Trang

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

03-10-2012 : THỨ TƯ TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Tư sau Chúa Nhật 26 Quanh Năm
* * *
Gióp và các bạn hữu


Bài Ðọc I: (Năm II) G 9, 1-12. 14-16
"Con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính".
Trích sách ông Gióp.
Ông Gióp trả lời cùng các bạn hữu rằng: "Tôi biết thật như vậy, và biết thật con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính. Nếu con người muốn cãi lẽ với Chúa, thì một nghìn điều, nó không thể đáp lại một. Chúa thượng trí và quyền năng, ai đối địch với Chúa mà được bằng yên? Chúa xê dịch các núi đồi, và trong cơn thịnh nộ Người đánh đổ những kẻ không biết điều. Chúa khiến địa cầu chuyển động khỏi chỗ của nó, và các cột đất đều phải lung lay. Chúa truyền khiến mặt trời, thì nó không mọc lên, và Người cũng phong niêm các ngôi sao tinh tú. Chỉ một mình Chúa trải các tầng trời và bước đi trên sóng biển. Chúa tạo dựng sao bắc đẩu, sao sâm, sao mão và cung kín phương nam. Chúa tác tạo những điều trọng đại, mầu nhiệm và kỳ diệu không kể xiết.
Nếu Chúa đến cùng tôi, thì tôi không trông thấy Người, và nếu Người ra đi, tôi cũng chẳng hay biết. Nếu Chúa bất chợt hỏi han, thì ai trả lời Người cho được? Hoặc ai có thể hỏi rằng: "Tại sao Chúa làm như thế?" Vậy tôi là gì mà dám trả lời với Chúa và dùng lời mà nói với Người? Dù tôi có lẽ công chính, tôi cũng không dám trả lời, một van nài cùng Ðấng phán xét tôi. Khi Chúa nhậm lời tôi kêu cầu, tôi cũng không chắc Người nghe lời tôi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 87, 10bc-11. 12-13. 14-15
Ðáp: Lạy Chúa, nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con kêu lên Chúa mọi ngày, và con giang tay hướng về phía Chúa. Phải chăng Chúa còn làm những điều kỳ diệu cho người đã thác, hoặc giả những người chết sẽ sống lại và ngợi khen Ngài? - Ðáp.
2) Phải chăng người ta còn kể lại lòng nhân hậu Chúa trong mồ, và lòng trung thành Ngài trong nơi âm phủ? Những việc kỳ diệu của Chúa còn thấy được trong chỗ tối tăm, và ân sủng của Ngài trong nơi quên lãng? - Ðáp.
3) Phần con, lạy Chúa, con kêu lên Chúa, và tự bình minh lời nguyện của con sẽ tới tai Ngài. Lạy Chúa, nhân sao Chúa ghét bỏ linh hồn con, nhân sao Chúa ẩn mặt xa khuất khỏi con? - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 118, 8ab
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, những giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 57-62
"Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Việc đi theo Chúa không phải là cuộc tháp tùng, du ngoạn nhưng là chia sẻ vào cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu.
Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại ba cuộc đối thoại ngắn về việc đi theo Chúa. Nhưng thật rõ ràng làm sao! Ngài đòi buộc người môn đệ của Ngài phải có thái độ dứt khoát với mọi ràng buộc: với chính "cái tôi" và với tất cả. Sự đòi buộc này giúp chúng ta thấy rõ được Ðức Giêsu - Ðấng tuyệt đối. Nhờ Ngài, chúng ta mới được hạnh phúc trong Nước Trời.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, theo Chúa, làm môn đệ Chúa là chúng con tự gắn mình vào cuộc đời, vào sứ mệnh của Chúa. Cuộc đời chúng con sẽ phải dứt khoát với những đam mê phù hoa, những tương quan mật thiết, yêu thương nhất của chúng con.
Chúa ơi! Chúa cũng biết điều đó đối với chúng con là rất khó phải không? Xin cho chúng con biết nhận ra cùng đích của chúng con là chính Chúa. Ðể từng ngày, từng giờ chúng con biết loại bỏ những gì làm cản trở chúng con đến với Chúa. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)


 Ðiều Kiện Theo Chúa
(Lc 9,57-62)

Suy Niệm:
Ðiều Kiện Theo Chúa
Một linh sư Ấn đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông, có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quí nhất như của lễ ra mắt. Vị linh sư mở mắt ra, nhưng ông không để lộ một chút thích thú nào; không cần nhìn kỹ vào món quà quí giá ấy, vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống dòng sông.
Tiếc của, người đàn ông giầu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc, nhưng mất một ngày mà ông không tài nào tìm lại được. Chiều đến, mệt mỏi, chán nản, người đàn ông đến vị linh sư xin chỉ rõ nơi đã ném viên ngọc quí. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném xuống dòng sông và nói: "Ta đã ném vào chỗ đó, ngươi hãy lặn xuống mà tìm lại".
Chúa Giêsu cũng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ và dứt khoát như thế. Thánh Luca trình bày cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình lên Giêrusalem mà đích điểm là cái chết trên thập giá. Trong hành trình ấy, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số người theo Ngài. Ðiều kiện đầu tiên là phải biết kiên nhẫn như đã được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm qua.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi tiếp những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ. Một trong những điều kiện đó là chia sẻ cuộc sống nay đây mai đó với Ngài. Không nhà không cửa, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, sống không có lấy một tiện nghi tối thiểu, Chúa Giêsu muốn những kẻ theo Ngài chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà Chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả mọi an toàn trong cuộc sống.
Một điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ theo Ngài, đó là dấn thân rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Một cuộc sống từ bỏ sẽ không có giá trị, nếu đó không là dấu chỉ của một cuộc đầu tư trọn vẹn vì Nước Trời. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ phải cắt đứt ngay cả những liên hệ ruột thịt họ hàng. Ngài là tất cả đối với người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài, Ngài phải được đặt vào trọng tâm cuộc sống của người môn đệ.
Môn đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu là một môn đệ của Chúa Kitô, và là môn đệ Chúa Kitô thiết yếu đi theo Ngài. Chúa Kitô cách đây 2,000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển, sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề đổi thay. Tựu trung, người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ, là tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.

(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 26 TN2
Bài đọc: Job 9:1-12, 14-16; Lk 9:57-62.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quan phòng của Thiên Chúa
Cơn bão Ike rơi xuống Houston, Texas, ngày 5 tháng 9 năm 2008 vừa qua là một ví dụ cho chúng ta thấy uy quyền của Thiên Chúa và sự mỏng giòn của con người. Mặc dù đã biết trước thời gian khi nào xảy ra, tốc độ của gió, chiều rộng của bão, và đã chuẩn bị để đón bão; thế mà cả một thành phố lớn thứ tư trên nước Mỹ đã không ngăn cản được bão và hòan tòan bị tê liệt vì hậu quả của cơn bão này. Tất cả các sinh họat của thành phố bị hủy bỏ, cây cối gẫy đổ khắp nơi, truyền thông và giao thông hầu như tê liệt hòan tòan, hầu hết thành phố chìm trong bóng đêm khi mặt trời lặn xuống. Đấy chỉ là bão cấp 2 và nước không vào thành phố nhiều; nếu là bão cấp 5 thì hậu quả còn tai hại biết chừng nào. Nếu nước cứ tiếp tục dâng như Nạn Hồng Thủy thì còn ai sống sót trên thế gian? Các Bài đọc hôm nay dạy con người biết khả năng hạn hẹp của mình và tin tưởng nơi quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức công chính của Thiên Chúa vượt trên tất cả. 
1.1/ Sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt quá sự khôn ngoan của con người: Ông Gióp không tìm ra được lý do thỏa đáng tại sao ông phải chịu đau khổ. Các bạn ông tố cáo lý do tại sao ông phải đau khổ là vì tội lỗi ông đã phạm đến Thiên Chúa. Ông cực lực phản đối các bạn đã tố cáo ông; vì ông biết ông không bao giờ xúc phạm đến Thiên Chúa. Tuy vậy, ông cũng không dám nhận mình là người công chính. Ông nói: “Quả thật, tôi biết rõ thế này: Trước nhan Thiên Chúa, phàm nhân cho mình là công chính thế nào được? … Có ai lòng trí khôn ngoan, sức lực dũng mãnh, đương đầu với Người mà vẫn còn nguyên vẹn?” Ông biết khi ông tự nhận mình là công chính là ông đã ám chỉ Thiên Chúa bất công vì Ngài đã bắt người công chính chịu đau khổ. Vì thế, ông khiêm nhường nhìn nhận là mình không biết những gì xảy ra nơi Thiên Chúa. 
1.2/ Uy quyền của Thiên Chúa và sự mỏng giòn yếu đuối của con người: Con người chỉ là một phần tử rất nhỏ khi so sánh với các phần tử khác của vũ trụ. Nếu các phần tử to lớn khác như núi non, biển cả, mặt trời, các tinh tú còn phải chịu sự điều khiển của Thiên Chúa, thì con người là ai mà dám mong được thóat ra ngòai sự điều khiển của Thiên Chúa. Ông Gióp thú nhận thân phận mỏng giòn của con người và nhìn nhận uy quyền của Thiên Chúa trong vũ trụ: “Người làm nên những điều vĩ đại khôn dò và những điều kỳ diệu không đếm xuể. Này, Người có đi qua tôi, tôi cũng chẳng thấy, Người có lướt tới, tôi cũng chẳng nhận ra. Này Người bắt đi, ai giành lại được? Ai dám hỏi Người: "Ngài làm gì thế?"” 
1.3/ Thái độ thích ứng của con người trước Thiên Chúa: Con người không thể cãi lý với Thiên Chúa vì không có khôn ngoan đủ để hiểu biết hết tất cả các điều kỳ diệu Chúa đã làm. Nếu cái bình không thể cãi lý với người thợ gốm tại sao để nó là nguyên vẹn là đất sét mà lại nặn lên nó thành hình dạng cái bình, thì con người cũng không thể chất vấn Thiên Chúa tại sao cho con người có mặt trong cuộc đời hay tại sao cho làm người này mà không cho làm người khác. Thái độ thích ứng nhất của con người không phải là tranh cãi mà chỉ biết vâng lời và trông cậy vào tình thương của Thiên Chúa. Sau khi đã than thân trách phận và nguyền rủa ngày sinh của mình, ông Gióp hối hận và thốt lên: “Chẳng lẽ tôi lại tranh cãi, hay tìm lý để chống đối Người sao? Cho dù tôi có lý, tôi cũng không tranh cãi, nhưng sẽ xin Đấng xét xử tôi thương xót. Tôi có kêu cầu và Người đáp lại, tôi cũng chẳng tin là Người nghe tiếng tôi.” 
2/ Phúc Âm: Con người sống bằng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. 
2.1/ Người môn đệ phải có thái độ sống như Chúa Giêsu: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." Con người có khuynh hướng tìm an tòan và tích trữ của cải cho tương lai, Chúa Giêsu thách đố các môn đệ từ bỏ khuynh hướng này và dạy con người phải hòan tòan tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ai không có can đảm theo lời Chúa dạy thì không thể làm môn đệ của Chúa, như chàng thanh niên giàu có đã buồn rầu bỏ đi vì anh có quá nhiều của cải.
2.2/ Mục đích trên hết và trước nhất của người môn đệ là loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi!" Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giê-su bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa." Nhiều người cho rằng Chúa Giêsu khuyến khích việc bất hiếu với cha mẹ vì dưới mắt con người không chôn cất cha mẹ là mang tội bất hiếu. Chắc chắn Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ, nhưng đồng thời Chúa cũng dạy phải tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu việc chôn cất cha mẹ làm cản trở cho việc rao giảng Tin Mừng thì “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết.” Làm sao kẻ chết có thể chôn kẻ chết? Điều Chúa muốn nói ở đây là hãy để con người phải chết chôn kẻ chết. Chúa sẽ quan phòng lo liệu để có người chôn cha mẹ mà không cần đến sự hiện diện của người con đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. 
2.3/ Người môn đệ không nuối tiếc những gì đã từ bỏ: Khi một người xin phép về từ biệt gia đình, Chúa Giêsu bảo người đó: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." Trong thực tế, lời khuyên này rất đúng cho kẻ cầm cày: để cày đất thẳng hàng, kẻ cầm cày không được ngóai lại đàng sau để nhìn; nếu làm như thế luống cày sẽ không thẳng. Trong cuộc đời tận hiến cũng vậy, nếu không dứt khóat từ bỏ, người tận hiến sẽ từ từ bị cám dỗ để lấy lại hết những gì mình đã từ bỏ: của cải vật chất, gia đình, ý riêng … nhiều khi còn lấy lại nhiều hơn những gì mình đã từ bỏ trước. Một khi đã quay trở về đường cũ, con người còn đâu nghị lực để làm chứng cho Tin Mừng? 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải luôn tin tưởng vào sự khôn ngoan, uy quyền, và sự quan phòng của Thiên Chúa. Cám dỗ muôn đời của quỉ dữ là làm cho con người tin tưởng vào chính mình. Một khi con người nghĩ mình có thể làm chủ cuộc đời của mình, Thiên Chúa sẽ không còn chỗ đứng trong cuộc đời con người.
- Khi không hiểu được lý do của những việc xảy ra trong cuộc đời, chúng ta đừng vội trách Thiên Chúa bất công. Thái độ thích ứng nhất là chúng ta phải vững tin vào lòng thương xót Chúa và cầu xin để Ngài thêm sức chịu đựng hay cất khỏi nếu đẹp ý Ngài.
- Mục đích của con người khi còn sống trong cuộc trần này là làm vinh danh Thiên Chúa chứ không phải để lo thu tích của cải cho mình và gia đình. Tất cả những gì ngăn cản việc làm vinh danh Chúa, chúng ta phải có can đảm để khước từ chúng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Ba tuần 26 thường niên
Sứ điệp:Chúa là Đấng khoan dung nhân từ. Dù những người Sa-ma-ri không tiếp đón Chúa, nhưng Chúa không muốn tiêu diệt họ. Chúa vẫn tha thứ và chờ đợi.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa là Đấng giàu lòng thương xót nhân từ. Biết bao lần con cũng sống như người Samari, đã không tiếp đón Chúa, đã từ chối Chúa, đã xúc phạm đến Chúa, nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ cho con. Chúa chấp nhận bị từ chối vì Chúa tôn trọng tự do của con. Chúa muốn đến cứu con chứ không đến để tiêu diệt con. Nếu con có phải bị phạt thì cũng đáng, vì con đã phạm đến Chúa và Chúa có quyền phạt con. Nhưng lạy Chúa, Chúa không xử với con như con đáng tội. Chúa không phải là Thiên Chúa báo oán, nhưng là Thiên Chúa tình yêu giàu lòng nhân ái. Con được sống đến ngày hôm nay là do Chúa nhân từ xót thương. Con tạ ơn Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình thương của Chúa để con sống xứng đáng với tình thương bao la ấy. Không phải vì Chúa thương con mà con lạm dụng tình thương ấy. Nhất là xin Chúa giúp con biết sống hiền lành và khiêm nhường theo gương Chúa. Mỗi lần nghe một lời nói mất lòng, một câu chướng tai, mỗi lần thấy một việc gai mắt, mỗi lần gặp những điều trái ý, mỗi lần bị xúc phạm, xin Chúa giúp con biết kiên nhẫn nhịn nhục và chấp nhận. Xin cho con biết hãm dẹp tự ái, biết kềm hãm tính nóng nảy để chịu đựng những sự buồn phiền trái ý. Con đã kinh nghiệm rằng mắng chửi, quát tháo, đánh đập đã đem lại những hậu quả không tốt. Chỉ có tình thương mới có sức cảm hoá và đem lại niềm vui cho cuộc sống. Xin Chúa ban cho con một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương. Amen.
Ghi nhớ : "Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem".


03/10/12 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 9,57-62
ĐÒI HỎI KHẨN THIẾT CHO NGƯỜI MÔN ĐỆ

“Tôi xin theo Thầy, nhưng…” (Lc 9,61)
Suy niệm: Phúc Âm Luca trình bày những điều kiện để làm môn đệ Chúa qua ba trường hợp khác nhau. Trường hợp đầu tiên là một người đầy nhiệt huyết hăm hở nói: “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo;” trái lại trường hợp thứ ba là một anh lừng khừng bắt cá hai tay: đã xin theo Chúa lại còn mặc cả thêm một chữ“nhưng…”. Một mặt  Chúa Giêsu làm dịu “cái đầu nóng” đầy ảo tưởng của người thứ nhất bằng cách cho thấy đòi hỏi khắc nghiệt đang chờ đợi anh ta khi đi theo Đấng “không có chỗ tựa đầu,” mặt khác Ngài cũng đòi hỏi một sự từ bỏ triệt để đối với cuộc sống cũ: “cầm cày không ngoái lại đàng sau.”Không quyến luyến với những gì đã bỏ lại đàng sau và cũng không ảo tưởng một cái gì phía trước để chỉ có chính Chúa và duy một mình Chúa là đối tượng mình tìm kiếm, đó chính là điều kiện cốt yếu để làm môn đệ Ngài.
Mời Bạn: Chúng ta thường hiểu đây là đòi hỏi dành cho những ai muốn “đi tu”. Không sai! Nhưng đó cũng là điều kiện đối với bất cứ ai muốn đặt niềm tin vào Chúa Kitô để cùng với Ngài “chết đi cho tội lỗi” và sống lại trong sự phục sinh của Ngài (x. Rm 6,11).
Chia sẻ: Chúa có ý gì khi nói: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết”? Bạn có thấy việc loan báo Tin Mừng là việc thiết yếu và khẩn cấp không?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ… để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,… và mặc lấy con người mới được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thôi thúc con để con xác tín rằng: “Khốn cho con nếu con không loan báo Tin Mừng.”


Trước đã.
Có bao nhiêu cái “trước đã” chi phối đời ta? Ðâu là lựa chọn ưu tiên một? Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.
Suy nim:
Theo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo.
Theo đạo là theo một con đường.
Ðiều này đặc biệt đúng đối với Kitô giáo (x. Cv 9,2).
Làm môn đệ Ðức Kitô là theo Ngài trên con đường Ngài đi,
con đường đất quanh co trong xứ Palestine
hay con đường đầy chông gai nhọc nhằn của sứ vụ.
Ðức Kitô chẳng những dạy Ðạo, Ngài còn là Ðạo (x. Ga 14,6).
Theo đạo là theo một ngôi vị hơn là theo một giáo lý.
Sống đạo là sống như Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện ba người muốn theo Chúa.
Chúng ta chẳng biết họ là ai,
cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không,
nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ,
để rồi chúng ta phải đưa ra lời đáp trả riêng của mình.
Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
Ðức Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.
Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú,
lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường.
Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định,
là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11).
Theo Ngài là theo Ðấng có chỗ tựa đầu,
chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.
Cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn
trước những đòi hỏi bất ngờ của Cha và nhân loại.
Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện
cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã.
Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.
Ðức Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x. Mt 15,3-9),
nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc.
Loan báo Tin Mừng ư? Cần gì phải vội vàng đến thế!
Dầu sao cái sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ
trước một bổn phận thiêng liêng và hết sức cấp bách.
Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng.
nhưng có bao người sống đang cần phục vụ khẩn trương.
Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.
Ðức Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày,
không quay lại với những kỷ niệm quá khứ,
cũng không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình,
để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.
Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa.
Chọn lựa là chấp nhận hy sinh, bỏ một trong hai.
Ðức Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu...
Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.
Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta?
Ðâu là lựa chọn ưu tiên một?
Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.
Nếu Ðức Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài,
tôi có xin phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy".
Không được phép ngoái lại
Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay vào cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc. 9, 62)
Hôm nay Thánh Luca trình bày ba kiểu ơn gọi khác nhau.
Một người tự ý xin theo Đức Giêsu, anh nói với Người một cách tự tin, không mặc cảm sợ sệt nhút nhát: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”. Anh tin tưởng vững chắc, có khả năng hoàn toàn. Sự nhiệt tâm của anh rất chân thành, đầy thiện chí, hiến thân vô điều kiện. Đức Kitô dường như không cảm động gì trước sự hiến thân tự phát này. Người trả lời một cách lạnh nhạt bất cần, đáng phải suy nghĩ: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Câu đó phải chăng có nghĩa là: “Anh chàng bé bỏng của tôi ơi, anh chủ trương có thể theo tôi, được lắm! nhưng đừng quên rằng anh phải biết đón nhận: sự bất ổn hoàn toàn, mất mọi tiện nghi, chỉ có nghèo khó và còn hơn nữa đấy. Nghĩ kỹ đi trước khi tra tay vào cày, trước khi anh đáp tàu”. Thánh Luca không làm nổi bật cái con người có lòng quảng đại tự biên, tự diễn ấy tự hiến theo Thầy.
Một người khác được chính Đức Kitô kêu gọi trước: “Anh hãy theo Tôi”. Nhưng lần này, chính kẻ được mời gọi lại do dự, anh thưa với Ngài: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết”. Lời đáp có vẻ cứng cỏi, khó hiểu cho những nơi coi việc an táng hiếu thảo là một bổn phận thánh. Có phải Đức Kitô thích đòi hỏi có vẻ thái quá như vậy không? hoàn toàn không! Người muốn giải thích cho anh biết, hãy tự mình giải thoát mình khi theo Người. Theo Người chính là chết đối với đời sống tự nhiên này để mở ra cho mình một đời sống khác, đời sống gia nhập vào một thế giới hoàn toàn khác với những giá trị khác hẳn giá trị đời này. Loan báo Tin Mừng của một thế giới thuộc triều đại Thiên Chúa, đó chính là điều căn bản, tuyệt đối. Điều đó giả thiết phải từ bỏ tất cả mọi sự thế gian.
Ứng viên thứ ba cũng thế, anh vui mừng đến xin làm môn đệ Chúa, nhưng trước tiên xin về từ giã gia đình rồi đến theo Chúa. Với Đức Kitô: “Ai đã tra tay cấm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích với nước Thiên Chúa”. Nhưng phải có tinh thần từ bỏ mới biết sống theo Đức Giêsu. Người không nói không được yêu những thân nhân mình, nhưng hy sinh vì Ngài là chứng tỏ đã yêu mến họ đầy đủ rồi, đó là yêu trong đức tin.
GF.


 Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
3 THÁNG MƯỜI
Khuôn Mặt Nhân Loại Của Thiên Chúa
Thánh Kinh đưa ra câu trả lời rất phong phú cho câu hỏi: “Con người là ai?” Chúng ta tìm thấy câu trả lời này trong Sách Huấn Ca : “Đức Chúa tạo dựng con người từ bùn đất, và Ngài tạo nên họ giống hình ảnh Ngài. Ngài cho họ sống đời tạm trên trần gian và rồi lại trở về với đất bụi. Ngài ban tặng con người sức mạnh của Ngài, Ngài trao cho họ quyền thống trị mọi sự trên mặt đất.” (Hc 17,1-3)
Ở đây chúng ta có câu trả lời cho vấn nạn con người và định mệnh của họ. “Ngài tạo nên con người giống hình ảnh Ngài”. Vì thế, theo cách diễn tả rất khéo của thánh Gregory thành Nyssa (PG 44,446), con người là “khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa”. Để hiểu biết đúng đắn về con người, chúng ta không bao giờ được phép đánh mất quan điểm này của mạc khải Thánh Kinh; từ Sách Sáng Thế đến Sách Khải Huyền, Thánh Kinh khai mở đầy đủ chiều kích đích thực của con người. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Và để cứu độ và giải phóng con người khỏi tội lỗi, Thiên Chúa đã đi vào thân phận con người.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 03-10
G 9, 1-12. 14-16; Lc 9, 57-62

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lai đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).
          Bất cứ một ai khi chiêm ngưỡng về đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu đều phải mến phục và kính trọng và mơ ước được bước theo Ngài. Nhưng rồi khi đứng trước những nhu cầu cuộc sống trong xã hội, những quan hệ tình cảm riêng tư, với những cám dỗ để thỏa mãn những đòi hỏi của thể xác và tình cảm. Con người lại cố tìm ra những lý do để biện minh cho sự từ chối bước theo Ngài, và sống với giáo huấn của Ngài. Bởi theo Ngài, cần phải biết từ bỏ mọi sự một cách dứt khoát, từ bỏ cả chính mình, phó nộp cả thân xác lẫn linh hồn cho Ngài, để Ngài dùng vào trong chương trình của Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
03 Tháng Mười
Báu Vật Cuối Cùng
Ngày 10 tháng 3 năm 1615, tại Glasgow bên Tô Cách Lan, một vị thừa sai lừng danh là cha Ogilvie bước lên máy chém vì tội rao giảng Phúc Âm.
Trong giây phút cuối đời, đứng trên đoạn đầu đài thấy hàng ngàn người đứng coi, muốn để lại cho họ một kỷ niệm và một bảo đảm đức tin, vị tử đạo lấy ra vật cuối cùng còn lại trong mình: đó là một cỗ tràng hạt... Ngài cố sức ném tràng chuỗi vào giữa biển người. Tràng chuỗi đã rơi xuống trúng một ông hoàng xứ Hungary đang trên đường chu du học hỏi, tình cờ ghé qua Glasgow.
Chuỗi tràng hạt này đã bám riết ông khắp nơi, mãi đến ngày ông quyết định rời bỏ giáo phái Calvin để quay trở lại với Công Giáo.
Những mẩu chuyện trên đây không phải là ít trong lịch sử Giáo Hội. Việc sám hối luôn gắn liền với kinh Mân Côi. Ðó là mệnh lệnh mà Mẹ Maria đã ban bố tại Fatima năm 1917: "Hãy năng lần hạt Mân Côi".
Thánh Grêgoriô thành Nysse thường dùng thí dụ sau đây để nói về ảnh hưởng của kinh Mân Côi trong đời sống Kitô của chúng ta: "Mỗi người chúng ta được ví như một họa sĩ, linh hồn chúng ta là một khung vải còn nguyên vẹn, màu sắc được dùng là các nhân đức Kitô giáo, hình ảnh phải họa theo là chính Chúa Giêsu Kitô, hình ảnh sống động của Chúa Cha. Họa sĩ nào càng muốn hình ảnh họa lại được giống hình mẫu, càng phải năng ngắm nhìn mẫu khi đặt bút vẽ".
Mẹ Maria là mẫu gương của đời sống Kitô. Qua kinh Mân Côi, chúng ta chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhờ ôn đi, đọc lại nhiều lần, các biến cố đó sẽ thấm nhập tâm hồn chúng ta để dần dần biến chúng ta theo khuôn mẫu của các Ngài.
Kinh Mân Côi không những là hình thức đạo đức có tính cách cá nhân, nhưng còn là chất keo nối kết mọi người trong gia đình lại với nhau. Còn hình ảnh nào được ghi đậm trong tâm khảm chúng ta cho bằng những giờ kinh Mân Côi đọc chung trong gia đình... Gần đây, người ta phát động việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình với khẩu hiệu: "Một gia đình cầu nguyện chung với nhau là một gia đình đứng vững".
"Nơi nào có hai hay ba người ngồi lại với nhau vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ". Mà nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó cũng sẽ có Tình Yêu. Vì Tình Yêu là chất men liên kết mọi người trong gia đình lại với nhau.
Việc cầu nguyện trong gia đình, nhất là với kinh Mân Côi, là yếu tố bảo đảm sự bền vững của hôn nhân và khơi dậy ơn gọi trong gia đình.
Trong tông huấn về việc tôn kính Mẹ Maria, Ðức Phaolô VI đã nhắn nhủ chúng ta như sau: "Những điều kiện sinh sống đổi thay của ngày nay khiến việc hội họp gia đình không được dễ dàng và dù khi sum họp được thì nhiều hoàn cảnh lại làm cho cuộc họp mặt khó biến thành một dịp nguyện cầu. Các gia đình muốn sống trọn vẹn ơn gọi và tinh thần của gia đình Công Giáo phải tận lực lướt thắng những áp lực cản trở gia đình không thể hội họp và cầu nguyện chung".
Tinh thần đạo đức của các phần tử trong gia đình được thể hiện và tăng triển trong những giờ cầu nguyện chung, gồm cả việc đọc kinh hay đọc sách Thánh, chia sẻ lời Chúa, nhưng thuận lợi hơn cả đối với các gia đình Việt Nam đó là việc đọc kinh Mân Côi. Cũng chính Ðức Cố Giáo Hoàng VI khuyên nhủ chúng ta: "Sau việc đọc kinh Nhật Tụng thì việc đọc kinh Mân Côi được coi như một trong những kinh cầu nguyện chung tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất mà gia đình Công Giáo được khuyến khích đọc".
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 03
Thánh Grégoire,
Giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh



Hôm nay chúng ta cử hành phụng vụ kính nhớ thánh Grégoire Cả, ngài là con người của Lời Chúa. Nơi ngài có những trực giác tuyệt vời được nhắc đến trong Kinh Thánh mà chúng ta đã đọc. Cũng như một trải nghiệm khác mà ngài đã có và để lại bằng chứng soi sáng và an ủi chúng ta: điều này đã xảy ra hơn một lần, giúp ngài nắm bắt ý nghĩa của một đoạn văn trong Kinh Thánh mà ngài không hiểu. Ngay sau đó ngài đã nhận ra khi giải thích cho dân. Thánh nhân là bậc thầy của việc rao giảng Kinh Thánh, còn là thầy về tình yêu của chúng ta đôì với Lời Chúa, là con người của Lời. Đổng thời, ngài rất quân bình. Tôi đánh giá cao về ngài. Tôi cảm nhận được tà bên trong qua những năm gặp khó khăn do nhiều mâu thuẫn và tình cảm, nhờ việc đọc Luật Sống của Lời, là kiệt tác rất mực thước, mà các cuộc xung đột đang diễn ra được liên kết trong sự quân bình, đó là lý do mà ngài đã dạy chúng ta bài học cuộc sống tuyệt vời.

Cardinal Carlo Maria Martini 
Hạnh Các Thánh
Ngày 3 tháng 10
THÁNH RÊMI GIÁM MỤC
Thánh Remi,Giám mục

“Đây là vị thượng phẩm chánh tế đã sống đẹp lòng Chúa. Ngài đã làm cho Chúa đang giận được nguôi lòng. Không ai giữ luật Chúa cao cả được như ngài. Vì Chúa đã hứa đặt ngài làm cha cả muôn dân. Nhờ ngài mà mọi dân được phúc” (Triết ngôn 44,16-20).
Giáo hội thực đã khéo dùng lời Kinh thánh trên đây để ca tụng một vị Giám mục lão thành và là một chúa chiên đầy nhiệt huyết mà chúng ta kính nhớ hôm nay: thánh Rêmi Giám mục địa phận Reims.
Thánh nhân sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ V và đầu thế kỷ thứ VI. Có lẽ ngài là vị Giám mục thứ bảy của địa phận Reims. Nhưng sự kiện lịch sử làm vẻ vang danh ngài hơn cả là chính tay ngài đã đổ nước rửa tội cho một Hoàng đế nước Pháp tên là Clôvi. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chúng ta được biết rất ít về đời sống của thánh nhân, ngoại trừ một vài sự kiện còn lưu lại qua mấy bức thư.
Trước hết là bức thư của thánh Siđôniô Apolinariô viết cho ngài quãng năm 480. Trong thư này thánh Siđôniô hết lời ca ngợi trí thông minh và tài văn chương của thánh Giám mục. Đồng thời thánh Siđôniô còn cho chúng ta biết Giám mục Rêmi vốn là con người phong nhã lịch thiệp. Không những sẵn có những dáng điệu khoan thai với những lời nói từ tốn duyên dáng, thánh nhân còn dễ gây được nhiều thiện cảm với kẻ dưới, và uy tín với người trên nhờ những đức tính thận trọng, thành thực và hòa nhã là những nét trổi vượt ở nơi ngài.
Vào mùa thu năm 482, khi nghe tin Hoàng đế Clôvi đến Tournai, thánh Rêmi đã biên thư chúc mừng và đệ trình kiến nghị. Ngài viết: “Chúng tôi vô cùng hân hoan vì tin mừng mới mẻ là đức vua tới nhận quyền cai trị nước Bỉ. Thực ra, đó không phải là điều mới mẻ. Bởi lẽ đức vua chỉ tiếp tục nhiệm vụ mà tổ tiên đức vua nhiều năm đảm nhiệm. Nhưng điều quan hệ gây nên trong lòng chúng tôi niềm vui và hy vọng chính là thấy đức công chính của Thiên Chúa được biểu lộ toàn vẹn nơi đức vua… Vậy xin đức vua hãy khôn ngoan trọng dụng những người hiền nhân chân chính hầu duy trì vững bền uy quyền chính đáng Thiên Chúa đã trao ban cho đức vua. Đừng khi nào đức vua quên nghĩa vụ trọng kính các linh mục của Thiên Chúa và những ý kiến chính trực của các ngài. Bao lâu đức vua giữ được hòa khí với các linh mục, bấy lâu quốc dân đức vua sẽ cường thịnh… Xin đức vua hãy luôn mở lượng khoan dung và lân tuất, hãy lấy quyền “làm cha” mà che chở những trẻ mồ côi cô độc. Ước gì mọi người dân đều yêu mến và kính phục đức vua. Muốn được như thế, xin đức vua hãy lấy lòng quảng đại, tìm mọi cách giải phóng người tù tội và cứu thoát lớp người nô lệ đáng thương…”
Qua những lời lẽ trên đây, ai lại không nhận ra uy tín của thánh Giám mục đối với Hoàng đế Clôvi, và nhất là lòng bác ái sâu xa nồng nàn của thánh nhân.
Thực vậy, lịch sử còn ghi lại, khi Hoàng đế chinh phạt được miền bắc xứ Gaullia, chính thánh Giám mục đã dám đứng ra lãnh vai trò hòa giải giữa dân chúng với Hoàng đế và các tướng lãnh cao cấp. Và cũng từ đó, thánh Rêmi tìm mọi cách chinh phục ông hoàng ngoại đạo ấy về với Chúa Kitô. Ngài ăn chay đánh tội và hằng ngày cầu nguyện cho đức vua sớm hồi tâm nhận biết đức tin công giáo. Nhiều giáo hữu sốt sắng cùng hiệp tâm và góp lời cầu nguyện với thánh Giám mục. Nhưng đáng kể nhất là đời sống thánh thiện của bà Hoàng hậu Clôtilđa, người vợ hiền của chính Hoàng đế Clôvi và cũng là người con thiêng liêng của Giám mục Rêmi. Nhưng thái độ ban đầu của Hoàng đế Clôvi làm cho mọi người hốt hoảng hầu như thất vọng. Cũng như các vua chúa ngoại giáo hay theo bè rối Ariô, bấy giờ Hoàng đế Clôvi tuyên bố cắt đứt mọi liên lạc giao hảo với các Giám mục công giáo. Tình trạng ấy kéo dài cho tới năm 497, khi nước Pháp bị quân Đức xâm chiếm. Vua Clôvi lo sợ vì lực lượng của quân địch mạnh gấp hai lần quân lực của vua.
Trong cơn cùng quẫn, vua liền trông cậy vào sức mạnh của Chúa bà Clôtilđa kính thờ. Vua khiêm tốn xin bà Hoàng hậu cầu cho mình chiến thắng quân địch, hầu bảo vệ giang sơn gấm vóc mà tiền nhân để lại. Đồng thời vua cũng tự hứa là, nếu được thắng trận, vua sẽ thụ giáo. Niềm vui và hy vọng lại bừng lên trong lòng các tôi tớ Chúa. Bà Clotilđa và Giám mục Rêmi ngày đêm cầu nguyện tha thiết, xin Chúa đoái nhận lời khấn nguyện chân thành của đức vua. Và Chúa đã nhận lời khấn nguyện của vua Clôvi nhờ lời cầu xin của các tôi tớ Người. Cuối năm ấy, vua thắng trận và khải hoàn về thành Reims. Không do dự, vua cao rao uy quyền Thiên Chúa và công khai tuyên bố xin theo đạo công giáo. Hơn thế, chính vua đã đến xin Đức Giám mục Rêmi định ngày rửa tội cho mình. Ai có thể tả được niềm vui của thánh Giám mục, khi ngài tiến đến nâng vua Clôvi dậy rồi lớn tiếng tuyên bố ngày cử hành lễ nghi nhận đức vua vào đại gia đình công giáo; hôm đó là ngày 25-12-498. Ngày ấy, không kể vua Clôvi, còn có cả đoàn vệ binh và nhiều người khác xin tòng giáo.
Theo lời tả của thánh Grêgoriô Turônê, thì buổi lễ hôm ấy thực là uy nghiêm và trọng thể. Ngài viết: “Giếng rửa tội chan hòa ánh sáng và ngào ngạt hương thơm, đón chờ một Hoàng đế Contantino thứ hai bước vào. Khi đức vua đã vào tới giếng rửa tội, thì lập tức với một giọng điệu trang nghiêm và hùng hồn, vị thánh của Thiên Chúa phán bảo: ‘Xin đức vua hãy cúi đầu xuống lãnh nhận Đấng mà đức vua có nhiệm vụ phải tôn thờ”. Sau đó, thánh Rêmi, một vị Giám mục lão thành, thông minh, thánh thiện đã làm lại một việc mà khi xưa Đức Giáo Hoàng Silvêtê đã làm cho Hoàng đế Contantinô. Ngài đã đổ nước rửa tội cho vua Clôvi…. Còn đức vua, trong khi tuyên xưng Thiên Chúa toàn năng, ngài đã được tẩy rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và được xức dầu với hình thánh giá của Chúa Kitô. Hôm ấy có tới ba chục ngàn người, gồm sĩ quan và binh lính cùng chịu thánh tẩy với đức vua.
Giám mục Remi và vua Clovis

Tin thánh Giám mục Rêmi rửa tội cho đức vua Clôvi lan truyền như một nguồn vui sưởi ấm lòng người. Thánh Avitô thành Viêna, vị Giám mục niên trưởng miền Bugonđi đã bộc lộ cảm tưởng với đức vua như sau: “Đức tin của đức vua là chiến thắng của chúng tôi… Ước gì nhờ đức vua, toàn dân trở nên thần dân của Thiên Chúa. Hơn thế, với lòng bác ái chân thực và đức tin sống động, tôi ước mong đức vua gắng sức gieo vãi hạt giống đức tin đến các dân tộc lân bang, họ còn sống trong xiềng xích của tà thần, và chưa nhận biết Tin mừng Chúa Kitô. Điều đáng chú ý là, ngay sau khi chịu thánh tẩy, một người chị yêu quý của đức vua đã được Thiên Chúa cất về êm đềm như một bông hoa lìa cành. Tuy nhiên, với bản tính tự nhiên, đức vua không tránh khỏi những xúc động đau đớn. Nỗi đau khổ ấy, ai có thể thông cảm và múc vợi đi, nếu không phải là thánh Rêmi, người được Chúa Quan phòng sai đến bên cạnh đức vua!”
Theo thánh Grêgôriô thành Turônê, thánh Rêmi làm Giám mục hơn 60 năm. Với trí thông minh, tinh thần trách nhiệm và nhiều gương sáng nhân đức, thánh Rêmi đã đem lại nhiều kết quả tông đồ không những cho riêng địa phận của ngài, mà cho cả Giáo hội Pháp thời bấy giờ. Ngài là một vị Giám mục lão thành và nhiều công trạng. Thánh nhân qua đời khoảng năm 530 và được giáo hội kính nhớ.
Lạy thánh Rêmi, người đã nhiệt tâm với công việc nhà Chúa, xin phù hộ cho các vị chúa chiên và cách riêng cho Đức Giám mục địa phận chúng con cũng được lòng nhiệt thành tông đồ như ngài, hầu mở rộng nước Chúa và cứu rỗi mọi linh hồn.
Thứ Tư 3-10

Thánh Gioan Dukla

(1414-1484)
St.John Dukla

S
inh trưởng ở Dukla (Ba Lan), Gioan là một nhà khổ tu trước khi gia nhập dòng Conventual (chi nhánh dòng Phanxicô) vào năm 1440. Sau khi thụ phong linh mục, sứ vụ rao giảng đã đưa ngài đến các nơi mà hiện nay là Ukraine, MoldaviaBelarus. Ðã vài lần ngài làm bề trên tu hội địa phương và có một lần ngài làm giám thị trung ương dòng Phanxicô ở Lviv (Ukraine).
Thánh Gioan Capistrano đến Ba Lan năm 1453 và thành lập các tu viện sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Mười năm sau, Gioan Dukla gia nhập tổ chức này, mà sau đó trở thành Tỉnh Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Sự khó nghèo, tuân phục, khổ hạnh và sùng kính Ðức Mẹ là đặc điểm của đời sống Cha Gioan Dukla. Ngài tìm cách hòa giải những người ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù ngài bị mù năm 70 tuổi, ngài vẫn tích cực trong công việc rao giảng và giải tội. 
Ngài được phong thánh ở Krosno (Ba Lan) năm 1997 trước một giáo đoàn khoảng 1 triệu người, đến từ Ba Lan, Bohemia, Slovakia, Ukraine và Hungary.

Lời Bàn

Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nhắc nhở đến các người con của Thánh Phanxicô khi họ đặt chân đến Trung Âu Châu vào thế kỷ 13. "Sự hoạt động của dòng Phanxicô đã tìm thấy vùng đất mầu mỡ nơi quê hương chúng ta. Vùng đất ấy cũng phát sinh nhiều chân phước và các thánh, là những người theo gương Thánh Assisi Nghèo Hèn, làm sinh động Kitô Giáo ở Ba Lan với tinh thần khó nghèo và tình huynh đệ. Các ngài đã đưa kiến thức cũng như sự khôn ngoan vào truyền thống tinh thần nghèo hèn và lối sống đơn sơ, để từ đó có ảnh hưởng tốt đẹp trong công việc mục vụ." Khó nghèo, đơn giản, và hăng say tìm kiếm chân lý là đặc điểm của phương cách truyền giáo mà các tu sĩ Phanxicô theo đuổi trong gần tám thế kỷ qua. Họ sẽ giúp chúng ta hăng say làm chứng nhân cho Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô.

Lời Trích

Trong buổi lễ phong thánh cho Cha John Dukla, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II nói: "Ðức Giêus Kitô là vị thầy duy nhất của thánh nhân. Ngài không lùi bước trong việc noi gương Thầy và Chúa, nên trên hết mọi sự điều ngài ao ước là phục vụ. Trong đó bao gồm cả Phúc Âm của sự khôn ngoan, của tình yêu và bình an. Ngài đã thể hiện ý nghĩa này của Phúc Âm trong toàn thể cuộc đời ngài" (L'Observatore Romano, tập 27, số 6, 1997).

Bài đọc 2 
Hãy chạy với lòng tin và ơn công chính 
Trích thư của thánh Pô-li-cáp, giám mục, tử đạo, gửi tín hữu Phi-líp-phê.

Vậy tôi xin tất cả anh em hãy vâng nghe lời làm cho nên công chính, và hãy hết lòng luyện tập đức nhẫn nại mà anh em đã thấy tận mắt, chẳng những như các thánh I-nha-xi-ô, Do-xi-mô và Ru-phô, mà còn nơi các vị khác thuộc cộng đoàn anh em; và nơi chính thánh Phao-lô cũng như nơi các thánh Tông Đồ khác. Anh em quá biết: tất cả những vị này đã không chạy vu vơ, nhưng chạy với lòng tin và ơn công chính; các ngài được ở bên Chúa, nơi dành cho các ngài vì đã chịu khổ với Người. Quả vậy, các ngài đã không yêu thế gian, nhưng yêu mến Đấng đã chịu chết cho chúng ta và đã được Thiên Chúa cho sống lại vì chúng ta. 
Vậy anh em hãy giữ những điều vừa nói và hãy noi gương Chúa, vững lòng tin và không thay đổi, thiết tha sống tình huynh đệ, yêu mến nhau, liên kết trong chân lý, lấy đức hiền từ của Chúa mà đối xử với nhau, và đừng khinh dể ai. Khi có thể làm ơn thì đừng trì hoãn. Vì việc bố thí cứu cho khỏi chết. Tất cả anh em hãy tùng phục lẫn nhau, hãy ăn ở ngay lành không có gì đáng trách giữa dân ngoại để, vì công việc tốt đẹp anh em làm, anh em nhận được lời khen, và Chúa không bị phỉ báng nơi anh em. Trái lại, khốn cho kẻ làm cho danh Chúa bị phỉ báng. Vậy anh em hãy dạy cho mọi người sống tiết độ như anh em đang sống. 
Tôi rất buồn vì anh Va-len-tê một thời là kỳ mục giữa anh em mà nay đã quên cương vị của mình. Vậy tôi khuyên anh em hãy xa lánh tính hà tiện, sống thanh khiết, chân thật và kỵ hẳn mọi điều xấu xa. Ai không điều khiển mình được trong những điều ấy, thì làm sao có thể phê phán chuyện của người khác được? Ai không tránh xa tính hà tiện, thì sẽ nhiễm thói thờ ngẫu tượng, và sẽ bị xét xử như là dân ngoại, những kẻ không biết gì về việc Chúa phán xét. Hay anh em chẳng biết rằng các thánh sẽ xét xử thế gian sao, như thánh Phao-lô dạy? 
Nhưng tôi không cảm thấy hay nghe nói điều gì như thế nơi anh em là những người đã được nói tới trong đầu thư của thánh Phao-lô. Người đã vất vả nhiều giữa anh em. Người lấy làm hãnh diện về anh em trong mọi giáo đoàn. Bây giờ, chỉ có những giáo đoàn ấy mới nhận biết Thiên Chúa, còn chúng tôi thì chưa. 
Vậy, thưa anh em, tôi rất buồn cho anh Va-len-tê và vợ của anh. Xin Chúa cho họ biết thật lòng ăn năn sám hối. Trong vấn đề này, cả anh em nữa, anh em cũng hãy sống tiết độ, và đừng coi những người như thế là thù địch; nhưng hãy kêu gọi họ trở về như những phần tử đáng thương và lầm lạc, để cứu lấy Hội Thánh là thân thể của tất cả anh em. Vì chưng, làm như thế là anh em xây dựng chính mình.

Lời nguyện 
Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả, xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban và chúng con đang hết lòng theo đuổi. Chúng con cầu xin…
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Tư Tuần XXVITN-bản dịch của nhóm CGKPV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét