Trang

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Ngày 20 tháng 12


Ngày 20 tháng 12
Mùa Vọng

Bài Ðọc I: Is 7, 10-14
"Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai".
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, Chúa phán bảo cùng vua Achaz rằng: "Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao". Nhưng vua Achaz thưa: "Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử Chúa".
Và Isaia nói: "Vậy nghe đây, hỡi nhà Ðavít: Làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh (x. c. 7c và 10b).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Lạy Chìa khoá Ðavít, Ngài mở cửa thiên quốc, xin hãy đến cứu thoát người bị xiềng xích đang ngồi trong bóng tối tăm khỏi cảnh ngục tù! - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38
"Này trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".
Nhưng Maria thưa với Thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên thần cáo biệt Bà.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
"Vui lên hỡi Ðấng đầy Ơn Phúc! Chúa ở cùng Người". Ðức Maria được Thiên Sứ gọi là "Ðầy Ơn Phúc". Ðầy ơn phúc không phải do công của Mẹ, nhưng vì được Thiên Chúa ở cùng và Ngươì ban cho Mẹ ân sủng đặc biệt.
Mọi phúc lành chúng ta có được là do hồng ân của Thiên Chúa. Không phải chúng ta có công trạng gì để Thiên Chúa phải trả theo lẽ công bằng. Công việc tốt lành chúng ta làm chỉ mang ý nghĩa: Ðáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Ơn cứu độ của chúng ta hoàn toàn nhờ công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô.

Cầu Nguyện:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã ở khiêm nhường nhỏ bé, hoàn toàn tin vào tình yêu của Thiên Chúa nên Mẹ đã được Thiên Chúa đoái thương. Chính nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa làm Mẹ trở nên cao trọng.
Xin Mẹ dạy chúng con biết sống nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa giống như Mẹ. Ðể chúng con đáng được Thiên Chúa đoái thương. Amen.

Ngôi Lời Ðã Hóa Thành Nhục Thể

Gabriel trong tiếng Do Thái có nghĩa là: "Thiên Chúa là sức mạnh". Bởi thế, khi lãnh sứ mạng truyền tin cho Mẹ Maria, hình ảnh sức mạnh nổi bật nơi người mang sứ điệp và chính tại nội dung của sứ điệp. Mẹ Maria phân vân thắc mắc bằng những suy nghĩ thường tình của con người: "Việc ấy thành sự sao được? Vì tôi không biết đến người Nam". Tuy nhiên, thắc mắc này không làm nao núng vị sứ giả biểu tượng cho sức mạnh Thiên Chúa. Sứ giả đã trấn an Mẹ với lời khẳng định: Chẳng có gì mà Thiên Chúa không làm được". Dù cho tuổi già như Elisabeth thì Ngài vẫn cho sinh hạ một con trai để góp phần gia truyền ơn cứu độ. Ngài đã tạo dựng vũ trụ cho con người, Ngài đã gầy dựng một dân tộc từ một đôi vợ chồng son sẻ mà tuổi đã xế chiều, thế mà tại sao Ngài lại không thể tạo cho mình một thân xác từ trong cung lòng người Nữ được?
Thiên Chúa Quyền Năng làm được mọi sự, nhưng dù cho quyền năng thế nào đi nữa thì khi đứng trước tự do của con người Ngài cũng phải đành bó tay, vì Ngài tôn trọng sự tự do của con người. Quả thật tự do là một món quà quí báu nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho con người. Với lý trí và tự do con người đã vẽ lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi thân phận thụ tạo của mình. Có tự do mới có tình yêu, vắng bóng tự do thì chỉ còn là những áp đặt, trói buộc hoặc lợi dụng. Không gì làm đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng khi con người biết dùng tự do để đáp lại tình yêu của Ngài, và cũng không gì làm đau lòng Ngài cho bằng khi con người sử dụng tự do để phản bội Ngài. Dù Ngài Quyền Năng tuyệt đối thì Ngài vẫn không dùng Quyền Năng để ngăn cản sự tự do của con người. Vì thế mà thảm cảnh đã đến với nhân loại khi nguyên tổ đã cản ngăn chương trình tốt lành của Thiên Chúa dành cho mọi thụ tạo.
Thế nhưng, Thiên Chúa lại không bỏ mặc con người nhưng Ngài đã hứa ban ơn cứu độ ấy được thể hiện qua dòng lịch sử. Khung cảnh được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay là điểm cuối của hằng bao thế kỷ chuẩn bị ấy. Và dù phải bỏ công chuẩn bị suốt một thời gian dài như vậy, Thiên Chúa cũng không dùng quyền năng của mình để ép buộc Mẹ Maria chấp nhận chương trình của Ngài. Ngài đợi chờ hai tiếng "Xin Vâng" thốt ra từ môi miệng của Mẹ, Ngài tôn trong tự do nơi Mẹ. Về phần Mẹ Maria, Mẹ cũng dùng lý trí của Mẹ để tìm hiểu, thắc mắc. Tuy nhiên, khi dùng lý trí thì Mẹ vẫn không bước ra ngoài sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
Câu hỏi của Mẹ là một thắc mắc chính đáng trong cái suy nghĩ thường tình của con người: "Làm sao một người nữ lại có thể sinh con khi không có sự tiếp tay của người nam". Sứ thần đã hướng dẫn lý trí của Mẹ suy nghĩ đến quyền năng của Thiên Chúa. Lúc này tâm trí của Mẹ không chỉ qui về sự việc bà chị họ mang thai nhưng bao gồm tất cả chiều dài của chương trình lịch sử cứu độ.
Nhờ thế mà hôm nay Giáo Hội mới có được lời kinh Magnificat để chúc tụng trong giờ kinh Phụng Vụ. Và rồi chẳng ngần ngại Mẹ đã thưa "Xin Vâng". Hai tiếng "Xin Vâng" tuy vắn gọn nhưng không mất tính chất quan trọng của một chiếc chìa khóa mở cửa cho nguồn ơn cứu độ đến với nhân loại. Chẳng gì là quá đáng khi chúng ta lập lại lời thơ của Hàn Mặc Tử:
"Lạy Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel!
Khi người xuống trần gian truyền tin cho Thánh Nữ.
Người có nghe xôn xao muôn vị tinh tú?
Người có nghe náo động cả phương trời?"
Vì do sự sử dụng tự do của nguyên tổ mà chương trình tốt lành của Thiên Chúa bị cản ngăn, thì lúc này với sự sử dụng tự do của Mẹ Maria chương trình cứu độ tình thương của Ngài được thiết lập.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta bắt chước ở nơi Mẹ Maria thái độ lắng nghe, tìm hiểu và rồi sẽ đáp trả trong tự do và tin tưởng. Vì mỗi ngày Thiên Chúa vẫn hằng chờ đợi chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể và trong các biến cố của cuộc sống. Ngài chờ đợi một lời đáp trả trong "tin yêu", vì Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do của ta. Nếu chúng ta biết thưa hai tiếng "Xin Vâng" như Mẹ Maria đã thưa thì chắc chắn Ngài sẽ đến và sẽ hành động trong chúng ta. Nhưng nếu một khi đã có Thiên Chúa đến ở với thì tôi tớ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng vậy, là tạo vật hèn kém, bất xứng nhưng một khi được Thiên Chúa ở cùng chúng ta sẽ chỉ là chi thể, là bạn hữu và là anh em của Ngài.

20/12/2011 - THỨ BA TUẦN 4 Mùa Vọng
Lc 1, 26-38
*******
THÁI ĐỘ SẴN SÀNG CỦA MARIA
“Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Maria không gật đầu bừa. Cô đã bối rối và chất vấn, được thuyết phục trước khi nói lên lời Xin Vâng ấy. Nhưng Maria đã được thuyết phục bởi chứng lý gì? Không phải vì nghe tin chị Êlisabét đã có thai (chị ấy tuy tuổi già nhưng ít ra cũng có việc vợ chồng!). Maria xin vâng vì tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Thì ra, lời chất vấn trên kia – “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” – chẳng hề có ý nghĩa chất vấn chút nào cả. Đó chỉ như chút ‘đủng đỉnh làm bộ’ thường thấy nơi các cô gái mà thôi. Bởi chất vấn là để đòi giải thích, để hiểu rồi mới chấp nhận; còn ở đây, lời sứ thần thực ra là lời mời gọi tin vào Thiên Chúa là Đấng “không có gì là không thể làm được.” Và rốt cuộc, Maria chấp nhận mà chẳng hiểu gì, chẳng hiểu bằng cách nào mình sẽ thụ thai, sinh con trai... Rồi sau này, suốt nhiều chục năm, cho đến tận lúc đứng dưới chân thập giá, Maria vẫn chẳng hiểu bằng cách nào mà Giêsu sẽ nên cao cả, sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, sẽ được Thiên Chúa ban cho ngai vàng Đavít, sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời... Điều duy nhất mà Maria hiểu, đó là hiểu rằng mình là nữ tì của Chúa, Đấng có thể làm được mọi sự.
Mời Bạn: Lắng nghe hai tiếng Xin Vâng của Đức Maria, và bắt chước ngài, bạn buông mọi khí giới chống chế của mình xuống.
Sống Lời Chúa: Lâu nay, bạn cảm nhận Chúa mời gọi mình điều gì và mình còn chống chế, chưa đáp trả? Có gì trở ngại để bạn bắt đầu đáp trả từ hôm nay không?
Cầu nguyện: Hát “Mẹ ơi, xin dạy con hai tiếng Xin Vâng...”
(5 Phút Lời Chúa)
*****************************************
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 20 - 12
Is 7, 10-14; Tin Mừng theo Thánh Lc 1, 26-38.
LỜI SUY NIỆM:
          “Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nazarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria.... Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.” (Lc 1,26-27...31).
Trong khởi đầu của câu một, gợi lên về thời gian. Đây là một sự liên kết giữa Cựu Ước và Tân Ước. Tất cả Cựu Ước đều là chuẩn bị cho Tân Ước. Chính đây là một thời điểm vô cùng quan trọng của lịch sử nhân loại đã tới, và được hình thành nơi Gioan Tẩy Giả: “Chính ông là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mt 3,3). Và Tân Ước được khởi đầu nơi Đức Giêsu Ki-tô. Khi Người được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria với quyền năng của Chúa Thánh Thần. Trong đời sống của chúng ta cũng đã nhận biết bao sự truyền tin qua các biến cố trong cuộc sống, có những tin làm cho chúng ta run sợ và đau buồn, có những tin làm cho chúng ta vui sướng hạnh phúc. Hãy học nơi Đức Mẹ Maria: tin vào Chúa và đón nhận trong sự vâng phục Ngài.
Mạnh Phương
*****************************************
20 Tháng Mười Hai
Không Nhà Không Cửa 
Hiện nay trên thế giới có khoảng một trăm triệu người không có nhà để ở. Riêng tại Châu Mỹ La Tinh, có khoảng 20 triệu trẻ em đang ngủ đầu đường xó chợ. Nhìn chung, có một tỷ người trên thế giới không có được một nơi ở tươm tất.
Trên đây là kết quả của một cuộc điều tra dựa trên những con số do các Hội Ðồng Giám Mục và các Giáo Hội Công Giáo địa phương cung cấp. Cuộc điều tra này do Ủy ban công lý và hòa bình của tòa thánh thực hiện và ấn hành thành lập một tập tài liệu vào dịp cuối năm quốc tế những người không nhà không cửa do Liên Hiệp Quốc khởi xướng năm 1988 vừa qua.
Theo tập tài liệu này thì vấn đề nhà ở chắc chắn là một trong những vấn đề trầm trọng nhất của thế giới ngày nay. Tài liệu cho thấy những kẻ không nhà là những người nghèo nhất trong số những người nghèo và tố cáo những người chủ nhà chỉ vì tính toán thủ lợi mà thà bỏ trống những căn nhà hơn là hạ giá để nâng đỡ những kẻ không nhà.
Chúa Giêsu đã chào đời như một con người không nhà không cửa.
Ngài đến là để cho con người được sống và sống một cách sung mãn. Tiếng kêu khóc chào đời của Ngài giữa khung cảnh cùng cực của hang lừa máng cỏ, là tiếng kêu than của hàng triệu triệu trẻ em đang bị tước đoạt quyền sống, đang bị từ chối những điều kiện cơ bản nhất để được sống như con người.
Máng cỏ mà chúng ta đang chuẩn bị ở nhà thờ hay trong gia đình phải là một nhắc nhở cho chúng ta về sự hiện diện và tiếng van xin của không biết bao nhiêu người không nhà, không cửa xung quanh chúng ta. Hơn ai hết, người Việt Nam chúng ta đang nhìn thấy tận, mắt thế nào là cảnh lang thang đầu đường xó chợ.
Chúng ta chuẩn bị một trú ngụ cho Hài Nhi Giêsu, chúng ta có nghĩ đến những người cùng khổ xung quanh chúng ta không?
Chúng ta có biết rằng khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước đau khổ của người anh em chúng ta là chính lúc chúng ta khước từ Chúa Giêsu không?
Chúng ta có biết rằng ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu cũng là ngày Giáng Sinh của những con người cùng khổ nhất không?
Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ không bao giờ đến trong máng cỏ hào nhoáng của chúng ta, nếu chúng ta xua đuổi những người khốn khổ xung quanh chúng ta.
(Lẽ Sống)
*****************************************
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 20 tháng 12 Mùa Vọng
Bài đọc: Isa 7:10-14; Lk 1:26-38.
1/ Bài đọc I: 10 Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng:
11 "Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi
ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh."
12 Vua A-khát trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA."
13 Ông I-sai-a bèn nói: "Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!
Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?
14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en. 
2/ Phúc Âm: 26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,
27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."
29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.
31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.
32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.
33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "
35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.
36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.
37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa. 
Lịch sử Cựu-Ước đã nhiều lần chứng minh: khi nào con người biết trông cậy hòan tòan và thực thi ý muốn của Thiên Chúa, con người được bảo vệ và chúc lành; khi nào con người không trông cậy vào Thiên Chúa, nhưng tin tưởng vào sức mình hay các quyền lực thế gian, con người bị thất bại và bị nguyền rủa.
Hai Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy 2 phản ứng trái ngược này. Trong Bài đọc I, Tiên-tri Isaiah khuyên Vua Ahaz phải cậy trông vào sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa mà không cần phải làm gì cả, vì chính Ngài sẽ giải thóat Judah. Nhà Vua không chịu nghe lời, sai sứ giả đi cầu viện Assyria để được bảo vệ. Kết quả là nước mất, nhà tan, vua dân đều bị lưu đày. Nhưng Thiên Chúa vẫn điều khiển mọi quyền lực và lời Ngài hứa vẫn tiếp tục ứng nghiệm. Trong Phúc Âm, lời hứa ban Đấng Thiên Sai được nên trọn: Sứ-thần Gabriel truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự chịu thai và ra đời của Đấng Cứu Thế. Không giống như sự cứng lòng và bất tuân của Vua Ahaz, Đức Trinh Nữ hòan tòan tin tưởng nơi quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa, đã thưa với Sứ-thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Kết quả là Ơn Cứu Độ được lan tràn tới muôn người. 
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 
1/ Bài đọc I: Này đây một thiếu nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel. 
1.1/ Hòan cảnh lịch sử: Để hiểu Bài đọc I, chúng ta cần đọc Isa 7:1-9 để hiểu hòan cảnh của nước Do-Thái thời bấy giờ. Đất nước bị chia đôi thành 2 vương quốc: miền Bắc còn gọi là Israel, thủ đô đặt tại Samaria; miền Nam còn gọi là Judah, thủ đô đặt tại Jerusalem. Vương quốc miền Bắc liên minh với Syria thành Syro-Ephraimite, để xâm chiếm miền Nam. Đứng trước nguy cơ bị thôn tính, Vua Ahaz của Judah đã sai sứ giả qua Assyria cầu viện mặc dù đã bị ngăn cản bởi Tiên-tri Isaiah, Nhà Vua sẵn sàng dâng lễ vật triều cống và trở thành vương hầu của Assyria. Nhà Vua còn lo hơn nữa vì không có người nối dõi tông đường; đứa con duy nhất của Nhà Vua đã bị sát tế cho Thần Moloch (II Kgs 16:3). 
1.2/ Ý muốn của Thiên Chúa: Khi hay tin Vua Ahaz đã không chịu nghe lời Thiên Chúa, Tiên-tri Isaiah đến gặp và nói cho Vua biết ý muốn của Thiên Chúa: “Một lần nữa Đức Chúa phán với vua Ahaz rằng: "Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh." Vua Ahaz trả lời: "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa."” Thực ra, Vua Ahaz đã không còn tin cậy nơi Thiên Chúa nữa, Nhà Vua chạy theo các thần ngọai, và chỉ còn biết cậy trông vào sức con người. 
Tiên-tri Isaiah nói tiếp: "Nghe đây, hỡi nhà David! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.”
Emmanuel có nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta,” là một tên biểu tượng được cho đứa trẻ mà vợ mới của Vua Ahaz sắp sửa cưu mang (Hezekiah). Tiên-tri Isaiah nhấn mạnh: chính đứa trẻ này sẽ nối ngôi, không do sự cầu viện của Nhà Vua, nhưng hòan tòan do ý muốn của Thiên Chúa. 
Assyria xâm nhập và tấn công Judah (Isa 8:5-8); niềm hy vọng của Vua Ahaz trở thành cớ cho Assyria xâm lăng và phá hủy Judah. Tuy nhiên, những gì Thiên Chúa hứa vẫn tiếp tục được thực hiện. Giòng dõi David và thủ đô Jerusalem vẫn tồn tại sau Thời Lưu Đày và lời hứa về Đấng Cứu Thế phát sinh từ giòng dõi David vẫn tiếp tục được ứng nghiệm. Điều này chứng tỏ rõ ràng cho con người biết: Ý muốn của Thiên Chúa vượt trên mọi tính tóan và khả năng của con người, và Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa! 
2/ Phúc Âm: Lời hứa ban Đấng Cứu Thế được thực hiện. 
Hơn 500 năm sau Thời Lưu Đày, qua 14 thế hệ của giòng tộc David, lời hứa ban Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa được ứng nghiệm trong hòan cảnh như sau: 
2.1/ Sứ-thần Gabriel truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." 
2.2/ Phản ứng của Đức Trinh Nữ Maria: Vì đã khấn giữ mình đồng trinh, Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Điều Maria muốn giữ mình đồng trinh là điều đẹp lòng Thiên Chúa, vì Ngài muốn Con của Ngài nhập thể trong một cung lòng thanh sạch và tinh tuyền như thế. Hơn nữa, lời tiên tri của Isaiah cũng đã báo trước về người trinh-nữ này (parthenos, Isa 7:14). 
Đức Trinh Nữ, cũng giống như nhiều người chúng ta, thắc mắc theo sự hiểu biết của con người: Làm sao thụ thai và sinh con mà còn đồng trinh? Chúng ta quên đi cách của Thiên Chúa: có thể giữ mình đồng trinh mà vẫn sinh con. Sứ thần cắt nghĩa cách của Thiên Chúa: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Sứ thần đưa một bằng chứng cụ thể: “Kìa bà Elizabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." 
Sau khi đã lắng nghe lời cắt nghĩa của Sứ-thần, Đức Trinh Nữ Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi. 
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 
- Chúng ta phải khôn ngoan sáng suốt để nhận ra uy quyền và sức mạnh của Thiên Chúa; đồng thời phải biết khiêm nhường nhận ra sự thấp hèn và yếu đuối của mình.
- Chúng ta phải luôn luôn vâng phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa, cho dù chúng ta không luôn luôn hiểu thấu ý định của Ngài.
- Một điều chúng ta phải tâm niệm: Đối với Thiên Chúa, không có gì gọi là không thể. Chúng ta đừng bao giờ giới hạn Thiên Chúa vào những cái có thể của con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét