Trang

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

28-02-2019 : THỨ NĂM - TUẦN VII THƯỜNG NIÊN


28/02/2019
Thứ Năm tuần 7 thường niên.


BÀI ĐỌC I: Hc 5, 1-10 (Hl 1-8)
“Ngươi hãy mau mau quay về với Chúa”.
Trích sách Huấn Ca.
Ngươi đừng cậy vào gia sản bất chính và đừng nói: “Đời sống của tôi thật là đầy đủ”. Vì chưng trong thời báo oán trả ân, cái đó có ích gì? Khi còn mạnh khoẻ, chớ chạy theo đam mê của lòng ngươi và đừng nói: “Ai làm gì được tôi?”, hoặc “Trong các việc tôi làm, ai có thể bắt tôi suy phục được?” Bởi vì chắc chắn Thiên Chúa sẽ báo oán ngươi. Ngươi đừng nói rằng: “Tôi đã phạm tội, nào có sao đâu?” Đấng Tối Cao là Đấng xét xử nhẫn nại. Ngươi chớ yên tâm về tội đã được tha, để rồi chồng chất tội này trên tội nọ. Và ngươi cũng đừng nói: “Lòng nhân từ của Chúa thật lớn lao, Người thứ tha muôn vàn tội lỗi của tôi”, vì lòng nhân từ và cơn thịnh nộ rất gần nhau, và cơn thịnh nộ của Người đè nặng trên những kẻ tội lỗi. Ngươi hãy mau mau quay về với Chúa và đừng lần lựa rày mai; vì cơn thịnh nộ của Người sẽ đến bất ưng và huỷ diệt ngươi trong thời báo oán. Ngươi đừng ỷ lại vào những của bất chính, vì chưng trong thời báo oán trả ân, nó sẽ chẳng ích gì cho ngươi. Đó là lời Chúa. 

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Đáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5a).
Xướng:
1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối của tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Đáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. – Đáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 9, 40-49 (Hl 41-50)
“Thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn đủ cả hai tay mà phải vào hoả ngục”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.
“Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau”. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Sẵn sàng hy sinh
Vào thời trước, có một đoàn thám hiểm từ Âu Châu lên đường đi tìm vùng đất mới. Vị trưởng đoàn cho mọi người biết hễ ai chạm đến vùng đất mới trước tiên, người đó sẽ làm chủ vùng đất ấy. Một người trong nhóm quyết chiếm vùng đất mới bằng mọi giá. Ông tận lực chèo thuyền, nhưng một chiếc thuyền bạn đã bắt kịp và đang tiến lên phía trước gần sát bờ. Là một con người có ý chí sắt đá và gan dạ, ông đã can đảm lấy chiếc rìu chặt đứt bàn tay trái của ông, rồi ném lên bờ. Thế là bàn tay ông đã chạm đến đất trước tiên, do đó vùng đất này thuộc về ông.
Câu truyện trên đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay: "Nếu tay con làm cớ cho con sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt tay mà được vào cõi trường sinh, còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục". Ðiều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là cần phải sẵn sàng hy sinh những gì gần gũi thân thiết nhất, hơn là phạm tội mất lòng Chúa. Như thế, việc chặt chân, chặt tay, móc mắt, không thể hiểu theo nghĩa đen được. Chúa không có ý bảo chúng ta hủy bỏ một phần thân thể, nhưng qua cách nói ấy, Ngài có ý nói rằng Nước Trời đáng cho chúng ta hy sinh tất cả để chiếm hữu, cho dù phải đau đớn như việc chặt chân, chặt tay. Chẳng hạn, hy sinh của cải vật chất cho sự sống và hạnh phúc của đồng loại, cũng đau đớn như hy sinh một phần thân thể, nhưng sẽ chiếm hữu được Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã nói: Ai cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà trú ngụ, người ấy sẽ được Nước Trời làm cơ nghiệp. Cũng vậy, chúng ta sẽ chiếm hữu Nước Trời, nếu chúng ta dám hy sinh của cải, sức lực để hỗ trợ Giáo Hội và phục vụ cho công cuộc truyền giáo.
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta, Ngài không chỉ hy sinh một phần nào thôi, mà là dâng hiến toàn thân Ngài. Mỗi ngày trong Thánh Lễ, chúng ta cử hành việc hy hiến của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta cũng biết trao ban chính mình để làm vinh danh Chúa và đem lại hạnh phúc cho đồng loại.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 7 TN1, Năm Lẻ
Bài đọcSir 5:1-8; Mk 9:41-50.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những điều nên làm và nên tránh trong cuộc đời.
Thế gian này chỉ là chỗ tạm dung, không phải là chỗ định cư đời đời. Mục đích Thiên Chúa cho con người sống trong thế gian khoảng một thời gian là để cho con người luyện tập đức tin và tình yêu vào Thiên Chúa, trước khi cho con người về hưởng hạnh phúc muôn đời với Người trên Thiên Đàng. Nhiều người đã không nắm vững mục đích này, nên họ lấy thế gian làm chỗ định cư, và họ sống như không có nguồn cội và đích điểm. Nhiều tín hữu tuy biết đích điểm, lại không biết cách làm sao để đạt đích.
Các bài đọc hôm nay nhắc nhở các tín hữu nhớ lại đích điểm của cuộc đời, và cho họ những bài học cụ thể cần phải làm để đạt đích. Trong bài đọc I, Sách Huấn Ca nhắc nhở cho con người biết Đấng nắm giữ vận mạng con người. Ngài cho con người rất nhiều cơ hội để nhận ra mục đích của cuộc đời, nhưng họ phải biết lợi dụng những cơ hội để làm lành tránh dữ, trước khi tới ngày Ngài cất họ ra khỏi thế gian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các tín hữu những gì cần làm và cần tránh trong cuộc đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đừng khinh thường lòng thương xót và những cơ hội Thiên Chúa ban.
1.1/ Đừng cậy dựa vào của cải thế gian hay sức lực của con người: Ba điều tác giả Sách Huấn Ca khuyên con người phải tránh.
(1) Cậy dựa vào tiền bạc của cải: “Đừng cậy vào tài sản của con, và đừng nói: “Tôi có đủ cả rồi!”… Đừng cậy dựa vào của cải bất chính, vì điều đó chẳng ích gì cho con ngày con gặp bất hạnh.” Ai cũng biết sức mạnh của kim tiền, nó có khả năng làm tối mặt mọi người để con người quên đi mục đích của cuộc đời. Người tín hữu cần nhắc nhở mình, tiền bạc là của thế gian, khi chết họ phải để lại cho thế hệ sau hưởng dùng. Tại sao phí cả cuộc đời để vơ vét những gì mình không mang theo được? Tại sao không dành thời gian để phát triển và học hỏi những gì mình có thể mang theo?
(2) Ước muốn, đam mê: “Đừng chiều theo ước muốn và sức lực của con, mà thoả mãn những đam mê của lòng mình.” Thiên Chúa ban cho con người những ước muốn để thực hiện những điều Ngài dựng nên và quan phòng. Con người không được dùng nó cho những mục đích bất chính, để rồi trí óc con người không còn ham muốn những mục đích cao quí mà Thiên Chúa đã quan phòng.
(3) Sức riêng mình: “Đừng nói: “Ai làm gì được tôi?” Vì Đức Chúa là Đấng công minh sẽ trừng phạt. Đừng nói: “Tôi đã phạm tội nhưng nào có sao?” Bởi vì Đức Chúa nhẫn nại đó! Đừng ỷ được tha thứ mà khinh nhờn, rồi cứ chồng chất tội này lên tội khác.” Con người không dựng nên và điều khiển trái đất này. Họ cần khiêm nhường nhận ra uy quyền của Thiên Chúa, Đấng dẫn đưa mọi vật tới mục đích như Ngài mong ước.
1.2/ Đừng khinh thường cơn thịnh nộ của Thiên Chúa: Cả hai khuynh hướng cực đoan con người cần tránh xa: thứ nhất, Thiên Chúa rất từ bi nhân hậu, Ngài sẽ xóa bỏ mọi tội lỗi con người mà không cần con người phải ăn năn sám hối; thứ hai, Thiên Chúa rất công bằng, Ngài sẽ không tha thứ những tội lỗi quá nặng nề của con người đã xúc phạm tới Ngài. Điều chúng ta có thể đoan chắc là Thiên Chúa rất từ bi nhân hậu; nhưng cũng rất mực công bằng. Ngài sẽ trả cho mỗi người theo việc làm của họ.
Vì vậy, mọi người cần phải trở về với Thiên Chúa càng sớm càng tốt, đừng đánh bạc cuộc đời của mình để rồi sẽ mất tất cả. Hơn nữa, càng trở về sớm với Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng thấy cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống bấy nhiêu. Tác giả khuyên mọi người: “Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa đi; đừng lần lữa hết ngày này qua ngày khác, vì thình lình Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ, và trong thời trừng phạt, con sẽ phải tiêu vong.”
2/ Phúc Âm: Hãy làm lành và tránh tội.
2.1/ Thiên Chúa kể những gì chúng ta làm cho anh/chị/em là chúng ta làm cho chính Ngài: Chúng ta thực sự chẳng thêm được gì cho Thiên Chúa; nhưng Ngài kể những gì chúng ta làm cho tha nhân là làm cho Ngài, và Ngài sẽ thưởng công cho chúng ta. Tại sao chúng ta cần công trạng? Thưa bởi vì những hình phạt do tội lỗi gây nên. Khi xưng tội, Thiên Chúa tha tội; nhưng hình phạt chúng ta vẫn phải đền. Vì thế, chúng ta cần phải ra sức giúp đỡ tha nhân để đền bù hình phạt do tội lỗi gây nên. Việc đền tội các linh mục ra chỉ là tượng trưng. Chúng ta không biết hình phạt do tội lỗi gây ra nặng tới mức nào; nên cứ làm việc lành nhiều cho chắc ăn.
2.2/ Điều xấu chúng ta làm cho anh/chị/em, chúng ta cũng phải lãnh nhận mọi hình phạt tương xứng. Có hai điều Chúa Giêsu muốn nói tới ở đây:
1) Gương mù cho những người bé mọn: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Danh-từ Hy-lạp để chỉ “bé mọn” dùng ở đây là “mikros;” nó có thể hiểu cả bé mọn về phần xác như trẻ em, hay bé mọn về phần linh hồn như những người không hiểu biết nhiều. Chúa Giêsu có ý muốn nói gương mù ảnh hưởng trên hai loại người này rất nặng nề, vì trí khôn hay đức tin của họ chưa vững vàng đủ để có thể vượt qua. Họ có thể mất đức tin vì gương mù của chúng ta.
2) Hậu quả của tội: Chúng ta không thể hiểu những câu này theo nghĩa đen vì: (1) Nếu cứ mỗi lần phạm tội và phải làm những điều này, con người sẽ không còn gì để cắt hay móc mà vứt đi. (2) Hỏa ngục là nơi ở của các linh hồn phải hư đi. Hình phạt nặng nhất là họ không được nhìn thấy Thiên Chúa. Vì xác loài người chưa sống lại, nên hồn con người không có thân xác để có thể cảm thấy sức nóng của lửa. Những câu này là một lối diễn tả của Chúa để nói lên hình phạt nặng nề của tội nếu con người không biết làm chủ các giác quan của mình. Thiên Chúa ban cho con người một thân xác để sinh ích cho bản thân và cho tha nhân, chứ không phải dùng nó để phạm tội.
2.3/ Cần luyện tập các nhân đức trong cuộc đời: Bản dịch của Việt-nam hơi tối nghĩa và dài dòng, nguyên nghĩa Hy-lạp có thể dịch “Quả thật, ai nấy sẽ được muối bằng lửa.” Trình thuật của Matthew sáng sủa tuy dài hơn, vì phân biệt hai biểu tượng “muối” và “ánh sáng” (Mt 5:13-15). Mục đích của việc Chúa dùng biểu tượng để chỉ những đức tính của người Kitô hữu. Họ đã được trang bị để có những đức tính này. Họ phải luyện tập và thực hành để những người chưa tin nhận ra những tốt lành của đạo và tin vào Cha trên trời. Trong trình thuật hôm nay, muối được ví với nhân đức hiền hòa: “Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Cuộc đời mỗi người chúng ta đi về một hướng nhất định dù chúng ta có biết hay không. Tại sao chúng ta không để giờ học hỏi để nhận ra mục đích cao trọng này?
– Biết đích điểm thôi chưa đủ, chúng ta còn phải biết những gì nên làm và những gì nên tránh nữa thì mới mong đạt đích. Chịu khó đọc Kinh Thánh mỗi ngày và thi hành những gì Thiên Chúa dạy sẽ giúp chúng ta phải chuẩn bị thế nào cho ngày về với Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


28/02/18 – THỨ NĂM TUẦN 7 TN
Mc 9,41-50

MUỐI MẶN ĐỜI
“Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại?”(Mc 9,50a)
Suy niệm: Thầy Giê-su dạy ta phải dứt khoát cắt đứt những nguyên cớ gây sa ngã bằng những kiểu nói mạnh mẽ: “chặt tay, chặt chân, móc mắt…” cùng với hai hình ảnh biểu trưng là lửa và muối (c. 49). Lửa tiêu biểu cho sự thanh luyện, thử thách: lửa thử vàng; còn muối vừa có vai trò bảo quản thức ăn, vừa tăng thêm hương vị cho đồ ăn thức uống, tượng trưng cho việc từ bỏ bản thân, dấn thân tích cực đem lại thiện ích cho đời. Qua những hình ảnh ấy, Ngài dạy các môn đệ chấp nhận hy sinh để vượt qua thử thách. Những hy sinh, từ bỏ đó cũng là “hương vị” ướp mặn, lưu giữ “chất môn đệ Ki-tô” trong cuộc sống của mỗi người. Làm sao để mỗi ngày qua đi, người môn đệ Chúa Ki-tô không đánh mất vị mặn của tin–cậy–mến, của bác ái–hy sinh–vị tha. “Muối là cái gì tốt.” Ki-tô hữu phải cũng là người tốt, nỗ lực tìm mọi cách để “ướp mặn đời.”
Mời Bạn: xét xem mình có giữ “vị mặn” trong đời sống làm con Chúa hay đang để nó mỗi ngày một nhạt nhẽo đi? Ý thức đâu là các nguyên cớ làm bạn đánh mất tương quan với Chúa và người  lân cận, để dứt khoát đoạn tuyệt với chúng. Chẳng hạn: một lời nói gây chia rẽ, một việc làm tiếp tay cho những hành vi lỗi bác ái; một sự đồng hành lệch hướng, một ánh mắt ghét ghen, thù hận…
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm sửa đổi một tật xấu với ý thức muốn trở nên muối mặn đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con can đảm vượt thắng những cản trở đang làm con xa cách Chúa và tha nhân. Nhờ vậy, con có thể là muối ướp cho cuộc sống và thế giới này tươi đẹp hơn trong đời thường của mình. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Làm cớ cho anh sa ngã (28.2.2019 – Thứ Năm Tuần 7 Thường Niên)
Suy nim:

Khi nghe một người chịu tháo khớp vì mắc bệnh tiểu đường,
chúng ta chẳng ngạc nhiên mấy.
Mất đi bàn chân mà kéo dài được sự sống
thì còn hơn là giữ lại mà phải chết.
Có bao nhiêu người chịu giải phẫu mỗi ngày.
Họ chấp nhận cắt bỏ một phần thân thể bị hư hoại,
để mong giữ lại được cả mạng sống.
Tuy việc cắt bỏ luôn đi kèm với đau đớn và mất mát suốt đời,
nhưng người ta vẫn vui vì thấy mình còn sống. 
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm ta ngạc nhiên và không vui.
Bài này có nhiều câu được lặp lại như một điệp khúc.
“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi…
Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi…
nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì anh hãy móc nó đi…”
Có cần phải chặt tay, chặt chân hay móc mắt không ?
Có cần phải hiểu các câu này của Chúa theo nghĩa đen không?
Nếu hiểu theo nghĩa đen, chắc khó mà có một kitô hữu lành lặn. 
Bởi vậy chúng ta thường dễ bỏ qua hay hiểu theo nghĩa bóng,
và có nguy cơ làm yếu đi sứ điệp mà Đức Giêsu muốn chuyển tải.
Giá Trị tối hậu mà Đức Giêsu muốn chúng ta coi trọng
đó là Sự Sống vĩnh hằng, là Nước Thiên Chúa (cc. 43-47).
Để có được Giá Trị này, ta phải chấp nhận hy sinh nhiều giá trị khác.
Hơn nữa, chúng ta lại càng phải từ bỏ hy sinh
những gì cản trở khiến ta không thể đạt tới mục đích mình theo đuổi.
Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể.
Chúng là những chi thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường.
Tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ khiến ta vấp phạm, sa ngã.
Sa ngã ở đây là thứ sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời,
nơi toàn bộ cuộc đời chúng ta bị đổ vỡ nát tan không sao hàn gắn.
Vì cuộc đời của chúng ta là vô giá,
một cuộc đời đã được chuộc bằng chính Máu Con Thiên Chúa,
một cuộc đời mà chính chúng ta đã dày công xây đắp,
nên việc cắt bỏ những điều phá hoại cuộc đời ấy là chuyện tự nhiên. 
Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn.
Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai mong.
Nhưng Đức Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu,
để có can đảm cắt đứt với những thụ tạo đang làm hư hỏng đời ta.
Cắt đứt với một thói quen xấu lâu năm,
hay cắt đứt tương quan tội lỗi với một người,
những điều ấy nhiều khi còn khó hơn việc móc mắt hay chặt tay.
Chúng ta chỉ có thể sống Lời Chúa hôm nay
nếu chúng ta không bị hút bởi khoái lạc trần gian ngay trước mắt.
Xin Chúa giúp ta thực hiện những cuộc giải phẫu mỗi ngày,
để đau đớn của đoạn tuyệt hôm nay đem lại hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG HAI
Đức Kitô – Chóp Đỉnh Của Giao Ước
“Đức Chúa đã thiết lập một giao ước với Abram” (St 15,18). Xuyên suốt Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đặc biệt kết hợp mật thiết với Thiên Chúa – Đấng đã tự kết ước với chúng ta. Thiên Chúa của đức tin chúng ta là Đấng Tạo Hóa và là Chủ Tể của hoàn vũ. Ngài là Thiên Chúa uy phong khôn sánh song cũng đồng thời là Đấng tự hạ mình xuống để kết ước với chúng ta.
“Cha đã nhiều lần kết ước với loài người” – đó là lời chúng ta đọc trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV. Lời kinh ấy đưa ta về với các tổ phụ của mình trong đức tin – tới tận tổ phụ Nô-e.
Giao ước với Abram – được nhắc đến trong phụng vụ – đánh dấu một khởi đầu mới cho câu chuyện của dân Thiên Chúa: “Hãy nhìn lên bầu trời và đếm các vì sao … Dòng dõi của ngươi cũng sẽ đông đúc như vậy” (St 15,5). Thật vậy, dòng dõi của ông trở thành vô cùng đông đúc. Có lẽ hơn một nửa nhân loại hiện nay (những người DoThái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo) tự nhận mình là con cái thiêng liêng của Abraham – nhân vật mà Thánh Phao-lô gọi là “cha của đức tin chúng ta” (Rm 4,11).
Trong suốt Mùa Chay, chúng ta được mời gọi làm mới lại giao ước với Thiên Chúa – một giao ước bắt nguồn từ đức tin của Abraham. Giao ước này đạt đến sự hoàn thành của nó nơi Đức Kitô. Điều này được Tin Mừng làm chứng một cách hùng hồn. Hằng năm, trong Mùa Chay, Giáo Hội đưa chúng ta lên núi Ta-bo. Ở đó, trước sự chứng kiến trực tiếp của Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, mạc khải hoàn toàn về giao ước đã hiển hiện ra – từ Abraham cho đến Giê-su Na-da rét, Đấng Mê-si-a. Chúng ta gặp thấy Mô-sê và Ê-li-a ở bên cạnh Đức Giêsu. Các ngài đại diện cho Lề Luật và các ngôn sứ – tức những cột mốc trong giao ước của Thiên Chúa với con cháu Abraham. Và tất cả mạc khải của Thiên Chúa biểu hiện qua Luật và các ngôn sứ đưa dẫn chúng ta đến với Đấng mà Chúa Cha nói về Người như sau: “Đây là Con Ta, kẻ Ta tuyển chọn; hãy nghe lời Người” (Lc 9,35).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28/2
Hc 5, 1-8; Mc 9, 41-50.

LỜI SUY NIÊM: “Ai cho anh em uống một chén nước vì là anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
          Đối với Chúa Giêsu, Người không đòi hỏi nơi con người một sự hy sinh lớn lao, mới nhận được phần thưởng của Người, Người chỉ cần một sự hy sinh nhỏ nhoi: chỉ là một ly nước lã; là đã được Người thưởng công. Việc này ai ai cũng có thể thực hiện được. Nhưng trong việc hy sinh thực hiện công việc bác ái đó chúng ta cần ý thức, làm cho ai: cho người thuộc về Chúa để phục vụ Giáo Hội, hay vì tư lợi, phục vu cho quyền lực của thế gian.
          Lạy Chúa Giêsu. Chúa dạy chúng con: Những ai biết giúp người thì Chúa ban cho phần thưởng đời đời, nhưng nếu ai làm cho những kẻ bé mọn vấp phạm thì sẽ bị Chúa trừng phạt nơi lửa không bao giờ tắt. Xin cho chúng con ghi Lời Chúa trong lòng để thờ phượng Chúa và sống với tha nhân.
Mạnh Phương

28 Tháng Hai
Nụ Cười Của Bà Sarah
Kinh thánh thuật lại rằng, khi bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con, bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là kỳ diệu: bà đã cười!
Phải, bà cụ già Sarah có lẽ đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như thế: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho có con!… Thiên Chúa xem ra thích khôi hài!
Và khi Thiên Chúa hỏi tại sao cười, Sarah lại chối rằng mình đã không hề cười. Có lẽ do sợ hãi mà Sarah đã nín cười. Sự sợ hãi có lẽ không còn cho con người được nhìn thấy khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống… Nhưng liền sau khi sinh con, bà Sarah đã tìm lại được óc khôi hài cho nên bà đã đặt cho đứa con một cái tên khá ngộ nghĩnh là Issac; Issac theo tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cười…
Cười, cười một cách lạc quan: có lẽ đó là một trong những nét nổi bật của người có niềm tin. Người ta thường định nghĩa rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn… Tất cả các vị thánh đều là những người có óc khôi hài. Các ngài là những con người đã từng biết cười với cuộc sống với tha nhân. 
Thánh Phanxicô thành Assisi, vị sứ giả của Hòa Bình, đã có lần tuyên bố: “Hãy trả lại sự buồn phiền cho ma quỷ, bởi vì chỉ có ma quỷ mới có đủ lý do để buồn phiền”.
Cha sở họ Ars, là thánh Gioan Maria Vianey, mặc dù thường được người ta tạc tượng như một con người buồn bã, ảo não, nhưng kỳ thực không ai có tâm hồn vui tươi lạc quan như Ngài. Thánh nhân đã nói: “Linh hồn của những ai phục vụ Chúa đều được tràn ngập vui mừng, họ luôn luôn sống như nghỉ ngơi và luôn luôn sẵn sàng để ca hát…”
Thánh Thomas Moore khi bị đưa lên máy chém, đã nói đùa với người lý hình rằng hãy để cho ngài được giúp một tay, cho việc hành quyết được dễ dàng. Ngài còn nói thêm rằng, sau khi đã chém đầu ngài, chớ đụng đến bộ râu vì bộ râu của ngài không hề phản bội một ai…
Một vị tu sĩ nào đó vào thời Trung Cổ đã viết như sau: “Một nụ cười và óc khôi hài thu hút được nhiều người đến với tôn giáo hơn là những khuôn mặt dài vì ủ dột”.
Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng: khi ăn chay hãm mình hãy xức dầu thơm vào người.
Còn thứ dầu thơm nào quý giá hơn để tô thắm cho gương mặt của chúng ta cho bằng niềm vui.
Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất.
Tình đời có đen bạc, nhân nghĩa có phôi pha: những con người đang sống với chúng ta vẫn là những người con cái Chúa và là anh em của chúng ta.
Hãy cười với cuộc sống, hãy cười với người anh em của chúng ta: đó là sứ điệp của Kitô Giáo mà trọng tâm chính là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Qua Mầu Nhiệm ấy, Thiên Chúa đã cười cợt, thách thức tội lỗi và sự chết. Sự Sống và Niềm Hy Vọng đã phát sinh từ cái chết của Ðức Kitô.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét