14/11/2017
Thứ ba tuần 32 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) Kn
2, 23 - 3, 9
"Ðối với con mắt
người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, nhưng thật ra các ngài sống
trong bình an".
Trích sách Khôn Ngoan.
Thiên Chúa đã tạo dựng
con người giống hình ảnh Chúa để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương,
nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.
Linh hồn những người
công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối
với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, và việc các
ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra, các ngài sống
trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy
trông của các ngài cũng không chết.
Sau một giây lát chịu
khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao, vì Chúa đã thử thách các ngài như
thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ
Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra
như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các
quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời.
Các ngài đã tin tưởng ở
Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn
Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3.
16-17. 18-19
Ðáp: Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc (c. 2a).
Xướng: 1) Tôi chúc tụng
Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên
Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.
2) Thiên Chúa để mắt
coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống
người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần gian. - Ðáp.
3) Người hiền đức kêu
cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứ họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những
kẻ đoạn trường, và cứu chữu những tâm hồn đau thương dập nát. - Ðáp.
Alleluia: Cl 3, 16a và
17c
Alleluia, alleluia! -
Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Ðức Kitô
mà tạ ơn Chúa Cha. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17, 7-10
"Chúng tôi là
đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng
trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại
không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta
cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có
phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng
không.
"Phần các con
cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy
nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi
phải làm".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tinh Thần Phục
Vụ Ðích Thực
Nhân vật nổi tiếng
trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là
Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do
chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô
VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng,
tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ
chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của
Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm
1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến,
cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc
mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh quang Chúa".
"Tất cả vì vinh
quang Chúa", đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người
nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng
mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm
giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người
nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công
trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới,
một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết
đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.
Qua cuộc đời của Mẹ
Têrêsa, chắc chắn thế giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực
trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng
sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể
hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.
Tin Mừng mà Giáo Hội
cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của
chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa
được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của
Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu.
Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì
hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận
mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người
hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ
chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa
như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một
người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?
Như vậy, ở đây, Chúa
Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để
nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ
sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô
giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng
đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh
danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và
càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy
và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến
Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy
niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến
thân vô vị lợi mà thôi".
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích
và ý nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm
và xây dựng trong cuộc sống hiện tại.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 32 TN1.
Bài đọc: Wis
2:23-3:9; Lk 17:7-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những quan niệm
sai lầm cần phải tránh.
Tin như nào sẽ sống
như thế: tin sai sẽ sống sai và sẽ lãnh nhận hậu quả xấu; tin đúng sẽ sống đúng
và lãnh nhận hậu quả tốt lành. Vì thế, điều quan trọng là phải học hỏi để biết
đâu là sự thật, trước khi có thể sống theo sự thật.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong việc sửa sai các quan niệm sai lầm của con người, và điều cần thiết
phải hiểu cho đúng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan mặc khải ý định
muôn đời của Thiên Chúa cho con người là muốn cho họ được sống trường sinh bất
tử bên Ngài; nhưng vì sự ghen tị của quỷ dữ, tội lỗi đã xâm nhập thế gian và
làm cho con người phải chết. Tuy chưa có một sự hiểu biết rõ ràng về Kế Hoạch Cứu
Độ của Thiên Chúa như được mặc khải bởi Đức Kitô sau này, tác giả vẫn tin người
công chính sẽ không phải chết mãi, họ sẽ được chung hưởng hạnh phúc và cùng thống
trị với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sửa sai quan niệm của dân chúng về
việc Thiên Chúa phải biết ơn con người, khi họ ca tụng Ngài hay làm những việc
tốt lành. Chúa Giêsu dạy: cho dù con người có chu toàn mọi sự tốt đẹp, họ cũng
chỉ chu toàn bổn phận của người đầy tớ. Đây là điều quan trọng mà mọi người cần
hiểu để đừng than trách Thiên Chúa khi chịu đau khổ hay xin những gì mà không
được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa muốn cho con người được trường sinh bất tử.
1.1/ Hai quan niệm khác
nhau về đau khổ và cái chết của con người: Đau
khổ và cái chết là hai mầu nhiệm trong cuộc đời mà mọi người cần phải hiểu biết.
Trong trình thuật hôm nay, tác giả Sách Khôn Ngoan trình bày ý định của Thiên Chúa
và hai phản ứng của con người.
(1) Ý định của Thiên
Chúa: Tác giả Sách Khôn Ngoan xác tín rõ ràng về ý định của Thiên Chúa cho con
người: "Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất
diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người." Sở dĩ có chết
chóc là vì sự ganh tị của quỉ dữ, chúng cám dỗ con người phạm tội, và hậu quả của
tội là sự chết: "Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian.
Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết.''
(2) Hiểu biết của con
người: Trên đây là ý định của Thiên Chúa, nhưng có những người hiểu ý định này,
vì họ chịu bỏ giờ tìm hiểu, suy luận, và cầu nguyện; nhưng cũng có những người
vô tâm không chịu học hỏi, nên không biết ý định của Thiên Chúa, mà chỉ theo tầm
nhìn thiển cận của mình. Tác giả Sách Khôn Ngoan so sánh sự hiểu biết khác nhau
của hai loại người này:
- Người thế gian quan
niệm chết là hết: khi một người bị chết là như bị tiêu diệt, chẳng có sự sống lại
và cũng chẳng có hạnh phúc đời sau. Đau khổ đối với họ là một sự trừng phạt, cần
phải tìm mọi cách để tránh đau khổ. Vì quan niệm về cuộc đời như thế, nên họ lo
tìm mọi cách để hưởng thụ đời này mà không cần xét việc họ làm có phù hợp với
luân lý và đường lối của Thiên Chúa hay không.
- Người công chính
quan niệm chết không hết, nhưng bắt đầu cuộc sống hạnh phúc, bình an, và trường
sinh bất tử với Thiên Chúa như lời tác giả nói: "Linh hồn người công chính
ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa." Họ quan
niệm đau khổ chỉ tạm thời, và là khí cụ cần thiết Thiên Chúa dùng để thanh luyện
con người: như lửa dùng để thử vàng để biết vàng nào là vàng thật, đau khổ cũng
thử thách để tìm ra người nào là người tin yêu Chúa thật. Khi Thiên Chúa tìm ra
những người tin yêu thật, Ngài sẽ "đón nhận họ như của lễ toàn
thiêu."
1.2/ Phần thưởng dành cho
những ai trung thành: Tin thế nào sẽ sống thế
ấy, và sẽ lãnh nhận hậu quả tương xứng với niềm tin. Đối với những người công
chính, "khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa
bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức
Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời. Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự
thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người
ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.'' Dĩ nhiên, những con người
không hiểu biết đúng và ngoan cố sống theo những gì họ suy nghĩ, họ sẽ phải
lãnh nhận hậu quả tương xứng với việc làm của họ. Họ sẽ không được chung hưởng
hạnh phúc với Thiên Chúa và bị tiêu diệt muôn đời.
2/ Phúc Âm: Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.
2.1/ Bổn phận và việc thiện
nguyện: Để hiểu ý nghĩa đọan văn ngắn này,
chúng ta cần phân biệt 2 hành động:
(1) Bổn phận phải làm:
Bổn phận của đầy tớ là phải phục vụ chủ, không cần biết việc phải làm nhiều đến
đâu. Chúa Giêsu cho dân một câu truyện thực tế: "Ai trong anh em có người
đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó:
"Mau vào ăn cơm đi!" chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt
lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!” Dĩ nhiên là chủ
sẽ làm theo thái độ thứ hai. Ông làm mà không hối hận vì đó là đầy tớ của ông;
hơn nữa, ông cũng chẳng nghĩ đến việc ơn nghĩa, vì đó là những việc của đầy tớ
phải làm.
(2) Việc thiện nguyện:
Nếu một người không phải là đầy tớ, mà tình nguyện phục vụ người khác; đó mới
là việc thiện nguyện. Người lãnh nhận phải biết ơn người tình nguyện phục vụ
giúp mình.
2.2/ Thiên Chúa có cần phải
biết ơn con người không? Cũng vậy, con người
có bổn phận phục vụ Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên con người. Hơn nữa, Thiên
Chúa còn đầu tư vào con người tất cả những gì cần thiết để làm việc sinh lời
cho Ngài như: ơn thánh, thời gian, sức khỏe, tài năng… Khi con người ra sức làm
việc để sinh lời tương xứng cho Chúa, đó mới chỉ là hòan tất bổn phận hay công
bằng, vì mượn vốn thì phải trả cả lời lẫn vốn. Vì mọi sự trên đời là của Thiên
Chúa, nên Ngài không cần phải biết ơn con người như Chúa Giêsu nói hôm nay: “Đối
với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy
nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy
thôi.”
Tuy nhiên, nếu Thiên
Chúa ưu đãi và đối xử tốt với con người như trong trình thuật khác của Luca:
“Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy
bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà
phục vụ” (Lk 12:37). Đó hoàn toàn vì Ngài rộng lượng và quá thương yêu con người
mà thôi. Đây là điều tối quan trọng mà con người cần xác tín, để rồi đừng bắt
Thiên Chúa phải làm theo ý mình, phải ban ơn khi mình cầu xin, hay ngã lòng
không thờ phượng Thiên Chúa nữa khi phải chịu đau khổ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần dành thời
gian học hỏi để hiểu biết đường lối của Thiên Chúa cho con người, thì mới biết
sống thế nào để đạt được mục đích mà Ngài đã vạch ra cho chúng ta. Nếu không biết
sự thật của Thiên Chúa, làm sao chúng ta có thể đạt tới đích điểm này?
- Đau khổ là khí cụ
Thiên Chúa dùng để thanh luyện con người. Chúng ta hãy biết dùng đau khổ để luyện
tập nhân đức, và chứng minh niềm tin yêu của chúng ta vào Ngài.
- Cho dẫu chúng ta
hoàn tất tốt đẹp và trả lại tương xứng cho Thiên Chúa, chúng ta cũng không có
quyền đòi Thiên Chúa phải biết ơn; vì chúng ta mới chỉ làm tròn bổn phận đã được
giao phó mà thôi.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
14/11/2017 - THỨ BA TUẦN 32 TN
Lc 17,7-10
LÀ ĐẦY TỚ VÔ DỤNG CỦA CHÚA
“Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh
truyền sao?” (Lc 17,9)
Suy niệm: Socrates, một
trong những ông tổ của triết học, thâu tóm mọi tri thức quan trọng nhất trong
cuộc sống vào một nguyên tắc: “Hãy biết mình.” Trên bình diện thiêng liêng, xác
định được chỗ đứng của mình trong mọi mối tương quan là nền tảng vững chắc trên
hành trình ơn gọi làm con người và làm con Chúa. Tôi là ai trước mặt Chúa và
tha nhân? Một khi đã nhìn nhận Chúa là Chủ, là Đấng sáng tạo và điều khiển cả
vũ trụ này, thì tôi chỉ là đầy tớ của Ngài, được giao phó công việc quản lý
công trình của Ngài. Đã là đầy tớ thì bổn phận của tôi là làm theo Ý Chúa chứ
không theo ý mình. Đầy tớ làm hết sức mình vì để cứu độ tôi, Chúa cần có sự cộng
tác của tôi; nhưng người đầy tớ cũng thật khiêm tốn vì ý Chúa vẫn thể hiện mà
không cần có tôi (Th. Âu-tinh). Ý thức tôi chỉ là “đầy tớ vô dụng”, để: - không
nản chí khi thất bại hay bị chê bai, và không tự mãn khi thành công hay được
khen ngợi; - không ganh tị với người khác, nhưng vui trong phận mình và sẵn
sàng làm những công việc nhỏ bé thấp hèn nhất; - phụng sự Chúa hết mình với
tinh thần quảng đại, vô vị lợi.
Mời Bạn: Tinh thần thế tục đang
ngày càng xâm nhập đời sống đạo. Thay vì để “đời vào Đạo” như thế, người Ki-tô
phải biết đem “Đạo vào đời”, như thánh Phao-lô kêu gọi: “giữa một thế hệ gian
tà sa đọa, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Đó
chính là công việc mà phải “người đầy tớ vô dụng của Chúa” phải thực hiện.
Sống Lời Chúa: Quyết tâm thực hiện những
lời cầu trong kinh Lạy Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ
là đầy tớ vô dụng của Chúa. Xin cho thánh ý Chúa được thể hiện nơi con.
(5 Phút Lời Chúa)
Đầy tớ vô dụng (14.11.2017 – Thứ ba Tuần 32 Thường niên)
Người tông đồ giống như người đi cày (Lc 9,62),
chăn chiên (Cv 20,28), hay hầu bàn (Lc
22,27). Khi chu toàn mọi việc được giao, vẫn nhận mình là đầy tớ vô dụng.
Suy niệm:
Vào thời xưa, những tù
binh bại trận phải làm nô lệ cho phe thắng.
Khi nhân phẩm của từng
con người chưa được nhận ra
thì chuyện mua bán nô lệ
là chuyện dễ hiểu (Xh 21, 21).
Dân Ítraen cũng có kinh
nghiệm về việc bị bắt làm nô lệ ở Ai-cập,
và kinh nghiệm được Thiên
Chúa giải phóng để trả lại tự do.
Những kinh nghiệm này
khiến cho chế độ nô lệ ở Ítraen bớt tàn nhẫn.
Người chủ không có quyền
bạc đãi nô lệ của mình (Xh 21, 26-27).
Có những nô lệ còn được
trao trách nhiệm quản trị thay cho chủ.
Nếu nô lệ là người Do
thái thì sau sáu năm phục vụ,
năm thứ bảy anh phải được
trả tự do (Xh 21, 2).
Hơn nữa, sách Lêvi còn
nói đến việc chuyển đổi biên chế
để một nô lệ Do thái trở
thành người làm công trong nhà (25, 39-55).
Tin Mừng hôm nay là một
dụ ngôn nói về chuyện một ông chủ.
Ông có một đầy tớ, hay
đúng hơn ông sở hữu một anh nô lệ (doulos).
Có một sự khác biệt lớn
giữa nô lệ và người làm công.
Anh nô lệ được mua về, và
anh phải hoàn toàn lệ thuộc vào chủ.
Khác với người làm công,
anh nô lệ không được đòi hỏi gì.
Người nô lệ phải làm mọi
việc chủ bảo làm
mà không được đòi lương
hay bất cứ ân huệ nào khác.
Đức Giêsu mời các môn đệ
đặt mình vào hoàn cảnh của ông chủ.
Có thể ông chỉ có một anh
nô lệ thôi,
nên anh vừa phải lo việc
đồng áng, vừa phải lo việc cơm nước.
Khi anh từ ngoài đồng về,
sau cả ngày làm việc,
sau khi đã vất vả đi cày
hay đi chăn chiên (c. 7),
liệu ông chủ có mời anh
ngồi vào bàn, ăn cơm tối với mình không?
Câu trả lời vào thời đó
dĩ nhiên là không.
Anh sẽ phải tiếp tục phục
vụ chủ bằng cách vào bếp, dọn bữa tối.
Khi bữa tối được dọn
xong, khi ông chủ ngồi ăn uống thảnh thơi,
thì anh nô lệ phải đứng
hầu bàn,
thắt lưng gọn gàng trong
tư thế của người đang làm việc (c. 8).
Chỉ khi ông chủ ăn uống
xong, bấy giờ mới đến lúc anh ăn uống.
“Ông chủ có biết ơn anh
nô lệ, vì anh đã làm theo lệnh truyền không?”
Câu trả lời vào thời đó
dĩ nhiên là không.
Ông chủ chẳng phải trả
công cho anh nô lệ.
Và anh cũng không chờ bất
cứ một lời khen hay ân huệ nào từ ông chủ.
Anh hồn nhiên làm điều
anh phải làm mỗi ngày, thế thôi.
Dụ ngôn này của Đức Giêsu
gây sốc cho chúng ta ngày nay,
những người vất vả lo
việc Chúa, những người ít khi được nghỉ.
Chúng ta cũng thuộc về
Chúa tương tự như một nô lệ (Cv 4, 29).
Chúng ta làm điều phải
làm (c. 10),
nhưng không như người làm
công chờ lương,
cũng không đòi tiếng
khen, quyền lợi, hay đặc ân nào khác từ chủ.
Người tông đồ giống như
người đi cày (Lc 9, 62),
chăn chiên (Cv 20, 28),
hay hầu bàn (Lc 22, 27).
Khi chu toàn mọi việc
được giao, vẫn nhận mình là đầy tớ vô dụng,
không một chút kiêu hãnh,
đòi hỏi công lao hay tự hào về thành quả.
Thanh thoát với chính
những công việc lớn lao mình đã làm,
siêu thoát khỏi cái tôi
muốn phình to bằng công đức,
đó là điều mà Đức Giêsu
muốn nhắn nhủ cho những ai làm việc cho Chúa.
Dù sao ta không được phép
nghĩ Thiên Chúa như một ông chủ tàn nhẫn.
Đức Giêsu đã mang lấy
thân phận một nô lệ để cứu chúng ta (Ph 2, 7).
Ngài đã sống như người
hầu bàn cho các môn đệ (Lc 22, 27).
Và Ngài sẽ cư xử như một
người hầu bàn ăn cho ta
khi Ngài đến mà thấy ta
vẫn tỉnh thức đợi chờ (Lc 12, 37).
Cầu nguyện:
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa
rất đáng mến,
xin dạy con biết sống
quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho
xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính
toán,
biết chiến đấu không ngại
thương tích,
biết làm việc không tìm
an nghỉ,
biết hiến thân mà không
mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã
chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG MƯỜI MỘT
Tình Yêu Cứu Độ Của
Chàng Rể
“Khi thời gian viên
mãn, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến, sinh bởi người phụ nữ” (Gl 4,4). Khi người
Con ấy (là Ngôi Lời vĩnh cửu) được sinh ra bởi người trinh nữ ở Na-da-rét, một
sự kết hiệp rất đặc biệt đã được thực hiện: sự kết hiệp giữa thiên tính và nhân
tính nơi ngôi vị thần linh của người Con ấy. Chúng ta gọi là ngôi hiệp. Sự kết
hiệp này cho thấy tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với con người – như được
bộc lộ xuyên qua mạc khải. Tình yêu đặc biệt này mang những dáng nét của tình
yêu phu phụ, nghĩa là nó giống với thứ tình yêu kết hợp giữa vợ và chồng.
Đây là điểm độc đáo đặc
trưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, tình yêu mà một số ngôn sứ Cựu
Ước đã làm chứng: Isaia, Hôsê, Êdêkien. Theo các vị ngôn sứ này, tình yêu của
Thiên Chúa nhắm đến không chỉ một cá nhân, mà nhắm đến toàn thể dân Itraen.
Trong Tân ước, Thư Êphêsô cũng khẳng định tương tự: Đức Kitô là Đấng Cứu Chuộc.
Nhưng Người là “Hôn Phu của Giáo Hội” và Giáo Hội là Hiền Thê của Người. Tình
yêu của Đức Kitô đối với con người vừa có đặc tính cứu chuộc vừa có đặc tính
phu phụ.
Theo giáo huấn của Thư
Êphêsô, tình yêu phu phụ của Đức Kitô đối với Giáo Hội là nguồn và là mẫu thức
cho tình yêu kết hiệp người vợ và người chồng trong một “Mầu Nhiệm Vĩ Đại”, đó
là hôn nhân (Ep 5, 32).
Bí Tích Hôn Nhân vừa
là hình ảnh thể hiện vừa là sự tham dự vào cuộc hôn phối giữa Đức Kitô và Giáo
Hội.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 14-11
Kn 2, 23-3,9; Lc
17, 7-10.
Lời suy niệm: “Ai trong anh em
có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ngoài đồng về, lại bảo nó:
Mau vào ăn cơm đi. Chứ không bảo: Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho
ta ăn uống xong đã, rồi hãy ăn uống sau.”
Vai trò của người đày
tớ là kẻ làm công ăn lương, những công việc họ làm cho ông chủ là bổn phận và
trách nhiệm phải làm tốt theo ý của chủ. Không được xem đây là một công trạng,
để ông chủ phải mang ơn. Điều này cũng giống như người Kitô hữu khi làm được những
việc thiện, những việc bác ái, hay một công tác tông đồ. Đây là một diễm phúc
được học biết qua Giáo Hội trong vai trò làm con cái của Chúa, nhờ đó nhận ra
những công việc mình cần phải làm, cần phải hy sinh và phải đóng góp trước tình
yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con luôn phải ý thức thân phận đơn hèn, nghèo nàn, bất xứng trước mặt
Chúa; luôn biết cúi đầu đấm ngực cầu xin lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa cho
chúng con luôn chu toàn bổn phận sống và làm theo ý Chúa trong vai trò là con
cái của Chúa.
Mạnh Phương
14 Tháng Mười Một
Tôi Tiếp Tục Cuộc Chơi!
Mới đây, tại Thụy
Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1,200 người tại 20 thành phố khác
nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được đặt như sau: "Nếu bạn chỉ còn một
ngày nữa để sống, bạn sẽ làm gì?". Kết quả của cuộc thăm dò được phân chia
như sau:
- 57% những người
được phỏng vấn trả lời rằng họ sẽ sống ngày cuối cùng với gia đình. 12% muốn ở
một mình hoặc với bạn bè.
- 26% người đàn ông
được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình. 42% khác thích ở một
mình hoặc cùng với bạn bè.
- 32% đàn ông lẫn
đàn bà muốn được sống với gia đình trong những giây phút cuối đời.
- 6% người đàn ông
muốn được sống bên vợ...
Trên đây có lẽ chỉ
là những con số không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi người.
Nhưng xuyên qua kết quả đó, chúng ta cũng có thể đọc được một thái độ chung của
con người khi đứng trước sự chết: đó là sự cô đơn...
Cái chết là một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra cho bạn giây phút này đây, bạn sẽ làm gì?
Cái chết là một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt ra cho bạn giây phút này đây, bạn sẽ làm gì?
Có lẽ chúng ta còn nhớ
chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết...
Giữa một đám trẻ đang
chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: nếu ngay bây giờ, chúng con biết mình sắp
chết, chúng con sẽ làm gì?
Một số trả lời rằng sẽ
đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành
v.v... Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời: "Nếu trong giây lát tôi có chết,
tôi cũng sẽ tiếp tục cuộc chơi".
Có lẽ đó là câu trả lời
làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bẩn phận,
thì việc thánh hóa trước tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày.
Nếu chúng tabiết lắng
nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng
sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng giây phút... thì cái chết
chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ đó. Người luôn trung thành với những gặp gỡ
trong giây phút hiện tại, sẽ không phải hãi sợ trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái
chết.
Chúng ta đang cầu cho
các đẳng linh hồn. Giáo Hội kêu mời chúng ta dâng các việc đạo đức và hy sinh để
cầu cho họ. Ðó là những việc làm không thể thiếu sót trong nghĩa vụ liên đới của
người Kitô. Nhưng còn có một việc làm khác không kém giá trị: đó là sự trung
thành của chúng ta trong những bổn phận hằng ngày. Người có niềm tin trưởng
thành thực sự, luôn nhìn thấy ý nghĩa và giá trị của những bổn phận vô danh và
nhàm chán hằng ngày...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét