THỨ TƯ TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN năm chẵn
BÀI ĐỌC I: Ep 6, 1-9
"Không
phải phụng sự loài người, nhưng là tôi tớ của Đức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu
Êphêxô.
Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ
trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất
kèm theo lời hứa rằng "để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa
cầu".
Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em
chớ làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo
và khuyên răn của Chúa.
Hỡi những kẻ làm nô lệ, hãy vâng phục các chủ
nhân, với lòng tôn sợ, kính nể, và chân thành như vâng phục Đức Kitô: không
phải vâng phục chiếu lệ trước mắt, như để lấy lòng người ta, nhưng như những
tôi tớ của Đức Kitô, tận tâm vâng theo thánh ý Thiên Chúa, hãy chí thú phục vụ,
như phục vụ Thiên Chúa, chớ không phải loài người: vì biết rằng hễ ai làm điều
gì lành, sẽ được Chúa ban trả sự lành, dầu kẻ ấy là nô lệ hay tự do. Phần anh
em là những chủ nhân, anh em hãy cư xử như vậy đối với họ, chớ doạ nạt, vì biết
rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em ngự trên trời: Người không tây vị một
ai. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 13cd-14
Đáp: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán (c.
13c).
Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca
ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài, Thiên hạ hãy nói lên
vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Đáp.
2) Để con cái loài người nhận biết quyền năng
và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền
Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Đáp.
3) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán,
và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã,
và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa
thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 13, 22-30
"Người ta sẽ từ đông
sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng
mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy,
phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ
rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết:
nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì
lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho
chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu
tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và
Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các
ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian
ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'.
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp
và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài,
nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ
bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ
trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết". Đó là lời
Chúa.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Mối liên hệ tốt đòi phải có 2 chiều.
Con người thường hay đòi
hỏi tha nhân phải thế này phải thế kia, nếu không được như ý mình thì chê trách
tha nhân là không biết điều; nhưng ít khi chịu xét mình xem chính mình đã đối
xử đúng đắn với tha nhân chưa? Tất cả các mối liên hệ tốt đẹp đều đòi phải có 2
chiều như cha ông chúng ta khuyên: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.”
- Trong Bài đọc I, Thánh
Phaolô liệt kê những gì con người phải làm để có mối liên hệ tốt giữa cha mẹ và
con cái, cũng như giữa chủ nhân và nô lệ.
- Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa: không phải chỉ
biết Chúa là đủ, nhưng còn phải biết hy sinh chiến đấu vào qua cửa hẹp để làm
chứng cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mối
liên hệ tốt đòi phải có 2 chiều.
1.1/ Liên hệ giữa cha mẹ
và con cái:
- Bổn phận làm con: Thánh Phaolô liệt kê 2
bổn phận chính của kẻ làm con:
(1) Vâng lời: “Hãy vâng lời cha mẹ
theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.” Đây là giới răn thứ bốn trong
Thập Giới. Để cha mẹ có thể chu tòan sứ vụ Chúa giao, con cái phải vâng lời cha
mẹ.
(2) Tôn kính: “Hãy tôn kính cha mẹ.
Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng
thọ trên mặt đất này.” Sách Đức Huấn Ca còn dạy: “Ai tôn kính cha thì đền bù
tội lỗi, ai thảo kính mẹ sẽ thu được kho tàng.”
- Bổn phận làm cha mẹ: Thánh Phaolô cũng liệt
kê 2 điều chính:
(1) Đừng làm cho con cái
tức giận:
Những điều sau đây có thể làm con cái tức giận: nói không đúng sự thật, bắt con
làm điều vô lý hay làm điều mà mình không muốn làm, không làm gương sáng cho
con, khinh thường và hay so sánh con mình với con người, không thương yêu và
săn sóc con.
(2) Khuyên răn và sửa
dạy: là bổn
phận chính yếu Thiên Chúa sẽ xét xử cha mẹ như Tiên tri Êzêkiel nói: Nếu vì cha
mẹ không khuyên răn và sửa dạy mà con cái hư đi thì Thiên Chúa sẽ đòi nợ máu
cha mẹ; nếu cha mẹ khuyên răn sửa dạy hết điều mà con cái vẫn hư, tội là do nơi
con cái (Eze 33:7-9).
1.2/ Liên hệ giữa chủ
nhân và nô lệ:
Phải hiểu lời khuyên này trong bối cảnh lịch sử của thời đó để đừng lên án
Thánh Phaolô phò chế độ nô lệ. Trong xã hội thời ấy, nô lệ được đa số con người
chấp nhận; và chủ nhân có tòan quyền định đọat số phận những nô lệ của mình.
Cho dẫu vậy, Thánh Phaolô vẫn chú trọng đến mối liên hệ 2 chiều.
- Phận nô lệ: Có lẽ Thánh Phaolô chủ
trương mọi quyền hành đến từ Thiên Chúa cho lợi ích con người nên Ngài khuyên
các nô lệ phải bắt chước Chúa Kitô như Ngài đã vâng lời Chúa Cha (Phil 2:5-11):
(1) Vâng lời: “Kẻ làm nô lệ, hãy
vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn
sơ, như vâng lời Đức Kitô. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng
người ta, nhưng như nô lệ của Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa.”
(2) Vui lòng phục vụ: “Hãy vui lòng phục vụ
như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. Anh em biết đấy: ai làm việc
tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do.”
- Phận làm chủ: Theo phong tục thời ấy,
người nô lệ không có quyền đòi bất cứ điều gì nơi chủ, nhưng những chủ nhân
theo Đức Kitô phải làm 2 điều sau cho nô lệ của mình:
(1) Đối xử tử tế: Nếu các nô lệ đã hết
tình phục vụ chủ thì chủ cũng phải đối xử tử tế với họ: phải đối xử với họ theo
tình người, chứ không coi họ là những đồ vật để xử dụng.
(2) Đừng dọa nạt: “Chúa của họ cũng là
Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai.” Trong thân thể của
Đức Kitô, mọi người đều bình đẳng (Gal 3:28).
2/ Phúc Âm: Hãy
chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.
2.1/ Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào: Đường rộng rãi thênh
thang chỉ dẫn tới sự hủy diệt: Không có kỷ luật, không thể thành công. Điều này
không những đúng cho cá nhân mà còn đúng cho cả tập thể.
- Có kẻ hỏi Người:
"Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?"
- Người bảo họ:
"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có
nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và
khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa
ngài, xin mở cho chúng tôi vào!” thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta
không biết các anh từ đâu đến!”” Nguy hiểm của quan niệm dễ dãi: Vì tình thương
bao la nên sau cùng Chúa sẽ cứu hết (Universalism).
2.2/ Nước Trời dành cho
những ai nghe và giữ những gì Chúa dạy, không phải chỉ biết Ngài mà thôi:
(1) Tiêu chuẩn phán xét: Con người nhấn mạnh
đến cái biết, Chúa nhấn mạnh đến việc làm.
26 Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống
trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng
tôi.”
27 Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu
đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”
Nguy hiểm: Chỉ cần biết và tin
Chúa là đủ (Tin Lành)
(2) Thực tế phũ phàng: Con cháu trong nhà và
những kẻ quyền thế bị lọai ra ngòai.
- Thiên hạ sẽ từ đông
tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
- Có những kẻ đứng chót
sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Tất cả các mối liên hệ
tốt đều đòi hỏi phải có cả 2 chiều: liên hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa chủ
nhân và nô lệ, giữa con người và Thiên Chúa.
- Phải chiến đấu để vào
Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.
- Chúng ta phải luôn
nhớ: Thiên Chúa không những là Thiên Chúa của tình thương mà còn là Thiên Chúa
của công bằng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Sứ điệp: Thiên Chúa là Cha chung đã mời gọi muôn dân từ khắp bốn
phương trời đến dự Bàn Tiệc Nước Thiên Chúa. Điều kiện để vào dự tiệc không
phải là nại đến thân thế của mình, nhưng phải biết chiến đấu đi qua cửa hẹp mà
vào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những lời Chúa cảnh cáo người Do thái ngày
xưa có thể là những lời cảnh giác cho chính con hôm nay. Con mang danh là một
Kitô hữu, nhưng con đã làm gì để xứng đáng được tham dự vào Bàn Tiệc Nước Trời
? Có phần nào con giống người Do thái cứng lòng ngày xưa, khi con lãnh nhận các
bí tích một cách máy móc, lười biếng, hay giữ đạo một cách hình thức, và tưởng
rằng như thế là đủ cho con được ơn cứu rỗi. Con quên rằng Chúa luôn nhìn thấu
suốt mọi tâm hồn và mời gọi con đóng góp những cố gắng hy sinh của chính mình.
Chúa mời gọi chiến đấu để đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. Bởi vì Chúa đã khẳng
định: “Không phải bất cứ ai nói: lạy Chúa, lạy Chúa, mà được vào Nước Trời
đâu”. Vâng, lạy Chúa, cửa hẹp chính là con đường thập giá mà Chúa đã đi qua. Đi
vào cửa hẹp là dấn thân từ bỏ chính mình, là biết hy sinh cho tha nhân, là vui
lòng thực thi Thánh Ý Chúa trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết xác tín vào
chân lý đó, để mỗi bước chân con đi trên con đường thánh giá, sẽ dẫn đưa con
đến Bàn Tiệc Nước Chúa. Xin cho con trong suốt cuộc hành trình tiến về Quê
Trời, sẽ không chọn cho mình những con đường rộng thênh thang của những khát
vọng đam mê tội lỗi, nhưng xin cho con dám can đảm đi vào con đường hẹp,
con đường dẫn đến núi Sọ, để rồi từ đó mở ra cho con Bàn Tiệc Phục sinh vinh
quang. Amen.
Ghi nhớ :"Người ta sẽ từ
đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa".
31/10/12 THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Lc 13,22-30
Lc 13,22-30
CHỌN CỬA HẸP
“Hãy chiến đấu để qua
cửa hẹp mà vào.” (Lc 13,24)
Suy niệm: Chúng ta thường chú trọng đến số lượng hơn là chất lượng,
những bộ vía “hoành tráng” hơn là phẩm chất của cuộc sống. Chẳng hạn: lãnh đạo
các nước thích nói đến tăng trưởng GDP bình quân hằng năm, hơn là chú tâm làm
cho chất lượng hạnh phúc của đời sống dân chúng tiến triển theo năm tháng.
Không lạ gì Đức Giêsu không trả lời câu hỏi có nhiều hay ít người được vào Nước
Trời nhưng chỉ quan tâm nhấn mạnh điều kiện, phẩm chất để được vào Nước Trời.
Với Ngài, cửa rộng thêng thang, con đường hưởng thụ thoải mái dễ chịu là con
đường đưa đến sự hư mất. Trái lại, cửa hẹp của đời sống kỷ luật, nỗ lực hy
sinh, chiến đấu với bản năng, sự ích kỷ lại là con đường đưa đến nguồn vui,
hạnh phúc vĩnh cửu.
Mời Bạn: Bạn cũng thích cửa rộng của sự hưởng thụ, dễ dãi với bản
thân, chạy theo những thú vui mau qua của trần thế hơn là cửa hẹp của lối sống
đạo đòi hỏi sự quên mình, khổ chế, vác thập giá mỗi ngày. Mong rằng Lời Chúa
hôm nay thức tỉnh bạn để bạn vui vẻ và hạnh phúc khi chọn sống theo cửa hẹp.
Chia sẻ: Đâu là cửa rộng nhóm bạn cần loại bỏ và cửa hẹp cần phát
huy?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chọn “cửa hẹp” trong việc sử dụng của cải,
tiện nghi, hưởng thụ để bớt đi sự ích kỷ và thêm lòng quảng đại quên mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con đi vào cửa hẹp của sự từ
bỏ, vì cửa rộng thênh thang của sự dễ dãi, nuông chiều thân xác đưa chúng con
đến chỗ hư mất linh hồn. Xin giúp chúng con ghi khắc Lời Hằng Sống của Chúa, và
vui vẻ thực hiện lối sống “cửa hẹp” trong sinh hoạt hằng ngày của chúng con.
Amen.
Cửa hẹp.
Thật ra
cửa vào sự sống không hẹp nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá. Cần nỗ lực liên
tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại, khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Suy niệm:
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp.
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo
chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),
vì “cửa
hẹp dẫn đến sự sống” (Mt
7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình,
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành
trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả
năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn
tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh
tâm...
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt
Chúa.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên
tục.
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa
yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa
Giêsu trên thập giá,
xin cho
con dám liều theo Chúa
mà không
tính toán thiệt hơn,
anh hùng
vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm
lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném
mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì
khi dâng lên Chúa
những hy
sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm
nghiệm được niềm vui bất diệt
của người
một lòng theo Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Người
ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa".
Hãy Vào Qua Cửa Hẹp
Câu
hỏi mà một người vô danh đặt ra cho Chúa Giêsu đang khi Ngài trên đường lên Giêrusalem,
đó cũng là câu hỏi thông thường nơi các trường phái của các vị thông luật thời
Chúa Giêsu, và là câu hỏi như muốn giới hạn số lượng những người vào Nước Chúa:
“Thưa Thầy, phải chăng ít người được cứu thoát?” Trong câu trả lời, Chúa Giêsu
không nhằm đến số lượng nhưng là hướng tới một bình diện khác, tức là phẩm chất
của những kẻ muốn vào Nước Chúa: họ phải qua cửa hẹp và cố gắng vào đúng lúc,
khi còn thời giờ thuận tiện, đừng cậy dựa vào những liên hệ hời hợt bên ngoài
với Chúa. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân
Chúa chọn và cả những kẻ ở ngoài, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng
rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Chúa.
Ðặc
tính phổ quát của ơn cứu rỗi không được hiểu theo phạm trù số lượng, nghĩa là
không phải mọi người tự động đều được cứu rỗi. Sự cộng tác từ phía con người là
điều cần thiết. “Hãy vào qua cửa hẹp”, hẹp, vì nó đòi con người phải từ bỏ
nhiều. Hình ảnh cậu bé Charlie trong phim hoạt hình, đứng trước cửa, ôm trên
người rất nhiều thứ; cậu muốn bước ra ngoài chơi với bạn bè, nhưng lại không
muốn bỏ những thứ đang chồng chất trên người mình; cậu bé bực tức nói lớn: “Làm
sao tôi có thể bước qua cửa này được?”. Nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng có
thể hành xử như vậy: vừa muốn vào Nước Chúa, vừa muốn giữ lấy mọi thứ không phù
hợp với Nước Chúa; muốn vào Nước Chúa, nhưng lại không thực hành giáo huấn của
Ngài, không canh tân đời sống của mình.
Chúng
ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban ơn cứu rỗi cho mọi người. Xin cho chúng ta biết từ
bỏ những gì không cần thiết, nhất là những gì mất lòng Chúa, để chúng ta có thể
bước qua cửa hẹp trở về Nhà Chúa.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Con Ðường Dẫn Ðến Tự Do
Chính phủ Nam Phi mới đây đã quyết định cho đúc bức tượng cao ba
mươi tầng lầu của nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền là cựu tổng thống
Nelson Mandela. Theo dự trù, tượng đài kỷ niệm ông Mandela sẽ cao một trăm mười
thước và được đặt tại hải cảng Elisabeth để cho những du khách tới Nam Phi qua
đường biển phía đông chiêm ngưỡng người lãnh tụ khả kính này.
Song song với dự án bức tượng này, chính phủ Nam Phi sẽ làm một
con đường đi bộ dài khoảng sáu trăm thước dẫn tới tượng đài. Con đường đi bộ
này được đặt tên như trong bảng tóm lược đọc lên khi ông Nelson Mandela nhận
giải Nobel Hòa Bình như sau: “Con đường dẫn đến tự do”. Ông Nelson Mandela được
trả tự do sau hai mươi bảy năm bị chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi cầm tù.
Ông đã được bầu là tổng thống Nam Phi năm 1994.
Con đường dẫn đến tự do cho cá nhân ông Nelson Mandela, cho dân
tộc Nam Phi cũng như cho cả thế giới là một con đường dài đến hai mươi bảy năm,
qua đó ông đã trải qua không biết bao nhiêu gian khổ trong chốn tù đày. Con
đường dẫn đến tự do nào cũng là con đường hẹp, đầy chông gai. Qua hình ảnh con đường
của nhà đấu tranh Nelson Mandela chúng ta hiểu được con đường mà Chúa Giêsu đã
vạch ra cho những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Trong Tin Mừng hôm nay, một lần nữa thánh Luca lại đặt Chúa
Giêsu trong tư thế lên đường tiến về Giêrusalem. Với cái nhìn của vị thánh sử
này cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc hành trình về Giêrusalem mà điểm đến
cuối cùng là Núi Sọ và vinh quang phục sinh.
Sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng Tin Mừng ngoài đường,
cuối cùng cũng chết ngoài đường. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc lên
đường và ra đi không ngừng. Ngài kêu gọi tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài
lên đường và ra đi như thế: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi
ngày và đi theo Ta”. Trong lệnh lên đường ban bố cho các môn đệ, Ngài nói rõ
với các môn đệ: “không mang theo giày dép, bao bị, túi tiền, vào nhà nào người
ta cho ăn thứ nào hãy ăn thứ đó, ai không đón tiếp thì đi ra”.
Tóm lại, ra đi và lên đường là tư thế đích thực của người môn đệ
Chúa Giêsu. Mệnh lệnh ấy ngày nay vẫn tiếp tục có giá trị cho tất cả những ai
muốn làm môn đệ để đi theo Chúa Giêsu. Sống đức tin là không ngừng ra đi và lên
đường. Ra đi và lên đường không chỉ có nghĩa là rời bỏ một nơi này để đến một
nơi khác. Cuộc ra đi và lên đường cam go nhất đòi hỏi nhiều quyết tâm và chiến
đấu nhất hẳn phải là ra đi và lên đường khỏi con người cũ của tội lỗi. Trước
khi lên đường về nhà Cha, người con hoang đàng đã phải phấn đấu mãnh liệt để ra
khỏi bản thân và đứng dậy lên đường. Ðây chính là cuộc ra đi và lên đường mà
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dấn bước vào, đây chính là cánh cửa hẹp mà Ngài mở
ra cho chúng ta.
Lạy Mẹ Maria
Ðấng đã vội vã lên đường để đến với người chị họ Elisabeth luôn
đồng hành với chúng ta, Mẹ giúp chúng ta biết nhìn về phía trước và tiến bước
trong hân hoan, tin tưởng và cậy trông.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Sau một thời gian
Không Có Đồ Bổ Béo Trên Bàn Tiệc Nước Trời
Có
kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài những kẻ được cứu thoát thì ít có phải không?” Người
bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có
nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”(Lc. 13, 23-24)
Đức
Giêsu lên đường về Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Nhiều lần Đức Giêsu nói
Giê-ru-sa-lem là thành nơi các ngôn sứ bị kết án chết. Lời kêu gọi của Đức
Giêsu càng ngày càng khẩn cấp. Thời giờ gần hết, phải lo cải thiện kẻo quá trễ.
Kẻ không được vào
Trong
dân Ít-ra-en, người ta tranh luận nhiều về ơn cứu độ, một số kẻ cho rằng tất cả
con cái Ít-ra-en đều được cứu độ. Số khác nói chỉ có những kẻ còn sót lại thôi.
Khi nghe Đức Giêsu nói về nước trời đã đến, người ta hỏi Người: “Thưa Ngài,
những người được cứu thoát thì ít có phải không?”. Người không đáp thẳng. Người
nhấn mạnh mọi người phải cố gắng để vào vì cửa nước trời rất hẹp, những kẻ kiêu
ngạo bành trướng, những kẻ tham lam, nông nổi chạy theo những tham vọng xác
thịt không thể vào được nước trời. Chỉ có những kẻ bé mọn, những kẻ kiềm chế
được dục vọng xác thịt, mới có thể ép mình lại chui qua cửa hẹp để vào được dự
tiệc thiên quốc.
Xã
hội chúng ta chỉ thích tìm an nhàn thoải mái, sung sướng thỏa mãn và tiêu xài
phung phá của cải trái đất, không nghĩ gì đến tương lai. Mọi người đều phì nộn
cả thể xác lẫn tinh thần vì đã thỏa mãn những ham muốn thì những lớp mỡ béo bọc
lấp con tim không còn chỗ cho lời Chúa thấm nhập nữa.
Trương phình do quá đầy đủ
Ngoài
ra, đến lúc người ta không ngờ, cửa đóng lại và không ai có thể vào được nữa.
Những kẻ đứng ngoài dù nói ngon ngọt hay lắm: “Chúng tôi đã từng được ăn uống
trước mặt Ngài và Ngài cũng từng giảng dạy trong những đường phố của chúng tôi.
Chúng tôi còn là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham, thuộc gia đình thừa hưởng lời
Chúa”. Chúng thích hiểu biết và giữ lề luật Chúa, nhưng không có con tim, tấm
lòng mộ mến sống lề luật, nên tất cả những kẻ đó đều bị loại ra ngoài. “Tất cả
các ngươi đều làm điều bất chính”.
Để
thuộc về dân Thiên Chúa thật phải đón tiếp Đức Giêsu. Chính đức tin vào Đức
Giêsu làm cho họ nhỏ bé, gầy gò đi để có thể vào cửa hẹp trước khi cửa đóng
lại. Như vậy, con cháu của các tổ phụ là khách được mời trước nhất, lại tự thấy
mình bị loại, trong khi lương dân đến sau đã sống theo lời Chúa, nên đã được
nhận vào nước trời.
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
31 THÁNG MƯỜI
Ơn Hiệp Nhất
Trong ý nghĩa sâu xa
nhất, sự hiệp nhất của Giáo hội là một hồng ân của Chúa Cha qua Chúa Kitô. Ngài
là “nguồn mạch và trung tâm của mối hiệp thông Giáo Hội” (ibid. 20). Chính Chúa
Kitô chia sẻ cho chúng ta Thánh Thần của Người, và Thánh Thần “ban sự sống, sự
hiệp nhất và làm sống động toàn thân” (GH 7).
Sự hiệp nhất thâm sâu
này được Thánh Tông Đồ Phao-lô diễn tả cách tuyệt vời: “Chỉ có một thân thể,
một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng
bởi ơn gọi của anh em; chỉ có một Chúa, một niềm tin, một Phép Rửa. Chỉ có một
Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong
mọi người” (Ep 4, 4 – 6). Những lời ấy thật hùng hồn và kích cảm biết bao! Thật
vậy, những lời ấy cho thấy nhiệm vụ của Giáo Hội qua mọi thời đại và mọi thế
hệ. Nhiệm vụ thiêng liêng của Giáo Hội là gìn giữ sự hiệp nhất này, và nhiệm vụ
này không bao hàm gì khác hơn là trung thành trọn vẹn với Chúa của mình. Giáo
Hội phải nỗ lực để tái lập sự hiệp nhất này ở bất cứ nơi nào mà nó đã bị suy
yếu hay đã gãy đổ.
Trung tâm mối hiệp nhất
của Giáo Hội là chính Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Ngài là
“viên đá góc” (Mt 21,42) của toà nhà Thiên Chúa tức là Giáo Hội (1Cr 3,9). Là
“viên đá góc” của dân mới Thiên Chúa, của toàn thể nhân loại đã được cứu chuộc,
Đức Kitô hiện diện trong cộng đoàn Thánh Thể. Ngài dẫn chúng ta đến với chính
Ngài. Và Ngài hiệp nhất chúng ta lại với nhau trong Ngài.
Chúng ta hãy lắng nghe
lời nguyện hiến tế trong bữa Tiệc Ly. Ngài thưa cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha
chí Thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như
chúng ta” (Ga 17,11).
Chúa Giêsu cầu nguyện
với Thiên Chúa Cha, và Người vốn đã bộc lộ ‘danh’ của Chúa Cha cho các môn đệ
Người. Vì Người sẽ không còn ở “trong thế gian” với họ nữa, Người xin Chúa Cha
gìn giữ họ hiệp nhất trong sự nhận biết lời đã được ban cho họ (Ga 17,14). Đối
tượng số một của lời Người cầu nguyện là sự hiệp nhất của những kẻ Người đã
chọn, đó là các Tông Đồ. Nhưng Chúa Giêsu mở rộng đối tượng ấy tới tất cả những
ai sẽ đi theo Người qua mọi thời. Người thốt lên: “Con không chỉ cầu nguyện cho
những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả
nên một” (Ga 17, 20 – 21).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 31-10
Ep 6, 1-9; Lc 13, 22-30.
LỜI SUY NIỆM: Có người hỏi Người:
“Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ:
“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều
người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13,23-24).
Chúa Giêsu cho chúng ta được biết chuyện con người được cứu thoát không kể là
ít hay nhiều, có những người tìm cách được vào mà không thể được. Chúa Giêsu
còn cho chúng ta được biết muốn được vào chúng ta phải chiến đấu cùng ơn ban
của Thiên Chúa, chứ không phải tự mình giải thoát được. Khi nói đến cửa hẹp,
Chúa Giêsu đang nhắc bảo những người Do-thái lúc bấy giờ, phải cẩn thận trong
đời sống của mình, để khỏi bị Thiên Chúa loại bỏ vì sự bất trung của mình.
Trong đời sống của người Ki-tô hữu cũng phải coi chừng về cách sống của mình.
Có còn hảm mình hy sinh, có còn sám hối và cầu nguyện hay không? Nhất là trong
cuộc sống ngày hôm nay, có quá nhiều tiện nghi phục vụ cho thân xác, mà con
người đang muốn được đáp ứng, Chúng ta cần phải chiến đấu, phải gò mình lại,
uốn nắn cả thân xác và suy nghĩ của chúng ta theo tinh thần của Tin Mừng đòi
hỏi. Mới mong được nằm trong số những người được giải thoát.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
31 Tháng Mười
Một Ngày Ðể Nhớ Ðến Thần Dữ
Hôm nay ngày cuối tháng 10. Buổi chiều ngày cuối tháng 10 được
người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ gọi là Halloween, nghĩa là vọng lễ
các thánh.
Có lẽ do những rơi rớt còn lại của một ngày lễ ngoại giáo bắt
nguồn từ thời những người Celtic trước Công nguyên, ngày vọng lễ các thánh mang
màu sắc ảm đạm ma quái.
Trong các cửa tiệm, hàng hóa được trưng bày một khung cảnh quái
dị: những hình nộm được tô vẽ với một bộ mặt của thần chết, những màng nhện
trắng xóa giăng mắc khắp nơi, những đồ chơi trẻ em cũng được khoác lên những
nét kinh hãi quái dị. Trên màn ảnh truyền hình cũng như tại các rạp chiếu bóng,
đa số các phim trình chiếu đều mang nội dung quái đản, kinh dị. Buổi tối ngày
Halliween, thanh niên thiếu nữ thường cải trang thành ma quái để đi từng nhà ca
hát và kể cho nhau nghe chuyện ma quái.
Phải chăng mỗi năm người ta dành một ngày để nhắc nhở về sự hiện
hữu và tác quái của thần dữ? Nhưng liệu con người ngày nay còn ý thức được tội
lỗi và sự tác động củ thần dữ không?
Thi
sĩ Baudelaire của Pháp đã có lần nói: "Sự thành công của ma quỷ là thuyết
phục được con người rằng nó không hiện hữu".
Với
những khám phá mới trong ngành tâm lý học cũng như bệnh lý học, người ta cho
rằng tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói đến chỉ là những hiện tượng tâm
lý bệnh hoạn mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân. Với luận điệu ấy,
con người ngày nay tự hào đã loại trừ ma quỷ ra khỏi cuộc sống.
Có
lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám nhãn tường như Thánh
kinh đã ghi lại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được một
sức mạnh luôn cày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy
và hủy diệt lẫn nhau. Mãi mãi câu nói của thánh Phaolô vẫn đúng cho kinh nghiệm
của mỗi người: "Ðiều thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, điều ác tôi
không muốn là, thì tôi lại làm". Có một sức mạnh vô hình nào đó luôn khuyến
dụ, luôn lôi kéo con người vào tội ác... Thánh Phêrô hẳn không thể nào quên
được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu: "Hỡi Satan, hãy tránh khỏi mặt Ta".
Trong lá thư đầu tiên gửi cho các tín hữu, vị Giáo Hoàng đầu tiên đã nhắn nhủ:
"Hãy tỉnh thức luôn. Kẻ thù của anh em là ma quỷ như sư tử luôn gầm thét
lượn quanh, tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống cự và kiên vững trong Ðức
Tin".
Là
người tín hữu, chúng ta không ngừng cầu nguyện bằng chính lời Kinh của Chúa
Giêsu: "Xin cứu chúng con khỏi ác thần". Ước gì lời Kinh ấy luôn nhắc
nhở chúng ta về sự tác động liên lỉ của ma quỷ trong cuộc sống của từng người
chúng ta. Nhưng chúng ta không phải hãi sợ bởi vì chúng ta không chiến đấu một
mình mà cùng với và bằng chính sức mạnh của Ðấng đã nói: "Ðừng sợ hãi, vì
Ta đã thắng thế gian".
(Lẽ Sống)
Ngày 31
Sống trong
hiện tại là điều khó. Quá khứ và tương lai không ngừng quấy rối chúng ta.Quá khứ
với những nuối tiếc và
tương lai với những lo âu.
Thù địch thật sự của cuộc sống chúng ta là qua những câu, như: "đáng lẽ tôi
phải..." và những câu "nếu" ..và "nhưng mà"... Chúng
dìm chúng ta trong một quá khứ bất di bất dịch và lôi kéo chúng ta vào một tương lai không
thể dự kiến trước được. Nhưng cuộc sống thật, là phải sống ở đây và bây giờ. Thiên Chúa là
một thượng đế của hiện tại. Người luôn luôn trong thời gian hiện tại, cho dù
thời gian này khó hay dễ, vui hay buồn.
Khi Đức Giêsu nói về Thiên Chúa, Người luôn nói về một
Thiên Chúa hiện diện nơi chúng ta đang có mặt và trong những gì chúng ta đang sống. "Khi bạn nhìn tôi, là bạn
nhìn thấy Chúa.
Khi bạn lắng nghe tôi, là bạn nghe thấy Chúa." Thiên Chúa không phải là
một bản thể đã hiện hữu hay sẽ hiện hữu; Người là "Đấng hằng hữu" và
đang hiện hữu cho tôi, lúc này.
Vì thế, Đức Giêsu đã đến để làm biến đi gánh nặng của quá khứ
và những lo âu trong tương lai. Người muốn làm cho chúng ta khám phá ra Thiên Chúa ở nơi chúng ta
đang có mặt, ở đây và bây giờ.
Henri Nouvven
Hạnh Các Thánh
Ngày 31 tháng 10
THÁNH
ALPHONGSÔ RODIGUEZ TRỢ SĨ DÒNG CHÚA GIÊSU
(1533-1617) |
“Con
hãy chê ghét sự ác và yêu mến điều chân thật, hãy làm cho sự công bình chính
trực ngự trị muôn nơi” (Amos 5,15). Lời Kinh thánh trên đây đã được thể hiện
từng nét nơi thánh Alphongsô Rodiguez mà Giáo hội kính nhớ hôm nay”.
Alphongsô
Rodiguez sinh ngày 25.7.1533, trong một gia đình đạo đức thuộc xứ Colema nước
Tây Ban Nha. Thân mẫu ngài chuyên về nghề buôn bán tơ lụa, nhưng không vì thế
mà sao nhãng việc tôn thờ Chúa và việc giáo dục các con. Ông Điêđiô Rodiguez
và bà Maria Gôma thấy Rodiguez có đức hạnh và tài trí, nên đã sớm gửi con tới
học tại trường các cha dòng Tên ở Alcala. Đang lúc cậu Rodiguez say mê với
bút nghiên, thì một biến cố khiến cậu phải bỏ dở công việc đèn sách. Cha cậu
từ trần và cậu phải trở về phụng dưỡng mẹ già, kế nghiệp cha làm nghề thương mại.
Năm
1560, Rodiguez lập gia đình với một thanh nữ đạo đức ở cùng xóm. Hai vợ chồng
sống rất êm thắm, chung nhau xây hạnh phúc gia đình lâu bền. Nhất là khi được
Chúa cho sinh hạ Maria, đứa con gái đầu lòng, gia đình Rodiguez càng thêm ấm
cúng và hạnh phúc. Nhưng ngờ đâu không đầy ba năm sau, bao nhiêu biến cố dồn
dập xẩy đến phá hoại hạnh phúc gia đình mà Rodiguez hằng mơ tưởng và ra sức
xây dựng. Trước tiên là việc buôn bán thất bại khiến gia đình mỗi ngày một
lâm cảnh túng thiếu. Rồi đến Maria con gái đầu lòng bị bệnh sốt rét và qua
đời cách mau chóng, làm cho cảnh cùng quẫn của gia đình thêm thảm hại hơn.
Chưa hết, Rodiguez còn phải đau lòng hơn nữa, một mình chịu tang mẹ già và
người vợ thân yêu chết vì bệnh dịch giữa lúc cảnh gia đình khánh kiệt. Mặc dầu
tâm hồn tan nát vì những thử thách hầu như quá sức, Rodiguez vẫn bình tĩnh
chịu đựng, phó thác tất cả cho Chúa nhân hậu. Ngài luôn tin tưởng vào sự Quan
phòng toàn năng của Chúa. Chúa cho may mắn hay rủi ro cũng xin tạ ơn Chúa vì
Chúa đã phán: “Tóc trên đầu con cũng được đếm từng sợi một; không một sợi nào
rụng xuống ngoài sự chấp thuận ý của Cha trên trời”. Ý thức được sự Quan
phòng toàn năng như thế, nên trước những biến cố đau thương trên, Rodiguez
không thất bại nản chí nhưng càng sống phó thác trong tay Chúa hơn. Thánh
nhân luôn lấy thánh Gióp làm gương mẫu. Trong chuỗi ngày đau khổ, ngài thường
than thở với Chúa: “Lạy Chúa, con xin vui nhận tất cả những gì Chúa gửi đến
cho con. Con nhận bởi tay Chúa bất luận điều lành hay điều dữ, êm dịu hay
đắng cay, vui hay buồn và con sẽ muôn đời cảm tạ ơn Chúa vì tất cả mọi cái
xẩy đến cho con”.
Sau
khi đã trang trải công việc gia đình, Rodiguez tiếp tục việc học hành đã bị
bỏ dở. Suốt quãng thời gian từ năm 1568 đến năm 1570, ngài theo học lớp xã
hội và hùng biện tại đại học đường
Phần
thưởng Chúa ban cho thầy ngay khi còn sống chính là hoan lạc của giờ kinh
nguyện. Thầy yêu thích sự chiêm niệm, đàm đạo với Chúa Giêsu Thánh Thể. Và
chính ở đó thầy đã múc lấy những ý tưởng cao sâu về đời trọn lành, viết nên
những tác phẩm tu đức giá trị như cuốn “Phương pháp chiêm niệm”- “Đường đời
thánh thiện” và cuốn “Bác ái với ân sủng”. Qua những tác phẩm ngài viết,
chúng ta thấy thánh nhân có một quan niệm sâu sắc về đời sống tu dòng; ngài
viết: “Thiên Chúa kêu gọi chúng ta vào dòng tu, lôi kéo chúng ta khỏi thế
gian, không phải để chúng ta chú trọng lo lắng những nhu cầu cho thể xác,
chính Chúa sẽ lo lắng những điều đó cho chúng ta qua bề trên. Con đường mà
linh hồn phải theo để tiến tới sự thánh thiện là hãm mình và cầu nguyện...”.
Thánh nhân hằng cầu nguyện xin Chúa cho tinh thần hy sinh và lòng mến Chúa:
“Lạy Chúa và Mẹ Maria, xin cho con được chịu đau khổ vì lòng yêu mến Chúa và
Mẹ. Xin cho con tinh thần tận hiến, sống hoàn toàn vì Chúa và Mẹ, và vì các
linh hồn, không còn giữ lại sự gì cho con nữa”.
Chính
tinh thần tận hiến này là bậc thang cuối cùng và cao nhất của đời sống thánhh
Rodiguez. Ngài đã sống và cũng đã chết trong tinh thần tận hiến ấy ngày
30.7.1617, trong khi miệng còn phều phào kêu tên cực thánh Chúa Giêsu và Đức
Mẹ. Thánh nhân khuất đi nhưng các nhân đức và những tác phẩm của ngài để lại
mỗi ngày một ảnh hưởng đến hậu thế. Biết bao linh hồn đã bước vào con đường
tận hiến theo gương mẫu và nhờ mấy tác phẩm tu đức của ngài. Cụ thể hơn là
năm 1633, vì mến đức chính trực và căn bản luật học của thánh nhân, các vị
thẩm phán nước Tây Ban Nha đã nhận thánh nhân làm quan thầy. Đức Giáo Hoàng
Lêô XII đã phong ngài lên bậc chân phước năm 1825 và năm 1888, Đức Lêô XIII
lại truy phong ngài lên bậc hiển thánh của Giáo hội.
|
Thứ Tư 31-10
Thánh Wolfgang ở Regensburg
(924-994)
T
|
hánh Wolfgang sinh ở Swabia , nước
Ðức, và theo học tại một trường gần tu viện Reichenau. Ở đó ngài gặp Henry, một
nhà quý tộc trẻ mà sau này là Ðức Tổng Giám Mục của Trier . Từ đó trở đi, Wolfgang tiếp tục liên
lạc với đức tổng giám mục, dạy giáo lý trong trường của giáo phận và hỗ trợ đức
tổng trong việc cải cách hàng giáo sĩ.
Khi đức tổng từ trần, Wolfgang quyết định trở thành một tu sĩ dòng
Biển Ðức và di chuyển đến một tu viện ở Einsiedeln, bây giờ thuộc Thụy Ðiển.
Ngài được bổ nhiệm làm giám đốc trường đệ tử của nhà dòng và sau khi thụ phong
linh mục, cùng với một số tu sĩ, ngài sang Hung Gia Lợi để truyền giáo cho
người Magyar, nhưng mới được một năm, Hoàng Ðế Otto II đã bổ nhiệm ngài làm
Giám Mục của Regensburg (gần Munich). Ngay lập tức ngài bắt đầu việc cải tổ
hàng giáo sĩ, hồi phục quy luật tu viện, cổ võ việc giáo dục, ngài hăng say rao
giảng và đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt ngài nổi tiếng về lòng bác ái
đối với người nghèo. Dù là giám mục, ngài vẫn mặc y phục của một tu sĩ dòng và
sống khắc khổ.
Khao khát của ngài là sống thầm lặng trong tu viện để chiêm niệm,
nhưng trách nhiệm của một giám mục đã không cho phép, ngoài ra ngài còn là thầy
dạy tư của Hoàng Ðế Henry II khi còn nhỏ. Vào năm 994, sau một cuộc hành trình
ngài bị lâm trọng bệnh và từ trần ở Puppingen, gần Linz , nước Áo. Lễ giỗ của ngài được cử mừng
một cách rộng rãi trong hầu hết các quốc gia trung Âu Châu. Ngài được phong
thánh năm 1052.
www.nguoitinhuu.com
Bài đọc 2
Chúng ta hãy theo đường chân lý
Trích thư thánh Cơ-lê-men-tê I, giáo
hoàng, gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Chúng ta hãy sống hoà thuận mà ăn ở khiêm
nhường, tiết chế, xa tránh mọi lời gièm pha nói xấu, tự minh chứng cho mình
bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Thật đúng như có lời chép
: Người nói nhiều thì đến lượt mình phải biết nghe, kẻ ba hoa tưởng mình
là công chính sao ?
Vậy chúng ta phải mau mắn làm việc lành,
vì mọi sự từ Thiên Chúa mà đến. Quả vậy, Người tiên báo : Đây là Chúa, và phần
thưởng của Người ở trước nhan Người để Người trả cho ai nấy tuỳ theo việc họ
làm. Vì thế Người khuyên chúng ta là những kẻ hết lòng tin tưởng nơi Người,
đừng có lười biếng, trễ nải không chịu làm mọi việc thiện. Chúng ta hãy tự hào
và tin tưởng nơi Người, hãy suy phục thánh ý Người, và để tâm suy xét xem toàn
thể các thiên thần ứng trực để thi hành ý muốn của Người như thế nào. Quả
vậy, Kinh Thánh nói :Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước
Thánh Nhan, đối đáp tung hô : Thánh ! Thánh ! Chí thánh ! Đức Chúa các đạo binh
là Đấng Thánh ! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa !
Vậy được lương tâm hướng dẫn, được mối
đồng tâm quy tụ nên một, chúng ta hãy kiên trì, rập tiếng tung hô để được chung
hưởng các lời hứa cao cả và vẻ vang của Người. Quả thế, Người nói : Những
điều mắt chưa từng thấy, tai chưa hề nghe thì Chúa đã chuẩn bị cho những kẻ đợi
trông Người.
Anh em thân mến, hồng ân Thiên Chúa thật
lạ lùng, làm cho con người xiết bao hạnh phúc ! Người ban sự sống bất tử, đức
công chính rạng ngời, quyền tự do truy tầm chân lý, niềm tin phó thác, ơn tiết
độ thánh thiện ; tất cả những hồng ân đó là để cho trí khôn chúng ta suy nghĩ.
Vậy đâu là những ơn chuẩn bị cho những kẻ đợi trông Người ? Đấng Hoá Công chí
thánh và là Cha muôn thuở, chỉ mình Người mới biết những hồng ân đó phong phú
và cao đẹp thế nào.
Vậy chúng ta hãy hết sức cố gắng để được
chung hưởng các hồng ân đã hứa, được vào số những kẻ đợi trông Người. Anh em
thân mến, điều dó sẽ xảy ra thế nào ? Thưa sẽ xảy ra, nếu nhờ đức tin vào Thiên
Chúa mà chúng ta hiểu biết Người cách vững chắc, nếu chúng ta chuyên cần tìm
kiếm những điều đep lòng Người và được Người chấp nhận, nếu chúng ta dẹp bỏ mọi
bất công để đi theo con đường chân lý mà thi hành những điều phù hợp với thánh
ý Người.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…
(trích
bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Tư Tuần 30TN-bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét