Chúa Nhật 30 Quanh Năm Năm B
Bài Ðọc I: Gr 31, 7-9
"Ta sẽ lấy lòng từ bi
dẫn dắt kẻ đui mù và què quặt".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ðây Chúa phán: Hỡi Giacóp,
hãy hân hoan vui mừng! Hãy hò hét vào đầu các Dân ngoại, hãy cất tiếng vang
lên, ca hát rằng: "Lạy Chúa, xin hãy cứu dân Chúa là những kẻ sống sót
trong Israel ".
Ðây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ
đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có
kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một
cộng đoàn thật đông quy tụ về đây.
Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ
lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường
thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã
trở nên thân phụ dân Israel ,
và Ephraim là trưởng tử của Ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab.
2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng
rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những
người từ Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng
chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói
với nhau rằng: "Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng." Chúa đã đối xử
đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, hãy đổi số phận
của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân
hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc,
tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 5, 1-6
"Con là tư tế đến
muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê".
Trích thư gửi tín hữu
Do-thái.
Tất cả các vị thượng tế được
chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để
hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội
và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người
phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính
mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên
Chúa kêu gọi như Aaron.
Cũng thế, Ðức Kitô không tự
dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: "Con là
Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con". Cũng có nơi khác Ngài phán: "Con
là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc
tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên
các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 46-52
"Lạy Thầy, xin cho
tôi được thấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi
thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là
Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là
Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin
thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to
hơn: "Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi".
Chúa Giêsu dừng lại và truyền
gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy,
Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy
giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh?" Người mù thưa:
"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức
tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Lời kêu van của người mù:
"Lạy Con vua Ðavít xin thương xót tôi". Cho thấy dân chúng tin Ðức
Giêsu là Ðấng Cứu Thế là đấng khôi phục và giải phóng dân tộc. Nhưng khi Ðức
Giêsu chữa lành cho người mù được sáng mắt. Ngài muốn hướng người ta về sứ mệnh
dích thực của Ngài là cứu độ muôn dân. Ngài đến để giải thoát nhân loại khỏi
đau khổ và tối tăm của sự dữ. Như thế, tin vào Ðức Giêsu, con người mới được
ánh sáng, được giải phóng và được tự do làm con Thiên Chúa.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa thi ân
cho chúng con rất nhiều, nhưng chúng con được bao nhiêu còn tùy theo chúng con
biết đón nhận và tin vào tình thương của Chúa. Cuộc sống của chúng con sẽ ở mãi
trong tình trạng mù tối và bất hạnh, nếu chúng con không tin vào Chúa, không
cậy dựa vào Chúa. Xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa, để Chúa cho chúng
con ánh sáng mà nhận ra ý nghĩa và gia tị đích thực của đời mình. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Ðức Yêsu Dựng Nên
Một Dân Mới
(Yêrêmia 31,7-9; Hipri 5,1-6; Marcô 10,46-52)
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXX Thường Niên
Năm B
Yêrêmia 31,7-9; Hipri
5,1-6; Marcô 10,46-52
Cũng như Chúa nhật tuần
trước, hôm nay chúng ta căn cứ vào bài Tin Mừng để tìm hiểu bài tiên tri
Yêrêmia và bài thư Hipri. Chúng ta sẽ thấy mạc khải của Ðức Yêsu thật là ánh
sáng soi cho chúng ta hiểu hơn mọi lời tiên tri của Cựu Ước. Ðồng thời ánh sáng
của Người cũng chiếu trên giáo huấn của các tông đồ khiến những bài Thánh Thư
nhờ lời dạy dỗ và gương sáng của Người mà trở nên trong sáng.
1. Ðức Yêsu Dựng Nên Một
Dân Mới
Bài Tin Mừng hôm nay thuật
lại câu chuyện Chúa Yêsu chữa lành một người mù tên là Bartimê. Nhưng ở đây
thánh Marcô nói đến chính việc chữa mắt rất íc. Ðức Yêsu chỉ dùng một câu và
phán một lời thôi. Ðang khi có lần khá, để chữa lành một người câm điếc
(7,31-37), Người đã làm nhiều cử chỉ, không khác những lang y hoặc pháp sư thời
bấy giờ. Người đem người có tật ra chỗ vắng, thọc ngón tay vào tai y, nhổ nước
miếng và sờ vào lưỡi y, rồi ngước mắt, rên lên, thốt ra một lời lạ tai:
Ephphata! Ngay đến lần chữa một người mù ở Betsaida (8,22-26), Người cũng đã
dắt y ra ngoài làng, đoạn nhổ nước miếng vào mắt nó, rồi đặt tay khoa trước mặt
nó và hỏi: có thấy gì không?... Hôm nay, Người không làm một cử chỉ nào như
vậy. Người chỉ nói một câu: hãy đi, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi. Và
người mù đã được khỏi tức khắc.
Như vậy có nghĩa là hôm nay
tác giả Marcô không muốn chú trọng nhiều đến chính phép lạ chữa lành người mù.
Người đặt câu chuyện này trong một bối cảnh rất ý nghĩa, khiến chúng ta phải
tỉnh táo nhìn ra.
Người kể rằng hôm ấy Ðức Yêsu
ra khỏi Yêricô cùng với môn đồ và rất đông dân chúng. Người tiếp tục cuộc hành
trình đi lên Yêrusalem, khởi sự từ Chúa nhật trước. Người đã phải dừng chân
nghỉ tại Yêricô và hôm nay lại lên đường tiếp tục đi. Chưa có dấu hiệu gì cho
thấy có sự thay đổi nào trong đoàn người đang tiến bước này. Và chúng ta có thể
nghĩ, như hôm trước Ðức Yêsu vẫn dẫn đầu; còn môn đồ và quần chúng theo sau vẫn
có tâm trạng khiếp sợ. Người muốn lên Yêrusalem để thi hành sứ mạng cứu thế,
nhưng những kẻ đi theo Người lại sợ biệt phái và luật sĩ đang âm mưu gì đây.
Nhất là các môn đồ, sau khi tiếp thu bài học phải trở nên tôi tớ hầu hạ, lại
càng bước đi nặng nề. Ðức Yêsu phải kéo theo một nhân loại chậm chạp và khó
khăn. Ðang khi ấy Người ý thức đã đến giờ phải kéo họ lên và đưa họ ra khỏi
tình trạng hiện thời.
Có lẽ vì đang bị thu hút vào
tư tưởng cứu thế, Ðức Yêsu đã không để ý đến một người ăn xin ở vệ đường. Người
cũng chẳng nghe thấy tiếng người đó kêu ca. Vì quả thực, khi nghe biết Người đi
qua, kẻ khốn khó ấy đã thốt ra lời của nhân loại lầm than: "Lạy Con Vua
Ðavít, xin thương xót tôi". Không phải vì hắn biết Ðức Yêsu là con Ðavít,
chúng ta có thể chắc chắn như vậy. Hắn cũng chẳng xin Ðức Yêsu Nadarét chữa
hắn. Hắn giống như mọi người dân Cựu Ước và nhân loại lầm than chỉ trông chờ có
một vị Cứu tinh mà Sách Thánh bảo sẽ là con Ðavít. Thế nên, hắn đã kêu:
"Lạy Con Ðavít, xin thương xót tôi". Và hắn không chỉ kêu một lần,
nhưng nhiều lần, và càng kêu to khi bị người ta ngăn chặn quát bảo phải im đi.
Hắn thật là hình ảnh của người dân Cựu Ước và của nhân loại không ngớt kêu xin
ơn cứu độ. Tiếng cầu cứu cứ trùng trùng điệp điệp vang lên tới trời... cho đến
khi Ðức Yêsu nghe thấy. Người đứng lại và bảo gọi kẻ mù.
May mắn cho anh ta! Hạnh phúc
cho dân Cựu Ước. Thiên Chúa đã dừng lại và cho gọi con người. Tiếng của Người,
Lời của Thiên Chúa đã thay đổi hẳn cuộc sống của kẻ lầm than. Cho đến nay, y mù
lòa không thấy gì hết và chẳng biết đường đi. Y ngồi bên vệ đường, không theo
được con đường cứu độ mà Thiên Chúa đang đi. Y chỉ biết giơ tay xin ăn, tức là
nhân loại chỉ biết cầu cứu được thương xót. Bartimê, người mù ở Yêricô, chính
là kẻ đang ngồi trong bóng tối cho dù chung quanh đều đang hưởng ánh sáng ban
ngày. Ðó cũng là kẻ đang lầm than khổ sở, bất động và bất di bất dịch. Bóng tối
đang bao phủ kẻ ấy đúng là bóng tối của tử thần.
Nhưng Thiên Chúa đã cho gọi
kẻ ấy lại. Tiếng của Người có sức mạnh làm sao! Marcô kể: hắn vất áo choàng một
bên, nhảy chồm dậy và đến cùng Ðức Yêsu . Chúng ta có cảm tưởng hắn đã khỏi mù
rồi. Hắn làm như một người có sức sống mới. Vứt áo choàng ra một bên, không
phải là thái độ đập tan định mệnh bao phủ lấy mình từ xưa đến nay sao? Ðó là
thái độ đổi đời, nhờ lời Chúa mời gọi. Hắn còn nhảy chồm dậy khác nào như Thánh
vịnh nói, khi dân Chúa ra khỏi Aicập núi non gò nổng đã nhảy mừng. Ơn cứu độ
đến, tất nhiên phải như vậy, vì không thể có niềm vui nào to lớn hơn! Phép lạ
đã xảy ra rồi, nên Marcô không cần mô tả như mọi khi nữa. Chúng ta có thể bỏ
qua mấy câu trao đổi giữa Ðức Yêsu và chàng Bartimê. Ðó chỉ là những lời tiếp
theo và giải thích tiếng gọi ban đầu, để chứng tỏ ảnh hưởng của việc Ðức Yêsu
đã đứng lại và truyền gọi kẻ khốn khổ lại gần. Tuy nhiên chúng ta phải để ý đến
lời Marcô kết thúc câu chuyện: "Lập tức hắn đã thấy được và theo Ngài lên
đường".
Hắn nhập đoàn những người
long trọng vào thành Yêrusalem với Ðức Yêsu. Nói đúng hơn đoàn người này là
hắn, là những kẻ như hắn đã nghe tiếng gọi tin vào Người và được cứu độ. Và
trong cuộc khải hoàn này, theo Marcô, hắn không còn kêu xin "Lạy Con Ðavít,
xin thương xót tôi" nữa; nhưng cùng với mọi người đang phấn khởi; hắn chỉ
còn tung hô: Hosanna! Chúc muôn lành cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Với những
lời này, chúng ta thấy quả thật đã có một nhân loại mới mẻ. Không còn là đám
đông khiếp sợ hoặc ngồi trong bóng tối tử thần nữa, nhưng nhờ việc Ðức Yêsu đã
dừng chân ở trần gian và lên tiếng kêu gọi, loài người đã được ánh sáng và sự
sống mới để nhận ra Chúa và vui mừng trong đức tin.
Ðức Yêsu đã dựng nên một dân
mới, dân có Tin Mừng cứu độ: đó là điều mà thánh Marcô muốn thông đạt cho chúng
ta qua câu chuyện chàng Bartimê được chữa lành. Và giờ đây được ánh sáng mới
của bài Tin Mừng, chúng ta hãy nhìn lại bài Cựu Ước và nhìn sang bài Thánh Thư.
Ý tưởng đúng chắc chắn sẽ dễ hiện ra một cách rõ ràng.
2. Người Hoàn Tất Lời Tiên
Tri
Quảvậy, lời sách Yêrêmia chỉ
trở nên trong sáng sau ngày Ðức Yêsu đã cải tạo dân mới. Trước đó người ta có
thể hiểu những lời tiên tri ấy về cuộc hồi hương của người Dothái ra khỏi cảnh
lưu đày. Ðúng ra, trước mắt, Yêrêmia cũng đã nhìn thấy như thế. Ông được Thiên
Chúa cho biết phải tuyên sấm về dân đang lầm than. Họ sẽ được Thiên Chúa tập
họp lại đưa ra khỏi Assyria để trở về quê cũ.
Yêrêmia bảo các nước hãy vỗ tay hoan hô đoàn người đang trở về. Họ được Thiên
Chúa đoái thương. Cả những thành phần đui mù què quặt cũng được ơn cứu độ. Hơn
nữa Thiên Chúa từ nay còn gọi là "trưởng nam" trong cả gia đình nhân
loại và Người sẽ là Cha nhân từ của họ.
Những lời này sẽ không phải
là những lời tiên tri, mà chỉ là những câu văn thi vị, nếu chỉ có biến cố hồi
hương của người Dothái. Ðoàn người trở về bấy giờ đã chẳng được đón tiếp hân
hoan bao nhiêu. Và sau một thời gian ngắn họ lại rơi vào tay quân xâm lược
khác. Họ chẳng bao giờ cảm thấy thực sự là trưởng nam giữa các dân tộc. Và việc
Thiên Chúa là Cha nhân từ của họ cũng chỉ là một niềm tin rất yếu ớt. Chứng cớ
là ở thời Ðức Yêsu , Israel vẫn sống trong sự "kinh
hãi" Thiên Chúa, chứ không cảm thấy tình Chúa như hiền phụ.
Do đó những lời của Yêrêmia
còn phải đi xa hơn và nhắm chỉ những thực tại khác sâu xa hơn biến cố hồi hương
của dân Dothái. Ðó là những lời tiên tri, chỉ được thực hiện nhờ Ðức Yêsu và
trên một bình diện khác. Hôm nay trên đường đi Người đã chữa lành một người mù;
và người này đã đi theo Người, nhập đoàn với cả một đám đông đang khởi hoàn vào
Yêrusalem giữa tiếng tung hô.
Lời sách Yêrêmia đã được thực
hiện rõ hơn, nhưng vẫn còn là một hình ảnh về một thực tại sâu hơn. Ðoàn người
vào thành hôm nay báo trước quang cảnh của Hội Thánh trên đường lữ thứ trần
gian, để chỉ trở thành thực tại trong vinh quang Nước Trời. Ở đó mới sẽ rõ rệt
quang cảnh một cuộc hồi hương thật sự. Muôn nước sẽ vỗ tay. Israel sẽ bao
gồm tất cả những kẻ đui mù, què quặt được chữa lành. Dân Chúa sẽ là
"trưởng nam" và chính Người sẽ là Cha hiền của muôn nước.
Nhưng ngay từ bây giờ thực
tại ấy đã khởi sự. Hội Thánh hiện nay đang là đoàn người hồi hương ra khỏi cảnh
lầm lạc tội lỗi. Nơi Hội Thánh có rất nhiều tội nhân được chữa lành như những
kẻ đui mù què quặt được khỏi bệnh. Và nhất là trong Hội Thánh không bao giờ
ngớt lời kinh "Lạy Cha chúng con ở trên trời". Và tất cả được như vậy
đều nhờ ở Ðức Yêsu Kitô cứu thế. Công ơn của Người được lời thư Hipri hôm nay
mô tả như sau:
3. Người Là Thượng Tế Ðến
Muôn Ðời
Nhân loại sa ngã cần phải tạ
tội. Và như vậy cần phải có Thượng tế dâng lễ vật và hy sinh. Người vừa phải
được lấy giữa loài người để biết thông cảm mọi yếu đuối và yêu cầu của nhân
loại; đàng khác Người phải được chính Thiên Chúa lựa chọn, chứ toàn thể loài
người tội lỗi biết chọn ai cho vừa ý Thiên Chúa để làm nhịp cầu tái lập sự giao
hòa.
Ðức Yêsu có một điều kiện đó.
Vì chỉ một mình Người hội đủ các nhân tố kia. Khỏi nói đến việc Người mang nặng
xác thể loài người. Người đã đi sâu vào bản tính nhân loại đến nỗi còn hạ mình,
mặc hình thức tôi đòi của kẻ tội lỗi. Chính khi bị treo trên thập giá, Người đã
tỏ ra thông cảm với mọi yếu đuối và yêu cầu của loài người hơn cả. Thì cũng
chính trong hoàn cảnh ấy, bằng việc cho Ðức Yêsu sống lại làm "trưởng
tử" giữa loài người hay chết, Thiên Chúa đã như tuyên bố: "Ngươi là
Con Ta, chính Ta hôm nay đã sinh ra con... Ngươi là tư tế đời đời theo kiểu
Melkiseđek".
Phải, Ðức Yêsu đã trở thành
Con đời đời của Thiên Chúa Cha trong mầu nhiệm phục sinh. Người đã được đặt làm
Thượng tế trên bàn thờ Thánh Giá, để lôi kéo mọi người lên, tức cũng là trở về
nhà Thiên Chúa, hầu được ơn tha thứ mọi tội và đầy Thánh Thần để từ nay không
ngớt kêu: Abba, lạy Cha.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 30 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Jer 31:7-9; Heb 5:1-6; Mk
10:46-52.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa yêu thương và chữa lành những yếu đuối của con
người.
Thiên Chúa yêu thương
con người và mong muốn con người được sống hạnh phúc bên Ngài mãi mãi; nhưng
nhiều người lại mù quáng chạy theo những tình yêu ảo ảnh của thế gian. Để đưa
con người về, Thiên Chúa phải dùng đau khổ. Khi con người phải đương đầu với
đau khổ, họ nhận ra họ không thể sống mà không có Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay
biểu lộ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua những trường hợp khác nhau.
Trong Bài Đọc I, khi con cái Israel
không chịu nghe lời các ngôn sứ để quay trở về với Thiên Chúa, Ngài để mặc họ
cho ngoại bang giày xéo. Kết quả là con cái Israel bị mất nước và bị mang đi
lưu đày. Nhưng tình yêu Thiên Chúa không bao giờ cạn cho con cái Israel, Ngài
sai các ngôn sứ tới để khuyên bảo dân hãy giữ vững niềm trông cậy, vì Ngài sẽ
giải thoát và đưa họ về quê hương làm lại cuộc đời. Trong Bài Đọc II, tình yêu
Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Ngài chọn và gởi các thượng tế đến để làm
trung gian giữa Thiên Chúa và con người; vị Thượng Tế cao cả nhất là chính
Người Con Một của Ngài. Các thượng tế thay Thiên Chúa lo lắng và chăm sóc phần
hồn cho dân qua mọi thời đại. Trong Phúc Âm, Đức Kitô đã chữa lành cho một
người mù thành Jericho, khi anh mạnh dạn vượt qua mọi trở ngại để xin Ngài cho
anh được thấy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta
sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất.
1.1/ Thiên Chúa thương
xót sau khi sửa phạt Israel : Như một người cha yêu
thương con cái, nhưng phải sửa phạt khi chúng lầm lỗi, Thiên Chúa cũng phải sửa
phạt vì sự cứng lòng của con cái Israel . Thiên Chúa để họ bị rơi vào
tay vua Assyria và bị lưu đày vào khoảng năm
721 BC. Tuy nhiên, Ngài luôn hứa với dân qua các tiên-tri là Ngài sẽ cứu số còn
sót lại của Israel
sau thời kỳ lưu đày. Lời hứa của Thiên Chúa được hiện thực khi vua Ba-tư là
Cyrus phóng thích cho dân chúng trở về Jerusalem
vào năm 538 BC, để xây dựng lại quê hương và tái thiết Đền Thờ.
Trình thuật của ngôn sứ
Jeremiah hôm nay là một ví dụ điển hình cho lời hứa của Thiên Chúa với dân:
"Vì Đức Chúa phán thế này: Reo vui lên mừng Jacob, hãy hoan hô dân đứng
đầu chư dân! Nào loan tin, ca ngợi và công bố: "Đức Chúa đã cứu dân Người,
số còn sót lại của Israel !"
Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất.
Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau
trở về, cả một đại hội đông đảo."
1.2/ Thiên Chúa luôn yêu
thương Israel với tình yêu
của người cha: Con cái Israel
có thể dùng tự do để xa lìa Thiên Chúa; nhưng Ngài luôn trung thành yêu thương
và bảo vệ họ. Để giúp con cái Israel
nhận ra tình thương Thiên Chúa và quay trở về, đau khổ là phương thuốc cần
thiết cho họ. Chính tư tế Ezra sau khi đã nhận ra kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa được thực hiện qua vua dân ngoại Cyrus đã phải đau đớn và xấu hổ thốt lên:
tất cả chúng con đều đã xúc phạn đến Ngài, tổ tiên của chúng con cũng như tất
cả những người đương thời; và đau khổ chúng con phải chịu là xứng đáng với tội
lỗi của chúng con.
Một khi con người nhận
ra và quay trở về với tình yêu đích thực, Thiên Chúa lại tiếp tục săn sóc và
bảo vệ họ, như lời sấm của tiên-tri Jeremiah: "Chúng trở về, nước mắt tuôn
rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng
băng, trên đó chúng không còn vấp ngã. Vì đối với Israel , Ta là một người Cha, còn
đối với Ta, Ephraim chính là con trưởng."
2/ Bài đọc II: Thượng
tế được đặt lên để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người.
2.1/ Vị thượng tế loài
người: Tác
giả Thư Do-thái nhấn mạnh đến ba đặc tính của thượng tế trong Cựu Ước, để dẫn
đến Vị Thượng Tế cao cả nhất của Tân Ước.
(1) Thượng tế được chọn
trong số người phàm: ''Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người
phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với
Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội." Vai trò của vị
thượng tế là để đại diện cho loài người trong các mối tương quan với Thiên
Chúa; chẳng hạn, vị thượng tế vào trong cung Cực Thánh mỗi năm một lần vào ngày
"Xá Tội" để dâng hy lễ toàn thiêu đền tội cho mình và cho mọi người.
(2) Thượng tế cũng là
con người yếu đuối: Thượng tế không phải là thiên thần hay là thánh, họ cũng mang
trong mình những khuyết điểm như dân chúng. Khi dâng của lễ đền tội, họ cũng
phải dâng của lễ đền tội cho mình trước khi dâng của lễ đền tội cho dân. Vị
thượng tế phải biết cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì
chính người của họ cũng đầy yếu đuối. Họ không được kiêu hãnh vì chức vụ của
mình để khinh thị hay nóng nảy với dân chúng.
(3) Thượng tế được chọn
bởi chính Thiên Chúa: Tác giả Thư Do-thái rất rõ ràng về điều này: "Không ai tự
gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aaron đã được
gọi."
2.2/ Chức vụ Thượng tế
của Đức Kitô:
Tác giả Thư Do-thái cũng dùng 3 đặc tính này để áp dụng vào chức vụ tư tế của
Đức Kitô.
(1) Ngài được chọn và
thánh hiến bởi Thiên Chúa: "Cũng vậy, không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm
Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha
đã sinh ra Con, như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng
Tế theo phẩm trật Melchizedek." Để hiểu "Thượng Tế theo phẩm trật
Melchizedek," chúng ta phải trở về với trình thuật trong Sách Sáng Thế Ký,
khi tư tế Melchizedek ra đón và chúc lành cho Abram khi ông thắng trận trở về
(Gen 14:18-20), và Abram đã trao lại cho tư tế này một phần mười các chiến lợi
phẩm.
(2) Đức Kitô đồng cảm
với con người
vì Ngài cũng đã trải qua những đau khổ như con người; nên Ngài có thể giúp họ
vượt qua các đau khổ trong cuộc sống. Tác giả Thư Do-thái nói rõ về Đức Kitô:
"Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở
thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa,
hầu đền tội cho dân.
Vì bản thân Người đã
trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử
thách" (Heb 2:17-18).
(3) Đức Kitô là trung
gian giữa Thiên Chúa và loài người: Ngài hòa giải con người với Thiên Chúa bằng
cách thanh tẩy con người khỏi mọi tội lỗi.
Sau khi hoàn tất nhiệm
vụ trên trần gian, Đức Kitô đã thiết lập thiên chức linh mục để họ tiếp tục sứ
vụ của Ngài trên trần gian. Một người đã quảng diễn vai trò trung gian của linh
mục như sau: Linh mục là người cầu nguyện và kết hợp với Thiên Chúa trong tuần,
để rồi chuyển thông cho dân những gì Thiên Chúa muốn họ làm trong những thánh
lễ cuối tuần; vì dân chúng quá bận rộn để mưu kế sinh nhai. Sự hiện diện của
linh mục giúp con người nhận ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con
người.
3/ Phúc Âm: "Anh
hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!"
3.1/ Niềm tin vững mạnh
của anh mù:
Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Jericho .
Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành
Jericho, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là
Bartimê, con ông Timê.
(1) Anh mù chứ không
điếc: Anh
đã được nghe người ta nói về Đức Giêsu Nazareth. Anh tin vào Ngài. Anh không
chút e ngại và biết nắm lấy cơ hội để cầu xin với Ngài: "Lạy ông Giêsu,
Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!"
(2) Anh vượt qua sự ngăn
cấm của con người: Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn
tiếng: "Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!" Họ quát nạt anh
có thể vì anh làm chia trí họ không nghe được những lời dạy dỗ của Đức Kitô,
hay khinh thường anh vì anh chỉ là người ăn xin bên đường.
Khát vọng mãnh liệt của
anh mù được đối diện với Thiên Chúa đã giúp anh vượt qua mọi trở ngại để được
gặp Ngài. Chúng ta có một khát vọng mãnh liệt được gặp Chúa Giêsu như anh
không? Chúng ta có sẵn sàng vượt mọi trở ngại trong cuộc đời để được đối diện
với Ngài?
3.2/ Cuộc đối thoại giữa
Chúa và anh mù: Thấy niềm tin vững mạnh của anh, Đức Giêsu đứng lại và nói:
"Gọi anh ta lại đây!" Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm,
đứng dậy, Người gọi anh đấy!"
(1) Phản ứng của anh mù
rất rõ ràng và quyết liệt qua sự diễn tả của Marcô: Khi được biết Chúa
Giêsu cho gọi anh, "anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến
gần Đức Giêsu.'' Anh không muốn bất cứ sự gì ngăn cản anh trong việc đến với
Chúa. Khi nghe Chúa Giêsu hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh mù
đáp không chút do dự: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."
(2) Lòng thương xót của
Chúa Giêsu: Người
nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn
thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Đau khổ xảy ra khi con
người lìa xa Thiên Chúa để chạy theo những ảo ảnh của thế gian; để sống hạnh
phúc, chúng ta cần phải quay trở về với Thiên Chúa, Người Cha yêu thương chúng
ta thực sự.
- Tình yêu Thiên Chúa
được biểu lộ qua việc Thiên Chúa chọn các thượng tế giữa con người để họ làm
trung gian hòa giải, cầu nguyện, và ban ơn lành của Thiên Chúa cho con người.
- Vị Thượng Tế khôn
ngoan, trung thành, và yêu thương chúng ta nhất là Đức Kitô. Chúng ta hãy mạnh
dạn chạy đến với Ngài để được tha tội, chữa lành, và lãnh nhận mọi ơn cần thiết
cho cuộc sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Chúa Nhật tuần 30 thường niên, năm B
Suy niệm: Lời kêu van của người mù: "Lạy Con vua
Ðavít xin thương xót tôi". Cho thấy dân chúng tin Ðức Giêsu là Ðấng Cứu
Thế là đấng khôi phục và giải phóng dân tộc. Nhưng khi Ðức Giêsu chữa lành cho
người mù được sáng mắt. Ngài muốn hướng người ta về sứ mệnh dích thực của Ngài
là cứu độ muôn dân. Ngài đến để giải thoát nhân loại khỏi đau khổ và tối tăm
của sự dữ. Như thế, tin vào Ðức Giêsu, con người mới được ánh sáng, được giải
phóng và được tự do làm con Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thi ân cho chúng con rất nhiều, nhưng
chúng con được bao nhiêu còn tùy theo chúng con biết đón nhận và tin vào tình
thương của Chúa. Cuộc sống của chúng con sẽ ở mãi trong tình trạng mù tối và
bất hạnh, nếu chúng con không tin vào Chúa, không cậy dựa vào Chúa. Xin cho
chúng con biết tìm đến với Chúa, để Chúa cho chúng con ánh sáng mà nhận ra ý
nghĩa và gia tị đích thực của đời mình. Amen.
Ghi nhớ :"Lạy Thầy, xin cho tôi
được thấy".
28/10/12 CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – B
Mc 10,46-52
Mc 10,46-52
NHÌN BẰNG CẶP MẮT ĐỨC
TIN
“Lạy ông Giê-su, Con
Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi,
nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! ” (Mc 10,47-48)
Suy niệm: Không phải vô cớ mà có người nói: Cần phân biệt thị giác và
thị lực! Quả thật, lắm khi các bộ phận của thị giác có đầy đủ nhưng người ta
‘nhìn’ mà vẫn không ‘thấy’, hoặc thị lực lại có vấn đề nên chỉ thấy những hình
ảnh mập mờ, méo mó. Ngược lại có người mắt mù nhưng lại ‘thấy’ tinh tường hơn
cả người sáng mắt, bởi vì họ nhìn với cả trí óc và con tim. Anh mù Batimê là
một trong số những người đó: Anh ‘nhìn’ bằng đôi tai thay cho cặp mắt để nghe
biết người đang đi qua đời anh “đó
là Đức Giêsu Nadarét.” Và nhờ
‘cặp mắt đức tin’ anh ‘thấy’ Đức
Giêsu Nadarét chính là “Con Vua Đavít” có quyền năng chữa lành anh. Được Chúa
gọi tới, anh đã nói lên nỗi khao khát của anh: “Xin cho tôi được thấy.” Và Chúa đã đáp lời: “Đức tin của anh đã cứu chữa anh!”
Mời Bạn: Nhìn bằng cặp mắt đức tin là cái nhìn ‘thấy’ được Thiên
Chúa trong mọi sự và ‘thấy’ được mọi sự trong Chúa. Đó là cái nhìn của Đức
Kitô, cái nhìn đầy lòng thương xót, biết nhạy bén cảm thông những nỗi niềm của
anh em; đó là cái nhìn bao dung, nhẫn nại để loan báo sứ điệp của Chúa “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Sống Lời Chúa: Kiểm tra thị lực thiêng liêng của mình bằng cách xét mình:
Trong việc này, việc khác, tôi có nhìn bằng cái nhìn của Đức Kitô không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho đôi mắt tâm hồn con được sáng, để con
thấy Chúa là tất cả, thấy anh em mình thật dễ thương, dễ mến và thấy con càng
nhỏ bé đi trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.
Xin thương xót tôi.
Khả năng thấy là một khả năng mỏng dòn...
Lắm khi tôi không đủ sức để ra khỏi sự mù lòa của mình. Tôi có kêu gào với Chúa
để xin được ơn thấy lại không?
Suy niệm:
Con mắt là một bộ phận hết sức mong manh,
dễ bị tổn thương, dễ bị nhiễm trùng,
nhất là trong điều kiện vệ sinh ngày
xưa.
Chúng ta không rõ nguyên nhân khiến
anh Báctimê bị mù,
chỉ biết anh không mù từ lúc lọt
lòng mẹ.
Anh đã từng được thưởng thức ánh
nắng ban mai
hay nhìn ngắm những người thân yêu,
bè bạn.
Bây giờ chỉ có bóng tối triền miên.
Anh Báctimê sống bằng nghề hành
khất,
ngồi ăn xin bên vệ đường, sống bên
lề xã hội.
Danh tiếng của Ðức Giêsu Nadarét,
anh đã được nghe nhiều.
Ngài có thể làm người mù bẩm sinh
sáng mắt.
Anh tin vào Ngài, thầm mong có ngày
được gặp.
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc hạnh ngộ ấy.
Rất tình cờ, Ðức Giêsu đi ngang qua
đời anh.
Anh mù lòa, ngồi đó như chỉ chờ giây
phút này.
Khi nghe biết là Ðức Giêsu cùng với
đám đông đi qua,
anh thấy cơ may đã đến.
Tất cả sức mạnh của anh nằm ở tiếng
kêu,
tiếng kêu thống thiết bi ai của một
người đau khổ,
nhưng cũng là tiếng kêu đầy tin
tưởng, hy vọng.
“Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít, xin thương
xót tôi!”
Tiếng kêu báo hiệu một sự hiện diện,
một cầu cứu.
Nhiều người muốn bịt miệng anh,
nhưng anh chẳng sợ gì đe dọa.
Càng bị đe dọa, anh càng gào to hơn
nhiều.
Cuối cùng tiếng của anh đã đến tai
Ðức Giêsu.
Ngài dừng lại và sai người đi gọi
anh,
vì Ngài cũng chưa rõ anh đang ở đâu.
Khi biết mình được gọi, anh vội vã
và vui sướng
vất bỏ cái áo choàng vướng víu,
nhẩy cẫng lên mà đến với Ðức Giêsu.
Anh đi như một người đã sáng mắt,
bởi thực ra mắt của lòng anh đã sáng
rồi.
Khi được khỏi, lòng tin của anh thêm
mạnh mẽ hơn.
Anh thấy lại mặt trời, anh gặp Ðấng
cho anh ánh sáng.
Không ngồi ở vệ đường nữa, anh đứng
lên đi theo Ðức Giêsu.
“Xin thương xót tôi. Xin cho tôi nhìn thấy
lại”.
Ðây có phải là tiếng kêu của tôi
không?
Khả năng thấy là một khả năng mỏng
dòn.
Ta có thể thấy điều này mà không
thấy điều kia.
Tôi có thể lúc thấy lúc không, hay
cố ý không muốn thấy.
Lắm khi tôi không đủ sức để ra khỏi
sự mù lòa của mình.
Tôi có kêu gào với Chúa để xin được
ơn thấy lại không?
Một người mù chữ, dù đã được xóa mù,
vẫn có thể mù lại.
Chính vì thế tôi cứ phải xin cho
mình được thấy luôn.
Thấy mình bé nhỏ, thấy Chúa bao la,
thấy anh em dễ mến.
Thấy là đi vào một con đường dài hun
hút.
Chúng ta phải được Chúa xóa mù suốt
đời.
Chỉ trong ánh sáng của Chúa, tôi mới
nhìn thấy ánh sáng.
Cầu nguyện:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những
khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự
muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu
giãi vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa
dủ lòng thương cho con được thấy.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SỰ MÙ LÒA HÔM NAY
Có một anh mù đi thăm một người bạn. Trời tối
khuya. Anh sợ người khác đụng vào mình nên anh đã có một sáng kiến. Anh đội đèn
lên đầu để người khác trông thấy anh mà tránh. Anh hân hoan bước đi. Thình lình
anh va vào một người làm cái đèn rớt xuống bể nát. Anh tức giận và chửi: “Mày
mù hay sao mà không thấy đèn của tao”. Người kia trả lời rằng: “Đèn mày còn
sáng đâu mà tao trông thấy”.
Bài Tin Mừng hôm nay được thánh Marcô ghi lại,
có lẽ không nhằm nói về sự bất hạnh của người mù thể xác. Vì thời Chúa Giêsu
cũng như thời nay người mù loà thì rất nhiều. Nhưng Chúa Giêsu chỉ chữa lành
một vài trường hợp, trong đó có trường hợp chữa lành người mù thành Giêricô tên
là Bactimê. Hơn nữa, những phép lạ của Chúa Giêsu thường liên hệ đến việc chữa
lành tâm hồn. Anh mù Bactimê chỉ được chữa lành khi anh cố đến với Chúa. Anh
quyết tâm chỗi dậy, dứt bỏ chốn xưa đã giam hãm cuộc đời anh. Anh cậy dựa vào
Chúa để mong muốn thay đổi cuộc đời.
Ngày nay, loại mù về tâm hồn rất nhiều. Nguyên
nhân có thể là do hoàn cảnh, do môi trường. Có thể do thiếu hiểu biết. Có thể
là do đam mê, lười biếng. Có thể là vì thiếu trách nhiệm nên cố tình mù loà để
hưởng bổng lộc của thế gian bố thí.
Có những người trở thành những con nghiện của sì
kẻ, ma túy do thiếu hiểu biết nên sa vào con đường tội lỗi và tự huỷ diệt thân
xác mình mà không hay.
Có những người vì một chút bổng lộc thế gian đã
bán mình làm tôi cho ma quỷ, trở thành một Giuđa bán Chúa và làm hại anh em.
Cuối cùng chỉ còn lại sự thất vọng, cô đơn và chán chường.
Xem ra người mù thành Giêricô thật có phúc vì
anh ý thức được sự mù loà của mình. Anh đã vượt qua mọi trở ngại để chạy đến
nương nhờ lòng thương xót của Chúa. Ước gì mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ,
với hành vi đấm ngực ăn năn, không phải là máy móc, vụ hình thức mà là sự nhức
nhối của con tim đầy nuối tiếc về sự mù loà tâm linh của mình dẫn đến biết bao
điều sai quấy, gây lo âu bất an cho tâm hồn, và gây đau khổ cho gia đình. Ước
gì chúng ta luôn khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của mình để cần Chúa chỉ đường
dẫn lối, và chữa lành khỏi những u mê của cõi lòng, để chúng ta luôn hân hoan
bước đi trong ánh sáng của tin mừng, của chân thiện mỹ, của nẻo chính đường
ngay. Ước gì cặp mắt của tâm hồn chúng ta luôn đủ sáng để nhận ra đâu là thiện,
là ác, để luôn hành động đúng theo lương tri của một con người. Amen.
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
28 THÁNG MƯỜI
Gương Mù Của Chia Rẽ
Mặc dù hiệp nhất là
điều mà con nguời sẽ chẳng bao giờ có thể tự mình đạt được, song chúng ta cũng
phải tìm kiếm hiệp nhất và cố gắng tranh thủ hiệp nhất. Hiệp nhất là một trong
những đặc tính của Giáo Hội, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính:
" … Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền." Nhưng
thực tế, trong Giáo hội duy nhất ấy lại có tình trạng … bất hoà giữa các
Kitôhữu.
Nhiệm vụ tái lập mối
hiệp nhất giữa tất cả những người tin vào Chúa Kitô ngày càng trở nên cấp bách.
Những chia rẽ trong quá khứ và hiện tại là một gương mù cho những người ngoài
Kitô giáo, những chia rẽ ấy là một sự đối nghịch rõ ràng với ý muốn của Chúa
Kitô. Chúng là trở ngại nghiêm trọng cho nỗ lực rao giảng Tin Mừng của Giáo
Hội.
Công cuộc đại kết đòi
hỏi những cố gắng không ngừng và những lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta.
Trước hết phải nhận thức rằng mối hiệp nhất của Phép Rửa có ý nghĩa rất sâu xa
và rất hàm súc. Mối hiệp nhất này thực sự liên kết tất cả những người đã chịu
Phép Rửa lại với nhau, và cho họ được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba
Ngôi. Mối hiệp nhất này tồn tại mãi mãi, bất chấp những khác biệt hay những
chia rẽ. Lời của Thánh Phaolô vẫn mãi còn xác thực: “Vì tất cả anh em đã được
thanh tẩy trong Đức Kitô và mặc lấy Đức Kitô, nên không còn Do thái hay Hy lạp,
cũng không còn nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; vì tất cả anh em là một trong
Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,27 – 28).
Chúng ta phải sẵn sàng
cộng tác với Đức Kitô và với các tín hữu khác để đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn
giữa các môn đệ của Đức Kitô trên toàn thế giới. Chúng ta vui mừng nhìn thấy
những bước tiến đã đạt được trong lãnh vực đại kết. Chúng ta đã có những nỗ lực
vượt qua các thành kiến in hằn xưa nay, vượt qua những xét đoán sai lầm và
những luận điệu khích bác. Chúng ta đã hiểu biết nhau hơn và tôn trọng nhau hơn
trong tình huynh đệ. Đã có những bước tiến đáng kể trong cuộc đối thoại giữa
các giáo hội và trong sự cộng tác giữa các Kitôhữu trong việc phục vụ cho nhân
loại. Chúng ta ngày càng có được nhiều cơ hội hơn để cầu nguyện chung giữa các
Kitô hữu – trong sự tôn trọng các truyền thống khác biệt. Tất cả chúng ta hãy tiếp
bước trên con đường tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn trong Đức Kitô. Chúng ta
tràn trề hy vọng mong chờ một ngày chúng ta sẽ thực sự nên một như Chúa Cha và
Chúa Con là một.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28-10.
Chúa Nhật XXX Thường Niên;Gr 31, 7-9; Dt 5, 1-6; Mc 10, 46-52.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện người mù ở Giê-ri-khô. “Người nói: ‘Anh
muốn tôi làm gì cho anh?’ Anh mù đáp: ‘Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được’
Người nói: ‘Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh’ Tức khắc, anh ta nhìn thấy
được và đi theo Người trên con đường Người đi.”(Mc 10,51-52).
Đứng trước Chúa Giêsu, anh mù Bác-ti-mê đã nhận ra Chúa Giêsu thành Na-da-rét
là Đấng Ki-tô; khi anh tuyên xưng: “Lạy ông Giêsu Con vua Đa-vít, xin dủ lòng
thương”, mặc dù có nhiều người quát nạt anh, nhưng anh vẫn tuyên xưng lớn tiến
hơn, để rồi Chúa Giêsu xác nhận lòng tin của anh đã cứu chữa anh. Anh nhìn thấy
được và đi theo Ngài trên chính con đường Ngài đi. Con đường từ Hang đá Bê-lêm
cho đến trên Núi Sọ. Trong lúc đó biết bao nhiêu người đi theo Ngài, thấy được
những việc Ngài làm mà vẫn không nhận ra Ngài là Đấng Ki-tô. Cũng như các môn
đệ, họ cũng chưa nhận ra Ngài, ngoại trừ Phêrô đã tuyên xưng; các môn đệ cũng
chưa nhận ra con đường của Ngài là con đường Thập Giá, họ đang mơ tưởng được ở
bên tả và bên hữu của Ngài, họ đang tức tối nhau. Trong đời sống Ki-tô hữu của
chúng ta cũng đang có nhiều điều mù, nếu chúng ta không chuyên cần và tiếp tục
đón nhận Lời Chúa, học hỏi lời Ngài, chúng ta sẽ không thấy rõ được.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
28 Tháng Mười
Chuyến Xe Cuộc Ðời
Cách đây hơn một trăm năm, khi đường sắt vừa mới được phát minh,
nhu cầu đi lại mỗi lúc một bành trướng, một văn sĩ nọ, trong quyển lịch sử của
xe lửa và đường sắt, đã ghi ra một số chỉ dẫn cho hành khách. Trong một chương
có tựa đề "Những lời khuyên trước khi lên đường", ông đã đưa ra vài
căn dặn như sau: "Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, hành khách nên quyết
định: mình sẽ đi đâu, sẽ lên chuyến xe lửa nào và ở đâu, tại nơi nào sẽ đổi
tàu...".
Trong một đoạn khác, ông nhắc nhủ hành khách như sau:
"Khuyên quý khách mang theo hành lý càng ít bao nhiêu càng tốt... Riêng
với các bà, các cô, không được phép mang quá ba hành lý và năm gói nhỏ".
Những lời khuyên trên đây xem chừng như không có chút giá trị
nào đối với hệ thống đường sắt hiện tại ở Việt Nam . Chen chúc nhau để có được một
chỗ ngồi thích hợp, đã là quá lắm rồi, còn chỗ đâu để xác định số hành lý phải
mang theo.
Nhưng dù thanh thản trong một con tàu đầy tiện nghi, hay chen chúc
nhau trong một wagon chật hẹp bẩn thỉu, mỗi khi bước vào xe lửa, ai trong chúng
ta cũng được mời gọi để tưởng nghĩ đến chuyến đi của cuộc đời... Ðời cũng là
một chuyến đi.
Bước lên chiếc xe lửa của cuộc đời, ai trong chúng ta cũng được
mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình bằng một số câu hỏi cơ bản: tôi sẽ đi về
đâu? Tôi phải mang những gì cần thiết cho cuộc hành trình?
Trên một số tuyến đường liên tỉnh tại Phi Luật Tân, thỉnh thoảng
hành khách có thể đọc được một bảng hiệu có thể làm cho họ phải giật mình suy
nghĩ: có thể đây là chuyến đi cuối cùng của bạn. Thật ra, ít có ai khi lên
đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ người ta nghĩ đến công việc, nghĩ đến gia đình,
nghĩ đến những thú vui đang chờ đợi hơn là phải dừng lại với ý nghĩ của một cái
chết bất ngờ.
Thái
độ khôn ngoan nhất mà Chúa Giêsu thường lặp lại trong Tin Mừng của Ngài: đó là
"Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Con
người sinh ra để chết. Nói như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc
đời, mà đúng hơn là một cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.
Giá
như ai trong chúng ta cũng biết rằng: công việc ta đang làm trong giây phút này
đây là công việc cuối cùng trong cuộc đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý
nghĩa và một mục đích khác hẳn.
(Lẽ Sống)
Ngày 28
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN
Thánh Simon và Thánh Giuđa, tông đồ
Thánh Simon và Thánh Giuđa, tông đồ
Chúng ta
dễ nhận ra nơi anh mù Batimê hình ảnh của người đi tìm gặp Đức Giêsu. Được
Người cho sáng, anh ta liền đi theo Người: đó là hành hình của các môn đệ Đức Giêsu.
Việc Đức
Giêsu đến, nơi anh Batimê thường ngồi ăn xin bên vệ đường, là một cơ may đặc biệt cho anh ta.
Anh không muốn để mất dịp may đó: không có gì, không có ai, làm cho anh im đi
được! Đức Giêsu đã dừng lại nhiều lần bên những người bị tổn thương, trong thân
xác hay trong tâm hồn. Chúa
đón nhận họ, động viên họ, chữa lành họ và phục hồi họ hoàn toàn giữa những
ngưòi khác. Đức tin là một sự gặp gỡ vớiĐức Giêsu, Đấng kêu gọi. Để đi tới
Người, đừng để những vật cản làm ta dừng lại. Hơn nữa, như anh mù vất áo
choàng, đứng phắt dậy và chạy đến Đức Giêsu, điều phải làm là bỏ lại tất cả
những gì ngăn cản chúng ta đến với Đức Kitô (những lo lắng, những công việc
linh tinh
. . . )
. . . )
Câu Đức Giêsu hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" xem ra vô
ích đối với người
kêu lớn tiếng:
"Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!" Nhưng câu hỏi ấy lại là dấu chỉ về mối quan hệ xác thực
giữa Đức Giêsu và anh mù. Sau khi được chữa khỏi, anh Batimê trở thành môn đệ
của Đức Giêsu và đi theo Người trên con đường Giêrusalem, con đường thập giá.
Đức Cha Pierre-Marie Carré
Hạnh Các Thánh
Ngày 28 tháng 10
THÁNH SIMON
VÀ THÁNH
GIUĐA TÔNG ĐỒ
|
Chúng
ta được biết rất ít về hai thánh tông đồ vì hình như các ngài chỉ được Chúa
Giêsu chọn như những người “phụ tá”. Trong Phúc âm, thánh Máccô (Mc 3,18) và
thánh Matthêu (Mt 10,4) xếp thánh Simon đứng thứ 11 và thánh Luca (Lc 6,15)
ghi tên ngài vào hàng thứ 10 trong số các tông đồ. Còn thánh Giuđa, chúng ta
đọc thấy đứng thứ 11 trong Phúc âm thánh Luca và mang tên là Thađêô, đứng thứ
10 trong Phúc âm thánh Maccô và Matthêu. Sự kiện về ngôi thứ của hai thánh
nhân gợi cho chúng ta hình dáng những người thợ được thuê vào lúc 5 giờ chiều
(Mt 20,6), và những khách mời hèn mọn (Lc14,10) mà Chúa nói trong Phúc âm.
Vậy, chúng ta có thể hiểu một cách đơn sơ rằng sở dĩ các ngài có một chỗ ngồi
kém quan trọng trong số các tông đồ, có lẽ vì đã theo Chúa sau cùng hay vì
còn trẻ tuổi.
Thánh
Simon mang tên hiệu là Cananêan. Theo tiếng Hy lạp, có nghĩa là “nhiệt
thành”; nó nhắc cho chúng ta lời tiên tri Êlia: “Sự nhiệt thành với Chúa
Giavê đã nung nấu tôi” (III Reg 29,10). Riêng về cuộc đời giảng đạo và cuộc
tử nạn của ngài, chúng ta có nhiều sử liệu khác nhau. Theo ông Nicêphorê
Callistô, một tác giả thời danh vào thế kỷ XIV, thì thánh nhân giảng đạo ở Phi
châu và miền Granda Britania. Ý kiến này phù hợp với sự quyết đoán của nhiều
sử gia Hy lạp, tuy nhiên ít được coi là chính xác. Vì theo thánh Fortuna,
Giám mục thành
Thánh
Giuđa, mặc dầu được nhắc đến nhiều hơn trong Phúc âm, cũng không cho chúng ta
biết rõ mấy về dòng tộc, cuộc đời rao giảng và cuộc tử đạo của ngài. Tuy
nhiên, điều chắc chắn, ngài là một trong mười hai vị tông đồ, mang tên hiệu
là Thađêô và đã được thánh Giêrônimô tặng khen là “Người có bản lĩnh”. Trong
bữa tiệc ly, chính ngài đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy
Thầy, sao Thầy lại chỉ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ ra cho thế gian?”
(Ga 14,22); và Chúa Giêsu đã trả lời: “Ai
mến Thầy sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến họ, và chúng ta sẽ đến với họ
và chúng ta sẽ ở lại nơi họ... (Gn
14,23).
Thánh
Giuđa sung sướng vì là người đầu tiên được biết cách sống thân mật với Thiên
Chúa cách hoàn hảo và thân tình hơn ông Giakêu. Hơn thế, theo Phúc âm (Mt
13,55; Mc 6,3), thánh Giuđa là người làng Nagiarét, con ông Clôpas và bà
Maria, anh em với Chúa Giêsu, thánh Simon và thánh Giacôbê sau làm giám mục
thành Giêrusalem. Về sau, ông Ôrigênê tìm được một bức thư nhỏ của thánh
Giuđa; nhờ đó, người ta có thể đoán rằng thánh Giuđa cùng đi rao giảng Phúc
âm với “Những anh em Chúa Giêsu” (x. 1Cr 9,5). Tuy nhiên không biết rõ ngài
đi rao giảng những nơi nào!
Vì
theo thánh Giêrônimô, thánh Giuđa giảng Tin mừng tại Osrosênê, và theo ông
Nixêphôrê Callistô, ngài truyền bá Phúc âm tại Mêsôpôtamia. Đàng khác, thánh
Paulinô Nola lại chủ trương thánh Giuđa là tông đồ xứ Libia. Riêng về cuộc
tuẫn giáo của thánh Giuđa, hiện nay không có một sử liệu nào xác thực. Tuy
nhiên cho đến bây giờ các sách “tử đạo La tinh” vẫn giữ ý kiến của thánh giám
mục Phôtuna cho rằng xác thánh tông đồ đã được mai táng tại Ba tư.
Sau
hết, để bổ khuyết vào những sử liệu trên, chúng ta cùng với tác giả Tillemont
kết luận rằng: “Không gì chắc chắn hơn trong sự kiện này là thú nhận chúng ta
không hiểu chi về những điều thực sự chúng ta không biết và hãy hãm dẹp tính
tò mò, ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng muốn dùng đời sống mai ẩn
của các vị đại thánh dạy chúng ta ăn ở khiêm nhường, ẩn dật, trước mặt nhân
loại hầu được hiển sáng hơn trong vinh quang của Người.
|
28-10
Thánh Simon và Thánh Giu-đê (Jude)
T
|
hánh Giu-đê là một nhân vật được đề cập đến trong Phúc Âm theo
Thánh Luca, cũng như trong Công Vụ Tông Ðổ Thánh Mátthêu và Thánh Máccô gọi
ngài là Thadeus (Ta-đê-ô). Ngoài ra ngài không được nhắc đến ở chỗ nào khác
trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đổ Các học giả cho rằng ngài
không phải là tác giả của các thư Thánh Giu-đa. Thực ra, Giu-đê cùng tên với
Giu-đa Ítcariốt (Judas Iscariot). Do đó, vì sự bất xứng của tên Giu-đa (bán
Chúa), nên người ta đã gọi tắt là "Giu-đê".
Thánh Simon được tất cả bốn Phúc Âm nhắc đến. Trong hai Phúc Âm,
ngài được gọi là "người Nhiệt Thành" (Zealot). Phái Zealot là một
nhánh Do Thái Giáo đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Do Thái. Ðối với họ, lời hứa
cứu tinh trong Cựu Ước có nghĩa là người Do Thái sẽ được tự do và có được một
quốc gia độc lập. Chỉ có Thiên Chúa là vua của họ, nên việc nộp thuế cho người
La Mã -- là người đang đô hộ -- được coi là xúc phạm đến Thiên Chúå Chắc chắn
rằng một số người Zealot là miêu duệ tinh thần của người Maccabee, muốn tiếp
tục lý tưởng tôn giáo và tranh đấu cho độc lập. Nhưng nhiều người trong nhóm họ
cũng giống như quân khủng bố ngày nay. Họ lùng bắt để giết những người ngoại
quốc và người Do Thái "cộng tác với địch." Họ là những người chủ chốt
trong vụ nổi loạn chống La Mã và kết thúc bằng việc tiêu hủy thành Giêrusalem
vào năm 70.
Lời Bàn
Như mọi trường hợp các thánh tông đồ, ngoại trừ Thánh Phêrô, Gioan
và Giacôbê, chúng ta đang đối diện với những người thực sự vô danh, và chúng ta
bàng hoàng trước sự kiện là sự thánh thiện của họ hoàn toàn nhờ vào ơn ích của
Ðức Kitô. Ngài chọn một số người mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến: một đoàn
viên Zealot, một chuyên viên thu thuế, một ngư dân nóng tính, hai "người
con của sấm sét" và một Giuđa Iscariot.
Ðó là sự nhắc nhở cho chúng ta biết, không phải ai cũng được chọn.
Sự thánh thiện không lệ thuộc ở công trạng, văn hóa, cá tính, sự cố gắng hay
thành đạt của loài người. Nó hoàn toàn là ơn sủng của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần đến nhóm Zealot để giúp Nước Trời ngự đến
bằng bạo lực. Thánh Giu-đê, cũng như các thánh khác, là vị thánh không có khả
năng: Chỉ có Thiên Chúa mới tạo được đời sống thánh thiêng trong con người. Và
Chúa muốn như vậy, nơi tất cả mọi người chúng ta.
Lời Trích
"Cũng như Ðức Kitô được sai đến bởi Thiên Chúa Cha, thì
Người cũng sai các tông đồ, được đầy tràn Chúa Thánh Thần, để rao giảng cho mọi
tạo vật (xem Máccô 16:15), để họ loan truyền rằng Con Thiên Chúa, qua sự chết
và sự sống lại, đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của Satan (xem CVTÐ
26:18), và khỏi sự chết, và đưa chúng ta vào vương quốc của Thiên Chúa Cha"
(Hiến Chương về Phụng Vụ, 6).
Lectio: Chúa Nhật XXX Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 28 Tháng 10, 2012
Chúa Giêsu chữa lành Bartimê, người mù
thành Giêricô
Người mù được thấy! Hãy để cho những kẻ
nhìn thấy không bị lừa gạt!
Mc 10:46-52
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí
Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn
đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong
Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên
Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập
giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự
sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể
lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện
của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người
nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống
như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của
Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng
con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin
vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa
Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng của Chúa
Nhật tuần này kể về câu chuyện chữa lành của Bartimê, người đàn ông mù thành
Giêricô (Mc 10:46-52). Câu
chuyện này bao gồm một bài giáo huấn dài của Chúa Giêsu cho các môn đệ (Mc
8:22-10:52). Máccô đặt việc
chữa lành người mù vô danh tại lúc khởi đầu của bài giáo huấn (Mc 8:22-26), sau
đó, tại lúc kết thúc, ông kể cho chúng ta về việc chữa lành người mù thành
Giêricô. Như chúng ta sẽ
thấy, hai việc chữa lành là biểu tượng cho những gì xảy ra giữa Chúa Giêsu và
các môn đệ. Chúng chỉ cho ta thấy quá trình và mục đích của việc học tập
chậm chạp của các môn đệ. Chúng
mô tả điểm khởi đầu (người mù vô danh) và điểm kết thúc (Bartimê) của bài giáo
huấn của Chúa Giêsu với các môn đệ và cho tất cả chúng ta. Khi chúng ta đọc, chúng ta sẽ cố gắng
nhìn vào thái độ của Chúa Giêsu, người mù Batimê và dân chúng thành Giêricô, và
tất cả những gì mỗi người nói và làm. Khi
đọc và suy gẫm bài đọc, hãy nghĩ rằng bạn đang nhìn vào một tấm gương. Hình ảnh nào đang được phản chiếu về
con người của bạn: hình ảnh
của Chúa Giêsu, của người mù Bartimê, hay của dân chúng?
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho
bài đọc:
Mc 10:46: Mô tả bối cảnh của đoạn văn
Mc 10:47: Tiếng kêu cầu của người ăn xin
Mc 10:48: Phản ứng của dân chúng trước tiếng kêu
của người ăn xin
Mc 10:49-50: Phản ứng của Chúa Giêsu trước lời kêu
cầu của người ăn xin
Mc 10:51-52: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và
người mù và việc chữa lành của anh ta
c) Tin Mừng:
46 Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn
đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn
xin ở vệ đường, 47 khi anh ta nghe biết đó là Chúa
Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin
thương xót tôi". 48 Và nhiều người mắng anh bảo im
đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Đavít, xin thương xót
tôi".
49 Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi
người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". 50 Anh ta liệng áo choàng, đứng
dậy, đến cùng Chúa Giêsu. 51 Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng:
"Anh muốn Ta làm gì cho anh?" Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho
tôi được thấy". 52Chúa
Giêsu đáp: "Được, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy
được và đi theo Người.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi
sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá
nhân.
a) Điểm nào trong bài Tin Mừng này bạn
thích nhất? Tại sao?
b) Thái độ của Chúa Giêsu là gì: Người đã nói gì và làm gì?
c) Thái độ của dân thành Giêricô ra
sao: họ nói gì và làm gì?
d) Thái độ của người mù Bartimê phản ứng
như thế nào: anh ta nói gì
và làm gì?
e) Chúng ta có thể học được bài học gì từ
việc chữa lành người mù Bartimê?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào
trong chủ đề
a) Bối cảnh về bài giáo huấn dài của Chúa
Giêsu với các môn đệ:
Việc chữa lành người mù vô danh vào lúc
khởi đầu của bài giáo huấn, xảy ra trong hai giai đoạn (Mc 8:22-26). Trong giai đoạn đầu, người mù bắt đầu
có linh cảm, nhưng chỉ là linh cảm. Anh
ta nhầm lẫn người ta với cây cối (Mc 8:24). Trong giai đoạn hai, sau lần cố gắng
thứ hai, anh ta bắt đầu hiểu rõ hơn. Các môn đệ cũng giống như người mù vô
danh: Các ông chấp nhận
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, nhưng không thể chấp nhận cây thập giá (Mc
8:31-33). Họ là những người
trông thấy người ta tưởng là cây cối. Lòng
tin của các ông vào Chúa Giêsu không mạnh mẽ lắm. Các ông tiếp tục là người mù! Khi Chúa Giêsu nhất quyết về việc phục
vụ và thí mạng sống (Mc 8:31,34; 9:31; 10:33-34), các ông cứ khăng khăng tìm
hiểu xem trong bọn họ ai là người quan trọng nhất (Mk 9:34), và các ông tiếp
tục xin cho được những chỗ ngồi trên hết trong Nước Trời, một người ngồi bên
hữu và người kia ngồi bên tả của ngai tòa (Mc 10:35-37). Điều này cho thấy rằng tư tưởng chi
phối của thời bấy giờ đã bén rễ sâu trong tâm lý của họ. Sau khi sống chung với Chúa Giêsu một
thời gian, các ông vẫn chưa đổi mới đủ để nhìn thấy người và việc. Các ông nhìn Chúa Giêsu với con mắt
của quá khứ. Các ông muốn
Người sẽ là kẻ mà các ông mơ ước Người nên là: một Đấng Cứu Thế vinh quang (Mc
8:32). Nhưng mục đích lời
giáo huấn của Chúa Giêsu là để cho các môn đệ có thể giống như anh mù Bartimê,
người đã chấp nhận Đức Giêsu như chính con người Chúa, một đức tin mà Phêrô đã
chưa có. Vì vậy người mù
Bartimê là một khuôn mẫu cho các môn đệ thời Chúa Giêsu và cho cộng đoàn thời
Máccô cũng như cho tất cả chúng ta.
b) Lời bình luận về văn bản
Mc 10:46-47: Mô
tả bối cảnh của đoạn Tin Mừng: Tiếng kêu của người ăn xin
Cuối cùng, sau khi đi một quãng đường
dài, Chúa Giêsu và các môn đệ đã đến thành Giêricô, nơi dừng chân cuối cùng
trước khi đi lên Giêrusalem. Người
mù Bartimê đang ngồi bên vệ đường. Anh
ta không thể tham gia vào cuộc tiếp rước đi theo Chúa Giêsu. Anh ta bị mù, anh không thể nhìn thấy
gì. Nhưng anh ta kêu lớn
tiếng, cầu xin sự giúp đỡ: "Hỡi
ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!" Khái niệm“Con vua Đavít” là danh hiệu phổ biến nhất mà mọi
người gán cho Đấng Cứu Thế (Mt 21:9; Mc 11:10). Nhưng Chúa Giêsu không
thích danh hiệu này. Người
phê phán và đặt vấn đề về thái độ của các luật sĩ là những kẻ đã giảng dạy dân
chúng rằng Đấng Cứu Thế là Con vua Đavít (Mc 12:35-37).
Mc 10:48: Phản
ứng của dân chúng về tiếng kêu cầu của người ăn xin
Tiếng kêu cầu của người ăn xin nghe cảm
thấy khó chịu, không thoải mái. Những
kẻ đang đi theo đám rước Chúa Giêsu thì cố bảo anh Bartimê im tiếng. Nhưng “anh càng kêu to hơn nữa!” Ngày nay cũng vậy, tiếng kêu xin của
người nghèo khó làm cho người ta khó chịu. Ngày nay có hàng triệu người đang kêu
lớn tiếng: kẻ di dân, tù nhân, kẻ đói khát, bệnh nhân, những kẻ bị gạt ra bên
lề xã hội và bị áp bức, những người thất nghiệp, không tiền, vô gia cư, không
nhà, không đất, những kẻ không bao giờ cảm thấy được yêu thương! Tiếng kêu van của họ đã bị bắt im
tiếng, trong gia đình chúng ta, trong giáo hội, trong các tổ chức trên thế
gian. Chỉ có những kẻ mở
mắt để thấy những gì đang xảy ra trong thế giới thì sẽ lắng tai nghe tiếng
họ. Nhưng nhiều người trong
số ấy đã thôi không nghe nữa. Họ
đã quen với tình cảnh. Còn
những người khác thì cố gắng bịt miệng những người kêu xin, như họ đã cố làm
với người mù thành Giêricô. Nhưng
họ không thể làm im hơi lặng tiếng được với lời kêu cứu của người nghèo khó. Thiên Chúa lắng nghe họ (Xh 2:23-24;
3:7). Thiên Chúa phán: “Các ngươi không được ức hiếp mẹ
góa con côi; nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu
cứu!” (Xh 22:21).
Mc 10:49-50: Phản
ứng của Chúa Giêsu đối với tiếng kêu xin của người nghèo
Chúa Giêsu làm gì? Làm thế nào mà Thiên Chúa nghe thấy
tiếng kêu xin này? Chúa
Giêsu dừng lại và truyền gọi người mù đến. Những kẻ muốn bịt miệng anh ta, muốn
làm im tiếng kêu khó chịu của người ăn xin, giờ đây, theo lệnh truyền của Chúa
Giêsu, họ thấy mình bị bắt buộc phải đem người ăn xin đến với Chúa Giêsu như
thế. Người mù Bartimê đã bỏ
lại tất cả và đi theo Chúa Giêsu. Của
cải của anh ta không có nhiều, chỉ có chiếc áo choàng. Đó là tất cả những gì anh ta có để đắp
và làm áo che thân (xem Xh 22:25-26). Đó
là sự an ninh của anh ta, nơi nương tựa của anh ta!
Mc 10:51-52: Cuộc
đối thoại giữa Chúa Giêsu và người mù và việc chữa lành của anh
Chúa Giêsu hỏi rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho
anh?" Chỉ kêu lớn
tiếng thì chưa đủ. Người ta
phải biết rằng mình kêu lớn tiếng vì điều gì! Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho
tôi được thấy!" Người
mù Bartimê đối đáp với Chúa Giêsu trong một cách không bình thường tí nào, dù
rằng, như chúng ta thấy, với danh hiệu “Con vua Đavít” mà Chúa Giêsu đã không
chuộng (Mc 12:35-37). Nhưng
người mù Bartimê có niềm tin vào Chúa Giêsu nhiều hơn là trong các ý tưởng và
danh hiệu dành cho Chúa Giêsu. Không như những người khác đang hiện diện ở
đó. Họ không thấy được điều
gì là quan trọng, giống như Phêrô (Mc 8:32). Bartimê biết cách cho đi đời sống mình
bằng cách chấp nhận Đức Giêsu vô điều kiện. Chúa Giêsu nói với anh ta: "Được, đức tin của anh đã chữa
anh!" Tức thì anh ta
thấy được. Anh bỏ lại tất
cả và đi theo Chúa Giêsu (Mc 10:52). Việc
chữa lành của người mù là kết quả niềm tin của anh ta vào Chúa Giêsu (Mc
10:46-52). Bây giờ được
trông thấy, Bartimê đi theo Chúa Giêsu và cùng với Người lên Giêrusalem và đồi
Canvê! Anh ta trở thành một
môn đệ mẫu mực cho Phêrô và cho tất cả chúng ta: đặt đức tin của chúng ta nơi
Đức Giêsu nhiều hơn là những ý tưởng của chúng ta về Người!
c) Phần phụ chú:
Bối cảnh cuộc hành trình đi về
Giêrusalem
Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên
đường đi đến Giêrusalem (Mc 10:32). Chúa
Giêsu đi trước các ông. Người
đi trong vội vã. Người biết
rằng người ta sẽ giết mình. Ngôn
sứ Isaia đã nói tiên tri điều này (Is 50:4-6; 53:1-10). Cái chết của Người không phải là điều
gì sẽ xảy đến qua số phận mù mờ hoặc một chương trình được an bài, mà là hệ quả
của một nhiệm vụ được gánh vác, của một sứ vụ nhận được từ Chúa Cha cùng với
những kẻ bị loại trừ vào thời của Người. Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ ba
lần về những khổ hình và cái chết đang chờ đợi Người tại Giêrusalem (Mc 8:31;
9:31; 10:33). Người môn đệ
phải đi theo thầy của mình, thậm chí còn chịu chung sự đau khổ với thầy (Mc
8:34-35). Các môn đệ sửng
sốt và đi cùng với Người với đầy sợ hãi (Mc 9:32). Các ông không hiểu được những gì đang
xảy ra. Đau khổ không là
một phần trong ý tưởng các ông đã có về Đấng Mêssia (Mc 8:32-33; Mt
16:22). Không chỉ có một số
người trong bọn họ không hiểu, mà các ông vẫn còn tiếp tục ấp ủ những tham vọng
cá nhân. Giacôbê và Gioan
xin cho được một chỗ danh dự trong Nước Trời, một người ngồi bên hữu và một
người ngồi bên tả của Chúa Giêsu (Mc 10:35-37). Các ông muốn vượt trên cả Phêrô! Các ông không hiểu được dự tính của
Chúa Giêsu. Các ông chỉ
quan tâm đến lợi ích riêng của mình. Điều
này phản ảnh những tranh chấp và căng thẳng hiện hữu trong các cộng đoàn vào
thời Máccô và thậm chí còn hiện hữu trong các cộng đoàn chúng ta ngày
nay. Chúa Giêsu phản ứng
một cách dứt khoát: “Các
con không biết các con đang xin những gì!” (Mc 10:38) Người hỏi các ông có uống nổi chén
Người sắp uống và chịu nổi phép rửa Người sắp chịu. Chén sắp uống là chén cay đắng cực
hình, và phép rửa là phép rửa bằng máu. Chúa
Giêsu muốn biết liệu vì một chỗ ngồi danh dự, các ông có sẽ sẵn sàng hy sinh
mạng sống mình cho đến chết không. Các
ông đáp: “Thưa được” (Mc
8:39). Điều này dường như
là một câu trả lời từ đầu môi chót lưỡi của họ vì chỉ một ít ngày sau đó các
ông đã bỏ rơi Chúa Giêsu và để mặc Người một mình vào giờ khắc chịu đau khổ (Mc
14:50). Các ông không có
lấy một chút xíu lương tâm, các ông không trông thấy thực tại của bản thân
Người. Trong lời giáo huấn
của Người cho các môn đệ, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hiện quyền lực
(xem Ma 9:33-35). Vào thời
đó, những người nắm giữ quyền lực không quan tâm gì đến người dân. Họ hành động theo ý của họ (xem Mc
6:17-29). Đế chế La Mã đã
kiểm soát thế giới và nắm giữ sự phục tùng bằng vũ lực, và do đó, qua hình thức
cống vật, thuế xâu, đã có thể tập trung của cải của người dân trong tay một ít
người ở Rôma. Xã hội được
đặc trưng bởi việc thi hành sự áp chế và lạm dụng quyền lực. Chúa Giêsu
lại nghĩ khác. Người
nói: “Nhưng giữa anh em thì
không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh
em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người!” (Mc 10:43). Người bảo các ông phải tránh những đặc
quyền và sự cạnh tranh. Người
đảo ngược thứ tự của hệ thống và nhấn mạnh đến sự phục vụ như một phương cách
để khắc phục tham vọng cá nhân. Cuối
cùng, Người đã hiến mạng sống mình để minh chứng cho những gì người đã
nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục
vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45).
Đức tin là mãnh lực có thể biến đổi con
người
Tin Mừng Nước Trời nói rằng Đức Giêsu
giống như một loại phân bón. Người
làm hạt giống của sự sống phát triển ở người ta, một hạt giống ẩn náu giống như
ngọn lửa ẩn mình dưới đống tro tàn của sự tuân thủ, không sinh khí. Chúa Giêsu thổi hơi trên đống tro tàn
và ngọn lửa dấy lên, Nước Trời được mặc khải và người ta vui mừng. Điều kiện luôn luôn giống nhau: niềm tin vào Đức Giêsu.
Khi sự sợ hãi xâm chiếm người ta, đức
tin biến mất và hy vọng bị dập tắt. Trong
giờ khắc đau khổ của mình, Chúa Giêsu mắng các môn đệ vì việc thiếu lòng tin
của họ (Mc 4:40). Các ông
không tin, bởi vì các ông sợ (Mc 4:41). Chúa
Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại làng Nagiarét bởi vì người ta ở đó
không tin (Mc 6:6). Họ
không chịu tin bởi vì Chúa Giêsu đã không xứng hợp với những ý tưởng của họ có
về Người (Mc 6:2-3). Chính
vì việc thiếu đức tin đã khiến cho các môn đệ không thể xua trừ được “quỷ câm”
ám một em bé (Mc 9:17). Chúa
Giêsu phê phán các ông: “Ôi
thế hệ cứng lòng, không chịu tin!” (Mc 9:19). Sau đó, Người chỉ cho các ông cách nào
tái nhóm lại ngọn lửa đức tin: “Giống
quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9:29).
Chúa Giêsu thúc giục người ta phải có
lòng tin vào Người và do đó tạo được niềm tin ở những người khác (Mc 5:34,36;
7:25-29; 9:23-29; 10:52; 12:34,41-44). Suốt
sách Tin Mừng Máccô, lòng tin vào Đức Giêsu và lời của Người giống như một mãnh
lực thay đổi người ta. Nó
có thể khiến cho tội lỗi của họ được tha thứ (Mc 2:5), có thể khiến cho người
ta vượt qua được đau khổ (Mc 4:40), có quyền năng để chữa lành và thanh tẩy
chính mình (Mc 5:34). Đức
tin có thể chiến thắng được cái chết, như khi đứa con gái mười hai tuổi của ông
Giairô làm bùng cháy lên trong lòng cha của cô niềm tin vào Đức Giêsu và lời
của Người (Mc 5:36). Đức
tin khiến cho anh mù Bartimê nhảy lên vì vui mừng: “Đức tin của anh đã chữa anh!” (Mc
10:52). Nếu có ai nói với
ngọn núi: “Dời chỗ đi, nhào
xuống biển!” mà lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra,
thì sẽ được như ý (Mc 9:23-24). “Vì
mọi sự đều có thể đối với người tin!” (Mc 9:23).
“Hãy tin vào Thiên Chúa!” (Mc
11:22). Nhờ Lời của Người
và các hành động của Người, Chúa Giêsu dấy lên trong người ta một dũng lực ngủ
yên mà người ta không nhận thức được sự sở hữu của mình. Đây là những gì
xảy ra cho ông Giairu (Mk 5:36), cho người đàn bà bị bệnh hoại huyết (Mk 5:34),
cho người cha với đứa con bị động kinh (Mc 9:23-24), cho người mù Bartimê (Mc
10:52), và cho nhiều người khác nữa bởi vì lòng tin của họ vào Đức Giêsu họ đã
để cho một đời sống mới phát triển trong họ và trong những người khác.
Việc chữa lành người mù Bartimê (Mc
10:46-52) làm sáng tỏ một khía cạnh rất quan trọng về bài giáo huấn dài của
Chúa Giêsu cho các môn đệ. Người
mù Bartimê đã gọi Chúa Giêsu bằng danh hiệu thiên sai của Người “Con vua
Đavít!” (Mc 10:47). Chúa
Giêsu không thích danh hiệu này (Mc 12:35-37). Nhưng ngay cả khi anh ta
gọi Chúa Giêsu bằng một danh hiệu không hoàn toàn chính xác, người mù Bartimê
đã có lòng tin và được chữa lành! Phêrô
thì không như thế, ông không còn tin vào những ý tưởng về Chúa Giêsu. Người mù Bartimê đã thay đổi ý tưởng
của anh ta, đã hoán cải, bỏ lại mọi sự đằng sau và đi theo Chúa Giêsu trên cuộc
hành trình lên đồi Canvê! (Mc 10:52).
Một sự hiểu biết cặn kẽ về việc đi theo
Chúa Giêsu thì không thể có được qua việc giảng dạy lý thuyết, mà là qua một sự
dấn thân thực tế, làm một cuộc hành trinh với Người trên con đường phục vụ từ
miền Galilêa đến Giêrusalem. Bất
cứ ai cố mà nắm giữ theo ý tưởng của Phêrô, đó là, về một Đấng Cứu Thế vinh
quang không có thập giá, sẽ không hiểu được Chúa Giêsu và sẽ không bao giờ đích
thực là môn đệ. Bất cứ ai
muốn tin vào Chúa Giêsu và sẵn lòng “hiến mạng sống mình” (Mc 8:35), chấp nhận
“làm sau rốt” (Mc 9:35), “uống chén và vác thập giá” (Mc 10:387), giống như
người mù Bartimê, ngay cả với những ý tưởng không hoàn toàn chính xác, sẽ có
nghị lực “đi theo Chúa Giêsu” (Mc 10:52). Điều chắc chắn về việc có thể bước đi
cùng với Chúa Giêsu mà chúng ta thấy được là nguồn gốc của lòng can đảm và hạt
giống sự chiến thắng của thập giá.
6. Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 31 (30)
Lạy Chúa, con ẩn
náu bên Ngài!
Con ẩn náu bên Ngài, lạy CHÚA,
xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ.
Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con,
ghé tai nghe và mau mau cứu chữa.
Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
như thành trì để cứu độ con.
Núi đá và thành lũy bảo vệ con, chính là Chúa.
Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.
Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi,
vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài.
Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con,
Ngài đã cứu chuộc con, lạy CHÚA TRỜI thành tín.
Ngài ghét bọn thờ thần hư ảo,
phần con đây, lạy CHÚA, chỉ tin tưởng nơi Ngài.
Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở,
vì Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn.
Con lâm cảnh ngặt nghèo, Ngài lo lắng chăm nom,
chẳng trao nộp thân này vào tay thù địch,
nhưng cho con rộng bước thênh thang.
Xin xót thương, lạy CHÚA, bởi vì con lâm cảnh ngặt nghèo,
quá sầu đau, mắt đà mòn mỏi,
hồn ảo não và thân hình tiều tuỵ.
xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ.
Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con,
ghé tai nghe và mau mau cứu chữa.
Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
như thành trì để cứu độ con.
Núi đá và thành lũy bảo vệ con, chính là Chúa.
Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.
Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi,
vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài.
Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con,
Ngài đã cứu chuộc con, lạy CHÚA TRỜI thành tín.
Ngài ghét bọn thờ thần hư ảo,
phần con đây, lạy CHÚA, chỉ tin tưởng nơi Ngài.
Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở,
vì Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn.
Con lâm cảnh ngặt nghèo, Ngài lo lắng chăm nom,
chẳng trao nộp thân này vào tay thù địch,
nhưng cho con rộng bước thênh thang.
Xin xót thương, lạy CHÚA, bởi vì con lâm cảnh ngặt nghèo,
quá sầu đau, mắt đà mòn mỏi,
hồn ảo não và thân hình tiều tuỵ.
Đời tiêu hao trong nỗi u buồn
và tháng năm tàn lụi giữa tiếng thở than.
Con kiệt lực vì gặp bước khốn cùng, gân cốt con rời rã.
Con đã nên trò cười cho thù địch
và cho cả hàng xóm láng giềng.
Bạn bè thân thích đều kinh hãi,
thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa.
Bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ,
con hóa thành đồ hư vất bỏ.
Con nghe thấy những lời độc địa của bao người,
nhìn chung quanh: toàn những điều khủng khiếp.
Chúng toa rập chống con, và mưu toan lấy mạng.
Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy CHÚA,
dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con.
Số phận con ở trong tay ngài.
Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ,
khỏi người bách hại con.
Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ.
Lạy CHÚA, xin đừng để con phải nhục nhã, vì đã kêu cầu Ngài,
Nhưng ước gì ác nhân phải nhục nhã
mà ngậm miệng sa xuống âm ty.
Cho phường điêu ngoa phải câm họng;
chúng kiêu ngạo khinh đời, buông những lời hỗn xược
chống lại người công chính.
Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu,
Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài,
và thi thố trước mặt phàm nhân
cho ai tìm đến Ngài nương náu.
Bên Thánh Nhan, Ngài giấu họ kỹ càng
khỏi người đời mưu hại.
Ngài che chở họ trong lều thánh, xa tầm lưỡi thị phi.
Chúc tụng CHÚA đã tỏ tình thương kỳ diệu đối với con
trong thành trì vững chắc.
Vậy mà con đã nói vì hốt hoảng:
"Con bị đuổi đi khuất mắt Chúa rồi! "
Thế nhưng Ngài đã nghe tiếng nài van
trong ngày con kêu cứu.
Hết mọi người hiếu trung với Chúa,
hãy yêu mến CHÚA đi!
CHÚA giữ gìn những ai thành tín
nhưng thẳng tay trừng trị người ăn ở kiêu căng.
Hỡi mọi người cậy trông vào CHÚA,
mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
và tháng năm tàn lụi giữa tiếng thở than.
Con kiệt lực vì gặp bước khốn cùng, gân cốt con rời rã.
Con đã nên trò cười cho thù địch
và cho cả hàng xóm láng giềng.
Bạn bè thân thích đều kinh hãi,
thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa.
Bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ,
con hóa thành đồ hư vất bỏ.
Con nghe thấy những lời độc địa của bao người,
nhìn chung quanh: toàn những điều khủng khiếp.
Chúng toa rập chống con, và mưu toan lấy mạng.
Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy CHÚA,
dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con.
Số phận con ở trong tay ngài.
Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ,
khỏi người bách hại con.
Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ.
Lạy CHÚA, xin đừng để con phải nhục nhã, vì đã kêu cầu Ngài,
Nhưng ước gì ác nhân phải nhục nhã
mà ngậm miệng sa xuống âm ty.
Cho phường điêu ngoa phải câm họng;
chúng kiêu ngạo khinh đời, buông những lời hỗn xược
chống lại người công chính.
Lạy Chúa, cao cả thay tấm lòng nhân hậu,
Chúa dành cho kẻ kính sợ Ngài,
và thi thố trước mặt phàm nhân
cho ai tìm đến Ngài nương náu.
Bên Thánh Nhan, Ngài giấu họ kỹ càng
khỏi người đời mưu hại.
Ngài che chở họ trong lều thánh, xa tầm lưỡi thị phi.
Chúc tụng CHÚA đã tỏ tình thương kỳ diệu đối với con
trong thành trì vững chắc.
Vậy mà con đã nói vì hốt hoảng:
"Con bị đuổi đi khuất mắt Chúa rồi! "
Thế nhưng Ngài đã nghe tiếng nài van
trong ngày con kêu cứu.
Hết mọi người hiếu trung với Chúa,
hãy yêu mến CHÚA đi!
CHÚA giữ gìn những ai thành tín
nhưng thẳng tay trừng trị người ăn ở kiêu căng.
Hỡi mọi người cậy trông vào CHÚA,
mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về
Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các
việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã
mặc khải cho chúng con. Nguyện
xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng
nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa
là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa
Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Bài đọc 2
Chúa thi ân cho mọi loài Khi dựng nên trời
đất trong trật thự hài hoà
Trích thư
thánh Clêmentê I, giáo hoàng, gửi tín hữu Côrinhtô.
Chúng
ta hãy chiêm ngưỡng Thiên Chúa là Cha toàn vũ trụ và là Đấng tạo thành vạn vật
; hãy giữ ơn bình an cao quý vô song và các ân huệ khác Người ban cho chúng ta.
Chúng ta hãy dùng trí suy tưởng mà nhìn ngắm Người, và hãy lấy con mắt trí khôn
mà chiêm ngưỡng lòng nhẫn nại của Người. Chúng ta hãy xem Người đối xử nhân từ
biết bao đối với mọi loài thọ tạo.
Khi
xoay chuyển theo sự chỉ huy của Chúa, bầu trời tuân phục Người trong bình an.
Ngày và đêm cũng xoay chuyển theo hướng Người ấn định mà không cản trở lẫn
nhau. Theo lệnh của Chúa, mặt trời, mặt trăng và muôn vàn tinh tú xoay chuyển
trong trật tự hài hoà không chút sai lệch, đúng như hướng Người đã ấn định. Đất
đai phì nhiêu theo ý Người, mùa nào thức nấy, cung cấp lương thực dồi dào cho
loài người, cho muông thú và mọi sinh vật trên mặt đất mà không cưỡng lại cũng
không thay đổi bất cứ luật nào Người đã ấn định cho nó.
Các
vực thẳm chưa được khám phá và những khu rừng sâu bí ẩn cũng tuân theo các luật
đó. Theo sự an bài của Chúa, biển cả mênh mông, như những bồn nước, không bao
giờ vượt qua ngoài giới hạn đã ấn định cho nó ; Chúa truyền cho nó thế nào, nó
làm như vậy. Quả thật, Chúa nói : Ngươi chỉ tới đây thôi, không được tiến xa
hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành ! Đại dương mà con người
không thể vượt qua và các thế giới ở bên kia đại dương đều được Chúa cai quản
bằng những luật đó. Bốn mùa xuân hạ thu đông nối tiếp nhau trong trật tự hài
hoà. Các kho chứa gió, theo kỳ hạn riêng, chu toàn nhiệm vụ không mảy may vấp
váp. Các nguồn suối vô tận được tạo ra cho con người hưởng dùng và được khoẻ
mạnh, cung cấp nước dồi dào không bao giờ thiếu để nuôi dưỡng đời sống con
người. Các sinh vật nhỏ nhất cũng sống bình an và hoà hợp với nhau. Đấng Hoá
Công vĩ đại và Chúa Tể muôn loài đã truyền cho tất cả những sự đó diễn ra trong
bình an và hoà hợp. Người thi ân cho vạn vật, nhưng cách rất dồi dào cho chúng
ta là những kẻ chạy đến với Người, Đấng giàu lòng thương xót, nhờ Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta. Xin kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn đời.
Amen.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều
Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin...
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách Chúa Nhật 30TN-bản dịch của
nhóm CGKPV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét