Trang

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

5.000 km đi bộ, tạ ơn Chúa


5.000 km đi bộ, tạ ơn Chúa
Guillemette và Camille, ngón tay chỉ Giêrusalem trên bản đồ, khi họ đến thành Thánh

Vatican News khởi động một loạt bài không liên tục kể những câu chuyện bình thường hay lạ thường hiện tại diễn tả niềm tin trong cuộc sống của những người bước theo Chúa. Bài đầu tiên, chúng tôi xin gởi đến quý vị câu chuyện của hai cô gái người Pháp, Camille và Guillemette, đi bộ hơn 7 tháng (10/9/2018 – 13/4/2019), từ Paris đến Giêrusalem với quảng đường hơn 5000km và không mang tiền trong túi. Đây là một cuộc hành hương tìm kiếm Thiên Chúa, được thực hiện từ những cuộc gặp gỡ, khám phá về người khác và về chính mình.
Văn Yên, SJ - Câu chuyện của Jean Charles Putzolu – Jerusalem
Cuộc phiêu lưu bắt đầu ở Paris. Từ năm 14 tuổi, Camille Desveaux đã có dự định này trong đầu, nhưng ước mơ vẫn giữ kín, cô chưa kể với bất kỳ ai. Ba năm trước, cô đã quyết định và tiết lộ ý định của mình với bố mẹ. Cô không tốn nhiều thời gian để thuyết phục bố mẹ, nhưng thời gian vẫn còn dài mới lên đường. Trong cùng thời gian đó, Camille đã gặp Guillemette de Nortbecourt tại trường đại học. Hai cô gái khá hợp nhau nhờ tình bạn. Camille không nói gì với người bạn về ý định của mình cho đến khi học xong. Hai cô gái đã thuê chung phòng trọ. Khi Camille nói với Guillemette về ý định đi Giêrusalem của mình và chuẩn bị lên đường, thì Guillemette nhận ra mình cũng đang tìm kiếm điều tương tự: “Trong cùng thời gian đó, tôi cũng đang tìm kiếm điều gì tuyệt đối. Tôi khát mong Thiên Chúa. Camille thật là một sự quan phòng”. Ý tưởng về cuộc đi bộ hành hương được sáng tỏ nhờ một linh mục, Don Louis Hervé Guiny: “đối với Camille, không có gì nghi ngờ về cuộc tìm kiếm thiêng liêng của cô, nhưng cô chưa nghĩ là dự định này dành cho hai người. Họ mất một tuần để suy ngẫm. Cuối cùng, họ quyết định và lên đường.


Thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà Paris 10/9/2018 - ngày họ lên đường

Nhà thờ Đức Bà Paris
Thứ Hai ngày 10 tháng 9 năm 2018, lúc 8 giờ sáng. Họ xin một linh mục bạn của họ, người đã đồng hành thiêng liêng với sáng kiến ​​này, dâng cho họ một thánh lễ để lên đường. Có sự hiện diện của các gia đình, ba chị em của Camille và bốn trong số mười anh chị em của Guillemette. Kết thúc Thánh lễ, trước ánh mắt cảm động và có phần lo lắng của gia đình, họ đã lên đường.
Họ đã đi không xa Paris trong 4 ngày đầu tiên. Đây là những chặng đã được lên kế hoạch, ở tại nhà của bạn bè và người quen. Họ chưa nhận ra điều gì sẽ xảy đến trong cuộc phiêu lưu này. Vào buổi sáng ngày thứ năm, họ bắt đầu lao vào những điều chưa từng biết. Họ không biết tối sẽ ngủ ở đâu và thậm chí họ không có lấy nửa Euro trong túi. Guillemette nói: “Đó là một chọn lựa hợp lý, chúng tôi muốn tự tước bỏ mọi thứ và để cho mình được theo ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì chính Ngài là Đấng đã làm lên hành trình này”. Đến một ngôi làng nhỏ ở vùng Loiret, họ thấy một pháo đài. Họ nghĩ: “Chắc có đầy phòng trống” và họ đã bước vào.


Camille cùng với Veronica, người xa lạ đầu tiên mở cửa cho họ vào nhà

Nỗi nhục hành khất
Họ chỉ mới ở ngày thứ năm. Đây là lần đầu tiên họ cầu xin lòng hiếu khách từ một người chưa từng quen biết. Họ bị từ chối; lịch sự, nhưng bị từ chối. Họ nhận ra rằng thật nhục nhã khi phải cầu xin. Nhưng họ quyết tâm và không hề nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Họ đã gõ một cánh cửa khác và gặp được một trái tim rộng mở. Camille kể: “Chúng tôi đã học được rất nhiều từ những cuộc gặp gỡ này. Chúng tôi rất ngạc nhiên bởi lòng tốt phi thường của những con người này. Đôi khi nó giống như được giấu từ đáy lòng và có cơ hội thoát ra”. Chị Veronica là người mở cửa đón tiếp họ. Hơn thế, chị đã để nhà lại cho hai cô gái, vì chị có chương trình đi xem một vở kịch. Camille và Guillemette yên giấc qua đêm. Sáng hôm sau, vào bữa sáng, họ dành ít thời gian để hiểu hơn về người phụ nữ. Đây là lần đầu tiên trong loạt các liên hệ... Một buổi tối, sau khi băng qua Thụy Sĩ, dãy núi Alps của Ý, Slovenia và Croatia đến Bosnia và Herzegovina, tại đây họ được đón tiếp bởi ông Pierre, một người Serbia 80 tuổi và một đời làm việc trên đôi vai. Ông không biết ngoại ngữ. Con gái Slavica của ông biết một vài từ tiếng Anh, đủ để hiểu nhau và để ông Pierre chấp nhận cho hai cô gái ở nhờ. Camille kể: “Ông ấy cho chúng tôi một chiếc giường đơn. Sáng hôm sau, khi chúng tôi thức dậy, chúng tôi nhận ra rằng ông ấy đã ngủ trên đi văng và nhường giường chúng tôi. Tôi không biết liệu mình có thể làm như vậy không.”


Những bước đầu tiên trên tuyết tại Bosnia Herzegovina

Mùa đông Balkan
Cha của Guillemette, một quân nhân, đã cảnh báo hai cô gái về sự khắc nghiệt của mùa đông ở Balkan. Một điều ngoại lệ, trong khoảng thời gian họ hành hương giữa tháng 11 năm 2018 đến tháng 2 năm 2019, nhiệt độ khá ôn hòa: không bao giờ dưới -12OC và cùng với điều này, những cảnh quan diệu kỳ nối tiếp nhau. Guillemette nói: “Ví dụ, ở Bulgaria, chúng tôi đã trải qua một ngày với đôi chân trong tuyết và đầu trần dưới ánh mặt trời. Cảnh quan trước mắt không thể không thúc đẩy chúng tôi chiêm ngưỡng và tạ ơn Thiên Chúa”.


Cùng với vợ của Rustem, trưởng làng Kocahidir, Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ
Sự khác biệt về văn hóa có thể gây ra vấn đề cho hai cô gái đơn độc, chỉ mang theo chiếc balô 10 ký và một đôi giày tốt. Họ không bị tấn công, chưa bao giờ lo lắng về sự an toàn nhưng họ phải chịu những cái nhìn của những đàn ông. Hai cô gái đơn độc có thể bị hiểu lầm. Guillemette nói: “Họ bắt chúng tôi đi đến chỗ làm gái mại dâm, nên chúng tôi đã phải thay đổi cách tiếp cận và không cười với tất cả những người chúng tôi gặp.” Đây là một trong những khoảnh khắc đen tối nhất trong sử thi của họ. Nhưng ngay cả ở Thổ Nhĩ Kỳ, họ cũng nhận được một sự quảng đại phi thường.


Tại Samaila, Serbia, nơi "giáo hoàng" đã đón tiếp hai cô vào đêm vọng Giáng Sinh

Những nhà thờ, một nơi chào đón
Hơn một lần các nhà thờ không nhận họ. Nhưng điều đó nhỏ khi so sánh với sự đón tiếp họ nhận được từ các nhà thờ Công giáo ở Pháp và ở Ý, nhà thờ Công giáo và Tin lành ở Thụy Sĩ và sau đó là các nhà thờ Chính thống trong suốt hành trình của họ. “Mỗi lần, tại các giáo xứ, chúng tôi thực sự sống văn hóa hiếu khách”. Từ Serbia đến Hy Lạp, khi rào cản ngôn ngữ không thể vượt qua và người ta không đón tiếp họ cách cá nhân, thì một số giáo trưởng Chính thống giáo đã viết cho họ thư giới thiệu để giải thích hành trình của họ: những lá thư này là một giấy thông hành thực sự.
Ngay cả trong các làng Hồi giáo họ cũng nhận được sự chào đón. Gần như hai cô luôn luôn gõ cửa vị trưởng làng trước, rồi sau đó người ta đón tiếp hai cô, cho thức ăn và chỗ trọ ở nhà của họ hoặc của một người khác trong cộng đồng. Trải qua 248 đêm hành hương họ không bao giờ phải ngủ ngoài trời.


Nghỉ chân tại Sülekler, Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với một gia đình đang chẻ củi

Tình con người ở tất cả các làng
Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc phiêu lưu của họ. Camille và Guillemette chỉ có một điện thoại thông minh, chỉ để gửi một vài tin nhắn cho cha mẹ, để trấn an họ. Các cuộc gặp gỡ nối tiếp nhau, danh sách liên lạc trong điện thoại của họ càng dài hơn và những liên hệ kết nối với những người đã từng gặp lại trở nên nguồn nâng đỡ hàng ngày cho họ. Guillemette nói: “Cả đợt bom tin nhắn. Những người này đã chào đón chúng tôi và chúng tôi phải trả lời. Chúng tôi trả lời dù đôi khi khá tốn thời gian. Và khi chúng tôi hơi nhụt chí thì những tin nhắn của những người này giúp chúng tôi thêm can đảm”. Mỗi tối họ kể về hành trình của họ cho những người đón tiếp họ. “Sáng nào chúng tôi rời đi cũng trễ hơn một giờ so với chương trình: một tình bạn mới giữ chúng tôi lại và chúng tôi tiếp tục trò chuyện. Chúng tôi đã gặp những con người khác thường”, Camille nói với đôi mắt vẫn còn đong đầy những kỷ niệm khó quên. Họ có hàng trăm bức ảnh về những lần gặp gỡ này và họ có thể kể về tất những người trong hình, không quên một ai.


Những ngày dài bước đi vượt qua các cánh đồng và con đường

Khám phá chính mình
Lên đường với một người bạn và trải qua cùng nhau 24 giờ mỗi ngày trong 7 tháng đồng nghĩa với việc sẽ có những điểm rạn nứt. Kể từ khi họ lên đường, vào ngày 10 tháng 9, họ đã có cơ hội biết về nhau nhiều hơn: khám phá chính mình và người bạn. Guillemette thừa nhận: “Tôi nhận ra là mình tự cao”. Điều này đôi khi đã gây ra căng thẳng giữa họ: “Chúng tôi đã cãi nhau, nhưng toàn vì những chuyện nhỏ nhặt”. Camille nhớ lại một trong những lần tranh cãi lớn nhất và cũng buồn cười nhất – đó là lúc họ đang ở Ý: “Chúng tôi phải quyết định nên lội qua một con sông hay đi qua cây cầu. Nước sông không sâu nhưng đúng là không nhìn thấy đáy. Và có một người Ý khuyên chúng tôi đi qua cầu”. Vì cây cầu cách đó hai cây số và Camille thì không muốn đi đường vòng; trong khi Guillemette khăng khăng phải đi qua cầu, bởi vì như thế có vẻ khôn ngoan và sáng suốt hơn. Kể lại câu chuyện này họ vẫn còn tức cười, họ nhận ra rằng, cuộc tranh luận của họ hoàn toàn vô nghĩa. Họ đã cãi nhau nhiều lần, hầu như vào những lúc mệt và xuống tinh thần... Họ đã vượt qua những thử thách này và đến hôm nay họ không thể tách rời nhau.


Những ngọn núi ở Thổ Nhĩ Kỳ

Gần đất thánh
Rời Serbia và trước khi vào Thổ Nhĩ Kỳ, họ đi qua Bulgaria. Từ khi mới rời Paris, họ biết là Syria đang trong chiến tranh, không thể băng qua được. Họ phải ngắt đoạn hành trình này bằng cách đi máy bay. Họ đã rời Antalya để đến Cộng hòa Bắc Síp, một phần của hòn đảo không được cộng đồng quốc tế công nhận và do người Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Sau đó, họ lại lên đường để đi qua đảo và tiếp tục nghi thức của mình: gõ cửa và cầu xin lòng hiếu khách. Từ Larnaka, đi máy bay trực tiếp đến Tel Aviv, cách Giêrusalem 40 km: mục đích mà từ bảy tháng trước đã toả sáng nơi tâm khảm của họ, nay đang ở trong tầm tay. Họ được khuyên là nên đến thành thánh từ Núi Ô-liu ở phía đông. Họ không ngần ngại đi bộ thêm một vài ngày nữa và quyết định đi vòng quanh Giêrusalem, từ phía nam. Họ đến Bêlem. Hành trình của họ mang đầy ý nghĩa với việc đổi hướng này. Sống lại cuộc đời của Chúa Kitô. Họ đã rời Paris chỉ vì cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu.


Nhìn thấy Giêrusalem

Giêrusalem
Camille và Guillemette đã trải qua 215 ngày đi bộ, trung bình từ 25 đến 35 km mỗi ngày, bây giờ họ cho phép mình nghỉ vài ngày để hồi phục. Đường lên đỉnh Núi Cây Ô-liu từ phía đông không xa lắm nhưng đường dốc làm mệt. Họ vẫn chưa nhìn thấy Giêrusalem nhưng đã chuẩn bị tinh thần nhiều tuần để nhìn xem cảnh tượng đầu tiên này. Cả hai người đều chưa từng đến Thánh địa. Họ đến từ nhà nguyện Chúa Thăng Thiên, trên đỉnh Núi Cây Ô-liu, đi qua đền thờ Hồi giáo, sau đó là nhà thờ Kinh Lạy Cha, và trước mặt họ là những gì họ đã mong chờ trong 7 tháng. Khung cảnh Giêrusalem thật tráng lệ. Ở tầng đầu tiên là Lăng Omar trên Núi Đền, một khu vực khổng lồ, chỉ riêng nó chiếm hết một phần sáu Thành phố Cổ. Họ dừng lại một lúc và kêu lên: “Cuối cùng cũng đã đến!” Họ bắt đầu đi xuống hướng về Giêrusalem, họ dừng lại ở vườn Giếtsêmani, họ cầu nguyện ở mộ của Đức Mẹ, ngay bên cạnh hang Giếtsêmani, nơi Chúa Giêsu đã cùng với các môn đệ cầu nguyện và sau đó Ngài bị phản bội và bị bắt. Họ tiếp tục đi vào Thành Cổ, đi qua Suk, qua Via Dolorosa đến Mộ Thánh, rồi đi ra ở Cổng Hêrôđê, và cuối cùng đặt balô xuống tại Trường Kinh Thánh. Các tu sĩ Đa Minh đã dành cho họ một sự đón tiếp nồng hậu. Đó là ngày 13 tháng 4 năm 2019. Họ đã đi bộ 5.000 km, tạ ơn Chúa: bây giờ họ có thể nghỉ ngơi.
Trong vườn của Trường Kinh Thánh, họ sẽ ngủ trong một chiếc lều mà các tu sĩ Đa Minh đã dựng cho họ. Họ cười ... Kể từ khi rời Paris, họ chưa bao giờ ngủ “ngoài trời”. Các tu sĩ dòng Đa Minh đã đón tiếp họ 10 ngày. Họ hạnh phúc, niềm vui của họ cũng được lây lan.


Con đường đi từ Paris đến Giêrusalem

Cuộc sống phía trước
Họ chưa bao giờ thực sự lo lắng về điều đó, vì họ đặt mình vào sự Quang phòng, từ Paris đến Giêrusalem. Họ muốn “vun đắp” sự gần gũi này với Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Ở Paris, khi hoàn thành chương trình đại học, họ đã tìm được việc làm. Camille đã làm việc trong hoạt động gây quỹ ở châu Âu để hỗ trợ các dự án của các công ty Pháp. Guillemette đã là một y tá trong Hiệp hội Perce-Neige phục vụ cho những người khuyết tật nghiêm trọng, chẳng hạn như hội chứng giữ nguyên thế. Để thực hiện chuyến hành hương này, họ đã bỏ công việc và không biết sẽ làm gì khi trở về lại Pháp, nhưng chắc chắn biết những gì họ sẽ không làm: cuộc sống của họ sẽ không tiếp tục nếu không có Chúa. Chuyến hành hương sẽ khơi dậy nơi họ một ơn gọi? Cũng không loại trừ khả thể đó. Camille nói: “Tôi thường nghĩ về ông Pierre, người Serbia 80 tuổi, người đã nhường cho chúng tôi chiếc giường của ông. Tôi cố gắng dự phóng cho mình một vài năm và tôi mong mình có thể có một sự quảng đại tuyệt vời như vậy”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét