Trang

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

29-10-2019 : THỨ BA - TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN


29/10/2019
 Thứ Ba tuần 30 thường niên

BÀI ĐỌC I:    Rm 8, 18-25
“Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Đấng đã bắt chúng phải tùng phục, với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.
Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta nữa, là những kẻ đã được hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa và ơn cứu độ thân xác chúng ta.
Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ. Nhưng hễ nhìn thấy điều mình hy vọng thì không phải là hy vọng nữa. Vì ai đã thấy điều gì rồi, đâu còn hy vọng nó nữa? Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không trông thấy, chúng ta sẽ kiên tâm trông đợi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
A+B=Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi (c. 3a).
A=Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
B=Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
A=Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của tôi, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.
B=Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.
A+B=Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi (c. 3a).

ALLELUIA: Tv 118, 34
-Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 13, 18-21
“Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.
Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”. Đó là lời Chúa.


Suy niệm
Ngây ngất trước vẻ đẹp của tạo thành, thánh vịnh gia tự hỏi: Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8:4-5)
Biết bao lần chúng ta ngây ngất trước cảnh đẹp của tạo thành, khi chiêm ngắm bầu trời đầy sao ban đêm, khi ngồi bên bờ một dòng sông hiu hiu gió thổi, say đắm nhìn một buổi hoàng hôn hay một chiếc cầu vồng, hay ngắm nhìn bày trẻ con cùng nhau chơi đùa hạnh phúc, không phân biệt màu da, chủng tộc hay giai cấp xã hội? Biết bao lần chúng ta tự hỏi mình: tại sao mà cái thế giới kỳ diệu này, cái thế giới tiếp nhận và chăm sóc chúng ta chỉ trong một thời kỳ ngắn, mà lại phải chịu cảnh bạo hành trong bàn tay chúng ta? Tại sao chúng ta không thể sống trong hòa bình và hòa hợp, biến ngôi nhà chung của chúng ta thành một tổ ấm để cùng nhau chung sống trong tình huynh đệ, một nơi ở dễ chịu cho mọi người? Các kế hoạch của loài người thật quá vô lý!
Trong bài đọc trích Thư gửi các tín hữu Rôma hôm nay, Thánh Phaolô có vẻ chỉ cho chúng ta thấy một sợi dây mầu nhiệm nối kết loài người với mọi loài thụ tạo khác, một sợi dây liên kết làm cho loài người trở thành phát ngôn viên của toàn thể công trình tạo dựng của Thiên Chúa, và cũng là người chăm sóc nó. Toàn thể vũ trụ tìm thấy nơi loài người sự ý thức của nó và qua loài người làm cho nó được biết đến và dần dần tỏ lộ vô vàn những bí mật rực rỡ của nó. Thánh Tông Đồ dựa vào truyền thống lâu đời của Kinh Thánh nhìn loài người như là người diễn giải lời ca ngợi mà mọi tạo vật dâng lên Chúa của nó, thế giới tự nhiên, các sinh vật, và mọi yếu tố của toàn thế giới, trong đó có thời gian và không gian.
Các tác giả Kinh Thánh, những người nam người nữ nối tiếp nhau qua các thế kỷ, đã sử dụng nhiều hình thức văn chương khác nhau để nói về thế giới và các tạo vật của thế giới, được biết đến vào thời của họ, lẽ dĩ nhiên. Họ diễn tả một cách thi vị, bằng những bài thánh vịnh và thánh thi, những bài thánh ca và vinh tụng ca, những kiểu nhân cách hóa và những câu chuyện, nhưng luôn luôn bằng một cái nhìn của đức tin, với sự kinh ngạc và biết ơn vì sự tốt lành của mọi sự mà Thiên Chúa đã dựng nên qua quyền năng của Lời Người. Vì lý do này, mọi tạo vật được in dấu ấn bằng Lời của Đấng Tạo Hóa và biểu lộ một chút của vinh quang Thiên Chúa và vẻ đẹp vô hạn của vinh quang ấy, một chút của tình yêu dịu dàng và thơ ngây, một chút của sự khôn ngoan và thông minh, nó thấm nhuần toàn thể vũ trụ, kết hợp vũ trụ một cách hài hòa trong một bản giao hưởng của sự sống muôn hình vạn trạng!
Nhưng hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa chưa kết thúc, vì Cha là Đấng Tạo Hóa không bao giờ thôi hiện diện trong vũ trụ và trong lịch sử loài người, ban sự sống và niềm hi vọng, hướng dẫn số phận của các dân tộc và chuẩn bị cho họ một tương lai huy hoàng, một thế giới với trời mới và đất mới. Trong tất cả những sự kiện lớn của lịch sử Ítraen (lời hứa cho các tổ phụ, cuộc giải phóng khỏi Ai Cập, các vị vua, lời rao giảng của các ngôn sứ, cuộc lưu đày, cuộc hồi hương, niềm hi vọng thiên sai, việc học hỏi lời Thiên Chúa bởi các bậc hiền nhân), chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và sáng kiến của Người để làm cho các sự kiện này diễn ra. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng nước ân sủng của Thiên Chúa lưu chảy trong giòng sông lịch sử của nhân loại. Với tình yêu vô biên, khoa sư phạm hiền phụ, và sự dịu dàng hiền mẫu, Thiên Chúa từng bước mặc khải, qua các sự kiện và các lời nói của Người, kế hoạch cứu độ cho toàn thể tạo thành. Vì vậy Isaia mô tả niềm vui của vũ trụ trong cuộc giải phóng dân của Người: Hò reo lên, hỡi các tầng trời, Ðức Chúa đã ra tay. Tung hô đi nào, hỡi vực sâu lòng đất; vang tiếng hò reo, hỡi núi đồi, hỡi rừng sâu với mọi thứ thảo mộc! Vì Ðức Chúa đã chuộc Giacóp, đã tỏ vinh quang Người tại Ítraen. (Is 44:23)
Sự can thiệp giải phóng của Chúa làm nên lịch sử, bất chấp sự cứng lòng và nổi loạn của loài người, một lịch sử cứu độ chắc chắn sẽ thành công vì nó dựa vào tình thương muôn đời của Người, quyền năng vô biên của Người, và sự trung tín của Người. Đây là niềm hi vọng Kitô giáo chân chính.
Mặc dù loài người quay lưng lại với Thiên Chúa và muốn loại bỏ Người, tìm cách lấy chỗ của Thiên Chúa và chiếm hữu thế giới, gieo chiến tranh, thù hận và huỷ diệt trong một cố gắng liên tục muốn lấn lướt người khác, nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục hướng dẫn thế giới, thiết lập trật tự thay cho hỗn loạn, sự phong nhiêu thay cho cằn cỗi, tình hiệp thông thay cảnh cô đơn, và hiệp nhất thay cho chia rẽ. Thiên Chúa làm việc này bằng cách chọn những con người, soi sáng lòng họ, ban phát hồng ân và tài năng cho họ, và kiện cường nơi họ ý muốn làm điều tốt. Xuyên suốt lịch sử của họ, dân Thiên Chúa đã nuôi dưỡng sự tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và vào kế hoạch cứu rỗi của Người. Một lần nữa, chính ngôn sứ Isaia làm sống dậy niềm hi vọng này: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. (Is 65:17-18)
Bắt đầu với Mầu Nhiệm Vượt Qua, nơi bừng lên tất cả ánh sáng của quyền năng và tình thương trung thành của Thiên Chúa, Thánh Phaolô chiêm ngắm với niềm hi vọng sự kết thúc vinh quang của lịch sử, với sự tham dự của toàn thể tạo thành. Được gieo trong lòng chúng ta, chính sức năng động của Nước Thiên Chúa phát triển hướng tới sự hoàn thành này. Được hòa vào với nhân tính của chúng ta, chính men của Lời Chúa làm chúng ta hành động như một tạo thành mới. Thần Khí giúp chúng ta ước muốn, tích cực dấn thân, và kiên trì chờ đợi sự tỏ lộ vinh quang mà Thiên Chúa đã hứa cho con cái Người.
Trong Laudato Si’ (số 2), Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng Chị Trái Đất đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và sở hữu chủ, nên được quyền tận dụng. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8, 22). [Bản dịch của Linh mục Aug. Nguyễn Văn Trinh]
Một phê bình nghiêm túc và chủ động của Kitô giáo chống lại chủ nghĩa duy nhân, cướp quyền sáng tạo của Thiên Chúa, phá họai sự hiệp thông giữa người nam với người nữ và các mối quan hệ hòa bình giữa các cộng đồng con người và các dân tộc, là mối quan tâm thực sự trong Thông điệp của Đức Thánh Cha về tạo dựng. Nếu chỉ coi Thông điệp này như một lời mời gọi bảo vệ thiên nhiên và trái đất tức là hoàn toàn bỏ qua sức mạnh phê phán và xây dựng của nó, một sức mạnh phát xuất từ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, trung tâm của vũ trụ và lịch sử. Cuộc tái tạo mới mẻ công trình tạo dựng trong cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu chứng tỏ Thiên Chúa chăm sóc và yêu thích các công trình của Người biết bao, Người sẽ không bao giờ để cho nó rơi vào cảnh hư vô do sự phá họai của tội lỗi chúng ta.
Và nếu việc chiêm ngắm thiên nhiên làm chúng ta ngây ngất, thì chúng ta càng ngây ngất hơn khi chiêm ngắm câu chuyện về ơn cứu độ này, câu chuyện về một tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ chịu đầu hàng, một tình yêu chiến thắng tội lỗi chúng ta và làm chúng ta hoan hỉ ngợi ca: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! / Ta thấy mình chan chứa một niềm vui!” (Tv 126:3).
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 30 TN1, Năm lẻ
Bài đọcRom 8:18-25; Lk 13:18-21.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự liên hệ giữa con người và các tạo vật của Thiên Chúa
Nhiều tác giả của Kinh Thánh đã nhận ra sự liên hệ chặt chẽ giữa con người và các tạo vật trong vũ trụ. Theo tác giả của Sáng Thế Ký, Thiên Chúa dựng nên tất cả các tạo vật và trao chúng trong tay con người để điều khiển và sinh lợi ích cho con người (Gen 1:28). Lúc đầu, khi con người chưa phạm tội, các dã thú sống với con người mà không sợ hãi chi cả. Tiên-tri Isaiah thấy trước triều đại của Đấng Thiên Sai, khi các dã thú ở chung với nhau, trẻ thơ chơi giỡn với rắn hổ mang, và trẻ còn măng sữa thò tay vào hang rắn lục mà không sợ bị cắn (Isa 11:1-8). Tác giả của Thư Phêrô II và của Khải Huyền nói về "trời mới, đất mới" sẽ xuất hiện và triều đại của Thiên Chúa sẽ vô cùng vô tận cho những người công chính (2 Pet 3:13, Rev 21:1).
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên mối tương quan giữa con người và các tạo vật trong vũ trụ. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô diễn tả sự tương quan này bằng ảnh hưởng của tội lỗi con người trên các tạo vật, và bằng nỗi trông mong của các tạo vật được cùng chung hưởng vinh quang với con người, khi Thiên Chúa ban vinh quang cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Nước Trời như hạt cải và như nắm men. Hạt cải có thể trở thành cây lớn để mang lại bóng mát cho chim trời. Nắm men tuy nhỏ nhưng có thể làm dậy ba thúng bột lớn để mang lại của ăn ngon cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Muôn loài thọ tạo những trông mong đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang cho con cái Người.
1.1/ Các tạo vật cùng chung đau khổ với con người: Khi con người phạm tội, các tạo vật cùng chịu chung hậu quả, như khi Adam phạm tội, đất đai bị nguyền rủa (Gen 3:17); khi con người phạm tội trong thời Noah, mọi sinh vật đều chịu chung số phận với con người trong Lụt Hồng Thủy, trừ một số các sinh vật và gia đình Noah (Gen 6:5-8).
Hậu quả của tội là không chỉ con người phải chết, nhưng các sinh vật cũng cùng chịu chung số phận phải thoái hóa như con người. Sau trận Lụt Hồng Thủy, Thiên Chúa đã làm lại một giao ước với Noah và với tất cả các sinh vật" (Gen 9:12-13; cf. Psa 135). Phaolô xác tín sự liên hệ giữa các tạo vật của Thiên Chúa trong việc chia sẻ sự cứu chuộc của Đức Kitô cho con người: "Muôn loài thọ tạo những trông mong đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.''
1.2/ Các tạo vật cùng đang trông chờ để chung phần vinh quang với con người: Vì cùng chung phần đau khổ với con người, các tạo vật cũng mong được chung phần vinh quang với con người. Thánh Phaolô diễn tả nỗi trông mong này như sau: "Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa."
Người tín hữu đã được làm con Thiên Chúa, đã được nhận lãnh Thánh Thần như ân huệ mở đầu; giờ đây họ chỉ còn mong chờ ngày được lãnh nhận vinh quang mà Thiên Chúa đã hứa. Trong khi chờ đợi, họ phải bền chí trong đau khổ, và không bao giờ được mất niềm hy vọng, vì "những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta."
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban cho con người có tiềm năng làm cho Nước Chúa được mở rộng.
2.1/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình: Hạt cải bên Palestine không phải là hạt sinh rau cải, nhưng có thể trở thành cây lớn: Mấy điều chúng ta cần chú ý:
(1) Hạt cải bé nhỏ nhưng có tiềm năng thành cây lớn: Giống như một hạt cải bé nhỏ nhưng Thiên Chúa đã cho nó một tiềm năng để trở thành cây lớn; Nước Thiên Chúa cũng vậy, khởi sự từ một nhóm người Do-Thái bé nhỏ hay từ Nhóm Mười Hai, nay đã chiếm khỏang 1/5 dân số thế giới và vẫn còn đang tiếp tục lan rộng cho đến tận cùng trái đất.
(2) Hạt cải trước khi thành cây phải mục nát đi trước khi nẩy mậm và vươn thành cây lớn; nếu không nó sẽ trơ trọi một mình. Nước Thiên Chúa cũng thế: Để có thể lan rộng, cần có những người sẵn sàng chấp nhận đau khổ để cho Nước Chúa được mau đến.
(3) Khi thành cây, chim trời làm tổ trên cành được: Tiềm năng được ban cho để sinh lợi cho Thiên Chúa, chứ không ích kỷ giữ cho mình. Như cây cải cung cấp chỗ ở cho chim trời, con người cũng phải dùng ơn thánh Thiên Chúa ban để bảo vệ những người yếu ớt bé nhỏ, chứ không chỉ biết lo lắng cho mình. Nếu ai cũng chỉ biết vun xới cho mình thì Nước Thiên Chúa lan tràn thế nào được?
2.2/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột: Men là bột cũ được giữ lại để dùng làm bánh sau này; công dụng chính của men là làm dậy bột.
(1) Nắm men tuy bé nhỏ nhưng có tiềm năng làm nổi ba thúng bột: Giống như hạt cải bé nhỏ, Thiên Chúa cũng cho men một tiềm năng để làm dậy những khối bột lớn. Và cũng tương tự như thế về Nước Thiên Chúa.
(2) Con người phải chu tòan sứ vụ làm dậy men của mình bằng lời giảng và cuộc sống chứng nhân để mọi người trông thấy và tin vào Thiên Chúa. Người này làm men cho người khác và cứ như thế, Nước Thiên Chúa được mở rộng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta có mối liên hệ với các tạo vật chung quanh trong kế hoạch của Thiên Chúa; chúng ta phải biết xử dụng đúng đắn, và không được đối xử tàn tệ với các tạo vật Thiên Chúa dựng nên.
- Khi một người sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, và với các tạo vật chung quanh; các súc vật cũng nghe lời người ấy. Lịch sử các thánh là một minh chứng hùng hồn cho điều này như: thánh Phanxicô Asissi, Antôn Padua, và thánh Martin de Porres.
- Để giúp phát triển Nước Thiên Chúa, trước tiên chúng ta phải nhận ra những quà tặng Thiên Chúa ban và tiềm năng lớn lao có thể trở thành của chúng; thứ đến, chúng ta cần biết phát triển tiềm năng của những quà tặng này; sau cùng, phải biết dùng trong việc mang ích lợi cho bản thân và làm cho Nước Chúa mỗi ngày một mở rộng.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

29/10/2019 – THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21

NHỎ BÉ MÀ MẠNH MẼ
“Hạt cải lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” (Lc 18,19)

Suy niệm: “Nhỏ như hạt cải” là thành ngữ của người Do Thái, để chỉ những gì  bé nhỏ, không đáng kể. Chẳng hạn: Vết thương nhỏ như hạt cải là vết thương nhẹ, không nguy hiểm gì. Nước Trời được so sánh như hạt cải, nghĩa là Nước Trời có khởi đầu nhỏ bé, không là gì cả; thế nhưng, với thời gian, Nước Trời ấy tăng trưởng, lan rộng khắp thế giới, tựa như cây cải cao lớn chim trời đến làm tổ trên cây được. Điều quý giá nơi hạt giống bé nhỏ ấy chính là sức sống mãnh liệt bên trong, có thể lớn lên thành cây to cho chim trời đến núp bóng. Trên phương diện thiêng liêng, hạt giống nhỏ bé ấy cũng chính là đức tin của chúng ta. Hạt giống đức tin cũng xem ra rất nhỏ bé và lặng lẽ, nhưng nó có sức “chuyển núi dời non” (x. Mt 17,20) và đem lại cho con người những kho tàng còn quý giá hơn vàng bạc bội phần, đó là sự sống đời đời, điều mà mọi người -dù giàu hay nghèo- ai cũng khát khao kiếm tìm.
Mời Bạn: Bạn và tôi đều ý thức chúng mình còn yếu niềm tin và cần phải xin Chúa tăng thêm đức tin. Không sai. Nhưng bạn nên nhớ rằng còn có trách nhiệm đối với đức tin của người khác, nghĩa là bạn cần có sự nhạy bén để nhận ra vàø tích cực cộng tác để làm cho đức tin ấy không chỉ lớn lên trong bạn mà còn toả sáng đến với tha nhân.
Sống Lời Chúa: “Ai trung tín trong việc nhỏ thì trung tín trong việc lớn.” Tâm niệm như vậy để chúng ta xây dựng cây đức tin từ những việc nhỏ nhất của cuộc sống hằng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho đức tin của chúng con lớn bằng hạt cải, để chúng con đủ sức diễn tả tình yêu mạnh mẽ của Chúa nơi cuộc đời chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)

Lớn lên và trở thành (29.10.2019 – Thứ Ba Tuần 30 TN)
Suy niệm:


Hai dụ ngôn trên đây tỏ ra lạc quan và hy vọng.
Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu khai mở và loan báo.
Nước ấy cần có thời gian để lớn lên, để tác động trên con người.
Chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ rất tốt đẹp.


Một người đàn ông ném vào khu vườn của mình một hạt cải nhỏ bé.
Ông có ước mơ mong mỏi gì không?
Vậy mà theo thời gian, hạt cải ấy đã lớn lên và trở thành một cây.
Cây vững đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành của nó được (c. 19).
Đức Giêsu muốn làm nổi bật sự phát triển mạnh mẽ của Nước Trời.
“Lớn lên và trở thành” là một tiến trình do Thiên Chúa dẫn dắt.
Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Nước Trời vẫn cứ lớn lên,
để rồi sẽ là nơi trú ngụ cho nhiều người ở khắp nơi tìm đến.


Một phụ nữ lấy men và vùi nó vào một lượng bột rất lớn.
Men không nhiều, lại được vùi sâu, nên có vẻ như không hiện hữu.
Nhưng trong thực tế, men đã có đó rồi và đang tác động trên bột.
Với thời gian, men làm cả khối bột dậy men.
Bấy giờ sức biến đổi của men mới được mọi người nhận biết.
Khối bột lên men đã sẵn sàng trở nên những ổ bánh ngon lành.
Đức Giêsu làm nổi bật sức mạnh của Nước Thiên Chúa
trong việc biến đổi thế giới này từ bên trong.
Chính sự tiếp xúc trực tiếp, sự thâm nhập của men vào bột
đã tạo ra sự biến đổi kỳ diệu ấy.


Những lời giảng của Đức Giêsu đã vang lên từ hai mươi thế kỷ.
Nước Thiên Chúa đã được Ngài khai mở và vun trồng mãi đến nay.
Kitô giáo vẫn là một tôn giáo lớn, chiếm một phần ba dân số thế giới.
Nhưng có những lúc chúng ta có cảm tưởng như nó bị chựng lại.
Khi có nhiều nhà thờ phải bán đi vì không có người đi lễ Chúa nhật,
khi các chủng viện hay dòng tu trở nên vắng vẻ, già nua,
khi ở nhiều nơi số linh mục thiếu một cách trầm trọng,
khi tỷ lệ tăng của Kitô hữu không bằng với tỷ lệ tăng của dân số thế giới.
Kitô giáo có tương lai không? Kitô giáo có thể bị tàn lụi không?
Những câu hỏi đó làm nhiều người bận tâm và lo lắng.


Hai dụ ngôn của Đức Giêsu hôm nay đem lại cho ta niềm lạc quan.
Nhưng đó không phải là thứ lạc quan vô trách nhiệm.
Làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay,
đó không phải chỉ là chuyện của Thiên Chúa.
Đó là chuyện của từng Kitô hữu chúng ta.
Để hạt cải thành cây, cần một chút chăm bón.
Ai trong chúng ta cũng là một nhúm men nhỏ được vùi trong đống bột,
đống bột của trường học hay công ty, của một tập thể hay cộng đồng.
Làm sao để men của chúng ta tạo ra những tác dụng tốt?
Không cần phải làm những việc lớn lao để thay đổi bộ mặt thế giới.
Chỉ xin làm một nhúm men nhỏ để đến với những người tôi gặp hôm nay.


Cầu nguyện:


Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.


Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.


Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.


Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.


Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.


Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG MƯỜI
Để Thế Gian Tin Rằng Cha Đã Sai Con …
Sự hiệp nhất giữa các môn đệ Đức Kitô là một điều kiện để thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Hơn thế nữa, nó còn là một điều kiện để thực thi sứ mạng của chính Đức Kitô trong thế giới này. Nó là một điều kiện để rao giảng và củng cố cách hiệu quả đức tin của chúng ta vào Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con cũng cầu xin … cho những người sẽ tin vào con …để họ nên một trong chúng ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai con… Xin cho họ hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai con, và để họ nhận biết Cha yêu thương họ như Cha đã yêu con” (Ga 17, 20 – 23).
Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là điều thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì sự thành bại của việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào chứng tá sống của cộng đoàn Kitôhữu, chứ không chỉ là chuyện thuyết giảng Lời Chúa. Làm sao những người ngoài Kitô giáo có thể có thể bắt đầu tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, nếu họ không nhìn thấy các Kitô hữu yêu thương nhau? Tình yêu không thể được biểu lộ ra cũng không thể xuyên thấu vào trái tim con người ngoại trừ qua chứng tá hiệp nhất.
Vì thế trước hết chúng ta phải tha thiết khát vọng hiệp nhất. Chúng ta phải cầu xin ơn hiệp nhất. Ân huệ này, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, cũng đặt ra cho Giáo Hội một trách nhiệm đặc biệt trong đại gia đình nhân loại. Nói cách khác, Giáo Hội có trách nhiệm thúc đẩy việc đối thoại và thông cảm nhau giữa tất cả mọi người, để vãn hồi sự hiệp nhất và hòa bình cho thế giới vốn đang bị phân rẽ của chúng ta.
Ngày nay thế giới đầy dẫy những xung đột và căng thẳng. Các quốc gia bị phân rẽ giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, giữa bạn và thù. Và ngay bên trong các đường biên giới của mỗi quốc gia, người ta có thể nhìn thấy sự đối đầu nhau giữa các nhóm và các đảng phái: Những giành giựt xâu xé phát sinh từ các thành kiến và các ý thức hệ, từ những định chế cứng ngắt của các quốc gia, từ những rào cản về chủng tộc, và từ vô số yếu tố khác – chẳng có yếu tố nào trong đó xứng đáng với phẩm giá con người.
Chính trong thế giới phân rẽ này mà Giáo Hội hôm nay được mời gọi cổ võ cho sự hòa điệu và hòa bình.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 29/ 10
Rm 8, 18-25; Lc 13, 18-21.

LỜI SUY NIỆM: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
Mọi người đều biết, bột dậy cần phải có men. Khi men được vùi vào ba đấu bột, tuy nó nhỏ và ít nhưng lại làm thay đổi tính chất của cả ba đấu bột; nhìn về bên ngoài chúng ta không thấy được sự tác động của men trên bột, nhưng nó vẫn lặng lẽ âm thầm thực hiện chức năng của nó.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con đang sống trong một thời đại mà mọi cái xấu và sự dữ đang tung hoành khắp mọi nơi và mọi lãnh vực. Xin cho chúng con vững tin vào quyền năng của Chúa, tin Nước Thiên Chúa đang tác động trên mọi thụ tạo, đặc biệt đối với con người, để mai ngày Nước Chúa sẽ biến đổi tất cả trở thành tốt lành và thánh thiện.
Mạnh Phương

29 Tháng Mười
Các Ông Là Quái Vật
Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ  triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người. Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô. 
– Ông Giêsu Kitô là ai? 
Một người Kitô sẽ trả lời: 
– Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế. 
– Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta? 
– Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự. 
Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm: 
– Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như  ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác. Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện. Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc. 
Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối: 
– Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi. 
Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu: 
– Vậy thì các ông là những quái vật. 
Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật. 
Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự  sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao? 
Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình. 
Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ. 
Ước gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét