Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

TÂN PHÚC ÂM HÓA CẢ TÂM LẪN TRÍ


TÂN PHÚC ÂM HÓA CẢ TÂM LẪN TRÍ

Đức Cha Bernard Longley hiện là TGM của Birmingham, Anh. Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Tân Phúc Âm hóa, Ngài được bầu làm Thuyết Trình Viên của Nhóm B gồm các vị giám mục nói tiếng Anh. Trước đó, ngài vốn là thành viên của Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc Âm hóa, và từng là Đồng Chủ Tịch của ARCIC (Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo và Công Giáo), cũng như Điều Hợp Viên của Ủy Ban Chỉ Đạo Các Giáo Hội Với Nhau tại Đại Anh và Ái Nhĩ Lan, và là Phụ Tá Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Anh và Wales phụ trách các vấn đề Đại Kết và Liên Tôn Sự Vụ.

Ngày 24 tháng 10 vừa qua, tại Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa, ngài nhấn mạnh nhu cầu phải tìm cách nói với trái tim con người cũng như mời gọi trí khôn họ cam kết. Trong một cuộc phỏng vấn của Hãng Tin Zenit mới đây, trong khung cảnh tuần lễ cuối cùng của THĐ, Đức Cha Longley đã đề cập tới khá nhiều vấn đề, trong đó, có cảm thức cầu nguyện cộng đồng nơi các nghị phụ và việc hành động của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ Tân Phúc Âm Hóa.

Lắng nghe nhau

Theo Đức Cha Longley, THĐ đem lại cho ngài nhiều ấn tượng tốt đẹp. Trước nhất, tuần lễ đầu là tuần lễ thực sự chăm chú lắng nghe, và thì giờ quí báu của các nghị phụ phần lớn được dành cho việc cầu nguyện chung, cùng nhau suy niệm và lắng nghe nhau. Việc đó hết sức hữu ích, nhất là đối với các vị giám mục. Vì lúc ở giáo phận, phần đông các vị bận bịu với việc người ta trông mong các ngài chuyển cho một thông điệp, một vài ý nghĩ thông sáng trong bài giảng, trong lời dạy bảo hay trong bất cứ phát biểu nào khác. Còn trong những ngày này, các vị được mời tới đây với nhau trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha để lắng nghe nhau, một điều đòi hỏi phải chăm chú, ngõ hầu hoàn toàn vâng theo tiếng Chúa Thánh Thần nói qua các Nghị Phụ và qua Đức Thánh Cha. Cái tinh thần lắng nghe này trở thành gần như một mẫu mực mà các nghị phụ muốn Tân Phúc Hóa mặc lấy. Cách thế lắng nghe nhau này sẽ khích lệ các nghị phụ lúc các ngài trở về giáo phận, và trong tương lai, để các ngài biết chăm chú lắng nghe Chúa Thánh Thần lên tiếng trong các cộng đoàn mà các ngài đang phục vụ, cũng như trong những nơi có sự thiện và sự thật như Công Đồng Vatican II từng nhắc nhở: tức giữa anh chị em được rửa tội trong các giáo hội Kitô khác, giữa những người thiện chí của các tôn giáo khác, và giữa những người đang tìm kiếm chân lý cho đời họ. Chính vì thế, ấn tượng đầu tiên của Đức Cha Longley là lòng biết ơn được dịp lắng nghe nhau trong thinh lặng và cầu nguyện.

Góp tiếng

Ngài cho biết tiếp: tuần lễ thứ hai là tuần lễ sinh hoạt trong các "circoli minori" (những nhóm nhỏ), chia theo ngôn ngữ, mục đích để đưa ra các đề nghị. Đây là tuần lễ đem lại nhiều thành quả. Bản thân Đức Cha Longley được lên tinh thần nhờ những hiểu biết thông sáng của các chuyên viên cũng như của nhiều nghị phụ khác: nhất là liên quan tới các vấn đề của giới trẻ, của người nghèo, và việc coi người ta không phải chỉ như đối tượng, mà thực sự còn là tác nhân của tân phúc âm hóa nữa. Cung cách đưa ra các đề nghị cũng hết sức gây ấn tượng vì các đề nghị này có gốc rễ trong việc lắng nghe và cầu nguyện của mấy ngày đầu. Nhờ thế mà có được sự đồng thuận đáng chú ý. Đức cha vốn là thuyết trình viên với nhiệm vụ thu lượm các đề nghị này, trước nhất là của nhóm nói tiếng Anh, sau đó, của nhiều nhóm khác nữa. Ngài thấy: quả hết sức ngạc nhiên khi thấy sự đồng thuận ấy bắt đầu xuất hiện ngay trong các lãnh vực được THĐ tập chú nhất. Sự đồng thuận này tiếp tục xẩy ra trong tuần lễ sau cùng này, là tuần lễ tập chú vào việc thay đổi, tu chính để đưa ra các đề xuất cuối cùng.

Đem về

Đức Cha Longley cho hay điều trước nhất ngài muốn đem về giáo phận từ THĐ là cảm thức nên một với Đức Thánh Cha và với các vị giám mục họp thành THĐ. Ngài biết cảm thức ấy vốn có trong giáo phận của ngài, nơi đã cử hành thành công Năm Đức Tin một cách tốt đẹp. Tinh thần của ngài được nâng cao và ngài nghĩ sự đóng góp của ngài cho THĐ đã được nâng đỡ nhờ lời cầu nguyện của các giáo dân, linh mục, phó tế, và tu sĩ ở quê nhà. Vào Chúa Nhật tiếp theo Thánh Lễ khai mạc Năm Đức Tin của Đức Thánh Cha, ngài được tin con số giáo dân tham dự việc cử hành tại quê nhà cao hơn con số mà nhà thờ chánh tòa của ngài có thể chứa nổi và do đó, buổi cử hành phải được trực tiếp truyền hình ra bên ngoài. Nơi giáo dân Birmingham, ngài thấy một cảm thức nhiệt thành muốn trở thành những nhà Tân Phúc Âm Hóa, và ngài mong muốn được củng cố công trình đó của Chúa Thánh Thần, cũng một Thần Khí từng hướng dẫn Thượng Hội Đồng Giám Mục này cùng với Đức Thánh Cha, cũng một Thần Khí từng rút ra được những điều tốt đẹp từ các giáo dân trong các giáo xứ tại quê nhà.

Cor ad cor loquitur

Tại Thượng Hội Đồng, qua tham luận cá nhân, Đức Cha Longley nhấn mạnh tới phương cách Chúa Thánh Thần tác động qua tâm và trí con người cùng một lúc như thế nào. Ngài lấy Chân Phúc John Henry Newman làm điển hình và cách thế vị Chân Phúc này xác tín ra sao về phương diện trí thức đối với các chủ trương của Giáo Hội Công Giáo. Chân Phúc biết rõ đó là điểm Chúa muốn dẫn ngài tới, ấy thế nhưng ngài vẫn muốn trái tim ngài được đánh động. Khẩu hiệu rất đẹp của Chân Phúc "cor ad cor loquitur," ["trái tim nói với trái tim”] là một khẩu hiệu rất thích hợp cho công cuộc Tái Phúc Âm Hóa. Ta phải tìm ra phương cách nói với trái tim con người cũng như mời gọi trí khôn họ cam kết. Hai cách này phải luôn đi đôi với nhau; ta không thể lãng quên một trong hai cách thế ấy.

Điều dễ dàng nói với trái tim con người là gương sáng đời sống Kitô hữu trong gia đình, trong hôn nhân, là vươn tay ra với người nghèo và những ai túng thiếu trong các xã hội địa phương, và ý muốn thực sự yêu thương theo nghĩa sẵn sàng tự hiến, dành các năng lực của ta cho sự thiện của người khác, bất kể ta nhận lại được điều gì cho chính ta… Gương sáng của Mẹ Teresa thành Calcutta, một gương sáng năng xuất hiện qua hình ảnh hay qua các tham luận của các Nghị Phụ, nhất là các Nghị Phụ Ấn Độ, nhắc ta nhớ rằng nét đơn thành của một đời sống đức tin tốt đẹp, biết quan tâm tới những ai thiếu thốn, đã tân phúc âm hóa một cách hữu hiệu như thế nào. Nó sẽ thúc đẩy người ta tìm cách thăm dò nội dung đức tin của ta.

Vai trò giáo dân trong việc tân phúc âm hóa
TGM.Bernard Longley


Theo Đức Cha Longley, tại THĐ, có sự nhấn mạnh nhiều tới giá trị của đời sống thánh hiến đối với Giáo Hội và công cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Nhưng THĐ cũng thừa nhận rằng việc đánh giá đời sống thánh hiến, đời sống tu dòng cũng như ơn gọi làm thừa tác viên thụ phong, thẩy đều bắt nguồn từ các gia đình. Việc đánh giá các hồng ân thừa tác vụ đó bên trong gia đình, nhất là các thừa tác vụ thụ phong, tức việc chia sẻ chức linh mục của chính Chúa Giêsu, phát khởi từ việc đánh giá chức linh mục của Chúa Kitô như đã được cuộc sống của các linh mục và phó tế của Giáo Hội chứng tỏ.

Vai trò của giáo dân tự nó cũng là một chủ đề được nhấn mạnh, vì hợp tác làm việc với các thừa tác viên thụ phong, tín hữu giáo dân thấy mình đứng ở vị thế có thể rao giảng bằng gương sáng đời mình, bằng chứng tá đức tin của chính mình, trong tư cách nhà báo, chính khách, công chức, chăm sóc y tế, nghĩa là trong mọi lãnh vực của đời sống. Điều này nhắc mọi người nhớ tới viễn kiến của Công Đồng Vatican II: lời mời gọi nên thánh phổ quát cũng là lời mời gọi phúc âm hóa thế giới. Người Công Giáo giáo dân, qua cuộc sống nghề nghiệp và công cộng của mình, cũng như qua cuộc sống gia đình và lân bang hàng xóm, có cơ hội vươn tới những nơi mà các mục tử thường khó với tới.

Vũ Văn An(10/26/2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét