Chúa Nhật 27 Quanh Năm Năm B
Bài Ðọc I: St 2, 18-24
"Cả hai nên một thân
thể".
Trích sách Sáng Thế.
Chúa là Thiên Chúa phán:
"Ðàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống
như nó". Sau khi lấy bùn đất dựng nên mọi thú vật dưới đất và toàn thể
chim chóc trên trời, Thiên Chúa dẫn đến trước mặt Ađam để coi ông gọi chúng thế
nào, và sinh vật nào Ađam gọi, thì chính đó là tên nó. Ađam liền đặt tên cho
mọi súc vật, chim trời và muông thú. Nhưng Ađam không gặp một người nội trợ
giống như mình.
Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam
ngủ say, và khi ông đang ngủ, Người lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt
lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà,
rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: "Bây giờ đây xương bởi xương tôi và thịt
bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra".
Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên
một thân thể.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3.
4-5. 6
Ðáp: Nguyện Chúa chúc phúc cho chúng con hết mọi ngày trong đời
sống chúng con! (x. c. 5).
Xướng: 1) Phúc thay những bạn
nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn
làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Ðáp.
2) Hiền thê bạn như cây nho
đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như chồi non của
khóm ô-liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. - Ðáp.
3) Ðó là phúc lộc dành để cho
người biết kính sợ Chúa. Nguyện Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn
thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. - Ðáp.
4) Và để bạn nhìn thấy lũ
cháu đàn con. Nguyện xin bình an đến trên đất Israel . - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 2, 9-11
"Ðấng thánh hoá và
những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc".
Trích thư gửi tín hữu
Do-thái.
Anh em thân mến, Ðấng trong
một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên Thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người
được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn
Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc
Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh
quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo.
Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn
gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 17, 17
Alleluia, alleluia! - Chúa
phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". -
Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 2-12
"Sự gì Thiên Chúa đã
kết hợp, loài người không được phân rẽ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt phái
đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình
chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ
thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu
đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật
đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và
một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người
sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy
sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".
Về đến nhà, các môn đệ lại
hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác,
thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy
chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".
{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để
Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu
bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn
cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật
các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước
đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu khẳng định luật
nguyên thủy của hôn nhân là một vợ một chồng: "Sự gì Thiên Chúa đã kết
hợp, loài người không được phân ly". Thế mà con người ngày nay đang đi
ngược với luật Chúa. Biết bao cảnh gia đình tan rã, vợ chồng phân ly không
ngừng diễn ra trên thế giới. Ðiều đó cho thấy con người đang đánh mất dần ân
sủng và hiệu quả của bí tích Hôn Phối.
Ðức Giêsu cũng còn nhấn mạnh
đến việc tự nguyện sống độc thân trọn vẹn để phục vụ Nước Trời. Ðó chính là ơn
gọi sống đời dâng hiến, một ơn gọi cao quí Thiên Chúa ban riêng cho những người
Chúa chọn.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa chúc
phúc cho chúng con, dù sống bậc hôn nhân, hay tu trì tận hiến. trong ơn gọi mỗi
người xin cho chúng con biết ý thức rằng: Yêu thương là con đường của Chúa. ước
gì mọi gia đình chúng con sống hòa hợp để làm phát sinh những người con ích lợi
cho xã hội. cho Nước Trời. Xin cho các bậc tu trì biết hoàn toàn hiến thân vì
hạnh phúc muôn người, để danh Chúa được vinh sáng. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Hãy Sống Khắng Khít
(Khởi nguyên 2,18-24; Hipri 2,9-11; Marcô 10,2-16)
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXVII Thường
Niên Năm B
Khởi nguyên 2,18-24; Hipri
2,9-11; Marcô 10,2-16
Trong các Chúa nhật thường
niên, phụng vụ thường đọc cho chúng ta nghe một cách liên tiếp các đoạn chính
yếu trong một sách Tin Mừng. Năm nay, chúng ta đọc sách Tin Mừng theo thánh
Marcô, và lần trước chúng ta đã đọc xong chương 9 thì hôm nay chúng ta bắt đầu
nghe sang chương 10, mà chúng ta sẽ đọc tiếp trong các Chúa nhật sau.
Rồi để làm sáng tỏ bài Tin
Mừng, phụng vụ chọn một đoạn Cựu Ước có khả năng hướng lòng chúng ta về mạc
khải của Ðức Yêsu để chúng ta thấy chính Người đã đến không phải để xóa bỏ
nhưng để kiện toàn và hoàn tất luật cũ hay đạo cũ và mọi lời tiên tri trong Cựu
Ước. Chẳng hạn hôm nay bài sách Khởi nguyên đã được chọn vì bài Tin Mừng. Ðức
Yêsu đã gợi lại một câu trong sách Khởi nguyên, thì phụng vụ đọc cho chúng ta
nghe chính đoạn sách ấy để giúp chúng ta dễ hiểu lời Tin Mừng hơn. Ðồng thời
chúng ta cũng sẽ thấy chính Ðức Yêsu sẽ làm cho bài sách Khởi nguyên thêm giá
trị.
Cuối cùng bài Thánh Thư được
chọn để dạy chúng ta biết sống đạo một cách cụ thể, theo như các tông đồ đã chỉ
bảo cho giáo dân của các ngài. Không tất nhiên tư tưởng bài Thánh Thư phải ăn
khớp với bài Tin Mừng. Phụng vụ thường chỉ muốn đọc cho chúng ta nghe hết thư
này sang thư khác. Chẳng hạn lần trước chúng ta đã đọc hết thư Yacôbê, thì kể
từ Chúa nhật này và liên tiếp trong nhiều Chúa nhật thường niên sau này chúng
ta được nghe đọc thư Hipri, nói rằng của thánh Phaolô nhưng có lẽ chỉ là của
một tác giả hoặc môn đệ thân cận của ngài và thấm nhiễm tinh thần của ngài.
Ðoạn thư trích hôm nay không liên ý trực tiếp với giáo huấn của bài Tin Mừng và
bài sách Khởi nguyên. Nhưng tuy nói về những vấn đề khác nhau, cả ba bài Kinh
Thánh vẫn bổ túc làm cho huấn giáo của Chúa nhật này thêm phong phú.
Chúng ta sẽ thấy bài Tin Mừng
và bài sách Khởi nguyên nói đến nỗi an ủi mật thiết trong tương quan giữa người
nam và người nữ. Nhưng sánh sao được với niềm an ủi và thắm thiết giữa Ðức Kitô
và môn đệ Người, mà bài thư Hipri hôm nay gợi lên? Chúng ta hãy lần lượt đọc
lại những bài Thánh Kinh ấy.
1. Nam Nữ Là Một
Bài sách Khởi nguyên hôm nay
là một trong những bản văn rất quý hóa trong kho tàng tư tưởng của loài người.
Người ta chỉ có thể chê khi đọc hời hợt và tưởng rằng bản văn đó mới được viết
ngày hôm qua, ở giữa thời đại khoa học này. Ngược lại, nếu nhớ rằng nó đã khai
sinh cách đây vào khoảng ba nghìn năm và do một ngọn bút ở một dân tộc ít văn
hóa, người ta sẽ phải kinh ngạc và tự hỏi làm sao tác giả có thể viết ra những
tư tưởng thâm thúy như vậy. Có cả một kho tàng khôn ngoan, tâm lý và sáng suốt
trong những lời văn này.
Con người được mô tả như là
một hữu thể cần hiệp thông và thông cảm. Nó không thể sống cô đơn cho dù đang ở
giữa một cảnh bồng lai tiên cảnh như nơi địa đàng. Nó cũng không thể thỏa mãn
với sự bầu bạn của mọi thứ động vật. Tác giả thật khéo ám chỉ loài người và
loài vật cũng chỉ là một giống động vật khi ông nói Adong nhìn các giống vật và
thấy chúng đều là "sinh vật", nghĩa là cũng giống như ông là loài có
sinh khí. Tuy nhiên lập tức ông cũng nhận ngay ra địa vị "linh ư vạn vật
của mình" khi tác giả viết: Adong đặt tên cho từng loài, để tỏ ra địa vị
ưu việt của ông... "Nhưng con người vẫn không gặp được sự trợ giúp nào
tương đối". Adong chưa tìm được vật nào giống như mình để cảm thông và làm
đầy đời sống cho mình. Nói cách khác, ông cảm thấy chưa đầy đủ dù có cả vũ trụ
và vạn vật ở dưới quyền. Ông muốn và cần có một ai như mình nhưng lại khác mình
và bổ khuyết cho mình.
Thượng đế đã can thiệp. Thiên
Chúa không để con người cô đơn. Tác giả sách Thánh dùng hình ảnh bình dân để
diễn tả sự can thiệp này. Yavê đưa Adong vào một giấc hôn mê, Người rút một
xương sườn của ông, lắp thịt vào, làm ra người nữ và đem giới thiệu với ông.
Vừa nhìn thấy, Adong đã kêu lên: phen này, nàng là xương tự xương tôi, thịt tự
thịt tôi, nàng là Ishsha: (đàn bà) vì đã được rút ra từ Ish: (đàn ông).
Rõ ràng tác giả đã xây dựng
hình ảnh từ "nguyên tự" và từ quan niệm bình dân lấy sự giống nhau về
xương thịt để nói lên sự giống nhau về bản chất. Tức là tác giả muốn khẳng định
đàn bà cũng là "người" như đàn ông và giữa nam nữ có một sự mật thiết
bù đắp cho nhau. Tư tưởng của ông tiến bộ hơn người đồng thời rất xa, vì sau
ông nhiều thế kỷ, ở nhiều nơi người ta vẫn chưa nhìn nhận sự bình đẳng và đồng
loại giữa nam và nữ. Và với câu sau, "người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắng
khít với vợ mình và chúng sẽ nên một thân xác", ông làm cho độc giả thấy
tình gia đình phu phụ keo sơn đến mức nào.
Dù sao cách nói của ông vẫn
có nhiều hình ảnh và có thể làm người ít học lấy hình ảnh làm thực tại. Họ đâu
có biết sách Khởi nguyên ở đoạn trước đã viết về nam nữ như sau: "Thiên
Chúa đã dựng nên loài người theo hình ảnh mình. Là nam là nữ, Người đã dựng nên
chúng". Vậy, điều mà ở đây tác giả nói một cách đơn sơ, tổng hợp nhưng vẫn
đề cao sự bình đẳng và đồng loại giữa nam và nữ, thì ở chương sau ông đã dùng
hình ảnh để nói lên một cách dễ hiểu hơn. Chúng ta quý cả hai lối trình bày và
sung sướng được nghe nói đến những nét thâm thúy nơi con người.
Tuy nhiên ở đây phụng vụ
không muốn lưu ý chúng ta về việc nam nữ đồng loại và bình đẳng cho bằng việc
họ thu hút nhau, bù đắp cho nhau và khắng khít với nhau, để dẫn chúng ta sang
bài Tin Mừng.
2. Không Ðược Ly Dị
Chúng ta không hiểu rõ hoàn
cảnh vì sao các Biệt phái lại chọn vấn đề rẫy vợ để thử Ðức Yêsu. Họ muốn thử
gì? Ðể xem ý kiến của Người về vấn đề ly dị ư? Không chắc ở thời đó vấn đề có
sôi bỏng như ở thời ta không, cho dù luật Rôma bấy giờ cũng cho ly dị và tâm tư
đạo đức của người Dothái có vẻ không rõ ràng. Ðúng hơn, họ muốn gài bẫy Người,
để xem Người có kính trọng luật Môsê không? Nhưng luật này nói thế nào? Họ chỉ
có thể trích được một câu trong sách Thứ luật (24,1) cấm lấy lại một người đàn
bà đã bị rẫy và nói đến việc viết ly thư, chớ không có chỗ luật nào nói rõ về
việc được phép ly dị... Chính các Biệt phái cũng phải nhận rằng Môsê chỉ cho
phép viết ly thư chứ không ra lệnh phải làm việc này. Dựa vào chỗ đó, Ðức Yêsu
làm cho họ hiểu rằng: vì lòng dạ lì lợm của họ mà Môsê đã phải cho phép như
vậy. Ðó là một nhượng bộ bất đắc dĩ, không thể kéo dài mãi mãi. Nước Thiên Chúa
đã đến rồi; con người phải dùng sức mạnh mà vào; người ta phải trở về với Thiên
Chúa và lệnh truyền của Người. Thế mà từ nguyên thủy nam nữ đã khắng khít với
nhau và đàn ông đã bỏ cả cha mẹ mình để nên một thân thịt với bạn mình. Ðức
Yêsu giải thích việc đó là ý của Thiên Chúa muốn phối hợp hai người lại với
nhau, và không ai được phép phân ly nữa. Về nhà, Người còn dạy rõ: không ai
được rẫy vợ mình để cưới vợ khác. Ai làm như vậy sẽ phạm tội ngoại tình.
Thánh Marcô không nói đến
phản ứng của Biệt phái khi nghe Ðức Yêsu trả lời, vì đứng về quan điểm luật họ
còn biết nói gì nữa? Nhưng đối với con người thời nay, có lẽ phán quyết của
Người còn cần được tìm hiểu thêm. Người ta có thể đưa ra ý kiến này, ý kiến
khác về vấn đề ly dị. Phụng vụ hôm nay chỉ xin chúng ta suy nghĩ về bài sách
Khởi nguyên và đoạn Phúc Âm hôm nay để thấy việc vợ chồng khắng khít với nhau
là một cái gì nằm sâu trong bản chất nam nữ mà Thiên Chúa đã dựng nên từ nguyên
thủy. Ðó là ý muốn của tạo hóa và của bản tính con người. Nếu điều này có lúc
khó chấp nhận, thì chúng ta hãy đọc tiếp đoạn Phúc Âm trên.
Thánh Marcô nói đến việc Ðức
Yêsu yêu quý trẻ nhỏ và dạy chúng ta phải đón lấy Nước Trời như một trẻ nhỏ.
Câu nói này có thể có hai nghĩa. Hoặc là người ta phải đơn sơ như trẻ nhỏ khi
đón nhận Nước Trời, không xét nét, không do dự vì trẻ nhỏ cho gì chúng cũng
lấy. Hoặc là người ta phải coi Nước Trời như hồng ân tốt đẹp, tinh sạch mà
người ta phải đón lấy như đón một trẻ nhỏ. Bất cứ hiểu theo nghĩa nào, người ta
cũng có thể dùng Lời Chúa nói đây để giúp mình chấp nhận luật không ly dị nói
trên, vì rõ ràng đấy là ý Chúa, là Nước Trời đến với chúng ta mà chúng ta phải
đón lấy như trẻ nhỏ. Chúng ta cũng có thể dùng bài Thánh Thư để khuyến khích
mình thêm vì tác giả thư Hipri, tuy nói đến một vấn đề khác, nhưng cũng sẽ chỉ
muốn chúng ta bắt chước Chúa mà có tinh thần hòa hợp.
3. Hãy Sống Khắng Khít
Tác giả nhắc lại việc Ðức
Yêsu đã ngang qua thống khổ tử nạn mà được vinh quang huy hoàng. Trong chốc lát
và theo một diện nào đó Người đã tỏ ra như thua các Thiên Thần vì hình dạng khổ
nạn của Người. Nhưng đó là ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Người muốn Ðức Kitô phải
chịu khổ đau như vậy để kiện toàn bản chất con người chúng ta. Người muốn hướng
dẫn số đông nhân loại lên phúc vinh quang nên đã dùng thống khổ hạ Ðức Kitô
xuống thân phận tôi đòi tội lỗi như mọi người để khi Người được triều thiên ban
tặng thì cả nhân loại được chia phần vinh quang của Người.
Như vậy, ở đây tác giả thư
Hipri đã nhấn mạnh đến sự khắng khít giữa Ðức Kitô và loài người trong mầu
nhiệm tử nạn phục sinh. Có thể nói vì muốn được loan báo Danh Chúa cho anh em
và ngợi khen Thiên Chúa giữa cộng thể loài người mà Ðức Kitô đã phải đồng hóa
và nên một với loài người trong đau khổ. Người không để lại cho chúng ta một
tấm gương khắng khít hòa hợp và hiệp nhất sao? Người đang kêu gọi chúng ta
không những kết hiệp bất khả phân ly với Người mà còn với nhau nữa. Người đang
khuyến khích riêng các gia đình đang gặp khó khăn đó.
Mầu nhiệm Thánh Thể của Người
mà chúng ta cử hành bây giờ thật sự nói lên điều này. Ðức Kitô chấp nhận sự
chết là hình phạt của mọi người để đưa mọi người lên phúc vinh quang. Người kêu
gọi chúng ta mật thiết kết hợp với Người. Và đồng thời Người sẽ thêm cho chúng
ta sức mạnh kết hợp với nhau như các chi thể trong một thân thể. Với ơn của
Người, chúng ta sẽ lướt thắng mọi khó khăn trong tương giao xã hội và đặc biệt
trong quan hệ gia đình, để khi mến Chúa nhiều, chúng ta cũng đoàn kết yêu
thương nhau nhiều, không phải chỉ bằng cảm tình và lời nói hoặc lời cầu nguyện,
mà bằng việc làm, hy sinh, cố gắng; như vậy đạo tốt sẽ làm đẹp đời. Và chúng ta
sẽ thấy đời người thật đáng sống khi có ơn Chúa.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
hoặc : Ngày 7 tháng 10
Lễ Ðức Mẹ Mân Côi
Phúc Âm:
Lc 1, 26-38
"Này
Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy,
Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến
với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít,
trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính
chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó,
Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa:
"Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ
sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là
Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người.
Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.
Nhưng
Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không
biết đến người nam?"
Thiên thần
thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao
trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là
Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong
lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son
sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền
thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần
truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Ðó là lời
Chúa.
Suy Niệm:
Mẹ Ðầy
Ơn Phước
Thời gian
viên mãn đã đến, người trinh nữ, dấu chỉ của lời hứa được loan báo trước kia
giỡ đây được chỉ định rõ ràng cho chúng ta biết và chúng ta biết rõ đó là Ðức
Maria, Ðấng làm cho tâm hồn ta tràn đầy tin tưởng và niềm vui khi nghe đến tên
Ngài. Cùng với thiên thần Gabriel, chúng ta cất lên lời chào: "Kính mừng
Maria, hãy vui lên, Maria". Qua lời chào của thiên thần, Thiên Chúa mời
gọi Maria hãy vui lên vì thời giờ thực hiện lời hứa đã đến và làm sao Mẹ Maria
không vui lên được, khi biết chính mình đã được chọn để thực hiện lời hứa, để
làm dấu chỉ loan báo hoàng tử hòa bình sắp đến. Mỗi lần chúng ta chào chúa Mẹ
Maria qua kinh Kính Mừng "Kính Mừng Maria đầy ơn phước" chúng ta tham
dự vào niềm vui và niềm tri ân của Mẹ đối với Thiên Chúa.
Mẹ là Ðấng
đầy ơn phước, Ðấng được Thiên Chúa chúc phúc. Mẹ thuộc hoàn toàn về người tôi
tớ của Ðức Giavê như được loan báo nơi sách tiên tri Isaia chương 42 câu 1:
"Ðây là tôi tớ Ta, Ðấng Ta chọn và đẹp lòng Ta mọi đàng. Mẹ được đầy ơn
phước vì Ðấng sắp đến ngự nơi Mẹ là Con yêu dấu của Thiên Chúa". Mẹ Maria
được đầy tràn niềm vui. Mẹ là người đầu tiên được Thiên Chúa cho nếm trước niềm
vui vì Thiên Chúa nhập thể. Nhờ Thiên Chúa mạc khải, Mẹ Maria hiểu được sứ mệnh
của Mẹ như là dấu chỉ niềm hy vọng, dấu chỉ Thiên Chúa chu toàn lời hứa của
Ngài cho Israel, và suốt đời Mẹ sẽ là bài ca chúc tụng lòng trung thành của
Thiên Chúa, như Mẹ đã thốt lên nơi nhà ông Dacaria:
"Linh
hồn tôi ngợi khen Chúa,
Ngài là
Ðấng trung tín như lời đã hứa
Abraham và con cháu ông".
"Thiên Chúa ở cùng Bà", Mẹ Maria đã từng suy
niệm lời tiên tri loan báo trước về biến cố cứu rỗi sắp đến, nên giờ đây từng
lời thiên thần nói ra cho Mẹ đều mang một ý nghĩa sâu xa. "Thiên Chúa ở cùng
Bà", giây phút quan trọng nhất của lịch sử đã đến, đó là lúc trinh nữ
Maria hay tin và hiểu rõ thực tại Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Emmanuel, một
cách thật độc nhất vô nhị. Mẹ vui mừng gọi Thiên Chúa là Emmanuel, là Ðấng ở
cùng chúng ta. Mẹ vui mừng trước sự hiện diện của Thiên Chúa và chúng ta hiệp
với Mẹ trong niềm vui và hết lòng cảm tạ Thiên Chúa.
"Hỡi Maria, đừng sợ", kinh nghiệm sự hiện diện
của Thiên Chúa nơi chính mình, không khỏi làm cho con người run sợ. Không phải
Mẹ Maria cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện, nhưng Mẹ còn được mạc khải cho biết
giờ đây, đến lúc lời hứa thành sự thật nơi Mẹ. Không bao giờ Mẹ Maria đã nghĩ
đến việc cả thể này, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài và ý định của Ngài cho Mẹ.
Mẹ vui mừng lên như một niềm vui mừng đi kèm với sự run sợ, một sự run sợ
thánh. Kinh nghiệm sống đời Kitô, chúng ta cũng thấy hai tâm tình này như Mẹ
Maria, vừa vui và vừa sợ. Mẹ Maria nhờ ơn Chúa giúp đã thắng vượt cái sợ và phó
thác tin tưởng hoàn toàn vào Chúa.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta được tham dự vào niềm vui của
Mẹ, được trở thành dấu chỉ để Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi của Ngài nơi anh
chị em chung quanh. Ðặc biệt, trong ngày lễ của Mẹ hôm nay, chúng ta hãy dâng
lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha:
"Lạy Cha là Chúa tể trời đất,
Chúng con chúc tụng Cha
Vì Cha đã không mạc khải cho những kẻ khôn ngoan kiêu
ngạo
Nhưng cho những kẻ bé nhỏ khiêm tốn
Cha đã
chọn Mẹ Mari để thực hiện lời hứa cứu rỗi chúng con,
Nhờ lời
cầu khẩn của Mẹ Maria
Ðặc biệt
trong ngày lễ của Mẹ hôm nay
Và nhân
danh Chúa Giêsu Kitô,
Ðấng
Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng con".
Xin cho
chúng con nhận ra sự hiện diện của Người và vui mừng tiếp rước Người đến ở với
chúng con. Và lạy Mẹ Maria, chúng con kính mừng Mẹ, Ðấng đầy ơn phước. Mẹ đã
lãnh nhận mọi phúc lành của Thiên Chúa để giúp chúng con. Thiên Chúa ở cùng Mẹ;
Ngài cũng đến ở với chúng con. Chúng con cũng sẽ cảm nghiệm được điều này như
Mẹ, nếu chúng con biết sống trung thành với ơn gọi như Mẹ. Xin Mẹ cầu bầu cho
chúng con được luôn sống trong niềm vui vì được Chúa hiện diện bên cạnh, và đặc
biệt trong chính chúng con.
(Veritas Assia)
Suy Niệm:
Ngày 7 tháng 10
Lễ Ðức Maria Trinh Nữ Mân Côi
(Kn 3,9-15.20; Cv 1,12-14; Lc 1,26-38)
Cử hành lễ Ðức Maria Trinh Nữ Mân Côi hôm nay, Giáo hội
Mẹ chúng ta muốn nhắc nhở con cái mình quý chuộng tràng hạt Mân Côi nhiều hơn
và sốt sắng cầu nguyện với chuỗi hạt quý hóa này không những trong tháng Mân
côi, nhưng suốt cả đời sống. Và cho được như vậy Giáo hội khuyên chúng ta hãy
suy nghĩ về những bài học hôm nay để thấy rõ vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria
trong lịch sử cứu độ hầu thích kết hiệp với Người hơn trong đời sống đạo đức.
A. Chúa Dùng Ðức Maria
Trong Mầu Nhiệm Cứu Thế
Mọi người đều biết bài sách Khởi nguyên, nhưng không ai
nghĩ đã hiểu được hết các ý mầu nhiệm. Nguyên tổ loài người bấy giờ vừa phạm
tội vì bị Satan lấy hình con rắn quỷ quyệt lừa gạt. Tác giả sách Thánh có nhiều
dụng ý khi viết như vậy. Ðối với ông, Satan là kẻ dối trá phỉnh phờ. Ông nhìn
thấy nó nơi hình thù các con rắn mà dân ngoại thời ông tôn thờ. Người ta thờ
rắn vì tưởng nó tinh khôn hơn hết thảy, và nghĩ nó có sự sống rất phong phú.
Người làm chính trị thờ nó; thường dân lại còn kính nó hơn nữa vì thời ấy người
ta muốn được trường thọ và con đàn cháu đống. Tác giả Thánh Kinh ghét thứ ngẫu
tượng ấy, ông phải dạy Dân Chúa tránh né hết sức quyến rũ của tà giáo đang
thịnh hành nơi các lân quốc. Ông khẳng định nguồn gốc mọi sự dữ ở đời là do
Satan, do tà giáo mà tượng trưng là thần rắn. Bản chất của nó là quỷ quyệt. Và
ai mắc mưu nó sẽ thấy mình trơ trẽn (hay trần truồng) bởi vì trong tiếng Dothái
quỷ quyệt và trần truồng cũng cùng một vần và một gốc. Cái này đẻ ra cái kia.
Kẻ ăn phải cái quỷ quyệt của con rắn sẽ thấy mình trần truồng, tức là bẽ bàng
vì bị lừa gạt và thấy rõ sức yếu đuối của mình.
Vậy nguyên tổ loài người đã ăn phải đũa của Satan, và
thấy trớ trêu, không dám chường mặt ra nữa. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ
rơi công trình do tay Người làm ra. Người đã đến gọi loài người sa ngã và quả
quyết: Người sẽ đặt hiềm thù giữa con rắn, tức là tà thần và người nữ; giữa
dòng dõi bà với dòng dõi nó. Dòng dõi bà sẽ nghiền nát đầu rắn; mà rắn thì chỉ
cắn được đến gót chân dòng dõi người đàn bà.
Thật ra Lời Chúa phán trên chỉ báo trước sẽ ban Ðấng
Cứu thế sinh ra bởi người trinh nữ. Chính Người sẽ nghiền nát đầu Satan và giải
cứu chúng ta... Nhưng truyền thống đã dựa vào Lời hứa trên để chờ mong người Nữ
diễm phúc nào sẽ sinh ra Ðấng Cứu thế. Và vì vậy Ðấng là Mẹ Chúa Cứu thế đã
được Dân Chúa mường tượng ngay từ buổi đầu. Ðức Maria, Mẹ của Chúa Yêsu, đã
hiện diện thật sự trong Lời hứa ban ơn cứu thế. Tất cả Lịch sử cứu độ từ nay
diễn ra trên nền trời mang hình ảnh Mẹ và Con. Cho đến ngày mà sứ thần Gabriel
được Chúa sai đến cùng người trinh nữ thành Nazarét, như chúng ta đọc thấy
trong bài Tin Mừng. Từ nay, khỏi nói, vai trò của Ðức Maria trong mầu nhiệm cứu
thế thật là quan trọng.
Chúng ta không cần phải nói thêm về vấn đề này; nhưng
để chúng ta đừng quên địa vị chủ yếu của Ðức Mẹ trong lịch sử Giáo Hội hiện
nay, Phụng vụ đã dùng bài đọc Công vụ các Tông đồ để gợi lên hình ảnh Ðức Mẹ ở
giữa Hội Thánh.
Bỏ núi Cây Dầu mà trở về Yêrusalem, sau khi đã chứng
kiến mầu nhiệm Chúa Yêsu lên trời, các Tông đồ khởi sự cuộc đời vắng sự hiện
diện hữu hình của Chúa Cứu thế. Nhưng họ được an ủi tràn trề khi thấy Mẹ Chúa
đang ở giữa mình. Và lập tức họ đã sinh hoạt vây quanh Người, với công việc đầu
tiên là cầu nguyện chờ đợi Thánh Linh đến để cùng hoạt động với mình.
Bức họa trên rất tiêu biểu. Nó phác họa lại buổi đầu
của Hội Thánh. Lịch sử sau này luôn luôn muốn trở về nguồn, đặc biệt sau Công
Ðồng Vatican II vừa qua. Luôn luôn Hội Thánh nhìn thấy sự sống và sức mạnh của
mình khi được ở chung quanh Ðức Mẹ để được thêm Thánh Thần đến sinh hoạt. Và đó
là điều Hội Thánh khuyên nhủ con cái mình một cách đặc biệt trong tháng này với
chuỗi hạt Mân Côi.
B. Nhưng, Tại Sao Dùng
Chuỗi Hạt Này?
Chúng ta có thể để ý và thấy rằng anh em lương dân cũng
có một chuỗi hạt tương tự. Chắc chắn có nhiều điểm khác nhau: nhưng yếu tố
tương tự cũng không nên khinh thường.
Bất cứ tôn giáo nào cũng cần cầu nguyện, mà mục đích
tiên khởi không phải là để xin ơn nọ ơn kia, nhất là những ơn phần xác; nhưng
là để mon men tới gần Thượng đế để kết hiệp với Người và múc lấy sự sống tốt
đẹp, thánh thiện, cao siêu, bình an và mạnh mẽ ở nơi Người. Cầu nguyện đích
thực là gặp gỡ trao đổi với nguồn mạch sự sống chân thật, mà sự sống trần gian
chỉ là một hình ảnh non yếu và mong manh. Người cầu nguyện cần có phương thế và
cách thức để làm công việc tinh tế và khó khăn này. Nhờ điêu luyện, một số ít
người và trong một số thời gian ngắn ngủi nào đó, có thể như không còn cần đến
bất cứ một phương tiện hữu hình nào cũng có thể đi sâu vào thế giới mầu nhiệm
của thần linh. Nhưng với đại đa số quần chúng và trong hầu hết mọi lúc khác cần
phải có phương tiện giúp đỡ việc cầu nguyện của con người. Các kinh đọc và các
cử chỉ quỳ gối, bái lạy... là những phương tiện như thế. Và chuỗi hạt Mân Côi
cũng vậy; nhưng với những tác động rất đặc biệt.
Ðây là những hạt đều đặn y hệt như nhau; ngón tay chúng
ta có thể trườn lên một cách dễ chịu và êm ái. Sau 10 hạt lại có một khúc rộng
hơn để ý thức của chúng ta nhận thêm đà cho giòng kết hiệp đi sâu thêm vào biển
mầu nhiệm mênh mông. Trong khi ấy, một kinh Lạy Cha được tiếp nối bằng 10 kinh
Kính Mừng và một kinh Sáng Danh, là những kinh cũng trơn tru êm ái như những
hạt mân côi. Ðọc những kinh ấy không đòi hỏi một cố gắng nào. Hơn nữa tiết điệu
âm thanh còn làm phẳng lặng tâm hồn và duy trì sự sống tâm linh dào dạt trong
mầu nhiệm. Ðàng khác đó lại là những kinh đẹp nhất trong Ðạo, phát xuất từ miệng
Chúa hay từ Lời Chúa, bao hàm những chân lý sâu xa và êm đềm. Nếu biết đọc
những kinh ấy cách khoan thai nhẹ nhàng, chắc chắn con người sẽ tìm thấy bình
an để đi vào mầu nhiệm và kết hiệp với Ðấng Linh thiêng.
Nói như vậy đã là phủ nhận cách đọc cào cấu; đọc lấy
được, lấy nhiều; đọc trong bối cảnh thiếu thư thái và bình an. Tốt hơn nữa có
thể không nên dùng động từ "đọc" ở đây. Lần chuỗi Mân Côi là nghiền
ngẫm, là suy niệm, là thả hồn vào mầu nhiệm kết hiệp với Thiên Chúa, Ðấng yêu
thương và cứu độ trần gian. Các hạt, các kinh là những phương tiện tối thiểu
cần cho con người tựa vào để lên với Ðấng Tạo Hóa và ở lại với Người. Vì bao
lầu còn sống trong xác thịt, con người vẫn cần những phương thế hữu hình để kết
hiệp với Ðấng Vô Hình.
Như vậy có thể nói các mầu nhiệm nhắc lên ở đầu mỗi
chuỗi kinh còn cần thiết hơn. Và tràng hạt Mân côi rất quý hóa ở điểm này. 20
mầu nhiệm vui, sáng, thương, mừng bao quát một cách tốt đẹp tất cả Lịch sử cứu
độ. Suy niệm những điều ấy là gieo mình vào giòng thác ân sủng đã phát xuất từ
lòng Thiên Chúa tình yêu và đang trở về nguồn suối phong phú ấy. Con người tìm
thấy mình ở giữa giòng lịch sử. Họ ý thức hơn về địa vị và vai trò của mình ở
trong tất cả trời đất và thế giới loài người. Họ biết mình đang sống bám vào
đâu và đang đi về phương hướng nào. Lần chuỗi Mân côi như vậy là đi vào lịch
sử, lịch sử đang tiếp diễn, lịch sử có mình ở trong và phải đóng vai trò của
mình. Ðó là lúc người ta sống chân thực mãnh liệt và là dịp để người ta dấn
thân trọn vẹn và tốt đẹp hơn.
Hội Thánh khuyến khích chuỗi Mân côi vì những lý do đó.
Các Ðức Giáo Hoàng kêu gọi tín hữu yêu chuộng chuỗi này vì các hiệu quả tốt
lành đã được lịch sử làm chứng. Một phương thức thật đơn sơ nhưng lại thật
phong phú! Ðó là hiện tượng thông thường ở trong tôn giáo, vì ở đây sự nhỏ bé,
yếu đuối và tầm thường lại dễ để cho quyền năng của Chúa thi hành những việc kỳ
diệu. Và như vậy tất cả chúng ta đều muốn quý chuộng tràng hạt và việc lần hạt
Mân côi nhiều hơn:
C. Lần Hạt Thế Nào?
Dĩ nhiên như đã nói, không phải vấn đề đọc nhiều đọc to
là đáng kể. Trái lại trước hết phải có bầu khí cầu nguyện và chiêm niệm. Phải ở
trong một môi sinh thư thái, cần "nghỉ ngơi" bồi dưỡng như Lời Chúa
nói. Vì thế không được coi việc lần chuỗi như là một việc phải làm cho xong và
nếu không làm thì áy náy sợ tội.
Không! Chúng ta cầm lấy chuỗi hạt là như muốn diễn lại
cho mình câu truyện của bài sách Công vụ hôm nay. Chúng ta cùng với Giáo Hội
đến bên Ðức Mẹ để được thấy tỏa sang mình những mầu nhiệm của Chúa Cứu thế, là
những mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa muốn cứu độ và giúp chúng ta hoàn thành
tốt đẹp cuộc sống ở trần gian. Các Tông đồ ngày trước ngồi bên Ðức Mẹ để rồi
lãnh nhận được Thánh Thần dồi dào mạnh mẽ như thế nào, thì khi lần hạt Mân côi
với Ðức Mẹ và bên Ðức Mẹ, chúng ta cũng muốn được thêm thần lực và sự sống thần
linh chảy sang như thế để đổi mới, bồi dưỡng cuộc sống trần gian của mình.
Thế nên trọng tâm của việc lần chuỗi không phải là đọc
các kinh. Cũng không phải là việc suy tư các mầu nhiệm vui, sáng, thương, mừng.
Các mầu nhiệm gợi lên ở đầu mỗi chục hạt không phải để chúng ta chúi mũi nhọn
tư tưởng vào các biến cố của Lịch sử cứu độ. Làm như vậy sẽ là suy tư. Mà suy
tư thì khác với suy niệm. Các mầu nhiệm tốt đẹp kia cũng chỉ là phương tiện
giúp chúng ta nhảy vào việc yêu mến kết hiệp với Thiên Chúa, Ðấng đang muốn cứu
độ chúng ta. Ðể cho tư tưởng dừng lại nơi các mầu nhiệm gợi lên hầu khám phá ra
những chi tiết mới mà xưa nay chưa biết, sẽ là nghiên cứu và suy nghĩ về phương
tiện chứ chưa phải là dùng phương tiện để bay lên với Chúa. Loài người chúng ta
yếu đuối, không ý tứ và không có phương tiện nào giúp đỡ thì cầu nguyện sẽ dễ
trở thành mơ mộng làm mệt sức. Trái lại được các mầu nhiệm nói lên và nhắc lại
các hành vi cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta như được khuyến khích và được đẩy
đi để bay vào lòng Thiên Chúa đang yêu thương và muốn bồi dưỡng chúng ta. Chúng
ta sẽ ra khỏi giờ suy niệm và lần chuỗi khoan khoái khỏe khoắn hơn để dấn thân
tích cực và hân hoan hơn. Giống như các Tông đồ khi cầu nguyện vây quanh Ðức Mẹ
đã nhận được Thánh Thần tràn trề để ra đi xây dựng thế giới mới.
Chúng ta có thể được bổ dưỡng như thế mỗi khi lần chuỗi
Mân côi. Nhưng chắc chắn đó không phải là việc dễ. Chúng ta luôn luôn phải tập.
Và cứ làm, cứ làm tốt hơn sẽ có công hiệu. Cũng như đối với thánh lễ. Ðó là cả
một mầu nhiệm phong phú. Nhưng phải cố gắng tham dự và biết tham dự mới được ơn
ích. Và chính mỗi lần cố gắng là một bước tiến và hứa hẹn dào dạt. Hôm nay
chúng ta cố gắng tham dự thánh lễ. Chúng ta cũng sẽ cố gắng lần chuỗi Mân côi
hôm nay, trong tháng này và trong suốt đời. Nếu có chán, nếu có thấy không đi
đến đâu, chúng ta vẫn không nản nhưng vẫn tin tưởng, cầu xin và cố gắng làm đi
làm lại cho tốt. Chúa và Ðức Mẹ sẽ không bỏ rơi những người con thiện chí như
vậy. Tương lai của họ nhất định sẽ đẹp đẽ vì như trên đã nói, lần chuỗi Mân côi
là tìm thấy chỗ đứng của mình trong Lịch sử cứu độ và tìm thấy sức mạnh mới để
thi hành vai trò của mình ở trong lịch sử ấy. Hiểu như vậy thì lần chuỗi cũng
là một thứ dâng lễ và dâng lễ tốt sẽ giúp lần chuỗi thành công.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 27 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Gen 2:18-24; Heb 2:9-11; Mk 10:2-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lý tưởng của Thiên
Chúa và khuyết điểm của con người.
Khi Thiên Chúa truyền
cho con người làm điều gì, con người có thể hay có khả năng làm điều đó; vì
Ngài không thể truyền cho con người làm điều gì họ không thể làm. Có nhiều lý
do khiến con người không làm điều Thiên Chúa truyền: (1) Con người không muốn
làm điều Thiên Chúa truyền, mà chỉ muốn làm điều con người muốn, vì nó phù hợp
với con người hơn. (2) Con người có khả năng làm; nhưng không chịu cố gắng làm
vì lười biếng, sợ khó khăn, sợ gian khổ, hay sợ chết. (3) Có những điều con
người chỉ có thể làm được với ân sủng Thiên Chúa ban qua các Bí-tích.
Các Bài Đọc hôm nay đặt
trọng tâm trong sự trung thành của ơn gọi gia đình, điều mà nhiều người cho là
không thể thực hiện được. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế xác nhận ơn gọi
hôn nhân nằm trong kế-hoạch của Thiên Chúa cho con người ngay từ đầu. Thiên
Chúa không muốn cho con người sống đơn độc một mình; nhưng muốn con người có
một người bạn đồng hành. Ngài đã dùng một xương lấy ra từ cạnh sườn con người,
và lấp đầy thịt vào để tạo nên người đàn bà. Ngài dẫn người đàn bà đến trước
mặt người đàn ông, và người đàn ông đã nói: "Này đây là xương bởi xương
tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông
ra." Họ là cặp vợ chồng đầu tiên; và từ đó đến nay, các đàn ông lìa cha mẹ
mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một thịt. Trong Bài Đọc II, sức mạnh và
ơn thánh giúp con người có thể làm điều Thiên Chúa truyền đến từ Đức Kitô. Qua
Cuộc Thương Khó và cái chết của Ngài, con người được tha tội và thánh hóa nhờ
các Bí-tích Đức Kitô đã thiết lập. Con người phải xử dụng nguồn năng lực này,
để có thể sống theo Lề Luật của Thiên Chúa và những lời dạy dỗ của Đức Kitô.
Trong Phúc Âm Marcô, khi mấy Biệt-phái đến hỏi thử Chúa Giêsu về việc có được
ly dị vợ không; dù Chúa Giêsu biết Moses cho phép ly dị vì sự cứng lòng của dân
chúng, Ngài vẫn xác quyết ý định của Thiên Chúa khi dựng nên con người ngay từ
thuở ban đầu là không được. Lý do: "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài
người không được phân ly."
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc 1: Giao
ước hôn nhân nằm trong ý định của Thiên Chúa ngay từ đầu.
1.1/ Ý định của Thiên
Chúa cho con người: Đây là trình thuật thứ hai về việc tạo dựng; tác giả chú trọng
đặc biệt đến sự kết hiệp giữa người nam và người nữ trong ơn gọi gia đình.
+ Thiên Chúa không muốn
con người ở một mình: Trước tiên chúng ta cần chú ý: đây là thánh ý của Thiên Chúa, chứ
không phải do ý con người muốn. Con người đầu tiên không than phiền Thiên Chúa
vì không có đàn bà; nhưng chính Thiên Chúa nhận ra con người ở một mình là
không tốt. Thiên Chúa muốn tìm cho con người một "trợ giúp tương xứng với
nó."
+ Chữ người trợ giúp (bôêthos trong
LXX, và hêzer trong
MT) cũng gây ra nhiều bàn cãi. Có người cho đàn bà chỉ là người trợ giúp của
đàn ông; vì thế, các bà không bao giờ được coi là ngang hàng với các ông. Cách
cắt nghĩa này không có cơ sở, vì Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần cũng được gọi là
Đấng Trợ Giúp con người. Các Ngài phải có uy quyền hơn thì mới trợ giúp con
người được.
+ Khó khăn không ở chỗ
dùng danh từ người "trợ tá, bạn đồng hành;" nhưng ở chỗ cắt nghĩa
cho đúng giới từ trong tiếng Do-thái (kenegdô)
và Hy-lạp (kat' auton). Bản
Việt-nam của Nhóm PVCGK dịch tương đối sát nghĩa là "tương xứng hay thích
hợp;" nhưng tương xứng theo ý nghĩa nào: cách thể lý, trí tuệ, luân lý,
hay tinh thần.
1.2/ Tìm một "trợ tá
tương xứng" cho con người.
(1) Thiên Chúa thử các
thú vật trước: ''Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim
trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi
mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật,
mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá
tương xứng.'' Loài vật cho dù có nhiều điểm thích hợp với con người như đẹp đẽ,
hiền lành, dễ thương, trung thành; nhưng không thể nào so sánh với con người.
Việc đặt tên theo truyền thống Do-thái có nghĩa người đặt tên có quyền trên
người bị đặt tên.
(2) Thiên Chúa tạo dựng
đàn bà:
''Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con
người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt
thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm
thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.''
(3) Phản ứng của người
đàn ông:
Con người nói: "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!
Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra." Ông nhận ra
ngay nàng là một phần của thân thể mình. Ông muốn sống gắn bó với nàng hơn bất
kỳ ai khác. Trình thuật kết thúc với kết luận: ''Bởi thế, đàn ông sẽ lìa cha mẹ
mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một thịt.''
2/ Bài đọc 2: Đức
Giêsu trải qua gian khổ để dẫn đưa con người tới nguồn ơn cứu độ.
2.1/ Đức Kitô trải qua
Cuộc Thương Khó để đền tội cho con người: Bản dịch của PVGK có thể gây hiểu lầm khi dùng
chữ "con người;" bản Hy-lạp nói rõ là Chúa Giêsu: ''Nhưng Chúa Giêsu
đã bị hạ thấp hơn các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại
thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì Ngài đã
cam chịu tử hình: Con Người đó, chính là Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đã phải
nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.''
Để con người đạt được ơn
cứu độ, trước tiên, Chúa Giêsu phải gánh tội và hình phạt cho con người, bằng cách
chấp nhận đau khổ qua Cuộc Thương Khó của Ngài. Một khi đã được tha tội, con
người được hòa giải với Thiên Chúa.
2.2/ Đức Kitô không chỉ
tha tội; nhưng còn thánh hóa con người: Tác giả Thư Do-thái xác quyết điều này: ''Thật
vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn
gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em.'' Mặc dù Chúa Giêsu đã
gánh tội và ơn cứu độ giờ đây là của con người; nhưng họ vẫn phải chứng minh
cho Thiên Chúa niềm tin vào Đức Kitô bằng cuộc sống chứng nhân; chẳng hạn,
trung thành trong ơn gọi gia đình, tu sĩ, hay linh mục. Để có sức mạnh làm
những điều này, Đức Kitô thiết lập các Bí-tích.
Nhiều người ngày nay đã
quên hay không biết sự cần thiết của các Bí-tích trong cuộc đời; nhất là hai
Bí-tích: (1)
Thánh Thể:
Đây là Bí-tích ban sức mạnh để con người có thể đương đầu với các cám dỗ, khó
khăn, và thử thách trong cuộc đời. (2) Hòa Giải: giúp con người nhận ra các tội lỗi mình
đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến tha nhân; đồng thời nó cũng giúp con người dễ
thông cảm, tha thứ, và giải quyết các xung đột trong đời sống gia đình.
3/ Phúc Âm: Vấn
đề ly dị và có con.
3.1/ Yếu đuối của con
người: Có
mấy người Pharisees đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có
được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người.
(1) Luật của Moses: Chúa Giêsu hỏi:
"Thế ông Moses đã truyền dạy các ông điều gì?" Họ trả lời: "Ông
Moses đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Đức Giêsu nói rõ lý do có
luật này của Moses:: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Moses mới
viết điều răn đó cho các ông.''
(2) Tại sao Giáo Hội cho
phép ly dị, nếu đó là Luật Thiên Chúa? Chúng ta cần phân biệt hai điều: Thứ nhất, lý tưởng mà Thiên Chúa
muốn con người đạt tới. Lý tưởng này không bao giờ thay đổi; và thực tế cũng
chứng minh nhiều người đã đạt tới lý tưởng này. Nhiều cặp vợ chồng đã trung
thành với nhau đến khi chết, dù phải trải qua bao gian khổ. Thứ hai, yếu đuối và tội lỗi
làm con người không đạt tới lý tưởng của Thiên Chúa. Khi con người không đạt
được lý tưởng, không có nghĩa là lý tưởng của Thiên Chúa muốn không thể thực
hiện được, hay Lề Luật của Thiên Chúa sai; nhưng con người phải khiêm nhường
thống hối vì yếu đuối tội lỗi của mình. Hội Thánh gỡ dây hôn phối là vì những
tội lỗi, yếu đuối, và cứng lòng của con người. Có nhiều lý do để gỡ; một cách
tổng quát là không chịu học hỏi hay coi thường Bí-tích Hôn Phối như:
- Cha mẹ ép buộc con cái
phải lấy người chúng không muốn, vì cha mẹ tham quyền cao, chức trọng, hay lợi
nhuận vật chất. Trường hợp này, con cái thiếu tự do để kết hôn.
- Con người kết hôn bừa
bãi: Đa số trường hợp Giáo Hội giải quyết là trường hợp "lack of
form," có nghĩa: không theo Lề Luật của Giáo Hội, không thành Bí-tích.
Chẳng hạn, làm hôn thú giả vì muốn xuất ngoại, vì tham tiền, hay vì bất cứ lý
do nào khác.
- Vợ chồng không chịu
tìm hiểu nhau kỹ lưỡng trước khi kết hôn: lấy người đã có gia đình, lấy người
bị ngăn trở không được kết hôn, lấy người không cùng tôn giáo.
- Vợ chồng không sống
đức tin và không chịu lãnh nhận ơn thánh từ các Bí-tích: Làm sao có khôn ngoan,
sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống?
- Con người không có sức
chịu đau khổ: Trường hợp của những người bị người phối ngẫu ly dị. Với ơn
thánh, con người có thể vượt qua sự cô đơn và những đòi hỏi của thân xác.
3.2/ Vấn đề với con trẻ: Người ta dẫn trẻ em đến
với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy
vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn
cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật
anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng
được vào." Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
Một vấn đề khó khăn nữa
mà các vợ chồng ngày nay hay than phiền là không muốn có con, hay chỉ muốn có 2,
3 con; một số lý do họ nêu ra:
(1) Sợ con trẻ gây phiền
hà: Đây là
lý do các môn đệ sợ ngăn cản chúng đến với Chúa Giêsu. Người lớn hôm nay sợ trẻ
con hàn nhà làm họ phải thu dọn tối ngày, sợ con trẻ ồn ào làm mất sự yên tĩnh,
sợ chúng khóc đêm làm mất giấc ngủ, sợ chúng phá phách làm hư hại đồ dùng trong
nhà.
(2) Sợ phải săn sóc con
trẻ: Con
trẻ không tự săn sóc chúng, mà chỉ trông cậy hoàn toàn vào người lớn. Nhiều cặp
vợ chồng sợ phải tốn thời gian để chăm sóc trẻ em sẽ không còn giờ lo cho bản
thân họ.
(3) Những ngụy biện của
con người ngày nay để không có nhiều con trẻ: Sinh nhiều quá lấy chỗ đâu mà sống; khả
năng tài chánh không có để lo cho con; sợ con trẻ hư, nên thà đừng có tốt cho
chúng hơn.
Đàng sau những lý do này
là chủ nghĩa cá nhân và tính ích kỷ. Con người hôm nay sợ phải tốn thời gian
săn sóc và dạy dỗ con trẻ, sẽ không còn giờ để săn sóc mình và đi đây đó. Họ sợ
sinh con vóc dáng sẽ xấu đi. Họ sợ tốn tiền cho con sẽ không còn thời giờ lo
cho mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Khi Thiên Chúa truyền
chúng ta làm điều gì, chúng ta có khả năng làm chuyện đó. Chúng ta cần phải tin
tưởng và làm theo những gì Chúa dạy, tập luyện để sống nhân đức, và tận dụng
các ơn thánh Thiên Chúa ban qua các Bí-tích.
- Chúng ta cần học hỏi
để biết cách lãnh nhận và hiệu quả của các Bí-tích mang lại; nhất là phải biết
thường xuyên lãnh nhận các Bí-tích mỗi khi có thể.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Chúa
Nhật tuần 27 thường niên, năm B
Suy niệm: Ðức Giêsu khẳng định luật nguyên thủy của hôn
nhân là một vợ một chồng: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không
được phân ly". Thế mà con người ngày nay đang đi ngược với luật Chúa. Biết
bao cảnh gia đình tan rã, vợ chồng phân ly không ngừng diễn ra trên thế giới.
Ðiều đó cho thấy con người đang đánh mất dần ân sủng và hiệu quả của bí tích
Hôn Phối.
Ðức Giêsu cũng còn nhấn mạnh đến việc tự nguyện
sống độc thân trọn vẹn để phục vụ Nước Trời. Ðó chính là ơn gọi sống đời dâng
hiến, một ơn gọi cao quí Thiên Chúa ban riêng cho những người Chúa chọn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa chúc phúc cho chúng con, dù sống
bậc hôn nhân, hay tu trì tận hiến. trong ơn gọi mỗi người xin cho chúng con
biết ý thức rằng: Yêu thương là con đường của Chúa. ước gì mọi gia đình chúng
con sống hòa hợp để làm phát sinh những người con ích lợi cho xã hội. cho Nước
Trời. Xin cho các bậc tu trì biết hoàn toàn hiến thân vì hạnh phúc muôn người,
để danh Chúa được vinh sáng. Amen.
Ghi nhớ :"Sự gì Thiên Chúa
đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".
07/10/12 CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – B
Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38
Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38
ĐẤNG BA LẦN PHÚC
Sứ thần vào nhà trinh
nữ và nói : “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”(Lc 1,28)
Suy niệm: Trong chuỗi Mân Côi, kinh Kính Mừng là kinh được lặp đi lặp
lại nhiều hơn cả. Kinh này có hai phần. Phần một suy niệm về ân phúc nhờ đó Mẹ
được ca tụng; phần hai là lời khẩn nguyện của mỗi tâm hồn. Ở phần một, tiếng
“phúc” được nhắc đến ba lần. "Phúc", vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ.
"Phúc", vì Mẹ được chọn giữa các người nữ. "Phúc", vì Đức
Giêsu ở trong lòng Mẹ. Nếu suốt chuỗi dài của lịch sử dân tộc mình, người Do
Thái đã thấy hạnh phúc và bình an khi có Hòm Bia Thiên Chúa ở giữa họ, dù Hòm
Bia chỉ là dấu chỉ, là sự thông báo có Đấng ban muôn ân phúc cho họ, thì nay,
Đấng ấy đến trong lịch sử nhân loại, hiện diện trong lòng Mẹ. Mẹ là kho tàng ân
phúc, bởi Đức Giêsu trong lòng Mẹ là nguồn mạch mọi ân phúc. Do đó, khi xướng
kinh Kính Mừng, tín hữu vừa ca tụng tình yêu Chúa, vừa chúc mừng Mẹ, vừa nhận
ra mình đang hạnh phúc như Mẹ: Chúa đang ở trong mình.
Mời Bạn: Mỗi khi hiện ra, Mẹ luôn kêu gọi siêng năng lần hạt Mân
Côi, và Đức Thánh Cha Phaolô đệ lục đã nói: sau giờ kinh phụng vụ, chuỗi Mân
Côi là cao điểm của kinh nguyện gia đình. Bạn, gia đình bạn còn trung thành lần
chuỗi Mân Côi không?
Sống Lời Chúa: Bạn dâng một chuỗi cầu nguyện cho một người hay một gia
đình đang xa Chúa. Xin cho họ được phúc có Thiên Chúa ở cùng.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ, Mẹ được hạnh phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ và Mẹ
sống tận hiến đáp lại tình Chúa yêu. Xin cho con đừng quên lãng hạnh phúc này,
nhất là khi rước Thánh Thể, Con Mẹ. Ước chi con biết tận hiến như Mẹ.
Đức Chúa ở cùng bà.
Khi
thực thi Lời Chúa trong cuộc sống, chúng ta sinh Ðức Giêsu cho nhân loại hôm
nay. Ngài vẫn cần những người mẹ để có mặt đến tận thế.
Suy niệm:
Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng,
vội vã.
Chuỗi Mân Côi làm lòng ta lắng xuống, thanh
thản bình an
để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi
Mẹ.
Kính Mừng Maria đầy ơn phúc.
Ðây là lời sứ thần chào Mẹ lúc truyền tin,
lời mời Mẹ vui lên vì ơn cứu độ nay đã đến.
Mẹ đầy ơn phúc vì được Thiên Chúa đặc biệt yêu
thương.
Tình thương Chúa chở che Mẹ ngay từ lúc chưa
chào đời,
và tình thương ấy còn bao bọc Mẹ mãi mãi.
Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Ðấng Cứu Thế,
nên Mẹ được giữ gìn khỏi vết nhơ nguyên tội.
Chúng ta được dự phần vào niềm vui và ân phúc
của Mẹ
vì chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyển chọn,
yêu thương
được tẩy xóa nguyên tội để trở nên thụ tạo mới.
Ðức Chúa Trời ở cùng Bà.
Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở
cùng,
để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa.
Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ một cách độc nhất vô
nhị.
Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi
Lời,
Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh,
nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con
người.
Nhiều lần trong mỗi Thánh Lễ,
vị linh mục chúc chúng ta: Chúa ở cùng anh chị
em.
Kitô hữu là người có Ðức Kitô ở cùng
và được mời gọi đem Ngài đến cho thế giới.
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ.
Ðó là lời bà Êlisabét ca ngợi Mẹ (Lc 1, 42)
vì chỉ mình Mẹ được diễm phúc sinh hạ Ðấng
Mêsia.
Mẹ đã cưu mang Người và cho Người bú mớm (Lc
11, 27).
Nhưng sau đó bà Êlisabét còn ca ngợi Mẹ có phúc
vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói với
Mẹ (Lc 1, 45).
Tin là dám buông đời mình trong tay Chúa
và để Ngài dẫn đi trong đêm tối của lòng tin.
Mọi tín hữu đều được mời sống hành trình đức
tin như Mẹ,
để được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc:
“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29)
Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời.
Chỉ Thiên Chúa là Ðấng Thánh và là nguồn mọi sự
thánh thiện.
Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt
vời,
vì Mẹ được chọn làm Mẹ Ðức Giêsu, Mẹ Thiên
Chúa,
và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ.
Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Ðức
Giêsu,
nhưng chính Ngài lại mời gọi ta làm mẹ của
Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi là những ai
nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc
8,21).
Khi thực thi Lời Chúa trong cuộc sống,
chúng ta sinh Ðức Giêsu cho nhân loại hôm nay.
Ngài vẫn cần những người mẹ để có mặt đến tận
thế.
Chẳng có gì Ðức Maria được hưởng cách viên mãn,
mà Hội Thánh và từng người lại không được dự
phần.
Xin Mẹ cầu cho ta khi này và trong giờ lâm tử.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ
Maria,
khi đọc
Phúc Âm,
lúc nào
chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi
giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa
con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm
con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi
thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối
cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm
hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con
người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con
thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi
bước đường của cuộc sống.
Chẳng
phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những
con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ
lên đường mỗi ngày,
đừng sợ
đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải
chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng
con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con
người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Lễ Mân Côi
Thế
giới ngày nay là thế giới của tiện ích. Vì thế, người ta thường kết hợp nhiều
lợi ích vào trong một cái. Dầu gội đầu cũng 2 trong 1. Điện thoại di động, vừa
để nghe gọi, vừa để chụp hình, vừa là vi tính, năm sáu thứ trong một. Trong
ngày lễ hôm nay, xin được giới thiệu một thứ; rất nhỏ bé, rất gọn, rất đơn sơ
nhưng lại ẩn chứa bốn, năm lợi ích trong một: mà những lợi ích ấy toàn là những
lợi ích to lớn. Đó là cỗ tràng hạt Mân Côi. Đây là món quà được đưa xuống từ
Trời. Chỉ vì tình thương da diết với con cái mà người Mẹ với tước hiệu Nữ Vương
Thiên Đàng, đã muốn gởi tặng từng người con.
1-
Đó là mốt món quà thật nhỏ, thật xinh. Nhỏ, để người nào cũng có thể cất giữ
trong người trong mọi giây phút. Nhỏ, bởi đó là một lời kinh rất dễ đọc, bất cứ
ai cũng có thể thuộc. Vì lời kinh ấy chính là lời chào ngắn gọn của sứ thần
Gabrien, khi truyền tin cho Trinh Nữ Maria.
2-
Tuy nhỏ, nhưng việc lần hạt ấy, lại có thể làm được một điều diệu kỳ. Mỗi chục
kinh, lại có ghi lại một chặng đường cứu độ của Chúa Giêsu. Và vì vậy, khi vừa
đọc chục kinh, vừa suy gẫm chặng đường cứu độ của Chúa Giêsu, là ta mở được
chiếc van, để ơn thánh của Chúa chảy tràn xuống trên linh hồn ta; và ta được
đưa vào để hòa nhập với cuộc đời bình thường nhưng thánh thiện, cũng như cuộc
thương khó và sự sống lại vinh quang của Ngài. Ta dần dần trở nên đồng hình
đồng dạng với Chúa Giêsu.
3-
Khi ta cầm trí lần hạt, Mẹ Maria sẽ hiện diện bên ta; để giúp ta xua tan đi
những lo lắng, buồn khổ trong đời, giúp hồi sinh một con tm đang tan tác, chán
chường. Mẹ ở bên ta, để phá tan sự tuyệt vọng lụn bại đang đè chết hồn ta. Và
làm bừng lên một niềm hy vọng mới. Đưa ta ra khỏi cơn giông tố chán chường, tăm
tối và cho ta nhìn được ánh sáng của niềm vui giữa cuộc đời.
4-
Với lời kinh Mân Côi ta đọc, Mẹ sẽ đến bên ta, để tăng cho ta sức mạnh, hầu có
thể chiến đấu với ma quỷ, là kẻ thù ẩn mặt, nhưng lại suốt ngày kè kè bên ta.
Trước những hiểm độc của cám dỗ, ta thường dễ sập bẫy, thua trận. Vì thế, nếu
không có Mẹ phù trợ, nâng đỡ, ta khó có hy vọng chiến thắng, vượt qua.
4-
Với kinh Mân Côi, ta đọc mỗi ngày thì một niềm vui mới tràn dâng trong ta. Vì
ta biết chắc một điều: Mẹ sẽ cứu ta trong giờ lâm tử. Đó cũng là điều hợp lý
thôi. Vì khi siêng năng lần hạt, ta sẽ được giữ gìn, để luôn sống với tư cách
của một người con ngoan của Chúa. Và phần thưởng cuối cùng cho một đứa con
ngoan là điều Chúa Giêsu đã hứa từ trước.
Gợi ý suy niệm
1-
Mỗi tuần, bạn lần hạt được mấy lần?
2-
Bạn đã lần nào cảm nghiệm được hồng ân mà Đức Mẹ ban cho bạn qua việc lần hạt
chưa?
(Suy
niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long
Xuyên số 10 & 11/2012’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
Tháng 10
7 THÁNG MƯỜI
Kiên Vững Trong Niềm
Tin Của Chúng Ta
Tất cả chúng ta phải xác
tín rằng trong hiện tình của đời sống Giáo Hội, chúng ta phải tin tưởng vào
Thiên Chúa và không thối chí nản lòng trước bao khó khăn mà mình phải đương
đầu. Rất dễ có nguy cơ chúng ta đâm bối rối, ngay cả tuyệt vọng và cay đắng.
Chúa vẫn luôn dẫn dắt Giáo Hội của Người. Người dùng Giáo Hội để hoàn tất các
mục đích của Người, nhưng Người không hề chước miễn cho Giáo Hội khỏi những khó
khăn, nghịch cảnh và lo âu trong cuộc đời này.
Để đương đầu với những
thách đố ấy, chúng ta cần phải gặp gỡ, thảo luận và lập chương trình cho tương
lai. Chúng ta phải nghĩ ra những ý tưởng mới và tìm kiếm những phương thế mới,
hầu có thể củng cố Giáo Hội và đẩy mạnh việc thánh hóa các linh hồn, không ngừng
rao giảng cho mọi người Tin Mừng của Đức Kitô. Tiềm ẩn bên trong các khó khăn
của chúng ta là sứ điệp đầy năng lực đổi mới của Đức Kitô.
Đám đông dân chúng hỏi
Đức Giêsu: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện việc Thiên Chúa muốn?” Đức
Giêsu trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn các ông làm, đó là tin vào Đấng Người
sai đến" (Ga 6,28-29). Đây là mệnh lệnh nền tảng cho chúng ta, một mệnh
lệnh vẫn còn hiệu lực cho mọi người mọi nơi mọi lúc.
Những lời tâm huyết mà
Thánh Phaolô viết cho môn đệ Timôthê của Ngài cũng thật ý nghĩa cho chúng ta:
“Hãy công bố Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận
tiện ; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm
dạy dỗ” (2 Tm 4,2).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật XXVII Thường Niên,
Kính Trọng Thể Đức Mẹ Mân
Côi;
Cv 1, 12-14; Gl 4, 4-7, Lc 1, 26-38
LỜI SUY NIỆM: Bản văn Truyền Tin
cho chúng ta chiêm ngắm về mầu nhiệm của Đức Mẹ, Mẹ đã lắng nghe, Mẹ đã
tự hỏi và Mẹ đã hỏi, cuối cùng Mẹ quyết định, và Mẹ thưa với sứ thần: “Vâng,
tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Mẹ đã
cưu mang Chúa Cứu Thế trong lòng mình. Chính sự kiện truyền tin của Đức Mẹ. Hôm
nay, mỗi người trong chúng ta cũng được chính Chúa Giêsu mời gọi: “Ai ăn
thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa
Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn
tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,56-57). Chúng ta cần luôn tỉnh
thức để nhận ra trong mỗi chúng ta cũng như người anh em đều đang có Chúa ngự.
Để tự biết tôn trọng phẩm giá của mình và của nhau.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 07-10
THÁNH MẪU MÂN CÔI
Chuỗi Mân Côi là quà
tặng quí báu, Thiên Chúa và Đức Mẹ trao cho chúng ta. Người ta gọi chuỗi Mân
Côi là kinh nguyện của người bình dân. Thực vậy, cho tới thế kỷ XII, Hội Thánh
chỉ dùng 150 thánh vịnh làm kinh nguyện chính thức. Tới khi bà thánh Birgitta
được ơn Chúa soi sáng mới đặt ra chuỗi 150 Kinh Kính Mừng để thay thế cho 150
Thánh vịnh.
Các mầu nhiệm Mân Côi
còn được gọi là cuốn sách Phúc âm rút gọn của người bình dân, bởi vì sau này
người ta thêm 15 mầu nhiệm vào kinh Mân côi. Cứ 10 kinh Kính mừng lại suy gẫm
vê một mầu nhiệm mùa Vui, Thương hoặc Mừng.
Chuỗi Mân Côi rất cao
quí vì chính nội dung của nó như chúng ta vừa đề cập tới. Người biết xử dụng sẽ
gặp được hiệu quả phi thường. Ngay trong sự tích việc thành lập lòng sùng kính
này đã đã ghi dấu bằng một phép lạ đặc biệt. Ngày kia trên đường đi Tây Ban
Nha, hai thánh Đôminicô và Bernađo chẳng may bị sa vào tay quân cướp. Sau khi
bóc lột tất cả, chúng bắt các Ngài phải làm nô lệ chèo thuyền. Một lần con
thuyền bị bão đánh giữa khơi. Trong cơn nguy nan, thánh Đôminicô đã cầu xin Đức
Mẹ và được Ngài hiện ra dạy phải lần chuỗi Mân Côi. Mọi người trong thuyền đều
hứa sẽ thực hiện theo lời chỉ dạy của Mẹ. Bão tố liền tan biến.
Cũng chính thánh
Đôminico, trong cuộc tranh đấu chống lại bè rối Albigeois năm126, một lần nữa
được Đức Mẹ dạy cho biết phải dùng chuỗi Mân Côi làm khí giới. Thánh nhân đã
dốc toàn lực phổ biến thực hành đạo đức này và được gặt hái được thành quả mĩ
mãn. Bè rối Albigeois hoàn toàn bị tiêu diệt.
Năm 1571, lịch sử được
chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân Côi mang lại. Chính biến cố lịch
sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân Côi, Khi ấy quân Hồi Xâm lăng Au
Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân công giáo. Cùng với việc triệu
tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu
gọi mọi người chạy đến với Kinh Mân côi. Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra
tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới tồi tàn, người công giáo
đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu, từ
Roma, Đức Giáo hoàng đã thấy được cuộc chiến thắng này và nói với các vị trong
giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức giáo hoàng đã thiết
lập một lễ để ghi nhớ chiến thắng này.
Lịch sử còn ghi lại
nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã
mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9
năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan ...
Chuỗi Mân côi vẫn còn là một phương thế cứu rỗi hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi
hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima , Đức Mẹ đều
kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân côi.
Vậy khi mừng lễ Thánh
mẫu Mân Côi, Giáo hội muốn chắc lại sức mạnh cứu rỗi vô song của Kinh mân côi
và kêu gọi mọi người hãy năng lần chuỗi Mân Côi như phương thế hữu hiệu để cải
thiện đời sống và xây dựng Nước trời.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
07 Tháng Mười
Chờ Ðợi
Theo tâm lý thông thường,
ai cũng sợ phải chờ đợi, ai cũng sợ phải xếp hàng cả ngày. Ít hay nhiều, sự chờ
đợi nào cũng là một cực hình. Nhưng mâu thuẫn thay, chúng ta lại thường biến cuộc
đời thành một thứ đợi chờ, thành những phòng đợi triền miên...
Cả tuần lễ, ai cũng mong
được đến ngày thứ Bảy, Chúa Nhật để được nghỉ ngơi. Chúa Nhật này đến, chúng ta
lại chờ đợi Chúa Nhật khác đến. Tháng này đến, chúng ta lại chờ tháng sau. Năm
này đến, chúng ta lại chờ năm sau...
Lên xe, chúng ta mong đến
đích điểm. Khi đến nơi, chúng ta lại thấp thỏm mong ra về. Vào rạp chiếu bóng,
nhiều người thường vội vàng đứng dậy trước khi cuốn phim chấm dứt: họ làm như
thể vào rạp chiếu bóng là chỉ để mau đến giây phút ra về. Ði dự thánh lễ, dù lễ
chưa xong, đã có kẻ muốn vội vàng đứng lên ra về: họ làm như thể chỉ đến nhà
thờ để mong cho đến giây phút tan lễ. Vừa ra khỏi nhà, đã chờ mong để quay trở
lại, nhưng khi vào nhà thì lại đợi đến lúc đi ra.
Với sự nóng lòng chờ đợi
giây phút sẽ tới này, chúng ta sống như thể cuộc đời không có sự liên hệ với
những giây phút hiện tại. Chúng ta biến cuộc đời thành một thứ phòng đợi, đợi
hết cái này đến điều kia, đợi cả những điều sẽ không bao giờ xảy đến.
Tháng Mười là tháng dành
riêng để tôn kính Mẹ Maria với tràng chuỗi Mân Côi và cùng với Mẹ, sống mầu
nhiệm cứu rỗi trong từng phút giây của cuộc sống.
Ơn cứu rỗi không là một
biến cố của quá khứ hoặc là một biến cố sẽ đến mà là một sự kiện đang diễn ra
trong từng phút giây của cuộc sống. Mẹ Maria quả thực là mẫu gương cho chúng ta
trong thái độ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Thời gian đối với Mẹ không là những tháng
ngày chờ đợi, mà là những tích tắc của từng khoảnh khắc đang đến với Mẹ. Với
hai tiếng "Thưa, xin vâng!", Mẹ đón nhận giây phút hiện tại như một
món quà cao quý nhất Thiên Chúa trao ban.
Cùng với Mẹ sống lại mầu
nhiệm của ơn cứu rỗi, chúng ta hãy đón nhận Ðấng đang đến, Ðấng hôm qua, hôm
nay và mãi mãi vẫn là một. Chúng ta hãy đón Ngài trong phút giây hiện tại này
đây với tất cả tin tưởng phó thác.Chúa trao ban với chúng ta nhiệm vụ để thi
hành trong phút giây này đây. Chúng ta hãy hoàn tất với tất cả cố gắng của
chúng ta. Chúa trao ban cho chúng ta niềm vui của phút giây này đây, hãy tận
hưởng như thể sẽ không còn một niềm vui nào khác.
(Lẽ Sống)
Ngày 07
CHÚA NHẬT
XXVII THƯỜNG NIÊN
Đức Mẹ Mân Côi
Đức Mẹ Mân Côi
Nếu Đức Giêsu chọn nêu ra chương sách Sáng Thế, là để
nhắc lại điểm cơ bản, chủ yếu, của quan hệ hôn nhân, có thể tóm tắt trong ba
động từ: cho đi, từ bỏ, ưng thuận.
Cho đi. "Tôi đón nhận bạn như chồng (như vợ) và tôi hiến thân cho
bạn" Cho đi, chứ không phải cho mượn một thời gian Tôi tự hiến cho người
kia và họ đón nhận tôi như một quà tặng.
Từ bỏ. Để cho đi, phải từ chô'i giữ lại. Phải tù’ bỏ cha và mẹ mình. Lựa chọn kết hợp với ai, là từ bỏ những người khác đã gặp trước đây và còn có thể gặp lại.
Ưng thuận. Ưng thuận người khác là tin vào họ, là đón
nhận họ không điều kiện, là tin tưởng vào họ, vì họ là bạn trai, vì họ là bạn
gái.
Đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc với việc Đức Giêsu tiếp
đón các trẻ em. Vì chỉ với một tâm hổn nghèo khó và của trẻ
nhỏ, chúng ta mới có thể hướng về Chúa với các giới hạn và yếu đuối của chúng ta. Thiên Chúa yêu thương
tất cả chúng ta, cho dù ở hoàn cảnh nào và với những lầm lỗi nào. Người đêh tìm
chúng ta nơi chúng ta đang sống, để mời gọi chúng ta tiến thêm một bước trên
con đường của sự sống, của
lòng tin cậy và hoà giải.
Abbé Petra Popa
Hạnh Các Thánh
Ngày
7 tháng 10
LỄ
MẸ MÂN CÔI
Để
kỷ niệm, nhất là để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ về cuộc chiến thắng hạm đội Hồi giáo
tại vịnh Lêpantô, tháng 10 năm 1571, Đức Thánh Cha Piô V đã lập lễ Đức Maria
Hiển Thắng, và Đức Grêgôriô XII đổi lại thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi.
Công
cuộc chiến thắng đó đã xảy ra hết sức lạ lùng, nhờ hiệu lực của chuỗi Mân côi.
Số là năm 1571, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi giáo, xâm chiếm Âu châu, giết hại
người Công giáo, tàn phá các thánh đường, gây đau thương tang tóc cho Hội
thánh. Đứng trước tình thế thảm thương đó, Đức Giáo Hoàng Piô V kêu gọi người
Công giáo thành lập Đạo binh thánh giá chống trả, đồng thời cổ động mọi người
sốt sắng lần chuỗi Mân Côi để kêu xin Đức Mẹ cứu giúp…
Một
cuộc chiến dữ dội giữa quân Hồi giáo với Đạo binh thánh giá đã diễn ra tại vùng
vịnh Lêpantô. Nhưng lực lượng đôi bên quá chênh lệch: quân đội Hồi giáo rất
đông và dùng những vũ khí tối tân, còn Đạo binh Thánh giá quân số ít ỏi, vũ khí
thô sơ lại không thạo nghề chinh chiến. Thế mà đạo Binh thánh giá đã chiến
thắng vẻ vang. Hôm đó là ngày 07 tháng 10 năm 1571. Vì thế, Đức Giáo Hoàng đã
chọn ngày này để mừng kính Đức Mẹ Mân Côi, ghi nhớ hiệu lực kỳ diệu của việc
lần chuỗi Mân côi và tạ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp Hội thánh.
Chuỗi
Mân Côi rất cao quý và hiệu lực vì nội dung phong phú dồi dào múc lấy từ nguồn
Kinh thánh. Đây là cách lần hạt bằng cách đọc 150 kinh Kính Mừng, mỗi mười kinh
thì suy gẫm một mầu nhiệm trong đời sống Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Kinh kính mừng
là kinh thiên thần Gabrien đã đọc lên ngày truyền tin cho Đức Mẹ, các mầu nhiệm
năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng đã được trích từ các sách Tin Mừng theo
thánh Mátthêu, Mátcô, Luca và Gioan.
Chính
Đức Mẹ đã dạy thánh Đaminh cách lần chuỗi Mân Côi. Và thánh nhân nhiệt liệt cổ
động cách lần chuỗi này khắp nơi từ đầu thế kỷ thứ XIII. Ngài gọi đó là cách
cầu nguyện bình dân theo Phúc âm rất đẹp lòng Đức Mẹ, vì Đức Mẹ mong muốn mọi
người lần chuỗi này, để Mẹ cầu cùng Chúa ban cho mọi ơn lành phần hồn phần xác.
Tiếp
theo thánh Đaminh, vào thế kỷ XV, chân phước Alanô Rupê cũng cổ động việc lần
chuỗi Mân Côi, và đầu thế kỷ XVIII thánh Luy Mônpho rất nhiệt thành phổ biến
cách lần chuỗi này. Ngài còn lập Hội Mân côi để quy tụ những người thiện chí
dùng chuỗi Mân côi mà cầu nguyện cho kẻ tội lỗi và người ngoại giáo trở lại
cùng Chúa. Kết quả thật phi thường: nhờ chuyên cần lần chuỗi Mân côi mà Luy
Mônpho và Hiệp Hội của ngài đã đem nhiều người trở về với Chúa.
Mừng
lễ Đức Mẹ Mân Côi, Hội thánh muốn nhắc mọi người nhớ sức mạnh cứu rỗi của chuỗi
Mân côi mà siêng năng lần chuỗi Mân côi, để cứu rỗi linh hồn mình và xây dựng
Nước Chúa.
Lectio: Chúa Nhật XXVII Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 7 Tháng 10, 2012
Liên quan đến việc ly hôn và trẻ nhỏ
Sự bình đẳng giữa vợ chồng
Mc
10:1-16
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm
tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng
của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra
được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của
Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng,
đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng
trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và
trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người
chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời
Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ
được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác
rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công
lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria,
Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với
chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong văn bản của phần phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu
đưa ra lời khuyên liên quan đến mối quan hệ giữa vợ và chồng, và giữa các bà mẹ
và các trẻ nhỏ. Vào thời
ấy, nhiều người bị hắt hủi và chịu thiệt thòi. Lấy ví dụ, trong mối quan hệ giữa vợ
chồng, sự thống trị của nam giới chiếm ưu thế. Người vợ không thể dự phần, không có
quyền bình đẳng với người chồng. Trong
mối quan hệ của họ với con cái, những kẻ “nhỏ bé”, đã có lời “gièm pha” rằng đó
là nguyên nhân gây ra mất lòng tin nơi nhiều người trong bọn họ (Mc
9:42). Trong mối quan hệ vợ
chồng, Đức Giêsu truyền phải có sự bình đẳng tối đa. Trong mối quan hệ
giữa người mẹ và các con, Người dạy phải có sự trìu mến và dịu dàng nhất.
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc
10:1: Dữ kiện nơi chốn;
Mc
10:2: Câu hỏi của những
người Biệt Phái liên quan đến việc ly hôn;
Mc
10:3-9: Cuộc thảo luận giữa
Chúa Giêsu và những người Biệt Phái về việc ly hôn;
Mc
10:10-12: Cuộc đối thoại
giữa Chúa Giêsu và các môn đệ nói về việc ly hôn;
Mc
10:13-16: Chúa Giêsu dạy
phải có sự trìu mến và dịu dàng đối với các bà mẹ và các con trẻ.
c) Tin Mừng:
1 Chúa Giêsu bỏ nơi đó, đi tới miền
Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan. Đông
đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và
như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. 2 Khi ấy, những người Biệt Phái đến gần
và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình
chăng?" 3 Người đáp: "Môsê đã truyền
cho các ông thế nào?" 4 Họ thưa: "Môsê cho phép làm
giấy ly dị và cho ly dị". 5 Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại:
"Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. 6 Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng
tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. 7 Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ
để luyến ái vợ mình, 8 và hai người sẽ nên một huyết nhục.
Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. 9 Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp,
loài người không được phân rẽ".
10 Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. 11 Và Người bảo các ông: "Ai
bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. 12 Và người nữ bỏ chồng và lấy
chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".
13 Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa
Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. 14 Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và
bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng,
vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. 15 Thầy bảo thật các con: Ai không
đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". 16 Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban
phép lành cho chúng.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để
Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để
giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Bạn thích điểm nào nhất và điểm nào
lôi cuốn sự chú ý của bạn nhất?
b) Địa vị của người vợ trong đoạn Tin
Mừng như thế nào?
c) Chúa Giêsu muốn mối quan hệ giữa vợ
chồng phải như thế nào?
d) Các bà mẹ khi đem con nhỏ của họ đến
với Chúa Giêsu thì lo lắng điều gì?
e) Phản ứng của Chúa Giêsu ra sao?
f) Chúng ta có thể học hỏi được điều thực
tiễn gì từ các trẻ nhỏ?
5. Ý chính: Dành cho những ai muốn đào sâu vào
trong chủ đề
a) Lời bình luận:
Mc
10:1: Dữ kiện địa lý
Tác
giả Tin Mừng Máccô có thói quen đưa ra các dữ kiện chi tiết về nơi chốn hoặc dữ
kiện địa lý ngắn gọn trong câu chuyện. Đối
với những người lắng nghe một chuyện dài mà không có một cuốn sách trong tay,
dữ kiện địa lý như thế đã giúp cho sự hiểu biết về bài đọc. Điều này giống như những điểm tra cứu
để duy trì sự liên tục của câu chuyện. Một
cách thường xuyên trong Tin Mừng Máccô, chúng ta tìm thấy những dữ kiện như
“Chúa Giêsu đang giảng dạy” (Mc 1:22,39; 2:2,13; 4:1; 6:2-34).
Mc
10:2: Câu hỏi của những người Biệt Phái liên quan đến việc
ly hôn
Câu
hỏi thật là xảo quyệt. Nó
được dùng để hỏi thử Chúa Giêsu: “Người
ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Điều
này cho thấy rằng Chúa Giêsu đã có một quan điểm trái ngược với những người
Biệt Phái mà trong nội bộ bọn họ vấn đề này không bao giờ được đặt tới. Họ không đặt vấn đề là các bà có được
phép ly dị chồng mình không. Điều
này không hề chợt lóe ra trong trí họ. Đây
là dấu hiệu rõ ràng về sự thống trị mạnh mẽ của nam giới và về vai trò chịu
thiệt thòi của người vợ trong đời sống xã hội thời bấy giờ.
Mc
10:3-9: Câu trả lời của Chúa Giêsu: Người ta không được phép ly dị vợ mình
Thay
vì trả lời, Chúa Giêsu hỏi lại: "Môisen đã truyền cho các ông thế
nào?" Lề luật cho phép
người đàn ông được viết một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi người vợ ra
khỏi nhà (Đnl 24:1). Sự cho
phép này cho thấy sự thống trị của nam giới. Người chồng có quyền ly dị vợ mình,
nhưng người vợ thì không có quyền tương tự. Chúa Giêsu giải thích rằng ông Môisen
đã làm như vậy vì sự cứng lòng của người ta, tuy nhiên, ý định của Thiên Chúa
thì khác khi Chúa tạo dựng nên loài người. Chúa Giêsu truy nguyên về ý định của
Đấng Tạo Hóa (St 1:27; 2:24) và Người bác bỏ việc người chồng có quyền ly dị vợ
mình. Người sắp đặt quyền hạn của người chồng đối với vợ mình trên thế
gian và ra lệnh phải có sự bình đẳng tối đa.
Mc
10:10-12: Sự bình đẳng giữa chồng và vợ
Khi
về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về việc ly hôn. Chúa Giêsu đưa ra kết luận và một lần
nữa khẳng định sự bình đẳng về quyền hạn và nhiệm vụ giữa chồng và vợ. Tin Mừng Mátthêu (xem Mt 19:10-12) đưa
ra một lời giải thích về câu hỏi được đặt ra bởi các môn đệ liên quan đến điểm
này. Các ông thưa với
Người: “Nếu làm chồng mà
phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Các ông cho rằng chẳng thà không kết
hôn hơn là kết hôn mà không có đặc quyền khống chế vợ mình. Chúa Giêsu đi sâu hơn vào trong vấn
đề. Người trình bày ba
trường hợp khi một người không thể kết hôn: (1) bất lực, (2) bị hoạn và (3) vì lợi
ích Nước Trời. Tuy nhiên,
không kết hôn vì người ta không muốn mất quyền thống trị người vợ thì không thể
chấp nhận được trong Lề Luật mới về yêu thương! Cả đời sống hôn nhân lẫn đời sống độc
thân phải là để phục vụ Nước Trời và không phải để phục vụ lợi ích vị kỷ. Cả hai đời sống không thể là nguyên do
để duy trì việc người chồng thống trị vợ mình. Chúa Giêsu đưa ra một dạng thức
quan hệ mới cho cả hai bên. Trong
hôn nhân, người nam không được phép khống chế vợ mình hoặc ngược lại.
Mc
10:13: Các môn đệ ngăn cản các bà mẹ với các trẻ nhỏ không
được đến gần Chúa
Một
số người đã mang những đứa con của họ đến để cho Chúa Giêsu đặt tay lên chúng. Các môn đệ cố gắng ngăn chặn
việc này. Tại sao các ông
lại muốn ngăn chặn việc ấy? Văn
bản không cho chúng ta biết. Dựa
theo nghi lễ phong tục thời ấy, các trẻ nhỏ cùng với mẹ chúng, bị coi như sống
trong tình trạng ô uế gần như thường trực. Chúa Giêsu sẽ trở nên ô uế nếu Người
đụng chạm đến chúng. Có lẽ
các môn đệ ngăn cản Chúa Giêsu không đụng chạm đến chúng để khỏi bị trở nên ô
uế.
Mc
10:14-16: Chúa Giêsu khiển trách các môn đệ và đón nhận các trẻ
nhỏ
Phản
ứng của Chúa Giêsu dạy ngược lại: “Hãy
để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng!” Người ôm các trẻ nhỏ,
đón nhận chúng và đặt tay ban phép lành cho chúng. Khi một vấn đề đặt ra về việc đón tiếp
một ai đó và khuyến khích tình huynh đệ, Chúa Giêsu không hề lo lắng về luật
tinh khiết, Người không sợ phải phạm lỗi. Cử chỉ của Người dạy cho chúng
ta: “Ai không đón nhận Nước
Thiên Chúa như trẻ nhỏ, thì sẽ không được vào nước đó!” Câu này có nghĩa là gì? 1) Đứa trẻ được nhận lãnh tất cả mọi
thứ từ cha nó. Nó không
xứng đáng với những gì nó nhận lãnh, miễn là nó sống trong tình yêu cho không
này. 2) Những người cha đón
nhận con cái như tặng phẩm từ Thiên Chúa và đối xử chúng với sự chăm sóc. Những người cha không quan tâm đến việc
phải thống trị con cái họ, nhưng với lòng yêu thương chúng và dạy dỗ chúng theo
bổn phận của mình!
b) Phần phụ chú để hiểu rõ về văn bản hơn
* Chúa Giêsu đón nhận và bênh vực những kẻ bé mọn
Đã
nhiều lần, Chúa Giêsu khẳng định về việc đón tiếp những kẻ bé mọn, các trẻ
nhỏ. “Ai đón nhận một trong
những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy” (Mc
9:37). “Nếu ai cho một
trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn
đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật các con, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”
(Mt 10:42). Người yêu cầu
chúng ta đừng khinh khi những kẻ bé mọn (Mt 18:10). Vào ngày phán xét chung, công lý sẽ
được chào đón bởi vì họ đã chia thức ăn cho “kẻ bé mọn nhất trong những anh em
của Ta” (Mt 25:40).
Trong
Tin Mừng, thành ngữ “những kẻ bé mọn” (theo tiếng Hy Lạp là elachistoi,
mikroi hay nepioi). Đôi khi có nghĩa là “trẻ nhỏ”, những
lúc khác, nó có nghĩa là những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Rất khó mà phân biệt. Thỉnh thoảng chữ “bé nhỏ” trong Tin
Mừng có nghĩa là “đứa bé” và không ai khác. Trẻ em bị xếp vào giai cấp “những kẻ
bé mọn”, những kẻ ngoài lề. Cũng thế, chẳng dễ mà có thể phân biệt được nghĩa
nào có nguồn gốc từ thời Chúa Giêsu và nghĩa nào bắt nguồn từ các cộng đoàn khi
các sách Phúc Âm đang được biên soạn. Dù
sao chăng nữa, điều rõ ràng là bối cảnh của việc loại trừ thì có thật vào thời
ấy, và hình ảnh mà các cộng đoàn tiên khởi có về Chúa Giêsu là: Chúa Giêsu đứng về phía những kẻ bé
mọn, những kẻ bị khinh dể, và bênh vực họ. Thật là cảm kích khi chúng ta nhìn vào
tất cả những việc mà Chúa Giêsu đã làm để bênh vực đời sống của các trẻ em, của
những kẻ bé mọn.
Tiếp đón và không được xúc phạm. Đây
là một trong những lời nghiêm khắc nhất của Chúa Giêsu dành cho các kẻ xúc phạm
đến những người bé mọn, đó là, những kẻ làm cớ cho những kẻ bé mọn sa ngã không
tin vào Thiên Chúa. Đối với
những kẻ này, thì thà buộc thớt cối đá vào cổ chúng mà xô cho chìm xuống đáy
biển còn hơn (Mc 9:42; Lc 17:2; Mt 18:6).
Tiếp đón và giao tiếp. Các
bà mẹ với con cái của họ trong tay tiến gần đến Chúa Giêsu để xin ban phép
lành. Các tông đồ bảo họ
hãy tránh đi. Giao tiếp với
họ có nghĩa là sẽ lây sự nhơ bẩn. Chúa
Giêsu không lo lắng về chuyện này như các ông. Người chỉnh sửa các môn đệ và tiếp đón
các bà mẹ và con cái họ. Người
động chạm và ôm chúng vào lòng. “Hãy
để yên các trẻ nhỏ và để chúng đến cùng Thầy; đừng ngăn cản chúng!” (Mc
10:13-16; Mt 19:13-15).
Tự nhận mình với những kẻ bé mọn. Chúa
Giêsu tự nhận mình với những trẻ nhỏ. Ai
tiếp đón một em nhỏ, là “tiếp đón chính Thầy” (Mc 9:37). “Mỗi lần các ngươi làm như thế
cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho
chính Ta vậy” (Mt 25:40).
Trở nên như trẻ nhỏ lần nữa. Chúa
Giêsu đòi hỏi các môn đệ trở nên như trẻ nhỏ lần nữa và chấp nhận Nước Trời như
một trẻ thơ. Nếu không, thì
sẽ không thể vào được Nước Trời (Mc 10:15; Mt 18:3; Lc 9:46-48). Hãy để cho trẻ nhỏ là thày dạy cho
người lớn. Điều này thật là
bất thường. Chúng ta quen
với chuyện ngược lại.
Bảo vệ quyền của những người reo hò. Khi
Chúa Giêsu tiến vào đền thờ và hất đổ bàn ghế của những kẻ đổi tiền, thì chính
những trẻ nhỏ đã reo hò: “Vạn
tuế con vua Đavít” (Mt 21:15). Chúa
Giêsu đã bị các thượng tế và kinh sư chỉ trích, nhưng Người đã bênh vực các trẻ
nhỏ và Người đã trích lời Kinh Thánh để bênh vực chúng (Mt 21:16).
Hãy cảm tạ vì Nước Trời hiện diện trong các trẻ nhỏ. Chúa
Giêsu rất đỗi vui mừng khi Người nghe thấy các trẻ nhỏ, là những kẻ bé mọn, đã
hiểu được những điều về Nước Trời được loan truyền cho người ta. “Lạy Cha, Con xin ngợi khen Cha!” (Mt
11:25-26). Chúa Giêsu nhận
ra rằng những kẻ bé mọn hiểu biết về những việc Nước Trời rõ hơn là các luật
sĩ.
Đón tiếp và chữa lành. Chúa
đón tiếp nhiều người trong đó có nhiều trẻ nhỏ, Người chữa lành hoặc làm cho họ
sống lại: cô con gái mười
hai tuổi của ông Giairu (Mc 5:41-42), đứa con gái của người phụ nữ Canaan (Mc
7:29-30), con trai của góa phụ thành Naim (Lc 7:14-15), đứa bé mắc bệnh động
kinh (Mc 9:25-26); con trai vị đại đội trưởng (Lc 7:9-10), con trai viên sĩ
quan cận vệ nhà vua (Ga 4:50), đứa bé với năm chiếc bánh và hai con cá (Ga
6:9).
* Bối cảnh của đoạn Tin Mừng chúng ta trong sách Phúc
Âm Máccô
Đoạn Tin Mừng của chúng ta (Mc 10:1-16)
là một phần của bài hướng dẫn dài của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người
(Mc 8:27 đến Mc 10:45). Tại
khởi điểm của bài hướng dẫn này, Máccô đưa ra việc chữa lành người mù vô danh
tại Béthsaiđa trong miền Galilêa (Mk 8:22-26); vào đoạn kết, việc chữa lành anh
mù Batimê thành Giêricô trong miền Giuđêa (Mc 10:46-52). Hai việc chữa lành là biểu tượng cho
những gì sẽ xảy ra giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Các môn đệ đã quá mù quáng bởi vì “họ
có mắt mà không thấy” (Mc 8:18). Các
ông phải phục hồi lại thị giác của mình; các ông phải bỏ đi những tư tưởng đã
ngăn cản các ông không nhìn thấy rõ; các ông phải chấp nhận Đức Giêsu như chính
con người Chúa và không phải như người mà các ông muốn. Lời hướng dẫn dài này nhằm để chữa trị
việc mù lòa của các môn đệ. Nó
giống như một lược đồ hướng dẫn, một loại giáo lý, dùng chính Lời của Chúa
Giêsu. Thứ tự sau đây cho
thấy chương trình giảng dạy:
Mc
8:22-26: Chữa lành người mù
Mc
8:27-38: Loan báo lần thứ nhất về Cuộc Thương Khó
Mc 9:1-29: Giảng dạy cho các môn đệ về Đấng
Mêssia Tôi Tớ
Mc
9:30-37: Loan báo lần thứ hai về Cuộc Thương Khó
Mc 9:38 – 10:31: Giảng dạy cho các môn đệ về việc hoán
cải
Mc
10:32-45: Loan báo lần thứ ba về Cuộc Thương Khó
Mc
10:46-52: Chữa lành người
mù Batimê
Như chúng ta có thể thấy, sự giảng dạy gồm có ba lần
loan báo về Cuộc Thương Khó. Lần
thứ nhất ở Mc 8:27-38, lần thứ hai ở Mc 9:30-37 vá lần thứ ba ở Mc
10:32-45. Giữa lần thứ nhất
và lần thứ hai, chúng ta có một loạt các lời giảng dạy để giúp chúng ta hiểu
được rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Trung (Mc 9:1-29). Giữa lần thứ hai và lần thứ ba, chúng
ta có một loạt các lời giảng dạy để làm sáng tỏ việc hoán cải đòi hỏi phải xảy
ra ở các mức độ khác nhau trong cuộc sống để chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng
Mêssia Tôi Trung (Mc 9:38-10:31). Bối
cảnh của toàn bộ lời giảng dạy là cuộc hành trình từ Galilê lên
Giêrusalem. Từ đầu đến cuối
của lời chỉ dẫn dài này, Máccô thông báo rằng Chúa Giêsu đang trên đường tiến
về thành Giêrusalem (Mc 8:27; 9:30-33; 10:1, 17-32), nơi mà Người sẽ nhận lấy
thập giá.
Trong mỗi lần của ba lời loan báo về Cuộc Thương Khó
thì được kèm theo bằng những cử chỉ và lời nói không thấu hiểu của các môn đệ
(Mc 8:22; 9:32-34; 10:32-37) và bằng lời giáo huấn của Chúa Giêsu, nhận xét về
sự kém hiểu biết của các môn đệ và dạy cho các ông cách phải ứng xử (Mc
8:34-38; 9:35-37; 10:35-45). Một
sự hiểu biết đầy đủ về lời giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ không đạt được nếu chỉ
qua lời dạy lý thuyết xuông, mà không có bất kỳ một dấn thân thực tiễn nào,
cùng đồng hành với Người trên cuộc hành trình Phục Vụ, từ Galilêa đến thành
Giêrusalem. Những ai muốn
duy trì ý tưởng của Phêrô, về một Đấng Cứu Thế vinh quang mà không qua thập giá
(Mc 8:32-33), họ sẽ không hiểu được gì, càng tệ hơn nữa là họ sẽ không có thái
độ chân thực của người môn đệ sẵn sàng. Họ
sẽ tiếp tục mù lòa, lẫn lộn người ta với cây cối (Mc 8:24). Nếu không vác thập giá thì không thể
hiểu được Chúa Giêsu là ai và đi theo Chúa Giêsu thì có ý nghĩa gì. Cuộc hành trình của sự
giáo huấn là cuộc hành trình của sự tận hiến, từ bỏ, phục vụ, sẵn sàng, chấp
nhận xung khắc, biết rằng sẽ có sự sống lại. Thập giá không phải là một sự ngẫu
nhiên trên đường, mà là dẫn đến một điểm nhất định trên cuộc hành trình. Một thế gian được sắp xếp theo
đẳng cấp thì bắt nguồn từ sự vị kỷ. Chỉ
có tình yêu và sự phục vụ mới có thể bị đóng đinh! Kẻ nào từ bỏ cuộc sống
mình mà phục vụ tha nhân, thì gây khó chịu cho những ai đang nắm giữ đặc quyền,
và người ấy phải chịu đau khổ.
6. Thánh Vịnh 24 (23)
Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, trèo lên đồi Canvê
CHÚA
là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn
ý muốn của Chúa Cha. Nguyện
xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức
mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin chúng con, trở nên giống
như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời
Chúa. Chúa là Đấng hằng
sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến
muôn thuở muôn đời. Amen.
về tác
giả và dịch
giả:
Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters,
O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara,
O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm.
Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto
Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét