Trang

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

24-10-2012 : THỨ TƯ TUẦN XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Tư sau Chúa Nhật 29 Quanh Năm
* * *


Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 3, 2-12
"Hiện nay mầu nhiệm của Ðức Kitô đã được mạc khải, các Dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa".
Trích thư Thánh Phaolô Tồng đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em đã nghe biết Thiên Chúa ban phát ân sủng để cho tôi mưu ích cho anh em: vì nhờ ơn mạc khải mà tôi biết được sự mầu nhiệm, như tôi vừa mới viết ra trong ít lời trên kia. Ðọc những lời đó, anh em có thể nhận thức được sự am hiểu của tôi trong mầu nhiệm Ðức Kitô. Mầu nhiệm đó chưa hề tỏ ra cho con cái loài người ở các thế hệ khác được biết, nhưng hiện nay, đã được mạc khải cho các thánh Tông đồ và các tiên tri của Người, trong Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các Dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể, và đồng thông phần lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.
Tôi đã được nên người phục vụ Tin Mừng đó, do ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, bằng cách thi thố sức mạnh của Người. Tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được của Ðức Kitô, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội Thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd-5. 5-6
Ðáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng Cứu Ðộ (c. 3).
Xướng: 1) Ðây Thiên Chúa là Ðấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Ðấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. - Ðáp.
2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. - Ðáp.
3) Hãy ca tụng, vì Chúa làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Ðấng cao cả là Ðấng Thánh Israel ở giữa ngươi. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 39-48
"Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Mỗi người chúng ta, tùy theo công việc và địa vị đều có trách nhiệm phải chu toàn những bổn phận Chúa trao cho chúng ta. Như người đầy tớ trung thành với chủ, họ biết chăm sóc và bảo vệ tài sản của chủ mình. Chúng ta cũng có bổn phận phải xây dựng và làm cho Giáo Hội thêm xinh đẹp, cụ thể nơi Giáo Xứ, trong hội đoàn, và gia đình chúng ta để chuẩn bị đón Ðức Giêsu trở lại trong vinh quang.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thiết lập Giáo Hội và dùng nhiều phẩm trật để phục vụ Giáo Hội. Xin Chúa hãy thánh hóa, ban tràn đầy ơn khôn ngoan của Chúa trên Ðức Giáo Hoàng, các Ðức Giám Mục, và các cộng tác viên của các ngài, để các ngài được trung thành trong sứ vụ xây dựng Nước Chúa. Xin cho các bậc bề trên và cha mẹ cũng chu toàn bổn phận trong địa vị của mình, biết chăm sóc và giáo dục con cái, để chúng trở thành những phần tử hữu dụng cho Nước Trời. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Tỉnh Thức Trong Phục Vụ
(Lc 12,39-48)
Suy Niệm:
Tỉnh Thức Trong Phục Vụ
Danh họa Ý Leonard de Vinci có kể một dụ ngôn: Giữa một ngôi vườn xinh tươi, có một cây sồi cao, chung quanh là một rừng cây. Cây sồi ngày một lên cao ngạo nghễ. Một hôm, từ trên nhìn xuống, nó ra lệnh cho người làm vườn đốn những cây chung quanh, vì chúng làm vướng víu, quấy rầy và che bóng của nó. Và như thế, cây sồi loại hết mọi cây cỏ để chỉ còn một mình bá chủ ngôi vườn. Thế nhưng một ngày kia, một trận cuồng phong nổi lên, không còn cây cối chung quanh chống đỡ cho bớt gió, cây sồi ngả rạp giữa vườn và chết một cách thê thảm.
Số phận của những người chà đạp người khác để tiến thân cũng giống như cây sồi trong dụ ngôn trên đây. Người ta thường nói: "Trèo cao, té nặng", bởi vì để lên cao, họ đã đạp đổ tất cả người khác, đến độ khi trượt chân té ngã, họ không còn ai nâng đỡ họ.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.
Do phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì "cho thì có phúc hơn là nhận". Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 29 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Eph 3:2-12; Lk 12:39-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
 Rao giảng Tin Mừng là một đặc quyền.
Hiểu biết được Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa là một đặc ân vì không phải ai cũng có thể biết và hiểu được. Một khi đã hiểu biết Mầu Nhiệm Cứu Độ, con người nắm được chìa khóa vào Nước Trời. Nhưng nhiệm vụ của những người đã hiểu biết là phải rao giảng Mầu Nhiệm Cứu Độ này cho người khác. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô coi đó như một đặc quyền được rao giảng Mầu Nhiệm Cứu Độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khen thưởng những người biết trung thành phân phối Mầu Nhiệm Cứu Độ cho người khác; đồng thời, Chúa cũng cảnh cáo những người bất trung, lười biếng không chịu phân phối Mầu Nhiệm Cứu Độ cho mọi người. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện và mặc khải qua Đức Kitô. 
1.1/ Đức Kitô mặc khải Mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa cho các Tông Đồ và Thánh Phaolô: Trong 4 Phúc Âm, chính Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông Đồ về Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Tuy Phaolô không thuộc Nhóm Mười Hai và không được mặc khải bởi Chúa Giêsu khi Ngài còn mang thân xác con người, nhưng Phaolô cũng được mặc khải về Mầu Nhiệm này bởi chính Đức Kitô Phục Sinh. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các Dân Ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. 
Hiểu được Mầu Nhiệm Cứu Độ là một đặc ân Chúa ban, vì không phải ai cũng có thể hiểu được Mầu Nhiệm đó, như lời Thánh Phaolô nói: “Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thánh Thần mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người.” 
1.2/ Đức Kitô đã trao phó cho Phaolô nhiệm vụ phân phát ân sủng qua việc rao giảng Tin Mừng: Đức Kitô Phục Sinh không chỉ mặc khải Mầu Nhiệm Cứu Độ cho Phaolô mà Ngài còn sai ông đi rao giảng Mầu Nhiệm Cứu Độ này cho các Dân Ngọai: “Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người.” 
Thánh Phaolô ý thức được sở dĩ Ngài được mặc khải và được sai đi để rao giảng Mầu Nhiệm Cứu Độ, không phải vì công đức của Ngài, nhưng hòan tòan vì lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài thú nhận: “Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài.” 
Một câu truyện có thể dùng để nói lên cảm nghĩ của Thánh Phaolô khi được Thiên Chúa sai đi rao giảng Mầu Nhiệm Cứu Độ: Nhà điều khiển hòa tấu lừng danh Toscanini nói với anh nhạc công đang sửa sọan hòa tấu nhạc Beethoven: Tôi chẳng là gì, anh cũng chẳng là gì, nhưng chúng ta hãy cố gắng để cho những giòng nhạc của thiên tài Beethoven được trào dâng. 
2/ Phúc Âm: Ông chủ trao cho người quản gia sản nghiệp và ban quyền phân phát. 
2.1/ Ông chủ trao cơ nghiệp và quyền phân phát cho người quản gia: Người quản gia là người được ông chủ chọn; tuy ông có quyền trên các đầy tớ khác nhưng đối với chủ, ông vẫn là một đầy tớ. Nhiệm vụ của quản gia là coi sóc mọi sự trong nhà và mọi đầy tớ khi chủ vắng mặt; trong đó có nhiệm vụ cung cấp của ăn cho các gia nhân đúng giờ đúng lúc. Nhưng ai là quản gia trong câu truyện Chúa muốn nói ở đây? 
Bấy giờ ông Phêrô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?" Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín và khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?” Câu trả lời của Chúa Giêsu muốn ám chỉ các Tông Đồ. Các ông là những người được Chúa Giêsu tin tưởng, huấn luyện, và sai đi để rao giảng Tin Mừng. Các ông phải chịu trách nhiệm với Chúa về những người mà Chúa sai các ông đến để rao giảng. Nhưng câu trả lời cũng có thể mở rộng đến các Kitô hữu. 
2.2/ Thái độ của người quản gia: Ông có thể rơi vào một trong 2 thái độ: 
(1) Thái độ trung thành và phần thưởng: Người quản gia trung thành là người biết chu tòan nhiệm vụ của mình khi chủ có mặt cũng như lúc chủ vắng mặt. Vì thái độ luôn trung thành nên không lạ khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy. Chúa Giêsu khen: “Thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.” Ai trung thành trong việc nhỏ thì cũng sẽ trung thành trong việc lớn. 
(2) Thái độ bất trung và hình phạt: Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về," và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. 
Và Chúa Giêsu tuyên án: Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn. 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Rao giảng Tin Mừng là một đặc quyền chứ không phải chỉ là bổn phận. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta thấu hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ và Ngài sai chúng ta đi phân phát ân sủng bằng việc rao giảng Tin Mừng.
- Không phải công ơn của chúng ta cũng chẳng phải sự xứng đáng của người nghe, nhưng hòan tòan là do tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mà chúng ta thấu hiểu được Mầu Nhiệm Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô.
- Vì đã được trao phó kho tàng Tin Mừng, nhiệm vụ của mỗi người được trao là phải trao ban Tin Mừng lại cho những người khác thì sẽ được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng. Nhưng nếu chúng ta xao lãng bổn phận để người khác phải hư đi, chúng ta sẽ lãnh nhận hình phạt từ Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Tư tuần 29 thường niên
Sứ điệp:  Tỉnh thức đón chờ Chúa đến là chu toàn bổn phận đối với những người và những công việc đã được trao phó. Thưởng hay phạt đều theo đó mà định đoạt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi người trong chúng con đều là tôi tớ của Chúa, được Chúa trao phó cho một số công việc để chu toàn.
Con muốn sống cho bản thân mình, muốn xây dựng cuộc sống và lo lắng cho tương lai của mình. Nhưng Lời Chúa hôm nay còn cho con hiểu rằng: con thuộc về Chúa và là tôi tớ của Chúa, nên Chúa muốn con đảm nhận công việc mà Chúa trao cho. Chúa đã trao cho con công việc để thực hiện, và con có sứ mệnh hoàn tất công việc ấy. Nếu con ốm đau, bệnh tật của con có thể phục vụ Chúa. Nếu con đau khổ, nỗi đau của con có thể phụng sự Chúa.
Việc của người đầy tớ có lẽ không có gì là lớn lao, to tát. Điều mà người đầy tớ thực hiện chỉ vì  đó là do chủ muốn như vậy. Con muốn phục vụ Chúa trong kẻ khác, tại gia đình con, tại trường học, tại nơi làm việc, ở chợ búa.
Sống cho kẻ khác, phục vụ kẻ khác trong những chuyện lớn lao, có lẽ không được dành cho con, nhưng còn nhiều việc nhỏ bé hằng ngày: một lời an ủi, một giúp đỡ nhỏ, một sự cảm thông …, những điều ấy ở trong tầm tay và khả năng của con.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức con là tôi tớ của Chúa. Xin giúp con sống cho Chúa và thực thi Ý Chúa, để con sống cho kẻ khác, giúp đỡ và yêu thương mọi người. Amen.
Ghi nhớ :"Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".

24/10/12 THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Th. Antôn Maria Clarét, giám mục
Lc 12,39-48 

ĐEM ĐỜI VÀO ĐẠO, ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI
“Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng : ‘Còn lâu ông chủ mới về,’ thế rồi hắn bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa. Chủ hắn sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, ông sẽ tống cổ hắn đi, bắt chung số phận với những tên phản bội.” (Lc 12,45-46)
Suy niệm: Hiện diện như không hiện diện, có vẻ đang vắng mặt nhưng thực ra vẫn ở bên cạnh ta, đó là cách thế tế nhị Chúa dùng để giúp ta trưởng thành. Vì thế, lúc nào Chúa cũng có mặt trong cuộc đời ta, nhưng một cách kín đáo. Tiếc thay ta lại hay quên điều quan trọng này! Ta thường chia cuộc đời thành nhiều ô hộc, đời và đạo không hề dính líu, quan hệ gì với nhau: ô hộc này có Chúa hiện diện như ô hộc nhà thờ, ô hộc đọc kinh, v.v… còn ô hộc kia thì Chúa không có mặt hay chỉ có mặt một cách mơ hồ, như ô hộc lao động, ô hộc sinh hoạt hằng ngày, ô hộc nghỉ ngơi… Trong những ô hộc này, ta không hề nghĩ đến Chúa, thậm chí còn mời Chúa đi chơi chỗ khác cho mình dễ làm ăn!
Mời Bạn: Chúa không bao giờ đi vắng, nhưng luôn hiện diện trong cuộc đời bạn để khích lệ, nâng đỡ, an ủi, ban ơn… Bạn luôn sống dưới cái nhìn yêu thương và bàn tay che chở của Chúa.
Sống Lời Chúa: Để luôn nhớ của Chúa hiện diện, bạn hãy: 1) đem đạo vào đời: sống Lời Chúa trong mọi sinh hoạt trần thế như gia đình, lao động, học hành… 2) và đem đời vào đạo: dâng lên Chúa những vui buồn của đời thường trong thánh lễ, kinh nguyện …
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn luôn hiện diện bên cạnh chúng con, nhưng bằng cách vô hình, kín đáo, để giúp chúng con trưởng thành. Xin cho chúng con luôn sống trưởng thành dưới cái nhìn yêu thương của Chúa.
Trung tín và khôn ngoan
Kitô hữu là những người đã biết ý Chúa, mà không làm theo, sẽ bị phạt nặng hơn những người không biết. 
Suy nim:
Kẻ trộm xưa cũng như nay đều đến mà không báo trước,
bất ngờ khoét vách nhà khi gia chủ còn ngủ say.
Đức Giêsu, qua một dụ ngôn, đã dám so sánh mình với kẻ trộm,
chỉ vì Ngài giống anh ta ở nét bất ngờ (cc. 39-40).
“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ anh em không ngờ, Con Người sẽ đến.”
Ông chủ có thể trở về khi trời gần sáng, lúc canh ba.
Sẵn sàng là mở cửa ngay cho chủ, vì vẫn còn thức, còn chờ, còn đèn sáng.
Thiếu sẵn sàng là ngủ mê, không nghe được tiếng gõ cửa.
Ngủ mê làm chủ nhà không biết kẻ trộm đang khoét vách.
Thiếu tỉnh thức để đón Chúa Giêsu, cũng đem lại hậu quả khôn lường.
Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ cần có của chủ nhà, của người lãnh đạo.
Khi Phêrô hỏi Đức Giêsu xem dụ ngôn trên áp dụng cho ai (c. 41),
cho dân chúng hay cho nhóm Mười Hai là những người lãnh đạo,
Ngài đã kể cho họ một dụ ngôn khác về người quản gia.
Vì ông chủ đi vắng nên anh được ông đặt lên coi sóc gia nhân trong nhà,
tuy anh vẫn là một đầy tớ giữa những đầy tớ khác (c. 43).
Chính sự vắng nhà của ông chủ đã làm lộ ra thực chất của người quản gia.
Người quản gia trung tín sẽ chăm chỉ làm tròn bổn phận được giao.
Việc quan trọng là cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc (c. 42).
Anh này chẳng để ý gì đến chuyện khi nào chủ mình về.
Khôn ngoan đối với anh là làm theo đúng ý của chủ.
Anh chỉ tập trung vào việc phục vụ những người được chủ giao phó,
và phục vụ đúng giờ.
Hẳn anh sẽ được ông chủ khen ngợi và đặt ở một vị trí cao hơn,
nếu bất ngờ ông về mà thấy anh đang phục vụ chăm chỉ.
Nhưng quản gia lại có thể là một người thiếu trách nhiệm.
Thời gian ông chủ vắng nhà cũng là thời gian anh ta có quyền.
Anh đã tận dụng quyền hành có trong tay để áp chế các đầy tớ khác,
và sống một cuộc sống buông thả, vô độ.
“Anh bắt đầu đánh đập các tôi trai tớ gái, và chè chén say sưa” (c. 45).
Lý do hư hỏng của anh này rất đơn giản.
Anh nghĩ “chủ ta còn lâu mới về”, nên ta cứ thoải mái ăn chơi.
Anh chỉ cố làm sao khi chủ về, chủ thấy anh đang làm việc tử tế.
Tiếc thay chủ về sớm hơn anh nghĩ,
“vào ngày anh không ngờ, vào giờ anh không biết” (c. 46).
Sự thật ê chề được phơi bày không thể chối cãi.
Những đầy tớ bị anh hành hạ và bỏ đói, những phung phí tài sản,
là bằng chứng cho sự thất tín của anh.
Kitô hữu là những người đã biết ý Chúa, mà không làm theo,
sẽ bị phạt nặng hơn những người không biết.
Những nhà lãnh đạo được trao quyền hành và trách nhiệm
cũng phải trả lời trước mặt Chúa về cách phục vụ của mình.
Chúng ta đều sợ khi nghe những lời này của Đức Giêsu:
“Ai được cho nhiều, sẽ bị đòi nhiều.
Ai được giao phó nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.

Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng ;
biết xoay xở nhưng không mưu mô ;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng đỡ.

Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.

Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".

Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng
Với thắc mắc của tông đồ Phêrô: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay chỉ về cho mọi người”, Chúa Giêsu khai triển thêm về chủ đề tỉnh thức và sẵn sàng, và có vẻ như trong lần khai triển này Ngài nhắm đến những người có trách nhiệm trong cộng đồng.
Chủ đề tỉnh thức và sẵn sàng được nối tiếp với những giáo huấn của Chúa Giêsu dành cho giới có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa. Và dĩ nhiên trước tiên là những người có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa, họ phải gương mẫu trong thái độ tỉnh thức và sẵn sàng vì không những là sự tỉnh thức, sẵn sàng cần thiết cho ơn cứu độ của bản thân họ mà họ còn phải tỉnh thức và sẵn sàng để người khác có được ân sủng của Chúa nữa.
Công việc của một người có trách nhiệm trong dân Chúa thì muôn vẻ, muôn mặt và thường là những công việc không tên, không tuổi. Họ sống cho dân Chúa và ở giữa dân Chúa để mọi người có thể thấy Chúa qua họ. Trong cuộc sống rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài liên tục kiếm tìm, khuyên lơn, an ủi, thánh hóa và giải cứu cho con người. Ngài không có thời khóa biểu cho công việc của mình mà trọn vẹn Ngài sống là cho đi, là trao ban, là sứ mệnh. Dĩ nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi những người có trách nhiệm của chúng ta làm như Chúa Giêsu được, nhưng đòi hỏi phải tỉnh thức và sẵn sàng hơn những người khác để xứng đáng là môn đệ, xứng đáng là những người gần Chúa hơn, hầu có thể đem Chúa đến cho mọi người, vì dù sao đi nữa thì các vị ấy cũng được gọi và bản thân của họ tình nguyện để đi theo Chúa.
Anh chàng thanh niên khi nghe Chúa nói: “Anh hãy về bán của cải cho người nghèo rồi hãy đến theo Ta”. Anh đã lẳng lặng bỏ đi vì anh không thể làm được chuyện ấy. Chúa Giêsu có buồn đôi chút nhưng Ngài tôn trọng tự do của anh, nếu anh vẫn sống trọn vẹn các giới răn như anh đã thưa với Chúa thì anh vẫn là người rất tuyệt. Thế nhưng, theo rồi mà không dành tất cả cho Chúa và cho anh chị em của mình như Chúa dạy thì thế nào cũng bị Chúa khiển trách. Thỉnh thoảng, có những vị phân bua: “Là gì đi chăng nữa thì cũng phải có những khoản riêng cho mình chứ, có những thứ thuộc đời tư của mình chứ”. Không đâu, quí vị không còn đời tư nữa, quí vị không còn gì là riêng rẽ nữa. Tất cả đã là của Chúa và của anh chị em mình, ban cho ai nhiều thì đòi kẻ ấy nhiều; giao phó cho ai nhiều thì đòi kẻ ấy nhiều hơn.
Lạy Cha,
Tất cả chúng con đều là những đầy tớ phải biết thức tỉnh và sẵn sàng, nhưng hôm nay thì Chúa Giêsu, Con Cha, nói về những vị đầy tớ đặc biệt. Ðiều đó quá đúng, vì dù sao thì trong một tổ chức, một cơ cấu, cũng có nhiều công tác khác nhau, và mỗi người đều có một cách phục vụ tùy theo chỗ đứng, tùy theo công việc được giao phó. Chúng con cầu nguyện cho những người được giao cho những trách nhiệm đặc biệt ấy, để các ngài năng giống Con Cha hơn, không có thời khóa biểu cho riêng mình nhưng có thời khóa biểu để phục vụ Cha nơi những anh chị em được trao phó.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Đầy Tớ Chè Chén Say Sưa
“Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc. 12, 39-40)
Đức Giêsu tiếp tục khuyên nhủ các môn đệ phải luôn luôn tỉnh thức chờ ngày Chúa trở lại. Điều chắc chắn: Đức Giêsu sẽ trở lại. Nhưng khi nào? “Vào giờ các bạn không ngờ”, không được thông báo trên đài phát thanh. Thông báo được người ta chờ đợi rất vắn và là tin cuối cùng, nếu người ta không luôn luôn lắng nghe, người ta sẽ bỏ lỡ.
Đầy tớ trung tín:
Phê-rô và phần lớn Kitô hữu, được rửa tội, giữ đạo đều đều, không làm hại ai. Vậy họ sẽ được bảo đảm ơn cứu độ. Thế mà tại sao Đức Giêsu vẫn liên tục nhắc nhở họ phải tỉnh thức chờ Người trở lại một cách bất ngờ? Như đài ra-đa luôn luôn chờ nghe những tin báo khẩn cấp. Thế thì việc gì Đức Giêsu phải nói: “Hỡi đoàn chiên nhỏ, đừng sợ, Cha các con hảo tâm ban cho các con nước trời rồi”.
Nếu Thầy chí thánh trao cho chúng ta nhiệm vụ quản gia, chúng ta phải có trách nhiệm lo phân phát của ăn thiêng liêng cũng như lương thực tạm thời. Chúng ta càng nhận biết thánh ý Chúa, chúng ta càng phải có trách nhiệm hướng dẫn gia đình sao cho mọi sự được trật tự, không bị một trục trặc sai trái nào, để bất kỳ lúc nào chủ về xem xét và thấy hài lòng trọn vẹn. Lúc đó, chủ an tâm về chúng ta đã được Ngài chọn lựa tốt và cho chúng ta được đời sống phong phú đời đời.
Không tha cho kẻ chè chén say sưa:
Nếu chúng ta không lo tỉnh thức, lại lạm dụng địa vị để say sưa chè chén lãng phí, chủ bất ngờ trở về, chúng ta sẽ bị băm ra trăm miếng, như tập tục của người Ba-tư đối với đầy tớ bất trung. Sự tuyển chọn ban đầu không che chở chúng ta khỏi những xét xử đó, vì chúng ta đã sống vô trách nhiệm, nên hoàn toàn phải chịu tội. Mức độ bị xử phạt tùy theo sự hiểu biết về thánh ý Chúa và chức quyền đã được trao phó. Lỗi của chúng ta là thiếu đức tin, đức cậy, đức mến đối với lời kêu gọi liên tục mà Chúa rất nhân từ quảng đại ban cho chúng ta được phúc sống trước tôn nhan Chúa.
RC.




Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
24 THÁNG MƯỜI
Xin Cho Chúng Nên Một
Chiều hôm trước khi vào cuộc Khổ Nạn, trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả những ai tin vào Ngài. Ngài nói: “ Lạy Cha, con không chỉ cầu xin cho những người này – tức các tông đồ- nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào con, để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).
Chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện này với chính Chúa Kitô – vị Thượng tế của Giao Ước Mới. Chúa Kitô hiến trao chính bản thân mình làm hy lễ. Ngài trao hiến chính Thịt và Máu của Ngài. Ngài trao hiến cuộc sống và cái chết của Ngài. Và với hy tế này, hy tế thánh thiện vô song, Ngài giao hòa thế giới với chính Ngài. Đức Kitô chết trên Thập Giá để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
Lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu được thốt ra từ chính trọng tâm của hy tế này. Cả lời cầu nguyện và cái chết hy tế của Ngài đều có cùng một mục đích là “Xin cho chúng nên MỘT”.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24-10
Thánh Antôn Maria Clarets, Giám mục;
Ep 3, 2-12; Lc 12, 39-48.
LỜI SUY NIỆM: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48b).
          Chúa Giêsu đang nhấn mạnh trách nhiệm của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội của Ngài, đồng thời cũng cho tất cả những ai đã lãnh nhận ơn thánh của Ngài. Không ai là không lãnh nhận hồng ân của Ngài, nhiều hay ít là tùy thuộc khả năng đón nhận của mỗi một người. Những hồng ân của Ngài như là những đồng vốn Ngài đã ban cho chúng ta, và Ngài buộc chúng ta phải làm cho nó sinh ra lời, lời cho chính mình và lời giúp ích cho người khác nữa. Chứ không được lừng khừng, đắn đo. Bởi sau một thời gian được sống với những ân ban đó, Ngài sẽ đòi hỏi những gì là cân xứng với những ân ban mà Ngài đã ban cho. Nên trong đời sống của mỗi Ki-tô hữu chúng ta phải sống tích cực với những hồng ân của Chúa để làm phong phú cho cuộc sống của mình, của gia đình và của cả xã hội mà mình đang sống để góp phần vào ơn cứu độ của Chúa.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 24-10
Thánh ANTÔN MARIA CLARET
Giám mục - Tổ phụ dòng Trái tim vẹn sạch mẹ Maria (1807 - 1870)

"Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi"
Đó là châm ngôn và chương trình đời sống thánh ANTÔN MARIA CLARET. Ngài sinh năm 1807 tại Sallent Bắc Tây Ban Nha, trong một gia đình khiêm tốn làm nghề dệt. Là con thứ 5 trong 10 anh em, thánh nhân tỏ ra nhanh nhẹn thông minh có khiếu đối với nghề nghiệp của cha anh và được gởi đi Barcelone trong một xưởng máy lớn. Ban chiều, Ngài dự lớp học Pháp văn, nghiên cứu La văn và luyện nghề ấn loát, không có gì Ngài xao lãng cả. Ơn gọi đi tu sống sâu trong đáy lòng Ngài, kèm theo mọi hành động và sắp trở thành mạnh mẽ nhất: cuối cùng Ngài đã bước qua cổng chủng viện ở Vich năm 1829.
Trước tâm hồn phong phú của thánh nhân, Đức cha Corcue ra đã rút ngắn chương trình thần hoc. Ngài thụ phong linh mục 6 năm sau và cử hành thánh lễ đầu tiên tại giáo xứ Ngài đã được rửa tội. Được cử làm cha sở, Ngài đã thánh hóa địa hạt của mình. Nhưng việc tông đồ của Ngài cần một điạ hạt rộng lớn hơn. Ngài đi Roma, muốn gia nhập dòng Tên nhưng một vết thương ở chân buộc Ngài từ bỏ ý định trở về Tây Ban Nha. Bản chất nóng nảy của Ngài tỏ lộ những ân huệ siêu nhiên mới, tài hùng biện thánh của Ngài tăng bội số những cuộc trở lại, chủ đề được ưa chuông của Ngài là: đường thẳng và chắc để về trời" và ngày càng thêm nhiều người dấn thân vào đường hẹp sỏi đá mở ra ánh sáng. Đức Trinh Nữ hình như hiện diện khi Ngài trình bày các bổn phận của bậc sống nhạt nhẽo nhưng có nét đẹp ẩn giấu trước mặt Chúa, các từ bỏ liên tiếp... Ngài đã đi giảng như vậy qua một tỉnh với hành trang gồm có cuốn sách Thánh Kinh và sách nguyện gói trong khăn, Ngài từ chối tất cả tiền bạc, ngủ dưới vòm trời, giải tội ngày đêm và dâng lễ khi ánh sao cuối cùng vừa lặn. Ngài đã đặt tay chữa bệnh, chiêm ngắm các cuộc hiện ra.
Antôn rất gần gũi tự do đến nỗi đã gây nên những ghen tương, những lời chế nhạo ngắt ngang bài giảng của Ngài. Mạng sống bị đe dọa, Ngài phải giã từ quê hương thân yêu để rồi chỉ trở lại 15 năm sau để được đề cử và tấn phong Tổng giám mục Santiago, Cuba, tại nhà thờ chính toà Vich, Ngài đã dùng khoảng thời gian giao thời này để Phúc âm hoá các đảo Camari và đặt nền móng tu hội thừa sai Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, Ngài nỗ lực dưới mọi hình thức để cứu vớt các linh hồn. Đây là lúc Ngài thêm danh hiệu MARIA vào tên mình.
Vị tổng giám mục truyền giáo cập bến, Ngài sắp gặp thấy một giáo xứ đầy thương tâm gồm một ít linh mục thiếu học nghèo túng, Ngài thiết lập một nhóm học hiểu biết và tiếp tục vai trò người bao bọc vì Chúa Kitô, Ngài mất 6 năm để rảo qua các điạ phận mênh mông của mình, những con số sau đây nói lên hoạt động của Ngài: 11.000 bài giảng, 120.000 lễ Thêm sức, 40.000 phép rửa tội, 12.000 lễ hôn phối. Còn mệt nhọc hơn cả những khó khăn trên đường, thánh nhân hòa mình với các bệnh nhân ngã gục vì dịch tả. Các chủ nhân buôn bán nô lệ tố cáo Ngài đã xúi giục các người bị tàn phá nổi loạn. Mười lăm lần Ngài đã thoát chết. Ngài mơ lập một trường nông nghiệp nhưng gặp những chống đối mạnh mẽ.
Theo lời thỉnh cầu của hoàng hậu Isabelle II, đức giáo hoàng đã cử thánh Antôn Maria làm tuyên úy cho bà. Ngài nhận lời sau nhiều do dự, với điều kiện là sẽ đứng ra ngoài mọi chuyện chính trị và không sống trong hoàng cung. Từ Maddrid, Ngài tiếp tục cai quản Cuba. Nhưng sự ghen tương không dứt. Sự vu khống đã đưa đến chỗ các kẻ thù ký tên khả kính của Ngài dưới những danh sách bần tiện, trong khi chính Ngài đã là tác giả xây dựng của 150 pho sách hay những tập rời. Cuộc cách mạng đã xua đuổi hoàng hậu tới Pan, rồi Paris là nơi cha giải tội đã theo bà và lo lắng cho thuộc điạ Tây ban Nha và vẫn theo đuổi phát triển của tu hội truyền giáo, Ngài dự cộng đồng bàn về giáo thuyết bất khả ngộ của tòa thánh. Sự ghen ghét của những thù địch người Tây ban Nha theo đuổi Ngài mãi. Thánh nhân một thời rút lui về một trong những nhà dòng của Ngài ở Prades, rồi ở L'Audes, nơi các thày dòng Xitô ở Phontfroide là nơi không hề phàn nàn kêu trách năm 1870.
Antôn Maria Claret vị thánh rất tân thời đã tỏ ra là nhà tiên phong với nhà sách đạo của Ngài. Trước khi có các tu hội triều ngày nay, Ngài đã sáng nghĩ ra "các nữ tu tại gia" là học giả uyên bác, Ngài đã xếp các văn sĩ có giá trị, các nghệ sĩ công giáo vào "hàn lâm viện thánh Micae".
 (daminhvn.net)
++++++++++++++++++
24 Tháng Mười
Ngày Liên Hiệp Quốc

Vào năm 1945, ba quốc gia gây chiến Ðức, Italia, Nhật mang bộ mặt tan tác tả tơi của những nước bại trận. Ða số những thành phố lớn tại Ðức, cũng như hai thành phố Hiroshima và Nagasaki tại Nhật chỉ còn là những đống gạch vụn, những thành phố chết.
Hình ảnh của thế giới, nhất là tại các quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong những năm "39-45" có lẽ không khác gì bộ mặt của trái đất sau trận lụt Ðại Hồng Thủy, khi trận lụt vĩ đại gây ra do những trận mưa lũ kéo dài 40 ngày đêm đã giết hại mọi sinh vật, như tác giả sách Khởi Nguyên viết: "Mọi loài xác thịt động đậy trên đất đều tắt thở: chim chóc, thú vật, mãnh thú... tất cả các vật trên cạn đều bị xóa sạch trên mặt đất từ người cho đến xúc vật, côn trùng và chim trời...".
Từ đống tro tàn của thế chiến thứ hai, một ý nghĩa đã được manh nha và Liên Hiệp Quốc đã thành hình với mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình. Vì như một chính trị gia đã phát biểu: "Nếu con người không hủy diệt chiến tranh, chiến tranh sẽ hủy diệt con người".
Nhưng từ ngày tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1945 đến nay không biết bao nhiêu cuộc chiến song phương cũng như nội bộ đã xảy ra. Những bàn tay con người vẫn được dùng để giơ gươm, để lảy cò, để bấm nút nhữntg khí giới giết người. Vì thế súng vẫn nhả đạn và máu tươi vẫn tuôn rơi, lòng đất mẹ vẫn thấm máu con người.
Ngày 24 tháng 10 hằng năm, bao nhiêu lá cờ của mọi quốc gia đã được trưng lên trong những buổi lễ kỷ niệm ngày Liên Hiệp Quốc được thành lập, bao nhiêu sinh hoạt đã được tổ chức để nhắc nhở con người, không phân biệt màu da, tiếng nói, không phân biệt tín ngưỡng hay quan niệm về thể chế chính trị, ý nghĩa của tổ chức mang mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình.
Nhưng thiết nghĩ, hòa bình thế giới không thể được thiết lập nếu lòng người chưa đạt được sự an bình, vì nếu những tâm tình ganh ghét, ghen tuông, nghi kỵ, nếu những tư tưởng lợi dụng, đàn áp, bóc lột vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng chúng ta, thì ngọn lửa chiến tranh vẫn còn có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.
(Lẽ Sống)
Ngày 24 tháng 10
Thánh Antôn-Maria Cờlarét, giám mục

Có một cách sng thân phận làm người của chúng ta, cách ước lượng thời gian, đánh giá cuộc sng. Cho dù cuộc đời có một khởi đầu nhưng cũng có một kết thúc, tôi có thể sng trọn thời gian này, được tặng như một món quà, với những gì vượt quá thời gian, những gì làm nó bùng lên, những gì đem lại một thiên chức và một hương vị vĩnh cửu. (...)
 
Nhờ ơn Chúa, trong tinh thần của sự sng lại không chỉ là một cuộc hẹn hò sau cái chết, mà là khả năng lắp đầy cuộc sng với hạt ging phục sinh, chúng ta có thể chuộc lại thời gian, biến đổi cuộc sng, vẽ về vĩnh cửu với mực của thời gian. Khi, không tránh khỏi, những tờ lịch rơi xung tng tờ một, thì điều mà Thiên Chúa đã viết trên các trang với sự cộng tác của chúng ta, được Thần Khí lưu trữ trong cun sách lớn của Đấng mà "trong Người chúng ta có sự sng, sự chuyển động và tn tại". Và chúng ta sẽ tìm lại cuốn sách đó để cùng đọc lại với nhau, trong tình thương của lòng nhân hậu Thiên Chúa.
 
Lúc đó, các bạn sẽ nói với tôi: phải làm gì trong khi ch đợi lần gặp gỡ cuối cùng của cuộc vượt qua của chúng ta? Trước hết là yêu, vâng, yêu thực sự, bởi vì thánh Phaolô tông đ đã nói với chúng ta: "đức mến không bao giờ mất được". Vì vậy, có vĩnh cửu như ngọn đèn túc trực, trong mỗi cử ch yêu thương đích thực.
 
Claude Ducarroz
Hạnh Các Thánh

Ngày 24 tháng 10
THÁNH ANTÔN MARIA CLARET GIÁM MỤC

Thánh Antôn Maria Claret xuất thân trong một gia đình đạo đức ở Sallenti nước Tây Ban Nha. Ngay từ nhỏ, Antôn đã tỏ ra rất thích những việc phụng vụ như giúp lễ, dự các giờ kinh trong thánh đường. Antôn có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt. Chiều nào tan học cậu cũng đến trước bàn thờ Đức Mẹ cầu nguyện.
Lên 15 tuổi, Antôn phải thôi học về nhà giúp cha mẹ buôn bán tơ sợi. Vì có tài buôn bán lại làm việc có phương pháp, nên chả bao lâu Antôn đã cùng cha mẹ gây được một gia tài kếch sù. Nhưng thời gian qua đi không đem lại cho thánh nhân sự thỏa mãn gì hạnh phúc trần gian, trái lại, càng tiếp xúc với thế nhân, càng sống theo tiền bạc, ngài càng khám phá ra trần gian không phải là nơi ngài hoạt động. Chính lúc này, mầm mống ơn thiên triệu triển nở trong tâm hồn thánh nhân. Ngài muốn làm linh mục để mở nước Chúa. Và thánh nhân đã mạnh dạn xin cha mẹ cho vào đại chủng viện thừa sai, mặc dầu tuổi đã khá cao và tiền tài danh vọng không thiếu.
Sẵn tư chất thông minh và đạo đức, Antôn tiến rất nhanh trên đường học vấn và tu đức. Năm 32 tuổi, ngài chịu chức linh mục và làm cha phó xứ nhà thờ chính tòa. Cha Antôn rất tận tụy với nhiệm vụ, mặc dầu phải đảm đang bao nhiêu công việc. Ngài đặc biệt chú ý đến việc rao giảng Lời Chúa, và làm các phép bí tích. Thái độ và việc làm của cha giúp giáo dân hiểu biết và hâm mộ việc nghe giảng, tham dự các lễ nghi. Cha rất chăm lo việc dạy giáo lý cho trẻ em học sinh trong xứ. Ngài sống với chúng theo đúng tinh thần của Chúa Giêsu. Cộng tác với cha chính xứ và các cha phó khác, ngài đã gây được tinh thần truyền giáo cho xứ đạo với nhiều tổ chức, nhiều phong trào. Tất cả đều được chuẩn bị bằng việc học hỏi Phúc âm.
Nhưng đang lúc công việc tiến hành mạnh mẽ, cha phải vâng lời bề trên sang Rôma nhận chức Giám đốc sở quản lý của hội “Truyền bá đức tin”. Tám năm sau, cha lại được cấp trên gọi về và phụ trách truyền giáo tại hai giáo xứ Cataluna và Photunata. Trong thời gian này, mặc dù bề bộn bao nhiêu công việc, cha cũng dành thời giờ soạn nhiều sách tu đức có giá trị. Cha có lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ cách riêng. Đêm ngày ngài chỉ mong sao nhóm lên trong lòng giáo dân ngọn lửa yêu mến đó. Tất cả hoạt động mở nước Đức Mẹ của cha đã được kết tinh lại trong việc lập hội dòng “Con Đức Mẹ Vô Nhiễm”.
Đây là những chiến sĩ nhiệt tâm cộng tác với cha trong công cuộc truyền giáo. Về nhận chức vụ chưa đầy ba năm, cha đã đổi hẳn bộ mặt hai giáo xứ với đầy đủ các hội đoàn, các cơ sở cần thiết, nhất là đời sống đức tin và khả năng giáo lý của mọi tầng lớp giáo dân. Nhờ ơn Chúa và hoạt động của cha và của con cái cha, hằng năm Giáo hội sung sướng được thêm mấy chục tân tòng lĩnh nhận nhiệm tích Rửa tội.
Việc truyền giáo càng kết quả, cha Antôn càng để lộ đức khiêm nhường sâu xa. Cha thường nói với các chị em dòng Con Đức Mẹ: “Hỡi các con, cha xin đừng ai hãnh diện vì những kết quả thu được. Có hãnh diện chăng là hãnh diện vì đó là vinh danh Thiên Chúa. Riêng các con cũng như cha, chúng ta chỉ là những đầy tớ vô ích, giúp việc ông chủ toàn năng và nhân hậu là Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta không phải là tính toán thành quả, nhưng là cố sức mỗi ngày làm việc cho vừa ý Chúa và theo đúng tinh thần Giáo hội. Mỗi người chúng ta phải là ngọn đèn sáng về đức khiêm nhường Phúc âm”.
Tiếng tăm nhân đức và tài ba lẫy lừng của cha đã khiến Tòa thánh tuyển trạch cha lên làm Tổng Giám mục Cuba. Sẵn tấm lòng nhiệt thành truyền giáo, thánh nhân hoạt động rất mạnh trong địa phận mới. Ngài thiết lập chủng viện, xây cất nhiều thánh đường và tái thiết nhiều tu viện. Ngài cũng tiếp tục phong trào thi đua học giáo lý và Kinh thánh, tổ chức hội đoàn, hoạt động xã hội, tham gia và hưởng ứng những tổ chức do sáng kiến cá nhân, để chấn hưng đạo đức, công bình và bác ái. Đặc biệt thánh nhân dồn hết tâm lực cổ động lòng tôn sùng phép Thánh Thể và lần chuỗi Mân Côi. Trong công đồng Vaticanô I, thánh Giám mục cực lực lên tiếng bảo vệ quyền vô ngộ của Đức Giáo Hoàng.
Sau những năm hoạt động đắc lực cho Chúa, Đức Mẹ và Giáo hội, thánh Giám mục Antôn ngã bệnh và qua đời năm 1870. Như để tưởng thưởng công lao khó nhọc của ngài, Chúa đã làm nhiều phép lạ trên mộ thánh nhân, cứu giúp những ai chạy đến nhờ ngài bầu cử. Những phép lạ ấy cũng là những bằng chứng bảo đảm việc Giáo hội cất ngài lên bậc hiển thánh.
Lạy Chúa, xin vì lời bầu cử của thánh Antôn chúng con kính nhớ hôm nay, ban cho chúng con lòng khiêm nhường, biết khinh chê tiền bạc và những sự giả dối trần gian, hầu nâng lòng lên sống theo chân lý Phúc âm để đời này phụng sự Chúa và ngày sau đáng được chung phần phúc với thánh Antôn.
Giuse Lê Ðăng Thị (1925-186

Giuse Lê Ðăng Thị, Sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Giáo dân, Cai Ðội, bị xử giảo ngày 24/10/1860 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 24/10.
Cùng bạn về trời
Đúng ngày bị hành quyết, cai đội Giuse Lê Đăng Thị thức dậy rất sớm. Ông đánh thức một tù nhân bị xử tử cùng ngày, rồi đưa anh vào một gócnhà giam. Sau nhiều ngày tận tâm hướng dẫn người bạn dự tòng này, hôm nay (24.10) ông nghiêm trang đổ nước rửa tội cho anh "Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần". Thế là ông có một người bạn đồng hành với mình vào quê hương vĩnh phúc trên Trời.
Giuse Lê Đăng Thị sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, làng Văn Quy, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Thân phụ anh giữ chức Cai đội. Lớn lên anh cũng theo nghề của cha, xin nhập ngũ và phục vụ trong quân đội nhà vua. Một thời gian sau, anh được thăng Chưởng vệ trông coi lính ở Hà Tĩnh, rồi được dời vào Nghệ An. Tại đây, anh lập gia đình và sống hạnh phúc với vợ con.
Bão tố và niềm tin.
Vua Tự Đức sau một thời gian bách hại đạo gắt gao, đã phát hiện ra lệnh của mình chưa được thi hành đồng loạt, vì ngay trong hàng ngũ lãnh đạo, cũng có người theo đạo Công Giáo. Ngày 15.12.1859, nhà vua ra thêm một chiếu chỉ bắt tất cả các quan có đạo đó. "những quan nào có đạo (theo tà đạo), dù thành thực bỏ đạo cũng phải truất chức. Cần phải điều tra cẩn thận để tìm thêm những viên chức triều đình theo tà đạo. Những ai không tố giác, hoặc chứa chấp trong nhà mình, cũng bị trừng phạt như chúng…". Nhà vua còn bắt tất cả các quan quân phải bước qua Thánh Giá trước khi ra trận đánh giặc Tây. "Ai không bỏ đạo sẽ bị giải ngũ, bị khắc chữ tả đạo vào má và phát lưu".
Theo lời khuyên của quan trấn thủ, ông cai đội Lê Đăng Thị làm đơn xin xuất ngũ lấy cớ bệnh tật. Đơn xin được chấp thuận, ông trở về quê cũ để vợ con ở lại Nghệ An. Tháng giêng năm 1860, chiếu chỉ vua Tự Đức trên đây được áp dụng triệt để trên toàn quốc, ông cai Thị vì có kẻ tố giác, nên bị bắt ngày 29.1, cùng với một số bạn đồng ngũ khác và bị giải về Quảng Trị. Ông vui vẻ nhận mình là cai đội và là Kitô hữu.
Cuối tháng hai, ông phải ra tòa cùng với 31 quân nhân khác. Trong số đó có ba người bỏ đạo. Tất cả đều bị cách chức, một được tha về vị gìa yếu, còn lại 10 người bị thích tự, lưu đày chung thân, 17 người bị án tử hình giam hậu.
Riêng ông cai Lê Đăng Thị nhận án xử giảo, nhưng hẹn đến cuối tháng mười mới thi hành. Từ đó ông được đưa về giam ở khám đường Huế. Trong một lá thư gửi về cho vợ, ông viết: "Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau nữa, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn nhớ đến em và các con mỗi ngày".
Xứng danh huynh trưởng
Suốt thời gian trong tù, vì là người có cấp bậc cao nhất, ông cai Thị khích lệ các anh hùng đức tin cùng bị giam bằng lời nói và nhất là bằng mẫu gương trung thành, cam đảm. Cũng do chức vụ ấy, ông bị mang một gông rất nặng và bị đánh đập tra tấn nhiều hơn mọi người. Dù còn trẻ trung sung sức, nhưng trước những cực hình dã man, ông đã ngã bệnh. Khi đó, ông chia sẻ với các bạn tù lo lắng lớn nhất của mình. ông nói : "Tôi không rõ Chúa có cho tôi sống đến ngày tử đạo không. Tôi sợ bệnh tật làm tôi chết sớm hơn. Than ôi ! Chắc vì tội tôi, nên Chúa từ chối cho tôi ơn trọng ấy".
Một linh mục đã đến thăm và giải tội cho ông. Hôm sau một thày giảng cũng lén vào trao Mình Thánh Chúa cho ông. Ngày 24.10.1860, ông Cai bị dẫn đi hành hình. Viên quan đề nghị ông lần cuối cùng xuất giáo, và hứa xin vua ân xá, nhưng ông cai Thị quyết liệt từ chối. Bản án của ông được ghi như sau : "Lê Đăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể tha thứ được. Y bị kết án xử giảo cuối mùa thu".
Vạn phúc
Tại pháp trường An Hòa (Huế), ông Cai kính cần qùy trên chiếc chiếu cầu nguyện. Một linh mục đứng lẫn trong đám dân chúng ra dấu và giải tội lần cuối cho ông. Sau đó, ông kêu lớn tiếng: "Vạn phúc! Vạn phúc! Tôi sắp được tử đạo". Lý hình quấn một sợi dây vào cổ ông cai đội, rồi chia ra hai bên kéo thật mạnh cho tới khi chứng nhân Chúa Kitô tắt thở. Các tín hữu Phủ Cam tổ chức lễ an táng đông đảo tại xứ mình. Hiện nay hài cốt vị tử đạo còn được lưu giữ tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế - Huế.
Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
Nguồn từ tu viện Đa Minh

Trường thi tử Đạo.

Lê Ðăng Thị sinh năm Ất Dậu (1825)
Tại Kẻ Văn Phú Hậu miền Trung
Gia đình binh nghiệp ung dung
Võ quan tài giỏi tin cùng giáo dân

Khi chiếu chỉ có phần gay gắt
Lê Ðăng Thị sắp đặt phục viên
Ðơn xin bệnh hoạn đưa lên
Cấp trên chấp nhận về liền Nghệ An

Thêm chiếu chỉ liên can toàn quốc
Ai trốn chui bắt được tố ra
Ðăng Thị có kẻ ghét mà
Lên quan tố giác trước tòa quân nhân

Thị bị bắt về phần lẩn trốn
Trong số này có bốn bạn thân
Giải về Quảng Trị Trung Phần
Ðể quan xét xử tội nhân ra tòa

Ông Ðăng Thị nhận là Chưởng vệ
Rõ đầu đuôi sự thể xin ra
Kitô hữu đúng thật mà
Giải ông về Huế rồi là tống giam

Cùng đồng bạn lệnh ban xử giảo
Ngồi trong tù anh thảo bức thư
Nghĩ rằng còn gặp nữa ư
Thương em anh nhớ giã từ các con

Ở trong ngục cấp còn cao nhất
Ông Ðăng Thị, chân thật sẻ chia
Trung thành can đảm nọ kia
Cấp cao gông nặng, mũ hia dữ đòn

Tuy tuổi trẻ không còn sung sức
Lắm cực hình đau tức lâm nguy
Tâm tình với bạn thầm thì
Chúa cho tôi sống để đi pháp trường

Sợ bệnh hoạn dở dương chết sớm
Chắc vì tôi mắc vướng tội nhiều
Nguyện cầu xin Chúa thương yêu
Cho con ơn trọng là điều ước mong

Một Linh mục vào trong giải tội
Sau có thầy tìm lối đến trao
Máu Mình Thánh đã đem vào
Ngày mai Chưởng vệ giải giao pháp trường

Giờ phút cuối quan thường khuyên giải
Xuất giáo đi án cải xin vua
Ông Thị quan chớ giỡn đùa
Tôi trung của Chúa là Vua Nước Trời

Lính dẫn giải ra nơi để xử
Giuse Thị vẫn cứ nguyện cầu
Một Linh mục đến từ lâu
Giải tội lần chót phép mầu trao ban

Ông hô lớn Thiên Ðàng vạn phúc
Bọn lý hình tới lúc xiết dây
Chứng nhân tắt thở rồi đây
Phú Cam tổ chức tràn đầy giáo dân

Phúc tử đạo Canh Thân (1860) sử sách
Một võ quan tư cách tuyên xưng
Pháp trường cầu nguyện không ngừng
Suy tôn Kỷ Dậu (1909) vui mừng Nước Cha

Ngay giáo xứ mở ra an táng
Là chứng nhân xứng đáng Giuse
Hồng ân Thiên Chúa lắng nghe
Về sau hài cốt chở che nhà dòng

(Hài cốt Giuse Lê Ðăng Thị Chưởng vệ được đặt trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế)

Lời bất hủ: Bản án của ông Cai đội như sau: "Lê Ðăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể tha thứ được. Y bị kết án xử giảo cuối mùa thu”. Khi nghe bản án xong ông kêu lớn tiếng: "Vạn phúc, vạn phúc! Tôi sắp được Tử đạo".
Thứ Tư 24-10

Thánh Antôn Maria Claret

(1807-1870)


Người cha tinh thần của Cuba" là một nhà truyền giáo, người sáng lập dòng, người cải cách xã hội, tuyên uý của hoàng hậu, nhà văn và nhà xuất bản, là đức tổng giám mục và cũng là người tị nạn. Ngài là người Tây Ban Nha mà vì công việc ngài đã đặt chân đến các nơi như quần đảo Canary, Cuba, Madrid, Paris và Công Ðồng Vatican I.
Thánh Antôn Claret sinh ở làng Salient, tỉnh Catalonia, nước Tây Ban Nha năm 1807. Ngài là con của một người thợ dệt. Trong khi làm thợ dệt cũng như vẽ kiểu cho một xưởng tơ sợi ở Barcelona, ngài dùng thời giờ rảnh rỗi để học tiếng Latinh và học cách in ấn: quả thật Chúa đang chuẩn bị ngài để trở nên một linh mục và nhà xuất bản tương lai. Ðược thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức khỏe yếu kém nên ước mơ trở nên một tu sĩ dòng Tên hay dòng Thánh Brunô không thành tựu, ngài đã trở nên một linh mục triều nổi tiếng về rao giảng ở Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để đi giảng tuần đại phúc, và luôn luôn nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể và sự sùng kính Trái Tim Mẹ Maria. Người ta nói, chuỗi mai khôi không bao giờ rời khỏi tay ngài. Khi 42 tuổi, cùng với năm linh mục trẻ, ngài thành lập tu hội truyền giáo, mà ngày nay được gọi là tu sĩ dòng Claret.
Từ năm 1850 đến 1857, ngài được bổ nhiệm về làm tổng giám mục của giáo phận bị quên lãng từ lâu là Tổng Giáo Phận Santiago ở Cuba. Ngài bắt đầu cải cách bằng việc rao giảng không ngừng và giải tội. Dĩ nhiên ngài phải chịu nhiều chống đối cay đắng -- phần lớn là vì ngài kịch liệt lên án vấn đề vợ lẽ và vì ngài dạy giáo lý cho các người nô lệ da đen. Một tù nhân mà Cha Antôn chuộc ra khỏi tù đã được thuê mướn để giết ngài, nhưng ngài thoát chết và chỉ bị thương ở mặt và tay. Cũng chính Cha Antôn giúp người này thoát án tử hình. Ngài giúp thay đổi sự nghèo nàn của dân Cuba bằng cách giúp họ trồng trọt những thực phẩm khác nhau, cần cho thị trường. Ðiều này khiến các điền chủ tức giận, vì họ chỉ muốn dân chúng trồng mía để thu hoa lợi. Trong các văn bản về tôn giáo của ngài còn có hai quyển ngài viết khi ở Cuba: Suy Tư về Canh Nông và Lợi Nhuận Quốc Gia.
Ngài được gọi về Tây Ban Nha với một công việc mà ngài không ưa thích gì -- làm tuyên uý cho nữ hoàng. Ngài đồng ý trở về với ba điều kiện: Ngài sẽ ở ngoài hoàng cung, ngài chỉ đến nghe nữ hoàng xưng tội và dạy giáo lý cho con cái họ, và ngài không bị dính líu gì đến sinh hoạt triều đình. 
Cả cuộc đời Thánh Antôn, ngài chỉ mơ ước việc xuất bản sách báo Công Giáo. Ngài sáng lập Nhà In Công Giáo, một cơ sở xuất bản Công Giáo mạo hiểm kinh doanh ở Tây Ban Nha, và ngài đã viết cũng như xuất bản khoảng 200 cuốn sách lớn nhỏ.
Trong Công Ðồng Vatican I, ngài là người trung thành bảo vệ tín điều bất khả ngộ của đức giáo hoàng, ngài được sự thán phục của các giám mục bạn. Ðức Hồng Y Gibbons của Baltimore nhận xét về ngài, "Ðây thực sự là vị thánh." Ngài chết ở tu viện dòng Xitô lúc 63 tuổi.

Lời Bàn

Ðức Giêsu đã nói trước cho những ai muốn theo Người là họ sẽ bị bách hại như chính Chúa. Ngoài những cám dỗ trong đời, Thánh Antôn còn phải chịu đựng biết bao vu khống xấu xa đến độ tên Claret của ngài đồng nghĩa với nhục nhã và bất hạnh. Ma quỷ không dễ gì buông tha con mồi của chúng.
Chúng ta không cần phải đi tìm sự bách hại. Tất cả những gì chúng ta cần là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin chân thật nơi Ðức Kitô, chứ không phải vì những bất cẩn và tính khí bất bình thường của chúng ta.

Lời Trích

Có lần Nữ Hoàng Isabella II nói với Thánh Antôn, "Không ai có thể nói cho tôi nghe một cách rõ ràng và thành thật như cha." Sau này hoàng hậu nói với ngài, "Mọi người đều xin tôi ban cho họ những ơn huệ này nọ, nhưng chưa bao giờ thấy cha làm như vậy. Cha có muốn xin điều gì không?" Ngài trả lời, "Thưa có, xin cho tôi từ chức." Từ đó trở đi hoàng hậu không còn đề nghị gì khác.





Bài đọc 2 
Ngày 24 tháng 10: Thánh An-tôn Ma-ri-a Cơ-la-rét, giám mục.
Thánh nhân sinh năm 1807 tại Ca-ta-lô-nhơ, Tây Ban Nha. Sau khi làm linh mục, người đi giảng cho dân chúng trong nhiều năm, rồi lập ra tu hội Thừa Sai. Được đặt làm tổng giám mục Xăng-ti-a-gô (Cu-ba), người nhiệt thành lo cho con chiên. Đồng thời, người cũng làm cố vấn cho hoàng hậu Tây Ban Nha, người cùng đi đày với hoàng hậu. Người qua đời Ở Pháp năm 1870, sau khi phải gánh chịu những thái độ ghen ghét và những lời công kích lăng mạ. 
Tình yêu Chúa Ki-tô thôi thức chúng tôi
Trích tác phẩm của thánh An-tôn Ma-ri-a Cơ-la-rét, giám mục. 

Được lửa của Thánh Thần thức đẩy, các thánh Tông Đồ rảo khắp mặt đất. Được lửa ấy thiêu đốt, các vị thừa sai đầy tinh thần tông đồ cũng đã, đang và sẽ đi đến tận cùng thế giới, từ địa cực này sang địa cực kia để loan báo lời Thiên Chúa, khả dĩ áp dụng một cách hữu lý về mình lời sau đây của thánh Phao-lô Tông Đồ : Tình yêu Chúa Ki-tô thôi thúc chúng tôi. 
Tình yêu Chúa Ki-tô kích động tâm hồn và thôi thúc chúng ta vừa chạy vừa bay bằng đôi cánh của nhiệt tâm. Kẻ thực tình yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương tha nhân. Người yêu mến là người có nhiệt tâm đích thật. Mức độ nhiệt tâm tuỳ thuộc vào mức độ tình yêu : tình yêu càng nồng nhiệt thì người ta càng được nhiệt tâm thôi thúc mãnh liệt hơn. Không có nhiệt tâm thì đó là dấu tình yêu và đức ái đã tắt trong lòng người ta. Ai có nhiệt tâm thì ước muốn và làm tất cả, sao cho Thiên Chúa được nhận biết, mến yêu và phụng sự ở đời này cũng như ở đời sau, vì tình yêu thánh thiện này không có giới hạn. Đối với tha nhân cũng thế, người ấy cầu mong và ra sức làm cho mọi người được vui vẻ, được sung sướng ở dưới đất, được hạnh phúc trên quê trời, và mọi người được cứu độ, kẻo có ai phải hư mất đời đời hay là xúc phạm đến Thiên Chúa, hoặc ở lại trong tội lỗi, dù chỉ một giây lát, như chúng ta thấy được nơi các thánh Tông Đồ và tất cả những ai được tinh thần tông đồ thức đẩy. 
Tôi tự nhủ : ai cháy lửa yêu mến, và đi tới đâu đốt lên lửa mến tới đó ; ai thật sự ước mong và hết sức làm cho mọi người bừng cháy lửa yêu mến, người ấy chính là con của Trái Tim vô nhiễm Đức Ma-ri-a. Người ấy không sờn lòng nản chí trước bất cứ chuyện gì, vui mừng khi bị thiếu thốn, dấn thân vào công việc, chấp nhận mọi gian lao, hân hoan khi bị nhục nhã, vui mừng lúc bị hành hạ. Người ấy không nghĩ gì khác ngoài việc đi theo và bắt chước Đức Ki-tô trong khi cầu nguyện, làm việc và chịu đựng, luôn luôn chỉ tìm làm vinh danh Thiên Chúa và cứu các linh hồn. 
Lời nguyện 
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh An-tôn Ma-ri-a giám mục lòng yêu thương và nhẫn nại lạ lùng trong việc nhắc lại cho mọi giới những đòi hỏi của Tin Mừng. Vì lời thánh nhân cầu khẩn, xin cho chúng con biết tìm kiếm Nước Chúa và nhiệt thành chinh phục anh em về cho Ðức Ki-tô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách ngày 24/10-bản dịch của nhóm CGKPV)
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét