Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

06-10-2012 : THỨ BẢY TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Bảy sau Chúa Nhật 26 Quanh Năm
* * *
Ông Gióp
Bài Ðọc I: (Năm II) G 42, 1-3. 5-6. 12-16
"Giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa. Bởi đó chính con trách thân con".
Trích sách ông Gióp.
Ông Gióp thưa lại cùng Chúa rằng: "Con biết Chúa làm nên mọi sự, và không một tư tưởng nào giấu được Chúa. Ai là kẻ mê muội che khuất được ý định của Chúa? Vì thế, con nói bậy về những điều vượt quá sự thông biết của con. Trước kia con nghe tiếng Chúa, còn giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa. Bởi đó, chính con trách thân con, và ăn năn sám hối trong bụi tro".
Sau này Chúa giáng phúc cho ông Gióp nhiều hơn lúc ban đầu. Ông có mười bốn ngàn con chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò và một ngàn lừa cái. Ông còn sinh được bảy trai ba gái. Người con gái thứ nhất ông đặt tên là Nhật, người thứ hai tên Hương, và người thứ ba tên Bình. Trong khắp nước, không tìm thấy thiếu nữ nào xinh đẹp như các con gái của ông Gióp. Thân phụ của các cô cũng chia phần gia tài cho các cô như những anh em trai. Sau đó, ông Gióp còn sống được một trăm bốn mươi năm nữa, và nhìn thấy con cháu đến bốn đời. Khi cao niên đầy tuổi, ông đã qua đời.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 66. 71. 75. 91. 125. 130
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu (c. 135a).
Xướng: 1) Xin Chúa dạy con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài. - Ðáp.
2) Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ. - Ðáp.
4) Theo chỉ dụ Chúa mà vũ trụ luôn luôn tồn tại, vì hết thảy vạn vật đều phải phục vụ Ngài. - Ðáp.
5) Con là tôi tớ Chúa, xin Chúa dạy dỗ con, để con hiểu biết những lời Ngài nghiêm huấn. - Ðáp.
6) Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 17-24
"Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời". Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. - Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết". Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Sau khi thực tập, các môn đệ đã trở về trong niềm vui mừng, vì cả ma quỷ cũng phải đầu hàng họ. Nhưng Chúa nói: đừng tự mãn vì được thành công. Nhưng hãy vui mừng vì tên các ông đã được ghi vào sổ hằng sống.
Cũng trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã cảm tạ Thiên Chúa Cha, là nguồn mọi ơn lành. Vì Chúa Cha đã mạc khải cho những người bé mọn - những con người tầm thường như hăng say theo Thầy đi rao giảng Tin Mừng.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa xin cho chúng con luôn nhiệt thành trong công việc Tông Ðồ, vì danh Chúa và vì mưu cầu ích lợi cho anh em chúng con. Xin cho chúng con luôn sống khiêm nhường vì đó là điều kiện để chúng con được Thiên Chúa xót thương. Amen.


(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Niềm Vui Ðích Thực
(Lc 10,17-24)
Suy Niệm:
Niềm Vui Ðích Thực
Chúa Giêsu chọn 72 môn đệ và sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng; họ gặp nhiều chống đối, nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công. Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng sau một thời gian ra đi rao giảng, các ông hớn hở trở về nói lên niềm vui của mình, vì đã nhờ quyền năng của Chúa mà xua trừ được ma quỉ, nhưng Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng Ngài đến là để giải phóng con người nô lệ và đưa họ tới tự do đích thực.
Giải phóng con người khỏi ách nô lệ và đưa con người vào tự do đích thực, đó là sứ mệnh mà Giáo Hội tiếp tục thực thi trong thế giới này. Chúng ta có thể nhận ra sứ mệnh ấy qua diễn văn Ðức Gioan Phaolô II đọc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/10/1995. Ðức Thánh Cha ghi nhận rằng con người càng ngày càng tìm kiếm tự do và đây chính là điểm nổi bật của thời đại chúng ta. Sự tìm kiếm tự do ấy đặt nền tảng trên các quyền phổ quát của con người. Chính vì phản ứng lại những hành vi man rợ đối với phẩm giá con người, mà chỉ ba năm sau khi thành lập, Liên Hiệp Quốc đã công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ðây là một gia sản chung của nhân loại, nó bắt nguồn từ chính bản tính của con người, trong đó có phản ánh những đòi hỏi khách quan và không thể hủy bỏ được của một luật luân lý phổ quát.
Sống theo những khát vọng cao thượng nhất của mình, con người có thể làm được những điều xem ra vượt quá khả năng của nó. Ðó là sứ điệp chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay: các môn đệ ra đi với hai bàn tay trắng, họ không có một khí giới nào khác ngoài sự siêu thoát và niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Vậy mà khi nói về những thành quả của họ, chính Chúa Giêsu đã thốt lên: "Ta đã thấy Satan như tia chớp từ trời rơi xuống". Ðó chính là sức mạnh của những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn.
Ngày nay, người Kitô hữu cũng có thể thực hiện được những điều cả thể ấy nếu họ cũng biết trang bị cho mình một niềm tin vào quyền năng của Chúa, nhất là nếu họ biết sống theo những khát vọng cao thượng nhất của con người. Những khát vọng đó là gì, nếu không phải là tự do, công bằng, bác ái, liên đới. Nếu họ thực sự sống theo những khát vọng thâm sâu ấy và sống tín thác nơi Thiên Chúa ngay cả khi gặp thất bại khổ đau, lúc đó họ mới có thể hưởng được niềm vui đích thực mà các môn đệ Chúa Giêsu đã bày tỏ khi gặp lại Ngài.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn nếm được niềm vui đích thực ấy trong cuộc sống hằng ngày.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 26 TN2
Bài đọc: Job 42:1-3, 5-6, 12-16; Lk 10:17-24.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hạnh phúc cho ai hiểu biết Thiên Chúa.

Con người chúng ta thường đầu tư vào những gì mang lại kết quả tức khắc: thị trường chứng khóan, nhà của đất đai, dịch chim cút; nhưng rất ít người chịu đầu tư vào việc học hỏi về Thiên Chúa vì chúng ta không nhìn thấy những lợi ích của việc biết Thiên Chúa. Nhiều người chúng ta coi việc thờ phượng Chúa là bổn phận phải làm thay vì những đặc quyền được hưởng; vì thế, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để sinh lợi ích cho linh hồn chúng ta. Các Bài đọc hôm nay liệt kê cho chúng ta thấy những ích lợi của việc biết Thiên Chúa; và nhất là được Thiên Chúa tuyển chọn làm môn đệ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phần thưởng cho ai hiểu biết Thiên Chúa.
 (1) Nhận ra những sai trái và thấp hèn của mình: Để những lời khuyên hay đề nghị của một người có thế giá, ông cần phải hiểu biết tường tận về điều đó. Thật là ngu xuẩn khi có những người chẳng hiểu biết gì mà lại dám khuyên răn người khác về điều đó. Ông Gióp nhận ra sự sai trái của mình nên thưa với Đức Chúa: “Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu." Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết để làm cho kế hoạch của Ngài (Ta) không còn được rõ ràng minh bạch?" Phải, con đã nói dù chẳng hiểu biết gì về những điều kỳ diệu vượt quá sức con.”
Bản dịch của Việt Nam dịch sai vì đã dùng ngôi thứ nhất “Ta,” trong khi Bản LXX dùng ngôi thứ hai “Ngài.” Bản Do-Thái không xác định túc từ sở hữu “Ngài hay Ta.” Dựa vào văn mạch, bản LXX có lý do hơn: chính ông Gióp đã đặt câu hỏi và chính ông đã trả lời.
 (2) Khiêm nhường ăn năn thống hối: Sau khi đã nhận ra lầm lỗi của mình, con người có thể chọn hai thái độ: khiêm nhường ăn năn thống hối hay kiêu ngạo cố tình cho mình đúng. Ông Gióp đã chọn thái độ thứ nhất khi ông thú nhận với Thiên Chúa: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại; trên tro bụi con sấp mình thống hối ăn năn.” Lý do ông đưa ra dạy chúng ta một bài học: Chúng ta có thể học về Thiên Chúa qua người khác; nhưng để xác tín niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa đòi hỏi chính chúng ta phải cảm nghiệm được và yêu mến Ngài.
(3) Được Thiên Chúa giáng phúc: Đức Chúa giáng phúc cho những năm cuối đời của ông Gióp nhiều hơn trước kia. Ngài ban cho ông một tài sản khổng lồ về súc vật, 10 người con: bảy con trai và ba con gái, sống lâu với con cái cháu chắt đến bốn đời. Thiên Chúa chúc lành cho ông Gióp vì ông đã chứng tỏ cho Satan biết là ông đã không chửi Thiên Chúa mặc dù Thiên Chúa đã cho phép Satan lấy đi tất cả những gì ông có. Tuy ông có than thân trách phận nhưng đã không thốt lên một lời xúc phạm đến Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Hạnh phúc cho những ai được Chúa nhận làm môn đệ.
Ai trong chúng ta cũng muốn làm môn đệ của những thầy khôn ngoan và có thế lực; thế mà nhiều người, nhất là các bạn trẻ hôm nay, lại từ chối không muốn làm môn đệ của người khôn ngoan nhất và uy quyền nhất trong vũ trụ. Phúc Âm cho chúng ta nhìn thấy các đạc quyền này:
 (1) Có uy quyền trên hết mọi quyền lực, ngay cả quyền lực của ma quỉ: Con người thường sợ quỉ thần, nhưng các môn đệ của Chúa lại có quyền trên quỉ thần vì chính Chúa đã ban cho các ông quyền đó. Các môn đệ và Chúa Giêsu là chứng nhân của quyền này qua trình thuật của Luca: “Nhóm Bảy Mươi trở về, hớn hở nói: "Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con." Chúa Giêsu bảo các ông: "Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực của kẻ thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.””
 (2) Tên được ghi trên trời: Phần thưởng nhận được ở đời này, cho dù to lớn vĩ đại như Thiên Chúa ban cho ông Gióp, hay có hớn hở vui mừng như các môn đệ vì được Chúa ban cho uy quyền, cũng không thể nào so sánh được với phần thưởng Chúa sẽ ban cho các tín hữu sau này. Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ của Ngài: “Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” Một điều nguy hiểm là nếu quá chú trọng về phần thưởng đời này có thể làm các môn đệ lãng quên hạnh phúc đời sau.
 (3) Hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa không tùy thuộc vào mức độ khôn ngoan của con người, nhưng tùy thuộc vào sự khiêm nhường nhận ra mình bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu được Thánh Thần tác động, hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết Người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
Những gì Chúa Giêsu nói đã, đang, và sẽ còn tiếp diễn đến muôn đời. Biết bao nhiêu người khôn ngoan thông thái và giàu có đã không hiểu được và đã không tin những gì quá hiển nhiên đối với những người có lòng tin. Lý do tại sao những người khôn ngoan không hiểu không phải vì Thiên Chúa giấu không cho họ biết, nhưng thái độ kiêu ngạo của họ đã che lấp trí khôn làm họ không nhận ra được điều Thiên Chúa muốn nói. Lý do tại sao những người giàu có không hiểu vì họ tưởng là họ đã có tất cả và không cần đến Thiên Chúa hay nghe lời Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi không hiểu biết về Thiên Chúa, con người dễ kiêu ngạo tin tưởng vào chính mình. Một sự hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa sẽ giúp con người khiêm nhường nhận ra sự bé nhỏ của mình và biết cách cư xử trước mặt Thiên Chúa.

- Khi không hiểu biết nhưng gì xảy ra trong cuộc đời, chúng ta đừng vội trách Thiên Chúa không có mắt hay không có tình thương. Thái độ thích hợp khi đương đầu với những trường hợp này là khiêm nhường cầu xin Ngài ban cho chúng ta hiểu được lý do, và sẵn sàng vâng theo thánh ý dù không hiểu lý do. Chúng ta sẽ hiểu hết những lý do này trong Ngày Phán Xét.

- Không có phần thưởng nào trên cuộc đời quí giá cho bằng được hiểu biết Thiên Chúa, Người đã dựng nên ta, yêu thương ta, và đang quan phòng mọi sự để ta được sống hạnh phúc bên Ngài suốt đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************

Thứ Bảy tuần 26 thường niên
Sứ điệp:Người môn đệ Đức Kitô được mạc khải mầu nhiệm Nước Trời, và đã được ghi  tên trong sổ hằng sống, vì thế phải biết cùng với Đức Kitô cảm tạ ngợi khen Chúa Cha.
Cầu nguyện: Lạy Cha, khi nhìn lên trời đất bao la, con thấy mình chỉ như hạt cát giữa sa mạc. Và khi so sánh với những người thông thái khôn ngoan, con thấy mình chỉ là kẻ hèn kém bất tài. Thế mà, lạy Cha, qua Chúa Giêsu Con Một Cha, Cha đã mạc khải Nước Trời cho con. Cha cũng đã trao ban cho con muôn vàn hồng ân hồn xác, để con được sống và sống dồi dào. Hơn nữa, Cha còn dọn sẵn cho con một nơi ở bên Cha trong cõi hạnh phúc vô biên. Trước tình thương và muôn ân phúc cao vời ấy, con không biết làm gì hơn là xin được hợp với Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Cha, để mãi mãi dâng lời cảm tạ tri ân Cha.
Lạy Cha, khi còn sống nơi dương thế, Con Một Cha đã không ngừng rao truyền Danh Cha cho mọi người. Vậy mà ngày nay, còn có rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, đang bị bơ vơ và chao đảo, khi họ đi tìm cho mình một lẽ sống. Xin Cha thương mạc khải Nước Trời cho họ.
Xin Cha cũng giúp con biết nỗ lực tiếp nối công việc mà Con Một Cha đã khởi sự, đó là loan báo Danh Cha cho mọi người, để mọi nơi trên địa cầu, Danh Cha được ca ngợi tôn vinh, và mai sau trên cõi trời vinh phúc, mọi người không ngớt cảm tạ tri ân Cha, vì Cha là Đấng toàn năng, quảng đại và giàu tình yêu thương. Amen.
Ghi nhớ : "Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".
06/10/12 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Th. Brunô, linh mục
Lc 10,17-24


HẠNH PHÚC BẤT NGỜ
“Nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa muốn thấy điều anh em đang thấy mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe.” (Lc 10,24)
Suy niệm: Được Chúa Giê-su trao nhiều quyền năng (đạp lên bọ cạp rắn rết mà không hề hấn gì, trừ được quỷ, chữa được bệnh…), các môn đệ dường như ngây ngất vì vinh quang bao quanh các ông, dù đó là hào quang đi mượn. Các ông hớn hở vì đã tung ra được những đòn đích đáng khiến “ma quỷ cũng phải khuất phục.” Vui như thế, các ông đã đặt sai trọng tâm. Vinh quang đích thực của con người không phải là những gì họ làm mà là những gì Thiên Chúa làm cho họ. Hạnh phúc đích thực mà các môn đệ không ngờ tới không phải là làm được những cú ngoạn mục nhưng là được ở với Đức Giê-su, điều mà các ngôn sứ các vua chúa trước đây muốn được mà không được. Và cuối cùng, đó chính là hạnh phúc đời đời, là niềm vui vì “tên của anh em đã được ghi trên trời”.
Mời Bạn: Phải chăng đã hơn một lần bạn, tôi cũng hành xử giống như các môn đệ: vồ vập lấy những ơn Chúa ban mà quên khuấy đi chính Đấng ban ơn? Những lúc làm được điều gì tốt đẹp, bạn đã làm gì: “khoái chí” vì mình được khen ngợi hay bạn làm như Chúa Giêsu, “ngợi khen Chúa Cha là chúa tể trời đất, vì Cha đã mạc khải những điều trọng đại cho những người bé mọn”?
Sống Lời Chúa: Nhớ lại một ơn lành đã được hoặc một việc tốt bạn đã thực hiện và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về điều đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa đã ban cho con biết bao ơn lành. Xin cho con biết dùng ơn Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân nhiều hơn nữa.
Hớn hở vui mừng
Giáo Hội hôm nay cần Mười Hai tông đồ, Nhưng cũng rất cần Bảy Mươi Hai môn đệ đi tiền trạm cho Chúa Giêsu. Giáo Hội cần những giáo dân được sai đi để xây dựng Nước Thiên Chúa.
Suy nim:
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã sai nhóm Mười Hai
đi rao giảng về Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh tật (ch. 9).
Họ là những tông đồ thân tín, sống gần gũi bên Thầy Giêsu.
Nhưng vì thấy lúa chín đầy đồng, và thợ gặt thì ít,
Đức Giêsu lại sai thêm bảy mươi hai môn đệ lên đường.
Đây là một số người khá đông mà Đức Giêsu quy tụ được.
Chắc họ không luôn luôn ở với Ngài và gần gũi như nhóm Mười Hai,
vì họ còn phải vất vả lo chuyện gia đình, làm ăn,
nhưng họ vẫn được Ngài chỉ định và trao phó nhiệm vụ đi tiền trạm.
Ngày trở về của nhóm Bảy Mươi Hai là một ngày rất vui.
Họ thi nhau khoe với Thầy về chuyện họ trừ được quỷ dữ,
Họ đã có kinh nghiệm về Tên của Thầy mình.
“Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải lụy phục chúng con” (c. 17).
Những môn đệ bình thường bắt đầu vui sướng nhận thấy
họ có thể dũng cảm đối đầu với những mãnh lực đáng sợ
chỉ nhờ đặt nơi Thầy một lòng tin phó thác đơn sơ.
Đúng là Xatan đã đến ngày tàn khi Đức Giêsu xuất hiện (c. 18).
Nó bị sa xuống từ trời, và nước của nó bị đổ nhào bởi Nước Thiên Chúa.
Trước niềm vui chiến thắng của nhóm Bảy Mươi Hai,
Thầy Giêsu muốn nhắc họ về một niềm vui khác, lớn hơn nhiều.
Đó là vui vì tên họ đã được ghi trên trời (c. 20).
Khi Xatan bị tống khỏi trời, thì các môn đệ có chỗ vững vàng ở đó.
Phúc cho họ vì được ơn có tên trong sách sự sống (Pl 4,3).
Đây mới là hạnh phúc và niềm vui đích thật.
Bài Tin Mừng hôm nay đầy ắp niềm vui.
Niềm vui từ số đông môn đệ tỏa lan sang Thầy Giêsu.
Vào ngay giờ ấy, Thầy cũng bất ngờ cảm nếm niềm vui do Thánh Thần,
và môi Thầy bật lên lời cầu nguyện tự phát.
Vừa thân thiết, vừa cung kính, Thầy dâng Cha lời tạ ơn:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha.”
Thầy Giêsu ngây ngất trước những việc Cha làm cho các môn đệ.
Tuy chỉ là những kẻ bé mọn, bình dân,
chẳng phải là những nhà khôn ngoan thông thái,
nhưng họ lại được Cha mặc khải những điều mầu nhiệm.
Cha đã vén mở cho họ tin vàoThầy Giêsu là Con của Cha.
Họ có niềm tin mà những người kiêu căng tự mãn không có được.
Thầy Giêsu khâm phục sự sắp đặt kỳ diệu của Cha:
“Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (c. 21).
Chúng ta có quyền tin rằng,
vào giây phút cầu nguyện linh thiêng này,
không phải chỉ các môn đệ và Thầy Giêsu mới đầy ắp niềm vui.
Cả Chúa Cha trên trời cũng vui, cùng với Chúa Thánh Thần.
Qua lời cầu nguyện, Thầy Giêsu cho thấy Cha đang mặc khải cho môn đệ.
Và chính Thầy cũng đang mặc khải về Cha cho họ.
Đây là giây phút Cha-Con mặc khải về nhau.
Giáo Hội hôm nay cần Mười Hai tông đồ,
Nhưng cũng rất cần Bảy Mươi Hai môn đệ đi tiền trạm cho Chúa Giêsu.
Giáo Hội cần những giáo dân được sai đi để xây dựng Nước Thiên Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm
nay đã trở thành cây cao
cho chim trời rủ nhau trú ngụ.
Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên,
để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới.
Sau hai mươi thế kỷ,
các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.
Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba,
người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới.
Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian,
cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.
Xin cho chúng con đừng mặc cảm
vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam,
nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa
trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ.
Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa,
gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,
trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống.
Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công
vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".
Vui mừng theo Thầy
Ngay giờ ấy được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết ngững điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc. 10, 21)
Mặc dầu gặp những thất bại trên đường truyền giáo, các ông được Đức Kitô sai đi, đã trở về vui mừng vì tổng kết những kết quả không thể bỏ qua. Như những cậu bé sung sướng, các ông kể lại với Thầy: “Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. Điều đó làm các ông xúc động mạnh. Đức Giêsu đã cho các ông hiểu chính Người đã hành động trong lúc các ông truyền giáo. Trong cầu nguyện Người đã thấy Sa-tan, kẻ thù, đã từ trời rơi xuống như chớp. “Đây Thầy đã ban cho anh em quyền năng giày đạp rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng Thầy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.
Như vậy, Đức Giêsu đã làm lắng dịu niềm vui của các môn đệ đi một chút. Điều quan trọng không phải khuất phục được quỷ thần và những thành công khác, nhưng chính là nhiều người đã đón nhận lời Chúa và được ơn cứu độ nhờ các ông, đây mới là điều đáng kể trước mặt Thiên Chúa. Các Tông Đồ đã được đẹp lòng Chúa Cha, Đấng ngự trên trời cao.
Trước công việc tốt lành các bạn hữu đã làm, Đức Kitô không thể ngăn cản được niềm hoan lạc trong Thánh Thần. Và Người đã cảm tạ Chúa Cha đã tỏ những mầu nhiệm cho những kẻ bé mọn mà không tỏ cho những người khôn ngoan thông thái.
Những nhà truyền giáo của Người là những kẻ nghèo khó và khiêm tốn hèn mọn. Người đã chọn các ông từ một giai cấp tầm thường họ không có bằng cấp gì, không phải hạng trí thức, không phải hạng danh tiếng, phần lớn là những người ngư dân chất phát. Vậy không phải kiến thức của họ có thể làm choáng mắt thính giả, nhưng chính đức tin sống động của họ và chân lý của sứ điệp Tin Mừng mà Đức Kitô đã trao phó cho họ.
Giáo Hội sơ khai được đặc ân thay Chúa, như là những dụng cụ truyền giáo, nhưng tất cả những thứ đó đều không thích hợp, không tương xứng với lý trí loài người. Những tiêu chuẩn đánh giá trị của Thiên Chúa không như chúng ta tưởng. Để nhận biết Chúa Cha cũng như nhận biết Chúa Con, những bằng cấp tiến sĩ không cần thiết, dù đôi khi có giúp ích. Chiều dài lịch sử Giáo Hội đã chứng tỏ điều đó. Những cái đầu nhồi nhét đầy, nhưng quá chắc không nhất thiết đạt tới ánh sáng Thiên Chúa. Chúng không có một ki-lô nào đối với những đầu óc bé nhỏ.
GF.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 10
6 THÁNG MƯỜI
Bánh Nuôi Nhiệm Thể Đức Kitô
Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông sự sống với Chúa Kitô. Đó cũng là bí tích xây dựng cộng đoàn. Cây nho và những cành nho là hình ảnh của cộng đoàn này, bao gồm tất cả những ai được liên kết trong Đức Kitô nhờ ân sủng và sự thật. Hình ảnh cây nho và các cành nho nhắc chúng ta về nhu cầu phải sống thực tại Giáo Hội trong mối hiệp thông sâu xa với Đức Kitô và với anh chị em mình. Giáo Hội là Nhiệm Thể của những nguời tin – trong đó Chúa Kitô là Đầu và tất cả các tín hữu là những chi thể.
Sự sống của thân thể này đến từ mạch nhựa sống siêu nhiên là ân sủng và thân thể này lớn lên nhờ ánh sáng của Chúa Thánh Thần. “i” (2 Tm 3,5) của đức tin chúng ta nằm trong chính thân thể này; cũng chính trong thân thể này chứa đựng các mô liên kết giúp đem lại ý nghĩa và mối hiệp nhất cho các cộng đoàn Kitô hữu trên khắp cùng thế giới.
Chân lý này được minh họa bằng một hình ảnh rút ra từ một kỹ thuật nông nghiệp, gọi là “ghép”. Nhờ Phép Rửa, chúng ta được ghép vào với Đức Kitô (Rm 1,17). Chúng ta trở nên những cành nho, được nuôi sống bởi cây nho. Vì thế chúng ta đuợc mời gọi sống hiệp nhất với Đức Kitô và với anh chị em mình. Như vậy, chúng ta là cộng đoàn của những người đã được nhận Phép Rửa và được cứu chuộc. Chúng ta vẫn còn thuộc về cộng đoàn này bao lâu chúng ta còn ở lại trong mối hiệp thông với Đức Kitô và với anh chị em mình. Đức Giêsu vạch cho chúng ta thấy rõ điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tự tách mình ra khỏi Ngài và anh chị em. Hình ảnh minh họa của Thánh Kinh giải thích điều này hết sức rõ: Nếu cành nho không ở lại trong mối liên kết với thân nho thì nó sẽ khô héo đi. Nó bị chặt đi và bị quăng vào lửa.
Nhưng Thánh Thể không chỉ hàm chứa mối tương quan mật thiết giữa Đức Kitô và mỗi người tín hữu. Thánh Thể còn được thiết lập để hiệp nhất mọi Kitôhữu trong tư cách là thân thể của Chúa. Thánh Thể tạo lập trong chúng ta một ý thức sâu xa về mối dây hiệp nhất, về tình huynh đệ, về sự liên đới trong Đức Kitô. Thánh Thể tác động trong chúng ta một cảm thức sâu xa mối gắn bó thiêng liêng, bởi lẽ chúng ta là những người được nuôi dưỡng bởi cùng một bánh để làm nên một thân thể duy nhứt trong Đức Kitô.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Brunô linh mục;G 42,1-3.5-6.12-17; Lc 10, 17-24.
LỜI SUY NIỆM: “Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ, và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10,24).
          Trong đời sống đức tin của chúng ta hôm nay. Mỗi người đều biết ơn đức tin là do bởi Thiên Chúa ban tặng, chứ không phải tự mình mà có được. Nhưng đức tin cũng cần lớn lên với thời gian với thân xác và với trí tuệ hiểu biết. Nếu chúng ta không biết quan tâm đến Lời Chúa, không biết lắng nghe Lời của Ngài, không đối chiếu  cuộc sống của chúng ta qua Lời của Ngài. Chúng ta khó nhận ra tình thương của Thiên Chúa, và mọi ơn lành Ngài ban. Khi chúng ta lắng nghe và tuân phục Lời Chúa, chúng ta sẽ tôn kính mến yêu và ca ngợi tạ ơn Ngài một cách xứng hợp, và đem lại hạnh phúc cho chúng ta ngay hôm nay và mãi về sau.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân

Ngày 06-10
Thánh BRUNÔ 
Linh Mục (1035 - 1101)
Thánh Brunô sinh khoảng năm1035 tại Cologne, nước Đức và từ trần năm 1101 tại Calabria, miền nam nước Ý. Chúng ta biết được rất ít và đời sống thơ ấu của Ngài. Có lẽ Ngài thuộc gia đình quý phái Der Hautenfaust và được giáo dục ở truờng thánh Cunibert tại sinh quán.
Sau đó dường như Ngài đã bỏ Cologne để theo học tại Reims và từ đó tiếp tục học triết ở Tours. Sau này chúng ta biết Ngài làm thủ lãnh các trường Reims, làm chưởng ấn địa phận và làm kinh sĩ toà tổng giám mục. Chắc chắn Ngài là một trong những học giả lừng danh thời đó. Nhiều người đã tới Reims để thụ giáo với Ngài, trong số đó có Eudes de Chantaillen là người sẽ trở thành giáo hoàng với danh hiệu Urbano II. Các sách chú giải về thánh vịnh và các thư thánh Phaolô là những tác phẩm chúng ta còn lưu giữ được, chứng tỏ thánh nhân là một học giả có thế giá và là người hiểu biết tiếng Hy lạp và tiếng Do thái. Vào thời của Ngài ít có người hiểu biết được như vậy.
Các thử thách đổ xuống cuộc đời thánh Brunô, kể từ khi Đức Tổng giám mục Gevase qua đời năm 1068 và Manasses được đặt kế vị. Manasses là một người khô khan và hung bạo, đã chiếm đã ngai tòa giám mục nhờ việc buôn thần bán thánh. Brunô đứng đầu những nhóm kinh sĩ chống lại và bị triệu về Roma. Manasses trả thù bằng cách tịch biên tài sản và buộc các Ngài phải trốn khỏi thành phố. Brunô trốn về một nơi gọi là Rocher, ở tại nhà một người bạn tên là Adam. Lần kia, trong khi đi dạo tại vườn nhà Adam, Brunô với hai người bạn là Ralph và Fulcius đã bàn về bản chất giả tạo của các thú vui trần thế và niềm vui của đời sống chiêm niệm. Lửa nhiệt tình bùng cháy, họ quyết định sẽ bỏ thế gian để sống đời cầu nguyện, ngay khi nào hoàn cảnh cho phép. Nhưng rồi Fulcius phải đi Roma để trình bản cáo trạng tổng giám mục. Brunô không thể bỏ Reims khi Đức tổng giám mục còn tại vị. Cuối cùng, khi Đức Tổng giám mục bị truất ngôi, chi còn Brunô trung kiên với dự tính.
Sau khi Manasses bị truất ngôi, vị đặc sứ tòa thánh muốn đặt Brunô làm tổng giám mục. Nhưng lúc ấy thánh nhân đã trốn khỏi Reims cùng với sáu người bạn, tới một nơi gọi là Sèche-Phontaine. Ngài ở gần tu viện Molesme là nơi thánh Robertô làm đan viện phụ. Có lẽ Brunô là tu sĩ của tu viện này một thời gian ngắn.
Tuy nhiên Brunô đã không ở lâu tại Sèche-Phontaine. Ngài muốn tìm một nơi xa vắng hơn để khỏi bị du khách quấy rầy. Năm 1084, Ngài cùng với sáu người bạn tìm đến miền núi Savoy. Trên đường đi, các Ngài dừng chân tại Grenoble để tham khảo ý kiến Đức Cha Hugues de Chateaineuf, một học trò cũ của Ngài. Vị giám mục thánh thiện đã mơ thấy bảy ngôi sao sáng trên một miền xa thuộc dẫy núi Cjartreuse. Biết rằng Brunô cùng với sáu người bạn của Ngài là những ngôi sao ấy, đức cha đã không chần chờ dẫn họ ngay tới nơi mà giấc mơ đã chỉ cho Ngài. Đây là một nơi đủ yên tĩnh. Brunô và các bạn liền cư ngụ tại đó. Các Ngài làm một nhà nguyện nhỏ và bảy cái lều chung quanh. Đó là bước đầu của một tu viện lớn vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, là nhà mẹ của một hội dòng mang tên CHARTREUSE.
Nhưng rồi thánh Brunô đã quá lừng danh và không thể yên thân được lâu. Năm 1090, Đức Urbanô II, một học trò cũ của Ngài đã nhớ đến thày cũ và triệu về Roma làm cố vấn. Dầu vậy, đức giáo hoàng cũng sớm nhận ra rằng: không có chỗ trong giáo triều dành cho Brunô. Ngài ban phép cho thánh nhân rời Roma, với điều kiện là phải có mặt tại nước Ý.
Trong thời gian vắn vỏi tại giáo triều, thánh Brunô đã gặp nhà quý tộc Roger miền Sicily. Khi rời Roma, Ngài đến cư ngụ ở nơi nhà quý tộc hiến cho, tại La Torre miền Calabria. Ngài thiết lập ở đó một tu viện thứ hai, theo kiểu mẫu dòng Chartreuse. Ngày 6 tháng 10 năm 1101, Ngài từ trần, khi chưa có dịp trở về thăm tu viện thứ nhất của Ngài.(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++

06 Tháng Mười
Bưu Ðiện Lớn Nhất Thế Giới

Có lẽ bưu điện lớn nhất thế giới phải là bưu điện trước cổng Thiên đàng... Mỗi ngày có không biết bao nhiêu thư viết bằng không biết bao nhiêu ngôn ngữ được gửi đến... Tất cả đều là những lời cầu xin. Theo sự phân loại của các thiên thần, thì ba vị nhận được nhiều thư nhất đó là Ðức Maria, rồi đến thánh Antôn và thánh nữ Rita.
Một ngày kia, không còn cầm được tính tò mò, các thiên thần không những đã mở thư gửi cho các thánh, mà ngay cả các lá thư gửi đến cho Ðức Mẹ, các vị cũng không tha. Nhưng các vị thiên thần đã thất vọng bởi vì nội dung và cách viết thư đều giống nhau. Ðại khái thì cũng chỉ là: Lạy Mẹ, xin chữa cho con chóng lành bệnh... Xin cho con của con được khỏe mạnh... Xin cho con tìm được việc làm... Xin giúp con thi đỗ... Xin cho con tìm lại được chồng con...
Cả một loạt kinh cầu mà các vị thiên sứ cũng đành phải nhàm chán, đến độ các vị phải thốt lên: dường như Thiên Chúa chỉ tạo dựng con người có một cái miệng, một cái bụng. Họ không có linh hồn, bởi vì tất cả những lời cầu xin của họ đều qui về hai bộ phận ấy.
Ðức Maria ngày nào cũng như ngày nào đều phải đọc lại những lá thư có cùng nội dung và một công thức. Tình cờ, có một là thư làm Mẹ chú ý. Lá thư đó viết như sau: "Lạy Trinh Nữ rất thánh, con chỉ xin Mẹ một điều mà thôi, xin Mẹ cho con mỗi ngày được nên giống Chúa Giêsu hơn".
Ðọc xong lá thư, Ðức Maria bật khóc vì cảm động. Ngài nói với các thiên sứ phục vụ tại bưu điện: "đây là lá thư mà Mẹ mong đợi từng ngày".
Theo sự thăm dò của nhiều tờ báo lớn trên thế giới, thì tước hiệu "Người đàn bà của năm 1987" đã được dành cho thủ tướng nước Anh là bà Margueret Thatcher, người đã đắc cử vào chức vụ này liên tiếp trong ba nhiệm kỳ.
Ðứng hàng thứ hai trong danh sách những người đàn bà trong năm là nữ tổng thống Aquinô của Phi Luật Tân, người đang đương đầu với không biết bao nhiêu xáo trộn trong nước.
Người thứ ba trong danh sách là Mẹ Têrêsa thành Calcutta (người đã được lãnh giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1979). Kế đó là nữ hoàng Elizabeth II của nước Anh, bà Simone Veil, chủ tịch quốc hội Âu Châu v.v...
Ðối với chúng ta, những người Kitô, thì người đàn bà trong năm và nhứt là trong tháng mười này phải là Mẹ Maria, người Mẹ không phải của một gia đình, một dân tộc. Vị nữ hoàng không phải của một dân tộc, nhưng là của tất cả nhân loại... Mẹ đang lắng nghe chúng ta trong suốt tháng 10 này. Chúng ta hãy thưa với Mẹ tất cả những gì chúng ta đang cần.
Nhưng điều mà Mẹ luôn chờ đợi để trợ giúp chúng ta: đó là mỗi ngày chúng ta nên giống Chúa Giêsu con Mẹ. Bởi vì, trong tất cả mọi ơn cần cho chúng ta, đó là ơn cao trọng nhứt. Càng nên giống Chúa Giêsu, chúng ta càng nên giống Mẹ và được đến gần Mẹ.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++

Ngày 06

Thánh Bơrunô, linh mục

Kinh Mân Côi không tập trung vào Đức Maria, nhưng đúng hơn vào Đức Kitô. Trong 'Thư về Kinh Mân Côi", Đức Gioan Phaolô II nhắc lại điều đó với một niềm tin vững chắc: Kinh này thuộc về Đức Kitô (christologique). Lần chuỗi là chiêm ngắm Đức Kitô với con mắt và trái tim của Đức Maria. Đế làm nổi bật hơn, Đức Gioan Phaolô II đã đề nghị thêm năm mầu nhiệm Sáng, được ly chính xác trong những bài tường thuật Tin Mừng về cuộc đời công khai của Chúa. Đây cũng là một lời giải cho sự ngạc nhiên có thể có, khi người ta nhận thy rằng, theo truyền thng, kinh Mân Côi được suy niệm từ Nadarét (sau khi tìm được trẻ Giêsu trong đền thờ) đến cuộc Thương khó (các mầu nhiệm thương).
Với chuỗi hạt hay không chuỗi hạt, cu nguyện với Đức Maria là lắng nghe, là ngắm nhìn, là theo Đức Giêsu, là học tập theo Tin Mừng Đó là khám phá sự chiêm ngắm Kitô giáo: vấn đề không phải là đi sâu vào sự phản tỉnh và những lắt léo của cái tôi, mà là để gặp gỡ một Gương mặt, là để cho người ta trông thy, là nhìn mọi sự trong ánh sáng và sự âu yếm của cái nhìn này, sẽ dần dần thành cái nhìn của chúng ta "Chiêm ngắm là trở thành", thánh Têrêsa Avila nói như thế.
Alain Bandelier

Hạnh Các Thánh
Ngày 6 tháng 10
THÁNH BRUNÔ
SÁNG LẬP DÒNG SÁCTRƠ

Thánh Brunô một trong những nhân vật thời danh của phong trào phục hưng của thế kỷ XI và XII. Ngài cũng là một trong những vị tôn sư khả ái, có nhiều môn đệ và bằng hữu nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau khi qua đời, tên tuổi ngài mau bị lu mờ trong suốt mấy thế kỷ. Cho tới ngày 19.7.1514, thánh Giáo Hoàng Lêô X truyền ghi tên ngài vào sổ bộ chư thánh của Giáo hội, danh thơm và nhân đức của ngài mới được phục hồi xứng đáng.
Theo những tài liệu còn lại, chúng ta biết thánh nhân sinh khoảng năm 1034, trong một gia đình quý tộc thuộc tỉnh Côlônia. Lúc còn nhỏ, Brunô theo học tại các trường ở tỉnh nhà. Mãn học, ngài dâng mình cho Chúa và lãnh chức kinh sĩ. Chịu chức linh mục rồi ngài đi Rêims theo lớp bổ túc về tín lý. Năm 1056, cha Brunô được mời về Rôma giữ chức giáo sư tín lý. Kỳ này cha bắt đầu chú giải Kinh thánh. Tập chú giải đầu tiên về thánh vịnh, và tập thứ hai về thư thánh Phaolô. Tuy là những tác phẩm chú giải, cha cũng mặc cho chúng một văn từ hoa mỹ, sáng sủa và mạch lạc. Ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng của thánh Âutinh.
Những tác phẩm này được chuộng nhất vào thế kỷ XVI vì thế, danh hiệu tôn sư Brunô mà các môn đệ và nhiều học giả thời bấy giờ truy tặng cha, nay sống lại một cách trọn vẹn hơn khi nào hết. Cha Brunô dạy học có tiếng đến nỗi sau khi cha qua đời, ghế giảng sư của cha Brunô bị bỏ trống trong một thời gian gần một phần tư thế kỷ. Nhắc đến cha, ai cũng khen ngợi tài ba và đức độ của ngài. Người đương thời đã khen tặng cha bằng những tước hiệu như: nhà hùng biện số một, nhà văn lỗi lạc, nhà biện chứng luận, nhà văn phạm và tiến sĩ trên các tiến sĩ...
Những lời khen tặng ấy không có gì quá đáng nếu đem đối chiếu với những lời chứng rất thật do các cựu môn sinh của thánh nhân kể lại. Cha Rangêriô sau làm giám mục thành Luques thường xưng mình là môn sinh của vị tôn sư khả kính Brunô. Đức Giám mục Rôbertô địa phận Langres hay xin các vị tu hành trong địa phận cầu nguyện cho vị tôn sư lỗi lạc của mình. Còn cha Lambert, tu viện trưởng ở Pochiê cũng luôn luôn nói với các tu sĩ trong dòng rằng: “Hầu hết những điều tôi huấn dụ anh em, tôi đã được Thiên Chúa phú ban qua người thầy thánh thiện là tôn sư Brunô”. Cha Mainard, bề trên tu viện Comêry và cha Phêrô, giám đốc tu viện thánh Gioan tại Soisson cũng thường hãnh diện xưng mình là môn đệ của tôn sư Brunô. Nhưng có lẽ người môn đệ trung thành và thời danh nhất của cha Brunô, chính là cha Êuđê Chatillôn, sau làm Giáo Hoàng với danh hiệu là Urbanô II.
Với tinh thần nhân bản đích thực, cha Brunô đã được hân hạnh làm cố vấn cho một trong những vị Giáo Hoàng đã từng canh tân Giáo hội nhiều nhất. Nhưng không phải vì thế mà cha Brunô không vấp phải những trở ngại do những người khác ý kiến, khác lập trường tư tưởng gây nên. Ngay khi cha mới về dạy tín lý tại Rôma, họ đã tìm mọi cách phản đối cha. Dưới triều Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII, tại công đồng Autun, năm 1077, nhiều linh mục thành Reims đã đệ đơn tố cáo cha. Vụ án kéo dài tới công đồng Lyon năm 1080. Nhưng sau cùng phần thắng vẫn về phía cha Brunô, và mọi người, kể cả đối phương, đều công nhận cha là người chính trực và liêm khiết.
Kể từ năm 1077, khi bị tố cáo tại công đồng Autun, cha Brunô từ giã ghế giáo sư tín lý, để thong dong hướng về đời sống thánh thiện âm thầm mà cha đã nhiều năm ôm ấp. Năm 1082, cha đến Molêm thụ huấn với cha Rôbertô. Đây là một tu viện mới được cất lên năm 1075, với mục đích quy tụ các vị tu hành thành một cộng đồng. Tuy nhiên, quy luật dòng vẫn chưa được nhất định. Phần cha Brunô, ngài mơ ước đời sống bán tu hành, hay đúng hơn “bán cộng đồng” hơn là đời sống cộng đồng chặt chẽ theo quy luật. Vì thế, cha đã lãnh ý cha Rôbertô cùng với hai đồng bạn là Phêrô Bêthunne và Lambertô Bourgogne đến Séche Fontaine, cách Môlêm chừng mấy dặm đường. Nhưng chỉ một năm sau, cha lại từ giã các bạn, đi tìm một địa điểm thuận tiện hơn. Nguyên do chính khiến cha từ biệt cha Rôbertô và các bạn cha chỉ vì lý tưởng sống của cha Brunô có một mầu sắc khác biệt. Dầu vậy, mối liên lạc giữa cha Brunô và toàn thể cộng đồng tu viện do cha Rôbertô sáng lập vẫn bền chặt và đằm thắm. Bằng chứng là khi được tin cha Brunô qua đời, các thầy đã gửi đến tu viện Torre những lời phân ưu tình nghĩa như sau: “Chúng tôi đoan hứa trong 30 ngày liền sẽ dâng lễ cầu cho cha Brunô, người cha ân nhân của các thầy và là người bạn chí ái của chúng tôi. Chúng tôi sẽ ghi ngày giỗ của cha vào niên lịch của tu viện...”
Sau những chặng đường mệt mỏi, cha Brunô gặp được cha Seguin Escotay, bề trên tu viện. Theo lời chỉ dẫn của vị này, năm 1084, cha Brunô đến Chartreuse (Sáctrơ) giữ chức bề trên một tu viện mới. Tại đây, tu viện được Đức Giám mục Hugues nhiệt liệt ủng hộ và khuyến khích theo đúng như nội quy mà cha Brunô đã đệ trình. Noi theo quy luật của thánh Giêrônimô và thánh Bênêđitô, các tu sĩ đầu tiên ở Sáctrơ, ngày đêm chăm lo cầu nguyện, làm việc chân tay, trau dồi trí thức và biên chép sách vở. Nhờ đó mà chẳng bao lâu, tu viện đã có được một thư viện nổi tiếng vì nhiều sách.
Cho đến ngày nay, tu viện Sáctrơ vẫn là một tu viện khắc khổ và nhiệm nhặt nhất. Khí hậu của miền rừng núi càng làm tăng thêm giá trị đời sống hy sinh hãm mình của các thầy. Đầu tiên các tu sĩ sống từng hai người một, nhưng dần dà mỗi người sống trong một hang núi hay trong một túp lều riêng biệt. Ở đó, mỗi thầy tự do cầu nguyện, hãm mình và làm việc riêng, chỉ hội nhau dự lễ cộng đồng vào các ngày lễ trọng và chủ nhật mà thôi.
Ngày tháng trôi qua tốt đẹp trong sự ganh đua hy sinh và cầu nguyện. Tới năm 1089, bỗng một việc không đẹp xảy ra tại tu viện khiến cha Brunô hết sức đau đớn. Nhưng cũng là sự kiện chứng tỏ tài ba và nhân đức của ngài. Số là năm 1088, khi cha Êuđê Chatillon, một trong những môn sinh lỗi lạc của cha Brunô, được đắc cử làm Giáo Hoàng, với danh hiệu là Urbanô II. Đức Tân Giáo Hoàng là người có tâm hồn cởi mở, ngài muốn có nhiều vị cố vấn khôn ngoan giúp ngài cai trị Giáo hội. Trong số những nhân vật được đề cử có cha Brunô, vị tôn sư khả ái của ngài. Vâng lời, cha Brunô lên đường đi Rôma cùng với mấy thầy. Ngài trao quyền điều khiển tu viện cho cha Lăngđanh. Nhưng chẳng may, có nhiều thầy nhân dịp vị sáng lập vắng mặt đã đứng lên chỉ trích cha Lăngđanh và đòi cải tổ luật dòng. Giữa lúc nguy ngập, cha Lăngđanh đến xin Đức Giám mục Huygues và cha Seguin can thiệp để làm dịu những yêu sách của các thầy. Nhưng vô ích, tình trạng rối loạn vẫn mỗi ngày một gia tăng, đến nỗi cha Lăngđanh phải cho người sang Rôma mời cha Brunô về. Không cần phải cải tổ và dàn xếp vất vả, sự hiện diện của vị sáng lập đã dẹp tan ngọn sóng phũ phàng vừa tràn ngập tu viện.
Sau khi trấn tĩnh mọi yêu sách của các thầy, và đem hòa khí lại cho tu viện, cha Brunô trở lại Rôma. Ngài ở đây cho tới năm 1092, theo ý Đức Giáo Hoàng, ngài đi Calabrê, một hứa địa của các vị tu hành thời trung cổ. Ngài muốn lập tại đó một tu viện lấy tên là tu viện Trinh Nữ Maria. Và đặt dưới quyền bảo trợ của Đức Giáo Hoàng Urbanô II. Ngoài ra, ngài còn lập thêm một tu viện thứ ba mang tên thánh Têphanô cũng gọi là tu viện miền Torrê. Tu viện này sau chiếm địa vị quan trọng hơn cả tu viện đầu tiên tại Sáctrơ.
Lý do khiến tu viện Torrê chiếm địa vị ưu tiên có lẽ là vì đó là nơi chứng kiến những năm sống cuối đời của cha Brunô. Cha không ước gì hơn nữa là thánh hóa đời sống trong tịch liêu và an bình. Hai lá thư cha viết cho tu viện Sáctrơ chứng tỏ điều đó. Cha viết: “Trái tim và linh hồn cha no say đời sống chiêm niệm. Tuy cha chưa được về trời như lòng mong mỏi, nhưng cha đã được Thiên Chúa ban cho một sự thư thái và an bình tràn ngập tâm hồn…”. Trong một lá thư khác trả lời cha Raoul Verd thành Reims, cha Brunô viết: “Tôi hiện ở tại Calabrê với mấy anh em. Tu viện này chìm trong tĩnh mịch lặng lẽ. Ước gì tôi có đủ tài văn chương để tả lại cho cha cảnh thanh bình nơi đây. Còn gì sung sướng hơn khi lòng đã no say của ăn thiêng liêng nhờ chiêm niệm, mắt tôi còn được chiêm ngắm cảnh thái bình có một không hai này. Phải chăng đó là nguồn vui của đời sống tu hành, mà chỉ ai yêu mến thinh lặng và tịch liêu mới có thể thưởng nghiệm…”. Quả thực chúng ta không thể đan cử hết được những dòng chữ ca ngợi đời sống tu hành mà cha Brunô còn để lại như những linh dược khích lệ các môn đệ hậu thế. Nhân dịp cha Lăngđanh đến thăm và đưa tin về tu viện Sáctrơ, cha Brunô đã biên thư về cho các thầy như sau: “Anh em rất thân mến, anh em hãy vui hưởng trọn vẹn nguồn ơn dư đầy Thiên Chúa ban cho anh em. Anh em hãy hân hoan vì anh em đã thoát mọi nguy hiểm, mọi phong ba của biển trần ai. Anh em hãy sung sướng vì anh em đã tìm thấy bến bình an và vững chắc”. Cha không quên khuyên các thầy trung thành với lý tưởng tu hành ẩn dật, xa tránh cảnh huyên náo vô ích của người đời, ngoan ngoãn vâng lời các vị bề trên, nhất là thực hành bác ái cộng đồng, và phát triển tinh thần hy sinh đích thực.
Mấy tháng sau cha lâm bệnh nặng và qua đời, để lại cho mọi người một sự luyến tiếc sâu xa. Theo một tài liệu còn lại của tu viện, thì các tu sĩ đã loan tin về cái chết của ngài như sau: “Chúng tôi, những tu sĩ ẩn dật hèn mọn, thuộc tu viện mà cha Brunô là vị sáng lập, là người cha lân ái và là bề trên cao cả, đau đớn đưa tin cho mọi người biết rằng: khi thấy giờ từ giã trần gian để về với Cha trên trời đã gần tới, cha Brunô cho hội anh em dòng lại khuyên nhủ và kể cho nghe đời sống của ngài ngay từ hồi thơ ấu… đoạn ngài tuyên xưng đức tin cách sốt sắng. Linh hồn thánh thiện lìa khỏi thân xác vào ngày chủ nhật, cũng là ngày mồng 06 tháng 10 năm 1101. Xin mọi người cầu cho linh hồn cha và cho chúng tôi là những tội nhân…”
Nguyện xin thánh Brunô bầu cử trước mặt Chúa cho chúng con biết yêu cảnh đời thinh lặng và giữ lòng thanh sạch để luôn cháy lửa mến yêu Chúa và yêu người.
118 Vị Tử Đạo Việt Nam

Phanxicô Trần Văn Trung (1825-1858)

Phanxicô Trần Văn Trung, Sinh năm 1825 tại Phan Xã, Quảng Trị, Giáo dân, Cai đội, bị xử trảm ngày 6/10/1858 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ông đội Phanxicô Trần Văn Trung lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 6/10.
Đánh Tây thì đánh, bỏ đạo thì không
"Tên trung làm cơ đội Tuyên văn Phong, trước đây bị cáo về tội gian lận trong kỳ thi sát hạch, phải giáng chức và xử trọng tội, nay xin gia nhập sổ lính đi đánh giặc nhưng lại không chịu quá khóa nên đáng xử trảm".
Đọc lại bản án của ông cai đội Phanxicô Trần Văn Trung trên đây, mọi người hiểu ngay tấm lòng của vị thánh. Cũng như hầu hết những người công giáo thời vua Tự Đức, ông Trung tình nguyện tham gia việc chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, nhưng vẫn trung thành với Thiên Chúa.
Phanxicô Trần Văn Trung, sinh khoảng năm 1825 tại Phan Xá, tỉnh Quảng Trị, dưới thời vua Minh Mạng, thuộc gia đình Công Giáo. Thân phụ cậu trước cũng là cai đội. Khoảng năm 24 tuổi, anh Trung kết hôn với một thiếu nữ cùng làng, và sinh được bốn người con. Như các gia đình Công Giáo khác, ông cai đội chu toàn trách vụ Kitô hữu.
Vì một lý do đặc biệt, ông đã bị giam trong tù. Một lần kia, cùng với mười một bạn đồng ngũ, ông phải dự cuộc khảo thí. Trong tình hình bất an thời bấy giờ, muốn việc thi cử trót lọt dễ dàng, phải hối lộ với quan trên. Dù đủ điều kiện trúng tuyển, ông không thể làm khác hơn. Không may, vì việc chia tiền không đồng đều, các quan tranh cãi với nhau. Vua Tự Đức biết tin liền cho cả 12 cai đội vào ngồi tù.
Yêu nước và tin chúa
Sau khi cửa Hàn bị quân Pháp dưới sự chỉ huy của đô đốc Rigault de Genouilly đánh chiếm ngày 01.09.1858, vua Tự Đức liền cho phóng thích các binh lính giam giữ để bổ sung vào số quân bảo vệ kinh thành Huế. Ông cai đội Trung và các bạn hăng hái hưởng ứng. Nhưng khi sắp được xuất trận các quan bắt ép các ông phải bước qua Thập Giá. Mười một người kia liền theo lệnh, còn ông Trung nhất định không chịu nghe. Các quan hỏi : - Tại sao không chịu đạp lên Thập Giá ? Có phải mi theo đạo không ?
- Thưa phải, tôi là người Công Giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi lại bỏ đạo.
Câu nói khẳng khái trọn vẹn đôi đàng của người công dân tổ quốc và người con của Thiên Chúa ấy đã đưa ông cai đội Trung trở lại nhà ngục. Một tháng bị giam, ông bị điệu ra tra hỏi nhiều lần, bị tra tấn ba lần, mỗi lần 50 roi. Những trận đòn đó không làm cho người chiến sĩ đức tin bỏ cuộc. Dự đoán mình sẽ bị xử tử, ông chẳng những không sợ lại tỏ ra chờ mong ngày đó nữa.
Người gia trưởng gương mẫu
Dầu sắp chịu án tử, ông đội Trung đã bình tĩnh thu xếp việc gia đình cách khéo léo. Ông căn dặn vợ: "Tôi có bị chết, mình lo săn sóc các con nhé ! Hãy hết lòng yêu thương các con, đừng tái hôn với ai nữa nhé !". Đứa con nhỏ tám tuổi của ông tên là Catarina Thông được phép ở lại giúp đỡ ông một tháng. Đến khi nghe tin ở xứ nhà để theo học giáo lý và khuyên con vâng lời dạy bảo của các linh mục.
Khi nhớ ra còn thiếu nợ một vài người, ông tỏ vẻ lo lắng vì sợ các chủ nợ bắt các con mình ở đợ để trừ nợ, vừa cực khổ lại vừa có thể quên cả đạo nghĩa nữa, nên ông căn dặn vợ rất kỹ lưỡng, những đồ đạc nào trong nhà phải bán đi và thanh toán nợ nần cho chu đáo.
Thánh Giá trên cổ
Khi không còn hy vọng làm cho ông đội Trung mất niềm tin, các quan liền làm án tâu xin vua Tự Đức cho lệnh trảm quyết. Nhà Vua liền châu phê. Sáng 06.10.1858, ông đội Trung được dẫn ra pháp trường An Hòa (Huế). Năm viên quan cưỡi ngựa và 60 lính đi bộ hộ tống. Cha Anrê Thoại ở họ dương sơn biết tin, liền cải trang đi với một thày giảng tới giải tội cho ông. Cha nhắn một người bà con của ông tín hiệu nhận ra cha: người sẽ cầm một điếu thuốc giơ cao ngang mặt. Ông đội đã chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận Bí tích Giải tội lần cuối cùng.
Nhưng sự việc lại diễn tiến thể khác : các quan đình việc xử lại, và cho người về xin nhà vua tha cho ông, lấy cớ việc xử án có thể bị hiểu lầm là khiêu khích quân Pháp, họ sẽ đánh thì nguy. Đoàn người chờ đến 18 giờ chiều vẫn chưa có tin, liền kéo nhau vào quán nghỉ ngơi, và dẫn ông đội Trung đã bị trói cẩn thận đi theo. Chờ đến khoảng 20 giờ tối, chiếu chỉ vua Tự Đức gởi tới nơi ra lệnh xử tức khắc và đe phạt những quan đã dám xin ân xá cho ông.
Được tin, ông đội Trung hỏi tìm cha Thoại nhưng cha đã trở về vì tưởng ngày mai mới xử án. Lúc đó, ông liền quỳ xuống nền đất, xin đao phủ lấy vôi vẽ trên cổ hình Thánh Giá, để chứng tỏ mình trung kiên với Đức Kitô đến cùng. Sau đó, ông hiên ngang đưa cổ cho lý hình chém. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày để làm gương, rồi mới được đem chôn. Hiện nay thi hài của vị chứng nhân được lưu giữ ở nhà thờ họ Dương Sơn.
Đức Piô X suy tôn ông đội Phanxicô Trần Văn Trung lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
Nguồn từ thư viện Đa Minh

Trường thi tử Đạo.

Cửa Hàn bị quân Pháp chiếm đóng
Vua Tự Ðức mau chóng đổi thay
Tù nhân tình nguyện đánh Tây
Kèm theo điều kiện sau đây đăng trình

Ðể Thánh Giá tự mình quá bước
Trần Văn Trung mực thước đó mà
Ngang nhiên tự ý nói ra
Trần Trung không bước nói là bất tuân

Các quan hỏi mày cần nói rõ
Trả lời ngay đạo có hay không
Trần Trung Công giáo thưa ông
Xâm lăng đi đánh, nhưng không chối trời

Liền bị dẫn vào nơi tù ngục
Năm mươi roi liên tục ba lần
Nhiều trận đòn nát cả thân
Trần Trung chịu đựng chẳng cần thở than

Các quan thấy khó làm đổi ý
Trần Văn Trung quyết chí kiên gan
Các quan hội ý họp bàn
Tâu Vua Tự Ðức xin ban lệnh truyền

Ngài phê chuẩn ban liền trảm quyết
Ra pháp trường mãi miệt An Hòa
Năm nhân viên cưỡi ngựa ra
Sáu mươi lính võ thật là trang nghiêm

Nhưng diễn tiến đột nhiên đổi khác
Các quan đình, nhốn nhác xin vua
Tha cho ông, thần xin thưa
Sợ là khiêu khích vào hùa địch quân

Trung bị trói lại gần quán nghỉ
Tám giờ tối chỉ thị của vua
Hãy trừng phạt kẻ a dua
Xử ngay tức khắc thắng thua đâu cần

Ðấng tử đạo quỳ gần tới đất
Xin đao phủ hoàn tất giúp tôi
Vẽ cây Thánh Giá bằng vôi
In hình trên cổ xong rồi chém luôn

Phan sinh dòng máu tuôn ra chảy
Ðầu phải bêu hết thảy ba ngày
Dương Sơn chôn cất đông thay
Thừa Thiên xứ Huế hiện nay kính thờ

Nơi sinh trưởng ấu thơ Phan Xá
Khi trưởng thành ông đã kết hôn
Con sinh được bốn lớn khôn
Vô tù lần trước nghe đồn tiền chia

Về thi cử mũ hia trót lọt
Phải biết lo đút lót quan trên
Bất đồng cãi vã đôi bên
Ông Trung lãnh đủ, cho nên vô tù

Gặp vợ con trong khu ngục thất
Ông nhủ khuyên rất thật ước mong
Vững tin vào Chúa bền lòng
Gia đình thu xếp vui trong đẹp ngoài

Tôi có chết tương lai con cái
Mình hãy lo rộng rãi yêu thương
Tái hôn lỗi đạo sai đường
Ðứa con tám tuổi ngục đường giúp ông

Cháu còn nhỏ tên Thông con út
Một tháng trời giây phút cuối đời
Khuyên con ngoan ngoãn vâng lời
Học hành giáo lý, nhờ thời quý cha

Ông ngồi nhớ mình đà còn nợ
Liền nhờ người nhắn vợ vào ngay
Bán đồ đạc trả nợ thay
Tôi được thanh thản, đợi ngày xử thôi

Trần Văn Trung sinh thời Ất Dậu (1825)
Tại Phan Xá, Phú Hậu miền Trung
Là quân nhân thích vẫy vùng
Ðánh Tây tình nguyện xin đừng bỏ cha

Phúc tử đạo ban ra Mậu Ngọ (1858)
Bỏ thế gian để tậu Nước Trời
Vinh danh Thiên Chúa sáng ngời
Suy tôn Kỷ Dậu (1909) tuyệt vời thánh nhân

Lời bất hủ: Các quan hỏi: "Tại sao không bước lên Thánh giá. Có phải mi theo đạo không?". Cai đôi Trung trả lời: "Thưa phải, tôi là người Công giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi bỏ đạo". Ông căn dặn vợ: "Tôi có bị chết, mình lo săn sóc các con nhé! Hãy hết lòng yêu thương các con, đừng tái hôn với ai nữa nhé".

6-10

Thánh Brunô 

(1030? - 1101)

T
hánh nhân được vinh dự là đã sáng lập một tu hội mà như người ta thường nói, không bao giờ phải cải cách vì dòng chưa bao giờ đi lạc đường. Chắc chắn là vị sáng lập cũng như các tu sĩ dòng sẽ từ chối lời khen ngợi này, nhưng đó là một kết quả của tình yêu mãnh liệt mà thánh nhân đã dành cả cuộc đời để hãm mình đền tội trong cô độc.
Ngài sinh ở Cologne, nước Ðức, và là thầy giáo nổi tiếng ở Rheims và được bổ nhiệm làm chưởng ấn của tổng giáo phận khi 45 tuổi. Ngài hỗ trợ Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII chôáng lại sự suy đồi của hàng giáo sĩ và tiếp tay trong việc cách chức vị tổng giám mục gây nhiều tiếng xấu là Manasses. Dân chúng muốn đưa ngài lên làm tổng giám mục nhưng ngài lại muốn sống ẩn dật.
Ngài là một ẩn tu dưới quyền tu viện trưởng là Thánh Robert Molesmes (sau này sáng lập dòng Xitô), nhưng sau đó, vào năm 1084 cùng với sáu người bạn ngài di chuyển đến Grenoble. Họ được vị giám mục của Grenoble là Thánh Hugh cấp cho một nơi để sinh sống trong một vùng cao nguyên hoang vắng, được gọi là La Grande Chartreuse.
Brunô và các bạn xây một nhà nguyện nhỏ với các phòng riêng cách xa nhau, sống sát với quy luật của Thánh Biển Ðức, và từ đó xuất phát Dòng Carthusian. Trong một ngày họ chỉ gặp nhau để đọc kinh sáng và tối, thời giờ còn lại họ sống trong cô độc, làm việc lao động, cầu nguyện và sao chép lại các văn bản Kinh Thánh. Ngay cả việc ăn uống, họ cũng chỉ ăn chung trong những ngày lễ lớn.
Ðức Giáo Hoàng Urbanô II nghe biết sự thánh thiện của Brunô, đã gọi ngài về Rôma để làm phụ tá trong việc cải cách hàng giáo sĩ. Sau khi khước từ chức tổng giám mục mà đức giáo hoàng ban cho, Bruno đã xin Ðức Urbanô cho phép ngài trở về đời sống ẩn dật, thành lập cộng đồng Thánh Maria ở La Torre trong vùng Calabria, và ngài sống ở đây cho đến khi lìa đời, ngày 6-10-1101.
Ngài chưa bao giờ được chính thánh phong thánh vì quy luật dòng Carthusian không chấp nhận những vinh dự công cộng, nhưng vào năm 1514, Ðức Giáo Hoàng Leo X đã cho phép dòng Carthusian mừng lễ kính ngài, và tên của ngài được xếp trong niên lịch Công Giáo Rôma từ năm 1623. 

Lời Bàn

Nếu đời sống chiêm niệm là một lối sống không dễ thực hiện, thì chắc chắn sự hãm mình đền tội được thể hiện qua cuộc đời ẩn dật của các tu sĩ Carthusian lại càng khó khăn biết chừng nào.

Lời Trích

"Thành viên của các cộng đồng tận hiến cho sự chiêm niệm đã hy sinh chính mình cho Thiên Chúa trong sự cô độc và thinh lặng, liên lỉ cầu nguyện và hãm mình đền tội. Bất kể những nhu cầu của giáo hội có khẩn cấp đến đâu, những cộng đồng như thế luôn luôn góp phần độc đáo trong Nhiệm Thể Ðức Kitô..." (Sắc Lệnh về Canh Tân Ðời Sống Tu Trì, 7).

Bài đọc 2 
Hãy chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp của đức tin 
Trích sách của thánh Ghê-gô-ri-ô, giám mục Nít-xê, về vấn đề giáo dục Ki-tô hữu.
Thánh Ghê-gô-ri-ô


Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua. Người có tâm hồn trong sạch và vô tội, nghĩa là sạch mọi tà ý, mọi bất lương và đồi bại, mà được Thánh Thần ngự đến trong lòng, thì thánh Phao-lô gọi người đó là thọ tạo mới. Vì chưng khi linh hồn chê ghét tội lỗi, ra sức tập tành nhân đức và đón nhận ân sủng của Thần Khí sau khi đã đổi đời, thì nó hoàn toàn nên mới, được cải tạo và phục hồi. Thánh Phao-lô cũng nói: Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới. Người còn thêm: Chúng ta đừng lấy men cũ, nhưng hãy lấy bánh không men là lòng tinh tuyền và chân thật mà ăn mừng đại lễ. Tôi xin nói là điều này và những điều đã nói về thọ tạo mới phù hợp với nhau. 
Tên cám dỗ đặt nhiều cạm bẫy để làm hại linh hồn chúng ta; theo bản tính tự nhiên khá yếu đuối, con người không thắng nổi nó đâu. Vi vậy, thánh Phao-lô Tông Đồ truyền dạy chúng ta phải tự trang bị bằng những võ khí thiêng liêng. Người nói: Hãy mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an, thắt lưng đai là chân lý. Bạn thấy chăng thánh Tông Đồ ngầm chỉ cho thấy bao phương cách cứu độ: tất cả đều đưa tới một con đường, tới cùng một mục tiêu. Nhờ những phương cách đó, người ta dễ thực thi một cách hoàn hảo các lệnh truyền của Thiên Chúa mà hoàn tất cuộc hành trình của đời sống. Trong đoạn thư khác, chính thánh Tông Đồ nói: Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho chúng ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. 
Vì thế, ai hoàn toàn khinh chê những sự sang trọng đời này và từ bỏ mọi vinh quang trần thế, thì cần phải từ bỏ chính mình cùng với sự sống. Từ bỏ chính mình là không bao giờ tìm ý riêng mà tìm và vâng theo ý Thiên Chúa như theo người hoa tiêu tài giỏi, rồi không có gì ngoài cái là của chung. Như vậy, người tôi tớ Đức Ki-tô, đã được cứu chuộc để phục vụ anh em, sẽ rảnh rang thi hành lệnh trên trong niềm hân hoan và hy vọng. Đó là điều Chúa muốn khi Người nói: Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người. 
Phục vụ người ta như thế phải miễn phí, và ai phục vụ như thế phải tuỳ thuộc mọi người, và coi việc phục vụ anh em như một món nợ phải trả. Vậy những ai được đặt làm đầu thì phải lãnh phần vất vả hơn những người khác, ăn ở khiêm nhường hơn những người cấp dưới, tỏ cho họ thấy đời sống của mình là một hình ảnh và một tấm gương về người tôi tớ, mà xem những kẻ được Chúa tín nhiệm được giao phó cho mình coi sóc như kho tàng Người ký gửi. 
Vì thế, các người đứng đầu phải săn sóc anh em như các nhà giáo dục lương thiện săn sóc trẻ em non dại cha mẹ chúng đã giao phó cho mình. Nếu anh em gắn bó với nhau như thế, người dưới cũng như kẻ trên: người dưới vui vẻ chấp hành lệnh truyền, người trên thúc đẩy anh em tới bậc hoàn thiện; nếu đôi bên trọng kính nhau, thì ngay trên mặt đất này, anh em đã sống đời sống của các thiên thần rồi.
 Lời nguyện 
Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả, xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban và chúng con đang hết lòng theo đuổi. Chúng con cầu xin…
(trích bài đọc Giờ Kinh Sách Thứ Bảy Tuần 26 TN-bản dịch của nhóm CGKPV)
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét