và cầu nguyện, để tinh thần chờ đón Chúa đến trong ngày sau hết của đời mình không còn là một sự sợ hãi, nhưng là ngày hưởng trọn niềm vui, vì được gặp được Thiên Chúa như lòng mong ước suốt cuộc sống của mình.
Mạnh Phương

26 Tháng Mười Một
Vui Với Người Vui, Khóc Với Kẻ Khóc
Cha Pierre, người sáng lập phong trào Emmaus, chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được nơi cư ngụ và tự lực cánh sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một trong những kỷ niện mà ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia đình tôi gồm có tất cả 8 anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập trung lại với nhau để đi đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi đã phạt tôi bằng cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em tôi trở về, ai cũng nói huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái độ đó càng làm tôi bực tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với một người anh như sau:" Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý nghĩa gì". Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi nơi khác.
Ba tôi đang đau liệt trong phòng của ông. Tình cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông cho gọi tôi vào. Lúc đó tôi mới hiểu được sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm của cha tôi. Nhưng cha tôi đã không la rày tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi:" Con không biết rằng con vừa nói một lời lẽ xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là người quan trọng nhất sao? Tại sao con không bằng lòng khi những người khác được sung sướng?"
Lúc đó tôi mới hiểu rằng ba tôi đau khổ trong thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội trong tinh thần vì tính xấu xa của tôi.
Tôi không bao giờ quên được câu chuyện trên đây. Và có lẽ đây là câu chuyện đánh dấu cả cuộc đời còn lại của tôi.
Ba nguyên tắc cơ bản hướng dẫn đời sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre sáng lập, trước hết đó là lao động. Các thành phần của cộng đồng Emmaus không chấp nhận bất cứ một sự dâng cúng nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng đồng đều ý thức về giá trị của việc làm và sự đóng góp của mình.
Nguyên tắc thứ hai đó là đời sống cộng đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào quỹ chung của cộng đoàn. Từ 30 năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được chi dùng cho đời sống của cộng đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo khổ túng thiếu hơn.
Nguyên tắc thứ ba là phục vụ. Ðây là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời sống cộng đoàn. Phục vụ có nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người khác làm chính đau khổ của mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui của mình.
Có lẽ nguyên tắc cơ bản mà cha Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của ngài chính là bài học mà ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: "Con không bằng lòng khi thấy những người khác được hạnh phúc ư?".
Nguyên tắc trên đây cũng là lời khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của ngài:"Vui với người vui, khóc với kẻ khóc".
Dù sống trong địa vị nào trong xã hội, dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn, mọi người đều được mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc đơn sơ và cơ bản nhất trong cuộc sống chung vẫn là:" Lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của chính mình".
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét