Trang

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Ý Niệm Chết Trong Thánh Kinh và Thần Học (3)

Ý Niệm Chết Trong Thánh Kinh và Thần Học (3)
Vũ Văn An
13/Nov/2017

2.Mầu Nhiệm Sự Chết

Mặc khải Thiên Chúa cho con người biết rằng nói chung, sự chết và sự chết đặc thù của mỗi cá nhân đều nằm trong kế hoạch sắp đặt đầy khôn ngoan và tình yêu hiến mình của Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của mạc khải này, sự chết trở nên một mầu nhiệm chứ không còn là một vấn đề. Nghĩa là: nó không còn là một tổng hợp các mâu thuẫn nữa, mà là một thực tại mà ý nghĩa trọn vẹn của nó đụng tới cõi vô biên và do đó, vượt quá sự thấu hiểu trọn vẹn của con người. Ở đây, ta không còn nhấn mạnh tới bóng tối và dấu kín nữa, mà nhấn mạnh tới ánh sáng và sự phong phú của điều được Thiên Chúa mạc khải cho con người.

Nhìn như trên, sự chết như một biến cố tự nhiên không những biểu lộ sự gần gũi của con người với vũ trụ vật chất, nó còn soi sáng cho mối liên hệ có tính yếu tính của họ với Thiên Chúa nữa. Họ nhìn ra sự khác biệt về yếu tính với Thiên Chúa và sự lệ thuộc hoàn toàn của họ vào Người. Một mình Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối bất tử; con người là loài tử sinh. Thiên Chúa tự do ban sự sống cho con người. Cũng thế, Người tự do lấy nó đi. Người là chúa tể hữu thể yếu tính của con người. Sự tự do và quyền chúa tể này không hàm nghĩa thất thường hay chuyên chế, nhưng chúng quả nhấn mạnh tới sự kiện này: số phận của con người, xét cho cùng, không nằm trong tay họ mà là nằm trong tay Thiên Chúa.

Điều trên đặc biệt có liên hệ với vấn đề sống còn của linh hồn con người sau khi thân xác họ chết. Mặc dù sinh hoạt có tính nhân bản chuyên biệt đã nhắc đến trên đây cho thấy nguyên lý của sự sống có khả năng hiện hữu và hoạt động tách biệt khỏi thân xác, nhưng bất cứ mưu toan nào nhằm quan niệm rằng sinh hoạt này có thể thực hiện bất cần các điều kiện thời gian và không gian vốn phát sinh từ thân xác thì mưu toan này đều rất ít thành công. Ở đây, con người phải sẵn lòng phó thác sự chết của mình cho Thiên Chúa như họ vốn phó thác sự sống của họ cho Người. Sự tín thác trước bóng đêm và tối tăm này là thái độ tôn giáo sớm sủa nhất của người Do Thái đối với sự chết.

Nhưng, trong trật tự lịch sử thực sự của sự vật, phản ứng của con người đối với sự chết như một điều phi lý và không được chào đón có cơ sở khá vững. Như Sách Khôn Ngoan từng dạy ta, “Vì Thiên Chúa không tạo nên sự chết, mà Người cũng không hân hoan trước cái chết... Thiên Chúa đã tạo nên con người để được bất diệt; Người đã tạo nên họ giống hình ảnh bản tính của Người. Nhưng vì sự ác ghen ghét, nên sự chết đã nhập vào thế giới” (1:13; 2:23-24). Sự chết là hậu quả của tội lỗi, của việc con người tự do chấp nhận sự cám dỗ của ma qủy. Thiên Chúa cho phép tội lỗi này và hậu quả của nó, và trong đức khôn ngoan đầy yêu thương của Người, Người rút sự tốt lành từ đó mà ra.



Sự chết, hậu quả của tội lỗi

Câu truyện dựng nên con người và sự sa ngã của họ trong Sáng Thế chương 2 và 3 thuộc các truyền thống tôn giáo lâu đời nhất của Israel. Tác giả thánh cố gắng giải thích hiện tượng tội lỗi và chết chóc phổ quát trong thế giới. Thiên Chúa là Chúa Tể sống động và thánh thiện, làm thế nào sự chết và sự dữ lại có thể có chỗ đứng trong công trình của Người được? Chúng không thể có trong kế hoạch và ý định nguyên thủy của Người được. Do đó, Thiên Chúa đã được mô tả như Đấng đặc biệt lưu ý tới việc tạo nên con người, thổi sự sống vào con người, phú ban cho họ một đời sống kết hợp thân mật với Người trong một điều kiện ngây thơ nguyên khởi. Sống là chia sẻ điều vốn thuộc quyền một mình Thiên Chúa hằng sống một cách viên mãn. Bao lâu con người còn duy trì được sự kết hợp này với Thiên Chúa hằng sống, không bao giờ họ đánh mất hồng ân sự sống. Nhưng nếu họ quay lưng khỏi Thiên Chúa trong bất phục, thì việc mất sự sống là điều không thể tránh được. Thần dữ cám dỗ con người tìm cách sống độc lập khỏi Thiên Chúa và con người đã chiều theo ảo tưởng này và tự làm mình ra xa lạ với Người. Kết quả, con người bị cắt đứt khỏi Thiên Chúa hằng sống và sa vào vòng hư nát và chết chóc.

Sự hỗn loạn trên trở thành thân phận nguyên khởi của con người. Nó ảnh hưởng tới toàn bộ loài người, vì nó ảnh hưởng tới nguyên thủy của nòi giống. Bản tính con người như được truyền từ nguyên tổ tới mọi con người về sau mất đi mối liên kết với Thiên Chúa, mối liên kết vốn đảm bảo sự không hư nát và sự sống. Về phương diện lịch sử, sự nhất thiết phải chết của mọi người cho thấy không những sự gần gũi của con người với thế giới vật chất, mà cả sự thất bại của họ trong việc bám vào Người, Đấng vốn là sự sống. Và, trừ khi được Thiên Chúa ban phương thuốc cứu chữa, kinh nghiệm chết trong thân xác hẳn đã đóng ấn tín cho việc con người ra xa lạ với Thiên Chúa.

Như thế, sự chết đơn giản không phải là một hình phạt chuyên chế của tội lỗi, một trong các cách khả hữu để thi hành công lý. Từ trong nội tại, sự chết liên kết với việc xa lìa Thiên Chúa. Quả thực, nếu con người không được mời gọi sống đặc biệt thân mật với Thiên Chúa, một việc vốn tạo ra trật tự siêu nhiên, thì sự chết, như một hiện tượng tự nhiên, đã không bị chứng tỏ là một sự lạc xa thánh Ý Chúa về phương diện luân lý. Nhưng, trong trật tự hiện nay của sự vật, tính bất tử của con người không thể tồn tại ở nơi tội lỗi đã cắt đứt gốc rễ tính bất tử ấy trong mối liên hệ của con người với Thiên Chúa; mà tính bất tử có lẽ cũng sẽ không mất bao lâu gốc rễ kia vẫn tồn tại.

Điều trên cũng giải thích chiều kích sâu sắc hơn của việc con người co rúm vì sợ chết. Do tội lỗi, con người không bao giờ đánh mất việc họ được sắp đặt cho một mục đích siêu nhiên, dù họ có đánh mất các tài nguyên bên trong đáng lẽ có thể dẫn họ tới mục đích này. Do đó, con người luôn duy trì được một sự sắp xếp nền tảng hướng tới tính bất tử ngay trong thân xác của họ. Bởi thế, nỗi sợ sự chết là một phản ứng phát sinh từ một ý thức có tính bản năng rằng họ có thể đánh mất số phận bất tử của mình.

Nơi những kẻ tội lỗi không được Chúa Kitô cứu chuộc, sự chết là một hình phạt không những vì tội nguyên tổ mà còn vì tội riêng chính họ phạm nữa. Không phải một bản tính nhân loại cụ thề chết, mà là một nhân vị độc đáo. Nếu nhân vị này, bằng các chọn lựa có chủ tâm, tự ý phê chuẩn việc xa lìa Thiên Chúa mà bản nhiên họ vốn thừa hưởng từ Ađam, thì vào lúc chết, họ sẽ sống thực việc xa lìa Thiên Chúa mà họ đã tự ý chọn làm kinh nghiệm bản thân của họ, làm kết quả của việc họ đã bác bỏ sự sống trong Thiên Chúa.

Hình phạt mà sự chết mang theo có hai khía cạnh. Nó là việc hủy diệt thân xác và cô lập linh hồn. Hạnh phúc của con người không thể tìm thấy bên ngoài sự thống nhất và hòa hợp nội tâm của họ cũng như việc họ hòa hợp với toàn thể vũ trụ. Sự chết tiêu diệt cả hai phương diện này nơi kẻ tội lỗi. Qua việc hồn lìa khỏi xác và sau đó thân xác bị hủy hoại, sự thống nhất và hòa hợp nội tâm của con người sẽ không còn. Hơn nữa, linh hồn con người chỉ tự nhiên được lồng vào vũ trụ nhờ sự kết hợp của nó với thân xác, bằng cách tổ chức vật chất thành dụng cụ cho kinh nghiệm, cho việc phát triển và tự diễn tả của nó. Khi mất thân xác, sự hiện hữu của nó bị cô lập khỏi mọi sự vật khác, chỉ còn lại bơ vơ một mình không lối thoát trong chính sự bất toàn và tiềm năng chưa thể hiện của mình.

Sự chết của người có tội là một sự qui phục sau cùng đối với đế quốc Satan. Tội luôn mang theo mối tương quan nào đó với ảnh hưởng ma qủi; không phải vì mọi cơn cám dỗ đều trực tiếp phát xuất từ ma qủi, nhưng sự bất trung nguyên thủy của con người và việc họ đánh mất sự toàn vẹn bên trong quả là gợi ý của ma qủi và chính sự đánh mất này tiếp tục tự biểu lộ cách nào đó trong mọi cuộc nổi loạn về sau. Mỗi tội cá nhân là nối dài thêm sự hỗn loạn của ma qủi, và sự chết của người có tội biến điều kiện này thành ổn định và vĩnh viễn. Dĩ nhiên, người ta có thể lầm khi tưởng tượng vương quốc Satan như một quyền lực có thể điều hướng người ta hay các biến cố vào việc phục vụ các mục đích của nó; Satan, thực ra, chỉ thống trị theo nghĩa rút lại một điều gì đó khỏi mục đích tức khắc mà Thiên Chúa đã định cho điều này. Sự chết của người có tội sau cùng đã rút họ khỏi con đường trong đó Thiên Chúa vốn muốn tỏ mình Người ra trong họ và cho họ, đó là con đường cứu rỗi. Như thế, sự chết này quả là thành tích tối hậu của quyền lực ma qủi

Thánh Kinh mô tả bằng nhiều cách việc con người cần sự cứu rỗi. Họ được trình bầy như bị cầm tù hay câu thúc, bị làm nô lệ, lang thang lạc đường, mắc nợ, sống theo xác thịt (theo nghĩa yếu đuối của Thánh Phaolô, vì bị cắt đứt khỏi sức mạnh của Thiên Chúa), bệnh hoạn, sống trong bóng tối, lệ thuộc phù hoa. Nhưng tất cả các cách mô tả này cũng như nhiều lối mô tả khác chung qui có ý nói rằng con người tội lỗi là kẻ tử sinh, sống trong bóng sự chết, thực sự đã chết trong tội. Sự chết trong các lối mô tả này không hoàn toàn chỉ có nghĩa cái chết thể chất của thân xác hoặc cái chết thiêng liêng của linh hồn, mà là cái chết toàn diện vì nó ảnh hưởng tới trọn bản vị của con người. Như thế, sự cứu rỗi phải được hiểu là việc biến đổi thân phận tử sinh của con người, sự thay đổi từ chết qua sống.

Việc Thiên Chúa quyết định cứu rỗi con người không có nghĩa Người xóa bỏ sự chết và giả vờ coi tội lỗi của con người như chưa bao giờ diễn ra. Việc Thiên Chúa tôn trọng tự do và sinh hoạt của tạo vật không bao giờ cho phép Người hành động như thể một biến cố thực sự nào đó chưa xẩy ra. Sự kiện con người phạm tội còn đó và các hậu quả của sự kiện này cũng còn đó. Nhưng Thiên Chúa có thể thay đổi ý nghĩa bên trong của các hậu quả này, và, chỉ miễn là con người sẵn lòng, thì căn cứ vào đó Thiên Chúa sẽ làm cho các hậu quả này có lợi cho hạnh phúc tối hậu của con người, chứ không có lợi cho sự hủy diệt tối hậu của họ. Sự thay đổi này không thể là một cách nhìn khác từ bên ngoài đối với sự chết, cũng không phải là một nối kết sự chết một cách võ đoán vào một số hậu quả hữu ích mà nó không hề có bất cứ tương quan nội tại nào. Đúng hơn, chính bản chất sự chết phải được thay đổi để nó có thể dẫn tới Thiên Chúa và sự sống, thay vì ra xa Người mà bước vào sự hủy diệt vĩnh viễn.



Sự chết của Chúa Kitô

Để thể hiện sự biến đổi cái chết từ bên trong và thân phận con người này, Thiên Chúa đã sai Con của Người xuống thế gian “trong sự tương tự của xác thịt tội lỗi” (Rm 8:3). Con Thiên VChúa trở thành con người tử sinh; vô tội trong chính Người, Người mang lấy một bản tính vốn được tạo nên để chịu đau đớn và chết chóc vì tội lỗi con người. Khi tính vị kỷ, sự dốt nát, và ma quái của người đương thời buộc Người phải chết, Người tự ý và sẵn lòng chấp nhận cái chết trong một tinh thần yêu thương vâng theo thánh ý Cha Người. Nơi Chúa Kitô, sự chết, mà bản chất nội tại vốn đầy rẫy bất tuân và bác bỏ, nay tràn ngập yêu thương và tuân phục. Nó trở thành hành vi hiến tế, biểu lộ cách cao nhất việc hiến mình và từ bỏ mình hoàn toàn của Người. Tình yêu đầy thờ phượng này, một tình yêu vốn thuộc một Ngôi Vị Thiên Chúa, mang theo nó một quyền lực chuyển Chúa Kitô trong bản tính nhân loại của Người vào lãnh vực thần linh của sự sống và vinh quang bất tử. Việc Người hiến mình trong sự chết được Cha của Người chấp nhận, Đấng làm cho Người sống lại từ cõi chết và đổ đầy nơi Người sự sống không bao giờ chết của Chúa Thánh Thần. Sự chết bị nuốt chửng trong vinh thắng. Nơi Chúa Kitô, ý nghĩa sự chết đã hoàn toàn được biến đổi. Nó không còn có nghĩa việc con người phản loạn chống lại Thiên Chúa nữa; nay nó là dấu chỉ sự hiện diện của tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa trong trần gian.

Điều quan trọng phải ghi nhận là: trong hành vi hiến tế của Người, Chúa Kitô không hành động như một cá nhân tư riêng nhưng như thầy cả thượng phẩm được Thiên Chúa thiết lập cho loài người. Người chịu chết vì con người, không theo nghĩa chịu hình phạt mà con người đáng phải chịu và nhờ thế thỏa mãnh các đòi hỏi vô bản vị của một lề luật bị vi phạm, mà theo nghĩa chia sẻ với các người đồng loại của Người sự chiến thắng Người giành được nhờ sự chết. Là Ađam mới, người tạo lập một nhân loại mới, tóm gọn trong Người toàn bộ giống nòi nhân loại, trở thành một với con người bằng thịt bằng máu, Người vì con người vâng lời cho đến chết. Nhờ thế, Người được Chúa Cha tôn vinh và đưa lên địa vị hoàn toàn hoàn hảo bên tay phải Thiên Chúa. Được hoàn hảo như thế, Chúa Kitô là nguồn cứu rỗi của con người, là nguyên lý Thần Khí, Đấng dẫn dắt con người trong tư cách con cái Thiên Chúa qua đau khổ và sự chết mà bước vào hưởng gia tài vĩnh viễn cùng với Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Điều này có nghĩa: toàn bộ tình huống của con người sa ngã đã thay đổi. Họ không còn ngụ cư trong bóng sự chết nữa, mà ánh sáng sự sống chiếu soi trên họ. Vì giữa nòi giống nhân loại, nơi một trong các thành viên của nó đã chiến thắng sự chết và tội lỗi, có cả một nguồn sự sống vĩnh cửu đầy hiệu quả và không hề hư hại.

Sự chết của Kitô hữu

Sự chết của người ở trong Chúa Kitô, sự chết của người Kitô hữu, do đó, cực kỳ khác với sự chết của người có tội, người chết trong Ađam. Đã đành sự chết mà họ đang tới gần vẫn tỏ ra đen tối và hãi hùng, vì nó vẫn là hậu quả của tội lỗi. Nhưng nay, sự chết không bị coi là hình phạt của tội lỗi nữa, vì không còn điều gì nơi người Kitô hữu đang sống trong Chúa Kitô bị lọt vào sự phán xét kết án của Thiên Chúa (xem Rm 8:1). Vì sự chết hoàn toàn có tính tự nhiên đối với con người, nên Thiên Chúa có thể để nó là thành phần của hiện hữu con người nhưng không vì thế hàm ý bất cứ sự bác bỏ hay thiếu yêu thương tha thứ nào, bất kể sự kiện này: theo lịch sử, sự hiện diện của nó vốn biểu thị cho sự kiện sa ngã của con người, còn nay sự chết biểu thị mục đích cứu chuộc của Thiên Chúa, và đối với Kitô hữu, cũng như đối với chính Chúa Kitô, nó trở thành một đối tượng để chấp nhận một cách khiêm nhường. Nó trở thành dịp để thể hiện sự sống Thiên Chúa một cách nồng nàn và tinh trong mà nó không thể đạt được cách khác.

Sự biến đổi cái chết trong trường hợp Kitô hữu cá thể không hẳn là hậu quả tự động của sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Nó là kết quả tuyệt đỉnh của toàn bộ đời sống thiêng liêng và bí tích của người Kitô hữu, nhờ đó, lúc còn sống, họ đã mở lòng ra cho quyền lực Thiên Chúa, một quyền lực vốn hành động xuyên suốt đời sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, và tiếp tục hoạt động trong nhân tính vinh hiển của Người. Điều này đặc biệt thấy rõ trong việc phát triển các nhân đức đối thần tin, cậy, mến, vốn tạo nên sinh hoạt yếu tính của đời sống thiêng liêng, và trong hậu quả của mọi bí tích, có thể chỉ trừ bí tích Truyền Chức và bí tích Hôn Phối, là các bí tích, trong tư cách các bí tích ơn gọi, có liện hệ trực tiếp nhiều hơn với cách sống của người Kitô hữu trong thế gian.

Kỳ sau: Sự chết: sự nên trọn của cuộc sống ơn thánh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét