Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

15-03-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT III MÙA CHAY năm A


15/03/2020
 Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm A
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay A
(Xh 17,3-7; Rm 5,1-2,5-8; Ga 4, 5-42)
ĐỨC KITÔ, NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG
“Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” (Ga 4,14)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Kinh nghiệm sống đức tin của người Kitô hữu tương tự như kinh nghiệm của Đức Giêsu được mô tả trong hai bài Tin Mừng của Chúa Nhật I-II Mùa Chay, đó là trung thành tiến bước đến cùng Chúa Cha để đạt đến cùng đích tối hậu là cuộc biến hình vinh hiển. Hành trình này sẽ khả thể với một điều kiện: lắng nghe và bén rễ sâu trong lời Chúa dạy, và chấp nhận những đòi hỏi từ đó. Phụng vụ của các Chúa Nhật mùa Chay tiếp theo giúp người tín hữu sống lại những thời khắc quan trọng của đời mình, đó là thời gian mà giờ đây những người dự tòng được trợ giúp nhận ra những đòi hỏi thâm sâu để được biến đổi trở về với Đức Kitô, qua những dấu chỉ như nước, ánh sáng và sự sống. Vì thế ba Chúa Nhật cuối của mùa Chay, theo truyền thống của Giáo hội, được gọi là hành trình cho người dự tòng, bởi gắn liền với ba bài giáo huấn được chuẩn bị dành riêng cho họ để chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội trong đêm vọng Phục Sinh. Bởi thế, ba bài Tin Mừng cho ba Chúa Nhật được trích từ Tin Mừng Gioan tương ứng với ba thời khắc quan trọng về niềm tin vào Đức Giêsu:
-        Chúa Nhật III: Chúa Giêsu đối thoại với người phụ nữ Samaria (Ga 4,5-42) - Đức Giêsu là nước hằng sống.
-        Chúa Nhật IV: Chúa Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41) - Đức Giêsu là ánh sáng thế gian.
-        Chúa Nhật V: Chúa Giêsu làm cho anh Lazarô sống lại (Ga 11,1-45) - Đức Giêsu là sự sống lại và là sự sống.
Trong Chúa Nhật III này, phụng vụ Lời Chúa cách riêng giúp chúng ta sống lại kinh nghiệm nền tảng của bí tích Rửa tội, với biểu tượng nước tái sinh, nước mang lại sự sống mới. Nước còn là điểm hội tụ và gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, trong đó ta sẽ bắt gặp những thỉnh cầu của con người và sự đáp trả của Thiên Chúa. Vì thế cả ba bài đọc Chúa Nhật III mùa Chay này đều đưa ra biểu tượng nước với ý nghĩa sâu xa của nó.
1. Bài đọc 1 (Xh 17,3-7)
Theo truyền thống Kinh Thánh, Thiên Chúa chính là nguồn nước hằng sống. Vì thế, một khi rời xa Người cùng với những điều luật, con người sẽ gặp phải những hạn hán tồi tệ (x. Gr 2,12-13; 17,13). Trong hành trình đầy gian khó hướng về tự do nơi miền đất hứa, trong cơn cháy khát của sa mạc, dân Israel đã thử thách Chúa, đòi Người phải ra tay cứu giúp họ như là một quyền của họ, và họ đã than trách những việc làm của Môsê và xem ông phải chịu trách nhiệm cho cuộc mạo hiểm không lối thoát này. Dân chúng tiếc nuối về quá khứ và chối từ tương lai, xem đó như là một sự hão huyền. Họ chiếm quyền của Thiên Chúa, đòi buộc Người phải ra tay làm dấu lạ để giải quyết khó khăn của họ. Nhưng Thiên Chúa đã chối từ kiểu đòi hỏi này. Tuy vậy, Thiên Chúa đã chứng minh là đã không bỏ mặc dân Người: Người đã bảo đảm cho họ nguồn nước để giải cơn khát của họ để họ nhìn nhận nơi Người là Đấng cứu thoát họ và để họ học biết tin tưởng vào Người.
2. Bài đọc 2 (Rm 5,1-2,5-8)
Bài đọc 2 làm rõ ý nghĩa bài Tin Mừng. Lời hứa ban nước hằng sống trở thành hiện thực nơi sự Phục sinh của Đức Giêsu, bởi từ cạnh sườn Người tuôn trào “máu và nước”. Con người Đức Giêsu trở thành suối nguồn tuôn trào nước Thánh Thần, nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội. Tình yêu này đã thanh tẩy và mang lại cho chúng ta sự sống mới ngay khi khi chúng ta còn chưa có ý thức đáp trả. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần chúng ta trở nên một với Đức Kitô, con Thiên Chúa, trở thành những người thờ phượng Chúa Cha cách đích thật. Vì thế, cuộc sống Kitô hữu là một kinh nghiệm sống tình con thảo với Thiên Chúa. Bởi thế, như người nữ Samari, chúng ta cũng cần biết cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta và kể lại cho các anh chị em những điều mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi chúng ta, và cũng như những người đồng hương của chị, chúng ta cùng chạy đến với Người để tuyên xưng rằng Người là Đấng cứu độ thế gian, chính Người sẽ làm dịu mọi cơn khát của con người chúng ta.
3. Bài Tin Mừng
Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy một người nữ Samari ra giếng Giacóp lấy nước vào buổi trưa: người nữ này đang khát. Nơi đó ta cũng thấy Đức Giêsu sau một hành trình mệt nhọc, Người ngồi bên giếng nước, từ tốn trò chuyện với người nữ Samari và nói với cô ta: “xin chị cho tôi uống nước”, Đức Giêsu cũng đang khát. Nơi Đức Giêsu ta thấy một con người đang khát và cần đến nước, và Người đã xin nước để uống. Thánh Grêgôriô thành Naziazênô có nói: “Thiên Chúa khát con người để con người khát Thiên Chúa”. Đức Giêsu khát nước, nhưng không chỉ thế, như Người nói tiếp ở sau, đó là Người khát và đói thi hành ý muốn của Chúa Cha, và hoàn tất công trình của Người” (x. Ga 4,34), đó là cứu tất cả mọi người bằng việc hiến tế chính mình trên thánh giá. Ở đó Người lập lại lần cuối: “ta khát” và “mọi sự đã hoàn tất”, và từ cạnh sườn Người máu và nước chảy ra (x. Ga 19,28-30). Ở đây Đức Giêsu khao khát cứu người nữ Samari, bởi chính Người là nguồn nước hằng sống, và người nữ này, mặc dù trải qua nhiều bối rối và ngạc nhiên, cuối cùng cũng đón nhận hồng ân tái sinh bởi nước hằng sống mà Đức Giêsu ban cho, và từ đây chị trở thành thụ tạo mới và không bao giờ còn khát nữa.
Thêm nữa, tảng đá mà hôm xưa Môsê đã làm cho nước tuôn chảy ra là dấu chỉ của sự Quan phòng luôn đồng hành với dân Người và ban sự sống. Thánh Phaolô trong thư I gởi cho Côrintô sau này sẽ giải thích rằng tảng đá ấy là chính Đức Kitô, đã hoạt động cách huyền nhiệm ngay từ những sự kiện đó: “Tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Cr 4,1). Đức Kitô còn là Đền thờ, mà từ đó, theo các ngôn sứ (x. Ed 47; Dcr 13,1), vọt lên nguồn nước, dấu chỉ của Thánh Thần, Đấng ban sự sống. Ai khát có thể kín múc nơi Người cách nhưng không (x. Ga 7,37-39) và sẽ không còn khát nữa, bởi chính Người sẽ trở thành một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Thẳm sâu nơi con người luôn chất chứa những khát vọng cháy bỏng về những giá trị nền tảng như chân, thiện, mỹ cùng với những giá trị siêu nhiên. Và chính trong cơn khát đó, giống như người nữ Samari, dù sống trong cảnh tội lỗi, nhưng tôi có ao ước đối thoại cùng Chúa và mở lòng để đón nhận hồng ân hoán cải và những giá trị Người ban để lấp đầy đời tôi không ?
2. Là những người Kitô hữu đã lãnh nhận bí tích rửa tội, tôi có ý thức đang sở hữu nơi mình nguồn nước trường sinh chính là Đức Kitô, nguồn mạch mọi ơn thánh tôi đang có, để tôi làm mới lại nguồn nước ấy bằng chính đời sống canh tân của tôi không ?
3. “Họ ra khỏi thành và đến gặp Người”. Để gặp gỡ Đức Kitô, Đấng cứu độ, các phụ nữ Samari đã rời khỏi thành trì cố hữu của mình. Vậy với lời mời gọi canh tân đời sống, nhất là trong Mùa Chay thánh này, tôi có dũng cảm rời khỏi thành trì của mình không ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa yêu thương và muốn tặng ban cho chúng ta nguồn sống là chính Con Một yêu dấu của Người. Trong tâm tình cảm tạ và với khao khát nên công chính để được sự sống đời đời, chúng ta cùng hiệp ý dâng lời cầu nguyện:
1. Tình yêu Thiên Chúa là nền tảng cho niềm cậy trông của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh biết tận dụng thời gian của mùa Chay để sám hối trở về với Chúa, và luôn là chứng tá sống động cho tình yêu của Chúa giữa thế giới hôm nay.
2. Thiên Chúa muốn nhân loại thức tỉnh và trưởng thành hơn qua thử thách. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trên thế giới đang phải đương đầu với dịch bệnh covid-19 biết ý thức bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng, và nỗ lực cộng tác với nhau hầu đẩy lui dịch bệnh.
3. Nhờ đức tin và bí tích Rửa tội, người ta được dẫn đưa vào đời sống ân sủng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết ý thức củng cố và nuôi dưỡng đức tin, luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô qua đời sống cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích.
4. Thiên Chúa muốn chúng ta thờ phượng Người trong thần khí và sự thật. Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta ngày càng trưởng thành hơn trong đời sống đạo, luôn dấn thân trong mọi sinh hoạt của cộng đoàn và tích cực tham gia các hoạt động bác ái xã hội.
Chủ tếLạy Chúa là Đấng cứu độ và là Cha chúng con, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn Thánh Thần, giúp chúng con biết thờ phượng và phụng sự Chúa cho phải đạo, hầu đáng được hưởng sự sống muôn đời mà Chúa hứa ban qua Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.


Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm A
CHỦ ĐỀ :
THEO CHÚA SẼ TỚI ĐƯỢC 
NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG

“Ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” (Ga 4,14)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc Cựu Ước : Vâng lệnh Thiên Chúa, Môsê lấy gậy đập lên tảng đá, và nước đã vọt ra.
– Bài Tin Mừng : Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari : “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước chảy vọt, mang lại sự sống muôn đời”.
– Bài Thánh thư : Thánh Phaolô giải thích “nước” ấy chính là Thánh Thần và tình yêu : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu vào lòng ta, nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta”.

I.DẪN VÀO THÁNH LỄ
Hôm nay chúng ta họp nhau lại như dân do thái ngày xưa trong sa mạc. Họ đã trải qua nhiều gian khổ, nhất là cái khổ thiếu nước. Trong sa mạc của cuộc sống ngày nay, chúng ta cũng chịu nhiều gian khổ và cũng cảm thấy khát, khát vì biết bao ước vọng không được thỏa mãn. Lời Chúa hôm nay cho biết Đức Giêsu là nguồn nước hằng sống. Vậy chúng ta hãy đến với Ngài và mở rộng lòng ra để Ngài giải khát cho chúng ta.
II.GỢI Ý BỊ SÁM HỐI
– Như dân do thái ngày xưa trong sa mạc, nhiều khi chúng ta cũng hoài nghi nghĩ rằng Thiên Chúa đã vắng mặt.
– Như dân do thái ngày xưa, nhiều lần chúng ta đã trách móc Thiên Chúa, nhất là khi Ngài không thỏa mãn ước muốn của chúng ta.
– Chúng ta thường khao khát những sự trần gian chứ không biết khao khát những điều thuộc về Thiên Chúa.
III. LỜI CHÚA
1.     Bài đọc Cựu Ước((Xh 17,3-7)
Thiên Chúa đã giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai cập bằng những hành động diệu kỳ, nhất là biến cố Thiên Thần vượt qua các gia đình do thái và biến cố vượt qua Biển. Ban đầu dân Israel rất phấn khởi và sùng mộ Thiên Chúa. Nhưng những khổ cực và thiếu thốn trong cuộc hành trình qua sa mạc đã dần dần khiến họ nản lòng : họ thường càu nhàu, đòi trở lại Ai cập, nhiều khi còn nổi loạn. Tuy nhiên Thiên Chúa kiên nhẫn đã dùng chính hoàn cảnh thiếu thốn ấy để giáo dục họ hiểu biết đâu là điều thiết yếu trong cuộc sống.
– Điều thiết yếu thứ nhất là đức tin : Ngài muốn họ tin rằng sự cứu rỗi của họ ở đàng trước chứ không phải ở đàng sau : đàng trước là Đất hứa, đàng sau là ách nô lệ Ai cập. Do đó họ có dám tin cậy vào Ngài để tiến tới phía trước không mặc dù hiện tại họ chỉ thấy toàn khổ cực thiếu thốn. Hay họ thà quay lại đàng sau để sống kiếp nô lệ với cơm thừa canh cặn ở Ai cập.
– Điều thiết yếu thứ hai là đức cậy : từ trước tới nay Thiên Chúa chăm lo cho họ đủ mọi điều : muốn bánh thì có manna, muốn thịt thì có chim cút. Nay Ngài để họ thiếu nước, thế là niềm trông cậy của họ lung lay, họ hỏi một cách thách thức “Có thực có Thiên Chúa hay không ?” Sở dĩ họ hỏi vậy là vì họ nghĩ rằng Thiên Chúa là một kẻ có nhiệm vụ lo lắng cho họ. Nói cách khác, họ coi Thiên Chúa như một người đối diện với họ (le vis à vis). Thực ra Thiên Chúa không phải là một người đối diện, dù người đó có quyền lực bao nhiêu đi nữa. Thiên Chúa còn hơn thế nhiều. Bài Tin Mừng hôm nay mạc khải Thiên Chúa thực ra là thế nào.
2.                 Đáp ca(Tv 94)
Thánh vịnh này nhắc lại cuộc nổi loạn của dân do thái trong sa mạc khi họ thiếu nước. Chỉ vì khó khăn trước mắt, họ đã quên hết biết bao việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho họ. Thánh vịnh kêu mời con người nhớ lại những ơn lành của Thiên Chúa. Đó chính là những tiếng kêu gọi của Ngài, mỗi người hãy nhận ra và ngoan ngoãn đáp lại.
3.                 Bài Tin Mừng(Ga 4,5-42)
– Đức Giêsu ban đầu xin người phụ nữ Samaria cho Ngài uống nước, sau đó tự mặc khải Ngài chính là Nước trường sinh “Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”.
– Qua lời trên, Đức Giêsu cho biết Thiên Chúa không phải là một kẻ đối diện mà là Đấng muốn ở tận trong con người chúng ta, để làm thành một nguồn nước vọt ra sự sống muôn đời. Ai tin vào Ngài và trông cậy nơi Ngài thì có Ngài ở trong người ấy. Ngài ấy sẽ có một sức sống phong phú chẳng những cho chính bản thân mà còn cho người khác nữa.
– Câu chuyện người phụ nữ Samaria là một thí dụ điển hình : Khi bà đã tin vào Đức Giêsu thì bà trở thành người loan Tin Mừng cho những người khác trong làng. Những người này ban đầu tin vì nghe theo lời chị. Nhưng sau đó trong lòng họ cũng có một nguồn nước sống. Họ nói “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian” : Đức Kitô đã cự ngụ ngay trong lòng họ.
4.                 Bài Thánh thư: Rm 5,1-2.5-18
Thánh Phaolô là người đã sống cái cảm nghiệm của người phụ nữ Samaria. Từ khi tin Đức Kitô, ngài đã nói “Không phải tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi”. Với Đức Kitô sống trong mình, thánh Phaolô đã trở thành một nguồn nước phong phú cứ muốn vọt ra. Ngài đi khắp nơi loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô. Mặc dù gặp bao gian khổ, Ngài không thể không loan báo Tin Mừng ấy được.
Phaolô diễn tả nguồn nước sống trong con người là :
– Thánh Thần : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (câu 5).
– Ơn sủng của Thiên Chúa ban nhờ Đức Giêsu : “Ơn sủng nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn (tội lỗi do Adam) biết mấy cho muôn người” (câu 15)
IV. GỢI Ý GIẢNG
1.     Những nỗi khát khao
Chúng ta khao khát rất nhiều điều :
– Khao khát chân lý vì cuộc sống nhiều gian dối
– Khao khát tự do trong một xã hội nhiều trói buộc
– Khao khát công bình trong một môi trường đầy dẫy bất công
– Khao khát yêu thương trong cuộc đời nhiều thù hận
– Khao khát hạnh phúc trong cảnh sống bất hạnh
– Khao khát niềm tin giữa cảnh đời nhiều nghi kỵ…
– v.v.
Tất cả những khao khát đó đều là biểu hiện của một khát vọng thâm sâu : “Linh hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống”.
2.                 Chiếc vò nước được bỏ lại
“Bên bờ giếng, có một khách bộ hành mỏi mệt dừng chân. Chân lý đã vọt lên từ những lời ông ta nói. Cũng bên bờ giếng đó, người phụ nữ nọ đã để lại cái vò nước của mình, bởi từ nay nó chẳng giúp gì cho chị đón nhận hồng ân Thiên Chúa ban. Cái vò nước bỏ quên đó sẽ mãi mãi nói với chúng ta về một người phụ nữ mà số phận từng bị giam hãm trong đủ thứ công việc hằng ngày, trong những quan hệ chẳng tới đâu với một loạt đời chồng, nay bỗng tìm thấy ý nghĩa cho đời mình qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, qua những trao đổi với Người (…)
Như thế, chính qua những chuyện của đời thường như ăn, uống, cuộc sống chung với một người đàn ông, cố gắng quay về với Thiên Chúa… mà con người nghe được tiếng nói của Thánh Thần. Nhưng ở đây và lúc này, Người lại đến như một ân ban qua những bất trắc khôn lường của lời nói, qua thái độ chân thành của các bên đối thoại, qua những khoảnh khắc thinh lặng để cho chân lý lên tiếng nói” (J.Cl. Giroud, được trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 86).
3.                 Thờ phượng trong thần khí và sự thật
Những người Samari thờ phượng Thiên Chúa trên núi Garizim. Những người do thái thờ phượng Thiên Chúa trên núi Sion. Và hai bên tranh cãi với nhau, thù ghét nhau.
Phải chăng đó là những chuyện đời xưa ? Không. Ngày nay vẫn có những người chỉ muốn dự Thánh lễ ở nhà thờ này chứ không phải nhà thờ nọ ; và có rất nhiều người chỉ thờ phượng Thiên Chúa trong nhà thờ mà thôi.
Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari : “Đã đến giờ – và chính là lúc này – những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Thờ phượng “trong thần khí” là thờ phượng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần ; thờ phượng “trong sự thật” là thờ phượng với tâm tình kết hợp với Đức Giêsu, Đấng đã xưng mình là đường, là sự thật và là sự sống.
4.                 Nước
Nước vô cùng thiết yếu cho sự sống. Không có nhà cửa, áo quần, người ta vẫn có thể sống. Không có ăn, người ta vẫn còn sống một thời gian khá dài. Nhưng không có nước, người ta sẽ chết sau một vài ngày.
Bởi thế, khi nói về Thiên Chúa, Thánh Kinh thích dùng hình ảnh nước : Sách Sáng thế mô tả vườn địa đàng có một con sông tỏa ra 4 nhánh mang nước đi nuôi sống các sinh vật ở 4 phương trời. Tổ tông loài người sống trong khu vườn dồi dào nước ấy đã rất hạnh phúc. Nhưng rồi khi nguyên tổ phạm tội và bị đuổi khỏi vườn địa đàng thì cuộc sống vô cùng vất vả trên đất đai khô cằn sỏi đá. Ngụ ý của tác giả đoạn sách Sáng thế ấy là : khi con người sống trong tình thân với Thiên Chúa thì cũng giống như sống bên nguồn nước tươi mát ; còn khi họ tách rời Thiên Chúa thì phải khốn khổ như đang ở trong sa mạc khô cằn. Vì thế sách Khải huyền khi muốn diễn tả hạnh phúc thời cứu độ đã vẽ lên hình ảnh một thành Giêrusalem mới, trong đó cũng có một dòng sông hằng sống, nước sông tưới mát một cây hằng sống làm cho nó trổ sinh hoa quả suốt 12 tháng quanh năm, trái cây cho người ta ăn, và lá cây dùng làm thuốc chữa hết mọi chứng bệnh.
5.                 Những thứ nước
Người thiếu phụ xứ Samari mặc dù đang ở bên giếng nước nhưng cõi lòng vẫn khát khao. Nàng thèm khát một tình nghĩa đậm đà. Nàng tưởng rằng tình đời sẽ thỏa mãn được cơn khát ấy nên nàng đã lăn xả vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Nhưng đã trải qua 5 đời chồng rồi, nay đã là đời chồng thứ 6 mà nàng vẫn còn khát. Chỉ sau khi gặp được Đức Giêsu, trò chuyện với Ngài và được Ngài ban cho thứ nước siêu nhiên là tình nghĩa với Chúa thì nàng mới hết khát. Nàng còn chạy vào làng rủ thêm nhiều người đến với Đức Giêsu, nguồn nước hằng sống đích thực.
6.                 Thánh vịnh 42
“Như nai rừng mong mỏi
Tìm về suối nước trong
Hồn con cũng trông mông
Tìm đến Ngài, lạy Chúa”
7.                 Chuyện minh họa
Ngày xửa ngày xưa có một người ăn mày ngồi bên vệ đường để ăn xin, bên cạnh ông là một túi vải đựng vỏn vẹn vài hạt lúa. Bỗng ông thấy chiếc xe chở Nhà Vua đang đi tới. Ông mừng lắm, tự nhủ rằng thế nào Nhà Vua cũng bố thí nhiều tiền cho ông. Ông chạy ra đón đường
– Muôn tâu bệ hạ, xin dủ lòng thương xót bố thí cho kẻ thần dân nghèo khổ này một ít tiền để sống qua ngày.
Nhà vua xuống xe, đến gần người ăn mày, và nói một câu khiến ông hết sức ngạc nhiên và thất vọng :
– Ông có thể dâng cho hoàng thượng của ông một món quà gì không ?
Không cách nào từ chối được, người ăn mày lục lọi trong túi vải một hạt lúa nhỏ nhất đưa cho nhà vua.
Khi nhà vua đi rồi, người ăn mày tiếc rẻ mở túi vải ra đếm lại số hạt lúa của mình. Lạ thay, thay vào chỗ hạt lúa đã cho đi là một hạt vàng sáng lóng lánh, cũng bằng y hạt lúa ấy. Lúc đó người ăn mày vô cùng tiếc rẻ : phải chi mình cho hết những hạt lúa đi thì bây giờ mình đã có một túi đầy những hạt vàng !
Ý nghĩa chuyện này :
– người xin trở thành người cho và người cho trở thành người nhận, như Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria vậy.
– chính lúc cho đi là lúc nhận lãnh ; chính khi xẻ chia là khi trở nên giàu có.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Chúa ban cho chúng ta những phương thế tuyệt hảo để chữa lành vết thương tội lỗi trong tâm hồn : đó là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia sẻ cơm áo cho những anh chị em nghèo khổ bất hạnh. Tin tưởng vào ơn Chúa trợ giúp, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1- Nước hằng sống Đức Giêsu ban chính là Mặc Khải / là lời giáo huấn / là Thánh Thần của Ngài / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh / để nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng / mọi người biết thành tâm trở về cùng Chúa / để đền bù những tháng ngày bội nghĩa vong ân.
2- Hằng năm / ở nhiều nơi trên thế giới / đặc biệt là tại những vùng đang có chiến tranh / đang gặp thiên tai / dù được cứu trợ khẩn cấp / vẫn có một số khá đông người bị chết vì đói khát / vì bệnh tật / do phải uống nước bị ô nhiễm trầm trọng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang gặp hoạn nạn / được giúp đỡ đầy đủ và kịp thời.
3- Chúa đã ban cho người kitô hữu Mùa Chay thánh để đổi mới đời sống / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết mọi tín hữu / biết chuyên tâm cầu nguyện và làm nhiều việc lành phúc đức.
4- Giảm bớt chi tiêu ăn uống / để chia cơm xẻ áo cho những anh chị em đói rách nghèo nàn / là ưu tiên số một của người kitô hữu trong Mùa Chay này / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thực thi bác ái / không những trong việc lớn / mà còn trong những chuyện nhỏ của đời sống hằng ngày.
CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. Xin cho tất cả chúng con biết thờ phượng Chúa cho phải đạo làm con. Chúng con cầu xin…
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta nên đã đổ tràn Thánh Thần Ngài vào lòng chúng ta. Trong tâm tình hiệp nhất với Thánh Thần Tình yêu ấy, chúng ta hãy dâng lên Ngài lời Kinh Lạy Cha sau đây.
– Sau kinh Lạy Cha : Chủ tế thêm đôi lời vào lời kinh sau đó “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, và giúp chúng con khỏi tái phạm tội lỗi, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”
VII. GIẢI TÁN
Sau khi gặp được Đức Giêsu, người phụ nữ Samari đã vui mừng chạy đi loan tin vui cho những người dân làng. Anh chị em cũng đã gặp được Đức Giêsu. Bây giờ anh chị em hãy ra đi loan tin mừng của Chúa cho mọi người mà anh chị em sẽ gặp gỡ hôm nay. Chúc anh chị em được bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật III Mùa Chay (A)

Chúa Nhật, 15 Tháng 3, 2020
Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria
Cuộc đối thoại mang đến đời sống mới
Ga 4:5-42


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Với ánh sáng của Lời Chúa trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã được mặc khải như là nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng con cũng sẽ hưởng được sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, của công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa để mở bài Tin Mừng:

Đoạn Tin Mừng mô tả cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Samaria.  Đó là một cuộc đối thoại rất nhân bản, trong đó cho thấy làm cách nào Chúa Giêsu đã liên kết với loài người và bằng cách nào mà Người đã tự học hỏi và trở nên phong phú khi nói chuyện với người khác.  Trong khi đọc đoạn Tin Mừng, bạn hãy cố gắng để ý xem điều gì đã làm bạn ngạc nhiên nhất về thái độ của Chúa Giêsu lẫn của người phụ nữ.
  
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho việc đọc kỹ càng:

Ga 4:5-6:  Quang cảnh nơi cuộc đối thoại diễn ra
Ga 4:7-26:  Mô tả cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà
7-15:  Về nước và khát
16-18:  Về chồng con và gia đình
19-25:  Về tôn giáo và nơi thờ phượng
Ga 4:27-28:  Mô tả tầm ảnh hưởng của cuộc đối thoại về phía người phụ nữ
Ga 4:31-38:  Mô tả sự ảnh hưởng của cuộc đối thoại về phía Chúa Giêsu
Ga 4:39-42:  Mô tả tầm ảnh hưởng về sứ vụ của Chúa Giêsu tại xứ Samaria

c)  Phúc Âm:

5-6:  Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar, thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse.  Ở đó có giếng của Giacóp.  Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
7-15:  Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước.  Chúa Giêsu bảo:  “Xin bà cho Tôi uống nước.”  Lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn.  Người đàn bà Samaria thưa lại:  “Sao thế!  Ông là người Do Thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?”  Vì người Do Thái không giao thiệp gì với người Samaria.  Chúa Giêsu đáp:  “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà :  ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người và Người sẽ cho bà nước hằng sống.”  Người đàn bà nói:  “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu; vậy Ngài lấy đâu ra nước?  Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”  Chúa Giêsu trả lời:  “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát; nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa; vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời.”  Người đàn bà thưa:  “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa.”
16-18:  Chúa Giêsu bảo:  “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây.”  Người đàn bà đáp:  “Tôi không có chồng.”  Chúa Giêsu nói tiếp:  “Bà nói ‘tôi không có chồng’ là phải; vì bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà, bà đã nói đúng đó.”
19-26:  Người đàn bà nói:  “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri.  Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem.”  Chúa Giêsu đáp:  “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem.  Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do Thái mà đến.  Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn.  Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý.”  Người đàn bà thưa:  “Tôi biết Đấng Mêssia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.”  Chúa Giêsu bảo:  “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây.”
27-30:  Vừa lúc đó các môn đệ về tới.  Các ông ngạc nhiên thấy Người nói chuyện với một người đàn bà.  Nhưng không ai dám thưa:  “Thầy hỏi bà ta điều gì?” hoặc “Tại sao Thầy nói chuyện với người đó?”  Bấy giờ người đàn bà để vò xuống, chạy về thành bảo mọi người rằng:  “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.  Phải chăng ông đó là Đấng Kitô?”  Dân chúng tuôn nhau ra khỏi thành và đến cùng Người, trong khi các môn đệ giục Người mà rằng:  “Xin mời Thầy ăn.”  Nhưng Người đáp:  “Thầy có của ăn mà các con không biết.”  Môn đệ hỏi nhau:  “Ai đã mang đến cho Thầy ăn rồi chăng?”  Chúa Giêsu nói:  “Của ăn Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy và chu toàn công việc Ngài, các con chẳng nói:  ‘còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt’ đó ư?’  Nhưng Thầy bảo các con hãy đưa mắt mà nhìn xem đồng lúa chín vàng đã đến lúc gặt.  Người gặt lãnh công và thu lúa thóc vào kho hằng sống, và như vậy kẻ gieo người gặt đều vui mừng.  Đúng như câu tục ngữ:  ‘Kẻ này gieo, người kia gặt.’  Thầy sai các con đi gặt những gì các con không vất vả làm ra; những kẻ khác đã khó nhọc còn các con thừa hưởng kết quả công lao của họ.”
39-42:  Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng:  “Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm.”  Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ; và Người đã ở lại đó hai ngày.  Và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn.  Họ bảo người đàn bà:  “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể lại mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm và cầu nguyện.

a)  Điều gì đã thu hút sự chú ý của bạn nhất trong thái độ của Chúa Giêsu đối với người đàn bà trong cuộc đối thoại?  Chúa Giêsu đã xử dụng phương pháp gì để giúp người đàn bà nhận thức được về một khía cạnh sâu xa hơn của đời sống?  
b)  Điều gì đã thu hút sự chú ý của bạn nhất về thái độ của người đàn bà Samaria trong cuộc đối thoại với Chúa Giêsu?  Bà ta đã ảnh hưởng đến Chúa Giêsu bằng cách nào?   
c)  Chỗ nào trong phần Cựu Ước, nước được xem như có liên hệ với ân sủng của đời sống và ân sủng của Chúa Thánh Thần?
d)  Thái độ của Chúa Giêsu trong cuộc trò chuyện nêu vấn đề với tôi hoặc đụng chạm tới điều gì đó trong tâm hồn tôi hay sửa đổi tôi như thế nào?  
e)   Người đàn bà Samaria đã lái câu chuyện hướng về đề tài tôn giáo.  Nếu bạn có cơ hội gặp gỡ Chúa Giêsu giữa đàng và trò chuyện với Người, thì bạn muốn nói về chuyện gì?  Tại sao?
f)  Tôi có tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý không hay là tôi chỉ đi tìm sự an toàn cho bản thân trong các nghi thức và luật lệ?  
                                                                                                                                                                                 
5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

a)  Biểu tượng của nước:

*  Chúa Giêsu dùng chữ nước theo hai nghĩa.  Nghĩa đầu tiên chỉ về vật chất, ý nghĩa thông thường của nước là một trong những thức uống; ý nghĩa thứ hai là sự biểu tượng cho nguồn mạch sự sống và ân sủng của Chúa Thánh Linh.  Chúa Giêsu xử dựng một ngôn ngữ mà người ta có thể hiểu được, và đồng thời, thức tỉnh trong lòng họ ước muốn đào sâu và khám phá ra ý nghĩa sâu sắc hơn của đời sống.

*  Ý nghĩa biểu tượng của nước có nguồn gốc từ trong Cựu Ước, nơi mà nước thường là biểu tượng cho tác động của Chúa Thánh Thần trong người ta.  Ví dụ, tiên tri Giêrêmia so sánh mạch nước với nước trong bể chứa (Gr 2:13).  Nước trong bể chứa càng được lấy ra, thì bể càng có ít nước đi; nước càng được lấy từ suối nước hằng sống, thì suối càng có nhiều nước hơn.  Các bản văn khác từ Cựu Ước: Is 12:3; 49:10; 55:1; Êd 47:1-3.  Chúa Giêsu biết rõ các phong tục tập quán của dân tộc mình và Người đã dùng những truyền thống này trong cuộc đối thoại của Chúa với người đàn bà Samaria.  Đề nghị dùng ý nghĩa biểu tượng của nước, Chúa đã đề nghị với người đàn bà ấy (và với các độc giả) một số các đoạn và từ ngữ khác nhau trích từ Cựu Ước.
 
b)  Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà:

*  Chúa Giêsu gặp người đàn bà tại giếng nước, một nơi mà theo tục lệ dành cho các cuộc gặp gỡ và trò chuyện (St 24:10-27; 29:1-14).  Chúa Giêsu bắt đầu câu chuyện từ nhu cầu thực sự riêng của Người bởi vì Người đang khát.  Người làm điều này trong một cách mà người đàn bà cảm thấy Chúa đang cần nhờ vả đến bà và bà ấy đã múc nước cho Người.  Chúa Giêsu đã khiến bà ta chú ý đến nhu cầu của Người.  Từ câu hỏi của Chúa, Người tạo cơ hội cho người đàn bà nhận thức rằng Chúa đang trông nhờ vào bà cho Người ít nước để uống.  Chúa Giêsu đã thức tỉnh trong bà ấy lòng mong muốn giúp đỡ và phục vụ.

*  Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và người đàn bà có hai mức độ:
(i)  Mức độ bên ngoài, trong ý nghĩa vật chất của nước là làm giảm cơn khát của một người nào đó, và trong ý nghĩa thông thường về một người chồng như là người cha của gia đình.  Ở cấp độ này, cuộc trò chuyện trở nên căng thẳng, khó hiểu và không suông sẻ.  Người đàn bà Samaria chiếm lợi thế hơn.  Lúc đầu, Chúa Giêsu cố gắng để bắt chuyện với bà ta bằng cách nói về công việc hằng ngày (lấy nước), nhưng Người không thành công.  Sau đó, Người cố chuyển qua về chuyện gia cảnh (hãy đi gọi chồng bà), và vẫn không có kết quả.  Cuối cùng, người đàn bà nói về chuyện tôn giáo (nơi thờ phượng).  Chúa Giêsu sau đó đã vào được tâm hồn bà ấy thông qua cánh cửa mà chính bà ấy đã mở.   
(ii)  Mức độ sâu hơn, trong ý nghĩa biểu tượng của nước là hình ảnh của cuộc sống mới được Chúa Giêsu mang lại và biểu tượng người chồng là biểu tượng của sự hợp nhất của Thiên Chúa với người ta.  Ở mức độ này, cuộc trò chuyện trôi chảy hoàn hảo.  Sau khi mặc khải cho biết rằng chính Người là Đấng ban cho nước của đời sống mới, Chúa Giêsu bảo:  “Bà hãy đi gọi chồng bà rồi trở lại đây”.  Trong quá khứ, người dân Samaria có năm đời chồng, hoặc năm tượng thần, thuộc năm nhóm người đã bị đi đày bởi vua Assyria (2V 17:30-31).  Người chồng thứ sáu, là người đàn ông mà người phụ nữ đang chung sống, cũng không hẳn là chồng bà ta:  “Người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà” (Ga 4:18).  Những gì dân chúng đã không đáp trả theo lòng mong muốn sâu thẳm nhất của họ:  kết hiệp với Thiên Chúa, như người chồng kết hiệp với người phối ngẫu của mình (Is 62:5; 54:5).  Người chồng thật sự, người thứ bảy, là Chúa Giêsu, như đã được hứa bởi ngôn sứ Hôsê: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.” (Hs 2:21-22).  Chúa Giêsu là chàng rể đã đến (Mc 2:19) mang lại cuộc sống mới cho người phụ nữ đã đi tìm kiếm nó trong suốt cả cuộc đời, và cho đến bây giờ, chưa bao giờ tìm thấy.  Nếu người ta chấp nhận Chúa Giêsu như “người chồng”, họ sẽ đến được với Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào, cả trong tinh thần và trong chân lý (các câu 23-24).

*  Chúa Giêsu nói với người đàn bà Samaria là Chúa khát nhưng Người lại không uống nước.  Đây là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang nói về sự khát nước tượng trưng, có liên hệ đến sứ vụ của Người:  nỗi khao khát thực hiện ý của Chúa Cha (Ga 4:34).  Nỗi khao khát này luôn hiện diện trong Chúa Giêsu và tồn tại với Người cho đến khi chết.  Trước lúc sinh thì, Người nói:  “Ta khát” (Ga 19:28).  Chúa nói về cái khát của mình lần cuối cùng và để cho Người có thể nói:  “Thế là đã hoàn tất.”  Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 19:30).  Sứ vụ của Người đã được hoàn thành.

c)  Sự quan trọng của người phụ nữ trong Tin Mừng của thánh Gioan:

*  Trong Phúc Âm của thánh Gioan, điểm đặc trưng của người phụ nữ được nổi bật bảy lần, là sự dứt khoát cho việc truyền bá Tin Mừng.  Các người phụ nữ được giao cho những chức năng và nhiệm vụ, mà một số trong đó theo các sách Tin Mừng khác, được thuộc về nam giới:
-  Tại tiệc cưới ở Cana, thân mẫu của Chúa Giêsu nhận ra các giới hạn của Cựu Ước và những sự khẳng định lề luật của Tin Mừng:  “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:1-11).
-  Người phụ nữ Samaria là người đầu tiên đã được mặc khải bởi Chúa Giêsu về điều bí mật lớn, rằng Người là Đấng Mêssia.  “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây” (Ga 4:26).  Bà ấy sau đó đã trở thành người loan báo Tin Mừng của xứ Samaria (Ga 4:28-30; 39-42).
-  Người phụ nữ, kẻ bị gọi là người ngoại tình, tại thời điểm nhận được sự tha thứ của Chúa Giêsu, đã trở nên vị thẩm phán của một xã hội phụ hệ (hoặc của quyền lực nam giới) đã tìm cách lên án bà ta (Ga 8:1-11).
-  Trong các sách Tin Mừng khác, chính thánh Phêrô là người đã tuyên xưng long trọng đức tin vào Chúa Giêsu (Mt 16:16; Mc 8:29; Lc 9:20).  Trong Tin Mừng của thánh Gioan, bà Máctha, chị của Maria và Lazarô, là người tuyên xưng đức tin (Ga 11:27).
-  Bà Maria, em gái của bà Máctha, xức dầu thơm vào chân Chúa Giêsu là có ý dành cho ngày mai táng Người (Ga 12:7).  Vào thời Chúa Giêsu, người đã chết trên thập giá không được chôn cất hay được tẩm liệm.  Bà Maria đã dự tính việc xức dầu của thi thể Chúa Giêsu.  Điều này có nghĩa là bà đã chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia – Người Tôi Tớ Đau Khổ, người đã phải chết trên thập giá.  Ông Phêrô đã không chấp nhận điều này (Ga 13:8) và đã tìm cách can ngăn Chúa Giêsu không đi vào con đường này (Mt 16:22).  Bằng cách này, bà Maria được trình bày như là một mẫu mực cho các môn đệ khác.
-  Dưới chân cây thập giá, Chúa Giêsu nói:  “Thưa Bà, đây là con của Bà; và đây là mẹ của con” (Ga 19:25-27).  Giáo Hội được sinh ra tại chân thập giá. Đức Maria là mẫu mực cho cộng đoàn Kitô hữu.
-  Bà Maria Mađalêna phải đi loan báo Tin Mừng cho các môn đệ (Ga 20:11-18).  Bà nhận lãnh một mệnh lệnh mà nếu không có mệnh lệnh này thì tất cả các mệnh lệnh khác được trao cho các tông đồ sẽ không có hiệu lực hoặc giá trị nào.

*  Đức Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu, xuất hiện hai lần trong Tin Mừng của thánh Gioan:  vào lúc bắt đầu, tại tiệc cưới ở Cana (Ga 2:1-5), và vào lúc cuối, dưới chân cây thập giá (Ga 19:25-27).  Trong cả hai trường hợp, Bà đại diện cho Cựu Ước đang chờ đợi sự xuất hiện của Tân Ước, và trong cả hai lần, đều hỗ trợ cho sự xuất hiện.  Đức Maria kết hợp những gì đã đi trước với những gì sẽ đến sau đó.  Tại Cana, chính Bà, thân mẫu Chúa Giêsu, biểu tượng của Cựu Ước, người đã nhận thấy những giới hạn của nó nên đã tiến hành những bước để cho Tân Ước sẽ đến.  Vào giờ lâm chung của Chúa Giêsu, chính thân mẫu của Chúa Giêsu đã đón nhận “người Môn Đệ Chúa Yêu”.  Trong trường hợp này Người Môn Đệ Chúa Yêu là cộng đoàn mới, đã phát triển chung quanh Chúa Giêsu.  Đó là người con đã được sinh ra từ Cựu Ước.  Để đáp lại lời yêu cầu của Chúa Giêsu, người con, Tân Ước, đón Người Mẹ, Cựu Ước, vào nhà mình.  Cả hai phải cùng đồng hành với nhau.  Tân Ước không thể được hiểu thấu nếu không có Cựu Ước.  Nó giống như một tòa nhà không có nền móng.  Cựu Ước mà không có Tân Ước thì sẽ thiếu sót.  Nó giống như cái cây mà không có trái.

6.  Thánh Vịnh 19 (18):

Thiên Chúa nói với chúng ta qua thiên nhiên và qua Kinh Thánh

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.

Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.

Chúa căng lều cho thái dương tại đó,
thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng,
và vui sướng lên đường như tráng sĩ.
Từ chân trời này, thái dương xuất hiện,
rồi chuyển vần mãi đến chân trời kia,
chẳng có chi tránh khỏi ánh dương nồng.

Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.

Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh,
thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.

Nên tôi tớ Ngài đây xin ra công học hỏi;
ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.
Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.
Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để tính xấu này thống trị con.
Như thế con sẽ nên vẹn toàn
không còn vương trọng tội.

Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn,
là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận
bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa,
và bao tiếng lòng con thầm thĩ
mong được thấu đến Ngài.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét