Thứ Hai sau Chúa Nhật 30 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Ep 4, 32 - 5, 8
"Anh em hãy sống
trong tình thương như Ðức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em hãy
ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã
tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô.
Vậy anh em hãy bắt chước
Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như
Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt
ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.
Còn như tội tà dâm và mọi thứ
tội ô uế hay là gian tham, thì dù nhắc đến tên chúng cũng đừng nói tới nơi anh
em, như thế mới xứng hợp với các thánh. Cả những chuyện hoa tình, tục tĩu và
giễu cợt, tất cả những cái đó đều bất xứng. Tốt hơn là hãy nói những lời cảm tạ
Chúa.
Bởi chưng anh em hãy biết rõ
điều này là: tất cả những kẻ tà dâm, ô uế hay tham lam, là một thứ nô lệ thần
tượng, đều không được hưởng phần gia nghiệp trong nước của Ðức Kitô và Thiên
Chúa. Ðừng để ai lấy hão huyền mà phỉnh gạt anh em, vì những điều ấy mà cơn
thịnh nộ của Thiên Chúa đổ xuống trên những con cái ngỗ nghịch. Vậy anh em chớ
thông đồng với những kẻ ấy. Xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng hiện nay anh em
là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con cái sự sáng.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và
6
Ðáp: Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu
của Người (c. Ep 5, 1).
Xướng: 1) Phúc cho ai không
theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi
chung với những quân nhạo báng. Nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm
luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối
nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa: lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc
họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như
vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và
đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi
hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 13, 10-17
"Chớ thì không nên
tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, nhân ngày Sabbat,
Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám
làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông
lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng:
"Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà". Rồi Người đặt tay trên bà ấy,
tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.
Nhưng viên trưởng hội đường
tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân
chúng rằng: "Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến
xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat".
Chúa trả lời và bảo ông ta
rằng: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong
các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước
sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám
năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?"
Khi Người nói thế, tất cả
những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ
lùng Người đã thực hiện.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu bị công kích vì đã
chữa bệnh trong ngày Sabát. Người Do thái chỉ tìm cách soi mói bắt bẻ, mà không
biết cảm thương với người xấu số. Họ dựa vào Thiên Chúa để trách móc người
khác. Nhưng đúng hơn, cũng dựa vào Thiên Chúa, họ mới là người rất đáng trách,
vì họ không biết sống theo tinh thần của Chúa.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng
con tâm hồn cao thượng, quảng đại. Ðể chúng con luôn tìm thấy điểm tích cực hơn
là tiêu cực nơi tha nhân. Nhờ đó, chúng con biết thông cảm giúp đỡ anh chị em
chúng con. Và cũng từ đó, chúng con thấy cuộc đời thật đáng yêu. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Cốt Lõi Của Ðạo
(Lc 13,10-17)
Suy Niệm:
Cốt Lõi Của Ðạo
Một đêm mùa Ðông lạnh như
cắt, một vị ẩn sĩ không chịu nổi cái lạnh của sa mạc, đã tìm đến xin trú ẩn tại
một ngôi chùa. Nhìn thấy gương mặt tiều tụy của vị ẩn sĩ, tu sĩ canh giữ ngôi
chùa không nỡ để ông ta đứng mãi giữa trời. Vị tu sĩ cho ông vào, nhưng lại nói
một cách cương quyết: "Ông có thể ngủ đêm trong chùa, nhưng chỉ một đêm
thôi, ngày mai ông phải rời khỏi nơi này tức khắc, vì đây là nơi tu hành, chứ
không phải là trại tế bần".
Giữa đêm, vị tu sĩ nghe thấy
tiếng động kỳ lạ. Ông thức dậy và chứng kiến cảnh tượng khác thường: giữa ngôi
chùa vị ẩn sĩ đang ngồi sưởi ấm bên một đống lửa cháy phừng. Nhìn lên bàn thờ,
vị tu sĩ không còn thấy tượng Phật bằng gỗ nữa. Ông hỏi vị ẩn sĩ, vị này chỉ
vào đống lửa điềm nhiên đáp: "Tôi không chịu nổi cái lạnh, nên đã dùng
tượng Phật để nhóm lên đống lửa này". Nghe thế, vị tu sĩ quát lớn:
"Ông khùng rồi sao? Ông có biết ông đã làm gì không? Ðây là tượng Phật,
ông đã đốt cháy Ðức Thích Ca của chúng tôi".
Sáng hôm sau, vị tu sĩ trở
lại để đuổi vị ẩn sĩ ra khỏi chùa; ông thấy vị ẩn sĩ đang bới đống tro như để
tìm kiếm vật gì đó. Thấy vị tu sĩ thắc mắc, ông ta trả lời: "Tôi đang tìm
kiếm những cái xương của Ðức Phật mà ngài bảo là tôi đã thiêu đốt tối hôm
qua".
Về sau, vị tu sĩ canh giữ
ngôi chùa kể lại câu truyện cho một Thiền sư, và Thiền sư đã trách ông như sau:
"Ông là một tu sĩ xấu, bởi vì ông xem một tượng Phật chết trọng hơn một
mạng người sống".
Một trong những nguyên nhân
dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những
người Biệt phái. Những người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật
lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người. Trong khi đó, đối với Chúa
Giêsu, cốt lõi của đạo chính là tình yêu. Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa
Giêsu tuyên bố dứt khoát: "Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không
phải con người vì ngày Hưu lễ". Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi
bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá trị của
con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức và
việc tuân giữ bên ngoài.
Xin cho chúng ta hiểu rằng
cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Xin cho những lời cầu kinh, những
việc tuân giữ luật lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn
chúng ta đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng ta luôn xác tín
rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 30 TN2
Bài đọc: Eph 4:32-5:8; Lk
13:10-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thay đổi quan niệm và thái độ sống
Sự Thật không tùy thuộc
vào thời gian, nơi chốn, hay số đông. Xã hội hiện đại đang cố gắng xét lại, bóp
méo, hay thay đổi Sự Thật bằng cách lấy đủ mọi lý do về thời gian, nơi chốn,
hay đám đông để từ chối Sự Thật. Các Bài đọc hôm nay mời gọi con người xét lại
những gì mình đã tin hay đã quá quen thuộc, vì không phải những gì mình đã tin
hay đã quá quen thuộc đều đúng. Con người cần mở rộng tâm hồn để đón nhận những
điều hay lẽ phải từ người khác; đối chiếu và suy xét với những gì mình vẫn tin;
và can đảm thay đổi những gì mình đã tin hay đã làm không đúng. Trong Bài đọc
I, các tín hữu Êphêsô đã quá quen với nếp sống phóng khóang buông thả của người
Hy-Lạp, họ coi chuyện tình dục là chuyện bình thường. Thánh Phaolô khuyên họ
xét lại và chuyển hướng tới cuộc sống theo ánh sáng tốt lành hơn. Trong Phúc
Âm, ông Trưởng Hội Đường đặt việc giữ ngày Sabbath trên lòng thương xót. Chúa
Giêsu phản đối thái độ của ông và dạy đám đông lòng thương xót quí trọng hơn
việc cẩn thận giữ Luật Lệ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải
có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau:
1.1/ Điều căn bản và quan
trọng nhất của Đạo: là yêu thương và tha thứ, chứ không phải ở việc giữ Luật. Như
Thiên Chúa và Đức Kitô đã yêu thương tha thứ cho con người, con người cũng phải
yêu thương và tha thứ cho nhau. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Êphêsô: “Anh em
hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy
sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta,
đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào
ngạt.”
Lạp có quan niệm rất
phóng khóang về các vấn đề luân lý, nhất là chuyện dâm dục. Nhóm triết gia
“thuần tri thức (Gnosticism)” chủ trương: chỉ có linh hồn mời quan trọng, còn
thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn; vì thế, con người có thể làm bất cứ điều
gì liên quan tới thân xác. Những tội phạm đến thân xác của Công Giáo là chuyện
thông thường đối với họ.
Thánh Phaolô khuyên họ
nên xét lại, ngài nêu lên đặc biệt là 3 tội: “Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay
tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là
những người trong Dân thánh. Anh em phải biết rõ điều này: không một kẻ gian
dâm, ô uế hay tham lam nào được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và
của Thiên Chúa.”
(1) Gian dâm (porneia): giao hợp trái phép, làm
điếm, các họat động liên quan đến lãnh vực tình dục trong việc làm. Đây là tội
luôn có trong sổ tội của Thánh Phaolô. Ngài quan niệm: thân xác con người là
chi thể của Đức Kitô (I Cor 6:13, I Cor 12:13) và là Đền Thờ của Chúa Thánh
Thần (I Cor 6:19); vì thế các tội phạm đến thân xác là tự tách mình ra khỏi
thân thể của Đức Kitô (I Cor 6:16).
(2) Gian dối, ô uế : đây là những tội
ngược lại với trong sạch và thánh thiện. Danh từ này bao gồm mọi thứ làm cho
con người ra ô uế như ghen tương, dối trá, nói chuyện hoa tình… Thánh Phaolô
khuyên: “Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên;
trái lại, phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn.”
(3) Gian tham: tội này áp dụng trong
mọi thứ: tiền bạc, danh vọng, quyền hành, sắc đẹp. Thánh Phaolô quan niệm gian
tham lam cũng là thờ ngẫu tượng; thay vì tôn thờ Thiên Chúa lại tôn thờ những
gì Ngài tạo dựng (Col
3:5). Nó cũng phạm đến tha nhân vì mong muốn những gì của tha nhân hay đối xử
bất công với tha nhân để đạt những gì mình mong muốn.
1.3/ Thay đổi quan niệm
và nếp sống cũ: Đối diện với đạo lý mới của Thánh Phaolô, các tín hữu Hy-Lạp bị
giằng co: một bên là quan niệm và nếp sống cũ đã quá quen, một bên là những đòi
hỏi của những người tin vào Chúa. Sẽ có những người như Nhóm Thuần Tri Thức
phản đối đạo lý của Phaolô: “thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn;” hay Nhóm
Tin Lành hiện nay chủ trương: “Chỉ cần tin là đủ!” Đâu là Sự Thật và lối sống
mà các tín hữu phải theo? Thánh Phaolô khuyên: “Đừng để ai lấy lời hão huyền mà
lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng
xuống những kẻ không vâng phục. Vậy anh em đừng thông đồng với họ. Xưa anh em
là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy
ăn ở như con cái ánh sáng.”
2/ Phúc Âm: Chúa
Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbath
2.1/ Lòng thương xót của
Chúa khi nhìn thấy đau khổ của con người: Một con người bình thường sẽ cảm thấy xót xa
khi nhìn thấy một người mẹ lưng còng; hậu quả của những tháng ngày hy sinh lam
lũ ngòai đồng để có cơm bánh cho đàn con. Có đau mắt thì mới biết thương người
mù, có còng lưng như Bà thì mới biết nỗi khổ nhục của người lúc nào cũng chỉ
nhìn xuống đất. Chúa Giêsu xót xa khi nhìn thấy Bà và không cầm lòng được trước
đau khổ của Bà nên Ngài ra tay chữa Bà dẫu Bà không xin (chắc Bà cũng chẳng
nhìn thấy Chúa để xin) và dẫu là ngày Sabbath, nên Đức Giê-su gọi lại và bảo:
"Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" Rồi Người đặt tay
trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
2.2/ Sự vô tâm của ông
Trưởng Hội Đường: Cùng nhìn một người đàn bà lưng còng, nhưng cách nhìn và phản ứng
của ông Trưởng Hội Đường khác hẳn với cách nhìn và phản ứng của Đức Kitô. Sự
đau khổ của Bà không là mối quan tâm của ông, nhưng việc không giữ ngày Sabbath
của Chúa làm tổn thương đến địa vị của ông và làm ông mất mặt với dân chúng.
Chúng ta hãy xem thái độ của ông: Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã
chữa bệnh vào ngày Sabbath, ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có
sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào
ngày Sabbath!"
2.3/ Chúa vạch trần sự
sai trái của ông: Trước hết, Chúa mắng ông là “Đồ giả hình;” vì xem ra ông giữ
Luật, nhưng lại vi phạm Luật khi phải bảo vệ những gì liên quan đến quyền lợi
của mình. Chúa đưa ra một ví dụ: “Thế ngày Sabbath, ai trong các người lại
không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?” Thứ đến, Chúa chỉ cho thấy
sự vô tâm của ông khi đối xử con người không bằng con bò hay con lừa: “Còn bà
này, là con cháu ông Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng
lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabbath sao?”
Đứng trước những lời sửa
dạy của Chúa, con người có 2 thái độ: tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm
xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực
hiện.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
(1) Chúng ta phải biết
mở lòng để sẵn sàng sửa chữa những niềm tin sai lầm và những thói quen xấu. (2)
Phải đặt tình yêu và lòng thương xót lên trên những lợi lộc vật chất hay giữ Lề
luật bên ngòai.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Hai tuần 30 thường niên
Sứ điệp: Lòng nhân từ bao dung của Chúa không bị giới hạn bởi những
luật lệ. Chúa dạy ta không được tuân giữ luật lệ một cách máy móc, nhưng trên
hết, phải có lòng thương xót.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ông
trưởng hội đường đã quá chú trọng tới việc tuân giữ lề luật, đến nỗi đã chống
đối Chúa, không chấp nhận việc chữa bệnh trong ngày lễ nghỉ. Người ta an tâm
cứu một con vật, mà lại để cho một người bệnh suốt mười tám năm phải tiếp tục
đau khổ. Quả là nghịch lý và giả hình, vì hóa ra họ xem mạng sống con vật quý
trọng hơn sự sống con người. Lạy Chúa, Chúa lên án họ, nhưng đồng thời cũng
đang lên án chính con.
Biết bao lần, con đã cố gắng chu toàn mọi thứ lề
luật, nhưng lại dửng dưng với những nỗi đau khổ của anh chị em chung quanh. Có
thể con đã hết lòng bảo vệ luật Chúa nhưng lại thờ ơ lãnh đạm với nhau. Con cố
gắng không gây phiền hà ai, không làm mất lòng ai, không cậy nhờ đến ai,
với mục đích là cũng đừng ai làm phiền tới con. Con đã từng khó chịu khi phải
giúp đỡ ai việc gì, hoặc là khi họ cần đến con.
Lạy Chúa, xin thương ban cho con một trái tim
biết yêu mến, biết thương xót và quảng đại, xin giúp con từ nay biết giữ luật
với tất cả lòng yêu mến. Xin dạy con biết đối xử với anh em bằng tình thương
chân thành. Xin cho con một quả tim bén nhạy để kịp thời nhận ra những thiếu
thốn, những nỗi đau khổ nơi anh em con. Xin cho con mau mắn tỏ lòng thương xót
anh em và đừng khi nào bỏ qua một dịp sống bác ái. Amen.
Ghi nhớ : "Chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc
người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat sao?"
29/10/12 THỨ HAI TUẦN TN
Lc 13,10-17
Lc 13,10-17
ĐỨC ÁI: LINH HỒN CỦA LỀ
LUẬT
“Còn bà này, là con
cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại
không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?” (Lc 13,17)
Suy niệm: Chứng kiến phép lạ Chúa làm, và nhất là nghe câu trả lời
của Chúa, không chỉ người đàn bà bị còng lưng được Chúa chữa lành mới vui mừng,
mà dân chúng cũng hân hoan, bởi vì cả họ nữa, họ cũng được giải thoát khỏi
những trói buộc ngặt nghèo của những người canh giữ lề luật. Ngược lại, viên
trưởng hội đường bị đặt vào một vị thế khó chịu: ông này “tức giận và hổ thẹn” vì Chúa vạch rõ một lẽ phải hết sức
hiển nhiên của lòng nhân ái mà ai ai cũng đều thấy rõ chỉ trừ một mình ông. Quả
thế, bò lừa còn được các ông dẫn đi uống nước trong ngày sabát, phương chi là
người con gái của Abraham, một người chị em với ông, đã bị trói buộc 18 năm:
tại sao phải nấn ná đợi chờ? Không phải vì ông không có khả năng hiểu được điều
này; nhưng ông chỉ biết khư khư giữ luật mà quên mất cứu cánh và linh hồn của
lề luật là bác ái. Vì óc nệ luật mà ông trở nên tàn nhẫn trước nỗi đau của
người đồng loại và người chị em của mình.
Mời Bạn: Thiếu tình bác ái còn có thể dẫn đến những hậu quả nào nữa
trong đời sống đạo, trong tương quan với người khác?
Chia sẻ: Luật bác ái được Chúa dạy ở những nơi nào nữa trong Kinh
Thánh?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái, chẳng hạn viếng thăm hoặc giúp đỡ một
ai đó cách kín đáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng Toàn Ái, Chúa đã dạy chúng con: yêu thương
là chu toàn lề luật, xin ban cho chúng con những ơn cần thiết và sức mạnh để
sống đức ái với anh chị em con.
Đứng thẳng được.
Đâu
phải chỉ người phụ nữ còng lưng mới bị trói buộc. Tôi cũng bị trói buộc bởi
những giá trị mập mờ của thế tục.
Suy niệm:
Trong dòng tiến hóa từ vượn lên đến người,
có một thay đổi bên ngoài khá rõ nét.
Càng tiến hóa thì lưng con vật càng thẳng hơn.
Khi con người có thể đứng thẳng, tầm nhìn sẽ
rộng hơn, xa hơn.
Hai chi trước được tự do nên có thể làm được
nhiều điều phức tạp.
Đứng thẳng đúng là một nét đặc trưng của con
người
Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay bị còng lưng đã lâu.
Mười tám năm không thể nào đứng thẳng lên được
(c. 11).
Lưng bà còng hẳn xuống khiến tầm nhìn của bà bị
giới hạn.
Có lẽ bà chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ trước mặt
hơn là thấy bầu trời cao.
Bệnh này thật khó chịu, khiến bà đi đứng khó
khăn.
Vậy mà bà vẫn có mặt ở hội đường vào ngày
sabát, khi Đức Giêsu giảng.
Dù bà thấp vì còng lưng, Ngài vẫn trông thấy
bà.
Dù bà chẳng xin gì, Ngài vẫn chủ động gọi để
gặp bà (c. 12).
Đức Giêsu nhìn thấy sự trói buộc do cơn bệnh dai dẳng.
“Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật
nguyền.”
Chữa bệnh chính là đem lại giải thoát cho người
phụ nữ.
Hơn nữa, Đức Giêsu còn đặt tay trên bà như một
cử chỉ yêu thương.
Tức khắc bà còng lưng đã có thể đứng thẳng lên
được.
Điều mơ ước từ mười tám năm, bỗng chốc thành
hiện thực.
Bà có thể nhìn thấy bầu trời và cất lời tôn
vinh Đấng ngự trên đó (c. 13).
Đức Giêsu coi bệnh của bà như một sự trói buộc
của Xatan (c. 16).
Không phải chỉ là trói buộc bằng dây như người
ta cột bò lừa (c. 15),
mà là trói buộc bằng xiềng xích.
Chính vào ngày sabát, Đức Giêsu đã cởi xiềng
xích đó cho bà,
để bà được tự do, được đứng thẳng như một người
bình thường.
Bà còng lưng bị trói buộc bởi gánh nặng của bệnh tật.
Nhưng có bao thứ trói buộc khác làm con người
mất tự do.
Như người phụ nữ này, chúng ta muốn và cố làm
cho mình đứng thẳng,
nhưng hoàn toàn bó tay từ nhiều năm qua.
Có những thứ trói buộc do tác động bên ngoài,
nhưng có thứ xiềng xích do chính chúng ta đúc
nên để tự giam mình.
Tôi bị trói buộc bởi lòng ích kỷ, tham vọng,
thèm muốn…
Chúng ta cần thú nhận mình không tự giải thoát
mình được,
không tự đứng thẳng được, không tự cắt đứt
những thứ trói buộc mình.
Chúng ta cần Đức Giêsu đặt tay của Ngài trên
đời ta để ta được tự do.
Đâu phải chỉ người phụ nữ còng lưng mới bị trói buộc.
Tôi cũng bị trói buộc bởi những giá trị mập mờ
của thế tục.
Làm sao để tôi được tự do với cái cell phone
tôi đang dùng,
với những hình ảnh mà tôi tìm kiếm trên
internet,
với lối sống mà ngày nay bao người coi là đáng
ước mơ?
Xin cho tôi không chỉ cúi xuống nhìn thấy miếng
đất be bé trước mặt,
nhưng có thể ngước lên để thấy bầu trời mênh
mông trên cao.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp
Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn
gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Chớ thì
không nên tháo xiềng xích buộc người con gái của Abraham này trong ngày Sabbat
sao?"
Ngọn Lửa Nội Tâm
Thế
vận hội năm 2000 dành cho những người khuyết tật đã kết thúc một cách tốt đẹp
tại Sidney , Australia . Buổi lễ khai mạc hôm tối
thứ Tư 18/10/2000 vẫn là biến cố được theo dõi nhiều nhất. Khi nữ lực sĩ ngồi
xe lăn người Úc là cô Louis Xaviest châm ngọn đuốc vào vạc dầu nhỏ đặt giữa sân
vận động, đám đông khán giả ngồi chật trong vận động trường đã đồng loạt đứng
lên vỗ tay chào mừng. Louis Xaviest được chọn để châm ngọn lửa khai mạc thế vận
hội gồm hơn bốn ngàn lực sĩ khuyết tật của một trăm hai mươi chín phái đoàn
tham dự; ngọn lửa soi rọi vào tất cả mọi thành tích của những lực sĩ mà không
gì có thể ngăn cản nổi quyết tâm thi đua của họ. Ðiểm xúc động nhất đối với mỗi
người dĩ nhiên là hình ảnh của những con người ra sức chống chọi với mọi nghịch
cảnh để thắng vượt chính mình.
Ngọn
lửa nội tâm, chủ đề của đêm khai mạc thế vận hội dành cho người khuyết tật đã
nói lên được tấm lòng hăng say và nhiệt tâm vươn lên ấy. Nét rạng rỡ hân hoan
và đầy hưng phấn của hàng ngàn lực sĩ khuyết tật đã thể hiện được ý nghĩa của
thế vận hội dành cho người khuyết tật lần thứ 11 vừa qua, đó là sự chiến thắng
của ý chí con người.
Sự
chiến thắng của ý chí con người chính là sứ điệp mà thế vận hội dành cho người
khuyết tật muốn gởi đến cho thế giới. Nhưng cùng với sứ điệp ấy thế giới cũng
đón nhận được một thông điệp khác không kém quan trọng, đó là sự tôn trọng và
sự yêu mến cần phải có đối với người khuyết tật. Hàng ngàn lực sĩ được may mắn
có mặt trong kỳ thi thế vận hội dành cho người khuyết tật là đại biểu của vô số
những người khuyết tật trên khắp thế giới. Họ có thể là những người phải mang
thương tật vì tai nạn. Nhưng có biết bao nhiêu người khuyết tật là nạn nhân của
chính sự độc ác của con người, và nhất là đang đau khổ vì chính thái độ kỳ thị
và dửng dưng của người đồng loại.
Tôn
trọng và yêu thương những người anh chị em khuyết tật. Ðây là sứ điệp mà Tin
Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta để cùng đào sâu và sống. Chúa Giêsu
luôn dành ưu ái cho những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người bị xã
hội đẩy ra bên lề. Ðể đến với những người này, Ngài sẵn sàng vượt qua mọi thứ
rào cản. Trong Tin Mừng hôm nay, để chữa bệnh cho một người phụ nữ bị còng
lưng, Ngài đã vượt qua một trong những thứ rào cản gai góc nhất đối với người
Do Thái là những cấm kỵ của ngày hưu lễ. Nhiều người Do Thái mà ông trưởng hội
đường là điển hình nại đến những cấm kỵ của ngày hưu lễ để bắt bẻ Chúa Giêsu,
nhưng Ngài đã vạch mặt chỉ tên những kẻ đạo đức giả. Ðạo đức giả là bởi vì họ
vẫn lén lút làm việc xấu trong ngày hưu lễ nhưng lại ngăn cản không cho người
khác được làm việc thiện trong ngày này.
Ðối
với Chúa Giêsu, Lề Luật được làm ra vì và cho con người, chính vì thế mà Ngài
đã khẳng định Lề Luật và sách các ngôn sứ đều qui về một mối duy nhất là yêu
người. Vì yêu thương con người, Chúa Giêsu đã sẵn sàng vượt qua mọi thứ rào cản
để đến với con người. Ngày nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta bước theo Ngài, sẵn
sàng vượt qua mọi chướng ngại và đạp rào cản trong cuộc sống để tìm đến với tha
nhân, nhất là những kẻ bé mọn, những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống do luật
pháp và truyền thống của con người dựng lên nhưng cũng có vô số những rào cản
do chính chúng ta dựng lên ngay trong tâm hồn và trong ánh mắt của chúng ta.
Những rào cản đó là lòng hận thù, sự ích kỷ và nhất là thái độ dửng dưng của
chúng ta trước nỗi khổ đau của người khác.
Nguyện
xin Ðấng đã đến để xóa bỏ mọi ngăn cách giữa người với người và trở nên mọi sự
cho mọi người, xóa bỏ mọi thứ rào cản trong tâm hồn chúng ta để chúng ta bước
đi bước trước, tới với tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, những người bị đẩy ra
bên lề cuộc sống.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Ngày
Sabát, Ngày Làm Vinh Danh Chúa
Ngày
sa bát Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó có một phụ nữ bị quỷ làm
cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng
thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được
giải thoát khỏi tật nguyền!” (Lc. 13, 10-12)
Theo
sách Thứ luật của Cựu ước, việc thánh hóa ngày thứ bảy (ngày Sa-bát) như là
ngày của Chúa, để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng dân Do thái khỏi nô lệ Ai cập.
Ngày thứ bảy là dấu chỉ ngày dân Chúa được tự do. Tuy nhiên, nó đã trở thành
ngày dân Do thái bị ràng buộc bởi rất nhiều giới luật cấm đoán hơn những ngày
khác.
Đức
Giêsu muốn phục hưng ý nghĩa chân thực của ngày Sa-bát, nó phải trở nên ngày
con người thực hiện nhân phẩm và tự do của con cái Thiên Chúa và làm sáng danh
Ngài.
Ngày giải phóng
Đức
Giêsu đã chọn một dấu chỉ thế này: một người đàn bà bị quỷ ám từ mười tám năm,
quỷ ngăn cản bà nhìn lên Thiên Chúa, hướng về trời, vì nó bắt bà phải còng lưng
hẳn xuống, không thể nào đứng thẳng lên được. Bà không ngừng hy vọng được chữa
lành, nhưng mọi phương thuốc loài người đều vô hiệu, không thể giải phóng bà
khỏi tật gù lưng. Biết được nguyện vọng của bà, Đức Giêsu kêu gọi bà lại, đuổi
quỷ ra, và đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên
Chúa. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sa-bát,
ông đã lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà
xin chữa bệnh vào những ngày đó, đừng đến xin vào ngày Sa-bát”.
Đức
Giêsu đáp lại: “Thế ngày Sa-bát, ai trong các ngươi lại không cởi giây, dắt bò
lừa rời khỏi máng cỏ đi xuống nước? Còn bà này là con cháu Áp-ra-ham, là con
cái Thiên Chúa, bị sa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, chẳng lẽ lại không
được cởi xiềng xích đó trong ngày Sa-bát sao?”.
Ngày
Sa-bát chính là ngày của Chúa đã giải phóng dân khỏi nô lệ thì bây giờ Ngài đã
dùng quyền năng và lòng thương xót của Ngài mà cứu chữa bà này khỏi nô lệ
sa-tan. Còn việc nào làm vinh danh Chúa hơn trong ngày Sa-bát, bằng việc chặt
đứt cái giây buộc trói bà và cho bà thứ nước đức tin mà bà hằng cầu xin.
Ngày
tạ ơn Thiên Chúa
Ngày
Sa-bát là ngày tôn thờ, vâng phục Đấng toàn năng sáng tạo và ngợi khen cảm phục
trước những công trình vĩ đại của Ngài, người đàn bà được giải thoát bắt đầu
tôn vinh Thiên Chúa. “Còn dân chúng vui mừng vì những việc lạ lùng của Chúa”.
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
29 THÁNG MƯỜI
Để Thế Gian Tin Rằng Cha Đã Sai Con …
Sự hiệp nhất giữa các
môn đệ Đức Kitô là một điều kiện để thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Hơn thế nữa,
nó còn là một điều kiện để thực thi sứ mạng của chính Đức Kitô trong thế giới
này. Nó là một điều kiện để rao giảng và củng cố cách hiệu quả đức tin của
chúng ta vào Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con cũng cầu xin … cho những
người sẽ tin vào con …để họ nên một trong chúng ta, và để thế gian tin rằng Cha
đã sai con… Xin cho họ hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai con,
và để họ nhận biết Cha yêu thương họ như Cha đã yêu con” (Ga 17, 20 – 23).
Sự hiệp nhất giữa các
Kitô hữu là điều thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì sự thành bại của
việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào chứng tá sống của cộng đoàn Kitôhữu, chứ
không chỉ là chuyện thuyết giảng Lời Chúa. Làm sao những người ngoài Kitô giáo
có thể có thể bắt đầu tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức
Kitô, nếu họ không nhìn thấy các Kitô hữu yêu thương nhau? Tình yêu không thể
được biểu lộ ra cũng không thể xuyên thấu vào trái tim con người ngoại trừ qua
chứng tá hiệp nhất.
Vì thế trước hết chúng
ta phải tha thiết khát vọng hiệp nhất. Chúng ta phải cầu xin ơn hiệp nhất. Ân
huệ này, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, cũng đặt ra cho Giáo Hội một trách
nhiệm đặc biệt trong đại gia đình nhân loại. Nói cách khác, Giáo Hội có trách
nhiệm thúc đẩy việc đối thoại và thông cảm nhau giữa tất cả mọi người, để vãn
hồi sự hiệp nhất và hòa bình cho thế giới vốn đang bị phân rẽ của chúng ta.
Ngày nay thế giới đầy
dẫy những xung đột và căng thẳng. Các quốc gia bị phân rẽ giữa Đông và Tây,
giữa Bắc và Nam ,
giữa bạn và thù. Và ngay bên trong các đường biên giới của mỗi quốc gia, người
ta có thể nhìn thấy sự đối đầu nhau giữa các nhóm và các đảng phái: Những giành
giựt xâu xé phát sinh từ các thành kiến và các ý thức hệ, từ những định chế
cứng ngắt của các quốc gia, từ những rào cản về chủng tộc, và từ vô số yếu tố
khác – chẳng có yếu tố nào trong đó xứng đáng với phẩm giá con người.
Chính trong thế giới
phân rẽ này mà Giáo Hội hôm nay được mời gọi cổ võ cho sự hòa điệu và hòa bình.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 29-10
Ep 4, 32; 5,8; Lc 13, 10-17.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện người đàn bà bị quỷ làm cho tàn tật còng
lưng đã mười tám năm. Chúa Giêsu đã thương bà và Ngài đã chữa lành cho bà vào
ngày Sa-bát nên ông trưởng hội đường đã tức tối trách móc: Đã có sáu ngày phải
làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sa-bát.
Trong đời sống của con người luôn luôn có một tính ghen tị ở trong mình. Khi
nhìn thấy ai đó được một sự giúp đỡ, thay vì cùng vui mừng với người ta, lại
đem lòng ghen tỵ dưới một chiêu bài lấy một sự thánh thiện nào đó để rồi phê
phán người được ơn cũng như người ban ơn. Điều này hoàn toàn trái với Đức ái
Ki-tô giáo. Khi làm việc thiên, việc bác ai thì không còn giới hạn nơi chốn,
con người và thời gian. Đối với ngày Chúa Nhật ngày nay. Đây chính là
ngày sum họp của con cái Chúa, con cùng một Cha trên trời, cùng nhau vui mừng
tạ ơn Thiên Chúa và chúc bình an cho nhau.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
29 Tháng Mười
Các Ông Là Quái Vật
Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là
khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên
hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến
viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng
ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi
thứ triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con
người� Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh
của họ là Giêsu Kitô� Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và
những người Kitô.
- Ông Giêsu Kitô là ai?
Một người Kitô sẽ trả lời:
- Ô�ng là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ
ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế.
- Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta?
- Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự.
Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm:
- Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như ông
đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác� Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ
yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ
được thực hiện� Thực là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một
tai nạn đáng tiếc.
Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối:
- Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi
sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi.
Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác
sẽ phát biểu:
- Vậy thì các ông là những quái vật.
Có
lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế
mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã
thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái
vật.
Chúng
ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự sống với chúng ta trên
mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống
của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người
của chúng ta thì sao?
Nhưng
thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con
người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là
dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình.
Người
Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên
Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ.
Ước
gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình
Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình
với tất cả những người xung quanh.
(Lẽ Sống)
Hạnh Các Thánh
Ngày 29 tháng 10
THÁNH NỮ
LUCIA BARTÔLÔNI RUCELLAI
DÒNG BA ĐAMINH |
Chúng
ta đừng lẫn với nữ chân phước Lucia Bartôlini Rucellai với thánh nữ Lucia
thành Narni, cũng thuộc dòng ba thánh Đaminh, chết năm 1541. Nữ thánh Lucia
chúng ta kính nhớ hôm nay nhũ danh là Camilla và là vị sáng lập tu viện Dòng
Ba Đaminh tại Florencia. Ngài sinh năm 1465 tại Florencia, giữa lúc Giáo hội
bị nhiễm độc vì những ảnh hưởng xấu của bè rối Lutherô và Calvin. Gia đình
Lucia cũng bị hoàn cảnh xã hội ấy chi phối như bao gia đình khác khiến lòng
đạo đức của ông Bartôlôni thân phụ Lucia sinh ra lạnh nhạt và bắt con phải
lập gia đình. Và ông đã gả Lucia cho một thanh niên con nhà cự phú tên là
Rôđôphô Rucellai.
Biết
không thể cưỡng lại ý cha, Lucia phải cúi đầu vâng lời, để mặc ý Chúa phân
định. Từ ngày bước sang chặng đời mới, Lucia mất đi tất cả những niềm vui và
sung sướng của tuổi hoa niên. Có lần với hai dòng lệ tuôn rơi, ngài quì trước
nhà chầu ôn lại với Chúa những kỷ niệm, khi viếng nhà thương, phát tiền cho
dân nghèo và chăm sóc trẻ mồ côi. Tình cờ một chị em bạn bắt gặp và hỏi ngài:
“Tại sao lại khóc?” Thánh nữ hoan hỉ trả lời: “Em khóc vì sung sướng, vì nhớ
lại những kỷ niệm êm đềm của thời niên thiếu”. Sự kiện trên chứng tỏ Lucia có
một tâm hồn tế nhị, đơn sơ, một tinh thần bác ái sâu xa. Đúng thế, mặc dầu
sống trong một gia đình thiếu bầu khí đạo đức, chẳng những không được tự do
thi hành việc thiện lại còn hay bị cản ngăn và có nhiều dịp lôi cuốn vào cuộc
sống xa hoa, Lucia khi còn bé vẫn được tiếng là một thiếu nữ ngoan đạo. Suốt
năm tháng, ngài chỉ biết có ba nơi: gia đình, thánh đường và trường học. Vì
thế, ông Đaminh Bartôlôni bề ngoài cấm đoán Lucia sống đời đạo đức, nhưng lại
rất hãnh diện vì phẩm hạnh của con. Thêm vào đó, Lucia còn có một sắc đẹp
thuỳ mị nói lên tất cả sự trong sạch của tâm hồn.
Tuy có
những lúc rơi lụy vì nhớ tiếc quãng đời êm đềm khi còn nhỏ ấy, nhưng đó không
phải là lý do có thể làm cho ngài quên bổn phận hiện tại của một nàng dâu,
một người vợ hiền. Hiểu và thực hành “Đức phó thác”, thánh nữ biết vui vẻ
chịu đựng mọi vất vả, mọi đau khổ gặp phải trong gia đình. Cái làm cho ngài
hạnh phúc hơn hết là thấy mình lúc nào cũng chân thành yêu thương hết mọi
người vì Chúa. Nhờ đó, dù ở đâu và lúc nào thánh nữ cũng được mọi người trong
gia đình cũng như bà con hàng xóm quý mến và kính trọng, cũng nhờ đó thánh nữ
cảm hóa được người bạn trăm năm. Thay vì chỉ để tâm góp của làm giầu, ông
Rôđôlphô đã biết hy sinh, xuất tiền bạc giúp đỡ nhiều nhà thương và nâng đỡ
nhiều hội từ thiện. Nhưng đáng kể hơn cả là ông có được một lòng đạo đức chắc
chắn để cùng với người vợ hiền can đảm chịu số phận son sẻ. Vâng theo ý Chúa,
hai người bạn tâm phúc ấy ngày đêm yên ủi và giúp đỡ nhau trên đường trọn
lành, và để thể hiện mục đích ấy, họ cảm thấy không phương pháp nào hiệu
nghiệm hơn là đời sống tận hiến trong tu viện. Ước nguyện ấy một ngày kia đã
dâng lên mạnh mẽ trong tâm hồn Rôđôlphô lúc ông đang cầu nguyện. Không chịu
nổi, ông từ giã Chúa về kể cho Lucia hay. Lucia lúc đầu còn ngần ngại, muốn
đợi xin Chúa cho một dấu hiệu nào rõ rệt, nhưng Rôđôlphô lại nhất định xin
mặc áo dòng thánh Đaminh tại tu viện thánh Marcô, Lucia ở lại nhà làm hội
viên dòng ba thánh Đaminh. Bấy giờ ngài mới 31 tuổi.
Cho
đến năm 1500, khi người bạn hiền đã qua đời, ngài thu hết tiền của xây cất
một nhà dòng ba tại Florencia. Địa điểm thánh nữ muốn chọn để lập tu viện,
trước kia là một cánh đồng lầy, nơi tụ họp của các đảng cướp và loạn quân.
Xung quanh đã không có dân ở, lại trùng điệp những ngọn núi rậm rạp. Nhưng từ
năm 1333, người ta đã đến khai phá và biến nơi đó thành một thị xã nhỏ bé với
mấy ngàn dân cư! Từ đấy thỉnh thoảng có những cha dòng Đaminh về thuyết giáo
cho dân chúng nổi tiếng hơn cả có cha Giêrônimô Savônarôlô.
Chính
ngài, năm 1495 đã có ý định xây cất một nhà dòng ba thánh Đaminh tại đây,
nhưng cha chưa thực hiện được thì Chúa đã gọi cha về. Cha Giêrônimô qua đời
năm 1498, và hai năm sau thánh nữ Lucia được Chúa soi sáng đã tiếp tục công
việc của cha.
Công
việc bắt đầu với rất nhiều khó khăn. Tuy niên, thánh nữ không nản lòng, cứ
tin tưởng và phó thác mọi sự cho Chúa rồi hoạt động theo sức mình. Sau hai
năm vất vả, thánh nữ đã hoàn thành công việc xây cất vào chính ngày lễ thánh
Giêrônimô. Thánh nữ được chọn làm bề trên tu viện, và chính thức đổi tên là
Lucia. Tất cả đều mặc áo dòng ba và sống theo tinh thần của thánh Đaminh. Các
chị sống bằng công việc chân tay và của bố thí. Cho tới mãi năm 1510, thánh
Lucia mới xin bề trên cả cho các chị nhận ba lời khấn và thuộc quyền trông
nom của cha bề trên tu viện thánh Marcô.
Năm
1521, vì ảnh hưởng nhân đức của Lucia, tu viện đã được Đức Lêô X chính thức
nâng lên bậc hai như các nữ tu viện khác thuộc dòng thánh Đaminh. Thực vậy,
trong cuộc sống chung với chị em trong dòng, ai nấy đều cảm phục, yêu mến và
nhìn ngắm ở Lucia một gương mẫu hy sinh và cầu nguyện. Ngài ăn chay đền tội
hầu như hằng ngày. Người ta còn kể rằng tu viện như chìm ngập trong ánh lửa
mỗi khi thánh nữ quỳ cầu nguyện. Đúng hay không, sự kiện trên cũng chứng tỏ
lòng sốt sắng nồng nhiệt của thánh nữ! Đời sống thánh thiện ấy càng tăng lên
gấp bội trong những ngày cuối đời của thánh nữ. Không nề quản tuổi già và
bệnh tật, chị Lucia vẫn làm việc, giữ luật và chay tịnh cho đến phút sau cùng
của đời sống. Thánh nữ qua đời cuối năm 1520, hưởng thọ 56 tuổi.
Lạy
Chúa Giêsu cực thánh, xin vì lời bầu cử và gương sáng của thánh nữ Lucia, ban
cho chúng con thông hiểu và đem ra thực hành đường lối nên thánh của ngài là
biết hoàn tất bổn phận hiện tại của chúng con trong đức mến yêu chân thành và
lòng tin tưởng phó thác mạnh mẽ.
|
Thứ Hai 29-10
Chân Phước Tôma ở Florence
(c. 1447)
L
|
à con của một người hàng thịt ở Florence , có một thời gian Tôma sống rất
hoang đàng đến nỗi những người hàng xóm phải ngăn cấm con cái họ không được
chơi với anh. Một người đàn ông giầu có trong tỉnh là bạn với Tôma đã đưa anh
vào con đường đồi trụy hơn trước. Khi bị buộc vào một tội ác trầm trọng mà anh
không phạm, Tôma chạy đến người bạn này để xin bảo vệ. Nhưng ông ta không thèm
nhìn mặt và đuổi anh đi. Thật tan nát, Tôma lang thang trên đường phố cho đến
khi anh gặp một linh mục, là người đã lắng nghe câu chuyện của Tôma và đưa anh
về nhà của ngài. Sau đó, ngài đã giúp anh được vô tội.
Sau khi cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè cũ, Tôma bắt đầu một cuộc
đời cầu nguyện và sám hối. Ðược tràn đầy ơn Chúa, anh xin gia nhập dòng
Phanxicô làm thầy trợ sĩ. Tôma trở nên một người gương mẫu trong dòng, sống
khắc khổ, và giữ kỷ luật rất nghiêm nhặt. Thầy mặc những quần áo vất đi của các
thầy khác. Và thầy thường đắm mình trong sự xuất thần. Mặc dù thầy chưa bao giờ
được tấn phong linh mục và vui vẻ chấp nhận phục vụ với tư cách một trợ sĩ,
Tôma được bổ nhiệm làm giám đốc đệ tử viện. Nhiều người trẻ đã noi gương con
đường nên thánh của ngài.
Thầy Tôma đã sáng lập thêm nhiều trường đệ tử ở vùng nam nước Ý.
Và Ðức Giáo Hoàng Martin V đã kêu gọi thầy rao giảng chống lại bè phái
Fraticelli, là những linh mục Phanxicô lạc đạo. Thầy cũng được yêu cầu đến
Orient để cổ võ sự hợp nhất giữa Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương. Ở đây thầy
bị cầm tù và có thể được lãnh triều thiên tử đạo. Nhưng đức giáo hoàng đã chuộc
ngài với số tiền rất lớn. Thầy Tôma trở về Ý và từ trần khi trên con đường đến
Rôma, là nơi ngài hy vọng được phép trở lại Orient.
Bài đọc 2
Chúng ta đừng lẩn tránh ý Thiên Chúa
Trích thư thánh Cơ-lê-men-tê I, giáo
hoàng, gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Anh em thân mến hãy coi chừng đừng để cho
biết bao ân huệ Chúa ban lại trở nên án phạt cho tất cả chúng ta, nếu chúng ta
không sống xứng đáng với Người và hoà thuận với nhau mà làm những điều tốt lành
và đẹp lòng Người. Quả vậy, có nơi Sách Thánh nói : Thần Khí của
Chúa là ngọn đèn soi thấu thâm cung lòng người.
Chúng ta hãy xét xem Người ở gần chúng ta
biết dường nào, và không có gì trong tư tưởng và lời nói của chúng ta là ẩn
khuất đối với Người. Vậy chúng ta đừng lẩn tránh ý Người, đó là điều phải lẽ.
Thà mất lòng những kẻ điên rồ dại dột, những kẻ đưa mình lên và ba hoa tự đắc
còn hơn là xúc phạm đến Thiên Chúa.
Chúng ta hãy tôn thờ Chúa Giê-su, Đấng đã
đổ máu mình vì chúng ta ; hãy tôn kính các vị lãnh đạo và tôn trọng các bậc lão
thành. Hãy dạy cho giới trẻ biết kính sợ Thiên Chúa và hướng dẫn các bà vợ làm
điều lành. Ước chi họ tỏ ra trong sạch dễ thương trong lối sống, thực lòng muốn
cư xử hoà nhã, biết yên lặng mà giữ mực thước trong lời ăn tiếng nói, biết tỏ
lòng bác ái không thiên vị đối với mọi người kính sợ Thiên Chúa.
Ước chi con cái được giáo dục theo đạo lý
Đức Ki-tô, chúng hãy học cho biết đức khiêm nhường có giá trị dường nào trước
mặt Thiên Chúa, đức ái tinh tuyền có hiệu lực biết bao trước mặt Người, lòng
kính sợ Người thật tốt lành và cao cả thế nào, vì mọi người thành tâm kính sợ
Chúa thì tâm trí được giữ gìn cho trong sạch. Thật thế, Thiên Chúa là Đấng thấu
suốt tư tưởng và ý định của tâm trí ; Người đặt Thần Khí của Người trong chúng
ta và khi muốn, Người thu hồi lại.
Tất cả những điều ấy đều được củng cố nhờ
đức tin mà Đức Ki-tô mang lại cho chúng ta. Quả vậy, Người dùng Thánh Thần mà
kêu gọi chúng ta như sau : Các con ơi, hãy đến mà nghe, Ta sẽ dạy cho biết
đường kính sợ Chúa. Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày
hạnh phúc chứa chan, phỉa giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa ;
hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà.
Chúa Cha nhân từ và giàu lòng lân tuất với
mọi người hằng yêu thương những ai kính sợ Người ; Người dịu dàng và nhân hậu,
rộng ban ơn của Người cho những ai lòng trí đơn sơ đến với Người. Vì thế, chúng
ta đừng ăn ở hai lòng ; tâm hồn chúng ta cũng đừng vì những hồng ân tuyệt vời
cao quý Người ban mà tự cao tự đại.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin…
(trích
bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Hai Tuần 30TN-bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét