Trang

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Đức Thánh Cha: Hãy phục vụ nhưng không như Thiên Chúa đã trao ban nhưng không


Đức Thánh Cha: Hãy phục vụ nhưng không như Thiên Chúa đã trao ban nhưng không

Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ tương quan của người Kitô hữu với Thiên Chúa là tương quan nhưng không và ngài mời gọi hãy mở con tim mình để lãnh nhận ân sủng, chứ đừng sa vào lối sống “trả treo”.
Trần Đỉnh, SJ - Vatican News
Hãy cho đi nhưng không điều anh em đã được Thiên Chúa ban nhưng không. Trong bài giảng thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh về tính nhưng không của Thiên Chúa, và lời kêu gọi phục vụ anh chị em mình như Thiên Chúa đã làm đối với chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta mở rộng con tim để ân sủng đến với chúng ta bởi ân sủng không phải là thứ có thể đạt được. Ân sủng để phục vụ dân Chúa, chứ không để sử dụng hay lạm dụng.
Ơn gọi để phục vụ, chứ không phải để tận dụng
Đoạn Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay nói về sứ mạng của các tông đồ, sứ mạng của mỗi người Kitô hữu chúng ta khi được sai đi. Kitô hữu không thể đứng yên tại chỗ, cuộc đời Kitô hữu là luôn lên đường, luôn lữ hành. Anh em hãy ra các nẻo đường, hãy rao giảng rằng Nước Trời đã gần đến. Hãy chữa lành những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Đây là sứ mạng và là một phần của cuộc đời phục vụ.
Đời Kitô hữu là để phục vụ. Thật buồn khi chúng ta thấy những Kitô hữu, khi mới hoán cải và nhận thức về việc trở nên những Kitô hữu, họ phục vụ và luôn mở ra để phục vụ dân Chúa, nhưng sau đó họ sử dụng dân Chúa. Điều này gây tổn hại rất nhiều. Ơn gọi là để phục vụ, chứ không phải để tận dụng hay lạm dụng.
Hãy mở rộng con tim
Cuộc đời Kitô hữu là cuộc đời của sự nhưng không. Trong đoạn Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu đi tới cốt tuỷ của ơn cứu độ: anh em đã nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không. Ơn cứu độ không thể mua bán, nhưng được trao tặng cách nhưng không cho chúng ta vì chính Thiên Chúa cứu độ chúng ta cách nhưng không và không đòi buộc chúng ta phải trả gì cả. Vì thế, Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta thế nào, chúng ta cũng phải đối xử với người khác như vậy.
Hãy biết rằng Thiên Chúa có dư tràn ân sủng để ban cho chúng ta. Ngài chỉ yêu cầu ta một điều: con tim biết mở ra. Khi chúng ta thưa lên “lạy Cha chúng con” và cầu nguyện, chúng ta mở con tim mình, và để sự nhưng không ấy đi vào. Không có tương quan với Thiên Chúa ở bên ngoài tính nhưng không ấy.
Nhiều lần khi chúng ta cần một ơn thiêng liêng nào đó, chúng ta thưa lên: bây giờ con sẽ ăn năn, sám hối và cầu nguyện… Tốt lắm, nhưng các bạn hãy để ý: điều ấy không phải là giá trả để có được ân sủng. Chúng ta làm điều ấy là để con tim mình mở ra và để ân sủng đi vào. Ân sủng luôn miễn phí.
Tất cả phúc lành của Thiên Chúa đều nhưng không. Vấn đề ở đây là con tim của chúng ta co cụm, đóng kín, và vì thế, không biết đón nhận tình yêu nhưng không mà thôi. Đừng mặc cả với Thiên Chúa, đừng làm thương mại với Người.
Hãy cho đi nhưng không
Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với các vị mục tử trong Giáo Hội. Thật là buồn khi người ta thấy các mục tử làm thương mại bằng ân sủng của Thiên Chúa. Tôi sẽ làm điều này, nhưng giá cao lắm,… Ân sủng của Thiên Chúa nhưng không, và bạn phải trao ban cách nhưng không.
Trong đời sống thiêng liêng của mình, chúng ta luôn có nguy cơ sa vào vấn đề trả công hay thưởng phạt. Chúng ta thưa cùng Chúa như thể chúng ta muốn đưa hối lộ với Chúa vậy. Lạy Chúa nếu Chúa làm cho con điều này, con sẽ làm điều kia cho Chúa.
Đừng. Tôi thực hiện lời hứa này, nhưng việc làm ấy giúp mở con tim để tôi đón nhận điều đã có sẵn ở đó và chờ trao tặng nhưng không cho tôi. Tương quan nhưng không với Thiên Chúa là điều sẽ giúp chúng ta tương quan với người khác, trong đời sống chứng tá, trong việc phục vụ của người Kitô hữu, và trong đời sống mục vụ của các vị chủ chăn.
Đời sống của người Kitô hữu là bước đi, rao giảng, phục vụ, chứ không tận dụng hay lạm dụng. Hãy phục vụ và trao ban nhưng không những gì đã được nhận nhưng không. Ước gì chúng ta biết mở rộng con tim cho ân sủng nhưng không của Thiên Chúa bước vào. Người muốn trao tặng nó và ước gì nó có thể đến với con tim của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét