Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

17-05-2020 : (phần I) CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH năm A


17/05/2020
 Chúa Nhật tuần 6 PHỤC SINH năm A
(phần I)


BÀI ĐỌC I: Cv 8, 5-8. 14-17
“Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Đức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm. Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả.
Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20
Đáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! (c. 1)
Hoặc đọc: Alleluia.
Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! Hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa! .
Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!.
Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa! Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời. .
Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Chúc tụng Chúa là Đấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.

BÀI ĐỌC II: 1 Pr 3, 15-18
“Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Đức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác. Vì Đức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Ga 14, 15-21
“Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm: Hội Thánh Có Thánh Thần Ở Luôn

Xét về nhiều mặt, Chúa nhật hôm nay muốn tiếp nối tư tưởng của Chúa nhật trước. Bài sách Công vụ các Tông đồ Chúa nhật trước nói đến việc thiết lập các Phó tế, trong số đó có Philip. Hôm nay cũng sách ấy cho ta thấy hoạt động của ông. Chúa nhật trước, thư thánh Phêrô phân biệt kẻ tin và những người không tin. Vừa giờ chúng ta lại nghe thánh nhân khuyên nhủ những kẻ tin phải sống thế nào với những người không tin. Sau cùng bài Tin Mừng hôm nay rõ rệt tiếp theo bài Tin Mừng Chúa nhật trước và nói đến những việc Chúa Yêsu làm cho chúng ta nơi Cha Người. Vậy nếu quan niệm duy nhất đã có thể nối kết các tư tưởng của Chúa nhật trước, thì hôm nay đào sâu thêm quan niệm ấy, chúng ta sẽ thấy cả ba bài Kinh Thánh đều quy về Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, Chúa nhật trước đã để chúng ta thấy Chúa Yêsu chịu chết và sống lại là Ðá sống xây nên Hội Thánh, thì hôm nay chúng ta sẽ được chứng kiến Hội Thánh mạnh mẽ như thế nào.

A. Hội Thánh Ðầy Sức Mạnh Thánh Thần
Những chương đầu trong sách Công vụ các Tông đồ đã cho chúng ta thấy sức mạnh của Hội Thánh ở Yêrusalem. Số các tín hữu gia tăng, uy tín các Tông đồ sâu rộng, cộng đoàn được toàn dân mến phục. Sức sống mạnh mẽ ấy tất nhiên muốn làm nổ tung những giới hạn chật hẹp. Nhưng xác thịt con người nhiều khi nặng nề, chậm chạp. Mối căng thẳng rõ rệt đầu tiên đã hiện ra nơi tương quan giữa Dothái và Hylạp. Các Tông đồ đã sáng suốt đặt tay trên bảy người Hylạp nổi tiếng, đầy Thánh Thần và khôn ngoan. Họ tỏ ra thật xứng đáng. Stêphanô khiến cả thành chấn động vì lời lẽ và thái độ tuyên xưng đức tin của ông. Philip lợi dụng ngay hoàn cảnh phải phân tán vì bắt bớ để đi truyền giáo ở Samari.
Chúng ta để ý: cả hai người đều đã bắt đầu hoạt động nơi lương dân, rao giảng Tin Mừng cứu độ cho những người không phải là Dothái. Công việc của họ không phải chỉ là phục vụ bàn ăn, như thoạt đầu chúng ta tưởng. Nói đúng hơn thấy họ hoạt động như vậy, chúng ta phải tự hỏi công thức "phục vụ bàn ăn" nghĩa là gì? Cả Stêphanô và Philip đều rao giảng Tin Mừng. Philip còn làm phép Rửa nữa. Thành ra khi Phêrô nói: "Còn (các Tông đồ) chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa", chúng ta phải hiểu như thế nào? Thiết tưởng thật là sai lầm khi phân biệt phận vụ các Tông đồ là cầu nguyện và giảng Lời Chúa, còn trách nhiệm các "Phó tế" là phục vụ bàn ăn. Chúng ta đã có lần thấy không được hạn chế sinh hoạt Giáo hội trong phụng vụ. Thế thì cũng không nên giới hạn quá mức phận vụ của các Thừa tác viên. Rõ ràng các Phó tế mới cũng đã giảng Tin Mừng, làm phép Rửa và làm nhiều phép lạ nữa. Hoạt động của họ có khác với công việc của các Tông đồ bao nhiêu? Hay là chúng ta chỉ nên hiểu kiểu nói "chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa" áp dụng cho các Tông đồ chỉ có nghĩa là quyền chủ trì các cộng đồng phụng vụ và tổ chức việc rao giảng Tin Mừng, thuộc về các ngài. Công việc của những người khác cần đến các ngài một cách nào đó mới được hoàn toàn. Dường như chính bài sách Công vụ hôm nay khiến ta hiểu như vậy. Vì cho dù Philip đã truyền giáo ở Samari y như một Tông đồ, tín hữu ở đó phải đợi Phêrô và Yoan đến mới được lãnh nhận Thánh Thần.
Suy nghĩ trên đây không vô ích cho đời sống hiện nay của chúng ta. Nhiều khi chúng ta quá tách rời các phận vụ giáo dân dửng dưng với công việc của Linh mục và Linh mục cũng hầu như không muốn biết tới công việc của giáo dân Chúng ta quên mọi người trong Giáo hội đều đã lãnh nhận Thánh Thần; và ơn Thánh Thần phong phú mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng. Chuyện Stêphanô và Philip cho thấy rõ: Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ nơi những con người gốc Hylạp ấy. Họ đã làm việc hầu như các Tông đồ. Chỉ có điều họ đã lựa chọn môi trường dân ngoại, hợp hơn với họ và họ vẫn công nhận quyền các Tông đồ. Nói đúng hơn, Thánh Thần đã dùng họ để đi vào những lãnh vực mới, khiến việc truyền giáo cho lương dân đã khởi sự với chính những người gốc lương dân. Và giáo đoàn Yêrusalem, giáo đoàn mẹ đã mau mắn đến tiếp sức cho các cộng đoàn mới. Các Tông đồ đã gửi ngay Phêrô và Yoan tới, Hai người đã ban Thánh Thần, hoàn tất công việc của Philip, khiến một lần nữa, chúng ta lại thấy chính Thánh Thần là dây bác ái xây dựng và bảo toàn sự duy nhất trong Giáo hội. Chính điều đó đem lại hân hoan vui mừng không những cho Samari mà cả Yêrusalem, tức là cho toàn thể Hội Thánh.
Nhưng đời sống không luôn luôn như vậy. Hội Thánh đã bị bắt bớ ở Yêrusalem trong câu chuyện Stêphanô. Hội Thánh còn có thể gặp khó khăn ở mọi thời. Khi ấy Thánh Thần sẽ làm việc thế nào trong Hội Thánh? Chúng ta hãy đọc đoạn thư Phêrô.

B. Hội Thánh Ðược Tái Sinh Về Thần Khí
Nhìn thấy Giáo hội đang bị bắt bớ ở nhiều nơi, vị Tông đồ trưởng đã không ngần ngại căn dặn tín hữu những thái độ cụ thể. Ngài nói: "Anh em hãy hiểu biết Ðức Kitô là Chúa nơi lòng anh em". Ðó là thái độ căn bản. Hơn bao giờ hết, trong những hoàn cảnh khó khăn, tín hữu phải tôn vinh Ðức Kitô ở trong lòng. Phải hiểu biết Người là Chúa, tức là phải nhận thức Người đã sống lại. Không nắm vững niềm tin đó, đức tin của chúng ta sẽ trở nên vô ích. Ngược lại khi tin vững vàng Người sống lại, thì như trước đây thư Phêrô đã nói, người ta tất không bị hổ thẹn (2,6).
Và một khi đã tin vững vàng, bức thư nói tiếp: "Anh em hãy luôn sẵn sàng đáp lời với mọi người hỏi lẽ anh em... với một lòng hiền từ, kính nể". Phêrô biết, và Chúa Yêsu cũng đã báo trước, "có ngày người ta lôi chúng con đến pháp đình". Tín hữu sẽ bị hỏi. Phải trả lời, vì đó là chuyện có hệ đến "mối hy vọng có nơi anh em", tức là Tin Mừng cứu độ chúng ta mang ở trong mình. Nhưng phải ăn nói hiền từ, kính nể. Lời rao giảng Tin Mừng không được tựa vào sự khôn ngoan thế gian và sức mạnh tu từ của loài người. "Lúc đó, không phải chúng con nói, nhưng là Thần trí nói cho chúng con". Lời ấy mang đầy sức mạnh của Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa hành động mạnh mẽ mà lại dịu dàng (fortiter et suaviter). Chính việc nắm bắt chân lý khiến lời nói khoan thai. Vậy nếu "chúng ta đã hiểu biết Ðức Kitô là Chúa ở trong lòng chúng ta rồi", thì không có lý nào lời nói của chúng ta lại không hiền từ kính nể.
Ðàng khác, như vậy không phải chỉ là suy diễn mà còn là bắt chước. Tín hữu luôn phải dõi theo vết chân Chúa Cứu Thế. Thế mà Người đã đi qua đau khổ làm sao? Phêrô không cần dài dòng nhắc lại nữa. Ngài chỉ tóm tắt trong một câu rất súc tích: "Ngài, Ðức Yêsu Kitô Chúa chúng ta, đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tái sinh về Thần khí. Ước gì khi Giáo hội bị bắt bớ, lúc chúng ta phải đau khổ, bề ngoài xác thịt có như chết thì tinh thần cũng hãy sống động. Ðúng hơn nữa, ước gì Thần khí của Chúa tỏ ra mạnh mẽ nơi thân xác yếu hèn của chúng ta!
Như vậy, dù trong hoàn cảnh nào, thuận cũng như nghịch, sức mạnh của Hội Thánh và của chúng ta vẫn là Thánh Thần. Ðiều cần duy nhất là phải có Thánh Thần. Thế mà đó lại là ơn Chúa Yêsu hằng ban cho chúng ta, theo bài Tin Mừng hôm nay.

C. Hội Thánh Có Thánh Thần Ở Luôn
Nói với môn đệ trong bữa Tiệc ly, Chúa Yêsu tuyên bố: Người sẽ ra đi, nhưng không để họ mồ côi. Người sẽ trở lại với họ, không phải trong thân xác như hiện nay, nhưng "sẽ tỏ mình ra cho họ". Thế gian sẽ không còn thấy Người, nhưng họ thấy vì Người vẫn sống.
Chắc chắn Lời Chúa chỉ sáng sủa, dễ hiểu sau khi có ánh sáng Phục sinh. Lúc đó môn đệ mới rõ: Ðức Yêsu đã đi thật; thế gian không còn thấy Người nữa vì Người đã chết theo xác thịt; nhưng Người đã trở lại với môn đệ, trong những lần tỏ mình ra. Và nhất là nhận được Thần Khí Người thổi cho, họ cảm thấy gần Người hơn bao giờ hết. Rõ ràng Người vẫn sống và họ cũng sống. Họ sống ở trong Người và Người sống ở trong họ. Ý thức ấy minh chứng được vì "do tay các Tông đồ, lắm dấu lạ điềm thiêng đã xảy ra trong dân", từ sau ngày Thánh Thần hiện xuống. Thế nên câu Chúa nói: "Không để họ mồ côi" đã được hiểu như là Thần trí của Người đã được ban cho họ để lưu lại nơi họ và ở trong họ (c.15-16).
Như vậy, họ cũng ý thức hơn về mệnh lệnh Chúa truyền như là điều kiện để không bị bỏ mồ côi. Ðó là giữ Lời Người.
Chắc chắn Hội Thánh lúc ban đầu đã chuyên cần với việc này. Các tín hữu kiên trì với giáo huấn của các Tông đồ. Các vị này chuyên lo phục vụ Lời Chúa. Chính nhờ nhiệt tình như vậy mà đức tin tăng trưởng, Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ, cả thành đều vui mừng và có ai bị bắt bớ thì cũng hân hoan vì đã thấy mình đáng được chịu sỉ nhục vì Danh Người.
Ðời sống của Hội Thánh luôn luôn như vậy. Lúc thuận cũng như lúc nghịch, Hội Thánh chỉ mạnh mẽ nhờ Thánh Thần. Chính Người là sức mạnh của Hội Thánh vì là Thần trí của Ðức Kitô đã được ban cho Hội Thánh sau khi Chúa Cứu Thế đã về cùng Cha qua mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh. Thánh Thần hoạt động nơi mọi thành phần trong Dân Chúa, không phân biệt Dothái hay Hylạp, Tông đồ hay Phó tế. Người phân phối phận vụ nhưng đồng thời hằng xây dựng, thắt chặt tình liên đới để xứ mẹ xứ con cũng chỉ là một Hội Thánh. Chúng ta cầu xin Người đến trong chúng ta và trong các giáo đoàn của chúng ta. Thật ra, Người vẫn đến vì có bao giờ Ðức Kitô bỏ chúng ta mồ côi. Mỗi lần Giáo Hội cử hành Thánh lễ, mầu nhiệm Vượt qua của Chúa lại được tái hiện. Mầu nhiệm Chúa về cùng Cha ban Thánh Thần xuống lại được cử hành. Tất cả tùy ở chúng ta và cộng đoàn chúng ta có đón nhận và để Thánh Thần hoạt động nơi mình và qua mình hay không?
Ước gì Thánh lễ này ban cho chúng ta được đầy Thánh Thần. Và cũng ước gì lãnh nhận ơn Thánh Thần rồi, mỗi người sẽ như Stêphanô và Philip, tỏ ra hăng say trong môi trường của mình, thi hành sứ mệnh Tông đồ, làm cho nhiều người tin Ðức Yêsu là Chúa để xã hội thêm hân hoan trong tình liên đới nhiệt thành xây dựng hạnh phúc chung mỗi ngày mỗi lan rộng. Có như vậy mới có Mùa Phục sinh trong đời sống chúng ta và mới đáng ngưỡng vọng mầu nhiệm Chúa lên trời và ban Thánh Thần xuống, những mầu nhiệm mà chúng ta sẽ kính nhớ cách đặc biệt trong các Chúa nhật tới.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật VI Phục Sinh, Năm A
Bài đọcActs 8:5-8, 14-17; 1 Pet 3:15-18; Jn 14:15-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần sẽ ở với anh em luôn mãi.
Để giúp con người thông phần vào sống cuộc thần linh, Thiên Chúa ban tặng con người Thánh Thần của Ngài. Nhưng để con người có thể ý thức được sự hiện diện của Thánh Thần này, và ngôi vị của Ngài trong cung lòng Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa trước tiên đã làm con người trở nên sống động qua điều linh thiêng nhất trong việc tạo dựng: hơi thở của sự hô hấp (Gen 2:7) và sức mạnh của gió (Exo 14:21-22; 15:8-10). Bằng hai yếu tố này, con người dần ý thức được hành động của Thánh Thần của Thiên Chúa trong chính họ và trong muôn người. Sau khi đã dần được linh thiêng hóa, con người ý thức rằng Thánh Thần của Thiên Chúa làm việc trong thế giới không gì khác hơn là chính Thánh Thần, hành động không chỉ qua gió hay hơi thở, nhưng qua các bí-tích khác nhau của Giáo Hội, để mang đời sống thần linh mới cho con người và cho một dân mới.
Chủ Nhật sau cùng của Mùa Phục Sinh chuẩn bị cho việc Hiện Xuống của Chúa Thánh Thần. Các bài đọc hôm nay nhằm nói lên những đặc tính riêng của Chúa Thánh Thần và giúp đỡ chúng ta học hỏi về Ngài. Trong bài đọc I, tác giả Sách CVTĐ phân biệt hai Phép Rửa: Phép Rửa bởi nước của Gioan để được ơn tha tội, và Phép Rửa bởi Thánh Thần bằng việc cầu nguyện và đặt tay để được các ơn thánh giúp thánh hóa các tín hữu. Trong bài đọc II, tác giả nêu lên hai đặc tính của Thánh Thần: Ngài là nguyên ủy của sự thật và sự sống. Chính Thánh Thần đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ nhiều điều về Thánh Thần: Ngài là sự thật, Ngài sẽ ở với con người luôn mãi. Ngài là một Paracletos khác bên cạnh Chúa Giêsu để bênh vực cho con người. Ai có Ngài, thì cũng có Chúa Giêsu và Chúa Cha.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.
1.1/ Phép Rửa bởi Nước để được ơn tha tội: Người Do-thái chỉ biết tới Phép Rửa bởi nước được làm bởi ông Gioan Tẩy Giả để được tha tội. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong giáo hội sơ khai được tường thuật bởi tác giả sách CVTĐ như sau: “Trong khi ông Apollo ở Côrintô thì ông Phaolô đi qua miền thượng du đến Ephesô. Ông Phaolô gặp một số môn đệ và hỏi họ: "Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?" Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói." Ông hỏi: "Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào?" Họ đáp: "Phép rửa của ông Gioan." Ông Phaolô nói: "Ông Gioan đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giêsu." Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người.” (Acts 19:1-7).
1.2/ Phép Rửa bởi Thánh Thần để thánh hóa con người: Để hiểu Phép Rửa bởi Thánh Thần, chúng ta cần trở về với trình thuật của Matthew tường thuật biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Jordan: “Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilee đến sông Jordan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" Nhưng Đức Giêsu trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thánh Thần Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 3:13-17). Chúa Giêsu không cần chịu Phép Rửa bởi nước để được tha tội, vì Ngài chẳng có tội gì để được tha; nhưng Ngài muốn làm gương cho các tín hữu, và muốn thánh hóa nước sông Jordan và tất cả mọi nước mà Giáo Hội sẽ dùng để rửa tội sau này.
Tin Mừng Nhất Lãm đều bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu sau biến cố Ngài chịu Phép Rửa tại sông Jordan và biến cố Ngài được Thánh thần mang vào trong sa mạc để chịu cám dỗ. Lucas bắt đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu tại Nazareth, khi Ngài vào trong hội đường và đọc những lời tiên tri của Isaiah: “Thánh Thần của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than” (Isa 61:1-2). Vì thế, việc xức dầu tấn phong của Chúa Thánh Thần và sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu liên quan mật thiết với nhau. Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Đấng Thiên Sai: tha tội, chữa lành, phóng thích, và thánh hóa con người.
Theo trình thuật CVTĐ hôm nay, khi “Các Tông Đồ ở Jerusalem nghe biết dân miền Samaria đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.” Giáo Hội vẫn theo truyền thống này khi ban bí-tích Thêm Sức cho các tín hữu bằng việc xức dầu tấn phong, cầu nguyện, và đặt tay. Tất cả những dấu chỉ này muốn nói người tín hữu đã nhận được Chúa Thánh Thần và tất cả các quà tặng của Ngài, để bắt đầu cuộc sống thần linh và chu toàn sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Đức Kitô.
2/ Bài đọc II: Nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.
2.1/ Thánh Thần là yếu tố làm cho con người được sống: Theo truyền thống Do-thái, họ chỉ có một chữ “ruah” để chỉ chung Thánh Thần, gió và hơi thở. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa “thổi hơi” vào lỗ mũi con người, và họ trở thành một sinh vật. Cũng vậy, khi Thiên Chúa rút hơi thở ra là họ trở về cát bụi (Psa 103:29-30; Eze 37). Vì thế, Thần Khí của Thiên Chúa là yếu tố làm cho muôn vật được sống, con người không phải là chủ nhân của sự sống.
Đức Kitô khi mang trong mình thân xác con người cũng phải chịu chết: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi - Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương - hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” Tin Mừng Gioan diễn tả giây phút từ giã cuộc đời của Chúa Giêsu như sau: “Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: "Thế là đã hoàn tất!" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Jn 19:29-30).
Tuy nhiên, “thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.” Thánh Thần của Thiên Chúa lại tiếp tục đến với Ngài và làm cho Ngài sống dậy từ cõi chết. Mọi tín hữu trung thành theo Đức Kitô cũng được phục sinh như Ngài. Điều này cũng đã được mô tả chi tiết trong thị kiến “Ruộng Xương Khô” của Ezekiel 37.
2.2/ Thánh Thần giúp con người sống ngay thẳng theo sự thật của Đức Kitô: Thánh Thần là chính sự thật, Ngài giúp con người nhận ra sự thật và hướng dẫn họ tới sự thật toàn vẹn. Trong trình thuật hôm nay, tác giả Thư Phêrô I diễn tả tiến trình biết và sống theo sự thật như sau:
(1) Phải nhìn nhận sự thật: “Hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em.” Sự thật bắt đầu với Đức Kitô. Chính Đức Kitô đã mặc khải sự thật về Thiên Chúa cho con người. Sự thật này đã được ghi chép lại rõ ràng trong Kinh Thánh. Người môn đệ phải nhìn nhận Đức Kitô là sự thật và học hỏi tất cả những lời của Ngài dưới sự chỉ dẫn của Thánh Thần.
(2) Làm chứng cho sự thật: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng.” Người Kitô hữu làm chứng cho sự thật bằng cuộc sống vui tươi, chân thành và bác ái.
(3) Kiên trì sống theo sự thật: “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác.” Người Kitô hữu được trang bị để kiên trì làm việc lành và chịu đau khổ bằng những ân huệ được ban tặng bởi Chúa Thánh Thần.
3/ Phúc Âm: Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.
3.1/ Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận: Danh xưng “Paracletos” rất khó dịch sang tiếng Việt-nam. Theo nghĩa đen, có nghĩa là người được gọi đến để trợ giúp trong khi cần: có thể là Trạng Sư để bênh vực trước tòa án, có thể là người an ủi khi sầu khổ, có thể là Cố Vấn khi phải đương đầu với các vấn nạn khó khăn, có thể là người động viên tinh thần để giúp cho khỏi bị chán nản. Để biết ý nghĩa chính xác, chúng ta cần xem xét vai trò của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, vì Ngài cũng là một “Paracletos.” Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa, là bạn hữu, là Mục Tử Tốt Lành, là người an ủi, là người khích lệ, người bảo vệ... Có lẽ để yên theo tiếng Hy-lạp là hợp lý nhất. Thánh Thần sẽ do Chúa Cha ban theo lời cầu xin của Đức Kitô, và Ngài sẽ ở với các tín hữu luôn mãi. Triều đại chúng ta đang sống là triều đại của Ngài. Chúng ta cần ý thức sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Điều kiện để được Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Thánh Thần là phải giữ các giới răn của Chúa Giêsu. Thánh Thần là sự thật, thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không biết sự thật. Các môn đệ biết Người, vì các môn đệ biết sự thật đã được mặc khải bởi Chúa Giêsu.
3.2/ Anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em: Chúa Giêsu tuy không còn ở ở với các môn đệ bằng thân xác; nhưng Ngài ở với các môn đệ bằng sự kết hiệp với Thánh Thần. Nơi nào có Thánh Thần thì cũng có Chúa Cha và Chúa Giêsu. Thánh Thần là sự sống, Ngài đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, và Ngài ban tặng sự sống thần linh cho các môn đệ qua các bí-tích và những hồng ân của Chúa Thánh Thần.
Thánh thần là tình yêu: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy." Tình yêu Chúa Giêsu đề cập đến ở đâu không phải là tình yêu do cảm giác hay cảm xúc; nhưng tình yêu phải được biểu lộ cụ thể qua sự vâng lời là giữ các giới răn của Ngài. Tình yêu thực sự đòi phải luôn làm lành, sẵn sàng hy sinh chịu đau khổ, và kiên trì làm như thế trọn đời. Điều này chắc chắn sẽ khó đối với sức con người, nhưng có thể làm dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta hãy luôn ý thức để nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống. Ngài là nguyên ủy của sự sống: thể chất, trí tuệ, cũng như thần linh.
- Ngài là sự thật và sẽ hướng dẫn chúng ta đến toàn sự thật. Ngài là tình yêu liên kết chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con, và với nhau. Ngài là Đấng thánh hóa làm chúng ta càng ngày càng trở nên giống Thiên Chúa.
- Thân xác chúng ta là Đền Thờ của Thánh Thần, những ai sống theo lối sống của thế gian và xác thịt là đi ngược lại với lối sống của Thánh Thần. Ngài sẽ không ở trong những ai có một lối sống như thế.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


17/05/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – A
Ga 14,15-21


CHÚA VẪN ĐANG TỎ MÌNH CHO TA
“Ai yêu mến Thầy, thì Cha của Thầy yêu mến, Thầy sẽ  yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su nói những lời này khi từ biệt các môn đệ trước khi Ngài chịu tử nạn. Có thể nói đây là di chúc của người ra đi gửi cho người ở lại. Và Chúa Giê-su lo lắng cho các môn đệ, vì các ông sẽ chao đảo khi không có Thầy ở bên. Do đó, Ngài dặn dò những lời căn cốt nhất để vững tâm các ông: Mặc dù Thầy ra đi, nhưng các môn đệ vẫn có thể gặp được Thầy. Vì Ngài đã hứa, ai yêu mến Thầy, Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. Hơn thế nữa, người ấy còn được Chúa Cha yêu mến. Như thế, việc Chúa Giê-su phục sinh và lên trời, không phải là lúc con người vụt mất Chúa, nhưng Ngài là niềm hy vọng cho con người. Vì giờ đấy, chúng ta có thể gặp được Chúa Giê-su khắp mọi nơi, được ở với Ngài mãi mãi nếu chúng ta yêu mến Ngài.
Mời Bạn: Được gặp Chúa là ao ước của cả cuộc đời chúng ta. Nhưng nhiều Ki-tô hữu không khỏi băn khoăn, tại sao con cầu nguyện, dự lễ mà con không gặp được Chúa? Nhưng bạn thử hỏi, Chúa sẽ gặp bạn cách nào đây? Không phải vì Chúa không hiện ra với bạn, nhưng bạn đã bắt Chúa hiện ra theo cách của bạn. Chẳng hạn như, Chúa phải hiện ra với tôi cách hữu hình như Chúa đã từng hiện ra với các tông đồ xưa, hay với các thánh. Không! Bạn yêu mến Chúa thì bạn thấy Chúa đang tỏ mình cho bạn.
Sống Lời Chúa: Hôm nay, ở nhà, đi chợ hay đến công trường, đi học hay đi làm, tôi nhớ Chúa đang tỏ mình cho tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn ghi nhớ lời hứa dành cho chúng con, còn chúng con thì rất hay quên Chúa. Xin cho chúng con hằng nhớ rằng, Chúa đang sống và tỏ mình ra với chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)

ANH EM CŨNG SẼ SỐNG (17.5.2020 – Chúa nhật 6 Phục sinh, Năm A)
Thế giới đói khát sự sống đích thực. Nếu chúng ta thật sự là người đang sống trong Ðức Kitô, chúng ta có thể trao cho thế giới sự sống đó qua việc phục vụ trong yêu thương.


Suy nim:
Marina Picasso là cháu của họa sĩ nổi tiếng Pablo Picasso.
Từ năm 1973-1975, bà phải chịu nhiều cái tang lớn:
ông nội mất, anh ruột tự tử, cha đột ngột qua đời.
Ðây thật là những mất mát không sao bù đắp,
dù bà nắm trong tay một gia sản khổng lồ.
Năm 1990, bà nhận các em bé Việt Nam làm con nuôi,
và giúp cho các trẻ mồ côi được có nơi ăn học.
Từ lúc ấy, bà thấy một sự thay đổi nơi nội tâm:
“Nhờ giúp đỡ con em của nước này
mà tôi đã tìm lại được chính mình.
Giờ đây tôi cảm thấy mình như sống lại,
và tôi muốn phân phát sự sống đó cho các em.”
Hẳn có những Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm của Marina,
kinh nghiệm thấy mình được sống lại
nhờ biết ra khỏi nỗi đau của mình
để cúi xuống trên nỗi đau của người khác.
Kinh nghiệm tìm lại được chính mình trong bình an,
khi không còn bận tâm lo cho mình nữa,
kinh nghiệm thấy sự sống được nhân lên gấp bội
khi được đem chia sẻ tận tình.
Kitô giáo là tôn giáo của Ðấng đã sống lại,
Ðấng đang sống sự sống tràn trề của Thiên Chúa.
Ðức Giêsu phục sinh không chỉ hiện ra một đôi lần,
Ngài muốn ở mãi bên chúng ta cho đến tận thế.
Một sự hiện diện hai chiều, thâm sâu và mới mẻ:
“Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (c.20)
Một sự hiện diện đem lại sức sống dồi dào:
“Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống” (c.19).
Kitô hữu tự bản chất là người đã được phục sinh,
nhờ thông hiệp với Ðấng đang sống là Ðức Kitô.
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,
mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Mùa Phục sinh nhắc ta nhìn lại sự sống nơi mình.
Lắm khi tôi sống èo uột, chỉ vì không dám yêu thương.
Bắt đầu yêu thương là bắt đầu thấy Chúa tỏ mình,
thấy sự sống Chúa bùng lên mạnh mẽ.
Thế giới hôm nay cố làm cho cuộc sống được bảo đảm hơn,
tiện nghi hơn và kéo dài hơn.
Nhưng thế giới hôm nay vẫn đầy nguy hiểm.
Mạng sống bi đe dọa bởi chiến tranh, tội ác, đói nghèo...
Cuộc sống bị héo úa vì không tìm thấy ý nghĩa.
Thế giới đói khát sự sống đích thực.
Nếu chúng ta thật sự là người đang sống trong Ðức Kitô,
chúng ta có thể trao cho thế giới sự sống đó
qua việc phục vụ trong yêu thương.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.

Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG NĂM
Một Vương Quốc Không Thuộc Thế Giới Này
Trong bữa Tiệc Ly, Đức Kitô nói với các Tông Đồ một cách rất rõ ràng về việc Chúa Thánh Thần sẽ đến. Sau khi Người sống lại, Người lại nhắc lại lời loan báo và lời hứa ấy “về điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép Rửa trong Thánh Thần” (Cv 1, 4 – 5).
Rồi các Tông Đồ hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc It-ra-en không?” Các Tông Đồ vẫn tỏ ra không hiểu. Giống như những đồng bào Do Thái của các ông, các ông nghĩ rằng Đức Kitô sẽ cứu họ khỏi ách đàn áp chính trị.
Câu trả lời của Đức Giêsu: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1, 7). Có những thời gian khác nhau trong lịch sử thế trần: những thời gian của các dân tộc và của các quốc gia, những thời gian của cầm quyền và những thời gian của suy vong. Nhưng ở đây Đức Giêsu đang nói đến một thời gian khác: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).
Đức Giêsu đang đề cập đến một thời gian khác hẳn, một lịch sử khác hẳn, một vương quốc khác hẳn với vương quốc trần thế của It-ra-en. Thánh Thần sẽ đưa anh em ra khắp các phố phường của Giê-ru-sa-lem; và rồi sẽ sai anh em đi tới tận những chân trời góc biển xa xôi. Anh em sẽ rao giảng cho mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi văn hóa, mọi lục địa.
Các thánh vịnh cũng nói lên cùng âm hưởng ấy: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả úy, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu. Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân” (Tv 47, 2 – 3. 9). Vương quốc vốn “không thuộc thế gian này” ấy lại được mặc khải một lần nữa trong những lời này. Chúng ta nhớ lại biến cố thăng thiên – trong đó Đức Kitô được tôn dương làm Vua cao cả trên các tầng trời.
Vương quốc ấy được nhận ra xuyên qua lịch sử của mọi dân tộc và mọi quốc gia. Nó được nhận ra nơi Đức Kitô trong tư cách là sự hoàn thành mọi sự.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 17/5
Chúa Nhật VI Phục Sinh
Cv 8, 5-8.14-17; 1Pr 3, 15-18; Ga 14, 15-21.

Lời Suy Niệm: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”
       Chúa Giêsu đang đặt vấn đề với mỗi người trong chúng ta về yêu mến Chúa. Muốn thực hiện việc yêu mến này, cần phải tuân giữ giới răn của Người.
       Lạy Chúa Giêsu, Điều răn của Chúa là chúng con phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin cho mỗi người chúng con luôn nhớ điều răn này mà sống với nhau trong mọi hoàn cảnh, để tình yêu được nối dài mãi.
Mạnh Phương


17 Tháng Năm
Ði Một Ðoạn Ðường Với Chúa
Người Ấn Ðộ có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người thanh niên nọ khao khát được nhìn thấy Chúa. Ðêm ngày, anh cầu nguyện liên lỉ chỉ mong sao cho ước nguyện của mình thành sự thật. Quả thực, không bao lâu, Thiên Chúa đã đến với anh dưới hình dạng của một con người đẹp đẽ, uy quyền, trầm tĩnh.
Chúa đề nghị với anh: “Con có thể đi với Ta một quãng đường không?”. Người thanh niên cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chúa và anh đồng hành với nhau như một đôi bạn tri âm. Ði một lúc, Chúa dừng lại nói với anh: “Ta khát nước, con có thể đi tìm cho Ta một ít nước không?”.
Người thanh niên hăm hở đi tìm nước. Lòng anh tràn ngập hạnh phúc. Còn gì sung sướng bằng đi tìm nước để mang về cho Chúa… Nhưng, anh đi tìm mãi mà không thấy nơi nào có nước… Anh đi mãi để rồi cuối cùng dừng lại bên một bờ sông. Anh đang chuẩn bị lấy nước mang về cho Chúa, thì tình cờ một cô gái đẹp xuất hiện bên bờ sông. Cô gái đẹp đến độ người thanh niên không còn thấy cảnh vật xung quanh, cũng như không còn nghĩ đến việc mang nước về cho Chúa.
Anh nấn ná đến làm quen với cô gái. Họ thương nhau, lấy nhau và sinh được nhiều con cái. Không gì đầm ấm, hạnh phúc cho bằng. Nhưng một cơn ôn dịch xảy đến. Người thanh niên đưa vợ con đi đến một nơi khác. Nhưng khi họ đi qua một chiếc cầu, thì thình lình mưa gió thổi đến, nước dâng lên kéo cả vợ con anh theo. Người đàn ông bám vào được một gốc cây lớn. Anh khóc thương cho thân phận bọt bèo của vợ con cũng như chính kiếp cô đơn lạc loài của anh.
Giữa lúc đó, Thiên Chúa xuất hiện trước mặt anh: Ngài mỉm cười hỏi anh: “Này con, con có mang nước về cho Ta không? Con làm gì để Ta phải chờ đợi gần cả tiếng đồng hồ”.
Một người cha nhân từ mòn mỏi trông đứa con hoang trở về: đó là hình ảnh cảm động nhất về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta trong bài dụ ngôn “Người Con Hoang Ðàng”. Từng ngày, người cha ra đầu ngõ để trông đợi. Khi đứa con còn ở đằng xa, ông đã chạy đến để giang rộng đôi cánh tay để ôm trọn đứa con vào lòng, không một lời quở trách, không một cử chỉ bất bình… Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Chúng ta tưởng mình đi tìm Ngài, chúng ta tưởng Ngài ẩn mặt với chúng ta. Nhưng kỳ thực, chính Ngài mới là Ðấng đeo đuổi chúng ta, tìm kiếm chúng ta, chờ đợi chúng ta. Chúng ta tưởng mình đang đi đến với Chúa, nhưng kỳ thực chính Ngài đang ở với chúng ta.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét