Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

ĐTGM Charles J. Chaput bày tỏ những quan ngại về Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên


ĐTGM Charles J. Chaput bày tỏ những quan ngại về Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên
Đặng Tự Do
23/Sep/2018

Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput của Philadelphia là thành viên của Hội đồng thường trực Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới.

Ngày 21 tháng 9 vừa qua, ngài vừa công bố những ưu tư về Tài Liệu Làm Việc trong bài viết:

“Thoughts on the Instrumentum Laboris” – Những suy tư về Tài Liệu Làm Việc [của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên].

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: Thoughts on the Instrumentum Laboris.

Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.


Trong mấy tháng qua, tôi đã nhận được hàng loạt thư và điện thư các giáo dân, giáo sĩ, thần học gia và các học giả, trẻ cũng như già, với những suy nghĩ của họ về Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10 tại Rôma về giới trẻ. Gần như tất cả đều ghi nhận tầm quan trọng của chủ đề này. Gần như tất cả đều khen ngợi ý định của Thượng Hội Đồng. Và gần như tất cả đều nêu lên mối quan tâm về cái này hay cái khác về thời gian của hội nghị và nội dung có thể được bàn đến tại đây. Lời phê bình dưới đây, từ một nhà thần học đáng kính ở Bắc Mỹ, là phân tích của một người mà có thể những người khác không đồng ý. Nhưng nó đáng được cứu xét và thảo luận rộng rãi hơn trong khi các phái đoàn giám mục chuẩn bị tham gia vào chủ đề của Thượng Hội Đồng. Vì vậy, tôi sẽ đưa nó ra đây:

Những khó khăn chính về thần học trong Tài Liệu Làm Việc (IL) của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2018:

I. Chủ nghĩa tự nhiên

Tài Liệu Làm Việc cho thấy một sự tập trung phổ biến vào các yếu tố văn hóa xã hội đến mức loại bỏ các vấn đề tôn giáo và đạo đức sâu sắc hơn. Mặc dù tài liệu thể hiện mong muốn “xem lại” “những thực tại cụ thể” “dưới ánh sáng của đức tin và kinh nghiệm của Giáo Hội (§4)”,đáng tiếc thay Tài Liệu Làm Việc đã không làm được như vậy. Vài thí dụ cụ thể:

•§52. Sau khi thảo luận về quan niệm đương đại đã được phương tiện hóa về cơ thể và tác động của nó trong “hoạt động tình dục sớm, việc có nhiều bạn tình, khiêu dâm kỹ thuật số, việc phô bày thân thể trên mạng và du lịch tình dục”, tài liệu chỉ than vãn về việc làm biến dạng vẻ đẹp và chiều sâu của đời sống tình cảm và tình dục “mà không đề cập gì đến hậu quả của nó là làm biến dạng linh hồn, hậu quả mù lòa tâm linh của nó, và ảnh hưởng của nó ra sao đối với việc tiếp nhận Tin Mừng của một người bị thương tích đến như thế.

•§144. Có nhiều thảo luận về những gì giới trẻ muốn, nhưng lại ít bàn đến việc những mong muốn này của các em phải được biến đổi bằng ân sủng như thế nào cho một cuộc sống phù hợp với thánh ý Chúa dành cho cuộc sống của các em. Sau những trang phân tích các điều kiện vật chất của chúng, Tài Liệu Làm Việc không đưa ra hướng dẫn về cách những mối quan tâm vật chất này có thể được nâng lên và hướng tới cùng đích siêu nhiên của chúng như thế nào. Mặc dù Tài Liệu Làm Việc có đưa ra một số những chỉ trích về các mục tiêu duy vật chất / thực dụng (§147), phần lớn tài liệu liệt kê một cách cẩn thận những trạng huống thực tế về kinh tế xã hội và văn hóa đa dạng của giới trẻ, nhưng lại không đưa ra những suy tư có ý nghĩa về các mối quan tâm tâm linh, hiện sinh hay luân lý. Người đọc có thể dễ dàng đi đến kết luận rằng phần sau là không quan trọng đối với Giáo Hội. Tài Liệu Làm Việc đã đúng khi lưu ý rằng Giáo Hội phải khuyến khích thanh niên “từ bỏ việc tìm kiếm liên tục những xác tín nhỏ nhặt (§145).” Tuy nhiên, không chỗ nào ghi nhận rằng Giáo hội cũng phải mở rộng quan điểm này với niềm xác tín tuyệt vời rằng có một Thiên Chúa, rằng Ngài yêu thương họ, và Ngài muốn điều tốt lành vĩnh cửu cho họ.

• Chủ nghĩa tự nhiên này cũng tỏ tường trong mối bận tâm của tài liệu với những cân nhắc sau: việc toàn cầu hóa (§10); bênh vực vai trò của Giáo Hội trong việc tạo ra “những công dân có trách nhiệm” chứ không phải là các vị thánh (§147) và việc chuẩn bị giới trẻ về vai trò của họ trong xã hội (§135); những mục tiêu thế tục trong giáo dục (§149); thúc đẩy tính bền vững và các mục tiêu thế tục khác (§152-154); thúc đẩy “sự tham gia vào lãnh vực xã hội và chính trị” như một “ơn gọi thực sự” (§156); khuyến khích việc “kết nối/mạng lưới” như một vai trò của Giáo Hội.

• Hy vọng của Tin Mừng bị thiếu sót một cách đáng kể. Ở §166, trong bối cảnh thảo luận về bệnh tật và đau khổ, một người khuyết tật được trích dẫn như sau: “anh chị em không bao giờ chuẩn bị tinh thần đầy đủ để sống với sự khuyết tật: nó khiến anh chị em đặt câu hỏi về cuộc sống của chính mình, và tự hỏi về sự hữu hạn của mình. Đây là những câu hỏi hiện sinh mà Giáo Hội thủ đắc câu trả lời. Tài Liệu Làm Việc chẳng trả lời gì đoạn trích này bằng một cuộc thảo luận về Thập tự giá, sự đau khổ cứu chuộc, sự quan phòng, tội lỗi, hoặc Tình yêu Thiên Chúa. Tương tự, Tài Liệu Làm Việc yếu ớt trước vấn nạn về sự chết trong đoạn §171: trong đó việc tự tử chỉ được mô tả đơn thuần là chuyện “không may” và không có nỗ lực nào được thực hiện để liên hệ nó với những thất bại của một thứ đạo lý duy vật. Điều này cũng được thấy khi bàn một cách hờ hững đến chứng nghiện rượu (§49-50).

II. Một sự hiểu biết không đầy đủ về thẩm quyền tâm linh của Giáo Hội

Tài Liệu Làm Việc làm đảo lộn giữa các vai trò tương ứng của Giáo Hội Huấn Giáo (ecclesia docens) và Giáo Hội Học Hỏi (ecclesia dicens). Toàn bộ tài liệu được đặt trên nền tảng của niềm tin rằng vai trò chính yếu của Huấn quyền Hội Thánh là “lắng nghe”. Rắc rối nhất nằm ở đoạn §140: “Giáo hội sẽ phải lựa chọn đối thoại như là phong cách và phương pháp của mình, nuôi dưỡng nhận thức về sự tồn tại của những mối ràng buộc và kết nối trong một thực tại phức tạp. . . . Không ơn gọi nào, đặc biệt là bên trong Giáo hội, có thể được đặt bên ngoài tính năng động của tinh thần đối thoại này. . . . [nhấn mạnh thêm]”. Nói cách khác, Giáo hội không thủ đắc chân lý nhưng phải chọn vị thế của mình bên cạnh những tiếng nói khác. Những ai giữ vai trò thày dạy và giảng thuyết trong Giáo Hội phải thay thế quyền bính của mình bằng đối thoại. (Về vấn đề này, xem thêm đoạn §67-70).

Hậu quả thần học của sai lầm này là sự đồng nhất giữa chức tư tế nhận được trong phép rửa tội (baptismal priesthood) và chức tư tế bí tích (sacramental priesthood, nhận được khi được thụ phong linh mục). Từ nền tảng của Giáo Hội, do lệnh truyền của Chúa, các thừa tác viên đã được chịu chức của Giáo Hội được trao phó nhiệm vụ thày dạy và giảng thuyết; từ nền tảng của Giáo Hội, những tín hữu qua phép rửa tội đã được giao nhiệm vụ lắng nghe và tuân theo những Lời được rao giảng. Hơn nữa, nhiệm vụ rao giảng được Chúa chúng ta thiết định cùng một trật với chính chức tư tế (Cf. Mt 28: 19-20 [anh em hãy.. làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em]) Phải chăng Giáo hội đã từ bỏ thiên chức rao giảng của mình, nghĩa là, phải chăng các vai trò giáo huấn và lắng nghe của Giáo Hội sẽ bị đảo ngược, bản thân hệ thống phẩm trật sẽ bị đảo ngược, và chức tư tế thừa tác sẽ sụp đổ thành chức tư tế rửa tội. Nói tóm lại, chúng ta sẽ trở thành các tín hữu Luther?

Ngoài vấn đề nghiêm trọng về giáo hội học, cách tiếp cận này cũng đưa đến một vấn đề thuộc về mục vụ. Một điều khá phổ biến là các thanh thiếu niên từ những gia đình dễ dãi thường khao khát được cha mẹ quan tâm đúng mức để thiết lập những giới hạn và đưa ra hướng đi cho mình, cho dù có khi các em nổi loạn chống lại hướng đi này. Tương tự như vậy, Giáo Hội như người mẹ và người thày không thể vì cẩu thả hay hèn nhát mà đánh mất vai trò thiết yếu này trong việc thiết lập những giới hạn và hướng dẫn cho con em mình (x. §178). Về vấn đề này §171, là điều tham chiếu đến vai trò làm mẹ của Giáo Hội, đã không đi xa đúng mức. Giáo hội chỉ đưa ra vai trò lắng nghe và tháp tùng trong khi loại bỏ vai trò giảng dạy.

III. Một thứ nhân chủng thần học nửa vời

Thảo luận về con người trong Tài Liệu Làm Việc không đưa ra bất kỳ tham chiếu nào đến ý chí. Ở nhiều đoạn, con người bị giản lược thành “trí tuệ và ham muốn”, “lý lẽ và cảm tình” (§147). Tuy nhiên, Giáo hội dạy rằng con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, sở hữu một trí tuệ và ý chí, mặc dù chia chung với phần còn lại của vương quốc động vật một cơ thể, với ảnh hưởng của nó. Nhưng chính ý chí là nền tảng hướng thiện. Hệ quả thần học của sự thiếu sót tỏ tường này cực kỳ quan trọng, bởi vì vị thế của đời sống đạo đức hệ tại nơi ý chí chứ không phải nơi những thăng trầm của tác động. Các thí dụ khác có thể thấy trong các đoạn §114 và §118.

IV. Một quan niệm tương đối về ơn gọi

Xuyên suốt tài liệu này, một ấn tượng cảm nhận được là ơn gọi chỉ liên quan đến việc tìm kiếm ý nghĩa và chân lý riêng biệt của một cá nhân. Những thí dụ có thể thấy trong:

§129. Điều gì có nghĩa là “hình thức cá nhân của sự thánh thiện?” Hoặc, “sự thật của riêng ai?” Đó là thuyết tương đối. Mặc dù Giáo Hội chắc chắn đề xuất nỗ lực cá nhân nhằm đạt đến sự thật và sự thánh thiện, Kinh Thánh nói rất rõ rằng Thiên Chúa, là Chân Lý Thứ Nhất, và Duy Nhất; còn ma quỷ là cả một đạo quân.

Đoạn §139 cho thấy ấn tượng rằng Giáo Hội không thể đề xướng một sự thật (chung nhất) cho mọi người và rằng họ phải tự quyết định cho riêng mình. Vai trò của Giáo Hội chỉ bao gồm trong việc tháp tùng. Sự khiêm nhường sai lầm này gây ra nguy cơ làm giảm bớt những đóng góp hợp pháp mà Giáo Hội có thể và bắt buộc phải làm.

Đoạn §157. Tại sao Giáo Hội phải sẵn sàng “hỗ trợ những hướng đi thay đổi lối sống?”

Điều này kết hợp với những lời khuyến khích thanh thiếu niên nhận trách nhiệm về cuộc sống của chính họ (§62) và kiến tạo ý nghĩa cho bản thân (§7, §68-69) đem lại ấn tượng rằng sự thật tuyệt đối không được tìm thấy nơi Thiên Chúa.

V. Một sự hiểu biết nghèo nàn về niềm vui Kitô 

Đời sống tâm linh và đạo đức của Kitô hữu bị giản lược xuống một chiều kích tình cảm, rõ nhất ở đoạn §130 được thấy rõ qua khái niệm đa cảm về “niềm vui” Niềm vui dường như là một trạng thái hoàn toàn thuộc về tình cảm, một cảm xúc hạnh phúc, đôi khi được căn cứ vào thân xác hoặc tình yêu con người (§76), đôi khi trong khi xã giao (§90). Bất chấp sự liên hệ liên tục của nó với “niềm vui”, không nơi nào trong Tài Liệu Làm Việc mô tả nó như là thành quả của đức bác ái thần học. Cũng không phải bác ái được mô tả như một thứ tự thích hợp của tình yêu, đặt Thiên Chúa lên trên hết và sau đó sắp xếp theo thứ tự tất cả những tình yêu khác trong tương quan với Thiên Chúa.

Hậu quả thần học của việc này là Tài Liệu Làm Việc không đề cập gì đến thần học về Thập giá. Niềm vui của Kitô hữu, thực ra, không đối lập với đau khổ, vốn là một thành phần thiết yếu của một cuộc sống vác thánh giá. Tài liệu tạo ra ấn tượng rằng một Kitô hữu đích thực sẽ luôn “hạnh phúc”, theo nghĩa thông tục. Ngoài ra nó cũng mang ngụ ý sai lầm rằng đời sống tâm linh sẽ luôn dẫn đến niềm vui cảm nhận (cảm xúc). Vấn nạn mục vụ phát sinh từ điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong đoạn §137: Có phải vai trò của Giáo hội là làm cho thanh thiếu niên “cảm thấy được Chúa yêu thương” hay để giúp các em biết rằng họ được yêu thương bất kể họ cảm thấy như thế nào?

Bên cạnh những cân nhắc trên, còn có những mối quan tâm về thần học nghiêm trọng khác trong Tài Liệu Làm Việc, gồm có: một sự hiểu biết sai lạc về lương tâm và vai trò của lương tâm trong đời sống đạo đức; một sự tương phản sai lầm được đặt ra giữa chân lý và tự do; sự tương đương lầm lạc giữa đối thoại với thanh thiếu niên đồng tính (LGBT); và đối thoại đại kết; và một cách hành xử thiếu sót trong những vụ tai tiếng lạm dụng tình dục.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét