Trang

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011


Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng

Bài Ðọc I: Hc 48, 1-4. 9-11
"Elia sẽ đến lần thứ hai".
Trích sách Huấn Ca.
Bấy giờ Elia như lửa hồng xuất hiện. Lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người hiềm ghét ông đã hao đi, vì chúng nó chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa từ trời xuống. Elia, người được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe bởi ngựa lửa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai thấy ngài và được hân hạnh thiết nghĩa với ngài.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).
Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. - Ðáp.
2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. - Ðáp.
3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Ngày của Thiên Chúa gần đến; này đây, Người sẽ đến cứu chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 17, 10-13
"Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: "Tại sao các luật sĩ lại nói Elia phải đến trước đã?"
Chúa Giêsu trả lời: "Thật Elia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".
Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Những người Do Thái đang mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng khi Gioan rao giảng về Ngài, họ lại không chấp nhận. Ðiều làm họ không nhận ra vì họ nghĩ rằng Ðấng Cứu Thế sẽ đến theo nghĩa chính trị, sẽ giải thoát họ khỏi cái khổ trần gian. Nhưng Gioan rao giảng về Ðấng quá bình thường đến nỗi họ không thể chấp nhận và còn chống đối.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, các vua chúa trần gian thì ăn mặc gấm vóc lụa là, có kẻ hầu người hạ... còn Chúa, Chúa là vua cả vũ trụ có trọn quyền hành trong tay, thế mà Chúa lại sống rất bình thường, khiêm hạ. Chính sự bình thường đó khiến con người không nhận ra dung mạo Chúa nữa. Xin Thánh Thần Chúa hướng dẫn chúng con biết nhìn ra dung mạo của Ðức Giêsu qua những người anh em hèn mọn trong chúng con. Amen.

Họ Không Nhận Ra Ngài

Lời Chúa đối với mỗi người đều có một ý nghĩa riêng áp dụng cho người đó trong cuộc sống hiện tại của mình. Chúa Thánh Thần là Ðấng soi sáng cho chúng ta hiểu biết rõ ràng hơn về chân lý niềm tin, cho nên Ngôi Ba được gọi là Thần Chân Lý và mỗi người đều múc lấy ý nghĩa sống cho mình qua Lời Chúa. Tuy nhiên, vì trình độ mỗi người khác nhau, vì hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác cho nên có thể hiểu Lời Chúa sai lệch đi.
Chúa Giêsu trao quyền rao giảng Lời Chúa cho Giáo Hội qua thánh Phêrô, vị đại diện tối cao của Giáo Hội tiên khởi và kế tiếp là trao cho các Tông Ðồ cho đến ngày nay. Cho nên chúng ta thấy trong Do Thái giáo, các luật sĩ là những người cắt nghĩa luật Chúa và họ đã nói với các môn đệ Chúa Giêsu: "Elia phải đến trước đã". Theo truyền thuyết, Elia là một tiên tri đại diện cho các tiên tri trong Cựu Ước, không chết nhưng được đưa về trời và sau này ông sẽ trở lại và các luật sĩ cắt nghĩa: Cần phải đợi Elia trở lại đã.
Chúa Giêsu cũng xác nhận với các môn đệ: "Thật, Elia phải đến để chấn hưng mọi sự". Elia ấy chính là Gioan Tẩy Giả đã rao giảng sự ăn năn thống hối, hãy sửa lối đi cho ngay thẳng, lối đi quanh queo hãy san cho bằng. Những nơi gồ ghề, hố sâu hãy lấp cho bằng thì mọi người sẽ thấy ơn cứu độ. Gioan tiền hô đã đi trước để dọn đường cho Chúa Kitô sẽ đến sau, Ngài đến để mang ơn cứu độ xuống cho trần gian và một số môn đệ Gioan đi theo Chúa Giêsu để xem Ngài, đồng thời Gioan cũng đã xác định vị thế của mình trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi".
Con người của Gioan Tẩy Giả thật là khiêm nhường trong vị thế của ông: "Còn tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người". Gioan Tẩy Giả mang sứ mệnh như tiên tri Elia trong Cựu Ước nhưng cũng là một con người ăn chay hãm mình trong rừng vắng, khiêm nhường, đơn sơ trong công việc dọn đường cho Ðấng Cứu Thế sẽ đến.
Thật là một tấm gương cao quí đáng cho chúng ta bắt chước noi theo. Gioan Tẩy Giả không cao trọng nhờ sự lạ lúc sinh ra nhưng cao trọng do sứ mệnh dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến mà ông đã làm trong sứ mệnh của mình. Trong ngục tối, ông dám nói thẳng sự thật, dám làm chứng nhân cho Thiên Chúa ở giữa trần gian.
Chúa Kitô đến mang sứ mệnh cứu rỗi của Thiên Chúa Cha. Người ta không nhận ra Người, và người ta cũng đối xử với Ngài như các tiên tri trong Cựu Ước, đó là bắt bớ, đánh đập, hành hạ và sau cùng bị lãnh bản án tử hình treo trên thập giá một cách nhục nhã đau thương.
Bao nhiêu năm tháng chờ đợi Ðấng Cứu Thế đến, trải dài trong Cựu Ước vậy mà khi Ngài đến con người đã không nhận ra Ngài. Mỗi người chúng ta đôi lúc cũng đã không nhận ra Ngài trong cuộc sống, chúng ta vẫn nhớ Lời Chúa nhắc với chúng ta: "Ai làm cho một kẻ bé mọn nhất trong anh em ấy là làm cho chính Ta".
Những kẻ bé mọn đó là ai? Thưa, họ là những người mà Chúa Giêsu đã nói: :Ta đói các con cho Ta ăn, Ta khát các con cho Ta uống. Ta rách rưới các con đã cho áo mặc. Khi Ta ở tù các con đã viếng thăm". Lời nói của Chúa Giêsu làm mỗi người trong chúng ta suy nghĩ và tự nhận: Ailà anh em tôi? Không phải những ai xa lạ, không phải là những ai ở xa để rồi chúng ta không thấy được. Không phải là những bậc giàu có sang trọng trong xã hội, những người thiếu thốn, những người chạy gạo ăn bữa hôm lo bữa mai, những người không có thân nhân bà con, không mái nhà che mưa che nắng vào những trưa hè nóng oi bức, vào những cơn mưa tàn tã của thời tiết thu đông.
Mỗi người trong chúng ta tự hỏi như người luật sĩ và biệt phái trong Phúc Âm hỏi Chúa Giêsu: "Nhưng ai là anh em tôi?" Chúng ta cùng nhau xin Chúa cho chúng ta biết rõ, cảm nhận một cách sâu xa hơn câu trả lời của mình trong Mùa Vọng này để chúng ta đi đến niềm nở với người anh chị em, cùng nhau nắm chặt bàn tay thân ái đón mừng Chúa đến.
Lạy Chúa, Gioan Tẩy Giả đến để chuẩn bị cho Chúa mang ơn cứu độ đến. Xin cho mỗi người trong chúng con chuẩn bị tâm hồn trong sáng hân hoan để đón Chúa đến trong chúng con và trong gia đình thân yêu của chúng con. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con biết yêu thương nhau, chia sẻ cho nhau tất cả tinh thần và vật chất để trọn niềm vui mừng đón chờ Chúa đến. Amen.

10/12/2011 THỨ BẢY TUẦN 2 MV
Mt 17,10-13
*****
NHẬN RA CHÚA KHI NGÀI ĐẾN
“Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra ông, nhưng đã đối xử với ông theo ý họ muốn.” (Mt 17,12)
Suy niệm: Có người chơi chữ nên giải thích theo nguyên ngữ La Tinh rằng “Mùa Vọng” (adventus) là mùa “phiêu lưu” (adventurus), –cả hai từ đều chung một gốc advenire, có nghĩa là “đến”– mùa “phiêu lưu” của Chúa! Quả thật Thiên Chúa đã làm một cuộc phiêu lưu khi thực hiện cuộc giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Để làm điều đó, chưa kể đến cuộc chuẩn bị kéo dài miên viễn, mà “khi thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4) Con của Ngài sinh xuống làm người, cuộc giải cứu đã có nguy cơ bị bóp vỡ từ trong trứng nước. Nhưng bi đát nhất là chính những con người mà Ngài đến để giải cứu lại không nhận ra Ngài. Sở dĩ ta chưa nhận ra Ngài vì ta thường ép nặn một Thiên Chúa cho vừa cái khuôn theo ý riêng mình, lấy đường lối của mình thay thế đường lối của Thiên Chúa và bắt Ngài phải đi theo con đường của mình. Cho nên khi Chúa sinh ra trong hang đá nghèo hèn, sống khó nghèo với người nghèo, chết chôn nhờ mồ người khác, thì con người không thể nhận ra Ngài. Thật đáng tiếc thay!
Mời Bạn: Có thể bạn đã quen với hình ảnh một Hài Nhi “được vấn tã đặt nằm trong máng cỏ;” thế nhưng khi Chúa đến theo đường lối khiêm hạ, nghèo hèn giữa muôn người nghèo để có thể sống với và sống cho người nghèo, bạn có bị che khuất không nhận ra Ngài không?
Chia sẻ kinh nghiệm về việc nhận ra một lần Chúa đến trong đời bạn.
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ những người nghèo hèn, bất hạnh vì Chúa đến trong những người đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng và có tâm hồn rộng mở để có thể nhận ra Chúa đang đến với con.

(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Hc 48, 1-4.9-11; Tin Mưng theo Thánh Mt 17, 10-13.
LỜI SUY NIỆM: “Nhưng Thầy nói cho anh em biết: Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông ấy theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” (Mt 17, 12).
Theo quan niệm của người Do-Thái trước khi Đấng Mêsia xuất hiện, ông Ê-li-a phải đến trước; để khôi phục lại mọi sự xứng hợp trước khi Đấng Mêsia bước vào; ông sẽ là một nhà cải cách vĩ đại và phi thường, ông sẽ đi khắp thế giới để tiêu diệt điều ác sửa sang mọi sự cho ngay thẳng. Cùng những suy nghĩ này, sau khi các tông đồ đã thấy Chúa Giêsu tỏ mình trên núi, trên đường xuống núi các ông đã hỏi Ngài về chuyện xuất hiện của ông Ê-li-a. Chúa Giêsu đã cho các ông biết đó là Gioan Tẩy Giả, để sửa lại quan niệm của các tông đồ, đồng thời khai mở cho các ông biết, con đường của Gioan Tẩy Giả là con đường đau khổ và hy sinh. Cũng như chính Ngài cũng phải đi trên con đường Thập Giá. Chúa Giêsu nêu rõ ràng con đường phục vụ Thiên Chúa không bao giờ là con đường gạt bỏ người ta ra khỏi cuộc sống, mà là con đường thu phục bằng tình thương trong phục vụ và tha thứ, để nâng con người lên, dẫn vào chính lộ, để được trở nên con cái của Thiên Chúa.
Mạnh Phương
++++++++++++++++
10 Tháng Mười Hai
Quyền Con Người

Ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quyền con người... Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhận loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ.
Khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội... đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn.
Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hay dày ải trái phép, quyền không bị độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.
Ðó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người.
Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản của con người. Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo mà thôi.
Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của người Kitô chúng ta vì chúng ta tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu rỗi bằng chính Máu của Ðức Kitô. Ðó là tất cả phẩm giá của con người.
Với ý thức ấy, người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người và mỗi người, nhất là những người kém may mắn, cùng khổ nhất.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 04 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn Ðộ, đã xác quyết về công cuộc của Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người nghèo. Ðược hỏi: ơn cao trọng nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? Vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái đã đáp gọn: "Ðó là người nghèo". Bởi vì, theo Mẹ Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ nói: "Họ là Chúa Giêsu đối với tôi. Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm những điều lớn lao cho họ".
Nhìn những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội tước đoạt mọi quyền lợi và bị đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa Giêsu: đó phải là cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng ta. Tôn trọng nhân quyền, bệnh vực nhân quyền là thế đó.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần II MV
Bài đọc: Sir 48:1-4, 9-11; Mt 17:10-13.
1/ Bài đọc I:
1 Rồi ông Ê-li-a xuất hiện, ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa,
lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng.
2 Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân, và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt.
3 Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời, và ba lần cũng cho lửa đổ xuống.
4 Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng, ông thật là vinh quang hiển hách!
Ai có thể tự hào được nên giống như ông?
9 Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi.
10 Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông đã được nêu danh, để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Gia-cóp.
11 Phúc cho ai được nhìn thấy ông, và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa, vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống.

2/ Phúc Âm:
10 Các môn đệ hỏi Người rằng: "Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước?"
11 Người đáp: "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự.
12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế."
13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tiên Tri Elijah và Gioan Tẩy Giả
Tiên-tri Elijah sống vào thời Vua Ahab (874-853 BC), một thời kỳ hưng thịnh về vật chất, nhưng đời sống tâm linh sa sút trầm trọng. Nhà Vua đã cưới công chúa Ideven, ái nữ của Vua Sidon, lại còn tuyên bố thờ thần Baal. Chính Vua đã lập một bàn thờ để kính Baal trong đền thờ Vua đã xây cất tại Samaria (I Kgs 16:30-33). Vì Vua mà hầu hết dân chúng đã bỏ Thiên Chúa để tôn kính các thần ngọai bang. Tiên-tri Elijah được Thiên Chúa sai tới để khiển trách Vua và khuyên dân phải ăn năn trở lại cùng Thiên Chúa.
Gioan Tẩy Giả sống vào thời Nước Do-Thái bị đô hộ bởi Đế-quốc Roma và tòan dân đang mong đợi Đấng Thiên Sai đến giải phóng dân tộc khỏi tay Đế-quốc và lên ngôi cai trị dân chúng. Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa sai tới để chuẩn bị đường cho Đấng Cứu Thế, và người ta tuôn đến với ông để nghe giảng, thú nhận tội lỗi, và chịu Phép Rửa để được tha tội.
Hai ông có nhiều điểm giống nhau: ăn uống nghiệm nhặt, ở trong sa mạc, mặc áo lông lạc đà. Lời rao giảng như lửa đốt cháy lòng người. Sứ vụ của các ông là chuẩn bị đường cho Thiên Chúa đến: các ông chuẩn bị bằng lời rao giảng để mang lòng cha ông trở lại cùng con cháu. Các Bài đọc hôm nay tập trung vào cuộc đời của 2 ông. Bài đọc I nói về cuộc đời của Tiên-tri Elijah. Phúc Âm nói về cuộc đời của Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu tuyên bố và các môn đệ nhận ra: Gioan Tẩy Giả chính là Tiên-tri Elijah mà truyền thống Do-Thái đã tin ông phải đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cuộc đời Tiên-tri Elijah
1.1/ Sự xuất hiện của Tiên-tri Elijah: Ông xuất hiện trong đám lửa (Sir 49:1) và ra đi cũng trong đám lửa (Sir 49:4). Lời rao giảng của ông cũng nóng cháy như lửa: “Ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng.”
Ít có Tiên tri nào làm được nhiều phép lạ như ông: Một số các phép lạ của Elijah làm được kể lại trong Sách Các Vua:
(1) Tiên-tri đóng cửa trời không cho mưa rơi xuống trong 3 năm trong thời Vua Ahab. Sách Đức Huấn Ca nhắc lại những gì xảy ra trong Sách Các Vua (x/c I Kgs 17:1-18:46): “Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân, và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời.”
(2) Tiên tri truyền cho hũ bột của Bà góa thành Zarephath sẽ không vơi cho tới khi Chúa làm cho mưa trở lại; vì Bà đã tin tưởng làm bánh cho tiên tri ăn (I Kgs 17:14).
(3) Tiên-tri cũng nhân danh Thiên Chúa làm cho đứa con trai của Bà sống lại sau 3 lần nằm trên nó (I Kgs 17:1-24).
(4) Tiên-tri cầu nguyện và khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ hy sinh trong cuộc thách thức với các tiên tri của thần Baal và thần Aserah, để chứng minh Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa độc nhất (I Kgs 18:23-38).
(3) Ba lần, Tiên-tri khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi 3 người sĩ quan và 150 quân lính của các ông, được sai tới để bắt Tiên-tri về trình diện Nhà Vua. Chỉ lần thứ tư, khi người sĩ quan năn nỉ thay vì truyền lệnh, người sĩ quan và 50 lính của ông mới thóat chết bởi lửa từ trời (II Kgs 1:1-15); sau đó Tiên-tri mới chịu đi xuống gặp Vua Ahaziah.
Trong tất cả các Tiên-tri của Cựu-Ước, Tiên-tri Elijah được coi là Tiên-tri sáng giá nhất, vì các phép lạ ông đã làm như lời Sách Đức Huấn Ca tôn vinh Tiên-tri: “Thưa ông Elijah, ông đã làm bao việc lạ lùng, ông thật là vinh quang hiển hách! Ai có thể tự hào được nên giống như ông?”
1.2/ Sự ra đi của Tiên tri Elijah: Sau khi đã hòan tất sứ vụ, Tiên-tri đã không phải chết như bao người, nhưng đã được Thiên Chúa mang đi như lời Sách Đức Huấn Ca nói hôm nay: “Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do những ngựa đỏ như lửa kéo đi.” Thiên Chúa mang Tiên-tri đi đâu không ai biết. Nhiều người nói ông được Thiên Chúa giấu trên một ngọn núi cao. Truyền thống Do-Thái tin ông không chết, và ông sẽ trở lại trước Ngày Đấng Thiên Sai đến, để chuẩn bị đường cho Ngài. Họ cũng tin Mose không chết; do đó, trong Đền Thờ, họ luôn đặt hai ghế trống: một cho Mose và một cho Elijah.

1.3/ Sự trở lại của Tiên-tri Elijah: Vì Tiên-tri Elijah không chết, nên ông sẽ trở lại như trình thuật của Sách Đức Huấn Ca hôm nay: “Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông đã được nêu danh, để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Jacob. Phúc cho ai được nhìn thấy ông, và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa, vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống (Sir 48:10-11). Tiên-tri Malachi cũng tường thuật sự trở lại của Tiên-tri Elijah trong phần Phụ-chương (Mal 3:23-24).
2/ Phúc Âm: Gioan Tẩy Giả chính là Tiên-tri Elijah.
Trình thuật của Thánh-sử Matthêu chúng ta đọc hôm nay là sau biến cố “Chúa Giêsu biến hình” trên Núi Tabor. Các môn đệ đã được nhìn thấy Chúa Giêsu biến hình và đàm đạo với Moses và Elijah. Là người Do-Thái, các môn đệ biết rõ truyền thống tin về Tiên-tri Elijah. Vì thế, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: "Vậy tại sao các Kinh-sư lại nói Elijah phải đến trước?" Người đáp: "Ông Elijah phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Elijah đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế." Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu muốn nói với các ông hai việc:
(1) Truyền thống đúng trong việc tin Elijah đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế: Chính Gioan Tẩy Giả đã tự nhận mình là sứ giả đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế khi bị chất vấn bởi các Kinh-sư và Biệt-phái: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaiah đã nói.” Cách ông dọn đường là sửa sọan tâm hồn mọi người để họ xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế; nhưng có những người Do-Thái cứng lòng không tin ông. Vua Herode đã truyền chém đầu ông vì ông đã dám nói sự thật để bảo vệ luân lý gia đình. Sau khi đã nghe những lời cắt nghĩa của Chúa Giêsu, các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả chính là hiện thân của Tiên-tri Elijah.
(2) Truyền thống sai trong việc hiểu về cách Tiên-tri Elijah (Gioan Tẩy Giả) và Đấng Cứu Thế sẽ dùng để chinh phục nhân lọai: Họ tin là các ngài sẽ dùng sức mạnh để hủy họai những người không tin; nhưng các Ngài lại dùng đau khổ và hy sinh để chinh phục những người không tin. Chúa Giêsu không đến để tiêu diệt những kẻ tội lỗi, nhưng đến để chinh phục họ về cho Thiên Chúa bằng yêu thương tha thứ và bằng cái chết đau khổ của Ngài. Như thế gian đã dùng quyền lực để giết chết Gioan Tẩy Giả, họ cũng dùng quyền lực để giết Đấng Cứu Thế.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Các Tiên-tri được sai tới là vì dân chúng đã lạc xa đường lối của Thiên Chúa. Bổn phận của các Ngài là dùng lời rao giảng và phép lạ kèm theo để đưa dân trở về với Thiên Chúa.
- Cách đưa con người về với Thiên Chúa không bằng dùng sức mạnh để bắt ép và tiêu diệt, nhưng bằng lời rao giảng về sự thật, yêu thương, và tha thứ.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét