Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

25-01-2015 : (phần I) CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN năm B

25/01/2015
Chúa Nhật 3 Quanh Năm Năm B
(phần I)

Bài Ðọc I: Gn 3, 1-5. 10
"Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay".
Trích sách Tiên tri Giona.
Lời Chúa phán cùng Giona rằng: "Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi". Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ". Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9.
Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. (c. 4b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Ðáp.
2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 29-31
"Bộ mặt thế gian này đang qua đi".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 1, 15
Alleluia, alleluia! - Nước Chúa đã gần đến, hãy tin tưởng vào Phúc Âm. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 14-20
"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm". Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Tin Vào Phúc Âm và Sống Phúc Âm

Ba bài đọc Thánh Kinh hôm nay có thể hướng suy nghĩ của chúng ta về việc thống hối tội lỗi và cải tạo đời sống. Ðó là một đề tài quan trọng và phong phú. Trong thánh lễ này, chúng ta chỉ để ý đến khía cạnh những người được Chúa gọi phải đổi mới tâm hồn và đời sống tư tưởng của Chúa nhật trước về ơn gọi.

1. Chúng Ta Ðược Gọi Tin Vào Phúc Âm
Bài Tin Mừng Marcô chúng ta vừa nghe nói đến việc Chúa Yêsu gọi 4 tông đồ đầu tiên. Rõ ràng không giống Tin Mừng Yoan đã kể trong Chúa nhật trước. Vì thế chúng ta lại càng tin chắc hơn: các tác giả đã không quay phim tại chỗ. Việc Chúa gọi các tông đồ đầu tiên đã được suy nghĩ lâu năm trước khi được đem viết lại thành văn bản. Và khi được viết ra, nó đã mang nặng chất thần học. Cái hay và cái khéo của những bản văn này là vẫn giữ lại được cho câu truyện hương sắc mới lạ của buổi đầu. Ðọc đoạn văn Marcô hôm nay, ai nghĩ ngay là một bản văn đã thần học hóa những sự kiện xảy ra trong thực tế? Ngược lại, chúng ta có cảm giác thật sự như thấy Ðức Yêsu đang đi trên bờ biển Galilêa và gọi các tông đồ. Nhưng đối với thánh Marcô thì khác. Và có lẽ đối với chúng ta sau khi suy nghĩ cũng vậy.
Ðức Yêsu bấy giờ không phải là chính là Ðức Yêsu hồi mới ra giảng đạo đâu, nhưng là Ðức Yêsu đã sống lại. Quả vậy, dù muốn dù không, khi viết Tin Mừng, Marcô đã có một cái nhìn đức tin sâu sắc về Ðấng mà người muốn rao giảng lại cho hậu thế. Con mắt người có thể nói, đã nhận được những tia sáng phục sinh để nhìn vào Ðức Yêsu, nên mọi nét tả, mọi lời văn trong sách Tin Mừng của người đều chan chứa đức tin và mang nặng chất thần học.
Vì thế, không phải vô lý mà Marcô đã bắt đầu bằng chữ: "Sau khi Yoan bị bắt". Ông là vị tiền hô của Chúa. Cuộc tử nạn của ông báo trước việc Chúa chịu chết. Do đó với những chữ mở đầu như trên Marcô có ý gợi lên sự kiện "sau khi thụ nạn", Chúa Yêsu đã lui về Galilêa. Người bắt đầu gọi lại các tông đồ. Và như vậy câu truyện Marcô kể bây giờ được bọc trong mầu nhiệm Phục sinh.
Trước hết, chính Ðức Yêsu bây giờ là nhà truyền giáo lý tưởng. Sứ điệp của Người là nội dung các tông đồ phải truyền lại. Người giảng ở đất Galilêa (dân ngoại) để Hội Thánh bắt chước Người đi làm việc ở các dân tộc. Người nói rằng thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng!
Ðó là những lời rất quan trọng và mầu nhiệm. "Thời buổi" ở đây không phải là thời gian năm tháng tính theo các loại đồng hồ, nhưng là lịch sử, là kỷ nguyên. Với việc Ðức Kitô chịu chết và sống lại, lịch sử đã đi vào giai đoạn sung mãn. Thánh Kinh gọi là thời buổi cuối cùng. Từ nay đến tận thế không có gì mới nữa. Chỉ còn việc ơn cứu độ của Ðức Kitô lan rộng ra khắp không gian và thời gian.
Vì thế, "Nước Thiên Chúa đã gần bên". Không ai còn ở xa ảnh hưởng của Ðức Kitô cứu thế nữa. Do đó, mọi người phải hối cải, tức là từ bỏ con đường mình đang theo và quay mặt về với Chúa. "Và hãy tin vào Tin Mừng".
Nhưng Tin Mừng nào?
Ở đây Marcô dùng một từ ngữ chuyên môn. Thoạt đầu chữ "Tin Mừng" gợi lên những buổi trọng đại trong đời sống xã hội. Sứ giả của nhà vua được sai đi thông báo cho toàn dân thiên hạ biết những sự vui mừng có hệ mật thiết đến hạnh phúc của họ. Nào là việc có một hoàng đế lên ngôi; ngài vừa có một thái tử; ngài lập đông cung thái tử lên chức kế vị ngai vàng, chẳng hạn... Ðó là những Tin Mừng vì mật thiết liên hệ đến đời sống ấm no của chư dân. Nhưng phần lớn, đó chỉ là những tin mừng chủ quan và hạn chế.
Tin Mừng đích thực cho mọi thời và mọi nơi đúng như lời các thiên sứ đã loan báo cho mục đồng là Chúa Cứu Thế đã giáng sinh. Thành ra khi sách Tân Ước dùng chữ Tin Mừng và giục chúng ta tin vào Tin Mừng, thì chúng ta phải hiểu đây chính là sứ điệp cứu độ: Thiên Chúa đã thi hành kế hoạch cứu thế của Người khi sai Con của Người đến chịu chết và sống lại cho loài người chúng ta. Ðó là Tin Mừng của Thiên Chúa công bố trong thời đại cuối cùng. Và nội dung Tin Mừng ấy toàn nói về Ðức Yêsu Kitô; và cũng chính là Ðức Yêsu Kitô. Rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa là công bố kế hoạch cứu thế của Người trong Ðức Yêsu Kitô, là công bố đời sống và sự nghiệp của Ðức Yêsu Kitô, là công bố chính Ðức Yêsu Kitô. Nên Tin Mừng và Ðức Yêsu Kitô cũng là một.
Vậy đã có Ðức Yêsu Kitô là sứ giả đặc biệt của Thiên Chúa để rao giảng Tin Mừng; Người đã đến đất Galilêa dân ngoại để làm chứng Tin Mừng phải được mang đến cho các dân tộc. Hơn nữa Người đã rao giảng Tin Mừng khi thực hiện việc chịu chết và sống lại để cứu thế; thì không những từ nay người ta phải hối cải và tin vào Tin Mừng, và hơn nữa từ nay phải có nhiều người đi rao giảng Tin Mừng ấy.
Thế nên Chúa Yêsu đã gọi anh em Simon và Anrê, cũng như Yacôbê và Yoan. Họ đang làm nghề bắt cá. Người bảo họ hãy theo Người đi bắt các linh hồn. Lập tức họ bỏ lưới chài và tất cả để đi theo Chúa.
Chúng ta đã nói: Marcô kể khác với Yoan. Ở đây, Marcô có lẽ mô phỏng sách Các Vua (1,19-21) trong đoạn thuật truyện Êlia gọi Êlisê làm tiên tri. Hôm ấy Êlia đi đường gặp Êlisê đang bừa ruộng. Ông lại gần, tung chiếc áo choàng ra trên con người của Êlisê. Ông này hiểu ngay ý nghĩa: nhà tiên tri muốn ông từ nay thuộc về Ngài. Êlisê xin được phép về nhà hôn cha hôn mẹ, rồi đến nơi bẻ cầy, bẻ bừa làm củi, thui luôn cả bò và bỏ mọi sự để đi theo Êlia làm tiên tri.
Marcô đã lấy lại đoạn văn trên. Nhưng ông đã sửa chữa. Thời buổi đã mãn, người ta không còn được phép về nhà từ gĩa cha mẹ nữa. Người ta phải bỏ ngay mọi sự mà đi theo Chúa làm tông đồ.
Và làm tông đồ là làm như Chúa Yêsu và Marcô vừa phác lại chân dung trong những câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay. Người đã qua mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh. Người đến giữa dân ngoại. Người công bố Tin Mừng của Thiên Chúa, để người ta hối cải và tin vào Tin Mừng và để người ta cùng Người làm thành cộng đoàn mật thiết tiếp tục rao giảng Tin Mừng.

2. Chúng Ta Phải Sống Phúc Âm
Không ai có thể thấy mình ở ngoài sứ điệp trên đây. Tất cả chúng ta đều phải hối cải và tin vào Phúc Âm. Phụng vụ hôm nay mượn những lời thư Phaolô giúp đỡ chúng ta đi vào nếp sống mới này.
Thoạt nghe, có thể chúng ta không thích những lời khuyên loại này. Chúng có vẻ xuất thế, không hợp thời với đạo nhập thế. Có người còn nhận xét, trong những câu khuyên này không một lời nào nhắc đến Thiên Chúa và Ðức Yêsu Kitô. Và người ta kết luận đây là thứ đạo đức học của các môn phái khắc kỷ và yếm thế hơn là của Kitô giáo.
Nhưng chỉ cần đọc lại với những tư tưởng mà chúng ta đã thấy trong bài Tin Mừng hôm nay: lời thánh Phaolô sẽ tỏ ra sâu sắc khác thường. Trước hết, thật khó dịch cho đúng câu khuyên bảo đầu tiên. "Thời buổi đã co rút lại" nghĩa là gì? Tựu trung, thánh Phaolô cũng chỉ muốn nói cho Ðức Yêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: thời buổi đã mãn. Tức là lịch sử đã đến lúc cuối cùng. Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch cứu độ và cứu thế của Người xong rồi, không còn gì để chờ đợi nữa. Người ta phải nhận hay không nhận. Khất lần, trì hoãn hay dửng dưng là không nhận rồi. Còn nếu nhận thì phải tin "từ nay" đã có Con Một Thiên Chúa giáng sinh làm người; Người đã thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa cứu độ khi chịu chết và sống lại; Người đang ở gần mỗi người và trong mọi lúc cũng như ở mọi nơi. Người đang rao giảng cho chúng ta Tin Mừng của Thiên Chúa, là chính Con Người và đời sống của Người. Chúng ta phải bỏ con đường xưa nay vẫn đi, quay mặt lại với Người là hối cải và tin vào Người.
Khi ấy suy nghĩ tâm tư, cảm giác, đời sống của chúng ta phải khác. Tất cả đều bị chi phối bởi sự hiện diện của Ðức Kitô cùng với giáo lý và đòi hỏi của Người. Kẻ có vợ sẽ như không có, kẻ khóc như không khóc, kẻ vui như không vui, kẻ mua như không cầm giữ, kẻ hưởng thế gian như không tận hưởng... nghĩa là những kẻ ấy sẽ không cư xử như khi chưa biết Chúa Yêsu nữa. Họ đã có Người, có giáo lý và tình yêu của Người, thì họ sẽ sống cách mới mẻ. Suy tư, cảm nghĩ, hành động của họ đều thâm nhiễm ảnh hưởng của Ðức Kitô. Họ sống nhưng không phải họ, mà là Ðức Kitô sống trong họ. Họ ở giữa thế gian nhưng không còn thuộc về thế gian, bởi vì "bộ dạng thế gian" tức là cơ cấu, định luật của thế gian tội lỗi đang qua đi, tức là đang mất ảnh hưởng đối với họ. Họ vẫn ở trong thế gian, nhưng thế gian không giữ được họ và bắt buộc được họ làm nô lệ cho mình nữa. Họ đã được ơn của Ðức Yêsu Kitô giải phóng. Từ nay họ là con cái tự do của Thiên Chúa. Họ được lại quyền làm chủ vạn vật như Adong trước khi sa ngã. Họ có tự do của tinh thần để không bị sức mạnh cuả sự dữ khống chế. Hơn nữa nhờ tinh thần được tự do hoàn toàn ấy, họ khắc phục tiêu diệt được sự dữ luôn luôn làm áp lực trên đời sống của họ.
Ðó là nếp sống mà thánh Phaolô khuyên chúng ta phải đi vào cho phù hợp với ơn gọi của những con người đã tin vào Phúc Âm. Nếp sống này, muốn đầy đủ, phải mở sang một khía cạnh khác nữa là truyền giáo.

3. Chúng Ta Phải Rao Giảng Phúc Âm
Chính bài Tin Mừng Marcô cho chúng ta thấy Chúa Yêsu đã đi rao giảng Tin Mừng, kêu gọi môn đệ và làm thành với họ một cộng đoàn truyền bá Tin Mừng, là cộng đoàn Hội Thánh. Chúng ta phải bắt chước Người chứ đừng bắt chước Yona.
Ông là một người Dothái được Chúa kêu gọi để đi giảng đạo cho Ninivê, ông không chịu. Vì ông ghét thành này. Ninivê không là thủ đô của đế quốc đã xâm chiếm và tàn phá quê hương của ông sao? Giảng đạo cho bọn ấy để họ cũng được ơn của Chúa ư? Không đời nào. Ðàng khác sức mấy mà bọn ấy trở lại! Thủ đô của bọn chúng kiêu kỳ và tội lỗi, dễ gì chịu nghe ai. Nhất nữa người được sai đi đây lại là Yona, một anh nhà quê ở một tiểu nhược quốc!
Yôna không tin ở sứ mệnh Chúa giao phó cho mình. Và ông cũng chẳng muốn thi hành sứ mệnh ấy, kẻo kẻ thù của ông và của dân tộc ông cũng được phúc. Thế nên thay vì đi sang tây, hướng về Ninivê, Yona đã lấy tàu đi Tarsis ở phía đông. Ông chọc tức Chúa, nên Chúa đã nổi lôi đình. Sóng gió nổi dậy. Mọi người trong tàu bắt Yona ném xuống biển. Một con cá lớn vồ tới, Yona bị nó nuốt trửng. Ở trong bụng cá, Yona biết tội nên thống hối ăn năn. Ông hứa sẽ vâng lời Chúa. Con cá liền mửa ông ra bờ. Và ông đã đến Ninivê.
Yona vừa mới rao giảng, từ vua chí dân đã thực lòng thống hối. Khác hẳn một trường hợp trước đây. Yêrêmia giảng cho dân Dothái dưới thời Yoakim (Gr 36). Ðã chẳng thống hối thì chớ, nhà vua lại còn truyền đốt sách của nhà tiên tri! Thật là khác với câu truyện Yona hôm nay.
Vì thế đây chỉ là câu truyện mỉa mai người Dothái. Nó được viết vào thời sau lưu đày. Những người Dothái hồi hương bắt đầu xây lại đền thờ. Các dân chung quanh đến xin góp phần. Người Dothái lạnh lùng từ chối: bọn các ngươi là dân ngoại, các ngươi đã cướp đất cướp của của chúng ta, các ngươi lại muốn được chia sẻ hạnh phúc làm dân Chúa như chúng ta sao? Thái độ ấy thật kỳ cục. Nó hẹp hòi và ích kỷ. Người ta quên lời hứa với Abraham là muôn dân cũng sẽ được chúc phúc khi họ "trở lại" và dân Chúa phải có sứ mạng truyền giáo. Cư xử như thế kia thật còn tệ hơn lương dân nữa.
Câu truyện Yona ý nghĩa như vậy, nên khi người ta xin Ðức Yêsu một điềm lạ, Người nói chẳng có thêm điềm lạ nào nữa ngoại trừ điềm lạ Yona. Người khuyên người ta hãy suy nghĩ về câu truyện này.
Ðến lượt chúng ta hôm nay cũng phải suy nghĩ. Thái độ của chúng ta đối với lương dân và những người không chia sẻ đức tin của chúng ta, như thế nào? Chúng ta có tha thiết cho họ được hạnh phúc như chính chúng ta không? Ðó là chính ý của Chúa. Người đã khởi sự giảng đạo ở Galilêa. Người dạy Hội Thánh đi đến với lương dân. Người gọi các môn đệ đầu tiên để làm thành một cộng đoàn truyền giáo. Hội Thánh của chúng ta phải rao giảng Tin Mừng nhiều hơn. Chúng ta phải nhiệt tình với lương dân hơn nữa. Và trước tiên như Ðức Kitô đã đi qua mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh để trở thành Tin Mừng cho các dân tộc, chúng ta cũng phải đóng đinh xác thịt vào thánh giá để sống cho Thiên Chúa nhiều hơn nữa, như lời thư Phaolô hôm nay khuyên nhủ chúng ta.
Thánh lễ này đưa chúng ta vào mầu nhiệm để chúng ta hối cải và tin vào Tin Mừng. Chúng ta hãy thật lòng thống hối để có nếp sống thật Phúc Âm. Sự hiện diện của chúng ta giữa xã hội cùng với lời rao giảng Tin Mừng sẽ làm ra những Ninivê mới, tức là những xã hội hạnh phúc vui mừng vì đã có những nỗ lực cải tạo sâu rộng.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật III Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Jon 3:1-5, 10; I Cor 7:29-31; Mk 1:14-20


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thời kỳ đã mãn, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Thời gian có sức biến đổi con người trở nên tốt hay xấu hơn. Nếu biết dùng thời gian mà nắm lấy cơ hội, con người sẽ đạt được kết quả mong muốn; nếu không biết nắm lấy thời gian, cơ hội qua đi, con người phải gánh chịu mọi hậu quả xấu, ngay cả cái chết.
Các Bài Đọc hôm nay đều chỉ cho thấy sự thúc đẩy nghiêm trọng của thời gian. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa truyền cho Tiên-tri Jonah phải đi rao giảng cho dân Thành Nineveh biết cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống trên họ. Tiên tri mua vé tàu qua Tarshish, với hy vọng có thể trốn khỏi thiên nhan Đức Chúa. Hậu quả xảy ra là ông bị ném xuống biển. May phước cho ông là được thóat chết. Thiên Chúa truyền lần thứ hai, lần này ông vâng lệnh đi rao giảng. Dân Thành Nineveh tin vào sứ điệp ông rao giảng. Họ tuyên bố thời gian chay tịnh trên tòan nước: vua cũng như dân, từ con người đến súc vật, với hy vọng Thiên Chúa sẽ đình chỉ những hình phạt mà Ngài sắp giáng xuống trên họ. Hy vọng của họ được Thiên Chúa nhận lời. Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu Corintô: Vì thời gian chẳng còn bao lâu nữa là đến Ngày Chúa Quang Lâm, mọi người hãy chú trọng đến những giá trị vĩnh cửu đời sau, đừng quá chú trọng đến những giá trị đời này; hãy dùng chúng như không hưởng thụ, vì bộ mặt của thế gian đang qua đi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu loan truyền sứ điệp: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dân Nineveh tin vào Thiên Chúa.
1.1/ Đức Chúa phán với ông Jonah lần thứ hai: Điều này giả sử phải có lần thứ nhất.
(1) Đức Chúa phán với Jonah lần thứ nhất: "Hãy đứng dậy, đi đến Nineveh, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta." Ông Jonah đứng dậy nhưng là để trốn đi Tarshish, tránh nhan Đức Chúa. Ông xuống Joppa và tìm được một chiếc tàu sắp đi Tarshish. Ông trả tiền, xuống tàu để cùng đi Tarshish với họ, để tránh nhan Đức Chúa. Lý do ông bất tuân lệnh Thiên Chúa là vì ông ghét người ngọai bang, nhất là người Babylon, người mà Chúa truyền cho ông đi tới. Hậu quả là thuyền ông bị đắm, ông bị thủy thủ quăng xuống biển, và bị một con cá voi lớn táp. Như một phép lạ, ông ở trong bụng cá 3 ngày 3 đêm, ông tha thiết cầu nguyện với Thiên Chúa, Ngài đã nhận lời và làm cho cá vào bờ và nhả ông ra (Joh 1:1- 2:11).
(2) Đức Chúa phán với Jonah lần thứ hai: "Hãy đứng dậy, đi đến Nineveh, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi." Có kinh nghiệm lần trước, ông Jonah không dám bất tuân, ông đứng dậy và đi Nineveh, như lời Đức Chúa phán. Nineveh là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường.
1.2/ Thời gian khẩn cấp: Ông Jonah bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa!” Hậu quả xảy ra: “Nineveh sẽ bị phá đổ.” Khi nghe tin này, “Dân Nineveh tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho Nineveh Vua Nineveh; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. Vua cho rao tại Nineveh: "Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết."
Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người đình chỉ về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.
2/ Bài đọc II: Thời gian quá ngắn ngủi … Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.
Có lẽ Thánh Phaolô viết Thư này khi ngài tin tưởng Ngày Chúa Quang Lâm đã gần kề, nên các tín hữu hãy dồn hết nỗ lực chuẩn bị cho Ngày Chúa Quang Lâm. Tuy nhiên, đọan văn này cũng có giá trị của nó, cho dẫu Ngày Chúa Quang Lâm chưa tới. Thánh nhân khuyên:
(1) Người có vợ hãy sống như không có: Vợ chồng là chuyện hệ trọng khi con người còn sống trong thế gian mà thôi; một khi con người về với Chúa, chuyện vợ chồng không còn cần thiết nữa. Chúa Giêsu cũng dạy cho con người biết như thế, khi người ta hỏi Ngài: Trong Ngày Quang Lâm, ai sẽ là chồng của người phụ nữ nếu cả 7 anh em đều kết hôn với người phụ nữ khi còn sống? Chúa trả lời: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lk 20:34-35, Mt 22:30).
Xã hội chúng ta đang sống có khuynh hướng quá chú trọng đến chuyện vợ chồng, và tìm đủ mọi cách để quảng cáo và đề cao nó. Họ quên đi điều quan trọng hơn là làm sao đạt được mục đích của đời người. Ngay cả trong đời sống gia đình, chuyện hai người yêu thương nâng đỡ nhau phần linh hồn trong cuộc đời còn quan trọng hơn những liên hệ vợ chồng phần xác thịt.
(2) Ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui: Cảm xúc vui buồn cũng là những cảm xúc nhất thời, đến rồi đi. Con người đừng đặt quá nhiều chú ý đến cả việc tìm vui lẫn nỗi lo sợ phải u buồn. Mối phúc thứ ba của Bát Phúc còn nhấn mạnh: “Phúc cho ai khóc lóc vì họ sẽ được yên ủi.”
Con người thời đại, nhất là giới trẻ hôm nay quá chú trọng đến những party hội hè. Họ sợ cô đơn thinh lặng một mình; họ chực sẵn điện thọai, chỉ chờ khi nào nghe tiếng gọi đến party là đi. Họ quên đi một điều là “tiệc vui nào rồi cũng có lúc tàn.” Họ không thể party cả ngày và đêm, sức khỏe con người có giới hạn, sớm muộn rồi họ cũng phải đối diện với con người thật của mình. Hơn nữa, sự thinh lặng sẽ giúp con người thư giãn bình an; thời giờ để tìm hiểu học hỏi sẽ giúp con người biết nhận ra những giá trị đích thực của cuộc đời.
(3) Ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả: Mua sắm là khi con người cần đến những gì mình không có; không phải để tích trữ những gì lỡ ra mình cần đến. Con người hôm nay hầu như không còn hiểu thế nào là cuộc sống đơn giản để đừng làm nô lệ cho vật chất. Những nguy hiểm của thái độ mua sắm hôm nay:
- Thấy người khác có, mình cũng phải có, hay phải có thứ sang hơn: Mỗi tuần rủ bạn bè đến nhà mình, hay đi party nhà bạn bè, là lúc để so sánh tài sản của nhau. Nếu thấy mình thua kém bạn bè, sẽ tìm mọi cách cho bằng hay hơn nữa; nhiều khi mua mà chẳng nghĩ mình có cần xử dụng nó hay không. Một cuộc chạy đua như thế sẽ làm giàu cho giới con buôn; và làm cho con người càng ngày càng trở nên nô lệ cho vật chất: muốn có tiền mua phải kéo cày, cày ngày không đủ tranh thủ cày đêm; cho đến ngày con người sẽ sáng mắt ra nhìn thấy: hạnh phúc không tùy thuộc những gì con người có, nhưng trong những gì con người là.
- Mua hàng on sale: Mua sắm đã trở thành thú giải trí: một cuộc đấu trí giữa con buôn và khách hàng. Khi hàng mới ra, con buôn ra giá kinh hồn; mục đích là để cho khách hàng biết giá trị của món hàng. Khi nào hàng đã lỗi thời, họ bán với giá thấp hơn hay giá vốn; lúc đó khách hàng vui mừng vì mua được giá chỉ còn một nửa. Họ có biết đâu, nhiều khi đó mới là giá trị thật của món hàng.
(4) Kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng: Của cải vật chất Thiên Chúa dựng nên là để phục vụ con người, không để con người làm nô lệ cho vật chất. Điều rất nguy hiểm cho con người hôm nay là họ không còn chú trọng đến những niềm vui tinh thần nữa, chỉ còn chú trọng đến những thú vui vật chất. Ví dụ, nghỉ hè là dịp để thân xác được nghỉ ngơi và tinh thần được thư giãn. Để đạt được 2 mục đích này, nhiều khi con người chỉ cần đi cắm trại trong rừng vài ngày, cảnh trí thiên nhiên và bầu khí thinh lặng sẽ giúp con người dễ nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa. Ngược lại, có nhiều người nghĩ nghỉ hè là phải đi chơi xa, phải tốn tiền để mua những tiện nghi hưởng thụ; nhiều khi phải tiêu quá nhiều tiền và tốn quá nhiều thời giờ, làm con người càng lo lắng và mệt mỏi hơn là lúc chưa đi nghỉ.
3/ Phúc Âm: Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
3.1/ Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa: Tin Mừng này gói ghém trong 3 điều chính sau đây:
(1) Thời kỳ đã mãn: Lịch sử Cựu Ước là một chuỗi những thời gian để chuẩn bị cho Đấng Messiah ra đời. Các Tiên-tri đã loan báo những điều này và chuẩn bị dân chúng để đón mừng Ngài. Qua lời rao giảng của Chúa Giêsu hôm nay, Ngài muốn nói cho mọi người biết: thời gian chuẩn bị và chờ đợi đã hết, Ngài chính là Đấng Messiah mà muôn dân đang mong đợi.
(2) Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: Truyền thống Do-Thái tin: Khi Đấng Messiah tới, Ngài sẽ thiết lập triều đại của Thiên Chúa. Chính Ngài sẽ là Vua cai trị mọi người và dẫn đưa mọi người về với Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn họ hiểu: khi Ngài đến, triều đại Thiên Chúa bắt đầu.
(3) Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Phần con người, để được hưởng những gì Thiên Chúa hứa, họ phải ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng Đức Kitô rao giảng.
3.2/ Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên: Để Tin Mừng được lan rộng đến mọi người, Chúa Giêsu mời gọi những môn đệ đầu tiên để huấn luyện họ:
(1) Simon và Anrê: Thấy các ông đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá, Chúa Giêsu mời gọi: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
(2) Giacôbê và Gioan: Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zebedee, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zebedee ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
Phản ứng mau lẹ và dứt khóat của các ông chứng tỏ các ông đã nhận ra tầm quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng và thời gian cấp bách đòi hỏi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đời người chúng ta chỉ giới hạn trong một thời gian ngắn. Hãy tìm ra mục đích cuộc đời và cố gắng sống làm sao để đạt được mục đích đó.
- Thiên Chúa dựng nên mọi sự trong trời đất là vì yêu thương con người, và Ngài đặt muôn sự dưới chân con người. Tôn thờ vật chất như một vị thần là đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa.
- Chinh phục linh hồn con người về cho Thiên Chúa quí trọng hơn tìm kiếm của cải vật chất. Chúng ta hãy mau mắn cộng tác với tiếng gọi của Thiên Chúa để làm việc trong cánh đồng truyền giáo.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

25/01/15 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – B 
Kết thúc tuần lễ hiệp nhất Ki-tô hữu
Mc 1,14-20

Suy niệm: Ca dao Việt Nam có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều - Muốn cho hay chữ thì yêu lấy thầy.” Nền văn hoá Việt Nam vốn trọng đạo thì tất nhiên nó đòi hỏi phải tôn sư. Người học trò phải yêu mến kính trọng thầy giáo vì thầy là người dẫn đưa trò vào con đường đạo đức để sống cho đúng phẩm cách  người công dân trong xã hội. Lời Chúa hôm nay đề cao thái độ tôn sư của các môn đệ đầu tiên đối với Chúa Giê-su. Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng không phải là một lý thuyết đạo đức nhưng là ơn cứu độ của Thiên Chúa ban nơi Đức Giê-su Ki-tô. Bởi thế muốn am hiểu và đón nhận Hồng Ân Nước Thiên Chúa thì phải hoán cải tâm hồn, đi theo Thầy Giê-su sống cuộc sống thân mật gắn bó với Ngài, noi gương các môn đệ tiên khởi này.
Mời Bạn: Cơn lốc của nền kinh tế thị truờng hiện nay làm cho xã hội mất đi những chuẩn mực đạo đức; và thậm chí các nhà mô phạm đạo đức cũng bị tác hại để đánh mất phẩm cách cao quí của mình. Người Ki-tô hữu luôn tin tưởng mến yêu theo chân Thầy Giê-su để luôn kiên vững trong cuộc sống đầy thử thách cam go giữa đời.
Chia sẻ: Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm cá nhân về ơn hoán cải tâm hồn qua sự gặp gỡ thân mật với Chúa Giê-su.
Sống Lời Chúa: Trong việc dạy và học giáo lý, chúng ta sẽ cố gắng phát huy lòng hiểu biết và yêu mến Chúa Giê-su. Nếu chỉ học thuộc lòng các câu hỏi-thưa mà không có lòng yêu mến Chúa Giê-su, thì còn thiếu sót nhiều lắm !
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là con đường là sự thật và là sự sống. Xin cho chúng con luôn kết hiệp với Chúa để được sống mãi trong tình thân với Ngài.

HÃY THEO TÔI
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn cần bạn, vì bạn là Kitô hữu. Ngài vẫn thấy bạn, và mời gọi bạn đáp lại mỗi ngày. Cần trầm lắng mới nghe được tiếng thì thầm của Chúa. 


Suy nim:
Bốn anh thanh niên có gia đình, có nghề nghiệp
lại được Ðức Giêsu mời gọi theo Ngài, bỏ lại tất cả.
Chắc chắn họ không phải là những người nhẹ dạ.
Họ đã từng quen biết Thầy Giêsu và kính nể Ngài.
Ðến lúc nào đó, khi được Ngài hoàn toàn chinh phục,
họ đã sẵn sàng ra đi, nhẹ tênh.
Nhiều người nghĩ rằng đoạn Tin Mừng này
nói về ơn gọi đi tu của các linh mục tu sĩ.
Thật ra đây là đoạn Tin Mừng
nói về ơn gọi của từng Kitô hữu chúng ta,
Chúa Giêsu vẫn đi ngang qua đời ta mỗi ngày
như xưa Ngài đã dọc theo biển hồ Galilê.
Ngài thấy ta như Ngài đã thấy bốn môn đệ.
Ngài thấy ta trước khi ta thấy Ngài.
Cái nhìn của Ngài không làm ta bị tê liệt
vì Ngài chấp nhận trọn vẹn con người của ta.
Cả những yếu đuối và tội lỗi cũng được Ngài đón nhận.
Hạnh phúc cho ai được thấy Thiên Chúa.
Nhưng hơn nữa, hạnh phúc cho ai được Thiên Chúa thấy.
Lúc Ngài thấy ta thì ta vẫn không hay biết.
Ta vẫn mải mê quăng chài hay vá lưới.
Ta vẫn tất bật với những lo toan đời thường,
hay đang miệt mài theo đuổi một ước mơ.
Chính lúc đó, chính lúc ta tưởng mình quá ư ổn định,
và đời mình đã được định hướng quá rõ ràng,
thì tiếng gọi của Ngài vang lên, mạnh mẽ, dứt khoát.
Hãy theo tôi!
Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi đi theo Chúa Giêsu.
Ngài không mời ta đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ.
Ngài mời ta theo chính con người Ngài, gắn bó với Ngài,
nhận Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của cuộc sống.
Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới con người.
Con người là điều ta phải quan tâm,
vì đó là mối quan tâm lớn nhất của Chúa Giêsu.
Theo Ngài là chia sẻ với Ngài cùng một sứ mạng,
là thao thức và đồng cam cộng khổ với Ngài
trong công việc cứu độ toàn thế giới.
Chúa Giêsu mời ta dấn thân vào cuộc đổi đời,
mời ta định lại hướng đi theo những giá trị mới.
Như thế là chấp nhận đổ vỡ, đoạn tuyệt.
Bốn môn đệ đã bỏ lại biển cả và những người thân yêu.
Vợ con của Simon và cha của Giacôbê sẽ sống thế nào?
Mái nhà nay vắng bóng những người đàn ông cột trụ!
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn cần bạn, vì bạn là Kitô hữu.
Ngài vẫn thấy bạn, và mời gọi bạn đáp lại mỗi ngày.
Cần trầm lắng mới nghe được tiếng thì thầm của Chúa.
Bạn có thể sống như một giáo dân bình thường.
lo xây dựng gia đình, sự nghiệp, tương lai.
Nhưng bạn phải sẵn sàng từ bỏ khi cần,
nghĩa là chọn Chúa, đặt Chúa lên trên mọi giá trị đó.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự :
gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG GIÊNG
Gia Đình Và Lao Động - Tìm Sự Cân Đối Thích Đáng
Tôi biết có nhiều doanh nghiệp được điều hành bởi các gia đình. Bổn phận nuôi dưỡng gia đình qua việc đáp ứng các nhu cầu nhân văn và xã hội của nó là một chủ đề thường xuyên được nhắc đến trong giáo huấn của Giáo Hội. Kể từ Đức Lê-ô XIII, ý niệm về lương bổng luôn luôn được gắn kết với tầm mức của gia đình người lao động – nhằm đáp ứng những đòi hỏi của công bằng. Cũng có thể nói tương tự như thế về bất cứ lãnh vực nào khác trong đời sống xã hội.
Trong Thông Điệp Laborem exercens, tôi đã nhấn mạnh đến điểm cốt lõi của mối tương quan giữa gia đình và lao động: “Gia đình vừa là một cộng đồng được tồn tại nhờ lao động vừa là trường dạy lao động tiên quyết cho mọi con người” ( Số 10). Cũng trong thông điệp ấy, tôi đã ghi nhận cảm thức ngày càng tăng về tính khẩn thiết của vai trò người mẹ. “Trong thời đại chúng ta, xã hội đang có một sự đánh giá lại đối với các công việc của người mẹ, về những vất vả của các bà mẹ, và về nhu cầu cần được yêu thương và được chăm sóc của trẻ em – để chúng có thể lớn lên trở thành những con người có ý thức trách nhiệm, những con người trưởng thành về đạo đức và quân bình về tâm lý” (Số 19).
Mối gắn kết chặt chẽ giữa gia đình và lao động càng làm nổi bật lên sự thật rằng con người làm việc để sống. Sự mệt mỏi thể xác và tâm thần – xét như hệ quả của lao động – là một phần của chính sự sống. Và sự sống của con người thì thánh thiêng. Đức tin bảo với chúng ta rằng sự sống này là một món quà rất đỗi lớn lao của Thiên Chúa.
Chúng ta phải tuyệt đối trân trọng sự sống ngay từ lúc bắt đầu là bào thai trong lòng người mẹ cho tới cái chết tự nhiên. Mầm sống đầu tiên cũng thánh thiêng như hơi thở cuối cùng. Cả hai đều cần phải được kính trọng và chăm sóc hết mức.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 25-01
Chúa Nhật III Thường Niên
Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20.

LỜI SUY NIỆM: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới  người như lưới cá.”
Chúa Giêsu đang mời gọi tất cả chúng ta, Người không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, khỏe mạnh, hay đau yếu bệnh tật; hãy theo Người, để được Người hướng dẫn dạy bảo cách kính thờ Thiên Chúa và để học với Người sự hiền lành và khiêm nhường, học với Người cách đối xử với tất cả mọi hạng người, đặc biệt những người tội lỗi, thấp hèn, nghèo khó và bệnh tật hay bị loại bỏ ra bên lề xã hội. Chúa sẽ biến những công việc chúng ta đang làm đang chịu; những hy sinh, hảm mình, và lời cầu nguyện của chúng ta trở thành những lời loan báo Tin Mừng sống động cho mọi người chung quanh.
Lạy Chúa Giêsu, Chúng con tin rằng Chúa đang mời gọi chúng con, tích cực tham gia trong mọi công tác tông đồ giáo dân. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn sống cầu nguyện để đón nhận ơn gọi mà Chúa đang gọi chúng con.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân

Ngày 25-01: Thánh PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI
Thánh Phaolô tông đồ, vị tông đồ cột trụ của Giáo hội sơ khai và vẫn còn là tông đồ nòng cốt của Giáo hội cho đến cùng. Tuy nhiên, Ngài là vị tông đồ không thuộc nhóm mười hai. Trái lại, Ngài còn có một quá khứ bách hại đạo Chúa nữa. Bởi đó càng nhớ ơn Ngài bao nhiêu, chúng ta càng thấy biến cố xoay đổi vị tông đồ cả quan trọng bấy nhiêu. Trước khi nghe chính Ngài kể lại cuộc trở lại của mình. Chúng ta tìm hiểu vắn tắt quá khứ chống đạo của Ngài.
Phaolô có tên Do thái là Saulê, sinh ra tại Tarsô (Cv 22,3) cha mẹ gốc Do thái thuộc chi họ Benjamin (Rm 11,1; Ph 3,5). Bởi đó Ngài nói được cả hai thứ tiếng Hy lạp và Aram (Cv 21,40.26,14) Ngài lên Giêrusalem theo đuổi việc học hành với thầy Gamaliel (Cv 22,3) và trở thành người biệt phái nghiêm nhặt (Cv 23,6. Lc 15,9. Gl 1,13. Ph 3,5). Do đó khi thấy một nhóm tôn giáo mới xuất hiện, Saulê đã nhiệt thành tìm cách ngăn chận. Nhiệt tâm ấy đã dẫn tới việc đổ máu Stêphanô, trong ấy Saulê không chỉ chứng kiến mà dường như giữ phần chủ chốt (Cv 1,58).
Nhiệt tâm còn thúc đẩy Ngài đi xa hơn nữa trên đường đi Damas tìm bắt người công giáo và trên con đường này Ngài đã được cải hóa. Câu chuyện được Luca kể lại trong sách Công vụ 9,1-23 hoặc chính vị tông đồ cũng đã kể lại, để biện minh trước mặt người Do thái (Cv 22,1-21) hay trước mặt Festô và Agrippa (Cv 26,1-23).
Chúng ta hãy nghe chính vị tông đồ nói về cuộc trở lại của mình: - "Tôi là người Do thái, sinh tại Tarsô, xứ Cilieia, đã được nuôi nấng trong thành này (tức Giêrusalem) đã thụ giáo dưới chân Gamaliel, rập theo khuôn phép nhiệm nhặt của lề luật cha ông, nhiệt tâm thờ phượng Thiên Chúa cũng như các ông hết ngày hôm nay. Tôi đã bắt bớ đạo này, đến chết chóc cũng không từ, xiềng xích đã được các thượng tế cho cầm trát để thông tri cho đồng bào mà lên đường đi Damas, để bắt trói những người Kitô hữu ở đó và giải về Giêrusalem để trừng trị.
Số là dọc đường khi tới gần Đamas, thì vào lối giữa trưa thình lình tự trời, một ánh sáng chói lòa lóe rạng bao phủ lấy tôi, tôi ngã xuống nền đất, và nghe có tiếng nói với tôi: - Saulê, Saulê tại sao ngươi bắt bớ ta ?
Tôi hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai ?". Và Ngài nói cùng tôi: "Ta là Giêsu Nazareth, ngươi đang bắt bớ". Những người đi với tôi có thấy ánh sáng, nhưng họ không nghe tiếng người nói với tôi. Tôi nói: "Lạy Chúa tôi phải làm gì ?"
Và Chúa nói cùng tôi: - Chỗi dậy mà vào Damas. Ơ đó sẽ nói cho ngươi mọi điều đã định cho ngươi làm. Bởi tôi không còn thấy được, lòa vì ánh sáng của sự sáng kia, nên tôi đã được các người đi với tôi dắt tay vào Damas.
Có Ananis, một người đạo đức chiếu theo lề luật. Và được chứng nhận nơi mọi người Do thái sở tại, ông đến gặp tôi và đứng bên tôi, ông nói: - Anh Saulê, anh được thấy lại. Và ngay giờ ấy tôi đã được thấy lại.
Ông lại nói: - Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã tiền định cho anh được biết thánh ý Ngài, được thấy đấng công chính và nghe tiếng phát xuất tự miệng Ngài, vì anh sẽ là chứng tá cho Ngài trước mặt mọi người về điều anh đã thấy đã nghe. Và bây giờ sao còn lần lựa ? Hãy chỗi dậy chịu thanh tẩy và chịu rửa mình cho sạch các tội của anh, miệng kêu khấn danh Ngài.
Xẩy ra là khi tôi về Giêrusalem, và cầu nguyện trong đền thờ, tôi đã được ngất trí, và được thấy Ngài phán bảo tôi: - Hãy mau ra khỏi Giêrusalem, vì chúng sẽ không đón nhận chứng của người về ta.
Tôi mới nói: - Lạy Chúa, họ biết lắm: chính tôi đã bỏ tù và đánh đòn khắp các hội đường những kẻ tin vào Chúa, và khi người ta đổ máu Stephanô, chứng tá của Người, thì chính tôi đã có mặt và tán đồng, cùng canh giữ áo choàng cho những kẻ giết anh ấy.
Nhưng Ngài phán bảo: - Hãy đi, vì Ta sai ngươi đi xa, đến với dân ngoại (Cv 22-23)
Những tường thuật này cho thấy kinh nghiệm trên đường Damas không chỉ nơi cuộc trở lại của Phaolô mà còn ấn định những tư chất cá nhân trong đức tin và Tin Mừng của vị tông đồ. Tất cả đều tập chú vào Chúa Giêsu là đấng đã sống lại mà vẫn sống trong Giáo hội Người. Kinh nghiệm Damas còn bao hàm sứ mệnh trao cho Phaolô rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, một sứ mệnh thiết định tính cách phổ quát của Tin Mừng mà có lẽ Phaolô chưa nhận thấy ngay. Ngoài ra cuộc trở lại của Phaolô còn cho thấy ngay. Ngoài ra cuộc trở lại của Phaolô còn cho thấy quan niệm về sự kêu gọi và sự chọn lựa do Thiên Chúa thực hiện.
(daminhvn.net)


25 Tháng Giêng
Thánh Phaolô Trở lại
Hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của Thánh Phaolô.
Theo Sách Công Vụ các sứ đồ, quyển sử ký ghi lại trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Saolê, tên gọi Do Thái của Phaolô, là một thanh niên phong thái và đầy nhiệt huyết đối với Ðạo. Vừa thụ huấn xong với một thầy Rabbi nổi tiếng trong nước, Saolê xung phong đi săn lùng những người môn đệ của Ðức Kitô mà anh cho là một bè phái đi ngược lại với Ðạo giáo.
Một hôm, đang trên đường đi Damascô để lùng bắt các môn đệ của Chúa Giêsu, anh đã bị một luồng Sáng đánh quật té xuống khỏi ngựa và từ trong ánh sáng ấy, anh đã nhận ra tiếng nói của Chúa Giêsu: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt hại".
Từ đó, sự hăng say bách hại các Kitô hữu đã biến thành lòng nhiệt thành phụng sự Giáo Hội của Ðức Kitô. Thiên Chúa đã sử dụng Phaolô làm khí cụ Truyền Giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, tức là các dân tộc ở ngoại Do Thái Giáo.
Cuộc trở lại của Thánh Phaolô đã đánh dấu một khúc quan trọng nhất trong lịch sử của Giáo Hội tiên khởi. Tin Mừng không chỉ giới hạn trong ranh giới của Do Thái cũng như lề luật Maisen, Tin Mừng còn là một nối dài của Do Thái Giáo, nhưng chính là một Tôn Giáo mới cho mọi dân tộc, mọi văn hóa.
Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ cầu cho hiệp nhất. Nơi thánh Phaolô, con người đã dám vượt ra khỏi ranh giới của dân tộc, của Ðạo Giáo của mình, để tuyên bố: Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, La Mã với người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Giáo Hội nhận ra kiểu mẫu đích thực của hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể thực hiện được, nếu mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu có đủ can đảm ra khỏi chính mình. Phải chăng đó không là đòi hỏi đầu tiên của sự trở lại?
Theo từ điển tiếng Việt của Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, "trở lại" nghĩa là về nơi mình ra đi.
Nơi mình đã xuất phát, nơi mình đã ra đi đối với người Kitô chúng ta là gì nếu không phải là Thiên Chúa. Như vậy, trở lại chính là quay trở về với Thiên Chúa.
Sự quay trở lại ấy đòi hỏi một sự từ bỏ tận căn và một thái độ sẵn sàng tuyệt đối. Chúng ta phải đọc lại sự trở lại của Thánh Phaolô: Phaolô là một người thanh niên hăng say với lý tưởng. Lý tưởng của anh chính là phụng sự Chúa hết mình bằng cách tiêu diệt những kẻ mà anh cho là Tà Ðạo. Nhưng trong phút chốc, lần ngã ngựa đau điếng cả người hôm đó đã buộc anh phải xoay chiều hoàn toàn: Những gì anh cho là Tà Ðạo trước kia nay anh phải xem lại Chính Ðạo. Phaolô phải quay ngược đường trở lại. Từ bỏ tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay, từ bỏ con đường mình đang đi, Phaolô đã trở thành một khí cụ mềm nhũn trong tay Chúa.
Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta.
Sự trở lại đó không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối Giáo Hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô. Mỗi lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô chúng ta.
Càng đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.
Xin Thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại hôm nay, giúp chúng ta hiểu được sự trở lại đích thực mà người Kitô chúng ta phải theo đuổi mỗi ngày.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét