Hơn 100 ngàn tín hữu Lituani tham
dự Thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại Kaunas
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đặc biệt quảng diễn ý nghĩa
bài Tin Mừng theo thánh Marco (9,30-37) trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ: ”Ai
muốn trở thành người làm đầu, thì phải phục vụ mọi người” và ngài mời gọi các
tín hữu hãy trở thành người rốt cùng và phục vụ tất cả mọi người.
Giuse Trần Đức Anh - Vatican
Sáng Chúa nhật 23-09, ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Lituani,
ĐTC Phanxicô đã dâng Thánh lễ trước sự hiện diện của khoảng 100 ngàn tín hữu đến
từ các miền của Lituani.
Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ sáng,
ngoài các GM thuộc 7 giáo phận ở Lituani, còn có nhiều GM từ các nước lân cận,
như Ba Lan, Bạch Nga và Nga, đặc biệt là Đức TGM trưởng Sviatoslav Shevchuk, thủ
lãnh của 4 triệu 500 ngàn tín hữu Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương. Hơn
500 linh mục đồng tế trong phẩm phục màu xanh lá cây ngồi ở khu vực trước lễ
đài đơn sơ. Bà tổng thống Dalia Grybaauskaite và một số quan chức trong chính
phủ cũng hiện diện tại buổi lễ. Phần thánh ca do một ca đoàn hùng hậu gần 600
ca viên trong đồng phục màu trắng đảm trách.
Bài giảng
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã đặc biệt quảng diễn ý nghĩa
bài Tin Mừng theo thánh Marco (9,30-37) trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ: ”Ai
muốn trở thành người làm đầu, thì phải phục vụ mọi người”. ĐTC mời gọi các tín
hữu hãy trở thành người rốt cùng và phục vụ tất cả mọi người. Ngài nhận xét rằng
trong Tin Mừng theo thánh Marco, 3 lần Chúa Giêsu báo trước cuộc khổ nạn của
Ngài nhưng các môn đệ không muốn Chúa nói với họ về những đau khổ và thập giá.
Họ không muốn biết gì về những thử thách và lo âu. Và thánh Marco ghi lại sự kiện:
trên đường trở về nhà, các môn đệ đã tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất.
Tranh dành quyền lực không phải là thái độ phục vụ
Từ những sự kiện trên đây, ám chỉ tới lịch sử đau thương của
Lituani và thực trạng ngày nay, ĐTC nói:
”Anh chị em thân mến, ước muốn quyền lực và vinh danh là
cách hành xử thông thường nhất của những người không chữa lành được ký ức của họ
về lịch sử, có lẽ vì thế, họ cũng chẳng chấp nhận dấn thân trong công việc hiện
tại. Vì thế, họ tranh luận với nhau xem ai là người xuất sắc nhất, ai là người
thanh sạch nhất trong quá khứ, ai là người có quyền được hưởng nhiều đặc ân hơn
so với người khác. Và thế là chúng ta phủ nhận lịch sử của chúng ta, sở dĩ lịch
sử này vinh quang, ví đó là lịch sử của những hy sinh, hy vọng, chiến đấu hằng
ngày, lịch sử một cuộc sống tiêu hao trong phục vụ, kiên trì trong những công
việc vất vả (Evangelii gaudium, 96). Thái độ tranh biện về quyền lực và vinh
quang như vậy là thái độ vô ích, khiến cho ta từ khước không can dự vào việc
xây dựng hiện tại, không còn tiếp xúc với thực tại đau khổ của dân tộc trung
thành của chúng ta."
Đặt những người bé nhỏ, bất hạnh, thất nghiệp, người già,
vv. ở trung tâm sự phục vụ của Giáo hội
Chúa Giêsu biết rõ tư tưởng của các môn đệ, nên Ngài đề nghị
một thuốc giải cho cuộc tranh giành quyền lực và sự từ khước hy sinh của họ; và
- để mang lại tính chất long trọng cho điều Ngài sắp nói, Chúa ngồi xuống như một
tôn sư, và ngài đặt một trẻ em ở giữa các môn đệ để mọi người có thể thấy...
ĐTC đặt câu hỏi:
”Chúa sẽ đặt ai ở giữa nơi này trong thánh lễ chúa nhật sáng
nay? Ai sẽ là những người bé nhỏ nhất, nghèo nhất giữa chúng ta, mà chúng ta phải
tiếp đón nhân kỷ niệm 100 năm độc lập của chúng ta? Ai là người không có gì để
đáp trả lại chúng ta, để làm cho những cố gắng và từ bỏ của chúng ta làm cho
chúng ta cảm thấy mãn nguyện? Có lẽ họ là những sắc dân thiểu số trong thành thị
của chúng ta, hoặc những người thất nghiệp buộc lòng phải xuất cư? Có lẽ đó là
những già cô đơn, hoặc những người trẻ không tìm thấy một ý nghĩa cho cuộc đời
vì họ đã bị mất gốc?
Giáo hội xả thân, "đi ra ngoài", chờ đợi và đón
nhận mọi người
ĐTC dùng hình ảnh hai con sông ở Lituani để đề cao sự quên
mình: tại thành Vilnius, sông Vilnia cung cấp nước cho thành này và bị mất tên
so với sông Neris, còn tại thành Kaunas này, sông Neris bị mất tên khi dồn nước
cho sông Nemunas. Hình ảnh này có nghĩa đó là một Giáo Hội ”đi ra ngoài”, không
sợ ra ngoài và xả thân, kể cả khi có vẻ là chúng ta bị tan loãng, bị mất hút
sau những người bé nhỏ, những người bị lãng quên, những người sống ở những khu
ngoài lề của cuộc sống. Nhưng điều ấy cũng có nghĩa là biết rằng sự đi ra ngoài
như thế bao hàm một sự dừng lại trong một số trường hợp, bỏ qua một bên những
lo lắng và những điều cấp thiết, biết nhìn tận mắt, lắng nghe và đồng hành với
những người ở bên vệ đường. Nhiều khi cần cư xử như người cha của đứa con hoang
đàng, đứng ở cửa ngóng chờ người con trở về, để mở cửa ngay cho con khi nó về tới
(ibd.46)
Cuối thánh lễ, ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin với mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét