Trang

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và thái độ thách thức của TGM McCarrick


Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và thái độ thách thức của TGM McCarrick
Đặng Tự Do
03/Sep/2018
ĐHY Theodore McCarrick lúc ở Rôma vào năm 2013.

Cha Raymond J. de Souza, Tổng Biên Tập tờ Convivium của Công Giáo Canada có bài nhận định sau về cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nguyên bản tiếng Anh được đăng trên National Catholic Register của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN vào ngày 31 tháng 8, 2018 có thể đọc tại đây:

Vigano’s Testimony; McCarrick’s Defiance - (Chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Viganò, thái độ thách thức của McCarrick.)

Thái độ thách thức [của McCarrick] cung cấp một lời giải thích hữu lý đáng được điều tra thêm.

Cha Raymond J. de Souza
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 có đặt ra những biện pháp kỷ luật đối với Hồng Y Theodore McCarrick vào năm 2009 hay 2010, như Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò tuyên bố trong “chứng từ” của ngài không?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu các nhà báo đưa ra những phản ứng ban đầu đối với chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Viganò. Ngài tuyên bố sẽ “không nói một lời,” và cho đến nay chưa có quan chức cao cấp nào của Vatican đã lên tiếng bảo vệ ngài trước nội dung của các cáo buộc.

Vì vậy, các nhà báo đang bung ra, và vấn đề then chốt được tranh luận sôi nổi sau khi chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Viganò được công bố là liệu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 có thực sự đặt ra những biện pháp kỷ luật đối với Hồng Y Theodore McCarrick hay không? Nếu có, tại sao không có thông báo nào được đưa ra công khai về quyết định này, và tại sao McCarrick lại tiếp tục nghỉ hưu như khi đang làm việc đến mức được mệnh danh là “giám mục sân bay” hàng đầu thế giới?

Đó là một câu hỏi chính đáng. Việc giám định chứng từ của Tổng Giám Mục Viganò phụ thuộc vào câu trả lời cho câu hỏi đó.

Một câu trả lời đơn giản nhất có thể đưa ra là: trong thực tế, không hề có sự trừng phạt này, và rằng Tổng Giám mục Viganò đã hiểu lầm những gì đã được Bộ Giám Mục truyền đạt cho ngài; và người tiền nhiệm của ngài là Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington, Tổng Giám mục Pietro Sambi, cũng đã hiểu nhầm luôn khi trao đổi lại với Hồng Y McCarrick.

Tuy nhiên, nếu câu trả lời đơn giản đó là đúng, thì thật là một điều kỳ lạ tại sao Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh – cấp trên của các Sứ Thần Tòa Thánh - hay Bộ Giám Mục không đơn giản đưa ra lời giải thích này để làm cho phần lớn vấn đề biến mất đi.

Chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 có thể làm sáng tỏ quan điểm của ngài, như ngài đã từng làm vào đầu năm nay khi vị lãnh đạo truyền thông Vatican, là Đức Ông Dario Viganò, đã cố gắng thao túng vị Giáo Hoàng danh dự trong dịp phát hành một loạt các tập sách nhỏ giới thiệu về thần học của Đức Phanxicô.

Nếu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô chưa bao giờ trừng phạt McCarrick, ngài có thể làm sáng tỏ điều này còn dễ dàng hơn [trong vụ Đức Ông Dario Viganò].

Chúng ta cũng không được quên là nhân vật chính trong tất cả câu chuyện này là Đức Tổng Giám Mục McCarrick, dù đang sống tách biệt nhưng vẫn chưa chết. Trừ khi ngài có cái thú nghịch ngợm muốn ngồi rung đùi cười khoái trá trên sự đau khổ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài có thể đơn giản là làm rõ sự thật về các biện pháp trừng phạt. Có ai tin ngài không lại là một chuyện khác, nhưng ít ra đó là điều ngài có thể làm được.

Vì vậy, sự im lặng của những người có thể dễ dàng bác bỏ các tuyên bố của Tổng Giám mục Viganò đang khiến cho các nhà báo nghĩ rằng thực sự một số biện pháp trừng phạt đã được đưa ra, nhưng một cách không chính thức, không công khai và không được thi hành triệt để. Điều đó có hợp lý không?

Nói tắt một lời là: có, và là một khả năng đáng được điều tra.

Cần phải nhớ rằng những gì “mọi người” dường như “biết” về sự suy đồi của Tổng giám mục McCarrick trong nhiều năm không phải là yếu tố có thể biện minh cho một hình phạt. Hình phạt phải là kết quả của một tiến trình theo giáo luật. Trong trường hợp của ngài McCarrick, có rất nhiều tin đồn, nhưng không có cáo buộc cụ thể và các nạn nhân cụ thể. Chỉ đến năm 2018 mới có một cáo buộc “đáng tin cậy và được chứng minh”. Các dàn xếp ngoài tòa được thực hiện vào những năm 2005 và 2007 dựa trên cơ sở bảo mật, có nghĩa là các nạn nhân sau khi đã nhận tiền bồi thường phải giữ im lặng, và do đó, không sẵn lòng xuất hiện trước một phiên tòa giáo luật.

Thành ra, khi tai tiếng lạm dụng của McCarrick đến tai Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, biện pháp mà Đức Hồng Y Ratzinger/ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã làm trong trường hợp của Cha Marcial Maciel, người sáng lập phong trào Đạo Binh Chúa Kitô – là gửi một đặc phái viên đi phỏng vấn các nạn nhân rõ ràng danh tánh để chuẩn bị cho một phiên tòa theo giáo luật - là không khả thi.

Ra lệnh cho một linh mục lui vào sống một cuộc đời cầu nguyện và ăn năn là một hình phạt được đưa ra theo sau một tiến trình giáo luật, mà trong nhiều trường hợp là không thể thực hiện được. Vì vậy, thật là hợp lý khi cho rằng việc truyền đạt các biện pháp trừng phạt đã được thực hiện cách kín đáo. Đó là lựa chọn tốt nhất khả thi trong trường hợp này, nhưng lựa chọn ấy phải phụ thuộc vào thiện chí tuân phục của McCarrick.

Và hoàn toàn hợp lý khi cho rằng khi nhận được những biện pháp trừng phạt không được công bố rộng rãi như thế, Hồng Y McCarrick đơn giản là phớt lờ đi.

Vào mùa xuân năm 2004, các giám mục ở Hoa Kỳ đang xem xét vấn đề liệu có nên dứt khoát cấm không cho các chính trị gia phò phá thai được rước lễ hay không - John Kerry đang tranh cử tổng thống năm đó. Đức Hồng Y McCarrick lãnh đạo ủy ban đặc nhiệm của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về vấn đề này và, trong tư cách đó, ngài đã nhận được một lá thư của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nói rằng trong những hoàn cảnh như vậy, “phải cấm” các chính trị gia rước Mình Thánh Chúa.

Hồng Y McCarrick giấu biệt tích bức thư đó đi không cho các giám mục anh em của mình biết và nói dối về những gì Đức Hồng Y Ratzinger đã viết [để áp đặt quan điểm liberal của mình]. Chỉ sau đó sự thật mới được đưa ra ánh sáng khi nội dung đầy đủ của bức thư bị rò rỉ ra cho báo chí.

Như thế, chúng ta biết rằng Hồng Y McCarrick có gan dám thách thức cả vị Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin tới mức dám diếm đi một lá thư được gởi cho các giám mục anh em của mình. Và chúng ta biết rằng hậu quả là nhẹ nhàng [vì xảy ra vào năm cuối đời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II].

Tháng Tư năm sau đó, Đức Hồng Y Ratzinger được bầu làm giáo hoàng. Tôi nhớ lại vào buổi tối của cuộc bầu cử, viên chức báo chí của Tổng Giáo Phận Washington hối hả tập hợp các linh mục và chủng sinh của Washington ở Rôma. Bà cảnh báo họ không được tuyên bố gì với giới truyền thông, vì bà muốn tránh bất kỳ câu chuyện nào có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của Đức Hồng Y McCarrick với vị tân Giáo Hoàng. Có lẽ bà cho rằng việc các Hồng Y bầu cho Đức Hồng Y Ratzinger có nghĩa là ngày tàn của sếp bà đã đến - không phải vì lạm dụng tình dục, mà vì trò ma giáo một năm trước đó.

Đức Bênêđíctô đã đối xử thế nào với McCarrick sau khi lên ngôi Giáo Hoàng? Hồng Y McCarrick đến tuổi 75 vào tháng 7 năm 2005; nếu Đức Bênêđíctô muốn trừng phạt vị Hồng Y một cách nhanh chóng vì trò ma giáo trong cuộc thảo luận năm 2004, ngài có thể ngay lập tức chấp nhận đơn từ chức của đương sự vào tháng 7 năm 2005. Nhưng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cho phép McCarrick lưu nhiệm vài tháng nữa cho đến mùa xuân năm sau. Điều đó cũng phù hợp với ý tưởng cho rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã thấy nơi Hồng Y McCarrick nhiều vấn đề, nhưng không chọn lựa một thái độ quyết liệt để giữ chút thể diện cho vị Hồng Y.

Tháng 5 năm 2009, tôi đến Thánh địa Giêrusalem để tường trình về chuyến tông du của Đức Bênêđíctô. Lúc đó, tôi nghe một câu chuyện kỳ lạ từ một thành viên cao cấp của đoàn tùy tùng Đức Giáo Hoàng trong khi ở Giêrusalem. Khi chuẩn bị cho chuyến đi, Vatican đã rất rõ ràng với Hồng Y McCarrick, và thông báo cho ngài rằng ngài không được đi cùng Đức Thánh Cha. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ đó là vì Toà Thánh đã mệt mỏi vì sự can thiệp quá thường xuyên của Đức Hồng Y trong hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh - McCarrick đến khu vực này ba hay bốn lần một năm. Vì vậy, ngài không được cùng đi.

Trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 và vua Abdullah của Jordan, nhà vua ngây thơ nói rằng Hồng Y McCarrick vừa ở đó không lâu, ghé thăm nhà vua để làm công tác chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. McCarrick đã dám giỡn mặt Đức Bênêđíctô một lần nữa.

Tháng 8 năm 2009, khi Thượng nghị sĩ kỳ cựu của Massachusetts, Ted Kennedy qua đời, Vatican đã quyết định không gởi điện văn chia buồn [vì lập trường của ông này khi sinh tiền không tương hợp với giáo huấn của Giáo Hội]. Đức Hồng Y Sean O'Malley của Boston đã tham dự lễ tang, nhưng rõ ràng để tránh gây gương mù đã tránh không đưa ra bất kỳ lời khen ngợi nào đối với chính trị gia quá cố. Đức Hồng Y McCarrick đã chụp cơ hội này theo ra đến tận nghĩa trang ở Arlington, Virginia, và đọc một lá thư ngụy tạo theo văn phong của Vatican như thể Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã gởi điếu văn cho vị thượng nghị sĩ quá cố. Đó là một hành động thách thức rõ ràng.

Khi Tổng giáo phận New York nhận được lời buộc tội rằng Hồng Y McCarrick đã lạm dụng trẻ vị thành niên vào đầu những năm 1970, tổng giáo phận thông báo cho McCarrick rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành, đảm nhiệm bởi các giáo dân trong văn phòng công tố quận và hội đồng xét xử của tổng giáo phận.

Tờ Catholic Herald tường thuật rằng Đức Hồng Y Donald Wuerl, người kế nhiệm Hồng Y McCarrick ở Washington, cũng được thông báo vào năm 2017 và viết thư cho người tiền nhiệm của ngài, yêu cầu rút khỏi các thừa tác vụ công khai trong khi đang bị điều tra. Tuy nhiên, ngay cả khi đang bị điều tra vì lạm dụng trẻ vị thành niên, Hồng Y McCarrick vẫn tỏ một thái độ thách thức khi tiếp tục xuất hiện trước công chúng và dẫn đầu một cuộc hành hương ở nước ngoài để mừng 60 năm linh mục của mình.

Dựa trên bốn lần thách thức này của Tổng Giám mục Theodore McCarrick, trong tư cách một nhà báo tôi sẽ kết luận rằng hoàn toàn hợp lý khi cho rằng McCarrick có thể đã bất chấp lệnh trừng phạt áp đặt lên ngài.

Thái độ thách thức này chưa đủ để nói rằng chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Carlo Viganò là đúng. Nó cũng không thể trả lời một cách đầy đủ các câu hỏi về lý do tại sao các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt một cách kín đáo và không được thi hành đến nơi đến chốn. Dù thế, nó đưa ra một lời giải thích hợp lý đáng để điều tra thêm.


Source: National Catholic Register - Vigano’s Testimony; McCarrick’s Defiance

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét