Trang

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

08-10-2012 : THỨ HAI TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Hai sau Chúa Nhật 27 Quanh Năm
* * *

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 1, 6-12
"Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, nhưng là do Ðức Giêsu Kitô mạc khải".
Trích thư Thánh Phalô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, tôi ngạc nhiên thấy anh em thay lòng đổi dạ chóng như thế đối với Ðấng đã kêu gọi anh em thông phần vào ân sủng của Ðức Kitô, để anh em quay sang một tin mừng khác: Tin mừng khác làm gì có, chỉ có những kẻ phá rối anh em và muốn anh em đảo lộn Tin Mừng của Ðức Kitô. Nhưng cho dù chúng tôi, hay một thiên thần nào từ trời đến giảng tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người đó bị chúc dữ. Như chúng tôi đã nói trước, và giờ đây tôi xin nói lại rằng: Nếu ai trong anh em rao giảng cho anh em Tin Mừng khác hơn điều anh em đã lãnh nhận, thì người đó bị chúc dữ.
Giờ đây, tôi phải làm vừa lòng người ta hay là Thiên Chúa? Nào có phải tôi tìm cách làm vừa lòng người ta sao? Nếu tôi còn làm vừa lòng thiên hạ, thì tôi không phải là đầy tớ của Ðức Kitô.
Anh em thân mến, tôi cho anh em biết rằng Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, vì tôi không nhận cũng không học với loài người, nhưng là do Ðức Giêsu Kitô mạc khải.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 7-8. 9 và 10c
Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).
Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi. - Ðáp.
2) Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. - Ðáp.
3) Chúa đã gửi tặng ơn giải phóng cho dân Người, để thiết lập lời minh ước tới muôn đời. Danh Người thực là thánh thiện và khả úy. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời. - Ðáp.

* * *

Alleluia: 1 Sm 3, 9; Ga 6, 69
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 25-37
"Ai là anh em của tôi?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?"
Chúa Giêsu nói tiếp: "Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: "Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông".
"Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Bài Phúc Âm hôm nay nói về ba vấn đề: lề luật, tình yêu và cuộc sống vĩnh cửu. Vấn đề chính yếu nhất đó là tình yêu. Tình yêu có thể đưa con người đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu, và tình yêu sẽ giúp con người chu toàn mọi lề luật. Không có tình yêu con người không thể tìm thấy sự sống đời đời. Không có tình yêu thì mọi luật lệ chỉ là một cái ách đè nặng con người.
Bài học tình yêu này được Ðức Giêsu lồng trong câu chuyện: "Người Samaritanô nhân hậu". Vâng! Người anh em, người thân cận của chúng ta là người cần đến sự trợ giúp của chúng ta và ngược lại. Người thân cận không những là người gần gũi, người có nhu cầu khẩn thiết, nhưng còn là người mà qua họ Thiên Chúa muốn gặp gỡ chính chúng ta và mời chúng ta sống hiệp thông với Ngài.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, chúng con vẫn biết rằng tình yêu thương, nhân hậu là một điều rất cần cho chúng con. Nó quyết định sự bình an, niềm hạnh phúc và cho cả cuộc đời của chúng con. Nhưng Chúa ơi đã bao lần quyết tâm, gắng sống, thế mà sự cố gắng của chúng con như ngày càng thấy bất lực. Gia đình chúng con vẫn bất hòa vì những chuyện không đâu, giáo xứ chúng con vẫn chia rẽ, hận thù. Xin Chúa ban cho chúng con trái tim tình yêu của Chúa để ước gì chúng con sống chan hòa tình thương với mọi người. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Người Samaritanô Nhân Hậu
(Lc 10,25-37)
Suy Niệm:
Người Samaritanô Nhân Hậu
Một phóng viên nọ muốn biết cách đối xử với con người thế nào, ông đã giả vờ làm người bị thương nằm bên vệ đường cùng với chiếc xe bị hư của ông. Nhiều người đã đi qua..., cuối cùng có một người dừng xe lại xem xét và đến trạm gọi điện thoại cho cảnh sát. Người phóng viên đã cẩn thận ghi các số xe đã chạy qua, sau đó, ông đến tận nhà họ để phỏng vấn. Mỗi người đều nói lên lý do của mình, nhưng không ai nghĩ mình một ngày kia có thể rơi vào hoàn cảnh như thế: bàn tay của mình đưa ra để mong tìm được sự nâng đỡ của người khác mà không gặp được.
Người Samaritanô nhân hậu được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay là chính Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, các tư tế, lêvi có lý do của họ: họ đã sống đúng luật, tuy nhiên luật đã giết chết lòng yêu thương của con người vì trọng mặt chữ mà thôi. Chúa Giêsu đã vượt qua luật lệ và hướng dẫn tâm hồn con người lên cao, đi vào chiều sâu của bác ái. Ngài đã đến với từng con người, Ngài không đứng xa nhìn con người đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Như người Samaritanô nhân hậu, Ngài đến gần bên con người, Ngài nhìn họ với ánh mắt đầy trắc ẩn, cảm thông, Ngài cúi xuống băng bó các vết thương của họ và còn tình nguyện trả nợ cho họ bằng giá máu của Ngài khi chấp nhận chết trên Thập giá để cứu sống và đưa họ về quê trời.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi theo gương mẫu của người Samaritanô nhân hậu là hình ảnh của chính Chúa. Chung quanh chúng ta còn biết bao nạn nhân, dưới nhiều hình thức, đang chờ bàn tay nâng đỡ của chúng ta. Nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì? Có thể chúng ta không có tiền bạc, nhưng một lời nói, một nụ cười, một cử chỉ, một việc làm tốt cũng có sức xoa dịu và cảm thông với những nỗi khổ đau của đồng loại.
Nguyện xin Chúa kiện cường lòng bác ái của chúng ta, một lòng bác ái biết tìm đến, dừng lại và xoa dịu những nỗi khổ đau của người khác; một lòng bác ái vị tha, không bị lấm bẩn bởi bản tính ích kỷ trục lợi.
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 27 TN2
Bài đọc: Gal 1:6-12; Lk 10:25-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tin Mừng đích thực

Con người thường hay lầm lẫn giữa cái đích thực với cái giả mạo và ngược lại. Để khỏi bị lầm lẫn, con người cần phải học hỏi và nhiều khi phải trả giá đắt qua kinh nghiệm mới có thể phân biệt giữa thực và giả. Trong Bài đọc I, cộng đòan tín hữu ở Galat lầm lẫn vì họ tin có nhiều Tin Mừng khác nhau; thánh Phaolô chỉ cho họ thấy đâu là Tin Mừng đích thực. Trong Phúc Âm, thầy thông luật tuy có biết phải làm gì để được sự sống đời đời nhưng không biết ai là người thân cận để giúp họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chỉ có một Tin Mừng đích thực. 
Điểm căn bản trong Thư gởi tín hữu Galat là Thiên Chúa trao ban ân sủng cách nhưng không cho con người. Thánh Phaolô xác tín rằng con người không thể làm bất cứ việc gì để xứng đáng được hưởng tình yêu Thiên Chúa. Chỉ có một điều con người có thể làm là đặt mình hòan tòan dưới lòng thương xót Chúa qua sự biểu tỏ của niềm tin. Điều quan trọng không phải ở chỗ con người đã làm gì nhưng ở chỗ Thiên Chúa đã làm cho con người.
1.1/ Chỉ có một Tin Mừng đích thực được mặc khải qua Đức Kitô. Sau khi thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng và thành lập cộng đòan Galat, có những người đến sau ngài đã rao truyền một thứ Tin Mừng theo kiểu của Do-Thái. Họ rao truyền: Nếu con người muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, con người phải chịu cắt bì và giữ tất cả các luật lệ như người Do-Thái. Theo họ, con người có thể kiếm điểm với Thiên Chúa qua việc giữ cẩn thận các luật lệ. Thánh Phaolô sững sờ khi thấy niềm tin như thế nơi cộng đòan của ngài. Ngài viết cho họ: “Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô, để theo một Tin Mừng khác. Không có Tin Mừng nào khác đâu, mà chỉ có một vài kẻ phá rối anh em, và muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Đức Kitô đó thôi.”
1.2/ Sự kiêu ngạo và ghen tị làm con người phát minh ra một Tin Mừng khác: Những đối thủ của thánh Phaolô tố cáo: sở dĩ ngài đã loan báo một Tin Mừng không cần giữ luật là để làm đẹp lòng các tín hữu vì họ không thích bị ràng buộc bởi luật lệ. Ngài phản đối : Nếu việc giữ luật đủ để con người được hưởng ơn cứu độ thì việc giáng trần và chịu chết của Chúa Kitô là điều không cần thiết; và Tin Mừng ngài rao giảng không có lý do để tồn tại. Nhưng Đức Kitô thực sự đã chết cho con người; điều này chứng minh Lề Luật không đủ để mang lại ơn cứu độ. Thánh Phaolô cũng phản đối lời tố cáo ngài muốn làm đẹp lòng các tín hữu: “Vậy, giờ đây tôi tìm cách lấy lòng người đời, hay lấy lòng Thiên Chúa? Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người đời? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không phải là tôi tớ của Đức Kitô.” Ngài đã mang những vết thương của Chúa Kitô trên thân thể như người nô lệ mang tên của chủ; và ngài chỉ trung thành và làm đẹp lòng Đức Kitô mà thôi.
1.3/ Tin Mừng đích thực là do Chúa Kitô mặc khải: Thánh Phaolô nhắc đi nhắc lại cho mọi người biết: tuy ngài không thuộc về Nhóm Mười Hai, nhưng ngài được sai đi trực tiếp từ Chúa Kitô Phục Sinh đến các Dân Ngọai, và Tin Mừng ngài rao giảng không do lòai người truyền lại cho ngài, nhưng được chính Chúa Kitô Phục Sinh mặc khải.

2/ Phúc Âm: Ai là người thân cận của tôi?
2.1/ Phải làm gì để được sự sống đời đời? Đây là câu hỏi rất quan trọng và thực tế của cuộc đời, nhưng người hỏi là thầy thông luật: tuy ông đã biết câu trả lời nhưng vẫn hỏi để thử Chúa Giêsu. Thay vì cho ông câu trả lời, Chúa Giêsu hỏi lại ông: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi (Dt 6:5), và yêu mến người thân cận như chính mình (Lev 19:18)." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."

2.2/ Ai là người thân cận của tôi? Tuy Jericho cách Jerusalem khỏang 20 dặm nhưng độ cao khác biệt là 3,600 ft. Đây là đọan đường rất nguy hiểm vì lối đi hẹp và có rất nhiều hang động, chỗ ẩn của trộm cướp. Rất ít ai dám đi một mình trên quãng đường này. Người bị đánh trọng thương rất có thể là người Do-Thái vì đi từ Jerusalem xuống. Chúa Giêsu liệt kê ra 3 lọai người và phản ứng của họ khi nhìn thấy người bị thương:
 (1) Thầy tư tế: là người Do-Thái. Lý do tại sao ông tránh có thể vì sợ sẽ bị không sạch trong 7 ngày (Num 19:11) nếu động tay vào xác chết, và sẽ không được phục vụ trong Đền Thờ. Ông đặt việc tế tự trên lòng thương xót khi ông tránh qua bên kia mà đi.
 (2) Thầy Lêvi: cũng là người Do-Thái. Nhiệm vụ của Levites là phục vụ cung điện nơi Hòm Bia của Thiên Chúa ngự. Giống như thầy tư tế, ông có lẽ cũng sợ bị không sạch, nên tuy cũng thấy người bị trọng thương, nhưng rồi cũng tránh qua bên kia mà đi.
 (3) Người Samaria xem người Do-Thái như thù địch và không muốn chung chạ gì với họ. Nhưng khi thấy người bị trọng thương, người Samaria không để ý đến nạn nhân là người Do-Thái hay không, ông chạnh lòng thương nạn nhân đau khổ: một niềm thương xót giữa người với người.
Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."
2.3/ Chúa Giêsu hỏi thầy thông luật: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? " Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phải học hỏi thì mới có thể biết cái chân chính và cái giả tạo; nếu không sẽ lầm lẫn đi trong bóng tối và dễ bị đánh lừa.
- Mến Chúa yêu người là phương thức để đạt được sự sống đời đời.
- Chúng ta không chỉ mến Chúa yêu người bằng miệng, nhưng phải thể hiện bằng cuộc sống thờ phượng Thiên Chúa và thực hành các việc bác ái.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

Thứ Hai tuần 27 thường niên
Sứ điệp: Mến Chúa yêu người: đó là con đường đưa loài người đến sự sống đời đời. Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu chính là mẫu gương sống luật yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trên thế giới hôm nay có rất nhiều người đang đau khổ. Họ là những gia đình li tán, những đứa trẻ bị bỏ rơi, những người đang quằn quại trong cơn đói, những chiến binh gục  ngã nơi chiến trường, những kẻ thất nghiệp bơ vơ không nhà cửa, và chung quanh con không thiếu những người đang mỏi mòn chờ đợi con yêu thương giúp đỡ. Thế mà con vẫn tự hỏi: Ai là người anh em mà tôi phải thương mến ?
Lạy Chúa, rất nhiều lần con đã có thái độ ích kỷ như thầy tư tế và thầy Lê-vi  trong câu chuyện dụ ngôn, con cố tình làm ngơ hoặc dửng dưng trước những nỗi đau của tha nhân. Con sợ người ta quấy rầy cho dù con biết rõ những nhu cầu cần thiết của họ. Con không quan tâm đến những người nghèo khổ, những bệnh nhân, những người gặp hoạn nạn, vì con sợ mất thời giờ và hao tốn tiền của. Và như thế, lạy Chúa, con đã không sống luật yêu thương của Chúa.
Xin cho con biết bắt chước người Sa-ma-ri nhân hậu biết yêu thương tha nhân bằng tình yêu không tính toán và không biên giới. Xin hãy canh tân tâm hồn con. Xin Chúa mở rộng tầm nhìn và đôi bàn tay của con, để con nhận biết mọi người là anh em để con yêu thương phục vụ họ.
Và xin cho con biết chấp nhận những phiền hà khi giúp đỡ anh em, chấp nhận những mất mát khi cho đi chính con người và tiền bạc của con. Lạy Chúa, xin Chúa giúp sức để con thực hiện trọn vẹn giới luật yêu thương của Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Ai là anh em của tôi?"
08/10/12 THỨ HAI TUẦN 27 TN
Lc 19,25-37
TÔI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN VỚI AI?

“Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10,36)
Suy niệm: Câu hỏi của thầy thông luật đầy vẻ thách thức và qui về chính mình: Ai là người thân cận củatôi?” Để trả lời, Chúa đã đặt câu hỏi ngược lại: “Ai là người thân cận của người bị nạn?” Ngài đã dạy chúng ta bài học quý báu về đức ái trọn hảo, và cũng là cách thức để đạt tới sự sống đời đời: 1) Thay vì coi mình là trung tâm, bắt người khác phải quan tâm, phải qui hướng về, đến tôi, mỗi người phải quên mình và hướng tới người khác, để quan tâm phục vụ họ. 2) Người khác ở đây là bất cứ ai đang gặp khó khăn khốn cùng, dù đó là người xa lạ, những người nghèo hèn không có khả năng đền đáp, hay thậm chí là kẻ thù của mình nữa. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn nói người Samaria nhân hậu đó là hình ảnh của chính Ngài: hạ mình xuống để trở thành người thân cận với những kẻ khốn cùng.
Mời Bạn: Làm điều tốt cho người yêu thương mình là điều bình thường, Chúa Giêsu đã nói: “ngay cả người tội lỗi cũng làm như vậy” (Lc 6,32). Nhưng đối với những người con cái Chúa, Ngài đòi hỏi nâng tình yêu thương lên mức độ cao thượng hơn, đó là phải biết cúi xuống để yêu mọi người không trừ ai, dù là người kém may mắn, người xa lạ, hay thậm chí là kẻ thù.
Chia sẻ: Bạn làm gì để “biến mình thành người thân cận” với người khác?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn làm một việc bác ái cho người sống bên cạnh bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin tình yêu Chúa biến con trở nên người thân cận với hết mọi người, để nhờ đó tình yêu Chúa được lan toả đến mọi nơi và mọi tâm hồn. Amen.

Hãy đi và làm như vậy
Yêu những người nghèo như chính mình, yêu cả những ai đã làm khổ mình. Đó là cách chúng ta rao giảng Tin Mừng cho quê hương Việt Nam hôm nay.
Suy nim:
Trong Tin Mừng Mátthêu và Máccô (Mt 22, 36; Mc 12, 28)
vị luật sĩ đặt câu hỏi về điều răn nào là điều răn lớn nhất.
Còn theo Tin Mừng Luca, vị này lại hỏi Đức Giêsu
về việc phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (c. 25).
Đức Giêsu nghĩ rằng câu trả lời đã có trong sách Luật, nên Ngài hỏi lại ông.
Ông này đã trích sách Đệ Nhị Luật 6,5 và sách Lêvi 19,18 để trả lời.
Động từ yêu mến diễn tả thái độ đối với Thiên Chúa và người thân cận:
“Hãy yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim con, với tất cả linh hồn con,
với tất cả sức lực con và với tất cả trí khôn con,
và người thân cận như chính mình” (c. 27).
Đức Giêsu khen ông trả lời đúng và khích lệ ông (c. 28).
Như thế giữa Ngài và vị thầy Do thái giáo đã có sự nhất trí nào đó.
Tình yêu không phải là một đòi hỏi mới của Kitô giáo,
nhưng tình yêu đã là điều cốt yếu của Do thái giáo từ xưa.
Vấn đề là phải yêu Thiên Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, sức lực và trí khôn.
Từ tất cả được lặp lại bốn lần để nói lên một đòi hỏi tận căn, trọn vẹn.

Nhưng Đức Giêsu còn phải trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi ?”
Ngài đã trả lời bằng một dụ ngôn nổi tiếng,
qua đó ngài mở rộng quan niệm truyền thống về người thân cận.
Một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô.
Anh phải vượt qua đoạn đường dài gần 25 cây số.
Đoạn đường này thời bấy giờ có nhiều trộm cướp.
Anh đã bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử và đặt nằm đó nửa sống nửa chết.
Nhìn vào tình cảnh bi đát của anh, có ai muốn thương giúp anh không?
Có ba người đi qua chỗ anh nằm, một là thầy tư tế, hai là thầy Lêvi.
Cả hai đều phản ứng như nhau: thấy và tránh qua bên kia mà đi (cc. 31-32).
Chúng ta không rõ tại sao họ làm thế.
Có thể vị tư tế sợ mình bị ô nhơ qua việc đụng chạm đến xác chết,
vì sách Lêvi (21, 1-3) cấm không được làm thế, trừ phi là xác bà con gần.

Một người Samari là nhân vật thứ ba đi ngang qua nạn nhân.
Hầu chắc nạn nhân này là một người Do Thái,
vì không có chi tiết nào cho thấy anh ta là dân ngoại cả.
Giữa dân Do Thái và dân Samari vốn có mối hiềm thù từ lâu.
Người Samari này cũng thấy nạn nhân như hai người trước,
nhưng đó không phải là cái nhìn lạnh lùng, vô cảm.
Anh thấy bằng trái tim mình, vì thế anh chạnh lòng thương (c. 33).
điều mà hai người trước không có.
Chính sự thúc đẩy của trái tim đã khiến anh làm một loạt hành động cụ thể:
lấy dầu và rượu đổ lên vết thương, băng bó, đặt nạn nhân trên lưng lừa,
đưa về quán trọ săn sóc, ở lại quán trọ nguyên ngày hôm ấy,
trả tiền cho chủ quán và hứa sẽ trở lại trả thêm nếu cần (cc. 34-35).
Lòng thương xót thật sự khiến anh chấp nhận mất công, mất của, mất giờ,
và có thể mất mạng nữa, vì có thể tên cướp vẫn còn núp đâu đây.

Khi giúp cho kẻ lâm nạn, dù biết đó là một người Do Thái kẻ thù của mình,
người Samari đã làm một phép lạ lớn.
Đó là biến mình trở thành người thân cận với anh ấy,
và biến anh ấy, kẻ thù của mình, trở thành người thân cận với mình.
Đây là phép lạ của tình thương phá vỡ và vượt qua mọi biên giới
của chủng tộc, tôn giáo và nhất là vượt qua những thù oán lâu đời.
Để trả lời câu hỏi của vị luật sĩ: ai là người thân cận của tôi ?
Đức Giêsu đặt câu hỏi ngược lại cho vị này: “Theo ông,
trong ba người, ai đã trở nên người thân cận với kẻ bị nạn ?” (c. 36).
Câu hỏi quá dễ, nhưng hàm chứa một điều mới mẻ sâu xa.
Trước khi giúp một người,
tôi không nên tự hỏi người này có thân cận với tôi không.
Chúng ta không chỉ giúp những người thân cận và loại trừ người khác.
Chúng ta giúp một người chỉ vì người đó đang cần chúng ta.
Giúp đỡ cụ thể là cách tạo ra người thân cận
Càng giúp nhiều, ta càng có nhiều người bạn thân.
Vị luật sĩ đã hỏi Đức Giêsu phải làm gì (c. 25).
Kể xong dụ ngôn, Đức Giêsu trả lời: Hãy đi và hãy làm như vậy (c. 37).

Đất nước chúng ta đã giàu lên đáng kể, nhưng vẫn không thiếu người nghèo,
nghèo sức khỏe, nghèo tri thức, nghèo vật chất tối thiểu, nghèo nhân phẩm…
Chúng ta cũng bị cám dỗ “tránh sang bên kia đường”,
thấy mà làm như không thấy những Ladarô nằm trước cửa.
Yêu những người nghèo như chính mình, yêu cả những ai đã làm khổ mình.
Đó là cách chúng ta rao giảng Tin Mừng cho quê hương Việt Nam hôm nay.

Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.

Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Ai là anh em của tôi?"
Biến Ðổi Tâm Hồn
Chủ đề chính của đoạn Phúc Âm trên đây là tình yêu thương đối với người lân cận và chủ đề được nhắc đến do bởi hai câu hỏi của luật sĩ: “Tôi phải làm sao để được sống đời đời?” và “Ai là người anh em tôi?”
Chúa Giêsu đã để cho chính luật sĩ phải trả lời cho câu hỏi thứ nhất: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời?”, và vị luật sĩ đã trả lời đúng trăm phần trăm, dựa trên chính lời Kinh Thánh mà ông đã biết nằm lòng. Và nếu đã biết rõ như vậy rồi thì đâu còn lý do gì để hỏi Chúa Giêsu nữa. Không cần phải luật sĩ mới trả lời cho câu hỏi này, mọi thành phần dân Chúa đều có thể trả lời. Vấn đề là nơi câu hỏi thứ hai: “Ai là người anh em tôi?” Sự hiểu biết thông thái của luật sĩ làm ông ta lúng túng vì hẳn thật vào thời Chúa Giêsu có nhiều trường phái luật sĩ khác nhau đã cố gắng trả lời cho câu hỏi này, nhưng chưa có câu trả lời nào thỏa đáng cả. Có trường phái cho rằng người lân cận mà luật Môisen buộc phải yêu thương là cha mẹ, bạn bè, người đồng hương. Như thế, nhà luật sĩ có lý do để hỏi Chúa Giêsu: “Ai là anh em tôi?”, ông muốn biết những giới hạn của tình thương đối với anh chị em để rồi từ đó xác định những bổn phận cần phải tuân giữ. Chúa Giêsu trả lời bằng dụ ngôn người Samari nhân hậu để giúp cho luật sĩ biết là không có giới hạn nào cho tình thương đối với anh chị em và bất cứ ai cần trợ giúp thì người đó là anh chị em của mình. Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đã đặt lại vấn đề như sau: “Ai trong số những kẻ qua đường là người anh em của kẻ bị cướp?”, và dĩ nhiên luật sĩ cũng đã trả lời đúng: “Thưa là kẻ có lòng thương xót người ấy”.
Giải quyết vấn đề trên bình diện tri thức hiểu biết xem ra rất dễ, chỉ cần một chút hướng dẫn như Chúa Giêsu đã làm trong dụ ngôn thì ta có thể biết được câu trả lời cho vấn đề, nhưng để vào nước Chúa không phải chỉ có biết mà thôi, cũng không phải chỉ nói Lạy Chúa, Lạy Chúa mà thôi, nhưng còn phải thực hành, phải làm nữa, phải thực hiện lời dạy của Chúa và phải làm ngay không được chần chờ.
“Hãy đi và làm như vậy!” xem ra Chúa Giêsu không muốn vị luật sĩ ở lại để tranh luận lý thuyết với Chúa mãi mãi mà hãy dấn thân hành động, vì thế liền sau câu trả lời thứ hai của vị luật sĩ, Chúa Giêsu khuyến khích ngay: “Hãy đi và làm như vậy!”
Khi phải hành động giúp đỡ anh chị em, chúng ta thường hay có thái độ chần chờ, tìm sự chân thành lý do để tránh né để khỏi phải cho đi, để khỏi phải làm ngay công việc bác ái phải làm. Vì thế, vấn đề là luôn luôn phải sẵn sàng phục vụ, vấn đề bắt đầu từ tâm hồn của chúng ta trước, vì phải có tâm hồn yêu thương, cần canh tân chính mình trước. Chúng ta đã thấy Chúa Giêsu đã đổi lại viễn tượng, đã đổi lại câu hỏi của luật sĩ, câu hỏi không còn là: “Ai là anh em ta?” nhưng là: “Ai là anh em của người bị nạn?”
Khi tâm hồn chúng ta đã được biến đổi rồi, đã có đầy tình yêu Chúa rồi thì chúng ta sẽ dễ dàng chu toàn mệnh lệnh yêu thương của Chúa hơn, sẽ yêu thương như Chúa, yêu thương không giới hạn, không tính toán, yêu thương cả đến hy sinh mạng sống mình. Không có tình yêu này to lớn hơn tình yêu của kẻ hiến mạng sống mình cho người mình thương. Vấn đề không phải là biết: “Ai là anh em của tôi?” nhưng vấn đề là biến đổi tâm hồn chúng ta để chúng ta trở thành người lân cận, người anh em của tất cả những anh chị em chung quanh chúng ta.
Lạy Chúa,
Xin giúp con canh tân chính tâm hồn mình trước và giúp con trở thành người lân cận của tất cả mọi người, mọi nơi và mọi lúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ai Là Người Thân Của Tôi?
Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sồng đời đời làm gia nghiệp?”Người đáp: “Trong luật đã viết gì? ông đọc thế nào? Ông ấy thưa: “ngươi hãy yêu mến Đức Chúa,Thiên Chúa của ngươi, và người thân cận như chính mình.” (Lc.10, 25-27)
Đây là vấn đề chính luôn luôn được đặt ra qua các thời đại: Ai là người thân cận của tôi? Chính ở điều này, Đức Kitô đã hoàn thành một cuộc cách mạng vĩ đại. Người sắp cho ông luật sĩ một bài học sáng giá về bác ái qua một dụ ngôn rất ý nghĩa và rõ nét.
Ông đã hỏi Ngài: “Ai là người thân cận của tôi?”Đức Kitô đã giải đáp vấn đề cho chúng ta biết cách thực hiện ai là người thân cận của chúng ta. Trong những người chung quanh tôi, những người tôi gặp, ai là anh chị em tôi? Đức Kitô nói: “Một người nào đó đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch và đánh nhừ tử người ấy rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết bên lề đường. Tình cờ có thầy tư tế cũng đi xuống con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi! cũng thế, một thầy lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, bỏ tránh qua bên kia mà đi! nhưng một người Samari đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương, ông lại gần lấy dầu rượu băng bó vết thương người ấy, đặt lên lừa, đưa về quán trọ mà săn sóc, lấy tiền nhờ chủ quán cứu chữa bệnh nhân!
Một người Samari nào đó chẳng quen biết! thuộc dân tộc ly giáo với Do-thái, họ không thờ Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem nhưng ở núi Garidim! Thế mà ông đã lo chăm sóc cho một người cùng khổ hoạn nạn cướp bóc đánh đập và gánh lấy trách nhiệm cứu chữa. Ông không cần biết đó là ai, dân mình hay dân khác, bạn hay thù! không kể đến tốn phí bao nhiêu! ông chỉ thấy đó là một người cần giúp đỡ. Bác ái không từ bỏ một ai trong bất cứ một hoàn cảnh nào, nơi nào, thuộc hạng nào! bác ái có mặt mọi nơi, nơi nào có khổ sở cần xoa dịu giúp đỡ là có bàn tay êm ái nâng đỡ, có lòng tận lực chi trả, có lời an ủi âm thầm tâm sự, thông cảm mọi cảnh éo le, chia sẻ mọi cuộc sống ngoài lề xã hội, băng bó những xung đột, âu yếm những người bị bỏ rơi, hy vọng làm sáng lên những nơi đen tối, chia vui cho những nơi bị xáo trộn, bất ổn.
Bác ái hiện diện khắp nơi, nơi nào có tiếng nhân loại kêu cùng khổ là có con tim đến tiếp cứu, đến biến đổi nó lên tươi sáng. Bác ái hiện diện trên mọi trận tuyến, bạn cũng như thù, tương trợ lẫn nhau trong khắp thế giới. Lúc đó và chỉ như thế, chúng ta mới là anh chị em thân cận với nhau.
GF.



Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
8 THÁNG MƯỜI
Về Lòng Đạo Đức Bình Dân
Có một điểm đặc biệt tôi muốn đề cập với anh chị em, đó là lòng đạo đức bình dân và mối quan hệ của nó với đời sống phụng vụ trong Giáo Hội.
Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II có nhắc đến vấn đề này khi nói đến “việc thực hành đạo đức của quần chúng Kitô hữu”. Những việc đạo đức bình dân được Công Đồng khen ngợi và khuyến khích miễn là chúng “tuân theo những qui luật và những chuẩn mực của Giáo Hội”. Vì thế chúng ta không nên thờ ơ hay coi thường những thực hành đạo đức vẫn đang sống động giữa lòng đại chúng Kitôhữu. Tôi đang nghĩ tới những lễ hội mừng các thánh bổn mạng, những cuộc hành hương đến các nơi thánh, và vô số những hình thức sùng kính các thánh.
Quả thật, như Đức Phaolô VI đã ghi nhận trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, lòng đạo đức hay sùng kính bình dân có ý nghĩa rất phong phú. “Nó biểu lộ nỗi khát khao Thiên Chúa mà chỉ những người đơn sơ nghèo khó mới hiểu được ; nó làm cho người ta biết quảng đại và hy sinh – đến mức anh hùng – khi việc biểu lộ đức tin bị đe dọa; nó cưu mang trong mình nó một cảm thức sâu sắc về những phẩm tính của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Cha, Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện đầy yêu thương; nó làm nảy sinh những tâm tình bên trong không kém sâu đậm: lòng kiên nhẫn, cảm thức về thập giá trong đời sống hàng ngày, sự gắn bó và cởi mở với người khác, thái độ dấn thân…” (EN 48).
Chắc chắn không phải tất cả những thực hành đạo đức này đều có giá trị cao ngang nhau. Vì chủ thể thực hành chúng là những con người, nên các động lực thực hành của họ có thể bị pha trộn với cảm tính và với hướng đích đơn thuần có tính cầu an hơn là để diễn tả đức tin hay để bày tỏ lòng biết ơn và tôn thờ Thiên Chúa. Bên cạnh đó, những việc đạo đức bình dân được phô bày qua những dấu hiệu, cử điệu và những nghi tiết đôi khi xem ra quá quan trọng, thậm chí chỉ để tạo cảm xúc. Tuy nhiên, tự bản chất chúng là những biểu hiện nội tâm sâu thẳm của con người. Chúng cho thấy rằng con người – là một tạo vật – tự nền tảng phải lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa.
+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình
Gl 1, 6-12; Lc 10, 25-37.
LỜI SUY NIỆM: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”(Lc 10,29)
          Trong cuộc sống của chúng ta thường hay giới hạn những người được gọi là thân cận với mình để rồi có cách cư xử cho phải phép. Nhưng qua dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành” Chúa Giêsu cho chúng ta biết: “người thân cận” là bất cứ ai, không những chỉ là những người có liên hệ đến máu huyết, quê hương, dân tộc, miền vùng hay là tôn giáo. Bởi mọi con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và được chính Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương. Trong họ có Ngài. Đặc biệt đối với người nghèo. Chính Chúa Giêsu, Ngài đã đồng hóa Ngài với những người nghèo, những người đang túng thiếu, những người bệnh tật, kể cả những người tội nhân đang ở trong tù. Ngài đòi hỏi mỗi chúng ta phải tỏ lòng yêu thương, chăm sóc và viếng thăm những con người này như chính là Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
08 Tháng Mười
Bức Tượng Người Mù

Cũng như tại bất cứ một trung tâm hành hương nào, tại Lộ Ðức, du khách và khách hành hương có thể đọc được không biết bao nhiêu lời cảm tạ dâng lên Ðức Mẹ cũng như không biết bao nhiêu kỷ vật khác mà những người thọ ơn muốn cho thiết lập để ghi nhớ ơn Mẹ... Trong muôn nghìn kỷ vật tạ ơn ấy, người ta thấy có một bức tượng diễn tả một người mù vừa được chữa lành. Dĩ nhiên, được sáng mắt là một trong những phép lạ đầu tiên được ghi trong sách những phép lạ tại Lộ Ðức. Nhưng bức tượng người mù sáng mắt ở đây lại tượng trưng cho một biến cố khác, một phép lạ theo đúng nghĩa bởi vì đó là phép lạ của một người tìm lại được ánh sáng Ðức Tin.
Bức tượng này được một người đàn bà quý phái cho dựng lên để ghi nhớ ánh sáng Ðức Tin mà bà đã tìm lại được tại Lộ Ðức. Tuy là người Công Giáo, nhưng kể từ khi chồng qua đời, người đàn bà không còn một chút tin tưởng gì nơi Chúa Mẹ nữa. Và dĩ nhiên, cũng giống như những người khô đạo khác, người đàn bà chỉ tìm kiếm có mỗi một điều: đó là thú vui trong cuộc sống.
Một mùa hè nọ, trên đường đi đến một trung tâm nghỉ mát nổi tiếng ở phía Nam nước Pháp, người đàn bà phải đi qua Lộ Ðức. Thấy đám đông tấp nập tại trung tâm Thánh Mẫu, bà ta tò mò dừng lại xem. Bà không ngờ rằng chính Chúa đang tìm kiếm và đeo đuổi bà. Từ thái độ bàng quang của một người hiếu kỳ, người đàn bà đã tìm lại ánh sáng Ðức Tin. Ðể tạ ơn Chúa và Ðức Mẹ, bà đã cho dựng lên bức tượng của người mù với hàng chữ như sau: "Tìm lại Ðức Tin là một phép lạ vĩ đại hơn là được sáng mắt".
Trên vạn nẻo đường của chúng ta, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Thật ra, không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đeo đuổi kiếm tìm con người.
Trong mọi biến cố của cuộc sống, lúc nào Thiên Chúa cũng có mặt. Trong an vui hạnh phúc, hay trong thất bại khổ đau, Ngài luôn ở bên cạnh ta để mời gọi ta tin tưởng ở Tình Yêu của Ngài. Ngay cả khi con người muốn khước từ và gạt bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đeo đuổi con người.
Thánh Kinh đã ví Thiên Chúa như một người tình chung thủy, lúc nào cũng chờ đợi, lúc nào cũng nài nỉ, lúc nào cũg vỗ về, lúc nào cũng tha thứ.
Tin ở một sự hiện diện trung thành như thế của Thiên Chúa, thái độ của chúng ta phải là thức tỉnh, chờ đợi và tin tưởng không ngừng. Trong an vui thịnh đạt, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa. Trong thất bại khổ đau, chúng ta cũng hãy tin tưởng phó thác. Và ngay cả những lúc vấp ngã vì yếu đuối, chúng ta cũng hãy tin tưởng ở lòng tha thứ vô bờ của Ngài. Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ mặc con người.
 (Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 08
Chúa Thánh Thần được gọi chính đáng là "Đấng an ủi".
 
Những tác động của Thần Khí, khi được đón nhận với ánh sáng và sức mạnh, sẽ soi sáng và thúc đẩy chúng ta hành động, sẽ đổ vào lòng chúng ta dẩu trợ lực, bình an và đầy an ủi. Ngày cả khi đi tượng không my quan trọng, nhưng vì được bắt nguồn từ Thần Khí, các tác động này tham gia vào thế lực của Thiên Chúa, là an ủi và làm thoả lòng chúng ta.
 
Ch một giọt nhỏ dầu xức của Chúa Thánh Thẩn, cũng có thể đổ đầy lòng chúng ta nhiu thoả mãn hơn là tất cả của cải trần thế, vì tham gia vào tính vô cùng vô tận của Thiên Chúa.
 
Sự xức dầu của Thiên Chúa lan toả tất yếu trong tâm hn người làm điều lành, do Thần Khí linh hứng... Đón nhận và làm theo các tác động của Thần Khí, làm nẩy nở phát triển. Nhiều câu hỏi khác nhau được đặt ra cho chúng ta: làm sao nhận ra và phân biệt các động cơ này của Thần Khí? Mọi người có nhận được các tác động này không?
 
Những nguồn cảm hứng của ân sủng có thể có những biểu lộ rất khác nhau, tuỳ mỗi người. Chúng ta không thể cưỡng chế Thần Khí, và Thiên Chúa là chủ các ân ban của Người.
Jacques Philippe
Hạnh Các Thánh
Ngày 8 tháng 10
THÁNH SERGIÔ
VÀ BAKHIÔ TỬ ĐẠO

Dưới thời Hoàng đế Maximianô, con thuyền Giáo hội phải qua những cơn phong ba hãi hùng. Sắc lệnh cấm đạo của nhà độc tài khét tiếng đã làm đổ máu biết bao sinh mạng. Một trong những điểm quan trọng của sắc lệnh là “nghiêm cấm hàng giáo sĩ và toàn thể giáo dân không được đọc hay giữ Sách Thánh, không được hội họp để cử hành lễ nghi hay thảo luận về những vấn đề tôn giáo”. Mặc dù nghiêm cấm, sắc lệnh đã trở nên vô hiệu trước đức tin anh dũng của người công giáo muốn lấy máu đào bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, và nhất là để trung thành với Thiên Chúa. Họ không sợ nhục hình, không sợ chết, họ hiên ngang tuyên xưng đức tin và thực hiện lời Chúa phán: “Tình yêu cao thượng hơn hết là chết vì người mình yêu”. Người yêu của mọi người công giáo chính là Đức Giêsu Kitô, là đức tin Ngài dạy, và là Giáo hội Ngài lập.
Thánh Sergiô và Bakhiô là hai sĩ quan danh tiếng của triều đình vua Maximianô, các ngài đã can đảm chà đạp danh vọng trần gian để trung thành bảo vệ đức tin. Ngay khi có người tố cáo Sergiô và Bakhiô là những kitô hữu, Hoàng đế Maximianô đã hứa hẹn cho hai ông nhiều bổng lộc và chức tước, nếu hai ông đồng ý bỏ đạo. Nhưng vua càng hứa hẹn tha thiết, hai ông càng bám sát lấy đức tin. Khi Maximianô dẫn hai ông vào đền thờ thần Ocus cốt ý ép phải dâng hương tế thần, họ nhất định đứng lì trước cửa không chịu bước vào. Mặt bừng đỏ, đôi mắt tròn xoe vì tức giận, Maximianô truyền lệnh lột trần hai sĩ quan, tước hết quân hàm và huy chương, rồi cho điệu hai ông qua các ngã phố làm trò hề cho dân chúng nhạo cười. Dọc đường, các thánh hân hoan hát lời thánh vịnh: “Linh hồn chúng ta như chim sẻ thoát lưới người săn, lưới rách tung và chúng ta được cứu thoát” (Tv 23,7-8). Sau đó, cả hai được giải đến trị tội nơi ông tổng trấn Antiôcô. Theo mật lệnh của nhà vua thì không được tra tấn thánh Sergiô cách tàn bạo, vì ông là một sĩ quan ưu tú. Đêm đầu tiên trong ngục, lúc hai thánh nhân quỳ đọc kinh thì một thiên thần hiện đến khích lệ các ngài can trường vì đức tin, phần thưởng sẽ dành cho những ai bền đỗ. Sáng hôm sau, thánh Bakhiô bị điệu ra pháp trường và bị tra tấn cách rất tàn nhẫn. Dưới làn roi như vũ bão và những quả đấm thôi sơn, thánh nhân can đảm chịu đựng và trút linh hồn ngay tại pháp trường. Chứng kiến cảnh tra tấn đau thương của người bạn, thánh Sergiô không run sợ đầu hàng, một quyết tâm theo gương người bạn tri kỷ, vui chết vì Chúa Giêsu. Ngài luôn miệng cầu nguyền Chúa ban thêm đức tin và lòng trông cậy: “Lạy Chúa toàn năng, xin thêm sức mạnh cho con, xin ban cho con lòng tin cậy Chúa bền vững, để dù chiến đấu gian lao, con cũng một niềm yêu Chúa đến cùng”.

Đêm hôm sau, thánh Bakhiô hiện đến khuyên nhủ và khích lệ thánh Sergiô hãy sẵn sàng chịu đau khổ vì Chúa Giêsu. Tổng trấn Antiôcô bày trăm mưu ngàn kế để chinh phục thánh Sergiô, như hứa hồi chức và tăng thêm nhiều bổng lộc, nếu Sergiô bỏ đạo... Nhưng vô ích, thánh Sergiô vẫn một lòng trung thành với Chúa mặc dù phải hy sinh tính mạng. Biết dùng mưu thuật bằng lời nói không kết quả, Antiôcô bèn giở trò vũ lực. Ông truyền cho ngài xỏ chân vào đôi giầy đóng nhiều đinh nhọn ở trong rồi chạy hằng trăm thước. Hai bàn chân thánh tử đạo nát dừ ra vì những mũi đinh nhọn, nhưng bỗng nhiên lại được thiên thần Chúa trên hiện ra chữa cho lành. Chứng kiến sự lạ này, Antiôcô vô cùng tức giận và truyền trảm quyết thánh nhân ngay tại pháp trường miền Rosapha. Chứng kiến cái chết đau thương của thánh nhân, người ta ngạc nhiên khi thấy ngàn hoa nội cỏ đều rũ rượi như thầm than tiếc thánh nhân, lạ lùng hơn nữa là đàn thú dữ yên lặng phủ phục trước xác thánh nhân như muốn thụ tang con người quả cảm đã coi nhẹ danh vọng trần gian và can đảm chết vì Chúa Giêsu Kitô.
Được tin thánh nhân đã bị xử, giáo hữu thành Xôra hợp nhau đến xin xác các ngài đem về an táng trong một nhà nguyện nhỏ. Về sau, để tỏ lòng ngưỡng mộ thánh Sergiô, người ta đã biến nhà nguyện nhỏ thành ngôi thánh đường nguy nga kính thánh tử đạo. Nhờ cao độ lòng sùng kính của giáo dân, ngôi thánh đường này đã trở nên thánh địa sầm uất của khách thập phương. Nhiều vua quan và lãnh chúa đến cầu nguyện trên mộ thánh Sergiô. Chính họ là những người tiên phong nhận hai thánh tử đạo Sergiô và Bakhiô làm bổn mạng nhiều đơn vị trong quân đội.
Tiểu sử hai thánh tử đạo hôm nay nhắc lại cho chúng ta lời thánh vịnh: “Các thánh thắng trận vinh hiển, các ngài hoan hỉ trong chốn yên vui và miệng các ngài ca tụng Chúa muôn đời” (Tv 149, 5-6).
Thứ Hai 8-10

Thánh Gioan Leonardi

(1541? - 1609)

"T
ôi chỉ là một con người! Tại sao tôi phải làm mọi việc? Ðiều đó có ích gì cho tôi?" Ngày nay, cũng như bất cứ thời đại nào, người ta thường cảm thấy khó chịu khi rơi vào tình trạng khó xử vì bị liên lụy. Nhưng Thánh Gioan Leonardi đã trả lời những câu hỏi trên trong một phương cách độc đáo. Ngài chọn trở nên một linh mục.
Thánh Gioan Leonardi sinh ở Diecimo, nước Ý. Ngài làm phụ tá thầy thuốc ở Lucca, đi tu và thụ phong linh mục năm 1572. Sau khi chịu chức, ngài rất tích cực hoạt động tông đồ, nhất là ở bệnh viện và nhà tù. Sự tận tụy và gương mẫu đời sống của ngài đã thu hút vài người trẻ, và họ bắt đầu tiếp tay với ngài. Sau này chính họ cũng trở thành linh mục.
Phấn khởi với luồng gió cải cách mà Công Ðồng Triđentinô đề ra, Cha Gioan và các linh mục bạn đề nghị một tổ chức cho các linh mục triều. Ðề nghị này bị chống đối dữ dội, nhưng vào năm 1583, tổ chức của ngài được đức giám mục Lucca công nhận với sự phê chuẩn của Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII (vào năm 1621, tổ chức này được chính thức đặt tên là Các Tu Sĩ Chuyên Nghiệp của Mẹ Thiên Chúa). Cha Gioan được sự trợ giúp của Thánh Philíp Nêri và Thánh Giuse Calasanctius, và vào năm 1595, tổ chức này được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII công nhận, và đức giáo hoàng đã giao cho Cha Gioan công việc chấn chỉnh các tu sĩ ở Vallombrosa và Monte Vergine.
Ngài chết khi mới 68 tuổi vì bị lây bệnh dịch khi chăm sóc các bệnh nhân ở Rôma. Ngài được sùng kính vì những phép lạ và lòng đạo đức nhiệt thành của ngài, và được coi là một trong những sáng lập viên của Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1938.

Lời Bàn

Mỗi người có thể làm được những gì? Theo ý định và hoạch định của Thiên Chúa cho mỗi người, điều chúng ta có thể làm thì ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Mỗi người, như Thánh Gioan Leonardi, có một nhiệm vụ phải chu toàn trong hoạch định của Thiên Chúa cho thế gian. Mỗi người chúng ta thì độc đáo và được ban cho các khả năng để phục vụ anh chị em chúng ta trong việc xây dựng Nước Trời.

Lời Trích

"Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban nước trời cho anh em. Hãy bán của cải mình và bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không bao giờ mục nát và một kho tàng vô tận ở trên trời, là nơi kẻ trộm cắp không thể bén mảng, mối mọt không thể đục phá" (Luca 12:32-33).
Bài đọc 2 
Phải cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh 
Trích khảo luận của thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, về Ca-in và A-ben.

Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ, giữ trọn điều khấn nguyền cùng Đấng Tối Cao. Ca ngợi Thiên Chúa là khấn hứa và giữ trọn lời nguyền. Bởi thế, người Sa-ma-ri kia được đề cao hơn những kẻ khác, vì khi vâng lệnh Chúa mà được khỏi bệnh cùi cùng với chín người khác thì chỉ một mình anh trở lại với Đức Ki-tô lớn tiếng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa. Đức Giê-su nói về anh : Chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại cảm tạ Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này ? Rồi Người nói với anh : Đứng dậy, về đi. Lòng tin của anh đã cứu chữa anh. 
Theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã dạy bạn về lòng nhân hậu của Chúa Cha, Đấng hằng ban những điều thiện hảo, để bạn biết xin Đấng nhân hậu ban cho bạn những điều thiện hảo. Chúa Giê-su khuyên bạn phải thiết tha và siêng năng cầu nguyện, không phải cầu nguyện lê thê cách nhàm chán, nhưng năng cầu nguyện cách chăm chú. Quả thật, đọc kinh lâu thì hay lải nhải, còn đọc kinh ít thì chắc hẳn sẽ sinh ra lười biếng. 
Rồi Người khuyên bạn càng xin ơn tha thứ cho mình thì càng phải biết quảng đại tha thứ cho người khác. Nhờ thế, việc làm của bạn hỗ trợ cho lời bạn cầu xin. Thánh Phao-lô Tông Đồ cũng dạy bạn phải cầu nguyện mà không được giận dữ và cãi cọ, kẻo lời cầu nguyện của bạn bị vẩn đục và biến chất. Đấng Cứu Thế còn dạy phải cầu nguyện ở khắp nơi, khi nói : Hãy vào phòng của bạn. 
Nhưng bạn hãy hiểu đó không phải là căn phòng có tường vây kín nhốt thân xác bạn mà là căn phòng ở trong con người bạn, nơi chất chứa tư tưởng của bạn, nơi lưu trữ tâm tình của bạn. Bất cứ nơi nào căn phòng cầu nguyện này vẫn ở với bạn, bất cứ nơi náo, nó vẫn kín đáo, vì không có ai là người chứng giám, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. 
Bạn được dạy phải cầu nguyện đặc biệt cho dân, nghĩa là cho toàn thân, cho toàn chi thể của Hội Thánh là mẹ bạn, mà đặc trưng là tình tương thân tương ái. Quả thật, nếu bạn chỉ xin cho chính mình thì bạn chỉ cầu cho bản thân thôi. Và nếu mỗi người chỉ cầu cho chính mình thì lời cầu nguyện đó là của người tội lỗi, nên không mang lại ân sủng dồi dào như khi người ta chuyển cầu cho kẻ khác. Còn khi mỗi người cầu cho mọi người, thì mọi người cũng cầu cho mỗi người. 
Vậy, để kết luận, nếu bạn chỉ xin cho chính mình, thì như đã nói, bạn sẽ chỉ xin cho bản thân thôi. Còn nếu bạn xin cho mọi người thì mọi người sẽ xin cho bạn, vì bạn ở trong mọi người. Như vậy, các việc lành phúc đức của toàn dân sẽ tăng thêm hiệu lực nhờ từng lời cầu nguyện của mọi người. Cách cầu nguyện đó không kiêu căng chút nào, khiêm nhường hơn thì có, và lại đạt hiệu quả dồi dào hơn ?

Lời nguyện 
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắn rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…
 
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Hai Tuần 27 Thường Niên-Bản dịch của nhóm CGKPV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét