Trang

Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

08-01-2018 : THỨ HAI - TUẦN I THƯỜNG NIÊN - CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - LỄ KÍNH

08/01/2018
Thứ Hai tuần 1 quanh năm
Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Lễ kính.


Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7
"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10
Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).
Xướng: 1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. - Ðáp.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. - Ðáp.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38
"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Mc 9, 7
Alleluia, alleluia! - Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 6b-11
"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: "Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần."
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Một Cuộc Hiển Linh Nhiều Ý Nghĩa
Chúa Yêsu đến xin ông Yoan làm phép Rửa cho mình. Người làm gì kỳ vậy? Ông Yoan từ chối! Người bảo ông cứ làm đi để vâng lời Thiên Chúa. Chẳng khác gì sau này khi Ðức Kitô đem nước đến rửa chân cho Phêrô. Ông này cũng từ chối. Nhưng Người bảo cứ để yên cho Người làm, sau này Phêrô sẽ hiểu...
Vậy sau hơn 2,000 năm rồi, Hội Thánh đã hiểu hết ý nghĩa của việc Chúa Yêsu chịu rửa bởi tay ông Yoan chưa? Hay đây vẫn còn là một mầu nhiệm? Chúng ta cố gắng dựa vào các bài Kinh Thánh hôm nay để tìm hiểu.

A. Một Cuộc Hiển Linh Nhiều Ý Nghĩa
Trước hết, Phụng vụ đặt Lễ này trong mùa Hiển Linh và để kết thúc Mùa Hiển Linh này. Do đó, đây là một lễ hiển linh đặc biệt. Nhiều Giáo hội Ðông phương mừng lễ này như là một cuộc hiển linh lớn nhất. Chúa Yêsu từ ngày giáng thế không ngớt tỏ mình ra, nhưng cho đến bây giờ, đây dường như là lần tỏ mình ra cho nhiều người nhất và long trọng nhất.
Quả vậy Người đã bắt đầu tỏ mình cho Ðức Maria trong thời sứ thần truyền tin. Nhưng Maria chỉ biết ôm mầu nhiệm này trong lòng mà ngẫm nghĩ chứ biết tỏ ra với ai bây giờ? Chính Yuse cũng phải đợi được sứ thần loan báo mới biết Maria đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và Hài Nhi sẽ sinh ra sau này là Cứu Thế. Nhưng Yuse cũng chỉ biết giữ bí mật ấy cho mình. Hôm Hài Nhi chào đời, đã có nhiều mục tử biết; song cảnh hang đá cũng quá tầm thường, đến nỗi không có ánh sao lạ dẫn đường, các đạo sĩ đã chẳng có thể tìm đến chỗ ở của Hài Nhi. Sau đó Maria và Yuse đã đưa con vào dâng trong Ðền thờ. Simêôn đã được ẵm bế và bà Anna cũng đã hân hoan đón chào; nhưng sự việc xảy ra cũng không được nhiều người biết. Khi trẻ Yêsu lên 12 tuổi và đi lễ Ðền thờ, nhiều luật sĩ đã ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Người; tuy nhiên cũng chưa phải là việc vô tiền khoáng hậu. Mãi đến hôm nay, sau khoảng 30 năm sống ẩn dật trong gia đình ở Nagiarét, Ðức Yêsu mới xuất hiện. Người chọn nơi tụ họp dân chúng đông nhất thời bấy giờ: nơi ông Yoan làm phép rửa. Tiếng tăm của ông lừng lẫy. Khắp nơi thiên hạ tuốn đến với ông. Cả hàng đầu mục Dothái cũng chen chân lại xin chịu phép rửa. Lính tráng cũng vậy. Do đó đây là những dòng thác người đi tìm ơn cứu độ; là dòng lịch sử nhân loại đang khát khao được ơn cứu vớt. Người đã ở giữa chúng ta; Người ở trong lòng xã hội; Người gắn bó với nhân loại làm một.
Thế nên đây là giáng thế ở mức độ rộng rãi nhất; là nhập thế ở giai đoạn triển nở hơn cả; là hiển linh công khai chưa từng thấy. Ðồng thời chiều rộng này lại có cả một chiều sâu không thể nào tưởng tượng được. Người ta đã khó hiểu việc Ngôi Lời đầu thai trong lòng một Trinh Nữ. Người ta đã ngỡ ngàng khi nhìn thấy Hài Nhi nơi máng cỏ. Tuy vậy, hình ảnh một em bé vẫn dễ thương. Thế nên Simêôn không ngại ngùng ẵm bế lấy Hài Nhi mà tuyên sấm... Nhưng hiểu sao một Thiên Chúa đến với loài người như hôm nay. Người đi giữa đám người đang sám hối. Người đến xin ông Yoan rửa cho mình, dường như Người cũng là tội nhân. Dĩ nhiên phép rửa của Yoan không có năng lực tha tội, nên không phải chỉ dành cho tội nhân mà thôi. Nhưng thật sự những người đến với Yoan đều là tội lỗi và đều muốn xưng thú tội mình ra. Ðức Yêsu không có tội thì Người đến làm gì? Tiên tri Isaia viết: Người sẽ gánh lấy tội lỗi chúng ta; nên hôm nay Người tỏ ra muốn làm công việc này. Người đi giữa đoàn người sám hối để khởi sự công việc gánh tội thiên hạ. Và ông Yoan sau này đã hiểu đúng việc Người làm hôm nay, nên sẽ tuyên bố cho môn đệ biết Người là Con Chiên gánh tội thiên hạ.
Rõ ràng Người đã đi giữa đám người sám hối nhưng không phải để thú nhận tội lỗi và được tha thứ. Người nói với Yoan cứ làm đi để trọn nghĩa công chính, tức là để làm theo Thánh Ý Thiên Chúa. Sau này Người sẽ bị bắt, bị đem ra xử, rồi bị đóng đinh ở giữa phường bất nhân; nhưng mà Người chẳng có tội nào và chẳng ai bắt bẻ Người được vi phạm nào. Người chịu án của tội nhân nhưng mà không có tội. Và như thế là để làm trọn Thánh Ý Thiên Chúa Cha hầu cứu độ hết thảy tội nhân.
Do đó việc Người chịu rửa hôm nay quả muốn báo trước việc Người sẽ chịu chết sau này. Người ưa làm những hành vi báo trước những gì sẽ xảy ra trong cuộc đời của Người. Hôm nay Người đi giữa quần chúng tội nhân xuống dòng sông Hòa giang để báo trước việc Người sẽ bị điệu đi xử giữa hàng gian phi và bị chôn vùi trong mồ. Nhưng sau này không phải chỉ cóvậy. Chết rồi, Người sẽ phục sinh. Cũng thế, hôm nay không phải chỉ có việc Người chịu rửa. Chịu thanh tẩy xong, Ðức Yêsu đã lên khỏi nước, và này trời mở ra, Thánh Thần hiện xuống, Chúa Cha tuyên phong Người là Con Chí Ái, có khác nào trong mầu nhiệm Phục sinh sau này.
Như thế mầu nhiệm chịu phép rửa hôm nay là hình ảnh về mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh. Hôm xuất hiện công khai để đi vào xã hội, Ðức Yêsu đã làm cử chỉ này để báo trước công việc cứu thế của Người. Ðó là cuộc hiển linh mầu nhiệm và thâm thúy, vừa rộng vừa sâu, như để báo trước rằng rồi đây trước mắt người ta chưa thể thấy Người là Con Thiên Chúa đâu; Người còn phải đi qua gian khổ mới đạt tới vinh quang; chỉ trong mầu nhiệm Phục sinh, thiên hạ mới sẽ thấy bản chất cao cả của Người.
Nhưng có phải mầu nhiệm Người chịu phép rửa hôm nay để Ðức Kitô có thể khai mạc những năm hoạt động cứu thế và thi hành những công tác cứu đời. Vì sao vậy?

B. Một Lễ Tấn Phong Cần Thiết
Rồi đây người ta sẽ thấy Ðức Yêsu bắt đầu "giảng" đạo. Giáo lý của Người rất khác thường. Nhất là sức mạnh từ Lời của Người thoát ra như thanh gươm hai lưỡi mổ xẻ tâm can những ai đón nhận. Người thật là Ðấng Tiên tri, nghĩa là vượt hết mọi tiên tri và đúng là Ðấng Tiên tri người ta phải trông đợi. Nhưng có tiên tri nào mà không được xức dầu và được Thiên Chúa sai đi?
Cuộc hiển linh hôm nay quả là lễ tấn phong Ðức Yêsu làm Thiên sai. Thánh Thần đã xuống trên Người và tiếng Thiên Chúa Cha kèm theo tuyên bố Người là Con Chí Ái. Chẳng nhà tiên tri nào được xức dầu long trọng như vậy. Nhưng phải nói đây là cuộc tấn phong nhiệm mầu, chưa bao giờ thấy xảy ra. Thế nên chẳng ai có thể biết ngay được ý nghĩa. Và nếu không có lời giải thích có uy tín, ai mà hiểu được?
Người giải thích sự kiện trên đây chính là Yoan. Ông là người duy nhất có thế giá để làm công việc này. Chính ông đã chứng kiến cuộc tấn phong ở bờ sông Hòa giang. Và ông đã được Ðấng sai ông đến thanh tẩy nói với ông rằng: "Ngươi thấy Thần Khí đáp xuống và lưu lại trên ai, thì chính Ngài là Ðấng thanh tẩy trong Thánh Thần" nên ông nói với mọi người: "Tôi đã thấy và xin đoan chứng: chính Ngài là Ðấng Thiên Chúa chọn" (Yn 1,33-34).
Nhưng không phải Yoan chỉ làm chứng có vậy, ông còn trỏ vào Chúa Yêsu và nói với môn đệ: "Này là Chiên Thiên Chúa, Ðấng khử trừ tội của trần gian" (Yn 1,29.36). Lời giới thiệu thật là khó hiểu, nếu người nghe không biết rõ Yoan. Ông có một kiến thức sâu sắc về tác phẩm của Isaia. Con người và sứ mạng của ông gắn liền với sách của Nhà Tiên tri này. Ông đã chứng kiến cảnh Ðức Yêsu đến xin chịu phép rửa và được Thánh Thần cho biết đây là Ðấng Thiên Chúa đã chọn, ông liền có thể đồng hóa ngay Ðức Yêsu với chân dung Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong sách của Isaia. Nhà tiên tri đã nói đến một Người được Thiên Chúa lựa chọn, xức dầu và sai đến trong thế gian dưới hình thức khiêm tốn của một người nô bộc. Người hiền lành và làm ơn ích cho mọi người nhưng lại bị loài người đem đi hành quyết như một con chiên bị dẫn đến lò sát sinh mà không lên tiếng, bởi vì Người mang lấy tội lỗi trần gian. Yoan hiểu việc Ðức Yêsu đến chịu phép rửa hôm nay, giữa đám tội nhân như thế, nên ông đoan chứng: Người là Chiên của Thiên Chúa. Và hôm nay Giáo hội có lý do để đọc cho chúng ta nghe bài sách tiên tri Isaia nói về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa.
Bài sách tự nó hết sức nhiệm mầu; nhưng đọc trong ánh sáng của ngày lễ hôm nay, nó trở nên sáng sủa. Thiên Chúa giới thiệu con người và sứ mạng của Ðấng mà Người đã sai đến cứu độ các dân tộc. Ðó là Người Tôi Tớ mà Người sủng mộ. Người đổ Thần Trí xuống cho Ðấng được chọn. Vị ấy sẽ khiêm cung và hiền lành, không la lối, không nỡ bẻ cây sậy đã dập; nhưng lại cương nghị không nao núng cho đến khi thi hành hết sứ mạng, là làm giao ước của dân, làm ánh sáng các nước.
Rõ ràng Ðức Yêsu đến chịu phép rửa hôm nay rất hiền lành và khiêm tốn. Người tỏ ra cương nghị khi nói với Yoan đến nỗi Nhà Tiên tri thời danh đầy uy tính này phải cúi đầu vâng lệnh. Người được Thánh Thần ngự xuống và được Thiên Chúa tỏ lòng sủng mộ. Ðức Yêsu, Chúa chúng ta có đủ mọi tư cách ấy. Người là Vị "Tôi Tớ của Thiên Chúa" nói trong sách Isaia. Người đến làm trọn những lời tiên tri này. Và người ta thấy cuộc đời công khai mà Người khởi sự hôm nay sẽ diễn ra như thế, đặc biệt trong cuộc Tử nạn-Phục sinh.
Nhưng chúng ta có quyền hỏi: Người sống như vậy và làm tất cả những việc ấy để làm gì? Phụng vụ tìm thấy câu trả lời trong bài sách Công vụ hôm nay.

C. Một Cuộc Ðời Vì Chúng Ta
Phêrô hôm ấy đang ở trong nhà ông Cornêliô, là một người dân ngoại. Hơn nữa ông này còn là một bách quản trong cơ binh Ý đại lợi. Chắc chắn cả vùng ai cũng biết và sợ uy tín của ông ta. Thay mặt hoàng đế ở địa phương, ông cầm quân trong tay, ai mà không nép sợ. Thế mà hôm nay ông lại sốt sắng phái người đi tìm Phêrô đến để được nghe mọi điều Chúa truyền qua miệng người. Phêrô nghe ông kể lại các việc trước sau liền thấy rõ Chúa muốn cho dân ngoại được biết ơn cứu độ của Ðức Yêsu Kitô. Vị Tông đồ trưởng không còn nghi ngại gì nữa. Người tạ ơn Chúa đã tỏ lòng muốn cứu vớt mọi dân. Và người khẳng định: Ý Chúa mà tất cả mọi người đang muốn biết để được cứu độ và hạnh phúc, đã được truyền đến cho tất cả loài người nơi Ðức Yêsu Kitô, Ðấng mà Thiên Chúa đã xức dầu sau khi chịu rửa ở sông Hòa giang. Người đã đi ngang qua mọi nơi thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị quỷ ma áp bức thống trị... để ai tin vào Người thì được lãnh ơn tha tội nhân danh Người.
Phêrô đã nói với đám dân ngoại và cũng đang muốn nói với hết thảy chúng ta. Ðức Yêsu mà chúng ta thấy chịu rửa ở sông Hòa giang là Vị Tôi Tớ mà Thiên Chúa sai đến. Người sống khiêm cung hiền từ, nhưng cương nghị thi hành sứ mạng. Người nhẫn nhục mang lấy tội lỗi chúng ta nhưng là để giải thoát chúng ta khỏi quỷ ma áp bức thống trị. Ðành rằng ngày nay không còn thấy nhiều những kẻ bị quỷ ám rõ ràng, nhưng ai có thể tự hào đã thoát khỏi sự áp bức thống trị của quỷ ma, tức là tội lỗi và các nết xấu, kể cả những tham vọng, ích kỷ và tội lỗi trong đời sống xã hội? Thành thật và có những nét chưa được trong sáng nơi các tương quan với người khác.
Chúng ta giờ đây cũng là đoàn người thống hối ăn năn, sẽ hướng về bàn thờ để thấy Chúa Yêsu Kitô ngày nay không chịu phép rửa của ông Yoan nữa, nhưng trong mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh. Chúng ta tung hô Người chết đi, sống lại và lại đến. Chúng ta xin Người tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Nhưng nhất là chúng ta lãnh nhận Mình Thánh Người, Thần Trí Người để chúng ta noi gương Người mà sống như Người đã trở nên Tôi Tớ khiêm cung và cương nghị hiến đời mình cho hạnh phúc của mọi người. Chúng ta cũng sẽ sống trong xã hội với các tâm tình hiền từ và ngay thẳng chu toàn các phận vụ ở đời vì hạnh phúc tất cả chúng ta.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Phép Rửa của Chúa Giêsu, Bài đọcIsa 42:1-4, 6-7; Acts 10:34-38; B: Mk 1:7-11



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô được tuyển chọn để thi hành sứ vụ.
Trong sự quan phòng điều khiển của Thiên Chúa, Ngài không làm hết mọi sự, nhưng tuyển chọn những người khác nhau để cho họ tham dự vào Kế-họach Cứu Độ của Ngài. Những người Ngài tuyển chọn, Ngài cũng sẽ ban mọi ơn cần thiết để họ có thể chu tòan sứ vụ Ngài đã trao phó. Các Bài Đọc hôm nay nói về việc tuyển chọn cao trọng nhất của Thiên Chúa là tuyển chọn Đức Kitô. Chúng ta cùng nghiên cứu sự tuyển chọn này để rồi áp dụng vào ơn gọi tuyển chọn của mỗi người chúng ta.
Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Isaiah đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy rõ ràng sự tuyển chọn Người tôi trung của Ngài. Đây là Người được Thiên Chúa yêu mến vì luôn trung thành với Thiên Chúa để hòan tất sứ vụ Cứu Độ của Ngài. Cách thức hòan tất sứ vụ Thiên Chúa trao cũng rất đặc biệt và khác hẳn với cách thức của con người: không kêu to, nói lớn, ồn ào; không dùng bạo lực để tiêu diệt nhưng dùng tình thương để chinh phục; không yếu hèn để chịu khuất phục, nhưng trung thành để thiết lập công lý bằng sự thật. Trong Bài Đọc II, Thánh Phêrô nhắc nhở cho các tín hữu nhìn lại cuộc đời của Đức Kitô để học hỏi cách chu tòan sứ vụ của Ngài trong Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Trong Phúc Âm, Marcô tường thuật những gì xảy ra khi Đức Kitô chịu Phép Rửa: Khi Ngài từ dưới nước nhô lên, Thánh Thần của Thiên Chúa hiện xuống và đậu lại trên Người, đồng thời có tiếng của Chúa Cha làm chứng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." Chúng ta cùng nghiên cứu những chi tiết trong các Bài Đọc để tìm ra những ý nghĩa quan trọng của nó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người tôi trung của Yahweh
1.1/ Liên hệ giữa Thiên Chúa và Người tôi trung: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.” Ai là Người tôi trung mà Tiên tri Isaiah muốn nói tới ở đây? Có người nói là Israel vì là Dân Riêng được Thiên Chúa tuyển chọn; có người cho là Cyrus, người đã vâng lệnh Thiên Chúa; có người cho là Đức Kitô vì không ai mà Thiên Chúa đã quí mến hết lòng bằng chính Người Con Một của mình. Theo sự phiên dịch của Targum (bản dịch từ Do-Thái qua Aramaic và Hy-Lạp), Người tôi trung chính là Đấng Thiên Sai. Hơn nữa, văn mạch cũng ám chỉ Người tôi trung là một cá nhân, chứ không phải một dân tộc. Ngòai ra, Thiên Chúa có thể chọn bất cứ ai để chu tòan sứ vụ của Vua Cyrus; nhưng để chu tòan Kế-họach Cứu Độ, chỉ một mình Người con mới có thể chu tòan mà thôi.
1.2/ Cách hành xử của Người tôi trung: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.” Có một sự hòa điệu giữa Thiên Chúa và Người tôi trung trong cách hành xử để mang tới thắng lợi sau cùng: tình thương, sự thật, và trung thành. Cách hành xử này khác hẳn với cách thức của con người: ăn to nói lớn, bạo lực, và gian trá.
1.3/ Sứ vụ của Người tôi trung: “Người phán thế này: "Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước."”
- Người là giao ước giữa Thiên Chúa với dân: Trong giao ước tại Sinai, Moses chỉ là người trung gian của giao ước giữa Thiên Chúa và dân. Trong giao ước mới, Người tôi trung là chính giao ước. Điều này có nghĩa tất cả các ơn lành của giao ước đều bắt nguồn và được ban từ Người tôi trung này. Đón nhận Người là đón nhận ơn lành, từ chối Người là từ chối ơn lành; vì không có Người sẽ không có ơn lành.
- Người là ánh sáng chiếu soi muôn nước: Song song với vị thế “làm giao ước với dân” là vị thế “làm ánh sáng chiếu soi muôn nước.” Điều này không chỉ có nghĩa Người mang ánh sáng tới, hay hứơng dẫn dân tới ánh sáng, nhưng Người chính là ánh sáng. Ánh sáng là chính ơn Cứu Độ (Isa 49:6). Dân Ngọai đang ngồi trong tối tăm của tội lỗi và sự chết, Người đến “để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.
2.1/ Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa bao gồm cả Do-Thái và Dân Ngọai: Thánh Phêrô, sau khi đã được Chúa Giêsu mặc khải Kế họach Cứu Độ, đã làm chứng cho Thiên Chúa: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. Người đã gửi đến cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Judah, bắt đầu từ miền Galilee, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng.” Chỉ có kế họach như thế mới bảo đảm được sự nhân từ và công bằng của Thiên Chúa.
2.2/ Đức Kitô thực hiện Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.”
3/ Phúc Âm: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."
Năm B: (Mk 1:7-11)
3.1/ Sự khác biệt giữa hai Phép Rửa của Gioan và của Đức Kitô: Gioan Tẩy Giả phân biệt sự khác biệt như sau: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần." Phép Rửa làm bởi Gioan là phép rửa làm bởi con người để tha tội. Phép Rửa làm bởi Đức Kitô là phép rửa làm bởi Thiên Chúa, Đấng quyền thế hơn con người. Người chịu Phép Rửa sẽ được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, và được lãnh nhận mọi ơn cần thiết cho con người.
3.2/ Phép Rửa của Đức Kitô: “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nazareth miền Galilee đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Jordan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."”
(1) Tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan? Phép Rửa của Gioan là phép rửa để tha tội. Tại sao Chúa Giêsu, Đấng không hề phạm tội, lại muốn chịu Phép Rửa của Gioan? Chính Gioan đã ngăn cản Ngài: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" Nhưng Đức Giêsu trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người (Mt 3:14-15). Thánh Ambrose đưa một lý do khác: Chúa Giêsu, Đấng thánh thiện tinh tuyền, chịu Phép Rửa để thánh hiến nước của giòng sông Jordan; và Giáo-Hội dùng nước này để rửa tội cho các tín hữu.
(2) Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu: Truyền thống Do-Thái tin chim bồ câu tượng trưng cho sư hiền lành. Như Sách Tiên-tri trong Bài Đọc I mô tả Người tôi trung: Người chinh phục con người không bằng những lời đe dọa hay sức mạnh, nhưng bằng tình yêu và sự kiên nhẫn. Chúa Giêsu được xức dầu bởi Thánh Thần và được tấn phong để thi hành sứ vụ Cứu Độ.
(3) Tiếng của Chúa Cha tuyên phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." Khác với trình thuật của Matthêu: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người.” Chúa Cha nói trực tiếp với Chúa Con, và bày tỏ sự hài lòng về tất vả mọi việc của Chúa Con làm. Nếu so sánh, chúng ta thấy trình thuật của Marcô gần với những gì tường thuật bởi tiên-tri Isaiah trong Bài Đọc I hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi người chúng ta đều đã chịu Phép Rửa của Đức Kitô, tức là đã được tấn phong làm tiên tri, tư tế, và vương giả. Chúng ta đã thi hành 3 sứ vụ đó chưa?
- Ba sứ vụ của Đức Kitô cũng là 3 sứ vụ của mỗi người chúng ta:
(1) Sứ vụ tiên tri: Chúng ta đã rao giảng cho mọi người biết về Thiên Chúa chưa; ít nhất là cho con cháu của chúng ta? Để có thể chu tòan sứ vụ, Đức Kitô phải ở ẩn suốt 30 năm để đàm đạo với Thiên Chúa trước khi rao giảng công khai trong 3 năm. Chúng ta đã dành được bao nhiêu thời gian để học biết về Thiên Chúa? Chúng ta cần nhắc nhở cho mình: Chúng ta không thể cho con cái điều mình không có!
(2) Sứ vụ tư tế: Chúng ta đã thờ phượng một mình Thiên Chúa, làm gương, và chỉ đường cho con cái đến với Thiên Chúa chưa? Hay chúng ta thờ ơ nguội lạnh trong việc thờ phượng và mải miết chuyện thế sự, và vô tình dạy cho con cái tôn thờ những giá trị thế gian thay vì tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa!
(3) Sứ vụ vương giả: Chúng ta đã dùng thời gian, tài năng, và của cải Thiên Chúa ban để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân chưa? Hay chúng ta đã lãng phí thời gian, của cải, tài năng vào những canh bạc đỏ đen, những vui thú của hộp đêm, những mối liên hệ trái phép, để rồi tất cả mọi người trong gia đình phải chịu hậu quả về những việc làm của chúng ta. Ngòai ra, chúng ta còn phải xét tới cách thức chúng ta phục vụ theo gương Đức Kitô: không phải la to, nói lớn, đe dọa, chửi rủa, hay dùng quyền hành, bạo lực; nhưng bằng yêu thương, dạy dỗ, kiên nhẫn, và can đảm cho tới khi đạt được kết quả sau cùng như Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

08/01/2018
THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH|
Chúa Giê-su chịu phép rửa
Mc 1,7-11

ĐỒNG HÀNH VÀ LIÊN ĐỚI

“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1,11)

Suy niệm: Một trong những chọn lựa ưu tiên trong học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo là chọn đứng về phía người nghèo, người bị gạt bên lề xã hội, người dễ bị tổn thương. Giáo Hội học được bài học đồng hành và liên đới này từ chính Đấng Sáng Lập, qua mầu nhiệm Nhập Thể cũng như trong suốt cuộc đời của Ngài. Ngài khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng qua việc chịu phép rửa, để bày tỏ tình liên đới và đồng hành với người tội lỗi và dân tộc. Đây là lần đầu tiên có một phong trào lãnh nhận phép rửa nơi Dân Chúa, bởi vì chỉ có người ngoại trở lại đạo Do Thái mới chịu phép rửa còn người Do Thái thì không. Phong trào trở về với Chúa qua phép rửa ấy lôi cuốn nhiều người, và Đức Giê-su cũng muốn liên đới với dân chúng trong cuộc trở về với Chúa này.

Mời Bạn: Liên đới đòi bạn phải rời “vị trí an toàn” của mình để đứng vào hàng ngũ những người nghèo, người bị gạt bên lề, ngõ hầu thấu hiểu, có chung tâm tình như họ, và giúp họ phát triển. Đồng hành đòi bạn phải cùng chung nhịp bước, để chia sẻ vui buồn với người khác. Qua cử chỉ liên đới và đồng hành, bạn đang thực thi điều luật cao cả nhất là yêu thương, và chắc chắn Thiên Chúa sẽ cho thấy Ngài hài lòng về bạn.

Chia sẻ: Tôi có thể bày tỏ tình liên đới với những loại người nào hiện nay trong xã hội?

Sống Lời Chúa: Tôi quan sát, nghiên cứu hoàn cảnh sống của những người chung quanh, và có một quyết tâm cụ thể để sống tình liên đới và đồng hành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chung quanh chúng con còn bao người nghèo, bị gạt bên lề xã hội, xin cho chúng con luôn biết bày tỏ sự liên đới với họ.
(5 phút Lời Chúa)

Con yêu du ca Cha (8.1.2018 – Th hai: Chúa Giêsu chu Phép Ra)
Cuc sng người Kitô hu cũng là liên tc dìm mình. Thánh Phaolô nói: khi được dìm vào nước lúc chu phép thánh ty, chúng ta được dìm vào trong cái chết ca Đc Giêsu. 


Suy nim:
Sau khi mừng Lễ Chúa Hiển Linh cho các đạo sĩ dân ngoại,
chúng ta mừng Đức Giêsu được hiển linh trên sông Giođan,
dù theo Tin Mừng Máccô, cuộc hiển linh này chỉ mình Ngài biết.
Nghe lời kêu gọi của Gioan từ hoang địa,
bao người từ khắp nơi kéo đến thú tội và chịu phép rửa của ông.
Phép rửa này nhằm bày tỏ lòng sám hối để được tha các tội (Mc 1, 4-5).
Trong số những người xếp hàng chờ đến lượt mình,
có Đức Giêsu, một ông thợ mộc từ vùng Nadarét.
Đức Giêsu có thú tội với Gioan, và sám hối để được tha thứ không?
Đức Giêsu có biết mình là Đấng cao trọng mà Gioan loan báo không?
Chúng ta cần chiêm ngắm mầu nhiệm lạ lùng này thật lâu.
Hành vi công khai đầu tiên của Đức Giêsu
là đứng chung với đồng bào, với tội nhân,
là khiêm hạ để mình bị dìm xuống nước, hầu được thanh tẩy.
Nhưng vào chính giây phút Ngài lên khỏi nước (c. 10)
bất ngờ Ngài thấy trời cao mở ra:
Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài,
bất ngờ Ngài nghe tiếng Thiên Chúa nói riêng với mình :
“Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (c. 11).
Đối với Đức Giêsu, đây thật là một mặc khải quan trọng.
Thiên Chúa vén mở mối tương quan Cha-Con thân thiết,
đồng thời ban Thần Khí để Thần Khí ở lại mãi với Đức Giêsu.
Nơi dòng sông Giođan hôm đó, có sự hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đức Giêsu là Đấng vô tội, vì luôn làm đẹp lòng Cha,
nhưng vẫn đến với Gioan để xin chịu phép rửa sám hối.
Đức Giêsu là Đấng gần gũi với Thiên Chúa như Con với Cha,
nhưng cũng gần gũi với anh em của mình.
Những gì đã xảy ra ở sông Giođan, sẽ xảy ra mãi cho Đức Giêsu.
Mỗi lần Ngài khiêm hạ dìm mình, xóa mình, hủy mình,
là mỗi lần Ngài được nghe, được thấy Thiên Chúa mặc khải.
Sau khi chấp nhận đi con đường thập giá (Mc 8, 31),
Đức Giêsu được biến hình và được Cha tỏ mình trên núi (Mc 9, 2).
Sau khi chấp nhận dìm mình trong cái chết nhục nhằn,
Đức Giêsu đã được Cha phục sinh và nâng dậy.
Có thể câu đầu tiên Chúa Cha nói với Ngài là: “Cha hài lòng về Con”.
Cuộc sống người Kitô hữu cũng là liên tục dìm mình.
Thánh Phaolô nói: khi được dìm vào nước lúc chịu phép thánh tẩy,
chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Giêsu (Rm 6,3).
Chỉ ai chấp nhận bị dìm như thế, người ấy mới được sống đời sống mới.
Đức Giêsu chịu phép rửa là mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng.
Ánh sáng của Thiên Chúa chỉ bừng tỏa trên con người khiêm nhu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.

Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.

Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.

Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.

Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.

Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN
8 THÁNG GIÊNG
Đức Kitô Xua Tan Đêm Tối
Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem của cuộc Hiển Linh không phải chỉ là Giê-ru-sa-lem của Hê-rô-đê thời ấy. Trong viễn tượng của Thiên Chúa, đó cũng là Giê-ru-sa-lem của các ngôn sứ nữa.
Trong thành Thánh, chứng từ của những người báo trước về cuộc xuất hiện của Đấng Cứu Tinh được bảo tồn xuyên qua bao thế kỷ dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngôn sứ Mi-ca nói về cuộc sinh hạ của Vua Cứu Độ ở Bê-lem, chẳng hạn. Nhất là Isaia, vị ngôn sứ của Đấng Mêsia, cống hiến một lời chứng thật độc đáo về cuộc Hiển Linh: “Bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi! Aùnh sáng của ngươi đã đến, và vinh quang Chúa chiếu tỏa trên ngươi. Hãy nhìn xem, màn đêm bao trùm mặt đất và mây mù che phủ các dân! Nhưng Chúa giọi ánh sáng trên ngươi và vinh quang Người xuất hiện nơi ngươi.” (Is 60, 1 – 2)
Sấm ngôn này của Isaia diễn tả tuyệt vời nội dung của Lễ Hiển Linh. Vinh quang của Đức Kitô phủ ngập thành Thánh Giê-ru-sa-lem. Người xua tan bóng tối và soi giọi ánh sáng của Người trên dân Người.
Rồi, Isaia tiên báo rằng mọi dân tộc đang sống trong bóng tối sẽ tuôn về thành Thánh của Thiên Chúa: “Các dân nước sẽ bước đi trong ánh sáng của ngươi, và các vua chúa sẽ được ánh quang ngươi đưa dẫn. Hãy hướng mắt nhìn xem, tất cả tụ tập để đến với ngươi: Các con trai ngươi từ xa kéo đến, và các con gái ngươi trên cánh tay bảo mẫu” (Is 60, 3 – 5). Mô tả lạ lùng ấy của Isaia lần đầu tiên được chứng thực trọn vẹn bằng cuộc xuất hiện tại Giê-ru-sa-lem của các nhà thông thái từ phương Đông tới.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 08-01
Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
Is 55,1-11; 1Ga 5,1-9; Mc 1,7-11.

LỜI SUY NIỆM“Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.”
Tiếng nói của ngôn sứ đã im bặt ba trăm năm, khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện, đáp ứng được lòng mong đợi của toàn dân Ít-ra-en, họ đã đến lắng nghe, tỏ lòng sám hối, chịu phép rửa của ông. Nhưng Gioan không lấy đó là vinh dự cho mình, Gioan đã tự nhận mình là kẻ dọn đường, một con người bất xứng, không đáng xách dép cho Đấng quyền thế đang đến. Đó là Đức Giêsu thành Nadarét.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi thành viên trong gia đình của chúng con, trong mọi công việc của chúng con làm, những thành quả chúng con dành được, chỉ để người chung quanh nhận ra chúng con là con cái của Chúa; mà tôn vinh Thiên Chúa.
Mạnh Phương


Hạnh Các Thánh
8 Tháng Giêng

    Chân Phước Angela ở Foligno
    (1248-1309)


    Một số vị thánh ngay từ nhỏ đã có dấu hiệu thánh thiện. Ðiều này không đúng với Chân Phước Angela. Ðược sinh trưởng trong một gia đình quyền thế ở Foligno, ngài chìm đắm trong việc kiếm tiền và tìm danh vọng xã hội. Ngay khi làm vợ và làm mẹ, ngài vẫn tiếp tục con đường sai lạc này.
Khoảng 40 tuổi, ngài được một thị kiến và sau đó ngài nhận ra sự trống rỗng của cuộc đời nên đã tìm đến sự trợ giúp của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải. Cha giải tội của ngài đã giúp ngài thay đổi đời sống, tận hiến cho sự cầu nguyện và thi hành đức bác ái.

    Sau khi bà Angela hoán cải được ít lâu thì chồng và con đều từ trần. Bà bán hết của cải và gia nhập dòng Ba Phanxicô. Bà miệt mài chiêm niệm trước tượng Ðức Kitô trên thập giá và phục vụ người nghèo ở Foligno như một y tá và sẵn sàng đi xin xỏ khi họ có nhu cầu. Các phụ nữ khác theo gương bà đã đến tiếp tay với công việc của bà trong hội dòng ba này.

    Theo lời khuyên của cha giải tội, bà Angela đã viết lại cuốn Sách Thị Kiến và Huấn Thị. Trong sách ấy, bà viết lại những lần bị cám dỗ sau khi hoán cải; cũng như những lần được kết hợp cách bí nhiệm với Ðức Kitô và ơn mặc khải. Cuốn sách này và đời sống của bà đã giúp bà được gọi là "Thầy Các Thần Học Gia."

    Bà từ trần năm 1309 và được chôn cất trong nhà thờ Thánh Phanxicô ở Foligno. Nhiều phép lạ được ghi nhận ở đây. Bà được tôn vinh chân phước năm 1693.

    Lời Bàn

    Những ai sống ở Hoa Kỳ ngày nay có thể hiểu được sự cám dỗ của Chân Phước Angela khi cố gia tăng giá trị của mình bằng cách tích lũy tiền của, danh vọng và quyền lực. Càng kiếm thêm cho mình bao nhiêu, ngài càng trở nên ích kỷ bấy nhiêu. Khi nhận ra sự vô giá của chính con người mình, vì được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương, ngài thực sự ăn năn sám hối và sống rất bác ái với người nghèo. Những gì trước đây ngài cho là điên khùng thì bây giờ đã trở nên thật quan trọng. Con đường từ bỏ chính mình mà ngài đã theo là con đường của mọi người thánh thiện.

    Lời Trích

    Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: "Ðức Kitô, Ðấng Cứu Chuộc Trần Gian, thấu suốt sự bí ẩn của con người và đã đi vào 'tâm hồn' chúng ta một cách độc đáo vô song. Chính vì vậy mà Công Ðồng Vatican II đã dạy: 'Sự thật thì người ta chỉ có thể hiểu được bí ẩn của loài người trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể… Ðức Kitô là một Adong mới, qua chính sự tiết lộ nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha và tình yêu của Người, Ðức Kitô đã bộc lộ trọn vẹn bản tính nhân loại và làm sáng tỏ ơn gọi cao trọng của loài người" (Redemtoris Hominis, 8).
Trích t NguoiTinHuu.com

8 Tháng Giêng

    Sứ Giả Hòa Bình

    Thánh Phanxico Assisi, vị sứ giả Hòa Bình, không những đã có một tình bác ái cao độ đối với con người, Ngài còn trải dài tinh yêu thương ấy đến cả muôn vật, cỏ cây.

    Cây cỏ gợi lại cho Thánh nhân chính Cây thập giá của Chúa Giêsu, do đó, Thánh nhân cảm thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người hành hạ cây cỏ. Ngài nói với người làm vườn như sau: Anh hãy để lại một góc vườn nguyên vẹn. Ðừng sờ đến cây cỏ, hãy để cho chúng sinh sôi nảy nở và lớn lên, ngay cả cỏ dại và hoa dại.

    Mỗi lần đi qua góc vườn ấy, Ngài bước đi nhẹ nhàng và cẩn thận để không sát hại bất cứ một loại sâu bọ, côn trùng nào. Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi phóng sinh chúng.

    Ngài nói với chim chóc như sau: "Hỡi những người anh em nhỏ bé của tôi, anh em phải ca ngợi Ðấng Tạo Hóa hơn ai hết, vì Ngài đã ban cho anh em bộ lông đẹp, giọng hát hay cũng như lúa thóc anh em ăn thỏa thuê mà không phải gieo vãi".

    Với chú chó sói, thánh nhân nhắn nhủ: "Anh sói ơi, anh quả thật đáng chết, vì anh đã cắn xé trẻ em. Anh hãy làm hòa với loài người. Từ nay, anh hãy ăn ở hiền lành và mọi người sẽ cung cấp đầy đủ cho anh". Chú sói ấy đã cùng với thánh nhân lên tỉnh và trở thành người bạn thân của các trẻ em ở Gubbio.

    Một con người có tâm hồn như thế quả thực xứng đáng được chọn làm sứ giả Hòa Bình qua mọi thời đại.

    Năm 1979, Ðức Gioan Phaolô II đã công bố Thánh Phanxico là quan thầy của những người khởi xướng phong trào của những người bảo vệ môi sinh. Ngài nói trong phần mở đầu sứ điệp Hòa Bình năm 1990 như sau: "Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức rằng Hòa Bình của thế giới không những chỉ bị đe dọa vì cuộc chạy đua võ trang, vì các xung đột giữa các vùng và những bất công liên tục giữa các dân tộc và quốc gia, nhưng còn bởi vì thiếu tôn trọng đối với thiên nhiên nữa".

    Ðức Gioan Phaolô II đã nói đến việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh như một nghĩa vụ luân lý.

    Người Kitô nhận thức được nghĩa vụ ấy, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật tốt đẹp và để con người hưởng dụng một cách hợp lý. Trong phần kết thúc sứ điệp, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phanxico Assisi như mẫu gương của sự tôn trọng đối với thiên nhiên vạn vật. Thánh nhân đã mời gọi vạn vật dâng lời chúc tụng và thờ lạy Thiên Chúa. Trong sự bình an của Thiên Chúa, Thánh nhâ kiến tạo ngay cả sự hòa hợp với thiên nhiên và sự hòa hợp ấy cũng là điều kiện tiên quyết để được hòa bình với tha nhân.
    
    Trích sách Lẽ Sống


Lectio Divina: Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa (B)
Chúa Nhật, 11 Tháng 1, 2015
Nhận chìm trong Chúa Kitô, nhận thức về món quà nhận được, ban xuống cho thế gian
Mc 1:7-11 


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng đã bay lượn trên mặt nước của việc tác tạo và hướng dẫn bước đi của ông Môisen trong sa mạc, xin hãy ngự đến trên chúng con hôm nay và nhận chìm chúng con trong Chúa, để cho mỗi bước đi và ý nghĩ của chúng con được quy hướng về Đức Kitô khi chúng con lắng nghe Lời Người.
Lạy Thần Khí của Chúa Cha, xin hãy ngự trong chúng con và hướng dẫn chúng con đến sự thật về bản thân chúng con và đến kiến thức về Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, và làm cho chúng con nên một với Người, để cho chúng con cũng có thể làm đẹp lòng Chúa Cha nữa.  Amen.

2.  Phúc Âm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Ngay cả đối với Đức Kitô, qua cuộc hành trình trong bản tính loài người của Ngài, đã phải từ từ phát triển kiến thức về căn tính và nhiệm vụ của mình, đã được Chúa Cha giao phó cho Người.
Phép rửa trong sông Giođan đánh dấu sự phát triển này trong nhận thức và đưa đẩy Chúa Giêsu vượt ra khỏi biên giới của miền đất Người đang sống, xứ Galilê, vào một sứ vụ phổ quát và vào một chiều hướng nơi Người cùng chung hoàn cảnh con người, cho đến khi mà Người và các ngôn sứ của Người không thể tưởng tượng được rằng:  đích thân Thiên Chúa “ngự xuống” để ở bên cạnh loài người, dù rằng biết được các khuyết điểm của họ, vẫn cho phép họ được “trèo” lên tới Chúa Cha và mở lối cho họ hiệp thông với Người.  “Sự hài lòng” của Chúa Cha, mà Chúa Giêsu nghe được trong Chúa Thánh Thần, sẽ luôn đồng hành với Người trong cuộc hành trình trên trần thế, khiến cho Người không ngừng ý thức về tình yêu hân hoan của Đấng đã sai Người vào trong thế gian. 

b)  Tin Mừng:

7 Khi ấy, Gioan rao giảng rằng:  “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người.  8 Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”
9 Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nagiarét, xứ Galilêa đến chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan.  10 Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình.  11 Và có tiếng từ trời:  “Con là con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha.”

3.  Giây phút thinh lặng

Trong nội tâm cũng như bên ngoài, để mở rộng tâm hồn và dọn chỗ cho Lời của Chúa thấm nhập vào chúng ta.

4.  Lời Chúa trao ban cho chúng ta:


*  Phép rửa:  nghi thức thanh tẩy bằng cách tắm hay tẩy rửa như một truyền thống hằng ngày thì khá phổ biến đối với người Do Thái vào thời Chúa Giêsu (xem Mc 7:1-4), cũng như đối với những người sống biệt lập Essenes tại Qumran.
Chữ phép thanh tẩy chỉ sự tắm gội, trầm mình hoàn toàn trong nước, và xuất phát bởi động từ baptizo, hiếm khi được dùng trong Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp bởi vì có sắc thái tiêu cực trong ý nghĩa của nó:  trầm mình, lặn, tiêu diệt (do chết đuối hoặc chìm trong nước).  Lần duy nhất chúng ta không thấy điều tiêu cực này là trong sách Các Vua 2V 5:14:  việc chữa lành cho Naamn, xảy ra bằng cách nhiều lần tắm trong sông Giođan dưới sự chỉ bảo của Êlisha.  Từ sự việc này mà việc xử dụng chữ ấy với ý nghĩa tích cực trong thời gian sau đó.

*  Phép rửa của Gioan:  là đặc điểm việc hành đạo của ông (đến nỗi mà nó trở thành một phần tên của ông (xem Mc 1:4)).  Nó dùng những thói quen sẵn có và bổ sung thêm một vài cái mới.  Gioan làm việc tại một nơi không có tên dọc theo dòng sông Giođan và làm phép rửa trong nước sông, không ở nơi nhất định và trong vùng nước nào được chuẩn bị sẵn cho nghi thức.  Việc ông kêu gọi người ta cải hối và ăn năn đền tội (Mk 1:4) thiên về đạo đức hơn là về nghi thức (xem Lc 3:8) và mức độ nghi thức, được biểu hiện bằng sự thay đổi cách sống (tẩy rửa và tuyên xưng tội lỗi), chỉ xảy ra một lần trong đời.  Hơn nữa, Gioan đã nói rõ ràng rằng phép rửa của ông chỉ là để chuẩn bị cho một sự kiện thanh tẩy triệt để hơn, liên kết trực tiếp với ngày phán xét cuối cùng của Thiên Chúa:  “phép rửa trong Thánh Thần” và “trong lửa” (xem Mc 1:7-8; Mt 1:2-3).
Dân chúng khắp miền Giuđêa và thành Giêrusalem chào đón nồng nhiệt lời rao giảng của Gioan, đến nỗi mà có rất đông người tìm đến ông để được chịu phép rửa (Mk 1:5), Giuse Flaviô cũng kể lại rằng:  đó là sự công nhận hiển nhiên của lời tiên tri được ghi lại bởi Máccô trong sách Tin Mừng Mc 1:2-3.

*  Chúa Giêsu và Gioan tại sông Giođan:  ông Gioan biết rất rõ rằng Chúa là Đấng Mêssia và rất cao trọng hơn ông, thế nhưng ông được gọi để dọn đường cho giai đoạn sứ vụ sắp đến của Người (Mk 1:7-9).  Tất cả các sách Phúc Âm đều nói về nhận thức này, được nhấn mạnh bởi cách xử dụng quá khứ động từ cho phép rửa của ông và động từ ở thể tương lai cho phép rửa của Đấng Cứu Thế.  Điều này phản ảnh sự cẩn trọng của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi để cho thấy rằng phép rửa của Kitô giáo thì hơn hẳn phép rửa của Gioan, cũng như Đức Giêsu, Chúa Kitô, vượt trội hơn so với Gioan Tẩy Giả (xem Mc 3:14; Ga 1:26-34).

*  Phép rửa trong Thánh Thần:  Đó là phép rửa cánh chung được hứa hẹn bởi các ngôn sứ (xem Ge 3:1-5), liên kết với lửa của sự phán xét hoặc cũng dưới hình thức rảy nước (xem Êd 36:25).  Chúa Giêsu nhận phép rửa này ngay khi ấy, và phép rửa của Người sẽ là nguồn mạch và là mẫu mực cho phép rửa của các Kitô hữu. Vì thế, cộng đoàn Kitô hữu được thành lập trên ân sủng của Chúa Thánh Thần.   

 Chúa Giêsu đến từ Nagiarét:  Đức Giêsu nổi bật giữa đám đông những người Do Thái sám hối (xem Mc 1:5), bởi vì Người đến từ nơi mà chỉ có tiếng vang vọng lời rao giảng ăn năn thống hối của Gioan Tẩy Giả đã lan tới, xứ Galilê (Mc 1:9).  Đối với Máccô, đây là một địa điểm quan trọng:  Chúa Giêsu bắt đầu các hoạt động của Người ở đó và được đón nhận nồng nhiệt; sau khi Chúa Phục Sinh, ở đó các môn đệ đã gặp Người (16:7) và thấu hiểu Người hoàn toàn và cũng ở đó họ sẽ ra đi làm sứ vụ của mình (16:20).  Trong ý nghĩa về những gì Máccô cho biết, ngay sau có tiếng nói từ trời phán ra, Chúa Giêsu không những chỉ “mạnh mẽ hơn” Gioan, nhưng có một bản chất vượt trội hơn hẳn so với Gioan.  Vậy mà Người đã hạ mình trong số những người tự nhận là tội lỗi, mà không sợ bị mất phẩm giá của Người (xem Pl 2:6-7); Người là “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối” (xem Ga 1:5).
Sách Tin Mừng thứ hai không tường thuật lại lý do nào mà Chúa Giêsu đi đến nhận phép rửa sám hối, mặc dù sự kiện này là một trong những sự kiện lịch sử đáng tin cậy nhất được thuật lại trong các sách Tin Mừng.  Điều quan tâm chính của tác giả Phúc Âm là sự mặc khải của Thiên Chúa xuất hiện ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa.

*  Người liền thấy trời mở ra:  đây không phải là một loại mặc khải đặc biệt chỉ dành riêng cho Chúa Giêsu.  Các tầng trời, theo nghĩa đen “tự xé mở ra”, trong câu đáp ứng cho lời cầu khẩn của ngôn sứ Isaia:  “Phải chi Ngài xé trời mà xuống” (Is 63:19b).  Như thế, sau một thời gian tách biệt, một giai đoạn hoàn toàn mới bắt đầu cho việc thông tri giữa Thiên Chúa và loài người:  mối quan hệ mới này được xác nhận và trở nên trường tồn với cái chết cứu chuộc của Đức Giêsu, khi màn ở trong Đền Thờ bị “xé toạc” (xem Mc 15:38) như thể có một bàn tay từ trời đã xé ra. Ngoài ra, sự chiến thắng cõi chết và sự sống lại là “phép thanh tẩy ước ao khắc khoải” của Chúa Giêsu (xem Lc 12:50).

*  Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người:  Đức Giêsu “lên khỏi” mặt nước của dòng sông và lập tức, các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần “đáp xuống” và ngự trên mình Người.  Từ bây giờ, thời gian chờ đợi Chúa Thánh Thần đã qua rồi và việc trực tiếp liên kết giữa Thiên Chúa và nhân loại được mở lại, Máccô cho thấy rằng Đức Giêsu là Đấng duy nhất sở hữu Chúa Thánh Thần thánh hiến Người thành Đấng Mêssia, khiến cho Người nhận thức hoàn toàn là Con Thiên Chúa, ngự trị trong Người và nâng đỡ Người trong sứ vụ theo ý của Chúa Cha.
Theo thánh sử Máccô, Chúa Thánh Thần đáp xuống trên Chúa Giêsu như chim bồ câu.  Chúng ta đã gặp chim bồ câu trong câu chuyện của ông Nôe và chim bồ câu cũng được nối kết với nước và công việc của Thiên Chúa trên thế gian (xem St 8:8-12).  Ở nơi khác, chim bồ câu được dùng như một nhắc nhớ về lòng trung thành và từ đó về ân sủng trường cửu, bởi vì lòng trung thành trở về nơi mà nó khởi hành (xem Ct 2:14; Ga 1:33-34).  Chúa Thánh Thần ngự trị vĩnh viễn trên Đức Giêsu và sở hữu Người.  Trong đoạn Tin Mừng này của Máccô, chúng ta cũng có thể thấy sự nhắc nhở đến “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” của việc sáng tạo (St 1:2).  Với Đức Giêsu, một “sự sáng tạo mới” đã thực sự bắt đầu (xem Mt 19:38; 2Cr 5:17; Gl 6:15).

*  Có tiếng từ trời:  với sự quang lâm của Đức Giêsu, việc thông tri giữa Thiên Chúa và loài người được tái lập.  Đó không phải là vấn đề mà các thày cả Do Thái gọi là “trưởng nữ của tiếng nói”, một thay thế chắp vá lời ngôn sứ, mà là vấn đề của sự thông tri trực tiếp giữa Chúa Cha và Chúa con.

*  Đến … thấy ngự xuống … đã được nghe:  chúng ta phải khâm phục sự hạ mình của Thiên Chúa Ba Ngôi đã “cúi xuống” đối với nhân loại, tự hạ mình xuống trên sông Giođan trong Chúa Giêsu để được nhận lãnh phép rửa như nhiều người tội lỗi, tự hạ mình xuống trên Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần vì lợi ích của sự tự nhận thức và sứ vụ của Người và tự hạ mình xuống trong tiếng nói của Chúa Cha để xác nhận tình phụ tử.

*  Con là con yêu dấu của Cha; Con đẹp lòng Cha:  Máccô có thể đã cố tình muốn nhớ lại một vài đoạn Kinh Thánh trong Cựu Ước để nhấn mạnh, ít nhất qua cách ám chỉ, tầm quan trọng của nhiều sắc thái Lời của Chúa.
Trước hết, chúng ta nhớ lại sách Isaia câu 42:1 “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng.  Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”.  Đó chính là Đấng Giavê Thiên Chúa giới thiệu người tôi tớ trung thành của mình.  Tuy nhiên, ở đây danh hiệu “người tôi tớ” đã không được dùng mà lại là “con”, đan kết văn bản tiên tri với bài thánh vịnh hoàng tộc và lễ sắc phong thiên sai:  “Tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người phán bảo tôi rằng:  Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2:7).  Vì thế tác giả Phúc Âm (cũng như các sách Phúc Âm Nhất Lãm khác) đã để cho bản chất căn tính Thiên-Chúa-nhập-thể-làm-người của Chúa Giêsu xuất hiện – cùng với sứ vụ của Người.

*   Con là con yêu dấu của Cha:  Trong ánh sáng của đức tin vào Sự Phục Sinh, Máccô chắc chắn đã không có ý cho rằng sự mặc khải này như thể là Thiên Chúa đang nhận con người Giêsu làm con nuôi.  Tiếng nói từ trời là sự xác nhận một mối liên hệ đặc biệt đã hiện hữu giữa Đức Giêsu và Chúa Cha.  Danh hiệu Con Thiên Chúa được dành cho Đức Giêsu ngay từ câu đầu tiên của Phúc Âm Máccô và một lần nữa vào đoạn kết của cuộc thương khó khi viên đại đội trưởng nói:  “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 1:1; 15:39).  Tuy nhiên, danh hiệu này tái xuất hiện trong nhiều hình thức khác nhau và thường xuyên (xem 3:11; 5:7; 9:7; 14:61). Đối với Máccô, danh hiệu “Con Thiên Chúa” có liên quan một cách đặc biệt cho sự hiểu biết về con người của Đức Giêsu và cho một sự tuyên xưng đức tin hoàn toàn; nó quan trọng đến nỗi mà cuối cùng các Kitô hữu cho đó là tên riêng của Chúa Giêsu, bằng vào đó họ muốn công bố các yếu tố thiết yếu của niềm tin của họ vào Đức Giêsu (xem Rm 1:4):  vua Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Rỗi ngày sau hết, Người có mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa, Đấng sống lại từ cõi chết, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sự kiện có tiếng từ trời gọi Người là “đấng được chọn”, “yêu dấu” (như sẽ được lặp lại vào lúc Chúa Biến Hình ở chương 9:7 và 12:6) nhấn mạnh đến mối liên hệ duy nhất của Chúa Cha với Chúa Giêsu, nó đặc biệt đến nỗi làm lu mờ các mối quan hệ khác giữa loài người và Thiên Chúa, ngay cả với những người được đặc ân. Giacóp cũng thế, giống như Chúa Giêsu, là “con một yêu dấu và được chọn” (xem St 22:2) và ông cũng không tránh khỏi cái chết thảm thương (xem Dt 5:7).

 Con đẹp lòng cha:  những lời này một lần nữa nhấn mạnh đến sự được tuyển chọn Thiên Sai của Đức Giêsu, kết quả lòng nhân từ của Chúa Cha để từ đó cho thấy sự ưu đãi tuyệt đối của Chúa Cha dành cho Chúa Con, Đấng mà Người vui và hài lòng (xem Is 42:1), trong khi đó, Đức Giêsu, vâng phục theo Chúa Cha, bắt đầu sứ vụ của mình đem nhân loại trở lại với Chúa Cha (xem Mc 1:38).      

5.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm và chiều hướng hoạt động:

a)  Giống như chúng ta, Chúa Giêsu đã sống một cuộc sống qua các giai đoạn, Người đi từ một “đời sống ẩn dật” đến một “đời sống công khai”.  Chúng ta đang đi qua mùa Giáng Sinh để bước vào mùa “Thường Niên”.  Đây là lúc cho chúng ta thực hiện sứ vụ của mình, trong đó bao gồm các việc phải làm hằng ngày (thường là khó khăn và khô khan) để diễn đạt trong đời sống sự nhận thức của mình rằngCon Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta như anh em và là Đấng Cứu Độ chúng ta, bằng cách xử dụng các ân sủng nhận được trong phép rửa tội.  Tôi có nhận thức được sứ vụ Chúa Cha đã trao phó cho tôi không?  Tôi có khả năng thể hiện sứ vụ này trong đời sống hằng ngày của tôi không hay là tôi chỉ giới hạn mình trong những dịp đặc biệt thôi?
b)  Bí tích rửa tội đã làm cho chúng ta trở nên “con cái Thiên Chúa trong Chúa Con”.  Thiên Chúa cũng rất hài lòng về chúng ta và chúng ta cũng là những kẻ “được tuyển chọn” (xem 1Ga 2, 7, 3, 2:21, v.v.).  Tôi có nhận thức được tình yêu mà Chúa Cha dành cho tôi và liên quan đến tôi không?  Tôi có thể nào đáp trả lại tình yêu này với sự hồn nhiên và vâng phục của Chúa Giêsu không?  
c)  Đoạn Phúc Âm của chúng ta chứa đựng một sự biểu lộ của Thiên Chúa Ba Ngôi trong hành động.  Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu, Chúa Cha nói với Con Một Người và do đó mở ra một phương cách giao tiếp mới với loài người.  Lời cầu nguyện của tôi là như thế nào?  Tôi thường cầu nguyện với ai?  Tôi có nhớ rằng tôi cũng đã “được nhận chìm” trong Thiên Chúa Ba Ngôi và vì tôi mà “các tầng trời cũng tự xé mở ra” không?
                                                                                                                                                         
6.  Thánh Vịnh 20 

Chúng ta hãy cầu nguyện với bài Thánh Vịnh này, nhận thức rằng mình được Chúa Cha tuyển chọn và Chúa Cha luôn ở bên cạnh chúng ta với trái tim hết sức lân tuất. 

Ngày đức vua gặp bước gian truân,
xin CHÚA đáp lời ngài.
Nguyện danh Chúa Trời nhà Giacóp
khấng phù hộ chở che.
Từ thánh điện, cầu Chúa thương cứu trợ,
từ Xi-on, nguyện Chúa đỡ nâng ngài!
Mong Chúa hằng nhớ đến mọi lễ phẩm ngài dâng,
và hoan hỷ chấp nhận lễ toàn thiêu của ngài!
Xin Chúa ban như lòng ngài ước nguyện,
và cho mọi điều ngài toan tính được thành công.
Ước gì chúng tôi được hoan hô ngài chiến thắng,
được phất cờ mừng danh Thiên Chúa chúng ta!
Ước gì CHÚA thỏa mãn mọi điều ngài khấn xin!
Giờ đây tôi biết rằng: CHÚA đã ban chiến thắng
cho đấng Chúa xức dầu tấn phong.
Từ thánh cung cao thẳm, Chúa đã đáp lời người,
mà ra tay thực hiện những chiến thắng oai hùng.
Kẻ cậy chiến xa, người nhờ chiến mã,
phần chúng tôi,
chỉ kêu cầu danh CHÚA là Thiên Chúa chúng tôi.
Bọn chúng đều quỵ xuống té nhào,
còn chúng tôi vươn mình đứng vững.
Lạy CHÚA, xin giúp vua toàn thắng;
ngày chúng con cầu khẩn, nguyện xin Chúa đáp lời.

7.  Lời nguyện kết

Bối cảnh của phần phụng vụ thật là tuyệt vời cho sự hiểu biết và sự cầu nguyện bài Phúc Âm này.  Vì thế, chúng con dùng lời nói đầu để chuyển đạt lời cầu nguyện của chúng con lên tới Thiên Chúa:

Lạy Cha, trong phép rửa của Chúa Giêsu tại sông Giođan, Cha đã ban các dấu hiệu và phép lạ để biểu lộ mầu nhiệm của sự thanh tẩy mới (bí tích rửa tội của chúng con).
Tiếng của Cha từ trời đã được nghe thấy
Để đánh thức đức tin vào sự hiện diện ở giữa chúng con
Ngôi Lời đã xuống thế làm người.
Thần Khí Chúa được nhìn thấy như chim bồ câu ngự trên Người
Và thánh hiến Người Tôi Trung của Cha
Với sự xức dầu của hàng vua chúa, tiên tri và tư tế
Để tất cả mọi người sẽ nhận ra Người là Đấng Mêssia,
Được sai đến cho những người nghèo khó
Tin Mừng của ơn cứu rỗi.
Xin cho chúng con có thể tạ ơn và ngợi ca Cha
Vì món quà vô giá này,
Vì đã ban cho chúng con Con của Cha, người anh cả và là Thày của chúng con.
Xin Cha hãy hướng ánh mắt trìu mến về chúng con
Và nguyện xin rằng chúng con có thể đem lại cho Cha niềm vui trong tất cả các việc chúng con làm,
Đến muôn thuở muôn đời.  Amen.     



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét