Ngày 15 tháng 10
Lễ Thánh Nữ Têrêxa Avila , Tiến Sĩ
Lễ Nhớ
Bài Ðọc I: Rm 8, 22-27
"Thánh Thần cầu xin
cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chúng ta
biết rằng cho đến nay, mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh
nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những
kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình
chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta.
Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ. Nhưng hễ nhìn thấy điều
mình hy vọng thì không phải là hy vọng nữa. Vì ai thấy điều gì rồi, đâu còn hy
vọng nó nữa. Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không trông thấy, chúng
ta sẽ kiên tâm trông đợi.
Ðàng khác, cũng có Thánh Thần
nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho
xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than
khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì
Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (x. Ga 6,
64b).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn
thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Giới răn Chúa chính trực,
làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần
khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. -
Ðáp.
4) Những điều đó đáng chuộng
hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 18-25
"Chúng tôi rao giảng
Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thập giá, ...
là sự khôn ngoan đối với
những người Thiên Chúa kêu gọi".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, lời rao
giảng về thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những
người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như
đã chép rằng:
"Ta sẽ phá hủy sự khôn
ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông sáng của những người thông
sáng". Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở
đâu? Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của thế gian này trở nên ngu
dại sao? Vì khi thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên
Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời
rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu
lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao
giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người
Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người
được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của
Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì
vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt
hẳn sự mạnh mẽ của loài người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 5, 16
Alleluia, alleluia! - Sự sáng
của các con phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc
lành của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 5, 13-19
"Các con là sự sáng
thế gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng
các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy
gì mà ướp cho nó mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn
ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.
"Các con là sự sáng thế
gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta
cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi
sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước
mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các
con trên trời.
"Các con đừng tưởng Thầy
đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện
toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một
phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy,
ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như
vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta
giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
Ðó là lời Chúa.
(Lời Chúa trong giờ
kinh gia đình)
HOẶC :
Thứ Hai sau Chúa Nhật 28 Quanh Năm
*
* *
Bài Ðọc I: (Năm
II) Gl 4, 22-24. 26-27. 31 - 5, 1
"Chúng ta không phải
là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, có lời chép
rằng: Abraham có hai người con trai: một sinh bởi người nữ tỳ, và một sinh bởi
người vợ tự do. Nhưng con sinh bởi nữ tỳ, thì đã sinh ra theo lối xác thịt, còn
con sinh bởi người vợ tự do, đã sinh ra bởi lời hứa. Những sự ấy đã được nói
cách bóng bảy, vì hai người vợ tiêu biểu cho hai giao ước: một bởi núi Sanai,
sinh con cái làm nô lệ, đó là Agar. Còn Giêrusalem ở trên cao thì được tự do,
đó là mẹ chúng ta, vì có lời chép rằng: "Hỡi người son sẻ, chẳng sinh con,
hãy hân hoan! Hỡi người không sinh sản, hãy vui reo và hò lên! Vì con cái của
người vợ bị ruồng bỏ, lại đông hơn con của gái có chồng".
Bởi đó, anh em thân mến,
chúng ta không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do; chính để
chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững,
đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 112, 1-2. 3-4.
5a và 6-7
Ðáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng đến muôn đời! (c. 2).
Xướng: 1) Hãy ngợi khen, hỡi
những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa! Nguyện danh Chúa được
chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời! - Ðáp.
2) Từ mặt trời mọc lên tới
khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen! Chúa siêu việt trên hết
thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của Chúa. - Ðáp.
3) Ai được như Thiên Chúa
chúng ta, Người để mắt nhìn coi khắp cả trên trời dưới đất? Người nâng kẻ hèn
hạ lên khỏi trần ai, và rước người nghèo khó khỏi nơi phẩn thổ. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin
Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều
lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 29-32
"Không ban cho dòng
giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, thấy dân chúng từng
đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống
gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài
điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế
nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán
xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã
từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có
người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng
giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn
Giona nữa".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu đưa ra dấu lạ tiên
tri Giôna ở trong bụng cá ba ngày. Cũng vậy, Ðức Giêsu cũng sẽ đi vào lòng đất,
vào cái chết và Phục Sinh vinh quang để đem lại ơn cứu độ cho những ai tin vào
Ngài. Như vậy để được ơn cứu độ, chúng ta phải tin vào Ðức Giêsu. Cụ thể là sám
hối và sống theo Lời Chúa trong từng giây phút của cuộc sống.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, qua cái chết và sự
Phục Sinh của Chúa, Chúa muốn đưa chúng con vào cuộc sống vĩnh cửu. Xin Chúa
uốn nắn tâm hồn chúng con mềm mại, dễ đón nhận và tin vào Chúa với một niềm tin
mạnh mẽ. Ðể chúng con được hân hoan bước vào vinh quang Nước Chúa trong ngày
sau hết. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Dấu Lạ Cả Thể
(Lc 11,29-32)
Suy Niệm:
Dấu Lạ Cả Thể
Thế nào là phép lạ? Theo quan
niệm thông thường, khi một sự kiện có giá trị tích cực không thể giải thích
được thì đó là phép lạ. Những người có niềm tin tôn giáo thì cho rằng phép lạ
là một sự can thiệp của Chúa. Giáo Hội Công Giáo luôn tin có phép lạ, nhưng
trong thực tế lại tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc nhìn nhận các phép lạ; cụ
thể là những gì đã và đang xảy ra tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức bên Pháp: từ
hơn 100 năm nay, đã có trên 2,000 trường hợp khỏi bệnh được nhiều người xem là
phép lạ, nhưng cho tới nay, Giáo Hội Công Giáo chỉ chính thức nhìn nhận 67 vụ
thực sự là phép lạ theo đúng nghĩa mà thôi.
Thế nào là phép lạ? Thiên
Chúa có còn làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin Mừng hôm nay như muốn
nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài
biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài
chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa
Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên
Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo
Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng
những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không
tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ
cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.
Trước thái độ đó, Chúa Giêsu
mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri Yôna đã đến Ninivê để
rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên
sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba
ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính
cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà
Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu
lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy
là Lời của Yêu Thương.
Ngày nay, không thiếu những
người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa
phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên
Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình
Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người.
Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở
thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày
tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức
mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người; sức
mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi
ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch
sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày
tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết
tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là
những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.
Ước gì chúng ta luôn thức
tỉnh để nhận ra phép lạ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trong cuộc sống chúng
ta. Ước gì chúng ta cũng trở thành dấu lạ cho những người xung quanh.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 28 TN2
Bài đọc: Gal 4:22-24, 26-27,
31-5:1; Lk 11:29-32.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Kế
họach Cứu Độ của Thiên Chúa.
Trong
chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài đã chọn Dân Do-Thái ngay từ đầu và ký
kết với họ một giao ước trên Núi Sinai. Theo giao ước cũ này, nếu họ giữ cẩn
thận các giới răn Chúa truyền thì Ngài sẽ bảo vệ họ, và họ sẽ là Dân Riêng của
Ngài. Nhưng như lịch sử đã chứng minh, họ đã không tôn trọng giao ước và Thiên
Chúa đã để mặc họ cho kẻ thù phương Bắc xâm lấn và bắt làm nô lệ. Tuy nhiên, vì
lòng thương xót, Thiên Chúa đã ký với tòan thể con người (cả Do-Thái và Dân
Ngọai) một giao ước mới. Theo giao ước mới này, con người sẽ được cứu độ: không
bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật (việc không thể cho con người), nhưng bằng
niềm tin vào Chúa Kitô và ân sủng của Thánh Thần. Dẫu vậy, nhiều người Do-Thái
vẫn ngoan cố tin vào giao ước cũ và bắt Dân Ngọai cũng phải làm như họ. Trong
Bài đọc I, thánh Phaolô dùng Cựu Ước để chứng minh giao ước mới đã được báo
trước để thay thế giao ước cũ qua câu truyện của Sarah và Hagar. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu cảnh cáo người Do-Thái đừng nên khinh thường Dân Ngọai. Tuy họ không
được hưởng các đặc quyền như Dân Do-Thái, nhưng họ đã biết tận dụng những gì
Chúa ban để học hỏi và ăn năn xám hối.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Anh em là
những người con sinh ra do lời Thiên Chúa hứa.
1.1/ Hai
giao ước cũ và mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Thánh
Phaolô dùng cách cắt nghĩa Kinh Thánh theo kiểu lọai suy (allegorical) ở đây:
Ông Abraham có hai người con: Isaac và Ishmael, mẹ của Ishmael là một người là
nô lệ (Hagar), mẹ của Isaac là người tự do (Sarah). Con của người mẹ nô lệ thì
sinh ra theo luật tự nhiên (ăn ở giữa Abraham và Hagar); còn con của người mẹ
tự do thì sinh ra nhờ lời hứa của Thiên Chúa với tổ phụ Abraham.
Thánh
Phaolô cắt nghĩa: Truyện đó ngụ ý thế này: Hai người đàn bà là
tượng trưng cho hai giao ước. Giao ước thứ nhất tại núi Si-nai, thì sinh ra nô
lệ: đó là Ha-gar. Ha-gar chỉ núi Si-nai trong miền Ả-rập, và tương đương với
Giê-ru-sa-lem ngày nay, vì thành này cùng với các con đều là nô lệ. Còn
Giê-ru-sa-lem thượng giới thì tự do: đó là mẹ chúng ta. Thật vậy, có lời chép:
Reo mừng lên, hỡi người phụ nữ son sẻ, không sinh con; hãy bật tiếng reo hò
mừng vui, hỡi ai chưa một lần chuyển dạ, vì con của phụ nữ bị bỏ rơi thì đông
hơn con của phụ nữ có chồng!
1.2/ Như
Isaac, anh em là những người con sinh ra do lời Thiên Chúa hứa: “Nhưng
cũng như thuở ấy đứa con sinh ra theo luật tự nhiên đã ngược đãi đứa con sinh
ra theo thần khí, thì bây giờ cũng vậy. Thế nhưng Kinh Thánh nói gì? Kinh Thánh
nói: Tống cổ người nô lệ và con của nó đi, vì con của nô lệ không đời nào được
thừa kế gia tài cùng với con của người tự do.”
Vì thế,
giao ước cũ đã được thay thế bằng giao ước mới; sự nô lệ cho Lề Luật đã được
thay thế bằng sự tự do sống theo Thánh Thần, như thánh Phaolô khuyên các tín
hữu của ngài: “Ấy vậy, thưa anh em, chúng ta không phải là con của một người nô
lệ, nhưng là con của người tự do. Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã
giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần
nữa.”
2/ Phúc
Âm: Hưởng đặc
quyền càng nhiều, bị phán xét càng nặng.
2.1/ Đòi
hỏi phép lạ: Người Do-Thái tìm kiếm phép lạ, và Chúa đã làm nhiều phép lạ
giữa họ. Nhưng mục đích của phép lạ là để khơi dậy niềm tin. Sau khi đã làm
nhiều phép lạ mà họ vẫn không tin nên Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này
là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ
nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành
Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.”
Tại đây Chúa Giêsu muốn nói: như tiên tri Jonah đã ở trong bụng cá 3 ngày 3
đêm, Chúa Giêsu cũng ở trong mồ 3 ngày 3 đêm như vậy, và sau đó Ngài sẽ sống
lại.
2.2/ Cần
phản ứng thích đáng khi được hưởng đặc quyền: Chúa Giêsu đưa ra 2 ví
dụ cho người Do-Thái phải suy nghĩ:
2.2.1/
Nữ Hòang Phương Nam : là
người đến với Vua Solomon từ Phi Châu để học sự khôn ngoan của Vua. Thế mà Chúa
Giêsu còn khôn ngoan hơn Vua Solomon đang ở giữa và dạy dỗ họ, họ đã từ chối
không nghe và tin vào Ngài. Vì thế, “trong cuộc Phán Xét, Nữ Hoàng Phương Nam
sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà
đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Solomon; mà Chúa Giêsu
còn hơn vua Solomon nữa.”
2.2.2/
Dân Thành Nineveh: là thành của Dân Ngọai (Bắc của Iraq hiện giờ). Họ đã sẵn sàng nghe lời giảng
dạy của tiên tri Jonah dù chỉ một lần và đã ăn chay, xức tro, và mặc áo nhặm
trở về với Chúa. Thế mà Chúa Giêsu còn cao trọng hơn tiên tri Jonah đang đứng
giữa họ để dạy dỗ và kêu gọi họ bỏ đàng tội lỗi, ăn năn trở lại với Thiên Chúa,
mà họ vẫn giả điếc làm ngơ. Vì thế, “trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ
chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe
ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.”
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng
ta phải siêng năng học hỏi để nhận ra những đặc quyền mình đang được hưởng.
Đừng ngoan cố như những người Do-Thái, mặc dầu đã được thánh Phaolô chỉ dạy cho
là họ không thể nào được cứu rỗi bằng việc giữ Luật (giao ước cũ), mà chỉ có
thể được cứu độ bằng việc tin vào Chúa Kitô (giao ước mới); thế mà họ cứ ngoan
cố trong niềm tin của họ vào Luật và dạy các tín hữu Galat làm như thế.
- Chúng
ta cần biết nắm lấy cơ hội Thiên Chúa gởi đến trong cuộc đời. Như Nữ Hòang
PhươngNam lặn lội tìm đến để học
sự khôn ngoan của Vua Solomon, chúng ta cũng cần chạy đến với những người rao
giảng để học hỏi sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Như dân Thành
Nineveh đã nghe lời giảng dạy của tiên tri Jonah mà ăn năn trở lại, chúng ta
cũng cần biết nghe lời mời gọi của Mẹ Giáo Hội qua các Mục Tử để năng kiểm điểm
cuộc sống và quay trở về làm hòa cùng Thiên Chúa.
- Nếu
không biết tận dụng các cơ hội của Chúa ban, chúng ta sẽ không có lý do nào để
trách Chúa trong Ngày Phán Xét; vì sẽ có nhiều người tố cáo chúng ta là nếu họ
có được những cơ hội như chúng ta đã có, thì họ đã ăn năn trở lại từ lâu rồi.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Cuộc viếng thăm của Nữ Hoàng Seba |
15/10/12 THỨ HAI TUẦN 28 TN
Th. Têrêxa, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 11,29-32
Th. Têrêxa, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 11,29-32
TIN VÌ ĐƯỢC YÊU MẾN
“Ông Giona đã là một
dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho
thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)
Suy niệm: Con người ngày nay có thể lên tận cung trăng và xa hơn nữa,
và tuyên bố rằng không thấy Thiên Chúa đâu cả! Giống như những người Pha-ri-sêu
đòi dấu lạ để tin, dù đã thấy bao phép lạ Chúa làm, thế mà rốt cuộc, họ có tin
đâu! Họ lại còn đòi Chúa làm dấu lạ theo ý thích của họ.
Đức tin là hồng ân Chúa
ban, cùng với đáp trả của con người, cách tự do khiêm tốn, cởi mở, không thành
kiến. Không cần đến những quảng cáo rầm rộ phô trương, chính cuộc Nhập Thể, cái
chết và sống lại của Đức Giêsu đã là một phép lạ lớn lao, phép lạ của tình yêu,
có thể biến đổi cuộc sống của những ai tin, và dám sống hết mình với niềm tin
ấy.
Mời Bạn: Tục hoá và mê tín là hai thái cực của cùng một thái độ phủ
nhận Thiên Chúa. Chỉ tin vào hiệu năng của khoa học kỹ thuật hay đòi hỏi phải
có phép lạ để tin đều là những cản trở khiến người ta không thể cảm nhận được
mầu nhiệm. Bạn biết không, phép lạ vẫn diễn ra hằng ngày trong đời bạn, trong
thế giới. Cần những phút thinh lặng để lắng nghe và nhận ra Thiên Chúa đang bày
tỏ lòng yêu thương bạn.
Chia sẻ: Làm sao để sự tiến bộ về vật chất không làm cho đời sống
đức tin của bạn phai nhạt đi?
Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày để thờ phượng Ngài trong tâm tình
con thảo, không yêu sách, đặt điều kiệm với Chúa rồi mới tin Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con có trái tim rộng mở, luôn biết
nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Chúa để sống xứng đáng với ơn được làm con
Chúa. Amen.
Tìm kiếm dấu lạ
Chúng
ta chờ dấu lạ về việc Đức Giêsu hùng mạnh đến giải thoát ta, nhưng lại quên
rằng Ngài cũng thích cùng ta âm thầm chịu đau khổ.
Suy niệm:
Theo nhận xét của thánh Phaolô trong thư gửi
giáo hữu Côrintô,
“Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ,
còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan” (1 Cr
1, 22).
Có vẻ người Do Thái sính dấu lạ và đòi hỏi dấu
lạ để tin.
Đối với họ, dấu lạ là một bảo đảm cho tính chân
thực của lời rao giảng.
Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong mấy năm rao
giảng Tin Mừng.
Trừ quỷ và chữa những bệnh nan y là những dấu
lạ Ngài hay làm.
Ngài chữa người mù bẩm sinh, người phong, người
nhiều năm bất toại.
Ngài hoàn sinh con gái ông Giairô, con trai bà
góa thành Nain,
và nhất là cho anh Ladarô chết chôn trong mồ
bốn ngày được sống lại.
Có những dấu lạ Ngài làm trên thiên nhiên mà
chỉ các môn đệ biết,
như bắt bão táp phải lặng yên hay đi trên mặt
nước lúc sóng gió.
Cũng có dấu lạ trước mặt cả ngàn người như làm
cho bánh hóa nhiều.
Không ai có thể phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã
làm nhiều dấu lạ (Ga 11, 47).
Nhưng Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn phô
trương.
Ngài cũng không dùng dấu lạ để mua lòng tin của
dân chúng.
Dấu lạ của Đức Giêsu không qui về vinh quang
hay lợi lộc cho Ngài,
nhưng nhắm đến việc khai mở Nước Thiên Chúa và
hạnh phúc nhân loại.
Nhiều lần Ngài thắng được cám dỗ làm dấu lạ.
Ngài đã không biến đá thành bánh để ăn cho no
bụng
hay nhảy xuống từ nóc Đền thờ để dân chúng kinh
ngạc tung hô.
Ngài cũng không biểu diễn vài dấu lạ trước mặt
Hêrôđê để được tha.
Trên thập giá, Ngài đã không đáp lại thách đố
của các nhà lãnh đạo.
“Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình
đi!” (Lc 23, 35).
Đức Giêsu đã làm dấu lạ cho người khác, nhưng
không làm cho mình.
Ngài không tự cứu lấy mình, nghĩa là không xuống
khỏi thập giá.
Hôm nay, chúng ta có thể không mãn nguyện như
người Do Thái xưa.
Tuy Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong đời ta,
nhưng, như họ, ta vẫn đòi một dấu lạ đầy ấn
tượng từ trời.
Chúng ta muốn một dấu chỉ không thể chối cãi
được
để tin thật sự có Thiên Chúa, tin Ngài mạnh hơn
sự dữ ở quanh ta.
Nhưng chúng ta quên rằng Thiên Chúa cũng là
Đấng ẩn mình,
và quyền năng của Ngài được biểu lộ qua sự bao
dung khiêm hạ.
Chúng ta chờ dấu lạ về việc Đức Giêsu hùng mạnh
đến giải thoát ta,
nhưng lại quên rằng Ngài cũng thích cùng ta âm
thầm chịu đau khổ.
Làm sao tôi nhận ra được những dấu rất lạ mà
lại rất đỗi bình thường,
những dấu lạ lớn lao mà nhỏ bé Chúa vẫn làm cho
đời tôi?
Làm sao tôi nhận ra được cái bình thường của
đời tôi cũng là dấu lạ?
Ngỡ ngàng như trẻ thơ trước những điều mà nhiều
người coi là tự nhiên,
tôi dần dần hiểu rằng đời tôi được bao bọc bởi
tình yêu là dấu lạ.
Thay vì bôn chôn tìm kiếm và đòi hỏi những điều
ngoạn mục, ly kỳ,
tôi khám phá ra Chúa vẫn ở bên tôi trong những
điều đơn sơ nhỏ bé.
Xin được ơn sám hối chỉ vì những dấu lạ bình
thường Chúa ban cho đời tôi.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn
Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn
con thấy được,
và những
ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã
nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao
ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không
ban cho con,
và quên
rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương
quyết không ban
bởi lẽ
điều đó có hại cho con,
hay vì
Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con
không hiểu hết những gì
Cha làm
cho đời con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
15 THÁNG MƯỜI
Tình Yêu Chúa Kitô
Thúc Bách Các Nhà Thừa Sai Bác Ái
Sứ mệnh cứu thế của Đức
Giêsu Na-da-rét đã được triển khai ở Ấn Độ, đặc biệt ở Calcutta, bằng một cách
thế hết sức hùng hồn, thể hiện một lời chứng đích thực về Thiên Chúa. Đó là một
lời chứng làm cho cả thế giới phải thán phục, một chứng tá làm rung động lương
tâm nhân loại. Tôi đang muốn nói đến cuộc sống và hoạt động của một người phụ
nữ: dù bà không sinh ra ở Ấn Độ, mọi người vẫn gọi bà là Mẹ Têrêsa Calcutta.
Cách đây ít năm, người
phụ nữ này đã được tình yêu Chúa Kitô thúc bách để phục vụ Ngài nơi những người
khốn khổ và bất hạnh nhất. Mẹ đã bỏ công việc dạy học để thành lập Hội Dòng
Thừa Sai Bác Ái. Qua những công việc phục vụ đầy ấn tượng cho những người
nghèo khổ nhất, Mẹ Tê-rê-sa thi hành một cách cụ thể sứ vụ cứu thế của Chúa
Giêsu: “mang niềm vui đến cho người nghèo” (Lc 4,18). Mẹ đã trao cho thế giới
một bài học đầy khích lệ về lòng trắc ẩn và tình yêu chân thành đối với những
ai cần được giúp đỡ. Tấm gương của mẹ đã biểu lộ sức mạnh cứu độ. Tấm gương ấy
đang thôi thúc nhiều người nam cũng như nữ thể hiện những chứng tá phục vụ rất
anh hùng. Quả thật, tấm gương của Mẹ Tê-rê-sa vẫn còn tiếp tục động viên họ
kiên trì phục vụ không mệt mỏi.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Têrêxa Giêsu, Trinh nữ, Tiến sĩ.
Gl 4, 22-24.26-27.31; 5,1; Lc 11, 29-32.
LỜI SUY NIỆM: Trong cuộc Phán Xét dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng
với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na
rao giảng; mà nay thì còn hơn ông Giô-na nữa. (Lc 11,32).
Đối với dân Do-thái trong thời Chúa Giêsu, khi họ trực tiếp nhìn thấy tất cả
những công việc Ngài làm cùng những giáo huấn của Ngài, nhất là cách thức Ngài
đã sống ở giữa họ đặc biệt đối với những người nghèo, những người bệnh tật,
những người bị gạt ra bên lề xã hội. Họ đã không thấy đó là những dấu lạ. Họ
muốn Chúa phải thực hiện những dấu lạ theo cách của họ. Ngày hôm nay con người
cũng đang đòi hỏi những dấu lạ theo cách suy nghĩ của họ, họ mới tin. Nhưng
trong mọi thời đại, nếu con người biết quan tâm đến những sự gì đang xãy đến
trên chính bản thân mình, trên cuộc sống của chính mình, cũng như những gì đang
xãy ra chung quanh chúng ta. Chúng ta sẽ sẽ nhận ra có rất nhiều điều đang báo
động cho chúng ta, để biết sám hối và chuẩn bị cho ngày ấy. Ngày mà tất cả mọi
con người đều phải đối diện, để chịu sự Phán Xét.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 15-10
Thánh TÊRÊXA AVILA
Đồng Trinh, Tiến Sĩ Hội Thánh (1515 - 1585)
Đồng Trinh, Tiến Sĩ Hội Thánh (1515 - 1585)
Sinh
ngày 28 tháng 3 năm 1515, Têrêxa là một trong 12 người con của ông Anphong
Cpêda, lớn lên tại Avila, vương quốc Castille, miền đất của mộng mơ và của các
thánh ". Ngài ham thích đọc các sách dạy sống khổ hạnh và suy gẫm cuộc đời
các thánh. Với lòng nhiệt thành, Ngài ngây ngất vì hạnh phúc vĩnh cửu ân thưởng
cho những đau khổ của các thánh, cũng như kính sợ những khốn khổ của hoả ngục
tồn tại mãi mãi. Ngài đã nói trong run sợ: - Ai có thể chịu nổi cái ý nghĩ như
vậy được ?
Mong
mỏi được tử đạo, một ngày kia, Ngài lén dẫn cậu em Rodrigue đi về miền dân dữ
tợn đang hành hạ các Kitô hữu này. Nhưng mới đi được nửa dặm đường thì ông cậu bắt
được và dẫn đưa về nhà. Không tử đạo được, các em sẽ trở thành những nhà ẩn tu.
Các em làm những cái hầm và cầu nguyện lâu giờ tại đó. Nhưng rồi một ngày kia,
những bức tường nhỏ bằng đá bị sập. Các em nhỏ thánh thiện này thường nhịn ăn
để làm việc bác ái.
Năm 13
tuổi, tức năm 1528, Têrêxa mất mẹ, Ngài khấn nài Mẹ Maria là Mẹ. Chuỗi Mân Côi
trở thành vịệc sùng kính đặc biệt của Ngài.
Têrêxa
có một bản chất ngay thẳng, nhiệt hành và tha thiết mến Chúa. Khoảng 15 tuổi,
Ngài lén đọc các truyện kiếm hiệp làm cho Ngài ra mơ mộng, lúc này, Ngài muốn
mặc đẹp, xức dầu thơm, lo trang sức và thích được ve vãn. Chị em cho Ngài xinh
đẹp. Một cô em họ ngây ngất không muốn rời xa Ngài. Họ nói truyện phiếm với
nhau hàng giờ. Têrêxa nói: - Tôi được cứu thoát, chính là vì kính sợ Chúa, điều
mà tôi không bao giờ bỏ mất, và vì sợ mất danh dự.
Ngài
còn nói: - Tôi đã rất ghê tởm những điều bất lương.
Dầu vậy
cha Ngài cũng lo âu và quyết định gởi Ngài học nội trú ở nơi các nữ tu dòng
thánh Augustinô. Têrêxa không thích thú gì, nhất là đã không hề muốn rằng sau
này mình sẽ là nữ tu. Nhưng Ngài phải vâng lời. Và Ngài sắp tìm lại được lòng
đạo đức nhiệt thành của tuổi thơ khi sống gần các bậc thầy này. Hơn khi nào,
Ngài khao khát những của cải đời đời. Nhưng đời sống khắc khổ trong tu viện làm
Ngài run sợ.
Têrêxa
ngã bệnh. Ngài trở về nhà cha và nghe ông cậu nhắc lại rằng mọi sự đời này chỉ
là phù vân và sẽ qua mau như chớp. Sau cùng Ngài hiểu rằng: ơn gọi của mình là
sống đời tu sĩ. Nhưng những chống đối dữ dội nổi lên trong lòng. Hơn nữa, Ngài
phải coi thường những chối từ của cha Ngài. Năm 1536, Ngài vào dòng kín Camelô,
sau khi phải chịu đựng cuộc chiến đấu kinh khủng với chính mình: để giã từ nhà
cha, Ngài khổ sở đến dộ xương cốt như rã rời và tan nát con tim. Nhưng rồi Ngài
đã mạnh mẽ thắng vượt mọi cám dỗ đau khổ.
Têrêxa
đã trải qua 27 năm tại tu viện Nhập Thể, là nơi luật lệ được châm chước cho
phép giải trí và tiếp khách, Ngài còn phải qua một bước dài trước khi dấn mình
vào con đường cực nhọc để xây dựng và cải sửa các dòng tu. Trước hết, sức khỏe
của Ngài xem ra không chịu đựng nổi. Bệnh tật, Ngài trở về nhà, các bác sĩ
tuyên bố là bất trị, Ngài tín thác vào thánh Giuse và khỏi bệnh sau một cơn
ngất trí. Trở lại tu viện, Ngài được chị em yêu mến.
Cách
nói chuyện hấp dẫn của Ngài lôi kéo nhiều cuộc viếng thăm. Ngài kể lại:
- Một đàng Chúa gọi tôi, đang khác thì thế gian lôi kéo. Cuộc chiến nội tâm xâu xé tôi.
- Một đàng Chúa gọi tôi, đang khác thì thế gian lôi kéo. Cuộc chiến nội tâm xâu xé tôi.
Ngày
kia trong một câu chuyện trần tục, Ngài đã được thị kiến thấy Chúa Giêsu đầy
thương tích. Têrêxa thấy đau lòng, nhưng Ngài còn phải chiến đấu nhiều để đạt
tới chỗ chỉ yêu các tạo vật trong Chúa và vì Chúa. Trong nhiều năm, Ngài đã
trải qua sự khô khan, qua cơn sợ hãi hỏa ngục. Trong vòng 20 năm Ngài đã không
tìn ra cha giải tội hiểu được Ngài và muốn bàn về việc thị kiến. Thánh Phanxicô
Borgia đã trấn an Ngài.
Sau
cùng, các cha giải tội buộc Ngài ghi lại điều đã xảy ra trong tâm hồn. Và thánh
nữ, một con người ít học, đã viết nên được những tác phẩm có giá trị, đến nỗi
Ngài đã đáng được danh hiệu là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Nếu
trước hết, sự sợ hãi các khổ cực đời đời đã dẫn Têrêxa vào đường hẹp đưa tới
chỗ cứu rỗi thì bây giờ tình yêu Chúa xâm chiếm Ngài như cơn hỏa hào. Các cuộc
xuất thần tăng thêm. Ba Ngôi, Đức Trinh nữ, các thiên thần và các thánh hiện ra
với Ngài. Ngài được nâng lên khỏi mặt đất và ở nguyên như vậy khi cầu nguyện.
Vào tuổi 43, thánh nữ thường thấy Đấng cứu thế và nghe Người nói: - Cha không
muốn con nói truyện với loài người, nhưng với các thiên thần.
Một
thiên thần dùng giáo đâm thủng tim Ngài và Chúa Giêsu gọi Ngài là hiền thê. Cho
tới cuối đời, Ngài đã hiệp nhất với đấng cứu chuộc bị đóng đinh và đã ước được
chịu khổ vì Người đến nỗi người ta thường nghe Ngài kêu lên: - Lạy Chúa, hoặc
là chết, hoặc là đau khổ.
Ngài tự
ràng buộc bởi lời khân anh hùng này, là luôn làm điều thiện hảo hơn, nhưng lại
chẳng tỏ ra nhiệm nhặt chút nào, trái lại còn nhanh nhẹn vui tươi duyên dáng
tới độ gõ sênh mua vui cho các nữ tu dòng kín Camêlô. Vị nữ tu chiêm niệm này
còn tỏ lộ một sự hiểu biết tích cực, một tinh thần thực tiễn sẽ đưa Ngài tới
cuộc cải đổi dòng Camelô.
ịnh
mệnh đặc biệt sắp đưa Ngài qua mọi chặng đường để thiết lập các tu viện. Trước
hết năm 1562, khép mình ở Avila nhưng một nhà mang danh thánh Giuse, là nơi các
nữ tu sống trong thinh lặng, nghèo khó, cầu nguyện, chay tịnh, đi chân không
trong mọi mùa, Têrêxa ra khỏi nơi này và không ngừng thiết lập, tổ chức những
tu viện mới. Hầu như luôn luôn bệnh hoạn, Ngài theo đuổi những cuộc hành trình
mệt lả trước sự nóng nung, làm mồi cho các côn trùng tấn công hay những đêm
lạnh lẽo mùa đông đã giữ Ngài lại trong những đoạn đường không tên không có nơi
trú ẩn. Những cuộc bắt bớ tấn công Ngài. Ngài viết cho một ân nhân: - Cho tiền
bạc chẳng là gì, nhưng khi chúng tôi như đến lúc bị ném đá, thì công việc lại
trôi chảy.
Và khi
mẹ đã vượt thắng mọi ngăn trở và thiết lập các tu viện mới, cơn đau đớn nhức
nhối lại đợi chờ Ngài vì phải giã từ con cái yêu dấu để ra đi xây dựng tu viện
ở nơi khác. Đây là: - Nỗi thống khổ đớn đau nhất. Tim tôi tan nát đau khổ nghĩ
rằng: sẽ không còn gặp lại họ nữa.
Thánh
Gioan thánh giá trợ lực, Ngài trải rộng việc canh tân tới các cha dòng Carmes
mà Ngài muốn tái lập sự nghiêm ngặt ban đầu, điều gây nên cho Ngài nhiều xôn
xao và dường như làm cho Ngài bị cầm tù. Nhà vua và đức giáo hoàng bảo vệ Ngài.
Ngài đã thiết lập hơn 30 tu viện. Hoạt động chưa từng nghe thấy của Ngài, những
việc thiết lập, những cuộc du hành, những khó khăn vô số... đã không ngăn cản
Ngài vui hưởng sự hiện diện của Chúa, kiên trì cầu nguyện, và thường xuất thần,
Ngài nói: - Tôi không hiểu tại sao người ta bảo tôi là nhà sáng lập, chính Chúa
sáng lập chứ không phải tôi.
Người
ta còn nói lại những phép lạ của Ngài, như tăng thêm đống bột để nuôi cả cộng
đoàn. Khi đi qua đồng quê, nhiều gia đình lũ lượt xin Ngài ban phép lành.
Giữa
các hoạt động lạ lùng, Têrêxa vẫn viết về đời mình mà Ngài gọi là sách các kỳ
công của Chúa, và "Lâu Đài Nội Tâm" là nơi tâm hồn Ngài, từng phòng
một vươn tới uy linh Chúa. Với sự linh hoạt, Ngài biết dùng vài lời tóm gọn tất
cả sự thánh thiện:
- Phải can
đảm để trở thành phụ nữ của vua trên trời.
- Đừng
lo suy nghĩ nhiều, nhưng là yêu nhiều.
- Ta
nhân đức hơn khi liên kết với nhân đức của Chúa, hơn là dính chặt với phận bụi
đất của ta.
- Nỗ
lực của ta là bắt chước con tằm, xây tổ của ta bằng cách tẩy trừ ích kỷ và thực
hiện những việc xám hối cầu nguyện, hy sinh, vâng lời. Thiên Chúa sẽ biến ta
thành bướm trắng khi Ngài muốn.
- Quan
trọng là biết yêu mến và kính sợ, hai nhân đức vĩ đại.
- Khi
bị đau khổ bên ngoài cần chăm lo làm việc bác ái và biết hy vọng vào lòng
thương xót của Chúa.
Ngài có
chút hài hước trong sự thánh thiện, như lời hóm hỉnh được biết đến nhiều, khi
Ngài bị thương ở chân: - Lạy Chúa, sau bao nhiêu phiền muộn lại đến chuyện đó
nữa, Cha đối xử với bạn hữu của cha như thế đó…. Vâng lạy Chúa của con, không
lạ gì mà Chúa ít bạn.
Lòng
Ngài rảo khắp thế giới: - Những người An độ nghèo khổ này làm tôi đổ bao nhiêu
là nước mắt.
Têrêxa
qua đời tại miền quê ở Albe de Tormès ngày 04 tháng 10 năm 1583. Chính tình yêu
quá mức hơn là con bệnh đã đưa tới cái chết của Ngài. Khi đưa Thánh thể vào
phòng, Ngài đã ngăn cho Ngài khỏi tung ra khỏi giường. Ngài đã la to: "Lạy
Chúa, đến lúc chúng ta gặp nhau rồi". Và đời đời, Têrêxa đã hiệp nhất với
tình yêu.
Ngài
được tuyên thánh năm 1628 và ngày 27 tháng 9 năm 1970, Đức giáo hoàng Phaolô VI
đã đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh .
(Daminhvn.net)
PHÚT SUY TƯ:
Sắc vàng mùa thu
Những chiếc lá vàng nhắc nhở chúng ta hãy “đếm thời gian” của cuộc sống,
để biết mình là ai trong vũ trụ này và đang ở đâu trong mối tương quan với
Thượng Đế và với tha nhân.
Tạo Hóa thật tài tình khi dựng nên thiên nhiên vũ trụ. Ngài còn tiếp tục
điều khiển để “tứ thời bát tiết” xoay vần luân chuyển theo một quy luật hài
hòa. “Đến hẹn lại lên”, Xuân Hạ Thu Đông thay nhau đắp đổi càng làm cho thiên
nhiên hùng vĩ. Vẫn biết rằng mùa nào cũng đẹp, nhưng mùa thu lại có nét đẹp rất
riêng, vừa buồn man mác vừa lãng mạn trữ tình; vừa thơ mộng hư vô vừa trần ai
thực tế, giống như làn sương mỏng giăng ngang nền xanh đồi núi khi tiết thu về.
Có biết bao áng văn chương tuyệt vời để diễn tả mùa thu, nhưng vẻ đẹp của mùa
thu vẫn lôi cuốn người cầm bút, mời gọi suy tư, khám phá.
Nói đến mùa thu là nói đến màu vàng của hoa và lá. Khi gió thu se lạnh
thổi về, những tán lá vốn màu xanh bắt đầu rùng mình để chuẩn bị thay sắc.
Những hàng cây vươn vai để chuẩn bị đổi màu. Màu vàng là màu đế vương, rất quý
phái và trang nhã. Hãy xem sắc vàng của những bộ long bào, thêu dệt cầu kỳ tinh
xảo, với hình rồng hình phượng, diễn tả ngôi vị của người đứng đầu muôn dân
thiên hạ. Màu vàng cũng là màu của mặt trời. Mặt trời ban cho ta sức sống niềm
vui và hạnh phúc. Màu vàng của mùa thu muốn phô diễn vẻ đẹp tuyệt vời của thiên
nhiên, một vẻ đẹp vương hoàng, cao quý.
Trong vãn dâng hoa của người công giáo, những
đoá hoa màu vàng được dâng kính Đức Maria để so sánh với đức mến của Mẹ. Màu
vàng tượng trưng cho sự gắn bó trung thành của Mẹ đối với Chúa. Lòng trung
thành này trải dài suốt cuộc đời của Mẹ. Với lời thưa xin vâng lịch sử của ngày
truyền tin, Đức Mẹ đã sống tình mến và niềm hy vọng, trong lúc vui mừng cũng
như khi sầu đau của cuộc đời dương thế:
“Quý thay này sắc hoa vàng
Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn
Một niềm tin kính nhơn nhơn
Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu” (Vãn
dâng hoa kính Đức Mẹ).
Đức Mẹ đã suốt đời tuân phục Thánh ý của Chúa.
Vào lúc Mẹ đã gần đi hết đường đời, lòng trung thành với Chúa của Mẹ vẫn sắt
son, như màu vàng của đoá cúc:
Tuổi cao phúc đức càng đầy
Lạ lùng hoa cúc nở ngày vãn thâu (thu) (Vãn
dâng hoa kính Đức Mẹ).
Hoa cúc gắn liền với mùa thu. Những đoá cúc vàng nói lên sự cao thượng
và lòng yêu mến chân thành. Tặng hoa cúc cho người bậc trên là nghĩa cử của
lòng biết ơn và hiếu thảo. Màu vàng trang nhã của hoa cúc tượng trưng cho tuổi
xế chiều, là tuổi chững chạc, đầy kinh nghiệm về những truân chuyên của cuộ
sống. Sắc màu hoa cúc không ồn ào mạnh mẽ, nhưng thâm trầm sâu lắng. Đoá hoa
cúc mời gọi chúng ta hãy sống đời nội tâm, hãy nhìn ngắm và suy tư trước những
biến cố xảy đến trong cuộc đời.
Màu vàng của những tán lá vào ngày đầu thu
cũng là tín hiệu báo trước những chiếc lá ấy đã đến cuối thời, vì thế mùa thu
cũng được gọi là mùa lá rụng. Mỗi năm lá rụng một lần, nên người ta có thói
quen dựa vào mùa lá rụng mà tính tuổi đời: ba mươi tuổi tức là ba mươi mùa lá
rụng. Những cành lá ngày nào còn xanh, khi gió thu về chuẩn bị ngả màu và rụng
xuống. Cuộc sống chúng ta cũng như những chiếc lá mùa thu, vinh quang và tủi
nhục vẫn đi liền với nhau, hạnh phúc và bất hạnh vẫn cùng sánh bước. Buồn với
vui được ràng buộc với nhau trong kiếp nhân sinh. Những chiếc lá ngả màu vàng
rực rỡ, rồi sau đó bước sang thời tàn tạ. Thế rồi, như cảm thấy cuộc đời quá
ngắn ngủi và trong niềm tiếc nuối thời gian, những chiếc lá khi rơi xuống còn
cố gắng vẫy vùng, như qua một cơn hấp hối trước khi nhẹ nhàng đặt mình trên mặt
đất.
“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình
sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12).
Những chiếc lá vàng nhắc nhở chúng ta hãy “đếm thời gian” của cuộc sống,
để biết mình là ai trong vũ trụ này và đang ở đâu trong mối tương quan với
Thượng Đế và với tha nhân. Vào lúc năm cùng tháng hết, người khôn ngoan thường
nhìn lại chặng đường đã qua để rút ra những bài học, đồng thời nhìn trước mắt
để thấy rõ hướng đi. Người dại dột cũng nhìn lại đàng sau nhưng để hằn học đau
khổ, cũng nhìn trước mắt nhưng để than vãn vì chỉ thấy những khó khăn cản
đường.
Vào cuối thu, ngày 2-11 dương lịch, người công giáo tưởng nhớ những
người qua đời, gọi là Lễ Cầu hồn. Trước ngày lễ, mọi người đến sửa sang chăm
sóc phần mộ của cha mẹ và họ hàng thân thuộc. Lễ Cầu hồn nhắc ta hãy thể hiện
lòng hiếu kính tổ tiên và tưởng nhớ những người đã khuất. Hơn thế nữa, trong
thánh lễ Cầu hồn ngày 2-11 cũng như thánh lễ dâng hằng ngày, chúng ta cầu xin
lòng từ bi của Chúa, xin Ngài đón nhận những ai đã qua đời vào hưởng hạnh phúc
nơi Quê hương Vĩnh cửu. Ngày lễ này cũng nhắc nhở những ai còn sống, hãy cố
gắng để sống tốt lành thánh thiện, gieo mầm cho cuộc sống tương lai.
Biết tạo nên ý nghĩa cho mỗi ngày sống, là bí quyết của hạnh phúc. Mỗi
ngày sống sẽ đẹp hơn nếu ta biết đem niềm vui cho anh chị em mình. Như thế,
trong chu kỳ vần xoay của năm tháng, chẳng có ngày nào là xấu, mỗi ngày đều là
cơ hội Chúa ban và chúng ta là những người mang cho nó một ý nghĩa tuyệt vời.
Một ngày không đẹp, là vì chúng ta làm cho nó trở nên xấu mà thôi. “Đếm
tháng ngày mình sống” chính là những cố gắng để cho cuộc sống hiện tại đẹp
tươi hơn.
Sắc vàng mùa thu nhắc ta nhớ lại con người có sinh có diệt. Cuộc đời có
khởi đầu và có kết thúc. Hành trình chiếc lá cũng như hành trình cuộc đời: có
những lúc xanh tươi đầy căng sức sống, nhưng cũng có ngày tàn úa đến mức tả
tơi. Những chiếc lá đang hớn hở vẫy theo chiều gió, sẽ có ngày vàng úa và rụng
xuống để trở về cội. Con đường nào cũng có một đích điểm, cuộc đời ta cũng đang
nhằm tới một định hướng. Khi nào tới đích, ta chưa biết, nhưng chắc chắn một
điều là hành trình nào cũng có chỗ tận cùng. Chỗ tận cùng ấy là hạnh phúc chan
hòa, nếu chúng ta chuẩn bị đầy đủ hành trang trên con đường mà chúng ta đang
tiến bước.
Hải Phòng, 13-10-2012
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Têrêsa Avila, Tâm Hồn Nhạy Cảm
(Bài
giảng của ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống tại Đan viện Cát Minh Sàigòn)
Trong
kho tàng truyện kể về đời thánh nữ Têrêsa Avila, có một truyện được nhiều tác
giả nhắc đến, vừa như một điển hình đời sống thiêng liêng, vừa như một tính
cách rất riêng của thánh nữ. Đó là truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn”. Chắc nhiều
người đã biết? Truyện kể: Trong lần xuất thần, thánh nữ nhìn thấy tình trạng
tội lỗi con người xúc phạm đến Chúa ghê gớm quá, nặng nề quá. Thế là thánh nữ
buồn bã vật vã ba ngày liên tiếp không ăn uống gì. Cuối ngày thứ ba, Chúa Giêsu
hiện ra, dáng vẻ dịu hiền, an ủi bằng cách trao cho thánh nữ một miếng bánh và
một ly nước. Nhưng thánh nữ làm mặt giận chối từ. Chúa Giêsu dỗ dành: “Con
không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gửi cho họ Thánh giá
sao?” Và thánh nữ trả lời: “Hèn chi Chúa có ít bạn”. Vâng, chỉ với mẩu truyện
đó thôi, có lẽ người ta cũng nhận ra tính cách của Têrêsa Avila. Đó là sự nhạy
cảm.
1. Nhạy cảm trước tình yêu bao la của Thiên Chúa.
Đọc
Phúc Âm, ai trong chúng ta cũng biết định nghĩa nổi tiếng của thánh Gioan
“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), nhưng để cảm nghiệm thế nào là sức nặng
của định nghĩa vắn gọn và tầm cỡ này, đó lại là chuyện không chỉ dừng lại trong
ngôn từ sách vở một thời, mà còn cần đến cả một đời dấn bước kiếm tìm, thậm chí
vào sinh ra tử nữa kìa. Thánh Gioan Tông đồ được Chúa Giêsu yêu dấu, nên từ cảm
nhận tới cảm nghiệm có thể là vắn gọn như chính định nghĩa về Thiên Chúa của
ông, nhưng với Têrêsa Avila lại là cả một sự vật lộn giữa sóng gió cuộc đời vừa
hoạt động để kiếm tìm, vừa chiêm niệm để chiêm ngưỡng.
Trên
bức tượng “Ecce Homo – Này là Người” (Ga 19,5) trình bày Chúa Giêsu vì yêu
thương loài người mà chịu khổ nạn, để nên tình yêu lớn nhất của người dám chết
vì người mình yêu, Têrêsa đã gặp được “tiếng sét ái tình” vào năm 1545, để
nghiệm ra rằng: nếu Chúa vì yêu con người mà phải chịu khổ, thì con người cũng
phải làm sao đáp lại cho cân xứng, với tình yêu của Chúa dành cho mình. Và thế
là khởi đi từ sự nhạy cảm trong nhận thức ấy, thánh nữ đã tìm ra nẻo đi của
riêng mình là “lấy tình yêu đáp trả tình yêu”, và cứ thế, như ngọn lửa một khi
đã bừng lên thì không gì có thể dập tắt được nữa, thánh nữ làm tất cả mọi sự do
tình yêu thúc đẩy và dâng hiến tất cả cho tình yêu.
Chả
thế mà người ta vẫn bảo: đường nên thánh của Têrêsa là con đường “bốc lửa”: lửa
chiêm niệm tìm ra ý Chúa mãnh liệt đến độ thường xuyên xuất thần mỗi khi cầu
nguyện, và lửa yêu thương tìm gặp gỡ Chúa khít khao như lòng với lòng, đến nỗi
có cảm tưởng rằng cuộc đối thoại giữa thánh nữ với Chúa không khác chi những
lời gần gũi giữa cánh bạn bè, của người bạn dành cho bạn mình.
2. Nhạy cảm trước tội lỗi của con người.
Một
khi đã coi “phải làm sao cho xứng với tình yêu của Chúa” như một hướng sống,
một hướng nên thánh, một hướng cải cách đời tu, thì tâm hồn Têrêsa Avila bỗng
trở nên nhạy cảm vô cùng trước những gì được xem là không xứng với tình yêu ấy,
trong đó tội lỗi là điều đáng buồn nhất, không phải vì nó xúc phạm tới Thiên
Chúa tối cao cho bằng nó phản bội lại Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã làm tất cả
vì con người và cho con người.
Phản
bội trong chính trường được xem là mưu mô, phản bội trong thương trường được
coi là mánh mung, nhưng phản bội trong tình trường, dù là tình Chúa hay tình
người đi nữa, cũng vẫn là điều đáng buồn nhất. Chính Chúa Giêsu đã buồn rầu hỏi
Giuđa trong vườn Cây Dầu là “anh lấy cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48)
vì Giuđa là kẻ phản bội. Và trong truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn” kể trên,
Têrêsa buồn bã những ba ngày liền, không phải vì tội mình mà vì tội tình của
người khác, đã cho thấy một con tim nhạy cảm, không rỗi hơi thương vay khóc
mướn, mà chỉ vì tê tái quặn đau thấy người ta phản bội tình yêu của Chúa, còn
mình trong tư cách là bạn tâm giao lại chẳng có cách nào mà can ngăn.
Rõ
ràng, Têrêsa là một tâm hồn nhạy cảm. Từ nhạy cảm ngây ngất trước tình thương
xót khôn cùng của Chúa, một tình yêu dám từ bỏ “lá ngọc cành vàng” để đành đoạn
ôm lấy “phận cỏ mình rơm” cho rặm bụng một đời cứu thế, Têrêsa tự nhiên nhạy
cảm khổ đau trước sự khốn cùng của tội lỗi nhân sinh, tội bạc tình, một thứ tội
làm tê dại cõi lòng. Hoá ra, ai càng nhạy cảm với tình thương xót của tấm lòng
Thiên Chúa, càng nhạy cảm hơn với sự khốn cùng của tội lỗi con người.
3. Nhạy cảm trước đường nên thánh là đường Thánh giá.
Đã
có lần Chúa Giêsu bảo “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí
mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13), để rồi từ đó trở thành quy luật của
muôn đời cho những ai dám gá đời mình cho tình yêu Thiên Chúa hoặc mon men muốn
nên bạn hữu của Ngài. Vâng, “yêu ai yêu cả đường đi”, yêu Chúa cũng yêu cả con
đường Chúa đi năm xưa là đường Thánh giá, không phải là “mười bốn chặng đường”
ngắn ngủi êm ả dễ chịu trong giáo đường, mà là những cảnh đời thường lặp đi lặp
lại mỗi ngày, ở đó ý Chúa như búa đập trên ý mình và ý mình như kình chống lại
ý Chúa.
Nếu
“yêu là chết ở trong lòng một ít”, thì yêu Chúa cũng là phải chết đi ít một
trong ý riêng để ý Chúa được thể hiện từng ngày. Như lương thực hằng ngày của
“Kinh Lạy Cha” mà người theo Chúa phải làm quen dần dần từ những bước chập
chững đầu tiên cho đến khi thuần thục nhuần nhị để có thể hiên ngang tiến tới
trên đường trọn hảo. Đó là đường tình yêu. Mênh mông tình Chúa, mong manh tình
người, nên cũng là đường Thánh giá, đường Thương khó.
Đó,
“yêu Chúa” nói và hát thì dễ, nhưng khi dấn bước vào, người ta mới thấy những
nỗi đa đoan vất vả không bao giờ hết, mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm mới có
thể dự đoán và an tâm bước đều. Chúa chúng ta kỳ lắm. Người yêu những kẻ đóng
đinh Người và tha thứ cho họ dễ dàng, nhưng Người lại đóng đinh những kẻ Người
yêu và tặng những kẻ yêu Người Thánh giá, không chỉ một lần mà xem ra còn dai
dẳng hoài hoài trong đời. Bằng một tâm hồn nhạy cảm thánh đức, Têrêsa đã hiểu
đó là lộ trình nên thánh cho bất cứ ai chọn đi theo Chúa.
Tóm
lại, ba nét nhạy cảm: với tình yêu vô biên của Thiên Chúa, với tội lỗi thấp hèn
của nhân loại và với bước đường Thánh giá, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại
và với bước đường Thánh giá, hy vọng đã một phần nào phác vẽ lên cách đơn giản
chân dung của một vị thánh lớn, thánh Têrêsa mẹ, vị anh thư cải cách dòng Cát
Minh thế kỷ XVI tại Tây Ban Nha, vị tiến sĩ đã để lại cho Hội Thánh bí quyết
chinh phục đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa, và cũng còn là vị thánh thân thương có
một tâm hồn nhạy cảm phi thường muốn đem tình yêu Thiên Chúa nhân rộng đến hết
mọi người.
Xin
nhờ lời chuyển cầu của ngài, cho cộng đoàn Cát Minh và cho những ai chân thành
yêu mến thánh nữ, được luôn nhạy cảm bền bỉ khơi lên ánh lửa yêu mến trước tình
yêu Chúa, để đến khi Chúa muốn, Người sẽ cho biến thành những đám cháy kỳ diệu
có khả năng thiêu huỷ tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn và lôi cuốn người ta đến với
tình yêu thánh hoá, cho dẫu trước mắt vẫn còn là ngổn ngang những Thánh giá của
mùa xây dựng, nhưng trong lòng đã nóng bừng hy vọng. Mong rằng câu nói “Hèn chi
Chúa có ít bạn” không phải là một chân lý bất biến, nhưng là một câu nói đang
chờ sự đáp ứng, để một khi mọi người đều nhạy cảm quan tâm trở nên bạn hữu của
Chúa, thì thay vì ba ngày buồn bã, có lẽ Têrêsa Avila sẽ có nhiều lần ba ngày
vui vẽ vì ngỡ ngàng thấy Chúa luôn có nhiều bạn mới.
Chắc mỗi người chúng ta ít nhiều đều trải qua kinh nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do Thái nghe Chúa Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi.
Nơi câu 14 chương 11, Phúc Âm theo thánh Luca, trong khi đã chứng kiến tận mắt phép lạ Chúa Giêsu trừ quỉ thì có kẻ trong đám đông đưa ra lời giải thích đầy ác ý: “Ông ấy dựa trên quỉ vương Bêendêbun, quỉ cả mà trừ quỉ con”, kẻ khác lại muốn thử Ngài nên đòi Ngài một dấu lạ từ trời. Ðoạn Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe đọc lại trên đây có thể được ta hiểu trong khung cảnh sự ngoan cố không tin của những người Do Thái, nhất là của những vị lãnh đạo đầy ác ý và ganh tị với Chúa. Chúa Giêsu nhận định về họ như sau: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ, nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gioan”. Xin Chúa ban cho một dấu lạ để củng cố một quyết định không phải là một điều xấu nếu ta xin bởi lòng khiêm tốn, tin tưởng vào Chúa. Các thánh thường làm như vậy để được củng cố giữa những thử thách. Khiêm tốn xin Chúa một dấu lạ với một tâm hồn ngay thẳng, tin tưởng, phó thác khác với một thái độ ác ý, thách thức. Và Chúa Giêsu từ chối chiều theo thách thức ác ý của những kẻ ngoan cố không tin.
Ðể tin nhận Chúa, cần phải thực hiện một ăn năn hoán cải, chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thành Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp: “Quả thực, ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy”. Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ. Dân thành Ninivê đã được Chúa nhắc lại để nêu gương vì họ đã tỏ ra mau mắn đáp lại lời rao giảng của tiên tri Giôna mà ăn năn thống hối. Chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thái độ như thế nào trước những dấu lạ Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta, để mời gọi ăn năn hối cải trở về tin nhận Chúa. Ðức tin không phải là kết luận đương nhiên của những dấu lạ nhưng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho những tâm hồn khiêm tốn, biết ăn năn hoán cải vì những lỗi lầm của mình.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho con một tinh thần khiêm tốn để có thể nhìn thấy và hiểu được những ý nghĩa dấu lạ Chúa thực hiện trong con và quanh con để mời gọi con canh tân đời sống, từ bỏ những ác ý trở về cùng Chúa.
Lạy Chúa,
Xin hãy thương ban cho con một tâm hồn khiêm tốn, trong sạch. Xin ban cho con đức tin. Con tin nhưng hãy thương ban ơn trợ giúp cho đức tin còn non yếu nơi con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
CĂN CƯỚC CỦA ĐẤNG MÊ-SI-A
Đức
Giêsu nói: “Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ
này và kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na rao giảng, mà
đây thì còn hơn ông Gio-na nữa. (Lc. 11, 32)
“Người
ta đồn: Đây là Đấng Mê-si-a, Đấng Thiên sai cứu thế! Thế thì Ngài có làm nhiều
phép lạ không?”. Rồi tứ phía người ta tấp nập chạy đến, tụ họp đông đảo vây
quanh Đức Giêsu. Họ xin: “Xin cho chúng tôi man-na như Mô-sê đã cho tổ phụ
chúng tôi. Được thế, người ta sẽ nhận Ngài thật là ngôn sứ vĩ đại và tin vào
Ngài”. Vậy theo họ bắt buộc: Thiên sai cứu thế phải làm dấu lạ từ trời xuống.
Từ chối đòi hỏi của họ:
Đức
Giêsu quá rõ người ta. Họ chạy theo dấu lạ. Rồi … họ chẳng còn thấy ơn ích gì
nữa. Người ta đi trên mặt trăng; khi được rồi, người ta lại bỏ, đi tìm cảm giác
mới trên một hành tinh khác. Trước sự bất nhất hay thay đổi của tính con người,
“của thế hệ gian ác này”, Đức Giêsu giữ thái độ huyền nhiệm và từ chối hẳn,
không làm dấu lạ như họ đòi hỏi kêu xin. Người từ chối dùng cách cưỡng bách họ
phải tin.
Chính
Người là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đã đến với họ. Tuy nhiên, Người không từ
chối chữa bệnh và đuổi quỷ ám. Những ai có tâm hồn cởi mở đón nhận tình yêu của
Thiên Chúa, họ thấy được ngón tay của Thiên Chúa trong những công việc và lời
nói của Đức Giêsu và họ tin rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên sai cứu thế, là Con
Thiên Chúa hằng sống. Họ không cần đòi căn cước chứng minh thêm, ký tên thêm,
ấn chứng phụ nữa.
Kêu gọi lòng tin
Gio-na
không ai biết căn cước về ông. Một cách đơn giản, bình thường, ông đã rảo khắp
phố phường kêu gọi: “Còn bốn mươi ngày nữa thành Ni-ni-vê sẽ bị án phạt tiêu
diệt”. Ông chưa đi được ba ngày đường, dân thành đã tin vào Thiên Chúa, và vua
tuyên bố ăn chay đền tội. Và thành Ni-ni-vê được Thiên Chúa tha thứ. Hoàng hậu
Sa-ba nghe biết sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn, bà từ tận cùng trái đất đến
nghe lời vua. Đức Giêsu nói: Sự loan báo của Người hơn cả Gio-an, sự khôn ngoan
của Người hơn cả Sa-lô-môn. Nhưng dân được hưởng giao ước lại từ chối tin vào
Người, nên họ sẽ bị những dân ngoại kết án họ trong ngày phán xét.
Ở
mọi thời, Thiên Chúa vẫn bày tỏ những dấu chỉ về Ngài. Ngay từ khi tạo dựng vũ
trụ, dù phần lớn nhân loại không nhận ra, ngay cả dân riêng của Ngài cũng không
đón nhận lời Đức Giêsu nói, tuy nhiên, lời Người luôn luôn sống động và khẩn
thiết. Tại sao lại đòi xem căn cước của Người hay đòi biết số thẻ bảo hiểm xã
hội của Người trước khi nghe Người?
RC.
Ngày 15
Thánh TêrêsaAvila ,
Thánh Têrêsa
trinh nữ, tiến sĩ Hội
Cầu nguyện là ưng thuận được Thiên Chúa "tiếp
nhận", là để hơi thở của Thần Khí rèn luyện chúng ta. Cầu nguyện, đơn giản
là để được Thiên Chúa yêu.
Bernard
Ugeux
Lạy Chúa,
ước gì con có đủ tài năng, tri thức , và có một ngôn ngữ mới để tán dương, cũng
như để hiểu biết những công trình của Chúa! Ôi lạy Chúa, con thiếu tất cả những
điều đó. Tuy thế, nếu Chúa không ngừng bảo trợ con, thì con sẽ không bao giờ bỏ
Chúa. Khi mọi người thông thái chống lại con, mọi tạo vật ngược đãi con, mọi
quỷ thần hành hạ con, thì lạy Chúa, là Thiên Chúa của con, xin đừng bỏ rơi con.
Qua kinh nghiệm của riêng con, bây giờ con biết những lợi ích mà những người
đặt niềm tin tưởng vào một mình Chúa sẽ đạt được, từ những cuộc chiến đấu.
(...)
Ôi, Thiên Chúa tốt lành biết bao! Ôi, Người là Vị Thầy có lòng tôt dường nào! quyền uy
biết mấy! Chúa
không chỉ cho lời khuyên, mà còn cho thuốc chữa bệnh. Lời của Chúa thật sự là những công trình
hành động. Ai có thể nói được: Người biết củng cố đức tin và
gia tăng tình yêu như thế nào?
Thánh Têrêsa Avila
Hạnh Các Thánh
Ngày 15 tháng 10
THÁNH TÊRÊSA ĐỒNG TRINH
CẢI TỔ DÒNG CAMÊLÔ
(1515-1582) |
Tuy
gần năm mươi năm sống trầm mặc nơi tu viện kín cổng cao tường, nhưng thánh nữ
Têrêsa đồng trinh đã gây được một ảnh hưởng tu đức sâu rộng trong toàn thể
Giáo hội. Đời sống của ngài là cả một tấm gương sống động cho hết những ai
muốn lên núi thánh. Tác phẩm của ngài là tài liệu tu đức uyên thâm. Quả thực,
nơi thánh nữ Têrêsa, Lời Chúa phán qua miệng tiên tri Ôsê đã được thực hiện
toàn vẹn: “Ta sẽ dẫn họ vào nơi tĩnh địa và sẽ tâm sự với họ”.
Têrêsa
chào đời ngày 28.3.1515, trong một gia đình quý phái phía nam thành
Castillea, nước Tây Ban Nha. Cha ngài là bá tước Anphongsô Sanchê Spêđa, một
người đạo đức và có nhiều uy tín trong dân thành. Mẹ ngài là Bêatria, một
người nội trợ đảm đang và là một hiền mẫu đạo hạnh. Tuy sống trong gia cảnh
giầu sang, nhưng được cha mẹ huấn luyện chu đáo, nên đời sống đạo hạnh sớm
triển nở trong tâm hồn thánh nữ. Ngay khi lên sáu tuổi, thánh nữ đã ham nghe
và đọc truyện các thánh, nhất là những tài liệu lịch sử về các thánh tử đạo.
Chính vì thế, Têrêsa đã có một đời sống gương mẫu ngay từ nhỏ. Đời sống của
ngài đã thể hiện đúng lời thánh tông đồ Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải
tôi sống, mà là Chúa Giêsu Kitô sống trong tôi”. Ngài thích cầu nguyện trong
nơi vắng vẻ và rất siêng năng lần hạt kính Đức Mẹ giống như thánh Inhaxiô.
Trước khi trở lại, trong thời hoa niên, thánh nữ ưa đọc những truyện hiệp sĩ.
Qua những câu truyện thần tiên và tưởng tượng, Têrêsa đã thâm cảm thấy mặt
trái của cuộc đời và đã khám phá ra những bộ mặt bỉ ổi của những cuộc ngao du
phù phiếm. Vì thế, khi đọc truyện kiếm hiệp, thánh nữ chẳng những không bị sa
ngã mà còn muốn tìm lấy một lẽ sống. Sau một thời gian đối chiếu truyện các
thánh mà ngài đã đọc từ nhỏ với những câu truyện kiếm hiệp, thánh nữ càng
thêm lòng yêu mến Thiên Chúa, và chỉ muốn thoát tục, sống tận hiến trong tu
viện.
Năm
1530, nhân tuần tĩnh tâm tại tu viện thánh Âutinh, thánh nữ cảm thấy ước
nguyện đi tu mỗi lúc một thôi thúc mạnh mẽ trong tâm hồn. Ngài trở về, ngỏ ý
xin cha cho phép vào tu trong dòng Camêlô. Nhưng cha ngài nhất định khước từ.
Dầu vậy, Têrêsa không sờn lòng, ngài vẫn kiên trì hun đúc chí nguyện sống đời
tận hiến theo tiếng Chúa gọi. Một hôm thánh nữ phân vân không biết quyết định
ra sao, theo tiếng Chúa gọi hay vâng lời cha già. Thì một câu của thánh
Giêrônimô đã giúp ngài xác định hẳn cuộc sống: “Cả khi cha mẹ con, nằm lăn
trước cửa để ngăn cản con đi tu, thì con cũng cứ can đảm bước đi, vì tiếng
Chúa trọng hơn...” Thế là chim bằng vỗ cánh vút cao trên nền trời xanh
thẳm...
Năm
1533, Têrêsa vừa đúng 18 tuổi xuân. Ngài nhất định cất bước lên đường vào tu
trong dòng “Nhập thể”. Sống cuộc đời mới, thánh nữ hân hoan như cá gặp nước,
ngài tiến bộ rất nhanh trên đường tu đức. Ngày 02.11.1535, thánh nữ được mặc
áo dòng. Nhưng đừng tưởng đời sống thánh nữ chỉ êm lặng như mặt nước hồ thu.
Trái lại, có nhiều lần bị xáo động vì những thử thách, đôi khi rất hãi hùng.
Đó chính là con đường Chúa thường dẫn các thánh của Ngài đi qua. Trường hợp
thánh nữ Têrêsa, ngay năm khấn đầu tiên, ngài đã bị nhiều cơn cám dỗ nặng nề
về đức tin và ý chí tận hiến. Đồng thời vì tâm trí mỏi mệt, bệnh thần kinh
xuất hiện hành hạ thân xác thánh nữ, đến nỗi bề trên phải cho ngài về nhà
uống thuốc nghỉ bệnh. Ơn gọi lại qua một cơn giao biến mới, thánh nữ phải
đương đầu với những lôi cuốn về xác thịt, của cải vinh hoa... mà một thiếu nữ
quý phái có thể gặp thấy. Nhiều khi thánh nữ cảm thấy chán nản, muốn nhắm mắt
để mặc thế gian lôi cuốn, tinh thần suy nhược như không còn sức thiêng nào
nâng đỡ...
Thực
ra Chúa vẫn ở với ngài, chính lúc Têrêsa cảm thấy mình yếu hơn cả lại chính
là lúc Chúa hoạt động với ngài hơn hết. Quả thế, một hôm thánh nữ đang say
sưa mơ tưởng những “sự thế gian”, thì bàn tay quan phòng của Chúa đã đến thức
tỉnh thánh nữ. Tiếng nói mầu nhiệm của Chúa đã lọt vào lòng thánh nữ: “Cha
không muốn con mê mải sự thế gian và tiếp xúc với người đời, mà Cha muốn con
chỉ tiếp xúc với các thiên thần”. Đồng thời ma quỷ cũng lợi dụng thời cơ, ra
sức cám dỗ Têrêsa. Chúng rỉ tai thánh nữ bằng giọng điệu ngọt ngào và bằng
những câu truyện thế gian. Nhưng ngài đã can đảm chống trả và quyết một niềm
tìm về với Chúa. Thánh nữ thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu rất đáng yêu
mến, xin dẫn con đi theo con đường Chúa muốn. Chúa biết con giờ đây không ước
gì hơn là tìm về với Chúa, đi theo con đường Chúa chỉ dẫn, và làm những việc
yêu mến một mình Chúa”.
Chúa
đã nhận lời cầu nguyện chân thực và thiết tha của Têrêsa, Chúa đã ban cho
ngài hưởng nhiều thị kiến. Năm 1558, vào dịp sau lễ Phục sinh, thánh nữ được
nhìn thấy hai bàn tay của Chúa Giêsu rồi tiếp sau là khuôn mặt sáng ngời của
Chúa. Lần khác, Chúa cho thánh nữ nhìn thấy địa ngục đầy dẫy những hình khổ
và lửa đỏ cháy ngùn ngụt thiêu đốt những linh hồn tội lỗi...
Những
thị kiến ấy đã gợi lên nơi thánh nữ ý tưởng phải cải tổ dòng Camêlô cho nhiệm
nhặt hơn, chuyên lo đền tội cho thế gian. Thiên Chúa đã chúc lành cho ý định
của ngài và giúp ngài thực hiện. Ngày 24.8.1562, tu viện cải tổ đầu tiên đã
mọc lên ở
Mặc
dầu rất bận rộn với công việc sáng lập và điều khiển tu viện, thánh nữ cũng
tìm giờ ghi lại những tư tưởng thiêng liêng. Hiện nay, những tác phẩm của
thánh nữ còn ảnh hưởng rất nhiều. Tư tưởng uyên thâm của thánh nữ đã chiếu
sáng và hướng dẫn nhiều linh hồn tìm đường về với Chúa. Theo thánh nữ, sự
trọn lành trước hết cốt tại lòng yêu mến Chúa, chính lòng yêu mến sẽ khiến ta
làm đẹp lòng Chúa, cố gắng không phạm tội đến Người. Lòng yêu mến Chúa sẽ dạy
chúng ta biết cầu nguyện cho nước Chúa mở rộng và hiển trị, cho Giáo hội rộng
khắp mọi nơi. Lòng yêu mến Chúa chân thực sẽ giúp chúng ta hiểu biết và thực
hành bác ái huynh đệ, sống khiêm tốn và vâng lời.
Cầu
nguyện và suy ngắm chiếm địa vị ưu tiên trong tinh thần tu đức của thánh nữ.
Phương pháp cầu nguyện tốt nhất là đặt mình trước mặt Chúa, và nhận biết sự
nhỏ bé, hèn mọn của mình. Thiên Chúa luôn luôn giúp chúng ta đọc kinh cầu
nguyện sốt sắng, nếu chúng ta thực lòng ước muốn, và để dễ nguyện gẫm, ta có
thể cầm một tượng ảnh hay xem một cuốn sách thiêng liêng.
Đề tài
thánh Têrêsa ưa nguyện ngắm hơn cả là đời sống hy sinh và cuộc tử nạn của
Chúa Giêsu. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, thánh nữ luôn múc lấy sức mạnh nơi
thánh giá Chúa và luôn tâm niệm lời Chúa phán: “Hãy vác thánh giá và theo
Cha”. Thánh nữ đã viết: “Tôi không phàn nàn về thân phận của tôi, quả thực,
tôi không phải yếu đuối như những phụ nữ khác, nhưng tôi có một trái tim quả
cảm. Thiên Chúa nâng đỡ những ai quyết tin tưởng nơi Chúa. Chúa là sức mạnh,
là nơi nương tựa và hướng đạo của tôi...”
Thánh
Têrêsa đã sống và đã chết với lòng tin tưởng ấy. Cho đến lúc tắt thở, thánh
nữ vẫn than thở với Chúa: “Lạy Chúa, dù thành công hay thất bại, dù sướng vui
hay đau khổ, con vẫn một lòng tin tưởng vào Chúa”. Thánh nữ qua đời ngày
05.10.1582 tại Alba Tormes. Năm 1614, Đức Giáo Hoàng Phaolô V phong Têrêsa
lên bậc chân phúc, và năm 1622, Đức Grêgôriô XV lại truy phong ngài lên bậc
hiển thánh.
Tuy
thánh Têrêsa đã khuất bóng từ lâu, nhưng ảnh hưởng đời sống và gương nhân đức
của ngài vẫn mỗi ngày một phổ biến sâu xa và mạnh mẽ. Quả đúng như lời: “Đối
với các thánh của Chúa, chết là bắt đầu sống và sống rất mạnh mẽ”.
Tác
phẩm tu đức của thánh nữ gây một ảnh hưởng lớn lao trong Giáo hội, nên năm
1970, Đức Phaolô VI đã tôn phong thánh nữ làm Tiến sĩ Giáo hội.
|
Thứ Hai 15-10
Thánh Têrêsa Avila
(1515-1582)
Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều
biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và
cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách
Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.
Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh
thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một
phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.
Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một
thế giới "trọng nam khinh nữ" vào thời đó. Ngài là người cương quyết,
gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không
phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có
tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là
một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan,
nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là
người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.
Têrêsa là một phụ nữ "vì Chúa", một phụ nữ của
cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán
cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian
khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm,
bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp
tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật.
Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu
nguyện. Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những
kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một
phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.
Têrêsa cũng là một phụ nữ "vì tha nhân." Qua sự
chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài
và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng.
Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu --
luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu
nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp,
ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.
Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã
nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự
này.
Lời Bàn
Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại
cải tổ và thời đại giải phóng. Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêsa
như một thách đố. Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong
con người Thánh Têrêsa là người đáng khâm phục và noi gương.
Lời Trích
Thánh Têrêsa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể
xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể
chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: "Lạy Chúa, hoặc là đau khổ
hoặc là chết." Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: "Ôi lạy
Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó
khăn! Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài nếu chúng con hiểu được giá
trị của nó."
www.nguoitinhuu.com
Bài đọc 2
Ngày 15 tháng 10: Thánh Tê-rê-xa A-vi-la,
trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
Chào đời năm 1515 tại A-vi-la, Tây Ban
Nha, Tê-rê-xa là một nhà cải tổ dòng kín Cát-minh, một con người vừa chiêm niệm
vừa hoạt động. Là người chiêm niệm, chị đã ghi lại kinh nghiệm thần bí của mình
trong "chuyến đi lên Thiên Chúa". Các tập sách của chị đã khiến chị
thành bậc thầy về đường thiêng liêng. Là người sáng lập, chị đã rảo khắp nước
Tây Ban Nha để thiết lập các đan viện. Tâm hồn chị được thống nhất nhờ nỗi khao
khát được sống "một mình với Đấng Độc Nhất". Chị qua đời ở An-ba năm
1582.
Chúng ta hãy luôn luôn nhớ đến tình yêu
của Chúa Ki-tô Giê-su
Trích tác phẩm của thánh Tê-rê-xa Giê-su,
trinh nữ.
Ai được Chúa Giê-su là bạn thân và là nhà
lãnh đạo hào hiệp ngự trong lòng, thì có thể chịu đựng mọi sự. Quả thật, chính
Người trợ lực và tăng cường sức mạnh cho chúng ta ; Người không bỏ rơi ai, vì
Người là bạn thân đích thực và chân thành. Tôi thấy rõ là : nếu chúng ta muốn
đẹp lòng Thiên Chúa và được Người ban cho những ân huệ lớn lao, thì chính Thiên
Chúa lại muốn những ơn ấy đến với chúng ta qua bàn tay của con người Giê-su cực
thánh là Đấng mà Thiên Chúa uy nghi đã tuyên bố là rất đẹp lòng Người.
Rất nhiều lần do kinh nghiệm, tôi nhận
thấy một điều mà Chúa cũng nói cho tôi biết và tôi dám nói là tôi đã nhìn thấy
tận mắt, đó là : chúng ta phải vào qua cửa này, nếu chúng ta muốn được Thiên
Chúa uy nghi cao cả cho biết những điều huyền nhiệm và bí ẩn. Không được tìm
con đường nào khác, cho dù đã đạt tới tuyệt điểm chiêm niệm. Trên con đường
này, người ta bước đi an toàn vững chắc. Ở đây, Chúa chúng ta là Đấng ban phát
và đem lại cho chúng ta mọi ơn lành. Chính Người đã dạy dỗ chúng ta. Quan sát
kỹ cuộc đời của Người, chúng ta sẽ thấy không có gương nào tốt lành và trọn hảo
hơn để mà bắt chước.
Chúng ta ước mong gì hơn là có người bạn
đáng tín nhiệm như thế ở bên cạnh, một người bạn không hề bỏ mặc chúng ta,
những khi chúng ta gặp gian nan khốn khó, như bạn hữu trên thế gian thường làm.
Phúc thay ai thật sự chân thành yêu mến Người và luôn luôn giữ Người ở lại với
mình. Chúng ta hãy nhìn thánh Phao-lô tông đồ : xem ra người không thể không
nói đến Chúa Giê-su ngoài miệng, vì người đã khắc ghi Chúa trong trái tim mình.
Một khi hiểu điều đó rồi, tôi đã chuyên chú tìm tòi và biết được rằng một số vị
thánh được ơn chiêm niệm lạ lùng, như thánh Phan-xi-cô, thánh An-tôn thành
Pa-đô-va, thánh Bê-na-đô, thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-ê-na đã không đi con đường
nào khác. Chúng ta phải hết sức tự do đi trên con đường này, một niềm phó thác
trong tay Thiên Chúa. Nếu Người muốn tuyển dụng và đưa chúng ta vào hầu cận và
làm thư ký cho Người, chúng ta hãy sẵn sàng vâng theo.
Mỗi lần nghĩ đến Chúa Ki-tô, chúng ta hãy
luôn luôn nhớ đến tình yêu của Người, tình yêu của Người đã thúc đẩy Người ban
cho chúng ta biết bao ơn thiêng cũng như phúc lành, và nhớ rằng Thiên Chúa đã
tỏ tình yêu thương ta biết mấy, khi cho chúng ta bảo chứng lớn lao về tình yêu
ấy là Chúa Ki-tô : quả thật, tình yêu đòi hỏi tình yêu. Vì thế, chúng ta hãy ra
sức tâm niệm điều đó để thức đẩy mình yêu mến. Vì, nếu một lần Thiên Chúa ban
ơn này cho ta là in sâu tình yêu của Người vào trái tim ta, thì mọi sự sẽ trở
nên rất dễ dàng, và trong thời gian rất ngắn, chúng ta sẽ tấn tới nhiều mà
không vất vả bao nhiêu.
Lời
nguyện Lạy Chúa, Chúa đã ban ơn Thánh Thần soi sáng thánh Tê-rê-xa A-vi-la để người vạch ra cho Hội Thánh một con đường dẫn tới đỉnh cao toàn thiện. Xin cho chúng con được hấp thụ giáo huấn của người và luôn khát khao sống cuộc đời lành thánh. Chúng con cầu xin...
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách ngày 15-10-bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét