Trang

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

11-10-2012 : THỨ NĂM TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Năm sau Chúa Nhật 27 Quanh Năm
* * *


Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 3, 1-5
"Anh em đã lãnh nhận Thánh Thần bởi giữ luật hay bởi vâng phục đức tin?"
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Ôi những người Galata vô tâm trí, ai đã mê hoặc anh em bất phục chân lý tỏ bày Ðức Giêsu Kitô trước mặt anh em, Ðấng chịu đóng đinh vào thập giá trong anh em? Tôi chỉ muốn anh em cho biết một điều này: là anh em đã lãnh nhận Thánh Thần bởi giữ luật hay bởi vâng phục đức tin? Chớ thì anh em vô tâm trí đến nỗi anh em đã khởi công theo tinh thần, để rồi giờ đây kết thúc theo xác thịt sao? Anh em đã chịu đựng bao nhiêu chuyện như thế luống công sao, nếu có thể nói là luống công? Vậy Ðấng ban Thánh Thần cho anh em và làm những việc lạ lùng nơi anh em, có phải Người hành động bởi anh em giữ luật hay bởi anh em vâng phục đức tin?
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75
Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68).
Xướng: 1) Chúa đã gầy dựng cho chúng ta một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Ngài đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa. - Ðáp.
2) Ðể giải phóng chúng ta khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng ta. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta, và nhớ lại lời thánh ước của Ngài. - Ðáp.
3) Lời minh ước mà Ngài tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng ta rằng: Ngài cho chúng ta được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù; phục vụ Ngài trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Ngài, trọn đời sống chúng ta. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Lc 4, 18-19
Alleluia, alleluia! - Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 5-13
"Các con hãy xin thì sẽ được".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: "Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy". Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: "Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được". Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Sau khi dạy các môn đệ cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha, Ðức Giêsu còn dạy các môn đệ phải cầu nguyện thế nào để được Cha nhậm lời. Khi cầu nguyện phải ở trong tương quan Cha-con, nghĩa là phải chân thành, khiêm tốn, đơn sơ và kiên nhẫn.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con biết cách thức cũng như giá trị của việc cầu nguyện. Thế nhưng trong cuộc sống, chúng con lại rất dễ chán nản khi cầu nguyện. Bởi vì với cái nhìn thiển cận, chúng con chỉ biết xin những điều chúng con tưởng là tốt hoặc chỉ vì tư lợi. Và khi không được như ý muốn, chúng con bất mãn, bỏ cầu nguyện.
Xin Chúa ban Thánh Thần cho chúng con, để Ngài dạy cho chúng con biết phải cầu nguyện thế nào cho phải. Vì tự sức mình, chúng con không thể làm đẹp lòng Chúa được. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Hiệu Lực Của Lời Cầu Nguyện
(Lc 11,5-13)

 Suy Niệm:
Hiệu Lực Của Lời Cầu Nguyện
Một tác giả kể lại câu truyện như sau: Một hôm ông theo đoàn đánh cá ra khơi, trời thật đẹp, nhưng đến trưa, gió thổi mạnh và cơn bão rất lớn ập tới. Ðoàn người chống chọi quyết liệt nhưng vô ích, nước đã tràn vào đầy tàu. Lúc ấy, viên thuyền trưởng ra lệnh: "Các bạn hãy cầu nguyện". Người phụ tá bảo: "Sao lại cầu nguyện? Mây che kín cả bầu trời rồi, Chúa chẳng nghe thấy đâu". Nhưng viên thuyền trưởng dứt khoát: "Chúng ta cứ cầu nguyện".
Tất cả đều sốt sắng cầu nguyện, bỗng từ đám mây đen nghịt ấy lóe ra một tia sáng xanh trong vắt. Viên thuyền trưởng la lên: "Cửa trời đã mở, Chúa đã nghe lời của chúng ta, và tia sáng đó là ánh mắt nhân từ Ngài nhìn xuống chúng ta. Hãy tiếp tục cầu nguyện". Và rồi sau đó, sóng gió im lặng và trời càng sáng rõ, các thủy thủ tạ ơn Chúa và đã cập bến an toàn.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta: "Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho". Ngài đưa ra hai dụ ngôn để nhắc nhở chúng ta kiên tâm trong lời cầu nguyện và siêng năng cầu nguyện cùng Chúa. Ngài đoan hứa Thiên Chúa là người Cha tốt lành sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, đặc biệt Ngài sẽ ban cho chúng ta món quà tuyệt hảo là Thánh Thần, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc đích thực.
Trong thực tế, có lẽ chúng ta đã cầu xin rất nhiều, thế mà nhiều khi chúng ta chẳng nhận được. Tại sao thế? Thánh Giacôbê trả lời: "Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc". Do đó, khi cầu nguyện, chúng ta hãy ý thức điều chính yếu chúng ta phải nhắm tới trước hết, đó là "Xin cho Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Thiên Chúa là Cha, Ngài khôn ngoan thấu suốt những nhu cầu của chúng ta và sẽ ban cho những gì lợi ích cho phần rỗi chúng ta. Ðiều cần thiết là phải kiên trì trong niềm tin và xác tín Thiên Chúa yêu thương và ban cho những điều vượt quá sự mong ước của chúng ta.
Nguyện xin Chúa củng cố chúng ta trong đời sống và tâm tình cầu nguyện, cho chúng ta biết xin những gì đẹp lòng Chúa và phó thác tất cả cho tình yêu thương quan phòng của Chúa.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 27 TN2
Bài đọc: Gal 3:1-5; Lk 11:5-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Kiên trì trong thử thách

Kiên trì trong thử thách và đau khổ là một trong những yếu tố quyết định giữa thành công và thất bại của đời người. Người yếu đuối nhẹ dạ dễ bị đánh lừa và hay thay đổi vì không có lập trường rõ rệt. Người kiên trì không dễ bị đánh lừa hay thuyết phục vì đã nắm vững những gì mình tin và chọn. Bài đọc I nói lên sự kiên trì trong đức tin và đạo lý. Phúc Âm nói lên sự kiên trì trong tình thương và lời cầu nguyện.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Kiên trì trong đức tin và đạo lý. Đừng để mọi thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em.
1.1/ Phải biết quí trọng và giữ gìn những đạo lý đã học được:
Đức tin có được là nhờ nghe. Thánh Thần là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban cho con người. Quà tặng này có được là do đức tin vào Chúa Giêsu Kitô (Acts 8:14-17, 10:44), chứ không do là người Do Thái hay Dân Ngọai. Khi các tín hữu Galat nhận lãnh Chúa Thánh Thần, họ đã chưa từng nghe đến việc phải giữ Luật. Họ chỉ nghe đến việc giữ Luật khi thánh Phaolô tạm rời bỏ họ và một số người Do Thái đến rao giảng cho họ nghe một đạo lý khác, thứ đạo lý đặt căn bản trên việc cắt bì và giữ các Lề Luật. Vì thế, thánh Phaolô tức giận khi nghe tin các tín hữu Galat đã bỏ những gì ngài dạy và tin theo thứ đạo lý này: “Hỡi những người Ga-lát ngu xuẩn! Ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập Giá phơi bày ra trước mắt? Tôi muốn anh em cho tôi biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thánh Thần vì đã làm những gì Luật dạy, hay vì đã tin nhờ được nghe?”
1.2/ Không kiên trì trong đức tin sẽ dễ dàng bị mất gốc và bị cuốn theo đủ mọi thứ học thuyết: Thánh Phaolô dùng kinh nghiệm để nhắc nhở các tín hữu Galat nhớ lại thuở ban đầu khi họ chưa có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.

- Bắt đầu bằng những lời rao giảng về cuộc đời của Đức Giêsu Kitô của Phaolô, các tín hữu Galat đã nhận ra tình thương của Thiên Chúa và tin vào Ngài. Đức tin của họ có được là nhờ nghe những lời rao giảng của Phaolô và nhờ Thánh Thần tác động trong tâm hồn để họ có thể tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Thế mà giờ đây họ lại nghe theo lời người khác mà tin ngược lại: để có được Chúa Thánh Thần, họ phải giữ các Lề Luật để được Thiên Chúa thương ban Thánh Thần. Thánh Phaolô kêu trách họ: “Anh em ngu xuẩn như thế sao? Anh em đã khởi sự nhờ Thánh Thần, nay lại kết thúc nhờ xác thịt sao?”
- Vì tin vào Đức Giêsu Kitô, các tín hữu Galat đã được tràn đầy những hồng ân của Thánh Thần và đã có bao kinh nghiệm về sự họat động của Thánh Thần ở giữa họ: nói tiếng lạ, chứng kiến các phép lạ, chứng kiến bao nhiêu người Dân Ngọai tin vào Thiên Chúa … Thế mà giờ đây tin vào những lời của các kẻ phá họai, họ lại muốn làm lại từ đầu để có được Thánh Thần; mà chưa chắc họ đã có nhờ giữ cẩn thận Lề Luật. Thánh Phaolô đặt câu hỏi cho họ suy nghĩ: “Bấy nhiêu kinh nghiệm anh em đã trải qua, lại uổng công sao? Mà quả thật là uổng công! Vậy Đấng đã rộng ban Thánh Thần cho anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em, có phải vì anh em làm những gì Luật dạy, hay vì anh em đã tin nhờ được nghe?”

2/ Phúc Âm: Kiên trì xin cho tới khi được.
2.1/ Khi cần, phải xin cho dẫu phải quấy rầy người khác: Sự lỡ đường của người bạn lúc nửa đêm đặt người phải vay trong tình trạng khó xử: hoặc im lặng để người bạn lỡ đường chịu đói hoặc phải hy sinh gõ cửa hàng xóm mà vay. Sau cùng, vì tinh thần hiếu khách nên anh quyết định hy sinh đi vay dù biết rằng mình sẽ làm phiền hàng xóm. Anh gõ cửa hàng xóm và van nài: "Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả." Người hàng xóm từ trong nhà đáp: "Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.”
2.2/ Kiên trì xin cho tới khi được: Mặc dù bị từ chối nhưng anh vẫn kiên trì gõ cửa và van nài cho đến khi được như lời Chúa nói: “dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ “lỳ” ra đó.” Người hàng xóm phải chỗi dậy cho vay bánh vì ông không muốn cả gia đình phải mất ngủ suốt đêm. Tiếng Hy Lạp dùng ở đây là avnaideia, danh từ này có 2 nghĩa: (1) tiêu cực: không biết nhạy cảm trước sự khước từ hay khinh thường của người khác: không biết xấu hổ, lỳ lợm, chai lỳ; (2) tích cực: kiên nhẫn, kiên trì cho tới khi đạt được, không cần biết thời gian phải chờ đợi bao lâu, nơi chốn nào có thể tìm thấy, hay con người nào có thể xin được. Đây là thái độ mà Chúa muốn các môn đệ phải có khi muốn xin sự gì với Thiên Chúa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” Lý do tại sao phải có thái độ này là vì người xin không thể làm cách nào khác hơn được nữa.

2.3/ So sánh người cha dưới đất với người Cha trên trời: Để nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa cho con người, Chúa Giêsu dùng một ví dụ cụ thể về tình thương của người cha trần thế: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải kiên trì trong đức tin và giữ vững đạo lý; đừng có thái độ ai nói gì cũng nghe, ai bảo sao cũng làm. Để có thể kiên trì, chúng ta cần học hỏi để hiểu tường tận Kinh Thánh và những Giáo Huấn của Giáo Hội hết sức có thể.
- Chúng ta phải kiên trì trong tình thương và lời cầu nguyện dẫu có phải đương đầu với thử thách và đau khổ.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Năm tuần 27 thường niên
Sứ điệp:Thiên Chúa là Cha hằng thương yêu chúng ta là con cái của Ngài. Ngài biết ta cần gì và luôn cho ta những điều tốt nhất. Ta hãy tin tưởng và kiên tâm nguyện cầu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhiều lần con nghe Lời Chúa hứa: hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cho, mà lòng con vẫn nghi nan. Đó là những lúc con cầu xin một điều gì đó hoài, mà chẳng được như ý con xin. Thậm chí con còn hoài nghi cả sự hiện diện của Chúa nữa. Xin Chúa tha cho con tội nghi ngờ tình thương của Chúa.
Hôm nay, Chúa dạy con kiên trì cầu nguyện. Con tin Chúa thấu hiểu mọi khốn khó trong đời con. Con cũng tin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót  chẳng muốn con khốn khó. Con lại tin rằng Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự giúp con vượt qua gian nan thử thách. Chúa dạy con kiên tâm cầu nguyện là muốn điều tốt cho con. Đó là cách thức tốt nhất để con ý thức sâu xa hơn về thân phận yếu hèn và sự bất lực của kiếp người. Nhờ đó tâm hồn con sẽ được trở nên thích hợp, trở nên khiêm tốn đáng đón nhận ơn Chúa ban.
Sức mạnh của người tín hữu là ở nơi Chúa. Đó là kinh nghiệm của những ai đã thực sự sống là con cái Thiên Chúa. Xin cho con kiên trì cầu nguyện, để trong khi cầu nguyện con luyện lòng cậy trông vào Chúa. Xin cho con kiên trì cầu nguyện để con trở nên bé thơ trong tay Chúa. Xin cho con kiên trì chỉ cầu xin nơi Chúa, để con biết tạ ơn Chúa khi Chúa thương ban ơn cho con. Xin cho con kiên trì cầu nguyện và biết chờ đợi Chúa, vì con biết rằng Chúa luôn ban cho con những điều tốt nhất, vượt trên cả những điều con có thể nghĩ tới, cao cả hơn những điều con ước mong. Amen.
Ghi nhớ : "Các con hãy xin thì sẽ được".
11/10/12 THỨ NĂM TUẦN 27 TN
Khai mạc Năm Đức Tin
Lc 11,5-13 


KIÊN TRÌ CẦU XIN
“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,9)
Suy niệm: Cần thì mới xin giúp! Dù vậy, vì lịch sự, vì ngại làm phiền, người ta cũng không dám kèo nài trong tình huống tế nhị “cửa đã đóng, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi,” nhất là khi còn bị đáp lại thẳng thừng: “Đừng làm phiền!” Thế nhưng người xin này bất chấp tất cả từ đường xá đêm khuya và ngay cả sự từ chối không nể nang của bạn để vay cho kỳ được ba chiếc bánh. Rốt cuộc anh cũng đạt được điều mình xin chỉ vì “anh ta cứ lì ra đó.” Chúa Giêsu kể câu chuyện này để dạy chúng ta biết kiên trì khi cầu nguyện: Nếu như trước một người bạn không chút nhiệt tình mà anh này chỉ nhờ “chai mặt” kiên trì tới mức lì lợm, và cuối cùng cũng được toại nguyện, thì, Chúa Giêsu khẳng định, trước Thiên Chúa là Đấng nhân từ, chúng ta cứ xin thì chắc chắn sẽ được. Chẳng những Ngài luôn ban phát điều tốt lành cho con cái mình mà Ngài còn làm hơn cả điều chúng ta xin đó là ban Thánh Thần cho chúng ta.
Mời Bạn: Lắm khi chúng ta cầu xin Chúa, nhưng chưa kiên trì, chưa đặt trọn niềm tin và hy vọng vào Ngài mà đã vội kêu trách Chúa, thậm chí chối bỏ niềm tin. Mời bạn kiểm điểm lại sự kiên trì của mình trong cầu nguyện, và mỗi ngày nhìn lại ngày sống để thấy muôn vàn ân huệ Thiên Chúa hằng ban mà đôi khi bạn không thấy được.
Sống Lời Chúa: Tập kiên trì trong việc cầu nguyện bằng cách trung thành với giờ cầu nguyện mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con thêm lòng tin cậy mến, sự kiên trì trong cầu nguyện, và cho con xác tín rằng Thiên Chúa yêu con hơn con tưởng, qua chính việc ban Thánh Thần cho con. Amen.
Hãy xin thì sẽ được.
Cần có đức tin mới nhận ra rằng Chúa đã nhận lời mình rồi, nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn. Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.
Suy niệm:
Một thách đố lớn đối với đức tin của người Kitô hữu
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài
nhưng không nghe thấy tiếng đáp lại.
Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan,
nỗi đau khổ thể xác tinh thần vây bọc lấy đời người.
Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn.
“Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.”
Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng.
Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng,
Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ.
Nếu Ngài là Cha yêu thương,
Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người.
Có nhiều người đã lý luận như thế và kết luận:
“Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.”
Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn đề
có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết.
Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm.
Chỉ ai tin mới đến gần được mầu nhiệm ấy,
và đón nhận nó trong bình an.
Ðức Giêsu đã không trình bày con đường diệt đau khổ,
nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân.
Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa,
và thấy được sự vắng mặt của Người.
“Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”
Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin,
dù bị thử thách, vẫn một niềm tín thác:
“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”
Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương,
nhưng Ngài hành động không giống điều ta nghĩ.
Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá
nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ,
điều đó khó hơn nhiều.
Hôm nay Ðức Giêsu mời chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ
và tin chắc sẽ được, sẽ thấy, sẽ mở cho.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
Ngài chỉ ban cho ta những điều tốt lành,
những điều có lợi thực sự cho ta,
những điều làm ta trưởng thành và triển nở,
những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực,
thứ hạnh phúc không chỉ hạn hẹp ở đời này.
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
nhưng Ngài không nuông chiều con cái,
Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.
Bạn hãy cứ cầu xin
nhưng hãy để cho Ngài định liệu,
vì Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho bạn
trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ.
Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin,
vì những điều chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn.
Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay.
Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp.
Cần có đức tin mới nhận ra rằng
Chúa đã nhận lời mình rồi,
nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn.
Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy
mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ
vì những gì Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Các con hãy xin thì sẽ được".
an Thánh Thần
Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người. (Lc. 11, 13)
Thiên Chúa thích cầu nguyện và quấy rầy.
Đức Kitô chứng tỏ cho chúng ta thấy thế. Người nói về những người bạn còn không thể từ chối nhau được ngay cả khi họ gặp những bất tiện. Về tình cảm bạn bè nên ông bạn này đến quấy rầy bạn bè ban đêm!
Dù cho bạn bè cạu cọ, kêu trách, muốn đuổi ông bạn quấy rầy đi. Nhưng sau cùng, bạn cũng dậy đưa tất cả những gì ông bạn cần, cho xong chuyện.
Thiên Chúa cũng vậy, và còn vô cùng tốt lành hơn nữa, không bao giờ Ngài chán nghe chúng ta kêu cầu, không bao giờ chán thấy chúng ta chạy đến xin Ngài giúp đỡ. Thiên Chúa vô cùng nhẫn nại hơn tất cả mọi người, hơn bất cứ những người quen thân nhất với chúng ta. Đức Giêsu đã dùng ba mẫu mực khác nhau để nhấn mạnh cho chúng ta biết cầu xin cha chúng ta ở trên trời đến cứu giúp. “Anh em cứ XIN thì sẽ được, cứ TÌM thì sẽ thấy, cứ GÕ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai XIN thì sẽ nhận được, ai TÌM thì sẽ thấy, cứ GÕ cửa thì sẽ mở cho”. Còn gì rõ ràng hơn nữa! Ai có thể vẽ được bức họa cho chúng ta cụ thể hơn nữa! có lẽ chúng ta hiểu, tuy nhiên, để tốt cho chúng ta hơn. Thiên Chúa không ban những gì chúng ta xin như chúng ta muốn, nhưng Ngài sẽ ban ơn khác tốt hơn cho chúng ta. Có lẽ chúng ta hiểu được tằng Thiên Chúa không mở cho chúng ta như chúng ta gõ, nhưng Ngài sẽ mở cho chúng ta sau này. Có lẽ chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa sẽ không cho chúng ta thấy những gì chúng ta tìm, nhưng cho thấy điều cốt yếu hơn.
Vì điều cốt yếu này, chính là Thánh Thần. Thánh Thần sẽ giúp chúng ta phân biệt được điều gì tốt hơn cho chúng ta khi chúng ta xin, khi chúng ta tìm và khi chúng ta muốn vào sâu thánh ý Thiên Chúa. Thánh Thần khôi phục lại thế giới Kitô đã bị thất thoát nhiều hay ít! Chính Thánh Thần mà Đức Kitô đã hứa ban cho các tông đồ, chỉ mình Ngài mới có thể giúp chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm và sứ điệp của Đức Kitô. Chính Thánh Thần là sức mạnh, khôn ngoan, thông minh sáng suốt, ánh sáng và dịu hiền. Chính Thánh Thần kiến thiết xây dựng Hội Thánh và thánh hóa chúng ta trong ngọn lửa tình yêu.
GF.
  Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10

11 THÁNG MƯỜI
Bài Sai Muôn Thuở
Lời Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, vẫn luôn vang vọng: ”Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và này đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).
Đó là những lời sau cùng của Chúa trước khi Ngài rời bỏ mặt đất cách hữu hình để trở về với Cha. Những lời ấy, trong sức mạnh và hiệu năng của nó, cho thấy rõ căn tính của Giáo Hội – đó là một Giáo Hội được ủy thác kho tàng sự thật và ơn cứu độ thần linh không phải để giữ cho riêng mình nhưng là để thông chia cho mọi người khác nữa. Những lời ấy của bản văn Tin Mừng theo Thánh Matthêu là hiến pháp của Giáo Hội, vì Giáo Hội, tự bản chất của mình, là một cơ chế truyền giáo.
Loan báo Tin Mừng, đó là công bố cho toàn thế giới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết và sống lại để làm Chúa của kẻ sống và người chết. Từ bối cảnh đó, chúng ta hiểu ý tưởng của Thánh Augustinô, như được Công Đồng Vatican II lặp lại: “Các Tông Đồ, là nền móng của Giáo Hội, bắt chước mẫu gương của Chúa Kitô, đã rao giảng lời chân lý và xây dựng các giáo đoàn” (AG, 1).
+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 11-10
Gl 3, 1-5; Lc 11, 4-13
LỜI SUY NIỆM: “Thẩy bảo cho anh em: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm  thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc11,9)
          Sau khi Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ cách cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha. Chúa còn đưa ra một câu chuyện “người bạn quấy rầy, và Ngài kết luận: “cứ xin thì sẽ được”. Nhưng trong thực tế mỗi Ki-tô hữu chúng ta khi cầu nguyện cũng cảm thấy mình thấp hèn, tội lỗi và bất xứng trước một Vị Thiên Chúa cao cả. Thiên Chúa đã biết lòng chúng ta, đã thấy sự bất xứng của chúng ta, Ngài xót thương chúng ta. Ngài đã lo liệu cho chúng ta có những vị trung gian mạnh thế bên sự cao cả của Ngài. Đó là Chúa Giêsu Con Một của Ngài và Đức Maria Đấng đẹp lòng Thiên Chúa, để chuyển cầu cho chúng ta. Đến nỗi coi thường những trung gian này và trực tiếp lại gần sự thánh thiện của Ngài, mà không có ai gởi gắm, chính đó là thiếu tôn kính Đấng Thiên Chúa cao cả, rất thánh thiện. Chúng ta đang được sống trong tình thương của Thiên Chúa “Cứ xin thì sẽ được”
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
11 Tháng Mười
Một Cách Truyền Giáo

Tuần báo Midnight-Globe xuất bản tại Hoa Kỳ, gần đây có thuật lại một phương thức làm việc tông đồ của một tín hữu Kitô như sau: mỗi ngày, trừ ngày Chúa Nhật, ông Jewel Pierce đều ra bờ sông Coosa, gần chỗ ông ở, tại bang Alabama. Ông ném xuống sông hai chai không, trong đó ông để một mảnh giấy ghi lại một câu kinh thánh nói về tình thương, hay một sứ điệp tương tự, kèm theo đó là lời đề nghị sẵn sàng giúp đỡ tất cả những ai cần đến sự giúp đỡ của ông về tinh thần cũng như vật chất. Những chai không đó được bít kín lại và theo dòng sông chạy ra biển khơi cách đó 15 cây số.
Trong vòng 40 năm, ông Jewel Pierce đã gửi đi được 27,000 sứ điệp tình thương Kitô như thế, kèm theo địa chỉ của ông. Ðã có hơn 2,000 người thuộc 30 quốc gia khác nhau đã viết thư trả lời và rất nhiều người đã đọc được những lời đầy hy vọng của sứ điệp Kitô.
Một vị giám mục Việt Nam đã thuật lại chứng từ sau đây. Tại một làng nhỏ ở miền thượng du Bắc Việt, toàn dân làng là người Công Giáo, nhưng từ 20 năm qua, họ không có linh mục coi sóc. Dù vậy, các tín hữu vẫn tổ chức các buổi đọc kinh và hát thánh ca tại nhà thờ. Ðây cũng là nơi họ tổ chức các lễ cưới và rửa tội một cách trọng thể. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dân làng vẫn sống trong an vui và bình thản.
Tiếng đồn về niềm vui của dân làng này đến tai một làng sơn cước. Do đó, dân làng sơn cước này yêu cầu những người Công Giáo cho người đến dạy họ các bài kinh và thánh ca để họ cũng tìm được niềm vui.
Nhưng dân làng Công Giáo không tìm được ai: người lớn thì phải đi làm việc đồng áng, trẻ em thì phải đi học, còn người già cả thì không đủ sức băng rừng leo núi để đến giúp người sơn cước. Chỉ có một người thuộc kinh bổn, thánh ca và biết các nghi thức tôn giáo. Người đó lại là một người mù.
Sau khi bàn bạc với nhau, dân làng sơn cước đã đồng ý sai người dẫn hai con ngựa đi rước người mù. Người tín hữu tàn tật này đã ở lại với dân làng 4 tháng. Cứ mỗi tối, sau khi làm việc trở về, dân làng tụ họp với nhau, nay nhà này, mai nhà khác, để tập đọc kinh và hát thánh ca. Sau một thời gian, người giảng viên giáo lý mù khảo sát và làm phép rửa cho người dân làng đầu tiên. Và người tân tòng này lại rửa tội cho những người khác và cứ như thế cho đến người cuối cùng.
Phương pháp làm việc tông đồ của làng Công Giáo trên đây là phương pháp đơn sơ, nhưng cốt yếu của Kitô giáo: đó là rao giảng bằng chính chứng từ của cuộc sống, nhất là cuộc sống an bình và vui tươi
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 11


Đức Giêsu nói với các môn đệ trong bữa ăn cui cùng: "Hãy cầm lấy mà ăn" thịt và máu Thầy, bánh và rượu đã được ban cho, là chính sự sng của Thầy.
 
Những người hung bạo sẽ bắt Chúa, sẽ giết Người, Chúa trút cuộc sng vào tay Chúa Cha trước, và hiến dâng cuộc đời mình cho thế giới, thịt và máu này sẽ bị nghiền nát. Sự hiến dâng này dưới hình bánh và rượu. Sự vượt qua từ thịt và máu sang bánh và rượu có ý nghĩa gì, nếu không phải là mời gọi bỏ bạo lực để sng dịu dàng, một sự dịu dàng là sức mạnh nội tâm thực sự.
 
Là Thầy và là Chúa (Ga 13,12-15), Người loại bỏ kịch liệt mọi hình thức làm chủ, đặt không đúng chỗ. Chúa tự giới thiệu như một người phục vụ (Lc 22,27). Như vậy, Người dạy cho các môn đệ tái khám phá ý nghĩa của câu "phục vụ”, tuyệt vời như thế nào, làm sao trở thành những đầy tớ của Đấng Tối Cao, của sự sng.
 
Thánh Thể là giao ước mới, là chóp đnh của sự hiến dâng, của tình yêu cho đi đến cùng; khi người đẩy tớ nhận ra ý nghĩa sâu xa của hành động của Đức Kitô, sẽ tiếp nhận với lòng biết ơn, kết hợp với đòi sng tự hiến này và đến lượt mình, sẽ đi vào cùng một hành động, là tr về với Chúa Cha và hiến dâng cho con người.
 
Simone Pacot
Hạnh Các Thánh


Ngày 11 tháng 10
THÁNH ALÊXANĐRÔ SAULI
GIÁM MỤC
(1534-1592)


Thánh Alêxanđrô Sauli sinh ngày 15.02.1534, trong một gia đình trung lưu tại Milanô. Hai ông bà Đaminh và Spinula sinh hạ được ba trai hai gái, Alêxanđrô Sauli là con thứ hai. Năm 17 tuổi, cậu đến tu trong một tu viện thuộc dòng thánh Bênađô. Để thử thách lòng can đảm và chí nhiệt thành của cậu, cha bề trên dòng đã bắt cậu phải đeo một cây thánh giá to trước ngực rồi đi rao giảng nơi công cộng. Sauli nhận lãnh với tất cả lòng kính cẩn. Thầy đeo thánh giá trước ngực, chạy ra giữa chợ đông đúc và mạnh bạo lên tiếng giảng về ý nghĩa cây thánh giá. Thầy còn sốt sắng hát lên những bài thánh vịnh đánh động lòng người. Trăm ngàn con mắt bỡ ngỡ đổ dồn về phía Sauli. Ai nấy đều tấm tắc khen tài ăn nói của vị tu sĩ trẻ tuổi đầy đức tin ấy.
Trước việc làm cản đảm và thành công rực rỡ đó, nhà dòng giữ lại cây thánh giá mà Sauli đã mang như một báu vật kỷ niệm. Và ngày lễ Chúa Thánh Thần năm 1541, thầy được chính thức gia nhập dòng, hưởng thụ niềm vui siêu nhiên khôn tả. Thầy hân hoan đón nhận và thi hành tất cả những quy luật nhà dòng. Theo thầy, muốn tiến cao trên đường nhân đức, cần phải bỏ ý riêng, diệt trừ lòng tự ái, đón nhận tất cả những nghịch cảnh với tấm lòng vị tha, khiêm tốn và bác ái, luôn cố gắng phụng sự Chúa bằng tất cả thiện chí và nhiệt thành. Thánh nhân thường suy niệm lời Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá và theo Ta”. Chính vì thế, thánh nhân tiến rất nhanh trên đường tu đức. Năm 1554, thầy được khấn trọng thể trong dòng, và ngày 21.03.1556, thầy được chịu chức linh mục. Nhận thấy cha Sauli có trí thông minh và tài ba đức độ, bề trên cho cha đi Paviê học thêm về khoa hùng biện và các môn tín lý, Kinh thánh. Sau tám năm du học, cha trở về dòng với những thành quả tốt đẹp. Năm 1564, cha được cử giữ ghế giáo sư hùng biện và thần học. Tuy tài cao đức rộng và học vấn uyên thâm, cha sống rất bình dân, hòa mình vào với mọi cảnh ngộ của lớp người đau khổ. Đối với các bạn đồng nghiệp, cha không bao giờ tỏ ý khinh khi, nhưng luôn khiêm tốn và cởi mở. Cha coi tất cả những thành công thu lượm được trong việc dạy học cũng như việc giảng thuyết là do sức hoạt động của ơn Chúa. Hơn ai hết, cha luôn ý thức rằng: muốn cho bài giảng thuyết có sức đánh động lòng thính giả, người giảng thuyết phải sống đời kinh nguyện, dọn bài giảng cẩn thận, bằng nhiều hy sinh. Chính vì thế, khi nào sắp phải giảng là ngài xin cho được làm những việc hèn mọn như dọn bàn, làm bếp, quét nhà...
Tiếng nhân đức và lực học uyên thâm của cha Sauli đồn đi khắp nơi, đến cả tai Đức Giáo Hoàng Piô V. Vì thế, khi đức giám mục thành Milanô qua đời, Đức Giáo Hoàng liền cử cha lên kế vị. Đầu tiên, cha khiêm tốn chối từ, nhưng sau vì vâng lời, cha lãnh nhận lấy như một ơn Chúa ban để thánh hóa mình và thánh hóa nhân loại.
Lĩnh chức giám mục giữa lúc bao nhiêu công việc phải làm, bao nhiêu thói dị đoan phải trừ diệt, nên thánh Sauli đã thảo ra một kế hoạch hoạt động quy mô trong toàn địa phận. Ngài bắt đầu thực hiện chương trình bằng việc xây cất ngay một chủng viện. Mặc dầu bận trăm công ngàn việc, ngài cũng đảm nhiệm việc dạy giáo lý hằng tuần cho các chủng sinh. Vì lòng yêu mến Thánh Thể, thánh Giám mục không những cổ động phong trào rước lễ và chầu Thánh Thể, ngài còn thiết lập một tu viện “Sùng kính Thánh Thể” tọa lạc ngay cạnh nhà thờ chính tòa. Những ngày bớt việc, thánh Giám mục thường đi thăm và an ủi những họ đạo xa xôi hẻo lánh, nhất là khi nghe họ gặp phải nỗi túng thiếu, bệnh hoạn. Tuy nhiên, công việc làm bận tâm thánh Sauli hơn cả là lo huấn luyện và thánh hóa hàng giáo sĩ địa phận. Ngài thường nói: “Các linh mục phải thánh để bổn đạo nên sốt sắng”. Và sự thánh thiện của linh mục cốt tại sự sống phù hợp với tinh thần Phúc âm. Ngài nêu cao tinh thần cộng tác giữa các linh mục với giám mục, giữa linh mục với giáo dân. Vì thế, hễ thấy nơi nào cha sở bận việc quá, thánh nhân liền đến giúp làm các phép bí tích cho con chiên được nhờ. Nhiều khi ngài ngồi tòa đến sáu bảy giờ liền. Về mặt xã hội, thánh Sauli ra sức bảo vệ thuần phong mỹ tục, lập nhiều hội đoàn nhằm huấn luyện thanh thiếu niên. Thánh nhân còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện công cộng, thu hút nhiều thính giả. Người ta say mê nghe ngài giảng thuyết đến nỗi không quản ngại trời mưa nắng. Ngoài ra, thánh Giám mục còn dành thời giờ soạn những tập giáo lý cần thiết dùng trong địa phận và sáng tác một cuốn sách tu đức danh tiếng gọi là cuốn: “Những việc phải làm để nên trọn lành”. Cuốn sách này được Đức Hồng y Gerdil tán dương và cho phổ biến trong nhiều địa phận và dòng tu.
Nhưng tác phẩm ảnh hưởng hơn cả chính là đời sống thánh thiện của thánh nhân. Mặc dầu làm giám mục, thánh Sauli vẫn giữ tinh thần hy sinh hãm mình của dòng. Ngài thường đi chân không và nguyện ngắm nhiều giờ mỗi ngày. Người ta phải ngạc nhiên khi thấy thánh nhân làm việc nhiều mà ăn uống kham khổ lạ thường. Tối nào trước khi đi ngủ, thánh nhân cũng đọc kinh chung với những người trong nhà. Đặc biệt trong tuần thánh, thánh nhân chỉ dùng mỗi ngày một bát cháo. Thánh Giám mục rất thương mến những người nghèo khổ; không lần nào gặp người túng thiếu mà thánh nhân không trợ giúp ít nhiều hoặc ban lời an ủi. Lần kia, người dọn phòng trải tấm thảm mới trong phòng ngài, ngài liền bắt họ đem bán đi để lấy tiền giúp kẻ nghèo. Ngài nói: “Tôi không thể dùng tấm thảm này trong khi bao anh em tôi thiếu cơm áo và thuốc men”.
Như để tưởng thưởng nhân đức của thánh Giám mục, Chúa đã soi sáng cho Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIV nâng ngài lên chức Hồng y, đồng thời Chúa cũng ban cho ngài làm nhiều phép lạ cứu giúp người ta khi lâm bệnh hay gặp tai nạn rủi ro.
Nhưng phần thưởng sau cùng Chúa đã ban cho thánh nhân lúc cuối đời, là cái chết êm ái và thánh thiện vào ngày 11.10.1592. Thánh Giám mục được phong chân phước năm 1741, và được suy tôn lên bậc hiển thánh năm 1904.
Phêrô Lê Tùy (1773-1833)

Phêrô Lê Tùy, Sinh năm 1773 tại Bằng Sở, Hà Ðông, Linh mục, bị xử trảm ngày 11/10/1833 tại Quan Ban dưới đời vua Minh Mạng. Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn cha Phêrô Lê Tùy lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 11/10.
Nếu xưa trong Kinh Thánh có chuyện cụ già Eleazarô không thèm "giả bộ ăn của cúng" để được tha chết (2 Mc 6,18 –28) thì ở Việt Nam cùng có thánh Phêrô Lê Tùy không khai man mình là y sĩ, không giấu chức vụ mình là linh mục theo yêu cầu của quan địa phương, để được sống còn. Như cụ già Do Thái xưa, cái chết của cha để lại cho giáo hữu Việt Nam và toàn cầu một lưu niệm sâu xa về đạo đức.
Phêrô Lê Tùy sinh trưởng trong một gia đình nề nếp khá giả làng Bằng Sở, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, Hà Đông, nay thuộc giáo phận Hà Nội. Năm 1773, năm cậu mở mắt chào đời cũng là năm hai thánh linh mục Vinh Sơn Liêm và Castanẽda Gia lãnh triều thiên tử đạo tại Hà Nội do án xử của chúa Trịnh Sâm. Cảm kích trước tấm gương hào hùng ấy, khi cậu lớn lên, song thân đã lo liệu gởi cậu theo học tại chủng viện Nam Định. Trong những năm học, cậu tỏ ra rất thông minh, khôn ngoan và đạo đức. Sau khi lãnh chức phó tế, thày Phêrô được cử đi giúp Đức cha De la Mothe Hậu lo việc truyền giáo ở Nghệ An. Ít lâu sau, thày thụ phong linh mục, làm phó xứ Đông Thành, Chân Lộc, rồi làm chánh xứ Nam Đường.
Cha Phêrô Tùy là một linh mục vui tính, hiền hòa và rất nhiệt thành trong sứ vụ chủ chăn. Dù ở đâu, dù chức vụ nào, cha cũng luôn sốt sắng chu toàn nhiệm vụ của mình. Đức cha Hậu đã có lần khen ngợi những đức tính và hoạt động của cha, ngài nói: "Không ai là không hài lòng với cha Tùy". Trong 30 năm liền, nhà truyền giáo Lê tùy hoạt động công khai đắc lực phục vụ giáo hội Việt Nam. Nhưng như mọi linh mục khác, từ khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc ngày 06.01.1833, cha phải hoạt động âm thầm trong bóng tối.
Ngày 25.6.1833, cha Tùy đến xức dầu cho một bệnh nhân gần chết ở họ Thanh Trai. Đây là một họ đạo nhỏ, chem giữa làng mạc của lương dân. Một nhóm người ngoại giáo đã bắt cha nộp cho quan huyện Thanh Phương. Giáo hữu điều đình bỏ tiền xin chuộc, nhưng quan đặt điều kiện cha phải khai mình là thày thuốc, chứ không phải là linh mục. Cha Tùy cho rằng khai man như thế không tốt, nên khẳng khái từ chối. Cha bị đóng gông áp giải về tỉnh đường Nghệ An. Suốt thời gian trong tù, lúc nào cha cũng giữ được nét vui tươi, hồn nhiên, cam đảm trước mọi khổ nhục. Thái độ đó làm nhiều người thán phục.
Một hôm quan án đòi cha ra công đường và nói: "Ông là đạo trưởng Gia Tô ?". Cha đáp: "Phải, tôi là đạo trưởng". quan nói ngay: "Ông nghe ta đi, ai thấy ông bị bắt cũng động lòng trắc ẩn. Không ai muốn ông phải án tử hình, ta đây cũng vậy. Bây giờ ông nghe ta, làm một tờ khai nói mình là lang y chữa bệnh, có thế ta mới cứu ông được". Cha Tùy trả lời: "Tôi không sợ chết, vì chết cách nào tôi cũng không ngại. Ai cũng phải chết. Dù chết trên chăn êm nệm ấm, dầu bị cọp tha cá rỉa, dầu bị lột da hay xé xác làm trăm mảnh cũng đều là chết thôi; cho nên tôi không sợ chết". Vì kính trọng cha đã 60 tuổi, quan không truyền đánh đòn, chỉ đưa cha về ngục.
Suốt ba tháng tù, cha được mọi người, từ quan tới lính, cùng các tù nhân khác qúy mến. Họ nói với nhau: "Một người hiền từ nhân đức như vậy, mà bị giam như một phạm nhân gian ác, thật là không phải. Chúng mình chịu án phạt đã đành, chứ ông ấy nào có tội tình gì ?" Các quan nhiều lần cho người dụ dỗ cha khai mình là y sĩ để khỏi chết, nhưng trước sau cha vẫn xác định mình là linh mục.
Thời đó, luật nhà nước cấm xử tử những người từ 60 tuổi trở lên. Đàng khác, đây lại là thời kỳ dầu cuộc bách hại, nên chính các quan khi làm sớ báo tin về kinh đô, chỉ nghĩ tội nhân sẽ phải nộp tiền phạt thôi. Ai ngờ, vua Minh Mạng bất chấp luật lệ truyền thống nhân đạo của dân tộc. Ngày 10.10.1833, các quan tỉnh Nghệ An nhận được sắc chỉ của vua "Tên Tùy đã xưng là đạo trưởng và truyền dạy tà đạo cho dân, phải trảm quyết".
Một tín hữu nghe tin liền chạy đến nhà giam báo cho "tử tội" biết. Cha Tùy không chút lo sợ, chỉ hỏi lại cho chính xác, rồi vui vẻ nói : "Bấy lâu nay thật tôi không dám đợi trông ơn lớn lao như vậy". Ngài dùng bữa tối như thường lệ, rồi lặng lẽ một mình, tránh mọi cuộc tiếp xúc để dọn mình lãnh triều thiên tử đạo.
Sáng hôm sau 11.10.1833, ngày giáo hội thời đó kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, cha Tùy tiến ra pháp trường chợ Quân Ban như đi dự hội, vẻ mặt vui hớn hở, đến nỗi dân đi xem và quân lính đều nói : "Xưa nay chưa thấy ai bị đem đi xử mà lại can đảm như thế". Một giáo hữu trải chiếu ra, chứng nhân Đức Kitô quỳ xuống cầu nguyện, bên cạnh là người lính cầm thẻ bài bằng gỗ ghi bản án:
"Can phạm từ lâu học điều dị đoan, xưng mình là Đạo trưởng, lẩn trốn trong dân để quyến rũ. Bắt được đã tra xét kỹ càng. Lệnh xử chém tức khắc để răn kẻ khác".
Một tín hữu, ông Bernado Thu đến xin quan đừng xử vội, để cha cầu nguyện giây lát. Quan đồng ý và đưa mấy quan tiền cho theo tục lệ vua ban cho tử tội mua sắm ăn bữa sau cùng. Cha Tùy không nhận, tiếp tục cầu nguyện ít phút nũa. Sau đó, ông Thu đến lạy cha bốn lạy và nói : "Giờ đây, cha sắp được về nơi vĩnh phúc đã bao lâu trông đợi. Phần con, con ở lại chốn khóc lóc này, xin cha nhớ đến con". Vị linh mục cũng lạy bốn lạy bốn lần đáp lễ và khuyên : "Hỡi con, con hãy bền lòng vững chí, rồi con cũng được phần thưởng muôn đời". Cảnh cha con từ biệt làm nhiều người xúc động đến rơi lệ.
Sau đó, cha nói với quân lính : "Tôi đã sẵn sàng". Tiếng thanh la vừa dứt, một người lính vung gươm, đầu vị tử đạo rơi xuống, trong khi linh hồn vút cao về Trời. Các tín hữu xin thi thể cha, khâm niệm vào áo quan, rước về nhà xứ Tràng Nứa và an táng ở đấy. Sau này họ dời hài cốt cha về xứ Yên Duyên, rồi đưa về nguyên quán ngài là Bằng Sở. Nhiều người đến kính viếng mộ ngài đã được ơn lạ. Ông Bernado Thu cũng làm chứng nhiều bệnh nhân được khỏi nhờ cầu nguyện với cha Lê Tùy.
Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn cha Phêrô Lê Tùy lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
Nguồn từ thư viện Đa Minh

Trường thi tử Đạo.

Thánh Phêrô Lê Tuỳ linh mục
Năm Quý Tỵ (1773) sinh thực Bằng Sở
Thanh trai có bệnh điêu linh
Trong làng bé nhỏ nghĩa tình giáo lương

Ði kẻ liệt cha đương giải tội
Hè nhau vào chúng vội trói tay
Giải về huyện lỵ trong ngày
Kể công lấy thưởng bọn này sá chi

Linh mục Phêrô Tùy bị bắt
Ðang lúc ban phép nhặt xức dầu
Thanh Trai người bệnh từ lâu
Trong làng bé nhỏ nghèo giàu giáo lương

Cha bị nộp Thanh Phương quan huyện
Quan muốn tha, tự nguyện giáo dân
Cùng nhau tiền bạc góp phần
Ðiều đình để chuộc xin cần quan tha

Ðặt điều kiện khai là thầy thuốc
Cha Phêrô bị buộc khai man
Ngài liền khẳng khái đôi hàng
Tôi là Linh mục sẵn sàng đơn khai

Bị gông cổ giải ngài lên tỉnh
Quan án hỏi cha tính lại coi
Giatô Ðạo Trưởng học đòi
Lệnh vua án tử phạt roi phủ đầu

Quan Tỉnh dụ nghe đâu Ðạo Trưởng
Tuổi sáu mươi được hưởng đặc ân
Linh mục dù chết ngàn lần
Tôi là Ðạo trưởng đâu cần man khai

Quan kính nể truyền sai giam ngục
Dâng trình vua phong tục nước nhà
Cao niên lớn tuổi được tha
Phạt tiền bắt chuộc đó là ý dân

Vua Minh Mạng bất cần luật lệ
Xử trảm Tùy cốt để răn đe
Chiêng cồng vọng tiếng vang nghe
Lý hình vung kiếm sáng lòe lưỡi gươm

Vị tự đạo hành hương nước Chúa
Là tôi trung nước hứa Thiên Ðàng 
Xác Cha khâm liệm áo quan
Ðưa về Trang Nứa dân làng tiễn đưa 

Nơi chôn cất thấy chưa ổn định
Ðược đem về giáo tỉnh Yên Duyên
Nơi đây cũng vẫn chưa yên
Bằng Sở nguyên quán gắn liền ngàn thu

Là Linh mục khiêm nhu đạo đức
Thuộc gia đình vào mực phong lưu
Ơn Thiên triệu Chúa dắt dìu
Tông đồ phục vụ gặp nhiều gian nan

Sau Linh mục đảm đang phó xứ
Trước Ðông Thành sau cử Lộc Chân
Sau lên Chánh sở lãnh phần
Nam Ðường xứ lớn giáo dân đông người

Ðức Cha Hậu ngỏ lời khen ngợi
Linh mục Tùy vui với anh em
Tông đồ sứ vụ ngày đêm
Công khai đắc lực gieo men Tin mừng 

Cha kiên nhẫn tưng bừng hoạt động
Ba mươi năm cuộc sống giản đơn
Hiền hòa vui tính ai hơn
Yêu thương bác ái chẳng hờn ghét ai

Phúc tử đạo công khai Quý Tỵ (1833)
Lòng trung kiên chẳng bị chuộc mua
Roma phong thánh tới mùa
Suy tôn Chân Phước con vua Nước Trời

Lời bất hủ: Quan tra hỏi tại công đường: "Ông là đạo trưởng Giatô phải không?". Cha đáp: "Phải tôi là đạo trưởng". Quan nói ngay: "Ông nghe ta đi, ai thấy ông bị bắt cũng động lòng trắc ẩn, không ai muốn ông phải bị án tử hình cả, ta đây cũng vậy, Bây giờ ông nghe ta, làm một tờ khai nói mình là lang y chữa bệnh có thế ta mới cứu được ông". Cha Tuỳ trả lời: "Tôi không sợ chết, và chết cách nào tôi cũng không ngại. Ai cũng phải chết, dù chết trên chăn êm nệm ấm, dầu bị cọp tha cá rỉa, dầu bị lột da hay xé xác làm trăm mảnh cũng đều là chết thôi, cho nên tôi không sợ chết".
Thứ Năm 11-10

Chân Phước Mary Angela Truszkowska

(1825-1899)

S
inh trưởng ở Kalisz, Ba Lan, sức khoẻ của Sophia Truszkowska trong tình trạng hiểm nghèo nên không hy vọng sống được lâu. Khi đến tuổi thiếu niên và được mạnh khoẻ hơn, cô quyết định dâng mình cho Thiên Chúa. Và trong khi còn đang phục hồi sau cơn bệnh lao thì Sophia đã khởi sự chăm sóc các trẻ mồ côi ở Warsaw.
Không bao lâu cô được người bà con là Clothilde cũng như các bạn khác tiếp tay. Họ gia nhập dòng Ba Phanxicô dưới sự hướng dẫn của các linh mục Capuchin và được mặc áo dòng. Năm 1855, Sophia, bây giờ là Mẹ Angela, thành lập một cộng đoàn Phanxicô mới, lấy tên Các Nữ Tu Thánh Felicia.
Khi công việc chăm sóc người vô gia cư của các nữ tu Thánh Felicia phát triển mạnh thì số người gia nhập cộng đoàn cũng gia tăng. Thật không dễ cho một người sáng lập như Mẹ Angela, vì ngài phải vạch ra một hướng đi rõ ràng cho cộng đoàn mà một số nữ tu khác lại muốn theo đuổi đời sống chiêm niệm. Nhưng Mẹ Angela có cái nhìn khác biệt, ngài thấy đây là một cộng đoàn nữ tu được Thiên Chúa mời gọi để cầu nguyện và làm việc ở ngoài khuôn khổ của tu viện. Bởi đó, các Nữ Tu Thánh Felicia chăm sóc bệnh nhân ngay trong nhà của họ cũng như phục vụ các người tàn tật, người già yếu, trẻ mồ côi và các người vô gia cư. Các nữ tu cũng xây cất các nhà dành riêng cho những người mắc bệnh hay lây ở làng mạc Ba Lan.
Vào năm 1863, khi người Ba Lan vùng lên chống lại sự đô hộ của người Nga, các nữ tu Thánh Felicia tiếp tục chăm sóc bệnh nhân bất kể quốc tịch nào. Lúc đó, Mẹ Angela ra lệnh cho các nữ tu "không được loại trừ ai" và hãy nhớ rằng "mọi người đều là người thân cận của mình."
Trong năm kế đó, vào tháng Mười Hai năm 1864, các nữ tu Thánh Felicia bị chính quyền Nga giải tán. Trong khi một số các nữ tu khác tập hợp lại thành cộng đoàn Nữ Tu Ba Lan, nhà cầm quyền Áo cho phép các nữ tu Thánh Felicia tái lập cộng đoàn trong phần đất của Áo ở Ba Lan. Mười năm sau các nữ tu Thánh Felicia đến Polonia, Wisconsin thuộc Hoa Kỳ, để đáp lời mời gọi của những người di dân Ba Lan. Sứ vụ của họ lan tràn cho tới bảy giáo phận.
Vào năm 1869, Mẹ Angela từ chức bề trên vì sức khoẻ yếu kém. Trong những năm cuối đời, ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và làm việc lao động. Ngài cũng được nhìn thấy cộng đoàn của ngài sáng lập đã được Tòa Thánh chuẩn nhận.

Lời Bàn

Sau khi Mẹ Angela chết không lâu, một trong các nữ tu đã nói về ngài như "một hiện thân của tình yêu tha nhân. Ðối với ngài, chỉ những gì không thể thiếu, thật cần thiết -- ngoài ra mọi sự là cho tha nhân, và đó là phương châm của ngài... không chỉ để phô trương, nhưng được thể hiện qua các công việc hàng ngày trong nhiều năm trường... Sự đau khổ, sự lo âu của người khác luôn âm vang trong tâm hồn ngài, nhưng đó không phải là một âm vang vô hiệu quả. Với một tiềm năng đáng khâm phục, dù sức khỏe mong manh, ngài đã đi tìm phương thuốc chữa trị và luôn luôn tìm thấy. Ngài thi hành viêïc ấy rất tự nhiên, như thể đó là một bổn phận của ngài."

Lời Trích

Mẹ Angela có lần khuyên các nữ tu, "Một kinh 'Sáng Danh' được cất lên khi gặp nghịch cảnh thì có giá trị gấp ngàn lần lời tạ ơn khi thành công."



Bài đọc 2 
Một giám mục duy nhất cùng với linh mục đoàn và các phó tế 
Trích thư của thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo, gửi tín hữu Phi-la-đen-phi-a.

Tôi là I-nha-xi-ô cũng gọi là Thê-ô-phô-rô, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giê-su Ki-tô ở Phi-la-đen-phi-a thuộc miền A-xi-a. Hội Thánh này được Thiên Chúa xót thương, vẫn một lòng hoà hợp với Thiên Chúa, luôn hoan hỉ trong cuộc thương khó của Chúa chúng ta, và nhờ cuộc phục sinh của Người, được hiểu biết đầy đủ về lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi kính chào Hội Thánh Phi-la-den-phi-a trong máu Đức Giê-su Ki-tô. Hội Thánh này là niềm vui muôn đời và bền vững của tôi, nhất là khi các tín hữu hợp nhất với giám mục, với các linh mục và phó thế được chỉ định theo ý của Đức Ki-tô. Người đã củng cố vững vàng các vị ấy theo ý muốn của Người nhờ Thánh Thần. 
Tôi biết vị giám mục này đã lãnh nhận tác vụ điều khiển cộng đoàn không phải tự mình, không phải bởi người ta, cũng không phải vì hư danh, mà do tình thương của Chúa Cha và của Chúa Giê-su Ki-tô. Tôi rất thán phục đức khiêm tốn của người ; người yên lặng mà lại mạnh hơn những kẻ nói những lời viễn vông. Người sống hoà hợp với lệnh truyền của Chúa như đàn hoà hợp với dây. Bởi thế, tôi ca ngợi tinh thần đạo đức của người, cho đó là điều đáng khen, vì biết người đầy nhân đức và hoàn hảo ; tôi ca ngợi tính điềm đạm và dịu dàng của người, những đức tính này phản ảnh lòng nhận hậu của Thiên Chúa hằng sống. 
Là con cái của ánh sáng sự thật, anh em hãy xa tránh sự chia rẽ và các tà thuyết ; mục tử ở đâu thì anh em là đàn chiên phải theo tới đó. 
Quả thế, bất cứ ai thuộc về Thiên Chúa và Đức Giê-su Ki-tô, thì hợp nhất với giám mục, và bất cứ ai nhờ sám hối mà trở về hợp nhất với Hội Thánh thì sẽ thuộc về Thiên Chúa để sống theo Đức Giê-su Ki-tô. Ai theo kẻ gây ra ly gián, thì không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp ; ai theo dị thuyết thì không chấp nhận cuộc thương khó của Đức Ki-tô.
Vậy anh em hãy lo sao để chỉ tham dự một bữa tiệc tạ ơn duy nhất, vì thịt của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta thì chỉ có một, và chén máu của chính Người làm cho chúng ta hiệp nhất cũng chỉ có một ; chỉ có một bàn thờ cũng như chỉ có một giám mục cùng với linh mục đoàn và các phó tế, những người cùng phục vụ như tôi ; như thế, điều gì anh em làm thì hãy làm theo ý Thiên Chúa. 
Anh em thân mến, lòng tôi dào dạt tình thương đối với anh em, và tôi hết sức vui mừng khi tìm cách làm cho anh em nên vững mạnh, không phải tôi mà là Đức Giê-su Ki-tô ; phải mang xiềng xích vì Người, tôi càng sợ, bởi tôi chưa hoàn hảo. Nhưng nhờ có lời cầu xin của anh em, Thiên Chúa sẽ làm cho tôi nên hoàn hảo, để tôi được hưởng phần gia nghiệp dành cho tôi do lòng thương xót của Người. Tôi tin tưởng vào Tin Mừng cũng như tin tưởng vào chính Đức Ki-tô bằng xương bằng thịt, và tôi hợp nhất với linh mục đoàn cũng như đối với các Tông Đồ vậy.

Lời nguyện 
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắn rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Năm Tuần 27 TN-bản dịch của nhóm CGKPV)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét