Trang

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

16-11-2017 : THỨ NĂM - TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

16/11/2017
Thứ năm tuần 32 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 7, 22 - 8, 1
"Sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của uy quyền Thiên Chúa".
Trích sách Khôn Ngoan.
Trong sự khôn ngoan có tinh thần sáng suốt, thánh thiện, duy nhất, đa diện, tinh vi, lợi khẩu, linh động, tinh tuyền, chắc chắn, dịu dàng, phục thiện, sâu sắc, bất khuất, hào hiệp, nhân đạo, đại lượng, vững tâm, bền chí, vững chắc, bình thản, làm được mọi sự, kiểm soát hết thảy, thấu suốt mọi thần trí, những kẻ thông minh, những người thanh sạch và những người tế nhị. Sự khôn ngoan linh hoạt hơn mọi chuyển động, và vì trong sạch, nên thấu nhập mọi nơi.
Sự khôn ngoan là hơi thở của quyền năng Thiên Chúa, và là sự phát xuất tinh tuyền của vinh quang Thiên Chúa toàn năng; bởi thế không vật ô uế nào đụng tới được; sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của Uy quyền Thiên Chúa, và là hình ảnh lòng từ nhân của Người.
Tuy duy nhất, nhưng sự khôn ngoan có thể làm mọi sự, và dù bất biến, nhưng có thể canh tân mọi loài. Qua các thế hệ, sự khôn ngoan lan tràn trên các tâm hồn thánh thiện, làm cho các tâm hồn trở nên bạn hữu và tiên tri của Thiên Chúa.
Vì Chúa không yêu mến ai nếu không phải là kẻ ở với sự khôn ngoan. Khôn ngoan xinh đẹp hơn mặt trời, trổi vượt mọi tinh tú, và so với ánh sáng, nó còn trổi vượt hơn, vì ánh sáng có lúc phải nhường chỗ cho bóng tối, nhưng ngay cả gian ác cũng không thắng nổi sự khôn ngoan.
Vậy sự khôn ngoan đã lan tràn mạnh mẽ từ bờ cõi này đến bờ cõi kia, và hướng dẫn mọi loài cách khôn khéo.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 89. 90. 91. 130. 135. 175
Ðáp: Thân lạy Chúa, cho tới đời đời, lời Chúa vẫn còn đó (c. 89a).
Xướng: 1) Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao. - Ðáp.
2) Ðời nọ sang đời kia, còn mãi lòng trung thành của Chúa, Ngài đã kiến tạo địa cầu, nó còn đứng vững trơ trơ. - Ðáp.
3) Theo chỉ dụ Chúa, vũ trụ luôn luôn tồn tại, vì hết thảy vạn vật đều phải phục vụ Ngài. - Ðáp.
4) Sự mạc khải lời Ngài soi sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. - Ðáp.
5) Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
6) Nguyện cho hồn con được sống để khen ngợi Chúa, và xin các sắc dụ của Chúa phù trợ cho con. - Ðáp.
Alleluia: 2 Tx 2, 14
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 20-25
"Nước Thiên Chúa ở giữa các ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:  Mầu nhiệm Nước Chúa
Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn luôn là thao thức của con người. Nhiều người Do Thái nôn nao chờ đợi Nước Thiên Chúa nhưng dù có thao thức, có chờ đợi họ cũng không gặp dẫu rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Chúa Giêsu đã giải thích lý do: "Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được". Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài.
Trọng tâm của bài giảng của Chúa Giêsu là mầu nhiệm nước Chúa. Mầu nhiệm ấy không thể nắm bắt được bằng mắt trần hay bằng lý luận của con người. Chúa Giêsu mời gọi mọi người đi vào mầu nhiệm Nước Chúa. Nước Chúa không ở chỗ này hay chỗ kia. Nước Chúa chỉ đến bằng cái chết của Chúa Giêsu mà thôi. Chúa Giêsu đã hé mở cho các môn đệ thấy cuộc khổ nạn của Ngài và các cuộc bách hại mà Giáo Hội sẽ trải qua. Chính qua các cuộc bách hại mà hạt giống đức tin được gieo vãi, Giáo Hội được thanh luyện, củng cố và lớn lên. Do đó, không phải cái vẻ hào nhoáng với các cơ cấu tổ chức và biểu dương bên ngoài rầm rộ của Giáo Hội thể hiện mầu nhiệm Nước Chúa, nhưng là chính ở sức mạnh tinh thần của niềm tin, một niềm tin sẵn sàng mất tất cả, ngay cả sự sống của mình để được trung thành với những giá trị của Tin Mừng. Chính niềm tin ấy mới thể hiện được mầu nhiệm thâm sâu của Nước Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết cởi bỏ cái nhìn hẹp hòi ích kỷ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Xin cho chúng ta luôn tâm niệm rằng chúng ta chỉ gặp được Thiên Chúa trong yêu thương và phục vụ mà thôi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần 32 TN1
Bài đọcWis 7:22b-8:1; Lk 17:20-25


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa
Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng nhận ra hai loại người hoàn toàn khác nhau: Những người chỉ biết sống cách hời hợt bên ngoài, đánh giá theo những tiêu chuẩn của thế gian, và chỉ biết quí trọng những kết quả tạm thời. Những người ngây thơ nhẹ dạ này dễ bị đánh lừa bởi ma quỉ và thế gian. Ngược lại, có những người luôn sống theo chiều sâu bên trong tâm hồn, đánh giá theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, và quí trọng những giá trị vĩnh cửu. Những tâm hồn khôn ngoan này không dễ bị mắc bẫy bởi thế gian và ma quỉ.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật sự cần thiết của Đức Khôn Ngoan để giúp con người biết sống và đánh giá trị đúng đắn của mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan nêu lên 21 đặc tính đáng yêu chuộng của khôn ngoan. Có khôn ngoan là có mọi sự: khôn ngoan làm cho con người trở nên bạn hữu của Thiên Chúa, người khôn ngoan có thể làm mọi sự, và không ai có thể đánh lừa được họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đề phòng các môn đệ của Ngài đừng dễ bị đánh lừa bởi những lời đồn đãi về Triều Đại của Thiên Chúa và sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai lần thứ hai; vì Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được từ bên ngoài, và như ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng các ông có thể dùng khôn ngoan nhìn sâu trong tâm hồn mình để biết Đấng Thiên Sai có hoàn toàn ngự trị trong tâm hồn mình hay chưa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa chỉ yêu chuộng những người chung sống với Đức Khôn Ngoan.

1.1/ Các đặc tính của Đức Khôn Ngoan: Tác giả nêu lên 21 đặc tính của Đức Khôn Ngoan. Tại sao 21? Con số 21 là hiệu quả của gia tăng cách hoàn hảo của con số 7 và con số 3 tượng trưng cho bản tính của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tác giả liệt kê các đặc tính đó như sau: "Quả vậy, nơi Đức Khôn Ngoan, có một thần khí tinh tường, thánh thiện, duy nhất, đa năng, tinh tế, mau lẹ, minh mẫn, tinh tuyền, trong sáng, thản nhiên, lanh lợi, chuộng điều lành, bất khuất, từ bi, nhân ái, cương quyết, vững vàng, điềm tĩnh, làm được mọi sự, quan tâm đến mọi điều, thấu suốt mọi tâm can, kể cả tâm can của những người trong sạch, thông minh, tinh tế nhất."
Rất nhiều tác giả đã nhân cách hóa và đồng nhất Đức Khôn Ngoan với Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa. Ba câu kế tiếp củng cố niềm tin này:
- Theo Gioan, nhờ Lời mà muôn vật được tạo thành; và không có Lời, chẳng có gì được tạo thành (Jn 1:3). Tác giả Sách Khôn Ngoan mô tả: "Vì chuyển động của Đức Khôn Ngoan thì mau lẹ hơn tất cả các chuyển động. Do tính thuần khiết, Đức Khôn Ngoan thâm nhập và xuyên thấu mọi vật mọi loài."
- Thánh Phaolô gọi Đức Kitô là Con Chiên không tì ố của Thiên Chúa, và nhờ Máu Người đổ ra, Người rửa sạch chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi (Eph 1:4). Tác giả Sách Khôn Ngoan mô tả: "Đức Khôn Ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngần từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố."
- Thánh Phaolô mô tả Đức Kitô: Người là phản ánh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo (Col 1:15). Tác giả Sách Khôn Ngoan mô tả: "Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người." Trong Gioan, chính Đức Kitô cũng xác nhận: "Ai đã thấy Thầy là đã thấy Cha" (Jn 14:9).

1.2/ Hiệu quả của Đức Khôn Ngoan: Với tất cả những đặc tính nêu trên, không có một điều gì là không thể với Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa.
(1) Ngài làm được mọi sự: "Dầu chỉ một mình, Đức Khôn Ngoan vẫn có thể làm được mọi sự; luôn luôn bất biến, Đức Khôn Ngoan đổi mới được muôn loài. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người. Thiên Chúa chỉ yêu chuộng những người chung sống với Đức Khôn Ngoan."
(2) Đức Khôn Ngoan thấm nhập và đẩy xa mọi tăm tối của cuộc đời, không gian tà nào thắng nổi: "Đức Khôn Ngoan rực rỡ hơn mặt trời, trổi vượt muôn tinh tú. So với Đức Khôn Ngoan, ánh sáng còn kém xa. Bởi trước màn đêm, ánh sáng đành phải lui bước. Còn Đức Khôn Ngoan, chẳng gian tà nào thắng nổi."
(3) Đức Khôn Ngoan cai trị mọi sự tốt đẹp: "Từ chân trời này, Đức Khôn Ngoan vươn mạnh tới chân trời kia, cai quản mọi loài thật tốt đẹp. Đức Khôn Ngoan, hiền thê lý tưởng."
2/ Phúc Âm: Triều Đại của Thiên Chúa đang ở giữa các ông.

2.1/ Khi nào triều đại của Thiên Chúa đến? Các động từ chính liên quan đến “triều đại của Thiên Chúa” trong câu 20 và 21 đều được dùng ở thời hiện tại. Điều này chứng tỏ Thánh Luca muốn phân biệt triều đại của Thiên Chúa đến trong trần gian với Ngày Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai trong 4 câu kế tiếp. Triều đại của Thiên Chúa đã đến trong trần gian, nhưng để nhận ra con người không thể:
- dựa vào những dấu chỉ bên ngòai, như lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! hay Ở kia kìa!” nhưng phải nhận ra nhờ những dấu chỉ bên trong như đức tin vào Thiên Chúa, sống bác ái với mọi người.
- triều đại của Thiên Chúa đang ở giữa (hiện tại) các ông: Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Nhận ra Đức Kitô và tin vào Ngài là dấu hiệu Triều Đại của Thiên Chúa đã đến trong lòng mỗi tín hữu.

2.2/ Khi nào Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai? Các động từ chính của cả 3 câu 22, 23, 24 đều được dùng ở thời tương lai. Câu 25 là lời tiên tri: Chúa Giêsu báo trước những gì sắp xảy ra cho Ngài trong tương lai gần. Về Ngày Chúa Giêsu sẽ đến lần thứ hai:
- Không ai biết được thời gian: “Vì thế, khi người ta sẽ bảo anh em: Người ở kia kìa! hay Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.”
- Không ai biết được nơi chốn: “Vì như ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong Ngày của Người.”
- Các môn đệ biết những gì sắp xảy ra cho Chúa Giêsu trong tương lai gần: “Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.” Khi chứng kiến những sự kiện này, các môn đệ sẽ biết triều đại của Thiên Chúa đã đến trong thế gian. Sau đó, Chúa Giêsu sẽ được cất đi khỏi các ông. Lúc đó, các ông sẽ mong sống lại những ngày với Chúa Giêsu, nhưng không còn nữa: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Trên hết mọi sự, chúng ta hãy học hỏi và cầu xin cho có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa là Đức Kitô ngự trong tâm hồn. Khi đã có Đức Kitô, chúng ta có thể làm được mọi sự, và vượt qua được mọi cám dỗ của cuộc đời.
- Triều đại của Thiên Chúa đến không từ bên ngòai để chúng ta có thể nhận ra như những vương quốc của trần gian; nhưng chúng ta có thể nhận ra triều đại của Thiên Chúa đã đến trong tâm hồn nhờ vào những dấu chỉ bên trong như ăn năn sám hối, tin vào Đức Kitô, và sống bác ái với mọi người.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


16/11/17 THỨ NĂM TUẦN 32 TN
Th. Ma-ga-ri-ta Tô-cách-lan, trinh nữ
Lc 17,20-25

NƯỚC THIÊN CHÚA TRONG TA

“Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được… vì triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17,20-21)
Suy niệm: Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian này nên cũng không thể xác định nó ở nơi này hay nơi khác giới hạn trong không gian và thời gian. Dù vậy, cũng có thể tìm thấy Nước Thiên Chúa ở một số “nơi”: - nơi tâm hồn con người, khi họ có Chúa Ki-tô ngự trị, đặc biệt khi  họ kết hiệp với Thánh Thể Ngài; - trong cuộc sống của họ khi họ thực thi Lời Chúa, khi họ sống tinh thần “Tám Mối Phúc Thật”; - như thế Nước Thiên Chúa còn ngự trị trong tâm hồn những người nghèo khó, khiêm tốn, nhỏ bé và trong sạch: “Vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Những lúc đó, và ở những “nơi” đó, người ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ngay ở thế gian này.
Mời Bạn: Mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, bạn xin cho “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10). Nước Ngài chỉ có thể đến với sự đồng ý của bạn: “Này Ta đứng trước cửa và gõ, ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy.” (Kh 3,20). Hãy mở cửa tâm hồn bạn để Chúa ngự vào, lúc đó, dù bạn đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì theo ý Ngài muốn, Nước Chúa sẽ luôn ngự trị trong thế gian này. Như thế bạn sẽ cảm nghiệm trước sự hạnh phúc bình an và niềm vui viên mãn của thiên đàng.
Sống Lời Chúa: Đọc và suy niệm Kinh Lạy Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin dâng chính mình làm của lễ sống động, đẹp lòng Chúa, xin ngự trị trong tâm hồn con và hướng dẫn con sống theo thánh ý Chúa, hầu Nước Chúa được lan rộng đến cho mọi người. Amen.
(5 phút Lời Chúa)


Nước Thiên Chúa (16.11.2017 – Th năm Tun 32 Thường niên)
Chúng ta không ch cu xin cho Nước Cha tr đến (Mt 6, 10). Chúng ta biết mình được mi gi đ xây dng Nước đó trên trn gian


Suy nim:
Từ sau khi dân Israel định cư ở đất Canaan,
Thiên Chúa được họ coi như một vị Vua cai trị mọi dân tộc.
Đặc biệt Ngài là Vua ngự giữa dân Israel để lãnh đạo và chăm sóc họ.
Các vị vua trần thế đã xuất hiện trong dòng lịch sử của Israel
như những người phục vụ cho Đức Vua, cho Nước Thiên Chúa.
Tiếc thay có những vị vua đã không làm tròn sứ mạng.
Trải qua bao triều vua của nước Israel, bao thịnh suy của đất nước,
từ sau khi lưu đầy trở về, dân chúng chỉ còn biết chờ một Đấng Mêsia.
Họ tin Đấng ấy sẽ khai mở Nước Thiên Chúa.
“Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (c. 21).
Đức Giêsu đã nói với các ông Pharisêu như vậy
khi họ hỏi Ngài khi nào Nước Thiên Chúa đến.
Nước ấy không đến một cách lộ liễu ở đây hay ở kia để kiểm tra (c. 20).
Người Pharisêu không nhận ra Nước ấy đang ở giữa họ.
Chỉ ai biết nhìn, mới nhận ra Nước ấy đang hiện diện và hoạt động
nơi lời giảng và các phép lạ của Đức Giêsu.
Khi bệnh được khỏi, khi quỷ bị trừ, khi tội được tha,
khi con người biết hoán cải để sống những đòi hỏi của Đức Giêsu,
khi ấy Nước Thiên Chúa có mặt và tăng trưởng.
Đức Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa.
Và Nước đó vẫn lớn lên từ từ qua dòng thời gian.
Như hạt giống được gieo trong đất, đêm hay ngày cũng cứ lớn lên,
như chút men làm dậy khối bột, như hạt cải thành cây cao rợp bóng,
Nước Thiên Chúa cũng cần thời gian để đạt đến chỗ viên mãn.
Hai ngàn năm trôi qua, Nước Thiên Chúa đã lớn lên về mọi mặt.
Nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn thấy còn nhiều điều phải làm
để Nước đó được nhìn nhận bởi gần 7 tỷ người trên trái đất.
Ngày nào thế giới còn chiến tranh, bạo động, còn áp bức, bất công,
ngày nào nhân loại còn bệnh tật đói nghèo, còn nô lệ cho vật chất,
ngày ấy Nước Thiên Chúa chưa ngự trị trên địa cầu.
Nơi nào công lý và hòa bình, khoan dung và nhân hậu,
chi phối trái tim và cách hành xử giữa người với người,
nơi đó Nước Thiên Chúa đã đến gần hơn.
Chúng ta không chỉ cầu xin cho Nước Cha trị đến (Mt 6, 10).
Chúng ta biết mình được mời gọi để xây dựng Nước đó trên trần gian.
Để chuẩn bị cho Ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang,
chúng ta còn bề bộn công việc phải làm.
Ngài phải có chỗ trong lòng dân tộc, giữa thế kỷ hai mươi mốt.
Nhưng trước hết Ngài phải có chỗ trong lòng chúng ta.
Xin được đón lấy Nước Thiên Chúa như trẻ thơ, như người nghèo tay trắng.
Xin được quảng đại bán tất cả để mua viên ngọc quý là Nước Trời.
Xin được chia sẻ cho Giêsu nơi những người anh em bé nhỏ nhất.
Vì Nước Thiên Chúa là một tiệc vui quy tụ mọi người từ bốn phương,
xin được mở rộng vòng tay từ bây giờ để ôm lấy cả thế giới.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG MƯỜI MỘT
Bí Tích Hôn Nhân Phản Ảnh
Tình Yêu Của Đức Kitô
Sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana – nếu chúng ta muốn nhận hiểu một cách đầy đủ – cũng nhằm làm một động thái nhắc chúng ta nghĩ đến những gì thuộc thượng giới (Cl 3,2). Ở đây, Chúa muốn nhắc chúng ta về ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của tình yêu vợ chồng. Tình yêu này là một dấu hiệu và một sự thông dự trong chính tình yêu vốn tồn tại giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Tình yêu ấy không thể chịu sự chi phối của những thay đổi thất thường và bất định của cuộc sống. Không, nó có thể và phải là một sự dấn thân vĩnh viễn không thể phân ly và không thể phá hủy. Như vậy, tình yêu vợ chồng mở ra tới những viễn tượng vô hạn của Vương Quốc Thiên Chúa và của cuộc sống bất diệt.
Mẫu thức tối thượng và siêu việt này của tình yêu vợ chồng được minh họa cho chúng ta trong Thư Eâphêsô. Trong Thư này, chúng ta khám phá nền tảng cho việc chọn lựa hôn nhân để chúng ta thực sự hạnh phúc và sống theo thánh ý Thiên Chúa. Sự dấn thân và chọn lựa đời sống hôn nhân Kitô giáo nâng đỡ và đào sâu tình yêu của chúng ta trong những lúc gặp khó khăn thử thách, giúp làm cho tình yêu của chúng ta tinh tuyền hơn và sinh hoa trái nhiều hơn.
Chúng ta cần đánh giá tình cảm của mình trong ánh sáng của nhận thức nói trên về tình yêu vợ chồng. Nhờ đó chúng ta có thể đảm bảo rằng một tình yêu đích thực và một cuộc hôn nhân Kitô giáo đích thực sẽ được bộc lộ rõ rệt trong đời sống vợ chồng. Hôn nhân quả là một bí tích. Chúng ta bắt đầu thoáng thấy các lý tưởng của tình yêu và khả năng sinh hoa trái mà mỗi người vợ người chồng Kitôhữu đều được mời gọi đạt đến với sự hỗ trợ của ân sủng.
- suy tư 366 ngày ca Đc Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đc dch t nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Hạnh Các Thánh
16 Tháng Mười Một

Thánh Margaret ở Tô Cách Lan
(1045-1093)


Thánh Margaret ở Tô Cách Lan quả thật là một phụ nữ tự do--trong ý nghĩa tự do để trở nên con người đích thực. Ðối với ngài, điều đó có nghĩa được tự do để yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

 Margaret không phải là người Tô Cách Lan. Ngài là con gái của Công Chúa Agatha Hung Gia Lợi và Thái Tử Edward Atheling của Anglo-Saxon. Thời niên thiếu, ngài sống trong triều đình của người bác là Edward, vua nước Anh, người bảo vệ đức tin. Khi bị William xâm chiếm, trên đường chạy trốn, gia tộc ngài bị đắm tầu ở bờ biển Tô Cách Lan. Vua Malcolm của Tô Cách Lan làm quen với hoàng tộc này và ông đã say mê sự duyên dáng cũng như vẻ đẹp của Margaret. Và họ đã kết hôn ở lâu đài Dunfermline năm 1070.

Vua Malcolm là người tốt bụng, nhưng cộc cằn và không có học thức, cũng giống như quê hương của ông. Vì tình yêu của Malcolm dành cho Margaret mà bà có thể thay đổi tính tình nóng nẩy của ông, cũng như chỉ bảo cách đối xử và giúp ông trở nên một vị vua nhân đức. Bà đã biến triều đình thành một nơi lịch thiệp và mỹ miều. Ông đã để mọi việc trong nước cho bà quản trị và thường hỏi ý của bà khi có vấn đề quốc sự.

Margaret là một ơn huệ Chúa ban cho người dân Tô Cách Lan. Trước khi bà đến đây, có rất nhiều người dốt nát và nhiều hủ tục trong nước. Bà tìm cách cải tiến quê hương chồng bằng cách cổ võ việc giáo dục và nghệ thuật. Về cải cách tôn giáo, bà khích lệ tổ chức các thượng hội đồng và đích thân tham dự các buổi thảo luận nhằm chấn chỉnh những tệ đoan tôn giáo rất phổ thông thời ấy của tu sĩ cũng như giáo dân, tỉ như vấn đề buôn thần bán thánh, cho vay lời cắt cổ và loạn luân. Cùng với đức lang quân, bà xây dựng nhiều nhà thờ trong nước và chính tay bà thêu áo lễ cho các linh mục.

Margaret không chỉ là một hoàng hậu mà còn là một người mẹ gương mẫu. Thiên Chúa đã ban cho ông bà sáu con trai và hai con gái. Ðích thân bà trông coi việc giáo dục cũng như dạy giáo lý cho con. Người con út của bà sau này là Thánh David.

Mặc dù rất bận rộn với công việc nhà cũng như việc nước, bà cố giữ mình khỏi bị ảnh hưởng của thế gian. Ðời sống riêng tư của bà rất khắc khổ. Bà dành thời giờ để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Bà ăn uống thanh cảnh và ngủ rất ít để có thời giờ suy niệm. Hàng năm, hai ông bà tuân giữ hai mùa Chay, một lần trước Phục sinh và một lần trước Giáng Sinh. Trong thời gian này bà thường thức giấc vào nửa đêm để đi dự Thánh Lễ. Trên đường về, bà rửa chân cho sáu người nghèo và bố thí cho họ. Mỗi khi bà xuất hiện nơi công cộng là bị những người ăn xin vây quanh và không bao giờ bà từ chối họ. Người ta kể rằng, trước khi bà ngồi xuống dùng bữa tối, bà thường dọn thức ăn cho chín trẻ mồ côi và 24 người nghèo.

Năm 1093, Vua William Rufus bất ngờ tấn công vào thành Alnwick. Vua Malcolm và người con cả là Edward bị giết chết. Bà Margaret, cũng bị thương nặng, và bốn ngày sau khi chồng bà từ trần thì bà cũng trút hơi thở cuối cùng.

Lời Bàn

Có hai cách thi hành việc bác ái: cách "sạch sẽ" và cách "bẩn thỉu." Cách "sạch sẽ" là tặng tiền bạc, quần áo cho các tổ chức phục vụ người nghèo. Cách "bẩn thỉu" là dùng chính bàn tay của mình để phục vụ mà không sợ dơ bẩn. Nhân đức trổi vượt của Thánh Margaret là lòng thương người nghèo. Mặc dù rất giầu sang, nhưng ngài đã đích thân thăm viếng người bệnh hoạn và chăm sóc họ với chính đôi tay của mình. Trong mùa Vọng và mùa Chay, hai ông bà đã quỳ xuống để phục vụ các trẻ em mồ côi và người nghèo hèn. Giống như Ðức Kitô, bà đã thi hành bác ái trong phương cách "bẩn thỉu."

Lời Trích

"Khi bà lên tiếng, trong lời nói đầy sự khôn ngoan ấy có sức thay đổi lòng người. Khi bà im lặng, sự thinh lặng đầy suy tư. Toàn thể bề ngoài của bà phù hợp với tính tình trầm lặng mà dường như bà được sinh ra với một cuộc đời nhân đức" (Turgot, cha giải tội của Thánh Margaret).


Trích từ NguoiTinHuu.com


16 Tháng Mười Một

Vui Ðể Ðợi Chết

Theo giai thoại của người Trung Hoa thì ngày xưa có một người tên là Vinh Khải Kỳ tỏ ra là một bậc tiên ông đạo cốt, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây, ngày ngày giao du ở sơn thủy, vui thú cầm ca chậm rãi rảo bước, tay đánh đàn miệng ca hát không ngừng. Một hôm, đức Khổng Tử đi dạo gặp Vinh Khải Kỳ, ngài mới hỏi ông: "Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ ca hát như thế?".

Khải Kỳ thưa: "Trời sanh muôn vật, loài người cao quý nhất. Ta đã được làm người, đó là điều đáng vui. Người ta sinh ra có người đui què, có người non yếu... mà ta thì khỏe mạnh sống lâu, thế là hai điều đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là hết sự đời. Ta nay biết vui với cảnh đời để đợi cái chết thì còn gì lo buồn nữa?".

Lạc quan, vui sống là đức tính cơ bản nhất của người Kitô. Người Kitô nhận ra phẩm giá cao cả của mình và tiếp nhận mọi sự xảy đến như một hồng ân của Chúa. Cây cỏ đồng nội, muôn thú trên rừng không nhọc công tích trữ mà còn được Chúa che chở nuôi nấng, huống chi con người là hình ảnh của Người... Mỗi ngày có niềm vui nỗi khổ của nó. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống từng phút giây như một ân ban của Chúa, đó là bí quyết để giúp ta được hạnh phúc ở đời này.


Trích sách Lẽ Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét