Trang

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

26-10-2012 : THỨ SÁU TUẦN XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Sáu sau Chúa Nhật 29 Quanh Năm
* * *

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 4, 1-6
"Chỉ có một thân thể, một Chúa, một đức tin và một phép rửa".
Trích thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái: hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa (x. c. 6).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 54-59
"Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu nhấn mạnh đến sự cần kíp phải làm hòa với anh em. Nghĩa là phải chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng gây hấn, oán hờn trước khi đến với quan tòa xét xử. Thiên Chúa là vị Thẩm Phán Tối Cao. Ngài đến thăm chúng ta từng giây phút. Ngài sẽ xét xử chúng ta về tình yêu thương đối với anh em. Thế nên đừng chần chừ kẻo dài cơn giận, như lời giáo huấn của thánh Phaolô: "Anh em đừng phạm tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Ðừng để ma quỉ thừa cơ lợi dụng. (Ep 4, 26-27).

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, trước cảnh thế giới đầy chiến tranh thù hận, các dân tộc kỳ thị nhau, các gia đình chia rẽ, con người càng xa nhau, càng mất đi cảm thức bén nhạy của lương tâm, để rồi người ta không cần biết Thiên Chúa cũng như không cần yêu thương anh em. Xin cho chúng con được Lời Chúa soi chiếu, biết sống theo tinh thần Chúa dạy, để Nước tình thương của Chúa được hiển trị. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Lạc Quan, Tin Tưởng
(Lc 12,54-59)
Suy Niệm:
Lạc Quan, Tin Tưởng
"Sinh ngày mùng 4 tháng 7", và "Bàn chân trái của tôi", đó là tựa đề của hai cuốn phim Mỹ hay nhất năm1990. "Sinh ngày mùng 4 tháng 7" kể truyện một thanh niên Mỹ bị động viên sang VN và trở thành kẻ tàn tật suốt đời. Bất mãn, hận đời, người thanh niên gia nhập phong trào phản chiến ở Mỹ. Còn cuốn phim "Bàn chân trái của tôi" cho thấy hình ảnh một con người phấn đấu với những bất hạnh của mình để đạt thành công. "Bàn chân trái của tôi" nêu bật bài học về lạc quan tin tưởng trong cuộc sống.
Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc con người. Ngay cả khi con người tưởng chừng như mất tất cả, thì đó chính là lúc Thiên Chúa ban ơn dồi dào hơn; từ những mất mát, Thiên Chúa biến thành khởi điểm của những điều kỳ diệu.
Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mặc lấy cái nhìn lạc quan và tin tưởng. Chúng ta dễ cảm tạ Thiên Chúa khi gặp may mắn, thịnh đạt, thành công; nhưng chúng ta lại dễ bị cám dỗ để không nhận ra sự hiện diện và tác động của Ngài trong những mất mát, thua thiệt. Nhìn vào điềm báo thời tiết, chúng ta biết được trời sắp mưa hay sắp nóng nực; cũng thế, nhìn vào những may mắn và cả những thất bại, chúng ta hãy nhận ra lời mời gọi tin tưởng và dâng lời cảm tạ Chúa. Mỗi gặp gỡ, mỗi biến cố đều là dấu chỉ thời gian, vừa bày tỏ sự hiện diện và tác động yêu thương của Chúa, vừa mời gọi chúng ta tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Chỉ với một bàn chân trái, một người tàn tật có thể vươn lên. Chúng ta hãy tự nhủ: những mất mát, khổ đau, thử thách là cơ may Thiên Chúa ban để giúp chúng ta vươn cao trong niềm tin. Chúng ta hãy nói lên niềm tin vào Ðấng luôn có mặt trong cuộc sống chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta, ngay cả khi chúng ta yếu hèn tội lỗi.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 29 TN2
Bài đọc: Eph 4:1-6; Lk 12:54-59.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Cần biết suy xét để biết sống.

Trăm người trăm ý, hơn nữa còn bao nhiêu tính khí khác nhau. Làm sao con người có thể san bằng khác biệt và sống chung với nhau? Thánh Phaolô trong Bài đọc I đưa ra 5 đức tính tối quan trọng để con người có thể chung sống với nhau, và 7 điểm tương đồng con người cần phát huy để bảo vệ sự hiệp nhất. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc suy xét: quan sát các hiện tượng xảy ra trong trời đất để rút ra những kinh nghiệm sống cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Làm thế nào để bảo vệ sự hiệp nhất?
Sau khi đã phân tích cho các tín hữu biết Mầu Nhiệm Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa, thánh Phaolô thành tâm nói với các tín hữu của ngài: “Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.” Để sống xứng đáng với ơn gọi, Thánh Phaolô liệt kê 5 nhân đức tối cần, theo kinh nghiệm của ngài, để duy trì sự hiệp nhất và những điểm tương đồng mọi người đều có để xóa tan những chia rẽ và ngăn cách.
1.1/ 5 nhân đức quan trọng trong cuộc sống để duy trì sự hiệp nhất mà Thánh Thần đem lại:

(1) Khiêm nhường (tapeinofrosuvnh): Đây là chữ không có trong tự điển của Hy-Lạp; vì đối với họ, tĩnh từ “khiêm nhường” đồng nghĩa với yếu kém, không đáng giá, hay không đáng quan tâm, và chỉ dành cho những người nô lệ thấp hèn. Các tác giả của Kitô hữu sáng chế danh từ này (Acts 20:19, Eph 4:2) bằng cách xử dụng tĩnh từ (tapeinov~) và cho thêm vào tiếp vĩ ngữ “frosuvnh,” đến từ động từ “fronevw= hãy coi như.” Đây là một trong những đức tính quan trọng nhất của Kitô hữu tối cần cho sự hiệp nhất; và gương khiêm nhường tuyệt hảo của Đức Kitô là gương sáng cho mọi người noi theo (Phil 2:6-11). Sự “coi mình không ra gì” hay “tự hủy mình ra không” làm con người trông cậy nơi Thiên Chúa và kính trọng tha nhân là con của Chúa.
(2) Hiền từ (prau
(3) Nhẫn nại (makroqumi,a): không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn và luôn trung thành cho tới khi đạt được kết quả mong muốn. Danh từ này được xử dụng đặc biệt cho sự kiên nhẫn giữa con người với con người, nhẫn nại để chinh phục người khác.
(4) Bác ái (avga,ph||): Danh từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ Kitô Giáo. Bác ái đến từ Thiên Chúa lan rộng đến con người và lan tràn đến mọi người. Khi có đức bác ái này, con người có thể yêu thương kẻ thù và hy sinh cuộc đời cho tha nhân.
(5) Bình an (eivrh,nh): có thể định nghĩa là liên hệ đúng đắn giữa con người với con người. Để có bình an đích thực, con người cần hiểu biết sự thật.
1.2/ Những điểm tương đồng của tất cả: Để mang lại sự hiệp nhất Kitô Giáo, các Đức Giáo Hòang của thế kỷ 20 đã nhấn mạnh đến những gì là “của chung” trong các phiên họp Đại Kết. Những điểm tương đồng cần được phát huy mạnh mẽ để xóa dần đi những điểm dị biệt. Thánh Phaolô liệt kê tài sản chung của các tín hữu:
(1) Chỉ có một thân thể: là Đức Kitô mà mọi người là những chi thể (I Cor 12:12);
(2) một Thánh Thần: họat động nơi Đức Kitô và trong mọi người (I Cor 12:13);
(3) một niềm hy vọng: là được sống đời đời với Thiên Chúa;
(4) Chỉ có một Chúa: là Đức Giêsu Kitô. Ngòai Ngài ra, không có Chúa nào khác;
(5) một niềm tin: vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa;
(6) một Phép Rửa: để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu;
(7) Chỉ có một Thiên Chúa: Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. Ngài làm mọi sự cho mọi người.

2/ Phúc Âm: Phải biết dùng trí khôn để tìm ra sự thật.
2.1/ Kiến thức về thời tiết: Cha ông chúng ta ngày xưa, tuy không có các dụng cụ dùng để tiên đóan thời tiết như chúng ta ngày nay, biết dùng kinh nghiệm để tiên đóan thời tiết; và lưu truyền cho con cháu bằng những câu thơ đơn giản, dễ hiểu, và dễ nhớ. Chẳng hạn: “Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi.” Ý nghĩa: Khi thấy mây đen kéo tới từ phía Đông của Việt Nam, nghĩa là từ Biển Nam Hải đi tới, là chắc chắn sẽ có mưa. Vì thế, phải chạy cho nhanh chóng kẻo bị ướt; nhưng khi thấy mây đen kéo tới từ phía Nam, thì sẽ không có mưa, cứ việc thong thả làm hay chơi.
Đức Giêsu cũng dùng kinh nghiệm như thế khi nói với đám đông rằng: "Khi các người thấy mây kéo lên ở phía Tây, các người nói ngay: "Mưa đến nơi rồi," và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió Nồm thổi, các người nói: "Trời sẽ oi bức," và xảy ra đúng như vậy. Ý nghĩa: Khi mây đen kéo tới từ phía Tây của Do-Thái, nghĩa là từ Biển Mediterranean đưa tới, là chắc chắn sẽ có mưa; khi gió Nồm (gió từ phía Nam) thổi tới là trời sẽ oi bức.
2.2/ Kiến thức về thời gian: Vào thời đại của Chúa Giêsu, mọi người đều trông đợi Đấng Thiên Sai tới để giải phóng dân tộc. Theo các Sách Tiên Tri, Thiên Chúa sẽ cho những dấu để dân nhận biết khi nào Đấng Thiên Sai tới; chẳng hạn, theo Sách Tiên tri Isaiah: “Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân” (Isa 61:1). Nhưng khi Chúa Giêsu nhắc cho họ biết, chính Ngài là Đấng tiên tri Isaiah đã loan báo (Lc 4:21), họ vẫn không tin vào Ngài. Đó là lý do tại sao hôm nay Chúa trách họ: “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?”
2.3/ Dùng kiến thức tâm lý để chuẩn bị cuộc sống tương lai: Để chuẩn bị đối diện với sự công bằng của Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét, Chúa trưng dẫn một ví dụ về kiện cáo mà con người vẫn thường làm: “Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.” Ý nghĩa: công bằng là phải trả cho người khác những gì thuộc về họ. Nếu đã đối xử bất công với người khác thì hãy đền trả họ càng sớm càng tốt; nếu không, sẽ phải đền trả nơi tòa án và sẽ phải chịu tù đày nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để sống hiệp nhất với nhau, chúng ta cần có 5 nhân đức: khiêm nhường, hiền lành, nhẫn nại, bác ái, và an bình; và phát huy những “điểm chung” để có thể cùng nhau tiến tới.
- Con người là con vật biết suy xét: biết dùng kinh nghiệm quá khứ để rút ra kinh nghiệm sống cho hiện tại; đồng thời, biết dùng những gì xảy ra trong hiện tại để mưu ích cho tương lai.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Sáu tuần 29 thường niên
Sứ điệp: Từng biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống là những dấu chỉ chứng tỏ Thiên Chúa vẫn đang làm chủ lịch sử và thực hiện việc cứu  độ nhân loại. Khi nhận ra những dấu hiệu ấy, chúng ta cần phải xác định lập trường sống một cách dứt khoát.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống của con được đan dệt với những vui buồn sướng khổ, may mắn và thất bại. Con nhận biết rằng Chúa đang can thiệp vào những biến cố ấy. Ngày nay không thiếu những dấu chỉ chứng tỏ Chúa vẫn đang hiện diện trong cuộc đời con.
Ngày xưa Chúa đã trách người Do thái vì họ không biết đọc những dấu chỉ thời đại. Họ sáng suốt đoán trước thời tiết qua những hiện tượng thiên nhiên, nhưng họ lại mù tối không nhận ra được những dấu chỉ mà Chúa đang ngỏ với họ qua các phép lạ và giáo lý của Chúa. Chúa mời gọi những ai theo Chúa hãy đọc và hiểu dấu chỉ ơn cứu độ của Chúa đang thực hiện giữa loài người.
Lạy Chúa, xin cho con được đôi mắt sáng của đức tin, để thấy được bàn tay yêu thương của Chúa đang dẫn dắt con trong từng biến cố. Con cũng cần Chúa cho đôi tai tỉnh thức, để sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa đang mời gọi con đáp lại tình Chúa thương yêu. Và giữa những thất bại khổ đau, xin cho con nghe được tiếng Chúa vẫn không ngừng kêu gọi sống vui tươi lạc quan và tin tưởng phó thác.
Xin cho con nhận ra những dấu chỉ của Chúa, luôn biết can đảm dứt khoát từ bỏ thói hư tật xấu, cương quyết sửa những lỗi lầm, để cuộc sống của con cũng trở thành một dấu chỉ sống động của Chúa cho những người khác. Amen.
Ghi nhớ :"Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"
26/10/12 THỨ SÁU TUẦN 29 TN
Lc 12,54-59 

NHẬN BIẾT DẤU CHỈ THỜI ĐẠI
“Cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” (Lc 12,56)
Suy niệm: Chúng ta lắm khi bỏ quên hiện tại chỉ vì mải tiếc nuối, mơ mộng về một quá khứ vàng son. Điều vẫn thường xảy ra nhiều hơn đó là chúng ta vẫn nhìn vào hiện tại nhưng lại không đọc ra dấu chỉ của nó để thấy được những bài học, chỉ dẫn cho tương lai. Lời Chúa hôm nay cũng nói lên tình trạng đó nhưng trong lĩnh vực tinh thần và siêu nhiên. Người ta biết quan sát trời trăng, nắng gió để đoán định thời tiết, biết khảo sát thị trường để hoạch định việc sản xuất làm ăn. Thế nhưng trước những “dấu chỉ của thời đại” thì người ta lại không đọc ra ý nghĩa của chúng; và nhất là không nhận ra được thánh ý Chúa nơi những dấu chỉ đó.
Mời Bạn: Dấu chỉ của thời đại ngày nay có nhiều. Có thể kể ra một số: a/ dấu chỉ tích cực: khao khát sự thật, hoạt động cho công bằng xã hội của lớp người trẻ…; b/ dấu chỉ tiêu cực: chiến tranh sắc tộc, thiên tai, giá trị đạo đức suy đồi, khuynh hướng tục hoá, hưởng thụ… Những dấu chỉ đó có thể khích lệ ta mà cũng là lời cảnh báo ta. Chúng ta không lạc quan “tếu” trước những dấu chỉ tích cực và cũng không quá bi quan vì những tín hiệu tiêu cực. Quan trọng là “biết nhận xét” đúng-sai, lợi-hại. Cần soi rọi chúng dưới ánh sáng Tin Mừng; việc đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày sẽ giúp chúng ta đạt được điều đó.
Sống Lời Chúa: Trong giờ suy niệm Lời Chúa, bạn nhìn lại một biến cố vừa xảy đến cho bạn và suy xét Chúa muốn nói gì với bạn qua biến cố này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.

Nhận xét thời đại này.
Mở mắt to để thấy, mở tai to để nghe, đó phải là thái độ của Kitô hữu, vì hôm nay Thiên Chúa vẫn nói, vẫn làm nơi Đức Kitô, Con của Ngài. 
Suy nim:
Tục ngữ ca dao nước ta không thiếu những câu nói về thời tiết.
Kinh nghiệm dân gian cho phép dự đoán những gì sắp xảy ra.
Có những dấu hiệu báo trước cơn mưa hay dông bão.
“Sấm đàng đông vừa trông vừa chạy, sấm đàng nam vừa làm vừa chơi.”
Người dân nước Paléttin cũng có những kinh nghiệm tương tự.
“Mây kéo lên ở phía tây” là mây đến từ biển Địa Trung Hải.
Khi thấy mây từ biển tiến vào, người ta đoán mưa đến nơi rồi (c. 54).
Khi thấy gió từ phương nam thổi đến,
luồng gió nóng từ vùng núi Ả-rập,
người ta biết ngay thời tiết sẽ hết sức oi bức (c. 55).
“Và xảy ra đúng như vậy”, Đức Giêsu nhắc lại câu này hai lần.
Ngài cho thấy dự đoán của dân chúng về thời tiết ít khi sai.
Họ khá bén nhạy trước những dấu hiệu thay đổi nhỏ của trời đất.
Tiếc là dân chúng thời Đức Giêsu lại không đủ bén nhạy
để có thể nhận biết được ý nghĩa của những dấu chỉ
đang diễn ra trước mắt họ.
Đức Giêsu ngạc nhiên vì những người cùng thời với Ngài
không thấy được cái độc nhất vô nhị của thời đại họ đang sống.
Họ không cảm thấy hạnh phúc khi được Thiên Chúa đến viếng thăm.
Chính vì thế ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể bị quên lãng.
“Hỡi những kẻ đạo đức giả!” Đức Giêsu đã gọi họ như thế (c. 56).
Tại sao các anh nhạy bén trước điều này, mà lại thờ ơ trước điều kia?
Thiếu bén nhạy về mặt tôn giáo cũng là cơn bệnh của con người thời nay.
Thiên Chúa vẫn nói với con người hôm nay qua các dấu chỉ.
Vấn đề là làm sao đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ đó.
Thiên Chúa không hiện ra để dạy con người biết tôn trọng trái đất.
Nhưng những hậu quả mà con người phải chịu là lời nhắc nhở của Ngài.
Khi trái đất ấm dần lên, khi băng tan ra và mực nước biển dâng cao,
một số phần đất của quê hương ta sẽ bị chìm dưới nước.
Khi người dân chặt phá rừng, thì lụt lội và hạn hán là chuyện dĩ nhiên.
Cơn bệnh của thế kỷ cũng có thể là một lời nhắc nhở.
Thiên Chúa mời gọi vợ chồng sống chung thủy trong hôn nhân,
và mời các bạn trẻ sống trong sạch trước khi lập hôn ước.
Ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng là một dấu chỉ.
Con người được mời gọi tìm ra những cơ cấu kinh tế vững vàng hơn,
để không bị một số ít nhà tư bản hay nước tư bản thao túng.
Mở mắt to để thấy, mở tai to để nghe, đó phải là thái độ của Kitô hữu,
vì hôm nay Thiên Chúa vẫn nói, vẫn làm nơi Đức Kitô, Con của Ngài.
Ngài vẫn nói với chúng ta qua hơn 90% người Việt Nam chưa biết Chúa.
Ngài vẫn nói với ta khi có những bạn trẻ Kitô hữu nghiện ngập, hư hỏng.
Ngài vẫn mời chúng ta làm một điều gì đó cho bao người nghèo khó,
cho trẻ em thất học, cho những phụ nữ lỡ làng, cho những người neo đơn.
Chỉ xin cho ta cảm được chút gió nhẹ của Chúa trong đời ta.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.

Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.

Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.

Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.

Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.

Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.

Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"

ấu Chỉ Của Thời Ðại
Chúng ta rất quen với những thời tiết trong một năm và quen như vậy thì chúng ta mới biết tính toán trong công việc làm ăn, canh tác. Thiên Chúa, Cha chúng ta, Người là Ðấng vô hình và Người tạo dựng nên chúng ta hữu hình. Vì thế, Người nói chuyện với chúng ta về tình yêu của Người bằng dấu chỉ. Mục đích Người muốn cho chúng ta nhận ra được ý muốn của Người và phục vụ ý muốn đó với tất cả tấm lòng của người con hiếu thảo. Chỉ tiếc một điều là chúng ta quen thuộc với những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa để rồi thành công trong công việc làm ăn và nuôi sống cho thân xác, nhưng lại không muốn quan tâm đến những dấu chỉ tình yêu vô cùng cần thiết cho đời sống chúng ta. Chúng ta có vẻ lo lắng cho của cải vật chất của mình mà quên rằng chúng ta còn cuộc sống làm con cái của Thiên Chúa, con cái của Ðấng Tạo Hóa. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta biết nhận ra dấu chỉ ngôn sứ để có thể có được một đời sống đời đời. Những dấu chỉ ấy, Thiên Chúa Cha đặt để khắp mọi nơi, mọi chốn trong cuộc sống mỗi người qua giáo huấn của Kinh Thánh, qua giáo huấn của Giáo Hội, qua những cơ cấu tổ chức của xã hội, những khoản lề luật để đảm bảo trật tự trong cộng đồng, những biến cố lớn nhỏ trong lịch sử của một đời người, một dân tộc và toàn thế giới. Vấn đề là chúng ta biết nhìn ngắm, biết nhận ra và biết vâng phục yêu mến Thiên Chúa khi Người cho chúng ta những dấu chỉ và những dấu chứng ấy.
Dấu chỉ, dấu chứng lớn nhất là chúng ta có một Thiên Chúa là Cha. Người đã làm được tất cả những gì làm được cho chúng ta, kể cả việc trao ban cho chúng ta Người Con yêu dấu duy nhất của Người, để chúng ta được hòa giải với Người và hòa giải với nhau trong tình anh chị em. Vì thế, chúng ta phải xử với nhau như anh chị em. Hơn nữa đối với Chúa Giêsu, trần gian này chẳng qua là nơi Thiên Chúa giáo huấn cho chúng ta, làm cho chúng ta nên cao cả qua những việc mình làm mỗi ngày để mang lại hạnh phúc cho nhau. Một mai đây khi đến thời đến buổi chúng ta cũng sẽ cùng nhau về với Cha. Sống ở đời này với ưu tiên một là Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể mong được về hưởng hạnh phúc với Người.
Lạy Cha yêu thương,
Cha thật là tuyệt vời khi nói với chúng con về tình yêu bằng dấu chỉ và bằng ngôn ngữ. Cha muốn cho chúng con đọc được những dấu chỉ ấy, những hình thức ngôn ngữ ấy để chúng con cảm nghiệm được tình Cha, sống tình Cha và chia sẻ tình Cha với anh chị em chúng con, khi chúng con cùng nhau hành trình về nhà Cha. Thật ra thì dấu chỉ Cha dùng, ngôn ngữ Cha sử dụng rất rõ ràng, hiển nhiên và dễ hiểu, có chăng là tại chúng con cố tình làm như không hiểu. Dưới sự nhắc nhở của Chúa Giêsu, chúng con cố đào sâu hơn nữa những dấu chỉ và chúng con cũng biết tôn thờ Cha bằng những dấu chỉ nghiêm túc của phụng vụ, của các hoạt động tông đồ giáo dân, để dẫn đưa tất cả anh chị em chúng con về với Cha.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thứ Điếc Bất Trị
Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét? (Lc. 12, 56-57)
Một trong những ơn Chúa Thánh Thần cần thiết nhất cho con người suy xét và biết rõ, phân biệt rõ, bản dịch xưa kia gọi là ơn suy biết, nay gọi là ơn minh luận. Đối với việc đời, người ta tự khoe mình có cảm thức rất rõ, giúp người ta phán đoán mọi tình cảnh, lượng định đánh giá để hành động thích hợp, như Đức Giêsu đã nói với đám đông: “Các ngươi biết nhận xét bộ mặt trời đất”.
Thế mà “thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét”. Thời đại nước trời đã đến, được Gio-an loan báo và được Chúa tuyên bố với những dấu chỉ toàn năng của Thiên Chúa?
Thứ điếc nhất là không muốn nghe
Khi Người nói phải biết phân biệt lấy điều phải để theo, người ta lại không muốn nghe, họ không muốn nhận xét tự mình, vì lương tâm họ có thể sẽ chỉ cho họ phải theo con đường mà họ không thích. Ăn năn trở lại là nói đến thay đổi hướng đi, từ bỏ những thói quen xấu đã gắn bó với mình, nhận ra tội lỗi mình, chấp nhận mình đã bất trung, họ cự tuyệt với hành động hạ mình xuống, quả quyết từ chối nghe tiếng lương tâm của họ. Họ hoàn toàn điếc không sợ súng.
Mỗi thế hệ ở một thời điểm nhất định và tương lai tùy thuộc vào phán đoán của mình về thời đại đang sống. Ngày nay Thiên Chúa vẫn hoạt động trong đời sống chúng ta, Ngài nói với chúng ta qua những biến cố, qua những người mà chúng ta gặp. Hãy lắng nghe lời Ngài, Ngài khẩn thiết gọi ta trở về với tình yêu của Ngài. Rất nhiều khi chúng ta quay lỗ tai điếc ra nghe. Chúng ta từ chối bồi đắp cho cuộc đời mình. Chúng ta sống quá thoải mái bởi những tiện nghi.
Cố chấp hay ngu đần
Thủ tục tố tụng của đế quốc La-mã xưa rất khắc nghiệt. Một khi khởi tố phải theo những thủ tục rất bất nhân. Cho nên Đức Kitô nhắc nhở và khuyên cố gắng giải quyết với đối phương trước khi phải ra tòa án xét xử. Ngày phán xét cũng sẽ không khoan nhượng và rất khắc nghiệt. Chúng ta hãy lo ăn năn trở lại trước đi, kẻo quá trễ. Người ta lầm tưởng rằng Thiên Chúa rất tốt lành, Ngài không thể để ai bị kết án và Ngài sẽ bãi bỏ công lý. Sự cố chấp, ngoan cố làm chúng ta không muốn nghe lời Chúa, chẳng những là thứ ngu đần mà còn là một trọng tội đẩy ta đến chỗ chết đời đời.
RC.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
26 THÁNG MƯỜI
Kiểu Mẫu Và Nguồn Mạch Tối Thượng
Của Hiệp Nhất
Mối hiệp nhất liên kết các Kitô hữu vào một thân thể, đó là mối hiệp nhất bắt nguồn từ Thiên Chúa. Mẫu thức tối thượng của sự hiệp nhất này là Thiên Chúa Ba Ngôi, là sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị Thần Linh – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chính vì thế Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong bữa Tiệc Ly: " Cũng như, lạy Cha, Cha ở trong con, và con ở trong Cha, con cầu xin để họ nên một trong chúng ta" (Ga 17, 21).
Tất cả những người nhờ cùng một đức tin và cùng một Phép Rửa, đã trở nên con cái Thiên Chúa, đều được mời gọi đi vào trong mối hiệp nhất này. Thánh Phaolô nói: "Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô" (Gl 3,26). Vì thế nhờ đức tin, chúng ta là con cái Thiên Chúa trong Đấng là Con Một của Thiên Chúa Cha. Chúng ta phải hiệp nhất trong nguồn hiệp nhất tối thượng này: mối hiệp nhất thần linh giữa Chúa Con với Chúa Cha. Rồi, Chúa Cha và Chúa Con đã tuôn tràn Thánh Thần xuống trên Giáo Hội.
Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn tất cả những người đã chịu Phép Rửa, thúc đẩy họ tin tưởng cầu xin và thưa lên: "Abba, Cha ơi!". Như Công Đồng Vatican II đã dạy: "Chúa Thánh Thần – Đấng cư ngụ trong lòng các tín hữu và cai quản toàn thể Giáo Hội – tạo ra sự hiệp thông kỳ diệu của các tín hữu và hiệp nhất tất cả trong Đức Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài chính là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội. Ngài phân phát vô số các ân sủng và các sứ vụ khác nhau (1Cr 12, 4-11) và làm cho Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nên phong phú bằng nhiều ân huệ, ‘nhờ đó các thánh được chuẩn bị làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Chúa Kitô’ (Eph 4, 12).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 26-10
Ep 4, 1-6; Lc 12, 54-59.
LỜI SUY NIỆM: “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét.” (Lc 12,56)
          Trong thời của Chúa Giêsu khi Ngài ở giữa những Do-thái, Chúa dủng đủ mọi cách: bằng lời nói, bằng những phép lạ, bằng những dụ ngôn thật gần giủ với họ, đưa ra những hình ảnh hết sức cụ thể và đang hiện diện trong cuộc sống của họ, Để nói cho con người biết về Thiên Chúa: Một Vị Thiên Chúa độc nhất và quyền năng. Một Vị Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương và đầy tha thứ, Một Vị yêu thương chờ đợi con người biết sám hối ăn năn, Một Vị Thiên Chúa đi tìm những con chiên lạc. Một Vị Thiên Chúa vui mừng khi có người ăn năn trở lại với Ngài. Chúa Giêsu còn nói cho biết về Nước Trời, nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa và những người được Thiên Chúa chúc phúc. Chúa Giêsu chỉ rõ con đường để được vào Nước Trời. Thế mà họ không quan tâm, không biết nhận xét. Đứng trước những dấu chỉ của thời đại hôm nay. Chúa Giêsu đang mời gọi mỗi Ki-tô hữu phải biết quan tâm và nhận xét để sống và cọng tác với Ngài, để cứu rỗi các linh hồn.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
26 Tháng Mười
Xin Cho Con Ðược Thay Ðổi Chính Con

Một triết gia Ấn Ðộ đã nhìn lại quãng đời đi của mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Ðế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.
Ðến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Ðế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất cả những người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.
Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được thay đổi chính con.
Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.
Người xưa đã có lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ... Theo trật tự của cuộc cạch mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết.
Một nhà cách mạng nào đó đã nói: chỉ cần 10 người như thánh Phanxicô thành Assisi thì cuộc diện thế giới sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị thánh nào cũng khởi sự đó là cách mạng bản thân.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Ai trong chúng ta cũng biết câu châm ngôn: Thà thắp lên một ngọn đèn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Nếu mỗi người, ai cũng đốt lên ngọn đèn của mình, nếu mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn của mình, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ... Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho người khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, có khi vô danh của chúng ta. Một giọt nước nhỏ là điều không đáng kể trong đại dương, nhưng nếu không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại dương kia cũng sẽ chỉ là sa mạc khô cằn.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 26


Trước mặt Thiên Chúa, trong những mối quan hệ thân tình nhất với Người, phải chăng một trái tim lắng nghe lại không phải là phần tốt nhất sẽ không bị lấy đi, như Chúa nói sao? "Cô Maria,ngồi bên chân Chúa, nghe Lời Người dạy." (Lc 10,39)
 
Câu mà ông già Êli dạy cậu bé Samuen: "Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe" (l Sm 3,9), diễn tả một thái độ cơ bản của tâm hn, hiểu trong đức tin rằng Thiên Chúa mun trao đổi trực tiếp với mình. Vì vậy, tâm hn lắng nghe tất cả những tiếng gọi của Thiên Chúa, tất cả những làn gió của Thần Khí. “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa" (Lc 11,28). Nhưng chỉ khi có sự thinh lặng sâu thẳm bao trùm mọi sự, thì Lời Chúa mới bày tỏ trong chúng ta. Lạy Chúa, xin cho con một tâm hn biết lắng nghe, vì Chúa là Lời duy nhất, không nhân lên bằng lời nói
 
Một trái tim biết lắng nghe, không chỉ có giá trị trong phạm vi đời sng sâu xa của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng còn trong những lãnh vực khác và, trước hết, trong các mối liên hệ với con người. Một trái tim biết lắng nghe, phải chăng đó là điều mà mọi anh em chờ đợi nơi chúng ta?
 
Nữ tu Jeanne d'Arc,o.p.
Hạnh Các Thánh

Ngày 26 tháng 10
THÁNH EVARISTÔ GIÁO HOÀNG 
HAI THÁNH LUCIANÔ VÀ MARCIANÔ TỬ ĐẠO
St.Evaristus,Pope


Thánh Evaristô gốc người Do thái, cha ngài là ông Giuđa, sinh quán tại Bêlem. Đến sau vì kế sinh nhai, ông phải di cư đến tỉnh Antiôkia thuộc Hy lạp. Tại đây, ông sinh hạ được ba người con trai, trong số đó Evaristô là con thứ hai.
Từ nhỏ Evaristô chuyên học Hy ngữ và La ngữ. Ngài học rất giỏi nên thường được coi là học sinh danh dự của trường. Lớn lên thánh nhân cùng với gia đình lại di cư sang Rôma làm ăn. Tại đây, ngài trở lại đạo và chuyên học Thánh kinh. Theo thánh Irênê và ông Êusêbiô thì thánh Evaristô là Giáo Hoàng kế vị thánh Clêmentê. Ngài trị vì Giáo hội được chín năm và mười tháng, dưới thời các hoàng đế Đômixianô, Nêva và Trazanô.
Thánh nhân qua đời quãng năm 100. Thi hài ngài được mai táng gần mộ thánh Phêrô đúng ngày 26 tháng 10.

THÁNH LUCIANÔ VÀ THÁNH MARCIANÔ
Hôm nay Giáo hội cũng mừng kính hai thánh tử đạo Lucianô và Marcianô. Theo tục truyền, các ngài là những pháp sư thời danh. Nhờ những phép ma quái, các ngài đã mê hoặc nhiều con tim và có lẽ đã phá hoại tuổi xuân của nhiều thiếu nữ nhẹ dạ. Nhưng một trường hợp thất bại đã mở mắt cho các ngài tìm về chân lý.
Số là ngày kia, nhân đi qua một nữ tu viện, cả hai thầy pháp sư nọ đều ngất ngây trước vẻ đẹp thùy mị và thông minh của một chị nữ tu. Sóng si tình nổi lên, hai người nhất định tìm cách thôi miên cho kỳ được chị nữ tu ấy. Nhưng qua bao ngày tháng và dù dở hết mọi ngón trong nghề, hai người vẫn không sao làm cho chị xiêu lòng. Thất vọng và tức tối, hai người dở sách nghề ra tìm một quỷ kế sau cùng. Vừa mở sách ra, hai người đều sửng sốt đọc thấy những hàng chữ vàng lóng lánh: “Chị đã khấn trọn đời thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn che chở chị; khốn cho kẻ giơ chân đạp mũi nhọn”. Cả hai đều sợ hại vì biết đó là lời cảnh cáo của Thiên Chúa người công giáo thờ, nên họ đồng ý đốt hết sách và tiêu hủy đồ nghề, rồi tìm đến một linh mục xin chịu đạo. Sau khi được lĩnh bí tích rửa tội, cả hai đều rút lui vào sa mạc đồng thời tu hành và đền tội. Mấy tháng sau, các ngài trở về quê quán mạnh bạo truyền giảng Phúc âm. Vì biết rõ các ngài trước kia là những pháp sư vẫn thường tác oai tác quái, nay lại tòng giáo, nên nhiều người đã đem việc này tố giác với quan lãnh sự Sabianô kết quả là Lucianô và Marcianô bị bắt và phải giải nộp tòa.
Sau đây là bản văn tường thuật phiên tòa quan lãnh sự xử hai thánh tử đạo. Bản văn đầu tiên viết bằng tiếng Hy lạp, sau được dịch sang La ngữ và tiếng Siria rồi bằng nhiều sinh ngữ khác.
Quan lãnh sự Babianô hỏi thánh Lucianô:
- Tên anh là gì?
- Thưa tôi tên là Lucianô.
- Anh làm nghề gì?
- Trước kia tôi làm nghề phù thuỷ, nhưng bây giờ tôi lo đi giảng đạo Chúa Kitô mà tôi đã tin nhận.
- Anh rao giảng để làm gì?
- Tôi rao giảng để giác ngộ anh em đồng loại của tôi khỏi sự mê tín và lầm lạc, để trở về đàng ngay lẽ thật.
Sau đó quan lãnh sự kéo ghế gần về chỗ thánh Marxianô và tiếp tục tra vấn:
- Còn anh tên gì?
- Thưa tôi là người tự do và là kẻ tôn thờ Thiên Chúa.
- Ai dụ dỗ anh bỏ thần minh chân thật đã từng độ phù nhân dân mà mê theo một ông thần phải chịu tử hình trên thập giá ấy. Ông ấy đã không cứu nổi mình còn cứu anh làm sao được?
- Chính Đấng đã chịu tử hình ấy đã sống lại, đã biến cải Phaolô từ con người bách hại Giáo hội cách cuồng nhiệt, thành chiến sĩ số một trong việc rao truyền ơn cứu độ.
Rồi quan lãnh sự ân cần nhủ bảo cả hai:
- Các anh còn trẻ lắm, các anh hãy suy nghĩ, bỏ thờ ông Giêsu mà trở về dâng hương tế thần của đất nước. Chỉ có thế tôi mới có thể bảo đảm sinh mạng cho các anh được.
Thánh Lucianô đáp: “tôi không hiểu ý quan muốn gì? Phần chúng tôi, chúng tôi nguyện trọn đời ca tụng Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát chúng tôi khỏi bóng tối sự chết và đưa chúng tôi về nước vinh hiển đời đời.
Quan lãnh sự lại khuyên dụ: “Các anh còn nhiều giờ để suy nghĩ, các anh hãy tự cứu lấy. Tôi không muốn xử tệ với các anh”.
Marcianô thưa: “Xin quan lớn cứ xử với chúng tôi theo như bổn phận bắt buộc. Quan khuyên chúng tôi quý chuộng sự sống. Chúng tôi đội ơn quan. Nhưng đối với người công giáo chúng tôi thì sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa mới thực sự đáng quý, và chúng tôi muốn chết vì đức tin, tức là muốn đổi sự sống hiện tại lấy sự sống đời đời ấy”.
Giọng nói của quan lãnh sự lúc này có vẻ gay gắt hơn: “Người ta nộp các anh cho tôi, nhưng chính óc ngoan cố và ngu xuẩn của các anh lại kết án các anh. Các anh nên nghĩ đến danh dự của mình và của gia đình”.
Thánh Lucianô ôn tồn nói: “Xin quan hiểu cho chúng tôi rằng: là người công giáo chân chính, chúng tôi ai nấy đều muốn tìm lẽ sống, hy vọng và tin tưởng ở lời hứa sau đây của Thiên Chúa: “Ai trung thành giao chiến với Satan, người ấy sẽ được sống đời đời sau này”.
Biết là không thể đổi lòng những con người này, quan lãnh sự Sabianô liền yên lặng cầm bút viết bản án. Viết xong, ông đứng lên tuyên bố: “Các anh biết ta vẫn xử tử tế với các anh, ta vẫn mong muốn các anh vâng luật nhà nước để trở về sống tự do và hạnh phúc. Nhưng các anh đã cố tình không nghe ta, không muốn tuân luật hoàng đế. Vì thế buộc ta phải lập án như sau: “Lucianô và Marcianô vì đã chối bỏ thánh luật nhà nước, mà mê theo ngu luật của người công giáo, và vì cứng lòng không nghe theo lời khuyên nhủ của nhà hữu trách, nên tôi, quan lãnh sự Sabianô, người đại diện chính thức của hoàng đế, buộc lòng tuyên án cả hai bị thiêu sinh”.
Án lệnh lập tức được thi hành. Ra tới chỗ hành quyết, các thánh vui vẻ cầm tay nhau, quỳ xuống cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin nhận lấy những lời ca tụng và cảm tạ bất xứng của chúng con, Chúa đã cứu chúng con khỏi sự lầm lạc của tà giáo và đã dẫn chúng con đến cuộc hành quyết vinh hiển và hồng phúc này. Chúng con ước ao chết trong đống lửa để danh Chúa được cả sáng và cho linh hồn chúng con được thanh luyện hầu xứng đáng gia nhập hàng ngũ các thánh của Chúa trên trời. Chúng con chúc tụng Chúa, xin Chúa hãy nhận lấy linh hồn và thân xác chúng con”.
Khi các ngài cầu nguyện xong thì lý hình đến trói hai người lại với nhau, đặt nằm trên đống củi rồi nổi lửa. Thế là phút chốc lịch sử Giáo hội lại ghi thêm hai chiến sĩ anh hùng, các thánh tử đạo được thêm hai người bạn và Thiên Chúa thêm hai người con trung tín.
Cuộc chiến đấu của Lucianô và Marcianô tới đây là hoàn tất và các ngài đã đáng dự phần vào vinh phúc với Chúa Giêsu Kitô vì đã chiến đấu cho danh Người.
Kính nguyện hai thánh Lucianô và Marcianô giúp chúng con biết noi gương các ngài mau mắn từ bỏ con đường lầm lạc để trở về chính lộ và trung thành phụng sự Chúa cho đến cùng, mặc dầu bị bách hại và nguy hiểm.
Thứ Sáu 26-10

Chân Phước Contardo Ferrini

(1859-1902)

C
ontardo Ferrini là con của một thầy giáo mà sau này chính ngài cũng trở nên một người có kiến thức, hiểu biết nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngày nay, ngài là quan thầy của các đại học.
Sinh ở Milan, ngài có bằng tiến sĩ luật ở Ý và được học bổng để du học ở Bá Linh về luật Rôma-Byzantine. Là một chuyên gia nổi tiếng về luật, ngài dạy ở vài trường cao đẳng trước khi dạy ở Ðại Học Pavia, là nơi ngài được coi là một người có thẩm quyền hiểu biết về luật Rôma.
Contardo cũng học biết về đức tin mà ngài đã sống và quý trọng. Ngài nói, "Ðời sống chúng ta phải vươn đến Ðấng Vô Biên, và từ nguồn cội đó chúng ta mới có thể rút ra được bất cứ những gì được coi là công trạng và phẩm giá." Là một học giả, ngài nghiên cứu cổ ngữ trong Phúc Âm và Sách Thánh. Những bài giảng và văn từ của ngài cho thấy sự hiểu biết của ngài về đức tin và khoa học. Ngài tham dự Thánh Lễ hàng ngày và trở nên một người dòng Ba Phanxicô, trung thành tuân giữ quy luật. Ngài cũng phục vụ trong tổ chức Bác Ái Vincent de Paul.
Ngài từ trần năm 1902 lúc 43 tuổi với nhiều lá thư của các giáo sư đồng viện đã ca tụng ngài như một vị thánh; người dân Suma là nơi ngài sinh sống cũng cả quyết rằng ngài phải được tuyên xưng là một vị thánh. 
Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã phong chân phước cho ngài năm 1947.


Bài đọc 2 
Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta 
Trích thư của thánh Âu-tinh, giám mục, gửi cho Pơ-rô-ba.

Bất cứ ai xin Thiên Chúa một điều duy nhất, và kiếm tìm điều ấy, thì hẳn người đó xin với tất cả lòng xác tín vững vàng, cũng chẳng sợ bị thiệt thòi khi lãnh nhận. Nếu không có điều này, thì bất cứ điều gì khác người ấy có nhận được cũng chẳng đem lại ích lợi gì chính đáng. Điều duy nhất đó là cuộc sống chân thật và hạnh phúc. Trong cuộc sống này, chúng ta được vui sướng chiêm ngưỡng Thiên Chúa đến muôn đời, sau khi trở thành bất tử và bất hoại cả về thể xác lẫn tinh thần. Chỉ vì cuộc sống đó mà chúng ta tìm kiếm những điều khác và cầu xin một cách xứng hợp. Ai có đời sống đó thì có mọi sự mình muốn, vì trong đời sống này, người ấy không thể muốn hay có điều gì không xứng hợp.
Quả thật, ở đó mới có nguồn mạch sự sống mà bây giờ chúng ta phải khao khát trong khi cầu nguyện, bao lâu chúng ta còn sống trong hy vọng và chưa nhìn thấy điều chúng ta hy vọng. Dưới cánh của Người, chúng ta được che chở ; mọi ước vọng của chúng ta đều ở trước Thánh Nhan, để chúng ta được no say vui hưởng sự phong phú của nhà Người, và nơi suối hoan lạc của Người, chúng ta đượcuống thoả thuê. Vì nơi Người có nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Người, chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng. Khi niềm khát vọng hạnh phúc của chúng ta được thoả mãn, và khi chúng ta không còn gì phải than van kiếm tìm nữa, mà chỉ có điều chúng ta đang hoan hỉ nắm chắc trong tay. Quả vậy, điều gì chúng ta không thể suy tưởng được theo bản chất của nó thì hẳn chúng ta không biết. Nhưng điều gì trí khôn suy tưởng được thì chúng ta gạt bỏ, loại trừ, phủ nhận ; chúng ta biết rằng đó không phải là điều chúng ta tìm kiếm, dù chưa biết bản chất nó thế nào. 
Vậy, như tôi nói, nơi chúng ta có một thứ ngu dốt mà thông thái nào đó, nhưng thông thái nhờ Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng trợ giúp chúng ta là những kẻ yếu hèn. Thật thế, thánh Phao-lô Tông Đồ nói : Nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ ; người còn thêm : Cũng vậy, Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn ; chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải ; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp bằng những tiếng rên siết khôn tả. Đấng thấu suốt tâm can biết Thần Khí muốn nói gì ; vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa. 
Chúng ta không được hiểu điều ấy theo nghĩa Thánh Thần của Thiên Chúa cầu thay nguyện giúp cho các tín hữu như một ai đó không phải là Thiên Chúa ; trái lại, trong Chúa Ba Ngôi, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Thánh Thần là Thiên Chúa bất biến, Thiên Chúa duy nhất. Quả thật, Người cầu thay nguyện giúp cho các thánh bởi vì Người làm cho các thánh cầu thay nguyện giúp như có lời chép : Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thử thách anh em, để biết anh em có yêu mến Người không, nghĩa là để anh em biết điều đó. 
Vậy, Người làm cho các thánh cầu thay nguyện giúp bằng những tiếng rên siết khôn tả, khi khơi dậy nơi các ngài niềm khát vọng thực tại lớn lao chưa được biết đến, mà hiện nay chúng ta đang bền chí đợi chờ. Quả vậy, diễn tả thế nào khi ao ước điều mình không biết ? Nếu hoàn toàn không biết thì cũng chẳng ước ao ; và ngược lại, nếu thấy rồi thì chẳng còn ước ao và than van tìm kiếm nữa.

 Lời nguyện 
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Sáu Tuần XXIX TN-bản dịch của nhóm CGKPV)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét