Trang

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Quan hệ căng thẳng giữa chính quyền Chí Lợi và Tòa Thánh

Quan hệ căng thẳng giữa chính quyền Chí Lợi và Tòa Thánh
Đặng Tự Do
10/Jan/2018

Đúng là trong nhiều tháng qua, chính phủ của bà Bachelet đã làm việc rất vất vả, và với một sự quảng đại, cho sự thành công của chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng một điều không có gì bí mật là cho đến gần đây, chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng đến Chí Lợi là điều không được chính quyền nước này hoan nghênh.

Lời mời chính thức Đức Giáo Hoàng thông qua lá thư do Tổng thống ký chỉ mới đến Vatican vào những ngày đầu tháng 6 năm ngoái. Trước đó, các Giám Mục Chí Lợi nói nhiều về một khả năng như vậy: tuy nhiên, về mặt ngoại giao, lời mời của Hội Đồng Giám Mục không đủ để một chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng có thể thực hiện được. Trong hai trường hợp khác nhau, chính phủ đã yêu cầu Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi thuyết phục Đức Giáo Hoàng đừng đến Chí Lợi. Các giám mục đã bối rối và xấu hổ, bởi vì các ngài đã mời Đức Giáo Hoàng, chính thức và nhiều lần, và các vị tin rằng chính phủ đồng ý.

Tại sao họ không muốn mời Đức Giáo Hoàng? Bởi vì các đảng chính trị Chí Lợi, một số theo lập trường xã hội quá khích, như đảng xã hội Chí Lợi của bà tổng thống Michelle Bachelet. Họ theo đuổi một lập trường đối kháng triệt để đối với giáo lý và các học thuyết xã hội Công Giáo về các vấn đề như phá thai, hôn nhân đồng tính, và an tử. Họ không thích Giáo Hội Công Giáo và Đức Giáo Hoàng. Một số đảng khác đang gặp khó khăn. Sự tín nhiệm của họ bị đe dọa và là trung tâm của những lời chỉ trích khắc nghiệt vì tham nhũng và các hành vi lừa đảo khác. Những đảng này đã xem “vấn đề Bôlivia” như một cái phao để đánh lạc hướng dư luận. Santiago và La Paz từ lâu đã tranh chấp về cửa ngõ thông ra Thái Bình Dương.


Người ta cũng biết rằng Evo Morales, Tổng thống Bolivia, giống như tất cả những người tiền nhiệm của mình, để kiếm phiếu của quần chúng, đã đưa vấn đề này ra trong cuộc bầu cử lần thứ ba và gần đây, đáng ngạc nhiên, ông đã đặt vấn đề dưới sự phân xử của Toà án Hague.

Chí Lợi, tin tưởng là mình có lý hơn, đã chấp nhận ngay lập tức. Tuy nhiên, tại một thời điểm nhất định, vì những lý do không rõ ràng và chắc chắn liên quan đến chính trị bên trong cùng những tham vọng cá nhân, phiên tòa bị hoãn lại, và một chiến dịch ồ ạt bắt đầu từ Chí Lợi “cáo buộc” Đức Giáo Hoàng Phanxicô là người thân Bolivia, gần gũi với Evo Morales và do đó gián tiếp “thù nghịch” với người Chí Lợi.

Người ta tung ra những lời được cho là của Đức Giáo Hoàng mà ngài thực sự không bao giờ thốt ra.

Bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng tại La Paz, trong cuộc họp với các phong trào bình dân vào tháng 7 năm 2015, đã được một số chính trị gia ở cả hai nước sử dụng, để biện minh cho vô số những sai lầm của họ, và làm dấy lên nhiều lời dối trá nhằm thêu dệt nên hình ảnh sai lệch về một vị Giáo Hoàng “thân thiết hơn” với người Bolivia và kỳ thị người Chí Lợi.

Không phải chỉ có người Chí Lợi tin vào “truyền thuyết” này. Cả người Bolivia cũng muốn tin như thế. Evo Morales, người đã nhiều năm cố gắng tỏ ra thân thiết với Đức Giáo Hoàng để cố tô vẽ Đức Phanxicô như một người ủng hộ mình và Bolivia, chắc chắn đã giúp lan truyền những hình ảnh sai lầm này.


Thật thế, ngay trước chuyến tông du Chí Lợi của Đức Thánh Cha, ngày 15 tháng 12 vừa qua, tổng thống Bôlivia Evo Morales sang thăm Đức Giáo Hoàng và sau đó ông ngụ ý trong một Tweet rằng ông và Đức Giáo Hoàng đã thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Bolivia với Chí Lợi trong một cuộc họp tại Vatican ngày 15 tháng 12.

Tuy nhiên, theo Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cuộc họp riêng tư kéo dài 30 phút “diễn ra trong bầu không khí thân mật”. Trong cuộc nói chuyện hai vị “đánh giá cao sự đóng góp của Giáo Hội tại Bolivia cho sự tiến bộ của con người, xã hội và văn hoá của dân chúng trong nước, và đề cập đến việc cập nhật các thoả thuận giữa Toà Thánh và Bolivia.”

Morales và Đức Giáo Hoàng đã nói về “những chủ đề khác nhau hai bên cùng quan tâm”, nhưng tuyên bố của Vatican không hề nhắc đến cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa Bolivia và Chí Lợi.

Bolivia và Chí Lợi có chung đường biên giới hơn 400 dặm, nhưng không có quan hệ ngoại giao! Quan hệ hằn học giữa hai nước là sản phẩm của một lịch sử lâu dài: Chí Lợi đánh bại Bolivia và Peru trong Chiến tranh Thái Bình Dương năm 1879 và chiếm giữ một vùng giàu khoáng sản của Bolivia, biến Bolivia thành một đất nước không có một mét bờ biển nào.

Việc có đường thoát ra biển là một yêu cầu từ lâu của Bolivia, nhưng Chí Lợi coi vụ kiện này là đã đóng lại.

Morales đã cố gắng đưa Đức Thánh Cha Phanxicô vào cuộc. Khi ông chào mừng Đức Giáo Hoàng đến Bolivia vào năm 2015, ông nói với ngài, “Đức Thánh Cha đã đến một đất nước bị cắt xén không tiếp cận được với biển”, và tặng Đức Giáo Hoàng một món quà, đó là một cuốn sách có nhan đề “Sách về biển”.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời bằng cách nói rằng, “Đối thoại là không thể thiếu được”, cùng với “việc xây dựng các cây cầu thay vì xây dựng bức tường.”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét