Thứ Ba sau Chúa Nhật 29 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Ep 2, 12-22
"Chính Người là sự
bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, khi ấy anh
em không có Ðức Kitô, anh em bị đặt ra ngoài cộng đồng Israel, anh em là những
người xa lạ đối với những giao ước, không được cậy trông lời hứa và cũng không
được biết Thiên Chúa ở cõi đời này. Xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong
Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự
bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường
ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật
cũ với những thể lệ, để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an,
dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi
Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình
an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ
Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.
Vì vậy, anh em không còn là
khách trọ và khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các Thánh và là
người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và
các Tiên tri, có chính Ðức Giêsu Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà
nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa; trong Người, cả anh em
cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong
Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10.
11-12. 13-14
Ðáp: Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc Người (c. 9).
Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là
Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an.
Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự
trị trong đất nước chúng tôi. - Ðáp.
2) Lòng nhân hậu và trung
thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức
trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi
điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi
trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Ga 17, 17b và a
Alleluia, alleluia! - Chúa
phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 35-38
"Phúc cho đầy tớ nào
khi chủ về còn thấy tỉnh thức".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay,
và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay
cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật
các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu
canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ
ấy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu khuyên các môn đệ
phải trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng để đón Chúa trở lại. Và Người cũng đang nói
với chúng ta hôm nay. Cuộc sống hiện tại bị chi phối bởi lo lắng áo cơm, tiền
tài, danh vọng... dễ làm cho chúng ta mất sự khôn ngoan, quên tỉnh thức, không
lo lắng cho cuộc sống vĩnh cửu. Thật vô phúc, khờ dại và đáng tiếc!
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con luôn biết chuẩn bị sẵn sàng đón chờ ngày Chúa quang lâm, bằng niềm
tin vững mạnh vào Chúa, bằng tình yêu chan hòa với anh chị em chúng con. Chỉ
trong niềm tin yêu, phó thác, chúng con mới có được sự khôn ngoan đích thực và
an bình, để trình diện với Chúa trong ngày sau hết. Amen.
(Lời Chúa
trong giờ kinh gia đình)
Tỉnh Thức
(Lc 12,35-38)
Suy Niệm:
Tỉnh Thức
Trong quyển truyện có tựa đề:
"Con Ðức Mẹ" xuất bản tại Hà Nội dạo tháng 8/1990, tác giả đã miêu tả
sinh hoạt của một giáo xứ miền Bắc một cách ấu trĩ như sau: Tình yêu giữa vợ
chồng, cha mẹ, con cái đôi khi không cần thiết, không thiêng liêng cho bằng mối
tình đối với Ðức Maria. Lòng tôn sùng đối với Ðức Mẹ chỉ là một thứ bịa đặt lừa
bịp của Giáo Hội. Sinh hoạt giáo xứ chỉ là những biểu dương bề ngoài, cuồng
tín, người giáo dân càng sùng đạo, thì càng là thành phần bất hảo trong xã hội.
Bất cứ độc giả nào cũng có
thể nhận thấy giọng điệu bôi bác ấu trĩ của tập truyện. Tuy nhiên, với thái độ
tỉnh thức mà Chúa Giêsu không ngừng mời gọi, người Kitô hữu hãy nhận lấy một
phần trách nhiệm trong việc gây ngộ nhận nơi nhiều người ngoài Kitô giáo. Sự
thiếu sót giữa niềm tin và cuộc sống hằng ngày; sự hăng hái sinh hoạt giáo xứ,
nhưng lại bỏ qua những đòi hỏi của công bằng, bác ái, tình liên đới; đó là
những hình ảnh méo mó mà chúng ta tạo ra cho Giáo Hội.
"Anh em hãy thắt lưng
cho gọn, thắp đèn cho sẵn". Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức. Có lẽ
chúng ta rất tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ
trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ, nhưng
luôn thức tỉnh chúng ta, bởi vì đạo là đường để đi. Người chăm chú đi đường
không thể ngủ gật, trái lại luôn mở mắt để nhìn thấy cảnh trí chung quanh, để
nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với người khác.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta hãy tỉnh táo để nhận ra Nước Trời đang đến trong từng giây phút. Chúng
ta hãy sống thế nào để đạo lý và Giáo Hội không bị hoen ố, nhưng được trình bày
bằng những hình ảnh cao đẹp nhất của công bằng, bác ái, yêu thương.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ BA TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Bài đọc: Eph 2:12-22; Lk
12:35-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Gương phục vụ của Đức Ki-tô.
“Con người đến không phải được phục vụ,
nhưng…” Bài đọc I liệt kê tất cả những gì con người được hưởng qua sự phục vụ của
Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hứa Ngài sẽ phục vụ tất cả những ai trung
thành với sứ vụ Ngài đã trao.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô đã hòa giải con
người với nhau và với Thiên Chúa.
1.1/ Khác biệt giữa người Do-Thái và Dân Ngọai: Người Do-Thái tự hào
là Dân Riêng của Thiên Chúa, tự hào vì Lề Luật của Thiên Chúa ban cho, và tự
hào vì được chính Thiên Chúa lãnh đạo. Những đặc quyền này làm cho họ khinh
thường các dân tộc khác và không muốn sống chung với Dân Ngọai trong bất cứ hòan
cảnh nào. Thánh Phaolô, mặc dù là Tông Đồ của Dân Ngọai, nhận ra có 4 sự khác
biệt giữa người Do-Thái và các Dân Ngọai: Thuở ấy (trước khi Đức Kitô đến) anh
em:
(1) không có Đấng Kitô: Lời hứa của Thiên
Chúa sẽ ban Đấng Thiên Sai được làm với người Do-Thái. Tước hiệu “Kitô” trong
tiếng Hy-Lạp có nghĩa “Đấng được xức dầu.”
(2) không được hưởng quyền công dân Israel : Các dân tộc khác đều
được xếp lọai là Dân Ngọai; vì thế, không được hưởng những đặc quyền như những
công dân Do-Thái.
(3) xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của
Thiên Chúa:
Thiên Chúa đã ký kết nhiều giao ước với người Do-Thái qua các tổ phụ của họ.
Những giao ước này hòan tòan xa lạ với các Dân Ngọai.
(4) không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở
trần gian này: Không có Thiên Chúa là không có hy vọng được sống. Đối với các
Dân Ngọai, chết là hết.
1.2/ Công cuộc hòa giải của Đức Kitô: Ngài đã làm cho cả
người Do-Thái và Dân Ngọai 5 việc như sau:
(1) Mang hai bên lại gần nhau: “Trước kia anh em là
những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh
em đã trở nên những người ở gần.” Dân Ngọai là những người ở xa, nhờ Đức Kitô,
đã được nhập đòan cùng với người Do-Thái, những kẻ ở gần.
(2) Hy sinh thân mình để xóa bỏ thù ghét và làm
hai bên nên một: “Người đã liên kết đôi bên, dân Do-Thái và Dân Ngoại, thành
một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.”
Bức tường ngăn cách thể lý đây có thể được nhìn thấy trong Đền Thờ Jerusalem,
nơi mà nếu bất cứ người Dân Ngọai nào vượt qua bức tường này, họ sẽ bị tử hình
bởi người Do-Thái.
(3) Hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới
luật:
“Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập
hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản
thân Người.” Để được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ cần
đặt niềm tin vào Đức Kitô và giữ các điều Ngài dạy.
(4) Hòa giải con người với Thiên Chúa: “Nhờ Thập Giá, Người đã
làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên
Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.” Con người phải hòa giải với nhau
trước khi họ có thể hòa giải với Thiên Chúa. Đức Kitô không chỉ giúp cho con
người hòa giải với nhau, mà còn giúp cho con người hòa giải với Thiên Chúa nhờ
cái chết của Ngài trên Thập Giá.
(5) Mang bình an: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an:
bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần.” Sự kiện
này đã được nhìn thấy trước bởi tiên tri Isaiah (57:19): Dân Ngọai trở thành
những người ở gần (người Do-Thái) nhờ việc hòa giải của Đức Kitô. “Thật vậy,
nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà
đến cùng Chúa Cha.”
1.3/ Hậu qủa của việc hòa giải: Thánh Phaolô dùng 2
hình ảnh để nói lên 2 đặc quyền con người được hưởng sau khi được hòa giải bởi
Đức Kitô:
(1) Con người trở nên người nhà của Thiên Chúa: “Vậy anh em không còn
phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người
thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa.” Trong một quốc gia, người
ngọai quốc không được hưởng những đặc quyền của người thường trú, và những
người thường trú không được hưởng những đặc quyền của người công dân. Cũng như
vậy đối với Dân Ngọai, trước khi Đức Kitô đến, họ là những người xa lạ đối với
Dân Thánh (Israel); nhưng khi Đức Kitô đến, Ngài đã làm cho họ trở nên những
người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa.
Vì thế, họ cũng được hưởng đầy đủ mọi đặc quyền như những người trong nhà.
(2) Con người trở nên những viên gạch của Đền
Thờ Thiên Chúa: Trong Đền Thờ này, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với
nhau: Đá Tảng Góc Tường là chính Đức Kitô Giêsu, nền móng là các Tông Đồ và
ngôn sứ, còn tất cả mọi người là những viên gạch được xây dựng thành ngôi nhà
Thiên Chúa ngự, nhờ Thánh Thần.
2/ Phúc Âm: Đức Kitô sẽ phục vụ các đầy tớ trung
thành.
2.1/ Sẵn sàng bằng cách hòan tất các bổn phận
Chúa trao:
Để đánh giá con người có trung thành với Thiên Chúa hay không, Chúa Giêsu dùng
ví dụ một ông chủ giao nhà cho các đầy tớ trông coi để đi ăn cưới: “Anh em hãy
thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới
về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” Vì tiệc cưới của người
Do-Thái thường hay xảy ra ban đêm và không có giờ giấc rõ rệt, nên đòi những
người có trách nhiệm luôn phải sẵn sàng và nhất là luôn có đèn sáng trong tay.
Đêm tối là lúc con người ít chuẩn bị nhất, và hầu hết các họat động bất chính
đều xảy ra ban đêm. Vì thế, để đánh giá sự chuẩn bị của các đầy tớ, ông chủ trở
về bất chợt lúc ban đêm.
2.2/ Đức Kitô sẽ phục vụ các đầy tớ trung thành: Chúa Giêsu tuyên bố:
“Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ.
Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng
người mà phục vụ.” Lời tuyên bố của Chúa không bình thường vì việc phục vụ là
việc của các đầy tớ; nhưng đây là phần thưởng dành cho các đầy tớ trung thành.
Nếu con người trung thành trong việc phục vụ tha nhân, con người cũng sẽ được
phục vụ bởi Đức Kitô trong vương quốc của Ngài, như Ngài đã từng phán: “Con
Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá
cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20:28).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Những sự khác biệt đã tạo nên bất đồng, thù
ghét, và chiến tranh giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc
gia kia, giữa con người và Thiên Chúa.
- Sự hiện diện của Chúa Kitô xóa tan những sự
khác biệt. Ngài đến để hòa giải bằng cách tiêu diệt mọi bất đồng giữa con người
với con người, giữa quốc gia này với quốc gia kia, giữa con người và Thiên
Chúa.
- Chưa hết, Ngài còn hứa sẽ phục vụ hết tất cả
những ai trung thành với ơn gọi trong vương quốc của cha Ngài.
Lm.An-tôn Đinh Minh
Tiên, OP.
Thứ Ba tuần 29 thường niên
Sứ điệp: Ta phải luôn luôn sẵn sàng đón chờ Chúa trở lại bằng cách
chu toàn bổn phận của một đầy tớ phục vụ Chúa. Nhưng khi Chúa đến, Chúa sẽ nâng
ta lên cao và ân thưởng bội hậu cho ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa
luôn yêu thương con hơn con đáng được, và luôn ban cho con những ân huệ hơn con
dám mơ ước. Con là phận một đầy tớ, làm sao dám nghĩ rằng Chúa là Thầy và là
Chúa của con, mà lại trở nên người phục vụ hầu hạ con. Làm sao con có thể hình
dung được rằng Chúa là Thiên Chúa mà lại trở nên đầy tớ của con. Nhưng Chúa đã
quả quyết như vậy và dám sống như vậy. Ở đời này Chúa là người rửa chân cho môn
đệ, là kẻ tôi tớ hy sinh vì người khác, vì thế khi trở lại, Chúa cũng vẫn muốn
là người đầy tớ đi lại phục vụ, trong lúc con được ngồi ăn trong bàn tiệc Nước
Trời.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã nâng con lên địa vị
cao trọng. Chúa không còn gọi con là đầy tớ, nhưng gọi con là bạn hữu. Xin Chúa
giúp con biết sống xứng đáng với tình thương Chúa. Xin cho con biết quý trọng
tình thân mật này. Chúa là Chúa mà đã chẳng ngần ngại phục vụ con, thì xin cho
con là phận đầy tớ biết tận tụy phục vụ Chúa trong hân hoan. Dù có phải hy sinh
để làm theo Ý Chúa, dù có phải vất vả để chu toàn bổn phận với Chúa, thì cuộc
đời làm tôi phụng sự Chúa vẫn chẳng sánh được với những hồng ân mà Chúa đã và
sẽ dành cho con. Xin Chúa giúp con trung thành phụng sự Chúa.
Và lạy Chúa, xin giúp con nhìn vào gương Chúa để
con biết phục vụ anh chị em. Xin dạy con sống khiêm tốn và biết tôn trọng họ.
Xin cho con được luôn mang lấy tâm tình của người đầy tớ như Chúa. Amen.
Ghi nhớ :"Phúc cho đầy tớ nào khi
chủ về còn thấy tỉnh thức".
23/10/12 THỨ BA TUẦN 29 TN
Th. Gioan Capétranô, linh mục
Th. Gioan Capétranô, linh mục
Lc 12,35-38
TỈNH THỨC SẴN SÀNG
“Anh em hãy thắt lưng
cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để
khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,35-36)
Suy niệm: Người Do-thái thường tổ chức tiệc cưới lớn, ăn uống dây dưa
suốt mấy ngày đêm, có khi kéo dài cả tuần lễ. Vì thế, ngồi đợi chủ đi ăn cưới
trở về không phải chuyện dễ. Có thể chủ về nửa đêm hay giữa ban ngày, có thể
ông về khi đầu hôm hay lúc tảng sáng. Nhất là khi chủ đi ăn cưới xa thì không
biết ngày nào ông mới về và về giờ nào. Do đó, muốn đợi chủ đi ăn cưới về thì
phải sẵn sàng dầu đèn, tư thế sẵn sàng để phục vụ. Phong thái này, người ta vẫn
thường nói tới như là tư thế sẵn sàng, sống trong tỉnh thức. Nghĩa là, bất cứ
khi nào Chúa đến, con người ấy vẫn luôn sẵn sàng đón Ngài.
Mời Bạn: Chúa Giêsu muốn những ai tin Ngài đều sống với tinh thần
này, sẵn sàng chờ Ngài lại đến. Ngài sẽ đến bất chợt như ông chủ đi xa trở về.
Vì chẳng ai biết được vào ngày nào, giờ nào Chúa sẽ đến, nên chúng ta được mời
gọi sống tỉnh thức, sẵn sàng chờ đón Chúa mỗi ngày, mỗi giây phút của cuộc sống
chúng ta.
Chia sẻ: Chia sẻ một kinh nghiệm sống tỉnh thức, cách thực hành cụ
thể nào đã làm để chứng tỏ sự sẵn sàng chờ Chúa.
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay tôi sống tỉnh thức bằng cách chu toàn các việc
bổn phận đạo đức (thánh lễ, đọc kinh...) và đời thường (lao động, việc gia
đình...) một cách chu đáo, tốt đẹp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Cứu thế, giờ này đây, xin hãy đến và gõ cửa
hồn con. Xin thúc đẩy lòng con để con ao ước Chúa đến mỗi ngày. Xin Chúa đến và
ở lại với con, ngõ hầu con được ở với Chúa và để con luôn có Chúa ở trong con.
Amen.
Chủ sẽ phục vụ
Kitô
hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến. Chờ một cách
tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.
Suy niệm:
Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ,
và làm việc trong một đời?
Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con
số khá chính xác.
Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ?
Có thứ chờ tính được bằng thời gian.
Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim
mong ngóng.
Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ
nhau.
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ
được giải Nobel 1969,
có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là
Godot.
Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng
chẳng nhận ra.
Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã
không đến.
Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý
của đời người.
Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra.
Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong
cuộc sống.
Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới
về.
Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái
nóng.
Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ,
nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên.
Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên,
thụ động.
Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho
sáng” (c. 35).
Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc,
vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng,
và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn
cháy sáng.
Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ
về.
Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng
đến giây phút này.
Lỡ giây phút này là lỡ tất cả.
“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c.
36).
Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn
sàng,
áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ,
đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm.
Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các
đầy tớ.
Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều.
Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ
lại phục vụ các anh.
“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,
và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).
Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã
thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.
Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa
anh em như người hầu bàn.
Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ
lẽ ra đang yên ngủ.
Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần
sáng (c. 38).
Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm
muộn chắc chắn sẽ đến.
Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm
việc dưới ánh đèn.
Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong
đêm.
Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một
tiếng gọi.
Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa
phục vụ con người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu
nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể
tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã
bỏ mất :
Khi chờ
một người bạn,
chờ đèn
xanh ở ngã tư,
chờ món
hàng đang được gói.
Khi lên
cầu thang,
khi đến
nơi làm việc,
khi kẹt
xe,
khi cúp
điện bất ngờ.
Thay vì bực
bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra
những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.
(gợi hứng
từ Madeleine Delbrêl)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Phúc
cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức".
Hạnh Phúc Của Nước Trời
Hôm
nay, Chúa Giêsu tiếp tục cho chúng ta nghe về những dụ ngôn báo trước hạnh phúc
của nước Trời. Ngài kêu gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng cho giây phút Chúa
Cha gọi chúng ta về nhà Người và Ngài đã dùng hình ảnh của ông chủ và người đầy
tớ. Thật ra, không bao giờ Thiên Chúa muốn coi chúng ta là đầy tớ đâu, nhưng ở
đây hình ảnh này được sử dụng để giúp cho chúng ta dễ nhận ra sứ điệp của lời
Chúa mà thôi. Dĩ nhiên, tự bản chất thụ tạo, chúng ta bất trung và chúng ta chỉ
xứng đáng là đầy tớ nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta là con như Chúa
Giêsu là Con của Chúa Cha. Vì là con nên chúng ta biết mình có chỗ trong nhà
Cha, là con nên chúng ta biết mình không thể đi hoang, là con nên chúng ta biết
dù gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được thụ hưởng gia tài của người cha.
Trong
một câu chuyện cổ tích nọ, người cha già muốn cho các con mình ra đi để cứu
nhân độ thế và ước mơ của ông là các con ông làm được nhiều việc thiện, nhiều
việc tốt để mang lại lợi ích cho nhiều người, để sau khi kết quả trở về trong
hân hoan vì những thành quả của các con mình.
Thiên
Chúa sai chúng ta đến với mọi người trong trần gian này cũng với một sứ mệnh
tương tự như sứ mệnh của những người con trong câu chuyện cổ tích trên. Chúng
ta hãy sống yêu thương, bác ái để làm cho cuộc sống anh chị em của mình được
hạnh phúc, vì Thiên Chúa đã đến trần gian để mong mang lại hạnh phúc cho mọi
người.
Lạy
Thiên Chúa,
Xin
giúp chúng con luôn ý thức sẵn sàng như những người đầy tớ khôn ngoan luôn chờ
đợi chủ. Sự đợi chờ của chúng con được thể hiện bằng tất cả nỗ lực mang tình
yêu thương của Cha đến cho mọi người, với ước mơ được cùng tất cả anh chị em
con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng Cha trên quê trời.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay.” (Lc. 12, 35-36)
Trong đời sống con người, Đức Giêsu tự tỏ mình ra bằng nhiều cách khác nhau xuyên qua những biến cố. Kitô hữu phải luôn sẵn sàng nhận ra Người, đón rước và đi theo Người. Người dẫn ta đi đâu, đến đâu ta không biết. Như Thiên Chúa đã nói với tổ phụ Áp-ra-ham: Con hãy đứng dậy, lìa bỏ tất cả và sẽ đi đến xứ sở Ta chỉ cho con. Ông đi đến hết chỗ này qua chỗ khác hướng về nơi không biết. Ước chi Kitô hữu học lấy bài học tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng theo thánh ý Chúa như ông Áp-ra-ham.
Sẵn sàng đón rước Chúa đến:
Đức Giêsu bảo các môn đệ phải luôn luôn thắt lưng để lo phục vụ, nghĩa là sẵn sàng làm việc hay chuẩn bị lên đường trong mọi hoàn cảnh. Luôn luôn sẵn sàng lên đường như dân Do thái chuẩn bị hành trình trở về đất hứa để mừng lễ Vượt qua, lễ đón mừng Đấng Thiên sai cứu thế.
Đức Giêsu còn nói hãy cầm đèn cháy sáng để mở ngay cho chủ lúc chủ đi ăn cưới về, dù chủ có về trễ. Đó là lời khuyên bảo phải luôn luôn mau lẹ đáp lại tiếng Chúa gọi trong mọi biến cố, mọi cảnh ngộ. Trong Thánh kinh, trong kinh nguyện, mọi nơi, mọi lúc, Chúa đều thông dịch cho chúng ta hiểu qua hành động, qua dấu chỉ thời đại, vì Người luôn luôn bước tới ngày quang lâm để dẫn đưa chúng ta đi với Người.
Phúc cho những ai chủ thấy vẫn tỉnh thức, những ai chiến đấu kiên cường chống lại những dục vọng và những ươn hèn của xác thịt đang ru ngủ họ trong u mê tăm tối. Và đặc biệt hạnh phúc hơn nữa cho những ai vẫn luôn luôn sẵn sàng chờ đợi dù còn lâu Chúa mới đến.
Lãnh nhận phần thưởng:
Mỗi lần gặp Chúa là mỗi lần Kitô hữu được bình an và hạnh phúc, nhờ đó họ càng tỉnh thức, sống tỉnh táo hơn. Phần thưởng sau cùng là được mời vào tham dự tiệc nước trời. Những người vẫn luôn luôn tỉnh thức tới cùng sẽ được mời vào đồng bàn với Chúa, được Chúa chia sẻ vinh quang của Ngài đến muôn đời.
RC.
Ngày 23
Thánh Gioan
Capétranô, linh mục
Thánh thiện là nên niềm vui cho người khác, là làm cho
cuộc đời tươi đẹp hơn. Sự thánh thiện là một không gian nơi biểu lộ sự tự do,
là dẫn đưa môi người khám phá ra rằng chúng ta có trách nhiệm về định mệnh của
Thiên Chúa.
Khó nghèo theo Tin Mừng là sự cao cả đích thực duy nhất: chỉ cao cả khi tự hiến dâng; và yêu
thương là thành rỗng không, là nghèo về chính mình, là làm cho mình thành một
không gian nơi mỗi người có một chút nghỉ ngơi.
Không bao giờ chúng ta có thể là sự nghèo khó nguyên thuỷ
như Thiên Chúa, nhưng chúng ta có thể độ lượng hơn
trong sự trần trụi của chúng ta. Không bao giờ chứng ta có thể khó nghèo như
Thiên Chúa.
Thiên Chúa mòi gọi chúng ta đến với hạnh phúc thật, đến
với niềm vui của sự dâng hiến trọn vẹn, bởi vì Người muốn sự cao cả của chúng ta và Người làm
cho nó đầy tràn, khi giao phó cuộc đời của Người cho chúng ta và đặt trong tay
chúng ta định mệnh của Người trong lịch sử.
Bởi vì, thật
ra, Thiên Chúa không thể là một thực tại của lịch sử, tôi muôn nói, là một sự
hiện diện trong lịch sử, một sự hiện diện trên đường đi, một sự hiện diện mà ai
trên đường phố cũng có thể nhận ra. Thiên Chúa không
thể là một thực tại của lịch sử, nếu sự hiện diện của Người không qua chúng ta.
Maurice Zundel
Hạnh Các Thánh
Ngày 23 tháng 10
THÁNH GIOAN
CAPISTRANÔ HIỂN TU
|
Nói
đến những nhân vật xuất sắc đã mang tâm huyết hãn ngữ đoàn quân Hồi giáo giữa
thế kỷ thứ XV, người ta không thể quên thánh Gioan Capistranô. Thánh nhân
xuất thân trong một gia đình trung lưu thuộc dòng tộc Abruzaes. Được cha mẹ
cho theo đuổi bút nghiên từ thuở nhỏ và được dưỡng dục chu đáo, nên khi
trưởng thành, Gioan là một thanh niên trí thức, tài ba và đức độ. Sống vào
quãng tiền bán thế kỷ XV, thánh nhân đã được chứng kiến những cuộc thăng trầm
của tôn giáo và xã hội.
Thế kỷ
XV là thế kỷ mà Giáo hội phải đương đầu với nhiều thử thách phũ phàng. Trong
đó chúng ta thấy một trận giông tố hòng lấn át Giáo hội, đó là cuộc xâm lăng
và cuộc tàn phá ghê rợn của Hồi giáo. Mahômét II đem đại quân sang bách hại
người công giáo Âu châu. Sau khi đã chiếm được thành
Hưởng
ứng lời kêu gọi của vị Cha chung, Gioan hăng hái đứng ra thiết lập đạo binh thánh
giá chống đoàn quân Hồi giáo hùng hậu đang lăm le lật đổ kinh thành ánh sáng
và tiêu diệt tín hữu Chúa. Với lời cầu nguyện của toàn thể Giáo hội và tinh
thần thượng võ của đoàn quân thánh giá, thánh Gioan đã chiến thắng quân thù
tại mặt trận
“Lạy
Chúa, Chúa đã dùng thánh Gioan để giúp đoàn chiên Chúa chiến thắng quân
thù... Ước chi nhờ lời thánh nhân bầu cử, xin gìn giữ chúng con thoát mưu mô
địch thù thiêng liêng, để chúng con xứng đáng đón nhận triều thiên do bàn tay
công bình Chúa”.
Đó là
ý nghĩa bài kinh trong ngày lễ kính thánh Gioan Capistranô, một nhân vật đã
đem hết sinh lực và tài trí để hãn ngữ Hồi giáo thế kỷ XV.
Nhân
dịp mừng lễ thánh nhân, Giáo hội muốn thúc giục chúng ta phải thâm tín vào uy
quyền toàn năng Chúa. Ngài luôn luôn sẵn sàng giúp chúng ta chiến thắng ma
quỷ. Ước gì mỗi người chúng ta noi gương sáng ngời của thánh nhân, đem tài
trí và sinh lực phụng sự Chúa trong mọi hoàn cảnh, tình huống của thời đại.
|
Phaolô Tống Viết Bường (1773 – 1833)
Phaolô Tống
Viết Bường, Sinh tại Phủ Cam, Huế, Giáo dân, Quan Thị Vệ, bị xử trảm ngày
23/10/1833 tại Thợ Ðức dưới đời vua Minh Mạng. Ngày 27.5.1900, ông Phaolô
Tống Viết Bường được Đức Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào
ngày 23/10.
|
Hiến lễ
trong đêm.
Thánh Phaolô Tống
Viết Bường, trường hợp đặc biệt bị xử trảm về đêm. Ngài là viên quan thị vệ
có nhiều công trạng với vua Minh Mạng, nên Vua muốn cuộc hành hình phải diễn
ra thật âm thầm, ít người biết đến. Năm giờ chiều, "Tử tội" mới
được báo tin giờ xử, nhưng chính lúc ấy, ông đội Bường lại coi là một cơ may
"Có một không hai" cho mình. trên đường ra pháp trường vào buổi
chiều cuối tháng mười "chưa cười đã tối" đó, ông tìm cách đi chậm lại,
và nói với đám lý hình (trước vốn thuộc quyền ông ): "Các chú đi chi mà
nhanh rứa, tôi biết đường mà, không sợ lạc mô".
Và thực ra, trời
thì tối, cầu thì hẹp, lại đúng lúc nước sông đang lên, nên đường rất khó đi.
Đàng khác, ông Bường chủ ý tìm đến nền cũ nhà thờ Thợ Đúc, xin được chết tại
dây. Quan đồng ý ban cho ông như lời ước nguyện. Chính nơi đây, đã từng bao
năm tháng, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến, các tín hữu tụ họp
dâng lên hiến lễ tối cao là Đức Giêsu, thì lúc này dưới ánh sáng của những
ngọn đuốc bừng cháy, ông đội cũng dâng lên Chúa chính mạng sống mình. cho đến
ngày nay, ông vẫn sống mãi trong tâm thức của mọi tín hữu Thợ Đúc, cũng như
Giáo Hội Việt
Giã từ
quan trường vì đức tin
Phaolô Tống viết
Bường sinh khoảng năm 1773 tại Phủ Cam, Phú Xuân (Huế), trong một dòng tộc
Công Giáo lâu đời, cũng là dòng tộc có nhiều quan lớn, dưới triều vua Lê,
chúa Nguyễn. Thân sinh ông là Nicôlas Tống Viết Giảng và bà Maria Lương. Vì
tổ tiên đều làm quan nên đến khi trưởng thành, ông được chọn là lính thị vệ.
Với đời sống liêm khiết và đức độ, sau một thời gian, ông được thăng chức
đội, và được nhà Nguyễn tuyển vào làm thị vệ hoàng cung. Vua Minh Mạng rất
hài lòng về việc phục vụ cần mẫn và nhiệt tâm của ông. Ông có hai đời vợ,
sinh hạ được tất cả 12 người con.
Vào năm 1831, giặc
Đá Vách ở Quảng
Thế là ông Đội
Bường đã phải trả giá cho lời tuyên xưng niềm tin của mình. vua Minh Mạng
thịnh nộ trách mắng thậm tệ và dọa đem đi chém đầu. Một số quan chức có cảm
tình với ông đội, đứng ra can gián, nhà vua vẫn chưa nguôi giận, cho lệnh
đánh ông 80 roi, tước hết chức quyền, và giáng xuống làm lính trơn. Dù vậy,
ông Bường vẫn vui vẻ tiếp tục phục vụ nhà vua.
Vẹn chữ
trung với Chúa
Hơn một năm sau,
khoảng cuối tháng 12 năm 1832, khi chuẩn bị ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc,
vua Minh Mạng đòi kê khai những người công Giáo trong hàng ngũ thị vệ. Lúc đó
các quan mới phát hiện ra nhiều thị vệ nghe lời "quyến rũ" của ông
đội Bường vừa gia nhập đạo. Thế là ông Bường và 11 binh sĩ khác có tên trong
danh sáh được trình lên. Năm người sợ qúa bỏ đạo, còn bẩy người vua hạ lệnh
tống giam vào ngục tối tăm hôi hám tại trấn phủ. Mỗi người phải đeo gông nặng
gần bảy mươi ký, chân thì bị xiềng sắt xích chặt.
Thời gian đầu, cứ
độ mười ngày một lần, ông Bường bị đem ra tra khảo về niềm tin. Lần nào quan
cũng hỏi : "Có bỏ đạo không?" Và lần nào cũng trả lời: "Lâu
nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên vạn vật, lẽ nào bây giờ tôi lại bỏ
Chúa tôi?" Hậu quả mỗi lần thưa như vậy là 20 đòn rách da xé thịt, nhưng
người chiến sĩ của Chúa không than trách một lời. Với chí khí một người lính
kiên cường, ông tỏ ra sẵn sàng chịu những hình khổ cay nghiệt hơn nữa. Có lần
ông nói với bạn hữu đến thăm rằng : "Kiếm cho tôi cái gì nặng hơn chứ
gông xiềng tôi còn nhẹ. Người ta còn đánh đập tôi ít quá, tôi tưởng được chịu
nhiều hơn nữa kia".
Bốn lần quân lính
khiêng qua Thập Giá, ông đều mạnh mẽ chống cự đến cùng. Lần kia, quan bắt
lính kéo chân ông chạm vào Thập Gía, ông phản đối : "Việc này do quan
làm, chứ tôi không bao giờ làm như thế". Quan tức giận truyền đánh tàn
nhẫn hơn mọi lần khác.
Đàn áp không được,
các quan quay qua dụ dỗ. Quan Hình Bộ Thượng thư Võ Xuân Cần tha thiết khuyên
ông chiều theo ý vua "bỏ đạo lúc này thôi, rồi sau sẽ hay, muốn làm gì
thì làm". Nhưng ông trả lời: "Quan lớn có lòng thương tôi thì tôi
cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ Trung với Chúa Trời".
Trong nhà giam,
ông thường khuyên các bạn bị bắt hãy kiên tâm bền chí, trông cậy và cầu
nguyện Đức Mẹ luôn, để được vững lòng chịu khổ đến cùng, vác Thập Giá theo
Chúa Giêsu. Càng bị đau khổ, đời sống thiêng liêng của ông càng gia tăng. Mỗi
ngày ông siêng năng cầu nguyện, suy gẫm và đọc kinh Mân Côi. Mỗi tháng nhờ
các linh mục cải trang vào thăm, ông đều xưng tội và đón nhận Mình Thánh
Chúa. hai linh mục An và Vững thay nhau vào khích lệ ông. Thừa sai Jaccard
Phan cũng gửi thư an ủi động viên ông. Một lần, ông sáng tác được một bài thơ
gửi cha An, biểu lộ lòng trung kiên sắt đá, coi mọi khổ đau là "niềm vui
trong Chúa".
Đường về
trời
Thấy không thể lay
chuyển đức tin của người môn đệ Chúa Kitô, quan Thượng thư Bộ Hình liền xin
nhà vua tuyên án. Vua trả lời: "Cần gì bản án, cứ việc tra tấn không
ngừng, nếu nó không chịu đạp lên Thập Tự thì cứ việc đánh cho chết, rồi vất
ra ngoài thành là xong".
Lần thứ hai các
quan tâu lại, vua Minh Mạng mới chấp thuận châu phê bản án trảm quyết, treo
đầu ba ngày để làm gương cho kẻ khác. Tuy nhiên, vua vẫn chưa cho thi hành ngay,
có ý chờ "người tôi trung" của mình xin ân xá. Các quan nói ý vua
cho đội Bường, nhưng ông quyết liệt từ chối. của mình xin ân xá. Các quan nói
ý vua cho đội Bường, nhưng ông quyết liệt từ chối.
Thế là ngày
23.10.1833, lúc năm giờ chiều quân lính báo tin cho ông đội biết giờ hành xử
đã đến. Ông bình thản giã từ sáu người bạn cùng bị bắt (cả sáu người này về
sau cũng bị tử hình, ông nói : "Xin anh em thêm lời cầu nguyện, để tôi
lãnh nhận Thánh ý Chúa. Đừng lo cho tôi, anh em hãy luôn đi theo đường lối của
Chúa".
Trên đường ra pháp
trường, lấy cớ bị trói và mang gông nặng, ông đội kéo dài thời gian đi
chuyển, để được chém trên một nền nhà thờ Thợ Đúc. Dọc đường, ông gặp mặt con
gái, đã về nhà chồng ở họ Thợ Đúc, tuy không nói với nhau lời nào, nhưng trong
ánh mắt hai cha con, dạt dào biết bao tình cảm xúc động.
Dưới ánh sáng bừng
bừng của những ngọn đuốc, ông đội được tháo gông, cởi trói và tự do trong ít
phút, ông tiến lên vài bước, bình tĩnh đứng nhìn lần cuối cùng những mái nhà
thân thương của giáo xứ vây quanh nền nhà thờ hoang tàn. Rồi bước lên chiếc
chiếu do một bạn cũ tên Thục ở Phủ Cam đưa cho lính trải. Ông quỳ xuống cầu
nguyện giây lát, và ra lệnh cho lính thi hành án xử. Quân lính trói tay ông
lại và vung gươm chém rơi đầu người chiến sĩ đức tin kiên cường. Thủ cấp ông
bị bêu ba ngày ở nhà thờ Thợ Đúc, còn thi hài vị tử đạo được án táng ở họ Phủ
Cam.
Ngày 27.5.1900,
ông Phaolô Tống Viết Bường được Đức Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn từ thư
viện Đa Minh
Trường
thi tử Đạo.
Thánh Phaolô Tống
Viết Bường
Sinh năm Quý Tỵ (1773) quê Phường Phú Cam Võ quan triều Nguyễn đảm đang Cấm binh đội trưởng giỏi giang chẳng vừa Nhiều năm có kẻ cáo vua Ông người theo đạo đơn thưa đệ trình Ðức vua đã triệu vào kinh Võ Quan phải nói phân minh rõ ràng Giặc về vách đá Quảng Nam Quân ta toàn thắng, giặc hàng rất đông Khanh viếng Chùa Non Nước không Võ Quan chẳng ngại Thần không viếng Chùa Thần xin khẳng định với vua Tôi theo Công giáo thắng thua ý trời Minh Mạng truyền lệnh khắp nơi Ai người Công giáo hãy thời khai ra Viết Bường bị nhốt không sai Vui lòng chấp nhận không nài, chẳng xin Phượng thờ Thiên Chúa tôi tin Dựng nên vạn vật khắc in thế trần Trận đòn đau đớn mỗi lần Mười hai hèo đánh dập thân Viết Bường Một quan đồng ngũ thấy thương Gông xiềng tôi giúp cho Bường nhẹ hơn Người chiến sĩ đã cảm ơn Xin quan giúp đỡ nặng hơn cho mình Ðầy thương tích đòn lý hình Kiên cường ông nói, giúp mình nặng thêm Bốn lần lính khiêng ông lên Ðưa qua Thánh Gía ở trên ảnh Người Ông liền mạnh dạn nói lời Quan quân làm vậy chẳng thời phải tôi Võ Xuân Cẩn tô bồi bỏ đạo Theo ý vua thấu đáo nghĩa tình Rồi sau tùy ý đệ huynh Cảm ơn, ông nói, giúp mình chữ trung Sống trọn vẹn Tin mừng bền vững Xin Mẹ thương con đứng hiên ngang Tuyên xưng đạo Chúa sẵn sàng Vác cây Thập Giá theo đàng khổ đau Lòng sắt đá trước sau như một Chẳng chuyển lay bị nhốt xà lim Hy sinh vì Chúa hướng tìm Cho con ơn phúc trái tim nhân lành Lệnh trảm quyết ban hành đã tới Ông câu giờ, ranh giới nhà thờ Pháp trường Thợ Ðúc hằng mơ Ðến đây trời tối phải nhờ đuốc soi Lệnh ngừng lại tiếng còi báo hiệu Tống Viết Bường lính điệu giữa sân Nguyện cầu xin Chúa Thánh Thần Lính vung gươm chém xác thân lìa đầu Tại Thợ Ðúc treo đầu cho khiếp Theo lệnh vua trảm quyết Viết Bường Ba ngày thảm thiết đau thương Viết Bường chiến sĩ hành hương Nước Trời Rồi sau đó di dời an táng Ðưa thi hài về mạn Phú Cam Nơi đây chôn cất đoàng hoàng Anh hùng tử đạo Thiên Ðàng vinh quang Ông phục vụ vào hàng cần mẫn Về gia đình lận đận hai bà Mười hai con giỏi tài ba Hồng ân Chúa xuống toàn gia phúc lành Thuộc dòng tộc nhiệt thành Công giáo Thật mẫu gương tốt đạo đẹp đời Viết Bường tử đạo rạng ngời Vững tin cậy mến ngàn đời lưu danh Phúc tử đạo hùng anh Quý Tỵ (1833) Một võ quan cũng bị bay đầu Chứng nhân Thiên Chúa nhiệm mầu Suy tôn Canh Tý (1900) lên chầu Thiên cung Lời bất hủ: Vua hỏi ông Bường: "Lệ thường dẹp giặc xong rồi thì phải vô Chùa lễ bái, tại sao khanh không đi?". Ông Bường thẳng thắn trả lời: "Vì hạ thần theo đạo Công giáo". Vua Minh Mạng thịnh nộ trách mắng thậm tệ, doạ đem chém đầu. Ông bị thường xuyên tra hỏi, mỗi lần ông đều trả lời: "Lâu nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên vạn vât, lẽ nào bây giờ tôi lại bỏ Chúa tôi!". Có lần ông trả lời: "Quan lớn có lòng thương thì tôi cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ Trung với Chúa Trời". |
Thứ Ba 23-10
Thánh Gioan ở Capistrano
(1385-1456)
N
|
gười ta thường nói các thánh là những người lạc quan nhất thế
giới. Các ngài không bị mù quáng bởi sự dữ hay hậu quả của nó, nhưng các ngài
luôn đặt niềm tin vào quyền năng ơn cứu độ của Ðức Kitô. Sức mạnh hoán cải của
Ðức Kitô không chỉ ảnh hưởng đến người có tội mà còn ảnh hưởng cả đến các tai
họa.
Thế kỷ 14 là thời kỳ hỗn loạn về đạo cũng như đời. Một phần ba dân
số và gần 40 phần trăm giáo sĩ bị tiêu diệt bởi bệnh dịch hạch. Cuộc Ðại Ly
Giáo Tây Phương đã phân tán Giáo Hội đến độ Tòa Thánh không chỉ có một giáo
hoàng mà đến hai, ba giáo hoàng một lúc. Nước Anh và nước Pháp đang giao chiến
với nhau. Thủ đô nước Ý luôn luôn có tranh chấp. Hiển nhiên sự u ám đó đã bao
trùm cả thời đại và khống chế tinh thần văn hóa.
Thánh Gioan sinh ở Capistrano, nước Ý năm 1385. Ngài là con của
một cựu hiệp sĩ người Ðức sống trong thành phố. Ngài học luật ở Ðại Học Perugia
và hành nghề luật sư ở các tòa án Naples .
Khi 26 tuổi, ngài được Hoàng Ðế Ladislas của Naples
bổ nhiệm làm thủ hiến xứ Perugia .
Trong cuộc chiến tranh với người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản bội và bị
cầm tù. Sau khi được thả về, ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời và gia nhập dòng
Phanxicô ở Perugia
năm ngài 31 tuổi.
Sau khi được thụ phong linh mục vào bốn năm sau, ngài đi rao giảng
khắp các nước Ý, Ðức, Bohemia, Áo, Hung Gia Lợi, Ba Lan và Nga. Vào lúc người
ta thờ ơ và nghi ngờ tôn giáo thì ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với
Giáo Hội. Các quốc gia miền trung Âu Châu đã tiếp đón ngài cùng với các tu sĩ
Phanxicô như các thiên thần của Thiên Chúa. Họ là những khí cụ để hồi phục niềm
tin đang dẫy chết.
Chính dòng Phanxicô cũng trong tình trạng xáo trộn về việc giải
thích và tuân giữ quy luật của Thánh Phanxicô. Qua các nỗ lực không ngừng của
Cha Gioan Capistrano và nhờ kinh nghiệm luật pháp của ngài, tà giáo Fraticelli
bị cấm hoạt động và Linh Ðạo Thánh Phanxicô tinh tuyền lại được nêu cao.
Khi vua Hồi Giáo là Mohammed II đe dọa tấn công Vienna và Rôma,
Cha Gioan Capistrano, dù đã bảy mươi tuổi, được Ðức Giáo Hoàng Callistus II
giao cho công việc rao giảng và chỉ huy thập tự quân chống với sự xâm lăng của
người Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đoàn quân bảy mươi ngàn Kitô Hữu, ngài đã chiến
thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến sau cùng ở Belgrade năm 1456. Ba tháng
sau ngài từ trần ở Illok, Hung Gia Lợi ngày 23-10-1456. Ngài được đặt làm quan
thầy của các luật gia.
Lời Bàn
John Hofer, người viết tiểu sử Thánh Gioan Capistrano, nhắc lại
một tổ chức ở Bỉ lâáy tên của thánh nhân, nhằm mục đích giải quyết các vấn đề
của đời sống trong một tinh thần hoàn toàn Kitô Giáo. Châm ngôn của tổ chức ấy
là: "Sáng Kiến, Tổ Chức, Hành Ðộng." Những lời này thực sự là
đặc tính của cuộc đời Thánh Gioan. Ngài không phải là người ngồi không. Sự lạc
quan Kitô Giáo đã thúc đẩy ngài chiến đấu với các vấn đề thuộc đủ mọi tầng lớp
với niềm tin sâu xa nơi Ðức Kitô.
Lời Trích
Trên mộ của thánh nhân ở làng Villach, Hung Gia Lợi, quan đầu tỉnh
đã cho khắc những hàng chữ sau: "Ngôi mộ này là nơi chôn cất Thánh
Gioan, sinh ở Capistrano, một người đáng được ca tụng, người biện hộ và cổ võ
đức tin, người bảo vệ Giáo Hội, người hăng say che chở nhà dòng, niềm vinh dự
cho cả thế giới, người yêu quý sự thật và công bình, gương sáng cho đời sống,
vững chắc trong giáo lý; được bao người đời ca tụng, ngài đang sung sướng ngự
trên thiên đàng." Văn mộ chí ấy thật xứng đáng cho một người lạc quan
chân chính và thành công.
www.nguoitinhuu.com
Bài đọc 2
Ngày 23 tháng 10: Thánh Gio-an
Ca-pét-ra-nô, linh mục.
Thánh nhân sinh năm 1386 tại Ca-pét-ra-nô
miền Áp-rút-đi. Người học luật ở Pe-ru-xi-a và đã giữ chức thống đốc thành phố
một thời gian. Nhập dòng Phan-xi-cô và làm linh mục, người trở thành nhà giảng
thuyết tài ba và nhiệt thành, có tài dẫn dứt quần chúng. trước tiên người lo
canh tân dòng ở Pháp và ở I-ta-li-a. Sau đó, người rảo khắp Trung Âu để đấu
tranh với lạc giáo của vú Gio-an Huy-sơ. Cuối cùng, người giảng thuyết cổ võ
đạo binh thánh giá chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ đang đe doạ nước Hung-ga-ri Người
qua đời gần Vi-la-cô, nước Áo, năm 1465.
Giáo sĩ tốt đem lại ánh sáng và an vui cho
người khác
Trích khảo luận Tấm gương giáo sĩ của
thánh Gio-an Ca-pét-tra-nô, linh mục.
Những người được ơn gọi phục vụ vào bàn
tiệc của Chúa phải nêu gương sáng ngời về một đời sống luân lý đáng khen, không
vướng mắc một thói hư tật xấu nào khiến cho mình ra nhớp nhơ, hoen ố. Như muối
cho đời, bằng lối sống đáng quý đáng trọng, họ ướp mặn chính mình và ướp mặn
người khác. Làm ánh sáng trần gian, với trí khôn ngoan minh mẫn, họ đem ánh
sáng đến cho người khác. Chớ chi Đức Ki-tô Giê-su, vị Tôn Sư cao cả, giúp họ
hiểu rằng Người không chỉ tuyên bố riêng với các Tông Đồ và môn đệ, mà cả vớ
mọi linh mục giáo sĩ là thừa kế của các đấng khi Người nói : Chính anh em
là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối cho nó mặn lại ? Nó đã
thành vô dụng, thì còn việc quẳng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
Đúng là thiên hạ sẽ chà đạp giáo sĩ nào
hoen ố và nhớp nhơ, chìm ngập trong vũng lầy thói hư tật xấu, bị xích xiềng tội
ác trói buộc, và nên như phân dơ hôi hám khiến bị coi là chẳng ích lợi gì cho
mình hay cho người khác nữa. Thánh Ghê-gô-ri-ô cũng nói : "Sống mà đáng
khinh thì dĩ nhiên giảng cũng đáng chê."
Những kỳ mục thi hành chức vụ chủ toạ cách
tốt đẹp, thì đáng được đãi ngộ gấp đôi, nhất là những vất vả phục vụ lời Chúa
và giảng dạy . Quả thực, các linh mục xứng đáng thì được danh dự cả hai
mặt : vật chất lẫn con người, trần thế lẫn linh thiêng, nhất thời lẫn vĩnh cửu.
Vì, mặc dầu còn ở trần gian, và cũng như các thụ tạo phải chết khác, họ còn lệ
thuộc các thứ nhu cầu tự nhiên, nhưng họ vẫn nhiệt tình lo sao cho được sống
với các thần sứ trên trời, để đẹp lòng đức vua như những người phục vụ thông
minh. Vì thế, như mặt trời mọc lên trên chốn cao xanh của Thiên Chúa để soi
sáng thế gian, thì ánh sáng của hàng giáo sĩ cũng chiếu giãi trước mặt
thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các ngài làm mà tôn vinh Chúa Cha,
Đấng ngự trên trời.
Anh em là ánh sáng cho trần gian .
Ánh sáng không chỉ chiếu soi cho chính mình, nhưng khi toả sáng, nó soi vào mọi
vật khác ở chung quanh cho ta thấy được. Cũng vậy, cuộc sống sáng ngời và giãi
toả thánh đức của các giáo sĩ tốt lành và công chính đem lại ánh sáng và an vui
cho những ai dõi mắt trông gương các ngài. Vậy khi được cắt đặt để lo cho người
khác, giáo sĩ có nhiệm vụ lấy chính cuộc sống của mình mà chỉ cho thiên hạ biết
phải ăn ở làm sao trong nhà Chúa.
Lời nguyện Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Gio-an xuất hiện trong Hội Thánh để tinh thần dân Chúa thêm mạnh mẽ, ngay trong lúc ngặt nghèo. Xin thương tình ban ơn che chở để Hội Thánh luôn luôn được bình an và chúng con được sống yên hàn. Chúng con cầu xin...
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách ngày 23/10-bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét