12/11/2017
Chúa Nhật 32 thường niên năm A.
(phần II)
Phụng
vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 32 thường niên, năm A
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN A
Kn 6,13-17 – 1Thes 4,12-17 – Mt 25,1-13
TỈNH THỨC LÀ KHÔN
NGOAN
“Vậy hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào.” (Mt 25,13)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1.
Bài đọc I: Kn 6,13-17
Sự khôn ngoan trong chương 6 đã được tác giả nhân cách hóa thành Đức Khôn Ngoan.
Sau khi nói về việc bậc vua chúa phải tìm kiếm Đức Khôn Ngoan (Kn 6,1-12), tác giả sách khôn ngoan bàn về việc Đức Khôn Ngoan gặp gỡ con người (Kn 6,13-21). Đây cũng là nội dung chính của bài đọc I được diễn tả qua hai cách trình bày khác nhau:
- Đức Khôn Ngoan để cho con người gặp gỡ qua kiểu trình bày theo logic nhân-quả: Ai mến chuộng sẽ cho chiêm ngưỡng, ai kiếm sẽ cho gặp, ai khao khát sẽ cho biết, ai tìm sẽ thấy, ai suy niệm sẽ minh mẫn hoàn hảo, ai thức khuya dậy sớm vì Đức Khôn Ngoan sẽ trút được lo âu.
- Đức Khôn Ngoan chủ động đến với con người qua kiểu nói: niềm nở xuất hiện trên mọi nẻo đường của con người, liền đến khi con người suy tưởng.
Phương thế để đạt tới Đức Khôn Ngoan là ham muốn học hỏi, là yêu mến, là tuân giữ lề luật của Đức Khôn Ngoan. Lòng khao khát Đức Khôn Ngoan sẽ làm cho con người nên hàng vương giả.
2.
Bài đọc II: 1 Thes 4,12-17
Nội dung xoay quanh câu trả lời cho vấn nạn được cộng đoàn tại Thessalonica
đặt ra về số phận của những người chết trước khi Chúa trở lại, cũng như về số phận của những kẻ còn sống vào ngày Chúa trở lại.
Khởi đi từ xác tín nền tảng của đức tin Kitô giáo vào một Đức Giêsu đã chết và đã phục sinh, Thánh Phaolô xác tín: người Kitô hữu có cơ sở để hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ đem những người đã an nghỉ đến làm một với Người.
Ngoài ra Thánh Phaolô còn cho biết một vài chi tiết có liên quan đến ngày Chúa trở lại: khi tiếng loa của Thiên Chúa vang lên, những người đã chết sẽ trỗi dậy trước hết, để cùng với chúng ta, những kẻ còn đang sống, được nhấc lên trên các tầng mây để nghênh đón Đức Kitô trên không trung, và như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.
3.
Bài Tin mừng – Mt 25,1-13
Đây là một trong một loạt các dụ ngôn của bài giảng về ngày cánh chung, nhằm minh định rõ thế nào là sự khôn ngoan cần thiết của con người khi phải đối diện với ngày tận cùng sẽ xảy đến.
Từ khóa giúp hiểu dụ ngôn ‘mười trinh nữ’ được tìm thấy trong lời kết luận của Chúa Giêsu sau khi kể dụ ngôn: Vậy anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết ngày nào giờ nào. Nhưng thế nào là tỉnh thức? Vài hình ảnh nổi bật của dụ ngôn giúp hiểu thái độ tỉnh thức: - Trinh nữ - cầm đèn sáng - mang theo bình dầu dự phòng - đúng thời.
Trong lăng kính của bữa tiệc cánh chung, những hình ảnh soi sáng cho những thái độ cần có của mỗi Kitô hữu: Thái độ trong sạch qua hình ảnh các trinh nữ – đức tin với những hành động như hình ảnh chiếc đèn luôn cháy sáng (Gc 2,17) – đức ái với những việc làm như hình ảnh chiếc bình dầu dự phòng (1Cr 13) – thời gian thích hợp như lời cảnh tỉnh đúng thời, đúng buổi.
Như thế, mười cô trinh nữ trong dụ ngôn diễn tả hình ảnh của một cộng đoàn giáo hội trong tư cách là hiền thê, đang trông mong Đức Kitô – Vị lang quân, trở lại để cùng vào dự bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc Nước Trời.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Những ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan sẽ được gặp.’ Đức Khôn Ngoan khi được nhân cách hóa muốn nói đến chính Thiên Chúa là nguồn mạch mọi khôn ngoan. Ngài luôn sẵn lòng tỏ mình cho tất cả những ai kiếm tìm hay kêu cầu Người. Vấn đề là khi con người bị quay quắt giữa vô vàn những nhu cầu, những tất bật, những tham vọng của trần thế, liệu họ có còn tỉnh táo để nhận ra nhu cầu nền tảng của mọi nhu cầu là Thiên Chúa hay không? Và nếu có nhận ra liệu họ có còn đủ sức để kiếm tìm Đấng Khôn Ngoan đích thực đó không?
2. ‘Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người.’ Bầu khí tháng 11 giúp Giáo hội hướng lòng về các anh chị em đã ra đi trước thời gian Đức Giêsu trở lại trong vinh quang. Thánh Phaolô đã minh định cho các tín hữu Thessalônica rằng: thân xác những anh chị em đã qua đời đang an nghỉ trong niềm hy vọng được Chúa trở lại để làm cho họ nên một với Người. Niềm xác tín ấy cũng chính là nền tảng cho đức tin Kitô giáo hôm nay như thánh Phaolô đã xác quyết: ‘Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống lại với Người’ (Rm 6,8).
3. ‘Vậy hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào.’ Những ngày cuối năm phụng vụ Giáo hội mời gọi các tín hữu cùng suy nghĩ về ngày Chúa trở lại với mỗi cá nhân, ngày đó cũng thật bất ngờ và nhanh chóng. Do đó thái độ khôn ngoan chỉ có thể là luôn sống trong tình trạng tỉnh thức, nhưng không phải với một thái độ tỉnh thức thụ động là chỉ biết ngồi chờ đợi, mà là một sự tỉnh thức tích cực: luôn trong tình trạng chu toàn bổn phận của mình.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn mời gọi tất cả mọi người, nhưng chỉ những ai khôn ngoan tỉnh thức mới xứng đáng hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, và cầu xin cho mình biết thắp sáng niềm tin trong cuộc sống hiện tại.
1. “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan thì sẽ được tỏ cho biết.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, biết không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức tâm linh và các hiểu biết nhân bản, để có thể chu toàn sứ vụ mục tử cách phù hợp và hữu hiệu hơn.
2. “Các cô trinh nữ khôn ngoan vừa mang đèn vừa mang dầu đầy bình.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí đang khát khao tìm kiếm chân lý, biết sống theo lương tâm ngay lành, luôn quảng đại thực thi bác ái và tích cực góp phần cho công ích.
3. “Những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, trong đó có thân bằng quyến thuộc và bạn hữu của chúng ta, được Chúa thương đón nhận vào nước trời, hầu chung hưởng vinh quang bất diệt cùng các thánh.
4. “Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn sẵn sàng đợi chờ ngày Chúa đến qua việc chu toàn các bổn phận trong gia đình, cũng như tích cực góp phần cho sự thăng tiến
của xã hội.
Chủ tế: Lạy Chúa là ánh sáng và nguồn mạch sự sống, xin nhận lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn tỉnh thức sẵn sàng cho ngày quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
HÃY LUÔN TỈNH THỨC SẴN SÀNG
"Những cô khôn ngoan vừa mang đèn vừa mang dầu theo" (Mt 25,3)
Sợi
chỉ đỏ : Ý tưởng "tỉnh thức" được
khai triển trong cả 3 bài đọc hôm nay :
- Bài
đọc I : Tỉnh thức để gặp được sự khôn ngoan.
- Đáp
ca : "Ôi lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi, tôi thao thức chạy kiếm
Ngài".
- Tin
Mừng : Dụ ngôn 10 trinh nữ đón chàng rể, kết thúc bằng lời khuyên :
"Vậy hãy tỉnh thức, vì chúng con không biết ngày nào giờ nào".
- Bài
đọc II : Tỉnh thức để đón Chúa quang Lâm.
Anh
chị em thân mến
Nhịp
sống đều đều dễ ru ngủ chúng ta trong thói quen, thụ động và an phận… quên mất
nhiều vấn đề quan trọng thiết yếu. Bởi vậy, Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta phải
luôn tỉnh thức.
Trong
Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa và xin Ngài giúp chúng ta sống
theo Lời dạy của Ngài.
-
Chúng ta mải mê làm ăn sinh sống, đến nỗi không nghĩ đến cuộc sống mai sau.
-
Chúng ta mải mê lo cho bản thân mình, đến nỗi không nghĩ gì đến tha nhân.
-
Chúng ta miệt mài tìm hưởng thụ sung sướng mà không nghĩ đến vấn đề tội phúc.
Khôn
ngoan là một ơn ban quý báu của Chúa. Nó giúp con người biết cách sống thế nào
cho phải, biết tìm kiếm những gì đáng tìm, và biết học hỏi suy nghĩ những gì
đáng học hỏi.
Ơn
khôn ngoan quý báu ấy, Chúa sẵn sàng ban cho những ai thao thức kiếm tìm.
Tv
này bày tỏ tâm tình của một người đang sống kiếp lưu đày, tâm tình thao thức kiếm
tìm Chúa.
Sự
thao thức kiếm tìm được mô tả như người khát mong gặp được nước, người đói mong
được của ăn, như người nằm trên giường mà không ngủ được vì mãi nhớ kẻ mình
thương.
Dụ
ngôn 10 trinh nữ đón chàng rể nói đến sự tỉnh thức để đón Chúa khi Ngài quang
lâm.
"Tỉnh
thức" ở đây, qua hình ảnh chiếc đèn đầy dầu, có nghĩa là lúc nào cũng ở
trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng.
Dụ
ngôn này cũng có một chi tiết rất ý nghĩa : 5 cô khôn ngoan không cho 5 cô
khờ dại mượn dầu. Đây không phải là thái độ ích kỷ không giúp nhau. Chi tiết
này muốn nói rằng trước số phận đời đời, không ai có thể giúp ai được. Vậy mỗi
người phải tự lo bằng một cuộc sống lúc nào cũng sẵn sàng trả lẽ trước mặt
Chúa.
Tín hữu
Thêxalônikê rất mong tới ngày tận thế, vì khi đó họ sẽ được gặp lại Chúa. Nhưng
mong mãi mà chưa tới tận thế, họ sợ rằng mình sẽ chết trước ngày đó và không gặp
được Chúa.
Thánh
Phaolô trấn an họ : Khi Chúa đến, tất cả mọi người dù còn sống hay đã chết
đều được gặp Ngài và sau đó được sống hạnh phúc bên Ngài mãi mãi.
Tâm
trạng này của tín hữu Thêxalônikê rất lạ đối với chúng ta. Nhưng nó cho thấy điều
này là : Chỉ khi nào người ta luôn tỉnh thức sẵn sàng thì người ta mới có
thể không sợ mà còn nôn nóng chờ ngày tận thế (hay ngày chết của mình).
IV. GỢI Ý GIẢNG
Đối với
những việc còn mơ hồ, nghĩa là không chắc sẽ đến hay không, thì không chuẩn bị
là việc có thể thông cảm được. Nhưng đối với những việc mình biết chắc chắn sẽ
đến, thì chuẩn bị sẵn sàng luôn là điều tốt hơn.
Trong
tương lai, bạn sẽ lên chức giám đốc, sẽ lãnh đạo một công ty lớn chăng ?
Chưa biết. Vì thế, chưa cần phải nghĩ ngợi lo lắng nhiều. Tới chừng đó sẽ tính.
Hai
tháng nữa là đám cưới của con trai bạn. Nếu bạn cẩn thận và khôn ngoan thì chắc
hẳn bạn sẽ lo ngay từ hôm nay.
Trong
tương lai, có thể xa mà cũng có thể gần, bạn sẽ chết chăng ? Chắc chắn rồi.
Vậy sao bạn không lo trước ? Đành rằng không ai biết ngày chết của mình,
như Đức Giêsu đã nói rõ "Các con không biết ngày nào, giờ nào", nhưng
chuẩn bị sẵn sàng trước luôn là điều tốt hơn. Vả lại biến cố này vô cùng hệ trọng,
hệ trọng hơn cả việc chuẩn bị cho một tiệc cưới.
Chết
là một chuyện rất buồn và rất đáng sợ. Vì thế nhiều người không muốn nghĩ tới
nó. Họ giống như con đà điểu sợ người thợ săn nên dấu đầu trong cát.
Nhưng
việc con đà điểu chúi đầu vào cát không hề ngăn cản được bước chân người thợ
săn càng lúc càng tiến gần tới nó. Cũng thế, việc không nghĩ tới cái chết không
giúp người ta trốn được tử thần.
Tốt
hơn cả là hãy tỉnh thức chuẩn bị sẵn sàng, như gương các tín hữu Thêxalônikê.
Càng chuẩn bị thì ta càng bình an khi cái chết đến. Chuẩn bị hoàn toàn chu đáo
thì ta còn có thể vui mừng nôn nóng mong cho ngày chết mau đến nữa.
Đời
người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi
vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng
yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn
bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình ; một người chờ đợi
bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.
Chúng
ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc
chắn là Ngài sẽ đến trong một cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người
thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ. ("Mỗi ngày một
tin vui")
- Các
thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ !
Họ chỉ chu toàn bổn phận (ĐHV 25)
- Bổn
phận là giấy vào Nước Trời : "Ai thực hiện ý Cha Ta trên trời, sẽ vào
Nước Trời" (ĐHV 27)
- Nếu
ai cũng nên thánh trong bổn phận, thì tâm hồn mới, gia đình mới, thế giới mới
(ĐHV 20)
CT :
Anh chị em thân mến
Chúa
có thể đến vào lúc chúng ta hoàn toàn bất ngờ. Do đó tỉnh thức là việc mỗi kitô
hữu cần phải làm thường xuyên cả cuộc đời mình. Tin tưởng vào ơn Chúa trợ giúp,
chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1-
Hội Thánh không ngừng nhắc nhở các kitô hữu / cần chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quyết
định với Đức Kitô / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần trong Hội
Thánh / biết cố gắng sống thánh thiện / để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này.
2-
Đứng trước cái chết / mọi người đều sợ hãi / nhất là đối với những ai chưa chuẩn
bị để gặp gỡ Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi kitô hữu hiểu rằng
/ phải làm thật nhiều việc lành phúc đức / để khi Chúa gọi ra trình diện trước
tòa Chúa / sẽ không bị Chúa khiển trách bất cứ điều gì / trái lại còn được vui
hưởng hạnh phúc trên trời.
3-
Tỉnh thức trong bổn phận đối với Chúa và tha nhân / là những điều căn bản trong
đời sống đức tin của những ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín
hữu / luôn tỉnh thức như Chúa đã dạy.
4-
Dầu cần cho đèn thiêng liêng chính là lời cầu nguyện / đồng thời cũng là những
việc bác ái yêu thương / như giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh / Chúng ta
hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cầu nguyện không ngừng /
và quảng đại giúp đỡ anh chị em nghèo đói đang sống chung quanh mình.
CT :
Lạy Chúa, cuộc sống thường ngày có quá nhiều thử thách gian nan, khiến chúng
con dễ sao lãng bổn phận tỉnh thức. Vậy xin Chúa ban ơn giúp sức, để chúng con
luôn tỉnh thức giữa biết bao phiền toái của cuộc sống thường ngày. Chúng con cầu
xin nhờ…
- Trước
kinh Lạy Cha : Trong kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy nói với Cha chúng
ta ở trên trời rằng chúng ta yêu mến Cha và lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng để về
nhà Cha khi Cha đến rước chúng ta.
- Sau
kinh Lạy Cha : "... và được an toàn khỏi mọi biến loạn. Xin nhắc
chúng con luôn tỉnh thức sẵn sàng đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng
phúc…"
Hôm
nay chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu dạy : "Chúng con hãy tỉnh thức,
vì chúng con không biết ngày nào, giờ nào". Thánh lễ đã xong, nhưng lời
Chúa vẫn còn đó. Chúng ta hãy luôn tỉnh thức theo lời Chúa dạy.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa Nhật XXXII Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 12 Tháng
11, 2017
Dụ ngôn mười cô trinh
nữ
Chuẩn bị cho sự xuất hiện
bất ngờ của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta
Mt 25:1-13
1. Lời nguyện mở
đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh
Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong
Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên
Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc
của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe
tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống
hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và
đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn
chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh
sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện
hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của
Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần
đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:
Bài suy gẫm của chúng ta là về dụ ngôn mười người trinh nữ. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu ưa thích xử dụng
các sự kiện thông thường trong đời sống của người ta như một phương cách so
sánh làm sáng tỏ một số các khía cạnh khó hiểu về Vương Quốc Thiên Chúa. Trong dụ ngôn mười người trinh nữ, Chúa cấu tạo
một câu chuyện chung quanh các thái độ khác nhau của các cô gái đi đón chàng rể
trong ngày lễ cưới. Chúa Giêsu dùng ví dụ
này, khá thông thường với mọi người, để làm sáng tỏ sự kiện Vương Quốc Thiên
Chúa xuất hiện cách bất ngờ trong đời sống người ta.
Một cách tổng quát, Chúa Giêsu không giải thích dụ ngôn của Người, nhưng
phán rằng: “Ai có tai để nghe, thì hãy
hiểu!” Hay là “Như thế đó. Các ông đã nghe! Bây giờ hãy cố gắng mà hiểu.” Chúa kích thích tính tò mò của người ta, để
những dữ kiện của cuộc sống hằng ngày có thể giúp họ khám phá ra những nhắc nhở
của Thiên Chúa trong đời sống của họ.
Chúa để người nghe tham dự trong việc khám phá ra ý nghĩa của dụ
ngôn. Kinh nghiệm của mỗi người có về
các sự kiện của đời sống như đã nói trong dụ ngôn, góp phần vào việc khám phá ý
nghĩa bài dụ ngôn của Chúa Giêsu. Điều
này cho thấy Chúa Giêsu tin tưởng vào khả năng hiểu biết của dân chúng. Họ trở thành những người đồng sản xuất cho ý
nghĩa.
Vào cuối dụ ngôn của mười cô trinh nữ, Chúa Giêsu nói: “Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết
ngày nào, giờ nào”. Lời cảnh báo cuối
cùng này dùng như là chìa khóa cho bài đọc.
Nó cho thấy chiều hướng suy nghĩ của Chúa Giêsu. Trong bài đọc này, chúng ta nên tìm cách khám
phá trung tâm điểm của dụ ngôn này mà Chúa Giêsu dùng như là một sự so sánh cho
Vương Quốc Thiên Chúa.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ
giúp cho bài đọc:
Mt 25:1-4: Thái độ khác nhau của
các cô gái đi đón chàng rể: năm cô khôn
ngoan và năm cô khờ dại
Mt 25:5-6: Sự xuất hiện chậm trễ
và xuất hiện bất ngờ trong đêm của chàng rể
Mt 25:7-9: Thái độ khác nhau giữa
những cô khôn ngoan và các cô khờ dại
Mt 25:10-12: Kết quả khác nhau
cho những cô khôn ngoan và các cô khờ dại
Mt 25:13: Kết luận của dụ ngôn
c) Phúc Âm:
1-4: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ dụ ngôn này: “Nước Trời giống
như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể.
Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu
theo. Con những cô khôn ngoan đã mang
đèn, lại mang dầu đầy bình.
5-6: Vì chàng rể đến chậm, nên
các cô đều thiếp đi và ngủ cả. Nửa đêm
có tiếng hô to: ‘Kìa chàng rể đến, hãy
ra đón người!’
7-9: Bấy giờ các trinh nữ đều trỗi
dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ
dại nói với các cô khôn ngoan rằng: ‘Các
chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt cả.’ Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: ‘E không đủ cho chúng em và các chị, các chị
ra hàng mà mua thì hơn.’
10-12: Song khi họ đang đi mua,
thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn
sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và đóng cửa lại. Sau cùng, các trinh nữ kia cũng đến và
nói: ‘Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng
tôi.’ Nhưng người đáp lại: ‘Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các
ngươi.’
13: Vậy hãy tỉnh thức, vì các
ngươi không biết ngày nào, giờ nào.”
3. Giây phút
thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu
hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Phần nào của bài dụ ngôn bạn
thích nhất và điều nào tạo sự chú ý cho bạn nhất? Tại sao?
b) Bối cảnh cuộc sống thường nhật
của người ta mà Chúa Giêsu nhấn mạnh trong dụ ngôn này là gì?
c) Từ lúc bắt đầu, Chúa Giêsu
phân biệt giữa “khôn ngoan” và “khờ dại”.
Sự khôn ngoan và khờ dại có ý nghĩa gì?
d) Làm thế nào chúng ta có thể giải
thích được câu trả lời nghiêm khắc của chàng rể: “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các
ngươi”?
e) Ở phần kết của dụ ngôn, Chúa
Giêsu có ý nói gì về ngày nào và giờ nào?
5. Chìa khóa dẫn
đến bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
a) Bối cảnh trong đó thánh
Mátthêu ghi chép lại Lời Chúa Giêsu:
Tin Mừng thánh Mátthêu có hai loại dụ ngôn. Những dụ ngôn trợ giúp trong việc tìm hiểu về
Nước Thiên Chúa hiện diện trong các hoạt đông của Chúa Giêsu, và những dụ ngôn
giúp chúng ta chuẩn bị cho sự xuất hiện của Nước Trời trong tương lai. Loại dụ ngôn thứ nhất được thấy thường xuyên
hơn trong thời gian bắt đầu cuộc sống đi rao giảng của Chúa Giêsu. Loại sau được thấy thường xuyên hơn trong phần
thứ hai, khi đã rõ là Chúa Giêsu sẽ bị bắt, hành hạ, và bị giết bởi những người
cầm quyền dân sự và tôn giáo. Nói cách
khác, cả hai khía cạnh của Nước Trời được tìm thấy trong các dụ ngôn: 1) Nước
Trời đã hiện diện, ở đây và bây giờ, ẩn dấu trong các sự việc của đời sống hằng
ngày và có thể được khám phá và hiểu rõ giá trị bởi chúng ta; 2) Nước
Trời tương lai vẫn đến và vì thế mỗi người chúng ta phải chuẩn bị bắt đầu từ
bây giờ. Sự căng thẳng giữa việc đã đến
và chưa đến ảnh hưởng đến đời sống người Kitô hữu. Ngày Chúa Giáng Sinh lập tức là một dịp mừng
Nước Trời đã hiện diện và sự mong đợi Nước Trời vẫn sắp tới.
b) Lời bình giải về Lời của Chúa
Giêsu được ghi lại trong Tin Mừng Mátthêu:
Mt 25:1-4: Thái độ khác nhau của
các cô gái có nhiệm vụ đi đón chàng rể:
năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại.
Chúa Giêsu bắt đầu dụ ngôn với những lời này: “Nước Trời giống như …” Điều này có nghĩa bài dụ ngôn mười người
trinh nữ là về Nước Trời sắp đến trong tương lai mà chúng ta phải chuẩn bị bắt
đầu từ bây giờ. Để làm sáng tỏ về khía cạnh
này của Nước Trời, Chúa Giêsu xử dụng tục lệ phổ quát của việc mời các cô gái
trong làng để đi đón chàng rể cùng vào tiệc cưới. Ho phải đón chàng rể với đèn thắp sáng. Tuy nhiên, các ngọn đèn thì nhỏ và nó chỉ chứa
đủ dầu trong một thời gian giới hạn. Đó
là lý do tại sao mỗi cô phải bắt buộc mang theo dầu dự trữ, bởi vì cuộc hành
trình của chàng rể có thể phải lâu hơn là thời gian mà số dầu giới hạn trong
đèn có thể tồn tại.
Sau đây là những gì hàm ý trong câu chuyện mười cô trinh nữ: những người đã lãnh nhận một nhiệm vụ thì họ
phải chuẩn bị cho mình theo những nhu cầu của nhiệm vụ đó. Cô thiếu nữ, đã chấp nhận làm phù dâu lại đám
cưới, phải làm những gì cần thiết cho nhiệm vụ này. Cô ta phải lo toan và mang đủ dầu cần thiết cho
cây đèn. Những người phải thực hiện một
cuộc hành trình dài 100 km trên một đoạn đường không có trạm xăng, và những ai
biết điều ấy, và chỉ đem theo đủ xăng để đi được 50 km, là những người sơ suất
hoặc là không biết lo xa. Người ta sẽ
nói: “Đồ ngốc, chúng không có trí óc”.
Mt 25:5-6: Sự xuất hiện chậm trễ
và xuất hiện thình lình trong đêm của chàng rể.
Tiến trình của các sự kiện được kể bởi Chúa Giêsu thì khá bình thường. Đêm đến, chàng rể đến chậm. Các cô gái, với tất cả các hảo ý và không cố
tâm, đang thiếp ngủ đi. Họ cố gắng tỉnh
thức bởi vì chàng rể có thể đến bất kỳ lúc nào.
Đột nhiên có tiếng hô to: “Kìa,
chàng rể đến!” Đó là dấu hiệu tất cả họ
đang mong chờ. Vào lúc thời điểm cấp
bách này giá trị của một người được tỏ lộ.
Những điều bất ngờ xảy ra cho chúng ta, không tùy thuộc vào ý muốn của
chúng ta, sẽ cho thấy chúng ta là người biết lo xa hay là người khờ dại.
Mt 25:7-9: Thái độ khác nhau của
những cô khôn ngoan và các cô khờ dại.
Khi họ tỉnh thức, các cô gái bắt đầu chuẩn bị đèn đuốc họ cần để soi đường. Đã đến giờ phải chêm dầu vì dầu trong đèn đã
gần cạn. Những cô đã không mang theo dầu
dự trữ với họ thì chạy đi hỏi vay từ những cô có đem thêm dầu. Những cô này trả lời rằng họ không thể cho họ
vay dầu, bởi vì e không đủ cho cả bọn. Nếu
đó chỉ là một câu hỏi về thắp sáng cho lối đi, các cô khôn ngoan có thể
nói: hãy đi bên cạnh chúng em và các chị
sẽ có thể nhìn thấy đường. Nhưng đó
không là một câu hỏi về thắp sáng cho lối đi.
Đèn đuốc cũng là một dấu hiệu của lễ hội và thắp sáng cho sự xuất hiện của
chàng rể. Đây là nhiệm vụ của các cô phù
dâu: mỗi người phải có đèn trong tay.
Tại thời điểm quan trong, các cô khờ dại lại chạy đi vay. Họ nài xin các cô khôn ngoan chia cho họ ít dầu. Chia sẻ là một hành động rất căn bản và quan
trọng trong những cộng đoàn dân Chúa.
Nhưng trong trường hợp này, đây không phải là vấn đề chia sẻ, bởi vì nếu
các cô khôn ngoan cho các cô kia vay dầu của họ, họ có thể gây thiệt thòi cho
chàng rể và làm hỏng tiệc cưới. Rồi thì
chính họ và các cô gái kia không ai sẽ làm tròn nhiệm vụ mà họ đã nhận
lãnh. Đó là lý do tại sao các cô khôn
ngoan đã phải từ chối lời yêu cầu của các cô khờ dại và đưa ra lời khuyên thực
tiễn: “Các chị ra hàng mà mua thì
hơn!” Tuy nhiên, trời đã nửa đêm và khó
mà tìm được một cửa hàng còn mở.
Mt 25:10-12: Kết quả khác nhau
cho các cô khôn ngoan và các cô khờ dại.
Trong khi các cô khờ dại đi mua dầu, chàng rể đã đến và những cô đã sẵn
sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Trong bài dụ ngôn, các cô khờ dại đã tìm được
cửa hàng còn mở và mua được ít dầu. Cuối
cùng các cô đã đến trễ và gọi cửa: “Xin
mở cửa cho chúng tôi!” Chàng rể (hay có
vẻ như đó là chàng rể) đã đáp một cách gay gắt:
“Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi.”
Mt 25:13: Lời kết luận: Hãy tỉnh thức.
Lời kết luận được đưa ra bởi chính Chúa Giêsu ở cuối câu chuyện là một
câu nói có thể được xem như là chìa khóa cho toàn bộ bài dụ ngôn: “Hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày
nào hoặc giờ nào!” Thiên Chúa có thể đến
bất cứ lúc nào trong cuộc đời của chúng ta.
Mọi người phải sẵn sàng. Giống
như các cô trinh nữ tại tiệc cưới, tất cả mọi người phải thận trọng, lo xa và
mang đủ dầu. Đó là, mọi người phải thấy
rằng họ không phải là lý do cho những người khác đi lạc lối; ngay cả khi những
người ấy khăng khăng về những việc tốt lành mỏng mảnh như chia sẻ. Tất cả mọi người phải luôn luôn cảnh giác
trong việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
c) Kết luận:
Làm thế nào chúng ta có thể giải thích được câu nói gay gắt: “Ta không biết các ngươi!” Chúng tôi đề nghị hai câu trả lời khả
dĩ:
-- Nhiều dụ ngôn chứa đựng một điều
gì đó lạ lùng: người cha không rầy la
người con hoang đàng, người chăn chiên bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một
con chiên lạc, người Samaritanô cư xử nhân hậu hơn thày cả và người tư tế Lêvi,
v.v. Thông thường, những khía cạnh ngạc
nhiên và khác lạ này ẩn chứa một chìa khóa quan trọng cho sự khám phá trọng tâm
của dụ ngôn. Vì thế, trong bài dụ ngôn
mười cô trinh nữ có một số những điều kỳ lạ thường không xảy ra: 1) Các cửa hàng không mở cửa vào ban đêm, 2)
Cánh cửa tại lễ cưới thường không đóng, 3) Thông thường, chàng rể sẽ không bao
giờ nói: Ta không biết các ngươi. Qua những dữ kiện lạ lùng này mà chủ đề chính
của lời giảng được chuyển tải qua bài dụ ngôn.
Đó là gì? “Ai có tai thì hãy
nghe!”
-- Chàng rể đến vào nửa đêm trong
bài dụ ngôn chính là Chúa Giêsu. Đó là bối
cảnh mà các đoạn văn khác trong Phúc Âm và trong Cựu Ước hàm ý. Trong cuộc trò chuyện của Chúa với người phụ
nữ Samaritanô, Chúa Giêsu nói rằng chị ta đã có năm đời chồng và người hiện đang
sống chung với chị bây giờ, người thứ sáu, không phải là chồng chị. Người thứ bảy là Đức Giêsu, người phối ngẫu
thực sự (Ga 4:16-18). Trong khi chàng rể
còn ở với các môn đệ, họ không cần phải ăn chay (Mc 2:19-20). Từ thời ngôn sứ Hôsê, thế kỷ thứ tám trước
Chúa Kitô, trong dân chúng đã có nhen nhúm một mối hy vọng rằng một ngày nào đó
sẽ có thể trở nên thân thiết với Thiên Chúa như chàng rể với cô dâu (Hs
2:21-22). Tiên tri Isaia nói rõ
ràng: Thiên Chúa muốn là chàng rể của
dân chúng (Is 54:5; Gr 3:14), để vui mừng với dân của Người như chàng rể vui mừng
trong sự hiện diện của cô dâu (Is 62:5).
Niềm hy vọng này được thực hiện trong sự sắp đến của Chúa Giêsu. Khi Đức Giêsu đi vào cuộc sống của một người,
tất cả mọi người khác đều phải rút lui, bởi vì Người là chàng rể. Quan điểm này về căn bản của câu chuyện và về
hằng thế kỷ dài hy vọng của dân chúng đã giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa câu
nói gay gắt của chàng rể: “Ta không biết
các ngươi!” Bởi vì thiếu tính chất quyết
tâm và thành thật, năm cô khờ dại cho thấy rõ ràng rằng họ chưa sẵn sàng để cam
kết dứt khoát nên duyên phối ngẫu với Thiên Chúa. Họ cần thêm thời gian để chuẩn bị cho bản
thân: “Hãy tỉnh thức, vì các ngươi không
biết ngày nào hoặc giờ nào”.
6. Thánh Vịnh
63:2-9
Tâm hồn khát khao Thiên Chúa
Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.
Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ,
suốt năm canh thầm thĩ với Ngài.
Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.
Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con
hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện
xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức
mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, trở nên giống như Đức
Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức
Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét