Thứ Năm sau Chúa Nhật 29 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Ep 3, 14-21
"Anh em đâm rễ sâu và
lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn
của Thiên Chúa".
Trích thư Thánh Phalô Tông đồ
gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi quỳ gối
trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là nguồn gốc mọi danh phận
làm cha trên trời dưới đất. Xin Người chiếu theo sự giàu có vinh quang của
Người và nhờ Thánh Thần của Người, thêm sức mạnh cho anh em được nên người
thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm
cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp
cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng
mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong
mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.
Nguyện cho Ðấng toàn năng ban
cho chúng ta mọi sự, dư đầy quá sự chúng ta cầu xin hay hoài bão, theo như
quyền lực Người thi thố trong chúng ta: nguyện cho Người được vinh quang trong
Hội Thánh và trong Ðức Giêsu Kitô, qua mọi thế hệ muôn đời. Amen.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 1-2. 4-5.
11-12. 18-19
Ðáp: Ðịa cầu đầy ân sủng Chúa (c. 5b).
Xướng: 1) Người hiền đức, hãy
hân hoan trong Chúa. Ca ngợi là việc của những kẻ lòng ngay. Hãy ngợi khen Chúa
với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. - Ðáp.
2) Vì lời Chúa là lời chân
chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính
trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.
3) Ý định của Chúa tồn tại
muôn đời, tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia
mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. - Ðáp.
4) Kìa Chúa để mắt coi những
kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ
khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc
tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên
các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 49-53
"Thầy không đến để
đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn
biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải
biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống
thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ.
Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và
hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ
chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và
nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu nói: "Thầy đến
để gây chia rẽ". Một câu nói xem ra nghịch lý, khó chấp nhận. Nhưng nếu
phân tích sâu xa thì câu nói đó lại là một chân lý tuyệt vời. Hòa bình đích
thực chỉ có sau khi đã quyết liệt chiến đấu để chọn lựa. Hòa bình chỉ có khi đã
phân rẽ sự ác khỏi điều thiện, bóng tối ra khỏi ánh sáng... Nhờ ngọn lửa thanh
tẩy hơn nhờ được loại bỏ để chỉ còn lại sự tinh tuyền trọn hảo.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, để được sự bình an
của Chúa trong cuộc sống, chúng con phải chấp nhận từ bỏ tội lỗi, từ bỏ hận
thù, ghen ghét, ích kỷ... Xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng con để chúng con can
đảm, dứt khoát chọn lựa cho mình tình yêu chân chính và sự bình an vĩnh cửu của
Chúa. Amen.
(Lời Chúa
trong giờ kinh gia đình)
Ðường Ðến Vinh Quang
(Lc 12,49-53)
Suy Niệm:
Ðường Ðến Vinh Quang
Bình an chỉ có thể đạt được
bằng giá của chiến đấu liên lỉ chống lại tư lợi và khuynh hướng xấu trong con
người. "Nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh". Nếu muốn có
bình an trong tâm hồn, hãy chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của
ác thần luôn bủa vây lôi kéo chúng ta đến tội lỗi.
Vai trò của các vua chúa
trong Cựu Ước là võ trang và chuẩn bị chiến tranh. Chúa Kitô cũng được gọi là
Vua, vai trò của Ngài chính là võ trang và chuẩn bị chiến đấu, nhưng khí giới
Ngài trang bị cho mình là cái chết trên Thập giá. Chính khi bị treo trên Thập
giá, Ngài đã được tôn phong là Vua Do thái. Chúa Giêsu cũng là Vua, vì Ngài đã
đánh bại Satan, tội lỗi. Con đường vương giả Ngài đã vạch ra cũng chính là con
đường Thập giá. Chúng ta không thể làm môn đệ Ngài, không thể đi theo Ngài,
không thể tham dự cuộc chiến của Ngài, mà lại khước từ Thập giá.
Thật ra, thập giá chỉ là một
phát minh độc ác của con người để hủy hoại nhau; mãi mãi thập giá vẫn là biểu
tượng sự độc ác của con người. Nếu Chúa Giêsu đã ôm trọn Thập giá, thì không
phải vì Ngài yêu sự độc ác, tự đày đọa mình, nhưng chính là để thể hiện tình
yêu tột độ của Thiên Chúa. Dù con người có độc ác, xấu xa đến đâu, Thiên Chúa
vẫn yêu thương, tha thứ cho họ. Chiến thắng của Chúa Kitô chính là chiến thắng
của tình yêu trên hận thù, của ân sủng trên tội lỗi, của niềm tin trên thất
vọng.
Chúng ta tiếp tục đi theo con
đường của Chúa Kitô; chúng ta tiếp tục đau khổ vì tin rằng bên kia những thất
bại, khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng
ta đón nhận mọi bách hại, thù ghét, thua thiệt, vì tin rằng chỉ có tình yêu mới
có thể thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.
Xin Chúa Kitô ban sức mạnh để
chúng ta bước theo con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.
(Veritas
Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ NĂM TUẦN XXIX TN (năm chẵn)
Bài đọc: Eph 3:14-21; Lk
12:49-53.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Hiểu biết
tình yêu của Đức Ki-tô.
Chia rẽ xảy ra ở khắp nơi trên địa cầu: trong
gia đình, ngoài xã hội, giữa các quốc gia, và giữa con người với Thiên Chúa.
Nguyên nhân của chia rẽ là thiếu hiểu hay hiểu biết sai. Hậu quả của chia rẽ là
ngăn cách và hận thù.
Làm sao để hàn gắn chia rẽ? Phúc Âm dạy con
người phải hiểu biết và sống theo sự thật. Bài đọc I dạy: Con người phải cảm
ngiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình qua Đức Kitô trong Mầu Nhiệm
Cứu Độ của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tình thương của Thiên
Chúa vượt quá sự hiểu biết của con người.
1.1/ Tình yêu Thiên Chúa: Để hiểu lý do tại sao
Thánh Phaolô tạ ơn Chúa và xin ơn cho các tín hữu của Ngài, chúng ta cần đi trở
lại để xem những gì Dân Ngọai không có trước khi Chúa Giêsu đến và những gì Dân
Ngọai được hưởng sau khi họ thú nhận niềm tin vào Chúa Giêsu:
(1) Tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ cách
chung qua việc tạo dựng và quan phòng mọi sự trong trời đất, cách riêng trong
Mầu Nhiệm Cứu Độ. Nhờ Đức Kitô, mọi người đều được đặc quyền gọi Thiên Chúa là
Cha, và xứng đáng lãnh nhận mọi ơn lành cần thiết.
(2) Tình yêu của Chúa Thánh Thần: Không chỉ ban Đức
Kitô cho con người, Thiên Chúa còn ban Thánh Thần để giúp con người tin vào Đức
Kitô và hiểu được những gì Người dạy dỗ. Thánh Phaolô cầu xin: “Tôi nguyện xin
Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em
được củng cố mạnh mẽ nhờ Thánh Thần của Người, để con người nội tâm nơi anh em
được vững vàng.”
(3) Tình yêu của Chúa Kitô: Thánh Phaolô xin 2
điều cho các tín hữu của Ngài: (1) Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô
ngự trong tâm hồn; và (2): Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc
trên đức ái. Với sự hiện diện của Đức Kitô trong tâm hồn, các tín hữu đủ sức
thấu hiểu mọi chiều kích dài rộng cao sâu của Mầu Nhiệm Cứu Độ. Với sự xây dựng
vững chắc trong đức ái, các tín hữu nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình
thương vượt quá sự hiểu biết. Nhờ hai ơn này, các tín hữu sẽ được đầy tràn tất
cả sự viên mãn của Thiên Chúa.
1.2/ Tình yêu của Thánh Phaolô: Sau khi đã thấu hiểu
Mầu Nhiệm Cứu Độ và thấm nhuần bởi tình yêu Thiên Chúa, Thánh Phaolô cầu nguyện
và làm mọi cách để các tín hữu của ngài cũng hiểu được Mầu Nhiệm Cứu Độ và thấm
nhuần tình yêu Thiên Chúa. Mầu Nhiệm Cứu Độ chỉ hòan tất khi tất cả mọi người
đều hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ và đều thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa. Khi đó, sẽ
không còn chia rẽ, ngăn cách, và hận thù. Giáo Hội được Đức Kitô trao ban sứ vụ
này: “Xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Kitô Giêsu đến muôn thuở
muôn đời. Amen.”
2/ Phúc Âm: Sự Thật và Tình Yêu của Đức Kitô được ví
như lửa ném vào mặt đất.
2.1/ “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy
những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Lửa có ít nhất 3 công dụng: soi sáng, thanh
tẩy (luyện kim), và sưởi ấm.
- Chúa Giêsu soi sáng con người bằng Lời Chúa;
- Sống Lời Chúa sẽ giúp con người thanh tẩy
tất cả sai trái và tật xấu trong tâm hồn;
- Cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa sẽ
giúp con người có sức mạnh xóa tan đi những hố sâu chia rẽ và sưởi ấm lại tình
người.
Lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào mặt đất mà muốn
cho bùng lên là Sự Thật và Tình Yêu của Thiên Chúa. “Thầy còn một phép rửa phải
chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” Phép Rửa
Chúa Giêsu đề cập đến ở đây chính là Phép Rửa bằng Máu, là Cuộc Thương Khó của
Ngài. Phép Rửa này chỉ hòan tất khi Ngài giang tay chết trên Thập Giá để chứng
tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
2.2/ Thầy đến để đem sự chia rẽ? Lời tuyên bố của Chúa
Giêsu sẽ làm không ít người ngạc nhiên: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình
an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem
sự chia rẽ.” Nhiều người sẽ hỏi: “Tại sao Thiên Chúa của bình an lại đem chia
rẽ?”
Bình an của Thiên Chúa khác với bình an của
con người và cách để có bình an của Thiên Chúa cũng khác với cách của con
người. Bình an của trái đất là bình an giả tạo vì đặt trên những hiểu biết của
con người; và chiến tranh có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu có sự xung đột
giữa những hiểu biết của con người. Thiên Chúa ban bình an cho con người không
theo kiểu của thế gian: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em
bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao
xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27). Bình an của Thiên Chúa chỉ thực sự có được
khi mọi người nhận ra sự thật trong Mầu Nhiệm Cứu Độ và tình thương của Thiên
Chúa dành cho con người.
Vì sự thật của Thiên Chúa khác với sự thật của
con người nên những lời dạy của Chúa Giêsu sẽ tạo nên sự chia rẽ: có những
người tin vào Lời Chúa giảng dạy như các Tông Đồ và môn đệ; có những người sẽ
phản đối và không tin như một số Kinh-sư, Biệt-phái, và Luật-sĩ. Hậu quả là họ
tìm cách để tiêu diệt Chúa và các Tông Đồ. Cũng vậy, khi Lời Chúa được gieo
trong cùng một mái nhà: sẽ có những người trong gia đình tin; sẽ có những người
không tin. Hậu quả là gia đình sẽ chia rẽ. Nhưng nếu mọi người trong gia đình
đều nhận ra sự thật và tin vào Lời Chúa, lúc ấy gia đình mới thực sự có bình
an, và không một quyền lực nào có thể phá tan sự bình an đích thực này.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Đức Kitô là nguồn mạch bình an. Ngài đến để
hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Sự hiểu biết và tình yêu con
người dành cho Đức Kitô sẽ giúp xóa tan mọi khác biệt và giúp con người hòa
giải với nhau và trở nên một trong thân thể của Đức Kitô.
- Bình an của Thiên Chúa khác với bình an của
con người. Bình an đích thực chỉ có được khi con người nỗ lực tìm kiếm sự thật
nơi Thiên Chúa: Kế Họach Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa dành cho con
người.
- Đức Kitô đã ném lửa của sự thật và của tình
yêu vào trong trái đất và Ngài muốn làm cho lửa này cháy bùng lên. Để có bình
an thực sự trên trong gia đình cũng như trên địa cầu, mọi người chúng ta cần
cộng tác với Thiên Chúa bằng việc rao giảng Lời Sự Thật và mang tình yêu Thiên
Chúa đến cho mọi người.
Lm. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP.
Thứ Năm tuần 29 thường niên
Sứ điệp: Con người có nghĩa vụ tôn thờ Chúa. Tôn thờ Chúa chính là
yêu mến Chúa hết lòng, ưu tiên chọn Chúa trên hết mọi sự.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là tình
yêu. Chúa đã thông ban tình yêu cho con và gọi con bước theo Chúa trên
con đường yêu thương. Thoáng nghe Tin Mừng hôm nay, con chợt ngỡ ngàng: sao
Chúa lại đến để gây chia rẽ. Con biết Chúa dạy con thương yêu mọi người, Chúa
không muốn con hận thù chia rẽ. Chúa chỉ muốn con chọn Chúa trên hết mọi sự.
Gia nhập vào hàng ngũ của Chúa, con phải chống lại
tất cả những ai cản trở con theo theo Chúa, thưa “vâng” với Chúa chính là
nói “không” với Xa-tan. Chọn lựa con đường về Trời, tức là con phải can đảm dứt
bỏ những gì ở trần gian lôi cuốn con xa Chúa.
Chúa dạy con phải yêu thương cha mẹ, thương anh
chị, mến mọi người. Đồng thời, Chúa dạy con phải tôn thờ Chúa và yêu mến Chúa
trên hết mọi sự. Con nhớ Lời Chúa dạy: “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không
đáng với Ta. Ai cầm cày mà còn ngoái cổ đằng sau thì không xứng hợp với Nước
Thiên Chúa”.
Lạy Chúa, xin giúp con đừng vì tình cảm mà nhẫn
tâm xúc phạm đến Chúa, đừng vì nể nang cha mẹ, họ hàng thân thích, mà làm ngơ
trước những bất công; đừng vì ham chơi, ham công việc, mà bỏ bổn phận tôn thờ
Chúa, bỏ lễ Chúa Nhật, bỏ kinh nguyện sáng tối. Xin giúp con đừng vì ham tiền
bạc vật chất mà lãng quên hoặc chối bỏ Chúa.
Xin cho con luôn chọn Chúa trên hết mọi người và
mọi sự, dù khi chọn Chúa con phải hy sinh từ bỏ cả những gì con yêu quý nhất.
Amen.
Ghi nhớ : "Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem
sự chia rẽ".
25/10/12 THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Lc 12,49-53
Lc 12,49-53
BÙNG CHÁY NGỌN LỬA
“GIÊSU”
“Thầy đã đến ném lửa
vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên.” (Lc 12,49)
Suy niệm: “Vũ khí mạnh nhất của thế giới là ngọn lửa bùng cháy trong
tâm hồn con người”(Thống chế Foch). Lửa mà
Đức Giêsu ném vào mặt đất và muốn bùng lên trong tâm hồn con người là lửa nào?
Thưa là lửa từ Trái Tim của Ngài: lửa yêu mến Chúa Cha, lửa yêu thương không
giới hạn với con người. Vì lửa tình yêu ấy, Ngài đã tự hủy, từ trời xuống thế
làm người. Là lửa nhiệt thành của Chúa Thánh Thần Tình Yêu bùng cháy lên trong
tâm hồn các tông đồ ngày lễ Hiện Xuống, ngọn lửa sưởi ấm trái tim nguội lạnh
hai môn đệ trên đường Emmau sau khi gặp Đức Kitô Phục Sinh. Đó cũng là ngọn lửa
thanh luyện ta khỏi những cặn dơ của tính hưởng thụ ích kỷ, thói tôn sùng cái
tôi.
Mời Bạn: Để ngọn lửa tình yêu, nhiệt thành ấy có thể bùng cháy lên
trong trái tim, bạn cần -như Đức Giêsu- phải dìm sâu trong trong một kinh
nghiệm kinh khủng: từ bỏ mình, từ giã ý riêng, từ biệt một số sở thích cá nhân.
Vượt qua kinh nghiệm kinh khủng này, với trái tim bùng cháy lửa “Giêsu,” bạn có
thể làm được cả những điều tưởng như ngoài tầm tay của mình.
Chia sẻ: Lửa “Giêsu” còn bùng cháy trong nhóm, hội đoàn, hội dòng...
của bạn không, hay đã lụi tàn?
Sống Lời Chúa: Từ hôm nay tôi sẽ làm bùng cháy lên lửa “Giêsu” nơi trái
tim mình bằng cách từ bỏ một sở thích không hợp với tinh thần Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mong ước ngọn lửa yêu thương, nhiệt
thành bùng cháy lên trong cộng đoàn chúng con. Xin cho trái tim chúng con bùng
cháy lửa yêu thương, nhiệt tình ấy qua cung cách sống mỗi ngày. Amen.
Phải chi lửa ấy đã bùng lên.
Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc, mà ngọn
lửa của mình lại yếu ớt. Nếu một tỉ Kitô hữu đều là những ngọn lửa thì bóng tối
sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.
Suy niệm:
Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng nóng dần
lên.
Ðó là một điều đáng sợ.
Nhưng điều đáng sợ hơn
lại là sự lạnh lùng giữa người với người.
Con người cần cơm bánh và giải trí,
nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông.
Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp.
Vậy mà băng giá của lạnh đạm dửng dưng
vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt đất.
Băng giá nằm ngay nơi lòng con người.
Ðức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài:
Ngài đến để ném lửa trên mặt đất,
và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã bùng lên.
Ngọn lửa Ðức Giêsu muốn nhóm lên
không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt,
không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và
Giacôbê
định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari.
Ðây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài,
lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương,
lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng.
Chúng ta cần được ngọn lửa của Ðức Giêsu chạm
đến,
cần được Ngài làm bừng sáng lên
những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta,
để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới.
“Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước
mong
mà Ðức Giêsu đã suốt đời ôm ấp,
đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn
vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho
nhau.
Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng
là chấp nhận bị từ khước và đe dọa.
Ðức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời
mình.
Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng,
sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau.
Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên mặt đất
và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.
Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập tự,
khi Ngài bị giam trong mồ tối,
bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài.
Nhưng ngọn lửa phục sinh đã bừng lên giữa đêm
đen.
Ðó là niềm hy vọng của chúng ta,
những người vẫn còn phải hăng say chiến đấu
để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi chỗ,
bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng,
bóng tối của hận thù, của nạn mù chữ,
bóng tối của nghèo nàn lạc hậu...
Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình,
Bóng tối ở ngay trong lòng tôi.
Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc,
mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt.
Nếu một tỉ Kitô hữu đều là những ngọn lửa
thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa,
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được
Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Thầy không đến để đem bình an, nhưng
đem sự chia rẽ".
Khôn Ngoan Của Tin Mừng
Mới
thoáng nghe những gì Chúa Giêsu nói, chúng ta cảm thấy khó chịu và có lẽ nhiều
người và có lẽ nhiều người nghe Chúa Giêsu cũng cảm thấy khó chịu như chúng ta.
Thế nhưng thực tế là như vậy. Sự lựa chọn quyết liệt để sống và trung thành với
giáo huấn của Tin Mừng sẽ gây khá nhiều những mâu thuẫn giữa những người thân
thương trong gia đình và cả với những người chung quanh của chúng ta nữa. Lý do
là vì khôn ngoan theo Tin Mừng khác với khôn ngoan theo tinh thần của thế tục.
Chúng ta không thể nói rằng chúng ta không biết thế nào là khôn ngoan theo tinh
thần thế tục.
Thiên
Chúa muốn chúng ta khôn ngoan lựa chọn quyết liệt để sống theo khôn ngoan của
Tin Mừng, vì Chúa cho lửa tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa và giữa chúng ta
với nhau được bùng lên và bốc cao trên mặt đất này vì đó là cách để Ngài dẫn
chúng ta về với Chúa Cha, khi đã tập cho chúng ta biết yêu nhau như con cái của
Thiên Chúa.
Lạy
Cha là Thiên Chúa chúng con.
Hơn
bao giờ hết trong lúc này, chúng con mới nhận thấy được rõ ràng thế nào là khôn
ngoan theo Tin Mừng và thế nào là khôn ngoan theo thế tục. Chỉ tiếc có một điều
là chúng con vẫn chưa đủ can đảm để cộng tác với Chúa Giêsu, Con Cha khởi lên.
Chúng con yếu đuối quá.
Lạy
Cha,
Xin
Cha ban cho chúng con Thánh Thần của Cha, để chúng con cố gắng can đảm loại bỏ
những khôn ngoan thế tục, dù có bị chính những người thân yêu của chúng con phản
đối hay ghét bỏ.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Trị Bệnh Bằng Tình Yêu
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước
mong chi lửa ấy đã bùng lên, Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc
khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc. 12, 49-50)Sự dữ, sự xấu là con bệnh ung thư xâm nhập càng ngày càng sâu vào con tim nhân loại, đến một mức độ nó bắt con người phải nô lệ và làm đen tối mọi khả năng con người. Tâm lý học chiều sâu đã chứng minh điều đó. Trước nhà tâm lý trị liệu Freud rất xa, Thiên Chúa biết tận đáy những con tim. Chỉ có tình yêu của Ngài mới có thể giải phóng những ràng buộc của sự dữ. Theo thánh ý Ngài, Đức Giêsu đã đến bộc lộ tình yêu của Thiên Chúa cho thế nhân. Sự cứng lòng từ chối của dân Do thái đối với lời Ngài càng ngày càng thấy phải chữa trị tận căn cho nhân loại.
Thanh tẩy sự dữ:
Những ngôn sứ đã tiên báo cho dân Ít-ra-en rằng
Thiên Chúa sẽ đến đòi nợ của Ngài trong cơn giận bừng bừng lửa cháy. Nhưng Đức
Giêsu đã từ chối không trưng dẫn lời ấy của ngôn sứ I-sai-a nói về ngày báo
oán. Người chỉ đến trong tình yêu, không phải để tiêu hủy, nhưng để chữa lành
nhờ tình yêu. Người đem lửa đến mặt đất để thanh tẩy, thổi nóng con tim sôi lên
làm cho những vi khuẩn nhơ bẩn không còn nữa. Trước sự bành trướng của sự dữ,
sự xấu đang vây bọc con tim nhân thế, Đức Giêsu khắc khoải mong ước cho lửa ấy
cháy lên, mong ước cho sứ mệnh cứu thế và giải phóng của Người sớm hoàn thành.Đó là phép rửa Đức Giêsu phải chịu trong đau khổ để mở ra con đường giải thoát tội lỗi và tiếp tế ơn tha thứ. Đó chính là lửa Thánh Thần được Đức Giêsu đem đến thấu tận con tim nhân loại, như gươm hai lưỡi đâm chia rẽ ra hồn với xác, tinh thần với vật chất, đã luôn luôn gây cấn với nhau, như con trai với cha nó, như con gái với mẹ nó, như mẹ chồng với nàng dâu, mới mong chữa trị khỏi cơn bệnh ung thư cho loài người để được sống mạnh mẽ dồi dào.
Sự phân chia này là một vết mổ tận căn ở thân xác gia đình con người. Ai tuân phục lời Chúa và Thánh Thần phải cam kết theo Đức Kitô và cắt đứt những mối dây liên lạc đó, dù là thứ yêu quý nhất, chặt chẽ nhất, vì những thứ dây này kéo ghì họ lại với thế gian. Như thế, họ sẽ thấy hòa bình của Đấng cứu thế rất khác với thứ yên ổn dễ đổ vỡ của thế gian hay của cái chết. “Đối với các ngươi, kẻ kính sợ danh thánh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên chiếu ánh sáng đến chữa lành các ngươi” (Ml. 3, 20). Mặt trời công chính này chính là Đức Kitô đã yêu thương hy sinh chịu chết để chữa lành tận căn con bệnh của nhân thế.
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
25 THÁNG MƯỜI
Liên Kết Với Nhau Qua Phép Rửa
Đức
Kitô đang nhắm đến loại hiệp nhất nào? Ngài đang nói về sự hiệp nhất do Phép
Rửa. Sự hiệp nhất này được Thánh Phaolô quảng diễn trong Thư Galata: “Tất cả
anh em, vì đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô, và nên một
trong Đức Kitô Giêsu ” (Gl 3,27-28)
Qua
Phép Rửa, chúng ta không chỉ được dìm vào trong nước mà trước hết đó là được
dìm vào trong cái chết cứu chuộc của Đức Kitô. Và cũng như cái chết của Đức
Kitô đánh dấu sự bắt đầu của cuộc sống mới như được vén mở nơi cuộc Phục Sinh,
thì việc chúng ta được dìm trong nước của bí tích Phép Rửa cũng đánh dấu sự bắt
đầu của một cuộc sống mới.
Sự
sống mới ấy chính là sự sống do ân sủng, cùng một sự sống như được biểu hiện
nơi cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Đây chính là sự sống của Đức Kitô được Chúa
Cha ban tặng cho chúng ta trong Chúa Thánh thần.
Sự
sống đầy sức cứu độ này chỉ có một mà thôi. Sự sống ấy hiện diện nơi tất cả
những ai lãnh nhận Phép Rửa. Đó là lý do tại sao bất cứ ai lãnh nhận Phép Rửa
đều nên một trong Đức Kitô. Phép Rửa vừa diễn tả vừa đạt được tiếng gọi hiệp
nhất đối với mọi Kitôhữu. Đó cũng là tiếng gọi hiệp nhất trong nhiệm thể Giáo
Hội duy nhất, nhờ Thánh Thần.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25-10
Ep 3, 14-21; Lc 12,
49-53.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bừng lên! Thầy còn một phép rửa phải
chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.” (Lc
12,49-50).
Chúa Giêsu đến trong trần gian này để mạc khải về Thiên Chúa Cha, về Nước Trời,
về tình yêu của Thiên Chúa, về sự vâng phục Thiên Chúa, về sự hiến tặng chính
thân mình làm giá cứu chuộc muôn loài, về sự Phục sinh của Ngài và quyền năng
của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần. Đây là thứ Lửa mà Chúa Giêsu đẽ ném
vào thế gian, và Ngài ao ước Lửa ấy bừng cháy lên. Lửa sốt mến và thông hiểu để
mọi con người trong nhân loại này nhận ra Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là
Cha của tất cả mọi người, và tất cả đều là anh em con cùng một Cha trên trời,
để sống yêu thương, phục vụ và hiến tặng đời mình cho nhau; để được cùng sống
hạnh phúc hôm nay và cho đến muôn đời.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
25 Tháng Mười
Con Chim Sáo
ĐGM.Helder Camera |
Trong một tập thơ mang tựa đề "Có muôn nghìn lý do để
sống", Ðức Cha Helder Camera, vị giám mục người Brazil nổi tiếng là vị
tông đồ của người nghèo đã ghi lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà
tôi, có một con chim sáo quanh năm ngày tháng sống giữa trời... Tôi vẫn có thói
quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc
nhiên trả lời: "Có chứ!... Màn là trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu
đâu".
Do những đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó:
"Thế thì những lúc mưa gió, chú trú ngụ ở đâu". Nó nhanh nhẩu trả
lời: "Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?" Tôi hỏi
nó có đói không. Con chim sáo mỉm cười đáp: "Ðiều mà tôi muốn là được hót.
Tôi sinh ra để hót mà...". Và nó cất tiếng hót như sau: "Hỡi loài
người kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết đi: liệu ngươi không chết sao?".
Tôi cứ nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít
bánh mì có thịt... Chú sáo lại được dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo
tôi: "Ông không biết là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như
các ông sao?".
Lần kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được
câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả lời: "Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi.
Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót".
Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ
các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra
rằng nó chỉ là một con chim.
Qua
câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ Ðức Cha Helder Camera muốn gợi lên cho
chúng ta cái thảm trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ
đều phát xuất từ chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác
phải suy nghĩ như mình, phải hành động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ
nào cũng cho là ưu việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực.
Ngày
nay, con người mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, của
các khuynh hướng chính trị, của các tôn giáo... Sự trưởng thành của nhân loại
được thể hiện qua chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác biệt của tha nhân,
chấp nhận tư tưởng của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay
đang cần hơn bao giờ hết.
(Lẽ Sống)
“Hãy trở thành điều anh em đón nhận”
Thánh Thể vẫn là một mầu nhiệm đối với chúng ta. Tuy nhiên, khi chọn biểu tượng là bữa ăn, Đức Giêsu dùng một cử chỉ có tính cách con người, làm chúng ta hiểu ngay.
Ăn, trước hết là bảo đảm sự sống: không ai có thể tiếp tục sống, nếu không ăn, không uống. Đi theo Đức Kitô, là cố gắng để làm cho Lời Người cũng cần thiết cho tôi như nước và bánh... Khi tôi bước tới bàn thờ để rước lễ, tôi có ý thức tôi đói Chúa thật sự, đên độ sự sống của tôi tuỳ thuộc vào điều ấy không? Ăn, cũng là để thức ăn đổi mới các tế bào của cơ thể tôi. Như vậy, hiệp thông với Mình và Máu Đức Kitô cũng là để Người đi vào trong tôi để biến đổi tôi Tôi có ý thức cởi mở cuộc sống tôi cho Thiên Chúa, để được Người tái tạo từ nội tâm không?
Ăn, sau hết là chia sẻ bữa ăn với nhũng người khác. Tôi có thực sự ý thức rằng Thánh Thể mời gọi tôi ra khỏi chính mình, và mở mắt ra nhìn thế giới không? Tóm lại, khi tôi rước Mình và Máu Đức Kitô, tôi có ý thức được nuôi dưỡng bằng sự Phục Sinh của Người không?
Bertraud Révillion
Hạnh Các Thánh
Ngày 25 tháng 10
THÁNH
CRYSANTÔ
VÀ THÁNH NỮ
ĐARIA TỬ ĐẠO
|
Chrysantô
chào đời tại kinh thành
Khi
Hoàng đế Valêriô lên nắm chính quyền, Chrysantô đã theo cha đến học tại Rôma.
Ở đây, cha cậu được hoàng đế trọng dụng đặt làm chủ tịch nghị viện Rôma, vì
thế Chrysantô có dư thừa điều kiện để học hành và sống một đời sung sướng.
Sẵn có một trí thông minh sắc sảo lạ thường, một vốn liếng khả quan về văn
chương và khoa học, bấy giờ Chrysantô để hết tâm lực vào việc nghiên cứu học
hỏi triết lý. Luôn luôn bị những tư tưởng triết học làm bối rối thắc mắc, tâm
trí Chrysantô không lúc nào được an bình. Không thỏa mãn với những học thuyết
giải nghĩa về vũ trụ và con người, Chrysantô vẫn ao ước được tìm thấy một học
thuyết khả đáng giải quyết cho cậu mọi nỗi bí ẩn của cuộc đời. Chúa vẫn luôn
luôn đoái nhìn đến những tâm hồn ngay thẳng đầy thiện chí. Người đã soi sáng
cho Chrysantô tìm thấy một nền triết lý siêu việt. Một hôm, khi nhìn thấy một
cuốn Phúc âm, Chrysantô nghe như có tiếng nói tự thâm tâm rằng: “Hãy cầm lấy
mà đọc”. Giở trang thứ nhất, Chrysantô đọc hết sức cẩn thận, rồi trang thứ
hai, trang thứ ba... tự nhiên Chrysantô thấy có một sức mạnh thiêng liêng làm
cho cậu say mê sách Phúc âm một cách lạ lùng. Và từ đó, người thanh niên ấy
không hề bao giờ bỏ đọc Phúc âm. Mỗi lần giở Sách thánh ra đọc, Chrysantô lại
tự nói với mình rằng: “Đã từ lâu ngươi đã bị chôn vùi trong những chồng sách
tối tăm, đây mới là chân lý và ánh sáng chân thật soi đường dẫn lối cho
ngươi”.
Thế
rồi một hôm, Chúa Quan phòng đã xui khiến Chrysantô bỏ nhà ra đi, đi mãi vào
trong một khu rừng, ở đấy Chrysantô gặp một cái hang, trong có một linh mục
trú ẩn vì nhà cầm quyền Rôma đang bắt đạo gắt gao. Chrysantô rất đỗi vui mừng
khi gặp vị linh mục đó. Ngài ở lại trong hang ít lâu và tìm hiểu Kinh thánh
cùng học giáo lý với vị linh mục. Trước khi định trở về nhà, Chrysantô đã xin
chịu phép Rửa tội.
Vừa
được trở nên tín hữu kitô giáo, Chrysantô đã có ngay tất cả những đặc tính
cũng như lòng hăng hái của một vị tông đồ lỗi lạc. Ngài bắt đầu đi khắp thành
phố rao giảng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Cha nhân từ của mọi
người. Thấy vậy, những thân nhân của Chrysantô hết sức phẫn uất, họ đã đến
nói với thân phụ Chrysantô để ông thuyết phục con ông. Họ nói: “Con ông dám
cả gan thóa mạ các thần minh, tội đó ông phải chịu, và nếu hoàng đế biết thì
không những ông sẽ mất chức mà còn bị hành hình nữa là khác”. Sợ mất địa vị,
thân phụ Chrysantô nổi cơn lôi đình với con, nhưng vô hiệu quả. Ông liền
truyền nhốt Chrysantô vào ngục và mỗi ngày chỉ cho một miếng bánh nhỏ với một
chút nước lã. Nhưng hình khổ nào có thể làm lay chuyển cõi lòng người hằng
vững tin ở Chúa. Thánh nhân lấy làm sung sướng được tham dự vào cuộc tử nạn
của Chúa Kitô khi bị đói khát trong ngục.
Những
kẻ thù thấy vậy lại càng bực tức, họ liền bày mưu giúp thân phụ Chrysantô.
Nghe lời bà con xui xiểm, thân phụ thánh nhân đã làm một yến tiệc đầy những
món cao lương mỹ vị. Trong phòng tiệc trang hoàng thật lộng lẫy. Khi đưa
Chrysantô vào phòng tiệc và đã tuyển chọn một số thiếu nữ trẻ đẹp, ăn mặc
lộng lẫy khêu gợi để đi đi lại lại trong phòng và hầu tiệc Chrysantô với
những điệu múa hát lả lơi suồng sã. Làm như thế, họ chắc rằng Chrysantô sẽ sa
ngã và chán đạo Kitô.
Nhưng
trái lại, Chrysantô vẫn không chút nao núng, vẫn coi rẻ những quyến rũ kia vì
lòng ngài đã hoàn toàn thuộc về Chúa không thể chia sẻ cho một thụ tạo nào
được nữa. Càng ngày càng bị tụi thiếu nữ kia tấn công ráo riết, đồng thời
nhận thấy sự yếu đuối của xác thịt, Chrysantô đã ngước mắt lên trời nguyện
rằng: “Lạy Chúa, xin đến cứu giúp con. Con biết rằng, con không thể giữ mình
trong sạch được nếu không có ơn Chúa. Xin bênh đỡ con thoát khỏi những cạm
bẫy này”. Sách chép hạnh ngài thuật lại rằng, khi ngài vừa dứt lời thì những
vũ nữ kia đứa nào đứa nấy liền xủi cả bọt mép, nằm quay lơ cả ra mà mê sảng.
Phải cho người khiêng chúng ra khỏi phòng tiệc, chúng mới tỉnh lại được. Mưu
sâu chước độc của ma quỷ bị dập tắt, nhưng chúng vẫn chưa chịu hàng phục,
chúng còn tìm đủ mọi cách để hại thánh nhân.
Lúc ấy
ở Minerva có một cô gái tuyệt đẹp, sang trọng, thông minh, có nghệ thuật
quyến rũ tài tình xin nhận nhiệm vụ thuyết phục Chrysantô bỏ đạo và cùng cô
nên vợ nên chồng. Cô gái đó chính là Đaria mà sau này sẽ trở nên chứng nhân
của Chúa Kitô. Chuẩn bị xong tất cả các mánh khóe để hòng chiếm trái tim
Chrysantô, Đaria tha thướt qua lại trước mặt Chrysantô và nói với ngài bằng
một giọng rất tình tứ:
- Anh
ạ, không phải vì em khao khát tình yêu mà em đến đây, nhưng vì thấy cha anh
quá buồn rầu mà em đến để xin anh nghĩ lại, mà làm cho ngài và các thần minh
được hài lòng.
Chrysantô
đáp lại:
-
Được, nếu cô cho tôi biết tại sao các thần lại xứng đáng được người ta tôn
thờ, tôi sẽ sẵn sàng làm theo lời cô xin. Rồi đưa mắt nhìn một lượt tất cả
các tượng thần bằng gỗ đá chung quanh đó, Chrysantô kêu lên: “Chao ôi! Người
ta bắt tôi phải thờ những tảng đá, những khúc gỗ mà người ta chỉ cần dùng búa
dùng dao cũng tạo nên được! Tôi đây tôi lại phải thờ một Jupiter dâm dục, một
Mercurô trộm cướp, một Herculê sát nhân hay một Vênus lăng loàn sao?”
Thế
rồi một cuộc tranh luận rất sôi nổi về việc thờ cúng các thần xảy ra giữa
Chrysantô và Đaria. Mặc dầu Đaria là con người có tài ăn nói cũng vẫn phải
phục lý của Chrysantô, Đaria bắt đầu cảm mến giáo thuyết của Chrysantô, và
với ơn Chúa xuống dần, Đaria đã xin chịu phép rửa tội một cách kín đáo và bắt
đầu che mặt bằng một cái lúp để chứng minh sự thanh khiết của mình.
Để
vâng lời cha, Chrysantô bằng lòng kết bạn với Đaria, nhưng cả hai đều thề hứa
sẽ giữ đức trinh khiết để luôn luôn được phụng sự Thiên Chúa một cách nồng
nàn hơn. Từ đấy, Chrysantô và Đaria đã cùng nhau sống những giây phút vui
buồn của những tâm hồn đã kết hiệp với nhau trong tình yêu của Chúa.
Theo
gương Chrysantô và Đaria, nhiều người tân tòng cũng muốn sống đời trinh
khiết. Thấy ảnh hưởng của các ngài càng ngày càng lan rộng, những địch thủ
tìm cách tố cáo các ngài với nhà chức trách về trăm nghìn thứ tọâi. Thanh
niên thì tố cáo Chrysantô đã cướp mất vị hôn thê của mình, các bà các cô thì
buộc tội cho Đaria đã quyến rũ chồng họ... Thế là nhà chức trách phải tìm
cách nghiêm phạt các ngài để được lòng dân.
Một
hôm, Chrysantô từ chối không chịu cúng tế thần minh nên đã bị trói chặt chân
tay lại, nhưng tự nhiên những giây trói ngài đứt ra từng đoạn. Sau đó, lý
hình lột da một con bò rừng nhốt Chrysantô trong đó, khâu lại để làm thành
một nhà tù nhỏ, rồi chúng mang ngài ra phơi nắng. Nhưng thánh nhân vẫn luôn
luôn vui vẻ ở trong cái túi bẩn thỉu đó. Bỗng nhiên tự trong túi đó phát ra
một luồng ánh sáng làm choáng váng những lý hình, khiến chúng ngã lăn cả hồi
lâu. Tuy vậy, bọn lý hình vẫn không sợ hình phạt của Chúa, chúng lại dẫn ngài
ra pháp đình để hạch tội. Quan tòa hỏi ngài:
-
Thằng khốn nạn, mi dựa vào thế lực nào mà làm những việc quái dị như thế?
Thánh
nhân điềm nhiên trả lời:
- Khi
nào ông được ơn soi sáng, ông sẽ hiểu rằng những việc tôi làm không phải là
trò quỷ thuật. Nhưng đó chính là quyền phép của Chúa hoạt động trong tôi.
Nghe
thế, quan tòa căm phẫn hết sức, ông ra lệnh cho quân lính đánh ngài một trận,
hy vọng có thể thuyết phục được chăng. Nhưng Chúa Quan phòng lại dùng những
người yếu đuối để làm xấu hổ những kẻ cường bạo. Quân lính sắm những cái roi
rất cứng và nhọn sắc để hành hạ thánh nhân, nhưng chúng vừa giơ roi lên, thì
tất cả mọi cái roi đều mềm ra như sợi bún. Được chứng kiến phép lạ này, vị
quan tòa liền sấp mình xuống chân thánh Chrysantô xin ngài tha thứ và xin
theo đạo Chúa. Thế là tất cả lý hình và những người đứng chung quanh đó đều
xin tòng giáo. Nghe tin này, hoàng đế Valêriô rất đỗi lo sợ, lập tức vua ra
lệnh buộc vào cổ vị quan tòa kia một tảng đá lớn và cho quẳng xuống biển. Còn
lý hình và những người khác dần dần bị chém đầu vì đức tin.
Trong
khi đó Đaria vẫn luôn luôn cầu nguyện cho Chrysantô được trung thành với Chúa
đến cùng. Đến sau, ngài cũng bị trói cùng với Chrysantô và bị đưa ra pháp
đình. Ở pháp đình hai người nhất định không trả lời một câu hỏi nào của hoàng
đế, song chỉ an ủi, khuyến khích lẫn nhau can đảm để lãnh nhận triều thiên tử
đạo.
Trong
hạnh thánh Đaria có chép lại rằng: Thánh nữ bị điệu đi đến một nơi hết sức
đồi bại để chịu thuyết phục. Trước khi bị đưa ra đấu trường, Đaria vào trong
một phòng kín để cầu nguyện, bỗng nhiên có một con sư tử xưa nay vẫn xé người
ở đấu trường chạy vào nằm dưới chân thánh nữ. Đang khi thánh nữ cầu nguyện,
một gã thanh niên có tiếng trụy lạc nhất thành phố được cử vào để xâm phạm
tiết hạnh Đaria. Nhưng khi gã vừa bước vào cửa thì bị con sư tử vồ lấy, vật
ngã xuống đất rồi nó quay lại phía thánh nữ như để hỏi ý kiến phải đối xử làm
sao. Thánh nữ ra hiệu, sư tử thả gã này ra và đứng chặn cửa. Trong khi đó
ngài nói với thanh niên kia rằng: “Anh thật là đồ khốn nạn, con sư tử kia nó
không có lý trí mà nó còn biết làm sáng danh Thiên Chúa khi nó vâng lời Người
để ngăn cản anh phạm tội. Còn anh, anh chỉ dìm mình trong tội lỗi. Vậy anh
hãy tôn thờ Thiên Chúa và từ bỏ con đường tội lỗi đi”. Chàng thanh niên nọ
xin thánh nữ ra lệnh cho sư tử để mình ra về bằng yên và hứa sẽ cải tà quy
chính. Sư tử để chàng ra về bằng yên và từ đó chàng thanh niên nọ đã lôi kéo
được biết bao người trở lại.
Thấy
không thể nào thuyết phục được các ngài, hoàng đế Valêriô ra lệnh dẫn
Chrysantô và Đaria ra khỏi thành và chôn sống các ngài dưới một đống cát lớn
ở trên con đường Salaria.
Thế là
sau những ngày sống kết hợp với nhau trong đau khổ vì Chúa Kitô, Chrysantô và
Đaria đã cùng nhau nhận lãnh phúc tử đạo, cùng nhau an nghỉ trong một nấm mồ
và ngày nay cùng được toàn thể Giáo hội kính nhớ trong cùng một ngày.
|
Thứ Năm 25-10
Chân Phước Antôniô ở Sant'Anna Galvao
(1739-1822)
Chân phước Antonio de Sant'Anna Galvao |
H
|
oạch định của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người thường có
những thay đổi bất ngờ để trở nên hữu ích hơn qua sự cộng tác với ơn sủng của
Thiên Chúa.
Sinh ở Guarantingueta gần Sao Paolo (Brazil), Antôniô gia nhập
trường đệ tử dòng Tên ở Belem, nhưng sau đó ngài thay đổi ý định và muốn trở
nên một tu sĩ dòng Phanxicô. Sau khi gia nhập được một năm, ngài khấn trọn vào
năm 1761 và thụ phong linh mục năm 1762.
Ở São Paolo, ngài giữ các công việc rao giảng, giải tội và là
người giữ cửa. Một vài năm sau, ngài được bổ nhiệm làm cha giải tội cho Dòng
Têrêsa Cải Cách, là một nhóm nữ tu sống trong thành phố này. Chính ngài và Sơ
Helena Maria cùng thành lập một cộng đoàn nữ tu mới dưới sự bảo trợ của Ðức
Maria. Năm sau đó, Sơ Helena Maria từ trần nên một mình Cha Antôniô phải chịu
trách nhiệm về tu hội mới này, nhất là việc xây cất tu viện và nhà thờ đủ cho
con số nữ tu ngày càng gia tăng.
Ngài cũng là cha giám đốc đệ tử viện ở Macacu và là bề trên nhà
dòng Thánh Phanxicô ở São Paolo. Ngài thành lập tu viện Thánh Clara ở Sorocaba . Với sự cho phép
của cha bề trên và đức giám mục địa phận, ngài sống quãng đời còn lại ở nữ tu
viện "Recolhimento de Nossa Senhora da Luz," mà ngài đã giúp
thành lập.
Ngài được phong chân phước ngày 25-10-1998.
Lời Bàn
Những người thánh thiện không chỉ giúp chúng ta lưu ý đến Thiên
Chúa, đến công trình sáng tạo của Người và tất cả những người mà Thiên Chúa yêu
dấu. Ðời sống của những người thánh thiện luôn hướng về Thiên Chúa đến nỗi đối
với họ đó là điều "bình thường." Người đời có thấy đời sống của bạn
và của tôi như những dấu chỉ sống động của tình yêu vững bền của Thiên Chúa
không? Chúng ta cần thay đổi gì để đạt được điều ấy?
Lời Trích
Trong bài giảng hôm lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan
Phao-lô II đã trích Thư II của Thánh Phao-lô gửi cho Timôthê (4:17), "Chúa
ở gần bên tôi và ban cho tôi sức mạnh để rao giảng lời Chúa cách trọn vẹn,"
và rồi đức giáo hoàng nói rằng Chân Phước Antôniô "đã hoàn tất lời khấn
trọn của ngài qua tình yêu và sự tự hiến cho những người bị áp bức, bị đau khổ
và những người nô lệ trong thời đại của ngài ở Brazil. Ðức tin chân chính của
một tu sĩ Phanxicô như ngài, đã phúc âm hóa tha nhân và đưa họ về với Giáo Hội,
sẽ là một khích lệ để chúng ta bắt chước 'con người của bình an và bác ái' này."
www.nguoitinhuu.comBài đọc 2
Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho
phải
Trích thư của thánh Âu-tinh, giám mục, gửi
cho Pơ-rô-ba.
Có lẽ anh còn muốn tìm hiểu tại sao thánh
Phao-lô tông đồ nói : Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho
phải, vì không thể nào tin được rằng chính người cũng như những kẻ được
người dạy bảo như thế lại không biết đến kinh Lạy Cha.
Thánh Phao-lô tông đồ cũng tỏ ra không
biết cầu nguyện thế nào cho phải ; chẳng vậy, có lẽ người đã biết cầu nguyện
thế nào, khi Thiên Chúa để cho thân xác người bị một cái dầm đâm vào, một thủ
hạ của Xa-tan vả mặt, để người khỏi tự cao tự đại về những mặc khải phi thường
người đã nhận được. Đã ba lần người xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ ấy : điều
này chứng tỏ người đã không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Cuối cùng, người
đã nghe Chúa trả lời tại sao điều một tông đồ tầm cỡ như người xin, lại không
được thể hiện và không nên được thể hiện, khi Chúa nói : Ơn của Thầy đã đủ
cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.
Vậy trong các cơn thử thách có thể vừa
sinh ích vừa gây hại, chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Nhưng vì
các cơn thử thách ấy gay go, nặng nề và đi ngược với cảm quan yếu đuối của
chúng ta, nên theo khuynh hướng chung của con người, chúng ta thường xin cất
những thứ đó khỏi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải gắn bó với Chúa là Thiên
Chúa chúng ta, để nếu Người không cất đi những thứ đó thì chúng ta cũng không nên
nghĩ mình bị Người bỏ rơi, nhưng thực ra với lòng kiên trì chịu đựng khó khăn,
chúng ta hy vọng sẽ được những sự lành lớn lao hơn. Vì như vậy, sức mạnh được
biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Những lời này được viết ra để đừng ai tự
phụ nếu được nhận lời, vì có lẽ người ấy xin một điều mà nếu được sẽ làm cho
mình đau khổ dữ dằn hơn ; hoặc vì được thành đạt mà ra hư hỏng đến nỗi sụp đổ
hoàn toàn. Vậy trong những trường hợp như thế, chúng ta không biết cầu nguyện
thế nào cho phải.
Bởi vậy, nếu có gì xảy ra trái với những
điều chúng ta cầu nguyện, thì nhờ kiên nhẫn chịu đựng và biết tạ ơn trong mọi
sự, chúng ta không được mảy may nghi ngờ rằng điều đó phải xảy ra như thế theo
ý Chúa hơn là theo ý chúng ta. Về điều này, Đấng là vị Trung Gian đã nêu gương cho
chúng ta. Sau khi nói : Lạy Cha, nếu được xin Cha cho con khỏi uống chén
này, Người liền thêm : Nhưng xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha,
Cha ơi ! Như thế, khi chấp nhận uống chén với tư cách một con người, Đấng
ấy đã làm cho ý muốn nhân loại nơi mình biến đổi. Bởi đó, đúng là qua sự
vâng phục của một người mà nhiều người được nên công chính.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
(trích
bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Năm Tuần XXIX TN-bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét