Trang

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

14-02-2018 : THỨ TƯ LỄ TRO - ĂN CHAY KIÊNG THỊT

14/02/2018
 Thứ tư LỄ TRO. Giữ chay và kiêng thịt

BÀI ĐỌC I: Ge 2, 12-18
"Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi".
Trích sách Tiên tri Giôel.

Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?

Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: "Chúa của chúng ở đâu?" Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17
Đáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Đáp.
2) Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa. - Đáp.
3) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Đáp.
4) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 20 - 6, 2
"Hãy làm hoà cùng Chúa đi... Bây giờ là cơ hội thuận tiện".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, chúng tôi đây là sứ giả của Đức Kitô, chính Thiên Chúa nhờ chúng tôi mà khích lệ anh em. Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa. Đấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa.

Với tư cách là những cộng sự viên của Người, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô hiệu. Quả thật Chúa phán: "Dịp thuận tiện đến rồi, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày giải thoát, Ta đã cứu vớt ngươi". Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát.
Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 50, 12a và 14
Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.
PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6. 16-18
"Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

"Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

"Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".
Đó là lời Chúa.



Suy niệm : Sám hối và Giao hòa
Suy Niệm: Mùa Chay Và Lễ Phục Sinh
Lời Mở Ðầu
Sau những ngày vui đầy ánh sáng và âm nhạc của lễ Giáng sinh, chu kỳ phụng vụ dẫn ta vào mùa Chay để chuẩn bị cử hành long trọng mầu nhiệm Vượt qua, gồm cái chết trên Thập giá và cuộc Phục sinh vinh quang của Chúa Cứu thế. Mầu nhiệm ấy, chúng ta cử hành mỗi ngày trong thánh lễ. Nhưng 40 ngày mùa Chay và 7 ngày Tuần thánh là thời gian đặc biệt Giáo hội dùng để giúp ta suy niệm về những khía cạnh huyền nhiệm nhất của cuộc sống, như: thân phận yếu hèn và tội lỗi của con người, sự hoán cải nội tâm, đời sống đền tội, ý nghĩa của thử thách, thân phận nô lệ và giải phóng, giao ước tình yêu và phản bội, đau khổ và hy sinh, cuối cùng là cái chết và Phục sinh như là giải đáp cho vấn đề gây cấn nhất của đời người: sự chết và cái gì bên kia sự chết?
Bởi đó phụng vụ mùa Chay mang một sắc thái khắc khổ, bi thống, vì biểu lộ những thực tại cứng rắn, gai góc nhất của cuộc nhân sinh. Nhưng vì đã nắm chắc giải đáp của đức tin xây dựng trên biến cố Phục sinh, nên phụng vụ mùa Chay cũng chan chứa một niềm vui khải hoàn và chiếu giãi một cái nhìn lạc quan. Vì thế các bài suy niệm mùa Chay phải dựa theo chuyển động hai thì của đoạn thư thánh Phalô gửi giáo đoàn Philipphê (2,6-11) bàn về mầu nhiệm Chúa Kitô: đi xuống đáy sâu của khốn khổ và hư vô để từ đó vươn lên đỉnh cao của vinh quang và sức sống. Chiều hướng suy niệm khởi sự từ các tương quan giữa con người và Thiên Chúa theo cách trình bày của Thánh Kinh và cách sắp xếp của Phụng vụ, để từ đó rút tỉa ra những ánh sáng soi dẫn cho thái độ sống hôm nay của Giáo hội, từ linh mục cho đến giáo dân.
Cũng như các tập suy niệm mùa Vọng và lễ Giáng sinh, các tập suy niệm mùa Chay và lễ Phục sinh này nhằm gửi đến anh em linh mục trước tiên, và để cho mỗi người tùy nghi chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa.
Các tập suy niệm mùa Chay và lễ Phục sinh năm nay sẽ gồm 10 chủ đề:
Lễ Tro: Sám hối và Giao hòa
Chúa nhật I: Chọn theo Chúa là đón nhận Giao ước
Chúa nhật II: Cái chết, con đường đưa tới sự sống
Chúa nhật III: Những đền thờ
Chúa nhật IV: Giờ của Chúa Yêsu
Lễ Lá: Chúa đến
Lễ Chúa lập phép Thánh Thể: Bữa tiệc giao ước
Khổ nạn: Tình yêu mạnh hơn cái chết
Phục sinh: Người đã sống lại vì ta

Thứ Tư Lễ Tro
Suy niệm:
Mùa Chay thánh mở đầu bằng lễ Tro, một biểu tượng mang đầy ý nghĩa. Các bài đọc sách thánh chu kỳ B (Yo 2,12-18; 2C 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18), kêu gọi chúng ta hoán cải tâm hồn: trong tương quan nội tâm với Thiên Chúa và tương quan xã hội với loài người.

1. Nhưng Vì Sao Có Nghi Lễ Xức Tro?
Trong lúc phẩm giá con người được đề cao: con người đầy sức sáng tạo, con người làm chủ trái đất và vận mệnh mình... thì tại sao người ta lại bôi tro lên trán tôi và nói với tôi: "Hãy nhớ rằng: ngươi là bụi tro và sẽ trở về bụi tro" (Kn 3,19)?
Ðó chính là lời Thánh Kinh mà Giáo hội có phận sự công bố. Nhìn con người một cách toàn diện nơi nguồn gốc, trong bản chất sâu xa và tại điểm chung kết của nó, Thánh Kinh cho ta câu giải đáp về quá khứ, hiện tại và tương lai của ta. Những trang đầu sách Khởi nguyên cho ta biết con người bởi đâu mà ra. - Bởi lời sáng tạo - đầy quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phải ngẫu nhiên mà có. Theo ngôn ngữ tượng trưng của Thánh Kinh, bụi đất Thiên Chúa dùng để nặn nên thân xác con người, biểu hiện cho thân phận yếu hèn, mỏng dòn và giới hạn của nhân loại. Con người xuất hiện giữa vũ trụ do một hồng ân: tôi không tự tạo ra tôi nhưng tôi đã được tạo thành. Sự sống cũng là một ân huệ tôi đón nhận để vun trồng, phát triển, để làm vinh danh Chúa tôi, và như thế tôi cũng dự phần vinh hạnh. Phẩm giá con người hệ tại chỗ: khi được dựng nên, nó cũng nhận được khả năng sáng tạo tiềm tàng trong mình nó. Và ý Chúa muốn rằng: ai nhận được vốn là phải sinh lợi, làm lợi cho xã hội loài người và cho Nước Trời. Chính khả năng sáng tạo, làm chủ và phục vụ trong tinh thần liên đới cộng đoàn như thế là hình ảnh Thiên Chúa trong ta, làm cho ta nên giống Người. Ta giống Chúa, nhưng không phải là Chúa, vì chỉ mình Người là Ðấng Toàn Năng, có quyền tuyệt đối trên sự sống, sự chết. Còn ta chỉ là thụ tạo và đời đời có giới hạn.
Nghi lễ xức tro nhắc ta nhớ lại chân lý ấy.

2. Tội, Ăn Năn Tội Và Ðền Tội
Mỗi người khi tự nguyện chịu xức tro, không những thú nhận mình lệ thuộc vào Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, mà còn biểu thị tâm tình hoán cải, vì ý thức rằng mình đã phản bội, đã hèn nhát, đã phạm tội. Tội lỗi là một thực tế thuộc kinh nghiệm sống của mỗi người. Ai tự cho mình là vô tội là tự dối bản thân (1Yn 1,8) vì mỗi người đều đầy dẫy ích kỷ và ham muốn. Ðó là những tội phạm đến con người và phạm đến Thiên Chúa. Vì tội phát xuất tự lòng người, nên tiên tri Yôel kêu gọi chúng ta: "Hãy xé lòng, đừng xé áo" (2,13), hãy phản đối lại chính cái tà tâm trong ta bằng tâm tình sám hối, hoán cải, nghĩa là thay đổi kiểu nhìn, thay đổi tư tưởng và ước muốn bên trong và hành động bên ngoài, cho phù hợp với những đòi hỏi thánh thiện của Giao ước tình yêu do Thiên Chúa ban cho dân Người.
Chúng ta là dân Thiên Chúa, là một cộng đoàn, trong đó có các thành phần liên đới với nhau trong điều phúc cũng như sự tội. Hoán cải phải xảy ra trong thâm tâm mỗi người. Nhưng mỗi thành phần dân Chúa phải chứng tỏ sự quyết tâm đổi đời bằng những hành vi cụ thể bên ngoài như ăn chay, hãm mình và từ bỏ, vì con người có một thể xác và sống trong tương quan xã hội.
Tội lỗi còn tạo ra sự chia rẽ, xa cách: con người không còn hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn gốc sự sống và tình yêu nữa, và như thế con người như bị dìm vào trong tình trạng buồn thảm của sự chết. Vẻ tang chế mà tiên tri Yôel muốn trùm lên các tội nhân biểu lộ tình trạng bi đát ấy, và tự nó, tình trạng đó đòi phải được cất đi và thay thế bằng niềm vui của sự giải hòa, nối lại Giao ước tình yêu.
Quả thật quan hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa là quan hệ của những người con với Cha mình. Người là người Cha nhân lành, lưu tâm đến từng tâm hồn con cái. Người nhìn vào đáy lòng ta và thấy tất cả trong âm thầm kín đáo (Mt 6,1-6.16-18). Những lời cầu nguyện chân thật nhất và đẹp lòng Người nhất là do thôi thúc của Chúa Thánh Thần, Thần Trí của Chúa Kitô, mà Chúa Cha gửi vào lòng ta, làm cho ta có thể kêu lên: "Abba, lạy Cha yêu dấu" (Yn 4,6; Rm 8,15). Tâm tình cầu nguyện phát xuất từ trong thâm cung của tâm hồn như một căn phòng kín đáo và yên tĩnh, như một nơi vắng lặng mà chính Chúa Kitô thích tìm đến để tâm sự với Cha mình. Mọi hành động thiện hảo khác cũng do Thần Trí của Chúa Kitô tác động trong tâm hồn ta mà sinh thành (Yn 5,22-26). Ðúng như lời Chúa Kitô đã nói: "Không có Ta các ngươi không làm được gì"; và Chúa Cha ưa thích những người thờ phượng Ngài trong Thần Trí và Sự Thật - Thần Trí của Chúa Kitô và của ta - và từ đó chiếu giãi ra trong hành động xã hội, và nhờ đó Sự Thật sẽ giải phóng loài người.
Chính Chúa Kitô muốn rằng ta phải chia sẻ của cải với anh em đồng loại. Bát cơm, manh áo hay ly nước lã ta trao cho người nghèo là như thể trao vào tay Chúa Kitô (Mt 25,35). Sự hãm mình, ăn chay và kiêng thịt chắc chắn mang ý nghĩa đền tội, kiềm chế dục vọng và tham dự vào mầu nhiệm thương khó của Chúa Cứu thế, nhưng nhất thiết phải kết thúc bằng hành động chia sẻ. Truyền thống xa xưa trong Kinh Thánh cũng như trong lịch sử Giáo Hội đều hiểu thế. Sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh chia sẻ. Thế nên, mùa Chay năm nay, trong hiện tình kinh tế của đất nước và đồng bào, Chúa đang kêu gọi chúng ta làm những hành vi cụ thể để xoa dịu đau khổ của Người trong những người anh em. Vì chúng ta thực sự gặp Chúa trong anh em.

3. Tác Vụ Giải Hòa
Chúng ta làm môi giới cho nhau để gặp Chúa. Thánh Phaolô (2C 5,20-6,2) đặc biệt nói tới vai trò của linh mục là những cộng sự viên, đại diện của Chúa Cứu thế. Linh mục tham dự cách chính thức vào chức vụ môi giới của Ðấng đã giải hòa loài người với Chúa Cha trong mầu nhiệm chết và sống lại. Linh mục nhân danh Ðức Kitô kêu gọi, khuyên lơn loài người trở lại với Thiên Chúa. Cao quý và hệ trọng biết bao: lời giải tội và bàn tay vẽ dấu Thánh giá trên hối nhân! Qua hành vi của một tôi tớ phàm hèn, chính Thiên Chúa Ba Ngôi tha tội và ban sự bình an cho lương tâm hối nhân. Bí tích Cáo giải là nơi gặp gỡ giữa hai mầu nhiệm trọng đại: mầu nhiệm tình yêu thứ tha và mầu nhiệm tình yêu thống hối. Lòng thống hối đích thực và trọn hảo phát xuất từ tình yêu. Ðó là tiếng kêu của đứa con hoang đàng hướng lòng về Cha mình từ nơi xa xôi: "Lạy Cha, con đã làm phiền lòng Cha..." (Lc 15,21). Tình yêu có một sức mạnh bất khả kháng. Tình yêu trong lòng người con thôi thúc nó lên đường trở về. Tình yêu trong lòng người Cha thu hút, lôi kéo đứa con vào lòng mình để tha thứ và ban đầy hồng ân dư dật. Lời nói của linh mục phải giống như lời nói của Chúa Kitô: bắc nhịp cầu cho tình yêu tha thứ của Chúa Cha và tình yêu thống hối của tội nhân gặp nhau trong sự giải hòa, đem lại bình an và niềm vui của Chúa Thánh Thần cho mọi tâm hồn. Ðó quả là một tác vụ thánh. Chẳng những bí tích cáo giải là phương tiện thánh hóa con người, mà sâu xa hơn nữa: bí tích ấy chạm tới đáy lòng Thiên Chúa và tâm hồn hối nhân trong thực tại thánh thiện nhất là tình yêu. Tác vụ thánh đưa linh mục vào trong thâm tâm của tâm hồn Thiên Chúa và tâm hồn loài người. Ðiều đó đòi phải có sự tín nhiệm tuyệt đối từ phía Thiên Chúa và loài người và lòng khiêm cung kính cẩn từ phía linh mục đối với mầu nhiệm.
Nhìn ở bề sâu như thế, ta hiểu được vì sao tác vụ thánh có ưu thế trên cả mạng sống, và chu toàn tác vụ thánh là một bổn phận hệ trọng của linh mục, đầy tớ của Thiên Chúa và của loài người. Chính việc chu toàn tác vụ thánh ấy sẽ thánh hóa thừa tác viên.

4. Người Trở Thành Tội Vì Ta
"Ðức Kitô không hề biết đến tội, nhưng Thiên Chúa Cha đã làm cho Người trở thành tội vì ta" (2C 5,21).
Chúa Kitô không có tội theo nghĩa chủ động, luân lý; nhưng Người đã gánh chịu hậu quả của tội, nghĩa là gánh chịu sự vô phúc, bất hạnh do tội của ta gây nên. Thánh Phaolô còn nói mạnh hơn nữa: "Chúa Kitô đã trở nên đồ chúc dữ vì ta" (Ga 3,13), vì như Sách Thánh đã chép: "Kẻ nào bị treo trên cây gỗ thì đã bị chúc dữ" (Tl 21,23). Tội đòi phải có sự đền tội. Chúa Kitô đã tự nguyện chấp nhận trở thành tội, "trong thân phận xác thịt tội lỗi của ta, để đền tội thay cho ta, va Người đã kết án tội ngay nơi thân xác Người" bị treo trên Thập giá (Rm 8,3). Người đã hành động như thế vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến ta. Tình yêu ngược đời ấy có sức đảo ngược lại tình thế: Người tái lập được sự công chính (Rm 8,4; 2C 5,21), nhận lại được phúc lành cho ta và làm sống lại sự sống thiêng liêng bởi Thánh Linh trong ta (Yn 3,14; Rm 8,4).
Một trong những khía cạnh của chức vụ tư tế là chuyển cầu và tế lễ đền tội cho Dân Chúa. Của lễ sống động nhất chính là bản thân người linh mục kết hiệp với mầu nhiệm Thập giá Chúa Kitô: trong lễ tế tạ ơn, trong sự cô quạnh của đời sống độc thân tận hiến, trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, trong việc chu toàn tác vụ thánh và trong thái độ sẵn sàng trở thành tội nợ vì Dân Chúa và thí mạng sống cho đoàn chiên, như Thầy Chí Thánh đã làm.

Giảng Lễ
Thánh lễ hôm nay rất đặc biệt. Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa, để biết đánh giá đúng mức phụng vụ mà chúng ta đang cử hành, hầu lãnh nhận được ơn Thánh Chúa muốn trao ban cho ta trong thánh lễ này.
Trước hết, bài sách Yôel gợi lên cho ta cả một bầu khí trang trọng ở trong lịch sử Dân Chúa. Con cái Israel bấy giờ đang lầm than khổ sở. Họ hao mòn kiệt sức. Họ bất lực, không thể tự chỗi dậy. Chúa sai tiên tri Yôel đến, bảo họ hãy thống hối ăn năn; hãy trở về với Chúa; hãy xin Ngài tha thứ và cứu độ. Ðó là đường lối duy nhất để được cứu vãn. Thế nên, từ già đến trẻ, từ tư tế đến thứ dân, từ cô dâu mới cưới đến người góa phụ khổ sở, toàn dân, cả nước hãy tuyên bố mở mùa chay tịnh, ăn năn thống hối các lỗi lầm để được giải thoát và cứu độ.
Hôm nay, Giáo hội cũng muốn mượn lời tiên tri trên để khai mạc mùa Chay Thánh. Giáo hội muốn các linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân, từ hôm nay, hãy chấp nhận một nếp sống chay tịnh. Không phải vì Giáo hội đang ở trong một tình cảnh khổ sở đặc biệt nào, nhưng vì lễ Phục Sinh sắp tới. Giáo hội nhớ: nếu muốn được sống lại với Ðức Kitô, người ta phải chấp nhận đi vào con đường thánh giá của Người. Và con đường thánh giá này, Người đã đi không phải vì tội lỗi riêng nào của Người, nhưng chỉ vì để cứu nhân loại khỏi cảnh lầm than do tội lỗi gây nên, hầu đi tới vinh quang hạnh phúc bất diệt. Vậy hôm nay, Giáo hội tuyên bố mùa Chay Thánh, là Giáo hội nhớ tới trách nhiệm của mình đối với toàn thể nhân loại. Thánh Tông đồ viết: "Toàn thể tạo vật đang rên siết, chờ đợi ngày con cái Chúa xuất hiện". Tất cả vũ trụ và lịch sử nhân loại hiện nay đang chờ đợi cộng đoàn Dân Chúa sống thánh thiện, để tất cả được thấm nhuần ơn thánh hầu đời sống trở nên tốt đẹp hơn. Như vậy, chấp nhận đi vào mùa Chay Thánh, là tham dự vào ý chí cứu nhân độ thế, vào chương trình cứu độ trần gian, vào đường lối đưa nhân loại đạt tới hạnh phúc chân thật. Thế nên các việc đạo đức trong mùa Chay này không phải chỉ có ý đền bù tội lỗi riêng của mỗi người, nhưng còn phải được hoàn thành trong thiện ý muốn cộng tác vào việc cứu thế của Ðức Kitô, vào trách nhiệm thánh hóa trần gian của Giáo hội.
Phải chăng các việc đạo đức mà Phúc Âm hôm nay đề ra cho chúng ta làm trong mùa Chay này, xem ra không tương xứng với mục đích và lý tưởng của mùa Chay mà chúng ta vừa gợi lên? Bố thí, cầu nguyện, ăn chay, đâu phải là những việc duy nhất và công hiệu hơn cả để thay đổi mặt đất này và làm cho đời sống con người thánh thiện và hạnh phúc hơn? Thong thả, chúng ta còn có cả một mùa Chay Thánh trên dưới 40 ngày để cô đọng lại lịch sử của Dân Chúa trong cuộc hành trình 40 năm tiến vào Ðất Hứa và nhất là để kết hiệp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm chay tịnh 40 đêm ngày trong rừng vắng. Trong 40 ngày sắp tới, Giáo hội sẽ dần dần đề nghị cho ta những công tác đạo đức để tu thân sửa mình đồng thời cũng để "bình thiên hạ", tức là đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Hôm nay chúng ta hãy bằng lòng với 3 công tác mà Phúc Âm đề ra. Ðó là 3 việc đạo đức mà mọi người Dothái tốt lành xưa vẫn làm. Làm được 3 việc ấy, người biệt phái trong Phúc Âm Luca tưởng đã có thể tăng công trước mặt Chúa. Ðức Kitô không phủ nhận những việc ấy. Ngài không đến để xác định những việc nào có giá trị đạo đức một cách máy móc, nghĩa là cứ làm xong là được rồi. Ngài đến để đặt nền tảng cho đời sống đạo chân thật. Ngài tuyên bố ngay trong câu đầu và câu cuối của bài Phúc Âm hôm nay: đừng chỉ giữ đạo trước mặt thế gian, một hãy cố gắng giữ đạo trước mặt Thiên Chúa Cha; đừng chỉ giữ đạo vì thói quen, vì tập quán, một hãy xây dựng lòng đạo đức chân thật ngay từ trong thâm cung lòng mình. Thế nên có lần Ngài lại nói: không phải những kẻ cứ kêu "Lạy Chúa, lạy Chúa" sẽ được vào Nước Trời đâu, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Chúa Cha mới được hạnh phúc đó mà thôi.
Vậy trong mùa Chay Thánh năm nay, chúng ta cũng hãy bắt đầu ý thức muốn sống đạo một cách chân thực. Nghĩa là ta đừng quan niệm đạo đức là đọc kinh, xem lễ vì thói quen nữa, nhưng phải cố gắng nội tâm hóa các việc đạo đức quen làm, tức là đưa các việc đó vào trong tâm hồn, vì có vào trong tâm hồn, các việc ấy mới là các việc đạo đức phát xuất từ tâm hồn chúng ta và mới trở thành các việc đạo đức đẹp lòng Chúa. Người đi lễ trong mùa Chay này hãy để cho các bài Sách Thánh, các bài kinh cầu nguyện, các bài ca phụng vụ, đi vào cho tới tận nơi thâm sâu của tâm hồn, để từ đó các lời thánh thiện kia sẽ ảnh hưởng tới đời sống. Và khi rước lễ rồi cũng vậy, ta hãy để cho Chúa Yêsu nói lên ở trong mình, hướng dẫn cuộc đời ta, làm cho đời sống phù hợp với tâm tình mến Chúa, yêu người ở mọi nơi. Một nếp sống đạo như thế, nhất định sẽ cải thiện cuộc đời của ta, canh tân não trạng và thái độ của mình; và như vậy chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tốt cho xã hội.
Thế nên, thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai viết: "Ðây là thời gian thuận lợi, thời gian để Chúa cứu độ chúng ta". Ta hãy bắt chước con cái Israel ngày trước và toàn dân Chúa ngày xưa, lấy tro rắc trên mình để công bố ý chí đi vào mùa Chay Thánh, mà thống hối canh tân, để đem toàn dân Chúa và nhân loại đi vào con đường tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Lễ nghi làm phép và nhận tro bây giờ có một ý nghĩa sâu xa và quảng đại như thế. Ai tham dự cũng hãy cầu xin cho mình được tinh thần cứu thê của Ðức Kitô, để nhận tro rồi, chúng ta được ơn thánh lễ hỗ trợ, bắt đầu một nếp sống canh tân đời sống, chuyển lịch sử dân Chúa và nhân loại sang một giai đoạn tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Chúng ta hãy sốt sắng đứng lên cử hành nghi thức khai mạc mùa Chay với những tâm tình tốt đẹp ấy.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Lễ Tro, Bắt đầu Mùa Chay
Bài đọcJoel 2:12-18; II Cor 5:20-6:2; Mt 6:1-6, 16-18.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của Thiên Chúa và tội lỗi của con người 
Mùa Chay nhắc nhở con người nhiều điều: Thân phận mỏng giòn của con người qua nghi thức xức tro: “Hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất!” Hay tính yếu đuối và tội lỗi của con người: “Hãy ăn năn xám hối và tin vào Tin Mừng!” Tuy nhiên, tình thương của Thiên Chúa lớn hơn những tội lỗi mà con người xúc phạm; Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả nếu con người biết ăn năn xám hối.
Các Bài Đọc cho chúng ta những khía cạnh khác nhau của Mùa Chay. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Joel nhắc nhở con người chú ý đến hai khía cạnh: hãy xé lòng chứ đừng xé áo và chiều kích cộng đồng của việc xám hối. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự thuận tiện của thời gian để con người làm hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, thánh Matthêu chú trọng đến 3 cột trụ của Mùa Chay: ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy xé lòng chứ đừng xé áo.
1.1/ Hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van: Để con người được tha tội, họ cần 2 điều kiện căn bản sau đây:
(1) Tin Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót: Ngài sẽ tha thứ mọi lỗi lầm con người đã phạm. Con người phải tin vào sự thật này trước khi có thể ăn năn trở lại. Sự thật này được nhắc lại nhiều lần trong Sách Tiên Tri và là hy vọng của dân trong Thời Lưu Đày.
(2) Phải hết lòng hết dạ trở về với Thiên Chúa: Tiên tri Joel nhấn mạnh đến chiều kích trong tâm hồn: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng… hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự trong tâm hồn, những lễ nghi hay hành động hời hợt bên ngòai sẽ không đủ để được Ngài tha thứ.
1.2/ Chiều kích cộng đồng của tội lỗi: Ngòai chiều kích cá nhân, tội lỗi còn mang tính cộng đồng; vì Thiên Chúa muốn con người sống chung và nâng đỡ nhau ngay từ đầu khi Ngài tạo dựng con người. Vì thế, khi xét mình, con người không chỉ xét những tội cố tình phạm, mà còn những tội vô tình quên như: bổn phận phải giúp đỡ người khác (7 mối phần hồn cũng như 7 mối phần xác). Tiên tri Joel nhấn mạnh đến chiều kích cộng đồng trong Bài Đọc hôm nay: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” Tiên tri Jonah còn đi xa hơn, khi tường thuật Vua Nineveh ra lệnh không những cho con người, mà ngay cả những súc vật cũng phải ăn chay đền tội (Joh 3:7-8).
Khi hội đủ 2 điều kiện trên, Thiên Chúa sẽ tha thứ tội vạ cho dân và sẽ tiếp tục săn sóc và bảo vệ họ: “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát.”
2/ Bài đọc II: Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.
2.1/ Hãy làm hoà với Thiên Chúa: Hai lý do để con người phải làm hòa với Thiên Chúa: (1) Tất cả đều đã phạm tội; và (2) Đức Kitô đã chết để gánh tội cho con người: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.”
2.2/ Đây là thời gian thuận tiện: Con người lệ thuộc vào thời gian, phần hồn cũng như phần xác. Con người phải lệ thuộc thời gian về phần xác, khi con người phải chờ thời để gieo cũng như gặt. Con người phải lệ thuộc thời gian về phần hồn như giữ ngày Sabbath, Lễ Tuần, Năm Thánh, hay Năm Đại Thánh.
Mỗi năm khi Mùa Chay tới, Mẹ Giáo Hội nài nỉ và khuyến khích các tín hữu hãy ăn năn xám hối và quay về với Thiên Chúa như Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu của Ngài: “Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu.” Mùa Chay là mùa hồng phúc, mùa Thiên Chúa giáng phúc thi ân, mùa con người có cơ hội nhìn lại và định vị cuộc đời để biết mình đang ở đâu trong hành trình về nhà Cha trên trời. Nếu đã đi trật đường, Mùa Chay cung cấp cho con người bẻ lái cho đúng hay kịp thời quay đầu trở lại.
3/ Phúc Âm: Ba cột trụ của Mùa Chay
(1) Làm việc lành phúc đức: Vì chiều kích cộng đòan của tội, con người cũng phải đền bù tội bằng việc làm những việc lành phúc đức: giúp đỡ người nghèo khó, thăm viếng bệnh nhân và tù nhân, khuyên bảo tội nhân quay về với Chúa…
Khi làm những việc lành phúc đức này, Chúa Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.”
(2) Cầu nguyện: không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của các Kitô hữu. Tuy nhiên, họ phải gia tăng việc cầu nguyện trong Mùa Chay vì là Mùa kỷ niệm Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, Đấng đã hy sinh đổ máu để chuộc tội cho con người. Hơn nữa, Mùa Chay cũng là mùa giúp con người nhìn lại cuộc đời, con người cần nhiều thời gian để xét mình và ăn năn xám hối xin Chúa tha thứ các tội đã xúc phạm đến Ngài.
Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy: "Anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
(3) Ăn chay: không phải là chỉ đơn giản bớt ăn uống, nhưng còn phải để ý đến ý hướng của việc ăn chay. Trước tiên, ăn chay là để cho mọi người đều có của ăn, chứ không phải ăn chay để tiết kiệm tiền; vì thế, những gì chúng ta không ăn, phải được phân phát cho những người đang cần của ăn. Ngòai ra, chúng ta cũng cần ăn chay con mắt để đừng nhìn những sự chẳng nên nhìn; ăn chay trí óc để đừng có những ao ước bất chính hại người; ăn chay miệng lưỡi để đừng đưa điều đặt chuyện làm thiệt hại danh giá của tha nhân.
Khi ăn chay, Chúa Giêsu dạy: "Anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mùa Chay nhắc nhở chúng ta tình thương Thiên Chúa qua việc trao ban Người Con Một để gánh tội cho chúng ta. Hãy biết sống xứng đáng với tình thương này.
- Việc cần thiết nhất mỗi người phải làm trong Mùa Chay là hòa giải với Thiên Chúa qua Bí-tích Giao Hòa để lãnh nhận ơn tha thứ.
- Chúng ta phải làm cho đời sống thiêng liêng trở nên vững mạnh qua việc làm cho 3 cột trụ của Mùa Chay trở nên vững chắc: ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức.
LM. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

14/02/2018
THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18

PHẦN THƯỞNG ĐỜI ĐỜI

“Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,6)

Suy niệm: “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp,” cha ông chúng ta vốn coi trọng danh thơm tiếng tốt, luôn cẩn trọng gìn giữ phẩm giá của mình ở giữa cộng đồng. Tuy nhiên, tinh thần đó dễ bị biến chất thành thói xấu khiến cho không biết bao nhiêu người “đổ mồ hôi sôi nước mắt” chỉ để tìm kiếm một thứ hư danh mau phai chóng tàn. Ngược lại với não trạng đó, ngay từ ngày khởi đầu Mùa Chay, Tin Mừng nhắc lại lời Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đệ đừng phô trương công đức bề ngoài, đừng chạy theo kiểu giả hình, cũng đừng đặt nặng khen chê, nhưng hãy làm mọi việc một cách kín đáo, tế nhị. Bố thí, cầu nguyện, và ăn chay mà không cần khua chiêng đánh trống cốt cho mọi người biết. Người ta biết hay không, không quan trọng, “hữu xạ tự nhiên hương” mà! Điều quan trọng duy nhất là chỉ để Chúa biết và Chúa khen thưởng mà thôi.

Mời Bạn: Mùa Chay là thời gian thuận lợi để đi vào trong mối tương quan sâu thẳm với Chúa, với tha nhân, và với chính mình, sâu lắng như một nhà hiền triết sánh ví: “Sự thinh lặng trong tâm hồn chúng ta như một mặt hồ phẳng lặng không gợn sóng,” hay như một nhạc sĩ thường ví von: “Sự lặng thinh cần thiết cho cuộc sống như một dấu lặng làm nên vẻ đẹp của bản anh hùng ca.” Bạn có cảm nhận được khoảng lặng cần thiết đó trong cuộc đời mình không? Bạn có tin rằng thinh lặng là khởi đầu để từ bỏ “miếng giữa làng” và đi sâu vào tâm tình Mùa Chay đó không?

Sống Lời Chúa: Giúp đỡ một người túng thiếu và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Hát “Xin cho con biết lắng nghe.”
(5 phút Lời Chúa)

Cha hin din nơi kín n (14.2.2018 – Th tư L Tro)
Chúng ta đã bt đu cuc hành trình 40 ngày Mùa Chay. Không phi ch là ăn chay, mà là sng chay. Chay tnh phi là mt thái đ thm vào cuc sng.


Suy nim:
Cứ đến Thứ Tư Lễ Tro là chúng ta lại được nghe bài Tin Mừng này.
Đức Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái:
cầu nguyện, bố thí, ăn chay.
Chẳng phải cứ đợi đến Mùa Chay chúng ta mới làm ba việc đó.
Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận lợi để ta tập trung chú ý hơn.
Tập trung vào cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa,
từ bỏ những gì làm tôi xa Chúa và dứt bỏ mọi tội lỗi quen phạm.
Tập trung vào bố thí là chia sẻ của cải cho những người nghèo hơn,
tự nguyện bỏ bớt một phần tiện nghi để giúp những ai đói khổ.
Tập trung vào chay tịnh là làm cho thân xác, tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng,
thoát khỏi những kéo xuống nặng nề, những cám dỗ sống hưởng thụ, ích kỷ.
Cả ba việc này có tương quan chặt chẽ với nhau.
Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại hơn.
Ăn chay giúp chúng ta hàn gắn lại tình bạn với Chúa,
và lớn lên trong sự thân mật đối với Ngài.
Ăn chay giúp ta tránh tội và tránh mọi thứ dẫn đến tội.
Ăn chay là thoát ra khỏi sự thèm muốn tự nhiên về cơm bánh vật chất,
để nếm cảm sự cần thiết của tấm bánh tinh thần.
Nhờ ăn chay con người thấy mình được tự do hơn để sống theo ý Chúa.
Khi chịu đói nơi thân xác, chúng ta sẽ thấy tim mình đói khát Thiên Chúa
và mong Ngài đến với ta để làm ta mãn nguyện.
Nhưng ăn chay cũng giúp ta mở mắt trước tình cảnh thiếu thốn của tha nhân.
Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa,
nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân.
Ăn chay giúp ta chế ngự được tính ích kỷ làm ta co lại,
nhờ đó ta có thể mở lòng ra trước nhu cầu của anh chị em mình
và chia sẻ cho họ điều mình đã tiết kiệm được từ ăn chay.
Ngay cả một người có hai áo cũng có thể chia sẻ được cho người trần trụi.
Người chỉ còn vài lon gạo cũng có thể chia cho người đang đói.
Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay.
Không phải chỉ là ăn chay, mà là sống chay.
Chay tịnh phải là một thái độ thấm vào cuộc sống.
Khi bớt nuông chiều những đòi hỏi ngày càng nhiều của thân xác,
chúng ta sẽ thắng được những cám dỗ của thèm muốn vô độ.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG HAI
Quí Trọng Các Bậc Lão Thành
Tuổi già là một giai đoạn sống đầy nỗ lực và yêu thương, vì thế, chúng ta phải nhiệt tình ủng hộ tất cả những phong trào ủy lạo người cao tuổi – để giúp giải phóng cho người già khỏi cảnh sống lầm lũi, chán chường, cô đơn. Chúng ta phải giúp người già phát huy vai trò của họ là nguồn khôn ngoan cho các thế hệ hậu sinh, là chứng tá của hy vọng, và là những tấm gương của lòng bác ái.
Môi trường đầu tiên mời gọi ta giúp đỡ người già chính là tại gia đình. Sự khôn ngoan và kinh nghiệm của các bậc lão thành là một kho tàng cho các đôi vợ chồng trẻ. Đứng trước những thử thách ban đầu trong cuộc sống hôn nhân của mình, các đôi vợ chồng trẻ có thể tìm thấy nơi ông bà cha mẹ mình những người bạn tâm tình để mình chia sẻ và tìm kiếm sự chỉ dạy. Trong những gia đình mà cha mẹ thường vắng mặt – điều khá phổ biến trong thời đại hôm nay – các cháu sẽ tìm thấy nơi ông bà mình sự bù đắp là chính mẫu gương sống và sự săn sóc ân cần mà ông bà dành cho mình.
Trong xã hội, chúng ta luôn luôn tín nhiệm sự khôn ngoan của những người từng trải – bởi các vị ấy có một bề dày kinh nghiệm mà chúng ta không có được. Vâng, chúng ta cần những người cao tuổi giúp đỡ mình bằng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của các ngài. Với sự giúp đỡ của các ngài, chúng ta có thể xây dựng một xã hội khôn ngoan hơn và quân bình hơn.



Hạnh Các Thánh
14 Tháng Hai
  Thánh Valentine
    (c. 269)


    Người ta nghĩ rằng Thánh Valentine đã từng là linh mục ở Rôma cũng như là một y sĩ. Vì không chịu từ bỏ đức tin, ngài được tử đạo vào ngày 14 tháng Hai. Chúng ta không biết gì nhiều về ngài, nhưng ngay vào khoảng năm 350, một nhà thờ đã được xây cất nơi ngài tử đạo.

    Truyền thuyết nói rằng ngài là một linh mục thánh thiện đã cùng với Thánh Marius giúp đỡ các vị tử đạo trong thời Claudius II. Ngài bị bắt, và bị gửi cho tổng trấn Rôma xét xử. Sau khi dụ dỗ mọi cách nhưng đều vô hiệu, quan tổng trấn đã ra lệnh cho lính dùng gậy đánh đập ngài, sau đó đưa đi chém đầu vào ngày 14 tháng Hai, khoảng năm 269. Người ta nói rằng Ðức Giáo Hoàng Julius I đã cho xây một nhà thờ gần Ponte Mole để kính nhớ ngài.

    Nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc việc cử hành ngày Valentine. Một số cho rằng người Rôma có một tập tục vào giữa tháng Hai, trong ngày ấy các con trai tô điểm tên các cô con gái để tỏ lòng tôn kính nữ thần dâm dục là Februata Juno.
Các tu sĩ thời ấy muốn dẹp bỏ tập tục này nên đã thay thế bằng tên các thánh tỉ như Thánh Valentine. Một số khác cho rằng thói quen gửi thiệp Valentine vào ngày 14 tháng Hai là vì người tin tin rằng các con chim bắt đầu sống thành cặp vào ngày này, là ngày Thánh Valentine bị chém đầu. Dường như chắc chắn hơn cả là vào năm 1477, người Anh thường liên kết các đôi uyên ương với ngày lễ Thánh Valentine, vì vào ngày này, 14 tháng Hai, "mọi chim đực đi tìm chim mái." Tục lệ này trở thành thói quen cho các đôi trai gái viết thư tình cho nhau vào ngày Valentine. Và ngày nay, các cánh thiệp, quà cáp và thư từ trao cho nhau là một phần của việc cử hành Ngày Valentine.
    
    Trích từ NguoiTinHuu.com


14 Tháng Hai

    Hạt Thóc Dâng Tặng Ðức Vua

    Có lẽ chúng ta đã có dịp đọc bài thơ sau đây của đại thi hào Tagore: "Có một người hành khất ngồi bên vệ đường. Hôm đó, Ðức Vua sẽ ngự giá đi qua ngôi làng. Người hành khất cố gắng lê lết đến trước cổng làng, lòng nhủ thầm: "Ðây là dịp may duy nhất đời tôi". Từ đằng xa, khi vừa thấy xa giá xuất hiện, anh đã cố gắng đưa tay lên vẫy chào. Có ngờ đâu, trước sự sửng sốt của mọi người, khi xa giá vừa đến trước cổng làng, Ðức Vua đã cho dừng xe lại và chính ông là người đưa tay ra để xin hành khất bố thí.

    Người hành khất bèn đưa tay vào trong chiếc bị cũ kỹ nhơ bẩn của mình để kéo ra một hạt thóc. Anh trịnh trọng đặt hạt thóc vào trong tay Ðức Vua. Ðức Vua tiếp nhận món quà từ tay người hành khất và biến đi giữa cát bụi mịt mù.

    Chiều đến, khi về tới nhà, người hành khất mới mở chiếc bị của mình ra. Lạ lùng thay, giữa muôn hạt thóc, anh nhận ra một hạt vàng óng ánh. Lúc bấy giờ, người hành khất mới khốc nức nở hối tiếc: "Phải chi ta đã cho Ðức Vua tất cả những gì ta có..."

    Thiên Chúa đối xử với chúng ta cũng giống như vị Vua đối xử với người hành khất. Ngài muốn trao ban cho chúng ta tất cả kho báu trên Thiên Ðàng. Qua người con một của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta chính Sự Sống của Ngài. Qua Sự Sống chúng ta đã lãnh nhận, qua sự hiện diện của những người anh em chúng ta, qua ngay cả những thất bại và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn luôn nhắc đến với từng người chúng ta như một người hành khất.
Chúng ta tưởng chúng ta đang chìa tay van xin trước. Kỳ thực, chính Ngài mới là kẻ không ngừng đưa tay ra để xin chúng ta mở rộng đôi tay và quả tim của chúng ta. Tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là như những con người có tự do, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tôn trọng chúng ta. Ngài muốn trao ban tất cả cho chúng ta vì yêu thương. Nhưng cũng chính vì yêu thương, cho nên Ngài không làm cách nào khác hơn là van lơn, kêu mời chúng ta. Ngài chờ đợi nơi chúng ta một cái gật đầu, một hạt thóc nhỏ rút từ trong chiếc bị khốn cùng của chúng ta. Một nghĩa cử nhỏ mọn làm cho người anh em, một chút tin yêu hy vọng giữa bao nhiêu thử thách khó khăn của cuộc sống, một chút khiêm tốn và sám hối sau những lần vấp ngã: đó là những hạt thóc bé nhỏ mà chúng ta có thể trao tặng cho Chúa để từ đó lãnh nhận trở lại tất cả kho tàng Yêu Thương của Ngài.

    Trích sách Lẽ Sống


Lectio Divina: Thứ Tư Lễ Tro

Thứ Tư 14 Tháng Hai, 2018
Ý nghĩa của việc cầu nguyện, bố thí và ăn chay
Cách để dùng thời giờ của Mùa Chay cho xứng đáng
 Mt 6:1-6, 16-18   


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng có thể cảm nghiệm được sức mạnh phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài Phúc Âm:
Bài Phúc Âm của Thứ Tư Lễ Tro được trích ra từ Bài Giảng Trên Núi và giúp cho chúng ta hiểu được sự thực hành ba việc của lòng thương xót: cầu nguyện, bố thí và ăn chay, và cách để dùng thời gian Mùa Chay cho xứng đáng. Cách thức thực hành ba công việc này đã thay đổi qua nhiều thế kỷ, theo văn hóa và phong tục của dân chúng và sức khỏe của họ. Những người già cả ngày nay vẫn còn nhớ khi xưa đã có luật ăn chay bắt buộc và nghiêm ngặt của bốn mươi ngày trong suốt Mùa Chay. Mặc dù có những thay đổi trong cách thực hiện những việc phúc đức, vẫn còn có những điều buộc cho loài người và các Kitô hữu: (i) chia sẻ của cải với người nghèo khó (bố thí); (ii) sống trong sự liên hệ với Đấng Tạo Hóa (cầu nguyện); và (iii) có thể kiềm chế được những thúc giục và lòng ham muốn của chúng ta (ăn chay). Lời của Chúa Giêsu mà chúng ta suy gẫm có thể cho chúng ta óc sáng tạo cần thiết để tìm thấy những cách thức mới trong việc sống với ba điều thực hành rất quan trọng này trong đời sống người Kitô hữu.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 6:1: Một chìa khóa chung cho sự hiểu biết về điều giảng dạy sau đây
Mt 6:2: Cách không nên khi bố thí
Mt 6:3-4: Cách bố thí
Mt 6:5: Cách không nên khi cầu nguyện
Mt 6:6: Cách cầu nguyện
Mt 6:16: Cách không nên khi ăn chay
Mt 6:17-18: Cách ăn chay

c) Phúc Âm:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.”

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Điều nào trong bài Tin Mừng này đánh động bạn nhất hoặc bạn hài lòng nhất?
b) Lời cảnh báo đầu tiên của Đức Giêsu mang ý nghĩa gì?
c) Chúa Giêsu chỉ trích điều gì và giảng dạy về việc bố thí như thế nào? Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.
d) Chúa Giêsu chỉ trích điều gì và giảng dạy về cầu nguyện như thế nào? Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.
e) Chúa Giêsu chỉ trích điều gì và giảng dạy về ăn chay như thế nào? Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

a)  Bối cảnh bài Phúc Âm:
Chúa Giêsu nói về ba điều: bố thí (Mt 6:1-6), cầu nguyện (Mt 6:5-15) và ăn chay (Mt 6:16-18). Đây là ba việc làm về lòng thương xót của người Do Thái. Chúa Giêsu chỉ trích rằng trong thực tế họ thực hành những công việc này là chỉ được để phô trương với những người khác (Mt 6:1). Chúa không cho phép việc thực hành công lý và lòng thương xót được dùng như một phương tiện để tiến thân trong vòng cộng đoàn (Mt 6:2, 5, 16). Trong những Lời của Chúa Giêsu, một phong cách liên hệ mới với Thiên Chúa đã được mặc khải cho chúng ta. Người nói: “Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con” (Mt 6:4), “Cha con biết rõ con cần gì trước khi con cầu xin (M 6:8), “nếu con tha lỗi cho người khác thì Cha con trên trời cũng sẽ tha thứ cho con” (Mt 6:14). Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta một phương pháp mới để tiến tới trái tim của Thiên Chúa. Một sự suy gẫm về lời của Người liên quan đến việc làm phúc đức có thể giúp chúng ta khám phá ra cách thức mới này.
b) Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:
Mt 6:1: Một chìa khóa chung cho sự hiểu biết về điều giảng dạy theo sau
Chúa Giêsu nói: Hãy cẩn thận, đừng phô trương sự công chính của các con nơi công cộng để tạo sự chú ý; nếu không, các con sẽ mất tất cả phần thưởng từ Cha các con trên trời. Sự công bằng được đề cập bởi Chúa Giêsu là điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta có. Phương cách được tìm thấy trong Lề Luật của Chúa. Chúa Giêsu cảnh báo rằng chỉ tuân giữ lề luật thôi để được người ta tán dương thì chưa đủ. Trước đó Người đã nói: “Vì Ta bảo các con, nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu” (Mt 5:26). Khi đọc những lời này, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến những người Biệt Phái thời Chúa Giêsu, nhưng trước hết là nghĩ về những người Biệt Phái đang ngủ yên trong mỗi người chúng ta. Nếu thánh Giuse, bạn đời của Đức Maria, thực thi theo luật của những người Biệt Phái, ông đã có thể từ bỏ Đức Maria. Nhưng ông là “người công chính” (Mt 1:19), và đã có được sự công chính mới được công bố bởi Đức Giêsu. Đó là lý do tại sao ông đã không làm theo lề luật cổ xưa và đã cứu sống Đức Maria và Thai Nhi Giêsu. Nền công lý mới được công bố bởi Chúa Giêsu dựa trên một nền tảng khác, phát sinh từ một nguồn gốc khác. Chúng ta phải xây dựng sự bình an của chúng ta từ bên trong nội tâm, không phải trong những gì chúng ta làm cho Chúa, mà là trong những gì Chúa làm cho chúng ta. Đây là chìa khóa chung cho sự hiểu biết về giáo huấn của Chúa Giêsu về việc làm phúc đức. Trong những câu kế tiếp, thánh Mátthêu áp dụng nguyên tắc chung này trong việc thực hành đức bác ái, cầu nguyện và ăn chay. Theo phong cách sư phạm, đầu tiên ông nói về những gì không nên làm và ngay sau đó dạy về những gì nên làm.

Mt 6:2: Cách không nên khi bố thí
Cách sai lầm khi bố thí, bấy giờ và bây giờ, là làm phô trương ở nơi công cộng để được người khác biết đến và hoan nghênh. Chúng ta thường thấy trên các băng ghế trong nhà thờ có những hàng chữ: “Quà tặng từ gia đình nọ gia đình kia”. Trên truyền hình, các chính trị gia thích xuất hiện như là một mạnh thường quân thương người vào các dịp lễ khánh thành các công việc xã hội của cộng đoàn. Chúa Giêsu nói: Những người làm như vậy họ đã được thưởng công rồi.

Mt 6:3-4: Cách bố thí
Cách đúng khi làm việc bố thí là: “Các con làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm!” Nói cách khác, chúng ta phải bố thí theo cách mà thậm chí ngay chính bản thân chúng ta cảm thấy rằng việc thiện tôi đang làm không xứng đáng được Chúa thưởng công và lời khen ngợi từ người ta. Bố thí là một nghĩa vụ. Đó là việc chia sẻ những gì tôi có với những người không có gì. Trong một gia đình, tất cả đều là của chung. Chúa Giêsu khen ngợi việc làm của bà góa nghèo, bà đã cho đi tất cả những gì bà có để nuôi sống mình (Mc 12:44).

Mt 6:5: Cách không nên khi cầu nguyện
Nói về cách cầu nguyện sai, Chúa Giêsu đề cập đến một số phong tục và tập quán lạ trong thời của Người. Khi tiếng kèn loa thổi vang vào giờ cầu nguyện buổi sáng, buổi trưa và chiều tối, có những người tìm cách để ra được giữa đường cầu nguyện một cách long trọng với hai tay dang rộng ra để cho mọi người trông thấy và do đó được coi là người sùng đạo. Những người khác thì đã phô trương một cách quá mức trong hội đường để tạo sự chú ý của cộng đoàn.

Mt 6:6: Cách cầu nguyện
Vì vậy, để không có nghi ngờ, Chúa Giêsu hết sức nhấn mạnh đến cách thức cầu nguyện. Người nói rằng chúng ta phải cầu nguyện nơi chỗ riêng tư, chỉ hiện diện trước mặt Chúa Cha. Không một ai sẽ nhìn thấy bạn. Có thể trước mặt những người khác, thậm chí có thể bạn có vẻ như là một người không hề cầu nguyện. Điều này không thành vấn đề! Ngay cả với Chúa Giêsu, người ta đã bàn tán: “Ông ấy không phải là Thiên Chúa!” Đó là bởi vì Chúa Giêsu thường cầu nguyện vào ban đêm và không quan tâm đến những gì người ta đã nghĩ về Người. Điều đáng nói là người cầu nguyện phải có một tâm hồn bình an và biết rằng Thiên Chúa là Cha đã chào đón tôi, không phải vì những gì tôi đã làm cho Chúa hay vì lòng tự mãn mà trong thực tế, điều tôi tìm kiếm là các người khác đánh giá tôi là một người đạo đức và sốt sắng cầu nguyện.

Mt 6:16: Cách không nên khi ăn chay
Chúa Giêsu chỉ trích những cách ăn chay sai trái. Có những người làm ra vẻ thiểu não ủ dột, mặt mũi lem luốc, quần áo tả tơi, tóc tai rối bù, để tất cả mọi người có thể trông thấy họ đang ăn chay một cách hoàn hảo.

Mt 6:17-18: Cách ăn chay
Chúa Giêsu thì đề nghị ngược lại: Khi các con ăn chay, hãy xức dầu thơm lên đầu, rửa mặt, để thiên hạ không biết các con ăn chay, chỉ tỏ ra cho Cha các con là Đấng ngự trên trời.
Như chúng ta đã đề cập trước đó, đó là phương cách mới để tìm đến trái tim của Thiên Chúa đang mở rộng trước mắt của chúng ta. Vì sự bình an trong tâm hồn chúng ta, Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta làm những gì cho Thiên Chúa, nhưng những gì Chúa làm cho chúng ta. Bố thí, cầu nguyện và ăn chay không phải là những phương tiện dùng để mua chuộc ân huệ của Chúa, nhưng chúng là sự đáp trả của chúng ta về lòng biết ơn đối với tình yêu đã được nhận lãnh và cảm nghiệm.

c)  Phần phụ chú:

i) Bối cảnh rộng lớn hơn Tin Mừng của thánh Mátthêu
Phúc Âm của Mátthêu được viết cho cộng đoàn Do Thái cải đạo là những người đang sống trong một cuộc khủng hoảng sâu xa về lai lịch trong quan hệ với quá khứ của họ. Sau khi họ cải đạo thành những Kitô hữu, họ đã tiếp tục sống theo những truyền thống cũ và thường xuyên đi đến các hội đường cùng với thân nhân và bạn bè của họ, y như trước đây. Nhưng họ phải chịu đựng những áp lực mạnh mẽ từ những người bạn Do Thái của họ là những kẻ đã không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Sự căng thẳng này ngày càng mãnh liệt vào năm 70 sau Công Nguyên. Vào năm 66, khi cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại đế quốc La-Mã bùng nổ, hai nhóm người từ chối tham gia, những người Biệt Phái và người Kitô hữu gốc Do Thái. Cả hai nhóm đều cho rằng chống lại đế quốc La-Mã không có gì liên quan đến sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, như một số người đã nghĩ. Sau khi thành thánh Giêrusalem bị tàn phá bởi người La-Mã vào năm 70, tất cả các nhóm người Do Thái khác biến mất. Chỉ còn lại nhóm người Biệt Phái và Kitô hữu Do Thái. Cả hai nhóm đều tuyên bố họ là những người thừa kế lời hứa của các tiên tri, và vì thế, sự căng thẳng tăng thêm giữa những người anh em, chỉ vì vấn đề thừa kế. Nhóm Biệt Phái tái tổ chức những người còn lại và có một thái độ mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với các Kitô hữu và cuối cùng họ là những kẻ đã bị phạt tuyệt thông khỏi các hội đường Do Thái. Sự tuyệt thông này đã nhen nhúm lại toàn bộ vấn đề về lai lịch. Bấy giờ, những người Kitô hữu đã hoàn toàn chính thức bị tách lìa khỏi dân tộc và lời hứa. Họ không còn có thể đến thăm viếng các hội đường và các thày cả Do Thái của họ nữa. Và họ tự hỏi: Ai thực sự chính là dân riêng của Chúa? Họ hay chúng tôi? Chúa đang đứng về phe nào đây? Chúa Giêsu có thật là Đấng Cứu Thế không?
Vì thế, Mátthêu viết sách Tin Mừng của ông với mục đích: (1) cho nhóm người Kitô hữu này, như là một Tin Mừng của sự ủi an cho những người đã bị vạ tuyệt thông và đàn áp bởi người Do Thái; giúp họ vượt qua những vết thương lòng vì chia lìa; (2) như là một Tin Mừng của sự mặc khải, cho thấy rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đích thực, là ông Môisen mới, Đấng làm viên mãn những lời hứa; (3) như là một Tin Mừng của việc thực hành mới, chỉ cho thấy họ phải đạt được sự công chính đích thực, cao cả hơn sự công chính của người Biệt Phái.
ii) Chìa khóa về Bài Giảng Trên Núi
Bài Giảng Trên Núi là bài đầu tiên trong số năm bài giảng trong sách Tin Mừng theo Mátthêu. Nó mô tả các điều kiện để cho một người được phép vào Nước Chúa: cách vào, cách đọc mới về lề luật, cách nhìn mới và sự thực hành về việc làm phúc đức; cách sống mới trong cộng đoàn. Nói tóm lại, trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu thông tri lối nhìn mới về những công việc của cuộc sống và Nước Trời. Sau đây là phần phân đoạn để dùng như chìa khóa cho bài đọc:
Mt 5:1-16: Lối vào
Mt 5: 1-11: Tám Mối Phúc Thật giúp chúng ta thấy Nước Trời đã hiện hữu ở đâu (thánh Mátthêu sống giữa những người nghèo khổ và bị bách hại) và sắp hiện hữu ở đâu (thánh Mátthêu sống ở giữa sáu nhóm người kia).
Mt 5: 12-16: Chúa Giêsu nói những lời an ủi đến các môn đệ và báo trước: bất cứ ai sống theo Tám Mối Phúc Thật sẽ bị bách hại (Mt: 5:11-12), nhưng cuộc sống của người ấy sẽ có ý nghĩa bởi vì họ sẽ là muối cho đời (Mt 5:13) và ánh sáng cho thế gian (Mt 5:14-16).
Mt 5:17 đến 6:18: Mối quan hệ mới với Thiên Chúa: Nền Công Chính mới
Mt 5:17-48: Sự công chính mới phải cao cả hơn sự công chính của người Biệt Phái
Chúa Giêsu căn bản hóa lề luật, có nghĩa là, Người mang nó trở lại cội rễ của nó, với mục đích chính và tối hậu là phục vụ đời sống, công lý, tình yêu, và chân lý. Những giới răn của lề luật chỉ ra một cách sống mới, mà người Biệt Phái đã né tránh (Mt 5:17-20).
Chúa Giêsu lập tức trình bày những ví dụ khác nhau về cách phải hiểu những giới răn của Lề Luật Thiên Chúa đã được ban cho ông Môisen như thế nào: Các con đã nghe người xưa dạy rằng, còn Ta, Ta bảo các con (Mt 5:21-48)
Mt 6:1-18: Nền công chính mới không phải là để tìm kiếm sự ban thưởng hay trả công (Đây là phần Tin Mừng của Thứ Tư Lễ Tro tuần này).
Mt 6:19-34: Mối quan hệ mới với của cải thế gian: một cái nhìn mới về sự sáng tạo
Chúa Giêsu đến để nắm bắt những nhu cầu chính của đời sống: thức ăn, áo mặc, nhà cửa, và sức khỏe. Đây là một phần của cuộc sống mà là nguyên nhân gây lo lắng nhất cho người ta. Chúa Giêsu dạy về mối tương quan với của cải vật chất và sự giàu có ở thế gian: đừng tích trữ kho tàng ở dưới đất (Mt 6:19-21), đừng nhìn thế gian với đôi mắt u buồn (Mt 6:22-23), đừng vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền của cùng một lúc (Mt 6:24), đừng lo lắng về thức ăn và đồ uống (Mt 6:23-24).
Mt 7:1-29: Mối quan hệ mới với mọi người: một đời sống mới trong cộng đoàn
Đừng tìm kiếm cái rác trong mắt của người anh em (Mt 7:1-5); chớ liệng ngọc trai cho heo (Mt 7:6); đừng ngần ngại cầu xin Thiên Chúa điều gì (Mt 7:7-11); tuân giữ khuôn vàng thước ngọc (Mt 7:12); hãy tìm con đường hẹp và khó khăn (Mt 7:13-14); hãy coi chừng các tiên tri giả (Mt 7:15-20); đừng chỉ nói suông mà hãy làm (Mt 7:21-23); cộng đoàn được xây dựng trên những nguyên tắc này sẽ đứng vững dù cho gió bão có lùa vào (Mt 7:24-27). Kết quả của những lời này là một nhận thức mới về chân dung của các vị kinh sư và luật sĩ (Mt 7:28-29).  

6.  Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh: Thánh Vịnh 40 (39):
Công bố sự công chính tuyệt vời của Thiên Chúa
Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp,
đặt chân tôi đứng trên tảng đá,
làm cho tôi bước đi vững vàng.
Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ
và tin tưởng vào CHÚA.
Phúc thay người đặt tin tưởng nơi CHÚA,
chẳng vào hùa với bọn kiêu căng
và những kẻ theo đường gian ác.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
Dầu con muốn loan đi kể lại,
nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!
Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: “Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.”
Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;
lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.
Đức công chính của Ngài,
con chẳng giữ riêng lòng mình biết;
nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài,
chẳng giấu diếm chi cùng đại hội
rằng Ngài thành tín và yêu thương.
Phần Ngài, muôn lạy CHÚA,
xin chớ ngừng âu yếm cảm thương con.
Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi.
Tai họa bủa vây con hằng hà sa số,
tội ác con đổ xuống trên mình, làm tối tăm mặt mũi,
thật nhiều hơn cả tóc trên đầu, khiến rụng rời tâm trí.
Lạy CHÚA, xin thương tình cứu con,
Muôn lạy CHÚA, xin mau phù trợ!
Ước gì những kẻ tìm cướp mạng sống con,
đều phải nhơ nhuốc thẹn thùng!
Ước gì bọn đắc chí vì con mắc họa
phải tháo lui nhục nhã!
Những đứa cười ha hả nhạo con
phải thẹn thùng chết điếng!
Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa,
đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài!
Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ
luôn nói rằng: “ĐỨC CHÚA vĩ đại thay! ”
Thân phận con khốn khổ nghèo hèn,
nhưng Chúa hằng nghĩ tới.
Ngài là Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con,
lạy Thiên Chúa con thờ, xin đừng trì hoãn!
7. Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi những Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét