Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

25-01-2020 : THỨ BẢY - TUẦN II THƯỜNG NIÊN - THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI - LỄ KÍNH - MỒNG MỘT TẾT


25/01/2020
 Thứ Bảy tuần 2 thường niên
 THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI.
Lễ kính.
Kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất.
MỒNG MỘT TẾT CANH TÝ.
CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI.


TẾT NGUYÊN ĐÁN
THÁNH LỄ MINH NIÊN – MÙNG 1 TẾT
BÀI ĐỌC I:  St 1, 14-18
“Những vật sáng hãy trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng”.
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm. Và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất, và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9
Đáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).
1)  Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn loài tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?  – Đáp.
2)  Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bÄng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. – Đáp.
3)  Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở rừng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. – Đáp.

BÀI ĐỌC II: Pl 4, 4-8
“Chúa gần đến”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy.
Đó là lời Chúa.

ALLELUIA VÀ CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM (TV145:2)  Alleluia,Alleluia! -Trải qua mọi ngày, chúng con chúc tụng Chúa; và chúng con ca ngợi danh Chúa tới muôn đời. -Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 6, 25-34
“Các con chớ áy náy về ngày mai”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn, hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
Đó là lời Chúa.


LỜI CHÚC ĐẦU NĂM– Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Tết đến, lời chúc đầu năm mang nhiều ý nghĩa, và là biểu trưng thiêng liêng cho tình cảm giữa con người với nhau. Tết mang đến những gì mới mẻ, trẻ trung, sức sống, cho nên ai cũng muốn chúc Tết và được chúc Tết.
Ngày thường gặp nhau “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Người Việt lấy ứng xử nhân nghĩa ở đời làm thước đo văn hóa nên chào hỏi trở thành nghi lễ trong xã giao, và nó trở thành nét đẹp văn hóa đời thường. Lời chúc đầu năm thiêng liêng là lời hay ý đẹp dành tặng cho nhau.
Thi sĩ Bùi Nghiệp có bài thơ “Chúc Tết” ngũ phúc lâm môn.
Chẳng có món gì mừng tuổi nhau
Gọi là năm mới tết thêm màu
Thôi thì mượn chữ người xưa cũ
Mến chúc xuân này ngũ phúc sâu
Phước ngập gia đình lẫn tổ gia
Niềm vui trên dưới sống chan hòa
Ân tình nghĩa thiết luôn đằm thắm
Vắng mặt gần lòng chẳng có xa
Lộc nảy mầm tươi kết tựu thành
Xum xuê cành lá trổ vươn xanh
Đơm hoa kết trái mau thông đạt
Phấn khởi tiền tài lợi tức nhanh
Thọ với đất trời tựa núi sông
Tuổi già dù đến cứ ung dung
Bên đàn con cháu đông vui đủ
Ríu rít xum xuê cội bách tùng
Khang an tráng kiện tháng ngày vui
Gân cốt bền dai dạo chợ đời
Thời tiết bốn mùa xem nhẹ hẫng
Nắng mưa nóng lạnh chuyện thường thôi
Ninh tĩnh bình yên dưới mái nhà
Khó khăn trắc trở đẩy lùi xa
An cư lạc nghiệp thuyền xuôi mái
Gia tộc luôn vui sống thuận hòa
Ngũ phúc lâm môn đón quý thần
Cận kề gia tộc suốt hằng năm
Đầu xuân mến chúc chư bằng hữu
Vạn sự hanh thông phúc đức tràn…
Những ngày đầu năm, lời chúc trước tiên là dành cho người thân ruột thịt trong gia đình dòng tộc. Đêm 30 Tết, tham dự thánh lễ tất niên, gia đình đoàn viên, cả nhà quây quần nói chuyện tâm tình, ôn lại buồn vui được mất của năm qua đón chờ giao thừa. Thắp nến sáng lung linh trên bàn thờ, đốt nén nhang thơm tỏa ngát. Chuông nhà thờ ngân vang đúng lúc giao thừa. Mọi người dâng lời kinh hạt đầu năm mới, sau đó vui vẻ chúc mừng nhau. Con cháu chúc ông bà cha mẹ, anh chị chúc mừng em, ba mẹ chúc con cái, ông bà chúc con cháu. Lòng ai cũng nao nao thời khắc giao thừa vui vầy trang trọng, gần gũi thiêng liêng ấm áp tình thân.
Sáng Mồng Một, thánh lễ Minh niên, đến nhà thờ gặp nhau ai cũng rôm rã lời chúc mừng năm mới. Cha xứ chúc cộng đoàn, mọi người chúc mừng nhau những lời tốt đẹp. Những ngày tết đến thăm nhau, gia chủ mời ly trà ly rượu thân tình và cầu chúc những lời hay nhất: ơn thánh dồi dào, sức khỏe bình an, hạnh phúc thành đạt, làm ăn tấn tới. Hàng xóm thân quen, người này đến thăm người kia, rộn ràng vui vẻ, nén nhang thắp trên bàn thờ gia tiên, ly rượu đầu xuân mời nhau thân thiết, nói chuyện đầu năm nụ cười tươi nở. Đơn sơ mà ấm áp, thăm nhau chúc nhau mấy ngày xuân được xem như nghiã cử ở đời thật đáng quý đáng trân trọng. Tiếng Việt vốn phong phú nên lời chúc Tết cũng muôn hình vạn trạng, không cứng nhắc và không sáo ngữ. Ai cũng chọn lọc câu chữ tinh tế để người nghe cảm thấy vui lòng tin tưởng. Lời chúc làm cho tâm hồn cảm thấy thăng hoa hạnh phúc, niềm vui dâng tràn. Gặp nhau đầu năm mới, lời chúc Tết bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Ngày thường giận nhau ghét nhau thế nào đi nữa, nhưng Tết đến Xuân về mọi lời chúc đều trở nên chan hòa trân trọng tràn ngập yêu thương gắn bó mọi người, mọi gia đình trong giáo xứ. Lời chúc đầu năm trở thành văn hóa thẩm mỹ mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Đối với người Kitô hữu, lời chúc Tết hay nhất, mang đến hạnh phúc và niềm vui trọn vẹn chính là Lời Chúa trong sách Dân Số: “Đức Chúa phán với ông Môsê: Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ítraen, anh em hãy nói thế này :Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!
Chúc như thế là đặt con cái Ítraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6, 22-27).
Chúa Giêsu không chúc theo kiểu thế gian. Khi Chúa Giáng Sinh, các thiên thần đã chúc bình an cho người thiện tâm. Khi Phục Sinh, Chúa cũng chúc bình an cho các môn đệ trung thành. Bài giảng trên núi “Tám mối phúc thật” là Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu chúc phúc cho những thân phận nhỏ bé, bị thua thiệt hay bị áp bức đáng thương, cùng những tâm hồn biết hướng về Chúa, về tha nhân.
Chúa Giêsu không chúc “phú quý thọ khang ninh” mà chúc phúc Nước Trời cho những ai có tâm hồn nghèo khó, không nô lệ tiền bạc vật chất hay tiện nghi, những người bé mọn, yếu đuối, oan ức, đau buồn, khóc lóc. Khi có tấm lòng thanh thoát, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa gieo vào, bén rễ và sinh hoa kết trái, là phúc trường sinh sau này.
Mừng Xuân và vui Tết nhưng phải luôn nhớ “mình là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Vì thế người tín hữu luôn tâm niệm lời Chúa dặn dò: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia (nghĩa là của cải vật chất), Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33). Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.
Sẽ không mong là an khang thịnh vượng, là công thành danh toại, là buôn may bán đắt, là vạn sự như ý, là… là… Nhưng chỉ cần tâm nguyện là một năm mới trong tình thương của Chúa, một năm mới bình an, một năm mới theo thánh ý Chúa, một năm mới thuộc về Chúa. Niềm hạnh phúc của một tâm hồn trong sạch và có Chúa ở cùng, cũng chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta cầu chúc cho nhau trong năm mới Mậu Tuất này.
Lạy Chúa, mỗi lần Tết đến, chúng con dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và ước ao cho tất cả cầu chúc ấy trở nên hiện thực trong năm mới. Giờ đây, dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng con biết rằng Chúa là khởi nguyên và cùng đích của mọi phúc lành. Chúng con xin đặt đất nước chúng con, gia đình, bạn bè thân hữu, và tất cả anh chị em chúng con dưới sự bảo trợ của danh Chúa trong năm mới này. Xin Chúa chúc lành cho chúng con.
Lạy Chúa, khi chúng con chúc lành cho nhau, xin hướng lòng chúng con về Chúa và thưa lên: Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em!
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em!Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em!


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Mồng 1 Tết Nguyên Đán
Bài đọcGen 1:14-18; Phi 4:4-8; Mt 6:25-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết sống thế nào và làm những gì trong Năm Mới này?
            Một Năm Cũ với bao biến cố thăng trầm của cá nhân, gia đình, Giáo Hội và xã hội đã qua; một Năm Mới với bao nhiêu hy vọng và ước mong sắp tới. Hôm nay, anh/chị/em chúng ta hiện diện trong ngôi thánh đường này trước tôn nhan Thiên Chúa trong Ngày Đầu Năm này để làm gì đây? Xin Thiên Chúa cho Năm Mới tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt? Xin Thiên Chúa cho gia đạo được mọi sự bình an trong Năm Mới? Xin cho con cái được giữ đức tin và biết bước đi trong đường lối của Thiên Chúa? Xin cho những dự định của cá nhân, gia đình, giáo xứ và Giáo Hội được thành công tốt đẹp? Nhưng trước khi biết cầu nguyện, chúng ta cần biết khôn ngoan lắng nghe những lời dạy dỗ của Thiên Chúa để nhận ra những gì chính yếu chúng ta cần cầu xin, vì Thiên Chúa như một người cha khôn ngoan và tốt lành chỉ ban cho con cái những gì tốt đẹp mà thôi. Nếu chúng ta xin những gì có hại cho đức tin và phần rỗi linh hồn cho chúng ta, chắc chắn Ngài sẽ không ban.
            Trong trình thuật thứ nhất về sự tạo dựng của Thiên Chúa (truyền thống P), bài đọc hôm nay chỉ thuật lại những gì Thiên Chúa tạo dựng trong ngày thứ tư. Đó là Thiên Chúa tạo dựng ra mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Tác giả muốn nhấn mạnh mọi sự Thiên Chúa tạo nên đều tốt đẹp, và mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng các tinh thể này là để cho con người biết phân biệt ngày và đêm, và biết tổ chức các ngày đại lễ. Chẳng hạn, Tết Âm Lịch, khi mặt trăng đã hoàn tất chu kỳ quay chung quanh trái đất 12 lần; Tết Dương Lịch, khi trái đất đã hoàn tất chu kỳ quay chung quanh mặt trời một lần. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philipphê nên quan tâm đến việc luyện tập nhân đức, những gì là tốt lành, để có thể có được niềm vui và bình an của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng khuyên các môn đệ 2 điều: Thứ nhất, đừng lo lắng cho thân thể lấy gì mà ăn hay mặc; nhưng hãy tin tuyệt đối nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ ban cho chúng ta những thứ này. Thứ hai, hãy tìm kiếm trước tiên Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài. Những điều đó cần thiết và quan trọng cho linh hồn chúng ta hơn những gì cần cho thân xác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tất cả là do Thiên Chúa tạo thành, và mọi sự Thiên Chúa tạo thành đều tốt đẹp.
           
1.1/ Tất cả là do Thiên Chúa tạo thành: Đây là điều mà tác giả Sách Sáng Thế muốn nhấn mạnh tới: Thiên Chúa là tác giả của mọi sự vật có trong trần gian này. Nói cách khác, nếu Thiên Chúa không tạo dựng thì không có một tạo vật nào có thể tự mình có được. Nếu chúng ta đọc hết trình thuật thứ nhất về tạo dựng (Gen 1:1 – 2:4a), chúng ta sẽ thấy ngay mục đích của tác giả. Trong đoạn văn hôm nay, chúng ta chỉ đọc những gì Thiên Chúa tạo dựng trong ngày thứ tư: tạo dựng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Mục đích khi tạo dựng những tinh thể này là để cho con người có mặt trời chiếu soi ban ngày, và mặt trăng cùng các ngôi sao chiếu soi ban đêm. Con người cũng dùng những tinh thể này mà xác định các ngày lễ của mình.
1.2/ Mọi sự Thiên Chúa tạo thành đều tốt đẹp: Ngoài việc cho ánh sáng, những tinh thể này còn mang lại sự sống cho con người. Nếu không có mặt trời, sẽ không có sự sống cho cây cỏ, loài vật cũng như loài người. Nếu không có mặt trăng, nước sẽ không tập trung trên bề mặt trái đất và cũng không có sự sống cho muôn loài. Vì thế, Nếu những tinh thể lớn như vậy còn phải vâng lời Thiên Chúa quay theo những định luật cố định thì con người là ai mà dám bất tuân các định luật của Thiên Chúa? Các định luật của Thiên Chúa thì không bao giờ thay đổi. Nếu muốn mọi sự tốt đẹp đến cho mình, con người phải tìm ra các định luật của Thiên Chúa và mau mắn thi hành.
2/ Bài đọc II: Hãy luôn sống trong niềm vui của Thiên Chúa.
2.1/ Chịu khó luyện tập nhân đức sẽ có niềm vui và bình an trong tâm hồn: Trong 4 câu đầu tiên trong trình thuật hôm nay (các câu 4-7), thánh Phaolô nhấn mạnh đến hai nhân đức: vui tươi và bình an. Nhưng làm sao để có hai nhân đức này? GLCG dạy chúng ta: đây là 2 trong 7 quà tặng của Chúa Thánh Thần. Ngài ban hai quà tặng này cho chúng ta khi chịu phép Thêm Sức; nhưng chỉ dưới dạng của một hạt giống. Phần chúng ta là phải cố gắng luyện sao cho hai hạt giống này được lớn mạnh lên và có thể sinh hoa kết trái.
            Thánh Thomas Aquinas giải thích rõ hơn: nhân đức là thói quen luyện tập để một người có một đặc tính khi cần xử dụng tới. Khi đã có một nhân đức, nó sẽ giúp chúng ta tránh được một tội tương phản với nó, và nó sẽ cho chủ thể có được niềm vui. Như thế, chúng ta đã có hạt giống tốt đó trong linh hồn rồi, giờ chỉ cần luyện tập để chúng lớn lên và sinh lợi ích cho chúng ta. Chúng ta sẽ có được niềm vui khi xử dụng nó.
            Cũng vậy, sự bình an có được khi chúng ta biết rõ quyền năng, tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Khi một người không biết những sự gì sẽ xảy đến trong tương lai và không biết nương tựa vào ai khi một biến cố khó khăn xảy đến cho mình, người đó sẽ bồn chồn, lo lắng đêm ngày. Nhưng nếu người đó biết trước những gì sẽ xảy ra; và khi nó xảy ra, anh đã được dạy cho biết phải hành xử cách nào và Thiên Chúa sẽ giúp anh làm sao, anh sẽ không còn lo lắng nữa và chuẩn bị hết sức có thể để đương đầu với biến cố đó. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.7 Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su."
2.2/ Biết nhận ra những gì chính yếu cần luyện tập và những gì phụ thuộc để đừng lo lắng quá: Đây là một đức tính giúp chúng ta thành công trên đường đời và trong đời sống tâm linh. Chúng ta cần học hỏi để có thể nhận ra những gì là chính yếu và những gì là phụ thuộc. Có những người dành toàn bộ thời gian chú tâm đến những gì mà người đó cho là tối cần, để rồi nhận ra những thứ đó chỉ là phụ thuộc và không mang lại hạnh phúc cũng như ơn cứu độ cho mình. Ví dụ: một người bỏ toàn thời gian để làm việc cực nhọc để có thể có tiền nuôi sống gia đình và yên trí khi về hưu; nhưng khi có tiền rồi mới phát giác ra thân thể bị lao lực, con cái hư hỏng và mất đức tin vì không dành giờ để giáo dục con. Khi anh nhận ra sức khỏe và giữ vững đức tin cho con thật cần thiết thì quá trễ rồi. Anh có muốn thời gian lui lại để anh có thể bắt đầu lại từ đầu cũng không được nữa.
            Trong đoạn văn hôm nay, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Philipphê, "Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý." Luyện tập nhân đức cho bản thân và cho những người Chúa trao cho mình là điều cần thiết phải làm khi còn sống trên cuộc đời này.
3/ Phúc Âm: Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.
3.1/ Cần phân biệt sự khôn ngoan biết tổ chức công việc và sự lo lắng: Nhiều người biện luận: “Không lo xa, ắt có buồn gần” hay “không lo lắng kiếm ăn, lấy gì sống?” Câu hỏi được đặt ra là Thiên Chúa có muốn chúng ta tối ngày nhởn nhơ, không làm cũng có ăn hay không cần phải phác họa kế hoạch làm việc cho tương lai không?
            Để hiểu những lời Chúa Giêsu dạy hôm nay, chúng ta cần tìm ra sự khác biệt giữa nhân đức biết lo liệu và tội lo lắng. Như đã nói trên, Thiên Chúa trang bị cho chúng ta 7 quà tặng của Chúa Thánh Thần và Ngài muốn chúng ta biết áp dụng những quà tặng này để sinh hoa kết quả cho đời sống chúng ta. Khi quyết định muốn làm bất cứ một việc gì, con người cần dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban để áp dụng vào một trường hợp cụ thể. Đây là nhân đức mà thánh Thomas Aquinas gọi là “khôn ngoan trong thực hành.” Khi thực hiện này, con người cần áp dụng các nhân đức phụ như: khôn ngoan, kiến thức, hiểu biết, tham vấn và trí nhớ. Ngoài ra còn cần phải biến tinh tường và tế nhị, nhìn xa và trông rộng để có thể hiểu tất cả những gì có liên quan đến công việc sắp làm. Điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải tránh ở đây là lo lắng không biết phải làm gì. Người lo lắng là người không tin vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa, nhưng chỉ tin vào sức riêng của mình.
3.2/ Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh 2 điều:
            (1) Cần tin tưởng vào sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa: Để làm sáng tỏ điều này, Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh để dạy dỗ các môn đệ. Thứ nhất, hãy nhìn xem chim trên trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho lẫm; thế mà Thiên Chúa vẫn quan phòng cho chúng ngày nào cũng có của ăn cả, huống hồ là con người, tạo vật được Ngài tạo nên cách đạc biệt và cho làm con của Ngài. Thứ hai, hãy nhìn xem hoa ngoài đồng: chúng không làm lụng, không kéo sợi, không cắt may; thế mà vinh quang tột đỉnh của vua Solomon cũng không thể so sánh với một đóa hoa đó. Điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là đừng quá lo lắng: phải ăn gì, uống gì và mặc gì, vì Thiên Chúa, Đấng dựng nên chúng ta dư biết chúng ta cần những điều đó. Ngài sẽ quan phòng cho chúng ta mọi sự chúng ta cần để bảo vệ sự sống.
            (2) Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước hết: Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta những điều gì qua câu này? Nước Thiên Chúa là Nước Thiên Đàng đời sau. Chúng ta không chỉ sống trong đất nước trên thế gian này mà thôi; nhưng chúng ta là những người lữ hành đang tiến về quê trời để hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa. Đó là nước mà chúng ta cần tìm kiếm trên tất cả mọi sự.
            Theo thánh Phaolô, con người được trở nên công chính là do niềm tin vào Thiên Chúa và thực hành những gì Ngài dạy. Vì thế, những việc chúng ta cần phải làm trước hết là làm sao cho đức tin của chúng ta mạnh mẽ để có thể đương đầu với và đứng vững trước mọi cám dỗ và gian khổ của cuộc đời. Quá lo lắng những thực tại trần gian và quên đi làm những việc cần thiết như: tham dự thánh lễ, học Kinh Thánh, cầu nguyện, làm việc bác ái… không phải là dấu hiệu của người khôn ngoan.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: Khi đã hiểu về sự quan phòng và những lời dạy bảo của Thiên Chúa, đây là những lời cầu nguyện chúng ta nên dâng lên Thiên Chúa trong Ngày Đầu Năm:
            - Cần xin Thiên Chúa cho chúng ta cái nhìn tổng thể về cuộc đời theo sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ dại dột quá tin vào sức con người và gạt Thiên Chúa ra ngoài. Ngài vẫn đang điều khiển mọi sinh hoạt của loài người chúng ta.
            - Chúng ta cần học hỏi để nhận ra những gì là chính yếu hay phụ thuộc cho cuộc sống để đừng bị lẫn lộn lấy những cái phụ thuộc làm cái chính cho cuộc đời. Chúng ta cũng cần học để biết những gì chúng ta có thể làm và những gì chúng ta cần phải nhờ đến Thiên Chúa.
            - Xin Ngài cho tất cả mọi người chúng ta luôn biết đặt những nhu cầu của linh hồn lên trên những nhu cầu cho thể xác; để chúng ta biết dành thời gian cho việc học hỏi và thi hành những việc đạo đức.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.



THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

* Trên đường đi Đamát, ông Saolô quê thành Tácxô đã khám phá ra hai điều: Trước hết, Đức Giêsu Nadarét là Đấng đã phục sinh, cũng là Đấng được Thiên Chúa ban phúc lành; thứ đến, Đấng phục sinh với các Kitô hữu là các anh em người, chỉ là một.
Khám phá này là nguồn ánh sáng soi chiếu cả cuộc đời thánh nhân.

BÀI ĐỌC I: Cv 22, 3-16
“Kêu danh thánh Chúa, tôi chỗi dậy”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Đamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.
Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Đa-mas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người trả lời: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Đấng nói với tôi. Tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa liền nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, vào thành Đamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm”. Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Đamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: “Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!” Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.
Và ông nói: “Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi”.
Đó là lời Chúa.

Hoặc: Cv 9, 1-22
“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Saolô còn mải say mê hăm doạ giết các môn đồ Chúa. Ông đến thượng tế, xin chứng minh thư gởi đến hội đường ở Đamas, để nếu gặp ai theo đạo ấy, bất luận nam nữ, ông bắt trói đem về Giêrusalem.
Đang khi đi đường, lúc đến gần Đamas, bỗng nhiên một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông, ông ngã xuống đất và nghe tiếng phán rằng: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Ngài, Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ; giơ chân đạp mũi nhọn thì khổ cho ngươi”. Saolô run sợ và kinh hoàng hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúa phán: “Hãy chỗi dậy, vào thành, và ở đó người ta sẽ nói cho ngươi phải làm gì”. Những kẻ đồng hành với ông đứng lại, hoảng hốt; họ nghe rõ tiếng mà không thấy ai. Saolô chỗi dậy khỏi đất, mắt ông vẫn mở mà không trông thấy gì. Người ta cầm tay dẫn ông vào thành Đamas; ông ở lại đấy ba ngày mà không thấy, không ăn, cũng không uống.
Bấy giờ ở Đamas, có một môn đồ tên là Anania; trong một thị kiến, Chúa gọi ông rằng: “Anania”. Ông thưa: “Lạy Chúa, này con đây”. Chúa phán: “Hãy chỗi dậy và đến phố kia gọi là phố “Thẳng”, và tìm tại nhà Giuđa một người tên Saolô, quê ở Tarsê; nó đang cầu nguyện”. (Saolô cũng thấy một người tên Anania bước vào, và đặt tay trên ông để ông được sáng mắt). Anania thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe nhiều người nói về người này rằng: ông đã gây nhiều tai ác cho các thánh của Chúa tại Giêrusalem; tại đây, ông đã được các thượng tế cho phép bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa”. Nhưng Chúa phán: “Cứ đi, vì người này là lợi khí Ta đã chọn, để mang danh Ta đến trước dân ngoại, vua quan và con cái Israel. Ta sẽ tỏ cho nó biết phải chịu nhiều đau khổ vì danh Ta”.
Anania ra đi, bước vào nhà, và đặt tay trên Saolô mà nói: “Anh Saolô, Chúa Giêsu, Đấng hiện ra với anh trên đường đi đến đây, sai tôi đến cùng anh, để anh được thấy và được tràn đầy Thánh Thần. Tức thì có thứ gì như những cái vảy rơi khỏi mắt ông, và ông được sáng mắt.
Ông chỗi dậy chịu phép rửa, và sau khi ăn uống, ông được lại sức, ông ở lại ít ngày cùng với các môn đồ thành Đamas. Và lập tức ông rao giảng trong các hội đường rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe rao giảng đều kinh ngạc và nói rằng: “Há chẳng phải ông này đã bách hại những người đã cầu khẩn danh ấy tại Giêrusalem, và cũng đã tới đây mà truy nã họ để điệu họ về cho các thượng tế sao?”
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 116, 1. 2
Đáp: Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
1) Toàn thể chư dân, hãy ngợi khen Chúa! Hết thảy các nước, hãy chúc tụng Người! – Đáp.
2) Vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thực là mãnh liệt. và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 15, 16
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta đã chọn các con giữa thế gian, hầu để các con đi và mang lại hoa trái, để hoa trái các con tồn tại”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 16, 15-18
“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.
Đó là lời Chúa.


Suy niệm : Nên công chính và hiệp nhất trong Chúa Kitô
Kết thúc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, Giáo hội cử hành lễ thánh Phaolô Tông Đồ trở lại. Nói đến thánh Phaolô là nói đến mầu nhiệm ơn gọi tông đồ cũng như sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trên cuộc đời sứ vụ của ông.
Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một chàng có tên gọi là Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, có thể nói ông là người đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem, nhiệt thành đến nỗi, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.
Nói đến Phaolô là nói đến sử cải đạo của ông.
Đối với Phaolô, con đường Damas là con đường thiên mệnh, con đường của Ý Trời. Con đường ấy đã thay đổi con người và cuộc đời của Phaolô 180 độ. Và con đường đó cũng đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng của lịch sử nhân loại.
Trong ánh sáng huy hoàng, Chúa Kitô phục sinh đã ngỏ lời và đối thoại với Saolô. Thần Khí của Đấng Phục Sinh đã tác động và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Ánh sáng ấy làm cho Saolô mù mắt, diễn tả sự mù quáng của ông trước việc bắt bớ các người Kitô hữu. Sự mù lòa còn tượng trưng cho sự “vô tri”: Saolô không thấy Thiên Chúa, không biết Thiên Chúa, mà cứ tưởng như mình biết.
Chúa Kitô Phục Sinh muốn nhờ Giáo hội, qua Phép rửa, giải thoát Saolô khỏi sự “u mê lầm lạc”, vô tri. Phaolô đã được thấy lại nhờ ánh sáng của Chúa qua Phép rửa, bấy giờ mới nhận biết Đức Kitô và khám phá ra Thiên Chúa, chính là Cha của Đức Giêsu Kitô. Phaolô ngã xuống đất và suốt ba ngày không nhìn thấy, không ăn, không uống, giống như người “chết rồi mới sống lại với Chúa”. Saolô được thông phần cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, được Chúa Cha mạc khải cho biết mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu. Từ đó trở nên “chứng nhân” được sai đi loan báo Tin mừng Phục Sinh cho các dân ngoại.
Rõ ràng là ý Trời, Trời đã can thiệp vào cuộc đời của Saolô bằng Tình yêu đặc biệt. Chính Thiên Chúa đã nói qua miệng ông Khanania, và Phaolô sau này lập đi lập lại nhiều lần. Thiên Chúa đã tuyển chọn Saolô một người duy nhất giữa muôn người. Cú ngã ngựa trên đường Đamat, biến Saolô thành chứng nhân vĩ đại là Phaolô, một người ngoài nhóm 12 tông đồ, để trao cho sứ mạng làm “Tông đồ Dân ngoại”, biệt danh này không ai có, ngoại trừ Phaolô. Và từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca của vị Tông đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.
Ý Trời, hay ý muốn của Chúa Giêsu, Người mà ông đã ghét cay ghét đắng, căm thù đến tận xương tủy, khi chưa có dịp gặp, mà chỉ nghe nói đến do những kẻ thù của Chúa. Nhưng khi ông đã gặp Chúa Giêsu, tất cả đều thay đổi.
Chúa Kitô Phục Sinh đã đổi mới tư tưởng và trái tim của Phaolô. Không biết Đức Giêsu tại thế, Phaolô đã ghét cay ghét đắng và sát hại không thương tiếc các môn đệ của Người. Giờ đây trái tim của Phaolô được Chúa Giêsu chiếm lĩnh như chiếm đoạt trái tim của người yêu ( Pl 3, 12 ). Và Phaolô trở nên như một “người tình” của Chúa Giêsu, đến nỗi Phaolô phải thú nhận: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” ( Gl 2, 20 ).
Đúng như Phaolô viết: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5, 14), tất cả nhiệt tình nơi con người và cuộc đời Phaolô đều phát xuất từ  mối tình đó: Tình yêu của Chúa Kitô là “chủ thể  yêu thương Phaolô”, Tình yêu Chúa Kitô là “đối tượng mà Phaolô yêu mến”. Tâm trí của Phaolô đã hoàn toàn mở ra cho Chúa Kitô, và vì thế có khả năng mở rộng cho mọi người, Phaolô trở nên tất cả cho mọi người (1 Cr 9, 12), sẵn sàng làm mọi sự cho “Tin mừng Tình yêu” mà người rao giảng.
Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9,3-18; 2 Cr11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại  hùng hồn kể về những ”… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm và ra vào tù nhiều lần.
Nói đên Phaolô là nói đến vị Tông đồ của mọi thời đại.
Phaolô đã trở thành vị “Tông đồ của mọi thời đại”. Là Do thái với người Do thái, Hy lạp với người Hy lạp, là người tự do, nhưng trở thành nô lệ của mọi người để phục vụ mọi người ( 1 Cr 9, 19 – 21 ), Phaolô cũng có thể là Việt Nam với người Việt Nam, là Thái với người Thái, Phi với người Phi, Hàn quốc với người Hàn quốc.
Không những là “con người của Tình yêu”, Phaolô còn là “con người của chân lý”. Đối với Phaolô, chân lý là “Tin mừng Chúa Giêsu Kitô”  “Chân Lý về một Tình Yêu mạnh hơn sự chết”, đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, trở thành nơi hội tụ của toàn thể nhân loại, toàn thể thế giới thụ tạo của Thiên Chúa.
Các ngươi hãy cố gắng trở thành người công chính đích thực (Đnl 16, 18-20) là chủ đề của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất năm nay 2019, làm cho chúng ta nhớ lại lời cầu xin của Chúa Giêsu cùng Chúa Cha cho môn đệ: “Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21). Chúng ta hối hận vì những bất công gây ra chia sẽ và trong tư cách là Kitô hữu chúng ta cũng tin nơi quyền năng của Chúa Kitô, Đấng tha thứ và chữa lành.
Tất cả chúng ta được mời gọi cầu xin Thiên Chúa để chiến đấu chống lại bất công, và cầu xin lòng thương xót của Chúa đối với những tội lỗi đã gây ra sự chia rẽ nơi chúng ta. Sự hiệp nhất các Kitô hữu là hoa trái của ân sủng Thiên Chúa và chúng ta cần mở lòng để đón nhận với con tim quảng đại và sẵn sàng. Amen.       

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Cuộc Trở Lại của Thánh Phaolô
Bài đọcActs 22:3-16; Mc 16:15-18.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự trở lại chứng minh sức mạnh của ơn thánh.
Có rất nhiều cuộc trở lại trong lịch sử được tường thuật như của Phêrô, Matthew, Mary Magdala, Augustine... , cũng như không được tường thuật như của đa số con người; nhưng chỉ có một cuộc trở lại Giáo Hội mừng kính là cuộc trở lại của thánh Phaolô. Cuộc trở lại của Phaolô được tường thuật ít nhất là 3 lần trong Sách CVTĐ (9:1-19; 22:3-16; 26:12-18), và rất nhiều lần được ám chỉ tới cách vắn gọn bởi chính Phaolô trong các Thư của ngài.
Bài đọc I có thể coi là lời tự thú đầy đủ nhất của Phaolô. Trong trình thuật này, một người có thể nhìn thấy động cơ chính của cuộc trở lại là do ơn thánh của Thiên Chúa. Ngài thay đổi hoàn toàn lề lối suy nghĩ và cách cư xử của ông bằng cách để ông ngã ngựa và bị mù, cho ông nghe thấy tiếng của Đức Kitô để chứng tỏ Ngài vẫn sống, và truyền cho ông đến gặp ông Hananiah để được chữa lành và nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho Dân Ngoại. Trong Phúc Âm, tuy không được liệt vào Nhóm Mười Hai, nhưng Phaolô cũng được coi như một Tông-đồ, vì ông đã nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được chính Ngài trao cho sứ vụ làm Tông-đồ Dân Ngoại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự trở lại của Phaolô chứng minh sức mạnh của ơn thánh.
1.1/ Cuộc đời của Phaolô trước khi trở lại: Phaolô là người Do-thái lưu vong, sinh ra và lớn lên tại Tarsus, miền Cilicia, vùng Asia Minor (Turkey bây giờ). Ông được giáo dục bởi thầy Gamaliel để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt; và nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như bao người Do-thái khác. Ông Gamaliel là một Pharisee có thế giá trong dân, tiến sĩ về Luật, một thành viên của Thượng Hội Đồng, đã từng khuyên những người trong Thượng Hội Đồng phải cẩn thận khi xét xử Phêrô và các Tông-đồ (x/c Acts 5:34-40).
Phaolô đã bắt bớ Đạo của Đức Kitô, không ngần ngại giết ai theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể Thượng Hội Đồng có thể làm chứng cho ông. Ông còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Damascus, Syria, để ông đi bắt trói những người ở đó, giải về Jerusalem trừng trị.
Một biến cố quan trọng đã xảy ra cho ông trên đường đi Damascus để bắt bớ các Kitô hữu. Biến cố này đã thay đổi toàn bộ cuộc đời của ông. Theo như lời ông tường thuật: "Đang khi tôi đi đường và đến gần Damascus, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: "Ta là Giêsu Nazareth mà ngươi đang bắt bớ. Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. Tôi nói: "Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa bảo tôi: "Hãy đứng dậy, đi vào Damascus, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.”
1.2/ Cuộc đời của Phaolô sau khi trở lại: Một chuỗi những biến cố xảy ra sau khi bị ngã xuống trên đường đi Damascus.
(1) Phaolô bị mù: Vì ánh sáng chói loà kia làm cho ông không còn trông thấy nữa, nên ông đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Damascus. Ở đó, Đức Kitô đã chuẩn bị cho ông Hananiah, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt.
(2) Phaolô được nhìn thấy: Khi gặp Saul, ông Hananiah đến, đứng bên ông và nói: "Anh Saul, anh thấy lại đi!” Ngay lúc đó, ông thấy lại được.
(3) Phaolô được trao sứ vụ: Ông Hananiah nói: "Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính, và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe.”
(4) Phaolô được chịu bí-tích Rửa Tội: Hananiah truyền cho Saul: “Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”
1.3/ Ý nghĩa của cuộc trở lại của Phaolô: Có rất nhiều ý nghĩa mà Phaolô đã thu nhận được từ biến cố này, và là nền tảng cho những giáo huấn của ông sau này:
(1) Đức Kitô đã chết, nhưng Ngài đã sống lại, và vẫn đang sống để phù trợ và bảo vệ các tín hữu. Tất cả mọi người phải tin nơi Ngài và giữ những gì Ngài dạy để được cứu độ. Lề Luật không có sức mạnh để giải thoát con người khỏi tội và ban ơn cứu độ.
(2) Tất cả là ơn thánh, con người không làm gì xứng đáng để được hưởng ơn thánh. Thiên Chúa ban ơn thánh, thúc đẩy sự trở lại, và cứu độ con người khi họ còn là tội nhân đáng phải chết. Trường hợp của ông là một điển hình: lẽ ra ông xứng đáng phải chết hay bị mù suốt đời vì đang trên đường đi tiêu diệt Hội Thánh của Chúa; nhưng Ngài đã cứu sống và cho ông được thấy.
(3) Con người phải tìm ra và làm theo thánh ý Chúa để được sống, làm ngược lại chỉ như “giơ chân đạp mũi nhọn.” Sứ vụ rao giảng Tin Mừng là bổn phận phải làm vì được Đức Kitô sai đi. Người Kitô hữu phải là nhân chứng cho Đức Kitô qua việc rao giảng và sống Tin Mừng.
2/ Phúc Âm: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”
2.1/ Trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu nói với các Tông-đồ: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án." Khi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, Ngài đã hoàn tất sứ vụ mang lại ơn cứu độ cho con người. Giờ đây Ngài trao sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn đệ, để các ông mang ơn cứu độ này cho mọi người sống trên trần thế. Để được hưởng ơn cứu độ, con người cần tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
2.2/ Ban uy quyền cho các môn đệ để khán giả tin vào lời các ông rao giảng: Chúa hứa với các nhà rao giảng Tin Mừng: Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ:
(1) Khai trừ quỷ: Phaolô truyền cho quỉ xuất khỏi người đầy tớ tại Philippi (Acts 16:18).
(2) Nói được những tiếng mới lạ: Các Tông-đồ nói các thứ tiếng của thổ dân trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1-11).
(3) Tránh được nguy hiểm: Phaolô đã vượt qua rất nhiều nguy hiểm trong 3 chuyến truyền giáo như: ra khỏi tù do thiên thần hướng dẫn, bị ném đá tưởng chết mà vẫn chỗi dậy để tiếp tục rao giảng, vượt qua bao nhiêu những ghen tị và xúi giục của những đối phương Do-thái.
(4) Chữa lành: Điều này đã được làm bởi Phêrô, Phaolô, và rất nhiều môn đệ.
Các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhận ra bàn tay của Ngài luôn thương yêu ấp ủ, ân cần chỉ dẫn, và ban mọi ơn cần thiết để chúng ta có thể sống như những môn đệ.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

25/01/2020
THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Thánh Phao-lô tông đồ trở lại
Mồng Một Tết – Cầu bình an năm mới
Mt 6,25-34


LỜI CHÚC ĐẦU NĂM CỦA CHÚA
“Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?... Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)

Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau những điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta: “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa đã biết thừa”. Ngài sẵn lòng “ban thêm” cho chúng ta những điều đó, sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người.” Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.

Mời Bạn: Bạn có dám tin, dám nhận vào lời hứa-chúc của Chúa không? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều: dốc sức việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác - “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” - để cho Chúa tuỳ nghi định liệu.

Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy hoặc hát “Con vẫn trông cậy Chúa”.
(5 phút Lời Chúa)

Đừng lo lắng gì cả (25.1.2020 – Thứ Bảy – Mồng Một Tết Nguyên Đán, cầu bình an cho năm mới)

Suy nim:
Ngày Tết báo hiệu một năm cũ đã qua và một năm mới đang đến.
Chúng ta cần nhìn lại một năm qua với cái nhìn của Chúa
để thấy tất cả là hồng ân,
kể cả những gì người đời coi là xui xẻo, bất hạnh.
Chúa đã cho chúng ta sống thêm một thời gian, thêm một năm trên đời.
Chúng ta nhận ra thời gian một ngày nhờ mặt trời mọc lên rồi lặn xuống.
Nhà nông nhận ra thời gian một tháng nhờ mặt trăng tròn rồi lại khuyết.
Tạ ơn Chúa vì hai nguồn sáng quý báu như vậy trên bầu trời.
Thời gian theo Kitô giáo không đi theo đường xoắn ốc, nhưng theo đường thẳng.
Thời điểm nào cũng là duy nhất, đi rồi không trở lại, nên rất đáng quý.
Con Thiên Chúa làm người đã đằm mình trong dòng thời gian như ta.
Nhờ Ngài, dòng thời gian này sẽ đưa ta vào vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Ngày Tết người ta thường hay chúc nhau.
Chúc sức khỏe, chúc làm ăn phát đạt, chúc mọi sự như ý…
Chúng ta có thể học được một cách chúc rất đẹp trong sách Dân Số (6, 22-27).
Đức Chúa chỉ dạy cho ông Môsê
để ông này chỉ lại cho ông tư tế Aaron biết cách chúc lành cho dân.
Có ba lời chúc, mỗi lời đều bắt đầu bằng chủ từ là Đức Chúa:
“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em.
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em.
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn anh em và ban bình an cho anh em.”
Ơn bình an là ơn bao gồm mọi ơn về sức khỏe, sống lâu, an ninh, thịnh vượng…
Rốt cuộc chính Đức Chúa mới là Đấng chúc lành cho dân Ítraen (c. 27).
Chính Đức Chúa đóng ấn Danh của Ngài trên họ để bảo trợ họ.
Và hôm nay chính Ngài cũng ban muôn ơn cho ta nhờ Danh Đức Giêsu.
Trước thềm Năm Mới, con người không tránh khỏi nỗi lo về tương lai.
Có nhiều nỗi lo rất hữu lý, vì khó khăn trước mắt là có thật.
Có nhiều nỗi lo âu chỉ vì con người thấy mình quá đỗi mong manh.
Nỗi lo quấn lấy con người và làm tâm con người không yên.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bốn lần nhắc chúng ta “Đừng lo.”
Nếu Kitô hữu không bị quay quắt vì lo âu
thì không phải vì họ là người vô lo, hay vì họ tự tin, giỏi giang hơn người khác.
Đơn giản chỉ vì họ có một Người Cha quan tâm đến mọi nhu cầu của họ.
Kitô hữu tận tụy hết mình cho công việc, nhưng lại không bất an, lo âu.
Tín thác như một đứa con ngồi trong lòng cha,
họ đặt vinh quang Thiên Chúa lên trên hết,
và tin mọi sự khác sẽ được Ngài lo liệu.
Cầu nguyn:
 Lạy Cha,
Cha đã cho chúng con sống thêm một năm,
đi thêm một đoạn đường đời.
 Nhìn lại đoạn đường đã qua,
chúng con chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành,
vì Cha vẫn cho chúng con sống,
và sống trong tình yêu.
 Mọi biến cố vui buồn của năm qua
đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha
để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao.
 Tạ ơn Cha
vì những gì cuộc đời đã làm cho chúng con,
và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời.
 Xin cho chúng con sống những ngày Tết dân tộc
trong tinh thần vui tươi, hòa nhã,
và không quên những ai nghèo khổ, cô đơn.
 Ước gì những lời chúng con chúc cho nhau
là những lời chúc lành
xuất phát từ trái tim yêu thương.
 Và lạy Cha, năm mới đã đến,
trái đất lại xoay một vòng mới quanh mặt trời,
chúng con cũng muốn
ở lại trong quỹ đạo của Cha,
nhận Cha là trung tâm cuộc sống,
và nhận mọi người là anh em. Amen.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


25 Tháng Giêng

   
Thánh Phaolô Trở Lại

    
    Hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của Thánh Phaolô.

    Theo Sách Công Vụ các sứ đồ, quyển sử ký ghi lại trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Saolê, tên gọi Do Thái của Phaolô, là một thanh niên phong thái và đầy nhiệt huyết đối với Ðạo. Vừa thụ huấn xong với một thầy Rabbi nổi tiếng trong nước, Saolê xung phong đi săn lùng những người môn đệ của Ðức Kitô mà anh cho là một bè phái đi ngược lại với Ðạo giáo.

    Một hôm, đang trên đường đi Damascô để lùng bắt các môn đệ của Chúa Giêsu, anh đã bị một luồng Sáng đánh quật té xuống khỏi ngựa và từ trong ánh sáng ấy, anh đã nhận ra tiếng nói của Chúa Giêsu: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt hại".

    Từ đó, sự hăng say bách hại các Kitô hữu đã biến thành lòng nhiệt thành phụng sự Giáo Hội của Ðức Kitô. Thiên Chúa đã sử dụng Phaolô làm khí cụ Truyền Giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, tức là các dân tộc ở ngoại Do Thái Giáo.

    Cuộc trở lại của Thánh Phaolô đã đánh dấu một khúc quan trọng nhất trong lịch sử của Giáo Hội tiên khởi. Tin Mừng không chỉ giới hạn trong ranh giới của Do Thái cũng như lề luật Maisen, Tin Mừng còn là một nối dài của Do Thái Giáo, nhưng chính là một Tôn Giáo mới cho mọi dân tộc, mọi văn hóa.

    Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ cầu cho hiệp nhất. Nơi thánh Phaolô, con người đã dám vượt ra khỏi ranh giới của dân tộc, của Ðạo Giáo của mình, để tuyên bố: Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, La Mã với người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Giáo Hội nhận ra kiểu mẫu đích thực của hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể thực hiện được, nếu mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu có đủ can đảm ra khỏi chính mình. Phải chăng đó không là đòi hỏi đầu tiên của sự trở lại?

    Theo từ điển tiếng Việt của Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, "trở lại" nghĩa là về nơi mình ra đi.

    Nơi mình đã xuất phát, nơi mình đã ra đi đối với người Kitô chúng ta là gì nếu không phải là Thiên Chúa. Như vậy, trở lại chính là quay trở về với Thiên Chúa.

    Sự quay trở lại ấy đòi hỏi một sự từ bỏ tận căn và một thái độ sẵn sàng tuyệt đối. Chúng ta phải đọc lại sự trở lại của Thánh Phaolô: Phaolô là một người thanh niên hăng say với lý tưởng. Lý tưởng của anh chính là phụng sự Chúa hết mình bằng cách tiêu diệt những kẻ mà anh cho là Tà Ðạo. Nhưng trong phút chốc, lần ngã ngựa đau điếng cả người hôm đó đã buộc anh phải xoay chiều hoàn toàn: Những gì anh cho là Tà Ðạo trước kia nay anh phải xem lại Chính Ðạo. Phaolô phải quay ngược đường trở lại. Từ bỏ tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay, từ bỏ con đường mình đang đi, Phaolô đã trở thành một khí cụ mềm nhũn trong tay Chúa.

    Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta.

    Sự trở lại đó không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối Giáo Hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô. Mỗi lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô chúng ta.

    Càng đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.

    Xin Thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại hôm nay, giúp chúng ta hiểu được sự trở lại đích thực mà người Kitô chúng ta phải theo đuổi mỗi ngày.

    Trích sách Lẽ Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét