Thứ Hai sau Chúa Nhật 29 Quanh Năm
"Người làm cho chúng
ta sống lại trong Ðức Kitô, và đồng ngự trị trên nước trời".
Trích thư Thánh Phaolô Tông
đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, khi anh em
đã chết vì những lỗi lầm và tội lỗi anh em, thì trong những tội lỗi đó, xưa kia
anh em đã từng sống theo dòng thời gian của thế giới này, theo thủ lãnh chủ
quyền của không khí này, tức là tà thần hiện giờ còn hoạt động trong những con
người không vâng phục. Trong những tội lỗi đó, cả chúng tôi nữa, xưa kia tất cả
chúng tôi cũng sống theo dục vọng xác thịt của chúng tôi, làm theo những thèm
muốn xác thịt và những tư tưởng gian tà, và tự nhiên bấy giờ chúng tôi cũng là
những con người đáng giận ghét như các người khác.
Nhưng Thiên Chúa là Ðấng giàu
lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến đỗi
khi tội lỗi làm chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong
Ðức Kitô. Nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên
nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi
dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu
Kitô.
Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em
được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của
Chúa; cũng không phải là do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là
thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành
mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Ðáp: Chính Chúa đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của
Người (c. 3b).
Xướng: 1) Toàn thể địa cầu,
hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước
thiên nhan với lòng hân hoan phấn khởi. - Ðáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là
Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người;
ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.
3) Hãy vào trụ quan nhà Người
với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng
danh Người. - Ðáp.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện
hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn
muôn thế hệ. - Ðáp.
*
* *
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy
vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 13-21
"Những của ngươi tích
trữ sẽ để lại cho ai?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, có người trong đám
đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia
tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm
quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi người bảo họ
rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng
phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Người lại nói với họ thí dụ
này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy
tính trong lòng rằng: "Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ
hoa lợi?" Ðoạn người ấy nói: "Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm
của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào
đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải
dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!" Nhưng Thiên
Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi,
thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" Vì kẻ tích trữ của cải
cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Qua bài Tin Mừng, Ðức Giêsu
cho thấy hạnh phúc của con người không phải là có nhiều của cải ở đời này, vì
chúng mau qua và không thể mua được sự sống đời đời.
Nhiều lúc chúng ta cũng khờ
khạo như người phú hộ kia, tìm sự bảo đảm cho cuộc sống của mình bằng cách mải
mê tích cóp cho có thật nhiều tiền của, mà quên đi nỗi lầm than túng thiếu của
anh em. Chúng ta cũng đã lầm vì cuối cùng chúng ta chỉ còn hai bàn tay trắng.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa là hạnh phúc vĩnh
cửu của chúng con. Xin dạy chúng con biết khôn ngoan sáng suốt khi sử dụng
những ân huệ Chúa ban. Biết dùng của cải đời này để mua lấy sự sống vĩnh cửu,
bằng cách chia sẻ, giúp đỡ những anh chị em nghèo khổ chung quanh chúng con.
Amen.
(Lời Chúa trong
giờ kinh gia đình)
Ðiều Chỉnh Hướng Ði
(Lc 12,13-21)
Suy Niệm:
Ðiều Chỉnh Hướng Ði
Văn hào Nga Léon Tolstoi có
kể một truyện ngụ ngôn như sau: Ngày kia, một người phú hộ gọi người đầy tớ
trung thành nhất đến và nói:
Tôi muốn thưởng lòng trung
thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra đi, và tính cho đến
lúc mặt trời lặn, bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dặm đất thuộc về anh.
Con người khốn khổ bao năm
sống nhờ ông chủ giầu có tưởng mình đang mơ. Tối đó anh không sao chợp mắt
được, chỉ mong trời mau sáng để lên đường. Khi ánh dương vừa ló rạng, anh đã
hăm hở ra đi. Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa mãn với tốc độ
đi, thế là anh liền chạy. Càng nhìn lại quãng đường đã qua, anh càng chạy nhanh
hơn, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giầu có hơn người, sẽ
không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy. Giữa trưa nắng,
anh cũng không màng đến chuyện ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh không muốn mất một
tấc đất nào. Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại và reo lên:
"Ðây là đất của ta, ta sẽ có tất cả cho ta, cho gia đình, cho tương
lai". Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mắt mình hoa lên, tay
chân không cử động và tim cũng ngừng đập. Ngày hôm sau, người ta chôn cất con
người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ cho một con người.
Nỗi khốn khổ của người đầy tớ
trên đây chính là sự khờ khạo của anh; anh khờ khạo đến độ không nhận ra cái
bẫy người giầu giăng ra, cũng như không đo lường được sức mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú hộ
trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam
hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem theo được của cải
nào sau khi chết hay không?
Kẻ ngu dại nói chung là kẻ
sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng đi
của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời
người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm
để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.
Cuộc sống hiện tại có thể là
một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta thành kẻ ngu dại,
chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống.
"Cái khó không những bó cái khôn", mà còn trói buộc lòng quảng đại
của chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là
hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời. Giữa chợ đời
tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ dại, nhưng
điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của Thiên
Chúa.
Dù phải lội ngược dòng để
trung thành với những giá trị Nước Trời, chúng ta cũng hãy can đảm tiến bước và
tín thác vào Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai, Tuần 29 TN2
Bài đọc: Eph
2:1-10; Lk 12:13-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thế nào gọi là sống?
Phải chăng là có nhiều tiền? Phải chăng để thỏa mãn xác thịt? Phải chăng là
được mọi thứ quyền uy, danh vọng? Hai Bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy cuộc
sống đích thực không lệ thuộc vào những điều này, nhưng là biết sống theo Đức
Kitô và sự quan phòng của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ.
1.1/ Lối sống theo thế gian: là lối sống trong tội
(harmatia) và đi trật đường (paraptoma). Theo nguyên nghĩa, tội là như mũi tên
đi trật đích, thay vì phải hướng tới mục đích của cuộc sống. Theo nghĩa này,
tội không chỉ là những tội nặng ký như: trộm cướp, giết người, ngọai tình;
nhưng là tất cả những gì làm ngăn cản con người không đạt tới cuộc sống lý
tưởng như Thiên Chúa muốn cho con người. Thánh Phaolô liệt kê 5 lọai ảnh hưởng
trên cuộc sống con người:
(1) Sống theo trào lưu của thế gian: Con người sống theo tiêu
chuẩn và giá trị của thế gian. Những tiêu chuẩn và giá trị này hòan tòan đi
ngược với những tiêu chuẩn và giá trị của Thiên Chúa. Chẳng hạn Thiên Chúa dạy
hy sinh, bác ái, tha thứ… trong khi thế gian dạy ích kỷ, thụ hưởng và hận thù.
(2) Sống theo sự điều khiển của ma quỉ:
Thánh Phaolô mô tả là sống theo tên thủ lãnh nắm giữ quyền lực trên không trung
bày vẽ.
(3) Sống bất tuân với những gì Thiên Chúa dạy: Thánh
Thần trong con người luôn hướng dẫn con người biết và sống theo sự thật. Khi
con người nghe ma quỉ sống ngược lại sự thật là con người đã bất tuân và trở
thành thù địch của Thiên Chúa.
(4) Sống theo đam mê của trí khôn (epithumia): mong muốn những điều
sai trái và những điều cấm đóan. Rất nhiều người đã không biết tận dụng tài năng
và tự do Thiên Chúa ban để làm lợi ích cho mình và tha nhân nên đã phải lãnh
những hậu quả do bệnh tật đem tới hay bỏ mình trong chốn lao tù.
(5) Sống theo tính đam mê của xác thịt: Theo Thánh Phaolô, tội của
xác thịt không chỉ là những tội về tình dục, nhưng còn bao gồm nhiều tội khác
như: thờ tà thần, ghen tương, nóng giận, hận thù, chia rẽ, bè phái… (Gal
5:19-21).
Chúng ta có thể tóm gọn 5 điều trên vào 3 điều rất dễ nhớ mà chúng ta hay đọc
trong các kinh là trong cuộc đời này, con người phải chống chọi với ba thù: ma
quỉ, thế gian, và xác thịt. Kẻ thù nào cũng nặng ký, con người không thể thắng
vượt nếu không có Thánh Thần và các ơn thánh Chúa ban. Thánh Phaolô thú nhận:
“Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như
những người khác.”
1.2/ Lối sống theo Đức Kitô: Ngược lại với lối sống xác thịt là lối sống theo Đức Kitô,
hay theo Thánh Thần như Thánh Phaolô diễn tả trong (Rom 9). Hậu quả của lối
sống theo xác thịt là con người phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa qua các
hình phạt và sau cùng là cái chết. Nhưng tại sao con người không phải chết? Lý
do là như Thánh Phaolô nói hôm nay: “Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và
rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho
chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!”
Không những thế, “Người còn cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với
Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.”
1.3/ Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: Qua hai lối sống đã
trình bày trên, Thánh Phaolô đưa đến kết luận: “Quả vậy, chính do ân sủng và
nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, nhưng là một
ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể
hãnh diện.” Con người không thể làm gì để có thể được cứu độ, ngay cả việc giữ
Lề Luật, nhưng hòan tòan do lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện qua
việc dùng Đức Kitô, Người Con Một, cho con người để Ngài gánh tội cho nhân lọai
và đưa con người về hưởng nhan thánh Chúa. Vì thế, chúng ta không được trở lại
sống theo tính xác thịt, nhưng sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để sinh
lợi ích cho chúng ta và cho mọi người.
2/ Phúc Âm: Không
phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm.
Trong Phúc Âm, Thánh Luca cũng đưa ra 2 lối sống: theo thế gian và theo sự quan
phòng của Thiên Chúa. Một số hậu quả của lối sống theo thế gian:
(1) Sống
tranh giành, kiện cáo: Thay vì dùng thời đến với Chúa Giêsu để nghe những lời dạy dỗ tốt
lành và những mặc khải cao quí của Thiên Chúa, thì có người trong đám đông nói
với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho
tôi." Chúa Giêsu thẳng thắn từ chối công việc phân xử của cải nên Ngài
đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho
các anh?"
(2) Sống
tham lam vơ vét mọi thứ: Hạnh phúc cuộc đời không hệ tại vào những gì con người đang có,
nhưng vào những gì con người là hay sẽ là. Chúa Giêsu nói lên chân lý này khi
Ngài dạy các môn đệ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ
tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải
đâu."
(3) Sống đầu cơ tích trữ: Một xảo thuật của các con buôn là “đầu cơ tích trữ.” Họ kiếm lời
bằng cách bỏ tiền mua bán tất cả những gì rẻ và dư thừa để tạo nên sự khan
hiếm; sau đó sẽ bán ra với giá gấp mấy lần so với giá họ mua vào. Người phú hộ
này tuy không có mục đích kiếm lời như các con buôn, nhưng cũng tích trữ để lo
riêng cho mình.
(4) Sống ích kỷ và hưởng thụ: Thay vì dùng những của cải dư thừa để giúp người khốn khó,
ông chỉ ích kỷ nghĩ đến mình. Chỉ trong vài hàng ngắn ngủi, ông đã xử dụng chữ
“tôi” đến hơn 10 lần. Điều này chứng tỏ ông đã không nghĩ đến người khác. Mục
đích của ông khi đầu cơ tích trữ của cải được Thanh Luca mô tả rất rõ ràng:
“Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều
năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”
(5) Sống
như không có ngày mai: Nhà phú hộ đã không nghĩ đến những gì có thể xảy đến trong tương
lai. Chúa Giêsu mở mắt cho ông nhìn thấy sự thật: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người
ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Chúa kết
luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên
Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Tin Mừng đích thực: Mọi người đều phạm tội và xứng đáng phải chết; nhưng vì
lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài đã tiền định cho con người được cứu độ qua
Đức Kitô.
- Con người không thể làm gì để được hưởng ân sủng Thiên Chúa ban, ngay cả việc
giữ Luật. Điều con người có thể làm là trông cậy vào lòng thương xót Chúa và
tin vào Đức Kitô.
- Không phải vì giầu có mà cuộc sống được bảo đảm. Phải tránh xa mọi thứ tham
lam. Sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Hai tuần 29 thường niên
Sứ điệp: Lòng ham muốn, thu góp và chiếm hữu tiền bạc của cải, là một
trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản đường vào Nước Trời. Ta hãy lo làm giàu
trước mặt Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhiều
lần Chúa đã nhắc nhở chúng con đừng lo đắm mình trong cuộc sống trần gian. Thật
vậy, cuộc sống con người chưa chấm dứt với cái chết, mà phần sau của cuộc sống
trần gian mới là cuộc sống đích thực. Và hạnh phúc đời sau không lệ thuộc vào
của cải vật chất đời này, tiền bạc không bảo đảm cho con người sống mãi.
Lạy Chúa, trong thế giới hôm nay, người ta coi
tiền bạc là quyền lực tối thượng, là chìa khóa vạn năng để mở cánh cửa danh
vọng và hạnh phúc. Con cũng không muốn bị khinh bỉ vì nghèo. Con muốn được
trọng vọng, được sung sướng, nên cũng không ngại chạy theo tiền bạc, và bằng đủ
mọi cách thu góp càng nhiều càng tốt. Nhưng rồi có bao giờ tâm hồn con được
bình an đâu, vì lòng ham muốn không khi nào được thỏa mãn. Quả thật, con là kẻ
điên rồ như người phú hộ trong dụ ngôn.
Lạy Chúa, cuộc sống của con vẫn cần cơm bánh, và
sự nghèo đói vẫn là một mối bận tâm lớn. Nhưng như Lời Chúa dạy, còn có cái cần
thiết và chính đáng hơn mà con phải tìm kiếm, phải tích lũy, đó là làm giàu
trước mặt Thiên Chúa, làm giàu cho cuộc sống mai sau.
Xin cho con trong cuộc sống hiện tại biết lo
phát triển đời sống đức tin, lo thu tích những việc lành do lòng bác ái và
quảng đại. Xin dạy con biết sử dụng tiền bạc của cải để biểu lộ tình yêu thương
chia sẻ với anh em cách chân thành. Những việc lành phúc đức sẽ là hành trang
nhỏ bé giúp con tiến về Nước Trời mai sau. Amen.
Ghi nhớ :"Những của ngươi tích trữ
sẽ để lại cho ai?"
22/10/12 THỨ HAI TUẦN 29 TN
Lc 12,13-21
Lc 12,13-21
CỦA CẢI ĐÍCH THỰC
“Hãy giữ mình khỏi
mọi thứ tham lam.” (Lc 12,15)
Suy niệm: Một trong những cám dỗ thường tình của con người là tiền
bạc của cải. Ai cũng hám của cải, bạc vàng: không có thì ước cho có, có ít thì
mong có nhiều, có nhiều lại muốn nhiều hơn, thật là “lòng tham không đáy”! Chúa
Giêsu nhiều lần cảnh giác mọi người về việc sở hữu và sử dụng của cải. Ngài dạy
thái độ phải có khi đứng trước tiền bạc: không ham hố; bằng lòng với hoàn cảnh
của mình; biết sử dụng của cải để mua Nước Trời; biết sẻ chia cho người không
có; không dính bén tiền bạc; không tôn thờ nó như là chúa của mình.
Mời Bạn: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.”
Bạn đừng để lời cầu nguyện trên đi ngược với thực tế, tức là miệng thì cầu xin
như vậy, mà lòng lại quá bận tâm với việc tìm kiếm cơm-áo-gạo-tiền. Hãy tin rằng
Chúa là Cha nhân lành sẽ quan phòng chăm nom mọi sự vật chất cần thiết cho ta.
Chia sẻ: Xã hội Việt nam còn quá nhiều người thiếu cơm ăn, áo mặc.
Người Kitô hữu có nghĩa vụ chia sẻ của cải vật chất cho anh em. Hãy sống theo
gương các tín hữu thuở ban đầu: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để
mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người
tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2,44-45).
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi vui vẻ và mau mắn chia sẻ vật chất hay tiền bạc
cho người anh em túng nghèo, vì xác tín rằng đang làm điều ấy cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chiến thắng cơn cám dỗ về bánh ăn trong
sa mạc. Xin giúp chúng con thoát khỏi sự ham hố của cải trần gian, tin rằng
Nước Trời mới là của cải vĩnh hằng, và Chúa thật là gia nghiệp vĩnh cửu của
con.
Những kho lớn hơn
Người
giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa là người biết mở kho để trao đi và thấy
Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại.
Suy niệm:
Cái kho là quan trọng.
Kho bạc quan trọng đối với một đất nước.
Kho lẫm cần cho người làm nghề nông.
Mỗi gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng.
Có thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân
hàng.
Mọi lợi nhuận đều thu vào kho.
Ai cũng muốn cho kho của mình bành trướng.
Sau một vụ mùa bội thu,
mối bận tâm lớn nhất của ông phú hộ trong dụ
ngôn
là tìm cho ra chỗ để tích trữ hoa màu của mình,
vì những kho cũ không đủ sức chứa nữa.
Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp này:
phá những kho cũ, làm những kho mới lớn hơn,
rồi bỏ tất cả hoa màu, của cải vào đó,
khóa lại cho thật kỹ, đề phòng kẻ trộm.
Khi nhà kho đã an toàn
thì tương lai của ông vững vàng ổn định.
Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm.
Những cái kho lớn cho ông tha hồ vui chơi, ăn
uống.
Ông thấy mình chẳng cần đến Chúa, chẳng cần đến
ai.
Của cải trong kho bảo đảm cho ông sống hạnh
phúc.
Những cái kho là nơi ông đặt lòng mình (x. Lc
12,34).
Xin đừng ai xâm phạm vào chỗ thiêng liêng ấy.
Kho là nơi của cải đổ vào, sinh sôi nẩy nở.
Kho không phải là chỗ chia sẻ cho người khác.
Ông phú hộ sống cô độc, khép kín như cánh cửa
kho.
Ông sống với cái kho, sống nhờ cái kho.
Ông tưởng mình đã tính toán khôn ngoan,
nhưng ông không ngờ cái chết đến lúc đêm khuya,
hay có thể có biết bao rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình phải bỏ lại tất cả.
Cái kho không níu được ông, cũng không vững như
ông nghĩ.
Những gì ông thu tích như giọt nước lọt qua kẽ
tay.
Ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều kho.
Có thể chúng ta ôm mộng làm giàu hay đang giàu
lên,
chúng ta định nới kho cũ hay xây kho mới.
Chúng ta chăm chút cái kho cho con cháu mai
này.
Thật ra của cải không xấu, xây kho cũng không
xấu.
“Nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (12,15).
Phải mở rộng những cánh cửa kho của mình,
để kho không phải chỉ là nơi tích trữ cho tôi,
nhưng là phương tiện để tôi giúp đỡ tha nhân.
Ðừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục
đích.
Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa
là người biết mở kho để trao đi
và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình
đầy lại.
Làm thế nào để khi ra trước toà Chúa,
chúng ta thấy kho của mình trống trơn
vì vừa mới cho đi tất cả.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần
trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu
thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu
cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở
đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm về cảnh người
nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền
hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Những
của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"
Đêm Nay Đòi Mạng Ngươi
Và
Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam,
vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo
đảm đâu.” (Lc. 12, 15)
Đức
Giêsu đến thế gian để lo thực hiện công việc của Cha Người: “Của nuôi Thầy là
làm theo ý Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công việc của Ngài”. Người loan báo
nước trời đã đến rồi, phải sám hối trở về kẻo quá trễ. Thời giờ gấp lắm rồi.
Có
một người đến xin Đức Giêsu bảo anh mình chia gia tài cho mình. Chúng ta tất cả
cũng giống như anh đó thường xin Người giúp đỡ cho những nhu cầu của chúng ta
hàng ngày. Đức Giêsu không được Thiên Chúa sai đến để lo giải quyết những công
việc đời này. Thánh ý Thiên Chúa là muốn Người loan báo Tin mừng cứu độ cho
người nghèo khổ. Đó mới là khẩn thiết! Người không để bị phân tán về những việc
theo đuổi của cải thế gian. “Coi chừng!” đời sống đời đời của mỗi người không
được của cải bảo đảm đâu. Thay vì trì hoãn để tham lam thu góp giàu sang thế
gian, hãy lo chuẩn bị đón nhận nước trời.
Chúng
ta đều biết tất cả mọi của cải dễ gây rắc rối bấn loạn. Những người tham quyền,
tham giàu, tham danh, hưởng lạc, tự do buông thả, của cải dù bất chính hay
chính đáng không bao giờ thỏa mãn dục vọng cho đã, cho sung sướng, vui chơi
thỏa thích đâu. Họ không lo đến ngày mai. Họ muốn tất cả, do đó chắc chắn bằng
bạo lực hay bằng sức cố gắng riêng và kiệt lực đến bất nhẫn. Họ thật vô phúc
như sách Khôn ngoan nói: Chúng bôn ba vội vã hưởng lạc nhờ của hiện có và phung
phí của thiên tạo như thời thanh xuân trác táng. Đức Giêsu bảo: “Đồ ngốc, đêm
nay người ta sẽ đòi mạng ngươi”, và sau đó còn gì …?
Lúc
thuận cũng như lúc nghịch, Đức Giêsu thường nhắc tới tính chất mỏng dòn của đời
sống, đặc biệt đối với kẻ tưởng mình được ổn định. Cái chết thường xuyên xẩy
đến, nhất là lúc chúng ta không ngờ. Cần phải tích trữ những kho tàng trên trời
bằng sám hối, cầu nguyện, ăn chay và bố thí trước kẻo quá trễ.
RC.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
22 THÁNG MƯỜI
Bảo Vệ Phẩm Giá Của Mọi Con Người
Có lần tôi đã nói trong
sứ điệp nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình: “Con đường đúng đắn để xây dựng một thế
giới hiệp thông huynh đệ, một thế giới mà công lý và hòa bình sẽ ngự trị khắp
mọi nơi, cho mọi dân tộc … đó là con đường liên đới, con đường của đối thoại và
của tình huynh đệ đại đồng. Chỉ có con đường đó mà thôi.”
Ý thức liên đới phải
vượt thắng mọi cám dỗ khép kín lòng mình. Ý thức ấy thúc đẩy người ta biết kính
trọng những truyền thống văn hóa và luân lý của mọi dân tộc. Nó giúp các truyền
thống gặp gỡ nhau, cảm thông và trân trọng nhau. Sự liên đới mà xã hội hiện đại
cần có chắc chắn không phải là những câu khẩu hiệu mơ hồ sáo rỗng, nhưng phải
là sự liên đới cụ thể trong tinh thần tôn trọng giá trị của sự sống, của mọi sự
sống. Bởi vì nơi mỗi hiện hữu con người đều có phản ảnh sự hiện hữu của chính
Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có lòng bao dung mà thôi thì không đủ, thái độ thuần
túy cam chịu càng không đủ. Sự chấp nhận mọi sự như hiện trạng của nó cũng
không đủ. Điều cần thiết là phải có một thái độ dấn thân tích cực để tôn trọng
và bảo vệ phẩm giá và quyền của mọi con người, trong bối cảnh là chính căn tính
văn hóa của họ.
Thái độ dấn thân tích
cực ấy sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những điều ích lợi cho người khác, xây
dựng những mối liên hệ mới, đem lại niềm hy vọng mới, hăng say phụng sự cho hòa
bình. Chỉ khi hiểu biết và thông cảm nhau, chúng ta mới có thể giải quyết các
xung đột và điều chỉnh những bất công. Và chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra
triển vọng thật sự về mối liên đới trong tự do và hy vọng. Chỉ khi đó chúng ta
mới có thể mở ra con đường hòa điệu giữa các dân tộc – sự hòa điệu này là điều
kiện không thể thiếu cho một nền hòa bình đích thực.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 22-10
Ep 2, 1-10; Lc 12, 13-21
LỜI SUY NIỆM: “Anh em phải coi
chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả,
thì mạng sống ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” (Lc 12,15).
Trong mỗi con người đều có rất nhiều thứ tham lam, vì lòng tham của con người
như một túi không có đáy, cứ chất chứa mãi mà không thấy đầy. Vì trong lòng có
quá nhiều thứ để tham, nên con người đã đầu tư vào đó tất cả trí tuệ, sức lực
và thời gian, cùng những mưu mô xảo quyệt sẳn có trong mình, thêm vào đó
với những mưu mô, xảo quyệt độc ác học được trên đường đời, để thực hiện đạt
cho được lòng tham của mình. Điều này họ có thể thành công. Nhưng sự thành công
này của họ, sẽ đem lại gì cho bản thân của họ; có phải chăng là sự bất an trong
tâm hồn của họ; bởi những tội lỗi của họ đã phạm do bởi lòng tham mà ra. Và nếu
cái chết bất ngờ đến với họ, thì tất cả công khó đã bỏ ra, họ còn giữ được gì
cho họ. Đối với người Ki-tô hữu, chúng ta tin có sự sống đời sau, và trần gian
chỉ là nơi trau dồi, tôi luyện chuẩn bị cho cuộc sống mai sau trong Nước Trời.
Nên phải biết đầu tư vào đời sống mai sau, và luôn trong tư thế sẵn sàng rời bỏ
trần gian này bất cứ lúc nào, vì đã và đang tỉnh thức trong cầu nguyện và sám
hối.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
22 Tháng Mười
Hòn Vọng Phu
Giữa Nha Trang và Tuy Hòa, khoảng xa lộ 21 và sông Hinh, gần
quận Khánh Dương có một ngọn núi tên là Vọng Phu, có nghĩa là trông đợi chồng.
Theo tục truyền trong dân gian thì thuở xưa có một gia đình sống
hạnh phúc ở gần chân núi. Khi giặc giã nổi lên ở biên thùy, người chồng theo
lệnh vua, tòng quân ra ngoài biên ải để chống quân thù, để lại người vợ trẻ và
đứa con đang còn bú mớm. Người vợ trẻ ở nhà chờ chồng, mỗi ngày bế con trèo lên
ngọn núi ngóng về phía biên cương xem có dáng chồng trở về hay không. Thời gian
trôi qua nhưng đoàn quân chưa thấy về, người vợ và đứa con chờ đợi mãi hóa
thành đá. Người đời biết chuyện nên gọi đó là Hòn Vọng Phu.
Có lẽ đây chỉ là một ngọn núi được cấu tạo bởi nhiều loại đá
khác nhau. Theo thời gian, mưa gió sói mòn loại đá mềm, để lại hình dạng mường
tượng như một người bồng con ngồi trông ra phía biển. Người dân ta đa sầu đa cảm,
lại thêm cảnh nước luôn loạn ly, đã mượn hình dạng của núi để diễn tả tâm sự
trông đợi chồng của người thiếu phụ Việt Nam .
Ðiều làm cho xao xuyến cảm động ở đây là lòng chung thủy của một
thiếu phụ, dù đói no, đau yếu hay mạnh khỏe, vẫn trước sau một lòng thương yêu
chồng, xem chồng như là lẽ sống của cuộc đời.
Rung
động trước dạ trung kiên của người thiếu phụ Việt Nam qua hình ảnh Hòn Vọng Phu,
chúng ta không khỏi không cảm động trước Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng
ta. Dù núi dời, dù đồi chuyển, dù con người có bội bạc phôi pha, Thiên Chúa vẫn
luôn chung thủy trong Tình Yêu của Người. Càng thấm thía tình thương của Chúa,
chúng ta càng cảm thấy Người là lẽ sống và là tất cả của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
Ngày 22
Các môn đệ và mỗi người chúng ta không thể
"hiểu" tất cả tức khắc. Thần Khí sẽ là hướng dẫn viên nội tâm, là nhà
giáo dục kiên nhẫn của mỗi tín hữu, của toàn Giáo Hội; Người sẽ bảo toàn và đào
sâu các mầu nhiệm của Đức Giêsu. Người sẽ đưa chúng ta đến tình yêu của Thiên
Chúa Ba Ngôi. Chính Thần Khí và chỉ mình Người, mới làm cho lời của Đức Giêsu
trở thành cho chúng ta, hôm nay, lời sống động, thực tại và lý thú.
Chính Thần Khí và chỉ riêng Người, làm cho chúng ta hiểu
dần dần và cho chúng ta sức mạnh để sống lời Chúa cách riêng tư và với cộng đồng. Chỉ có Thần Khí đã giúp các môn
đệ nhận ra "Lời của Thiên Chúa là Thần Khí và là sự sống", trong các
lời được Giáo Hội truyền cho. Không có Thần Khí thì Tin Mừng và các lời của
Truyền Thống các tông đổ chỉ là bề ngoài đối với chúng ta. Còn với Thần Khí, các lời đó đi vào nội
tâm và thành sống động.
Nhờ Thần Khí, các
môn đệ nhận được đặc sủng "phân đinh thiêng liêng", ơn phân định này
cho chúng ta khả năng giải thích các biến cố của cuộc đời chúng ta và của lịch sử,
dưới ánh sáng Tin Mừng, với con mắt đức tin và nhận ra hành động của Thiên Chúa
trong sinh hoạt thường ngày.
Hạnh Các Thánh
Ngày 22 tháng 10
THÁNH
PHILIPPÊ GIÁM MỤC HERMES
CÙNG CÁC BẠN TỬ ĐẠO |
Ngày
nay người ta chỉ còn giữ mỗi một bản văn bằng Latinh, kể lại cuộc tuẫn giáo
của thánh Philippê và các bạn ngài là Hêmêô và Sêvêrô. Bản văn này mặc dầu
rất đặc sắc về văn chương và tín lý, nhưng với thời gian và qua nhiều lần sao
dịch, chúng ta không thể không dè dặt về giá trị lịch sử của nó.
Bản
văn kể: Sau khi đã làm tròn nhiệm vụ của một thầy phó tế, rồi linh mục, thánh
Philippê còn phải chịu muôn nỗi khổ đau trên tòa giám mục thành Hêraclêa. Khi
luồng gió bách hại bắt đầu thổi, thánh nhân đã tuyên bố nhất định không bỏ
thành, ngài còn khích lệ giáo dân can đảm chịu khổ cực vì Chúa Giêsu. Ngài
nói: “Thiên Chúa ban cho ma quỷ có quyền lực một thời gian, không phải để làm
hư mất, nhưng để thử thách các đầy tớ của Chúa Kitô. Ngày hiển linh đã đến.
Chớ gì không một hiểm nguy nào có thể làm lung lạc đức tin anh em. Bởi vì
Chúa Kitô luôn luôn ban cho các quân binh của Ngài đức nhẫn nại chịu đau khổ
và phần thưởng trọng hậu vì những cực hình đã chịu. Ta thâm tín rằng, mọi cố
gắng của kẻ thù chúng ta sẽ vô hiệu”. Cả khi ông trưởng ty công an tên là
Aristomaque, theo lệnh chính quyền đem quân đến niêm phong cửa nhà thờ, ngài
còn nói lớn tiếng: “Các người hãy nhớ, Thiên Chúa ở trong lòng mọi người chứ
không phải ở trong những bức tường đá”.
Hôm
sau công an lại đến niêm phong một lần nữa trong lúc anh em tín hữu đang vây
quanh ngài để sửa soạn cử hành thánh lễ. Rồi ông thị trưởng Bátsô đem quân ập
tới, và truyền mở phiên tòa luôn tại chỗ. Ông nói với thánh giám mục: “Ngài
biết luật Hoàng đế cấm tụ họp đông người, Hoàng đế muốn rằng trong toàn đế
quốc, người dân phải quy phục tế thần, ai không tuân sẽ bị án tử. Vậy nếu
ngài không thành tâm vâng lệnh Hoàng đế, ngài sẽ bị trừng phạt cân xứng”.
Thánh
Giám mục đáp: “Nếu ông muốn, cứ việc hành hình, chúng tôi sẵn sàng chịu đựng.
Đây thân xác ốm yếu của tôi, xin ông cứ tự nhiên xé nát theo ý của ông, song
đừng vì đó mà tưởng rằng ông đã có một uy lực nào đối với linh hồn tôi”. Tên
lý hình Mucapô được lệnh, tiến vào đập đánh thánh Giám mục. Rồi họ xé sách
thánh, đập vỡ các bình đèn và ném vào đống lửa đốt sẵn ngoài sân. Thấy thế,
thánh tử đạo như quên những roi đòn hung dữ vừa chịu, đã ứng khẩu một bài đầy
ý nghĩa cho dân thành Hêraclêa hiện có mặt ở đó. Ông thị trưởng lại dùng lời
ngon ngọt dụ ngài tế thần.
Ngài
trả lời: “Làm sao tôi có thể hành động như thế được, tôi là người công giáo
mà lại thờ gỗ đá ư? Ông thật bất hạnh, chúng tôi phải thương hại ông vì ông
đã không biết gì về Thiên Chúa là Đấng thánh thiện và Tự Hữu đáng tôn thờ.
Ông hạ trời xuống ngang hàng với bùn đất và tự tay tạo ra bụt thần mà thờ
lạy. Ông không biết gì về Thiên tính của Chúa Kitô, một điều mà không một trí
tuệ nhân loại nào có thể đo lường và thông hiểu, trừ đức tin và lòng mến.
Thiên Chúa dựng nên vũ trụ để chúng ta hưởng thụ và do đó, làm trọn nghĩa vụ
tôn thờ Ngài. Thế nhưng ông lại cho vũ trụ là thần tượng phải tôn thờ. Ông đã
bỏ Đấng sáng tạo để tin theo loài thụ tạo”.
Ông thị trưởng tức giận, truyền bắt giam tất cả các
tín hữu. Riêng thánh Giám mục, mặc dầu bị hành hình đủ cách, ngài vẫn điềm
tĩnh, khỏe mạnh như không cảm thấy đau đớn gì. Hơn thế, mỗi khi lý hình nghỉ
tay và ông thị trưởng không lấy khẩu cung, thánh tử đạo luôn hát thuộc lòng
những ca vịnh. Vì thế, chỉ một tuần lễ sau, nhà tù vô tình trở nên một nhà
nguyện, vang lên những lời kinh tiếng hát của giáo dân. Phải, người ta hân
hoan, người ta ca hát để khích lệ những anh hùng ngồi trong nhà giam, nét mặt
hớn hở vây quanh vị Giám mục gương mẫu. Người ta hân hoan ca hát để chia vui
với anh chị em tân tòng vừa nhận bí tích thánh tẩy. Trong số đó, có cả bà vợ
của ông thị trưởng.
Tình trạng ấy đồn đến tai Hoàng đế. Hoàng đế bèn ra
lệnh cất chức Batsô và đặt Justinô lên thay. Ông tân thị trưởng nổi tiếng
hung dữ, ông coi thường dã man vô nhân đạo. Ông cho rằng mọi việc xẩy ra đều
quy tội vào một mình Đức Giám mục Philippê. Vì thế, ông truyền điệu thánh
nhân đến, lấy giọng hách dịch bắt phải tế thần. Nhưng ông phải thất vọng
trước lời lẽ sau đây của thánh tử đạo:
- Là người công giáo, hơn nữa là một vị Giám mục,
tôi tài nào làm điều ông truyền dậy. Ông có thể hành hạ tôi nhưng chắc chắn
ông không thể khuất phục được tôi.
- Ta buộc chân ngươi vào xe và cho kéo lê đi khắp
phố phường, sau đó, nếu vô phúc ngươi còn sống, ta sẽ nhốt vào ngục và hành
hình.
- Tôi cầu xin Thiên Chúa cho ông thực hiện được
những ước nguyện gian dữ của ông”.
Lập tức Justinô cho lý hình buộc thánh Giám mục vào
sau xe ngựa rồi kéo đi khắp thành phố. Dù thân xác đầy vết thương, thánh nhân
vẫn chưa chết, còn hăng hái theo mấy tên lý hình về trại giam.
Bảy tháng sau, khi vết thương đã kín miệng, thân
xác chỉ còn nắm xương bọc da, thánh Giám mục lại được điệu đi đến Andrinôpôli
với mấy người giáo dân. Trong số đó có thánh Hêmêrô và Sêvêrô. Phiên tòa bắt
đầu, ông thị trưởng bắt đầu hỏi thánh Giám mục:
-
Ngươi có bằng lòng tế thần để thoát chết không?
- Tôi
đã nói với ông, tôi là người công giáo, tôi không bao giờ thờ các thần tượng.
Tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa vĩnh cửu thôi.
Ông
thị trưởng truyền đánh đòn thánh nhân. Nhưng một sự lạ xảy ra, mặc dầu năm
tên lý hình thay phiên nhau đánh đến mệt sức, thế mà thánh Giám mục vẫn không
nao, miệng cứ đều đều đọc thánh vịnh. Ngỡ ngàng vì sự can đảm ấy, ông thị
trưởng bèn bãi tòa, cho dẫn thánh Giám mục và các tín hữu về nhà lao. Một
buổi cầu kinh được cử hành, người ta nhảy múa, vây quanh vị Giám mục để cảm
tạ ơn Chúa.
Ba hôm
sau, lúc ánh nắng còn nhạt mầu và hơi sương chưa tan hết, người ta điệu các
thánh tử đạo ra công trường chật ních dân chúng. Ông thị trưởng hỏi thánh
Giám mục:
- Làm
sao nhà ngươi khinh sự sống mình đến thế?
- Tôi
không dám khinh rẻ sự sống, nhưng tôi chỉ muốn sống để phụng thờ một mình
Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên mọi sự và phán xét tất cả kẻ sống và kẻ chết.
Tôi nóng lòng yêu mến và kính sợ Chúa tôi. Nếu như các Hoàng đế truyền dạy
điều chính trực, tôi xin vâng theo lập tức, bởi vì Kinh thánh dạy tôi phải
“Trả cho Thiên Chúa cái thuộc về Thiên Chúa, trả cho Cêzarê cái gì thuộc về
Cêzarê”. Nhưng hôm nay, chính là lúc tôi phải từ khước mọi sự mơn trớn của
thế gian để chiếm đoạt lấy nước trời”.
Như
không để ý đến những lời Đức Giám mục nói, ông thị trưởng quay sang hỏi thánh
Hêmêrô:
- Còn
anh, tế thần nào phải là điều xấu. Anh hãy dâng hương đi, tôi hứa cho anh
những ngày hạnh phúc.
- Ông
đã khinh chê Lời Chúa và vâng theo lời ma quỷ, nhưng xin ông nhớ cho rằng:
“Vinh hiển dành cho người công chính và khổ hình đè trên kẻ gian ác”.
- Anh
tưởng anh có thể truyền đạo cho ta sao?
-
Không những mình ông mà tất cả đồng bào vây quanh tôi đây, tôi đều ước muốn
mọi người bỏ tà thần để trở về với Chúa Kitô.
Phiên
tòa tạm đình chỉ trong một lúc. Dân chúng ồn ào giải lao, và ông thị trưởng
vào phòng nghị án riêng với các quan chức. Một lát sau, ông trở ra tiếp tục
phiên tòa rồi tuyên án: “Giám mục Philippê và hai tên Hêmêrô và Sêrêrô, vì
khinh thường sắc lệnh của Hoàng đế, nên bị xoá tên và mất quyền công dân
Rôma. Và để làm gương cho những người khác tôn trọng sắc lệnh Hoàng đế, ta
lên án cả ba phải thiêu sinh”. Nghe tuyên án, các thánh không giữ nổi niềm
vui dâng lên mạnh mẽ trong lòng. Các ngài chạy lại ban bằng an cho nhau và
đồng thanh hát lời ca vịnh: “Linh hồn chúng ta như chim sẻ, thoát khỏi lưới
dò người thợ săn, lưới rách bung ra và chúng ta được cứu thoát, ơn cứu giúp
chúng ta ở nơi Danh Chúa, Đấng dựng nên trời đất” (Tv 123,7-8).
Ra đến
pháp trường, các thánh quỳ xuống cầu nguyện. Mấy tên lý hình chuẩn bị hành
quyết. Theo thói quen, họ đào lỗ chôn chân các thánh xuống đến đầu gối, hai
tay trói vòng về phía sau lưng. Đoạn họ chất củi xung quanh rồi nổi lửa đốt.
Khi lửa tàn, người ta thấy thánh Giám mục Philippê hai tay giang ra như đang
cầu nguyện. Riêng thánh Hêmêrô, nét mặt vẫn vui tươi không bị sém vì ngọn
lửa. Ông thị trưởng Justinô truyền chém đầu các thánh rồi vất xuống sông
Êbrê. Nhưng ngay tối hôm ấy, giáo hữu dùng lưới vớt xác các thánh lên và lén
lút đem về Ogetistyron, một thành phố nhỏ cách Hêraclêa mười hai dặm đường. Ở
đó, Thiên Chúa đã tỏ uy quyền của Người bằng nhiều phép lạ, để giúp chúng ta
đừng sợ khổ hình nhưng can đảm đoạt lấy triều thiên tử đạo.
Các
thánh được phúc tử đạo ngày 22 tháng 10 năm 303, dưới triều Hoàng đế Julianô
bội giáo (Julien l’ Apostat).
|
Thứ Hai 22-10
Thánh Phêrô ở Alcantara
(1499-1562)
Thánh Phêrô là một trong những vị thánh Tây Ban Nha nổi tiếng của
thế kỷ 16, gồm có Thánh Ignatius ở Loyola và Thánh Gioan Thánh Giá. Thánh Phêrô
là cha giải tội của Thánh Têrêsa Avila. Sự cải cách Giáo Hội thời đó là vấn đề
chính yếu trong thời đại của ngài, và ngài dồn mọi nỗ lực cho công cuộc ấy.
Ngài từ trần một năm trước khi Công Ðồng Triđentinô bế mạc.
Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc (cha ngài là thủ hiến
Alcantara, Tây Ban Nha), Thánh Phêrô học luật ở Ðại Học Salamanca và khi lên 16
tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khó Nghèo. Trong thời gian tu tập, ngài chứng
tỏ nhiều khả năng trổi vượt. Ngài được chọn là giám đốc một tu viện mới ngay cả
trước khi chịu chức linh mục; và khi 39 tuổi, ngài được chọn làm bề trên tỉnh
dòng; ngoài ra ngài là vị rao giảng nổi tiếng. Tuy nhiên, công việc hàng ngày
của ngài vẫn là rửa chén, đốn củi cho nhà dòng. Ngài không muốn được người ta
chú ý, thật vậy, ngài thích sự cô độc.
Về phương diện ăn chay đền tội, ngài trổi vượt về việc ăn uống
kham khổ và mặc quần áo rất đơn sơ. Người ta nói ngài chỉ ngủ có 90 phút mỗi
đêm. Trong khi những người khác chỉ nói về sự cải tổ, thì Thánh Phêrô đã bắt
đầu cải tổ từ chính ngài. Ngài có được đức tính kiên nhẫn lớn lao đến độ sau
này người ta có câu châm ngôn rằng: "Ðể chịu nổi sự xúc phạm ấy, phải
có sự kiên nhẫn của Phêrô Alcantara."
Vào năm 1554, Thánh Phêrô, sau khi được phép, đã thành lập một
nhóm tu sĩ Phanxicô sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Những vị này
thường được gọi là tu sĩ Alcantarines. Một số tu sĩ Tây Ban Nha đến Bắc Mỹ và
Nam Mỹ trong các thế kỷ 16, 17 và 18 là thành viên của tu hội nói trên. Vào
cuối thế kỷ 19, các tu sĩ Alcantarines sát nhập với các tu sĩ Phanxicô Khó
Nghèo để trở thành Dòng Tiểu Ðệ.
Là vị linh hướng cho Thánh Têrêsa Avila, Thánh Phêrô khuyến khích
thánh nữ phát động sự cải cách trong dòng Camêlô. Lời rao giảng của Thánh Phêrô
đã đưa nhiều người trở về với đời sống đạo đức, nhất là dòng Ba Phanxicô, và
dòng Thánh Clara Hèn Mọn.
Ngài được phong thánh năm 1669.
Lời Bàn
Sự khó nghèo là một phương tiện chứ không phải cùng đích của Thánh
Phêrô Alcantara. Mục đích là theo Chúa Kitô với một tâm hồn thật thanh khiết.
Bất cứ gì cản trở con đường đó đều bị loại trừ mà không thực sự mất mát.
Triết lý thụ hưởng của thời đại chúng ta -- giá trị của một người
tùy thuộc những gì họ có -- sẽ thấy rằng phương cách của Thánh Phêrô Alcantara
thật khó khăn. Tuy nhiên, phương cách của ngài đã đem lại sự sống trong khi sự
hưởng thụ chỉ đem lại sự hủy diệt.
Lời Trích
"Tôi không ca ngợi việc sống khó nghèo chỉ vì sự khó
nghèo; tôi chỉ ca ngợi sự khó nghèo mà chúng ta kiên trì chịu đựng vì lòng yêu
mến Ðấng Cứu Thế, và tôi coi đó là điều đáng khát khao hơn là sự khó nghèo mà
chúng ta thi hành một cách máy móc; vì nếu tôi suy nghĩ hoặc tin tưởng ngược
lại, thì dường như tôi không có căn bản đức tin" (Thư của Thánh Phêrô
Alcantara gửi cho Thánh Têrêsa Avila).
Bài đọc 2
Chúng ta chú tâm đến việc cầu nguyện vào
những giờ ấn định
Trích thư của thánh Âu-tinh, giám mục, gửi
cho Pơ-rô-ba.
Chúng ta hãy luôn khao khát cuộc sống hạnh
phúc đến từ Thiên Chúa là Chúa, và chúng ta hãy cầu nguyện luôn. Vì thế, khi
dứt bỏ các mối bận tâm và công việc khác có thể làm cho chính lòng khao khát ra
nguội lạnh, chúng ta chú tâm đến việc cầu nguyện vào những giờ ấn định. Những
lời cầu nguyện nhắc nhở cho chúng ta mục đích mình khao khát hướng tới, kẻo
lòng khao khát bắt đầu ra nguội lạnh, sẽ nguội lạnh hẳn và tắt lịm đi, trừ phi
được nung nấu thường xuyên hơn.
Bởi đó, điều thánh Phao-lô Tông Đồ nói
: Anh em cứ giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh
cầu thì không được hiểu giãi bày với Thiên Chúa, Đấng đã biết những điều
ấy ngay cả trước khi chúng có, nhưng là gãi bày với chính chúng ta trước mặt
Thiên Chúa nhờ lòng kiên trì, chứ không phải trước mặt người đời với lòng khoác
lác.
Như vậy cầu nguyện có lâu giờ đi nữa thì
cũng không phải là xấu và vô ích, miễn là việc đó không ngăn cản những hoạt
động tốt lành và cần thiết khác, mặc dù như tôi đã nói, trong những công việc
ấy vẫn phải cầu nguyện luôn với chính lòng khao khát đó. Quả thật, không phải
như một số người nghĩ, hễ cầu nguyện lâu một chút là đâm ra lải nhải. Nói nhiều
là ộ chuyện, yêu nhiều là chuyện khác. Thật thế, có lời chép về chính Chúa rằng
: Người thức suốt đêm để cầu nguện và cầu nguyện tha thiết hơn. Tại đây,
Nguời đã làm gì khác hơn là làm gương cho chúng ta ? Người là Đấng cầu xin đúng
lúc ở đời này ; Người là Đấng cùng với Chúa Cha nhậm lời chúng ta cầu nguyện ở
đời sau.
Người ta nói rằng các tu sĩ bên Ai Cập
năng cầu nguyện, nhưng cầu nguyện rất vắn tắt và nhanh chóng như mũi tên phóng
ra, kéo sự chăm chú là điều rất cần thiết cho người cầu nguyện, giảm sút và
tiêu tan đi vì những khoảng thời gian quá kéo dài. Qua đó, họ cũng cho ta thấy
rõ là như chúng ta không được cưỡng bức sự chăm chú này khi nó không thể kéo
dài, thì cũng đừng vội cắt đứt nếu như nó còn kéo dài. Quả vậy khi cầu nguyện
thì đừng nói nhiều, nhưng phải tha thiết nguyện xin, nếu sự chăm chú vẫn còn
sốt sắng. Cầu nguyện mà nói nhiều thì khác nào bàn chuyện khẩn thiết mà nói
những lời dư thừa. Tha thiết nguyện xin là lấy lòng con thảo mà kiên trì gõ cửa
Đấng chúng ta cầu xin. Thường thường việc này được thực hiện bằng lời than thở
hơn bằng tiếng nói, bằng tiếng khóc hơn bằng lời lẽ, vì Thiên Chúa lấy vò mà
đựng nước mắt chúng ta và tiếng con than thở, làm sao Chúa chẳng
tường ? Chúa là Đấng dùng Lời mà tác tạo muôn loài và không cần đến lời lẽ
phàm nhân.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tạo cho chúng con một tấm lòng trung tín và quảng đại để chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…
(trích
bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Hai tuần XXIX
TN- bản dịch của nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét