Trang

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Ý Niệm Chết trong Thánh Kinh và Thần học (2)

Ý Niệm Chết trong Thánh Kinh và Thần học (2)

Vũ Văn An
10/Nov/2017

II. Sự chết trong thần học 

Thần học về sự chết sẽ được bàn dưới 3 chủ đề sau đây: 1. vấn đề sự chết nghĩa là các mâu thuẫn biểu kiến xuất hiện khi con người cố gắng hiểu hiện tượng chết của con người; 2. mầu nhiệm sự chết, nghĩa là câu trả lời cho vấn đề vừa rồi như đã có trong mạc khải Thiên Chúa (chủ đề này sẽ có hai khía cạnh chính: sự chết như hậu quả của tội lỗi và sự chết được biến đổi nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô); 3. Cái hiểu của thần học về mầu nhiệm sự chết nghĩa là cố gắng đi sâu vào ý nghĩa của câu trả lời do mạc khải cung cấp cho vấn đề sự chết.

1. Vấn đề sự chết 

Trên bình diện nhân bản, nhận thức của con người về sự chết chỉ xuất phát từ quan sát bên ngoài. Không ai trải nghiệm sự chết, rồi giải thích cho người khác biết bản chất và ý nghĩa của trải nghiệm này. Khi người ta quan sát hiện tượng chết này, hai phán đoán xem ra mâu thuẫn nhau liên quan đến nó tự xuất hiện trong đầu óc ta, và đây là điều tạo ra vấn đề sự chết. Một đàng, đối với con người, sự chết xem ra hoàn toàn là điều tự nhiên, phù hợp với bản nhiên họ. Nhưng đàng khác, sự chết xem ra hoàn toàn phi lý, hoàn toàn mâu thuẫn với các đặc điểm vốn phân biệt con người với mọi tạo vật khác trong thế giới vật chất.

a. Tính tự nhiên của sự chết

Chết xem ra hoàn toàn tự nhiên khi ta xem xét sự gần gũi hiển nhiên giữa con người và sự sống vật chất trong vũ trụ. Con người sở hữu một cơ cấu hữu cơ phức tạp vốn được thay đổi và hoàn thiện qua nhiều thế kỷ phát triển và thích ứng. Cơ cấu hữu cơ này nhận được sự hỗ trợ từ môi trường bao quanh nó, một môi trường, ở khắp nơi, cho thấy rõ chu kỳ sinh ra, lớn lên, suy tàn, và rồi chết. Đặc điểm của mọi loại cây cỏ và đời sống động vật là cá nhân kinh qua một diễn trình trưởng thành, trong diễn trình này, cá nhân được hưởng lợi ích từ khu vực bao quanh và đồng thời góp phần làm lợi cho các khu vực bao quanh này. Khi diễn trình trưởng thành này hoàn tất và chức năng của cá nhân đã được thể hiện, lúc chết, nó sẽ nhường bước cho các cá nhân khác thuộc cùng loại tiếp tục diễn trình này. Do đó, khi con người cá thể trải qua các giai đoạn này của cuộc sống một cách tự nhiên, họ sẽ thấy sự chết như một tận cùng bình thường và thích đáng của họ. Ở Do Thái cổ thời, chỉ những cái chết thình lình giữa tuổi thanh xuân mới bị coi là không thích đáng mà thôi. Các người Do Thái tiên khởi ít khi suy tư về sự hiện hữu bên kia nấm mồ. Họ thanh thản chấp nhận viễn tượng chết ở cuối cuộc sống trọn vẹn, một sự chết với nghĩa chấm dứt trọn vẹn sự hiện hữu có ý nghĩa thực sự, theo sự hiểu biết của họ. Sự sống là một ơn phúc của Thiên Chúa. Và khi nó kết thúc, điều này không hẳn không phải là một ơn phúc của Người.

b. Tính phi lý của sự chết 

Tuy nhiên, việc thanh thản chấp nhận sự chết trên đây như một phần tự nhiên, bình thường của hiện hữu nhân bản gặp khó khăn lớn khi ta xét tới các đặc tính đặc biệt của sự sống con người. Vì đối với mọi sinh vật, ngoại trừ con người, sự chết ở cuối diễn trình tuổi già đã hoàn tất là một kết thúc hợp lý đối với một sự sống trong đó mọi tiềm năng của cá thể đã được thể hiện. Cây cối đã trổ hoa và sinh trái cùng hạt giống. Chim chóc đã lớn lên đẹp đẽ, biết bay biết hót, đã sinh sôi nẩy nở những đứa con có thể làm cùng những việc ấy. Mỗi con vật hạ đẳng đều tiến tới kết thúc bình thường đời nó sau khi đã hoàn tất trọn vẹn hay rất gần như thế mọi điều nó có khả năng hoàn tất. Nhưng cái chết đến với con người lúc họ chưa thực sự hoàn tất, các tiềm năng của họ chưa thể hiện, các tài nguyên của nhân cách họ chưa được tận dụng trọn vẹn. Khả năng tinh thần con người để đạt tình bạn, đạt sự thật, đạt sự sáng tạo và thưởng thức cái đẹp, đạt việc soi sáng cho người khác và truyền bá hạnh phúc, phát triển kỹ thuật, thăng tiến luân lý, các kinh nghiệm mới và phong phú hóa, và muôn vàn điều khác, tất cả cái khả năng này, với cái chết, đã ra đi mà chỉ được thể hiện một phần. Và nghịch lý thay, nhân cách con người càng phát triển, thì xem ra cái chết càng đến bất chợt và phi lý hơn. Nếu Einstein sống lâu hơn, có lẽ ông đã có thể lên công thức cho sự đơn nhất nền tảng của mọi hiện tượng vật chất. Nếu Beethoven không chết sớm, nhiều hòa tấu khác đẹp đẽ hơn có lẽ đã phát khởi từ đầu óc tuyệt vời của ông. Nếu Thánh Tôma Aquinô sống lâu hơn, sự đóng góp của ngài vào kho tàng khôn ngoan của con người chắc chắn còn lớn lao hơn nhiều nữa.

Sự phi lý trên của sự chết cũng tự biểu lộ trong nỗi sợ hãi đặc biệt của con người đối với sự chết. Nỗi sợ hãi này không phải chỉ là bản năng sinh học muốn tự bảo tồn thân xác. Vì con người ý thức được một cách phản tỉnh và minh nhiên chính sự sống và sinh hoạt bản thân của mình, nên sự chết quả là một đe dọa đối với yếu tính họ ngay trong bình diện sâu sắc nhất. Việc tự chiếm hữu của con người trong nhận thức và việc họ tự cho đi trong yêu thương, tất cả xem ra đang chờ bị tiêu diệt trong cái chết. Chết xem ra là cái xấu tối cao đối với con người trong tư cách một ngôi vị.

Các suy tư triết học về bản chất đặc biệt của linh hồn con người rất ít có khả năng làm dịu cái nỗi sợ hãi hùng này. Đúng là nơi con người, các hiện tượng như phản tỉnh có ý thức trọn vẹn về chính họ và các hoạt động của họ, nhận thức trừu tượng, phổ quát, và tất yếu, tự quyết tự do trong chọn lựa cố ý, tất cả đều cho thấy: nguồn gốc bên trong của các hoạt động này không phải là vật chất, cũng không chủ yếu lệ thuộc vật chất mới hiện hữu và hoạt động được; linh hồn con người có thể hiện hữu và hoạt động dù tách biệt với thân xác. Nhưng tình trạng tách biệt như thế phải bị coi là cưỡng chế (violent) và không tự nhiên. Không có điều gì con người hiện làm, không có mối tương quan nào họ có với thế giới vật chất và với người khác, mà lại không có một thành tố có tính thân xác từ nền tảng. Viễn ảnh hiện hữu và hoạt động một cách hoàn toàn từ bỏ mối liên kết này với vật chất xem ra hết sức đáng sợ, vô ích và hư ảo.

c. Các quan điểm 

Đứng trước nan đề trên của sự chết, người ta có thể có hai thái độ: thái độ vô thần và thái độ tôn giáo. Người vô thần chấp nhận sự phi lý của cái chết nhân bản như là biểu hiện cho sự phi lý toàn diện của hiện hữu. Sự sống con người phải nói là không có mục tiêu hay số phận hợp lý thế nào, thì toàn bộ cơ cấu của thực tại cũng không giải thích hay có ý nghĩa nào như thế. Không cần phải đi tìm một nguyên lý hay nguyên nhân tối cao để giải thích điều ta trải nghiệm, vì điều ta trải nghiệm là vô lý, phi lý, không có khả năng để được giải thích. Thực vậy, theo quan điểm của con người, không có chỗ nào dành cho Thiên Chúa cả. Vì tinh thần của con người chỉ có thể sống với phi lý nếu nó có thể tạo ra các giá trị ở nơi không có một giá trị nào. Việc hiện hữu của Thiên Chúa sẽ bác bỏ sự tự do trọn vẹn của con người trong việc lập ra các mục đích và cố gắng đạt được các mục đích này, trong việc tự cho mình một yếu tính có thể làm cho nỗi thống khổ của cuộc hiện hữu phi lý trở thành chịu đựng được. Đó là chủ trương của thuyết hiện sinh vô thần hiện đại.

Người tôn giáo chấp nhận sự phi lý của cái chết như là bằng chứng cho thấy họ không biết đầy đủ về toàn bộ. Họ thừa nhận rằng một chi tiết hay một thành phần, bất kể quan trọng và chính yếu đến đâu, xem ra cũng sẽ rất phi lý nếu xét nó một cách tách biệt khỏi tính toàn bộ mà nó vốn thuộc về. Việc họ nhìn nhận không có khả năng tự mình nắm được vấn đề sự chết đã chuẩn bị để họ chấp nhận từ mạc khải Thiên Chúa một giải đáp cho vấn đề này, một giải đáp kết hợp mọi khía cạnh của sống và chết mà họ từng quan sát được.

Kỳ sau: 2. Mầu Nhiệm Sự Chết


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét