Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

20-10-2012 : THỨ BẢY TUẦN XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Bảy sau Chúa Nhật 28 Quanh Năm
"Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào"

Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 1, 15-23
"Thiên Chúa tôn Ðức Kitô làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, khi nghe biết lòng tin của anh em đối với Chúa Giêsu, và lòng mến của anh em đối với hết thảy các thánh, tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em, khi nhớ đến anh em trong kinh nguyện. Xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người. Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau.
Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 8, 2-3a. 4-5. 6-7
Ðáp: Chúa đã đặt Con Chúa cai trị các công trình tay Chúa tác thành (c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu! Chúa đã nâng cao oai nghiêm Ngài trên cõi trời xanh. Từ miệng thiếu nhi và trẻ con đang bú sữa. - Ðáp.
2) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? Con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? - Ðáp.
3) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo. Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Gc 1, 18
Alleluia, alleluia! - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 8-12
"Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
"Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu nói: "Ai phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha". Tội phạm đến Thánh Thần là tội gì? Mà tại sao tội này không được tha? Thiên Chúa là Cha rất bao dung, dù tội nặng đến đâu Ngài cũng tha thứ cách dễ dàng. Câu nói của Ðức Giêsu ở đây phải hiểu: không phải tội phạm đến Thánh Thần là tội quá nặng không thể tha, mà vì con người cố chấp không theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, họ không muốn hối cải, họ không muốn được tha, nên họ không được tha.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần, Ðức Giêsu đã cho chúng con biết Ngài luôn hiện diện và soi dẫn cho từng việc làm, lời nói, suy nghĩ của chúng con. Vậy mà chúng con vẫn thường quên sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống. Chúng con thường bịt tai không theo sự hướng dẫn khôn ngoan của Ngài. Vì dại dột, phóng túng, chúng con đã tự định đoạt cho mình một cuộc sống bất hạnh. Xin Chúa đừng chấp tội chúng con và tiếp tục đến với chúng con, giúp chúng con nhận ra sự yếu đuối và giới hạn của mình để chúng con biết thốt lên: Lạy Chúa, con biết con cần Chúa! Amen.
 (Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Tội Phạm Ðến Chúa Thánh Thần
(Lc 12,8-12)
Suy Niệm:
Tội Phạm Ðến Chúa Thánh Thần
Ông Charles Darwin, khi về già đã tâm sự: lúc còn trẻ, ông cũng rất yêu thích thi ca và âm nhạc, thế nhưng, công việc nghiên cứu đã chiếm hết thời giờ của ông. Dành trọn cuộc đời cho sinh vật học, cho nên ông đã mất dần khả năng thưởng thức thi ca và âm nhạc, đến nỗi về sau, thi ca đối với ông chỉ còn là những lời vô bổ và âm nhạc chỉ là những tiếng động ồn ào mà thôi. Cuộc đời ông đã thiếu hẳn vẻ tươi mát và trẻ trung. Thế nên, nếu được sống lại tuổi trẻ lần nữa, ông sẽ dành thời giờ tìm đến thi ca và âm nhạc, để khỏi mất đi khả năng thưởng thức chúng, một khả năng gíup cho cuộc đời thêm hương vị.
Lời tâm sự của Charles Darwin giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về tội phạm đến Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Một trong những công việc của Ngài là mạc khải về chân lý, giúp con người hiểu biết chân lý mà hướng lòng họ đi tìm sự thật. Bởi thế, sau khi Chúa Giêsu về trời, thì Thánh Thần đến trên các Tông đồ để dạy dỗ và hướng dẫn các ông. Nhờ Thánh Thần, các ông đã hiểu rõ những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu; và cũng nhờ Thánh Thần, các ông đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng như lời căn dặn của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời.
Công cuộc rao giảng Tin Mừng không phải luôn luôn dễ dàng và gặt hái thành công, như lần 3,000 người trở lại liền sau bài giảng của thánh Phêrô vào dịp lễ Ngũ Tuần; nhưng các ông đã gặp biết bao chống đối và bách hại. Dù gặp gian nan thử thách như thế, các ông vẫn hiên ngang rao giảng, vì đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu, và hơn nữa, một điều kiện: "Ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa". Vả lại, các ông không phải đơn độc trong gian nan, thử thách, vì có Thánh Thần luôn hiện diện với các ông. Thánh Thần sẽ dạy cho các ông phải nói gì khi bị điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Chúa Giêsu. Một sự hiện diện gần gũi và cần thiết như vậy của Thánh Thần, khiến cho tội phạm đến Thánh Thần trở thành tội không được tha. Không được tha, không phải vì Thánh Thần là một Thiên Chúa nghiêm khắc trừng phạt; Chúa Thánh Thần vẫn mãi mãi là một Thiên Chúa khoan dung, từ bi, nhân hậu, là Ðấng Bầu Chữa, an ủi, vỗ về các tâm hồn. Không được tha không phải vì Chúa Thánh Thần không muốn tha, nhưng là vì thái độ của con người.
Nếu trong con người của Darwin có những sở thích về thi ca, âm nhạc, nhưng vì không chịu tiếp xúc với các môn ấy khiến ông mất dần khả năng thưởng thức thi ca, âm nhạc, để rồi chúng trở thành vô bổ đối với ông. Cũng thế, trong mỗi người chúng ta đều có những khát vọng về chân lý, nhưng chính thái độ bịt tai nhắm mắt trước sự thật đã khiến con người mất dần khả năng cảm nhận sự thật để rồi đối với họ sự thật chẳng còn giá trị gì. Chúa Thánh Thần là Chân Lý, nhưng nếu đứng trước Ngài, con người vẫn giữ thái độ cố chấp, thì dù Ngài là Ðấng giúp con người hiểu biết và đi tìm chân lý, Ngài cũng đành bó tay. Không tìm đến với nguồn chân lý, làm sao con người có thể nhận được ơn tha thứ?
Xin Chúa cho chúng ta có một tâm hồn yêu mến và nhạy cảm trước sự thật. Xin cho chúng ta biết can đảm vượt qua những trói buộc của đam mê, ích kỷ, tội lỗi, để tìm đến với sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta.
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 28 TN2
Bài đọc: Eph 1:15-23; Lk 12:8-12.

 GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống các tín hữu


KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vai trò của Chúa Thánh Thần
1.1/ Trong đời sống của các tín hữu: Thánh Thần giúp các tín hữu nhận biết Đức Kitô và những lời giảng dạy của Ngài:
Đọan văn chúng ta tìm hiểu hôm nay rất khó dịch từ nguyên bản Hy-lạp vì: (1) các tư tưởng nối tiếp nhau, (2) lẫn lộn của chủ từ (Chúa Cha, Chúa Con, hay Chúa Thánh Thần), và (3) việc xử dụng rất nhiều của sở hữu. Vì thế, để hiểu đúng ý tác giả, chúng ta cần chú ý tới cách cấu trúc câu, túc từ trực tiếp, danh từ sở hữu, và túc từ gián tiếp; một đôi khi chúng ta phải hy sinh cách dịp văn chương để bảo đảm sự diễn tả chính xác của tác giả.
Sau khi tạ ơn Thiên Chúa cho các tín hữu của ngài, Thánh Phaolô cầu xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người Cha vinh hiển, ban cho các tín hữu 2 điều:
(1) Ban Thánh Thần của khôn ngoan và của mặc khải để các tín hữu nhận biết Người (Đức Kitô). Nhiều người sẽ tranh luận ở đây nên dịch “pneuma” là thần trí hay là Thánh Thần. Thiết tưởng không quan trọng lắm, vì sứ vụ của Chúa Thánh Thần là tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô, Ngài soi sáng cho các tín hữu để họ hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Một khi hiểu biết những lời này, họ cũng sẽ hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô hơn.
(2) Soi lòng mở trí các tín hữu để nhận thức 3 điều quan trọng:
- đâu là niềm hy vọng của ơn gọi mà Người dắt anh em tới: Niềm hy vọng quí giá nhất trong đọan văn hôm qua là được trở nên “nghĩa tử của Thiên Chúa.”
- đâu là sự phong phú của vinh quang của gia nghiệp Ngài giữa dân thánh: Một khi đã trở nên con là được thừa hưởng gia nghiệp của cha: các ân sủng và cuộc sống đời đời.
- đâu là sự lớn lao vô cùng của quyền lực của Ngài giữa chúng ta là những người tin, dựa theo hiệu quả của sức mạnh của quyền năng Ngài, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời: Quyền lực lớn lao nhất của Thiên Chúa là cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Qua biến cố này, tử thần bị tiêu diệt, tội lỗi con người được tha thứ, con người có thể được hưởng nhan thánh Chúa.
Để các tín hữu nhận ra những điều này, lại một lần nữa họ phải nhờ Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí. Dĩ nhiên, quyền ban là quyền của Chúa Cha, nhưng người thi hành nhiệm vụ là Chúa Thánh Thần. Con người không thể hiểu nổi những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô nếu Chúa Cha không ban Thánh Thần và nếu Thánh Thần không soi lòng mở trí.
1.2/ Tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh: Chiến thắng của Chúa Giêsu đã bảo đảm cho con người tất cả các đặc quyền; nhưng để các đặc quyền này được lan rộng tới mọi người, Chúa Kitô cần sự cộng tác của Hội Thánh. Thư Êphêsô có những lời dạy đặc biệt về Hội Thánh. Trong hai câu cuối cùng hôm nay, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy vai trò của Giáo Hội trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.”
Những tư tưởng này cũng được nói tới chi tiết hơn trong Thư Côrintô I: Chúa Kitô là Đầu, Thân Thể là Hội Thánh, mọi người là những chi thể của Thân Thể Đức Kitô. Hội Thánh làm cho Kế Họach Cứu Độ được lan rộng tới mọi người bằng việc tiếp tục rao giảng và cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho mọi người nhận thức được 3 điều quan trọng nêu trên, để mọi người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô và xứng đáng lãnh nhận ơn Cứu Độ.

2/ Phúc Âm: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân
2.1/ Cuộc sống của con người ở đời này là để làm chứng nhân cho Thiên Chúa: Cũng giống như những suy luận trên, mục đích của Hội Thánh và của mỗi tín hữu là làm chứng nhân cho Thiên Chúa bằng lời rao giảng và các việc làm. Chúa Giêsu tuyên bố hậu quả của những người chu tòan hay không chu tòan sứ vụ làm chứng nhân: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”
2.2/ Tội phạm đến Thánh Thần là tội nào? Đối với người Do-Thái và ngay cả đối với chúng ta, sứ vụ của Chúa Thánh Thần là làm cho con người nhận thức được Sự Thật. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội từ chối không nghe và theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong Tin Mừng của Matthêu và Marcô, cả hai Thánh Ký đều đề cập đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần khi người Do-Thái bảo Chúa Giêsu: “Ông ấy nhờ quyền lực của tướng quỉ mà trừ quỉ” (Mt 12:31-32, Mk 3:28-29).
Tại sao không được tha? Khi con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi cho điều thật là sai và cho điều sai là điều thật, hay như một số người Do-Thái, cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ. Tương tự, một khi con người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng còn cho cái gì là tội nữa, thì họ đâu cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người từ chối không nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ không có hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu Độ.
2.3/ Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân: Chúa Giêsu nói rõ cho các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần: "Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói." Thánh Thần được gọi là Trạng Sư trong Tin Mừng Gioan, và nhiệm vụ của Trạng Sư là nói thay cho người bị cáo. Chính sự khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần đã làm cho những con người yếu đuối và chất phác trở nên những vị tử đạo anh hùng, và lưu truyền cho hậu thế những lời khôn ngoan, bất khuất, và kiên cường.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sứ vụ quan trọng của Chúa Thánh Thần trong Kế Họach Cứu Độ là làm cho con người thấu hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Vì thế, chúng ta cần cầu xin với Ngài mỗi khi nghe Lời Chúa để Ngài soi lòng mở trí cho chúng ta.
- Chúng ta cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn biết tìm hiểu và nhạy cảm với sự thật. Một khi đã khinh thường và mất đi nhạy cảm với sự thật, con người không còn hy vọng được cứu rỗi.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Bảy tuần 28 thường niên
Sứ điệp: Chúa Giêsu bảo đảm rằng: Ai tuyên xưng Ngài bằng cách trung thành với Ngài trong cuộc sống hôm nay, Ngài sẽ không quên họ trong cuộc sống mai sau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống của con hôm nay dễ làm con quên Chúa. Con không chối Chúa trực tiếp như thánh Phêrô đã chối Chúa. Tuy thế, vì đồng tiền chi phối, công việc bận rộn, bổn phận nặng nhọc, các gương xấu và dịp tội nhan nhản, con như  bị cuốn vào một cơn lốc, cơn lốc thế trần. Rồi con cũng bon chen, cũng gian tham, cũng ghen ghét oán thù, cũng lao mình vào tội lỗi và quên mình là môn đệ Chúa, chẳng khác gì con đã chối Chúa. Hẳn đã có một lần, vì một dịp vui với bạn bè, con đã thiếu sót bổn phận với Chúa. Đã có một lần vì một chút xúc phạm đến danh dự con, con vội nổi đóa, quên hẳn bài học khiêm tốn hiền lành Chúa dạy. Những lần như thế con đã phế bỏ Chúa ra khỏi tâm hồn con.
Con muốn quyết tâm sống sao cho xứng danh người môn đệ Chúa. Xin Chúa thương nâng đỡ con, để nếu con nghèo, thì đừng vì nghèo mà gian tham; nếu con bị người ta vô ơn, con đừng bất mãn để rồi không sống bác ái nữa; giả như con bị  anh em xúc phạm đến danh dự thì đừng để lòng thù oán. Luôn sống theo tinh của Chúa trong mọi hoàn cảnh, đó là con đang tuyên xưng Chúa là Thầy và là Chúa của con.
Lạy Chúa, con tin vào Lời Chúa: “Ai tuyên xưng Ta trước mặt thiên hạ, Ta sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Ta”. Các thánh đã được hưởng lời hứa đó. Con quyết sống trung thành với Chúa và can đảm sống theo đường lối Chúa, để mai sau Chúa cũng sẽ nói với con: “Hỡi  đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với  Chủ ngươi”. Amen.
Ghi nhớ :"Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".

20/10/12 THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Lc 12,8-12 

GIAN NAN CHO NIỀM TIN
“Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền… trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”(Lc 12,11-12)
Suy niệm: Trong Tự Sắc “Cánh Cửa Đức Tin,” Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nói: “Giáo Hội tiếp tục cuộc lữ hành giữa những cuộc bách hại trần thế và những an ủi của Thiên Chúa, loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cho đến khi Ngài đến.” Hôm nay chúng ta đã bước vào Năm Đức Tin, Chúa Giêsu nhắc nhở rằng chúng ta vẫn luôn trải qua những gian nan cho niềm tin của mình. Nhưng có Chúa nâng đỡ và phù trì, sự gian nan khốn khố ấy không làm chết nghẹt đức tin và lòng cậy của chúng ta. Vậy, chúng ta hãy can đảm đối đầu, chấp nhận chịu đựng gian nan khốn khó vì Chúa và vì Tin Mừng, đó là bằng chứng niềm tin hùng hồn và tình mến nồng nàn đối với “Đấng đã yêu thương và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).
Mời Bạn: Để loan báo Tin Mừng cho Nước Chúa, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải hy sinh, từ bỏ. Cho nên, khi chấp nhận hy sinh của cải, danh dự, sự nghiệp hay từ bỏ thói hư tính xấu dù phải thiệt thòi, thiệt thân, chính lúc đó đức tin của chúng ta được vững mạnh và vẹn toàn. Bạn hãy can đảm vượt lên trên những khốn khó đó để vững vàng xưng Đạo Chúa ra trước mặt thiên hạ.
Chia sẻ: Gia đình, nhóm, hội đoàn, hội dòng của tôi dự tính canh tân đời sống thế nào để sống Năm Đức Tin?
Sống Lời Chúa: Hãy sống “ba không” trong Năm Đức Tin này: Không gian dối, không tham lam và không ích kỷ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp và làm cho chúng con thành những chứng nhân của một Thiên Chúa trọn tốt trọn lành vô cùng. Amen.

Đừng lo.
Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa. Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận. Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.
Suy nim:
Người ta thường nói giữ đạo tại tâm.
Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời,
nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm.
Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó.
Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu.
Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất.
Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình,
nhưng quyết không bước qua thập giá.
Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57).
Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy,
đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn.
Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy.
Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá.
Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa,
hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay,
Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng,
Như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang.
Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã.
Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).
Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng.
Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8)
Sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ.
Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô.
Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông,
vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13).
Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29).
“Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì,
vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12).
Không sợ và không lo,
đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.
Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10).
Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố,
khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta.
Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu.
Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa.
Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận.
Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.
Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần
để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới.
Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Cuộc Sống Chứng Tá
Sau khi khiển trách các người pharisiêu và những nhà thông luật, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ngay cả trước những kẻ dữ mà không sợ bị bách hại. Bài trình thuật Phúc Âm hôm nay vì thế mời gọi tất cả chúng ta hướng về một đức tin xác quyết và một niềm hy vọng bất diệt vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu dạy bảo các môn đệ hãy can đảm làm chứng tá cho Thiên Chúa giữa lòng thế gian, bất chấp những sự bách hại của các quyền lực trần thế, đó là điều kiện để các ông được Chúa Cha trên trời đón nhận như Ngài nói: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”.
Tất cả cuộc sống của người Kitô không nằm ở thái độ biểu dương đức tin để trở nên xứng đáng với trước mặt Thiên Chúa, nhưng là thái độ khiêm tốn và xác tín trong việc sống thực hành những lời răn của Thiên Chúa mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào. Khi Chúa Giêsu nói: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người thì còn được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha”, Người ngụ ý dạy rằng tội lỗi thực sự của loài người là sự ngoan cố đối nghịch với Thiên Chúa và từ khước tình yêu thương và sự tha thứ của Người.
Chúa Thánh Thần là Ðấng của tình yêu thương và sự tha thứ. Ai khước từ Chúa Thánh Thần là hoàn toàn từ chối sự cứu rỗi mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Hồng ân và sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần làm cho đức tin của chúng ta được tăng trưởng và đức tin đó được đun nóng từ Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta đến những hành động anh hùng bằng gương tử đạo. Gương tử đạo không xuất phát từ các yếu tố con người mà là kết quả đến từ những ai để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong tâm hồn mình đó là hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho những ai biết mở rộng con tim để đón nhận Người.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ sẽ chịu nhiều thử thách, thế nên Người đã cảnh giác rằng các ông có thể sẽ mất đi những hồng ân của Thiên Chúa và rơi vào tình trạng nghi ngờ hay từ bỏ đức tin. Mặt khác, Người cũng bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho các ông sự khôn ngoan và lòng can đảm để đối diện với những kẻ dữ trong giờ phút bị bách hại. Ðồng thời, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ nói phạm đến Thánh Thần. Sự phạm thánh đó bao gồm những hành động hay những tư tưởng chống đối Thiên Chúa tiềm ẩn trong con tim hay biểu lộ ra bên ngoài. Tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần là thái độ của những kẻ cứng lòng từ chối tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa mà không thực lòng muốn sám hối.
Lòng nhân ái của Thiên Chúa thì vô bờ bến nhưng nếu một ai từ chối lòng thương xót của Người thì sẽ tự mình kết án chính mình. Hồng ân đến từ Chúa Thánh Thần sẵn sàng ban xuống cho những ai tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Ðấng Cứu Thế.
Lạy Chúa,
Người là niềm hy vọng và là sự cứu rỗi của chúng con. Xin cho chúng con biết đặt sự tin tưởng vào Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn hay cám dỗ nào. Xin hãy để ngọn lửa của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong con tim chúng con, cho chúng con sự khôn ngoan và can đảm để theo gương đức tin mặc dù phải đối diện với những sự bách hại của kẻ dữ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Chân Lý Chứng Nhận Cho Bạn Trong Ngày Phán Xét
“Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước bặt thiên hạ, thì Con Người cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc. 12, 8)
Trong khi khuyên các môn đệ đi làm chứng cho chân lý thì đừng sợ gì, dù ở đâu thời nào, Đức Giêsu đã phấn chấn các ông, cho các ông biết về sự giúp đỡ của Thiên Chúa và những hiệu quả do lòng trung thành của các ông.
Trước tòa đời
Chân lý các môn đệ phải tuyên xưng là: “Đức Giêsu Kitô là Chúa ở trong vinh quang Thiên Chúa”. Nghĩa là, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa, Nguồn Mặc Khải Thiên Chúa.
Không ai có thể tuyên xưng chân lý này, nếu không được linh ứng bởi Thánh Thần, Đấng ban cho họ hiểu biết và sức mạnh để làm chứng. Cho nên Đức Giêsu hứa ban cho các môn đệ, lúc tuyên xưng đức tin trước tòa người đời, Thánh Thần chân lý sẽ dạy các ông phải nói gì. Dù những môn đệ tầm thường nhất cũng không phải lo lắng. Thánh Thần sẽ đặt vào môi miệng các ông những lời để các ông mạnh mẽ tuyên xưng đức tin. Ngài sẽ còn hướng dẫn các ông trong đời sống vì các ông đang sống trong Thánh Thần từ lúc chịu phép rửa.
Trong ngày phán xét
Ai tuyên xưng chân lý trước mặt thiên hạ bằng đời sống, việc làm và lời nói sẽ được Con Thiên Chúa bênh vực trong ngày phán xét trước mặt Chúa Cha và các thiên thần.
Ai bỏ làm chứng và đức tin vào Đức Kitô vì kính nể người đời hay sợ bắt bớ, thì không thể được cánh tay của Con Người che chở trong ngày phán xét. Đức Giêsu trung thành với ai trung thành với Người. Chính mình sẽ tự lên án mình tùy theo đời sống của mình.
Nếu kẻ đã không tin vào lời Đức Giêsu và sự nghiệp của Người, nó có thể được tha thứ, vì nó chưa nhận được Thánh Thần, cho nên nó không có thể trung thành. Nhưng nếu ai đã tin chân lý mà không đón nhận lòng thương xót, nó cố chấp từ bỏ đức tin là xúc phạm đến Thánh Thần vì nó chối bỏ chân lý đã mặc khải cho nó.
Lạy Chúa, xin hãy ban Thánh Thần Chúa đến củng cố đức tin chúng con trong mọi nơi, mọi lúc, cho chúng con được sức mạnh can đảm tuyên xưng chân lý rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa ở trong vinh quang Đức Chúa Cha”.
RC.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
20 THÁNG MƯỜI
Kiến Tạo Hòa Bình Bằng Tình Yêu
Chiến tranh và bạo lực là con đẻ của sự xem thường các quyền căn bản của con người. Quyền căn bản nhất của con người, đó là phải xem mỗi người là một ngã vị độc đáo và không thể thay thế được. Con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Qua Bí Tích Phép Rửa, con người trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa và thông dự vào ơn cứu chuộc nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể.
Ở nơi đâu con người còn bị lạm dụng để làm thỏa mãn quyền lợi, nhu cầu, khát vọng của người khác thì ở đó sẽ nảy sinh bạo lực, lộn xộn và chiến tranh. Trái lại, ở nơi nào con người biết phục vụ cho quyền lợi của anh chị em mình, biết xem anh chị em mình “là những tạo vật duy nhất được Thiên Chúa yêu thương do chính bản chất của nó“ (MV 24), thì ở đó có tình yêu đích thực, hòa bình sẽ triển nở. Bởi vì nền móng của hòa bình là tình yêu.
Nói cách khác, Thiên Chúa là nguồn gốc của hòa bình – vì Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi tình yêu. Đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là đời sống yêu thương. Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha. Tình yêu này mạnh mẽ và biệt vị đến nỗi nó được biểu hiện như một ngã vị thần linh – đó là Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta cho phép Chúa Thánh Thần tràn ngập trong lòng chúng ta, nhất là khi lãnh nhận các bí tích, thì chúng ta sẽ có được tình yêu ấy và sẽ trở thành những người kiến tạo hòa bình đích thực.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 20-10
Ep  1, 15-23; Lc 12, 8-12.
LỜI SUY NIỆM: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12,11-12).
          Những con người đi loan báo Tin Mừng, họ sẽ là chứng nhân của Chúa Ki-tô nơi họ đến và sống, họ là ánh sáng cho trần gian, họ mang Giáo huấn của Chúa Giêsu để chiếu rọi và đánh tan bóng tối tội lỗi của trần gian; sẽ soi dọi vào đó, và rồi những xấu xa tội lỗi của những con người núp bóng trong tối tăm sẽ bị phơi bày, sẽ làm xáo trọn cuộc sống tội lỗi của họ, sẽ xoáy vào những đam mê  dục vọng của họ; thế là họ tìm cách chống đối và bắt bớ. Chúa Giêsu biết điều này sẽ xãy ra cho họ, và Ngài đã cho chúng ta được biết không phải lo lắng gì trước những cuộc bắt bớ này, vì Thiên Chúa đã lo liệu, đừng phải lo lắng gì khi phải đối đáp với họ, vì chính giờ ấy có Thánh Thần Thiên Chúa mở trí và miệng chúng ta phải nói gì. Nếu chúng ta không tin vào những lời của Chúa Giêsu căn dăn và dạy bảo, chúng ta chối bỏ Ngài trước mặt thế gian, thì Ngài cũng sẽ chối bỏ ta trước Thánh Thần của Thiên Chúa, còn nếu chúng ta tin nhận Ngài trước mặt người đời thì Ngài sẽ tuyên nhận chúng ta trước Thánh Thần của Thiên Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
20 Tháng Mười
Làm Trai Nên Chết Ở Biên Thùy

Gần một nửa thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh, một danh tướng nhà Ðông Hán là Mã Viện đã nói một câu bất hủ: "Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thân mà chôn, chứ nằm xó giường mà chết trong tay người nâng đỡ thì còn xứng gì".
Tại thành Sparte thuộc Cổ Hy Lạp, mỗi khi tiễn con ra trận, người mẹ thường đưa cho con một cái mộc và bảo con rằng: cùng với nó hay nằm trên nó. Cùng với nó, con đắc thắng trở về. Nằm trên nó, xác con được mọi người kính nể khiêng vác trên vai.
Người Kitô chúng ta cũng đã nhận lấy một chiếc mộc. Ðó là chiếc mộc của bí tích Rửa Tội. Qua cửa ngõ của bí tích này, chúng ta như được gửi ra chiến trường.
Cái chết từng ngày là điều đang chờ đợi chúng ta. Nhưng cái chết đó là con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh. Ðức Kitô, vị thủ lãnh của chúng ta, đã đi qua con đường ấy. Ngài cũng đang có mặt trong cuộc chiến của chúng ta để dìu dắt chúng ta trong từng phút giây. Nếu có một lúc nào đó, chúng ta chán nản muốn đào ngũ và bỏ cuộc, chúng ta hãy nhìn lên thập giá của Ngài. Thập giá đó phải là ánh sáng soi dẫn những đoạn đường tăm tối trong cuộc chiến của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Ngày 20


Các mầu nhiệm của Con Thiên Chúa làm người được tóm lại trong mười lăm mầu nhiệm Mân Côi, và kết hợp với các mầu nhiệm của đau khổ, cũng như của niềm vui của con người sng trên trái đất. Các mầu nhiệm Mân Côi không chỉ giới hạn trong mười lăm mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng. Tràng hạt là một cách đi vào toàn bộ Tin Mừng. Các mầu nhiệm Mân Côi tạo thành nền tảng của tất cả Tin Mừng. Đó là các mầu nhiệm của Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể. Khi sai Con yêu quí của Người nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Maria, Thiên Chúa kết thúc cuộc sáng tạo của Người.
 
Dám tạo dựng một con người thông minh, ý thức về sự mỏng dòn và phải chết của mình, đặt vấn đề và ch có thể kết thúc bằng lời giải của Chúa Cha. Đức Giêsu là Lời của Cha, nhưng không trình bày cho chúng ta những lời nói triết học. Cuộc đi của Người vẫn là lời đáp duy nhất đáng tin cậy đối với chúng ta...
 
Các mu nhiệm Mân Côi thật sự là các mầu nhiệm của kế hoạch tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Với một ngôn ngữ cụ thể, Thiên Chúa giải thích ý nghĩa cuộc đời chúng ta, qua sphận con người của Đức Giêsu, Con yêu dấu của Cha, và của Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Người. Qua các mầu nhiệm này, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý định của Thiên Chúa đi với chúng ta, là những con người.
Casimia Kuczaj

Hạnh Các Thánh

Ngày 20 tháng 10
THÁNH GIOAN LÊÔNAĐI
SÁNG LẬP DÒNG CÁC GIÁO SĨ MẸ THIÊN CHÚA

Là một xứ sở được thấm nhuần đức tin công giáo tự lâu đời, nước Italia có thể nói đã góp rất nhiều vào công cuộc bênh vực, chấn hưng và truyền đạo, nhất là quãng thế kỷ XVI, khi những biến cố lịch sử làm cho tinh thần đạo đức xã hội Âu châu bị lung lạc và sa sút.
Một trong những người có sáng kiến và hoạt động cho phong trào công giáo tiến hành lúc bấy giờ là cha Gioan Lêônađi. Người đã có công thiết lập một học viện dành riêng cho các giáo sĩ triều và một trường chuyên đào tạo các linh mục thừa sai, hầu gửi đi các xứ truyền giáo.
Gioan ra đời năm 1541 hoặc 1543 tại Dêcimô, một địa sở thuộc miền trung nước Ý. Là con một gia đình thanh bạch, Gioan được song thân gửi tới tập nghề ở nhà một người bán thuốc, để sau này có kế độ thân. Nhưng do hoàn cảnh xui khiến cùng với ơn Chúa thúc giục bên trong, vị linh mục thánh tương lai ấy lại mơ ước được làm một y sĩ thiêng liêng chữa bệnh cho các linh hồn. Thế nhưng, mãi đến năm 25 tuổi, Gioan mới đáp lại tiếng gọi huyền bí của Thầy Chí Thánh. Mặc dầu đã luống tuổi, nhưng cũng như Inhaxiô Loyola, Gioan không sợ thẹn phải học La ngữ với những em học sinh chín mười tuổi! Nhưng với trí khôn minh mẫn, lại thêm có óc suy nghĩ cẩn trọng và ý chí sắt đá, chỉ trong bốn năm Gioan đã có thể đọc thông những tác phẩm triết học và thần học bằng La ngữ. Bề trên xét ngài đã đủ điều kiện và có tư chất nên đã truyền chức linh mục cho ngài năm 1571.
Thời đó, tại Lucques, một thành phố tại miền duyên hải Trung Ý, tinh thần đạo đức của dân thành đã xuống dốc, người ta hoang mang hỗn loạn vì lý thuyết nguy hiểm của Bênađin Siêna (không phải thánh Bênađinô Siêna), một tu sĩ dòng Phanxicô đã phá giới theo Tin lành và kết duyên với một phụ nữ ở Lucques. Là một tân linh mục còn đầy nhiệt huyết và sốt sắng, cha Gioan không khỏi đau lòng trước sự kiện đó. Nhưng chỉ than khóc suông mà không tìm phương liệu cách để chặn đứng những ảnh hưởng tai hại kia đi thì cũng vô ích. Nhận định như thế, cha Gioan bắt tay vào việc, với tất cả bầu nhiệt huyết, dẹp tan những đồi bại luân lý và ảnh hưởng nguy hại do lý thuyết của Bênađin gây nên. Phương thế cha dùng là chăm lo giảng giải và làm phép giải tội cho mọi người, vì cha biết rằng: sở dĩ người ta lầm lạc và sa ngã chỉ vì không được nghe giảng giải và lĩnh thụ bí tích. Công việc của cha đưa lại nhiều kết quả, vì ai nấy đều ham nghe lời cha giảng mà xin chịu phép bí tích cách sốt sắng. Để chuẩn bị cho đám thanh thiếu niên, cha lập một hội gọi là “Hội giáo lý” trong đó các hội viên nam nữ là những người có thiện chí tông đồ và hằng ân cần đến việc giáo dục tôn giáo. Họ sẽ chuyên lo việc dạy giáo lý cho các con em.
Dầu sao, chỉ với tư cách là giáo dân, những “Hội viên giáo lý” không có thể giúp đỡ cha trong hết mọi công việc được, những giáo sĩ mới là những người có khả năng và thẩm quyền để cộng tác với cha một cách hữu hiệu về hết mọi phương diện. Vì thế, dựa theo sáng kiến và tổ chức của cha Philippê Nêri, ngày mồng một tháng chín, cha Gioan Lêônađi cũng thành lập một hội tu sĩ mới, đặt trụ sở tại nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi. Vì nhiệt thành truyền giáo và ham muốn sống đời thánh thiện, các hội viên thúc giục cha soạn thảo bản nội quy xác định đường lối tu đức và chương trình hoạt động cho hội dòng. Chiều ý mọi người, cha Gioan lấy một tờ giấy ghi vỏn vẹn có hai chữ “Phục Tông”; mọi người đều hiểu đó là tất cả tinh thần tu đức mà hội dòng của cha phải làm sáng tỏ. Năm sau, Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII gửi một văn thư Tòa thánh, châu phê hội dòng do cha Gioan thiết lập. Đức Giáo Hoàng Phaolô V lại ấn định phải gọi các tu sĩ hội dòng là các “Giáo sĩ Mẹ Thiên Chúa”. Và năm 1621, dưới triều Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV, hội dòng các “Giáo sĩ Mẹ Thiên Chúa” hân hạnh được xếp hạng ngang hàng với những dòng tu kỳ cựu trong Giáo hội, theo chủ trương của vị sáng lập dòng Giáo sĩ Mẹ Thiên Chúa, là đặc biệt chuyên lo việc giảng thuyết và giải tội cho giáo dân.
Nhờ ở lòng nhiệt thành của vị sáng lập cũng như của các giáo sĩ dòng Mẹ Thiên Chúa, thành phố Lucques dần dần được phục hồi lành mạnh. Nhưng để được kết quả ấy, nhà Y sĩ chữa bệnh cho nó đã phải nhiều phen nao núng vất vả: bị tấn công tứ bề, bị lăng mạ, sỉ nhục, và còn bị đe giết chết nữa là khác. Trước những cơn giông tố phũ phàng giồn giập xẩy tới, cha Gioan chỉ biết theo gương Chúa, lấy nhẫn nhục và hiền hòa để đối lại. Đôi lần cha đã cảm hóa và giáo hóa được với đối phương của cha, nhưng rốt cuộc Chúa vẫn để cho lòng ghen tương và căm hờn của những kẻ bất lương thắng thế, và cha bị trục xuất khỏi Lucques! Cha chịu đựng sự thử thách với lòng tin tưởng và phó thác.
Cha dọn về Rôma và được Đức Grêgôriô XII ân cần tiếp nhận. Trong thời gian lưu trú tại đây, cha Gioan nhận thánh Philippê Nêri, người mà cha coi như anh cả, làm cha linh hướng để giúp ngài trên đường tu đức và hoạt động. Như để khuyến khích và cũng để xác nhận một phần nào sự thánh thiện của con thiêng liêng mình, vị linh hướng ấy một ngày kia đã nói chơi với Gioan rằng: “Con là một đấng thánh rồi đó, nhưng phải cố duy trì lấy tình trạng ấy mãi”. Sự thâm hiểu nhau càng làm cho tình cha con thiêng liêng và tình bạn giữa hai người ngày một thêm thắm thiết và khăng khít. Chẳng thế mà năm 1583, khi bỏ San Giromo della Carita để dọn đến ở Vallicella, thánh Philippê Nêri đã giao lại cho cha Gioan tất cả tòa nhà, chìa khóa buồng ngài ở, cho đến con chó nhỏ mà ngài rất yêu thích. Cha Gioan rất sung sướng vì được hoàn cảnh và địa điểm thuận tiện để đưa các sinh viên của cha đến ở đó, hầu cha con có thể gần gũi với nhau hơn.
Sẵn có bản tính hiền hòa và thái độ mau mắn giúp đỡ, nên dù ở đâu cha cũng được nhiều người kính nể, yêu mến. Cha lại có tài giải quyết những vụ tranh chấp một cách dễ dàng. Nhiều vị giám mục tại triều đình Rôma thường lui tới bàn hỏi và nhờ cha giúp nhiều công việc. Nếu ở Lucques, ngài thất bại vì “thông lệ kẻ làm tiên tri, ít được trọng dụng ở quê nhà”, thì trái lại, ở nhiều nơi khác cha đã thành công rực rỡ trong việc dàn xếp những câu chuyện rất khó khăn. Chẳng hạn như việc xung khắc giữa tỉnh Napôli và đức giám mục địa phận Nola. Tín nhiệm vào khả năng của cha, Tòa thánh còn uỷ thác cho cha Gioan công việc thanh tra tu viện núi Monta Vergina để điều chỉnh lại những khiếm khuyết và bất hợp pháp mà các tu sĩ ở đây đã gây nên. Vụ rắc rối của các tu sĩ dòng Biển Đức ở Vallombrosa cũng được ngài phân xử một cách công minh, cương quyết và khôn khéo, đến nỗi không ai mất lòng mà trái lại còn nhớ ơn ngài mãi mãi.
Tuy nhiên, vị bề trên dòng các giáo sĩ Mẹ Thiên Chúa vẫn không thỏa mãn chút nào với những công việc bác ái ấy, vì nó chỉ hạn hẹp trong một địa điểm hay với một nhóm người. Là một người có óc trông xa nhìn rộng, cha Gioan muốn cho các tu sĩ dòng cha sẽ băng mình đi muôn phương, truyền giáo cho những miền xa xăm còn ngoại đạo. Mộng to tát của cha bị cản trở một phần nào vì thánh Philippê lại muốn cha cứ ở trên đất Ý. Dầu vậy, ta cũng đừng vội kết luận rằng ngài đã không làm gì cho những lương dân mà ngài hằng khao khát đem ánh sáng đức tin đến cho họ. Vào năm 1603, cùng với một Giám mục người Tây Ban Nha là Gioan Vives, cha Gioan phác họa chương trình thiết lập một Đại chủng viện danh tiếng mà 24 năm sau Đức Giáo Hoàng Ubanô VIII sẽ thành lập; đó là Trường Truyền Giáo, một nơi sẽ tụ họp các sinh viên gồm đủ mọi mầu da nước tóc từ những xứ sở xa xăm gửi đến.
Tại Rôma, vì quá nhiệt thành săn sóc những người bị bệnh dịch ở nhà thương Đức Mẹ Nội thành, nên cha Gioan bị lây bệnh và từ trần tại đó ngày 09.10.1609. Chín năm sau, các tu sĩ dòng cha đã bốc hài cốt ngài và đem về để tại một bàn thờ trong thánh đường Đức Mẹ ở Campitelli. Mãi đến năm 1746, Tòa thánh mới lập bản tuyên dương những đức tính anh hùng của người môn đệ thánh Philippê Nêri. Được tôn lên bậc chân phúc năm 1622, rồi được phong Á thánh năm 1861, gần đây, tức năm 1938, Giáo hội mới phong cha Gioan Lêônađi lên bậc Hiển thánh và ấn định ngày để mừng lễ kính ngài.
Ngày nay, hơn khi nào hết, nhiều lý thuyết sai lạc, nhiều tập tục phản phong hóa và đức tin đang thi nhau xuất hiện. Và những tiên tri giả, tay sai của ác thần đang dùng đủ mọi phương tiện như sách vở, báo chí, phim ảnh và đời sống luân lý để tuyên truyền tà thuyết của chúng. Trước tình thế bi thảm đó, chúng ta hãy noi gương thánh Gioan Lêônađi nỗ lực củng cố đức tin của chúng ta cũng như của những anh em đồng loại, bằng lời cầu nguyện, bằng đời sống và hoạt động tông đồ trong các ngành công giáo tiến hành, nhất là bằng cách tìm hiểu giáo lý, và huấn luyện tinh thần đạo đức cho các con em của chúng ta. Chỉ với những phương thế ấy chúng ta mới hy vọng cứu xã hội khỏi tình trạng lầm than và sa đọa, để dẫn đưa anh em đồng loại của chúng ta tới nguồn chân lý bất diệt là Thiên Chúa.
Thứ Bẩy 20-10

Chân Phước James ở Strepar

(c. 1409?)

C
hân Phước James sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Ba Lan. Ngài gia nhập dòng Phanxicô từ khi còn nhỏ, giữ nhiệm vụ quản lý ở tu viện Lvov và đã hòa dịu sự căng thẳng giữa các tu sĩ dòng và giáo sĩ địa phận. Ngài rất thích hoạt động cho người Chính Thống Giáo, và đã phục vụ họ trong một thập niên. Ðược sai đến miền tây nước Nga, ngài giữ nhiệm vụ đại diện cho các tu sĩ Phanxicô ở đây, ngài rao giảng phúc âm và hoạt động để giữ vững đức tin của người tín hữu.
Khoảng năm 1360, ngài giữ một vai trò trong nhóm truyền giáo đặc biệt, có tên là Lữ Khách Vì Ðức Kitô, gồm các tu sĩ Phanxicô và Ðaminh. Công việc rao giảng và tổ chức của Chân Phước James được coi là thành công. Sau đó ngài giữ nhiệm vụ Tổng Giám Mục Galich, xây dựng một vài nhà thờ mới ở những nơi hẻo lánh và bổ nhiệm các linh mục kinh nghiệm từ Ba Lan đến hoạt động; ngài cũng thành lập các dòng tu, xây cất trường học, và bệnh viện. Ngài rất bén nhạy về nhu cầu của người dân, nên thường trực tiếp đưa đề nghị lên quốc hội Ba Lan; bởi đó ngài có tước vị là "người bảo vệ vương quốc."
Ngài là tổng giám mục nhưng không giống như các giám mục khác trong thời ấy. Ngài thích mang y phục dòng Phanxicô hơn là phô trương bề ngoài và đi chân đất.
Ngài có lòng sùng kính Ðức Mẹ một cách đặc biệt. Ảnh của Ðức Mẹ được khắc trên con dấu và trên nhẫn giám mục của ngài. Mỗi tối ngài đều cử hành nghi thức sùng kính Ðức Mẹ ở nhà thờ hoặc bất cứ đâu ngài đến.
Sau 19 năm làm giám mục, Chân Phước James đã được phần thưởng nước trời. Ngài được chôn cất trong nhà thờ Phanxicô ở Lvov.

Bài đọc 2 
Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối 
Trích Hiến chế mục vụ Vui mừng và Hy vọng của Công đồng Va-ti-ca-nô II, về Hội Thánh trong thế giới ngày nay.

Sự hoà nhập giữa thành đô trần thế và thành đô thiên quốc chỉ nhờ đức tin mới nhận thấy được. Ngay cả lịch sử loài người vẫn còn là một mầu nhiệm ; lịch sử này bị xáo trộn vì tội lỗi cho tới khi phúc phận làm con Thiên Chúa được tỏ hiện rõ ràng nhờ mặc khải đầy đủ. 
Thực vậy, khi theo đuổi mục đích riêng của mình là đem lại ơn cứu độ, Hội Thánh không những chia sẻ sự sống thần linh với con người, mà còn tuôn đổ ánh sáng khắp hoàn cầu, bằng cách đặc biệt chữa lành và nâng cao nhân phẩm, củng cố tình đoàn kết trong xã hội loài người, làm cho sinh hoạt hằng ngày của nhân loại thấm nhuần định hướng và ý nghĩa sâu xa hơn. 
Như thế, nhờ mỗi phần tử và toàn thể cộng đồng, Hội Thánh tin mình có thể đóng góp nhiều để làm cho gia đình và lịch sử loài người nên nhân ái hơn. 
Khi giúp đỡ thế giới và nhận được nhiều từ thế giới mang lại, Hội Thánh hướng đến điều duy nhất này là làm sao triều đại Thiên Chúa mau đến và toàn thể nhân loại được hưởng ơn cứu độ. 
Quả thật, mọi điều thiện hảo mà dân Chúa, trong thời gian lữ hành trên trần thế, có thể đem đến cho gia đình nhân loại, đều phát xuất từ điều này : Hội Thánh là bí tích mang ơn cứu độ cho mọi người, vừa biểu lộ, vừa thực hiện mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. 
Nhờ Ngôi Lời của Thiên Chúa, vạn vật được tạo thành. Ngôi Lời đã làm người, đã thực sự là người, nhờ đó, Người cứu độ mọi người quy tụ vạn vật dưới quyền thủ lãnh của mình. Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm quy chiếu cho mọi khát vọng và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui cho mọi tâm hồn, là Đấng làm thoả mãn trọn vẹn mọi ước mong của lòng người, Người là Đấng đã được Chúa Cha làm cho sống lại từ trong kẻ chết ; Chúa Cha đã tôn vinh và đặt Người ngự bên hữu, khi cho Người làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Được sinh động và quy tụ trong Thần Khí của Chúa Cha, chúng ta tiến bước về thời kỳ lịch sử nhân loại hoàn tất, thời kỳ hoàn toàn phù hợp với ý định yêu thương của Người : là quy tụ mọi loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. 
Chính Chúa nói : Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc người ấy làm. Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi nguyên và Tận cùng.
 Lời nguyện 
Lạy Thiên Chúa toàn năng, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy Chúng con cầu xin…
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Bảy Tuần 28TN-bản dịch của nhóm CGKPV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét