Trang

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

10-01-2018 : Thứ Tư - tuần 1 thường niên.

10/01/2018
Thứ Tư tuần 1 thường niên.

Bài Ðọc I: (năm II) Sm 3, 1-10. 19-20
"Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, trẻ Samuel phục vụ trước mặt Hêli. Thời ấy, ít khi Chúa phán và hiện ra. Ngày nọ, Hêli đang nằm tại chỗ mình, mắt ông đã loà và không còn thấy được: Ðèn chầu chưa tắt, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt hòm bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: "Này con đây", rồi chạy đến Hêli và nói: "Này con đây, vì thầy gọi con". Hêli trả lời: "Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi". Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: "Này con đây, vì thầy gọi con". Hêli trả lời: "Này con, ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi". Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: "Này con đây, vì thầy gọi con". Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: "Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: "Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe". Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: "Samuel! Samuel!" Và Samuel thưa: "Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".
Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa. Toàn dân Israel, từ Ðan tới Bersabê, đều nhận biết Samuel là tiên tri trung thực của Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 5. 7-8a. 8b-9. 10
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, và Ngài đã nghe tiếng con kêu cầu. Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa, không theo kẻ thờ thần tượng, không hướng về chuyện gian tà. - Ðáp.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.
3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.
4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.

Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 29-39
"Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm: Ðộng lực của việc tông đồ

Tin Mừng rất nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài, đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi nhận: "Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện". Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: "Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì".
Chúng ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: "Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình".
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó chúng ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần I TN2
Bài đọcI Sam 3:1-10, 19-20; Mk 1:29-39.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là Thượng-tế nhân-từ và trung-tín.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có đau mắt mới biết thương người mù.” Có là cha mẹ mới biết nỗi khổ của việc cưu mang và dưỡng nuôi con cái. Có trải qua đau khổ và cám dỗ, một người mới có thể giúp ai trong hoàn cảnh đó. Các Bài đọc hôm nay xoay quanh vấn nạn tại sao Chúa Giêsu phải nhập thể và trở nên hoàn toàn giống như con người về mọi phương diện, trừ tội lỗi.
Trong Bài Đọc I, năm chẵn, thầy cả Eli dùng kinh nghiệm để dạy cho con trẻ Samuel biết lắng nghe và nhận ra tiếng Thiên Chúa trong đêm trường tỉnh thức và cầu nguyện. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng cảm với số phận con người: Ngài chữa lành cho mẹ vợ Phêrô và tất cả mọi người trong Thành Capernaum kéo đến kêu xin. Ngài cũng dạy cho các tông-đồ biết thăng bằng giữa các họat động tông-đồ với đời sống cầu nguyện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm chẵn): "Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe."
1.1/ Những đức tính cần thiết của người ngôn sứ: Để có thể lắng nghe tiếng Thiên Chúa, con người phải tập để có những đức tính sau:
(1) Tĩnh lặng: Đền thờ là một trong những nơi Thiên Chúa nói với con người, Samuel ngủ trong Đền Thờ với Thiên Chúa. Ngoài ra, sa mạc hay đỉnh núi cũng là chỗ Thiên Chúa tỏ mình cho con người. Khi không có cơ hội, phòng riêng cũng là nơi tốt để cầu nguyện. Ngược lại, ồn ào làm con người chia trí và tâm hồn không thể lắng đọng để nghe tiếng Thiên Chúa.
(2) Tỉnh thức: Chúa Giêsu khuyên các môn đệ luôn phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn để có thể đứng vững. Cậu bé Samuel trong trình thuật hôm nay rất bén nhạy với tiếng gọi, ba lần cậu giật mình tỉnh thức trong đêm trường. Các thánh có thói quen cầu nguyện trong đêm tối; vì là thời gian Thiên Chúa tỏ mình cho con người. Ngôn sứ cần có tỉnh thức để nhận ra nhu cầu của con người chung quanh trước khi có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Những ai mê ngủ khó có thể nghe được tiếng Chúa và tiếng kêu cứu của tha nhân.
(3) Mau mắn vâng lời: Ba lần nghe tiếng gọi trong đêm, ba lần Samuel mau mắn chạy tới với thầy cả Eli để xem Thầy cần gì. Samuel không nản chí khi Thầy truyền về ngủ lại cả ba lần. Nếu Samuel nản chí, cậu sẽ không có cơ hội được Thiên Chúa tỏ mình. Ngôn sứ không chỉ lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng còn phải mau mắn vâng lời và làm theo ý của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Thiên Chúa đang thử luyện cậu bé Samuel trước khi trao sứ vụ ngôn sứ cho cậu. Làm sao Thiên Chúa có thể trao sứ vụ cho những người ù lỳ không thi hành những gì Ngài mong muốn.
1.2/ Kinh nghiệm của thầy cả Eli: Con người cần lắng nghe để học hỏi kinh nghiệm và vâng lời sự chỉ dẫn của những người hữu trách, vì đó là một trong những cách thức Thiên Chúa dùng để huấn luyện con người. Một người không chịu lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước thường sẽ bị trả giá nặng nề. Trong trình thuật hôm nay, thầy cả Eli truyền kinh nghiệm của mình cho Samuel để cậu có thể lắng nghe tiếng của Ngài: "Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: "Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe."
Sau khi nhận được cách thức đáp lại tiếng Thiên Chúa của Thầy, Samuel về ngủ ở chỗ của mình. Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: "Samuel! Samuel!" Samuel thưa: "Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe."
Kể từ đó, Thiên Chúa thường xuyên nói chuyện với Samuel. Đức Chúa ở với ông và ông không để cho một lời nào của Ngài ra vô hiệu. Toàn thể Israel, từ Dan tới Beer-Sheba, đều biết rằng ông Samuel được Đức Chúa tín nhiệm cho làm ngôn sứ của Người.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu đồng cảm với con người. Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
2.1/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc của Phêrô: “Vừa ra khỏi hội đường Capernaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.”
Trong hành trình của Chúa trên dương gian, Ngài luôn đồng cảm với con người, nhất là những bệnh nhân và những người lâm cảnh khốn khó. Ngài luôn chữa lành khi họ kêu xin; và nhiều khi họ chưa kêu xin nữa.
2.2/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho rất nhiều người trong thành: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Sở dĩ họ phải chờ chiều đến, là Luật Do-Thái không cho chữa bệnh trong ngày Sabbath.
2.3/ Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”
(1) Sự cần thiết của đời sống cầu nguyện: Khi Ngài còn đang cầu nguyện, ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" Cả một ngày vất vả dạy dỗ và chữa bệnh, Chúa Giêsu vẫn tìm được thời gian để cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài muốn dạy các môn đệ: cần phải thăng bằng giữa đời sống kết hợp với Thiên Chúa để
nuôi dưỡng các họat động tông-đồ.
(2) Nước Chúa cần được mở rộng khắp nơi: Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Rồi Người đi khắp miền Galilee, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Người tông-đồ của Chúa Giêsu phải biết cảm thương với số phận của con người: ngây thơ, yếu đuối, bệnh tật, đau khổ, và tội lỗi, trước khi có thể giúp đỡ đem họ về cho Chúa.
- Chúng ta cần phải giữ thăng bằng cho đời sống: có thời giờ cho các họat động tông đồ và có thời giờ để cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.
- Để có thể lắng nghe tiếng Thiên Chúa, chúng ta cần tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện và tránh xa mọi chia trí của cuộc sống.
- Chúng ta cần trưởng thành trong đời sống để tự giúp mình, và để lãnh trách nhiệm trong việc mở mang Nước Chúa, chứ không được hoàn toàn sống ỷ lại vào người khác.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN,OP.

10/01/2018
THỨ TƯ TUẦN 1 TN
Mc 1,29-39

ƯU TIÊN SỐNG CẦU NGUYỆN

Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (Mc 1,35)

Suy niệm: Tin Mừng Mác-cô hôm nay mô tả cuộc sống thường nhật của Chúa Giê-su gồm hai nhịp: hoạt động truyền giáo và cầu nguyện. Dù bận rộn với đủ mọi hạng người đến với mình, nhưng Chúa Giê-su vẫn ưu tiên dành những giây phút quý giá nhất trong ngày để cầu nguyện với Cha. Chính trong tương giao với Cha qua cầu nguyện, Ngài đã nhận ra và chọn sống theo ý Cha. Nhờ chọn lựa này, Ngài không lưu lại một chỗ để “thưởng thức” lòng ham mộ, sự thành công, nhưng rong ruổi nay đây mai đó để nhiều người hơn được biết Tin Mừng Nước Trời. Ngày sống của Ngài được đan dệt bằng hai chất liệu quý giá: tâm tình hiếu thảo với Cha và tấm lòng yêu thương con người.

Mời Bạn: Trong xã hội hiện nay, học sinh bù đầu lo chuyện học, người lớn đầu tắt mặt tối với việc làm ăn, giáo xứ với tổ chức lễ lạc… Dường như “chủ nghĩa duy hoạt động” thắng thế: người ta đặt hiệu quả việc loan báo Tin Mừng nơi hoạt động, qua công việc, chứ không nơi đời sống cầu nguyện. Hậu quả tất yếu là xem nhẹ sức mạnh của việc cầu nguyện. Trong khi đó, cầu nguyện là “hơi thở” của đời sống Ki-tô hữu, “là tiếng kêu của linh hồn” (A. Belden). Qua cầu nguyện, ta gặp gỡ Chúa, nhìn ngắm, xin Ngài tư vấn, để rồi nhờ lắng nghe, ta biết được và chọn làm theo Ý Ngài.

Chia sẻ: Bạn thường cầu nguyện do nhu cầu cần gặp gỡ Chúa hay do muốn xin ơn, cầu lợi?

Sống Lời Chúa: Dành riêng 5 phút mỗi ngày để cầu nguyện với Chúa.

Cầu nguyện: Chúa ơi, xin cho con biết dành thời gian tâm sự với Chúa mỗi ngày. Amen.
(5 phút Lời Chúa)


Bà phc v các ngài (10.1.2018 – Th tư Tun 1 Thường niên)
 Chúng ta cn nhìn nhn vai trò quý báu ca người v, người m trong nhà, và vai trò ca người ph n trong giáo x cũng như ngoài xã hi.

Suy nim:
Sau khi chữa người bị quỷ ám tại hội đường Caphácnaum,
Đức Giê su trở về một căn nhà của một gia đình quen biết,
gia đình của hai anh Simon và Anrê, những người mới bỏ nhà để theo ngài.
Không may bà mẹ vợ của Simon lại đang lên cơn sốt.
Đức Giêsu đã lại gần giường bà nằm, cầm lấy tay bà và nâng bà dậy.
Lập tức cơn sốt lui khỏi bà và bà phục vụ các ngài.
Đây là phép lạ chữa bệnh đầu tiên của Đức Giêsu
cho một phụ nữ, tại một ngôi nhà.
Sốt chẳng phải là một bệnh quá nặng và nguy hiểm,
nhưng cũng đủ để làm người bệnh không hoạt động được,
gây cản trở những sinh hoạt bình thường trong gia đình.
Đức Giêsu đến đem lại sự chữa lành, niềm vui và sức sống.
Khi người phụ nữ được khỏi bệnh, mọi sự như sống lại.
Bếp lại có lửa, bàn lại có thức ăn, và người ta ngồi quanh cười nói rôm rả.
Hạnh phúc gia đình có khi chỉ tùy thuộc vào những điều be bé.
Hạnh phúc bị sứt mẻ lắm khi chỉ vì những chuyện không đâu.
Hãy nhìn cách Đức Giêsu chữa bệnh cho người phụ nữ này.
Thật gần gũi và thân tình, ngài chẳng nói lời nào để đuổi cơn sốt.
Khi nắm tay người bệnh nặng, ngài chấp nhận nguy cơ bị nhiễm nhơ uế.
Nhưng Đức Giêsu chẳng hề bị nhiễm gì, trái lại ngài đem đến bình an.
Ngài đã nâng bà dậy (êgeiren), có nghĩa là ngài làm bà phục sinh.
Sau khi được phục sinh thì bà đi phục vụ các vị khách.
Phục vụ hiểu theo nghĩa đơn sơ nhất là đi chuẩn bị bữa ăn.
Các thiên thần cũng đã phục vụ Đức Giê su
sau khi ngài thắng các cơn cám dỗ (Mc 1, 13).
Tuy nhiên có thể hiểu phục vụ theo nghĩa rộng hơn nhiều.
Sau khi Đức Giêsu chết trên thập giá, chỉ còn các phụ nữ ở lại đến cùng.
“Họ đã đi theo ngài và phục vụ ngài từ hồi ngài còn ở Galilê
và họ đã cùng ngài lên Giêrusalem” (Mc 15, 40-41).
Như vậy không phải chỉ các ông môn đệ mới là người phục vụ (Mc 10, 43).
Các bà cũng đã trung tín phục vụ đến cùng,
phục vụ như Thầy Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ” (Mc 10, 45).
Chúng ta cần nhìn nhận
vai trò quý báu của người vợ, người mẹ trong nhà,
và vai trò của người phụ nữ trong giáo xứ cũng như ngoài xã hội.
Cầu nguyn:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ



HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN
10 THÁNG GIÊNG
Ánh Sáng Cho Các Dân Tộc
Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta hình ảnh Đức Giê-su Na-da-rét như là “người tôi tớ của Thiên Chúa” đã được báo trước trong Sách Ngôn sứ Isaia, như là người được Thiên Chúa tuyển chọn và hài lòng. Trong tư cách là người tôi tớ của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chu toàn sứ mạng của Người với sự dấn thân trọn vẹn cho Thánh Ý Thiên Chúa; và Người nêu mẫu gương khiêm nhường trong quan hệ với mọi người. Như vậy, Thiên Chúa đã đặt Người “như một giao ước với con người”, “như một ánh sáng cho các dân tộc”, để đem lại ánh sáng cho người mù và trả lại tự do cho các tù nhân.
Người tôi tớ kỳ diệu ấy của Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng đã đến để đem ơn cứu độ cho nhân loại – như được mạc khải trong nước của phép Rửa. Trong Tin Mừng của Luca, Đức Giêsu được Gio-an làm phép Rửa. Bấy giờ trời mở ra, và Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức Kitô trong hình một chim bồ câu. Rồi tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta; Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 17).
Giờ đây sấm ngôn xưa đã được ứng nghiệm. Thiên Chúa vui thỏa đối với tôi tớ của Ngài; Cha hài lòng về Con đời đời của mình. Bởi người Con ấy đã đảm nhận bản tính nhân loại. Với lòng khiêm nhường sâu thẳm, Người đã xin Gio-an làm phép rửa cho Người trong nước. Tuy nhiên, Gio-an Tẩy Giả chỉ là một vị tiền hô của Đức Kitô, và phép rửa của Gio-an trong nước chỉ là một chuẩn bị cho cuộc xuất hiện của Đấng Mêsia – một chuẩn bị để đón nhận ân sủng. Đức Giêsu, người tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa, mới là người mang ân sủng đến và làm phép Rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa.


Hạnh Các Thánh
10 Tháng Giêng

    Thánh Grêgôriô ở Nyssa
    (330 - 395)

    Thánh Grêgôgiô là con út của một gia đình đã góp phần rất lớn cho Giáo Hội và gia đình ấy có ít nhất năm vị thánh.

    Sinh trưởng trong thành phố bây giờ là Thổ Nhĩ Kỳ, Grêgôriô là con của hai vị thánh Basil và Emmilia, và lớn lên trong sự dẫn dắt của người anh là Thánh Basil Cả, và người chị Macrina. Sự thành công trong việc học của Grêgôriô tiên đoán một tương lai rạng rỡ. Sau khi là giáo sư hùng biện, ngài được khuyến khích dâng hiến tài năng và hoạt động cho Giáo Hội, và ngài đã gia nhập đan viện của người anh là Basil Cả. Sau khi lập gia đình, Grêgôriô tiếp tục học làm linh mục và được phong chức (vấn đề độc thân thời bấy giờ không phải là điều kiện để làm linh mục).

    Ngài được chọn làm Giám Mục của Nyssa năm 372, là giai đoạn nhiều căng thẳng về bè rối Arian, họ từ chối thiên tính của Ðức Kitô. Sau một thời gian giam cầm vì bị bè rối Arian vu oan là biển thủ ngân quỹ Giáo Hội, Ðức Grêgôgiô được phục hồi quyền bính năm 378.

    Chính sau cái chết của người anh yêu quý là Thánh Basil mà Ðức Grêgôgiô mới thực sự chứng tỏ khả năng của ngài. Các học thuyết của ngài chống với Arian và các sai lầm khác lừng danh đến nỗi ngài được xưng tụng là người bảo vệ chính giáo.
Ngài được sai đi trong các sứ vụ chống trả các bè rối, và giữ một vị thế quan trọng trong Công Ðồng Constantinople.

    Danh tiếng của ngài kéo dài cho đến khi từ trần, nhưng qua nhiều thế kỷ, danh tiếng ấy lu mờ dần khi người ta không rõ ngài có phải là tác giả của các học thuyết ấy hay không. Tuy nhiên, chúng ta phải cám ơn công trình của các học giả trong thế kỷ 20, vì nhờ đó mà tầm vóc của Thánh Grêgôriô lại được phục hồi. Thật vậy, Thánh Grêgôriô ở Nyssa không chỉ được coi là một trụ cột của chính giáo, nhưng còn là người đóng góp quan trọng cho các truyền thống bí nhiệm trong linh đạo Kitô Giáo và cho hệ thống đan viện.

    Trích từ NguoiTinHuu.com



10/01/2018

10 Tháng Giêng

Hạt Giống Của Hy Vọng

Văn hào Shakespeare của nước Anh đã nói rằng: liều thuốc duy nhất còn lại cho những người khốn khổ chính là niềm Hy Vọng. Bao lâu còn hy vọng, bấy lâu con người muốn tiếp tục sống.

Những người Mỹ tại một thành phố nọ thường truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện nuôi niềm hy vọng của một gia đình nọ như sau: Có một đôi vợ chồng nọ vừa yêu người cũng lại vừa yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột thịt ra, họ còn nhận thêm năm đứa con nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong nhà là được săn sóc vườn hoa và những thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng chừng như không biết thế nào là đau khổ. Nhưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn hoa trở thành hoang tàn, khi người chồng ngộ nạn, qua đời. Kể từ đó, người đàn bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng mỗi lúc một tàn lụi.

Mùa đông đến càng làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn. Thế nhưng, một bữa sáng nọ, người đàn bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới trong ngôi vườn. Kéo tấm màn cửa sổ phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang hì hục xới đất. Trước sự ngạc nhiên của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm cười đáp: "Má sẽ biết khi mùa xuân đến". Và nguyên một mùa đông, ngày nào các con của bà cũng ra vườn để xới đất.

Thế rồi khi mùa xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong vườn. Những hạt giống mà những người con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay thức giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn trở thành tươi mát, sặc sỡ.

Cùng với hạt giống của các thứ hoa, những người con đã gieo vào lòng người mẹ một thứ hạt giống khác: đó là hạt giống của Hy Vọng. Chính niềm hy vọng đó đã đem người đàn bà trở lại cuộc sống và đánh tan mọi buồn phiền trong tâm hồn bà.

Câu chuyện trên đây có lẽ cũng chính là bức tranh của không biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Có những ngày tháng, mọi sự xem chừng như vô vọng. Có những lúc mây mù của khổ đau bao phủ kín khiến chúng ta không còn thấy đâu là lối thoát. Chính trong những lúc đó, chúng ta hãy nhớ đến hạt giống của niềm Hy Vọng. Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho các tín hữu Rôma như sau: "Chính trong niềm Hy Vọng mà chúng ta được cứu thoát. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng hãy nhìn thấy Sức Sống đang chờ đợi chúng ta. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng ta hãy nhìn thấy những hoa trái của những hạt giống mà chúng ta đã vất vả gieo vãi.

Một người Hòa Lan và một người Mỹ bàn về ý nghĩa của hai lá cờ quốc gia. Người hòa Lan phát biểu một cách mỉa mai như sau: lá cờ của chúng tôi có ba màu: đỏ, trắng, xanh. Chúng tôi tức giận đỏ cả người lên, mỗi khi chúng tôi bàn đến thuế má. Chúng tôi run sợ đến trắng bệch cả người mỗi khi chúng tôi nhận được giấy thuế má. Và chúng tôi xanh như tàu lá sau khi đã trả hết các thứ thuế. Người Mỹ cũng nói lên một cảm tưởng tương tự mỗi khi nhận được các thứ giấy đòi nợ, nhưng lại bảo rằng: bù lại, chúng tôi chỉ thấy toàn các thứ sao.

Sao trên bầu trời là biểu hiện của chính niềm Hy Vọng. Bên kia những vất vả thử thách, bên kia những mất mát, bên kia những thất bại khổ đau, phải chăng người Kitô chúng ta không được mời gọi để thấy được các ngôi sao của niềm Hy Vọng.


Trích sách Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét