21/05/2018
Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 14, 18-27
(Hl 19-28)
“Các ngài thuật cho giáo đoàn
nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
có mấy người Do-thái từ Antiôkia và Icôniô đến xúi giục dân chúng. Họ ném đá
Phaolô, và tưởng rằng Phaolô đã chết, nên kéo ngài ra bỏ ngoài thành. Nhưng
đang khi các môn đồ đứng xung quanh ngài, ngài liền chỗi dậy đi vào thành, và
hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Đerbê. Khi đã rao giảng Tin Mừng cho thành
này và dạy dỗ được nhiều người, các ngài trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng
cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải
trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh,
các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa
là Đấng họ tin theo.
Sau đó, các ngài sang
Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống
Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được
trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các
ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các
ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin. Các ngài còn ở lại đó
với môn đồ trong một thời gian lâu dài. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 10-11.
12-13ab. 21
Đáp: Lạy Chúa, các
bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa (x. c. 12a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi
công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng
Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của
Ngài. – Đáp.
2) Để con cái loài người
nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu
muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. – Đáp.
3) Miệng tôi hãy xướng
lời ca ngợi khen Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời.
– Đáp.
ALLELUIA: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia!
– Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà
về cùng Cha. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 14, 27-31a
“Thầy ban bình an của Thầy cho
các con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của
Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các
con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng:
Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con
hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với
các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không
còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực
gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm
như Cha đã truyền dạy”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Hiệp nhất và
bình an
Các môn đệ ngày
xưa đã được nghe Chúa Giêsu chia sẻ tâm tình của Ngài khi Ngài cùng với các ông
ngồi bên cạnh nhau trong bữa tiệc ly. Chúng ta cũng đã nghe lại những lời thân
thương đó mỗi khi chúng ta cùng với Ngài và với nhau dâng Thánh Lễ. Giáo Hội đặt
để những lời thân thương ấy sau kinh Lạy Cha và trước khi chúng ta đón nhận
Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta chứng minh được bao bọc trong bình an của
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhất là chúng ta đã dọn lòng mình đủ để
có Chúa ngự trong lòng chúng ta.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu
thực sự tin rằng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô không chấp nhất gì tội lỗi của
chúng ta mà dựa trên đức tin của Giáo Hội, của cộng đoàn dân Chúa đã ban cho
chúng ta, cho Giáo Hội được ơn hiệp nhất và bình an. Chắc chắn là Giáo Hội rất
rõ điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy ban cho các con không như thế
gian ban tặng". Và chúng ta cũng phải hiểu được điều đó để hân hoan với
bình an mà Chúa ban cho chúng ta. Thế gian là gì trong nhãn quan của thánh
Gioan.
Thế gian là ma quỉ, là
mãnh lực của ma quỉ, là thế giới của ma quỉ, là tất cả những con người và những
sinh hoạt đồng lõa với ma quỉ. Bình an của thế gian này ban tặng là bình an có
được do vũ lực, do đàn áp, do chiến tranh, do mưu mô xảo quyệt, do tội ác, do
chiếm đoạt và đe dọa, mong manh biết bao sự bình an tạm bợ này, chỉ cần một vài
thay đổi rất ư là đơn giản thì cũng đủ để cho người ta mất đi bình an và lại
rơi vào hoảng sợ, vào dằn vặt. Ma quỉ và đồng lõa của ma quỉ vốn dĩ rất quen
thuộc với chiến lược trở mặt như trở bàn tay, và vì thế không ít những người trở
thành nạn nhân của sự bình an do chúng tạo nên. Còn bình an của Chúa ban cho lại
là sự bình an của những người được tha thứ tất cả. Bình an của một con người thấy
thanh thản trong thân xác và nhẹ nhàng trong tâm hồn. Bình an của một cuộc đời
có Thiên Chúa. Sự bình an bất chấp những khó khăn, bất chấp mọi thử thách. Sự
bình an của một con người không thấy hổ thẹn gì khi ngước mắt nhìn lên trời,
đưa mắt nhìn chung quanh và nhắm mắt lại nhìn vào chính mình.
Lạy Cha chí thánh, là
con người ai cũng khao khát bình an và có rất nhiều người thấy hãnh diện vì sự
an toàn nhất thời họ có được ở trần gian này, khi họ dựa cậy vào quyền lực hoặc
là do một con người hay của một nhóm người, thực tế cho thấy bình an ấy quá
mong manh. Các con cảm tạ Cha vì sự bình an ban cho chúng con qua Chúa Giêsu và
với tác động của Chúa Thánh Thần. Sự bình an của Ðấng bị bắt, bị tra tấn, bị bỏ
mặc, bị coi là điên khùng và bị treo lên giữa những tử tội trộm cướp, ngày thứ
ba Ngài đã sống lại. Chúng ta thật hạnh phúc vì có được sự bình an ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần V PS
Bài đọc: Acts
14:19-28; Jn 14:27-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải qua gian
khổ mới đạt tới vinh quang.
Như người nhà nông phải
vất vả cầy bừa, giầm mưa, dãi nắng, thì hạt giống gieo xuống mới mang lại mùa
màng; đức tin của các tín hữu có được là do sự miệt mài rao giảng của các nhà
truyền giáo. Họ không ngại đường sá xa xôi, cách trở; phải chịu đựng bao nguy
hiểm, bắt bớ, ghen tị, tù đày, ném đá … để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố
niềm tin, và chờ ngày hạt giống đức tin được sinh hoa kết trái.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn
chứng những điều này. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật những khó khăn và
bách hại mà Phaolô và Barnabas phải trải qua trong hành trình rao giảng đức tin
cho Dân Ngoại; nhưng hai ông vẫn kiên trì chịu đựng, đi từ thành này qua thành
khác để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và thiết lập các giáo
đoàn địa phương. Khi trở về Antioch, các ông tập họp Hội Thánh và tường trình
những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai ông. Trong Phúc Âm, mặc dù Chúa Giêsu
biết trước bao nhiêu gian khổ đang chờ Ngài trong Cuộc Thương Khó sắp tới, Ngài
vẫn can đảm tiến tới để đương đầu. Ngài khuyên các môn đệ đừng xao xuyến và sợ
hãi vì Ngài sẽ ban bình an cho các ông, và bảo đảm quyền lực thế gian sẽ không
thắng được quyền lực của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên
Chúa.
1.1/ Phaolô đi đâu, người
Do-thái theo ông tới đó: “Bấy giờ có những
người Do-thái từ Antioch và Iconium đến Lystra, thuyết phục được đám đông. Họ
ném đá ông Phaolô rồi lôi ông ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi
các môn đệ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi
Derbe cùng với ông Barnabas.”
Chúng ta thấy sự nhẫn
nhục, chịu đựng đau khổ của Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng: vừa thu nhận
được chút kết quả là đối phương theo tới quấy phá; vừa bị đối phương ném đá gần
chết lại chỗi dậy đi qua thành khác rao giảng Tin Mừng.
Điều chúng ta học được
nơi Phaolô và Barnabas trong việc truyền giáo là phải trở lại thăm viếng và củng
cố các giáo đoàn địa phương mình đã thành lập để củng cố tinh thần các môn đệ,
và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: “Chúng ta phải chịu nhiều gian
khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.”
1.2/ Phaolô và Barnabas
hoàn tất cuộc hành trình thứ nhất: Trong cuộc
hành trình này, hai ông bắt đầu từ Antioch của Syria đến Salamis và Paphos của
đảo Cyprus, đến Perga, Antioch của Pisidia, đến Iconium, Lystra, Derbe, và theo
đường cũ trở lại Perga, rồi từ Perga đến Attalia, trở về Pergha và dùng thuyền
trở về Antioch của Syria. Đây là cuộc hành trình ngắn nhất trong 3 cuộc hành
trình của Phaolô rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Ông đã đi qua tất cả 8
thành. Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn
chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.
Khi trở về Antioch,
hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với
hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin. Rồi hai
ông ở lại một thời gian khá lâu với các môn đệ trước khi bắt đầu cuộc hành
trình thứ hai.
2/ Phúc Âm: Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy
ra, anh em tin.
2.1/ Bình an của Thiên
Chúa: Biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, và biết
trước những gì sẽ xảy đến cho các môn đệ, Chúa Giêsu để lại một báu vật cho các
môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.
Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ
hãi.” Đây cũng là món quà các thiên sứ reo vang trong Ngày Chúa sinh ra: “Vinh
danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
Chúa Giêsu nhấn mạnh sự
khác biệt giữa sự bình an của Thiên Chúa và của con người. Bình an của Thiên
Chúa đến từ trong tâm hồn con người; trong khi sự bình an của thế gian đến từ
bên ngoài. Bình an của Thiên Chúa ban không bao giờ mất được; trong khi sự bình
an của thế gian rất mong manh và dễ vỡ. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua
các cuộc chiến tranh tương tàn, và chúng luôn đe dọa con người.
Bình an của Chúa Giêsu
được bảo đảm bởi Thiên Chúa. Ngài tạm rời các môn đệ để về cùng Cha trong ít
ngày; nhưng Ngài lại trở lại với các môn đệ sau Cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Sự
bình an các ông có được là sau khi chứng kiến tất cả những điều này: Nếu Chúa
Giêsu đã chiến thắng thần chết, và đang ngự nên hữu Chúa Cha trên trời để luôn
bầu cử cho các ông, thì chẳng còn gì sợ hãi nữa; và vì thế, các ông luôn có
bình an.
2.2/ Xung đột giữa Thiên
Chúa và thế gian: Sống trong thế gian, Chúa
Giêsu và các môn đệ sẽ bị thế gian ghét bỏ và truy tố, vì không sống theo tiêu
chuẩn và đường lối của thế gian. Chúa Giêsu biết thế gian sắp sửa truy tố Ngài,
và nó cũng sẽ truy tố các môn đệ của Ngài, nên Ngài nói với các môn đệ: “Thầy sẽ
không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ Lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn,
nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng
Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy!
Ta đi khỏi đây!”
Thế gian tưởng khi họ
tiêu diệt Chúa Giêsu là họ đã dùng sức mình để chiến thắng; nhưng sự thật là họ
đang thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn Chúa Giêsu chịu đau khổ để gánh
tội và mang lại sự sống đời đời cho con người. Khi Chúa Giêsu sống lại vinh hiển,
thế gian sẽ sững sờ kinh ngạc, vì những gì họ tưởng đã chiến thắng, nhưng giờ bị
thua thiệt, vì các tín hữu không còn sống nô lệ cho họ nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đức tin là một gia sản
vô giá mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta qua sự cố gắng vượt bực của các nhà
truyền giáo. Họ đã bỏ gia đình và quê hương, chấp nhận bao nhiêu đau khổ và
nghiệt ngã của các xứ truyền giáo để trao cho chúng ta món quà quí giá này.
Chúng ta đừng khinh thường nó.
– Bổn phận của chúng
ta là gìn giữ và củng cố đức tin này sao cho ngày càng lớn mạnh, và cố gắng hết
sức để trao lại cho con cháu và những người chúng ta có trách nhiệm. Nếu chúng
ta đã lãnh nhận cách nhưng không, chúng ta cũng phải rộng rãi cho đi cách nhưng
không.
– Riêng với con cháu
Việt-nam, chúng ta biết để bảo vệ đức tin này, các nhà truyền giáo và cha ông
chúng ta đã phải đổ máu và chịu đựng biết bao bắt bớ, roi đòn, tù đày, tủi nhục.
Hãy sống đức tin làm sao cho xứng đáng với giá máu ấy.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
21/05/2019 – THỨ BA TUẦN 5 PS
Th. Ki-tô-phô-rô Ma-ga-la-nê, linh mục, tử đạo
Ga 14,27-31a
“MỘT CÕI ĐI VỀ” VỚI CHÚA KI-TÔ
“Nếu anh em yêu mến
Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha
cao trọng hơn Thầy.”(Ga 14,28)
Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với
một tâm hồn nhạy cảm sâu sắc, đã diễn tả nỗi niềm khắc khoải, hết “lên non cao”
lại “về biển rộng,” đi khắp cõi nhân gian “chưa từng độ lượng” này để tìm về chốn
quê nhà vĩnh cửu:
Bao nhiêu năm rồi còn
mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho
đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng
nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một
cõi đi về
Thế nhưng ông vẫn ngậm
ngùi như đang lạc vào cõi hư vô:
Trăm năm vô biên chưa
từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là
chốn quê nhà.
Để đáp lại nỗi niềm của
những tâm hồn thao thức đó, Đức Kitô Phục sinh cho thấy ý nghĩa mới cho cuộc
nhân sinh này. Ngài bộc lộ “cõi đi về” của Ngài là chính Chúa Cha, Đấng mà Ngài
gọi tên với tất cả tình yêu mến: “Abba, Cha ơi!” Thật vậy Ngài “từ Chúa Cha mà
đến thế gian,” và giờ đây Ngài “lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga
17,28). “Cõi đi về” của Chúa Kitô cũng là “cõi” dành cho chúng ta, bởi vì: “Thầy
sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga
14,3).
Mời Bạn: Bạn có đang khắc khoải tìm
về Đấng Phục Sinh không? Hay bạn đang gặp trở ngại trên con đường trở về của bạn:
bất mãn chán nản vì gương xấu của ai đó? vì thất bại, vì rủi ro trong cuộc sống?
vì một tật xấu cố hữu?
Sống Lời Chúa: Viếng Thánh Thể và đọc Tv
121 để cảm nghiệm niềm vui “Một Cõi Đi Về” với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đi về
nhà Chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi; đi về nhà Chúa, ôi bao nhiêu mến thương
ngập trời. (Trầm Hương)
(5 Phút Lời Chúa)
Bình an cho anh em (21.5.2019 –
Thứ Ba Tuần 5 Phục Sinh)
Suy niệm:
Con người thời nay gần như có mọi sự.
Nhưng tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng,
đó là bình an ở nơi tâm hồn.
Nhiều người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử.
Có người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc.
Gia đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị, ngoại tình.
Con người nôn nóng đi tìm bình an.
Có người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn giản là tập thở.
Bình an phải chăng chỉ là kết quả của cố gắng từ phía con người?
Tự sức con người có thể tạo ra bình an cho mình, gia đình và thế giới
không?
Khi thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi,
Đức Giêsu đã nói câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong mỗi Thánh lễ.
“Thầy để lại bình an cho anh em.
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (c. 27).
Bình an là quà tặng cao quý của Thầy Giêsu
khi Thầy sắp trở về với Cha qua cái chết thập giá (c. 28).
Bình an cũng là quà tặng của Chúa Giêsu phục sinh
khi Ngài hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa vì sợ hãi:
“Bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26).
Như thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái chết của Thầy.
Đời sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió,
nhưng là bình an giữa những sóng gió.
“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.
Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Bình an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu.
“Trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng
nhờ Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37).
Đức Giêsu nhìn nhận thế gian có khả năng ban cho chúng ta bình an.
Nhưng Ngài phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài.
Chúng ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự vững bền mong manh
của tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không?
Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong mỗi Thánh lễ
có thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta không?
Cầu nguyện:
Giữa những ồn ào của đám đông,
giữa những sôi nổi của thành công
và ê chề của thất bại,
xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng,
giữa những khát khao thèm muốn
và những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó,
trầm lắng và bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG NĂM
Di Sản Của Chúng Ta
Đức Kitô nói với các
Tông Đồ về Chúa Thánh Thần: “Ngài sẽ dạy cho anh em mọi sự và sẽ nhắc anh em nhớ
lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em.” Giáo huấn tông truyền của Giáo Hội
luôn luôn bắt rễ trong sự hiện diện năng động của Thần Khí sự thật. Chính Thánh
Thần bảo đảm cho chân lý của Tin Mừng. Ngài canh giữ để đảm bảo rằng Giáo Hội sẽ
chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ khác tất cả những gì Giáo Hội đã nghe được
từ Đức Kitô.
Trong vai trò bảo vệ
và hướng dẫn sự phát triển của truyền thống, Chúa Thánh Thần chính là nguồn mặc
khải vô hình đối với Giáo Hội. Ngài sẽ “nhắc cho anh em nhớ” – như lời Đức
Giêsu nói. Truyền thống là di sản của chúng ta. Truyền thống là “sự nhớ lại” tất
cả những gì Đức Kitô đã nói với Giáo Hội: đó chính là toàn bộ di sản mặc khải
và đức tin.
“Thánh Truyền và Thánh
Kinh gắn bó mật thiết với nhau và liên lạc với nhau. Cả hai đều xuất phát từ
cùng một nguồn mạch thần linh, vì thế – một cách nào đó – cả hai nối kết với
nhau để tạo thành một thực thể và chuyển động về cùng một mục đích” (Hiến Chế
MK 9). Trong Truyền Thống và trong Thánh Kinh, chúng ta gặp thấy sự hiện diện của
Đức Kitô, vị Mục Tử Tốt Lành – một sự hiện diện xuyên suốt bao thế kỷ.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 21/5
Thánh Christôphôrô
Magallances, linh mục
và các bạn tử đạo
Cv 14, 19-28; Ga
14, 27-31.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy không
còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó
không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xãy ra là để cho thế gian biết rằng
Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”
Tin Mừng hôm nay cho người Kitô hữu thấy “Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là nghe Lời
Chúa Cha trong vâng phục và là của lễ dâng hiến Chúa Cha: “Con Thiên Chúa, Đấng
từ trời xuống, không phải để làm theo ý Người, nhưng là để làm theo ý Đấng đã
sai Người. Khi vào trần gian, Người nói: ‘ Lạy Thiên Chúa này Con đây, con đến
để thực thi ý Ngài’ ; theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Chúa Giêsu Kitô
đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, một lần cho mãi mãi’ (Dt 10,5-19). Ngay từ
phút đầu tiên Người nhập thể. Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa trong sứ vụ cứu chuộc của mình và hoàn tất công trình của Ngai.(GL số 606)
Lạy Chúa Giêsu. Hy lễ của Chúa làm của lễ đền tội lỗi cho toàn thể nhân loại,
là một diễn tả sâu đậm về lòng yêu mến Chúa Cha và làm theo ý Chúa Cha. Xin cho
chúng con khi nhận lãnh đặc ân tha thứ của Chúa luôn biết sống vâng phục với bất
cứ hoàn cảnh khó khăn nào mà mình đang gặp phải để đền tội lỗi riêng cho chính
mình.
Mạnh Phương
21 Tháng Năm
Ðôi Cánh Con Tuấn Mã
Hai người bạn thân
ngồi bên nhau dưới một bóng cây cổ thụ. Cả hai đều đưa mắt nhìn về cánh đồng
trước mặt, nhưng mỗi người một ý nghĩ.
Người có dáng vẻ đầy
nghị lực, cái nhìn cương quyết, thốt lên như sau: “Một cảnh vật phẳng lặng và độc
điệu như thế này quả thực là nhàm chán. Tôi sẽ rời bỏ ngôi làng nhỏ bé này để
làm một vòng du lịch cho biết đó biết đây”.
Người bạn khác với
dáng điệu mảnh khảnh ít nói, mỉm cười nhìn vào phong cảnh xung quanh rồi nói:
“Tôi cũng có một con tuấn mã. Từ bao lâu nay, tôi đã đi lại không biết bao
nhiêu nơi rồi”.
Hai người chia tay
nhau và hẹn cũng gặp lại dưới bóng cây cổ thụ để kể cho nhau nghe những cuộc du
lịch của mình.
Sau một năm, họ lại
gặp nhau… người thứ nhất kể chuyện: “Trong một năm qua, hầu như nơi nào tỗimcung
đã đặt chân đến. Tôi đã đi xuống biển, lên ngàn, vượt đèo, qua suối. Tôi đã gặp
không biết bao nhiêu người. Tôi đã học được bí quyết kiếm được nhiều tiền… Giờ
đây, tôi trở nên giàu có. Tôi sẽ tiếp tục đi du lịch… Còn bạn, bạn đã đi được
nơi nào trong suốt năm qua?”.
Người bạn chưa từng
rời bỏ ngôi làng của mình đã trả lời: “Tôi đã lên trời, tôi đã bay lượn trên
các tầng mây. Tôi đã đến đô thị của mặt trời”. Nghe thế, người kia thắc mắc:
“Phải chăng con tuấn mã của anh bay được?”. Con người có tâm hồn thi sĩ trả lời:
“Ðúng thế, con ngựa của tôi có đôi cánh. Nó đưa tôi lên tất cả những nơi nào
tôi muốn. Mắt tôi nhìn thấy được muôn kỳ công của vũ trụ. tai tôi nghe được
muôn điệu nhạc của thiên nhiên… Ðối với anh, sự giàu có nằm trong của cải vàng
bạc. Nhưng đối với tôi, của cải chính là đôi mắt của tâm hồn tôi. Cho dẫu một
năm qua, tôi chỉ ngồi dưới bóng cây cổ thụ này, cho dẫu quang cảnh trước mặt
tôi chỉ là cánh đồng phẳng lặng này, nhưng tâm hồn tôi nhìn thấy muôn nghìn cảnh
đẹp của thiên nhiên, tai tôi có thể nghe được bao nhiêu điệu nhạc của thiên
nhiên mà anh không thể nghe được”.
Người có tâm hồn nghệ
sĩ có những rung cảm mà người khác không có. họ nhìn thấy, họ lắng nghe được những
điều mà người khác không cảm nhận được. Cũng thế, người có đôi mắt Ðức tin cod
thể nhìn thấy các giá trị mà người khác không nhìn thấy. Ðôi mắt Ðức tin giúp
chúng ta cảm nhận được sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong vũ trụ,
trong lịch sử, trong con người. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được giá
trị của cuộc sống độc điệu, của những hy sinh âm thầm hằng ngày. Ðôi mắt Ðức
tin ấy giúp chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan trong những điều người đời cho là
điên dại, sức mạnh trong những cái yếu đuối. Ðức tin ấy giúp chúng ta nhìn thấy
ánh sáng trong tăm tối, sự sống trong cái chết, ân sủng trong tội lỗi.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét