Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

29-11-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG năm C

29/11/2015
Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm C
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm C
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C
(Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36)
Chủ đề: SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN CỨU ĐỘ
Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, 
vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28)
Mùa Vọng là mùa của hân hoan và mong đợi với hai tâm tình chính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng sinh, lễ kính nhớ Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày quang lâm. Giữa hai tâm tình đó, còn có một tâm tình thứ ba là sống tốt giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức và sẵn sàng. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp các Kitô hữu sống tốt các tâm tình trên.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC I (Gr 33,14-16)
Bài đọc này được trích trong phần được gọi là “sách an ủi Israel” (Gr 30-33), thuộc sách Ngôn Sứ Giêrêmia. Vào thời của Ngôn Sứ Giêrêmia, Israel đang gặp phải cảnh bi đát cả về đời sống tôn giáo lẫn chính trị xã hội. Dân bất trung với Thiên Chúa nên Người để mặc họ lọt vào tay quân thù xâm chiếm. Thành thánh Giêrusalem bị vây hãm và phá hủy, dân chúng phân tán và bị đưa đi lưu đày ở Babylon.
Khi dân chúng đang sống trong tình cảnh tuyệt vọng của thời lưu đày như thế, thì Ngôn Sứ Giêrêmia thắp lên niềm hy vọng bằng lời loan báo rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện điều tốt lành với dân vì Người không quên lời đã hứa. Thiên Chúa sẽ ban một “Đấng Công chính” để giải thoát dân Người: “Trong những ngày ấy… Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp vua Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình… Giuđa sẽ được cứu thoát… Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp”.
Đây là lời loan báo về Đấng Mêsia sẽ đến trong lần thứ nhất. Lời loan báo này là động lực khiến dân Israel xưa cũng như các Kitô hữu hôm nay có thể bắt đầu lại mà canh tân đời sống với niềm hy vọng được ơn cứu thoát.
2. BÀI ĐỌC II (1Tx 3,12-4,2)
Thánh Phaolô đã thiết lập giáo đoàn Thêxalônica trong giai đoạn đầu của cuộc hành trình truyền giáo thứ II (khoảng năm 50). Vào thời đó, các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi sống mãnh liệt niềm tin về Chúa Giêsu Kitô sẽ đến lần thứ hai trong nay mai, ngay lúc họ đang sống.
Trong bối cảnh như thế, sau khi rời cộng đoàn ít lâu để đi tiếp trong hành trình truyền giáo, thánh Phaolô viết thư I Thêxalônica để khuyên nhủ các Kitô hữu hãy vững tin và chờ đợi Đức Kitô sẽ trở lại trong vinh quang. Niềm tin và sự chờ đợi này sẽ định hướng lối sống của họ, chứ không phải là sự chờ đợi suông. Quả thật, trong khi chờ đợi, các Kitô hữu cần sống bác ái với nhau: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đặm đà thắm thiết. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, thánh thiện không có gì đáng chê trách… trong ngày Đức Giêsu quang lâm”.
Đây cũng là tinh thần chúng ta cần phải có để sống tâm tình thứ ba của Mùa Vọng “sống tỉnh thức và sẵn sàng” ngay ở giây phút hiện tại.
3. BÀI TIN MỪNG (Lc 21,25-28.34-36)
Đoạn Tin Mừng này nằm trong phần diễn từ cánh chung luận của Đức Giêsu. Diễn từ này nói về những sự việc sẽ xảy đến vào những ngày cuối cùng của thế giới dựa trên lời tiên báo về Thành thánh Giêrusalem sẽ bị sụp đổ và Đền Thờ sẽ bị tàn phá. Đây như là một tai hoạ mang tính biểu tượng cho sự sụp đổ của thế giới này trong ngày tận thế hầu cảnh tỉnh người môn đệ phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Bài Tin Mừng đề cập đến mặt trời, mặt trăng, các vì sao, dưới đất, mây trời,… làm liên tưởng đến cuộc tạo dựng trong St 1,2. Tuy nhiên, nếu trong St, những yếu tố đó nằm trong trật tự là dấu hiệu khởi đầu của vũ trụ, thì ở đây lại nằm trong sự lay chuyển theo lối văn chương khải huyền, báo hiệu cho ngày tận cùng của vũ trụ, khi “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trên đám mây mà đến”. Trước những dấu hiệu này, các Kitô hữu không có gì phải lo lắng, ngược lại hãy vui mừng và hy vọng: “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được giải thoát”.
Như thế, ngày tận thế đối với các Kitô hữu lại trở thành ngày đáng mong đợi nhưng cũng đầy yếu tố bất ngờ “như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Do đó, người ta không thể chờ đợi ngày đó cách thụ động mà phải có thái độ sẵn sàng qua việc tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Tỉnh thức là “chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”. Nhờ đó, “họ có thể đứng vững trước mặt Con Người” trong ngày cánh chung.
Cũng có chủ đích như bài đọc II, bài Tin Mừng này giúp chúng ta hướng về ngày Đức Kitô lại đến trong vinh quang bằng cách sống tỉnh thức và sẵn sàng ở giây phút hiện tại trong Mùa Vọng này.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Trong những ngày ấy… Ta sẽ cho mọc lên… một Đấng Công chính; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình… Giuđa sẽ được cứu thoát… Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp”. Khi dân Israel lâm vào tình cảnh bi đát, thất vọng tột cùng trong thời lưu đày, lại là lúc được thắp lên một niềm hy vọng mãnh liệt nhất: Thiên Chúa là Đấng yêu thương, Người không quên lời đã hứa nên Người sẽ ban “Đấng Công Chính” đến để giải thoát Israel, với điều kiện là dân phải biết khơi dậy lại niềm tin, vực lại niềm hy vọng và củng cố niềm yêu mến. Mùa vọng là mùa chuẩn bị để kỷ niệm việc “Đấng Công Chính” đã đến để giải thoát dân Israel xưa cách đây khoảng 2016 năm, chúng ta có sống tâm tình của Israel thời hậu lưu đày, đó là có tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa với tâm tình yêu mến không?
2. Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đặm đà thắm thiết”. Mùa Vọng thúc đẩy chúng ta hướng về ngày Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang để ban cho chúng ta ơn giải thoát trọn vẹn. Đây không phải là sự chờ đợi suông mà là một sự chờ đợi sẽ định hướng lối sống của các Kitô hữu và cần được thể hiện qua hành động bằng cách thể hiện tinh thần bác ái đối với nhau và với người khác và trong tinh thần kiến tạo hòa bình. Trong bài giảng lễ sáng thứ Năm ngày 19/11/2015, tại nhà nguyện thánh Marta, ĐGH Phanxicô nhắc nhở: “Ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề, sẽ có đèn chớp sáng, sẽ có lễ hội, tiệc tùng, những cây thông trang trí đủ màu sắc, và có cả máng cỏ với hang đá … Tất cả đều được trang hoàng đẹp đẽ. Nhưng ở ngoài kia, thế giới vẫn có chiến tranh. Những cuộc chiến lại tiếp tục xảy ra. Người ta thực sự không hiểu được đường lối của hòa bình”. Chúng ta chuẩn bị đón Hoàng Tử Bình An đến trong ngày lễ Giáng Sinh bằng tâm tình nào? Chúng ta chuẩn bị những hang đá nguy nga, những cây thông cao vút, những tháp đèn sao lộng lẫy, những hoạt cảnh công phu… Những việc bề ngoài đó có đi đôi với việc chuẩn bị tâm hồn tĩnh lặng, kiến tạo hòa bình trong gia đình và môi trường sống của mình, với tinh thần bác ái hay không?
3. “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”. Nhớ lại cách đây mấy năm, người ta dựa vào lịch Maya để đồn rằng ngày tận thế có thể xảy đến vào ngày 21/12/2012. Hoặc mới đây, Mục Sư Efraid Rodriguez đã tiên đoán rằng một thiên thạch khổng lồ đang trên đường tới Trái đất và có khả năng va chạm mạnh với hành tinh xanh vào khoảng cuối năm 2015; rồi hiện tượng Bốn mặt trăng máu, như được mô tả trong cuốn sách cùng tên của mục sư nổi tiếng người Mỹ John Hagee, sẽ xuất hiện vào khoảng 24-28/9. Đó là các dấu chỉ của ngày tận thế. Các tin đồn tương tự như thế cứ lặp lại hằng năm vào thời điểm nào đó. Những tin đồn loại này làm cho nhiều người hoang mang lo sợ khiến người ta lo xây dựng những ngôi nhà kiên cố dưới lòng biển, lo mua lương thực dự trữ, đèn dầu phòng cơ để tránh nạn nếu ngày đó xảy ra. Khi phải đối diện với những tin đồn như trên, chúng ta có thái độ nào? Có phải chúng ta lo chuẩn bị những phương tiện vật chất để phòng đại họa, hay là chuẩn bị tâm hồn, không để mình sa vào chè chén say sưa, lo lắng sự đời? Ngày ấy đến bất chợt như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu, nên chúng ta có thể lỡ cơ hội nếu không cảnh giác. Vậy đâu là những cám dỗ trong cuộc sống của thời đại hôm nay khiến chúng ta mất cảnh giác, thiếu tỉnh thức và không sẵn sàng hầu có thể ngẩng cao đầu ra đi đón Chúa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ và tất cả chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Trong niềm khao khát mong đợi và sẵn sàng cho ngày Người trở lại vào thời sau hết, chúng ta cùng tha thiết cầu nguyện:
1. Hội Thánh có sứ mạng thức tỉnh nhân loại và loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, cách riêng cho các bậc chủ chăn luôn hăng hái nhiệt tình và biết dùng những phương thế Chúa ban để chu toàn sứ mạng.
2. Kỳ thị, hận thù và bạo lực đang gây ra biết bao đau thương cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, mọi dân tộc được gia tăng ý thức tôn trọng và liên đới, luôn đối xử với nhau trong tình bác ái yêu thương như lời thánh Phaolô khuyên nhủ.
3. Chúa nói: “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết giữ tâm hồn thanh sạch, quyết tâm xa lánh tội lỗi, và tích cực làm việc lành, hầu mỗi ngày trở nên xứng đáng hơn trước mặt Chúa.
4. “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì các con sắp được cứu rỗi.” Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta luôn ý thức và tự hào về ơn gọi cùng sứ mạng của mình, không ngừng nỗ lực trở nên chứng tá cho tình yêu và sự hiện diện của Chúa ở giữa thế gian.
Chủ tếLạy Chúa, chúng con đang khao khát đợi chờ ngày Con Chúa quang lâm; xin nhận lời nài xin của chúng con và giúp chúng con luôn tỉnh thức cầu nguyện, giữ vững đức tin cùng niềm hy vọng cho tới ngày Đức Kitô ngự đến. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chủ đề :
Hướng về ngày Chúa đến

"Khi những biến cố ấy xảy đến,
anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên"

(Lc 21,28)
Sợi chỉ đỏ :
Các bài đọc của Chúa nhật này bắt đầu đề cập đến ý tưởng chính của Mùa Vọng, đó là Ngày Chúa đến.
- Trong bài đọc I (Gr 33,14-16), ngôn sứ Giêrêmia bảo đảm với dân Israel là Thiên Chúa sẽ sai Đấng Messia đến giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày. Đó là lần thứ nhất Chúa đến.
- Trong bài Tin Mừng (Lc 21,25-27.34-36), thánh Luca mượn ngôn ngữ khải huyền của Cựu Ước để nói về lần về lần thứ hai Chúa đến, đó là ngày Quang Lâm.
- Và trong bài đọc II (1 Tx 3,12--4,2), Thánh Phaolô dạy tín hữu bồi dưỡng tình yêu để đón Chúa đến lần thứ hai.

I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Phụng vụ Mùa Vọng luôn nhắc chúng ta nghĩ tới việc Chúa đến. Lý do là vì chúng ta đang sống giữa hai lần Chúa đến : lần thứ nhất Chúa đến tại Bêlem một cách khiêm tốn âm thầm trong những yếu đuối của thân phận làm người ; lần thứ hai Ngài sẽ lại đến trong vinh quang uy quyền của một Vị Vua nắm quyền cả vũ trụ. Thánh Phaolô nói rằng trong thời gian giữa hai lần đó, cứ mỗi năm trôi qua thì "ơn cứu độ của chúng ta gần hơn khi chúng ta mới tin đạo".
Xin Chúa giúp chúng ta hiểu chúng ta cần Chúa như thế nào để chúng ta tích cực chuẩn bị đón Ngài đến với chúng ta.

II. Gợi ý sám hối
- Hôm nay là bắt đầu một năm Phụng vụ mới. Nhìn lại năm cũ, chúng ta nhận thấy có rất nhiều thiếu sót lỗi lầm. Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp chúng ta làm lại cuộc đời trong năm mới này.
- Chúa rất thường đến với chúng ta, phần chúng ta thì ít khi đến với Chúa.
- Nhiều khi Chúa muốn đến với tâm hồn chúng ta nhưng Ngài không vào được vì lòng chúng ta đã dành hết chỗ cho những đam mê trần tục.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Gr 33,14-16)
Giêrêmia là một ngôn sứ đã chứng kiến những trang lịch sử đau buồn nhất của đất nước : dân Chúa bất trung với Ngài ; quân thù vây hãm Giêrusalem ; mất nước ; lưu đày. Là sứ giả của Lời Chúa trong bối cảnh như thế, Giêrêmia bó buộc phải gióng lên những lời nói chói tai để tố cáo tội lỗi của dân mình và tha thiết kêu gọi họ sám hối.
Thế nhưng khi dân đã bị lưu đày, Ngôn sứ đổi giọng. Trích đoạn này nằm trong phần "sứ điệp cứu độ" (các chương 26-35). Ông báo cho dân biết rằng cảnh lưu đày sẽ không kéo dài lâu, vì sẽ tới những ngày Thiên Chúa sẽ gởi đến Một Đấng cứu thoát họ : "Trong những ngày ấy… Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính… Giuđa sẽ được cứu thoát… Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp…"
Rõ ràng đây là lời hứa về lần đến thứ nhất của Đấng Messia.
2. Đáp ca (Tv 24)
Bài thơ này là lời cầu nguyện của kẻ đang đau khổ và tỏ bày tâm tình sám hối.
Từ chìa khóa trong trích đoạn được chọn đọc trong Thánh lễ hôm nay là "đường, lối" : đường lối duy nhất để thoát khỏi cảnh khổ sầu và đến được ơn cứu thoát chính là đường lối của Chúa, đường chính trực, đường chân lý, đường yêu thương, đường giao ước…
3. Tin Mừng (Lc 21,25-27.34-36)
Đoạn Tin Mừng này nằm trong Diễn từ chung luận trong đó Chúa Giêsu nói về những việc sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng của thế giới.
1. Các câu 25-28 : nói về ngày tận thế và Quang lâm. Tất cả những thế lực mà xưa nay người ta dựa vào vì coi là vững chắc (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển...) đều bị lay chuyển để nhường cho quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó, "muôn dân" (tức là những kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị lung lay, nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.
2. Các câu 34-36 : nói về đến thái độ mà môn đệ Chúa Giêsu phải có.
- Thái độ thứ nhất là chú ý tới việc quan trọng là đón Chúa đến : không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện thế gian... Nếu bất cứ lúc nào cũng nghĩ đến việc Chúa đến thì dù cho có thình lình, đột ngột, họ cũng không ngỡ ngàng.
- Thái độ thứ hai là kiên trì trong việc cầu nguyện liên lĩ : cầu nguyện để xin Ngài mau đến, cầu nguyện để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài.
4. Bài đọc II (1 Tx 3,12--4,2)
Thánh Phaolô viết bức thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônikê trong viễn cảnh Chúa sẽ đến lần thứ hai.
Vì nghĩ rằng Chúa sắp đến rồi, nên các tín hữu Thêxalônikê sống buông thả, lười biếng. Từ đó sinh ra nhiều tệ nạn khác. Thánh Phaolô cho rằng đó không phải là thái độ đúng đắn. Thái độ đúng đắn là phải bồi dưỡng tình thương : "Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết… Có như thế thì… anh em mới được bền tâm vững chí không có gì đáng chê trách… trong ngày Chúa Giêsu quang lâm"

IV. Gợi ý giảng
* 1. Suy nghĩ đầu năm phụng vụ mới
Hoa trên đồi có tàn đi thì cũng nở lại vào năm sau.
Tuổi xuân con người một khi tàn phai thì không bao giờ nở lại.
Mặt trời mọc lên buổi sáng, buổi chiều lặn đi, nhưng sáng hôm sau mọc lại.
Đời người dần trôi về lúc hoàng hôn và không bao giờ có bình minh nào khác.
Tại sao mỗi người chỉ có một đời ? Tại sao con người không có cơ hội khác ?
Thôi đừng thắc mắc và cũng đừng thở than. Hãy ý thức rằng cuộc đời là một món quà tặng ; vì nó chỉ có một nên nó vô cùng quý giá.
Xin Chúa cho chúng con biết tận dụng những cơ hội của đời này, bởi vì chỉ có thế chúng con mới đến được đời sau, một cõi đời không bao giờ tàn úa, một cõi đời mãi mãi sáng tươi.
* 2. Giữa tối tăm bừng lên một tia sáng
Trong bài đọc I, Ngôn sứ Giêrêmia mô tả cuộc sống trong một thời tăm tối bi quan : trong nội bộ dân Chúa thì bất trung tội lỗi ; từ bên ngoài thì hiểm họa xâm lăng lúc nào cũng rình chờ. Thế mà Giêrêmia vẫn có thể thốt lên những lời dự đoán đầy lạc quan : "Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp". Từ trong tối tăm của hiện tại, Giêrêmia vẫn thấy trước tia sáng của tương lai, bởi vì Giêrêmia tin vào nguồn sáng là Thiên Chúa : "Đức Chúa là sự công chính của chúng ta".
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng : "Sẽ có những điềm lạ trên trời…. Dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang… Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc…" Mặc dù vậy, Ngài vẫn bảo môn đệ mình "Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc".
Chúng ta đang ở ngưỡng cửa một năm Phụng vụ mới. Nhìn tới tương lai, ai mà không khỏi lo lắng hoang mang vì bao gian truân đang sẵn chờ. Nhưng Lời Chúa hôm nay vẫn bảo chúng ta hãy lạc quan. Vì tương lai chỉ tối tăm mờ mịt khi vắng bóng Thiên Chúa. Còn đối với những người để Thiên Chúa dẫn dắt đời mình thì tương lai sẽ ngày càng tươi đẹp.
* 3. Hướng đi của lịch sử
Theo quan niệm thông thường của người đời, lịch sử đi theo vòng tròn : Hết xuân tới hạ, rồi thu, rồi đông, và sau đó trở lại chu kỳ Xuân Hạ Thu Đông. Theo quan niệm ấy, một năm trôi qua rồi sang năm khác với cũng những cảnh ấy, những việc ấy, những lao nhọc và khó khăn ấy.
Nhưng theo quan niệm Thánh Kinh, lịch sử đi theo đường thẳng và hướng đến một tương lai tốt đẹp do Chúa sắp sẵn cho những ai biết cùng Ngài hành trình trên con đường dương thế. Chính vì nghĩ thế nên Thánh Phaolô nói với tín hữu của Ngài rằng cứ mỗi năm trôi qua thì "ơn cứu độ của chúng ta gần hơn khi chúng ta mới tin đạo".
Hôm nay bắt đầu một năm Phụng vụ mới, chúng ta hãy quyết tâm sẽ đồng hành cùng Chúa trong suốt năm này, để mỗi ngày một tiến gần hơn tới ơn cứu độ.
* 4. Hướng lòng về Ngày Chúa đến
1/ Ý nghĩa mùa Vọng
Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào mùa Vọng. Vọng là hướng về, là chờ đợi. Mùa Vọng là thời gian để chúng ta hướng lòng về ngày Chúa đến, đồng thời chờ đợi Chúa đến. Chúa đến để khai mạc một thời đại mới, thời đại hết sức tốt đẹp hơn, tràn đầy hạnh phúc.
Chúa đến thế gian này hai lần, lần thứ nhất đã đến rồi, và lần thứ nhì chưa đến nhưng chắc chắn sẽ đến. Vì thế, mùa Vọng có hai ý nghĩa :
- Thứ nhất : chuẩn bị đón mừng kỷ niệm biến cố Chúa đến lần thứ nhất cách đây 2000 năm.
- Thứ hai : chuẩn bị đón Chúa đến lần thứ hai. Lần này, chúng ta không biết sẽ xảy ra vào lúc nào. Có thể còn lâu, nhưng cũng có thể đến nơi rồi. Ngài nói Ngài sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm.
Tuy nhiên, biến cố quan trọng này vẫn có thể biết trước, nhất là đối với những tâm hồn tỉnh thức, luôn luôn chuẩn bị đón chờ, vì có những điềm báo trước. Thánh Phaolô viết : «Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói : "Bình an biết bao ! Yên ổn biết bao !", thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống (…) chẳng ai trốn thoát được. Nhưng thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày» (1 Tx 5,2-5).
2/ Chờ đợi «Trời mới đất mới», một kỷ nguyên tốt đẹp sẽ đến
Mùa Vọng là thời gian thuận lợi để Giáo Hội nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị và sẵn sàng đón chờ Chúa đến. Chúa đến để khai mở một kỷ nguyên mới : «Này đây, Ta sẽ sáng tạo trời mới đất mới» (Is 65,17a ; xem 66,22), nghĩa là một kỷ nguyên thanh bình, hạnh phúc, được ngôn sứ Isaia diễn tả như sau : «Sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, và sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này cũng như nước lấp đầy lòng biển»(Isaia 11,6-9). Kỷ nguyên này không còn chiến tranh, bất công, hận thù, không còn nước mắt, đau khổ. Mọi người đều thỏa mãn, an vui, hạnh phúc.
Vì thế, ngày Chúa đến là một ngày hết sức vui mừng cho những người sống tốt lành, khiêm nhường, yêu thương người khác. Ngày đó là ngày những người tốt lành hằng mong chờ, vì đó là ngày thiện vĩnh viễn thắng ác, là ngày Thiên Chúa toàn thắng ma quỉ cùng những thế lực xấu xa, là ngày ơn cứu chuộc được thể hiện tràn đầy, viên mãn. Ma quỉ cùng với sự ác, sự chết, đau khổ vĩnh viễn bị tiêu diệt khỏi thế giới người sống, và bị trừng trị đích đáng. Đó là một ngày đáng vui mừng hơn bất kỳ ngày nào !
Nhưng ngày đó cũng là ngày hết sức khủng khiếp cho những kẻ không yêu thương người chung quanh, những kẻ lãnh đạm trước những đau khổ của người khác, những kẻ sống bất lương, kiêu căng, gây tội ác, tạo bất công. Ngày đó Thiên Chúa sẽ hết sức thịnh nộ và không còn khoan nhượng đối với những phường gian ác. Ngài phán với họ : «Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và những kẻ theo nó. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp» (Mt 25,41.46).
3/ Ngày đó có thể sắp đến
Kinh Thánh cho biết những điềm sẽ xẩy ra báo trước ngày ấy : các ngôn sứ giả, chiến tranh, đói kém, động đất, lụt lội, các thứ dịch tễ, tai họa… (xem Mt 24,4-8), các tội ác, tình trạng đạo đức giảm sút, lòng người ra khô khan nguội lạnh, tôn giáo thì đa số vụ hình thức mà lơ là điều cốt lõi là mến Chúa yêu người đích thật… Những điềm báo trước đó ngày càng thể hiện rõ rệt trong thời đại chúng ta. Vì thế, ta biết ngày Chúa đến không còn xa lắm, nó có thể sắp đến, một cách bất chợt.
Đức Kitô nói ngày ấy đến như kẻ trộm, điều đó không chỉ có ý nghĩa thời gian (tức vào thời điểm không ngờ được), mà có thể còn là hình thức (cách xảy đến cũng không ngờ được). Nghĩa là Chúa đến có thể theo một cách khác hẳn với cách mọi người thường nghĩ.
Ngày ấy là ngày Chúa phán xét, nên điều hết sức quan trọng là vào ngày ấy, chúng ta phải là người trong sạch, tốt lành, không có gì đáng chê trách trước mặt Chúa, nhất là về lòng yêu thương và cách xử sự đối với mọi người. Khi phán xét, Ngài phán xét ta chủ yếu về điều ấy.
4/ Hãy chuẩn bị sẵn sàng
Vì ta không biết ngày nào Ngài đến, nên khôn ngoan nhất là lúc nào ta cũng nên sẵn sàng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô cũng khuyên ta như vậy : «Anh em hãy đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất». Chuẩn bị như thế nào ? Đức Kitô khuyên ta : «Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn».
- Tỉnh thức là luôn luôn tỉnh táo ý thức rằng ngày ấy có thể đến bất kỳ lúc nào, nên lúc nào cũng sẵn sàng như thể Chúa sẽ đến vào ngay ngày mai, hay chốc lát nữa. Thái độ sẵn sàng đó chắc chắn không làm ta thiệt hại, mà giúp ta sống khôn ngoan, hạnh phúc hơn. Hình ảnh hay nhất minh họa sự tỉnh thức là thái độ của người canh kẻ trộm, không dám ngủ thiếp đi một phút nào.
- Cầu nguyện không phải chỉ là đọc kinh, mà là tâm trạng luôn hướng về Chúa, sẵn sàng làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Cầu nguyện là hợp nhất với Thiên Chúa trong tâm tình yêu thương, nhất là trong ý hướng và hành động. Hãy luôn luôn muốn và thực hiện những điều Chúa muốn.
Có như vậy, chúng ta mới «đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người».
***
Lạy Cha, hiện nay, đã có biết bao nhiêu điềm báo hiệu ngày quang lâm của Chúa Giêsu. Ngày ấy có thể đã gần tới. Vì thế, xin Cha giúp con biết chuẩn bị cho ngày ấy, và sẵn sàng để bất kỳ lúc nào Ngài đến, Ngài cũng có thể hài lòng về con, về cách sống của con, về tình thương của con đối với mọi người, và về cách đối xử tốt đẹp của con đối với những người chung quanh con. Xin giúp con luôn tỉnh thức trong tinh thần cầu nguyện, như Chúa Giêsu đã khuyên nhủ mọi người trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen (Nguyễn chính Kết)
* 5. "Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên"
Thời Đức quốc xã thế chiến II. Một thanh niên 17 tuổi bị giam, vượt ngục, bị bắt lại và bị lên án tử, anh viết thư cho cha mình :
            "Thưa ba, con cảm thấy rất khó khi viết bức thư này, nhưng con phải báo cho ba hay là tòa án quân sự đã tuyên cho con một bản án rất nặng. Xin Ba đọc thư này một mình rồi sau đó tìm cách khéo léo kể lại cho má biết... Chỉ vài ngày nữa thôi, lúc 5 giờ sáng thì sự việc sẽ xảy đến... và con sẽ về với Chúa...
Phải chăng đó là một chuyến đi khủng khiếp ?.. Tuy nhiên giờ đây con thấy mình rất gần Chúa và con đang chuẩn bị chết... Con nghĩ điều đó thật là xấu đối với ba hơn là đôi với con. Vì con biết, con đã xưng hết mọi tội của con rồi. Bây giờ con rất bình an..." (Mark Link kể)
* 6. Tỉnh thức và cầu nguyện
Trong cuộc chiến khốc liệt giữa Pháp và Đức năm 1870, tại một bệnh viện Pháp, có một thương binh vốn là sĩ quan người Đức đang bị bắt làm tù binh. Một hôm, bác sĩ cho biết anh sẽ không qua khỏi vì vết thương ngày càng trầm trọng. Viên sĩ quan tỏ ra bất cần một cách ngạo nghễ và can đảm chờ đợi cái chết.
Chị y tá nữ tu Dòng Nữ Tử Bác ái Vinh Sơn vốn chăm sóc anh từ lâu, ân cần ngỏ ý khuyên anh nên xin gặp một vị linh mục để dọn mình trước khi chết. Anh nhận mình là người Công giáo nhưng đã bỏ đạo từ lâu, nên một mực từ chối lời đề nghị chân thành này.
Chị nữ tu vẫn dịu dàng nói :
- Nếu vậy, tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông mau hồi tâm trở về với Chúa.
Viên sĩ quan mỉa mai :
- Chỉ cực nhọc vô ích mà thôi
Chị nữ tu vẫn kiên nhẫn thuyết phục :
- Thú thật với ông, đã "16 năm" nay, các chị em trong Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho một người trở về cùng Chúa.
Viên sĩ quan ngạc nhiên :
- 16 năm rồi cơ à ? Thế người được các chị cầu nguyện chắc "phải là ân nhân của nhà Dòng ?
Chị nữ tu trả lời :
- Cách đây rất lâu, mẹ tôi là người hầu cho một nữ Nam tước người Đức. Trong một lần tôi tới thăm mẹ, bà Nam tước biết tôi là nữ tu nên đã xin cầu nguyện cho con trai bà. Anh đã mất đức tin, sống phóng túng, đam mê danh vọng và quyền lực. Đã 16 năm qua, tôi và cả Nhà Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho anh.
Người sĩ quan gặng hỏi :
- Thế mẹ của chị có phải là bà Béate không ?
Chị nữ tu vô càng ngạc nhiên :
- Nhưng tại sao ông lại biết tên mẹ tôi ?
Đến đây thì viên sĩ quan nghẹn ngào thú nhận :
- Thưa chị, tôi chính là Nam tước Charles, con trai của nữ Nam tước mà mẹ chị đã tận tuỵ hầu hạ bấy lâu. Chính tôi là người mà chị và Nhà Dòng đã cầu nguyện cho suốt 16 năm qua.
Có nhiều người sống như không bao giờ phải chết. Có nhiều người sống như thể thế giới sẽ vô tận. Có nhiều người sống như thế gian này đã là thiên đàng. Họ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Trái tim họ "ra nặng nềvì chè chén say sưa".
Họ bị Chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống hiện tại, mà quên tìm lẽ sống thật.
Họ bị cuốn hút bởi đam mê danh vọng, quyền lực mà quên đi có những cái bất ngờ sẽ đến.
Viên sĩ quan trong câu chuyện trên đây là một điển hình.
Cuộc sống con người không thiếu những bất ngờ :
Có những bất ngờ thú vị làm cho chúng ta vui sướng khôn nguôi.
Có những bất ngờ bi thảm khiến chúng ta đau khổ tột cùng.
Mùa Vọng nhắc lại lần đến đầu tiên của Con Thiên Chúa, và kêu gọi chúng ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Người. Ngày đó khi nào xảy đến, chẳng ai biết được. Nó đến bất ngờ như chiếc lướichụp xuống mọi người sống trên mặt đất" (Lc 21,35). Giữa hai lần ấy có biết bao lần Người bất ngờ đến. Đó là ngày tận cùng của mỗi người chúng ta.
Mùa Vọng là mùa Tỉnh thức
Nếu chúng ta luôn "Tỉnh thức và cầu nguyện" (Lc 21,36), luôn sẵn sàng và thanh thoát, thì việc Người đến sẽ là một bất ngờ thú vị. Ngày đó, chúng ta sẽ không phải "lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét" (Lc 21,25), chúng ta sẽ không "sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc" (Lc 21,26), nhưng sẽ "đứng thẳng và ngẩng đầu lên" (Lc 21,28), vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu độ.
Lạy Đức Ki tô, ngày Chúa đến như vị Thẩm Phán, vũ trụ này sẽ xáo trộn sâu xa, nhưng xáo trộn kinh khủng nhất lại chính là xáo trộn trong cõi lòng.
Xin cho chúng con biết "tỉnh thức và cầu nguyện, để tâm hồn luôn sẵn sàng và thanh thoát. hầu khi Chúa đến sẽ là giây phút được mong đợi, và là một cuộc hạnh ngộ đầy hoan lạc và yêu thương. Amen (TP)
7. Những cây trường xuân
Trong quyển "The legend of the Bells", John Shea kể rằng sau khi tạo dựng các giống cây, Thiên Chúa muốn ban một món quà cho mỗi giống. Nhưng trước đó Ngài muốn làm một cuộc thử nghiệm để xem cây nào xứng đáng nhận món quà nào. Ngài bảo "Ta muốn các ngươi luôn tỉnh thức suốt 7 đêm".
Những cây trẻ rất nôn nao nhận quà nên thức suốt đêm chẳng có gì khó khăn. Tuy nhiên sang đêm thứ hai thì điều ấy không còn dễ nữa. Hoàng hôn vừa buông xuống là một số cây đã ngủ thiếp đi. Đêm thứ ba, số cây ngủ tăng thêm. Và cứ thế. Qua khỏi đêm thứ bảy thì chỉ còn một số cây còn thức, đó là cây tuyết tùng, cây thông, cây vân sam, cây linh sam, cây nhựa ruồi và cây nguyệt quế.
Thiên Chúa rất vui lòng với những cây này. Ngài phán : "Các ngươi đã kiên trì một cách rất đáng khen. Ta ban cho các ngươi món quà đặc biệt là được xanh tươi mãi mãi. Các ngươi sẽ là những cây bảo vệ cho cả khu rừng. Ngay cả khi giá lạnh mùa đông làm cho những cây khác phải chết thì các ngươi và con cháu các ngươi vẫn sống và mãi mãi xanh tươi".
Từ đó trở đi, người ta gọi những cây ấy là những cây trường xuân.
Kitô hữu phải là những cây trường xuân giữa khu rừng nhân loại. Thế giới chung quanh có thể ngủ vùi hoặc dần dà khô héo, nhưng kitô hữu vẫn tỉnh táo, vẫn thức, vẫn mọc lên những chồi xanh tốt bằng cuộc sống chứng nhân của mình. Nói cách khác, kitô hữu vẫn yêu thương giữa một thế giới hận thù, vẫn sống hòa thuận giữa một thế giới đấu tranh, vẫn giữ vững tâm hồn chính trực giữa một thế giới dối gian, vẫn hy vọng giữa một thế giới tuyệt vọng, vẫn tỏa ánh sáng rạng ngời giữa một thế giới tối tăm.
Nói một cách khác nữa, họ là những người thợ, những giáo viên, những y sĩ, những cha mẹ, những con cái v.v. lúc nào cũng tận tuỵ chu toàn trách nhiệm của mình. Họ chính là những cây trường xuân. (FM)
8. Chuyện minh họa về sự sẵn sàng
Một vị đan tu tên là Mésique. Bất trung với ơn gọi, ông đã sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng. Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đống hồ ấy. Ông xin người ta cho ông ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở đó suốt 12 năm trời. Hàng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên phá cửa đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ đang vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng trước khi ra đi : "Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ phạm tội."
Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho một người một ấn tượng sâu đậm. (Góp nhặt)
9. Bài giải thích của Thánh Bernard (+ 1153)
Các bạn đừng chỉ nghĩ tới lần Chúa ngự đến để "tìm và cứu những gì hư mất" (Lc 19,10) ; hãy nghĩ tới lần Ngài ngự đến để rước chúng ta đi theo Ngài nữa. Ước gì các bạn hãy suy gẫm sâu xa về hai lần ngự đến ấy, và nghiền ngẫm trong lòng về điều Ngài đã ban cho ta trong lần ngự đến thứ nhất, và điều Ngài hứa sẽ cho ta trong lần ngự đến thứ hai.
"Bởi lẽ thời phán xét đã đến, bắt đầu từ nhà của Thiên Chúa. Nếu việc đó bắt đầu từ chúng ta, thì cuối cùng số phận của những kẻ từ chối không chịu tin vào Tin Mừng của Thiên Chúa sẽ ra sao ?"(1 Pr 4,17) Cuộc chung thẩm sẽ thế nào đối với những kẻ không đứng vững trong cuộc phán xét này ? Tất cả những ai trốn tránh cuộc phán xét bây giờ, tức là cuộc phán xét làm cho thủ lãnh thế gian này bị ném ra ngoài, thì họ phải chờ đợi, hay nói đúng hơn là phải lo sợ cuộc phán xét sẽ làm cho họ cũng bị ném ra ngoài cùng với thủ lãnh của họ. Còn nếu chúng ta chịu phán xét đầy đủ bây giờ thì chúng ta hãy an tâm "mong đợi Chúa Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Ngài có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài" (Pl 3,20-21) "Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ" (Mt 13,43)
Khi Chúa đến, Ngài sẽ biến đổi thân xác khốn khổ của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài. Nhưng chỉ với điều kiện là trước đó tâm hồn chúng ta đã được biến đổi giống tâm hồn khiêm tốn của Ngài. Chính vì thế mà Ngài đã nói : "Hãy trở nên môn đệ Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm tốn trong lòng" (Mt 11,29).
Các bạn hãy khám phá trong đoạn Tin Mừng này hai loại khiêm tốn : một là khiêm tốn về nhận thức, hai là khiêm tốn về tình yêu tức là khiêm tốn trong lòng. Loại khiêm tốn thứ nhất dạy ta biết rằng ta chẳng là gì cả, chúng ta chỉ học biết do chính chúng ta và do sự yếu đuối của chúng ta mà thôi. Với sự khiêm tốn thứ hai, chúng ta chà đạp vinh quang của thế gian, và chúng ta được học biết từ chính Đấng tự huỷ mình đi, mang phận tôi đòi ; khi người ta muốn tôn Ngài lên ngôi thì Ngài lánh đi ; còn khi được gọi chịu mọi thứ hành hạ và nhục hình trên thập giá thì Ngài đã vui lòng tự hiến.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, nỗ lực sống thánh thiện, lấy tình bác ái huynh đệ mà đối xử với nhau, đồng thời luôn luôn tỉnh thức và không ngừng cầu nguyện, là những việc làm không thể thiếu được trong việc chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng sinh. Với tâm tình thiết tha trông đợi ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1. Hội thánh có sứ mạng công bố cho toàn thể thế giới biết rằng / Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi nước mọi dân / biết chân thành đón nhận lời công bố của Hội thánh.
2. Trên thế giới ngày nay / nạn kỳ thị chủng tộc vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi / đem đến vô vàn đau khổ cho những người bị kỳ thị / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi người / biết lấy tình bác ái mà đối xử với nhau.
3. Tửu sắc là nguyên nhân gây ra biết bao đổ vỡ trong đời sống hôn nhân và gia đình / biết bao tội ác trong đời sống xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang đắm chìm trong tửu sắc / biết mau mắn thức tỉnh / đổi mới đời sống / để đem lại hạnh phúc cho những người thân yêu / và nhất là để đón mừng ngày Ngôi Hai xuống thế làm người.
4. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu luôn cố gắng sống thánh thiện / nhất là sống bác ái yêu thương trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô ngự đến / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thành tâm lắng nghe / và tích cực thực hiện lời khuyên của vị tông đồ dân ngoại.
Chủ tế : Lạy Chúa là nguồn mọi ơn phúc, chúng con đang thao thức trông chờ ngày Chúa Giêsu Kitô, con Một Chúa hằng ưu ái, xuống thế làm người và ở cùng chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết chuẩn bị thật tốt tâm hồn, để xứng đáng đón mừng đại lễ Giáng sinh sắp tới. Chúng con cầu xin

VI. Trong Thánh Lễ
Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta hãy hướng lòng về Cha trên trời và tha thiết cầu xin Ngài khấng cho Con của Ngài đến thăm viếng chúng ta.
Trước lúc Rước Lễ : Chúa Giêsu sắp đến với tâm hồn chúng ta bằng chính Mình và Máu Thánh Ngài. Chúng ta hãy dọn lòng sẵn sàng để đón rước Ngài.

VII. Giải tán
"Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc". Lời của Chúa trong ngày bắt đầu Mùa Vọng kêu gọi chúng ta cố gắng sống công chính và luôn hướng lòng lên Chúa trong suốt thời gian Mùa Vọng này. Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI.

Lectio Divina: Chúa Nhật I Mùa Vọng (C)
Chúa Nhật, 29 Tháng 11, 2015
Biểu lộ của Con Người
Khởi đầu của thời đại mới 
Hãy chú ý!  Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào!
Lc 21:25-28, 34-36


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Phúc Âm theo thánh Luca 21:25-28, 34-36

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần này đưa chúng ta đến suy niệm bài giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế.  Ngày nay, khi chúng ta nói về tận thế, những phản ứng khá là đa dạng.  Có người thì sợ hãi.  Một số thì không quan tâm. Những người khác thì bắt đầu có cuộc sống nghiêm túc hơn. Còn một số khác, ngay khi họ nghe thấy một vài tin tức kinh hoàng, vẫn còn nói:  “Ngày tận thế đang gần kề!”  Còn bạn thì sao?  Ý kiến của bạn về vấn đề này là gì?  Làm thế nào mà lại vào lúc bắt đầu của năm phụng vụ, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Giáo Hội lại cho đối diện với chúng ta bằng sự kết thúc của lịch sử như thế?
Hãy ghi nhớ những câu hỏi này trong tâm trí, bây giờ chúng ta hãy cố gắng đọc bài Tin Mừng theo một cách mà nó có thể thách thức và chất vấn chúng ta.
Trong quá trình đọc bài đọc, chúng ta sẽ cố gắng không tập trung vào những điều đáng sợ hãi,  vào những gì cho chúng ta niềm hy vọng.
  
b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 21:25-26:  Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các tinh tú.   
Lc 21:27:  Con Người sẽ ngự đến trên đám mây
Lc 21:28:  Sự tái sinh hy vọng trong tâm hồn chúng ta.
(Lc 21-29-31:  Bài học về dụ ngôn cây vả.)
Lc 21:34-36:  Lời kêu gọi tỉnh thức.

c) Tin Mừng:

25 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. 26 Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. 27 Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. 28 Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
34 Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, 35 như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. 36 Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"


3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Bạn đã cảm thấy thế nào khi đọc bài đọc?  Tại sao?
b)  Bạn có gặp thấy bất cứ điều gì trong bài Tin Mừng đã cho bạn niềm hy vọng và lòng can đảm không?           
c)  Ngày nay điều gì khuyến khích người ta phải có hy vọng và tiếp tục sống?
d)  Tại sao vào lúc bắt đầu Mùa Vọng, Giáo Hội lại cho đối mặt với chúng ta về sự kết thúc của thế gian?” 
e)  Chúng ta sẽ trả lời ra sao với những người nói rằng ngày tận thế đã gần kề?
f)  Chúng ta hiểu được hình ảnh về Con Người ngự đến trên đám mây như thế nào?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.

i)  Bối cảnh về bài giảng của Chúa Giêsu  

Văn bản của bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này (Lc 21:25-28, 34-36) là một phần của việc gọi là “Bài Giảng Cánh Chung” (Lc 218-36).  Trong sách Tin Mừng của Luca, bài giảng này được trình bày như là câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của các môn đệ đặt ra cho Người.  Nhìn vào vẻ tráng lệ và nguy nga của đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nói:  “Không còn tảng đá nào đứng trên tảng đá nào!” (Lc 21:5-6).  Các môn đệ đang tìm kiếm thêm tin tức từ Chúa Giêsu liên quan đến việc sụp đổ của đền thờ, và các ông hỏi:  “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” (Lc 21:7).
  
·      Mục đích của bài giảng: giúp phân định các sự kiện
Vào thời Chúa Giêsu (năm 33), nhiều người, khi phải đối diện với thiên tai, chiến tranh và bách hại, nói rằng:  “Ngày tận ghế sắp đến rồi!”  Các cộng đoàn thời Luca (năm 85) cũng nghĩ như vậy.  Ngoài ra, trong lúc thành Giêrusalem bị phá hủy (năm 70) và cuộc bách hại các Kitô hữu, lúc ấy đã tiếp diễn suốt 40 năm, có những kẻ đã nói rằng:  “Thiên Chúa không còn kiểm soát được các sự kiện của cuộc sống nữa! Chúng ta bị bại rồi!”  Do đó, điểm chính của bài giảng là để giúp các môn đệ nhận ra các dấu chỉ thời đại để không bị phỉnh lừa bởi những lời nói liên quan đến ngày tận thế:  “Các con hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt!” (Lc 21:8).  Bài giảng trình bày một số dấu chỉ để giúp chúng ta trong việc phân định.

·      Sáu dấu chỉ để giúp chúng ta phân định các sự kiện của cuộc sống
Sau lời giới thiệu ngắn (Lc 21:5) bài giảng chính thức bắt đầu.  Chúa Giêsu liệt kê, trong phong cách khải huyền, các sự kiện có thể được nhìn thấy như là những điềm chỉ.  Điều quan trọng là phải nhớ rằng Chúa Giêsu đang còn sống và nói năng vào năm 33, nhưng các độc giả của Luca đang sống và lắng nghe Lời Chúa Giêsu vào khoảng năm 85.  Nhiều điều đã xảy ra trong khoảng thời gian giữa các năm 33 và 85, ví dụ:  sự tàn phá của thành Giêrusalem (năm 70), cuộc bách hại và chiến tranh ở khắp mọi nơi, một số thiên tai.  Bài giảng của Chúa Giêsu loan báo những sự kiện này như là những việc xảy ra trong tương lai.  Tuy nhiên cộng đoàn nhìn thấy những điều này như là trong quá khứ, những việc đã xảy ra rồi:
Dấu chỉ thứ nhất:  các tiên tri giả sẽ nói:  “Chính Ta đây! Thời điểm đã đến gần!” (Lc 21:8);
Dấu chỉ thứ hai:  chiến tranh và các tin đồn về chiến tranh loạn lạc (Lc 21:9);
Dấu chỉ thứ ba:  nước này chống nước nọ (Lc 21:10);
Dấu chỉ thứ tư:  động đất, ôn dịch và đói kém khắp nơi (Lc 21:11);
Dấu chỉ thứ năm:  việc bách hại những kẻ rao giảng Lời Chúa (Lc 21:12-19);
Dấu chỉ thứ sáu:  cuộc vây hãm và tàn phá thành Giêrusalem (Lc 21:20-24).
Khi họ nghe thấy lời loan báo của Chúa Giêsu:  “Tất cả những việc này đã xảy ra hoặc đang trong quá trình xảy ra!  Tất cả những điều này đã xảy ra theo một kế hoạch dự kiến của Chúa Giêsu!  Như vậy lịch sử không hề trượt khỏi bàn tay Thiên Chúa!”  Đặc biệt là đối với dấu chỉ thứ năm và thứ sáu, họ có thể nói:  “Đây là những gì chúng tôi đang trải qua hôm nay!  Chúng tôi đã đi đến dấu chỉ thứ sáu!” Tiếp theo sau đó là một câu hỏi:  Còn bao nhiêu dấu chỉ nữa thì đến ngày tận thế?
Trong Tin Mừng của Máccô, Chúa Giêsu nói về những điều tất cả dường như rất tiêu cực:  “Những sự việc này là khởi đầu các cơn đau đớn!” (Mc 13:8)  Mặc dù nỗi đau trong lúc chuyển dạ thì rất là đau đớn cho người mẹ, chúng không là dấu hiệu của cái chết mà là của sự sống!  Không có lý do gì phải sợ hãi, mà là để vui mừng và hy vọng!  Bằng cách này, đọc các sự kiện mang lại bình tĩnh cho tất cả mọi người.  Như chúng ta sẽ thấy, thánh Luca diễn tả cùng một ý tưởng này nhưng trong một lối nói khác nhau (Lc 21:28).
Sau phần đầu của bài giảng này (Lc 21:8-24) thì sẽ đến văn bản Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng.

ii)  Lời bình luận về văn bản

Lc 21:25-26:  Những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao
Hai câu Tin Mừng này mô tả ba hiện tượng của vũ trụ:  (1) “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao”; (2) “Biển gầm sóng vỗ”; (3) Các tầng trời sẽ rung chuyển”.  Trong thập niên tám mươi, khi Luca đang viết, ba hiện tượng này chưa xảy ra.  Các cộng đoàn có thể nói:  “Đây là điềm lạ thứ bảy và điềm lạ cuối cùng vẫn chưa xảy đến trước khi tận thế!”  Thoạt nhìn, điềm lạ thứ bảy dường như khủng khiếp hơn những điềm lạ trước đó, đặc biệt là Luca nói rằng người ta sẽ sợ hãi kinh hồn và chờ đợi những gì sẽ xảy ra trong vũ trụ.  Thật ra, mặc dù sự xuất hiện tiêu cực của chúng, những hình ảnh vũ trụ này gợi ý cho một điều gì đó rất tích cực, cụ thể là, khởi đầu của một sáng tạo thế giới mới sẽ thay thế cho sáng tạo cũ (xem Kh 21:1).  Đó là sự khởi đầu cho một trời mới và đất mới, được công bố bởi tiên Isaia (Is:65:17).  Chúng mở đường cho sự hiện đến của Con Thiên Chúa, khởi đầu của thời đại mới.    


Lc 21:27:  Sự hiện đến của Nước Thiên Chúa và sự hiển thị của Con Người
Hình ảnh hiện đến này xuất xứ từ lời tiên tri Đanien (Đn 7:1-14).  Tiên tri Đanien nói rằng sau khi thiên tai gây ra bởi bốn vương quốc trái đất này (Đn 7:1-8), Vương Quốc Thiên Chúa sẽ đến (Đn 7:9-14).  Bốn vương quốc, tất cả đều có các thú vật điển hình:  sư tử, gấu, beo, và thú hoang (Đn 7:3-7).  Những thú vật này – giống như các vương quốc.  Chúng lấy đi sinh mạng ra khỏi đời sống (thậm chí cho đến ngày nay!).  Nước Thiên Chúa được đại diện bởi hình ảnh Con Người, đó là, nó có những nét đặc trưng của loài người (Đn 7:13).  Đó là vương quốc loài người. Nhiệm vụ của các cộng đoàn Kitô hữu là xây dựng vương quốc này theo nhân tính hóa.  Đây là lịch sử mới, tạo dựng mới, mà chúng ta phải cộng tác vào trong việc thực hiện.     

Lc 21:28:  Niềm hy vọng lớn lên trong tim
Trong Tin Mừng của Máccô, Chúa Giêsu nói:  “Những sự việc ấy là khởi đầu các đau đớn!” (Mc 13:8)  Tại đây, trong Tin Mừng thánh Luca, Chúa Giêsu nói rằng: “Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến!”  Lời khẳng định này cho thấy rằng mục đích của bài thuyết giảng không phải là để gây ra sự sợ hãi mà là để nâng cao niềm hy vọng và vui mừng trong lòng người dân chịu đau khổ vì sự bách hại.  Lời của Chúa Giêsu đã trợ giúp (và vẫn còn trợ giúp) các cộng đoàn nhìn các sự kiện từ quan điểm của hy vọng.  Chính những kẻ đàn áp và khai thác người khác là những kẻ đáng phải lo sợ. Thật vậy, họ phải biết rằng đế quốc của họ đã kết thúc.  

Lc 21:29-33:  Bài học dụ ngôn cây vả
Khi Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta nhìn vào cây vả, Người muốn chúng ta phân tích các sự kiện đang diễn ra.  Như thể là Người đang nói:  “Các con hãy học cách đọc các dấu chỉ về thời gian từ cây vả và để các con có thể khám phá ra khi nào và ở đâu Thiên Chúa sẽ đi vào lịch sử của các con!”  Sau đó, Người kết thúc bài học dụ ngôn với những lời này:  “Trời đất này sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ không qua đi!”  Bằng vào câu nói rất nổi tiếng này, Chúa Giêsu đổi mới hy vọng và một lần nữa ám chỉ đến việc tác tạo mới đã được bắt đầu.

Lc 21:34-36:  Lời khuyên cảnh giác
Thiên Chúa luôn luôn sắp đến!  Việc hiện đến của Người xảy ra vào lúc bất ngờ nhất.  Có thể là Người quang lâm và người ta không hay biết về ngày giờ quang lâm của Người (xem Mt 24:37-39).  Chúa Giêsu khuyên nhủ người ta phải thường xuyên tỉnh thức:  (1) tránh tất cả những việc khiến cho lòng trở nên nặng nề và mất yên tĩnh (phóng đãng, chè chén say sưa và lo lắng việc đời); (2) luôn cầu nguyện, cầu xin sức mạnh để tiếp tục và đứng vững chờ đợi sự quang lâm của Con Người. Nói cách khác, bài giảng đòi hỏi một thái độ lưỡng diện:  một mặt, sự cảnh giác của người luôn ý thức, và mặt khác, sự điềm tĩnh thanh thản của người sống trong bình an.  Những thái độ này là dấu hiệu của sự rất trưởng thành, bởi vì chúng gom lại ý thức về mức độ nghiêm trọng của nhiệm vụ và nâng cao nhận thức về sự tương đối của tất cả mọi thứ.      

iii)  Phần phụ chú để giúp hiểu rõ hơn bài Tin Mừng

a)  Khi tận thế sẽ đến

Khi chúng ta nói “Ngày cùng tận của thế giới”, thế giới nào mà chúng ta đang nói tới đây?  Đó có phải là ngày tận thế mà Kinh Thánh nói đến hay là sự kết thúc của thế gian này nơi mà quyền lực của sự dữ lôi cuốn và áp đặt cuộc sống?  Thế gian bất công này sẽ đi đến lúc kết thúc.  Không ai biết rằng thế giới sẽ ra sao, bởi vì không ai có thể nghĩ ra được những gì Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người (1 Cr 2:9).  Thế giới mới của đời sống không có sự chết (Kh 21:4) vượt qua tất cả mọi thứ cũng giống như cái cây vượt qua hạt giống của nó (1 Cr 15:35-38).  Các Kitô hữu tiên khởi đã lo lắng và muốn biết khi nào thì tận thế (2 Tx 2:2; Cv 1:11).  Nhưng “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1:7).  Cách duy nhất để đóng góp vào sự kết thúc là “Như vậy thời kỳ an lạc mà Đức Chúa ban cho anh em sẽ đến” (Cv 3:20), để làm chứng cho Tin Mừng trong mọi thời điểm và hành động thậm chí cho đến tận cùng trái đất (Cv 1:8).     

b)  Thời giờ của chúng ta!  Thời giờ của Thiên Chúa!

“Còn về ngày đó hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên thần trên trời, hay Chúa Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mk 13:32; Mt 24:36). Thiên Chúa sắp đặt thời điểm cho việc mạt thế.  Thời giờ của Thiên Chúa không thể được đo lường bằng chiếc đồng hồ hoặc tấm lịch.  Đối với Thiên Chúa, một ngày thì giống như ngàn năm, và ngàn năm giống như một ngày (Tv 90:4; Pr 3:8). Thời giờ của Thiên Chúa thì trôi một cách độc lập với thời giờ của chúng ta.  Chúng ta không thể can thiệp vào điều ấy, nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho thời khắc khi Thiên Chúa xuất hiện trong thời gian của chúng ta.  Sự an toàn của chúng ta không ở chỗ biết về ngày giờ của việc tận thế, mà ở Lời của Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta.  Thế gian này sẽ qua đi, nhưng Lời của Chúa sẽ không qua đi (xem Is 40:7-9).

c)  Bối cảnh của bài Tin Mừng chúng ta trong Phúc Âm Luca

Đối với chúng ta là những người sống trong thế kỷ thứ 21, ngôn ngữ khải huyền dường như là xa lạ, khó hiểu và mơ hồ.  Nhưng đối với những kẻ sống vào thời ấy, đó là một cách nói phổ biến và mọi người đều hiểu.  Nó diễn tả sự tin tưởng mạnh mẽ của những kẻ bé mọn.  Bất chấp tất cả và ngược lại với mọi phong thái, họ đã tiếp tục tin tưởng rằng Thiên Chúa là Chúa của lịch sử.  Mục đích chính của ngôn ngữ khải huyền là để nuôi dưỡng đức tin và lòng hy vọng của người nghèo.  Vào thời Luca, nhiều người trong các cộng đoàn nghĩ rằng tận thế đã gần kề và Chúa Giêsu sẽ trở lại.  Đó là lý do tại sao có những người đã ngưng làm việc:  “Tại sao lại làm việc, nếu Đức Giêsu đang quay trở lại?”  (Xem 2 Tx 3:11).  Những người khác nhìn chằm chằm lên thiên đàng, chờ đợi sự tái quang lâm của Chúa Giêsu trên đám mây (xem Cv 1:11).  Bài giảng của Chúa Giêsu cho thấy rằng không ai biết rõ ngày giờ tận thế.  Ngày nay chúng ta cũng có điều tương tự!  Một số người đang chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu đến nỗi mà họ không nhìn thấy sự hiện diện của Người ở giữa chúng ta, trong các sự kiện và mối lo lắng hằng ngày của chúng ta.

6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 46 (45)

Thiên Chúa là dũng lực của chúng ta 
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.

Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.

Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa!
“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu!”

Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét