Thứ Tư sau Chúa Nhật 28 Quanh Năm
*
* *
Bài Ðọc I: (Năm
II) Gl 5, 18-25
"Những ai thuộc về
Ðức Kitô, thì đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng vào thập giá".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, nếu anh em
được Thánh Thần hướng dẫn, anh em không còn ở dưới chế độ lề luật nữa. Vả chăng
người ta thừa hiểu sự nghiệp của xác thịt là: tà dâm, ô uế, phóng đãng, buông
tuồng, thờ lạy thần tượng, phù phép, thù hằn, kình địch, ghen tương, giận dữ,
cãi lẫy, bất bình, bè phái, giết người, say sưa, mê ăn uống, và những điều khác
giống như vậy. Tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng nói rằng: hễ những
ai phạm các điều lỗi đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.
Còn hoa quả của Thánh Thần
là: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung,
dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết. Lề luật không chống lại
các điều ấy. Vả chăng, những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đã đóng đinh xác thịt
cùng với các dục vọng và đam mê vào thập giá. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần,
chúng ta cũng hãy ăn ở theo Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và
6
Ðáp: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (c. Jo
8,12).
Xướng: 1) Phúc cho ai không
theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi
chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm
luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối
nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc
họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như
vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường lối người công
chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! - Người
ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. -
Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 42-46
"Khốn cho các ngươi,
hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa phán rằng:
"Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập
phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng
yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều
kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi
ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho
các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên
mà không hay biết!"
Có một tiến sĩ luật trả lời
Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi
nữa". Người đáp lại rằng: "Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi
nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà
chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðọc đoạn Tin Mừng hôm nay,
mỗi người chúng ta hãy xét lại chính mình. Có lẽ chúng ta đang sống cách của
người Biệt Phái xưa. Lối sống mà Ðức Giêsu chê trách: chỉ giữ cặn kẽ những điều
luật dạy một cách giả hình mà không theo tinh thần của Lề Luật là biết yêu mến
Thiên Chúa và sống chân thật. Ðức Giêsu không bác bỏ việc chúng ta giữ Luật,
nhưng phải giữ với lòng yêu mến chứ đừng hình thức. Ngài cũng lên án tính huênh
hoang tự cao tự đại, và chỉ biết hưởng thụ còn trút tất cả những khó khăn cho
người khác.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy
chúng con một điều hết sức quan trọng mà chúng con phải làm, đó là kính mến
Thiên Chúa và yêu thương anh em. Chỉ có điều đó mới đem lại giá trị và ý nghĩa
đích thực cho cuộc sống chúng con. Còn thói giả hình chẳng những không đem lại
lợi ích gì, mà còn đáng bị Chúa nguyền rủa. Xin giúp chúng con biết khôn ngoan
sống theo lời dạy của Chúa. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Kiện Toàn Lề Luật
(Lc 11,42-46)
Suy Niệm:
Kiện Toàn Lề Luật
Tin Mừng hôm nay có lẽ mời
gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa đích thực của luật lệ. Chỉ có xã hội loài
người mới có luật lệ. Thú vật xem chừng cũng tuân thủ một thứ luật nào đó,
nhưng là luật rừng. Khi con người dùng sức mạnh áp đặt luật lệ để nhằm quyền
lợi của một thiểu số, chứ không nhằm phục vụ công ích, thì đó cũng chỉ là luật
rừng, luật của kẻ mạnh mà thôi.
Chúa Giêsu đã đến để kiện
toàn lề luật. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu một lần nữa muốn xác nhận
điều đó khi Ngài tuyên bố: "Phải làm các điều này mà không được bỏ qua các
điều kia". Chúa Giêsu đã kiện toàn lề luật bằng cách mặc cho nó tinh thần
yêu thương: yêu thương là linh hồn của lề luật. Tất cả lề luật trong đạo đều
qui về một giới răn nền tảng và duy nhất, đó là yêu thương.
Thánh Phaolô đã nói:
"Yêu thương là chu toàn lề luật". Sống yêu thương là dấu ấn Thiên
Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn con người, bởi vì chỉ có con người mới là tạo
vật duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài. Mà bởi lẽ
Thiên Chúa là Tình Yêu, cho nên mang lấy hình ảnh của Ngài, con người cũng chỉ
có một ơn gọi duy nhất, đó là sống yêu thương. Tất cả lề luật Giáo Hội ban hành
là chỉ nhằm giúp con người sống yêu thương mà thôi. Chỉ có yêu thương, con
người mới trưởng thành; chỉ có yêu thương mới đem lại cho con người một sự giải
phóng đích thực, đó là giải phóng khỏi tội lỗi, khỏi ích kỷ, khỏi hận thù.
Xin Chúa cho chúng ta hiểu
được lòng Chúa yêu thương chúng ta từng giây phút trong cuộc đời, để chúng ta
sống trong tình Ngài nâng đỡ ủi an chúng ta trên con đường tiến về hạnh phúc
vĩnh cửu. Xin cho chúng ta luôn quảng đại chu toàn mọi bổn phận với lòng yêu
mến, để đáp lại tình Chúa yêu thương chúng ta.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 28 TN2
Bài đọc: Gal 5:18-25; Lk 11:42-46.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hai
lối sống: theo Thánh Thần hay theo xác thịt.
Đối
phương của Thánh Phaolô tố cáo: Vì muốn chiêu mộ nhiều tín hữu nên Phaolô rao
truyền một thứ đạo quá dễ dàng: chỉ cần tin mà không cần giữ Lề Luật. Thánh
Phaolô trả lời cho họ bằng cách phân biệt 2 lối sống: theo Thánh Thần và theo
Lề Luật. Ngài tố cáo họ đã sống theo lối sống thấp hèn của Lề Luật. Những người
đặt niềm tin nơi Chúa Kitô sống một lối sống cao hơn mà Lề Luật không bao giờ
có thể đạt tới, đó là lối sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu cũng vạch ra những tật xấu của các Kinh-sư và Luật-sĩ vì lối sống
theo Lề Luật của họ.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: So sánh 2
lối sống: theo Thánh Thần và theo xác thịt (Lề Luật)
Theo
đạo lý của Thánh Phaolô: Con người trở nên công chính không bằng việc giữ Lề
Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô thể hiện qua đức bác ái. Tương xứng với
đạo lý này là hai lối sống: nếu một người chọn trở nên công chính theo Lề Luật,
người ấy sẽ sống theo lối xác thịt; nếu một người chọn trở nên công chính bằng
niềm tin vào Đức Kitô, người ấy sẽ để cho Thánh Thần hướng dẫn, và không còn lệ
thuộc Lề Luật nữa.
1.1/ Lối
sống theo xác thịt: Thánh Phaolô liệt kê một số các dấu hiệu của lối
sống theo xác thịt:
- dâm
dục, ô uế, hoang đàng: để thỏa mãn những dục vọng thấp hèn của xác thịt;
- thờ
bụt thần, dùng phù phép: không tin tưởng nơi sức mạnh của Thiên Chúa;
- hận
thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận: hòan tòan ngược lại với đức bác ái;
- tranh
chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ: không xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đòan;
- say
sưa, chè chén: để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của xác thịt.
Nếu một
người để mình sống theo những khuynh hướng này, Thánh Phaolô cảnh cáo: “Tôi bảo
trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được
thừa hưởng Nước Thiên Chúa.”
1.2/ Lối
sống theo Thánh Thần: Thánh Phaolô liệt kê 9 dấu hiệu cuả lối sống
theo Thánh Thần mà ngài gọi là hoa quả của Thánh Thần. Đây là những nhân đức mà
con người có thể luyện tập được khi để cho Thánh Thần hướng dẫn:
(1)
Bác ái (Charity): hoa quả đầu tiên và quan trọng nhất của lối sống
theo Thánh Thần;
(2)
Hoan lạc (Joy): niềm vui trong tâm hồn chứ không phải niềm vui
vì lợi lộc vật chất;
(3)
Bình an (Peace): không sợ hãi trước một đau khổ nào, vì luôn tin
nơi Thiên Chúa;
(4)
Đại lượng (Generosity): không lấy ác báo ác, nhưng luôn rộng lượng tha
thứ;
(5)
Tử tế (Kindness): sẵn sàng giúp đỡ những người cần đến và tử tế
với mọi người;
(6)
Từ tâm (Goodness): có lòng thương xót cho mọi người;
(7)
Hiền hoà (Gentleness): không to tiếng la lối, chửi mắng, hay đánh đập
người khác;
(8)
Trung tín (Faithfulness): trung thành với những gì đã thề hứa dẫu gặp khó
khăn;
(9)
Tiết độ (Self-control): tự chủ trong mọi lãnh vực ăn, uống, ngủ, và
hưởng thụ.
Giáo
Hội, trong Sách GLCG, số 1832, liệt kê thêm 3 hoa quả của Chúa Thánh Thần:
(10)
Kiên nhẫn (Patience): không dễ thay đổi khi phải đương đầu với khó
khăn;
(11)
Đơn giản (Modesty): không để cho của cải vật chất chi phối cuộc đời;
(12)
Trong sạch (Chastity): giữ thể xác và tâm hồn luôn trong trắng.
Thánh
Phaolô khẳng định: “Không có luật nào chống lại những điều như thế.” Hơn nữa,
Lề Luật chỉ có thể ngăn cấm con người để đừng phạm tội, nhưng không thể giúp
cho con người sống theo những tiêu chuẩn cao thượng như thế. Nhưng những ai
thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào Thập Giá cùng với
các dục vọng và đam mê. Đồng thời, Thánh Thần của Đức Kitô sẽ giúp con người
đạt được mức tòan thiện của cuộc sống.
2/ Phúc
Âm: Tai hại
của việc sống theo Lề Luật
2.1/
Chúa Giêsu mắng chửi các Biệt-phái: Thuế Thập Phân là 10% cho tất
cả các hoa mầu ruộng đất, trả trực tiếp cho những người Levites; và họ sẽ trả
10% những gì họ thu được cho các tư tế. Chúa Giêsu không kết tội họ vì bắt
người ta nộp thuế Thập Phân, nhưng trách họ về 4 tội sau đây:
(1) Xao
lãng lẽ công bằng: cất giấu các lợi nhuận thu được để dùng riêng;
(2) Thiếu lòng yêu mến Thiên Chúa: vì quá
chú trọng đến các nghi lễ bên ngòai (Mk 7:6);
(3)
Thích hư danh: thích ngồi ghế đầu trong hội đường để mọi người
nhìn thấy, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng để thấy mình quan
trọng;
(4)
Đánh lừa thiên hạ: “Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người
ta giẫm lên mà không hay.” Lề luật dạy: hễ động vào mồ mả là trở thành ô uế cho
dù có biết hay không. Chúa ví các Kinh-sư cũng nguy hiểm như các mồ mả không
làm dấu vì sự giả hình của họ.
2.2/
Mắng chửi các Luật-sĩ: Lề Luật tự nó không xấu mà còn giúp để giữ trật
tự; nhưng Chúa mắng chửi các Luật-sĩ vì họ lợi dụng Lề Luật để ức hiếp tha
nhân. Ví dụ: để tránh giữ luật đi xa trong ngày Sabbath, họ dùng giây để làm
cho giới hạn của nhà họ được rộng lớn hơn; để lấy tài sản của một người phải
giúp cha mẹ, họ dùng luật Coban: của dâng cho Thiên Chúa không ai được đụng tới
(Mk 7:11). Và còn trăm ngàn cách khác họ có thể đi chung quanh để buộc tội
người khác và kiếm lợi nhuận cho mình. Vì thế, Đức Giêsu nói với họ: "Khốn
cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác
những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng
không động vào.”
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Người
Công Giáo không phải là người chỉ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô rồi muốn làm
gì thì làm; nhưng họ phải từ bỏ lối sống theo xác thịt và học sống theo sự
hướng dẫn của Thánh Thần.
- Mười
hai dấu hiệu để thấy nếu một người sống theo lối sống của Thánh Thần: bác ái,
vui tươi, bình an, kiên nhẫn, đại lượng, trung thành, từ tâm, tốt lành, hiền
hậu, đơn giản, tiết độ, và trong sạch.
- Ngược
lại lối sống theo Thánh Thần là lối sống theo xác thịt hay Lề Luật mà Chúa
Giêsu mắng chửi các Kinh-sư và Luật-sĩ. Họ coi thường Thiên Chúa, háo danh, và
dùng Lề Luật để đối xử bất công và đánh lừa tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Tư tuần 28 thường niên
Sứ điệp: Chúa Giêsu lên án gắt gao thái độ kiêu căng giả
hình của những người biệt phái. Chúa dạy ta sống khiêm tốn, công bằng và yêu
thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là
Đấng hiền hậu và hay tha thứ. Chúa đã dạy con: “Hãy tha thứ cho thù địch”. Chúa
còn nói với con: “Hãy học với Ta vì Ta hiền hậu và khiêm nhường”. Ngay trên
thập giá, Chúa đã xin Chúa Cha tha thứ cho bọn lý hình. Thế nên, con rất ngạc
nhiên khi thấy Chúa nặng lời khiển trách những người biệt phái. Nhưng cuối cùng
con đã hiểu ra rằng, Chúa nặng lời với họ vì họ kiêu căng giả hình. Chúa ghét
thói giả dối kiêu căng vì nó làm cho chúng con cố chấp và mù quáng.
Lạy Chúa, từ trước đến nay con vẫn hài lòng về
đời sống đạo của mình. Con vẫn dự lễ, rước lễ, đọc kinh sáng tối, làm được vài
việc bác ái, tham gia các sinh hoạt đoàn thể.
Nhưng hôm nay, dưới ánh sáng Lời Chúa, khi tự
vấn lương tâm, con chợt nhận ra rằng có những lúc con làm những việc đó là vì
tính kiêu căng tự đắc hơn là vì lòng mến Chúa yêu người thực sự. Vì thế, con
cũng chẳng khác gì những biệt phái xưa, và con cũng đáng bị lên án như họ.
Lạy Chúa, xin giúp con diệt trừ thói kiêu căng
và giả hình. Xin dạy con biết sống khiêm tốn, sống thật lòng với Chúa, với anh
chị em con, nhất là với chính lòng con, để mọi hành vi của con trở nên lời tán
dương Chúa, đồng thời giúp ích cho mọi người và thăng tiến bản thân con. Amen.
Ghi nhớ :"Khốn cho các
ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ
luật".
17/10/12 THỨ TƯ TUẦN 28 TN
Th. Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo
Lc 11,42-46
Th. Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo
Lc 11,42-46
SỐNG CÔNG BẰNG YÊU
THƯƠNG
“Các người nộp thuế
thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và
lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11,42)
Suy niệm: “Không ít bạn trẻ vì muốn ‘long lanh’ hơn dưới mát bạn bè
đã khoác lên mình nhiều loại ‘nước sơn’ vật chất dễ dàng ‘bong tróc’,” Thái Bình nhận định trên báo Tuổi Trẻ ngày 2/9 vừa qua.
Không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người ngày nay cũng sính mua sắm hàng hiệu, xe
đời mới, điện thoại di động đắt tiền, v.v… để khẳng định mình là đẳng cấp khác
biệt, là sành điệu. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, nhiều người cũng có xu
hướng chuộng hình thức, làm đầy đủ các nghi lễ bề ngoài rình rang cho mọi người
thấy: đi nhà thờ đều đặn, thường xuyên đọc Kinh Thánh, lần hạt, làm việc bác ái...
nhưng bên trong tâm hồn họ có thể là tối tăm như địa ngục, có thể là thiếu hẳn
tình yêu thương và đức công bình, bởi lẽ tâm hồn họ chất chứa tính kiêu ngạo,
khinh người, đối xử bất công với đồng loại... Chúa đã lên án lối sống vụ hình
thức đó, và đề cao một lối sống công bình và yêu thương phục vụ.
Mời Bạn: Biết bao lần bạn đã vô tình hay cố ý chạy theo trào lưu xã
hội chuộng hình thức bên ngoài; còn việc sống đạo thì chỉ dừng lại ở mức tối
thiểu: làm cho vừa đủ những điều khoản luật buộc mà thôi. Nếu như thế bạn đã bỏ
quên căn tính cốt lõi của lề luật là công bình và yêu thương rồi đó.
Sống Lời Chúa: Xác tín việc thực thi công bình và phục vụ trong yêu thương
là cốt lõi của việc sống đạo và loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự
Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán. Amen.
Xao lãng lẻ công bình
Những lời Khốn cho của Đức
Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị cho Hội Thánh của các
Kitô hữu hôm nay.
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu trách các
nhà lãnh đạo.
Họ là những người Pharisêu, những nhà thông
luật.
Họ được dân chúng kính nể vì học thức, vì chức
vụ, vì đời sống đạo đức.
Nhưng họ cũng có những khiếm khuyết cần sửa
đổi.
Đức Giêsu ba lần nói “Khốn cho” đối với người
Pharisêu (cc. 42-44).
Khốn cho thứ nhất vì họ quá chú tâm giữ những điều lặt vặt, phụ
thuộc,
mà xao lãng cái chính yếu và quan trọng.
Họ nộp thuế 10% về những thứ rau cỏ ngoài vườn
để tỏ lòng đạo đức.
Tiền thuế này được dùng để giúp đỡ các tư tế và
các thầy Lêvi.
Nhưng tiếc là họ không để ý đến sự công bình
đối với tha nhân,
và lòng yêu mến đối với Thiên Chúa (c. 42).
Tương quan hai chiều của họ bị tổn thương.
Việc nộp thuế, dâng cúng cho nhiều cũng không
sao kéo lại được.
Đức Giêsu đòi giữ cả hai, nhất là những bổn
phận chính yếu:
“Các điều này phải làm mà các điều kia cũng
không được bỏ.”
Khốn cho thứ hai vì họ thích tiếng khen từ người đời.
Không yêu mến Thiên Chúa, nhưng họ lại yêu mến
ghế đầu nơi hội đường,
và yêu thích được chào hỏi nơi công cộng (c.
43).
Địa vị, tiếng tăm là điều họ tha thiết tìm
kiếm.
Mọi việc họ làm đều nhằm tôn vinh cho cái tôi.
Chính vì thế một đời sống bề ngoài có vẻ sống
cho Chúa,
kỳ thực lại là một tìm kiếm hư danh cho chính
mình.
Khốn cho thứ ba gắn liền với sự giả hình trên đây.
Đức Giêsu ví họ với mồ mả người chết chôn dưới
đất.
Vì không có gì làm dấu, nên chẳng ai biết đó là
mồ mả để tránh.
Nhiều người giẫm lên nên bị ô nhơ mà không hay.
Nghe Đức Giêsu nói, một nhà thông luật cảm thấy
bị xúc phạm.
Đức Giêsu cũng sẽ nói ba lần Khốn cho đối với các vị này.
Họ là những nhà chuyên môn giải thích luật và
là thầy dạy dân chúng.
Khốn cho đầu tiên vì họ đã làm cho luật trở nên một gánh quá nặng.
Những giải thích của họ làm sinh ra bao cấm
đoán và đòi buộc
vượt xa những gì chính bản văn lề luật đòi hỏi.
Thí dụ trong ngày sabát, có 39 loại công việc
không được phép làm.
Luật thay vì là nguồn vui, nguồn hạnh phúc, thì
lại trở nên ách nặng nề.
Nhiệm vụ của người thông luật không phải chỉ là
dạy luật,
mà còn là giúp người khác giữ luật.
Với thái độ đứng ngoài, không muốn động vào,
không muốn trợ giúp, dù bằng một ngón tay (c.
46),
người thông luật sẽ không làm cho người ta cảm
thấy tình yêu Thiên Chúa.
Những lời Khốn
cho của Đức Giêsu cách đây
hai mươi thế kỷ
vẫn còn nguyên giá trị cho Hội Thánh của các
Kitô hữu hôm nay.
Để có thể xây dựng một Hội Thánh Việt Nam cho kỷ
nguyên mới,
chúng ta cần tránh những lỗi của người xưa.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi
nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách
nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của
Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Khốn
cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến
sĩ luật".
Thiên Chúa Là Tình Yêu
Ðối
diện với sự gian dối và bất lương của những người pharisiêu và các nhà thông
luật, Chúa Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách họ. Thái độ thích khoe
khoang và cái bề ngoài công chính, giả tạo nhưng bên trong lòng thì chứa đầy
những gian xảo của những người pharisiêu hay như hành động chèn ép và áp bức
của các nhà thông luật đối với người dân bần cùng là cội rễ của các bất công xã
hội. Chúa Giêsu không có chủ ý kết án những người pharisiêu và những nhà thông
luật, ngược lại, Ngài chỉ muốn khiển trách để cảnh tỉnh lương tâm của họ, để họ
lắng nghe lời Ngài là Con Thiên Chúa mà trở về con đường ngay thẳng.
Chúa
Giêsu dạy cho họ biết rằng chỉ có một điều luật lớn nhất vượt lên trên mọi Lề
Luật khác đó là luật mến Chúa yêu người. Những ai sống theo luật yêu thương này
là thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi các tín
hữu Rôma nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta cần đến lòng thương xót của Thiên
Chúa, vì chúng ta không thể tự mình trở nên công chính trước mặt Người”. Thánh
Phaolô cũng lên tiếng cảnh giác những người tự cho mình là công chính mà không
cần tới lòng thương xót của Thiên Chúa, và từ đó nảy sinh ra thái độ xét đoán
người khác. Người nói: “Còn bạn, hỡi người xét đoán những kẻ làm điều đó trong
khi chính mình cũng làm như vậy. Bạn tưởng mình khỏi sẽ bị Thiên Chúa xét xử
sao?”
Vì
thế, ai phán xét và kết án những người khác là lòng bị bất công vì chính mình
cũng thuộc vào cùng một lỗi lầm, hay nói cách khác, tất cả chúng ta đều là
những người tội lỗi như nhau. Mặt khác, thái độ lên án người khác gây ra sự
chia rẽ giữa chúng ta với những người khác. Ngay cả trường hợp chúng ta có làm
được những công nghiệp tốt lành đi nữa thì hành động này của chúng ta cũng
không làm cho Thiên Chúa hài lòng. Một công nghiệp tốt lành có tác động làm cho
mọi người được hiệp nhất với nhau chứ không tạo nên sự chia rẽ.
Thiên
Chúa chính là sự hiệp nhất và tình yêu. Những ai sống theo tinh thần này là sống
theo thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta cần đặt mình trước sự thương xót và lòng
bác ái của Thiên Chúa, đó là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi. Chúng ta
cần hướng về Thiên Chúa để xin Người ban cho hồng ân cứu rỗi mà Người đã hứa
ban cho toàn thể nhân loại, không kể đó là người Kitô hay dân ngoại, người công
chính hay người tội lỗi. Vì tất cả chúng ta đều cần tới tình yêu thương và sự
thương xót của Thiên Chúa, là vị Cha chung của tất cả chúng ta ở trên trời.
Lạy
Chúa,
Chúa
là cội nguồn của sự công chính và bác ái. Xin soi sáng và hướng dẫn lương tâm
chúng con để chúng con biết sống một cách lương thiện và công bằng mà không xúc
phạm hay làm tổn thương đến những người anh em khác. Qua thái độ sống lương
thiện và chân thật đó chúng con làm chứng tá cho tình yêu và sự hiện diện của
Chúa trên trần gian này.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Bệnh Mù Quáng Tinh Thần
Đức Giêsu nói: “Khốn
cho các ngươi, hỡi các người Pha-ri-sêu! các người nộp thuế thập phân về bạc
hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà sao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên
Chúa, phải làm các điều này mà không được bỏ qua các điều kia.” (Lc. 11, 42)
Ngày nay, người ta sản
xuất mọi thứ hàng giả, hàng dổm được sơn phết, sao chép như thiệt để tiếp thị,
bán chạy như tôm tươi và thật mát mắt. Không chỉ hàng hóa dổm mà còn cả những
nhân vật học giả, học dổm có đầy đủ học vị cao, lừa đảo, khiến người khác tin
tưởng họ như thật. Người ta đã muốn thay con tim người bằng tim khỉ đột, chỉ
thấy cái hào nhoáng bên ngoài mà không biết được giá trị cốt lõi bên trong.
Đức Giêsu quan tâm đến
lòng người, tinh thần bên trong, chứ không để bị lừa bởi dáng vẻ hấp dẫn bên
ngoài. Người vạch cho thấy lối sống giả hình mù quáng.
Những con buôn giả phải
chịu trách nhiệm về sự thất bại của mình, phải lãnh hậu quả tai hại
Nơi một dân coi những
việc cử hành đạo đức đóng một vai trò cứu thế, thì dễ xuất hiện lòng sùng bái
đối với lối đạo đức hình thức phô trương bên ngoài. Những người biệt phái như
những con buôn hàng giả, tỏ ra vẻ cao cả khi giữ luật rất tỉ mỉ, cầu nguyện
giữa phố phường và những nơi công cộng cho người ta thấy.
Rất nhiều kẻ trong số
biệt phái đó tỏ ra kiêu ngạo, họ quên lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa,
Đấng ban ơn soi sáng cho tất cả mọi việc đạo đức. Đức Giêsu chúc dữ những kẻ
giả hình để hy vọng dẫn đưa họ ăn năn sám hối trở về.
Tính kiêu ngạo và phô
trương của họ do nội tâm họ không trong sạch được che đậy để người ta kính
trọng họ, theo họ và hư đi theo họ mà không biết. Sự che đậy của biệt phái có
thể lây lan sang những ai bước xuống mồ của họ, vì họ không thể biết được lòng
họ. Lời khiển trách của Đức Giêsu cũng giáng xuống đầu các nhà thông luật vì họ
dạy biệt phái cũng như dân chúng. “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng
gánh không nổi, còn họ thì dù một ngón tay họ cũng không để đụng tới”. Họ phải
chịu trách nhiệm về tội hủ hóa người khác.
Chúng ta có là những
người hành đạo theo thói quen và để được người ta kính trọng không? Trong khi
đó con tim lại đầy ghen ghét, hận thù, bất công chăng? Chớ gì lời chúc dữ của
Chúa Giêsu đừng áp dụng vào chúng ta.
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
17 THÁNG MƯỜI
Người Nghèo Là Những Ai?
Nhưng ai là người nghèo
trong thời đại chúng ta? Tin Mừng nói đến những người mù, những người bị áp
bức, và những người bị giam cầm (Lc 4,18). Người nghèo là những người sống mà
không có được những nhu cầu thiết yếu để sống, cả những nhu cầu vật chất lẫn
tinh thần.
Ngoài ra, trong thế giới
hôm nay, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương mình để lánh nạn. Hàng triệu
người, đôi khi toàn bộ những bộ tộc hay những vùng dân cư, bị đứng trước nguy
cơ tuyệt chủng vì hạn hán hay vì thiếu lương thực.
Làm sao người ta có thể
nhắm mắt trước tình trạng nghèo khổ và ngu dốt của những đồng loại mình chưa
bao giờ có được cơ hội đến trường? Làm sao có thể không day dứt khi nhìn thấy
vô số người đang phải chịu đựng một cách hoàn toàn bất lực trước sự bất công và
trước tình trạng kém phát triển? Cũng có rất nhiều người đã bị tước đoạt quyền
tự do tín ngưỡng và phải đau khổ cùng cực bởi vì họ không thể tôn thờ Thiên
Chúa theo lương tâm mình.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Ignatô Antioochia, giám mục,tử đạo;
Gl 5, 18-25; Lc 11, 42-46.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu nói: “Khốn
cho cả các ngươi nữa, hỡi những nhà thông luật! Các ngươi chất trên vai kẻ khác
những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các ngươi, thì dù một ngón tay
cũng không đụng vào” (Lc 11,45-46).
Trong đời sống đức tin của chúng ta ngày hôm nay, nếu mỗi người không chịu học
biết Kinh Thánh, chúng ta cũng dể bị, những kẻ bảo thủ áp đặt trên chúng ta những
tư tưởng sai lạc về Thiên Chúa, trong việc tôn thờ Ngài của mình. Chúng ta khó
khám phá ra tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người nhất là những con
người tội lỗi như chúng ta. Chúng ta khó nhận ra sự tha thứ của Thiên Chúa khi
chúng ta lỗi phạm. Chúng ta khó nhận ra sự cứu độ của Ngài đối với từng người
trong từng hoàn cảnh của họ. Khi chúng ta chịu học hỏi lời của Ngài với tinh
thần tuân phục và tín thác; chúng ta sẽ vui sống cuộc đời thờ phượng Thiên Chúa
trong tâm tình ngợi khen và Tạ ơn Ngài.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 17-10
Thánh INHAXIÔ Thành Antiokia
Giám Mục Tử Đạo (+107)
Giám Mục Tử Đạo (+107)
Người ta
nghĩ rằng: thánh Inhaxiô thành Antiôkia chính là đứa trẻ mà Chúa Giêsu đã ôm
vào lòng và đặt giữa các tông đồ để làm gương mẫu về lòng trong trắng và đức
khiêm tốn Kitô giáo. Vài tác giả còn quả quyết rằng: Ngài là đứa trẻ đưa năm
chiếc bánh và hai con cá cho Chúa Giêsu làm pháp lạ nuôi 500 người ăn. Điều
chắc chắn là Ngài đã được đặt làm giám mục thứ nhì kế vị thánh Phêrô tại Antiôkia
khoảng năm 68, sau khi thánh giám mục Evôda qua đời. Suốt bốn muôi năm cai quản
giáo phận, kể cả những năm bị bách hại dưới triều Domitianô, Ngài đã tỏ ra là
một giám mục gương mẫu về mọi nhân đức.
Mười lăm
năm bình lặng sau cái chết của bạo vương Domitianô qua đi, cơn bách hại lại
nhen nhúm ở vài tỉnh dưới thời Trajanô. Vị hoàng đế cuồng tín này cho rằng:
mình đạt được nhiều chiến thắng là nhờ các thần minh. Ong coi việc bách hại các
tín hữu Chúa là một nghĩa cử để tỏ lòng biết ơn các thần minh. Tháng giêng
năm107, ông tới Antiôkia. Được biết tại đây có giám mục Inhaxiô đã không vâng
lệnh thờ cúng tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền điệu Ngài tới
để xét hỏi. Sau khi đe dọa và dụ dỗ đủ cách mà vô hiệu, ông kết án vị giám mục
thánh thiện này phải điệu về Roma cho thú vật xâu xé.
Cuộc hành
trình về Roma mang sắc thái một cuộc khải hoàn. Mỗi khi con tàu dừng bến nào,
dân chúng đều tuốn đến chào kính vị tử đạo. Nhân dịp này thánh Inhaxiô có dịp
tiếp xúc với nhiều giáo đoàn và đã viết bảy bức thư cho các Giáo hội. Tuy vậy,
chuyến đi không dễ chịu gì. Bọn lính áp giải đã cố tình hành hạ thánh nhân để
mong được các tín hữu ngưỡng mộ Ngài đút lót tiền bạc. Thánh nhân viết với lòng
khiêm tốn:
- Trên đất
liền hay ngoài biển khơi, ngày đêm tôi phải chiến đấu với các súc vật, bị xiềng
vào mười con sư tử. Tôi muốn nói là những người lính canh giữ tôi. Người ta
càng cho tiền, họ càng hung dữ. Những người đối xử tàn tệ của họ là trường đào
luyện tôi mọi ngày, nhưng không phải vì vậy mà tôi được nên công chính
đâu".
Ở Smyrna , thánh Inhaxiô đã
gặp thánh Pôlycarpô. Vị giám mục thánh thiện này cũng là môn đệ của thánh Gioan
như thánh Inhaxiô. Thánh Pôlycarpô đã hôn xiềng xích của người bạn lừng danh.
Tại đây thánh Inhaxiôco có dịp gặp đại diện của nhiều Giáo hội tới thăm. Biết
rằng ở Ahila Delphia có sự chia rẽ trong hàng giáo sĩ, Ngài đã viết thư khuyên
nhủ họ:
- Hãy
tránh xa những phân rẽ và các giáo thuyết nguy hiểm. Hãy theo mục tử các bạn
khắp nơi như đoàn chiên. Tôi vui sướng hết mực những góp phần củng cố đức tin
các bạn, nhưng không phải do tôi mà do Chúa Giêsu Kitô. Được mang xiềng xích vì
danh Chúa, hơn lúc nào, tôi cảm thấy mình còn quá xa sự trọn lành. Nhưng kinh
nguyện của các bạn sẽ làm cho tôi được xứng đáng với Thiên Chúa và với di sản
mà lòng nhân từ và đã dọn sẵn cho tôi.
Các thư
của các thánh nhân gửi riêng cho mỗi nơi, Ngài ca tụng tinh thần kỷ luật của
tín hữu Manhêsianô (Magnésiens): - Tôi hãnh diện được gặp các bạn nơi cá nhân
đức giám mục Damas của các bạn. Tuổi trẻ của Ngài không được nên cớ để các bạn
suồng sã với Ngài. Các bạn cần phải tôn kính chính Thiên Chúa là Cha nơi Ngài.
Với dân
Trallianô (Tralliens) Ngài viết: - "Hãy yêu thương nhau. Xin cầu nguyện
cho tôi nữa. Tôi cần đức ái và lòng nhân hậu Chúa để được nhận vào hưởng gia
nghiệp mà tôi đã sẵn sàng chiếm hữu".
Nhưng Ngài
sợ dân Rôma, vì nhiệt tâm mà cất mất triều thiên tử đạo của mình. Nhờ một du
khách đi Italia, Ngài khẩn khoản: - "Các bạn không thể trao tặng cho tôi
một bằng chứng quí mến nào khác, là để cho tôi được tế hiến mình cho Thiên
Chúa. Ân huệ tôi van xin các bạn là hãy hát bài ca cám tạ ơn Chúa mà nhờ công
nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Đức giám mục Smyrna
bên Tây phương đã được, để Ngài được đưa vào vinh quang. Hãy để cho tôi thành
của ăn nuôi thú vật, hầu tôi được vui hưởng Thiên Chúa, Tôi là hạt lúa mì của
Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thành bánh tinh tuyền
của Chúa Kitô.
Tốt hơn,
hãy săn sóc các thú vật này để chúng thành nấm mồ của tôi. Chính lúc này tôi
đang trở nên một môn đệ chân chính. Chớ gì những hình khổ độc dữ nhất đổ xuống
mình tôi, miễn là tôi được Chúa Giêsu Kitô. Được cả thế gia này nào có ích lợi
gì cho tôi ? Tôi chỉ ước mong được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô...
Ngài còn
viết thêm: - Ước mơ của tôi là được đóng đinh vào thập giá. Trong tôi chỉ có
một dòng nước hằng sống vẫn rì rầm lời kêu gọi: Hãy về với Cha".
Thánh nhân
còn viết nhiều điều khác nữa, bàn về chân lý đức tin, kỷ luật Giáo hội và những
sai lầm nguy hại.
Ngày 20
tháng 12 năm 107 là ngày cuối cuộc vui cũng là ngày thánh Inhaxiô tới Roma. Sau
khi đọc bức thư của nhà vua, quan tổng trấn truyền đem thánh nhân đến thẳng hí
trường. Dân chúng đang tụ họp đông đảo. Ngài lập lại câu nói đã viết trong
trường hợp gửi dân Roma: "Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi cần được
răng thú dữ nghiền nát để trở thánh bánh tinh tuyền của Chúa Kitô". Hai
con sư tử gầm rống và bổ tới thánh nhân mà cắn xé. Người ta kính cẩn thu nhặt
những khúc xương còn lại và đưa về Antiôkia. Dưới thời Hêracliô, xương Ngài lại
được đưa về Roma.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
17 Tháng Mười
Lòng Nhân Từ Cảm Hóa
Dưới tựa đề "Lòng nhân từ cảm hóa", người ta thuật lại
một câu chuyện như sau:
Một bà mẹ kia lo lắng nhiều vì đứa con trai không đi nhà thờ
nữa, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau
khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích.
Một ngày Chúa Nhật nọ, bà nảy ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói:
"Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn
nhà trong khu phố dối diện với chúng ta. Nếu con làm dùm mẹ việc này, mẹ hứa sẽ
không bao giờ quấy rầy con nữa".
Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên
đã nhận làm điều mà mẹ anh ta yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào
một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người
đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc,
đang than khóc, kêu la vì đói.
Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng
người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào:
"Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn
quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu".
Chàng thanh niên ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm
sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một
gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh
còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ.
Chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm
anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc
hơn.
Chúng
ta đã đi nửa đoạn đường của tháng Mân Côi, đây là khoảng thời gian chúng ta âu
yếm dâng lên Mẹ Maria những tràng chuỗi Mân Cô với hàng triệu lời chào:
"Kính Mừng Maria, đầy ơn phước". Nhưng, ước gì xen lẫn với những lời
kinh tiếng hát, chúng ta cũng biết lắng nghe những lời Mẹ khuyên qua những mầu
nhiệm thuật lại các biến cố xảy ra trong cuộc đời Mẹ.
Chú
tâm nghe lời Mẹ khuyên nhủ, chắc chắn qua mầu nhiệm thứ hai của Năm Sự Vui:
"Ðức bà đi viếng thánh Ysave, ta hãy xin cho được lòng yêu người". Mẹ
Maria, cũng như bà mẹ trong câu chuyện trên, cũng muốn nhờ chúng ta làm cho Mẹ
một chuyện: đó là hãy thể hiện lòng yêu người qua những hành động cụ thể để
tinh thần phục vụ Mẹ đã thể hiện qua sự giúp đỡ bà chị họ Ysave cũng được con
cái Mẹ tiếp tục làm lại.
(Lẽ Sống)
Ngày 17
Thánh Inhaxiô
Antiôkia, giám mục, tử đạo
Khi thánh
Inhaxiô Antiôkia đưa ra lời kêu gọi này: "Tất cả anh em hãy một lòng hiệp
nhất, mà sự chia rẽ
không làm tổn thượng!", Ngài nói như vậy vì biết rằng sự hiệp thông này
đặt nền tảng, trước hết, trên mầu nhiệm vĩnh cửu là chính sự sống hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Nhưng thánh Inhaxiô Antiôkia cũng khẳng định rằng, vói tư cách là Kitô hữu, tất cả chúng ta cùng dự phần vào sự hiệp
thông này, trong Minh và Máu Đức Kitô. Nói cách khác, đời sống của người Kitô
hữu và của Giáo Hội, đương nhiên phải được nhận thấy qua sự hiệp thông; sự hiệp
thông này là một thực tế cấu thành Giáo Hội!
Sự hiệp nhất
giữa những người Kitô hữu với nhau và với Thiên Chúa luôn mỏng dòn, không ngừng
bị thử thách và thường còn bị chống đối. Sự hiệp
thông này nhằm tới sự toàn vẹn, nhưng sẽ không bao giờ hoàn toàn, nếu không
phải chỉ trong Nước Trời...
Ngày nay,
cũng như trong các thế kỷ đầu, Giáo Hội tiếp tục theo dõi ý Thiên Chúa luôn đòi
hỏi thực hiện sự hiệp thông rõ ràng của thân mình Đức Kitô.
Các tín hữu phải vận dụng tất cả những gì có thể, để đạt
được sự hiệp thông. Thánh Inhaxiô Antiôkia đã viết: "Hãy quan tâm đến sự
hiệp nhất, mà không gì có thể vượt qua được!"
Enzo Bianchi
Hạnh Các Thánh
Ngày 17 tháng 10
THÁNH INHAXIÔ
ANTIÔKIA
GIÁM MỤC TỬ
ĐẠO
|
Theo
luật tự nhiên, nước suối gần mạch bao giờ cũng trong hơn nước xa mạch. Cũng
thế, các vị thánh càng sống gần Chúa Giêsu, nguồn mạch tình yêu và thánh
thiện, thì càng sốt sắng và lòng yêu Chúa càng hăng nồng. Thánh Inhaxiô, môn
đệ thánh sử Gioan, có một lòng yêu mến Chúa Kitô tới say mê, luôn ước ao được
chết vì Ngài, bởi đấy người ta đã tặng cho thánh nhân danh hiệu “Đền thờ
Thiên Chúa”.
Dưới
triều Hoàng đế Trajannô, thánh Inhaxiô được tấn phong làm Giám mục thành
Antiôkia kế vị Đức Giám mục Êvôđa. Theo truyền khẩu, thánh Inhaxiô khi còn bé
đã được Chúa Giêsu ẵm bế đặt giữa các môn đệ khi Người khuyên các môn đệ hãy
trở nên như con trẻ mới được vào Nước Trời. Người khác cho rằng chính Inhaxiô
là cậu bé bán bánh đã bán năm chiếc bánh và hai con cá cho Chúa Giêsu để Ngài
làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho ba ngàn người ăn no nê...
Có
điều chắc chắn là Đức Giám mục Inhaxiô quen biết nhiều môn đệ Chúa Giêsu,
nhất là thánh sử Gioan. Thánh Pôlicapô, Giám mục thành
Sau
cuộc chiến thắng Đêcêbalô, vua nước Đêxiê, Hoàng đế Trajanô đi kinh lý
Antiôkia. Dân chúng thi nhau tố cáo Đức Giám mục Inhaxiô. Họ tố cáo Đức Giám
mục Inhaxiô đã cả gan dám công khai rao giảng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa
và xúi dục dân chúng chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa. Ngoài ra, họ còn
tố cáo Đức Giám mục Inhaxiô đã khuyên dụ dân chúng khinh chê tiền tài, danh
vọng, từ bỏ mọi sự lạc thú trần tục. Hơn nữa, họ còn tố cáo Đức Giám mục
Inhaxiô đã cả gan tuyên bố các thần minh dân Rôma tôn thờ là bất xứng, không
đáng phụng thờ. Nghe tới đây, Hoàng đế Trajanô căm giận hết sức. Hoàng đế
truyền điệu Đức Giám mục tới để tra hỏi thực hư.
- Có
phải ngươi là Inhaxiô mà người ta thường gọi là “Đền thờ Thiên Chúa”? Chính
nhà ngươi cầm đầu bọn phản loạn khinh mạn Hoàng đế và các thần minh chúng ta
tôn thờ phải không?
- Muôn
tâu bệ hạ, chính tôi là Inhaxiô. Sở dĩ người ta gọi tôi là “Đền thờ Thiên
Chúa”, vì tôi đã ghi khắc trong tâm hồn tôi quý danh Chúa tôi tôn thờ là Đức
Chúa Giêsu Kitô.
- Vậy
ra nhà ngươi cho rằng chúng ta đây không có các thần minh bất tử ở trong tâm
hồn chúng ta sao?
- Xin
Hoàng đế đừng nhắc tới những thần tượng câm điếc đó. Chỉ có mình Thiên Chúa
chân thật đã tạo dựng nên trời đất muôn vật. Thiên Chúa đã sai con một Ngài
xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Nếu như Hoàng đế tôn thờ Thiên
Chúa, thì đế quốc và vương quyền của Hoàng đế sẽ vững bền hơn thạch trụ.
- Ta
cấm nhà ngươi không được nói đến điều đó nữa. Nếu nhà ngươi muốn sống, nhà
ngươi hãy nghe ta tế lễ các thần minh bất tử đi. Ta sẽ coi ngươi như bạn hữu
của ta, và ta sẽ chọn ngươi làm thầy tư tế chuyên lo phụng sự thần Jupiter.
- Bổn
phận chúng tôi là phải biết ơn, biết ơn hết mọi người, nhất là Hoàng đế, một
khi ngài ban cho chúng tôi những ân huệ cao quý. Nhưng nếu như ngài ban cho
chúng tôi những gì làm tổn thương tới linh hồn chúng tôi, chúng tôi sẽ không
bao giờ dám nhận. Tôi đây là linh mục của Chúa Kitô dâng tiến lễ hằng ngày
trên bàn thờ. Và giờ đây tôi ao ước được hy sinh chính mạng sống tôi cho Chúa
Giêsu Kitô, cũng như chính Chúa Kitô đã hy sinh mạng sống Người cho tôi.
Không
chịu nổi những lời châm biếm và lăng mạ các thần minh, Hoàng đế Trajanô
truyền điệu Đức Giám mục Inhaxiô về Rôma để ném cho sư tử cắn xé mua vui cho
dân chúng.
Các
kitô hữu ở Antiôkia khóc lóc thương tiếc vị Giám mục đáng kính của họ. Họ
buồn phiền vì phải ly biệt vị chúa chiên yêu quý nhất đời. Đứng trước cảnh
biệt ly đau thương đó, Đức Giám mục Inhaxiô vẫn giữ vẻ mặt tươi tỉnh. Ngài an
ủi, vỗ về các con yêu dấu của ngài. Ngài khuyên nhủ họ nên đặt hết tin tưởng
vào Chúa chiên độc nhất là Chúa Giêsu Kitô.
Trước
khi lên đường chịu tử nạn, ngài chúc phúc lành cho đoàn con cái và trao phó
cả Giáo đoàn Antiôkia cho Chúa Kitô. Rồi ngài giúp quân lính xiềng tay ngài
và vui vẻ đi theo bọn lính áp tải ngài về Rôma. Bọn lính hành hạ ngài rất tàn
nhẫn. Chúng cố ý hành hạ ngài cốt để cho các giáo hữu động lòng cảm thương
ngài, đút lót tiền bạc cho chúng.
Đức
Giám mục Inhaxiô được dẫn theo đường bộ về Rôma. Ngài đi qua thành
Với
tất cả những kitô hữu đến thăm viếng, Đức Giám mục Inhaxiô đều xin họ cầu
nguyện cho ngài được chóng về hưởng mặt Chúa, và cầu nguyện sao để cho các
thú dữ đừng buông tha ngài như chúng đã buông tha một số thánh khác. Sợ rằng
các kitô hữu ở Rôma quá buồn phiền về việc ngài bị bắt bớ mà sao lãng việc
cầu nguyện cho ngài, Đức Giám mục Inhaxiô đã viết cho Giáo đoàn Rôma một bức
thư khá dài với mục đích bầy tỏ cho các kitô hữu ở Rôma thấu rõ nỗi lòng ngài
ao ước được chết cho Chúa Kitô.
Từ
biệt giáo đoàn
Có
nhiều người cho rằng Đức Giám mục Inhaxiô phải chịu rất nhiều nhục hình trước
khi bị đưa ra cho thú dữ dầy xéo.
Tới
ngày đại lễ, Đức Giám mục Inhaxiô với nét mặt tươi tỉnh, hiên ngang tiến ra
công trường để được chết vì Chúa Kitô. Ra tới công trường, ngài quay về phía
dân chúng phân bua đôi lời:
- Kính
thưa toàn thể đồng bào, đồng bào đừng ngộ nhận tôi đây vì có trọng tội nên bị
thú dữ dầy xéo. Không phải thế đâu, sở dĩ tôi bị thú dữ cắn xé, là vì tôi
muốn được kết hợp với Thiên Chúa.
Vừa
dứt lời, đoàn sư tử hùng hổ tiến về phía Đức Giám mục Inhaxiô. Nghe tiếng sư
tử gầm thét, ngài kêu lớn tiếng:
- Tôi
là hạt lúa mì của Thiên Chúa. Tôi muốn được nghiền nát dưới nanh vuốt thú dữ
để trở nên bánh tinh tuyền dâng tiến Chúa Kitô.
Đoàn
sư tử thi nhau cắn xé thánh nhân. Khi bị đoàn vật xâu xé, thánh nhân luôn
miệng kêu tên cực thánh Chúa Giêsu. Có người hỏi thánh nhân tại sao cứ kêu
tên Giêsu hoài như thế. Thánh nhân trả lời: “Tôi kêu danh Giêsu vì chính tôi
đã ghi khắc tên Người trên trái tim tôi và đời đời không bao giờ quên được”.
Sư tử ăn hết thịt thánh nhân và để xương lại nguyên vẹn.
Các
kitô hữu kính cẩn thu lượm xương thánh nhân đưa về an táng ở ngoại ô thành
Rôma. Đến thời Hoàng đế Thêôđô trẻ, giáo đoàn Antiôkia đã rước xương thánh về
Antiôkia cách rất trọng thể. Đám rước diễn hành đi theo những con đường thánh
nhân đã đi về Rôma chịu tử đạo.
Người
ta nói rằng: ngay sau lúc thánh Inhaxiô bị thú dữ cắn xé, ở Antiôkia đã xảy
ra một vụ động đất rất lớn, phá huỷ một phần lớn thành phố, nhiều người chết
và một số lớn bị trọng thương. Chính Hoàng đế Trajanô sau này đã gặp nhiều
tai nạn ghê gớm.
Ngoài
cái chết anh dũng làm chứng cho đức tin, thánh Inhaxiô để lại cho chúng ta
một số thư rất có giá trị. Thánh Giêrônimô thu tập được cả thảy bảy thư.
Trong bảy thư đó, thánh nhân đã cho chúng ta thấy rõ tình hình Giáo hội công
giáo thời đại ngài. Ngoài ra thánh nhân còn cho chúng ta biết qua về những
phong tục của các kitô hữu thời ngài, kỷ luật của Giáo hội cũng như những tập
truyền của các tông đồ. Ngài khuyên nhủ mọi người nên tuân giữ tất cả những
điều các tông đồ đã truyền dạy, vì đó chính là mệnh lệnh của Chúa Kitô đã
dùng miệng tông đồ để thông truyền cho chúng ta. Ngài nhắn nhủ mọi người
trong giáo hội phải tôn kính và vâng lời những người thuộc về giáo hội, nhất
là hàng giáo phẩm:
- “Các
ông hoàng phải vâng lời hoàng đế. Binh lính phải vâng lời các ông hoàng. Thầy
phó tế phải vâng lời linh mục, linh mục phải vâng lời các đức giám mục. Cũng
thế, toàn thể kitô hữu, bất kẻ lính tráng, các ông hoàng hay hoàng đế đều
phải vâng phục các đức giám mục và các đức giám mục phải vâng phục Chúa
Kitô”.
Cuối
các thư, thánh nhân thường hạ hai chữ “Amen”, “Gratias”; “Cảm tạ Chúa”.
Hằng
năm, Giáo hội mừng lễ thánh nhân vào ngày 17 tháng 10, kính nhớ một con người
đã xả kỷ hy sinh để giữ vững một niềm tin sắt đá và một lòng mến yêu nồng
nhiệt Chúa Kitô.
|
Phanxicô Kính (1799-1833)
Phanxicô Kính
(Francois Isidore Gagelin), Sinh năm 1799 tại Montperreux, Besancon, Pháp,
Linh mục Thừa sai Paris, địa phận Ðàng Trong, bị xử giảo ngày 17/10/1833 tại
Bãi Dâu dưới đời vua Minh Mạng. Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII đã suy tôn ngài
lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc
Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 17/10.
|
Mục tử
nhân lành.
"Chúng tôi đã
từ bỏ gia đình, quê hương và tất cả lợi lộc trần thế, để chỉ truyền giảng Tin
Mừng".
Từ chối chức quan
do chính vua Minh Mạng trao ban, cha Gagelin Kính chứng tỏ mình chỉ mong thi
hành xứ mệnh linh mục cao quý "Loan báo tin mừng cho muôn dân" (Mc
13,10). Lòng nhiệt thành mục tử thúc bách ngài không ngừng đi khắp nơi để ban
phát các bí tích. Chính vì yêu thương giáo hữu, ước mong họ được bình an, cha
đã tự nguyện hiến mình vì đoàn chiên (Ga. 15,13). Ngài thực là gương mẫu sáng
ngời cho các thế hệ.
Túp lều
Việt
Isidôrô Gagelin
sinh ngày 10.5.1799, tại Montperreux, giáo phận
Thời ấy, vua Minh
Mạng mới lên ngôi, bầu khí tự do tín ngưỡng do vua cha (Gia Long) để lại chưa
phai nhạt. Linh mục Gagelin Kính vừa nhận chức giáo sư chủng viện An Ninh,
Quảng Trị, vừa thi hành công tác mục vụ tại vùng lân cận. Cha gửi tâm sự về
quê nhà năm 1823: "Những thiếu thốn, những cực nhọc đủ thứ đến với chúng
tôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng: tôi được hạnh phúc trong túp lều tranh
của tôi hơn vua nước Pháp ở trong hoàng cung của ngài".
Dần dần vua Minh
Mạng áp dụng chính sách bách hại đạo ngày càng mãnh liệt hơn. Bề trên
Thomassin đã phải di tản chủng viện An Ninh và cử cha Kính vào Sài Gòn, là
khu vực Tả quân Lê văn Duyệt không áp dụng đường lối bài Công Giáo. Cha
thường thực hiện sứ vụ tông đồ nơi các họ đạo vùng Sài Gòn, Bà Rịa, và đào
tạo chủng sinh tại Lái Thiêu.
Ngôn sứ
Tin Mừng
Năm 1827 cha Kính
được vua Minh Mạng triệu về kinh cùng với các giáo sĩ Tây phương khác. Vua
lấy cớ cần người dịch sách và làm thông ngôn cho triều đình, nhưng với hậu ý
cản ngăn việc truyền giáo.
Nhận được lệnh
triệu tập thứ ba, cha Kính mới lên đường về kinh đô. Tại đây, cha gặp hai
thừa sai khác là cha Tabert Từ, cũng thuộc Hội Thừa Sai Paris và cha Odôricô
Phương, dòng Phanxicô, đã trình diện nhà vua trước ngài.
Để trấn án hoặc để
có thể che giấu ác ý, nhà vua đề nghị ban chức quan cho các cha, nhưng các
cha từ chối. Cha Kính bày tỏ lập trường trong thư gửi về Pháp :
"Tôi nói dứt
khoát với ông quan do vua sai đến ban ân huệ cho chúng tôi. Tôi cho ông biết
rõ mục đích chúng tôi sang đây làm gì, và chức linh mục cao trọng hơn chức
quan dường nào. tôi cũng nói rõ chúng tôi đã từ bỏ gia đình, quê hương và tất
cả những lợi lộc trần gian để chỉ truyền giảng Tin Mừng thì không dễ gì chúng
tôi từ bỏ nhiệm vụ này. Tuy nhiên, những công việc nào có thể dung hòa với
nhiệm vụ của chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ nhà vua".
Tả quân Lê Văn
Duyệt, người đã tống đạt lệnh vua và khuyên ba giáo sĩ Tây Phương về kinh đô,
khi nhận thấy các ngài bị giam lỏng, chính ông đã về triều đình vào tháng 8
năm 1827 để thuyết phục vua Minh Mạng giữ lời hứa. Tuy không muốn, nhà vua
buộc lòng phải trả tự do cho ba linh mục.
Ngày 01.6.1828,
cha Kính lên đường trở về Đồng Nai, rồi đi thăm viếng các họ đạo tại miền
Nam, từ Đồng Nai, Vũng Tàu đến miền Lục Tỉnh, Hà Tiên. Ngài vừa lo hướng dẫn
chăm sóc dân Chúa, vừa truyền giảng tin Mừng cho dân tộc Chàm ở Bình Thuận và
Campuchia ở Bắc Hà Tiên. Nhưng các sắc dân này tin theo đạo rất ít. Năm 1829,
ngài trở về chủng viện Lái Thiêu, được Đức cha Talbert Từ bổ nhiệm làm Bề
trên giáo phận và cử ra hoạt động ở miền Trung.
Hiến mình
vì đoàn chiên
Cha Bề trên Kính
bắt dầu hoạt động mục vụ tại tỉnh Phú Yên, rồi tới Bình Định, Quảng Ngãi
(1830). Cha đi bộ từ họ này sang họ khác, dầu xa hay gần, lớn hay nhỏ để
giảng dạy, dâng lễ, giải tội và ban phép thêm sức cho các giáo hữu. Tất cả
những ai quen biết cha, và làm chứng trong cuộc điều tra phong thánh, đều
đồng thanh khen ngợi đức hiền từ, lòng đạo đức, tinh thần khó nghèo khổ hạnh
và chính trực trong đời sống của ngài.
Ngày 06.01.1833,
vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo gắt gao. Nhiều thân hữu khuyên cha nên tạm
hồi hương một thời gian, cha thẳng thắn trả lời : "Một công dân có nhiệm
vụ thi hành nghĩa vụ quân sự, huống chi tôi được trao chức vụ lãnh đạo, sao
có thể thoái thác trách nhiệm của mình được". Thế là dù thời buổi khó
khăn, cha vẫn tiếp tục hăng say trong sứ mệnh, thăm hỏi an ủi giáo dân, giảng
đạo và rửa tội nhiều người Thượng ở Bình Định. Được một vị quan thân hữu mật
báo sẽ có cuộc truy bắt các linh mục Tây Phương, cha lẩn tránh ít lâu. Nhưng
khi thấy nhiều giáo hữu bị bắt bớ, đau lòng trước cảnh đàn chiên tan tác, cha
liền viết thư xin phép đức Giám mục cho ngài ra nộp mình, hy vọng nhờ đó giáo
hữu khỏi bị bách hại. Đức cha Từ chấp thuận. Thế là ngài đến trình diện với
quan tri huyện Bồng Sơn (Bình Định) vào tháng 5.1833, sau đó cha bị giải về
kinh đô.
"Tôi
muốn thành tro bụi để kết hiệp với Đức Kitô".
Đến Huế ngày
23.8.1833, cha bị giam ở trấn phủ với cha Jaccard Phan, cũng thuộc Hội Thừa
Sai Paris và cha Odôricô Phương, dòng Phanxicô, bị bắt ở Cái Nhum. Cha Phương
qua đời năm 1834 sau sáu tháng lưu đày ở khu đèo Lao Bảo, ranh giới Ai Lao.
Suốt bẩy tuần lễ
bị giam cầm, cha Bề trên Kính không bị thẩm vấn lần nào. vua Minh Mạng đã quá
rõ, không thể lay chuyển đức tin can trường của cha.
Kể từ ngày 12.10,
quân lính xiềng xích chân tay cha, canh gác nghiêm ngặt hơn và cấm không cho
giao tiếp với người khác. Linh mục Jaccard Phan, nhờ có liên hệ với triều
đình, báo tin cho cha biết ngày hành quyết sắp đến. Cha Kính liền gửi thư
phúc đáp, bày tỏ niềm hân hoan vô tả khi được đổ máu làm chứng cho Chúa. ngài
cũng nhờ cha Phan thông báo cho Đức Giám mục, cho các Bề trên Hội Thừa Sai
Paris và gia đình. Cha viết tiếp : "Tôi từ giã cõi đời không hề thương
tiếc sự gì, chỉ nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi về mọi điều
đau khổ và cả cái chết nữa. Tất cả ước vọng của tôi là sớm thoát khỏi thân
xác tội lỗi này, để kết hợp cùng Chúa Giêsu trong nơi vĩnh phúc. Tôi muốn
thành tro bụi để kết hiệp với Chua Giêsu".
Vua Minh Mạng giữ
bí mật bản án đến phút chót. Sáng sớm ngày 17.10.1833, một đội lính đến ngục
thất, áp giải cha Kính, họ còn nói rằng cha được mời sang ngục khác. Cha hiểu
ngay giờ sau hết đã điểm, cha hỏi: "Có phải các ông đưa tôi đi xử tử
không ?" Họ đáp: "Thưa phải". Thế là ngài vui vẻ mau mắn cùng
đòan hành quyết lên đường. Đến đầu cầu ngăn cách kinh thành với khu ngoại ô
Bãi Dâu, bốn người lính đỡ bốn góc chiếc gông nặng nề đè lên cổ vị tử đạo.
Các lính khác võ trang gươm giáo đi hai bên, hai quan lớn cưỡi ngựa đi sau,
dân chúng đi xem rất đông. Một người lính giơ cao tấm thẻ ghi bản án. Cứ đi
khoảng một trăm bước, người lính đó dừng lại, đánh mấy tiếng cồng, rồi đọc
bản án như sau:
"Dương nhân
Hoài Hóa mang tội truyền giảng đạo Gia Tô tại nhiều tỉnh nước ta, nên phải xử
giảo" (Hoài Hóa là chữ Hán do các quan dịch tên cha Gagelin).
Đến pháp trường,
vị linh mục bình tĩnh quỳ xuống cầu nguyện, mặc cho quân lính thi hành nhiệm
vụ. Họ trói ngài vào chiếc cọc giữa, lấy giây vòng quanh cổ, rồi cuốn hai đầu
dây vào hai cọc hai bên. Hiệu lệnh thứ nhất ban ra, tiểu đội quân lính cầm
lấy hai dầu dây. Đến hiệu lệnh thứ hai, họ kéo thật mạnh, trong khoảnh khắc,
vị chứng nhân Chúa Kitô chút hơi thở cuối cùng.
Một học trò cũ của
cha Odôricô và một thày giảng của cha Phan xin phép nhận thi hài thánh tử đạo
đem về an táng tại một tư gia ở phủ
Năm 1946, thi hài
thánh tử đạo Gagelin Kính được đưa về chủng viện Hội Thừa Sai Paris.
Ngày 27.05.1900,
Đức Lêo XIII đã suy tôn ngài lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan
Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Nguồn từ thư
viện Đa Minh
Trường
thi tử Đạo.
Gagelin Kính thừa
sai linh mục
Sinh Kỷ Dậu (1799) quê thực Paris Từ nhỏ bày tỏ hướng đi Tu làm linh mục quản gì khó khăn Mười hai năm phổ thông trung học Và bốn năm đại học chủng sinh Thầy về xin phép cha mình Cho thầy gia nhập gia đình thừa sai Thầy vốn có cái tài thuyết nói Năm Kỷ Mão (1819) hội gọi thầy ngay Việt Nam truyền đạo xứ này Ðặt tên là Kính từ ngày mới sang Giúp các cha mở mang xứ đạo Cùng hội dòng kiến tạo tân trang Giáo dân trong họ ngoài làng Mỗi khi cần đến thầy càng chăm lo Ðức Cha Bình ban cho thầy Kính Trong dịp này con lãnh chức cao Linh mục con được ban trao Từ xưa thầy vẫn ước ao có rày Vừa nhận chức trao ngay mấy xứ Cũng xung quanh Thị tứ Ðông Hà Bên ngoài công việc của cha Giáo sư Chủng viện thật là giỏi giang Cuộc bách đạo ngày càng mãnh liệt Tình thế này Chủng viện bất an Ðức Cha linh mục họp bàn Di dời Chủng viện bình an Sài Gòn Ðến đặc khu cha con tướng Duyệt Là tả quân ông thiệt từ tâm Không bắt bớ chẳng giam cầm Ðể người Công giáo tuỳ tâm kính thờ Ở Quảng Trị bầy giờ cha Kính Phải theo vào cha Chính khuyên ngài Giáo sư vào hạng thiên tài Lo cho Chủng viện trong ngoài cũng cha Năm Ðinh Hợi (1827) vua ra lệnh triệu Cha về kinh danh hiệu chức quan Công việc dịch sách thông ngôn Ðây là một cách giam luôn nhân tài Cha Kính quyết một hai không chịu Rằng tôi đây chính hiệu thầy tu Giảng đạo Chúa rỗi thiên thu Tôi đâu có phải người ngu ham tiền Sau về được nhờ hiền quân Duyệt Ông về triều can thiệp cho ra Sài Gòn hoạt động bao la Hà Tiên, Lục Tĩnh vào ra Vũng Tàu Ðức Cha Từ về sau bổ nhiệm Ðiều cha ra thực hiện miền Trung Phú Yên, Bình Ðịnh hai vùng Sau ra Quảng Ngãi cha cùng giảng rao Ðường xa mấy không sao đi bộ Cha hết lòng dạy dỗ giáo dân Rửa tội, thêm sức chuyên cần Thường cha đi bộ đôi chân không giày Lệnh cấm đạo mỗi ngày một gắt Suốt đêm ngày lùng bắt các cha Ban ngày chẳng dám đi ra Ðọc kinh, dâng lễ chỉ là ban đêm Nhiều giáo hữu có tên lùng bắt Về tội danh dẫn dắt các cha Ngài viết thư về Tổng Toà Xin cho được phép ngài ra nộp mình Ðức Cha Từ thuận tình chấp nhận Ðến nộp mình địa phận Bồng Sơn Cha Kính khai rõ họ tên Quan huyện mừng quá giải liền về kinh Cha đến Huế vô tình mà gặp Bốn bạn xưa thân mật đổi trao Năm vị ai cũng ước ao Ðến ngày tử đạo trời cao rước về Ngày xử án cận kề di chuyển Ðến Bãi Dâu thực hiện lệnh vua Mấy câu khẩu hiệu tung hô Dương quân hoài hoáGia-tô tử hình Năm Quý Tỵ (1833) chứng mình của Chúa Chịu tử hình tuyên hứa Nước Cha Canh Tý (1900) Toà Thánh Rôma Suy tôn Chân phước danh Cha lưu truyền Lời bất hủ: Những người thân khuyên cha hồi hương tạm lánh một thời gian cha thẳng thắn trả lời: "Một công dân có nhiệm vụ thi hành nghĩa vụ quân dịch, huống chi tôi được trao trách nhiệm lãnh đạo, sao có thể thoái thác trách nhiệm của mình được. Chỗ khác Ngài khẳng định: "Tất cả ước vọng của tôi là sớm thoát khỏi thân xác tội lỗi này, để kết hiệp cùng Chúa Giêsu trong nơi vĩnh phúc |
++++++++
Bài đọc 2
Ngày 17 tháng 10: Thánh I-nha-xi-ô
An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.
Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a đã bị
án quăng làm mồi cho thú dữ, tại Rô-ma, quãng năm 110. Tại các chặng dừng chân
trên con đường tiến đến nơi hành hình, người đã gửi bảy thư cho nhiều giáo
đoàn. Trong các thư đó, người nói về Chúa Kitô, về Hội Thánh và về đời sống
người Kitô hữu một cách khôn ngoan và thông thái. Trong các thư đó còn có một
bài tình ca thốt lên từ một trái tim thấm nhuần tinh thần Kitô giáo : “Hãy để
tôi lãnh nhận ánh sáng tinh tuyền. Nơi tôi chỉ có một dòng nước sống động đang
thầm thì: Hãy đến với Chúa Cha.”
Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa : tôi sẽ
được nanh thú dữ nghiền tán
Trích thư thánh I-nha-xi-ô, giám mục, tử
đạo, gửi tín hữu Rô-ma.
Tôi viết cho tất cả các Hội Thánh và loan
báo cho mọi người biết : tôi sẽ vui lòng chết vì Thiên Chúa, nếu anh em không
ngăn cản. Tôi nài xin anh em đừng tốt với tôi không đúng lúc. Hãy cứ để thú dữ
ăn thịt tôi, nhờ thế, tôi sẽ được về cùng Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa mì của
Thiên Chúa và sẽ được nanh thú dữ nghiền tán để thành tấm bánh tinh tuyền của
Đức Ki-tô. Xin khẩn cầu cùng Đức Ki-tô cho tôi, để nhờ đám thú dữ này, tôi được
nên của lễ tiến dâng lên Thiên Chúa.
Vui thú trần gian chẳng ích gì, vương quốc
đời này cũng chẳng lợi gì cho tôi. Đối với tôi, chết trong Đức Ki-tô Giê-su thì
còn hơn trị vì cả trăm cõi. Tôi kiếm tìm Đấng đã chết cho chúng ta ; tôi mong
mỏi Đấng sống lại vì chúng ta. Đã đến giờ tôi được sinh ra để được hưởng sự
sống đời đời. Xin anh em hãy buông tha tôi : đừng cản không cho tôi sống đời
sống ấy, đừng muốn cho tôi phải chết muôn đời. Tôi khao khát được thuộc về
Thiên Chúa, xin đừng nộp tôi cho thế gian, đừng đem vật chất ra quyến rủ tôi.
Hãy để tôi đón nhận ánh sáng tinh tuyền. Về được cõi sáng, tôi mới thực là
người. Hãy để cho tôi được bắt chước Thiên Chúa tôi mà chịu khổ nạn. Ai có
Thiên Chúa trong lòng, người đó mới hiểu tôi đang muốn gì, mới thông cảm với
tôi, vì biết được những gì đang thôi thúc tôi.
Thủ lãnh thế gian này muốn cướp lấy tôi,
muốn làm cho ý chí tôi ra hư hoại không còn khát khao Thiên Chúa nữa. Vậy đừng
ai trong anh em đang có mặt đây giúp nó làm gì. Đúng hơn, hãy đứng về phía tôi
và đó cũng là đứng về phía Thiên Chúa. Còn ham sự đời thì đừng nói đến Đức
Giê-su Ki-tô. Đừng ôm ấp trong lòng ý định ghét bỏ tôi. Nếu tôi đến tận nơi mà
xin anh em điều gì, đừng có tin. Tốt hơn, hãy tin những gì tôi đang viết cho
anh em. Tôi viết cho anh em lúc vẫn còn sống, nhưng cũng đang mong chết. Lòng
yêu mến sự đời đã bị đóng đinh vào thập giá và trong tôi đã tắt hẳn lửa đam mê
vật chất rồi. Trong tôi, một dòng nước chảy rì rào cứ bảo lòng tôi : "Về
nhà Cha đi !" Tôi không ham đồ ăn thức uống sẽ hư thối, cũng chẳng thích
lạc thú đời này. Tôi muốn được ăn bánh Thiên Chúa, đó chính là thịt Đức Giê-su
Ki-tô, Đấng đã sinh ra trong dòng tộc vua Đa-vít. Và tôi muốn được uống máu Đức
Giê-su Ki-tô, Đấng là chính tình yêu chẳng hư hao bao giờ.
Tôi không muốn sống như người phàm nữa.
Nhưng có được như vậy hay không thì còn tuỳ anh em. Tôi xin anh em hãy bằng
lòng đi, để chính anh em cũng sẽ được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc. Tôi có ít
lời nài xin anh em : hãy tin tôi. Đức Giê-su Ki-tô sẽ cho anh em thấy rõ là tôi
nói thật. Chính Người là môi miệng chân thật cho Chúa Cha phán dạy sự thật. Hãy
khẩn cầu cho tôi để tôi được về cùng Thiên Chúa. Tôi đã không dựa theo xác thịt
mà viết thư này cho anh em, nhưng dựa vào thượng trí của Thiên Chúa. Tôi phải
chịu khổ nạn, là anh em đã muốn điều tốt cho tôi. Tôi được tha về là anh em đã
ghét bỏ tôi.
Lời
nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho các anh hùng tử đạo can đảm tuyên xưng đức tin để làm vẻ vang cho toàn thể Hội Thánh. Hôm nay chúng con mừng thánh giám mục I-nha-xi-ô đã qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang. Xin cho chúng con cũng được nhờ công đức của người mà giữ vững một niềm tin bất khuất. Chúng con cầu xin...
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách ngày 17/10-bản dịch của nhóm CGKPV)
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho các anh hùng tử đạo can đảm tuyên xưng đức tin để làm vẻ vang cho toàn thể Hội Thánh. Hôm nay chúng con mừng thánh giám mục I-nha-xi-ô đã qua đường khổ nạn mà đạt tới vinh quang. Xin cho chúng con cũng được nhờ công đức của người mà giữ vững một niềm tin bất khuất. Chúng con cầu xin...
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách ngày 17/10-bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét