Tòa Thánh: Trí tuệ nhân tạo là cơ hội, nhưng con người có
thể trở thành nô lệ của máy móc
Ngày 28/1, Toà Thánh đã công bố Văn kiện chung của hai Bộ
Giáo lý Đức tin và Văn hóa – Giáo dục về mối quan hệ giữa Trí tuệ Nhân tạo và
Trí tuệ Con người, rằng: “Trí tuệ nhân tạo không phải là một hình thức nhân tạo
của trí tuệ, mà chỉ là một sản phẩm của trí tuệ con người”. Văn kiện nhấn mạnh
tiềm năng cũng như những thách đố của trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực giáo
dục, kinh tế, lao động, y tế, quan hệ con người và quốc tế, cũng như trong bối
cảnh chiến tranh.
Vatican News
Văn kiện có tên “Antiqua et Nova” do Bộ Giáo lý
Đức tin và Bộ Văn hóa – Giáo dục cùng suy tư và biên soạn. Văn kiện này được gửi
đến các bậc phụ huynh, giáo viên, linh mục, giám mục và tất cả những ai được mời
gọi giáo dục và truyền đạt đức tin, cũng như những người mong muốn phát triển
khoa học và công nghệ “để phục vụ con người và công ích”.
Văn kiện nhấn mạnh Trí tuệ nhân tạo (AI) không thể được xem
như một con người, không thể được thần thánh hóa, cũng không được thay thế các
mối quan hệ giữa con người với nhau. AI chỉ nên được sử dụng “như một công cụ bổ
trợ cho trí tuệ con người”.
Nội dung văn kiện "Antiqua et Nova"
Với 117 đoạn, văn kiện Antiqua et Nova (tựa
đề mang ý nghĩa “sự khôn ngoan cổ và tân”) nêu bật những cơ hội và thách đố mà
AI mang lại trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, lao động, y tế, quan hệ quốc
tế và xã hội, cũng như trong bối cảnh chiến tranh. Đặc biệt trong lĩnh vực chiến
tranh, văn kiện cảnh báo rằng AI có thể tăng cường nguồn lực quân sự “vượt quá
khả năng kiểm soát của con người,” đồng thời “đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang
mất kiểm soát với những hậu quả tàn khốc cho quyền con người”.
Những nguy cơ và tiến bộ
Văn kiện trình bày một cách cân bằng cả những nguy cơ và tiến
bộ của AI. Trên thực tế, văn kiện khuyến khích sự phát triển của AI như một phần
trong công trình cộng tác của con người với Thiên Chúa, nhằm “đưa công trình
sáng tạo hữu hình đến sự hoàn thiện”. Tuy nhiên, mối quan ngại lớn vẫn là những
tác động chưa thể lường trước của AI, kể cả đối với những ứng dụng tưởng chừng
vô hại như việc tạo ra văn bản và hình ảnh, có thể góp phần vào “cuộc khủng hoảng
sự thật ngày càng gia tăng”.
Phân biệt giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người
Trọng tâm của văn kiện là những suy tư mang tính nhân học và
luân lý. Văn kiện nhấn mạnh sự khác biệt “mang tính quyết định” giữa trí tuệ
nhân tạo và trí tuệ con người, – trí tuệ con người được Thiên Chúa ban tặng và
được hình thành qua vô số kinh nghiệm sống. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo
không có khả năng phát triển theo cách này. Trí tuệ nhân tạo chỉ hoạt động theo
nguyên lý chức năng, đánh giá con người chỉ dựa trên năng suất và hiệu quả,
trong khi phẩm giá con người là bất khả xâm phạm, ngay cả trong bào thai, nơi một
người hôn mê hay một cụ già đau yếu. Vì thế, việc gọi AI là “trí tuệ” là sai lầm,
bởi lẽ AI không phải là “một dạng nhân tạo của trí tuệ” mà chỉ là “một sản phẩm
của trí tuệ con người”.
Quyền lực trong tay một số ít người
Như bất kỳ sản phẩm nào của trí tuệ con người, AI có thể được
sử dụng cho mục đích tốt hoặc xấu. Văn kiện thừa nhận rằng AI có thể mang lại
“những đổi mới quan trọng” trong nhiều lĩnh vực, nhưng cũng cảnh báo nguy cơ
làm trầm trọng thêm tình trạng gạt ra bên lề xã hội, phân biệt đối xử, nghèo
đói, bất bình đẳng và “khoảng cách số”. Đặc biệt, văn kiện lo ngại về việc “hầu
hết quyền kiểm soát các ứng dụng AI chính yếu đang tập trung trong tay một số
ít tập đoàn quyền lực”, khiến AI có thể bị thao túng vì lợi ích kinh tế hoặc để
định hướng dư luận theo ý đồ của một nhóm lợi ích nào đó.
Chiến tranh
Văn kiện phân tích nhiều lĩnh vực liên quan đến AI, bao gồm
cả chiến tranh. AI có thể được sử dụng để hỗ trợ các quốc gia trong việc tìm kiếm
hòa bình và an ninh. Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí tự động và sát thương – có
thể “xác định và tiêu diệt mục tiêu mà không có sự can thiệp trực tiếp của con
người” – là một “mối quan ngại đạo đức nghiêm trọng”. Đức Thánh Cha đã nhiều lần
kêu gọi cấm sử dụng loại vũ khí này, vì như ngài đã phát biểu tại Hội nghị G7 ở
Puglia: “Không một cỗ máy nào được phép quyết định về mạng sống của một con người”.
Quan hệ con người
Văn kiện nhận định rằng AI có thể giúp thúc đẩy kết nối giữa
con người, nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến “tình trạng cô lập nguy hại”. Đặc
biệt, văn kiện cảnh báo rằng AI có thể khuyến khích trẻ em hình thành quan điểm
“duy lợi” về các mối quan hệ, như cách trẻ em tương tác với chatbot. Việc nhân
cách hóa AI là một sai lầm nghiêm trọng và “vi phạm đạo đức nghiêm trọng” nếu
được sử dụng cho mục đích lừa đảo.
Kinh tế, lao động và y tế
Văn kiện cũng cảnh báo về những tác động của AI đối với kinh
tế và lao động. AI có thể nâng cao năng suất và tạo ra việc làm mới, nhưng đồng
thời cũng có nguy cơ “hạ thấp phẩm giá người lao động, giám sát tự động và ép
buộc họ vào các công việc rập khuôn”, làm thui chột khả năng sáng tạo. Trong
lĩnh vực y tế, dù AI có thể hỗ trợ chẩn đoán, nhưng nếu thay thế hoàn toàn mối
quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân thì sẽ “gia tăng sự cô đơn của người bệnh”.
Sự thật, deepfake và kiểm soát thông tin
Văn kiện cảnh báo về nguy cơ AI tạo ra tin giả (fake news)
và nội dung giả mạo (deepfake), có thể được sử dụng để thao túng dư luận.
Vì thế, văn kiện kêu gọi mọi người thận trọng kiểm chứng thông tin và tránh lan
truyền những nội dung xúc phạm phẩm giá con người.
AI và mối tương quan với Thiên Chúa
Văn kiện trích dẫn Kinh Thánh để cảnh báo về nguy cơ AI có
thể trở thành một “thần tượng” mới. AI chỉ là “một phản chiếu mờ nhạt” của con
người, và con người không thể thần thánh hóa AI mà biến mình thành nô lệ của
chính tác phẩm do mình tạo ra. Do đó, văn kiện nhấn mạnh rằng AI phải “chỉ được
sử dụng như một công cụ bổ trợ cho trí tuệ con người, chứ không thay thế sự
phong phú của nó”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét