22/03/2020
Chúa Nhật 4 Mùa
Chay năm A
(phần I)
BÀI ĐỌC I: 1 Sm 16, 1b.
6-7. 10-13a
“Đavit được xức dầu làm vua Israel”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những
ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: “Hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường. Ta
sai ngươi đến nhà Isai dân thành Bêlem, vì Ta chọn một người con của ông ấy lên
làm vua”.
Khi (họ)
vào nhà, Samuel gặp ngay Eliab và nói: “Có phải người xức dầu của Chúa đang ở
trước mặt Chúa đây không?” Và Chúa phán cùng Samuel: “Đừng nhìn xem diện mạo,
vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì
chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Isai
lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai:
“Chúa không chọn ai trong những người này”. Samuel nói tiếp: “Tất cả con ông có
bấy nhiêu đó phải không?” Isai đáp: “Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên”.
Samuel nói với Isai: “Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi
vào bàn ăn trước khi nó về”. Isai sai người đi tìm đứa con út. Đứa út này có
mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: “Ngươi hãy chỗi dậy,
xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt
các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Đavít từ ngày đó trở đi. Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a.
3b-4. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn
chi (c. 1).
Xướng: 1)
Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả
tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi,
Người lo bồi dưỡng. – Đáp.
2) Người dẫn
tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Dù bước đi trong
thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của
Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Đáp.
3) Chúa dọn
ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu
thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Đáp.
4) Lòng
nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà
Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Ep 5, 8-14
“Từ trong cõi chết, ngươi hãy đứng lên và
Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu
Êphêxô.
Anh em
thân mến, xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng bây giờ, anh em là sự sáng trong
Chúa. Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất
cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật. Anh em hãy nhận biết điều
gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không
sinh lợi ích gì, nhưng phải tố cáo thì hơn. Vì chưng, việc chúng làm cách thầm
kín, dầu có nói ra cũng phải hổ thẹn. Nhưng tất cả những việc người ta tố cáo,
thì nhờ sự sáng mà được tỏ bày ra; vì mọi việc được tỏ bày, đều là sự sáng. Bởi
thế, thiên hạ nói: “Hỡi kẻ đang ngủ, hãy thức dậy, hãy vùng dậy ra khỏi cõi chết,
và Chúa Kitô sẽ chiếu sáng trên ngươi”. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC
ÂM: Ga 8, 12b
Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta,
sẽ được ánh sáng ban sự sống”.
PHÚC ÂM: Ga 9, 1-41
(bài dài)
“Hắn đi rửa, rồi trở lại trông thấy rõ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy,
Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: “Thưa
Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?”
Chúa Giêsu đáp: “Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để
công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những
việc của Đấng đã sai Ta. Đêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta
còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian”. Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước
miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: “Anh hãy đến hồ
Silôê mà rửa” (chữ Silôê có nghĩa là được sai). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại
thì trông thấy được.
Những người
láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: “Đó chẳng phải
là người vẫn ngồi ăn xin sao?” Có kẻ nói: “Đúng hắn!” Lại có người bảo: “Không
phải, nhưng là một người giống hắn”. Còn anh ta thì nói: “Chính tôi đây”. Họ hỏi
anh: “Làm thế nào mắt anh được sáng?” Anh ta nói: “Người mà thiên hạ gọi là
Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi
đi, tôi rửa và tôi trông thấy”. Họ lại hỏi: “Ngài ở đâu?” Anh thưa: “Tôi không
biết”.
Họ liền dẫn
người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà
bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi
anh ta do đâu được sáng mắt? Anh đáp: “Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa
và tôi được sáng mắt”. Mấy người biệt phái nói: “Người đó không phải bởi Thiên
Chúa, vì không giữ ngày Sabbat”. Mấy kẻ khác lại rằng: “Làm sao một người tội lỗi
lại làm được những phép lạ thể ấy?” Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại
hỏi người mù lần nữa: “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh
đáp: “Đó là một tiên tri”.
Nhưng người
Do-thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến.
Họ hỏi hai ông bà: “Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ
khi mới sinh không? Do đâu mà bây giờ nó lại trông thấy?” Cha mẹ y thưa rằng:
“Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh.
Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi
không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy”. Cha mẹ anh
ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội
đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Chính vì lý do này mà
cha mẹ anh ta nói: “Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”.
Lúc ấy người
Do-thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa!
Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi”. Anh ta trả lời: “Nếu
đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi
mù và bây giờ tôi trông thấy”. Họ hỏi anh: “Người đó đã làm gì cho anh? Người
đó đã mở mắt anh thế nào?” Anh thưa: “Tôi đã nói và các ông đã nghe, các ông
còn muốn nghe gì nữa? Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng?” Họ liền
nguyền rủa anh ta và bảo: “Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta,
chúng ta là môn đệ của Môsê. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môsê, còn người
đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến”. Anh đáp: “Đó mới thật là điều lạ: người
đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nhưng chúng
ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên
Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng
nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên
Chúa thì đã không làm được gì”. Họ bảo anh ta: “Mày sinh ra trong tội mà mày
dám dạy chúng ta ư?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.
Chúa Giêsu
hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: “Anh có tin
Con Thiên Chúa không?” Anh thưa: “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?”
Chúa Giêsu đáp: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”. Anh
ta liền nói: “Lạy Ngài, tôi tin”, và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Chúa Giêsu
liền nói: “Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy,
thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù”. Những người biệt phái
có mặt ở đó liền nói với Người: “Thế ra chúng tôi mù cả ư?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu
các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói ‘Chúng tôi
xem thấy’, nên tội các ngươi vẫn còn”. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này:
Ga 9, 1. 6-9. 13-17. 34-38
Khi ấy,
Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy
nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: “Anh hãy đến
hồ Silôe mà rửa” (chữ Silôe có nghĩa là được sai)”. Anh ta ra đi và rửa, rồi trở
lại thì trông thấy được.
Những người
láng giềng và kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: “Đó chẳng phải là người
vẫn ngồi ăn xin sao?” Có kẻ nói: “Đúng hắn”. Lại có người bảo: “Không phải,
nhưng là một người giống hắn”. Còn anh ta thì nói: “Chính tôi đây”.
Họ liền dẫn
người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà
bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi
anh ta do đâu được sáng mắt. Anh đáp: “Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa
và tôi được sáng mắt”. Mấy người biệt phái nói: “Người đó không phải bởi Thiên
Chúa, vì không giữ ngày Sabbat”. Mấy kẻ khác lại rằng: “Làm sao một người tội lỗi
lại làm được những phép lạ thể ấy?” Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại
hỏi người mù lần nữa: “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh
đáp: “Đó là một Tiên tri”. Họ bảo anh ta: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy
chúng ta ư?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.
Chúa Giêsu
hay tin họ đuổi anh ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: “Anh có tin Con
Thiên Chúa không?” Anh thưa: “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?”
Chúa Giêsu đáp: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”. Anh
ta liền nói: “Lạy Ngài, tôi tin”, và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Đó là lời
Chúa.
Suy Niệm: Con cái sự sáng
Bài Thánh thư và bài Tin Mừng cho phép ta nếu muốn, có
thể gọi Chúa nhật hôm nay là Chúa Nhật Ánh Sáng; nhưng như vậy phải tách riêng
bài sách Samuel. Và cũng là dịp để ta thấy: không tất nhiên các bài đọc bao giờ
cũng phải chung một đề tài. Tuy nhiên Phụng vụ luôn có chủ ý khi chọn những bài
đọc khác nhau. Như hôm nay, đang Mùa Chay, cần giáo huấn tân tòng và tín hữu,
Phụng vụ có thể đề xuất nhiều đề tài khác nhau để tiến hành việc giáo huấn mau
lẹ và đầy đủ hơn. Chúng ta thử nắm hết các lời giáo huấn trong Chúa nhật này.
A. Bài Sách Samuel
Samuel được sai đi xức dầu phong vương cho Ðavít.
Câu truyện đơn sơ, dễ hiểu và có vẻ thuộc loại văn lịch sử. Nhưng trong Kinh
Thánh, nhất là trong Kinh Thánh Cựu Ước, nhiều khi "vẻ" văn lịch sử
chưa chắc đã là văn sử. Người xưa thích kể chuyện khi dạy dỗ. Ở đây có lẽ cũng
thế. Tác giả kể việc xức dầu phong vương cho Ðavít thật rõ ràng. Cả nhà Ðavít đều
chứng kiến. Thế mà ở đoạn sau đó, tức chương 17,28 sách 1Samuel lại cho ta thấy
Eliab, người anh cả của Ðavít, lại cư xử với em như với một đứa nhỏ chẳng có
giá trị gì. Rồi trong 2Samuel đoạn 2,4 và 5,3 lại nói đến việc xức dầu cho
Ðavít làm vua Yuđa và Israel như đã không biết gì về việc Samuel đã xức dầu cho
Ðavít. Như vậy nếu coi bài đọc chúng ta vừa nghe như một bài giáo huấn hơn là một
câu chuyện lịch sử, mượn câu chuyện lịch sử Ðavít đã được xức dầu làm vua một lần
nào đó (và việc này có thật) để đưa ra một lời dạy dỗ, thì ý của tác giả thánh
thế nào?
Ông muốn nói rằng: Ðavít đã được một tiên tri xức dầu
làm vua. Vương quyền Ðavít nhận được có ơn tiên tri. Uy quyền của ông bởi Thiên
Chúa. Vua Israel là người được Thiên Chúa chọn, là đấng xức dầu của Người, là
người được Thần trí Chúa hướng dẫn. Như vậy, trong lịch sử Dân Chúa sẽ có một sự
tiếp nối liên tục giữa thời các Thẩm phán và thời các Hoàng đế. Các hoàng đế
tuy làm vua nhưng cũng được như các thẩm phán, là những bậc được Chúa chọn để
ban Thần trí hầu cứu dân trong một hoàn cảnh rất đặc biệt của lịch sử. Nói tóm
lại, Ðavít được nhà tiên tri xức dầu làm vua, thì vua Ðavít sẽ có Thần trí của
Thiên Chúa hướng dẫn và ngài sẽ cứu thế, cứu dân.
Do đó Phụng vụ Mùa Chay thật có lý để dùng bài Cựu Ước
này. Ðức Kitô Con Vua Ðavít, là Ðấng đã được xức dầu, thì cũng là Ðấng Cứu Thế.
Và nếu được phép suy nghĩ tỉ mỉ hơn nữa, dường như Phụng vụ còn muốn nói thêm:
như Ðavít là em út trong nhà, có bộ mặt khôi ngô sáng sủa đã được chọn một cách
chẳng ai ngờ, thì Ðức Kitô cũng sẽ cứu thế theo phương thức chẳng ai đoán được.
Người sẽ sống khiêm nhu, bé nhỏ và sẽ chết trên Thập giá. Nhưng nhìn vào sự
thánh thiện trong sáng của Người, muôn dân đã thấy bừng lên ơn cứu độ.
Một bài học như thế đáng cho chúng ta, tín hữu cũng
như tân tòng, suy nghĩ trong Mùa Chay và suốt cả cuộc đời. Chúng ta tin Ðức
Yêsu Kitô là Vua, là Tiên Tri và là Cứu Thế. Và chúng ta hãy xem trong bài Tin
Mừng hôm nay Người đã cứu thế cách nào?
B. Bài Tin Mừng
Người là Ðấng, như Chúa nhật trước đã cho ta biết, lấy
công việc làm theo Ý Ðấng đã sai Người, làm lương thực hàng ngày. Hôm nay Người
cũng khẳng định như thế, và nói bao lâu còn là ngày, chúng ta phải lao công vào
các việc của Ðấng đã sai chúng ta (c.4). Hiện giờ thì còn là ngày, vì "khi
Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian" (c.5).
Và sự sáng thì phải soi sáng. Vậy có một người mù từ
thuở mới sinh đang đứng đó. Môn đồ không hiểu vì sao có sự kiện ấy. Còn Ðức
Kitô ý thức mình là sự sáng, nên thấy ngay đây là công việc Chúa Cha gửi đến
cho mình. Người chữa anh ta khỏi.
Câu truyện có thể đến đó là xong. Nó đã đủ để chứng
minh: Ðức Kitô là sự sáng. Nhưng khốn nỗi, không những Người là sự sáng nhưng
còn là sự sáng thế gian, sự sáng đến trong thế gian; khiến Yoan phải viết thêm:
thế gian đón nhận sự sáng ấy như thế nào? Và đó là ý nghĩa của phần còn khá dài
trong bài Tin Mừng hôm nay.
Phần này quảng diễn một khẳng định mà Yoan đã viết
ngay ở đầu cuốn Tin Mừng của người: sự sáng rạng trong tối tăm và tối tăm đã
không triệt được sáng (1,5). Quả thật, việc Ðức Yêsu mở mắt người mù đã như ánh
sáng bùng lên trước mặt mọi người. Ai ai cũng bàn tán hỏi nhau (c.8), chẳng làm
sao hiểu được. Người ta phải đưa vấn đề trình lên các Biệt phái. Tòa làm việc
nhộn nhịp, hỏi cung người mù, đòi chứng của cha mẹ anh ta, hỏi lại anh ta một lần
nữa, nỗ lực vùi dập vụ này đi... nhưng đã không triệt được sự sáng. Rõ ràng
Yoan muốn ám chỉ: Biệt phái đang mưu mô hại Chúa, nhưng họ sẽ thua. Cuộc tử nạn
mà họ muốn Người phải chịu sẽ làm cho họ phải bẽ bàng vì biến cố Phục sinh. Bài
Tin Mừng hôm nay, như thế, còn nói lên mầu nhiệm Chúa sống lại của Phụng vụ
ngày Chúa nhật và của đích điểm Mùa Chay Thánh.
Chưa hết! Tác giả Yoan còn tiếp tục. Người mù bị các
Biệt phái tống cổ ra ngoài. Ðức Yêsu được tin. Người đi tìm anh ta, ban cho anh
ta được ơn nhận ra Người và thờ lạy Người. Còn các Biệt phái vì tự phụ là người
sáng mắt, nên tội lỗi còn nguyên. Ðúng như lời Chúa nói: "Ta đến trong thế
gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui
mù".
Tác giả Yoan muốn cảnh tỉnh chúng ta đó. Công việc của
Thiên Chúa đã hiện tỏ (c.3); mầu nhiệm Phục sinh đã sáng rực. Ai khiêm cung sẽ
được soi sáng; còn ai tự phụ sẽ lại đui mù.
Như thế bài Tin Mừng cũng là một bài giáo huấn hơn
là một câu chuyện. Ðoạn văn trong sách 1 Samuel đã cho chúng ta thấy Ðức Yêsu
Kitô là Vua, là Tiên tri, là Cứu thế. Bản Tin Mừng Yoan nói thêm: Người đã đến
trong thế gian như sự sáng, mà tối tăm không triệt được, để ai mù được thấy, ai
sáng sẽ mù; để ai tin Con Người thì được rỗi (c.35) và ai không tin sẽ còn
nguyên tội lỗi.
Riêng chúng ta đã tin Chúa rồi thì thế nào?
C. Bài Thánh Thư
Thánh Phaolô đáp: "Xưa kia anh em là tối tăm
nhưng nay, trong Chúa, anh em là sự sáng; anh em hãy đi đứng như con cái sự
sáng. Mà hoa quả của sự sáng là mọi việc nhân lành, công chính và chân thật".
Những lời ấy đủ để đưa hết thảy chúng ta đi vào con
đường của sự sáng. Nhưng không biết chúng ta có nên khiêm tốn hơn không và thú
nhận có lẽ mình cũng còn cần phải được soi sáng? Câu cuối cùng trong bài thư
Phaolô có vẻ gợi lên điều đó. Và tác giả khuyên chúng ta hãy đứng lên để được Ðức
Kitô chiếu soi.
Kìa xem người mù, sau khi được Chúa mở mắt cho, đã dần
dần trở thành con người có giá trị đến nỗi xứng đáng được Chúa đi tìm để ban
thêm ơn đức tin. Anh ta đã biết nói sự thật với tất cả mọi người, và dần dần biết
biện phân phải trái, khiến các Biệt phái phải bực tức thốt ra lời thú nhận tự
ti mặc cảm.
Chúng ta cũng sẽ tăng thêm giá trị cho chúng ta khi
chúng ta để Người chiếu soi. Mà Người thường làm công việc này qua Sách Thánh,
qua giáo huấn của Hội Thánh, qua cả việc học tập và suy nghĩ trong yên lặng vì
con người có học mới sáng, và có sáng mới làm được những công việc nhân lành,
công chính và chân thật.
Như vậy, chúng ta hãy đến xin Ðức Kitô soi sáng cho
chúng ta không những trong Thánh lễ này, mà còn trong mọi lúc chúng ta suy
nghĩ, học hành, đọc sách vở và nhất là Sách Thánh.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật IV Mùa Chay, Năm A
Bài đọc: 1 Sam 16:1b, 6-7, 10-13a; Eph 5:8-14; Jn 9:1-41 (9:1, 6-9,
13-17, 34-38).
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ánh sáng và bóng tối, nhìn thấy và đui mù
Có mắt
nhìn không có nghĩa là nhìn thấy, vì có rất nhiều những việc xảy ra chung quanh
mà con người có mắt vẫn mù lòa không thấy. Chẳng hạn, biết bao nhiêu kỳ công của
Thiên Chúa phơi bày trước mắt con người, mà nhiều người vẫn không nhận ra sự hiện
hữu của Ngài và tin vào Ngài. Hay vì biết bao công ơn và tình yêu của cha mẹ
dành cho mà một người mới có được như hôm nay, thế mà họ vẫn chẳng nhận ra để rồi
tiếp tục sống vô ơn như mọi sự tự nhiên có.
Các bài đọc
hôm nay đặt trọng tâm trong việc biết nhận ra và đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn
của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, tác giả Sách Samuel thứ nhất tường thuật sự kiện
Thiên Chúa chọn David làm vua. Thiên Chúa nhìn thấu tâm hồn bên trong và coi nhẹ
những vóc dáng bên ngoài; ngược lại, ngôn sứ Samuel coi trọng vóc dáng bên
ngoài vì không thấy được những đức tính cao đẹp trong tâm hồn. Trong bài đọc
II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Ephesô phải sống đời sống mới trong Đức
Kitô, vì ngài không chỉ nhìn thấy những tai hại của nếp sống cũ mang lại, mà
còn nhìn thấy những lợi ích của đời sống mới khi họ chịu để cho Lời của Đức
Kitô hướng dẫn cuộc đời. Trong Phúc Âm, thánh Gioan không chỉ tường thuật phép
lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ lúc mới sinh; nhưng còn tường thuật tiến trình đức
tin trong việc anh nhận ra Chúa Giêsu và tuyên xưng niềm tin nơi Ngài. Ngược lại
với tiến trình của anh là diễn tiến dần dần trở nên đui mù của những kẻ tự nhận
họ sáng mắt và biết Lề Luật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.
1.1/
Samuel tuy là ngôn sứ nhưng ông chỉ biết đánh giá theo dáng vẻ bên ngoài: Khi Đức
Chúa đã truất phế vị vua đầu tiên của Do-thái là Saul, Ngài sai ngôn sứ Samuel
chuẩn bị sẵn dầu đến Bethlehem, vào nhà ông Jesse, vì Ngài muốn chọn một trong
những người con trai của ông này làm vua. Khi ông Jesse cho dẫn ra người con cả,
Samuel nghĩ đấy là người Đức Chúa muốn xức dầu tấn phong, vì Eliab vừa là con cả,
vừa có dáng bộ to lớn của ông vua; nhưng Đức Chúa cho Samuel biết không hội đủ
điều kiện để làm vua theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Ngài nói với Samuel: “Đừng
xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa
không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức
Chúa thì thấy tận đáy lòng.” Ông Jesse cho bảy người con trai đi qua trước mặt
ông Samuel, nhưng ông Samuel nói với ông Jesse: “Đức Chúa không chọn những người
này.”
1.2/ Thiên
Chúa chọn và thần khí Đức Chúa nhập vào David: Samuel hỏi ông Jesse: “Các con
ông có mặt đầy đủ chưa?” Ông Jesse trả lời: “Còn cháu út nữa, nó đang chăn
chiên.” Ông Samuel liền nói với ông Jesse: “Xin ông cho người đi tìm nó về,
chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.”
David vừa
là đứa con út vừa không có bộ vó của một ông vua như Saul. Nếu xét theo tiêu
chuẩn của con người, David không xứng đáng làm vua; nhưng Đức Chúa đã chọn và xức
dầu tấn phong cậu. Tại sao? Trước tiên để cho mọi người thấy đó là việc làm của
Thiên Chúa, chứ không do công trạng của con người. Ngài có thể biết một trẻ yếu
ớt theo tiêu chuẩn con người thành một vị vua nổi tiếng nhất trong lịch sử của
Do-thái. Thứ hai, tiêu chuẩn làm vua của Do-thái phải là người biết kính sợ
Thiên Chúa và lo lắng cho dân được an cư lạc nghiệp, Đức Chúa đã nhìn thấy những
nét đẹp này nơi tâm hồn của David mà người đời không thấy được.
2/ Bài đọc II: Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!
2.1/ Đừng
cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối: Thánh Phaolô nhắc nhở cho
các tín hữu Ephesô: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em
lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại
tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì
đẹp lòng Chúa.” Ngài có ý muốn nói khi các tín hữu lãnh nhận bí-tích Rửa Tội,
là họ đoạn tuyệt với mọi bóng tối của cuộc sống cũ với những thói quen xấu xa
và đam mê bất chính của nó; để mặc lấy Đức Kitô là ánh sáng và sự thật. Họ
không chỉ tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô; nhưng còn phải thực hành những gì
Ngài dạy để trở nên những con cái của ánh sáng, những người luôn biết làm những
gì chân thật, biết sống công chính và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Để có
thể thực hiện những điều này, họ phải dứt hẳn ngay cả việc nói tới những tội lỗi
cũ, vì nó tạo cơ hội cho họ trở về với nếp sống cũ.
2.2/ Đức
Kitô sẽ chiếu sáng ngươi: Thánh Phaolô liệt kê một số công dụng của ánh sáng và
đồng hóa ánh sáng với Đức Kitô.
(1) Ánh
sáng phơi bày mọi chỗ tăm tối: Ánh sáng chiếu tỏa đến đâu là bóng tối bị xua
tan đến đó. Tất cả những khuyết điểm, xấu xa, tội lỗi chỉ có thể bị vạch trần
nhờ ánh sáng. Người ta chỉ có thể đánh lừa người khác hay phạm tội trong những
nơi tối tăm hay dưới ánh đèn mờ.
(2) Khi được
phơi bày, mọi tội lỗi sẽ mất đi: “Bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng.”
Bao lâu con người còn ở trong bóng tối, tội lỗi còn thống trị con người; nhưng
nếu con người có can đảm đi ra khỏi bóng tối và sống trong ánh sáng, con người
sẽ từ bỏ tội lỗi, biết sống thánh thiện, và trở thành con cái của ánh sáng. Những
người phạm tội thích ở trong bóng tối để ánh sáng không phơi bày tội lỗi của họ;
nhưng những người ghét tội thích ở trong ánh sáng để những việc lành của họ được
tỏ lộ ra (Jn 3:20-21).
(3) Đức
Kitô là ánh sáng cho con người: Khi chịu phép Rửa Tội, con người được trao cho
cây nến sáng và được dặn: “Hãy mang lấy ánh sáng của Đức Kitô.” Vì thế, Ngôi Lời
là ánh sáng thật soi chiếu trần gian, như lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ
trong bài Tin Mừng hôm nay: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế
gian.” Ánh sáng đồng nghĩa với Lời Chúa, nếu một người chịu để cho Lời Chúa hướng
dẫn cuộc đời và sống như vậy, họ sẽ ra khỏi chốn tối tăm và bước vào ánh sáng;
nhưng nếu con người không chịu để cho Lời Chúa soi dẫn cuộc đời, họ sẽ ngủ mê
trong bóng tối, tử thần sẽ hướng dẫn và cướp đi cuộc đời của họ.
3/ Phúc Âm: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được
thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!”
3.1/ Người
mù được Chúa Giêsu chữa cho nhìn thấy cách thể lý: Truyền thống Do-thái đồng
hóa bệnh tật với tội lỗi (Jer 31:29-30), đó là lý do các môn đệ hỏi Người, khi
họ nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến
người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”
Chúa Giêsu
trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở
dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi
anh.” Ngài không bác bỏ sự liên hệ giữa tội lỗi và hình phạt; nhưng Ngài muốn
nói tới những trường hợp người chịu bệnh là lý do để mọi người nhìn thấy công
trình của Thiên Chúa và tin vào Ngài.
Rồi Ngài
nói tiếp: “Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời
còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian,
Thầy là ánh sáng thế gian.” Có hai tư tưởng quan trọng Chúa Giêsu mặc khải
trong câu này: Thứ nhất, Chúa Giêsu là ánh sáng cho thế gian như Ngài đã nói ở
nhiều nơi (Jn 1:4-9, 3:19-21, 5:35, 8:12, 9:5, 11:9-10, 12:35-36, 46), để họ
nhìn thấy và tin vào Ngài. Thứ hai, mỗi người đều được Thiên Chúa ấn định cho một
thời gian để làm việc cho Ngài, Chúa Giêsu cũng vậy. Tất cả mọi người phải làm
việc của Thiên Chúa khi còn có thể, một khi đã mãn hạn, có muốn làm nữa cũng
không làm được. Nói xong, Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và
xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Siloam mà rửa”. Vậy anh
ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.
3.2/ Người
mù được soi sáng trong hành trình đức tin: Một điều làm Tin Mừng Gioan khác với
Tin Mừng Nhất Lãm là Gioan không chỉ tường trình phép lạ; nhưng còn để ý đến những
phản ứng của con người khi chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu làm. Trong trình
thuật hôm nay, có hai phản ứng trái ngược nhau: phản ứng gia tăng đức tin của
anh mù được sáng, từ chỗ không biết đến chỗ nhận ra và tin vào Chúa Giêsu; và
phản ứng của những người Pharisees, từ chỗ sáng mắt đến chỗ phủ nhận phép lạ và
gọi Chúa Giêsu là người tội lỗi.
(1) Người
mù được sáng không biết Chúa Giêsu là ai trong khi những kẻ sáng mắt bắt đầu lẫn
lộn. Có 3 phản ứng khi nhìn thấy anh mù lần đầu tiên được sáng: Phản ứng thứ nhất
của những người hoài nghi, họ nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó
sao?” Phản ứng thứ hai của những người xác quyết, họ nói: “Chính hắn đó!” Phản ứng
thứ ba của những người phủ nhận, họ nói: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào
giống hắn đó thôi!”
Còn chính
anh mù được sáng thì quả quyết: “Chính tôi đây!” Người ta liền hỏi anh: “Vậy,
làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?” Anh ta trả lời: “Người tên là Giêsu đã
trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đến hồ Siloam mà rửa. Tôi
đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.” Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?” Anh ta đáp: “Tôi
không biết.”
(2) Người
mù được sáng tuyên xưng Chúa Giêsu là ngôn sứ trong khi những kẻ sáng mắt bắt đầu
mù: Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pharisees. Nhưng ngày Đức
Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày Sabbath. Vậy, các
người Pharisees hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời:
“Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.”
Có một cuộc
tranh luận xảy ra giữa họ về việc chữa bệnh trong ngày Sabbath và uy quyền của
người chữa bệnh. Trong nhóm Pharisees, có người nói: “Ông ta không thể là người
của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabbath.” Kẻ khác vặn lại: “Một người tội
lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại
hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh mù được
sáng chắc chắn đã nghe cuộc tranh luận của họ, và cũng tự suy nghĩ về người đã
làm ơn cho mình, anh tuyên xưng: “Người là một vị ngôn sứ!”
(3) Người
mù được soi sáng phần trí tuệ để nhận ra Chúa Giêsu là người bởi Thiên Chúa mà
đến trong khi những kẻ sáng mắt và làm thầy dạy kết tội Chúa Giêsu là người tội
lỗi.
Có một sự
kiện khác thường xảy ra là những người Pharisees điều tra cha mẹ của anh mù.
Chúng ta thử tìm hiểu tại sao họ làm như thế? Có thể họ không tin anh đã mù thật
và muốn lấy lời chứng từ cha mẹ anh. Điều này cha mẹ anh đã làm chứng: “Chúng
tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó
thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng
hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.” Có thể
họ muốn biết về người chữa bệnh cho anh. Điều này cha mẹ anh không trả lời, có
thể vì họ không biết hay vì sợ, như Gioan chú thích: “Cha mẹ anh nói thế vì sợ
người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ
nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô.” Sự kiện người Do-thái trục xuất các
Kitô hữu ra khỏi hội đường chỉ xảy ra trong công đồng Jamnia, vào năm 90AD. Nhiều
học giả cho trình thuật điều tra cha mẹ anh được thêm vào sau này.
1.
Những
người tự nhận mình là bậc thầy của thiên hạ vì tự ái kết tội Chúa Giêsu là người
tội lỗi. Tuy đã nhận được lời chứng từ cha mẹ anh, họ vẫn không tin. Một lần nữa,
họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta
đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.” Rồi họ lại hỏi anh: “Ông ấy đã làm
gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?” Anh mù được sáng bắt đầu bực mình
vì họ cứ hỏi đi hỏi lại mãi một câu, anh châm biếm họ có lẽ cũng muốn làm môn đệ
Ngài chăng. Họ mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta,
chúng ta là môn đệ của ông Moses. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông
Moses; nhưng chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến.” Và họ hạ nhục
anh: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi
họ trục xuất anh.
2.
Anh mù
được sáng dùng lý luận để nhận ra Chúa Giêsu phải đến từ Thiên Chúa: Anh mù được
sáng đưa ra một sự kiện mà không ai có thể phủ nhận được: “Ông ấy có phải là
người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị
mù mà nay tôi nhìn thấy được!” Rồi anh chất vấn uy quyền làm thầy dạy của họ:
“Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại
là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi;
còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy.
Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu
không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm
được gì.” Anh không biết Lề Luật vì mù, nhưng anh không mất khả năng suy tư.
Anh nhận ra lời cáo buộc của họ về người làm ơn cho anh là điều không đúng, và
anh nhận ra Ngài phải đến từ Thiên Chúa.
(4) Người
mù được sáng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu trong khi những người sáng mắt
trở nên đui mù.
1.
Người mù
được sáng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu: Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất
anh. Khi Người gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh
đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người.
Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp
mình xuống trước mặt Người.
Chúng ta
có thể hiểu phần nào tâm trạng của anh: bị mù từ lúc mới sinh nay được chữa
sáng, không một ai chia sẻ nỗi vui mừng với anh; trái lại, anh còn phải trải
qua hết cuộc thanh tra này đến cuộc thanh tra khác, và sau cùng họ trục xuất
anh khỏi hội đường. Chỉ một Người không chỉ chữa lành cho anh, nhưng còn đón nhận
anh khi mọi người ruồng bỏ. Làm sao anh lại không tin nhận Người ấy!
1.
Những
người sáng mắt trở nên đui mù cách thể lý: Những người Pharisees có mắt mà
không nhìn thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm thì cũng như mù vậy. Hơn nữa, họ còn
được Chúa Giêsu nhắc nhở: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người
không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” Nhưng vì kiêu ngạo và
tự ái, họ còn tự biện bác: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” Đức Giêsu
bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông
nói rằng: “Chúng tôi thấy,” nên tội các ông vẫn còn!” Họ tuy không nhìn thấy
Chúa Giêsu làm phép lạ, nhưng đã có lời của hai nhân chứng, và theo Lề Luật, lời
của hai nhân chứng đủ để cho họ tin. Hơn nữa, nếu họ chịu suy nghĩ đến ngọn nguồn
như anh mù được sáng, họ cũng sẽ nhận ra Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa; nhưng họ
để cho tính kiêu ngạo và tự ái làm mù mắt của họ
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta
hãy tập nhìn và đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Để được như thế,
chúng ta phải để cho Lời Chúa soi sáng và thấm nhập tâm hồn.
– Khi chứng
kiến những việc kỳ diệu Thiên Chúa làm nơi tha nhân, chúng ta hãy suy nghĩ cẩn
thận đến ngọn nguồn để nhận ra những gì Thiên Chúa muốn mặc khải. Đừng bao giờ
để những tự ái, ghen tị, và lợi nhuận thống trị, để rồi chúng ta từ chối luôn cả
những gì Thiên Chúa thực hiện.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
22/03/20 – CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – A
Ga 9,1-41
THIÊN CHÚA LÀ ÁNH SÁNG
“Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” (Ga
9,5)
Suy niệm: Volta, người sáng chế ra pin Volta năm 1880, và cũng năm đó,
Edison, người hoàn thiện phát minh bóng đèn tròn đốt bằng dây tóc trong chân
không để đưa vào sản xuất hàng loạt đã giúp cho nhân loại mau chóng thoát khỏi
cảnh tăm tối và được sống trong tràn ngập ánh sáng, cả hai ông cho biết họ
tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, Ngài là vị kỹ sư vĩ đại nhất mà họ đặc biệt
tôn trọng. Những nhà bác học này nhắc chúng ta nhớ đến Thiên Chúa là Đấng tạo
thành ánh sáng. Và Ngài cũng chính là Ánh Sáng, ánh sáng thiêng liêng soi sáng
chúng ta đi vào cõi mầu nhiệm để cảm nhận được Chân Lý ở nơi Thiên Chúa. Tin Mừng
Gio-an cho biết Ánh Sáng đó đã đến thế gian. Ánh sáng đó là chính Đức Giê-su:
“Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5).
Mời Bạn: Triết gia Plato nói: “Bi kịch thực sự cho con người là khi họ sợ
hãi ánh sáng.” Nhờ ánh sáng chúng ta thấy được vẻ đẹp của vũ trụ. Thật là tai
hoạ nếu như ánh sáng đó mất đi. Thế nhưng còn bi kịch hơn khi người ta thấy hoặc
sợ hãi trước ánh sáng siêu nhiên, vì lúc đó họ sẽ không thể chiêm ngưỡng Thiên
Chúa. Đức Giê-su là chính Ánh Sáng đó. Ngài kéo chúng ta từ chốn tối tăm tội lỗi
để trở nên con cái sự sáng. Ngài là ánh sáng chiếu soi vào trái tim và tâm trí
chúng ta, để trái tim chúng ta bừng nóng vì được yêu thương, để tâm trí chúng
ta được no thỏa hạnh phúc, vì thấy hướng đi và ý nghĩa của cuộc đời.
Sống Lời Chúa: Dâng lời tạ ơn vì được biết Chúa Giêsu là ánh sáng thật.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin mở mắt cho con nhìn thấy ánh sáng tình yêu Chúa và xin
giúp con loan truyền ánh sáng của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Nay tôi nhìn thấy
được (22.3.2020 – Chúa Nhật 4 MC, Năm A)
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong bối cảnh Lễ Lều
được người
Do-thái cử hành ở Giêrusalem (x. Ga 7,2).
Đại lễ này
nhắc nhớ thời gian họ sống trong sa mạc (Lv 23,42-43).
Mỗi ngày
các tư tế đi rước nước ở hồ Si-lô-ác về rưới lên bàn thờ.
Buổi tối,
Đền thờ bừng sáng bởi ánh đèn nơi tiền đình dành cho phụ nữ.
Chính
trong khung cảnh vui tươi và rực rỡ này,
Đức Giêsu
đã tuyên bố: Tôi là ánh sáng cho trần gian (Ga 8,12).
Khi mở mắt
cho anh mù từ lúc lọt lòng,
Đức Giêsu
cho ta thấy rõ Ngài quả là Ánh sáng thật (Ga 9,5).
Có một người
đã đón nhận ánh sáng ấy, đó là anh mù bẩm sinh.
Trước tiên
anh được sáng mắt, và từ từ sau đó, lòng anh cũng sáng.
Lần đầu
tiên anh được nhìn thấy mọi sự, thấy mặt mẹ cha.
Lần đầu
tiên anh bất ngờ được đưa ra khỏi bóng đêm của sự mù tối,
Anh được
khỏi, dù không xin gì, chỉ cần vâng lời đi rửa mắt…
Có ai cảm
được niềm hạnh phúc của anh bây giờ không?
Khi sáng mắt
rồi, anh lại phải bước vào một hành trình khó khăn.
Người đã
chữa mắt cho anh vào ngày sa-bát,
bị các chức
sắc tôn giáo coi là đã phạm luật, coi là người tội lỗi.
Còn anh, một
người kém cỏi vì tật nguyền, anh nghĩ sao về người đó?
Anh cứ phải
trả lời nhiều lần cùng một câu hỏi,
“Làm sao mắt
anh mở ra được?” (Ga 9,10.15.26),
Anh cứ phải
kể đi kể lại câu chuyện kỳ diệu đã xảy ra cho mình.
Càng kể,
anh càng thấy rõ hơn người đã chữa cho mình là ai.
Đó không
phải là ông Giêsu nào đó mà anh không rõ ở đâu (Ga 9,11-12).
Khi có những
người Pharisêu quả quyết:
“Ông ấy
không phải là người của Thiên Chúa” (Ga 9,16),
thì anh
dám khẳng định ngược lại: Người là một vị ngôn sứ (Ga 9,17).
Anh cứ dựa
vào chuyện “trước đây anh bị mù mà nay thấy được”
để suy ra
ông Giêsu chắc chắn là “người của Thiên Chúa” (Ga 9,33).
Khi anh bị
tống ra ngoài, thì Đức Giêsu gặp lại anh (Ga 9,35).
Đây là lần
đầu tiên anh nhìn thấy khuôn mặt người đã cứu mình.
Với thái độ
tôn kính, anh sấp mình bái lạy.
Những nhà
lãnh đạo Do-thái giáo khốn khổ với chuyện anh mù sáng mắt.
Vì không
muốn tin chuyện ấy, nên họ cứ điều tra xem có thật không.
Ba lần điều
tra, họ đều nghe kể về cùng một câu chuyện (Ga 9,13-34).
Thay vì mở
lòng để nhìn thấy bàn tay Chúa đang hoạt động,
Họ khép lại
trong việc kết án Đức Giêsu phạm ngày sa-bát.
Thay vì ra
khỏi lối suy nghĩ cứng nhắc về việc giữ Luật Môsê,
họ cương
quyết coi Đức Giêsu là người tội lỗi (Ga 9,24).
Họ đã đe dọa,
nạt nộ, dùng vũ lực đối với anh được chữa lành.
Nhưng họ vẫn
không trả lời được câu hỏi: “Làm sao một người tội lỗi
có thể mở
mắt cho người mù bẩm sinh?” (Ga 9,16).
Mù con mắt
của thân xác là điều chẳng ai mong muốn,
nhưng mù
con mắt tinh thần lại là chuyện khác.
Có người
mù mà không biết mình mù.
Khi bám chặt
vào một thành kiến, khi bị chi phối bởi một đam mê,
người ta dễ
hành động một cách mù quáng.
Tệ hơn cả
là chuyện biết mình mù, nhưng lại không muốn sáng mắt,
Vì nếu mở
mắt ra để nhận ra sự thật, thì mình phải thay đổi tận căn.
Nếu người
Do-thái tin nhận Đức Giêsu là người của Thiên Chúa,
thì họ phải
bỏ mọi quyền lợi và những xác tín sai lệch của mình.
Chúng ta cần
xin Chúa mở con mắt tâm hồn,
để thấy được
cái tốt, cái đẹp, cái thật, nơi mọi người, cả nơi kẻ thù.
Chúng ta cần
được Chúa đưa ra khỏi sự bướng bỉnh và cố chấp,
để khiêm tốn
lắng nghe và cúi mình trước sự thật đang vén mở.
Mùa Chay
là thời gian đón nhận Đức Giêsu là Ánh sáng trần gian.
Để dễ đến
với Ánh sáng, ta cần phải từ bỏ bóng tối (Ga 3,19-21).
CẦU NGUYỆN
Như thánh
Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho
con trở nên mù lòa
vì ánh
sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết
mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho
con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
Ánh sáng
phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc
con phải hoán cải.
Xin cho con
đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì
chút tự ái cỏn con.
Xin cho
con khiêm tốn
để đón nhận
những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn
gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng,
xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý
cho con được tự do.
Nguyễn Cao Siêu
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG BA
Tiếng Gọi Hoán Cải Thúc Bách Không Ngừng
Đức Giê-su
Kitô xác nhận tầm quan trọng của việc vâng phục lề luật Thiên Chúa như được
công bố ở Núi Si-nai. Nhưng sứ mạng của Đức Giêsu còn vượt quá những luật luân
lý của giao ước cũ. “Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban
chính Con Một Ngài, để những ai tin vào Người Con ấy … thì được sự sống đời đời”
(Ga 3,16).
Đức tin
vào Đức Kitô không đơn thuần chỉ có nghĩa là vâng phục lề luật, dù sự vâng phục
này đến từ “niềm kính sợ Đức Chúa” như được nhắc đến trong Thánh Vịnh 111. Đức
tin vào Đức Kitô bao hàm việc nhìn nhận tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa
dành cho chúng ta.
Tình yêu của
Chúa Cha được kết đọng nơi món quà tuyệt hảo là chính Con Một Ngài. Đó là lý do
tại sao luật luân lý của giao ước mới đạt đến tột đỉnh và cốt lõi của nó trong
giới răn yêu thương.
Chúng ta
có thể chu toàn thánh ý của Thiên Chúa bằng cách tuân phục tất cả các giới răn
mà Ngài truyền dạy. Nhưng đó là vị Thiên Chúa Tình Yêu đã mạc khải chính Ngài
nơi Đức Kitô, nên chúng ta chỉ có thể đáp trả lại bằng tình yêu mà thôi! Vì thế,
cuộc khảo sát lương tâm của chúng ta trong Mùa Chay phải xoáy vào tiếng gọi mến
Chúa yêu người. Đây cũng là trục lộ mà Đức Kitô dẫn chúng ta đi trên con đường
hoán cải. Tiếng gọi mời yêu thương ấy cũng chính là tiếng gọi không ngừng hoán
cải tận đáy lòng. Cũng như chúng ta cần cầu nguyện thường xuyên, việc hoán cải
cũng phải là một tiến trình kéo dài suốt cuộc đời người tín hữu.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 22/3
Chúa Nhật IV Mùa Chay
1Sm 16, 1b.6-7.10-13a; Ep 5, 8-14; Ga 9, 1-41.
Lời Suy Niệm: Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống
đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đi đến hồ Silôác mà rửa.” Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn
thấy được.
Mỗi lần Chúa Giêsu nhìn thấy, hay nghe tiếng vang xin của con người, Người luôn
thể hiện tình yêu thương dối với họ, đặc biệt những người mang lấy bệnh tật.
Người thường dùng những dấu chỉ để chữa lành; như nước miếng và việc đặt tay.
Điều này gợi nhớ cho mỗi người trong chúng ta khi lãnh nhận các Phép Bí Tích;
chính Chúa Giêsu chạm đến chúng ta để ban ơn và chữa lành cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con siêng năng nhận lãnh các Phép
Bí Tích để được gần Chúa và được Chúa chạm đến.
Mạnh Phương
22
Tháng Ba
Trái
Tim, Bộ Óc Và Cái Lưỡi
Một
ngày kia, trái tim, bộ óc và cái lưỡi đồng ý với nhau là sẽ không bao giờ nói
những lời đơn sơ nhỏ bé nữa.
Trái
tim phát biểu: “Những lời đơn sơ nhỏ bé chỉ làm bận rộn ta thôi. Chúng làm cho
ta trở nên yếu đuối. Sống trong thời buổi này trái tim phải trở nên cứng rắn,
cương quyết, chứ không thể mềm nhũn dễ bị xúc động được”.
Bộ óc
biểu đồng tình: “Vâng, đúng thế, thời buổi này chỉ có những tư tưởng cao siêu,
những công thức tuyệt diệu, những chương trình vĩ đại mới đáng cho bộ óc suy
nghĩ tới. Những lời đơn sơ nhỏ bé chỉ làm mất thời giờ, mà thời giờ là vàng bạc”.
Cái lưỡi
nghe trái tim và bộ óc nói thế không khỏi hãnh diện và tự cảm thấy mình trở nên
rất quan trọng, mặc dù lưỡi chỉ là bộ phận bé nhỏ của thân thể, vì thế lưỡi
cũng hội ý: “Hai anh quả thật đã đạt được tột đỉnh của sự khôn ngoan. Nếu hai
anh nghĩ thế thì, tôi sẽ chỉ nói những danh từ chuyên môn, những câu nói văn
hoa bóng bẩy, những bài diễn văn sâu sắc, hùng hồn”.
Như đã
đồng ý, kể từ dạo ấy, trái tim chỉ gửi lên lưỡi những lời nói cứng cỏi, bộ óc
chỉ sản xuất và gửi xuống lưỡi những tư tưởng cao siêu và lưỡi sẽ không còn nói
những lời đơn sơ nhỏ bé nữa.
Với thời
gian, mặt đất trở nên tẻ lạnh như cảnh vật vào mùa đông: Không có lấy một chiếc
lá xanh, không còn một cánh hoa đồng nội và lòng người cũng trở nên chai đá như
những thửa ruộng khô cằn, nứt nẻ trong những tháng hè nóng bức.
Nhưng
những ông già, bà cả vẫn còn nhớ những lời đơn sơ nhỏ bé. Ðôi lúc miệng họ vô
tình bật phát nói ra chúng. Lúc đầu họ sợ bị bọn trẻ chê cười. Nhưng kìa, thay
vì cười chê, những lời nói đơn sơ nhỏ bé lại được truyền từ miệng này sang miệng
khác, từ bộ óc này đến bộ óc khác, từ trái tim này qua trái tim nọ. Cuối cùng,
chúng xuất phát như những chiếc hoa phá tan lớp tuyết giá lạnh để ngoi lên làm
đẹp cuộc đời.
Câu chuyện
trên không tiết lộ những lời đơn sơ nhỏ bé là gì, nhưng chúng ta có thể đoán:
đó có thể là hai chữ: “Xin lỗi!”, thốt lên để xin nhau sự tha thứ.
Hay đó là
lời chào vắn gọn: “Mạnh giỏi không?” đồng nghĩa với câu hỏi: “Tôi có thể làm gì
được cho anh cho chị không?”.
Nhất là
hai tiếng : “Cám ơn!” thốt lên chân thành từ cửa miệng của những kẻ được giúp đỡ,
của những con người mang công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, hay của những
vợ chồng trung tín chia sẻ với nhau những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống hoặc
của những người được bạn bè đỡ nâng sau những thất bại ê trề hay sau những lần
vấp ngã.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét