Thứ Sáu sau Chúa Nhật 26 Quanh Năm
*
* *
Ông Gióp
Bài Ðọc I: (Năm
II) G 38, 1. 12-21; 39, 33-35
"Ngươi có xuống tận
đáy biển và đi bách bộ dưới vực thẳm không?"
Trích sách ông Gióp.
Từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời
ông Gióp rằng: "Sau khi ngươi đã sinh ra, ngươi có ra lệnh cho bình minh,
và chỉ chỗ cho rạng đông không? Ngươi có cầm giữ các phần cuối cùng trái đất,
và xua đuổi khỏi địa cầu bọn gian ác không? Mặt đất trở nên như đất sét có đóng
ấn và trải ra như chiếc áo. Bọn gian ác bị tước mất sự sáng, và cánh tay giơ
cao bị bẻ gẫy.
"Ngươi có xuống tận đáy
biển, và đi bách bộ dưới vực thẳm không? Cửa tử thần có mở ra cho ngươi và
ngươi có nhìn thấy tối tăm không? Ngươi có xem xét chiều rộng địa cầu không?
Nếu ngươi đã hiểu biết, hãy chỉ mọi sự cho Ta. Sự sáng ở đàng nào và sự tối tăm
ở nơi đâu, để ngươi dẫn dắt cả hai đến địa giới của chúng, và hiểu biết đường
lối nhà chúng? Bấy giờ ngươi có biết ngươi sẽ sinh ra không? Và ngươi có biết
rõ số ngày đời ngươi không?"
Ông Gióp thưa lại cùng Chúa
rằng: "Con nói lơ đãng, thì con trả lời thế nào được? Con để tay trên
miệng con. Con đã nói một lần, chớ chi con đừng nói! Và lần thứ hai, con không
nói thêm gì nữa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 7-8.
9-10. 13-14ab
Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c.
24b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, Ngài thăm
dò và biết rõ con, Ngài biết con, lúc con ngồi, khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư
tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý
tới mọi đường lối của con. - Ðáp.
2) Con đi đâu để xa khuất
được thần linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo
được lên trời, thì cũng có Ngài ngự đó; nếu con nằm dưới âm phủ, thì đây cũng
có mặt Ngài. - Ðáp.
3) Nếu con mượn đôi cánh của
hồng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đây cũng bàn tay
Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con. - Ðáp.
4) Chính Ngài đã nặn ra thận
tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con
lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thật diệu huyền. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy
vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 13-16
"Ai tiếp đón Thầy, là
tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng:
"Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa :
vì nếu tại Tyrô và Siđon
đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã
mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán,
Tyrô và Siđon
sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi.
"Còn ngươi nữa, hỡi
Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ
thấp xuống tới địa ngục.
"Ai nghe các con, tức là
nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là
khinh dể Ðấng đã sai Thầy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum là những thị trấn nhỏ
nằm trên bờ hồ Giênêgiarét. Chúa Giêsu và các môn đệ đã nhiều lần rao giảng Tin
Mừng, cũng như làm nhiều phép lạ ở các thị trấn này. Thế mà dân ở đây vẫn cứng
lòng không theo Chúa. Hình phạt cho các thị trấn sẽ nặng hơn vì ngoan cố không
chịu nghe theo Chúa.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, trước lòng
chai đá của dân chúng, Chúa đã lên tiếng răn đe mong con người sám hối trở về.
Vì thế, trách nhiệm truyền giáo của các môn đệ lại càng trở nên cấp thiết. Xin
cho chúng con, biết từ bỏ bản thân để lo cho công cuộc rao giảng tin mừng của
Giáo Hội Chúa. Amen.
(Lời Chúa trong giờ
kinh gia đình)
Nguy Cơ Của Những Tiện Nghi Vật Chất
(Lc 10,13-16)
Suy Niệm:
Nguy Cơ Của Những Tiện
Nghi Vật Chất
Có một hiện tượng chung tại
các nước đang phát triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra thành thị.
Tại đô thị dễ tìm được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi, thú tiêu
khiển cũng nhiều hơn. Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái của nó:
người dân đưa nếp sống thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc buôn
bán lấn chiếm vỉa hè, trật tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng hơn
vẫn là đời sống luân lý đạo đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.
Thời Cựu Ước, các Tiên tri đã
không ngừng lên tiếng cảnh cáo dân chúng về cuộc sống đồi bại tại các đô thị.
Chúc dữ các đô thị vốn là một đề tài quen thuộc trong lời rao giảng của các
Tiên tri. Dường như có hai lý do khiến các Tiên tri lên án các đô thị: Một đàng
các Tiên tri muốn nhắc nhở dân chúng về cuộc sống du mục trong sa mạc, tại đó
họ đã nghe được tiếng Chúa và đã kết ước với Ngài, cuộc sống càng đơn giản, con
người càng dễ kết thân với Chúa; nhưng đàng khác, nhận thấy cuộc sống đồi bại
của các thành phố ngoại giáo trong vùng, các tiên tri muốn cảnh cáo dân chúng
về mối nguy cơ có thể chạy theo một cuộc sống như thế. Sự đồi bại nguy hiểm
nhất mà các Tiên tri không ngừng lên án một cách gắt gao, đó là việc tôn thờ
ngẫu tượng và nếp sống vô luân của thị dân, điển hình nhất là của các đô thị sa
đọa là Sôđôma, Gômôra, Babylon ,
Tyrô, Siđôn.
Trong Tin Mừng hôm nay, theo
truyền thống các tiên tri Cựu Ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba thành phố
có nếp sống sa đọa nằm dọc theo bờ hồ, đó là Cozazin, Betsaiđa và Capharnaum.
Những tiện nghi vật chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước Lời Chúa.
Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình, do đó, cô đơn vốn
là điều con người sợ nhất, thành ra đi vào quan hệ với người khác là một trong
những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cuộc sống đô thị với nếp sống ồn ào
náo nhiệt của nó dễ tạo cho con người cái cảm tưởng rằng ở đó họ dễ đi vào quan
hệ với người đồng loại.
Tuy nhiên, như thực tế cho
thấy, cuộc sống càng xô bồ, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh không
ngừng nhắc nhở con người rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể mang lại bí
quyết cho sự thông hiệp đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người ra
khỏi nỗi cô đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi con
người sống kết hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, nó cũng sẽ không cảm
thấy cô đơn; lại nữa, khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được
thúc đẩy để đến với anh em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa mà
có thể khước từ người anh em của mình, và ngược lại, bất cứ một quan hệ chân
thành nào với người anh em, cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên
Chúa.
Dù muốn hay không, những thay
đổi trong cuộc sống do kinh tế thị trường mang lại không thể không ảnh hưởng
đến cuộc sống đức tin của người Kitô hữu. Thật ra, cuộc sống đức tin không phải
là một sinh hoạt phụ trong cuộc sống chúng ta; đức tin phải là chiều kích bao
trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta: chúng ta là Kitô hữu trong mọi nơi, mọi
lúc, mọi sinh hoạt, mọi hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao
cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày
và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là Thánh
Lễ Chúa Nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ
trong gia đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ
chỉ còn là một món đồ trang điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một số dịp nào
đó trong năm, chứ không liên hệ gì đến đòi hỏi công bằng bác ái, liên đới mà
chúng ta phải thực thi hằng ngày.
Nguyện cho Lời Chúa luôn là
động lực thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trong mọi sinh hoạt và quan hệ hằng
ngày của chúng ta, để trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng ta luôn tìm gặp
Chúa trong tha nhân và trong mọi biến cố.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 26 TN2
Bài đọc: Job 38:1, 12-21, 33-35; Lk 10:13-16.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Biết Chúa – biết mình
Chu
Tu đã tuyên bố một câu bất hủ: “Biết người, biết ta: trăm trận trăm
thắng.” Nhiều người chẳng những đã không biết mình mà còn mù tịt về Thiên Chúa.
Hậu quả là con người thường có khuynh hướng lấy những gì mình biết mà áp dụng cho
Thiên Chúa; vì thế, con người dễ kiêu ngạo và khinh thường Thiên Chúa, khinh
thường những người làm việc cho Thiên Chúa, và lọai Thiên Chúa ra khỏi cuộc
đời. Các Bài đọc hôm nay dạy cho chúng ta những trường hợp phải tránh.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Sự quan phòng của Thiên Chúa trong vũ trụ
Con
người có thể nhận ra sự hiện diện, sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa qua
việc quan sát thiên nhiên. Thánh Thomas Aquinô đã dùng những nguyên lý rất khoa
học để chứng minh những điều này: Ví dụ, theo nguyên lý nhân quả: Vật gì có là
phải có người làm cho có; mà vũ trụ thực sự hiện hữu; vì thế phải có người dựng
nên vũ trụ. Chúng ta gọi Người đó là Thiên Chúa. Cũng theo nguyên lý này: sự
vật càng tinh vi bao nhiêu thì người sáng chế ra nó càng khôn ngoan bấy nhiêu;
nhìn vào hệ thống thái dương hệ, nhìn vào thân thể con người với các bộ phận
tinh vi và họat động hòa điệu với nhau; chúng ta có thể nhận ra sự khôn ngoan
và uy quyền của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng khẳng định điều này: “Những gì
người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì
chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn
thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người,
thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy
được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được” (Rom
1:19-20).
Thiên
Chúa cũng nhắc nhở cho ông Gióp những điều này:
(1)
Qua những gì xảy ra trên trời: “Trong cả đời ngươi, đã có lần nào ngươi
từng ra lệnh cho buổi sáng, chỉ định vị trí cho hừng đông, để hừng đông nắm
chắc mười phương đất, giũ cho sạch hết bọn gian tà?”
(2)
Qua những gì xảy ra dưới biển cả và đáy vực sâu: “Có bao giờ ngươi đã
đến tận nguồn biển cả và lang thang ở đáy vực sâu? Có ai từng mở cho ngươi lối
vào âm phủ và ngươi thấy được cửa dẫn tới âm ty? Có khi nào ngươi hiểu mặt đất
rộng chừng nào? Nếu ngươi biết hết mọi điều đó thì cứ nói đi!”
(3)
Qua sự hiện diện của ánh sáng và bóng tối: “Con đường nào dẫn đến nơi ở
của ánh sáng, đâu là nơi bóng tối cư ngụ, để ngươi đưa nó đến miền nó ở, và
nhận ra đường về nhà nó? Điều này, hẳn ngươi biết rõ, vì khi ấy, ngươi đã chào
đời, và đời ngươi đã qua bao năm tháng!”
(4)
Qua những qui luật của trời đất: “Liệu ngươi có biết được quy
luật của trời, có ấn định được ảnh hưởng của trời đối với đất? Liệu tiếng ngươi
có vọng thấu tầng mây, khiến trên ngươi cả khối nước trời đổ xuống?”
2/ Phúc
Âm: Biết mình để đừng kiêu ngạo
(1)
Hai thành của Do-Thái, Chorazin và Bethsaida: Sử gia Eusebius và
thánh Jerome định vị Chorazin là một thành phố nằm cách Capernaum 2 dặm về phía
Bắc. Vì nó nằm trên ngọn đồi nên từ đây một người có thể nhìn xuống Capernaum
và Biển Hồ. Thành phố này rất phồn thịnh cho tới thế kỷ 2 AD. Tuy Phúc Âm không
tường thuật Chúa rao giảng hay làm phép lạ ở Chorazin, nhưng có lẽ vì thành rất
gần Capernaum
nên đã nghe những gì Chúa giảng và chứng kiến những gì Chúa làm. Bethsaida , tiếng Do-Thái
có nghĩa là “nhà của cá.” Thành này nằm ở phía Tây của Hồ Tiberias. Đây là chỗ
sinh sống của các Tông Đồ Phêrô, Anrê, và Philip, và cũng là nơi Chúa thường
xuyên lui về để nghỉ ngơi (Mk 6:45, Lk 9 :10, Jn 1:44, 12:21). Tại đây, Chúa
làm phép lạ chữa người mù (Mk 8:25) và chữa mẹ vợ của Phêrô (Mt 8 :14, Mk 1
:30).
(2)
Hai thành của Dân Ngọai, Tyre và Sidon : Hai thành này nằm dọc theo bờ biển
Mediteranean về phía Bắc của Do-Thái là Lebanon hiện giờ. Vì nằm trên bờ
biển và là nơi giao thông giữa Á Châu và Âu Châu nên hai hải cảng này rất phồn
thịnh. Trong suốt cuộc đời rao giảng của Chúa, chỉ có 2 Thánh Ký Matthew và
Mark tường thuật một lần Chúa Giêsu đi đến Tyre
và Sidon (Mt
15:21, Mk 7:30) và làm phép lạ một lần: chữa con gái người đàn bà Dân Ngọai
Canaanite, sau khi đã khen ngợi đức tin của bà (Mt 15:28, Mk 7:30). Tuy không
được Chúa Giêsu đến rao giảng và không được chứng kiến những phép lạ Chúa làm
như các thành khác của người Do-Thái; nhưng mỗi khi nghe nói Chúa rao giảng
những thành trì gần nơi họ ở, họ kéo nhau tới để lắng nghe Chúa giảng; và niềm
tin của người đàn bà xứ Canaanite đã làm Chúa ngạc nhiên.
Khi
so sánh giữa 2 thành của Do-Thái (Chorazin và Bethsaida) với 2 thành của Dân
Ngọai (Tyre và Sidon), Chúa đã phải thốt lên: "Khốn cho ngươi, hỡi
Chorazin! Khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa !
Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyre
và Sidon , thì
họ đã mặc áo vải thô từ lâu, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong
Ngày Phán Xét, Tyre và Sidon sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi.”
(3) Capernaum được nhắc tới
16 lần bởi cả 4 Thánh Ký. Matthew và Mark tường thuật Chúa Giêsu bắt
đầu sứ vụ rao giảng của Ngài sau khi bị cám dỗ trong sa mạc tại Capernaum (Mt
4:13, Mk 1:21); Ngài thường xuyên trở lại đây rao giảng (Mk 2:2, Lk 4:31); và
diễn từ quan trọng nhất về Bí Tích Thánh Thể được nói trong hội đường của người
Do-Thái tại đây (Jn 6). Nơi đây Chúa đã làm rất nhiều phép lạ (Lk 4:23): chữa
lành người đầy tớ của viên Đại Đội Trưởng (Mt 8:5, Lk 7:10); chữa người bị quỉ
ám (Mk 1:26, Lk 4:33); chữa lành người bất tọai (Mk 2:12); làm phép lạ đầu tiên
cho nước hóa thành rượu tại Cana, rất gần Capernaum (Jn 2:11); chữa con trai
của một công chức (Jn 4:52); bắt sóng biển phải im lặng (Jn 6:21). Nhưng cũng
tại Capernaum Chúa gặp rất nhiều thử thách và chống đối (Mt 17:24, Mk 2:7). Dân
chúng tại Capernaum đã được nghe Chúa giảng nhiều lần và chứng kiến rất nhiều
phép lạ Ngài làm, nhưng họ vẫn cứng lòng, kiêu ngạo không chịu tin vào Ngài; đó
là lý do tại sao có những lời của Chúa hôm nay: “Còn ngươi nữa, hỡi Capernaum,
ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống
tận âm phủ!”
(4)
Hậu qủa của sự chấp nhận hay khước từ các môn đệ: Chúa Giêsu tuyên bố:
"Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà
ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy." Điều này cho chúng ta thấy
sự quan trọng của các môn đệ. Chúa Giêsu đã ban cho các ông tất cả những gì cần
thiết cho việc rao giảng Tin Mừng trước khi sai các ông đi. Các ông là đại diện
cho Chúa Giêsu giống như Chúa Giêsu là đại diện cho Thiên Chúa; người được sai
đi có đầy đủ uy thế và quyền hành như người sai đi. Chúng ta thường có khuynh
hướng coi nhẹ những người đại diện, xem họ không có uy quyền bằng chủ nhân của
họ. Chúng ta đừng quên những lời tường thuật của các môn đệ có khả năng làm
Thiên Chúa khen thưởng hay đánh phạt chúng ta.
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải học biết về Thiên Chúa để hiểu biết đường lối của Ngài và tránh
được kiêu ngạo. Đừng có thái độ “ếch ngồi đáy giếng.”
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Thứ Sáu tuần 26 thường niên
Sứ điệp:Ai đón nhận Tin Mừng là
đón nhận chính Thiên Chúa. Ai không tin, không đón nhận sẽ bị kết án và mất
phần thưởng đời đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bài Tin Mừng hôm nay làm con
phải sững sờ. Các thành phố Kho-ra-dim, Bet-sai-đa, Ca-phac-na-um đã được nghe
Chúa giảng dạy và thấy các việc Chúa làm. Nhưng họ đã không nhận ra và thực thi
điều Chúa truyền dạy. Họ không hối cải, và đã làm ngơ trước các đòi hỏi của Tin
Mừng. Lòng họ đã nên chai cứng. Họ đánh mất ân huệ lớn lao mà bao nhiêu thế hệ
trông chờ. Cuối cùng, thay vì ân phúc và trọng thưởng, họ đã bị kết án nặng nề
và bị loại trừ khỏi hạnh phúc trường sinh.
Hình ảnh các thành phố ngoại giáo Ty-rô và
Sy-đon sẽ được đối xử khoan dung hơn trong ngày phán xét làm con xác tín: Ai
không tin, không đón nhận Tin Mừng là chối bỏ Chúa, và hơn thế nữa là chối bỏ
chính Cha trên trời. Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhận ra điều Chúa truyền dạy
và quyết tâm thi hành. Việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa là lối mở dẫn đưa
con về nhà Cha trên trời, là bảo đảm cuộc sống thật hạnh phúc đời sau.
Lạy Chúa, Giáo Hội đại diện Chúa tiếp tục loan
báo Tin Mừng cứu độ. Ai tin, ai gắn bó, ai đón nhận giáo huấn của Giáo
Hội là đi vào con đường cứu rỗi. Xin giúp con cởi mở nội tâm để sống tâm
tình hiếu thảo trong lòng Giáo Hội. Xin thêm lòng yêu mến cho con, để Lời
Chúa truyền và các điều Giáo Hội dạy, con thực hiện thật tốt đẹp. Xin đừng bao
giờ để lòng con nên chai cứng trước những lời mời gọi sống cho Chúa, sống
yêu thương phục vụ anh em hằng ngày. Amen.
Ghi nhớ : "Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai
Thầy".
05/10/12 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 10,13-16
Lc 10,13-16
NHẬN BIẾT ƠN CHÚA BAN
ĐỂ HOÁN CẢI
“Khốn cho ngươi, hỡi
Khôradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa!” (Lc 10,13)
Suy niệm: Cũng như Caphácnaum nằm ven bờ bắc của Biển Hồ Tibêria, vốn
được gọi là “nhà của Chúa Giêsu” (Mc 2,1; 9,33), Khôradin cách đó khoảng 3 cây
số về phía bắc cũng là nơi Chúa thường lui tới trong hành trình rao giảng.
Bétxaiđa, cách Caphácnaum 3 cây số về phía đông, cũng không phải là nơi xa lạ
vì là quê quán của các tông đồ Phêrô, Anrê và Philípphê (x. Ga 1,44). Cả ba nơi
này đã nghe nhiều lời Chúa giảng dạy, đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm. Thế
nhưng Ngài đã phải thốt lên lời than trách“Khốn cho ngươi” đầy thương xót pha lẫn giận dữ và
cảnh báo nghiêm khắc, chỉ vì thái độ vênh vang trước những ơn đặc biệt đó trong
khi vẫn cứng lòng chai đá mà không hối cải, là điều kiện tối cần để được cứu
độ.
Mời Bạn: Nếu hôm nay Chúa Giêsu đến nói với bạn những lời như trên
thì thử hỏi bạn sẽ có thái độ nào đây? Chúng ta đã nhiều lần được nghe Lời
Chúa, đã được biết về Chúa, được lãnh nhận hồng ân tái sinh, nhưng chúng ta đã
khước từ Chúa qua cách sống thiếu niềm tin trong cuộc sống hàng ngày, qua thái
độ dửng dưng lạnh nhạt với lời mời gọi hoán cải. Như vậy chúng ta đâu khác gì
những dân thành Bétxaiđa hay thành Khôradin ngày xưa!
Sống Lời Chúa: Nhớ lại những ơn lành Chúa đã ban cho mình và quyết tâm
chừa bỏ một nết xấu.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tối cao và vinh hiển, xin chiếu sáng chỗ tối
tăm trong lòng con và ban cho con một đức tin chân thật, một đức cậy vững vàng
và một đức mến hoàn hảo… để con chu toàn thánh ý Chúa trong mọi việc con làm.
Amen. (Th. Phanxicô Átxidi)
Khốn cho
ngươi.
Sám hối
là trả lại chỗ cho Đức Giêsu trong mỗi góc phố vắng, là giữ cho thành phố
xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.
uy niệm:
Tin Mừng hôm nay kể lại một kinh nghiệm không
vui của Đức Giêsu,
Kinh nghiệm của một người tận tụy với công việc
tông đồ
nhưng sau thời gian dài chờ đợi, kết quả lại
không như ý.
Đức Giêsu là người vùng Galilê, hẳn Ngài yêu
vùng đất này.
Ngài thường lui tới những thành phố quanh Hồ
Galilê.
Khoradin, Bếtsaiđa, Caphácnaum nằm trong số đó.
Ngài đã rao giảng nhiều về sám hối (7, 36-50;
13, 1-5; 19, 1-10),
và Ngài cũng làm bao phép lạ kèm theo để gọi
mời hoán cải.
Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời
Ngài giảng
và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm.
Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ.
Tất cả vẫn chỉ là hời hợt của cảm xúc bên
ngoài.
Điều Ngài đòi hỏi là biến đổi tận căn bên trong
cuộc sống.
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi,
hỡi Bếtsaiđa!
Đức Giêsu đau đớn thốt lên như thế khi phải so
sánh hai thành phố trên
với hai thành phố dân ngoại tội lỗi là Tia và
Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).
Hai thành phố ở Galilê chẳng đổi gì mấy dù đã
biết Ngài từ lâu.
Dân ở đây sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn trong
cuộc phán xét.
Thành phố Caphácnaum cũng chẳng khá hơn,
dù đây là nơi Đức Giêsu hay lui tới để phục vụ
(Lc 4, 23. 31-37 ; 7,10).
Ngài đặt thẳng câu hỏi với thành phố này về
tương lai của nó (c. 15).
Đừng mong được nâng đến tận trời, nhưng sẽ bị
xuống tận âm phủ!
Đức Giêsu có kinh nghiệm về thất bại trong việc
tông đồ.
Ngài cũng nhắc các môn đệ về chuyện đó (Lc 10,
10-12).
Không được tiếp đón, bị từ khước, không được
người ta nghe (c.16),
thậm chí có khi bị bách hại, bị vu khống, bị
giết chết.
Đó là những điều người môn đệ tín trung vẫn
thường gặp,
vì Thầy của họ đã trải qua và vượt qua.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói chuyện
với các thành phố,
những nơi thân quen, đã mang dấu chân Ngài.
Ngài lấy làm tiếc vì những gì Ngài làm chưa
thấm vào bề sâu,
chưa tạo ra được những thay đổi nơi lòng thành
phố.
Một sám hối thật sự không phải chỉ là một sám
hối cá nhân,
nhưng là sám hối nơi sinh hoạt của cả một thành
phố.
Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta
Ngài sẽ nói gì?
Ngài có chỗ không ở mọi nơi người Kitô hữu đang
sống,
đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi,
đang cầu nguyện?
Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc
phố vắng,
là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa
thiêng liêng nhất.
Ước gì chúng ta biết xây dựng quanh ta
những khoảng không gian tràn ngập sự hiện diện
của Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
việc tông đồ của con phải là việc tông đồ
diễn tả lòng tốt.
để khi thấy con, người ta phải nói:
“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là
đạo tốt.”
Và nếu có ai hỏi con
tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,
con sẽ trả lời
vì con là tôi tớ của một đấng tốt hơn con
nhiều.
“Mong sao bạn biết được Chủ Giêsu của tôi
tốt biết bao!”
Con muốn sống thật tốt, để người ta có thể
nói:
“nếu tôi tớ mà tốt như vậy,
thì Chủ sẽ tốt đến ngần nào ?”
Chân phước Charles Foucauld
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Ai
tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".
Nghe hay khước từ
“Ai
nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy, mà ai khước
từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” (Lc. 10, 16)
Hôm
qua Đức Giêsu đã ban một số huấn lệnh cho các môn đệ đi truyền giáo. Trường hợp
gặp thất bại, hãy đến nơi khác. Đức tin không cưỡng bức ai. Đàng khác, dù muốn
hay không, nước Thiên Chúa vẫn đến! Người ta có thể khước từ nhưng sẽ có ngày
họ sẽ gia nhập, vì đó là thành ý Thiên Chúa. Chính Ngài định đoạt ngày giờ, chứ
không phải người ta. Ước mong họ sẽ tin cậy vào Ngài. Họ nghe lời Chúa không
tùy thuộc vào tài khéo léo thuyết phục của loài người.
Chính
Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, cũng không thành công khi thuyết phục mọi người
tin vào sứ điệp chân chính và cần thiết của Người. Bản tính nhân loại của Người
như đã che lấp mọi may mắn làm cho người ta tin Người. Ba thành Kho-ra-zim,
Bét-sai-đa và Ca-pha-na-um Người kể tên ra đây, là những vùng hoạt động của
Người, được đặc biệt hưởng những ân huệ lời Người và tận tình cứu giúp của
Người. Họ sẽ giầu có, phong phú biết bao về tinh thần, nếu họ lắng nghe và sống
theo lời Người. Nhưng khốn thay! Họ đã cùng túng và thảm bại vì đã từ chối lời
Người kêu gọi. Nếu các thành dân ngoại khác như Sô-đô-ma, Ti-a và Si-đôn đã
được may mắn gặp gỡ Đức Kitô thì họ đã mặc áo nhặm ngồi trên tro tàn tỏ lòng ăn
năn sám hối lâu rồi.
Chúa
không chúc dữ đâu! Người chỉ than phiền về sự đui mù và vô ơn của mọi người,
như Người khóc thương thành Giê-ru-sa-lem đã ruồng bỏ Người. Khi nghe những lời
đau khổ của Đức Giêsu như thế, người ta không khỏi nghĩ đến những nước, những
tỉnh thành, làng xã trong quá khứ đã nhận được dồi dào ơn lành và ánh sáng của
Đức Kitô, nay họ đã ruồng bỏ Người, trong ngày phán xét, chúng ta sống hối hận
chừng nào!
Hôm
nay nghe các ngôn sứ của Đức Kitô, chính là nghe chính Đức Kitô. Nếu khước từ
các Ngài là khước từ chính Người. Để lời khiển trách của Đức Giêsu xưa đem lại
phúc lợi cho chúng ta, mỗi người và tất cả chúng ta hãy vui vẻ đón nhận lời
Người để nghiêm chỉnh, thẳng thắn hồi tâm trở về với Đức Kitô. Đừng để lời cảnh
giác của Người như tiếng vang ngoài tai rồi biến tan theo mây khói, thật khốn
cho chúng ta!
GF.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng
10
5 THÁNG MƯỜI
Tính Nhân Bản Của Thánh
Kinh
Từ khi Thiên Chúa tự
biểu lộ chính Ngài cho Abraham – nghĩa là tái lập cuộc đối thoại giữa con người
với Đấng Sáng Tạo vốn đã bị gãy đổ do tội Adam – tính nhân bản đích thực theo
Thánh Kinh không ngừng khẳng định phẩm giá độc đáo nơi mỗi con người. Mỗi người
đều được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Mỗi người đều được Chúa Kitô
cứu chuộc và mời gọi đi vào trong mối hiệp thông với Ngài.
Đó là địa vị của con
người trong thế giới này và trong bậc thang giá trị. Đành rằng văn chương và
nghệ thuật thường đề cập đến tính yếu đuối, mỏng dòn, thú nhục dục, thói đạo
đức giả và tính thô bạo của con người. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, trên hết,
con người thật kỳ diệu với lối suy nghĩ sáng sủa, với những khám phá khoa học,
với những cảm hứng trữ tình trong thi ca, với những sáng tạo nghệ thuật trác
tuyệt, với tính cách đạo đức anh hùng, và quan trọng nhất là với những chứng tá
thánh thiện trong Đức Kitô.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
G 38, 1. 12-21. 14-16; Lc 10, 13-16
LỜI SUY NIỆM: “Khốn cho ngươi, hỡi Khô-ra-dim! Khốn cho ngươi, hỡi
Bét-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và
Xi-đon, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi” (Lc
10,13).
Trong cuộc sống của con người, nếu không biết quan tâm đến mình, đến người
khác, cũng như các biến cố xãy ra cho mình hay cho những người khác thì sẽ
không thấy có sự liên đới với chính cuộc sống của mình. Đặc biệt trong đời sống
đức tin. Mỗi một người phải biết mình và mọi người đều là hình ảnh của Thiên
Chúa. Chúng ta không thể làm hoen ố hay lu mờ hình ảnh ấy. Cần phải trân trọng,
biết quan tâm đến mình và mọi người. Khi đó chúng ta mới biết tôn trọng nhân
phẩm, nhân vị và nhân quyền của bản thân cũng như của mọi người; đặc biệt với
người nghèo sống chung quanh chúng ta. Để khỏi bị Chúa lên án.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
05 Tháng Mười
Sứ Ðiệp Của Một Người Tàn Tật
Hằng năm tổ chức có
tên là "Tự nguyện chịu đau khổ" hành hương đến Lộ Ðức để chia sẻ kinh
nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành hương đã chú ý đến
lời chia sẻ của Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt. Chúng
ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:
Sau trận đánh ở El
Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu
đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi cứ tự nhiên
cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt mũi, không
nói được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người không tay,
không mắt... Tôi toan tự tử.
Trên giường bệnh ở nhà
thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin
được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi nhân loại: đó
là thù oán, kiêu căng, chiến tranh... Và tôi đã tìm lại được sự an vui và trông
cậy.
Tôi cảm thấy một cái
gì tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau
khổ. Ngài đã van xin: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống
chén này", nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: "Lạy Cha, xin vâng theo
ý Cha". Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính nhờ mầu nhiệm chết
và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ
không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bại. Chấp nhận
là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý
nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã
chịu được.
Như lời văn hào
Mauriac nói: "Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện
diện với những người đau khổ". Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán:
"Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ".
Tại Evreux, tôi được
gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng nhờ
ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một miếng ván và bà
đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề "Nụ cười".
Tôi liên tưởng đến một
người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi. Trên giường
bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau: "Tôi đã
trải qua một cuộc đời tốt đẹp".
Ông Jacques Lebreton
kết luận như sau: "Tôi, một người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời
tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với Thiên Chúa. Tôi
không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có
thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay, sau một chặng
đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của tôi rằng:
Thiên Chúa hằng sống. Ðức Kitô đã sống lại".
Ðã có khoảng 6,000 vụ
lành bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ có 64 vụ được Giáo
Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức cũng như của
những trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những
phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận, tinh
thần lạc quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân
xác cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc
sống, tình yêu cao cả của Chúa. Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực
hiện qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng
kêu cầu Chúa thực hiện.
Nhìn lên thập giá
Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho
chúng ta được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục sinh giữa
những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho không
biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong cô đơn của
tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.
(Lẽ Sống)
Ngày 05
Thứ sáu đầu tháng
Thứ sáu đầu tháng
Điều làm
động lòng con người là vì Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho họ, không xét đoán, tố cáo và kết
án: "Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu", Kinh Thánh nói với chúng
ta như vậy (Ge 2,13).
Ân sủng
này của lòng nhân hậu và tha thứ là cho không, chúng ta không xứng đáng gì...
Thiên Chúa không nợ chúng ta điều gì, nhưng chính chúng ta mắc nợ Người khi nài
xin ơn tha thứ mà chúng ta rất cần, vì tội đã phạm.
Thiên Chúa
quan tâm đến tạo vật của Người bị truất phế và, với trái tim người Cha, Chúa
ban và còn ban tình yêu của Người mỗi ngày: đây là lòng trắc ẩn vô hạn của trái
tim Thiên Chúa.
Với lòng
nhân hậu, Chúa chữa lành và tha thứ. Chúng ta cẩn sự cứu giúp của Thiên Chúa,
trước hết vì chúng ta "là", rồi vì những gì chúng ta đã
"làm", và nhiều lần làm sai.
Thánh Têrêsa Hài Đổng Giêsu, tiến sĩ Hội Thánh, dạy chúng
ta "phó thác và biết ơn". Trước tinh yêu nhưng không của Chúa Cha,
chúng ta phải có một trái tim trẻ thơ, biết phó thác và, không vong ân bội
nghĩa, biết nói lời cám ơn!
Jacques Marín
Hạnh
Các Thánh
Ngày
5 tháng 10
THÁNH
PLACIĐÔ VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO
Như
Maisen xưa không bị chết đuối thì thánh Placiđô cũng được Chúa cứu thoát khỏi
nước một cách lạ lùng. Bàn tay Quan phòng của Chúa luôn luôn hướng dẫn Placiđô
đạt tới đích, mặc dầu phải qua bao nhiêu gian nguy hiểm trở. Sử liệu không cho
ta biết rõ về sinh quán và gia đình của thánh nhân, nhưng theo tài liệu của
thánh Grêgôriô Cả, chúng ta có thể biết cách sơ lược nhưng chắc chắn về đời
sống thánh Placiđô như sau:
Placiđô
là con một quận công tên là Tertulianô. Năm 522, ông đem con đến dâng cho cha
Bênêđitô. Cha Bênêđitô nhận thấy Placiđô có một tâm hồn can đảm và nhiều đức
hạnh tốt, nên mặc dầu Placiđô còn nhỏ, cha Bênêđitô cũng sẵn lòng nhận và huấn
luyện cho cậu về học vấn cũng như về nhân đức. Ban đầu, cậu Placiđô thường được
cha Bônoa dẫn lên núi cầu nguyện. Vì thế, Placiđô tiến rất nhanh trên đường tu
thân luyện đức. Ngoài công việc học hành và tu luyện, Placiđô còn tỏ ra rất
chăm chỉ và mẫn cán trong nhiều công chuyện khác. Lần kia, trong khi cha
Bênêđitô cầu nguyện trong phòng, thì cậu một mình ra sông kín nước và không may
té xuống sông, bị dòng nước chảy xiết cuốn đi. Đang đọc kinh tại nhà, cha
Bênêđitô được Chúa soi sáng cho biết Placiđô đã lâm nạn. Lập tức cha gọi một
thanh niên tên là Maurô, chạy thẳng ra sông đi ngay trên mặt nước như đi trên
đất và cứu được Placiđô khỏi dòng nước lũ. Thoát nạn, Placiđô rất ngạc nhiên,
tại sao Maurô lại có thể chạy trên mặt nước như thế. Cậu về thuật lại câu
chuyện cho cha Bênêđitô và tỏ lòng tạ ơn ngài. Nhưng cha khiêm tốn khuyên
Placiđô giữ kín, đó không phải là công trạng của ai, nhưng là do lòng Chúa nhân
hậu muốn cứu thoát Placiđô thôi. Từ đó Placiđô càng nhận thấy tấm lòng yêu
thương của Chúa, nên nguyện trót đời làm tôi Chúa, yêu mến Chúa và vâng lời các
đấng bề trên. Châm ngôn của ngài là lời của Chúa: “Của Ta ăn là làm theo ý Đấng
đã sai Ta”.
Để
tăng thêm công trạng cho người con luôn nhiệt thành và phụng sự Chúa, Chúa đã
muốn cho thánh nhân được triều thiên tử đạo. Vào tháng 9 năm 532, Placiđô bị
bắt cùng với em gái là Plavia và một số bạn khác như Đônatô, Phaolô, Phinatô.
Sau nhiều lần bị tra tấn và ra tòa, các ngài đều bị hành quyết.
Cuộc tử đạo của các thánh Placido,Flavia,và các bạn. |
Ngày
04.8.1588, trong khi cải táng mồ các vị tử đạo tại lòng nhà thờ thánh Gioan Tẩy
giả ở Messiniô, người ta đã khám phá ra xác thánh Placiđô và em gái ngài cùng với
các bạn tử đạo khác. Cũng từ năm ấy, Giáo hội tuyên phong ngài lên bậc hiển
thánh, đồng thời hằng năm dâng lễ kính vào ngày 05 tháng 10.
Mặc
dầu vắn tắt, tiểu sử thánh Placiđô cũng cho chúng ta thấy thánh nhân luôn có
một tinh thần vâng lời và một tâm hồn bình an thư thái, thứ bình an của một tâm
hồn biết vượt mọi khó khăn vật chất, đoạn tuyệt với dục vọng và hân hoan trong
biển tình ái Chúa. Đúng là sự bình an mà Chúa Giêsu đã phán: “Sự bình an của
Thầy ban, thế gian không thể đem lại cho chúng con được” (Ga 14,37). Chỉ những
tâm hồn trong sạch như thánh Placiđô mới hiểu được lời Chúa phán: “Ách của Ta
êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng”. Một khi đã thoát tục, xa tránh tội lỗi, người ta sẽ
ngụp lặn trong tình ái Chúa, sẽ học hiểu được nguyên lý cao siêu huyền diệu mà
thánh Placiđô và các bạn tử đạo của ngài đã học được nơi Chúa Giêsu Kitô: “Làm
trọn ý Đức Chúa Cha”. Và chỉ có họ mới đáng Thiên Chúa “yêu thương và mặc áo
cho vào vinh quang vĩnh cửu”.
Thứ Sáu 5-10
Chân Phước Phanxicô Xaviê Seelos
(1819-1867)
Chân phước FX.Seelos. |
hiệt huyết của một nhà thuyết giảng và hăng say của một cha giải
tội đã đưa đẩy Cha Seelos đến các công việc đầy tình thương.
Sinh ở miền nam nước Bavaria ,
ngài học triết thần ở Munich .
Khi nghe biết về công việc của các Cha Dòng Chúa Cứu Thế người Ðức ở Hoa Kỳ,
ngài đã đến quê hương này vào năm 1843. Ðược thụ phong linh mục vào cuối năm
1844, ngài được bổ nhiệm về giáo xứ Thánh Philomena ở Pittburgh trong sáu năm,
và là phụ tá cho Cha Gioan Neuman (được phong thánh và lễ kính ngày 5 tháng
Giêng). Ba năm sau đó, Cha Seelos làm giám đốc cho chính cộng đoàn này và bắt
đầu việc trông coi đệ tử.
Cùng với trách nhiệm trông coi đệ tử viện, ngài còn hoạt động ở
giáo xứ vùng Maryland .
Trong thời Nội Chiến, ngài đến Hoa Thịnh Ðốn, D.C., và thành công trong việc
thuyết phục Tổng Thống Lincoln đừng bắt các chủng sinh phải nhập ngũ.
Trong một vài năm ngài đi rao giảng bằng tiếng Anh và tiếng Ðức
trong khắp vùng Trung Tây và các tiểu bang vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ. Ðược bổ nhiệm
đến Giáo Xứ Thánh Maria Hồn Xác Lên Trời ở New Orleans , ngài hăng say phục vụ giáo dân
cũng như anh em trong dòng. Vào năm 1867, khi đi thăm kẻ liệt, ngài bị lây bệnh
và chết vì bệnh sốt rét vàng da. Ngài được phong chân phước năm 2000.
Lời Bàn
Cha Seelos làm việc ở nhiều nơi khác nhau nhưng luôn luôn với cùng
một nhiệt huyết: giúp dân chúng biết đến tình yêu cứu độ và lòng nhân từ của
Thiên Chúa. Cha đã rao giảng về công việc bác ái và sau đó chính ngài đã bắt
tay thi hành, dù nguy hiểm đến tính mạng.
Lời Trích
"Với những người bị bỏ rơi và lạc lối, ngài đã rao giảng
tin mừng của Ðức Giêsu Kitô, là 'nguồn mạch ơn cứu độ vĩnh cửu' (Do Thái 5:9),
và trong khi giải tội ngài đã thuyết phục nhiều người trở về với Thiên Chúa.
Ngày nay, Chân Phước Phanxicô Xaviê Seelos mời gọi mọi phần tử trong Giáo Hội
hãy kết hợp mật thiết hơn với Ðức Kitô trong Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể (Ðức Gioan Phaolô II, bài giảng lễ
phong chân phước).
Hoa Mân Côi
Mỗi khi tháng Mười về, những
người con thảo của Đức Mẹ lại rộn ràng với những điệu vãn lời kinh để cùng tôn
vinh Mẹ và cùng Mẹ suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế. Mỗi lời kinh “Ave Maria”
được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Đức Mẹ. Lời kinh Mân Côi muốn diễn tả
với chúng ta biết bao điều tốt đẹp.
“Vườn Rôsa bao quanh lái
(trái) đất,
Cảnh thiên nhiên thật rất
diệu huyền” (Ngắm Rôsa)
Vườn Rôsa trong câu thơ trên chính là Giáo Hội. Giáo Hội
của Chúa được sánh ví như một vườn hoa rộng lớn mênh mông, mà ở đó được trồng
những cây hồng với muôn sắc hoa rực rỡ. Giáo Hội của Chúa thật đẹp biết bao. Vẻ
đẹp ấy không thể hiện nơi những tòa nhà cổ kính khang trang kiến trúc cầu kỳ,
mà là nơi những cộng đoàn tín hữu, nhất là khi họ hội họp nhau để cử hành phụng
vụ: tất cả cùng một đức tin, một tình mến, một tâm hồn để tôn vinh và ca tụng
Chúa. Vẻ đẹp của Giáo Hội được tỏa rạng từ nụ cười móm mém của các lão ông lão
bà, đến những gương mặt rất thơ ngây của các em nhỏ trong những cuộc rước tôn
vinh Chúa, Đức Mẹ hay các thánh. Vẻ đẹp của Giáo Hội còn được thể hiện nơi
những người cha người mẹ, nơi các bạn trẻ công giáo, được thấm nhuần tinh thần
Phúc âm, đang hăng hái nhiệt tình góp phần làm cho quê hương đất nước thêm tươi
đẹp. Những nụ cười, những tâm hồn hy sinh ấy chính là những đóa hồng trong vườn
Giáo Hội, làm cho Danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.
Lời “Vãn Mân Côi” cũng đưa chúng ta về một thời của lịch sử
Giáo Hội: vào thế kỷ 13, Giáo Hội gặp nhiều khủng hoảng, nhất là từ những nguy
cơ đến từ một bè lạc giáo có tên là Albigeois ở miền nam nước Pháp. Năm 1213,
Đức Mẹ đã hiện đến với Thánh Đaminh và trao cho ngài một cỗ tràng hạt. Mẹ hứa,
nếu các tín hữu siêng năng lần hạt thì Giáo Hội sẽ được an bình trở lại. Thánh
Đaminh vâng lời Đức Mẹ, nhiệt thành kêu gọi mọi người đọc kinh Mân Côi và đúng
như lời Đức Mẹ hứa, bè lạc giáo đã tan rã và Giáo Hội được hưng thịnh. Chính từ
biến cố lịch sử này mà Giáo Hội được gọi là “vườn Rôsa” - vườn của những đóa
hoa hồng, vì nhờ kinh Mân Côi, Giáo Hội đã tìm lại được vẻ đẹp huy hoàng của
mình. Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7-10 hằng năm cũng được Đức Piô V thiết
lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận
Lepanto ngày 7-10-1571. Chiến thắng này có được là nhờ các tín hữu lần hạt Mân
Côi trong ngày giao chiến.
Một câu chuyện kể rằng Thánh Đaminh đã có sáng kiến kết 150
bông hoa hồng thành một chuỗi dài, tượng trưng cho 150 thánh vịnh. Ngài đã dùng
những cánh hồng thơm ngát, nén chặt như ép khuôn và làm thành từng hạt hình
tròn, nối liền với nhau thành một tràng hạt. Từ đó, tràng hạt được gọi là chuỗi
Mân Côi, tức chuỗi hoa hồng.
“Đức Bà như Hoa Hường (hồng) màu nhiệm vậy” (Kinh cầu Đức Bà)
Trong vườn Rôsa, tức vườn Giáo Hội, có một đóa hoa vượt
trổi về màu sắc và hương thơm. Đóa hoa ấy mang tên là Maria. Đức Maria vừa là
Mẹ của Giáo Hội, đồng thời cũng là chi thể của Giáo Hội. Mẹ là mẫu mực cho đời
sống đức tin của các tín hữu. Nơi Mẹ, Giáo Hội chiêm ngưỡng hình ảnh của mình
trong tương lai. Mẹ diễn tả một hình ảnh không tỳ ố, không vết nhơ của Giáo
Hội. Mẹ là hy vọng của Giáo Hội đang vươn tới vinh quang rạng rỡ như Mẹ.
Là Mẹ của Đức Giêsu, Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội. Bằng sự
quan tâm hiền mẫu của mình, Mẹ luôn đỡ nâng chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu.
Cũng như tại Cana ngày nao, Mẹ đang dặn dò
chúng ta: “Người bảo sao, các
con hãy cứ làm như vậy” (Ga 2,5). Mẹ dạy chúng ta phó thác nơi Chúa, như Mẹ
đã kiên trung tín thác suốt đời, để Thánh ý của Chúa được thực hiện, vì ơn cứu
độ của toàn thể nhân loại.
Khi tôn vinh Đức Mẹ là Hoa Hồng, chúng ta ca tụng quyền
năng của Chúa đã tác tạo nên Mẹ, như một tạo vật hoàn hảo, xứng đáng là ngai
tòa cho Ngôi Lời nhập thể. Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao siêu của Mẹ, chúng ta
nguyện ước noi gương Mẹ, trau dồi các nhân đức, mến Chúa yêu người, luôn lắng
nghe và thực thi Lời Chúa.
“Mỗi người là một cành
hoa, cùng đem về đây góp gió,
Làm thành
vườn hoa, muôn màu muôn sắc tươi xinh” (Lời một bài hát)
Mỗi chúng ta, khi sinh vào cuộc đời, cũng giống như một
loài hoa để tô điểm cho thế giới này tươi đẹp. Sự khác biệt về tuổi tác, giới
tính, trình độ văn hóa hay điều kiện kinh tế không phải là những lý do gây mâu
thuẫn, nhưng làm cho cuộc sống thêm phong phú. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã
nhận mình là một loài hoa được Thiên Chúa chăm sóc yêu thương một cách đặc
biệt. Đã là hoa trong vườn, dù thuộc chủng loại nào, những bông hoa đều cống
hiến hương sắc cho đời. Con người cũng thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng
có trách nhiệm góp phần làm cho cuộc sống thêm nhân ái hơn.
Kinh Mân Côi giúp ta gắn bó với Chúa. Hai mươi mầu nhiệm
diễn tả cuộc đời của Chúa Cứu thế, đồng thời cũng phác họa đời sống chúng ta.
Cuộc đời được dệt nên bằng một chuỗi những vui buồn. Những ai kiên trung cậy
trông vào Chúa trong mọi biến có vui buồn ấy, sẽ trở thành môn đệ chân chính
của Đức Giêsu. Đức Mẹ đã thực hiện điều ấy và Mẹ đang mời gọi chúng ta tiến
bước theo Chúa Giêsu, Con của Mẹ.
Tràng hạt Mân Côi cũng tượng trưng cho tình liên đới giữa
con người với nhau. Là những đóa hoa trong vườn hoa cuộc đời, chúng ta liên kết
với nhau làm thành một chuỗi hoa hồng. Những đóa-hoa-cuộc-đời được gắn liền với nhau bằng tình mến
Chúa yêu người, làm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp và thi vị hơn.
Khi ước mong trở thành những đóa hồng dâng kính Đức Mẹ, mỗi
người chúng ta cũng cần phải là một đóa hoa để trao tặng cho nhau. Những nghĩa
cử thân thiện, những lời động viên khích lệ hoặc sự chia sẻ tinh thần vật chất
mà chúng ta thực hiện xuất phát từ tình mến, đó chính là những đóa hoa lòng mà
chúng ta trao tặng cho nhau. Những đóa hoa ấy không tàn phai theo thời gian,
nhưng mãi mãi thắm sắc ngát hương, làm nên một cuộc sống an bình. Đó là ý nghĩa
của Kinh Mân Côi mà chúng ta đọc hằng ngày.
Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã nói: “Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà
tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và
sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lặp lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ
đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội
cùng liên kết với những lời kinh ấy” (Tông
thư Kinh Mân Côi).
Lạy Mẹ Mân Côi, xin chúc lành và hướng dẫn chúng con trên
mọi nẻo đường trần gian. Amen.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Bài đọc 2
Anh em hãy vui lên trong Chúa
Trích khảo luận của thánh Am-rô-xi-ô, giám
mục, về thư gửi tín hữu Phi-líp-phê.
Anh em thân mến, vì muốn cứu độ chúng ta,
nên Thiên Chúa giàu lòng nhân từ đã kêu gọi chúng tới vui hưởng hạnh phúc muôn
đời, như thánh Phao-lô nói trong đoạn thư anh em vừa nghe: Anh em hãy vui
lên trong Chúa. Các sự vui thú đời này đưa tới buồn sầu muôn thuở, còn các niềm
vui trong thánh ý Chúa, thì dẫn đưa những ai kiên trì trong niềm vui ấy, tới
nguồn hoan lạc tồn tại muôn đời. Vì thế, thánh Phao-lô Tông Đồ nói: tôi
nhắc lại: vui lên anh em !
Người khuyên chúng ta làm cho niềm vui
trong Chúa mỗi ngày một gia tăng, và thực hành các điều răn của Chúa, bởi vì
trên thế gian này, chúng ta càng phấn đấu để tuân hành lệnh truyền của Thiên
Chúa, Chúa chúng ta, thì ở đời sau càng được hạnh phúc và vinh hiển hơn trước
nhan Người.
Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền
hoà rộng rãi, nghĩa là sao cho cách ăn ở thánh thiện của anh em không những tỏ
hiện trước nhan Thiên Chúa, mà còn trước mặt người đời, để nêu gương hiền hoà,
tiết độ cho mọi người đang sống với anh em trên trần gian, và hơn nữa, lưu lại
một kỷ niệm tốt trước nhan Thiên Chúa và người đời.
Chúa đã gần đến, anh em đừng lo lắng gì
cả. Chúa luôn ở gần tất cả những ai kêu cầu Người với lòng chân thành, với
đức tin ngay thẳng, đức cậy vững vàng, đức mến hoàn hảo, vì Người biết anh em
cần gì trước khi anh em xin. Người luôn sẵn sàng trợ giúp tất cả những ai trung
thành phụng sự Người trong bất cứ nhu cầu nào. Vì vậy, trước những khốn khó sắp
xảy ra, chúng ta đừng quá lo lắng, vì phải biết rằng Đấng bảo vệ chúng ta là
Thiên Chúa hằng ở gần chúng ta như còn có lời chép: Chúa gần gũi những tấm
lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề. Người công chính gặp nhiều nỗi
gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi. Nếu chúng ta cố gắng chu toàn
giữ điều Người truyền, thì Người sẽ ban cho chúng ta điều đã hứa mà không trì
hoãn.
Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu
khẩn van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Chúa những gì anh em thỉnh
nguyện. Nếu phải khốn cực, thì chúng ta hãy chịu đựng, nhưng đừng kêu ca
hay buồn sầu; đừng làm như thế, mà phải nhẫn nại và hoan hỉ tạ ơn Thiên
Chúa trong mọi hoàn cảnh và mọi sự.
Lời nguyện
Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả, xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban và chúng con đang hết lòng theo đuổi. Chúng con cầu xin…
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Sáu Tuần 26TN-bản dịch của nhóm CGKPV)
Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả, xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban và chúng con đang hết lòng theo đuổi. Chúng con cầu xin…
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Sáu Tuần 26TN-bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét